VAI TRÒ CỦA BỀ TRÊN THEO GIÁO LUẬT ĐIỀU 618-619 - Maria Trần Thị Tố Oanh

Thứ bảy - 08/04/2017 09:20
Khi tuyên khấn lời khấn vâng phục, mỗi tu sĩ ước ao dâng hiến trọn ý muốn và ý chí của mình cho Thiên Chúa ngang qua việc vâng phục bề trên (superiore). Tuy nhiên, với thân phận con người đầy mỏng giòn và yếu đuối, việc sống lý tưởng đó gây nên không ít thách đố cho những người sống đời thánh hiến. Hơn bao giờ hết, xã hội ngày này đề cao tự do, với khẩu hiệu tự do nghĩa là làm điều gì tôi muốn, thì sự vâng phục trở nên một thách đố lơn cho người tu sĩ. Vâng phục quyền bính không chỉ được đề cập đến trong các Hiến Luật riêng của mỗi tu hội mà còn được thể chế hoá ngang qua Giáo luật của Giáo hội. Để giúp các tu sĩ cách riêng, cũng như các tín hữu nói chung hiểu hơn về việc vâng phục quyền bính trong Giáo luật Giáo hội công giáo, bài viết trình bày đôi nét về nền tảng và tinh thần của quyền bính, đồng thời nêu lên bổn phận của các bề trên dựa trên các điều 618-619 của Giáo luật 1983 và Giáo huấn của Giáo hội.

VAI TRÒ CỦA BỀ TRÊN THEO GIÁO LUẬT ĐIỀU 618-619
           

1- QUYỀN BÍNH: NỀN TẢNG - TINH THẦN
 

a- Nền tảng của quyền bính


Điều 618 của Giáo luật xác định quyền của các bề trên là quyền đến từ Thiên Chúa qua thừa tác vụ của Giáo hội. Định nghĩa quyền bính này mang tính cách chung, như thế nó có thể được áp dụng vào tất cả mọi tu hội: vừa tu hội giáo sĩ hay giáo dân, vừa tu hội luật giáo hoàng hay luật giáo phận. Nguồn chính của điều luật này được trình bày trong sắc lệnh Perfectae caritatis. Chúng ta đọc thấy 3 định nghĩa quan trọng về nguồn gốc, về bản chất và sự phục vụ của quyền bính như sau:
 "Các bề trên sẽ phải trả lẽ về các linh hồn đã được ủy thác cho mình (Dt 13,17), vì thế hãy mau mắn tuân hành thánh ý Chúa khi chu toàn bổn phận, và hãy thực thi quyền bính trong tinh thần phục vụ anh em, để phản ánh tình yêu của Thiên Chúa vẫn dành cho mọi người. Các ngài hãy lãnh đạo những kẻ thuộc quyền như đang hướng dẫn những người con của Thiên Chúa, tôn trọng họ như những nhân vị và khích lệ họ thể hiện tinh thần vâng phục tự nguyện. Đặc biệt phải để cho mọi người được tự do trong việc xưng tội và linh hướng. Hãy hướng dẫn các tu sĩ biết cộng tác với thái độ vâng lời tích cực và có trách nhiệm, khi chu toàn bổn phận cũng như khi đóng góp ý kiến. Vì thế, các bề trên hãy sẵn sàng lắng nghe các tu sĩ và khuyến khích họ cộng tác vì lợi ích của Hội dòng và của Giáo hội, tuy nhiên vẫn phải bảo toàn quyết định và điều hành các công tác đã hoạch định"[1].
            Như vậy, tinh thần của Giáo luật nhấn mạnh đến sự vâng phục quyền bính vì chính quyền bính đến từ Thiên Chúa, và các bề trên là những vị đại diện của Người. "Lời khuyên phúc âm về đức vâng phục…. đòi buộc ý chí một sự tùng phục các bề trên hợp pháp khi các ngài đại diện Thiên Chúa ban lệnh hợp pháp theo hiến pháp riêng" (đ.601).
            Khi trao quyền bính cho bề trên, Thiên Chúa dùng Hội Thánh của Ngài để thông ban quyền đó. Cách cụ thể quyền bính này do Thiên Chúa trao ban qua tác vụ của Hội Thánh khi Hội Thánh chấp nhận và phê chuẩn hiến pháp của tu hội[2]. Đức Thánh cha Gioan Phaolô II khuyến khích tu sĩ có một cái nhìn thần linh về quyền bính. Ngài viết như sau: "Trong đời thánh hiến, vai trò của các bề trên nam nữ, trung ương cũng như địa phương, luôn luôn có một tầm quan trọng lớn đối với đời sống thiêng liêng cũng như đối với sứ vụ"[3]. Đối với đời sống Tu dòng (Istituto religioso), quyền bính này được cụ thể hóa trong nhà, là nơi có một bề trên được chỉ định theo quy tắc với quyền lãnh đạo cộng đoàn (x. đ.608). Quyền bính này được ủy thác cho bề trên trong nhiệm kỳ của các ngài ở cấp trung ương, tỉnh dòng hay địa phương[4]. Như thế, bề trên trong tu hội có nhiều cấp, và thường cũng có những quy tắc rõ ràng để quảng diễn quyền bính của bề trên trong mức độ tương ứng.

b- Tinh thần phục vụ, tận lực và nhẫn nại của Bề Trên   

Điều 618 khuyến khích bề trên thi hành quyền bính trong tinh thần phục vụ. Điều này được soi chiếu nhờ gương sáng phục vụ của Chúa Giêsu, người đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x. Mc 10,45). Ngài nói: "Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em" (Mt 23, 11). Noi gương phục vụ của Chúa, các bề trên thực thi vai trò lãnh đạo không vì một danh dự của người đời, nhưng là một trách nhiệm trước Thiên Chúa, vì họ phải trả lẽ trước mặt Người về tất cả trách nhiệm với các thành viên, về cung cách phục vụ có phản ánh tình yêu của Thiên Chúa hay không[5].
            Tinh thần phục vụ phải là nền tảng của mối tương quan giữa bề trên và những thành viên thuộc quyền. Các bề trên được mời gọi đối xử với các thành viên như chính họ là con cái của Thiên Chúa qua cách thức lắng nghe và cùng với họ thực hiện ý muốn của Người (đ.618). Với tinh thần tôn trọng và đối thoại, các bề trên khuyến khích các thành viên cộng tác vì lợi ích của tu hội và Giáo hội. Các bề trên phải làm sống lại cách hữu hình giữa anh chị em mình tình yêu của Thiên Chúa bằng cách tránh mọi thái độ thống trị và gia trưởng bao cấp[6]. Ngoài ra, bề trên còn phải tận lực thi hành nhiệm vụ (đ.619). Sự nhiệt tình trong vai trò lãnh đạo không phải lấy khởi hứng từ những tiếng hoan hô hay danh vọng trần thế, nhưng là "tiên phong dấn thân vào cuộc hành hương tìm kiếm ý Chúa với lòng nhiệt thành và ngay chính"[7]. Trong khi thực thi sứ mạng, các bề trên cần thực hiện vai trò quyết định của mình cũng như quyền truyền dạy phải làm gì (đ.618). Hành động sau cùng này của các bề trên mang tính quyết định và thể hiện một tiếng nói chính thức mang tính pháp lý và đầy trách nhiệm của người đứng đầu một tu hội, một tỉnh dòng hay một cộng đoàn.
            Giáo luật mời gọi bề trên nhẫn nại với hết mọi người (đ.619). Ngày nay con người theo chủ nghĩa duy tự nhiên, thiên về cá nhân và chạy theo khuynh hướng tự lập, không muốn lệ thuộc người khác nên sự tuân phục không dễ dàng. Do đó, trong khi phục vụ anh chị em, bề trên phải làm cho các tu sĩ nhận ra rằng khi bề trên ra lệnh thì chỉ để vâng phục ý muốn của Thiên Chúa mà thôi (FT 12). Với quyền lãnh đạo được nhận lãnh từ Thiên Chúa các bề trên có bổn phận hướng dẫn các tu sĩ như những người con của Thiên Chúa (đ.618), khuyến khích họ ý muốn vâng phục trong sự tôn trọng của con người, lắng nghe họ một cách tự nguyện, và giúp thăng tiến sự cộng tác của họ phù hợp với ích lợi của tu hội và Giáo hội. Bề trên phục vụ anh em mình ngang qua việc diễn tả một tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương họ. Do đó, tính nhẫn nại và chịu đựng của bề trên cần thiết để mong chờ hoa trái trổ sinh.


2- NHỮNG NGUYÊN TẮC VỀ QUYỀN BÍNH THEO GIÁO LUẬT

 a- Thi hành quyền chiếu theo luật phổ quát và luật riêng 
         
Khi nói đến việc lãnh đạo trong tu hội, Giáo luật lưu ý tiêu chuẩn đầu tiên là các bề trên thực thi quyền bính dựa theo quy tắc của luật phổ quát (đ.617). Luật phổ quát là những quy luật mang tính chỉ dẫn chung và tổng quát, do đó, nhà làm luật dành cho mỗi tu hội một cách thế triển khai và áp dụng sao cho phù hợp với hoàn cảnh và lịch sử riêng của tu hội mình. Theo quy tắc chung, luật cấp bậc dưới không được đi ngược với lề luật của cấp bậc trên.  
            Tiêu chuẩn thứ hai trong việc thực thi quyền bính là bề trên hành quyền trong phạm vị luật riêng của tu hội (đ.617). Trong tinh thần phải trung thành với gia sản riêng (đ.578), mỗi tu hội hội cần có một bộ luật riêng (hiến pháp dòng) để bảo vệ ơn gọi riêng và căn tính của mình. Trong bộ luật này Giáo hội mời gọi cần phải có những quy tắc căn bản về việc lãnh đạo của tu hội (đ.587§1). Đồng thời nét riêng theo truyền thống của mỗi tu hội cũng có thể được tập hợp cách thích đáng trong các bộ luật khác của tu hội (đ.587§4)[8]. Như vậy, những gì không được luật riêng nói tới, các bề trên phải thi hành theo giáo luật.  

     b- Thời gian phục vụ   
   
Giáo hội khuyến khích các bề trên làm việc trong một thời gian nhất định tùy theo bản chất và nhu cầu của mỗi tu hội (đ.624). Hiến pháp của mỗi tu hội phải lo liệu cách nào để các bề trên không ở trong chức vụ quá lâu mà không cách quãng (đ.624). Lý do có thể dễ hiểu là để người làm bề trên ý thức khi họ nhận lãnh quyền bính là thời gian để phục vụ. Và khi hết hạn phục vụ, trong vai trò là bề trên tu hội hay cộng đoàn, họ vẫn có thể "trở về" là một tu sĩ như bao anh chị em của họ. Đây cũng là cách thế Giáo hội đưa ra, như một biện pháp, để ngăn chặn hay thay đổi những tình huống người nắm quyền lạm dụng quyền bính, hoặc khi tu hội cần họ phục vụ trong một lãnh vực nào khác có ích lợi hơn cho tu hội và cho Giáo hội.
            Đang khi còn trong nhiệm kỳ, các bề trên cũng có thể bị tạm ngưng vai trò lãnh đạo do việc giải nhiệm hay thuyên chuyển sang một chức vụ khác. Lý do của việc dừng này phải được quy định trong hiến pháp của tu hội (đ.624§3). 

c- Cách thức tiếp nhận quyền  
           
T
heo giáo luật, chỉ một mình vị điều hành tổng quyền của một tu hội phải được bầu lên (đ. 625§1). Việc bầu cử này phải được tuân theo những quy tắc về bầu cử từ các điều 164-179 trong Giáo luật. Dĩ nhiên việc bầu cử này cần được cụ thể hóa chiếu theo hiến pháp của mỗi tu hội.
            Ngoài ra, các bề trên ở các cấp khác nhau trong tu hội có thể tiếp nhận quyền qua việc được bầu lên hay được bổ nhiệm tùy theo quy tắc của hiến pháp riêng của tu hội. Nếu các vị được bầu, thì cần phải có sự chuẩn y của Bề Trên cao cấp có thẩm quyền; nếu các vị được bổ nhiệm từ bề trên thì trước đó phải có sự tham khảo ý kiến cách thích đáng (đ.625§3). Bề trên nào có quyền phê chuẩn các bề trên thuộc cấp, hay cách thức tham khảo ý kiến ra sao, hiến pháp của mỗi tu hội cần định rõ.
            Khi các bề trên cắt đặt một ai đó lên một chức vụ, hay chính các thành viên là người bầu bề trên vào một chức vụ phải luôn giữ những quy tắc của Giáo hội qua Giáo luật và luật riêng, tránh mọi hình thức lạm dụng và thiên vị; đồng thời họ phải cân nhắc trước mặt Chúa người họ bầu chọn hay bổ nhiệm có thực sự xứng đáng và có khả năng hay không; và luôn chọn người vào vai trò bề trên vì lợi ích của tu hội (đ.626).

 
d- Điều kiện tiếp nhận và thực thi quyền bính  

Người được bổ nhiệm hay bầu chọn vào chức vụ bề trên, để hữu hiệu, phải là thành viên của tu hội, đã khấn trọn đời hay vĩnh viễn, và phải có một thời gian xứng hợp sau đó. Thời gian này do hiến pháp quy định (đ.623). Thật vậy, Giáo hội thật khôn ngoan vì không ai lại trao nhiệm vụ quan trọng của tu hội cho một chị khấn tạm. Một cách tự nhiên, tâm thức thuộc về tu hội của một chị khấn tạm, dù gì chị vẫn còn trong giai đoạn thụ huấn, vẫn còn đang trong thời gian cần thiết để hoàn thiện ơn gọi. Vì thế, Giáo hội đưa ra điều kiện này để bảo đảm cho tu hội có một sự an toàn và chắc chắn theo sức loài người có thể về những người đứng đầu trong tu hội.
            Mặc dù quyền bính trong tu hội được thực thi theo hình thức cá nhân, nhưng khi thực hiện, các bề trên phải có hội đồng riêng (hội đồng cố vấn) và phải nhờ đến hội đồng ấy (đ.627§1). Như vậy, mỗi tu hội tùy theo cấp bậc bề trên cần có quy định cho từng cấp bậc hội đồng cố vấn. Nhiệm vụ của hội đồng này là đưa ra những ý kiến hay tham gia vào việc quản trị cùng với bề trên của mình theo quy tắc luật riêng, và phù hợp với Giáo luật. Do đó, ngoài những trường hợp mà Giáo luật quy định phải có sự ưng thuận hay tư vấn với hội đồng cố vấn[9], luật riêng phải ghi rõ thêm những trường hợp nào cần sự tham gia của hội đồng cố vấn với phiếu ưng thuận hay tư vấn để thành sự theo điều 127 (đ.627§2).  

 

3- MỤC ĐÍCH CỦA QUYỀN BÍNH


a- Xây dựng cộng đoàn huynh đệ 
          
Đời sống cộng đoàn là yếu tố pháp lý trong đời sống của các tu hội dòng. Trong cộng đoàn mỗi thành viên được lớn lên về ơn gọi và thực thi các lời khấn của mình. Nhiệm vụ của bề trên giúp anh chị em mình xây dựng tình huynh đệ (đ. 619). Một cách cụ thể, trong một cộng đoàn, Giáo hội cũng mời gọi các bề trên như những người mục tử nhân lành hiện diện, tham gia vào những bận tâm và khó khăn của những người được trao phó cho họ chăm sóc qua việc khơi dậy lòng can đảm và hy vọng của các thành viên ngay cả trong những khó khăn[10]. Trong hành trình phục vụ, một vài vị bề trên đã không chú ý đủ đến sự mỏng giòn, những giới hạn và cả những khả năng riêng biệt của anh chị em, nên khi tu sĩ gặp những khó khăn họ thiếu đi một vài kỹ năng đánh giá những cách thế được diễn tả trong thực tế. Điều này cần thiết để giúp anh chị em vượt qua những va chạm cụ thể, những dao động tình huynh đệ và nhanh chóng nối kết.
            Bề trên cũng cần để ý tự huấn luyện về sự đa dạng và đối thoại trong cộng đoàn. Điều này rất cần thiết vì thực trạng xã hội hiện nay bị các trào lưu dân chủ và cá nhân chi phối quá nhiều. Để có thể cùng với thành viên tìm ra Thánh ý Chúa, bề trên cảm thấy thực sự cần đối thoại. Trong khi trao đổi, các bề trên đưa ra những lý do của lệnh truyền của họ, vì như thế các thành viên cảm thấy họ có thể tham gia vào những quyết định liên quan đến đời sống của cộng đoàn. Hơn nữa, bề trên nhận ra sự khác biệt của những thành viên trong cùng một cộng đoàn, chấp nhận những sự khác biệt này như một sự phong phú cho cộng đoàn với những ơn riêng và tiềm năng khác nhau. Bề trên cần để ý điểm này để tạo cho mỗi một anh chị em có được một cách thế để có thể phục vụ vì lợi ích cộng đoàn[11]. Một cộng đoàn mà mọi thành viên hoàn toàn giống nhau sẽ mất đi nét cá tính riêng biệt và sự phong phú trong cộng đoàn. Vai trò của bề trên là những người phục vụ sự hiệp nhất huynh đệ, là những người đại diện Thiên Chúa để hiệp anh chị em trong cùng một cộng đoàn và giúp các anh chị em mình trung thành với Thiên Chúa [12].
            Một phương thế khác nữa để xây dựng cộng đoàn là việc kinh lý các nhà và các thành viên đã được trao phó theo thời gian ấn định (đ.628). Thực vậy, kinh lý là một cơ hội thuận lợi cho các bề trên hiểu biết thêm về các thành viên, lắng nghe những ước vọng và những khó khăn của họ. Đồng thời các bề trên đưa ra những lời động viên và khích lệ họ. Kinh lý cũng là dịp giúp các bề trên biết hơn về công việc tông đồ của các thành viên trong tu hội, để gặp gỡ những người làm việc với họ và cho họ, đồng thời đưa ra những chỉ dẫn thích hợp. Cũng thế, kinh lý cung cấp cho các thành viên thời gian và cơ hội để chia sẻ những khía cạnh quan trọng trong đời sống của họ, tìm kiếm sự hướng dẫn hay lời khuyên, trình bày ước nguyện thay đổi sứ mạng được giao, và để thảo luận những vấn đề cộng đoàn cũng như những sáng kiến trong công việc tông đồ[13]. Kinh lý được thực hiện trong thời gian và theo thể thức nào cần được quy định trong hiến pháp phù hợp với Giáo luật để đạt được những kết quả của nó. Để đạt được kết quả thực sự tốt đẹp, giáo luật đề nghị mỗi thành viên cộng tác trong việc tin tưởng đối với bề trên kinh lý và buộc phải trả lời theo sự thật và trong đức ái với những câu hỏi của các vị (đ.628§3).  

b- Chăm lo đời sống thiêng liêng
           
Để sống trọn vẹn sự thánh hiến trong Đức Kitô, Giáo hội lưu ý các Bề Trên chú trọng đến đời sống thiêng liêng của từng thành viên và của cộng đoàn, đặc biệt qua việc siêng năng đọc Lời Chúa và cử hành phụng vụ[14]. Bởi vì khi tiếp xúc với Lời Chúa, Thiên Chúa sẽ dạy cho con người biết khám phá đường lối dẫn đến sự sống và những cách thức mà Người muốn làm cho con người thích ý muốn của Người[15]. Vâng ở nơi Lời và trong phụng vụ, con người có thể tiếp nhận Thánh Ý Chúa và có thể nhìn thấy Thánh ý của ngài qua các trung gian nhân loại[16]. Về những bổn phận cụ thể trong việc cử hành phụng vụ, bề trên có thể giúp cho các thành viên ý thức và thực hiện bổn phận tối cần theo điều 663.  Đặc biệt, bề trên còn lo liệu sao cho có các cha giải tội có khả năng luôn sẵn sàng để các thành viên có thể thường xuyên xưng tội với các ngài (đ.630§1). Đồng thời, trong việc tự do và tự ý cởi mở lương tâm, các bề trên không được bắt ép hay xúi giục thành viên giãi bày với các ngài (đ.630§5).
            Một cách cụ thể, bề trên phải giúp các tu sĩ tham gia vào các giờ cầu nguyện, nghỉ ngơi, làm việc với sự cân bằng[17]. Một vấn đề cần lưu tâm là ngày nay, đôi khi tu sĩ có quá nhiều việc phải lo và kết thúc một ngày với sự "kiệt quệ". Do đó, bề trên phải cảnh giác và sắp đặt thời gian cần thiết để có được chất lượng đời sống của tất cả các thành viên[18]. Ngoài các thời gian thiêng liêng thường nhật, bề trên nên dự phóng các chương trình tĩnh tâm, thường huấn cho các thành viên. Bởi vì không một tu sĩ nào cảm thấy đủ trưởng thành về mặt thiêng liêng và cả nhân bản nên việc tự đào tạo cần thực hiện liên lỉ[19]. Để có thể thực hiện được, bề trên cần phải có một cung cấp cho các thành viên các phương tiện và thời giờ cần thiết (đ. 661)[20].   
             Ngoài việc ưu tiên cho các giờ thiêng liêng, sự gần gũi của các bề trên trong lúc tu sĩ gặp khó khăn trong đời sống thiêng liêng hoặc trong khi làm việc có thể giúp tu sĩ tìm lại ý nghĩa của giao ước mà Thiên Chúa đã có sáng kiến (VC 70). Qua những biến cố, bề trên có thể giúp các tu sĩ có một cái nhìn đức tin tìm ra ý Chúa muốn trong đó. "Các bề trên và những người thi hành một trách nhiệm giữa anh chị em có nhiệm vụ phải làm thức tỉnh lại trong các cộng đoàn những xác tín về đức tin"[21]. Tu sĩ chắc chắn đã ý thức nhưng sống trong một xã hội nhiều đổi thay bởi thuyết tương đối, lại chú trọng đến vật chất, nên cách sống tinh thần và cảm thức đức tin rất dễ bị mai một.              

c- Xây dựng đời sống kỷ luật

Làm gương
            Bề trên vừa là một tu sĩ vừa có trách nhiệm hướng dẫn người khác nên không những bề trên phải sống chính danh như một tu sĩ, mà còn phải nên gương sáng trong việc trung thành với bổn phận, việc tuân giữ kỷ luật dòng, nhất là tuân giữ các lời khuyên phúc âm. Đức Phaolô VI đã nói: "Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân"[22].
            Giữ kỷ luật và truyền thống dòng
            Theo tinh thần của Giáo hội, bề trên là những người giữ một vai trò quan trọng giúp cho mỗi thành viên sống trung thành sự thánh hiến với Thiên Chúa theo linh đạo của tu hội, đặc biệt là tuân giữ lề luật và truyền thống của tu hội (đ.619). Thật vậy, mỗi thành viên được mời gọi sống theo thánh ý Thiên Chúa phù hợp với đường hướng của đoàn sủng mà vị sáng lập đã nhận được từ Thiên Chúa và truyền lại cho các thế hệ theo sau[23]. Vì thế, cac bề trên giúp các thành viên điều chỉnh đời sống cho phù hợp với luật riêng của tu hội (đ.598§2).
            Để có thể thực hiện tốt yêu cầu này, Giáo hội đòi hỏi người bề trên phải hiểu biết tường tận đoàn sủng của Hội dòng[24]. Bề trên còn giúp cho các thành viên học biết về linh đạo và truyền thống của dòng ngang qua việc huấn luyện. Thật vậy, giai đoạn đầu cho công cuộc huấn luyện là trọng trách của Bề trên (đ.650§2), đặc biệt bề trên cần duyệt xét chương trình đào tạo để mỗi thành viên có thể tiếp nhận được tinh thần của tu hội (đ.646,652§2). 
 
Sửa dạy
            Trách nhiệm sửa dạy này không phải bề trên nào cũng cảm thấy dễ dàng. Thật vậy, bổn phận này được thúc động bởi lời dạy của Chúa Giêsu (x. Mt 18, 15-18). Theo tinh thần của Giáo hội, những lỗi phạm rõ ràng, bề trên cần lên tiếng để sửa dạy thành viên (đ.695§1). Đôi khi trong một vài tình trạng bi đát, sự sửa dạy còn được thực hiện trong tính cách bắt buộc hầu giúp các thành viên đang sống trong tội được hối cải. Nhà làm luật chỉ dùng đến những hình phạt nặng sau khi sửa dạy mà đương sự vẫn không có sự thay đổi (đ.697,2°).

d- Chăm sóc từng cá nhân           

Các tu sĩ đã thực sự lệ thuộc cả cuộc đời trong tu hội (đ. 600) và bề trên là những người có quyền trên từng thành viên (đ. 596§1) nên việc chăm sóc cho từng cá nhân là việc thiết yếu của người. Nghĩa vụ chăm lo cho các thành viên thật sự là thiết thực và tinh tế, cần nơi bề trên một sự quan tâm ân cần để làm sao cho các thành viên cảm thấy được sự yên tâm khi sống trong tu hội và thực thi sứ mạng tông đồ. Dĩ nhiên, các bề trên thăm nom khi đau ốm, an ủi người nhút nhát và chu cấp xứng đáng những nhu cầu cá nhân chiếu theo hiến pháp để các tu sĩ đạt được mục đích của ơn gọi (đ.670).

TÓM KẾT

     "Chị em hãy luôn biết thực thi quyền bính, trong thái độ đồng hành, cảm thông, giúp đỡ, yêu mến, quan tâm săn sóc mọi người, nhất là những người cảm thấy cô độc, bị gạt bỏ, khô cằn, không được chú ý. Chúng ta hãy hãy hướng nhìn về Thập Giá: bất kỳ quyền bính nào của Giáo Hội đều ở nơi đó, nơi mà Đấng là Chúa, đã trở thành đầy tớ đến độ tận hiến toàn thân mình"[25].
            Lời của Đức Thánh Phanxicô cha dành cho các vị bề trên tổng quyền nữ tại Roma đã đúc kết một cách sâu sắc những gì được trình bày ở trên. Vâng, quyền bính của các bề trên trong các tu hội thực sự là quyền do Thiên Chúa ban, do đó, cần lắm một sự hiểu biết đích thực về quyền bính và thực thi quyền bính như chúa Giêsu, Đấng là nguồn mạch quyền bính. Các bề trên được mời gọi có tinh thần phục vụ, tận lực và nhẫn nại mọi thành viên để giúp các thành viên thuộc quyền sống triển nở và hạnh phúc trong ơn gọi thánh hiến.
            Trong cộng đoàn bề trên được quan tâm và kính trọng do lời khấn vâng phục, được đặt lên để phục vụ tình huynh đệ, để phát triển, để hoàn thành những mục tiêu thiêng liêng và tông đồ[26]. Do đó, với hết tình yêu và sự ưu tư lo lắng dành cho cho mỗi thành viên triển nở về ơn gọi và sống hạnh phúc, các bề trên dành cho tu sĩ thời gian và phương tiện để sống đời sống thiêng liêng, tông đồ, truyền giáo và trung thành với đặc sủng của tu hội. Về phía mình, các thành viên được mời gọi cộng tác với bề trên để làm cho tu hội được lớn lên. Tuy nhiên, thiết tưởng cũng cần phải chân nhận rằng các bề trên cũng là những con người bằng xương bằng thịt nên các ngài cũng cần được lắng nghe, được chia sẻ, được cảm thông và được tha thứ. Các ngài cũng vì vâng phục Chúa để phục vụ cộng đoàn, thì các tu sĩ cũng được mời gọi vâng phục các ngài như những người đại diện Chúa khi các ngài ban lệnh hợp theo hiến pháp trong tinh thần đức tin và đức ái (đ.601). 
 
[1] PC 14.
[2] ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, «Vâng phục phúc âm trong đời sống thánh hiến, ngày 7-12-1994», trong Theo Chúa Kitô, những văn kiện đời tu, tập II, Nhà Xuất bản tôn giáo, 2015, trang 56-61.
[3] VC 43.
[4] x. Elementi Esenziale (EE) n. 49.
[5] x. PC 14.
[6] x. FT 14b.
[7] FT 12.
[8] Giáo luật điều 587 phân biệt những Lề luật của tu hội với 2 cấp độ: 1) Hiến pháp: (đ.587§1,2,3): là bộ luật nền tảng, quy định những cơ cấu nền tảng của tu hội. Hiến luật cần sự phê chuẩn của Giáo quyền, và chỉ được sửa đổi, thêm bớt với sự đồng ý của thẩm quyền ấy. 2) Những bộ luật khác: (đ.587§4): nhằm áp dụng những điều luật nền tảng trong Hiến luật, bao gồm nhiều bộ luật như Nội quy, kim chỉ nam, nghị quyết của các Công hội, quy chế …. Những bộ luật này do các thẩm quyền nội bộ dòng phê chuản và chấp thuận.
[9] Xin nêu ra một số trường hợp Giáo luật yêu cầu có sự biểu quyết của ban cố vấn: 1) để hữu hiệu việc chuyển nhượng và bất cứ việc gì khiến tình trạng di sản của pháp nhân bị thiệt thòi (đ.638§3). 2) việc nhận cho khấn (đ.656§3°). 3) một số trường hợp trục xuất thành viên của tu hội (đ.694§2; đ.687; đ.699§1).
[10] x. FT 13d.
[11] x. FT 20d.
[12] x. ROVIRA, «"Voi siete tutti fratelli" (Mt 23,8). Statuto evangelico dell'autorità religiosa», p. 99-104.
[13] x. SMITH Rosemary, New commentary on the Code of canon law, Paulist Press, New York 2000, p. 790-791.
[14] x. ET 26.
[15] x. FT 7.
[16] x. FT 9.
[17] ES II,26
[18] ĐSHĐ 13.
[19] x. VC 69.
[20] x. PC 18.
[21] ET 25.
[22] Evangelii Nuntiandi,41.
[23] x. ĐSHĐ 45.
[24] x. FT 13e.
[25] Đức Thánh Cha PHANXICÔ, http://conggiao.info/duc-thanh-cha-tiep-kien-900-nu-be-tren-tong-quyen-d-15495, (mở ngày 0670372016).
[26] x. CĐHĐ 48.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập5
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay537
  • Tháng hiện tại20,483
  • Tổng lượt truy cập10,722,306
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi