GIẢI ĐÁP LIÊN QUAN ĐẾN ĐA MINH ROSA LIMA VÀ HIỆP HỘI - J.B. Lê Ngọc Dũng

Chủ nhật - 20/02/2022 09:41
Vì sự kiện liên hệ đến khoảng 100 nữ tu cao tuổi đã khấn trọn cũng như một số đông khoảng 170 các nữ tu trẻ khác thuộc dòng nữ Đa Minh Rosa Lima tại một Phần dòng và  Hiệp hội đang tiến đến lập dòng có liên hệ, tôi mạn phép đưa ra những bình giải về phương diện Giáo luật những sự kiện đó, hầu giúp cho mọi người tìm được giải pháp cho đời tu của mình.
Các nữ tu có quyền và cần phải biết về tình trạng và những điều liên hệ đến vận mệnh của mình, về lời khấn, về tu hội ĐSTH mình tùy thuộc và về nơi cư ngụ của mình. Vì thế tôi cần công khai những câu trả lời. 
Đương nhiên, để bình giải đúng đắn tôi phải dựa vào một số sự kiện lịch sử và thực tế, có thể tổn hại đến uy tín hoặc quyền lợi của nào đó, nhưng sự lợi ích của một số đông nữ tu đòi buộc tôi có nghĩa vụ phải bình giải, làm sáng tỏ vấn đề.
Nếu ai thấy có bình giải sai lạc xin cho tôi biết để chỉnh sửa.
  
GIẢI ĐÁP LIÊN QUAN ĐẾN ĐA MINH ROSA LIMA VÀ HIỆP HỘI
 
Vì sự kiện liên hệ đến khoảng 100 nữ tu cao tuổi đã khấn trọn cũng như một số đông khoảng 170 các nữ tu trẻ khác thuộc dòng nữ Đa Minh Rosa Lima tại một Phần dòng và  Hiệp hội đang tiến đến lập dòng có liên hệ, tôi mạn phép đưa ra những bình giải về phương diện Giáo luật những sự kiện đó, hầu giúp cho mọi người tìm được giải pháp cho đời tu của mình.
Các nữ tu có quyền và cần phải biết về tình trạng và những điều liên hệ đến vận mệnh của mình, về lời khấn, về tu hội ĐSTH mình tùy thuộc và về nơi cư ngụ của mình. Vì thế tôi cần công khai những câu trả lời. 
Đương nhiên, để bình giải đúng đắn tôi phải dựa vào một số sự kiện lịch sử và thực tế, có thể tổn hại đến uy tín hoặc quyền lợi của nào đó, nhưng sự lợi ích của một số đông nữ tu đòi buộc tôi có nghĩa vụ phải bình giải, làm sáng tỏ vấn đề.
Nếu ai thấy có bình giải sai lạc xin cho tôi biết để chỉnh sửa.

1. Thẩm quyền nào có trách nhiệm giải quyết vấn đề bất ổn của dòng nữ Đa Minh Rosa Lima hiện nay?

Xin ôn lại một số dữ kiện lịch sử, dựa theo những sắc lệnh và các văn thư chính thức:
- Ngày 21-1-1958, Đức Cha Simon Hoà Nguyền Văn Hiền. Đại diện Tông tòa Sài gòn  ra sắc lệnh lập dòng Nữ tu Đa Minh Việt Nam tước hiệu Thánh Catarina thành Siena, gồm các cộng đoàn "chị em Dòng ba Đa Minh Hải Phòng,Thái Bình và Bắc Ninh (gốc Bắc Việt).
- Ngày 1-1-1973, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ra sắc lệnh lập dòng mới Đa Minh Rosa Lima, tách ra từ Dòng Đa Minh Việt Nam nói trên và chia làm ba Miền dòng. Lý do mà Tòa Thánh cho phép tách ra là vì sự phân rẻ đến mức trầm trọng, không thể giải quyết được (Xem sắc lệnh thành lập của Đức Tổng Giám mục).
- Sau khi được chia ra thành Dòng mới với 3 Miền, các nữ tu cứ muốn phân rẽ, tách Dòng ra thêm nữa, được chứng tỏ qua các sự kiện sau đây:
- Ngày 23-8-1998, Hội dòng đã xin Toà Thánh cho phép được thành lập ba Miền thành ba dòng nữ Đa Minh mới, nhưng Tòa Thánh, ngày 3-11-1998, phúc đáp là không nên thiết lập và khuyên nên hiệp nhất.
- Khi Tòa Thánh không cho phép phân chia thành dòng mới, và khuyên hiệp nhất, thì nhiều nữ tu xoay qua tìm giải pháp khác. Đó là xin các Giám mục ở các Giáo phận khác lập cho họ những dòng mới:
- Nhóm nữ tu gốc Bắc Ninh xin Đức Giám mục Bắc Ninh.
- Miền Mẹ Mân Côi xin Đức Giám mục Phú Cường.
- Miền Mẹ Vô Nhiễm xin Đức Giám mục Bà Rịa.
Sau khi các Giám Mục giáo phận đã gởi đơn lên Tòa Thánh xin lập dòng hoặc đã nhận lời và hứa lập dòng mới cho các Miền dòng, Hội dòng Đa Minh Rosa Lima tổ chức Tổng hội IX vào tháng 11 năm 2012, quyết định chia Dòng ra thành 4 Nhóm, với các chị Phụ trách lâm thời. Quyết định của Tổng hội được Đức Hồng Y J.B. Phạm Minh Mẫn phê chuẩn ngày 9-11-2012.
Bản Công Vụ Tổng Hội IX có ghi:
1.   NHÓM Ở LẠI HỘI DÒNG ĐA MINH ROSA LIMA
Chị Đại diện      :         Nt. Ane Nguyễn Thị Thịnh
Chị Phụ tá:                  Nt. Maria Fiat Nguyễn Thị Triều
2.   NHÓM ĐI TRUYỀN GIÁO TẠI GIÁO PHẬN BẮC NINH
Chị Đại diện:     Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Mến
Chị Phụ tá:                  Nt. Maria Chu Thị Dâng
3.   NHÓM ĐI TRUYỀN GIÁO TẠI GIÁO PHẬN BÀ RỊA
Chị Đại diện:     Nt. Teresa Vũ Thị Ngọc Bảo
Chị Phụ tá:                  Nt. Anre Đỗ Thị Hương
4.   NHÓM ĐI TRUYỀN GIÁO TẠI GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG
Chị Đại diện:   Nt. Maria  Nguyễn Thị Sen
Chị Phụ tá:                Nt. Maria Micae Quách Thị Minh Hòa

Tổng hội quyết định: trong vòng 1 tháng sau khi Công vụ được chuẩn y,
1.   Các nhóm đi truyền giáo sẽ tiến hành Tổng hội I của Hội dòng mới với sự chấp thuận của Đấng Bản quyền Giáo phận trực thuộc.
2. Nhóm ở lại Hội dòng Đa Minh Rosa Lima sẽ tổ chức Tổng hội IX bổ xung.
Các nhóm đi truyền giáo đã được các Giám mục liên hệ giúp làm hồ sơ xin Toà Thánh lập dòng; tuy nhiên, cho đến nay, những hồ sơ đó hoặc chưa được Toà thánh phúc đáp hoặc như trường hợp nhóm Bắc Ninh, Toà Thánh yêu cầu bổ xung thêm những điều kiện khác.
Khi thấy Tòa Thánh hầu như không cho lập dòng mới, các Miền dòng xoay qua lập Hiệp hội trước, theo như chỉ dẫn của Tòa Thánh năm 2007, mà các Giám Mục và các nữ tu chỉ mới biết đến gần đây.
Ở Miền dòng truyền giáo tại Phú Cường, xảy ra bất ổn. Có khoảng 62 nữ tu khấn trọn, không chịu tháo bỏ lời khấn (xuất tu) để gia nhập Hiệp hội, được lệnh phải rời khỏi cộng đoàn. Sự kiện này gây khủng hoảng cho 62 nữ tu này nên họ đã viết thư gởi lên Tòa Thánh, đến Đức Đại Diện Toà Thánh và gởi Bản trình và thỉnh nguyện lên cho Đức Tổng Giám Mục Tổng giáo phận Tp HCM.
Những đơn khiếu nại nói trên cho thấy một sự bất ổn rất nghiêm trọng cần phải giải quyết, đang chờ Tòa Thánh can thiệp vì đơn từ đã được gởi đi.
Những bất ổn, được nêu trong các đơn gởi lên Tòa Thánh, và cho Đức Tổng Giám Mục Tổng giáo phận Tp HCM, chính yếu là:
- Gần đây, bên Hiệp hội đã lệnh cho các nữ tu không chịu tháo cởi lời khấn để nhập Hiệp hội thì phải rời khỏi các cộng đoàn. Điều này làm cho các nữ tu hoang mang lo sợ. Họ bị áp lực: hoặc là phải tháo lời khấn (xuất tu)   để nhập Hiệp hội hoặc là phải rời khỏi cộng đoàn.
- Bên Hiệp hội khẳng định những nữ tu nào khấn từ năm 2013 đến nay (có khoảng 172 nữ tu trẻ)  thì thuộc thành viên Hiệp hội. Bên Phần dòng thấy đây là sự khẳng định vô lý, làm cho mình mất khoảng 172 thành viên trẻ và mất luôn những cơ sở mà những thành viên này cư ngụ.

Bình giải về sự kiện
Nhìn lại sự kiện lịch sử, dễ dàng nhận thấy là sự muốn phân rẽ ra lập dòng ba dòng mới cho ba Miền dòng quá là mạnh mẽ, được thể hiện cụ thể qua Tổng Hộị IX; vượt qua lời khuyên hiệp nhất của Tòa Thánh, xoay qua nhờ các Giám mục các giáo phận lập dòng mới. Rồi từ cách suy nghĩ sai lầm về Giáo luật về ấn định của Tòa Thánh trong việc lập hiệp hội, lập dòng, đã dẫn tới bất ổn nghiêm trọng.
Người ta thấy sao mà các nữ tu lại cứ chống nhau, phân rẽ nhau quá mạnh như vậy. Tất nhiên cũng có lỗi về phần con người, nhưng khi phân tích sự kiện thì ta thấy sự phân rẽ như vậy phát xuất từ những hoàn cảnh khách quan. Những hoàn cảnh khách quan đó còn ghi lại trong sắc lệnh tách ra lập dòng mới Đa Minh Rosa Lima năm 1973:
Ngày 21-1-1958, Đức Cha Simon Hoà Nguyền Văn Hiền. Đại diện Tông tòa Sài gòn  ra sắc lệnh lập dòng Nữ tu Đa Minh Việt Nam tước hiệu Thánh Catarina thành Siena, gồm các cộng đoàn "chị em Dòng ba Đa Minh Hải Phòng,Thái Bình và Bắc Ninh (gốc Bắc Việt).
Các cộng đoàn "chị em Dòng ba Đa Minh Hải Phòng,Thái Bình và Bắc Ninh", gốc Bắc Việt này, trước khi di cư vào Nam năm 1954, đã sống trong những Giáo phận khác nhau, chưa quen biết nhau, chưa sống với nhau, chưa là nữ tu của một tu hội ĐSTH hay tu đoàn ĐSTĐ, mà chỉ sống trong những nhà mang tính cách tự quản hay tự trị (Sui iuris).
Trong hoàn cảnh đó, các nữ tu đã hình thành những cách sinh hoạt, quản trị cộng đoàn và quan niệm rất khác nhau. Vì vậy khi được kết hợp với nhau lại thành một Dòng lớn Đa Minh Việt Nam vào năm 1958, họ khó mà hòa hợp với nhau, phân rẽ phát sinh, do nếp sống cũ đã quen và do những quan niệm khác nhau đã hình thành trong tâm trí.
Một lỗi lầm, được coi là khách quan khác, đó là do cách tổ chức đã không lưu ý nhiều để khắc phục cái nguyên nhân phân rẽ nói trên, là vẫn duy trì ba Miền dòng mang tính "tự lập, tự trị", ít thông thương với nhau, của chung một Hội dòng.



Bình giải về trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết vấn đề
Tòa Thánh sẽ không đứng ra giải quyết vấn đề. Nếu có, Tòa Thánh chỉ ra những chỉ thị hoặc hướng dẫn cho Đấng Bản quyền địa phương hoặc hội dòng. Bản quyền địa phương có trách nhiệm hướng dẫn hội dòng tuân giữ Giáo luật và khuyến cáo răn đe và có thể phạt những vi phạm của hội dòng. Nhưng nếu Bản quyền vi phạm luật hay thờ ơ không giải quyết nhũng bất ổn thì phải chịu trách nhiệm trước Tông Tòa.
Tuy nhiên, sự kiện lành thánh hay bất ổn liên quan đến Hiệp hội ảnh hưởng rất lớn trong quyết định là có cho Hiệp hội được phép tiến tới thành lập dòng hay không. Tòa Thánh có quyền và có trách nhiệm trong việc cho phép thành lập một tu hội ĐSTH hoặc tu đoàn ĐSTĐ.
Điều 579
Các Giám mục giáo phận, trong địa phận riêng của mình, có thể thành lập cách hữu hiệu các Tu hội đời sống thánh hiến bằng sắc lệnh chính thức, với sự cho phép trước bằng văn bản của Tông Tòa.
- Bản quyền địa phương, để giải quyết việc này, cũng phải theo sát nguyên tắc Giáo Luật, cách riêng về dòng tu.
Thông thường, trước vấn đề dòng tu rất khó giải quyết, các Đấng bản quyền cũng thường tham khảo ý kiến những chuyên viên Giáo luật.
Sau khi đã xem xét sự kiện dưới ánh sáng Giáo luật, tôi thấy chính Hội dòng Đa Minh Rosa Lima và Hiệp hội là có thẩm quyền và có trách nhiệm phải giải quyết sự bất ổn. Bên Giáo quyền có thể hướng dẫn, cảnh báo và tuyên phạt nếu Hội dòng hay Hiệp hội không chịu giải quyết những bất ổn gây thiệt hại cho các nữ tu (đ. 1378).

Trước tiên, thẩm quyền quyết định và trách nhiệm phân chia dòng hay hiệp nhất thuộc về Hội dòng chứ không thuộc về Đấng Bản quyền địa phương.
Điều 581
Việc phân chia một tu hội thành những phần (in partes), dù dưới bất kỳ danh hiệu nào, thành lập các phần mới, hiệp nhất hay giới hạn phạm vi của các phần đã được thành lập trước thuộc về nhà chức trách có thẩm quyền của tu hội, chiếu theo quy tắc của hiến pháp.
Chính dòng Nữ Đa Minh Rosa Lima đã dùng thẩm quyền tối cao của tu hội ĐSTH là Tổng hội (Tổng Công nghị, General Chapter), để quyết định chia ra làm bốn phần. Đức Hồng Y Gioan. B Phạm Minh Mẫn với tư cách là Giáo quyền chỉ chuẩn nhận và cho phép thực hiện những quyết định của Tổng hội mà thôi.
Như vậy, có thể thấy chính ý muốn mãnh liệt muốn lập dòng mới của các nữ tu cũng như quyết định của Tổng hội IX đã đem lại hậu quả sự việc như hiện nay.

2. Bất ổn về lời khấn dòng như thế nào?
Đã có những tranh cải về lời khấn: Khấn trong Dòng hay Hiệp hội?
Theo pháp lý chúng ta phải xét theo nguyên tắc này:
Những ai đã được:
a) Huấn luyện đủ một năm trong nhà tập;
b) Được Bề trên hợp pháp nhận lời khấn;
c) Khấn theo công thức được quy định của Hiến pháp
của cùng một tu hội THĐSTH hoặc tu đoàn ĐSTĐ, thì thuộc về tu hội hay tu đoàn đó.
Hiệp hội công các tín hữu với mục đích tiến lên thành lập tu hội, phải có sinh hoạt và có nếp sống như tu hội, thì cũng phải theo nguyên tắc của tu hội hay tu đoàn nói trên.
Vì vậy, đối với Hiệp hội nữ Thừa sai Đa Minh Phú Cường, để lời khấn được hữu hiệu, phải được:
a) Huấn luyện đủ một năm trong nhà tập của Hiệp hội;
b) Được Bề trên hợp pháp của Hiệp hội nhận lời khấn;
c) Khấn theo công thức được quy định của Hiến pháp hay Quy chế của Hiệp hội.
Được biết, Tổng Phụ trách của Hiệp hội được Giám Mục đặt lên vào năm 2020 dịp Tổng hội III của Phần dòng thuộc dòng Nữ Đa Minh Rosa Lima.
Phần dòng tại Phú Cường đã được Tổng Hội IX của Đa Minh Rosa Lima ấn định là cử hành Tổng Hội I:
1.   Các nhóm đi truyền giáo sẽ tiến hành Tổng hội I của Hội dòng mới với sự chấp thuận của Đấng Bản quyền Giáo phận trực thuộc (Công vụ Tổng hội IX).
Phần dòng này đã cử hành Tổng hội I vào tháng 12 năm 2012, Tổng Hội II vào tháng 10 năm 2016 và Tổng hội III vào tháng 7 năm 2020.
Vào Tổng hội III năm 2020 này thì Giám Mục Phú Cường mới đổi danh xưng Hội dòng Nữ Đa Minh Thừa Sai Phú Cường sang thành Hiệp hội nữ Đa Minh Thừa Sai Phú Cường và đặt chị Tổng Phụ trách (Bề trên) của Hiệp hội.
Có thể nói rằng Tổng Hội III này là Tổng hội I của Hiệp hội. Còn Tổng hội III của Phần dòng tại Phú Cường coi như bị hủy bỏ và không còn Bề trên của Phần dòng.
Vậy, những ai đã khấn trong Phần dòng ở Phú Cường từ năm 2013 đến 2020 với sự nhận lời khấn của Bề trên của Phần dòng, với công thức khấn của Dòng thì được kể là thuộc Dòng.
Tuy nhiên lời khấn dòng bị vô hiệu do khấn trong một Phần dòng và có thể được điều trị tại căn.

Vì sao lời khấn của Phần dòng đi truyền giáo của Nữ Đa Minh Rosa lại vô hiệu?
Tổng hội IX của Dòng năm 2012, đã chia Dòng làm 4 Phần. Như vậy Tổng hội IX đã chuyển đổi cấu trúc ba Miền dòng thành 4 Phần dòng: một Phần là Dòng cũ và ba Phần còn lại được gọi là Nhóm đi truyền giáo.
Vì tưởng rằng ba Phần dòng chia ra đi truyền giáo sẽ được Giám mục giáo phận thành lập thành dòng mới một cách dễ dàng không lâu sau đó, nên mỗi Phần dòng đã tổ chức và hoạt động như một dòng biệt lập:
- Tổ chức Tổng hội I để bầu Bề trên, và sau đó Tổng hội II, III...;
- Lập nhà Tập và Bề trên nhận lời khấn sau Tổng hội I;
- Tách biệt hoàn toàn với Dòng nữ Đa Minh Rosa Lima, không còn dưới quyền của Bề trên tổng quyền nữa.
Theo nguyên tắc Giáo luật, những hành vi pháp lý của Tổng hội như lập nhà Tập và lời khấn dòng chỉ hữu hiệu trong một Hội dòng hay trong Hội dòng mới được chính thức thành lập chứ không trong một Phần của dòng, tức là trong Phần dòng đi truyền giáo. Ngay chính Tổng hội IX xác định tiến hành những công việc pháp lý như là của Dòng và được thực hiện trong Hội dòng mới:
1.   Các nhóm đi truyền giáo sẽ tiến hành Tổng hội I của Hội dòng mới với sự chấp thuận của Đấng Bản quyền Giáo phận trực thuộc.
Nhưng tiếc thay, Hội dòng mới đã không được thiết lập như ý muốn.
Tuy nhiên, các nữ tu vẫn "tiếp tục" được huấn luyện và tuyên khấn trong Phần dòng đi truyền giáo.
Xét về mặt Giáo luật, vì những Phần dòng được chia ra không được Tổng hội quy định là Tỉnh dòng nên cũng không có quyền hạn như Tỉnh dòng.
Chỉ có Bề trên Giám tỉnh, chứ không phải Bề trên của một Phần dòng nào đó mới được áp dụng một số quyền như Bề trên tổng quyền, để nhận lời khấn, theo như Hiến pháp quy định:
Những gì theo Hiến pháp liên hệ đến Bề trên tổng quyền và ban Tổng Cố vấn cũng được áp dụng cho Bề trên Giám tỉnh và ban Cố vấn tỉnh dòng, trừ những số Giáo luật và luật Dòng quy định dành riêng cho Bề trên tổng quyền hoặc Hội đồng Hội dòng". (HL 103.2,4).
 Vậy thử hỏi những lời khấn trong một Phần dòng đó có hữu hiệu hay không?
Tôi không dám nói những lời khấn trên là vô hiệu nói chung, nhưng theo nguyên tắc Giáo luật những lời khấn đó không hữu hiệu là lời khấn công (public) và là lời khấn dòng (religious) (đ. 607#2), mà chỉ có thể là lời khấn tư (private).
Chúng ta biết việc tuyên khấn và nhận lời khấn là một hành vi pháp lý trong Giáo hội. Giáo luật quy định về sự hữu hiệu về hành vi pháp lý:
Điều 124
§1. Để được hữu hiệu, một hành vi pháp lý phải do một người có khả năng hành động thực hiện và phải hội đủ những yếu tố cấu thành bản chất của hành vi ấy, cũng như phải giữ những thể thức và những điều kiện mà luật đòi hỏi để hành vi được hữu hiệu.
Việc nhận lời khấn dòng một cách hữu hiệu phải được Bề trên hợp pháp thực hiện:
Điều 656
Để được hữu hiệu, việc khấn tạm đòi buộc:
10 Người sắp tuyên khấn tối thiểu phải được mười tám tuổi trọn;
20 Việc tập tu đã được thực hiện hữu hiệu;
30 Việc nhận cho khấn phải được tự do thực hiện do bề trên có thẩm quyền với sự biểu quyết của ban cố vấn chiếu theo quy tắc của luật;
40 Lời tuyên khấn phải được phát biểu cách minh nhiên và không do bạo lực, sợ hãi nghiêm trọng hoặc man trá;
50 Việc nhận lời khấn phải được thực hiện do chính bề trên hợp pháp, hoặc nhờ một người khác.
Điều 1192
§1. Lời khấn là công, nếu được bề trên hợp pháp chấp nhận nhân danh Giáo hội; nếu không thì lời khấn là tư.
Bề trên hợp pháp để nhận lời khấn là Bề trên tổng quyền hoặc Bề trên Tỉnh dòng. Bề trên Miền dòng hay của Phần dòng được chia ra không có quyền nhận lời khấn.
Vậy, có thể hỏi: Sự thành tâm của các tu sĩ và sự không biết hay lầm lẫn của Dòng có làm cho sự vô hiệu trở thành hữu hiệu không?
Giáo luật quy định: khi đã bị bãi năng hay bãi hiệu theo luật rồi thì sự vô tình hay không biết cũng không thể làm thay đổi được:
Điều 15
§1. Sự không biết hay sự lầm lẫn về những luật bãi hiệu hay bãi năng không làm cho những luật này mất hiệu lực, trừ khi luật đã minh nhiên ấn định cách khác.

Điều trị tại căn sự vô hiệu
Việc khấn trong một Phần dòng, Bề trên nhận lời khấn không phải là Bề trên hợp pháp, thì bị vô hiệu do khiếm khuyết về thể thức (forma canonica). Trường hợp này tương tự như cha chứng hôn không có năng quyền mà chứng hôn cho đôi bạn, thì việc kết hôn bị vô hiệu, do Giáo luật quy định về thể thức kết hôn là như vậy (đ. 1108#1).
Giáo luật không nói về thành sự hóa bằng điều trị tại căn cho một sự tuyên khấn bị vô hiệu do thiếu thể thức... Tuy nhiên có thể áp dụng quy tắc cho trường hợp tương tự của điều 19 trong Bộ Giáo luật.
 
Việc thành sự hóa bằng sự điều trị tại căn ở đây hệ tại ở việc miễn chuẩn thể thức Giáo luật, mà đã không được tuân giữ hoặc bị khiếm khuyết. Vì vậy, không cử hành lại nghi thức khấn, và lời khấn được hữu hiệu hóa từ ngày đã khấn trong quá khứ.
Nếu không muốn dùng phương cách điều trị tại căn thì nên sửa chữa sự vô hiệu theo phương cách thông thường. Người đó sẽ khấn lại theo đúng thể thức (tức là với sự nhận lời khấn của Bề trên tổng quyền), nhưng gía trị lời khấn bắt đầu từ ngày khấn lại theo đúng thể thức này mà thôi chứ không có giá trị hồi tố.

3. Giải quyết về vấn đề cơ sở vật chất giữa Hội dòng hay Hiệp hội như thế nào?
Nhiều người cho rằng, khi một Phần dòng được Giám mục nhận lời giúp lập Hiệp hội trước rồi tiến lên thành lập Dòng thì toàn bộ cơ sở vật chất của Phần dòng trở thành của Hiệp hội.
Quan niệm trên rất sai lầm.
Theo Giáo luật, mỗi tu hội ĐSTH hoặc tu đoàn ĐSTĐ đều là một pháp nhân công trong Giáo hội. Hiệp hội công cũng là một pháp nhân công. Dòng nữ Đa Minh Rosa Lima và Hiệp hội là hai pháp nhân riêng biệt nhau, có quyền quản trị, sở hữu, thủ đắc, chuyển nhượng tài sản theo những quy tắc Giáo luật.
Điều 1255 quy định, Giáo hội toàn cầu và Tông Toà, các Giáo hội địa phương và tất cả mọi pháp nhân công hay tư, đều là những chủ thể có khả năng thủ đắc, duy trì, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất chiếu theo quy tắc của luật (đ. 1255).
Theo nguyên tắc của điều 1255 nói trên, các giáo xứ, tu hội... với tư cách pháp nhân công, mặc dù là thuộc một giáo phận, họ vẫn là một chủ thể có quyền thủ đắc, duy trì, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất riêng của mình chiếu theo quy tắc của luật. Nhà thờ, nhà nguyện, bất động sản... của những pháp nhân thuộc về chính pháp nhân đó, chứ không thuộc về Bản quyền địa phương, chỉ thuộc sự giám sát của Bản quyền địa phương (đ. 1276).
Người có thẩm quyền quản trị tài sản trong pháp nhân công, gọi là người quản trị (administrator), chính là người lãnh đạo trực tiếp pháp nhân có tài sản đó.
Điều 1279
§l. Việc quản trị tài sản Giáo Hội thuộc về người trực tiếp điều hành pháp nhân có tài sản ấy, trừ khi luật địa phương, các quy chế hoặc một tục lệ hợp pháp quy định cách khác, và vẫn giữ nguyên quyền can thiệp của Đấng Bản Quyền trong trường hợp người quản trị xao lãng bổn phận.
Sự rời bỏ Dòng để gia nhập Hiệp hội, cho dù có tính tập thể, hay cho dù tất cả mọi người trong một nhà chuyển qua hay khấn trong Hiệp hội cũng không thể biến nhà hay cơ sở đó, mà vốn là nhà hay cơ sở của Dòng, trở thành của Hiệp hội.
Cho nên, việc khẳng định là khấn trong Hiệp hội hay khẳng định là thành viên thuộc Hiệp hội cũng không có tác dụng khiến cho nhà hay cơ sở vật chất của Dòng trở thành sở hữu của Hiệp hội.
Luật nội vi
Thêm nữa, việc xác định quyền sở hữu theo Giáo luật là rất cần thiết để có thể sống theo luật nội vi của Hội dòng.
Điều 667
§1 Trong tất cả các nhà, phải giữ nội vi thích hợp với đặc tính và sứ mạng của tu hội theo những quy định của luật riêng, một phần của nhà dòng luôn luôn được dành riêng cho các thành viên mà thôi.
Theo luật nội vi nói trên, Hiệp hội và Dòng phải sống trong những nhà riêng khác nhau. Vì vậy, luật nội vi đòi hỏi các bên phải mau chóng giải quyết vấn đề này, tránh gây bất an, thiệt hại cho các tâm hồn.
Bên này có thể cho bên kia mượn nhà hay cơ sở, được ký kết trên văn bản, để mỗi bên thực hiện đời sống tu theo luật nội vi.
Trong khi giải  quyết, nếu có tranh chấp, các pháp nhân không thể xin Đấng Bản quyền đứng ra giải quyết trực tiếp bằng con đường hành pháp, nghĩa là, không thể xin Đấng Bản quyền ra những mệnh lệnh hay văn thư ấn định phần tài sản đang tranh chấp là thuộc về bên nào.
Bên Giáo quyền chỉ xử tranh chấp quyền lợi giữa các pháp nhân hay giữa pháp nhân và tư nhân bằng con đường tư pháp, tức là bằng Tòa án giáo phận.
Điều 1427
§3. Cuối cùng, nếu là tranh chấp giữa các thể nhân hoặc pháp nhân dòng thuộc các hội dòng khác nhau, hoặc thuộc cùng một hội dòng giáo sĩ thuộc luật Giáo phận hay thuộc một tu hội giáo dân hoặc giữa một tu sĩ và một giáo sĩ triều hay một giáo dân hay một pháp nhân không thuộc hội dòng, thì toà án Giáo phận sẽ xét xử ở cấp một.
Xử bằng Tòa án như vậy, các bên đều có quyền biện hộ và nhờ luật sư biện hộ, bảo đảm được sự công bằng. Khi bị tước quyền biện hộ, phán quyết bị vô hiệu. Các thẩm phán phải công minh, xét xử theo những quy tắc Giáo luật.
Theo luật, các bên có thể kháng án lên Tòa cấp 2 và có thể thượng cầu lên cấp 3. Nếu vụ án không được giải quyết ở cấp Giáo hội địa phương, có thể kháng án hay thượng cầu lên Tòa Thượng thẩm Roma.
Để không kiện tụng lẫn nhau, đề nghị mỗi bên làm bản thống kê các cơ sở vật chất của mình và các giấy tờ chứng minh. Sau đó có cuộc họp giữa các Bề trên và Ban Điều hành, và dựa trên những nguyên tắc của Giáo luật để xác định những tài sản ấy thuộc về bên nào. Cuối cùng, khi không thể giải quyết với nhau được thì bên thấy mình bị thiệt hại mới đệ đơn lên Tòa án giáo phận có thẩm quyền để xin phân xử.
(Xin xem bài Quản trị tài sản trong Giáo hội trên trang mạng:
 http://giaoluatconggiao.com/quy-tac-tong-quat/quan-tri-tai-san-trong-giao-hoi-jb-le-ngoc-dung-245.html).

4. Cha có đề nghị giải pháp gì cho Hội dòng nữ Đa Minh Rosa liên quan đến quyết định của Tổng hội IX năm 2012?

Có những vấn đề quan trọng cần lưu ý, là về "giữ lời khấn", tiếp tục lời khấn, Tổng hội và cuộc bầu cử Bề trên Tổng quyền trong Tổng hội (HP. 114, 20).

1) Điều kiện để giữ lời khấn bất ổn
Bề trên Phần dòng và các bề trên cộng đoàn tại Phú Cường hiện nay không còn. Khi không có Bề trên, rõ ràng là tu hội ĐSTH sẽ đi vào tình trạng suy thoái về lời khấn và sẽ đi vào lộn xộn.  
a- Lời khấn Vâng phục
 Điều 601
Lời khuyên phúc âm về đức vâng phục, được đảm nhận trong tinh thần đức tin và đức ái để theo bước Đức Kitô là Đấng đã vâng phục cho đến chết, đòi buộc ý chí một sự tùng phục các bề trên hợp pháp, khi các ngài đại diện Thiên Chúa ban lệnh hợp theo hiến pháp riêng.
Các nữ tu Phần dòng này không còn các bề trên hợp pháp để vâng phục, để giúp tuân giữ luật dòng và hiến pháp. Mỗi người sẽ làm theo ý riêng và từ đó sẽ sinh ra những chuyện lộn xộn gây thiệt hại cho đời sống chung.
b- Lời khấn Khó nghèo
Điều 600
Lời khuyên Phúc âm về đức nghèo khó theo gương Đức Kitô là Đấng từ chỗ giàu sang đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, ngoài một nếp sống nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần, cần cù và đạm bạc, thanh thoát với của cải thế gian, còn bao hàm sự lệ thuộc và sự hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản chiếu theo quy tắc luật riêng của mỗi tu hội.
Khi không có Bề trên thì đức khó nghèo không thể được tuân giữ, vì đòi hỏi lời khấn khó nghèo không chỉ trong tinh thần, mà còn "bao hàm lệ thuộc và sự hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản". Ai sẽ làm chủ hay định đoạt vấn đề sử dụng tài sản đây? Mỗi nữ tu Phần dòng này sẽ phải tự định đoạt. Như vậy, sự tuân giữ lời khấn khó nghèo bị phá vỡ.  
b- Lời khấn Khiết tịnh
Điều 599
Lời khuyên Phúc âm về đức khiết tịnh được đảm nhận vì nước trời là dấu chỉ của thế giới sẽ đến, là nguồn sinh lực phong phú hơn trong một con tim không chia sẻ, và bao hàm nghĩa vụ tiết dục hoàn toàn trong bậc độc thân.
Khi không có Bề trên, không còn ai có quyền và có nghĩa vụ trông nom, cảnh giác, giám sát tự tuân giữ đức khiết tịnh. Sự buông lỏng đi tới tự do, dễ dẫn các nữ tu trong tình trạng vi phạm đức khiết tịnh.
Vì sự tuân giữ lời ba lời khấn dòng đang đi vào nguy hại, Bề trên Tổng quyền và Ban Cố vấn phải có trách nhiệm cắt đặt hay cho bầu cử Bề trên Phần dòng và các Bề trên cộng đoàn.

2) Vấn đề tiếp tục lời khấn
Như trên đã phân tích, các nữ tu đã khấn trong phần dòng, trong tay các Bề trên phần dòng thì bị "không thành sự" và sẽ được điều trị tại căn. Trước mắt, đến năm khấn tiếp, các nữ tu này sẽ tiếp tục khấn với Bề trên nào, của Dòng hay của Hiệp hội? Điều này cần phải xác định rõ, vì liên hệ đến cuộc đời nữ tu.

3) Tổng hội và Bầu cử Bề trên tổng quyền 
Một xác định quan trọng cần nhắc lại đây, là các thành viên của các Phần dòng tại Phú Cường, Bà Rịa, Bắc Ninh hiện nay đều thuộc về dòng, trừ trường hợp đã xuất tu, bị sa thải hay gia nhập vào dòng khác. Sắc lệnh ký ngày 16-11- 2012 của Đức Hồng Y có nói:
3. Cho phép chị em xin đi truyền giáo tại Giáo phận Phú Cường, trong vòng sáu tháng, nếu thấy không thích hợp với Hội Dòng mình vừa gia nhập vẫn có thể trở về Hội Dòng Mẹ là Đa Minh Rosa Lima.
Sắc lệnh này áp dụng cho một nữ tu mà đã gia nhập vào dòng khác, chứ không áp dụng cho những nữ tu đang thuộc về Phần dòng hay Miền dòng. Những nữ tu đang thuộc về Phần dòng hay Miền dòng không áp dụng điều khoản số (3) của sắc lệnh trên. Một khi các nữ tu còn thuộc về Phần dòng hay Miền dòng, họ vẫn thuộc về  dòng nữ Đa Minh Rosa Lima với tất cả quyền lợi và bổn phận của mình. Họ vẫn trực thuộc Bề trên Tổng quyền.
Vậy việc đòi các nữ tu ở Phần dòng phải làm đơn xin "trở về" Hội dòng. Sau đó đơn xin được Hội dòng duyệt xét để được chấp nhận hay không là điều bất hợp pháp. Việc làm đơn xin "trở về" Hội dòng chỉ áp dụng cho nữ tu nào đã hồi tục hay đã tháo lời khấn.
Theo Giáo luật một số quyết định của Tổng hội IX là có giá trị pháp lý những một số khác thì không. Việc phân chia ra những Nhóm đi truyền giáo là có giá trị, chiếu theo quyên phân chia dòng ra những phần như tỉnh dòng, miền dòng... theo như nguyên tắc của điều đ. 581. Tuy nhiên quyết định sau thì không có giá trị pháp lý vì Tổng hội không có đủ thẩm quyền: Chia dòng ra để lập dòng mới. Giám mục giáo phận cũng không có đủ thẩm quyền để lập dòng mới từ những tu sĩ của dòng.
Những điều này cần xác định rõ như trên vì liên hệ đến tổ chức tổng hội và bầu cử.

Về Tổng hội

Quyết định của Tổng hội IX năm 2012 ấn định:
1.   Các nhóm đi truyền giáo sẽ tiến hành Tổng hội I của Hội dòng mới với sự chấp thuận của Đấng Bản quyền Giáo phận trực thuộc.
 
Quyết định của Tổng hội về việc tách ra lập dòng mới là vô giá trị, đã không thực hiện được.
Mặt khác, xét theo nguyên tắc Giáo luật, Tổng hội I, II, III của các Phần dòng đi truyền giáo ở Phú Cường, Bà Rịa, Bắc Ninh là "không thành sự". Nó chỉ thành sự trong một dòng chứ không trong một phần của dòng. Hội dòng Đa Minh Rosa Lima rõ ràng là không có thẩm quyền để tách Dòng ra những phần độc lập và được cử hành tổng hội riêng cho Phần dòng.
Xét về chính Tổng hội của Phần dòng ở lại mà bây giờ được coi là nhà mẹ giữ danh hiệu hội dòng nữ Đa Minh Rosa Lima, thì Hội dòng này cũng không có  thẩm quyền để loại bỏ các thành viên của các phần dòng khác ra khỏi Hội dòng và để cử hành một Tổng hội riêng mà không có sự tham gia của các thành viên đó.
Theo nguyên tắc Giáo luật của điều 124, khi chủ thể không có khả năng pháp lý hay thẩm quyền để thực hiện một hành vi pháp lý, thì hành vi đó không thành sự.
Điều đó có nghĩa là, những Tổng hội của Hội dòng Đa Minh Rosa Lima sẽ "không thành sự" nếu các Phần dòng không được tham dự. 

Về bầu cử

Điều 170
Cuộc bầu cử đương nhiên vô hiệu, nếu trong đó tự do đã thực sự bị cản trở bằng bất cứ cách nào
HP 152.    VIỆC BẦU CỬ BẤT THÀNH 
Việc bầu cử bị coi là bất thành, nếu vi phạm một trong những điều sau đây:
1. Nếu trên một phần ba số cử tri không được triệu tập.[1]
2. Nếu cố tình cho người ngoài cử tri đoàn vào.
3. Nếu cố tình cho người không có quyền bầu cử vào.[2]
4. Nếu số phiếu nhiều hơn số cử tri hiện diện.[3]
5. Nếu sự tự do thực sự bị ngăn trở bằng bất cứ cách nào.[4]
Nếu một trong các thành viên của Dòng hay Phần dòng không được triệu tập cách hợp pháp, có nghĩa là "sự tự do" bầu cử của thành viên ấy bị phế bỏ. Nếu người ấy khiếu nại, cuộc bầu cử sẽ bị "bất thành" theo Hiến pháp điều 152 số 5 hoặc Giáo luật điều 170, bất kể pháp nhân có đông hay ít thành viên; hoặc áp dụng cụ thể theo điều 166.
Đ. 166
§2. Nếu một người nào đó trong số những người phải được triệu tập bị bỏ sót cho nên vắng mặt, thì việc bầu cử vẫn hữu hiệu; tuy nhiên, theo lời yêu cầu của đương sự, với điều kiện là có bằng chứng về sự bỏ sót và sự vắng mặt, thì nhà chức trách có thẩm quyền phải huỷ bỏ cuộc bầu cử, dù đã được chuẩn y, miễn là phải rõ ràng theo pháp lý là việc khiếu nại đã được chuyển đi trễ nhất là ba ngày, kể từ khi biết có cuộc bầu cử.
Theo điều 166 nói trên, chỉ cần một nữ tu thuộc Phần dòng, có quyền bầu cử xét theo Hiến pháp, mà bị bỏ sót, không được triệu tập, và chứng minh được là mình bị bỏ sót. Trong vòng ba ngày, nữ tu này khiếu nại, nhà chức trách có thẩm quyền sẽ phải hủy bỏ cuộc bầu cử.
Vì vậy, con đường bắt buộc phải theo để  được tồn tại hợp pháp trong Giáo hội là Hội dòng Đa Minh Rosa Lima phải tìm cách hợp nhất để có thể chuẩn bị cho Tổng hội năm 2024 và cuộc bầu cử Bề trên tổng quyền và Ban Cố vấn trong kỳ Tổng hội này được đúng luật và "thành sự".
Trước đây vì không biết, thì Bề Trên tổng quyền được Giáo quyền chuẩn nhận, nhưng đến nay đã biết thì phải thực hiện cuộc bầu cử đúng Giáo luật thì mới được chuẩn nhận.
Hay nói cách khác, nếu thấy cuộc bầu cử bị bất thành theo Giáo luật, Đấng Bản quyền sẽ không phê chuẩn hoặc hội Dòng phải hủy bỏ cuộc bầu cử (đ. 166§2). 
Tới đây, chúng ta thấy con đường hiệp nhất là con đường phải tiến tới, không thể khác được. Nó cũng phù hợp với lời khuyên của Tòa Thánh trong thư 3-11-1998 gởi cho Đức Tổng Giám Mục J.B. Phạm Minh Mẫn và cho Hội dòng:
Qua thư này Bộ chúng tôi khuyên các thành viên của Hội dòng và các Giám mục liên hệ, nên hết sức cố gắng loại trừ những gì hiện nay đang cản trở các nữ tu ba nhóm xích lại gần nhau trong một mối hiệp nhất thật sự, như chính nữ tu Tổng quyền cũng đã bày tỏ trong thư lòng ước mong thấy điều này được thể hiện trong tương lai.
Nhân dịp này, tôi xin có lời khích lệ các nữ tu Đa Minh cố sao cho Hội dòng các chị tiếp tục đem lại chứng tá sống động và liên đới về đời sống Tin Mừng và sự hiệp nhất của Hội Thánh như Đức Thánh Cha tỏ ý mong muốn trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng các Giám mục về "Đời sống Thánh hiến", nhất là các số 100 và 110.

Sau cùng, nên biết, các dòng tu đã hình thành từ rất xa xưa và phát triển rất mạnh mẽ trong Giáo Hội, nhưng cũng đã phải đương đầu với nhiều sự phân rẽ, đấu tranh nội bộ trầm trọng, với sự tục hóa, lạm quyền... Vì vậy, trải qua kinh nghiệm lâu đời, Giáo luật đã dự trù và ban hành những điều luật, những quy tắc để ổn định trật tự, giúp thăng tiến đời tu. Nếu cứ theo suy tính hay cảm tính của mỗi người hoặc ngay cả khi của một tập thể lớn mà không căn cứ vào luật Giáo hội để giải quyết, thì vấn đề bất ổn càng đi vào bế tắc. 

======================
Phụ lục:

1- Chúng con vẫn chưa hiểu khi nói rằng các phần dòng ra đi truyền giáo vẫn thuộc về dòng Đa Minh Rosa Lima, trong khi đã 9 năm qua các nữ tu đã làm đơn ra đi và các phần dòng đó đã sống độc lập với dòng Đa Minh Rosa Lima?
Đáp:

Câu hỏi phản ảnh một nhận thức cho rằng, hiện nay Dòng Đa Minh Rosa Lima được chia thành 4 phần độc lập, đã từ 9 năm rồi, nên không còn có liên hệ gì với nhau nữa.  Trong thực tế hiện nay, phần dòng chính là dòng Đa Minh Rosa Lima có trụ sở tại Tổng Giáo phận tp HCM sống  tách biệt với ba phần dòng kia. Ba phần kia thì tự mà lo liệu để tiến lên lập thành dòng mới, và kết quả ra sao thì ra, phần dòng mẹ không có trách nhiệm gì.
Nhận thức này dựa vào quyết định của Tổng hội IX, được Đức hồng Y Tổng Giám Mục phê chuẩn, và cũng dựa vào các sắc lệnh của ngài cho phép như:
3. Cho phép những chị em xin đi truyền giáo tại Giáo Phận Phú Cường, trong vòng sáu tháng, nếu thấy không thích họp với Hội Dòng mình vừa gia nhập vẫn có thể trờ về Hội Dòng Mẹ là Đa Minh Rosa Lima.
Những nhận thức trên hoàn tòan sai lầm, nghịch với Giáo luật một cách nghiêm trọng. Thực tế là dòng đang sống trái luật từ 9 năm qua và cũng đã đưa đến những phân rẽ, bất đồng đáng tiếc.
Vì tầm mức hiểu biết Giáo luật còn hạn chế và cũng không muốn nhận ra mình đã sai lầm, có lẽ các nữ tu sẽ khó hiểu hoặc khó đón nhận những giải thích Giáo luật.
Dù sao, tôi cũng cố gắng giải thích một cách ngắn gọn điều chính yếu như sau:
1- Tổng hội IX năm 2012 đã ra một quyết định ngoài thẩm quyền của mình. Đó là chia dòng ra làm bốn phần độc lập với nhau để tạo thêm 3 dòng mới. Sự chia ra lập dòng mới này chỉ thuộc thẩm quyền Tòa Thánh mà thôi. Hiện nay 4 phần dòng Rosa Lima mà cứ tổ chức sống cách biệt nhau như vậy là đang vi phạm Giáo luật một cách nghiêm trọng.
Nói một cách khác, phần dòng mẹ Rosa Lima không có thẩm quyền để tách ba phần kia ra khỏi chính mình, mặc dù các phần đó có đồng ý. Có thể thấy rõ khi Tòa Thánh năm 1998 từ chối không cho Đa Minh Rosa Líma được tách ra ba dòng thì dòng lại tìm cách tách ra, như 4 dòng riêng biệt và sống nghịch với Giáo luật.
Rất tiếc là Đức Hồng Y không biết về vấn đề này. Xin đừng có hiểu lầm rằng sự phê chuẩn của ngài có thể làm cho sự trái luật thành hợp luật, có thể làm cho một hành vi không thành sự (invalid), trở nên thành sự (valid).
 2- Bề trên tổng quyền của dòng Đa Minh Rosa Lima và các Bề trên tổng quyền của ba phần dòng kia, kể từ Tổng hội IX, năm 2012 cho đến nay, vì được bầu cử bởi những tổng hội của những phần dòng riêng rẽ, đều là những Bề trên bất hợp pháp. Tổng hội IX đã không có thẩm quyền để tạo ra thêm 3 tổng hội khác và bầu tất cả 4 bề trên tổng quyền cho 4 phần một cách riêng rẽ như vậy. Một việc làm hay hành vi pháp lý mà do không có đủ thẩm quyền thì sẽ bị vô hiệu về mặt pháp lý, chiếu theo điều 124 của Bộ Giáo luật.
 Một cách cụ thể dễ hiểu là cuộc bầu cử bề trên Tổng quyền tại phần dòng chính Rosa Lima đã gạt bỏ những lá phiếu của ba phần dòng kia, do đó cuộc bầu đã vô hiệu, chiếu theo điều 166§3: "Nếu hơn một phần ba cử tri bị bỏ sót, cuộc bầu cử đương nhiên vô hiệu, trừ khi mọi người bị bỏ sót đã thực sự có mặt".

Vì vậy những cuộc bầu cử Bề trên tổng quyền của Đa Minh Rosa Lima vào những Tổng hội 2012, 2016 và 2020 đều bị vô hiệu. Không có một lý do theo Giáo luật nào để nói hàng trăm nữ tu đang có lời khấn của ba phần dòng kia là đã rời bỏ dòng, chỉ trừ lý do nghịch luật do Tổng hội IX đưa ra, là tự mình tách họ ra cách trái luật.
3- Lời khấn dòng từ sau Tổng hội IX, năm 2012, cũng không là lời khấn dòng công, mà chỉ là tư, vì khấn đã với một Bề trên bất hợp pháp.
Điều 1192
§1. Lời khấn là công (publicum), nếu được Bề trên (Superiore) hợp pháp chấp nhận nhân danh Giáo Hội; nếu không thì lời khấn là tư (privatum).
Có lẽ khó có ai tin rằng bốn phần dòng đang sống biệt lập như hiện nay là bất hợp pháp và các Bề trên tổng quyền, kể cả Bề trên của phần dòng mẹ là Rosa Lima, từ 9 năm nay đều là bất hợp pháp và hệ quả là các lời khấn dòng từ 9 năm nay trong tay các Bề trên đó là không hữu hiệu như lời khấn dòng công.
Sự sai lầm hay không biết của Tổng hội IX không làm cho hành vi vô hiệu (invalid) trở thành hữu hiệu (valid) chiếu theo Giáo luật điều 15§1.
Vì vậy, con đường mà dòng Đa Minh Rosa Lima buộc phải đi, cho dù nó ngược lại ý muốn của mình, đó là tổ chức một Tổng hội bất thường để hiệp nhất các phần và bầu ra một Bề trên Tổng quyền mới.
Bản quyền sở tại là Đức Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận tp HCM, nơi Đa minh Rosa Lima có trụ sở, có trách nhiệm giám sát, buộc Hội dòng phải tuân theo Giáo luật, xử phạt những ai cố tình vi phạm luật, ngay cả Bề trên và Ban Cố vấn.
Đức Tổng Giám Mục có thể nhận đơn để thành sự hóa các lời khấn bất thành từ sau Tổng hội IX  năm 2012 cho đến nay.

Các vị có trách nhiệm và các nữ tu cần nhận biết những điều này:
- Năm 1998 Rosa Lima xin Tòa Thánh tách thành 3 dòng. Tòa Thánh từ chối.
- Năm 2012 Rosa Lima tổ chức Tổng hội chia thêm ba phần để nhờ các Giám mục xin lập dòng. Các Giám mục đã làm đơn nhưng Tòa Thánh từ chối.
- Năm 2020 các Phần dòng nhờ Giám mục lập các Hiệp hội để rồi xin lập dòng. Liệu Tòa Thánh có thay đổi lập trường để chấp nhận không? Đó là chưa kể bất ổn giữa Hiệp hội ở Phú Cường với phần dòng và đã có khiếu nại lên Tòa Thánh.
- Từ năm 2012 đến nay, bốn phần dòng tiếp tục sống trong tình trạng như bốn dòng biệt lập, vi phạm nghiêm trọng Giáo luật về dòng tu.

2- Hội dòng Đa Minh Rosa Lima đã tách ra và lập 3 hiệp hội công mới ở Bắc Ninh, Bà Rịa, Phú Cường. Vậy tài sản của dòng có thuộc về hiệp hội không?
Đáp:
Tài sản của dòng là một tài sản của một pháp nhân công. Tài sản của Hiệp hội cũng là tài sản của pháp nhân công. Để tài sản thuộc về bên hiệp hội thì phải có sự chuyển nhượng theo Giáo luật. Nếu không, sự chuyển nhượng không thành sự, buộc hoàn trả và bồi thường thiệt hại.
Về sự chuyển nhượng tài sản thì Giáo luật có nói:
Điều 1291
Để chuyển nhượng thành sự những tài sản đã tạo thành di sản cố định của một pháp nhân công do sự chỉ định hợp pháp, và giá trị của những tài sản ấy vượt quá mức luật định, thì phải có phép của nhà chức trách có thẩm quyền chiếu theo quy tắc của luật.
Điều 1292
§l. Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 638 §3 khi giá trị tài sản chuyển nhượng được dự kiến giữa mức tiền tối thiểu và tối đa, mà Hội Đồng Giám Mục phải ấn định cho miền của mình, thì nhà chức trách có thẩm quyền là người do quy chế riêng chỉ định, đối với những pháp nhân không thuộc quyền Giám Mục Giáo Phận; nếu không, nhà chức trách có thẩm quyền là Giám Mục Giáo Phận cùng với sự chấp thuận của Hội Đồng kinh tế và ban tư vấn, cũng như của những người liên hệ. Chính Giám Mục Giáo Phận cũng cần phải có sự ưng thuận của những người nói trên để chuyển nhượng tài sản của Giáo Phận.
§2. Tuy nhiên, nếu là trường hợp những tài sản có giá trị vượt mức tiền tối đa, hoặc trường hợp những tài sản đã được dâng cúng cho Giáo Hội do một lời khấn, hoặc trường hợp những tài sản có giá trị nghệ thuật hay lịch sử, thì còn buộc phải có phép của Toà thánh để việc chuyển nhượng được thành sự.
Sự chuyển nhượng được nói đến là giữa mức tiền "tối thiểu và tối đa".
Ví dụ, chuyển nhượng giữa tối thiểu là 1 tỷ đồng và tối đa là 10 tỷ đồng. HĐGMVN chưa có quy định. Một số các dòng thuộc luật Giáo hoàng thì có quy định. Hoa kỳ định 8-13 tỷ tùy theo Giáo phận lớn nhỏ.
Vậy theo Giáo luật:
- Chuyển nhượng dưới mức tối thiểu, ví dụ giá trị dưới 1 tỷ đồng,  thì thuộc quyền pháp nhân, không cần xin phép Giám mục giáo phận.
- Chuyển nhượng từ mức tối thiểu đến mức tối đa, ví dụ đến mức tối đa 10 tỷ đồng, thì phải xin phép Giám mục với sự đồng ý cùng với sự chấp thuận của Hội Đồng kinh tế và ban tư vấn, cũng như của những người liên hệ (đ. 1291§1).
- Chuyển nhượng trên mức tối đa, ví dụ 10 tỷ đồng trở lên thì phải xin phép Tòa Thánh (đ. 1291§2, đ. 638§3).
Giá trị cơ sở nhà cửa của bên Dòng hay một phần của Dòng Đa Minh Rosa Lima như là Phần dòng ở Bắc Ninh, Bà Rịa, Phú Cường, có giá trị chắc là không dưới 10 tỷ, nhưng có thể nói hàng trăm tỷ. Vì vậy việc chuyển nhượng, để thành sự, phải có phép của Tòa Thánh. Nếu không có phép việc chuyển nhượng không thành sự và phải trả về cho Dòng hay Phần dòng. Nếu đã gây thiệt hại phải bồi thường.
3- Phần dòng có thể mặc nhiên chuyển nhượng cho Hiệp hội không?
Tuyệt đối không được.
Phần dòng mặc nhiên để cho nhóm tu sĩ xuất dòng gia nhập hiệp hội rồi khẳng định là tài sản của hiệp hội là hoàn toàn sai luật. Vì như đã nói, sự chuyển nhượng không được tự do, mà phải theo cách thức của Giáo luật, nghĩa là phải xin phép mới thành sự.
Ngay trong trường hợp ở Bắc Ninh, một số lớn các tu sĩ đã chuyển qua Hiệp hội, thì nếu tài sản đã chuyển quá 10 tỷ phải xin phép Tòa Thánh.
Chỉ cần một tu sĩ khiếu nại lên cấp trên hay Tòa Thánh thì buộc Hiệp hội phải hoàn trả và bồi thường thiệt hại.
Nếu có sự cố tình chiếm giữ thì bị tội chiếm đoạt hay ăn cắp tài sản của Giáo hội (cũng là tài sản của pháp nhân công trong Giáo hội) và "phải bị phạt" (Giáo luật nói đến hai trường hợp là "có thể phạt" và "phải phạt"), theo luật mới mà Đức Phanxicô mới ban hành dưới đây (x. http://giaoluatconggiao.com/co-cau-gh/bo-giao-luat-q-vi-canh-tan-243.html) thì "phải bị phạt".
Ðiều 1376
§1. Phải bị phạt với những hình phạt ở điều 1336 §§2-4, và vẫn phải giữ bó buộc bồi thường thiệt hại:
10 Người nào lấy cắp tài sản thuộc Giáo hội hay cản trở việc thu nhận những hoa lợi;
20  Người nào mà không có sự tham khảo ý kiến, sự đồng ý hoặc cho phép theo quy định, hoặc không thỏa mãn yêu cầu khác do pháp luật áp đặt về tính hữu hiệu hoặc hợp pháp, mà chuyển nhượng những của cải thuộc Giáo hội hoặc thực hiện một hành vi quản trị trên chúng.
§2. Phải chịu hình phạt thích đáng, không loại trừ bị tước bỏ chức vụ, vẫn phải giữ bó buộc bồi thường thiệt hại:
10  Người nào do lỗi nghiêm trọng của mình phạm đến tội nói tới ở §1, 20;
20  Người nào được nhận thấy, theo cách thức khác, là đã chểnh mảng nghiêm trọng trong quản trị tài sản của Giáo hội.
4- Giám mục Giáo phận hay Bề trên dòng có thẩm quyền để chuyển tài sản của phần dòng chúng con qua bên Hiệp hội không?
Đáp
Ngài không có thẩm quyền. Giám mục hay Bề trên khi tự ý chuyển nhượng trái luật thì phải bị phạt. Chúng ta chú ý đến đòi hỏi mới của Giáo luật là nếu không hỏi ý kiến hay không có sự ưng thuận theo quy định thì cũng phải bị phạt. Ví dụ, Giám mục phải có sự ưng thuận của Hội Đồng kinh tế và ban tư vấn, cũng như của những người liên hệ (đ. 1291§1), hoặc Bề trên dòng phài có sự ưng thuận của ban tư vấn hay hội đồng dòng theo hiến pháp quy định, mới có thể chuyển nhượng hợp pháp và hữu hiệu.
Đây là điều luật mới trong Tông hiến PASCITE GREGREM DEI, công bố hôm 1/6/2021, và có hiệu lực từ ngày 8/12/2021. Luật canh tân có thêm những khoản hình phạt liên hệ đến tài chính, trong đó đáng chú ý đến điều 1376 §1 số 2, được kể ở trên quy định "phải" phạt: "Người nào mà không có sự tham khảo ý kiến, sự đồng ý hoặc cho phép theo quy định, hoặc không thỏa mãn yêu cầu khác do pháp luật áp đặt về tính hữu hiệu hoặc hợp pháp, mà chuyển nhượng những của cải thuộc Giáo hội hoặc thực hiện một hành vi quản trị trên chúng" (đ. 1376§1,2).
5- Theo Giáo luật vấn đề tài sản của Hội dòng và Hiệp hội phải giải quyết làm sao?
Đáp
Từ trước tới nay các Tổng Giám mục, Giám mục, Bề trên dòng hay Hiệp hội đều hiểu lầm khi coi việc tự động chuyển tài sản qua Hiệp hội là tự nhiên và hợp luật. Ví dụ ở Bắc Ninh, đa số đã vào hiệp hội và cứ tưởng khối tài sản của phần dòng Bắc Ninh là thuộc Hiệp hội. Thật ra, để chuyển nhượng thành sự thì phải xin phép Tòa Thánh. Và vì vậy khối tài sản đó vẫn thuộc về Phần dòng.
Hiện nay, nếu có sự khiếu nại, thì các hiệp hội ở Bắc Ninh, Bà Rịa và Phú Cường buộc phải hoàn trả và bồi thường thiệt hại. Như đã nói, việc cho hay nhượng này phải xin phép Tòa Thánh mới thành sự và không ai, cho dù là Đức Hồng Y, Giám mục hay một Bề trên nào có thể tự quyền định đoạt hay cho phép.
Điều 634§1:
§1 Các tu hội, các tỉnh dòng và các nhà, với tư cách là các pháp nhân theo luật, có khả năng thủ đắc, chấp hữu, quản trị và chuyển nhượng tài sản, trừ khi khả năng ấy đã bị hiến pháp loại trừ hay hạn chế.
Như vậy các phần dòng hay ngay cả các nhà của dòng đều là chủ thể có quyền khiếu nại về tài sản.
Việc khiếu nại có thể tiến hành như sau:
a- Bên Dòng đưa văn bản khiếu nại cho bên Hiệp Hội phần tài sản chiếm giữ bất hợp pháp, đòi trao trả và bồi thường thiệt hại trong thời hạn nào đó.
b- Nếu bên Hiệp hội không thực hiện, bên Dòng đệ đơn lên Giám mục giáo phận để ngài xử lý. Nếu chỉ là tranh chấp một số tài sản mà không rõ ràng là thuộc về bên nào thì ngài trao cho tòa án xét xử hoặc bên Dòng đên đơn lên Tòa án giáo phận xin xử. Nhưng ở đây là vấn đề hiểu lầm và làm sai Giáo luật, thì Giám mục phải tôn trọng và giải thích luật cho bên Hiệp hội biết và ngài phải buộc bên Hiệp hội phải trao trả và bồi thường thiệt hại.
Đồng thời ngài cũng ngăm đe hình phạt nếu bên Hiệp hội bất tuân (Hoặc: giải thể hiệp hội công nếu ngài là người ký sắc lệnh thành lập, cách chức Bề trên và những người cố tình vi phạm, buộc hay không cho cư ngụ nơi nào đó, không cho thi hành những công việc mục vụ...)
c- Nếu Giám mục không giải quyết theo Giáo luật, có thể khiếu nại lên Tòa Thượng thẩm Roma, chiếu theo điều 1444#2, về vụ án hộ sự liên quan đến Giám mục. Các Tòa án khác hay Tòa Thánh không có quyền xét xử Giám mục, chỉ có Tòa Thượng thẩm Roma hay quen gọi là Tòa Rota mới có quyền xử về vụ án hộ sự (tranh chấp quyền lợi, lạm quyền, vi phạm luật gây thiệt hại...) và Bộ Giáo Lý Đức tin xử vụ án hình sự (về tội lạc giáo..., phạm đến các Bí Tích... Lạm dụng...).


Nhận xét :
Thực tế đã diễn ra 10 năm qua cho thấy Tổng Giám mục, Giám mục, Bề trên dòng hay Hiệp hội bị hiểu lầm, khi coi việc tự động chuyển tài sản qua Hiệp hội là tự nhiên và hợp luật. Hiện nay, chiếu theo Giáo luật, bên phần dòng có quyền đòi lại và bên Hiệp hội không có cách nào mà không trả được. Các Giám mục có muốn giúp đỡ cũng không được vì các ngài có thể phải chịu trách nhiệm trước Tông Tòa về trách nhiệm giám sát, quản trị tài sản trong Giáo phận cho công minh. Nếu không, các ngài có thể bị phạt do vi phạm theo luật mới của Đức Phanxicô, trong đó có cả luật phạt đối với Bề trên hay Giám mục lơ là thiếu trách nhiệm trong nhiệm vụ cũng như trong việc quản trị tài sản trong Giáo phận.
Riêng tại Phú Cường, nếu bên Phần dòng khiếu kiện thì sẽ thành công dễ dàng vì họ kiện đúng luật. Khoảng 200 thành viên của Hiệp hội, sẽ không còn nơi cư ngụ do không có quyền sở hữu trên các cơ sở của Dòng mà mình đang cư ngụ. Luật nội vi của Hội dòng cũng không cho phép hai bên ở chung. Vậy phải giải quyết làm sao?
Tôi thấy Giám mục giáo phận đã đón nhận và thành lập hiệp hội cho các nữ tu để họ có thể được thành lập một dòng mới, chứ không phải cho ngài hay cho tài sản của ngài. Nhưng nay thì việc lập dòng mới cho các nữ tu không có hy vọng, do những bất ổn đã xảy ra, gây phân rẽ, thiệt hại cho các nữ tu, mà Tòa Thánh đã biết. Lại thêm chuyện 200 nữ tu lấy chỗ đâu mà ở. Lỗi phạm thì tại chính Giám mục, tuy nhiệt tâm, nhưng lại hiểu lầm về quyền quản trị tài chính, buộc phải sửa chữa.
Vậy phần giải quyết tốt nhất là:
Giám mục ra sắc lệnh giải thể Hiệp hội công mà ngài thành lập. Các nữ tu có thể gia nhập trở lại phần dòng. Khi đó, không còn vấn đề tranh chấp về thành viên (là thuộc về Hiệp hội hay dòng?) và về tài sản. Các nữ tu trở về tình trạng cũ, hiệp nhất bình an.
Còn nói chung cho cả Đa Minh Rosa Lima, thì có lẽ Tòa Thánh sẽ can thiệp không lâu nữa, vì cả 4 phần dòng đều đang sống trong tình trạng phân rẽ như 4 dòng riêng biệt, bất hợp pháp, các Bề trên tổng quyền bất hợp pháp. Tòa Thánh sẽ đòi hiệp nhất trở lại và đưa ra những giải pháp để cũng cố sự hiệp nhất.
Tôi khuyên tất cả các chị em nữ tu Đa Minh Rosa Lima hãy trở về hiệp nhất với nhau để thành một dòng lớn mạnh, vì cả 4 phần cũng khoảng 800 - 1000 thành viên hoặc hơn nữa, rất thuận lợi cho việc tu trì, đào tạo, thường huấn... Các chị đừng sợ sự hiệp nhất, đừng có yếu tin mà cho rằng mình sẽ không làm được. Sự phân rẽ ở quá khứ có những nguyên nhân của nó.  Cái sai chính yếu của các chị là ở cách tổ chức. Đa minh Rosa Lima từ khi thành lập dòng vẫn duy trì kiểu tổ chức còn nặng phần tự quản hay tự trị (sui iuris) có gốc gác từ khi còn là dòng ba Đa Minh. Do đó sự phân rẽ đã nẩy sinh, không tránh khỏi. Bây giờ hãy học hỏi nơi các dòng khác, thay đổi cách tổ chức và nhờ ơn Chúa sẽ thành công. Các chị đừng có chịu thua trước nhưng hãy hy vọng tiến bước.
 
Tâm tình


Tôi rất kính phục quý chị Đa Minh đã kiên trì trung thành với lời khấn đối với Chúa, cương quyết không tháo lời khấn. Các chị đã trung thành với giao ước tình yêu với Đức Kitô cho dù phải chịu gian nan thử thách, cho dù phải chịu mất mát, hy sinh. Mẹ Mân Côi luôn chăm sóc các chị; hãy cầu nguyện cho ơn hiệp nhất như xưa Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ được hiệp nhất.

 

[1]. x. GL 166.3
[2]  x. GL 169
[3]  x.  GL 173.3
[4]  x. GL 170

 
-----------------------------

Cũng xin trích dẫn những tâm tình:
Maria M.T.N.D., gởi ngày 22-2-2022

Con chân thành cám ơn bài viết của Cha, bài viết giúp mang lại bình an, và cho chúng con biết chúng con đang đi đúng đường Chúa muốn. Không ai đã có thể cắt nghĩa cho chúng con hiểu được như Cha. Chúng con cứ lò mò đi trong tăm tối, bây giờ chúng con hiểu hơn. Xin Chúa mở lòng những người không đồng thuận với Cha. Xin Chúa ban nhiều phúc lành trên Cha để đem bính an cho nhiều tâm hồn đang trên đường tìm Chúa.
Goretty..., gởi ngày 24-2-2022
Kinh thưa Cha!
Con là nữ tu, con cám ơn Cha đã cho chúng con giải pháp rất hữu hiệu và thiết thực.
Con tin rằng, dù như thế nào thì Chúa vẫn có cách của Chúa. Tạ ơn Chúa đã gửi Cha, để giúp chúng con.

Maria V.T.M.T., gởi ngày 24-2-2022 
Con xin chân thành cảm ơn Cha đã cho con rất nhiều kiến thức về giáo luật liên quan tới nhiều khiá cạnh của đời sống người Kito hữu, đặc biệt kiến thức về giáo luật liên quan tới hiệp hội và tu hội đời sống thánh hiến [...].Con nguyện xin Chúa ban nhiều ân sủng và tình yêu của Người cho Cha, để Cha luôn an vui, mạnh khoẻ, thông minh, thánh thiện, để đem lại bình an cho nhiều tâm hồn. Amen
M. Jos, gởi ngày 25-2-2022
Con cảm ơn cha rất nhiều, đã giải thích cặn kẽ cho con rõ về những vấn đề mà lâu nay con rất muốn được nghe để biết con đường mình đang đi có đúng chưa. Giờ qua lời giải đáp của Cha, Con cảm thấy bình an và hy vọng được sống đúng với tinh thần của một dòng tu Đa Minh đích thực. Xin cha tiếp tục đồng hành và cầu nguyện cho chúng con để ý Chúa được mau thể hiện. Xin Chúa ban muôn ơn lành xuống trên Cha để Cha chu toàn sứ vụ mà Chúa đã trao ban.
AnnaRosa, gởi ngày 25-2-2022
Kính thưa Cha,
Chị em chúng em lại được Chúa cho thêm một sự an ủi lớn qua sự quảng đại trong bài viết này của Cha. Cha đã dùng những khôn ngoan Chúa ban, tài trí Thiên phú giúp chi em chúng con "biết" và "có quyên biết" về những gì liên quan đến chính đời sống thánh hiến của chúng con.
Đọc bài viết xong, con thực sự mang nhiều cảm xúc trong tâm tình tạ ơn Chúa, cảm ơn Cha…
Xin Cha tiếp tục giúp chúng con và con mong rằng những lời hướng dẫn, giải thích của Cha mang lại những ý hướng tích cực, thêm tin tưởng vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Chúng con kính chúc Cha luôn hồn an xác mạnh, nội lực dồi dào…để Cha góp phần thăng tiến Giáo hội hoàn vũ nói chung, đặc biệt Giáo hội địa phương nói riêng.
Một lần nữa xin tri ân Cha.


[..........................................]
 
==============================================

PHÚC ĐÁP CHUNG

J.B. Lê Ngọc Dũng, 24-2-2022

Tạ ơn Chúa đã đem lại sự bình an cho các chị, hết lo âu, hoang mang hay khủng hoảng. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho Ban lãnh đạo bên Hội dòng Rosa Lima và bên Hiệp hội đi đúng hướng; có những cách giải quyết tốt đẹp, loại bỏ đi được những sự phân rẽ trong chính mình và với bên kia; yêu thương nâng đỡ nhau vui sống trong Chúa Kitô.
Rõ là đã có sự thiếu phân định và lầm lẫn chung về sự lập dòng và những nguyên tắc Giáo luật, gây nên sự bất ổn và tai hại.
Trong tiến trình giải quyết sự bất ổn, điều cần thiết phải làm ngay, đó là tái lập lại cơ cấu tổ chức của Phần dòng Đa Minh Rosa Lima tại Phú Cường. Thử nghĩ mà xem, hiện nay không còn Bề trên Phần dòng, Bề trên tu viện, Bề trên nhà. Các nữ tu sẽ "vâng phục" ai, sẽ giữ đức "khó nghèo" bằng sự lệ thuộc sử dụng của cải vật chất trong tay ai, và ai sẽ giúp các nữ tu giữ đức "khiết tịnh" khi mình được tự do, không có Bề trên? Sự tuân giữ ba lời khấn của tu sĩ rõ ràng là mất nền tảng, gây nguy hại cho đời sống Thánh hiến. Các chị hãy kêu xin Bề trên Tổng quyền và Hội đồng dòng thực thi trách nhiệm của mình.

Tổng số điểm của bài viết là: 377 trong 84 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1,177
  • Tháng hiện tại53,207
  • Tổng lượt truy cập10,807,446
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi