GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

https://giaoluatconggiao.com


CHÚA NHẬT III A. Giải thoát khỏi đau khổ và sự chết. JB Lê Ngọc Dũng

CNA3                                    
Mt4, 12-23                             
Giải thoát khỏi đau khổ và sự chết
Tiên tri isaia từ ngàn xưa đã nói đến “Dân đang lần bước giữa tối tăm… Một dân tộc bước đi trong u tối”. Thánh Mathêu nay cũng nhắc lại lời Tiên Tri Isaia: " Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm… những kẻ đang ngồi trong bóng tối của thần chết".
Và rồi các ngài đã không dừng lại chỉ ở sự đau khổ chết chóc nhưng nói lên ngay rằng họ "Họ đã nhìn thấy được ánh sáng bừng lên đang chiếu rọi". Vì vậy, chúng ta có thể nhận ra những người đang còn sống trong bóng tối của thần chết là tất cả loài người, tất cả những ai mà chưa nhận ánh sáng từ trời, ánh sáng của Đấng Cứu Thế.
Các tiên tri, các Thánh Tông Đồ giới thiệu cho cho toàn thể loài người đang sống trong đau khổ, trong sự chết, một Đấng đem lại ánh sáng chiếu soi, Đấng cứu thế, Đấng giải thoát họ khỏi đau khổ và sự chết.
Trong lịch sử nhân loại, không chỉ các ngài mới cho thấy con người đang sống trong đau khổi chết chóc. Đức Phật Thích Ca mâu ni cũng đã nói đến và cũng đã đưa ra giải pháp cứu khổ cứu nạn.
Đức Phật đã nhận thấy nhân loại đang sống trong đau khổ lớn cùng cực. Ngài nói: “Nước mắt chúng sinh trong ba ngàn thế giới đem chứa tích lại còn nhiều hơn là nước trong bốn bể”.
Chưa bao giờ loài người có khả năng kinh tế như ngày nay. Vậy mà một phần lớn loài người đang quằn qoại vì đói ăn và thiếu thốn. Chưa bao giờ con người có thể xích lại gần nhau hơn nhờ các phương tiện giao thông liên lạc, internet. Vậy mà, bao nhiêu cuộc xung khắc kịch liệt vẫn còn tiếp diễn giữa các dân tộc. Nào chiến trang tàn khốc, nào di cư cả triệu người, nào là sống trong cảnh màng trời chiếu đất, đói khát. Chưa bao giờ nhân loại văn minh tiến bộ như hôm nay trên bình diện khoa học. Nhưng các phát minh của khoa học cũng đang đe dọa loài người. Như vũ khí giết người hàng loạt, vũ khí hạt nhân, rồi những kỹ nghệ đang phá hủy môi trường sống gây nên sự xáo trộn khí hậu địa cầu với bao nhiêu là thiên tai thảm khốc.
Cụ thể như ở Việt Nam, hằng ngày các bà mẹ, các người vợ đi chợ mà cứ mãi băn khoăn mua cái gì ăn cho khỏi độc hại, khỏi phải bệnh ung thư, khỏi phải bệnh gan bệnh thận, bệnh đau bao tử.
Đó là phần thể lý. Còn trong tinh thần hay tâm lý, con người còn phải chịu bao nhiêu là đau khổ: những người chúng ta thương mến nhất, tin tưởng nhất lại phản bội. Người ta lường gạt lẫn nhau, người ta bóc lột lẫn nhau, người ta lừa tình, người ta lừa tiền.
Một ví dụ cụ thể vẫn thường xảy ra và ngày nay càng trầm trọng. Đó là sự đau khổ tận tâm can của một người bị phản bội tình yêu. Nàng là người thiếu nữ mới ngày nào đó đang còn xinh đẹp lộng lẫy bước lên xe hoa để kết ước với anh nên duyên vợ chồng. Họ trao cho nhau chiếc nhẫn với lời thề ước yêu thương nhau trọn đời: Anh nói: "Anh đón nhận em làm vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thủy, yêu thương và tôn trọng em suốt đời anh". Thế nhưng hôm nay, nàng đau khổ vì chàng đã ngaoij tình và ra đi kết hôn với người phụ nữ khác, bỏ lại nàng với đứa con bé bỏng. Nàng đã ngất xỉu khi nghe tin chồng bội bạc. Trái tim nàng như vỡ ra. Nàng cũng không còn muốn sống nữa. Nhưng nàng nghĩ rằng: không, tôi phải sống vì con tôi không thể mất mẹ, phải sống mồ côi.
Bao nhiêu gia đình đã tan vỡ một cách tương tự và đang trên đà gia tăng khủng khiếp.
Đức Phật Thích ca đưa ra giải pháp, ngài nói: Chính cái lòng ham muốn của con người làm cho con người đau khổ. Vậy thì muốn thoát khổ thì phải diệt dục, phải hủy bỏ lòng ham muốn. Không ít người đã thấy điều này có lý và đã làm theo lời chỉ dạy của ngài để thoát khổ.
Tuy nhiên. Kinh Thánh, cũng chính là sự mạc khải từ trời, là Lời Chúa, cho thấy chính tội lỗi của con người mới là cội nguồn cho sự đau khổ và sự chết.
Chiến tranh loạn lạc, chết chóc đói kém do đâu mà ra? Do con người tham lam ích kỷ.
Trong làng xóm, cướp bóc, giết hại, mắng chưởi, lường gạt lẫn nhau. Trong gia đình, phản bội tình nghĩa, không chu toàn nhiệm vụ vợ chồng cũng từ cái tham lam ích kỷ kiêu ngạo của con người.
Rõ ràng là chính tội lỗi đã gây nên đau khổ chết chóc. Có thể nói, không có một giáo thuyết tôn giáo nào lại nói đến tội lỗi nhiều hơn Kitô giáo. Mới sinh ra đã được chịu rửa tội để thoát khỏi tội Tổ Tông; mới 7 tuổi bắt đầu sử dụng trí khôn thì phải học xét mình xưng tội. Và như thế, suốt cuộc đời, người tín hữu được kêu gọi hãy ăn năn sám hối và xưng tội thường xuyên.
Vậy thì, chúng ta có thể nhận thấy rằng, để tiêu diệt sự dữ, đau khổ, tiêu diệt sự chết thì phải tiêu diệt tột lỗi nơi chính mỗi người chúng ta.
Ăn năn sám hối, hoán cải đời sống, rõ ràng là điều cần thiết. Chúa Giêsu ngay từ bắt đầu rao giảng Ngài đã kêu gọi: Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến.
Ngài không chỉ kêu gọi chúng ta ăn năn hoán cải nhưng còn nói rằng Nước Trời đã gần đến. Điều đó có nghĩa là ăn năn hoán cải là vì hạnh phúc Nước Trời đã được Thiên Chúa định cho chúng ta. Nước Trời là cùng đích và là sức mạnh thúc đẩy chúng ta hoán cải. Không hướng lòng về Trời và chỉ gắn chặt lòng mình vào thế gian chúng ta sẽ không thể hoán cải. Và vì vậy đau khổ chết chóc cứ mãi diễn ra.
Chính Đức Giêsu đã đấu tranh chống tội lỗi cho đến cùng bằng sự yêu thương thánh thiện của Ngài. Ngài đã chết trên Thập Giá. Ngài biểu lộ tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa và kêu gọi chúng ta cũng hãy chết cho tội lỗi bằng tình yêu thương tha thứ. Ngài cũng không để chúng ta chống trả tội lỗi một mình. Ngài sẵn lòng ban Thánh Thần và ở cùng những ai muốn Ngài tiếp sức trên con đường hoán cải.
Lm. JB Lê Ngọc Dũng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây