GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

https://giaoluatconggiao.com


MỒNG HAI TẾT. Hiếu Thảo Khi Cha Mẹ Còn Sống - JB Lê Ngọc Dũng

Tết, Mồng Hai                                      
 
HIẾU THẢO KHI CHA MẸ CÒN SỐNG
 
Nhớ đến công ơn cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục là đạo hiếu rất tự nhiên của con người. Bởi thế, nhiều người chưa theo đạo nào thì lấy ông bà tổ tiên của mình mà thờ cúng. Rồi người Việt Nam thấy người theo đạo Thiên Chúa không thờ cúng ông bà tổ tiên thì lại chê trách rằng đạo bỏ ông bỏ bà! Qua sự kiện này chúng ta thấy Người VN chúng ta rất có lòng hiếu thảo.
Tuy nhiên lòng hiếu thảo người Việt Nam còn  nhiều khiếm khuyết. Bởi vì nhiều khi chúng ta chỉ chú trọng đến việc báo hiếu sau khi ông bà cha mẹ đã qua đời. Hẳn có nhiều người lúc cha mẹ còn sống chẳng chăm sóc, phụng dưỡng lo lắng thuốc men, coi cha mẹ như của nợ, rồi đến khi cha mẹ qua đời thì cố gắng khóc cho to, kể lể đủ điều, tổ chức đình đám lớn lao để tỏ lòng hiếu thảo với người đời. Làm như vậy, thật là chua chát!
          Trong Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 5919, tác giả Sơn Tuấn có kể lại một câu chuyện làm cho chúng ta suy nghĩ về tình người:
Đang nhâm nhi ly nước giải khát giữa trưa hè nóng nực,  một người ăn xin lại gần tôi giơ bàn tay gầy guộc nói lắp bắp vài tiếng. Và cũng như mọi khi, tôi bắt đắc dĩ đưa bà cụ 500 đồng. Bà cụ ngồi bên gốc cây và tôi được dịp quan sát người hành khất kia. Bà cụ khoảng 70, tóc bạc trắng, ngồi thở. Bà ho từng đợt dài. Đôi mắt bà đỏ hoe nhìn vô vọng ra phía trước. Chốc chốc, bà  lau vội nước mắt chảy dài trên má. Thấy bà cụ khổ tâm và không giống như bao hành khất đã gặp, tôi đến bên bà hỏi :
  • Nhà bà ở tỉnh nào vậy?
  • Ở bên kia cầu chữ Y.
  • Con cái bà đâu cả . . . chắc gia đình túng quẫn quá nên phải  . . .
Bà bật khóc tức tưởi. Giọng bà khản đặc:
- Tôi phải ở nhờ con cái. Chúng nó nuôi tôi. Nhà chúng chẳng thiếu thứ gì, nhưng nghèo tình người, tình mẫu tử. Khổ lắm chú ơi, nói ra thật đáng xấu hổ!
Bi kịch xảy ra khi cơn bệnh tuổi già  ập đến. Các bác sĩ xác định bà bị lao màng phổi. Nghe tin “động trời”, gia đình ba người con cũng lên... cơn sốt. Họ đùn đẩy trách nhiệm nuôi nấng bà mẹ. Người thì bảo buôn bán thua lỗ thu nhập không đủ sống. Người thứ hai lấy lý do, con trẻ mới sanh dễ lây bệnh lao. Cô con gái út than thở cửa nhà chật chội, ở bên chồng. Cuối cùng họ thoả thuận, cứ hai tháng một lần, bà luân phiên tới ở với ba người con.
Bà giờ đây trở thành “món nợ” với con cái. Chẳng ngày nào là bà không nghe những lời trách móc, xiên xỏ của con cái mình. Lúc đầu xa  nói xa xôi, dần dần họ nói thẳng trước mặt bà. Bà gầy rộc người vì khổ tâm và không ít lần bà nghĩ đến việc  tự tử cho xong, cho bớt buồn tủi.
Đến một hôm, bà lỡ hôn vào má đứa cháu nội, cô con dâu đập ly nước xuống sàn nhà , chưởi mắng bà thậm tệ. Anh chồng chị ta cũng nhiếc mắng mẹ. Bị đối xử tệ bạc, bà lũi thủi ra khỏi nhà. Đi mà không biết đi đâu. Ngày bà xin tiền thiên hạ. Tối đến ngũ vĩ hè. Đã gần tuần nay rồi, bà lang thang như người mất hồn, không nhà cửa, không con cái và mang nặng nỗi đau của người mẹ.
Bà lại ho. Cơn ho như rút ruột. Bà tựa vào gốc cây, và tôi cảm tưởng cái dói không còn dày vò cụ nữa. Bà buồn bả kể tiếp:
- Chú biết không, mấy đêm nay đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy đang bồng hai đứa cháu. Không biết giờ này tụi nó đã ngũ chưa. Tội nghiệp thằng Cún, cứ ăn rồi  vào lại nôn ra. Mẹ nó “hư hỏng “ lắm. Còn đứa lớn, chắc chẳng bao giờ được nghe bà kể chuyện nữa. Nó hát hay lắm.
Bà cụ cứ thế kể, kể nhiều về mấy đứa cháu. Bà bất giác đứng đậy đi và không nhân số tiền tôi dúi thêm. Nhìn dáng đi yếu ớt, mệt mỏi của cụ, tôi cảm thấy xót xa. Hẳn rồi cuộc đời sẽ cho mọi người những bài học thấm thía về đạo lý làm người, về ơn nghĩa sinh thành.
(Sơn Tuấn, Báo Sài Gòn giải phóng, thứ năm 30-12-1993 số 5919, trang 2)
Tác giả Sơn Tuấn, qua câu chuyện, giúp chúng ta nhận ra rằng nhiều khi mình cũng có những thái độ gần giống như các con trai con gái của bà cụ, thái độ bất hiếu.
Câu chuyện cũng giúp tôi càng nhớ tới Lời Chúa trong Kinh Thánh, sách Huấn Ca khuyên dạy rằng: “Hỡi người làm con, hãy gánh lấy tuổi già của cha me”. Chữ “gánh” ở đây quả thực rất sâu sắc. Gánh có nghĩa là dùng sức lực của toàn thân để kê vai mang lấy một vật nặng và mang cùng đi với mình. Cha mẹ ở tuổi già nhiều bệnh tật gây nhiều phiền nhiễu, lại hay khó tính, gắt gỏng. Kẻ làm con, phụng dưỡng cho đúng đạo nhiều khi phải cố sức phải gánh thay cho cha mẹ những đau đớn, những buồn phiền để cha mẹ được nhẹ nhàng.
Để sống trọn đạo hiếu, bởi thế, nếu không có tình thương, không có lòng biết ơn: không nghĩ đến biết bao công ơn cha mẹ đã thức khuya dậy sớm, đổ biết bao mồ hôi nước mắt, bao công sức để nuôi nấng dạy dỗ thì người con dễ dàng hất hủi cha mẹ lúc tuổi già, làm cho cha mẹ phải tủi hờn. Và nếu bất hiếu như thế thì cũng cũng xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng đã sinh thành ra ta.
Cuối cùng xét về chính mình, là những người con hẳn là không ai trong chúng ta muốn mình trở thành người con bất hiếu. Là người làm cha làm mẹ lúc tuổi già cũng không ai muốn trở nên gánh nặng cho con cái. Xin Thiên Chúa trợ lực cho để chúng ta biết sống khiêm tốn, hy sinh cho nhau đẻ sống trọn đạo làm con, trọn đạo làm cha mẹ, và như thế chúng ta cũng sống trọn đạo làm con Thiên Chúa.
 
Lm. JB Lê Ngọc Dũng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây