TỘI, XƯNG TỘI VÀ RƯỚC LỄ CỦA TÍN HỮU LY DỊ TÁI HÔN THEO TUYÊN BỐ CỦA TÒA THÁNH NĂM 2000 - JB. Lê Ngọc Dũng

Chủ nhật - 18/12/2016 00:39
Phải chăng tín hữu ly dị tái hôn luôn ở trong tình trạng tội nặng nghiêm trọng? Tòa Thánh năm 2000 đã ra một Tuyên Bố chính thức, giúp thẩm định tình trạng tội của họ. Theo đó, tội trọng khách quan bên ngoài của họ không luôn luôn biểu tỏ chính xác tội nặng hay nhẹ bên trong tâm hồn. Thậm chí hành vi tình dục của họ có thể không bị quy trách là tội nữa. Như vậy, họ không ở trong tội chết, nhưng có thể sống trong tình trạng có ơn thánh hóa, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác nhận trong Tông Huấn Amoris Laetitia: "Họ vẫn có thể sống trong ơn thánh Chúa, vẫn có thể yêu thương và lớn lên trong đời sống ân sủng và đức ái, trong khi lãnh nhận sự giúp đỡ của Giáo Hội để tiến tới mục tiêu này." (AL, 305).
TỘI, XƯNG TỘI VÀ RƯỚC LỄ CỦA TÍN HỮU LY DỊ TÁI HÔN
THEO TUYÊN BỐ CỦA TÒA THÁNH NĂM 2000
 
Hội Đồng Giáo Hoàng về Những Văn Bản Lập Pháp, ngày 24- 6 - 2000, đồng thuận cùng với Bộ Giáo Lý Đức Tin và Bộ Phụng tự Bí Tích ban hành một văn bản:
Tuyên Bố về việc cho lãnh nhận Thánh Thể của tín hữu ly dị tái hôn. [1]
Tuyên Bố này giải thích về tình trạng tội của người ly dị tái hôn liên quan đến việc lãnh nhận Thánh Thể, được Tông Huấn Familiaris Consortio số 84 của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nói đến.  Đây là một văn bản quan trọng ban hành năm 2000, 19 năm sau Tông Huấn Familiaris Consortio.
Bản Tuyên Bố này không được viết bằng ngôn ngữ Latin, bản Ý ngữ được coi là bản chính thống nhất, nên bài này được chuyển dịch từ Ý ngữ và có tham khảo thêm Anh ngữ. Nội dung bản Tuyên Bố gồm 5 số, với phần dẫn nhập.
 
Dẫn nhập
 
 
HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ VĂN BẢN LẬP PHÁP
 
TUYÊN BỐ
 
II. Về việc cho lãnh nhận Thánh Thể của tín hữu ly dị tái hôn
Bộ Giáo Luật quy định rằng:"Những người bị vạ tuyệt thông và những người bị cấm chế sau khi hình phạt đã được tuyên kết hay tuyên bố, cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường, không được nhận cho rước lễ" (đ. 915). Trong những năm cuối cùng này, có vài tác giả, dựa trên những lý lẽ khác nhau, cho rằng điều luật này không thể áp dụng cho những tín hữu ly dị tái hôn. Được biết rằng Tông Huấn Familiarris Consortio năm 1981 được nhắc lại, ở số 84, sự cấm đoán với những từ ngữ khó hiểu (inequivocabili), và rằng nó cũng được tái xác nhận lại nhiều lần trong cách thức rõ ràng, đặc biệt năm 1992 trong Sách GLCG số 1650, và năm 1994 trong Thư Annus internationalis Familiae của bộ Giáo Lý Đức Tin. Tuy vậy, những tác giả trên đưa ra những giải thích khác nhau về điều khoản nói trên tương ứng với việc loại trừ việc áp dụng điều luật này khỏi những tình trạng của những người ly dị tái hôn. Ví dụ, vì điều luật nói "tội trọng" (peccato grave ) ở đây cần phải có đủ tất cả những điều kiện, ngay cả chủ quan được đòi hỏi cho một tội chết (peccato mortale), mà thừa tác viên cho Rước lễ không thể xét định chung chung về nó từ bên ngoài (ab externo); ngoài ra, vì nói là cứ "ngoan cố" trong tội trọng đó, thì cần thấy có một thái độ thách thức của tín hữu sau khi đã được cảnh cáo hợp thức bởi Mục tử.
Trước sự  viện lẽ tương phản giữa kỷ luật của bộ luật 1983 và sự giáo huấn kiên định của Giáo Hội trong vấn đề này, Hội Đồng Giáo Hoàng cùng với Bộ Giáo Lý Đức Tin và bộ Phụng Tự Bí Tích tuyên bố như sau:
 
 
Bình giải:
Dẫn nhập của Tuyên Bố cho thấy vấn đề mà Tòa Thánh phải đối diện là sự chú giải sai lầm của một số tác giả về điều luật 915, liên quan đến việc không cho lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể. Họ chủ trương rằng điều luật 915 này không áp dụng được cho người ly dị tái hôn, vì theo họ, những người tái hôn là không "ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường".
Điều 915 quy định:
Những người bị vạ tuyệt thông và những người bị cấm chế sau khi hình phạt đã được tuyên kết hay tuyên bố, cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường, không được cho lãnh nhận Thánh Thể (CIS 855 ; CIO 712).
Có thể thấy rằng các tác giả đó có quan điểm, tạm gọi là quá rộng mở, giải thích rằng sự "ngoan cố" không thể có hay ít khi có nơi người ly dị tái hôn. Đối với các tác giả, tội được định bởi ý thức chủ quan của tội nhân, còn hình thức phạm tội bên ngoài không nói lên đúng ý thức chủ quan bên trong. Họ có lý khi nói điều đó, vì phạm tội trọng hay không thì lệ thuộc vào hành vi chủ quan bên trong: suy biết tỏ tường, cố tình, không bị áp lực….
Họ còn cho rằng sự "ngoan cố" chỉ có được sau khi đã có cảnh cáo, răn đe mà tội nhân lại còn có thái độ thách thức. Theo họ, nếu không có sự cố tình chối bỏ và không có thái độ thách thức chống lại thì họ chưa được coi là đang "ngoan cố". Có lẽ họ đã dựa trên nguyên tắc giáo luật là phải cảnh cáo trước rồi mới phạt sau. Nếu không cảnh cáo trước thì tuyên bố phạt của Giáo quyền không hữu hiệu: "Không thể tuyên kết một vạ cách thành sự, nếu trước đó phạm nhân đã không được cảnh cáo ít là một lần để chấm dứt sự ngoan cố của mình, và nếu đã dành cho đương sự một thời gian thích hợp để hối cải." (đ. 1347§1)
Như vậy đối với họ: Hoặc vì không có tội trọng chủ quan trong lòng, hoặc vì không "ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường" như điều 915 quy định, nên người ly dị tái hôn phải được lãnh nhận Thánh Thể.
Có thể nói các tác giả này có quan điểm quá rộng mở cho việc Rước Lễ đối với tín hữu ly dị tái hôn. Trước một quan điểm như vậy, Tòa Thánh cần có một giải thích cho thỏa đáng, áp dụng luật cách hợp lý.
Dưới đây, chúng ta thử khảo sát cẩn thận các giải thích của bản Tuyên Bố chính thức được ban hành bởi các cơ quan của Tòa Thánh.
Bản Tuyên bố gồm 5 số, được chuyển dịch nguyên văn như sau:
 
Số (1)
 
 
1. Sự cấm trong điều luật nói trên, tự bản chất, xuất phát từ thiên luật và chuyển qua lãnh vực luật thiết định của Giáo Hội: những điều này không đưa đến sự thay đổi pháp lý làm trái ngược giáo thuyết của Giáo Hội. Bản văn Kinh Thánh mà truyền thống Giáo Hội luôn dựa vào là của Thánh Phaolô: "Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình." (1Cor 11, 27-29).
Bản văn này nói đến trước tiên là chính tín hữu và lương tâm luân lý của người ấy, và điều này được định thức trong Bộ Giáo Luật ở điều luật tiếp sau đó là 916. Nhưng sự bất xứng do ở trong tình trạng tội gây ra vấn đề pháp lý nghiêm trọng trong Giáo Hội: thật sự là từ ngữ "bất xứng" được nhắc tới trong điều khoản của bộ Giáo Luật Công Giáo Đông Phương song song với điều 915 của Bộ Luật Latin: "Những ai bất xứng công khai thì bị cấm không được nhận lãnh Thánh Thể" (đ. 712). Thực sự là, việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể của tín hữu ly dị tái hôn, sự vấp phạm (scandalo), được hiểu như là hành vi thúc đẩy người khác về điều xấu, ảnh hưởng đồng thời đến cả Bí Tích Thánh Thể cũng như đến sự bất khả phân ly của hôn nhân. Sự vấp ngã đó tồn tại ngay cả nếu hành vi đó, chẳng may mà không gây ra điều kinh ngạc: thực ra, nó chính là sự đối diện với việc làm méo mó lương tâm mà trở nên rất cần các mục tử hành động, với hết sức kiên nhẫn và kiên vững có thể, như là một sự bảo vệ cho sự thánh thiêng của Bí Tích và bảo vệ cho luân lý Kitô giáo, và cho sự đào tạo đúng đắn các tín hữu.
 
 
Bình giải:
Theo bản Tuyên bố thì nguyên tắc của điều 915 là được "rút ra từ thiên luật và chuyển qua lãnh vực của luật Giáo Hội" (deriva dalla legge divina e trascende l’ambito delle leggi ecclesiastiche positive). Nền tảng của sự thiết lập này là lời dạy của Thánh Phaolô trong thư 1Cor 11, 27-29: "bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa".
Nên phân biệt điều 915 không là thiên luật mà là Luật của Hội Thánh (nhân luật) nhưng có nguồn gốc từ Thiên luật. Điều 915, vì vậy, có thể được Hội Thánh cho thay đổi, hoặc chỉnh sửa cho hợp lý hơn.
Tuyên Bố công nhận rằng việc không được rước lễ, trước tiên tùy thuộc vào lương tri tín hữu, vì phạm tội trọng là hành vi của tội nhân mà có sự hiểu biết và cố tình. Vì vậy, ai ý thức rằng mình đang ở trong tội trọng thì cảm thấy không xứng đáng, tự mình không rước lễ trước khi lãnh bí Tích sám hối hay ăn năn tội cách trọn, như được định ở điều 916:
"Người nào ý thức mình đang mắc tội trọng thì không được cử hành Thánh Lễ và cũng không được rước Mình Thánh Chúa, nếu không nhận lãnh bí tích Sám Hối trước, trừ khi có một lý do nghiêm trọng và không có dịp để xưng tội, trong trường hợp này, người ấy phải nhớ rằng mình phải ăn năn tội cách trọn, trong đó bao gồm việc quyết tâm xưng tội sớm hết sức (CIS 807; CIS 856; CIO 711)".
Tuy nhiên, ngoài quy định của điều 916 đó, Giáo Luật còn quy định điều 915 như một kỷ luật áp dụng cho những tình trạng tội trọng kéo dài và hiển nhiên bên ngoài. Lý do là phạm nhân thường xuyên sống trong tình trạng tội trọng mà vẫn cứ được cho rước lễ thì gây ra những tại hại khách quan cho cộng đoàn dân Chúa. Trước tiên, tai hại đó là: Giáo dân có cảm thức Mình Thánh Chúa bị "xúc phạm", như điều 712 của bộ Giáo Luật Công Giáo Đông Phương nói: "Phải tránh xa việc lãnh nhận Thánh Thể những ai bất xứng công khai". Ở đây, điều muốn nhấn mạnh là sự "bất xứng công khai" còn sự cảm thấy bất xứng trong tâm tư con người thì là chuyện khác. Khi có sự bất xứng trong kín ẩn hay trong tâm tư, thì chính tội nhân tự mình ý thức và tự động không rước lễ như điều 916 đã nói.
Ngoài ra, sự lãnh nhận Thánh Thể gây "bất xứng công khai" nó còn gây những thiệt hại khách quan (danno oggettivo) khác cho cộng đoàn Giáo hội. Trong thực tế, sự chấp nhận cho lãnh nhận Thánh Thể cho người ly dị tái hôn sẽ gây ra cớ vấp phạm (scandal), được hiểu là như một hành vi khiến người khác hướng về điều xấu, và sự hiểu lầm về giáo lý về sự bất khả phân ly của hôn nhân. Nó còn gây những trở ngại cho việc đào tạo lương tâm tín hữu.
Những vấn đề gây tai hại cho cộng đoàn dân Chúa như trên, không chỉ quy trách nhiệm cá nhân trong tội lỗi của mình đối với Chúa mà còn là trách nhiệm của Giáo quyền. Tuyên Bố nhận thấy: "sự bất xứng do ở trong tình trạng tội gây ra vấn đề pháp lý nghiêm trọng trong Giáo Hội". Do đó Giáo quyền phải có những biện pháp ngăn ngừa.
Có thể tóm kết ba lý do của sự cấm nhận Thánh Thể đối với tội nhân "ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường" là: gây cảm thức "bất xứng công khai” đối với Thánh Thể trong cộng đoàn, gây cớ vấp ngã (scandal) làm hướng về điều xấu nơi người khác, gây hiểu lầm về giáo lý bất khả phân ly của hôn nhân.
 
Số (2):
 
 
 2. Bất cứ sự giải thích nào của điều 915 mà tự nó chống lại nội dung đích thực của điều này, như đã được tuyên bố một cách kiên định bởi Huấn Quyền và bởi kỷ luật Giáo Hội qua các thế kỷ, thì rõ ràng là sai lầm. Không được lẫn lộn những từ ngữ của luật (x. đ. 17) với việc sử dụng không đúng nghĩa của những từ này như những phương tiện để tương đối hóa những lời giáo huấn hay vô hiệu hóa nội dung đích thực của chúng.
Công thức "cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường" là rõ ràng và phải được hiểu trong một cách thức mà không làm lệch lạc ý nghĩa, khiến quy tắc luật không thể áp dụng được. Ba điều kiện cần thiết phải là:
a- "Tội trọng, được hiểu một cách khách quan, bởi vì thừa tác viên cho rước lễ không thể thẩm định được về sự quy tội chủ quan;
(il peccato grave, inteso oggettivamente, perché dell’imputabilità soggettiva il ministro della Comunione non potrebbe giudicare;)
b- "Ngoan cố, được hiểu như sự hiện hữu của một tình trạng khách quan của tội mà tồn tại trong thời gian và ý muốn của người tín hữu không muốn nó chấm dứt, không cần đòi hỏi có những yếu tố khác (thái độ thách thức, cảnh cáo trước…) để mà xác định về sự nặng nề nghiêm trọng của một tình trạng trong Giáo hội";
(l’ostinata perseveranza, che significa l’esistenza di una situazione oggettiva di peccato che dura nel tempo e a cui la volontà del fedele non mette fine, non essendo necessari altri requisiti (atteggiamento di sfida, ammonizione previa, ecc.) perché si verifichi la situazione nella sua fondamentale gravità ecclesiale;)
c- Tính chất của tình trạng tội trọng thường xuyên được biểu lộ.
(il carattere manifesto della situazione di peccato grave abituale).
Tuy nhiên, không được xem những tín hữu ly dị tái hôn là ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên, những người mà không thể, vì những lý do nghiêm trọng - như là giáo dục con cái - 'thực hiện sự buộc phải chia tay, đảm nhận nghĩa vụ sống hoàn toàn tiết dục, nghĩa là tránh những hành vi dàng riêng cho vợ chồng' (FC, 84), và những người mà dựa trên nền tảng của ý định như vậy (e che sulla base di tale proposito) đã lãnh nhận Bí Tích thống hối. Bởi vì sự kiện sống của những tín hữu đó không sống như vợ chồng (more uxorio) tự nó là kín đáo, trong khi tình trạng sống của những người ly dị tái hôn tự nó là biểu hiện, họ chỉ có thể đến lãnh nhận Thánh Thể remoto scandalo". 
 
 
Bình giải:
Số (2) này là phần quan trọng nhất, gồm hai phần. Phần đầu Tuyên Bố xác định ý nghĩa của mệnh đề: "ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường", trong đó có giải thích rõ ý nghĩa từng chữ, "tội" và chữ "ngoan cố". Phần thứ hai, như là hệ quả của phần đầu, thẩm định về tình trạng tội của người ly dị tái hôn và rồi ngay sau đó thẩm định sự rước lễ của họ.

a- Số (2a) xác định ý nghĩa "tội trọng"
"Tội trọng, được hiểu một cách khách quan, bởi vì thừa tác viên cho rước lễ không  thể thẩm định được về sự quy tội chủ quan;"
Khách quan có nghĩa là quan điểm của khách thể, là sự phán đoán hay nhìn nhận về sự việc của khách thể.  "Tội trọng được hiểu một cách khách quan" có nghĩa là được nhìn nhận là "tội trọng" từ những khách thể, tức là những người khác. Nó không phải sự nhìn nhận của chính chủ thể phạm tội về tội của mình (chủ quan).
Chủ quan có nghĩa là quan điểm của chủ thể, là sự phán đoán hay nhìn nhận về sự việc. Sự việc, là đối tượng của chủ thể tức là hành vi của mình. Người này xét thấy hành vi của mình có tội hay không, tội nặng hay nhẹ.
Ví dụ 1: Anh A hay đi cướp của những nhà giàu có để lấy tiền cứu giúp người nghèo khổ. Hành vi "cướp của" của anh A này được hiểu là "tội trọng" một cách khách quan, hiểu từ phía của những người khác. Tuy nhiên, trong cái nhìn chủ quan của anh A thì hành vi "cướp của" đó có thể là không có tội, vì anh ta cho rằng mình đang làm một việc tốt, phá bỏ bất công, cứu giúp người nghèo.
Ví dụ 2: Một bác sĩ Công Giáo B mở phòng mạch chuyên phá phôi thai dưới 1 tháng tuổi. Ông B được coi là có "tội trọng" phá thai được hiểu một cách khách quan từ phía người khác. Tuy nhiên theo chủ quan của ông, ông thấy việc hủy bỏ một phôi thai nhi dưới 1 tháng là không có tội vì ông cho rằng phôi thai chỉ có linh hồn sau 1tháng tuổi. Và ông cũng nghĩ rằng mình làm việc này để cứu giúp các phụ nữ.
Ví dụ 3: Một nữ tu, bị tư tưởng tà dâm cám dỗ và cứ nghĩ rằng mình mắc "tội trọng" trong tư tưởng. Tội này là "tội trọng" được nhìn nhận cách chủ quan bởi chính chủ thể phạm tội là vị nữ tu đó. Tuy nhiên, nó chỉ là "tội nhẹ" hay "không có tội", dưới cái nhìn khách quan của những người khác. Nói cách khác, việc bị tư tưởng tà dâm cám dỗ đó là "tội nhẹ" hay "không có tội" được hiểu một cách khách quan.
Như vậy một hành vi phạm luật thì sự nhìn nhận hay phán đoán khách quan và chủ quan có thể giống nhau hay khác nhau. Cụ thể:
Như nhau: Khách quan thấy là tội trọng, chủ quan cũng thấy là tội trọng
Khác nhau: Khách quan thấy là tội trọng, chủ quan thấy là tội nhẹ hay không tội.  Khách quan thấy là tội nhẹ hay không tội, chủ quan lại thấy có tội trọng.
Sau khi xác định "tội trọng, được hiểu một cách khách quan". Tuyên bố nêu ngay lý do: "bởi vì thừa tác viên cho rước lễ không thể thẩm định được về sự quy tội chủ quan".
Nêu lý do đó có ý nghĩa gì?
Điều cần lưu ý trước tiên là điều 915 quy định một đòi buộc vừa cho thừa tác viên và vừa cho người được rước lễ, nhưng ràng buộc việc chủ động thực hiện việc "từ chối không cho rước Thánh Thể" chính là thừa tác viên. Tín hữu là người bị động trong việc rước lễ này. Luật viết: không được chấp nhận cho hiệp thông Thánh Thể (Ad sacram communionem ne admittantur, are not to be admitted to holy communion). Điều này thì khác với trường hợp ở điều 916. Điều 916 này ra mệnh lệnh cho chính tín hữu rước lễ là: không được lãnh nhận Mình Thánh Chúa (neve Corpori Domini communicet; is not to  receive the body of the Lord). Dễ thấy rằng điều 916 không ràng buộc gì đến thừa tác viên và "tội trọng" ở điều 916 này lại được hiểu cách chủ quan, vì chính phạm nhân ý thức mình có tội trọng.
Theo đúng ý nghĩa khách quan (cái nhìn từ khách thể) và chủ quan (cái nhìn từ chủ thể) thì trong mệnh đề "người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường", nếu nói ngược lại: "tội trọng, được hiểu là chủ quan" thì quả là một điều phi lý. Nó phi lý trong chính khái niệm "chủ quan". Thừa tác viên là một người ngoài, không thể phán đoán tội nặng nhẹ với cái nhìn "chủ quan" của tội nhân; không thể biết được sự "hiểu biết" và sự "cố ý" của tội nhân. Thừa tác viên không thể đồng hóa mình với phạm nhân trong cái nhìn, trong phán đoán về hành vi phạm lỗi của phạm nhân. Nói cách khác, quả là phi lý nếu một "khách thể" (thừa tác viên) lại đóng vai trò phán đoán của một "chủ thể" (người rước lễ) về tội của tội chủ thể.
Chú ý là Tuyên Bố chỉ định cách hiểu "tội trọng" trong mệnh đề "sống trong tội trọng tỏ tường" của điều 915 mà thôi, chứ không nói đến tội trọng cách chung, hay định nghĩa về tội trọng.
Còn ở điều 916 "tội trọng" lại được hiểu một cách chủ quan: "Ai ý thức mình mắc tội trọng…". Nếu nói ngược lại: "tội trọng" trong điều 916 này là "được hiểu cách khách quan" thì cũng là điều nghịch lý. Lý do là: chính "chủ thể" ý thức về tội trọng "của mình", chứ không về tội của ai khác (khách thể).
Như vậy, không được lẫn lộn mà phải phân biệt cho rõ, như bản Tuyên Bố đã cảnh giác trước khi xác định ý nghĩa của từng từ ngữ của điều 915, rằng: "Không được lẫn lộn những từ ngữ của luật (x. đ. 17) với việc sử dụng không đúng nghĩa của những từ này".
 
b- Số (2b) xác định ý nghĩa "ngoan cố":
"Ngoan cố, được hiểu như sự hiện hữu của một tình trạng khách quan của tội mà tồn tại trong thời gian và ý muốn của người tín hữu không muốn nó chấm dứt, không cần đòi hỏi có những yếu tố khác (thái độ thách thức, cảnh cáo trước…) để mà xác thực tình trạng trong sự nghiêm trọng nền tảng giáo hội";
 Có cả hai yếu tố đòi buộc để hiểu là "ngoan cố":
- "tồn tại trong thời gian",
- "không muốn chấm dứt, mà không cần phải thêm là có sự cảnh cáo trước hoặc đòi phải có sự thách thức của tội nhân".
Như vậy, Tuyên Bố đã loại bỏ những yếu tố "cảnh cáo trước, có sự thách thức của tội nhân", điều mà những tác giả có chủ trương quá cởi mở đòi phải có để cấu thành sự "ngoan cố".
Định nghĩa cho thấy sự "không muốn chấm dứt" là một trong hai yếu tố tạo nên sự "ngoan cố". Rõ ràng là "muốn" hay "không muốn" là hành vi bên trong tâm trí. Tình trạng bên ngoài không phản ảnh đúng được điều có trong tâm trí. Hành vi được biểu lộ bên ngoài được giả thiết là chủ thể có ý làm như vậy, nhưng không luôn luôn đúng là như vậy.Ví dụ, sự ưng thuận kết hôn được diễn tả qua lời nói hành vi của đôi bạn kết ước hôn nhân được giả thiết là họ bằng lòng kết hôn với nhau. Tuy nhiên, trong thâm tâm của người kết hôn có thể thực sự là không muốn. Người này đã miễn cưỡng kết hôn như vậy bởi vì có thể có sự đe dọa nào đó, buộc phải kết hôn.
Theo định nghĩa về "ngoan cố" của Tuyên Bố thì người ly dị tái hôn khi đã hoán cải "muốn chấm dứt" tội thì không được coi là "ngoan cố", mặc dù không thể hiện được ra bên ngoài vì những lý do nghiêm trọng.
 
c- Số (2c) xác định yếu tố "biểu lộ thường xuyên"
Tuyên Bố xác định yếu tố thứ ba (2c): "Tính chất của tình trạng tội trọng thường xuyên được biểu lộ".
"Tội trọng" trong mệnh đề: "ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường" lại có hai  tính chất  "thường xuyên" và "được biểu lộ". Sẽ không đủ yếu tố thứ ba này nếu:
- Tội trọng chỉ thường xuyên mà không biểu lộ, ví dụ như tội ngoại tình là tội trọng thường xuyên nhưng được thực hiện trong sự kín ẩn.
- Tội trọng chỉ biểu lộ mà không thường xuyên, ví dụ như bác sĩ phá thai khá rõ, được nhiều người biết, nhưng đôi khi ông ta mới làm.
Hai tính chất của "tội trọng" này, trong thực tế đã được xét tới và áp dụng vào việc  cho tín hữu ly dị tái hôn được rước lễ ở nơi xa, ít người biết, miễn là  họ đã ăn năn sám hối, lãnh nhận Bí Tích Thống Hối và tự đảm nhận sống tiết dục (FC 84).
Nơi ít người biết đến tội trọng của tín hữu thì cũng có nghĩa là tội trọng đã không được "biểu lộ" một cách tỏ tường ở nơi đó. Nơi đó có thể là ở một nhà thờ giáo xứ khác hoặc nhà thờ nơi mình đến cư ngụ (ít là trong thời gian đầu, khi còn ít người biết đến, cho đến khi nó bị công khai cho nhiều người biết). Điều chính yếu khiến thừa tác viên phải xét là việc cho một tín hữu có tội như thế có gây những tác hại khách quan như đã nói ở số (1) hay không.
d- Về tình trạng tội trọng của tín hữu ly dị tái hôn
 Tiếp sau ngay phần xác định ý nghĩa các từ ngữ trong mệnh đề của điều 915; "ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường", Tuyên Bố xác định về tình trạng tội của người ly dị tái hôn:
Tuy nhiên, không được xem những tín hữu ly dị tái hôn là ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên, những người mà không thể, vì những lý do nghiêm trọng - như là giáo dục con cái - 'thực hiện sự bắt buộc phải chia tay, đảm nhận nghĩa vụ (assumono l'impegno) sống hoàn toàn tiết dục, nghĩa là tránh những hành vi dàng riêng cho vợ chồng' (FC, 84), và người mà dựa trên nền tảng của ý định như vậy đã lãnh nhận Bí Tích thống hối.
  
Câu văn cho thấy có hai yếu tố cần thiết đối với người mà "không được xem những tín hữu ly dị tái hôn là ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên":
(a) Người mà ăn năn thống hối nhưng vì lý do nghiêm trọng, không thể thực hiện được sự buộc phải chia tay, đảm nhận nghĩa vụ (assumono l'impegno) sống hoàn toàn tiết dục tiết dục.
(b) và dựa trên căn bản của ý định trên (a) đã lãnh nhận Bí tích Thống Hối.
Thử phân tích văn phạm để xem vai trò của việc xưng tội ở (b):
Tiếng Ý: "e che sulla base di tale proposito hanno ricevuto il sacramento della Penitenza". Động từ hanno ricevuto của mệnh đề phụ ở thì "quá khứ gần" passato prossimo;
Tiếng Anh: "and who on the basis of that intention have received the sacrament of Penance". Động từ have received của mệnh đề phụ ở thì "hoàn thành" present perfect.
Hai thì passato prossimopresent perfect cho thấy động từ xưng tội đã xảy ra sau khi đã có ý định thống hối và ý muốn chia tay, đảm nhận sự tiết dục. Nghĩa là, sau khi "đã xưng tội xong" thì tội nhân trở nên tình trạng không còn ở trong tội trọng thường xuyên.
Xét về ý nghĩa thì "không được xem những tín hữu ly dị tái hôn là ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên" là mệnh đề chính và việc "đã lãnh nhận Bí Tích Thống Hối" chỉ là mệnh đề phụ diễn tả yếu tố cần thiết cho nội dung được xác định ở mệnh đề chính. Vì vậy, câu văn nhắm đến việc thẩm định tình trạng tội trọng thì cần những yếu tố nào, chứ không hề có ý nói đến việc lãnh nhận Bí Tích Thống hối cần có những yếu tố nào.
Có những người hiểu lầm, cho rằng đoạn văn trên có ý nghĩa là chỉ cho tín hữu ly dị tái hôn xưng tội với điều kiện là phải sống hoàn toàn tiết dục hoặc phải từ bỏ sự sống chung như vợ chồng. Hay nói cách khác, họ cho rằng người đang sống trong tình trạng ly dị tái hôn bị cấm Xưng Tội. Quả là điều đáng tiếc!
Vì vậy, khi hội đủ hai điều (a) và (b) trên tín hữu ly dị tái hôn không còn trong tình trạng tội trọng thường xuyên nữa. Nói cách khác, khi hội đủ hai điều (a) và (b) nói trên thì cho dù người ly dị tái hôn vẫn sống chung như vợ chồng họ vẫn không ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên.
Khi thiếu một trong hai điều (a) và (b) trên thì vẫn chưa được kể là không ở trong tình trạng tội trọng. Nghĩa là, nếu ai chỉ có ăn năn thống hối mà không có lãnh nhận Bí Tích Xá Giải; hoặc chỉ có lãnh nhận Bí Tích Xá Giải mà không có lòng thống hối (a), thì vẫn kể người đó là còn trong tình trạng tội trọng.

Vấn đề được đặt ra là khi họ vẫn còn quan hệ tình dục thì họ có tội trọng nữa không?
Điều mấu chốt là họ có ngoan cố hay cố tình hay không khi phạm tội. Một tội được coi là trọng khi hội đủ ba điều kiện: "Phạm một lỗi nặng, với đầy đủ ý thức và cố tình" (SGLCG, 1857).
Nói cụ thể hơn là: tội dâm dục trong đời sống vợ chồng đó có thể không là tội trọng. Vì tội dâm dục cũng phải được xét theo nguyên tắc luân lý trên, nghĩa là, cần phải có ý thức đầy đủ và cố tình thì mới là tội trọng. Ví dụ một trường hợp: Người vợ bị buộc phải ăn nằm với chồng, nếu không cho chồng ăn nằm thì bà sẽ bị chồng đạp xuống khỏi gường hay người chồng sẽ ngoại tình và bỏ vợ, trong khi đó bà còn phải lo nuôi dưỡng giáo dục con cái. Trường hợp này người vợ ấy sẽ không có tội trọng.
Tất nhiên là có nhiều người đã cố tình phạm tội và vẫn còn ngoan cố. Có thể kể như trường hợp một người chồng vì yêu một phụ nữ khác rồi bỏ vợ con để kết hôn với người nữ đó. Nay ông ta có thể quay lại tái hợp với vợ con mà không chịu làm. Hoặc như hai vợ chồng vì không hợp tính tình hay xung khắc rồi chia tay nhau và kết hôn mới. Nay họ vẫn có thể tái hợp lại mà không có lý do nghiêm trọng ngăn cản thì họ vẫn được coi là ngoan cố.
Nhưng thực tế thì còn có những người không còn ngoan cố. Về tội tái hôn cũng nên phân biệt trường hợp cố tình bỏ vợ hay chồng để tái hôn và trường hợp vì lý do nào đó mà buộc phải tái hôn (bị bỏ rơi cách bất công mà không thể sống độc thân). Tội trạng của hai người này thì khác nhau. Thôi thì, cứ kể trong trường hợp xấu nhất, đó là đã cố tình phạm tội nặng mà bây giờ đã thống hối, hết ngoan cố, muốn chấm dứt tội trạng (sống chung, tà dâm) nhưng lại không được vì lý do nghiêm trọng, thì vẫn được Xưng tội để được tha thứ.
Các lý do nghiêm trọng có thể là: phải lo nuôi nấng giáo dục con cái, bị chồng hay vợ bỏ rơi cách bất công mà mình không thể sống độc thân và hiện nay vì tình nghĩa sâu đậm không thể bỏ được, tài sản vật chất gắn liền với đời sống gia đình nếu chia tay bị tổn hại nặng, tin rằng cuộc hôn nhân trước là vô hiệu do chưa trưởng thành, bị lầm lẫn, lừa gạt… mà bây giờ không có tòa án hay không có đủ chứng cứ để hôn nhân được Tòa án tuyên bố vô hiệu… 
"Lý do nghiêm trọng" ở đây lại là một vấn đề mà mỗi cá nhân khó mà phán đoán. Nó có thể được chủ thể phán đoán đúng đắn hay sai lầm. Bởi vậy cần có sự giúp đở biện phân của cha Giải Tội hay của mục tử khôn ngoan. Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông Thư Amorris Laetita luôn kêu gọi sự biện phân về tình trạng tội, nhấn mạnh đến lòng nhân từ tha thứ của Thiên Chúa và ngài cũng nhắc lại một số nguyên tắc cơ bản để giúp mục tử biện phân:
"Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nhắc đến các nhân tố này một cách rõ ràng: 'việc quy tội và việc chịu trách nhiệm đối với một hành động có thể được giảm thiểu hay thậm chí triệt tiêu vì do không biết, vô ý, bị cưỡng ép, sợ hãi, thói quen, quyến luyến vô trật tự và các nhân tố tâm lý hay xã hội khác' (343). Trong một đoạn khác, Sách Giáo Lý một lần nữa nhắc đến 'sự thiếu chín chắn về cảm giới, sức mạnh của thói quen đã mắc phải, các tình trạng lo âu xao xuyến hay các nhân tố tâm lý hay xã hội khác làm giảm khinh hay thậm chí xóa hẳn tính quy trách luân lý”(AL, 302).
e- Về việc lãnh nhận Thánh Thể của người ly dị tái hôn
"Bởi vì sự kiện sống của những tín hữu đó không sống như vợ chồng (more uxorio) tự nó là kín đáo, trong khi tình trạng sống của những người ly dị tái hôn tự nó là biểu hiện, họ chỉ có thể được nhận đến lãnh nhận Thánh Thể remoto scandalo".
Ngoại trừ những người vẫn còn ngoan cố, tín hữu ly dị tái hôn nào khi đã hết ngoan cố, đã ăn năn thống hội và Xưng Tội thì người này được coi là không còn trong tình trạng tội trọng thường xuyên.
Tuy nhiên họ vẫn không được rước lễ, do những tại hại khách quan mà họ gây ra.
 Tuyên Bố giải thích rằng, việc có tiết dục đi chăng nữa thì cũng là chuyện kín đáo không ai biết. Bên ngoài vì họ vẫn sống như vợ chồng (more uxorio) khiến người ta vẫn nghĩ rằng họ vẫn có kết hợp tình dục vợ chồng, nghĩa là, vẫn trong tình trạng tội trọng. Vì vậy họ "chỉ có thể được nhận đến lãnh nhận Thánh Thể remoto scandalo", nghĩa là, chỉ có thể lãnh nhận Thánh Thể khi tránh được cớ vấp phạm.
Lý do không được cho nhận lãnh Thánh Thể mà bản Tuyên Bố nêu ra cũng tương tự như Tông Huấn Familiaris Consortio số 84 đã nêu:
"Hội Thánh không thể chấp nhận cho những người ly dị tái hôn được hiệp thông Thánh Thể. Họ đã tự làm cho mình trở nên mất đi khả năng dự phần vào đó vì tình trạng của họ và vì điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự hiệp thông yêu thương giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh, như nó vẫn được diễn tả và hiện tại hoá trong phép Thánh Thể. Ngoài ra còn có một lý do mục vụ đặc thù khác: nếu chấp nhận cho những người ấy được rước lễ, điều đó sẽ khiến các tín hữu đi tới chỗ sai lạc, hiểu lầm giáo lý của Hội Thánh về sự bất khả phân ly của hôn nhân".
Sau khi xem xét như trên, chúng ta thấy số 2 của bản Tuyên Bố được xem là câu trả lời xác đáng cho những tác giả đưa ra những giải thích khác nhau về "người sống trong tội trọng tỏ tường không được rước lễ (đ. 915). Giáo Hội vẫn công nhận và rất chú ý đến chiều kích bên trong, chủ quan của phạm nhân trong vấn đề quy trách nhiệm tội, như các tác giả đã chủ trương. Tòa Thánh xác nhận rõ là tín hữu ly dị tái hôn có thể "không ở trong tình trạng nội nặng thường xuyên", do bởi những sự hiểu biết và ý muốn chủ quan của tín hữu đó: ăn năn thống hối và lãnh nhận Bí Tích Thống Hối, nhưng vì lý do nghiêm trọng vẫn phải sống trong tình trạng mà cái nhìn khách quan coi là tội trọng. Và vì với cái nhìn khách quan của cộng đoàn coi là tội trọng, họ không được lãnh nhận Thánh Thể để tránh những tai hại khách quan cho Hội Thánh. Khi họ tránh được những tai hại này, họ có thể được Rước Lễ, tức là họ "đến lãnh nhận Thánh Thể remoto scandalo".

 
Số (3)
 
 
3. Dĩ nhiên, sự khôn ngoan mục vụ khuyên rằng nên tránh từ chối cho rước lễ cách công khai. Các mục tử phải cố gắng giải thích cho những tín hữu này ý nghĩa thật sự của nguyên tắc trong Giáo hội, trong cách thức mà họ có thể hiểu nó hoặc ít nhất là tôn trọng nó. Tuy nhiên, trong những tình trạng này, mà trong đó những phương pháp phòng ngừa không có hiệu quả hoặc không thể được, thừa tác viên cho Rước Lễ phải từ chối cho lãnh nhận đối với những ai bất xứng công khai. Thừa tác viên phải làm điều này với lòng bác ái rộng lớn, và tìm dịp thuận tiện giải thích những lý do khiến buộc phải từ chối. Tuy nhiên, họ phải thực hiện việc này với sự kiên định, ý thức rằng những dấu hiệu của sự kiên định đó mang lại điều tốt cho Giáo Hội và các linh hồn.
Sự biện phân các trường hợp sự loại trừ các tín hữu ra khỏi việc lãnh nhận Thánh Thể, trong các tình trạng đã nói, thì thuộc về vị linh mục có trách nhiệm với cộng đoàn. Những linh mục này sẽ chỉ dẫn cho các phó tế hoặc những thừa tác viên ngoại thường về cách thức đối xử trong những trường hợp cụ thể".
 
 
Bình giải:
Tuyên Bố khuyên không nên từ chối một cách công khai khi tín hữu chưa hiểu được tại sao họ lại không thể được lãnh nhận Thánh Thể, nhất là trong trường hợp họ vẫn tin rằng họ không có tội vì họ không cố tình hay không ngoan cố, hoặc họ tin tưởng rằng đã được Chúa thứ tha tội lỗi vì lòng nhân từ của Ngài. Thừa tác viên nên với thái độ cảm thông, bác ái cao độ mà khuyên nhủ. Cho họ biết Hội Thánh sở dĩ vẫn không cho họ được nhận lãnh Thánh Thể là vì những thiệt hại khách quan có thể gây ra cho cộng đoàn dân Chúa.
Thiết nghĩ nên khuyên để ý thức rằng họ cần có lòng thành thực sám hối, lãnh nhận Bí Tích Thống hối, canh tân đời sống. Sự  không đón nhận Thánh Thể của họ là một sự hy sinh vì ích lợi của Hội Thánh thì đẹp lòng Chúa hơn. Họ có thể chuyển lòng ao ước đón nhận Thánh Thể sang việc rước lễ thiêng liêng như Hội Thánh dạy (bộ GLĐT, 1994).
 
Số (4)
 
Trong tôn trọng bản chất của nguyên tắc đã nói (Cf. n. 1), không thẩm quyền nào của Giáo Hội có thể miễn chuẩn cho thừa tác viên bí tích Thánh Thể khỏi điều ràng buộc (l'obbligo) này trong bất cứ trường hợp nào cũng không được chỉ dẫn ngược lại với quy tắc đó.
 
 
Bình giải:
Cần phải lưu ý rằng một hạn chế quyền lợi thì phải được giải thích theo nghĩa hẹp, theo như nguyên tắc của Giáo Luật điều 18. Vậy, nhất thiết phải xác định đối tượng không được miễn chuẩn là ai và không được miễn chuẩn về điều gì, chứ không được hiểu rộng ra.
Tuyên Bố không cho phép giáo quyền miễn chuẩn cho "thừa tác viên bí tích Thánh Thể" chứ không phải là miễn chuẩn cho "tín hữu ly dị tái hôn".
Điều không được miễn chuẩn là: "khỏi điều ràng buộc này trong bất cứ trường hợp nào cũng không được chỉ dẫn ngược lại với quy tắc đó".
Tuyên Bố cần ngăn ngừa sự sai phạm nếu Giám Mục miễn chuẩn cho Thừa tác viên. Rõ ràng là tự bản tính của "điều ràng buộc" hay "chỉ dẫn ngược lại với quy tắc đó" là một điều nghịch với những xác định thần học và pháp lý được nói ở số (1) của Tuyên Bố (Như văn bản ghi : Cf. n. 1)". Đó là do sự "bất xứng công khai" của tình trạng tội trọng công khai của tội nhân và cớ vấp phạm (scandal), "ảnh hưởng đồng thời đến cả Bí Tích Thánh Thể cũng như đến sự bất khả phân ly của hôn nhân".
Sở dĩ Hội Thánh không cho phép Giáo quyền miễn chuẩn cho thừa tác viên như trên, là vì việc miễn chuẩn như vậy là trái nguyên tắc của chính sự miễn chuẩn. Đó là miễn chuẩn này thực sự gây tai hại cho cộng đoàn. Nó cũng có nghĩa là Giám Mục đã cho phép cấp dưới (là thừa tác viên) thực hiện một việc trái quy tắc đối với cộng đoàn, chứ không là ban miễn chuẩn cho cấp dưới vì lợi ích thiêng liêng cho chính cấp dưới đó.
Sự ngăn cấm việc miễn chuẩn như trên không có nghĩa là cấm các Giáo quyền miễn chuẩn cho tín hữu ly dị tái hôn. Hội Đồng Giáo Hoàng, nhất là một cơ quan về luật, vẫn phải tôn trọng quyền miễn chuẩn chính đáng và hợp nguyên tắc của Giám Mục, như luật quy định:
Mỗi khi xét thấy có lợi ích thiêng liêng cho các tín hữu, Giám Mục Giáo Phận có quyền miễn chuẩn cho họ khỏi phải giữ những luật có tính cách kỷ luật, dù là luật phổ quát hay là luật địa phương, do quyền bính tối cao của Giáo Hội đã ban hành cho lãnh thổ hay cho các người thuộc quyền mình, nhưng không được miễn chuẩn những luật hình sự hoặc tố tụng, cũng như những luật mà việc miễn chuẩn khác đặc biệt dành riêng cho Tông Toà hay cho một nhà chức trách (đ. 87#1).
  Cũng cần phân biệt thêm là việc miễn chuẩn của Giám Mục đối với từng tín hữu riêng biệt thì không giống với việc thừa tác viên cho Rước lễ. Thừa tác viên hành động theo nguyên tắc của một nhân viên thừa hành, mà việc không giữ luật của người này khiến gây hại cho cộng đoàn. Giám Mục lại hành động theo nguyên tắc của vị chủ chăn, có quyền được miễn chuẩn cho từng trường hợp riêng biệt, khi có lý do chính đáng và vì lợi ích thiêng liêng cho tín hữu.
Vì vậy Giám Mục có thể, miễn chuẩn cho người ly dị tái hôn được rước lễ, miễn là không gây ra sự "bất xứng", scandalo, hay hiểu lầm về giáo lý bất khả phân ly của hôn nhân, như đoạn số (1) đã nói đến.
Thiết nghĩ, Giám Mục có thể áp dụng miễn chuẩn, theo đúng luật, là chỉ miễn chuẩn cho từng cá nhân riêng biệt khi họ làm đơn xin, để họ có thể Rước lễ vài ba lần trong mỗi năm vào dịp lễ quan trọng.
Trong trường hợp miễn chuẩn nêu trên, cộng đoàn giáo dân được chỉ dẫn và hiểu đây là trường hợp đặt biệt được miễn chuẩn bởi Giám Mục, ban cho những người đã ăn ăn sám hối và được hưởng đặc ân trong một số dịp lễ trọng. Và như vậy sự miễn chuẩn này không gây sự tại hại khách quan cho cộng đoàn, như là: gây cảm thức "bất xứng" đối với Thánh Thể, gây cớ vấp phạm (scandal) hay sự hiểu lầm về giáo lý hôn nhân. Nhưng ngược lại cộng đoàn giáo dân có thể thấy được lòng nhân từ của Thiên Chúa qua Giáo Hội và cũng bớt đi sự kỳ thị đối với người tội lỗi. Nhất là khi họ hiểu rằng những tội nhân đó có thể sống trong ơn thánh hóa do đã ăn năn thống hối.
Các Giám Mục cũng có thể có những sáng kiến khác để giúp các tín hữu hiệp thông với Hội Thánh cách sinh động hơn. Một khi Giám Mục thực hiện được những sáng kiến đó thì quả là ngài đã đáp ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II: "cố gắng không biết mỏi mệt để đem các phương tiện cứu rỗi của mình cho họ sử dụng" (FC, 84), hay như Đức Phanxicô:
Tôi hiểu những ai vẫn thích lối chăm sóc mục vụ khắt khe hơn, vốn không có chỗ cho mơ hồ. Nhưng tôi thành thực tin rằng Chúa Giêsu muốn có một Giáo Hội biết lưu ý tới điều tốt mà Chúa Thánh Thần vốn gieo vào giữa sự yếu đuối của con người, là một Bà Mẹ, dù lớn tiếng nói rõ giáo huấn khách quan của mình, “vẫn luôn làm bất cứ điều tốt nào có thể làm, cho dù trong khi làm thế, giầy dép của mình bị vấy bẩn bởi đất bùn hè phố”.
Và Giám mục đó cũng thực hiện được việc: "khuyến khích sự tham dự của những con cái này trong đời sống Giáo Hội, trong những hình thức thích hợp có thể được cho họ" ở số (5) dưới đây.
 
Số (5)
 
 
5. Giáo Hội tái xác định sự quan tâm lo lắng mẫu tử đối với những tín hữu trong tình trạng này hay tương tự khiến họ bị ngăn cản không được lãnh nhận bàn tiệc Thánh Thể. Những điều trình bày trong Tuyên Bố này thì không trái ngược với lòng ước muốn lớn lao là khuyến khích sự tham dự của những con cái này trong đời sống Giáo Hội, trong những hình thức thích hợp có thể được cho họ. Hơn nữa, để chỉ ra những điều kiện cần thiết cho sự hoán cải cần thiết, mà tất cả mọi người được Thiên Chúa mời gọi, trong một cách thế đặt biệt trong Năm Thánh Toàn Xá, cần phải lập lại sự bất khả cho nhận Thánh Thể là điều kiện việc mục vụ chân thật, sự quan tâm chính thống đối với điều tốt lành cho những tín hữu này và cho cả Giáo Hội.
Vatican, 24-6-2000.
Lễ Trọng Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
Julián Herranz 
Tổng Giám Mục hiệu tòa Vertata
Chủ Tịch
Bruno Bertagna
Tổng Giám Mục hiệu tòa Drivasto
Thư ký
 
 
Bình giải:
Xin nhắc lại nơi đây những giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Tông Huấn Amoris Laetitia, liên quan đến tình trạng tội của tín hữu ly dị tái hôn:
"Giáo Hội sở đắc cả một tổng hợp suy tư chắc chắn liên quan tới các nhân tố và hoàn cảnh giảm khinh. Do đó, không thể đơn giản nói rằng tất cả những người trong bất cứ hoàn cảnh “bất hợp lệ” nào đều đang sống trong tình trạng tội trọng hay không có ơn thánh hóa." (AL, 301)
"Vì các hình thức của điều kiện hóa và các nhân tố giảm khinh, rất có thể, dù ở trong một hoàn cảnh tội lỗi khách quan, một hoàn cảnh có thể không bị qui tội về phương diện chủ quan, một ai đó vẫn có thể sống trong ơn thánh Chúa, vẫn có thể yêu thương và lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái, trong khi lãnh nhận sự giúp đỡ của Giáo Hội để tiến tới mục tiêu này. (AL, 305)
 
Hệ luận thực tiễn
Một số điều cho áp dụng thực tiễn:
- Dựa theo lời dạy của Thánh Phaolô trong 1Cor 11, 27-29 thì ai đang mắc tội trọng thì không được Rước lễ. Nếu rước lễ là "bất xứng" và bị án phạt bởi Thiên Chúa.  
- Người nào "ý thức", nghĩa là nhận biết mình đang mắc tội trọng thì tự mình không nhận lãnh Thánh Thể (đ. 916). Chỉ sau khi ăn năn thống hối và lãnh nhận Bí Tích Giải tội rồi thì mới được Rước lễ. (Điều này tín hữu đã được học biết từ khi học giáo lý chuẩn bị Rước lễ lần đầu.)
- Người nào "ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường thì không được cho lãnh nhận Thánh Thể " (đ. 915). Vì vậy, thừa tác viên cứ phải phán đoán theo tình trạng tội trọng thường xuyên và rõ ràng bên ngoài (khách quan) mà từ chối cho Rước lễ, bất kể trong lòng tội nhân là có tội hay không. Lý do là để tránh sự cảm thấy "bất xứng công khai" trong cộng đoàn, cớ vấp phạm (scandal) và sự hiểu lầm về giáo lý bất khả phân ly hôn nhân.
- Những tín hữu ly dị tái hôn, phải thực hiện sự chia tay để không còn sống trong tình trạng tội trọng tỏ tường bên ngoài nữa thì mới được lãnh nhận Thánh Thể.
- Tuy nhiên những tín hữu ly dị tái hôn đã ăn năn thống hối, muốn thực hiện sự chia tay nhưng vì lý do nghiêm trọng, như để giáo dục con cái, mà không thể chia tay thì cũng được lãnh nhận Bí Tích Giải tội để được thứ tha tội lỗi. Khi đó, họ được coi là không còn sống "trong tình trạng tội trọng thường xuyên" nữa. Điều này cũng có nghĩa là tín hữu ly dị tái hôn vẫn có thể lãnh nhận Bí Tích Giải Tội khi có lòng thống hối, để được thứ tha mọi tội lỗi. Tuy nhiên, vì hình thức bên ngoài là họ vẫn còn sống như tình trạng vợ chồng bất hợp pháp, nên họ vẫn không được lãnh nhận Thánh Thể.
- Về lý do nghiêm trọng nói trên, thì có thể xét theo lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ dạy: "Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nhắc đến các nhân tố này một cách rõ ràng: 'việc quy tội và việc chịu trách nhiệm đối với một hành động có thể được giảm thiểu hay thậm chí triệt tiêu vì do không biết, vô ý, bị cưỡng ép, sợ hãi, thói quen, quyến luyến vô trật tự và các nhân tố tâm lý hay xã hội khác'. Trong một đoạn khác, Sách Giáo Lý một lần nữa nhắc đến 'sự thiếu chín chắn về cảm giới, sức mạnh của thói quen đã mắc phải, các tình trạng lo âu xao xuyến hay các nhân tố tâm lý hay xã hội khác làm giảm khinh hay thậm chí xóa hẳn tính quy trách luân lý”(AL, 302).
- Tín hữu ly dị tái hôn khi không còn tội trọng thì vẫn không được rước lễ. Họ chỉ có thể được Rước lễ tại nơi mà ít người biết tình trạng tái hôn của mình và phải tiết dục (FC, 84). Nơi ít ai biết có thể là một giáo xứ lân cận hay một nơi xa mà mình mới đến ở. Thừa tác viên Thánh Thể chỉ từ chối cho tín hữu này Rước lễ chỉ khi tình trạng tái hôn của họ đã được nhiều người trong nhà thờ biết.
- Giám Mục không được phép miễn chuẩn cho thừa tác viên khỏi nhiệm vụ từ chối này, nhưng ngài có thể miễn chuẩn cho từng tín hữu trong các hoàn cảnh riêng biệt.
- Khi tín hữu tin rằng mình đã được tha thứ thì cũng cần thấy  rằng mình cần hoán cải đổi mới luôn luôn, cần tham dự cử hành phụng vụ, cầu nguyện…, cần chu toàn nghĩa vụ vợ chồng, nghĩa vụ làm cha mẹ và làm việc lành bác ái, để tăng tiến đời sống ân sủng, như Đức Phanxicô nói: "vẫn có thể sống trong ơn thánh Chúa, vẫn có thể yêu thương và lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái".
Tín hữu ly dị tái hôn cũng nên tích cực tham gia vào sinh hoạt cộng đoàn. Cộng đoàn cũng cần nâng đở cảm thông, không được kỳ thị và coi họ là tội nhân không thể tha thứ.
 
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, 8-12-2016
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng
 
[1] Xem L’Osservatore Romano, 7 luglio 2000, p. 1; Communicationes, 32 [2000], pp;  http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/intrptxt/documents/rc_pc_intrptxt_doc_20000706_declaration_it.html.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay938
  • Tháng hiện tại20,884
  • Tổng lượt truy cập10,722,707
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi