QUY CHẾ GIÁO XỨ GP BAN MÊ THUỘT

Thứ tư - 08/03/2017 07:33

QUY CHẾ GIÁO XỨ GP BAN MÊ THUỘT

LỜI MỞ ĐẦU

Bản QUY CHẾ GIÁO XỨ được thiết lập nhằm xác định vai trò tích cực của người giáo dân trong việc xây dựng Giáo Hội, như đã quy định trong Sắc lệnh về Hoạt động Tông đồ giáo dân : “Trong những cộng đoàn của Giáo hội, hoạt động của Giáo dân cần thiết đến nỗi nếu không có hoạt động đó, chính hoạt động tông đồ của các vị chủ chăn thường không thể đạt được đầy đủ kết quả” (AA, 10). Khởi đi từ đó, Hội đồng Mục vụ Giáo phận đã bắt tay soạn thảo công phu và hoàn chỉnh một bản văn chính thức.
      Bản QUY CHẾ GIÁO XỨ đã được Đức cố Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai phê nhận và cho áp dụng vĩnh viễn trong toàn Giáo phận ngày 15 tháng 8 năm 1974, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Sau hơn 4 thập kỷ lưu hành, với nhiều biến thiên thay đổi, cho đến hôm nay, tuy một số nội dung và câu chữ không còn thích hợp, nhưng nhìn chung, bản văn vẫn còn nguyên giá trị. Bởi thế, sự hiện diện của bản văn tu chỉnh nầy nhằm thể hiện một điểm nhấn Mục vụ cho sự canh tân và cập nhật theo các Văn kiện của Huấn quyền.
Quả thật, Công Ðồng Vaticanô II đã dành nhiều nỗ lực nhằm xác nhận rằng, người giáo dân phải được đánh giá như cộng tác viên đích thực trong sứ mệnh duy nhất của Giáo hội, là cứu độ mọi người. “Phần các chủ chăn có chức thánh, các ngài phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo hội, các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tin cẩn giao phó cho họ những công tác, để họ phục vụ Giáo hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động; hơn nữa, các ngài cũng nên khuyến khích họ tự đảm lấy trách nhiệm” (LG 37).

Từ thành quả của Thượng Hội đồng Giám mục năm 1987 về “Ơn gọi và sứ mệnh của người tín hữu giáo dân trong Giáo hội và thế giới”, được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khái quát trong Tông huấn “Các Kitô hữu giáo dân” (1988), HĐGMVN trong “Đề cương Giáo hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông và sứ vụ” đã nêu bật Mô hình Giáo hội tham gia, và đồng trách nhiệm, nghĩa là “ Trong một Giáo hội hiệp thông, tất cả mọi người, giáo sĩ cũng như giáo dân, đều liên hệ với nhau và có ảnh hưởng tác động lẫn nhau”.( Chương 3, số 21).
Bởi thế, ước mong bản tu chỉnh QUY CHẾ GIÁO XỨ này giúp định hướng cần thiết để xây dựng Giáo xứ thành một cộng đoàn Giáo hội Hiệp thông có sự tham gia của mọi người, một cách có tổ chức và hữu hiệu. Để “Giáo xứ không phải là một đơn vị sinh hoạt mang nặng tính cục bộ địa phương, và chỉ do một mình linh mục chủ trì, nhưng là một gia đình yêu thương”. Một khi “Cộng đoàn Giáo xứ chan hòa tình gia đình của các môn đệ Chúa Kitô, sẽ là chứng từ đầy thuyết phục cho lời rao giảng về Thiên Chúa Tình yêu. Đoàn Dân Chúa khi sống trọn vẹn tình hiệp thông giữa lòng Giáo hội (ad intra), sẽ thêm nhiệt thành khi gặp gỡ và đối thoại với thế giới chung quanh (ad extra).”(Chương 3, số 22).
Nguyện xin Thiên Chúa toàn năng chúc lành và ân thưởng cho mọi công việc, mọi hy sinh cố gắng của tất cả mọi người để phụng sự Chúa và Giáo Hội hoàn cầu trong Giáo hội địa phương nhỏ bé là Giáo xứ.

 

HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

PHẦN MỞ ĐẦU

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CĂN BẢN

ĐIỀU 1 :
     Quy chế này ấn định việc tổ chức và điều hành các cơ quan Giáo xứ cũng như Giáo họ Biệt lập(1) trong Giáo phận Banmêthuột.
ĐIỀU 2 :
Từng Giáo xứ, Giáo họ có thể đặt ra nội lệ để áp dụng Quy chế này, miễn là các điều khoản không nghịch với Quy chế, không nghịch lại tinh thần Giáo luật, được Linh mục Quản xứ chấp nhận và Đức Giám mục Giáo phận chấp thuận phê chuẩn. Nội lệ này sẽ được lưu trữ tại Công hàm Toà Giám mục.
ĐIỀU 3 : 
Công việc trong Giáo xứ, Giáo họ sẽ được các cơ quan liệu-lý dưới sự hướng dẫn và điều khiển của Linh mục Quản xứ. Thẩm quyền tối hậu thuộc Đức Giám mục Giáo phận.

(1) Giáo họ Biệt lập là một phần đất của Giáo phận, qui tụ dân Chúa thành một cộng đồng chung quanh một Nhà thờ có các cơ sở và tài sản riêng cần thiết, được thiết lập một cách tạm thời, để sau này trở thành Giáo xứ, do một nghị định của Đấng Bản Quyền, dưới sự lãnh đạo của một vị Linh mục được Đức Giám mục chỉ định và bổ nhiệm.

PHẦN THỨ NHẤT
TỔ CHỨC GIÁO XỨ, GIÁO HỌ

ĐIỀU 4 :  
Các cơ quan Giáo xứ là :
– Đại Hội đồng Giáo xứ (ĐHĐGX) tức cơ quan quyết định.
– Hội đồng Giáo xứ (HĐGX) tức cơ quan chấp hành.

CHƯƠNG THỨ NHẤT
ĐẠI HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ, GIÁO HỌ

ĐIỀU 5 :
Đại Hội đồng Giáo xứ, Giáo họ gồm tất cả giáo dân nam nữ trong Giáo xứ, Giáo họ từ 18 tuổi trở lên.
ĐIỀU 6 :
Đại Hội đồng Giáo xứ, Giáo họ cùng với Linh mục Quản xứ (LMQX) quyết định những vấn đề quan trọng trong Giáo xứ, Giáo họ.
ĐIỀU 7 :
Ngoài buổi gặp mặt thường niên, Đại Hội đồng còn có những lần gặp mặt bất thường, được triệu tập theo yêu cầu của LMQX hay của HĐGX,GH với sự chấp thuận của LMQX.
ĐIỀU 8 :
Khóa họp phải được báo trước ít nhất là hai mươi bốn (24) tiếng đồng hồ.
ĐIỀU 9 :   
1) Tổ chức khóa họp do Ban Thường vụ (BTV) HĐGX, BHG.
2) Ấn định chương trình nghị sự cho các khóa họp do HĐGX, GH cùng với sự thông qua của LMQX.
3) Điều khiển khóa họp do chủ tọa đoàn và thư ký đoàn được Đại Hội đồng bầu ra cho từng khóa họp.
ĐIỀU 10 :
Đại Hội đồng biểu quyết theo đa số tuyệt đối (quá bán). Sau hai lần biểu quyết mà không đạt được đa số ấy thì lần thứ ba sẽ biểu quyết theo đa số tương đối. Các quyết nghị trên sẽ do LMQX ban hành.

CHƯƠNG THỨ HAI
HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ
và BAN HÀNH GIÁO

ĐIỀU 11 :
Hội đồng Giáo xứ, Giáo họ gồm :
– Ban Thường vụ.
– Các Trưởng ban Chuyên môn.
– Đại diện của từng Giáo họ (nếu có).
– Trưởng các Ban ngành Đoàn thể
– Cố vấn (nếu có).

TIẾT 1 – THÀNH PHẦN
ĐIỀU 12 :
1.  Ban Thường vụ HĐGX gồm :
– Chủ tịch.
– Phó Chủ tịch Nội vụ.
– Phó Chủ tịch Ngoại vụ.
– Thư ký.
– Tài chánh.
– Thủ quỹ.
2. Ban Hành giáo Giáo họ Biệt lập gồm :
– Trưởng ban.
– Phó ban Nội vụ.
– Phó ban Ngoại vụ.
– Thư ký.
– Tài chánh.
– Thủ quỹ.

ĐIỀU 13 :
Các Trưởng ban Chuyên môn là :
1. ° Trưởng ban Phụng vụ
     ° Trưởng ban Loan báo Tin mừng.
    ° Trưởng ban Giáo lý Đức tin.
° Trưởng ban Caritas Xã hội.
° Trưởng ban Giáo dục Kitô giáo.
° Trưởng ban Văn hóa Truyền thông.
° Các Trưởng ban khác nếu cần.
2. Các chức vụ có thể được kiêm nhiệm.
3. Các Trưởng ban Chuyên môn sẽ tổ chức ban mình chuyên trách. Cơ cấu, thành viên và chương trình hoạt động phải được BTV, BHG chấp thuận và LMQX phê nhận. Các thành viên này không thuộc thành phần HĐGX,GH.
ĐIỀU 14 :
HĐGX và BHG với sự chấp thuận của LMQX, có thể mời một số giáo dân vị vọng, tài đức làm cố vấn.

TIẾT II – TRẠCH CỬ VÀ NHIỆM KỲ
MỤC A  –  BAN THƯỜNG VỤ
ĐIỀU 15 :
Ban Thường vụ HĐGX và BHG Giáo họ Biệt lập  do ĐHĐGX và ĐHĐ Giáo họ Biệt lập bầu cử và do Đức Giám mục Giáo phận bổ nhiệm, chiếu theo đề nghị của LMQX.
ĐIỀU 16 :
Người muốn ứng cử và được đề cử vào Ban Thường vụ HĐGX và BHG Giáo họ Biệt lập phải hội đủ những điều kiện sau :
– 25 tuổi trở lên. 
– Đạo đức.
– Khả năng.
– Nhiệt thành.
– Không mắc ngăn trở Giáo luật.
ĐIỀU 17 :
1) Việc bầu cử có thể thực hiện theo một trong hai thể thức sau :
a) Phổ thông đầu phiếu trực tiếp và kín.
b) Gián tiếp và kín.
Cử tri đoàn là đại diện các gia đình, hoặc đại diện của các Liên gia hay Khu xóm.
2) Lễ phong nhậm sẽ được tổ chức trước Mình Thánh Chúa và với sự hiện diện đông đảo của cộng đoàn Giáo xứ, Giáo họ.
ĐIỀU 18 :
–   Nhiệm kỳ là 4 năm. Nhiệm kỳ này, trong những trường hợp đặc biệt, có thể được kéo dài thêm, nhưng không được quá hai (02) năm hay rút ngắn lại, do quyết định của Đức Giám mục Giáo phận, chiếu theo đề nghị của LMQX liên hệ.
– Có thể được tái cử.
ĐIỀU 19 :
Nhiệm kỳ của từng viên chức Ban Thường vụ HĐGX và BHG Giáo họ Biệt lập có thể chấm dứt trước thời hạn vì những lý do :
1) Qua đời.
2) Từ nhiệm với sự chấp nhận của Đức Giám mục theo đề nghị của LMQX. Lý do từ nhiệm là những lý do như: di chuyển cư trú, bệnh tật trầm trọng và kéo dài, không còn năng lực để làm tròn nhiệm vụ.
3) Bị bãi nhiệm do quyết định của Đức Giám mục, chiếu theo đề nghị của LMQX. Lý do bị bãi nhiệm như: bỏ phế nhiệm vụ, bỏ Mùa Phục sinh, bất tuân và chống đối LMQX trong việc công ích và quan trọng, thường xuyên gây rối trong sinh hoạt HĐGX và BHG, can tội bị phạt vạ hoặc sinh gương xấu công khai, sau nhiều lần cảnh cáo vô hiệu quả.

ĐIỀU 20 :
Trong trường hợp khống khuyết viên chức Ban Thường vụ HĐGX và BHG Giáo họ Biệt lập xảy ra trong tiền bán nhiệm kỳ, cuộc bầu cử viên chức thay thế sẽ được tổ chức và bổ nhiệm theo điều 16, 17, 18. Nếu sự khống khuyết xảy ra trong hậu bán nhiệm kỳ, LMQX sẽ chỉ định viên chức kiêm nhiệm.

ĐIỀU 21 :
Ban Thường vụ HĐGX và BHG Giáo họ Biệt lập  đương nhiệm sẽ tổ chức và kết thúc cuộc bầu cử Tân Ban một tháng trước khi nhiệm kỳ đương thời chấm dứt.

MỤC B. – TRƯỞNG BAN CHUYÊN MÔN
ĐIỀU 22 :
Các Trưởng ban Chuyên môn được LMQX bổ nhiệm do sự đề cử của BTV.

ĐIỀU 23 : 
1) Nhiệm kỳ các Trưởng ban Chuyên môn liên đới với nhiệm kỳ của BTV. Cũng có thể chấm dứt trước thời hạn vì những lý do nêu ra ở điều 19, nhưng do quyết định của LMQX sau khi đã hội ý với BTV.
2) Khi khống khuyết Trưởng ban nào, LMQX sẽ điền khuyết theo thể thức nói ở điều 22. Người được điền khuyết cũng chỉ tiếp tục nhiệm kỳ còn lại của Trưởng ban khống khuyết.

ĐIỀU 24 :
Nhiệm kỳ của Cố vấn chấm dứt theo với nhiệm kỳ của Ban Thường vụ HĐGX và BHG Giáo họ Biệt lập.

 

TIẾT III – CHỨC VỤ CỦA
HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ, BAN HÀNH GIÁO

ĐIỀU 25 :
HĐGX và BHG thông dự quyền hành và trách nhiệm của LMQX trong việc điều hành và quản trị Giáo xứ, Giáo họ.

ĐIỀU 26 :
HĐGX, BHG nghiêm chỉnh thi hành các quyết nghị của ĐHĐGX, ĐHĐGH và những chỉ thị của các cấp Giáo quyền.

ĐIỀU 27 :
HĐGX, BHG trợ lực, nâng đỡ, cổ võ và điều hòa sinh hoạt các đoàn thể trong Giáo xứ, Giáo họ nhưng không can thiệp vào nội bộ các đoàn thể ấy.

ĐIỀU 28 :
1) Chủ tịch (Trưởng ban): Chủ tọa các cuộc họp BTV, BHG. Điều khiển và lãnh trách nhiệm tổng quát về HĐGX, GH.
2) Phó Chủ tịch Nội vụ (Phó ban Nội vụ) :
1.  Cộng tác với Chủ tịch (Trưởng ban) trong việc phối hợp và điều hành, thay thế khi Chủ tịch (Trưởng ban) vắng mặt.
2.  Phối hợp các sinh hoạt mục vụ trong Giáo xứ, Giáo họ, đặc trách các Ban Chuyên môn, các đoàn thể, phong trào….
3.  Đặc trách các sinh hoạt thuộc hai lãnh vực trên khi không có người chuyên trách.
3) Phó Chủ tịch Ngoại vụ (Phó ban Ngoại vụ) :
1.  Cộng tác với Chủ tịch(Trưởng ban),
2.  Phối hợp các sinh hoạt thuộc lãnh vực bác ái xã hội và loan báo Tin mừng;
3.  Đặc trách những lãnh vực đó khi Giáo xứ, Giáo họ không có người chuyên trách.
4.  Phụ trách liên lạc với bên ngoài Giáo xứ, Giáo họ và các Tôn giáo bạn.
4) Thư ký :
–  Tổ chức văn phòng HĐGX, GH.
–  Soạn chương trình nghị sự các phiên họp HĐGX, GH.
–  Lập và giữ biên bản các phiên họp.
–  Soạn thảo và lưu trữ các văn thư.
–  Thông tri cho các Giáo họ và các Đoàn thể.
5) Tài chánh :
–  Giúp LMQX quản lý các tài sản Giáo xứ, Giáo họ
–  Kinh tài và phát triển tài sản Giáo xứ, Giáo họ.
– Lo hợp thức hóa các bất động sản dâng cúng hoặc tậu mãi.
– Báo cáo hàng năm về tình trạng tài sản Giáo xứ, Giáo họ  cho HĐGX, HĐGH
–  Đại diện HĐGX, GH trong các dịch vụ thương
    mại.
6) Thủ quỹ :
–  Thu các thứ tiền thuộc tài sản Giáo xứ, Giáo họ.
–  Giữ tiền, nhưng không bao giờ giữ quá năm triệu đồng (5.000.000đ). Số tiền trên 5.000.000đ phải đem ký thác nơi nào tùy theo LMQX và BTV, BHG chỉ định.
– Xuất tiền theo lệnh của Chủ tịch (Trưởng ban) HĐGX, BHG:
+  Dưới một triệu đồng (1.000.000đ) do lệnh Chủ tịch (Trưởng ban) cách đơn độc.
+  Trên một triệu đồng (1.000.000đ) do lệnh Chủ tịch (Trưởng ban) cùng với BTV, BHG.
+ Trên năm triệu đồng (5.000.000đ) phải cần thêm có sự chấp thuận của LMQX.
– Cập nhật hóa sổ sách chi thu và lưu giữ các chứng từ.
– Kết toán hằng năm và trình bày trước ĐHĐGX, GH.

ĐIỀU 29 :
Nhiệm vụ của các Trưởng ban Chuyên môn :
1) Ban Phụng vụ :
– Tổ chức và vạch chương trình các ngày Đại lễ, các cuộc rước.
– Trang trí Nhà thờ.
– Cắt đặt người xướng kinh, dẫn lễ, hát lễ.
– Giúp LMQX trong các Nghi thức Phụng vụ và Bí tích.
– Trông coi Đất thánh (nghĩa địa), lo việc Tang chế.

2) Ban Loan báo Tin mừng :
– Phụ trách loan báo Tin mừng, tiếp xúc với lương dân, Tôn Giáo bạn và Đồng bào Sắc tộc.
– Giúp LMQX thành lập và điều hành, tổ chức, yểm trợ các thí điểm và giáo điểm truyền giáo.
3) Ban Giáo lý Đức tin :
–  Phụ trách Giáo lý trong Giáo xứ.
–  Cổ võ việc học Giáo lý.
–  Tổ chức các lớp Giáo lý, các cuộc thi Giáo lý …
4) Caritas Xã hội :
Theo chương trình và đường lối của Liên Ủy ban Giáo phận, thích ứng với hoàn cảnh Giáo xứ, về các hoạt động xã hội, từ thiện, phát triển.
5) Ban Giáo dục Kitô giáo :
–   Cộng tác với LMQX trong việc quản trị học đường.
–  Thành lập hội phụ huynh học sinh.
– Phát động các chiến dịch chấn hưng đạo đức, bảo vệ thuần phong mỹ tục …
6) Ban Văn hóa Truyền thông :
– Thông tin phát thanh tin tức công giáo.
– Phổ biến sách báo tài liệu học tập.
– Tổ chức ca kịch, văn nghệ, giải trí lành mạnh.
– Cảnh báo,  ngăn chận các tài liệu nghịch đức tin.

TIẾT IV –  SINH HOẠT
ĐIỀU 30 :
1) Ban Thường vụ, Ban Hành giáo họp mỗi tháng một lần.
2) HĐGX, GH họp ba tháng một lần để kiểm điểm tình hình  trong Giáo xứ, Giáo họ và giải quyết những vấn đề đặc biệt.
3) Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch (Trưởng ban) có thể triệu tập phiên họp bất thường theo lệnh của LMQX.

ĐIỀU 31 :
Hằng năm Ban Thường vụ HĐGX và Ban Hành giáo Giáo họ Biệt lập sẽ tham dự một cuộc tĩnh huấn do trung ương Giáo phận tổ chức.

TIẾT V –  QUYỀN LỢI

ĐIỀU 32 :
Các viên chức Ban Thường vụ HĐGX và Ban Hành giáo Giáo họ Biệt lập:
1) Được coi là những vị ân nhân của Giáo xứ,Giáo họ.
2) Được LMQX đề nghị lên Đức Giám mục Giáo phận ban Bằng Tưởng-lục khi mãn nhiệm kỳ thanh thỏa hay có công trạng đặc biệt đối với Giáo xứ, Giáo họ.
3) Được Giáo xứ, Giáo họ truy báo một Thánh lễ cầu hồn trọng thể khi qua đời lúc đương nhiệm cũng như khi đã mãn nhiệm thanh thỏa. Bổng lễ trích ngân quỹ Giáo xứ, Giáo họ.

CHƯƠNG THỨ BA
TÀI  SẢN GIÁO HỘI  TRONG
GIÁO XỨ, GIÁO HỌ

ĐIỀU 33 :
Tài sản Giáo hội trong Giáo xứ, Giáo họ được gầy dựng bởi đóng góp, quyên cúng, tậu mãi, đổi chác, sinh lời .v.v…
Gồm :   –   Bất động sản.
–   Động sản.
– Hiện kim, các trương mục, các cổ phần .v.v...

ĐIỀU 34 :
Tài sản Giáo hội trong Giáo xứ, Giáo họ thuộc quyền quản lý của LMQX theo giáo luật (x.1483,1182,1359 ; Năng quyền thập niên. 32,2) :
1) Tài sản thuộc Nhà xứ do LMQX quản lý trực tiếp.
2) Tài sản thuộc Giáo xứ, Giáo họ (Nhà thờ) do LMQX quản lý với sự hợp tác của HĐGX, BHG. Thể thức quản trị sẽ do LMQX qui định với HĐGX, GH theo Giáo luật.
3) Tài sản nào thuộc Nhà xứ và tài sản nào thuộc Giáo xứ, Giáo họ sẽ do Đức Giám mục phân định theo nhu cầu và tập tục của từng Giáo xứ, Giáo họ.

 
PHẦN THỨ HAI
TU CHÁNH VÀ CHUNG KẾT

ĐIỀU 35 :
Thủ tục tu chánh Quy chế này như sau :
1) Đề nghị tu chánh phải do ít nhất là 10 tác giả gồm các LMQX và các HĐGX.
2) Quyết định thảo luận do Đức Giám mục Giáo phận.
3) Ban hành do quyết định của Đức Giám mục Giáo phận.

ĐIỀU 36 :
Mọi văn kiện hoặc luật lệ, tập tục trái ngược với Quy chế này đều bị bãi bỏ.

Ban Mê Thuột, ngày 01 tháng 8 năm 2016
HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

Phê nhận và cho áp dụng trong toàn Giáo phận kể từ ngày ấn ký.

Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột
(Ký tên và đóng dấu )

+ Vinh Sơn  NGUYỄN VĂN BẢN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay531
  • Tháng hiện tại20,477
  • Tổng lượt truy cập10,722,300
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi