BÌNH GIẢI THỦ TỤC TỐ TỤNG HÔN NHÂN NGẮN GỌN HƠNTRƯỚC GIÁM MỤC (Đ. 1683 -1687) – JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ sáu - 19/02/2016 04:54

BÌNH GIẢI THỦ TỤC TỐ TỤNG HÔN NHÂN NGẮN GỌN HƠNTRƯỚC GIÁM MỤC (Đ. 1683 -1687) – JB. Lê Ngọc Dũng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tự Sắc Mitis Iudex Dominus Iesus (Chúa Giêsu Thẩm Phán Nhân Từ), ban hành ngày 15-8-2015, ấn định thêm một loại thủ tục mới gọi là Tố tụng hôn nhân ngắn gọn hơn trước Giám Mục (processo breviore davanti al Vescovo), có hiệu lực từ ngày 8-12-2015.

 BÌNH GIẢI THỦ TỤC TỐ TỤNG HÔN NHÂN NGẮN GỌN HƠNTRƯỚC GIÁM MỤC (Đ. 1683 -1687)

Lm. JB. Lê Ngọc Dũng

 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tự Sắc Mitis Iudex Dominus Iesus (Chúa Giêsu Thẩm Phán Nhân Từ), ban hành ngày 15-8-2015, ấn định thêm một loại thủ tục mới gọi là Tố tụng hôn nhân ngắn gọn hơn trước Giám Mục (processo breviore davanti al Vescovo), có hiệu lực từ ngày 8-12-2015.

1. Ý nghĩa

Gọi là “ngắn gọn hơn” (breviore) là so với loại thủ tục thông thường vẫn đang áp dụng. Thủ tục ngắn gọn hơn thì giản lược về hai mặt:
- Nhân sự tòa án: thay vì phải có hiệp đoàn ba thẩm phán để xét xử, chỉ cần một thẩm phán duy nhất, nhưng phải là Giám Mục giáo phận.
- Thủ tục: một số giai đoạn trong tiến trình sẽ được giản lược hay bỏ qua. Thời gian xử án sẽ được rút gọn.
- “Trước Giám Mục” (coram Episcopo) có nghĩa là vụ án được xét xử bởi Giám Mục. Cụm từ này không có nghĩa theo mặt chữ, tức là, không theo nghĩa: các bên trong vụ án phải hiện diện trước mặt Giám Mục để được ngài xét xử.
Thủ tục xử án trong Giáo Hội có khác với xã hội dân sự. Đó là không xử án trong một buổi họp tại tòa án gồm đầy đủ các thành phần như: Các thẩm phán, Công Tố viên, Bảo Hệ viên, Hội Thẩm, Luật sư… và các bên trong vụ kiện, nhân chứng... Cũng không có sự tranh biện và dẫn chứng công khai giữa các bên và luật sư tại tòa. Tiến trình vụ án Giáo Hội được diễn ra âm thầm theo từng giai đoạn: khởi sự, đối tụng, thiết lập thể thức nghi vấn, thu thập chứng cứ, công bố án từ, nghị án và tuyên án. Các giai đoạn này được diễn ra nối tiếp nhau trong thời gian. Luật quy định các vụ án sẽ không được kéo dài quá một năm ở toà án cấp một, và không quá sáu tháng ở toà án cấp hai (đ. 1453). Phần thẩm vấn các bên, các nhân chứng thường được thực hiện âm thầm, riêng biệt. Phần nghị án được thực hiện bởi cuộc bàn luận các thẩm phán và kết thúc bởi tuyên án.
Trong thủ tục ngắn gọn, phần quyết định tuyên án được thực hiện bởi chính thẩm phán Giám Mục. Ngài tuyên án, sau khi đã xem xét hồ sơ vụ án, cứu xét bản ý kiến của bảo hệ viên (bảo vệ dây hôn phối) và tham khảo ý kiến thẩm cứu viên và hội thẩm.

2. Mục đích của thủ tục xử ngắn gọn hơn

Vụ án được giải quyết trong thời gian ngắn, giúp cho người đệ đơn xin công bố hôn nhân vô hiệu được giải đáp vấn đề của mình kịp thời để có thể tái hôn hoặc thành sự hóa hôn nhân đang rối ngay sau đó, đồng thời cũng giúp tòa án tiết kiệm được công sức và thời gian. Nhờ đó, tòa án giải quyết được nhiều vụ án hơn, nhất là ở những nơi hoặc thiếu chuyên viên tòa án hoặc số lượng các vụ án quá nhiều.
Chính người đệ đơn có thể xin được xử theo thủ tục ngắn gọn hơn, miễn là hội đủ những điều kiện mà luật đòi hỏi và bên tòa án xét thấy là có thể chấp nhận được.
Bên tòa án, vị Đại Diện tư pháp, nếu thấy thuận lợi cho công việc của tòa án hoặc vì lợi ích của tín hữu, cũng có thể tự quyết định xử theo thủ tục ngắn gọn, miễn là theo quy tắc luật định.
Tuy nhiên, loại thủ tục này, do Giám Mục chịu trách nhiệm xét xử nên việc là có thích hợp để tiến hành hay không là còn tùy theo nguyên tắc hay tiêu chuẩn mục vụ của Giám Mục.

3. Vì sao phải được xử án bởi Giám Mục giáo phận?

Điều mới của Tự sắc Mitis Iudex không hệ tại ở việc ban cho Giám Mục thẩm quyền xét xử tòa án, vì tự ngài đã có quyền này. Giám Mục trong Giáo Hội, theo hình ảnh của Đức Kitô, vừa là người cha, vừa là thẩm phán, có quyền xét xử tư pháp trọn vẹn.[1] Ngài tự mình thực hiện quyền đó hoặc nhờ qua vị Đại Diện Tư pháp hay các thẩm phán giáo phận. Giám mục có quyền dành riêng cho mình thẩm quyền xét xử một số vụ án (đ. 1420). Vì vậy việc Đức Giám Mục có thẩm quyền hay đứng ra làm thẩm phán một vụ án hôn phối là bình thường theo luật hiện hành.
Tuy nhiên, trong trường hợp xử vụ án vô hiệu hôn nhân, nếu thủ tục được rút gọn về nhân sự, thủ tục và thời gian, thì dễ có nguy cơ sơ sót hay buông lỏng pháp lý. Trong trường hợp này cần có Giám Mục đứng ra làm thẩm phán để lãnh trách nhiệm, bảo đảm việc xử án được nghiêm túc, tránh sự lơ lỏng pháp lý.
Trong Tự sắc Mitis Iudex, Đức Phanxicô nhận định: “Cũng phải thừa nhận rằng thủ tục ngắn gọn có thể gây nguy hại cho nguyên tắc bất khả phân ly của hôn nhân. Vì lý do này, chúng tôi muốn trong thủ tục xét xử đó, thẩm phán phải chính là Giám Mục”.
Vị thẩm phán phải chính là Giám Mục, không có nghĩa là buộc Giám Mục phải tự mình thực hiện tất cả tiến trình xử án. Ngài có thể tự mình hoặc nhờ các viên chức tòa án giúp đảm nhận phần lớn các tiến trình hay thủ tục vụ án. Có thể nói, tất cả các tiến trình tố tụng, thu thập chứng cứ, soạn thảo các văn bản và ngay cả việc soạn thảo bản án đều có thể được đảm nhiệm bởi linh mục Đại Diện Tư Pháp (đ. 1685) hay thẩm cứu viên.[2] Giám Mục chỉ cần xem xét hồ sơ ở giai đoạn cuối, và nếu cần ngài hỏi ý kiến các thẩm cứu viên hay hội thẩm. Nếu ngài thấy có sự chắc chắn luân lý về sự bất thành của hôn nhân, thì ngài có thể tuyên án, bằng việc ký nhận bản án, và cho kết thúc vụ án. Nếu thấy không đủ chắc chắn luân lý về vụ án, ngài chuyển hồ sơ về cho Đại Diện tư pháp, để xử theo thủ tục thông thường (đ. 1687§1).

4. Đại Diện Tư Pháp quyết định xử theo thủ tục ngắn gọn

Vị Đại Diện tư pháp được Giám Mục trao phó trách nhiệm xem xét hồ sơ đơn xin để quyết định là vụ án sẽ được xử theo thủ tục thông thường hay thủ tục ngắn gọn hơn. Việc quyết định này cần phải dựa theo những quy tắc luật định về thủ tục và theo những tiêu chuẩn mục vụ của Giám Mục đề ra.[3]
Trong trường hợp không có Đại Diện tư pháp, Giám Mục có thể chọn một người có khả năng (linh mục và cũng có thể là giáo dân có chức vụ và kinh nghiệm) để giúp quyết định xử theo thủ tục nào, thông thường hoặc ngắn gọn hơn. Trong trường hợp này, đơn thỉnh cầu và xin xử ngắn gọn phải gởi lên thẩm phán Giám Mục để xét xử vụ án.[4]
Trong trường hợp không có người có khả năng hay khôn ngoan giúp đảm nhiệm, Giám Mục có thể nhờ một linh mục có chức vụ ở giáo phận khác giúp. Trong trường hợp này, đơn thỉnh cầu và xin xử ngắn gọn cũng phải gởi trực tiếp lên Giám Mục.[5]
Trong trường hợp quá khó khăn, không thể tìm được người trong hay ngoài giáo phận có khả năng giúp cho vụ án xử theo thủ tục ngắn gọn. Giám mục có thể ủy thác vụ án cho tòa án giáo phận gần bên để đảm nhận việc thẩm cứu vụ án (l’istruttoria). Sau khi đã thực hiện xong việc thẩm cứu, hồ sơ vụ án được gởi về cho Giám Mục để ngài xem xét và quyết định về sự vô hiệu của hôn nhân. Trong trường hợp này, đơn thỉnh cầu và xin xử ngắn gọn phải gởi lên Giám Mục để ngài xem xét. Ngài xem là có thể chấp nhận được xử theo thủ tục ngắn gọn theo những tiêu chuẩn giả định trước (sussistenza dei presupposti) mà luật đã đề ra không. Nếu thấy không thể, ngài đề nghị họ đệ đơn lên tòa án có thẩm quyền để xử theo thủ tục thông thường.[6]

5. Những tiêu chuẩn giả định trước để xử theo thủ tục ngắn gọn hơn

Điều 1683 quy định
Chính Giám Mục giáo phận có thẩm quyền xét xử những vụ án hôn nhân bất thành với thủ tục ngắn gọn hơn mỗi khi:
Có đơn thỉnh cầu được cả hai người phối ngẫu đệ trình hay do một trong hai bên, với sự đồng ý của bên kia;
2° Những sự kiện về người và về sự việc, phải được xác thực bởi các chứng cứ hoặc tài liệu mà không cần phải điều tra hay thẩm cứu kỹ lưỡng hơn, và chúng phải làm cho sự bất thành được sáng tỏ.
Để được xét là có thể nhận xử theo thủ tục thông thường cần hội đủ hai điều kiện:
a- Đơn thỉnh cầu phải được cả hai người phối ngẫu đệ trình hay do một trong hai bên với sự đồng ý của bên kia.
Nếu như đơn xin đã có chữ ký của cả hai bên thì được hiểu là do cả hai bên đệ trình. Nếu chỉ có một chữ ký của nguyên đơn thì Đại Diện tư pháp có thể hỏi thêm ý kiến bên bị đơn. Vấn đề chính là cả hai bên phải đồng ý được xử vụ án. Luật đòi phải được cả hai người phối ngẫu đệ trình là do vấn đề bảo vệ quyền lợi của bên bị đơn.
Tòa án có chức năng bảo vệ công lý nên luôn luôn phải tôn trọng quyền lợi của cả hai bên và cho họ có quyền biện hộ. Một vụ án được xử thì luôn luôn phải có sự tham gia của bị đơn. Ít nhất họ phải được triệu tập, nghĩa là được thông báo rằng bên nguyên đơn đã đệ đơn xin tiêu hôn và được tham gia ý kiến vào vụ án. Khi được xử theo thủ tục ngắn gọn hơn thì vấn đề quyền lợi của các bên phải được bảo đảm hơn và sự sẵn sàng cho vụ án được bình ổn và tiến triển là điều cần thiết. Vì vậy điều kiện được đặt ra là phải có sự đồng ý xin tiêu hôn của cả hai bên.
b- Những sự kiện về người và về sự việc, được xác thực bởi các chứng cứ hoặc tài liệu mà không cần phải điều tra hay thẩm cứu kỹ lưỡng hơn, và chúng phải làm cho sự bất thành được sáng tỏ (đ. 1683,20).
Đây là yêu cầu khác biệt chính yếu để được xử theo thủ tục ngắn gọn. Ngay từ lúc bắt đầu nhận hồ sơ vụ án, vị Đại Diện tư pháp phải thấy sơ khởi rằng sự bất thành của hôn nhân có thể xác nhận được nhờ qua các chứng cứ hay tài liệu tương đối đã đầy đủ, mà không cần phải điều tra kỹ lưỡng hơn.
Nên chú ý là điều 1683,20 còn  minh định rằng các sự kiện về người và sự việc đó phải làm cho sự vô hiệu được biểu lộ ra hay được sáng tỏ. Lý do là vì có những sự kiện không có khả năng cho thấy được sự vô hiệu, cho dù được các tài liệu hay chứng cớ đầy đủ, ví dụ sự kiện đơn thuần là ngoại tình, ly dị, bị mẹ cha mẹ chồng bạc đãi, sống không hợp với nhau...
Có thể nêu ra những ví dụ về sự kiện về người và sự việc mà khiến cho thấy được sự kết ước là vô hiệu:
- Bất lực giao hợp: là một ngăn trở tiêu hôn, theo minh định của điều 1984.
- Thiếu khả năng phán đoán về nghĩa vụ trao ban cho nhau: hôn nhân vô hiệu di thiếu khả năng kết hôn, theo minh định của điều 1095,20.
- Bị sợ hãi khi kết hôn: ưng thuận kết hôn bị hà tỳ nên vô hiệu, theo minh định của điều 1103.
- Linh mục chứng hôn không có năng quyền: Thiếu năng quyền chứng hôn vô hiệu theo minh định của điều 1108.
Đối với sự thẩm định của Đại Diện Tư pháp, có hai vấn đề phải đặt ra:
- Các chứng cứ hay tài liệu giúp xác thực cho sự kiện có dễ dàng thu thập được ngay không, và chúng có thể đầy đủ mà không cần điều tra kỷ lưỡng thêm không?
- Những “sự kiện” đã xảy ra có khả năng cho thấy sự vô hiệu hôn nhân hay không?
c- Thu thập chứng cứ hoặc tài liệu
 Về lời khai của các bên hay chứng cứ, tài liệu thì thẩm phán xét định theo nguyên tắc của điều 1678 như sau:
Điều 1678
§1 Trong những vụ án hôn nhân bất thành, lời tự thú tư pháp và những lời khai của các bên, mà sự đáng tin của họ có thể được cũng cố bởi các nhân chứng, có thể được thẩm phán đánh giá là có hiệu lực chứng minh đầy đủ, sau khi vị này đã cứu xét tất cả những dấu hiệu và những yếu tố giúp xác thực mà không thấy có những yếu tố nào khác phủ nhận.
§2. Trong những vụ án này, lời khai của một nhân chứng duy nhất có thể đáng tin hoàn toàn, nếu đó là một nhân chứng có phẩm cách cung khai về những điều được thực hiện theo chức vụ của mình, hoặc những sự kiện về người và sự việc gợi lên điều ấy.
§3. Trong những vụ án về sự bất lực hay về hà tì ưng thuận do bệnh tâm thần hoặc do những bất thường thuộc bản chất tâm lý, thẩm phán phải nhờ đến sự giúp đỡ của một hay nhiều giám định viên, trừ khi hoàn cảnh cho thấy rõ việc giám định không cần thiết; còn trong những vụ án khác, phải giữ những quy định của điều 1574.
Về lời khai của các bên hoặc lời tự thú tư pháp của họ, có thể có gía trị chứng minh cho sự vô hiệu của hôn nhân. Có nhân chứng thì giúp thẩm phán thêm tin tưởng vào lời khai của các bên. Tuy nhiên, cũng có đôi khi chỉ có lời khai mà không có nhân chứng (do không thể có được) thì thẩm phán cũng có thể có được sự chắc chắn luân lý về lời khai của họ. Điều chính yếu cần thiết để đánh giá sự thật là thẩm phán cần phải cứu xét tất cả những dấu hiệu và những yếu tố mà thấy chúng giúp cũng cố sự xác thực và  không thấy có những yếu tố nào khác có tính phủ định, chống lại sự đáng tin của lời khai. Nói cách khác, các lời khai hay lời tự thú tư pháp được xác thực là dựa vào sự hợp lý giữa chúng với những dấu hiệu và những yếu tố khác và không thấy có điều gì bất hợp lý hay hồ nghi tích cực.
Triệt 2 nói đến nhân chứng phải là có phẩm cách. Theo Tremblay (1983) nhân chứng có phẩm cách có 5 đặc điểm:

  1. Có địa vị hoặc vai trò trong một cộng đoàn;

  2. Biết các chi tiết của vấn đề đang xem xét;

  3. Sẵn sàng cộng tác;

  4. Có khả năng biện chứng, nghĩa là khả năng giao tiếp đúng đắn và phối hợp.

  5. Công bằng, không thiên vị.

Điều kế tiếp cần thiết  là người ấy cung khai về những sự việc được thực hiện theo chức vụ của mình. Ví dụ cha sở cho biết về chi tiết việc cử hành hôn phối; bác sĩ cho biết về tình trạng bệnh tật của bệnh nhân …
Ngoài ra, nếu đó là một nhân chứng không thực hiện theo chức vụ của mình, thì sự hợp lý giữa những sự kiện hay hoàn cảnh về người và sự việc và của nhân chứng có phẩm cách cũng khiến thẩm phán thấy rằng lời khai đủ đáng tin.
Triệt 3 quy định phải có sự giám định của chuyên viên đối với các vụ án hà tỳ ưng thuận vì bệnh tâm thần hay vụ án bị bất lực giao hợp. Tuy nhiên, nếu thẩm phán thấy rõ là không cần thiết thì có thể miễn sự giám định.
d- Sự kiện về người và sự việc phải làm cho sự bất thành được sáng tỏ
Có những sự kiện xảy ra cho thấy sự vô hiệu khá rõ nhưng cũng có những trường hợp không rõ, nhất là những trường hợp vô hiệu do hà tỳ ưng thuận.
Thử khảo sát một số trường hợp:
- Hôn nhân vô hiệu do có ngăn trở tiêu hôn
Một người sau kết hôn mới bị khám phá ra là đang có dây ngăn trở hôn phối. Ngăn trở dây hôn phối có tác động làm cho hôn nhân vô hiệu rất rõ ràng, được minh định trong điều 1085#2: “Người đang bị ràng buộc bởi dây hôn nhân trước, dù chưa hoàn hợp, thì kết hôn cũng bất thành".
Cũng tương tự, ví dụ, đôi bạn sau kết hôn mới biết một trong hai người là tu sĩ đã có lời khấn công vĩnh viễn giữ đức khiết tịnh trong một hội dòng. Hôn nhân rõ ràng là vô hiệu do quy định của điều 1088 : "Những người bị ràng buộc bởi lời khấn công vĩnh viễn giữ đức khiết tịnh trong một hội dòng kết hôn cũng bất thành".
- Hôn nhân vô hiệu do thiếu thể thức giáo luật (forma canonica)
Một linh mục không có chức vụ là Đấng Bản Quyền, không là cha sở, không được ủy quyền mà chứng hôn. Vì linh mục này không có năng quyền chứng hôn, hôn nhân đó bất thành, chiếu theo điều 1108 #1.
- Hôn nhân vô hiệu do hà tỳ ưng thuận
Đối với hai trường hợp vô hiệu nêu trên, do ngăn trở tiêu hôn hoặc thiếu thể thức, thì những “sự kiện” như dây hôn phối, họ máu, chức thánh, khấn dòng, thiếu năng quyền chứng hôn thì dễ dàng được nhận ra  là làm cho hôn nhân vô hiệu. Nó rõ ràng do chính khái niệm, như  họ máu, chức thánh… và do chính sự kiện xảy ra có thể thấy được (visible). Những “sự kiện” này, vì vậy cũng dễ có được những chứng cứ hay tài liệu xác thực, mà không cần phải điều tra kỷ lưỡng hơn.
Tuy nhiên đối với sự bất thành do “hà tỳ ưng thuận” thì không dễ dàng nhận ra, bởi vì sự hà tỳ ưng thuận là điều xảy ra nội tại trong tâm trí, không thể thấy được (invisible). Mức độ hà tỳ thì khó được xác định. Ví dụ sự “thiếu trưởng thành” thì phải ở mức độ nào, sự “không muốn” thì phải ở mức độ nào, sự “sợ hãi” ở mức độ nào, thì mới xác định là hà tỳ ưng thuận mà có thể làm cho sự kết ước vô hiệu? Một điều xảy ra trong tâm trí, trong ý muốn có thể được biểu hiện qua lời nói, hành động nhưng cũng có thể không có biểu lộ gì cả. Khái niệm diễn tả về tâm tình hay tâm trạng của con người lại cũng không dễ xác định rõ ràng ý nghĩa của nó là như thế nào, như “sợ”, “sợ hãi”, “lo lắng”, “bất an”, “nghi ngại”. Những sự kiện biểu hiện, những thái độ nội tâm cũng có nhiều kiểu nhiều cách nhau. Bởi vậy,  đã có nhiều là học giả, án lệ đã khảo sát và đưa ra rất nhiều nét pháp lý mới có thể đưa đến lý giải những “sự kiện” nào là có tác động làm tiêu hôn và tiêu hôn như thế nào.
Khảo sát một số trường hợp
a- Một cô gái sợ mẹ buồn và sợ mẹ vì buồn nên lâm bệnh nên cô đành kết hôn với người mình không thích. Người mẹ đó chỉ có năn nỉ cô lấy chồng, không hề  dọa nạt cô phải làm theo ý muốn của mình. Hỏi rằng, sự kiện sợ mẹ buồn bệnh đó có làm cho sự ưng thuận bị hà tỳ đến độ kết hôn bị bất thành không?
Một cô gái khác, lỡ mang thai với người thanh niên mình chỉ có cảm tình chứ chưa muốn kết hôn. Cô đành kết hôn vì giữ danh dự cho mình, cho cha mẹ và không muốn đứa con của mình sinh ra là đứa con rơi. Hỏi rằng, sự kiện về người và về sự việc này có rõ ràng làm cho hôn nhân vô hiệu không?
Hai trường hợp trên: “sợ mẹ buồn”, “lỡ mang thai” không được Giáo luật quy định rõ là làm cho hôn nhân vô hiệu, nhưng sẽ được thẩm phán thẩm xét theo quy tắc của điều luật 1103, quy định về sợ hãi: “Hôn nhân bất thành, nếu vì bạo lực hay vì sợ hãi nghiêm trọng từ bên ngoài, mặc dầu không cố tình gây nên, người ta buộc phải lựa chọn hôn nhân để tự giải thoát".
Những khảo sát trên cho thấy có sự dễ dàng và cũng có sự không dễ dàng trong việc nhận định là những sự kiện nào là có thể làm cho hôn nhân vô hiệu. Cần có sự học hỏi nghiên cứu mới có thể phân định chính xác hơn. Điều 1683,20  chỉ quy định những sự kiện về người và sự việc được nêu  phải có tác dụng “làm cho sự vô hiệu được sáng tỏ” (nullitatem manifestam reddant). Luật không quy định: Sự kiện về người và sự việc “rõ ràng cho thấy” được sự vô hiệu. Nếu quy định thêm chữ “rõ ràng” thì   “mức độ” của điều kiện để được xử theo thủ tục sẽ nghiêm ngặt hơn. Khi đó, số lượng được chấp nhận xử theo lối ngắn gọn hơn sẽ bị hạn chế lại rất nhiều.  Bởi vậy, nếu vị thẩm phán cứ nghĩ rằng sự kiện phải rõ ràng làm cho hôn nhân vô hiệu thì mới được xử ngắn gọn thì ngài đã vô tình đi lệch ý muốn của nhà lập pháp.
Thượng Hội Đồng Giám mục, trong bản Quy Tắc để hướng dẫn việc áp dụng Tự Sắc Mitis Iudex đã nêu những ví dụ về những sự kiện cho thấy hôn nhân có thể vô hiệu.

6- Quy tắc hướng dẫn của THĐGM số 14§1

Trong số những sự kiện về  người hay sự việc  có thể cho phép tiến hành vụ án tuyên bố hôn nhân bất thành qua tố tụng ngắn gọn theo các điều 1683-1687, được kể ví dụ như là: thiếu đức tin khiến phát sinh sự giả hình (simulatio) trong ưng thuận hoặc sự lầm lẫn chi phối vào ý chí, cuộc chung sống vợ chồng quá ngắn ngủi, thực hiện phá thai cốt để ngăn cản việc sinh con, thường xuyên ngoan cố trong mối liên hệ ngoài hôn nhân vào thời gian kết hôn hay một thời gian tiếp theo ngay sau đó, gian ý dấu diếm vô sinh hay mắc một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng hay đã có con từ một quan hệ trước hay tù tội, nguyên nhân kết hôn hoàn toàn xa lạ với đời sống vợ chồng hay chủ yếu do người phụ nữ đã lỡ mang thai, bạo lực thể lý buộc bên kia phải ưng thuận kết hôn, thiếu sử dụng trí khôn có giấy chứng nhận của bác sĩ, v.v…[7]
Những ví dụ về sự kiện mà có thể xử theo thủ tục ngắn gọn mà THĐGM  nêu trên khá gây ngạc nhiên cho nhiều người. Một số người hiểu lầm đây là những luật mới quy định về sự vô hiệu của hôn nhân. Nghĩa là, tưởng rằng thiếu đức tin, phá thai … theo luật mới là có thể làm cho hôn nhân vô hiệu. Một số người khác lại nghĩ rằng đây là những hoàn cảnh được quy định để xử theo thủ tục ngắn gọn.
Tòa Thượng thẩm Roma, trong tập "Sussidio Applicativo del Motu pr. Mitis Iudex Dominus Iesus” xuất bản tháng 1 năm 2016, xác định những sự kiện về người và sự việc mà Nguyên tắc số 14§1 nêu ra không phải là những luật mới về tiêu hôn, nhưng chúng là những yếu tố liên quan mật thiết đến sự ưng thuận hôn nhân, mà có thể chứng tỏ cách dễ dàng từ những chứng cứ hay tài liệu.[8] 
a- Thiếu đức tin khiến phát sinh sự giả hình (simulatio) trong ưng thuận hoặc sự lầm lẫn chi phối vào ý chí;
Sự thiếu đức tin có làm cho bí tích hôn nhân vô hiệu không? Đã có nhiều lần trong Giáo Hội, người ta đã từng nêu lên vấn đề này. Người ta lý luận: khi cử hành một Bí Tích mà không có đức tin thì Bí Tích đó không hữu hiệu. Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong diễn văn hằng năm trước các thẩm phán của tòa Thượng Thẩm Roma, ngày 22-1-2016 vừa qua đã tái khẳng định: “Phải xác định rõ ràng là phẩm chất đức tin không là một điều kiện cốt yếu cho sự ưng thuận hôn nhân”. Sự ưng thuận hôn nhân “theo giáo thuyết lâu đời, bị hà tỳ chỉ trong phạm vi tự nhiên”.
Tuy nhiên, sự thiếu đức tin lại được chú trọng trong các vụ án vô hiệu hôn nhân. Lý do là sự "thiếu đức tin" có thể là nguồn phát sinh sự "giả hình" trong kết ước hôn nhân hoặc sự lầm lẫn chi phối vào ý chí.
Kết hôn Simulatio (giả hình) là khái niệm thường được đề cập đến trong án lệ hôn nhân. Nó hệ tại bởi sự có ý không muốn tuân giữ theo đúng những điều chính yếu của kết ước hôn nhân. Chẳng hạn như khi kết ước thì thề chung thủy một vợ một chồng suốt đời bất khả phân ly mà lại có ý giữ lại cho mình quyền hay khả thể sẽ có thể quan hệ xác thịt với người thứ hai hoặc khả thể sẽ ly dị. Hoặc như kết hôn mà lại có ý không sinh con gì cả; hoặc thề yêu thương nhau và tôn trọng nhau suốt đời mà lại chỉ có ý lợi dụng tiền bạc. Một sự ưng thuận kết hôn "giả hình" như vậy làm cho sự ưng thuận thành vô hiệu. Giáo Luật điều  1101§2 quy định: "Nếu một bên hay cả hai bên bằng một hành vi tích cực của ý chí, loại trừ chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân thì họ kết hôn với nhau bất thành”.
Yếu tố chính yếu, hoặc đặc tính chính yếu của hôn nhân, có thể kể như: sự sinh sản giáo dục con cái (bonum prolis), sự đơn nhất chung thủy (bonum fidei), sự bất khả phân ly, sự hiệp thông trao ban cho nhau trong cuộc sống hay thiện ích của hôn nhân (bonum coniugum). Khi kết hôn mà đã có ý tích cực loại trừ hay không tôn trọng những yếu tố này thì kết hôn vô hiệu.
Các nhà Giáo luật đều đã lưu ý rằng một người đã sống trong một nền văn hóa, tôn giáo mà chủ trương cho ly dị tái hôn, đa thê, thì người đó khó có thể chấp nhận lề luật của Công Giáo, và vì vậy họ dễ kết hôn giả hình. Đối với người Công Giáo có đức tin thì dễ suy đoán rằng họ tôn trọng Giáo Luật và ít khi kết hôn giả hình, nhưng đối với người không có đức tin thì sự giả hình dễ xảy ra hơn.
Mặt khác, có những trường hợp thiếu đức tin lại bao gồm sự thiếu hiểu biết về chính hôn nhân. Sự thiếu hiểu biết này, theo luật không nhất thiết loại trừ ưng sự thuận (đ. 1100), nhưng nếu nó chi phối vào ý chí thì ưng thuận có thể bị hà tỳ và làm cho hôn nhân vô hiệu (đ. 1099). Tòa Thượng thẩm Roma đã chiếu theo giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giải thích thêm về điều này như sau:
Sự bỏ hay mất đức tin Kitô giáo (scristianizzazione) của xã hội ngày nay dẫn đến một sự thiếu hiểu biết trầm trọng về chính hôn nhân, đến nỗi chi phối vào ý chí. Sự khủng hoảng hôn nhân, vì vậy, trong từ căn gốc, không gì khác hơn là khủng hoảng sự hiểu biết được khai sáng bởi đức tin.[9] Sự đào tạo con người và văn hóa nhân bản chịu một ảnh hưởng mạnh mẽ đôi khi nhất định của não trạng thế gian;[10] của một niềm tin đóng kín trong thuyết chủ thể, đóng kín trong nội tại của lý lẽ và cảm giác,[11] biểu lộ sự khiếm khuyết là không thể có được sự hiểu biết đúng đắn về thiết chế hôn nhân và những bổn phận thiết yếu của nó.
Điều này cũng thường được gắn thêm một hạ tầng của sự yếu đuối mỏng manh về tâm lý và luân lý của người kết hôn. Cách riêng, một số người trẻ hoặc thiếu trưởng thành có thể đi xuống chỗ nhận biết hôn nhân thuần túy là một ân huệ tình yêu.  Nó thúc đẩy người kết ước hôn nhân tới một sự giả hình (simulatio) trong ưng thuận, nghĩa là tới sự duy trì một não trạng riêng về sự kết hợp vĩnh viễn đó, hoặc sự loại trừ nó. [12]
b- Cuộc chung sống vợ chồng quá ngắn ngủi
Cuộc chung sống vợ chồng quá ngắn ngủi là một sự kiện rất quan trọng biểu hiện cho nhiều lý do tiêu hôn khác nhau.[13] Nó có thể là:
- Bị ép buộc, sợ hãi nên đành kết hôn. Hôn nhân vô hiệu theo quy  tắc của điều 1103 về sợ hãi. Vì miễn cưỡng kết hôn, không có tình yêu, cuộc sống trở nên nặng nề, có nhiều xung đột nên dễ dàng chia tay sau thời gian ngắn.
- Loại trừ chính hôn nhân. Một người có thể đã không muốn kết hôn, nhưng đã kết hôn để đạt được một lợi ích khác, xa lạ với đời sống hôn nhân, ví dụ như kết hôn chỉ để được đi nước ngoài và sau đó thì ly dị. Hôn nhân vô hiệu theo quy tắc của điều 1101#2 về sự loại trừ chính hôn nhân hay kết hôn “giả hình” (simulatio).
- Thiếu phán đoán hoặc bản chất tâm lý không thể chu toàn nghĩa vụ hôn nhân. Hôn nhân trong trường hợp này là vô hiệu theo quy tắc của điều  1095. Đời sống hôn nhân bền vững nhờ có sự hiệp thông với nhau và chu toàn nghĩa vụ trao ban cho nhau. Khi không thể thực hiện nghĩa vụ đối với nhau do thiếu khả năng, như  người có bệnh đồng tính, rối loạn tình dục, tâm lý bất thường … thì hôn nhân cũng dễ dàng tan vỡ sau thời gian ngắn.
- Kết hôn do lầm lẫn hay lừa gạt… cũng dễ dẫn tới sự chia tay rất sớm sau kết hôn.
c- Thực hiện phá thai để ngăn ngừa việc sinh con
Việc phá thai tự nó không làm cho hôn nhân vô hiệu. Tuy nhiên nếu sự phá thai được thấy như một sự cố ý loại trừ sự sinh sản, hay thiện ích con cái. Đây là một loại kết hôn giả hình theo quy tắc của điều 1101#2. Ngoài ra, việc duy trì ngừa thai liên tục cố ý loại trừ sự sinh con vĩnh viễn với người vợ hay chồng đang chung sống cũng làm cho kết ước hôn nhân vô hiệu.
Phá thai là một tội rất nặng trong luân lý Kitô giáo. Nó có thể biểu lộ một sự thiếu đức tin nơi phạm nhân. Như đã nói trên, sự thiếu đức tin lại có thể là nguồn phát sinh sự kết hôn giả hình.[14]
d- Thường xuyên ngoan cố trong mối liên hệ ngoài hôn nhân vào thời gian kết hôn hay một thời gian tiếp theo ngay sau đó
   Một người vẫn còn tiếp tục liên hệ với người tình cũ ngay cả sau khi kết hôn với người khác thì người đó đã loại trừ sự chung thủy hay đơn nhất một vợ một chồng của hôn nhân. Nếu kết ước hôn nhân chính thức với một người làm vợ nhưng đồng thời vẫn quan hệ với một người tình như một vợ thứ hai trong bóng tối, thì sự kiện đó biểu hiện cho sự kết ước không thật lòng, có ý loại trừ sự đơn nhất chung thủy. Hôn nhân, vì vậy, vô hiệu chiếu theo quy tắc của điều 1101#2.
e- Gian ý (dolus) dấu diếm vô sinh hay mắc một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng hay đã có con từ một quan hệ trước hay tù tội
   Đây là một trường hợp kết hôn vô hiệu bởi lầm lẫn do lừa gạt, chiếu theo quy tắc của điều 1098: Người kết hôn do bị lừa gạt về một tư cách nào đó của phía bên kia, với chủ ý để mình ưng thuận và nếu tư cách ấy tự bản chất có thể làm xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng, thì hôn nhân bất thành.
Sự lầm lẫn do bên kia dấu diếm một điều mà có thể gây xáo trộn đời sống vợ chồng như: vô sinh, có con riêng, bệnh truyền nhiễm, tù tội, nợ nần nghiêm trọng … được coi là có gian ý hay lừa dối khi kết hôn. Theo giáo thuyết Công Giáo, khi kết hôn, đôi bạn sống hiệp thông với nhau trọn đời. Họ chung chia cả vận mệnh vui buồn, hiện sinh của đời sống. Bởi vậy khi có những trở ngại cho sự hiệp thông này, người kết hôn có bổn phận phải nói cho bên kia biết trước khi kết hôn. Nếu không cho người bạn sắp kết hôn biết, thì được coi là gian ý hay lừa gạt để được ưng nhận kết hôn và sự ưng thuận của bên lầm lẫn là bị hà tỳ. Vì vậy, kết hôn vô hiệu do sự lầm lẫn theo quy tắc của điều 1098.
g- Nguyên nhân kết hôn hoàn toàn xa lạ với đời sống vợ chồng
Hôn nhân tự bản chất là cuộc sống hiệp thông hướng đến thiện ích của đôi bạn và sinh sản giáo dục con cái. Mục đích hôn nhân phải đi theo đúng hướng này. Nếu kết hôn vì mục đích hoàn toàn xa lạ như để lợi dụng xác thịt, tiền bạc, danh lợi… thì kết hôn vô hiệu, chiếu theo quy tắc của điều 1101#2 về giả hình hoặc điều 1095,20 về sự thiếu phán đoán.
h- Chủ yếu do người phụ nữ đã lỡ mang thai
Lỡ mang thai nên người nữ có thể đành phải kết hôn với người mình không muốn kết hôn; hoặc có thể là người nam vì trách nhiệm, không muốn bỏ rơi đứa con mình cho người mẹ ngoại đạo nên miễn cưỡng kết hôn. Những trường hợp này có thể biểu hiện một sự hà tỳ trong tự do ưng thuận kết hôn do sợ hãi theo quy tắc của điều 1103.
i- Bạo lực thể lý buộc bên kia phải ưng thuận kết hôn
Trường hợp này khá rõ là kết hôn vô hiệu, chiếu theo điều 1103 về bạo lực và sợ hãi. Bạo lực thể lý cũng có thể được chứng tỏ qua các tài liệu, như giấy chứng thương y khoa, biên bản của an ninh.[15]
k- Thiếu sử dụng trí khôn có giấy chứng nhận của bác sĩ
Trường hợp này khá rõ là kết hôn vô hiệu, chiếu theo quy tắc của điều 1095 về thiếu khả năng kết hôn. Trong trường hợp có bệnh hay bất thường về tâm trí, thông thường phải nhờ đến các chuyên gia giám định và được xử theo thủ tục thông thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng, nếu có các tài liệu chứng minh (giấy của viện tâm thần, của trai giam, toa thuốc) cùng với những chỉ dẫn khác mà không có hồ nghi tích cực nào về sự vô hiệu hôn nhân thì có thể được xử theo thủ tục ngắn gọn.[16]
Ghi chú
Các trường hợp nói trên được bản Quy Tắc nêu ra như những ví dụ cho việc chấp nhận xử theo thủ tục ngắn gọn trước Giám Mục. Tuy nhiên, chúng cũng là những trường hợp mà bình thường vẫn được xử theo lối thông thường. Điểm khác biệt chính yếu là khi nhận xử ngắn gọn, những chứng cứ hay tài liệu xác thực cho đối tượng xử án tương đối đầy đủ mà không cần phải điều tra kỹ lưỡng thêm. Về mặt án lý, tức là những lý thuyết giúp xác nhận sự vô hiệu thì không có gì khác nhau giữa lối xử ngắn gọn và lối xử thông thường. 

7- Đơn thỉnh cầu được xét xử theo thủ tục ngắn gọn hơn

Điều 1684 quy định:
Ngoài những yêu cầu thông thường của một đơn xin xử án, được liệt kê ở điều 1504, đơn thỉnh cầu được xét xử theo thủ tục ngắn gọn hơn phải:
trình bày vắn tắt, đầy đủ và rõ ràng những sự kiện làm nền tảng cho sự thỉnh cầu;
2° nêu ra các chứng cứ mà thẩm phán có thể thu thập được ngay;
3° đính kèm những tài liệu làm căn cứ cho thỉnh cầu.
Thông thường, trong thực tế cụ thể, để được xử ngắn gọn, nguyên đơn cần phải gặp gỡ trao đổi với Đại Diện Tư Pháp trước để nói lên lý do cần thiết phải xử ngắn gọn. Sau đó, theo sự hướng dẫn của ngài, nguyên đơn sẽ làm một bản tường trình hay bản khai, trong đó có nêu ra các chứng cứ hay tài liệu mà thẩm phán có thể thu thập được ngay.

8- Nhân sự tòa án

Vụ án có thể được tiến hành với tối thiểu 4 vị:
a- Đại Diện tư pháp: hoặc một vị nào khác được chỉ định, giữ nhiệm vụ thẩm cứu viên, thẩm cứu vụ án.
b- Bảo hệ viên: có nhiệm vụ trình bày ý kiến chống lại sự vô hiệu của hôn nhân.
c- Lục sự hay Công chứng viên: có vai trò như thư ký tòa án, với nhiệm vụ công chứng lời khai, tài liệu và soạn thảo văn bản.
d- Giám Mục Thẩm Phán: xem xét vụ án và quyết định phần kết luận của vụ án thông qua phán quyết hay bản án.
Nếu có thể, Giám mục bổ nhiệm thêm một vài hội thẩm (assessor) để giúp thẩm cứu vụ án hoặc giúp ý kiến.

9- Ấn định thể thức nghi vấn và triệu tập

Sau khi nhận đơn, thấy hợp với những tiêu chuẩn của Giám Mục, vị Đại diện tư pháp, trong bằng cùng một sắc lệnh thực hiện các việc:
- Ấn định thể thức nghi vấn. Đại Diện Tư Pháp có thể ấn định ngay thể thức nghi vấn mà không cần phải triệu tập bị đơn,  vì những sự kiện làm nền tảng cho sự thỉnh cầu đã được trình bày vắn tắt, đầy đủ và rõ ràng, và vì cũng đã có sự đồng ý của bên bị đơn.
- Chỉ định thẩm cứu viên và hội thẩm. Thẩm cứu viên (istructor) tức là người phụ trách tiến hành vụ án, thu thập các chứng cứ (như một dự thẩm, auditor) và sau đó chuyển chúng lên cho thẩm phán. Vị Đại diện tư pháp có thể tự chỉ định mình làm thẩm cứu viên.[17] Hội thẩm (assessor) có thể được chỉ định để giúp những công việc của thẩm cứu viên hoặc được thẩm phán tham khảo ý kiến.
- Triệu tập tất cả những ai tham dự vào một giai đoạn phải được tiến hành theo nguyên tắc điều 1686, gồm hai việc: 1- thu thập chứng cứ; 2- ý kiến can thiệp của bảo hệ viên và luật sư nếu có.
Những người được triệu tập tức là những người được thông báo để tham gia vụ án. Người phải được triệu tập là thẩm cứu viên, bảo hệ viên, các bên, các nhân chứng. Cần thiết nhất là phải triệu tập bảo hệ viên, vì nếu không, bản án sẽ vô hiệu (đ. 1433). Ngoài ra, nếu có, triệu tập thêm: hội thẩm, luật sư. Đại Diện tư pháp có thể tự đặt mình làm thẩm cứu viên, tuy nhiên nếu là tòa án liên giáo phận, hết sức có thể chỉ định thẩm cứu viên ở tại giáo phận gốc của vụ án.[18]
Thẩm cứu viên có thể được chọn là giáo sỹ hoặc giáo dân nổi bật về hạnh kiểm tốt, về khôn ngoan và đạo lý (đ. 1428#2).
Các hội thẩm phải được Giám Mục chuẩn nhận đảm nhận nhiệm vụ này, có thể là giáo sỹ hay giáo dân có đời sống liêm khiết (đ. 1424).[19]
Luật ấn định thời hạn tối đa là 30 ngày, kể từ lúc ra sắc lệnh, phải tiến hành giai đoạn thu thập chứng cứ theo nguyên tắc điều 1686. Quy tắc hướng dẫn khoản 17 quy định: Khi ra lệnh triệu tập, các bên phải được thông báo để, ít là ba ngày trước khi bắt đầu giai đoạn thẩm vấn, có thể đệ trình những lý chứng mà dựa vào đó các các bên hay các nhân chứng được thẩm vấn, trừ khi những điểm này đã được đính kèm vào thỉnh nguyện đơn.
Việc thẩm vấn được thực hiện riêng từng người một, và chỉ có hội thẩm, bảo hệ viên, công tố viên, luật sư … mới có quyền tham dự thẩm vấn (đ. 1677). Tuy nhiên, trong thủ tục ngắn gọn, các bên được phép tham dự cuộc thẩm vấn bên kia và các nhân chứng, trừ khi vì những hoàn cảnh nào đó, thẩm cứu viên xét phải tiến hành cách khác.[20]
Thẩm cứu viên phải tiến hành cách khác, nghĩa là không cho bên này được phép tham dự cuộc thẩm vấn bên kia hoặc các nhân chứng. Vì nếu ngược lại, cho họ tham dự thì dễ xảy ra sự bất đồng ý kiến hoặc kình cải lẫn nhau khi họ nghe nêu ra các khuyết điểm của mình (bạo lực, cờ bạc, rượu chè, thiếu phán đoán, tâm lý bất thường, gian dối …). Hoặc, nếu như trường hợp họ đồng thuận với nhau để khai gian dối thì thẩm phán khó có thể kiểm chứng được. Vì vậy, việc cho phép một bên nghe lời khai của bên kia hay nhân chứng cần được hạn chế.
Các câu trả lời của các bên và của các nhân chứng phải được công chứng viên ghi lại bằng văn bản, nhưng một cách tóm tắt và chỉ ghi lại những gì liên quan chủ yếu đến chính vấn đề hôn nhân đang bàn cãi.[21]
Vì thủ tục ngắn gọn có mục đích tự nó là nhanh gọn, và các chứng cứ cũng đã sẵn sàng, không cần điều tra kỹ lưỡng thêm, nên các cuộc thẩm vấn cần được thực hiện không nhiều, không kéo dài.[22]

10- Trình bản các ý kiến bảo vệ dây hôn phối và bản biện hộ của các bên

Sau khi đã thu thập chứng cứ đầy đủ trong thời gian ngắn, thẩm cứu viên phải để cho bảo hệ viên và các người bảo hộ hay luật sư xem xét hồ sơ vụ án để họ có thể đưa ra ý kiến. Phải ấn định thời hạn mười lăm ngày để họ trình bản các bản ý kiến bảo vệ dây hôn phối và bản biện hộ của các bên, nếu có (đ. 1686). Nếu các ý kiến đã được đệ trình sớm hơn thời hạn thì có thể tiến qua giai đoạn kế tiếp là trình hồ sơ lên Giám Mục.

11- Giám Mục Thẩm phán quyết định vụ án

Sau khi Đại Diện tư Pháp hoặc vị phụ trách thẩm cứu vụ án đã nhận được các bản ý kiến thì có thể trình các án từ, tức là hồ sơ vụ án, lên cho Giám Mục thẩm phán.
Giám Mục xem xét hồ sơ vụ án, tham khảo ý kiến của thẩm cứu viên và hội thẩm, cân nhắc các ý kiến của bảo hệ viên cũng như những biện hộ nếu có của các bên, và nếu thấy đạt đến sự chắc chắn luân lý về sự bất thành của hôn nhân, thì ngài tuyên bố bản án, “xác nhận” (affirmative) hôn nhân vô hiệu. Nếu thấy không đủ chắc chắc luân lý thì ngài không tuyên án “phủ nhận” (negative) sự vô hiệu hôn nhân nhưng đưa vụ án về lại xử theo thủ tục thông thường (đ. 1687§1).[23]

12- Sự chắc chắn luân lý (la certezza morale, moral certitude) là gì?

Trong Giáo Luật, khái niệm này cũng được đề cập đến ở điều 1608 về thẩm phán: buộc thẩm phán phải có sự chắc chắn luân lý khi xét xử;  hoặc ở điều 1707§2 về sự mất tích không rõ còn sống hay chết của người phối ngẫu: Giám mục phải có sự chắc chắc luân lý về cái chết của người phối ngẫu khi tuyên bố nó.
Một chắc chắn vật lý hay khoa học có được do lý trí dựa trên những định luật tự nhiên, bất biến. Ví dụ chắc chắn rằng nước sôi ở 1000C ở điều kiện bình thường. Sự chắc chắn như vậy  được coi là hoàn toàn hay tuyệt đối. Sự chắc chắn luân lý (certezza morale) thì không được chắc chắn như vậy, vì không dựa trên những luật tự nhiên, bất biến nhưng dựa trên những lý lẽ hay quy luật nhân văn, tích lũy do thường nghiệm của đời sống, có thể có sự biến chuyển nào đó. Sự chắc chắn luân lý cũng được giải thích cách khác nhau tùy theo lãnh vực thần học, hay triết lý, pháp lý… nhưng có điểm chung là nó không là sự chắc chắc tuyệt đối như chắc chắc khoa học.
Sự chắc chắn luân lý đã được Đức Pio XII nói đến trong diễn văn cho tòa Thượng Thẩm Roma ngày 1-10-1942. Ngài cho biết sự chắc chắn tuyệt đối (certezza assoluta) và sự chuẩn chắc chắn (quasi-certezza) là như hai cực của chắc chắn luân lý.  Nghĩa là, chắc chắc luân lý có được không đòi có chứng minh không thể chối cải được (tuyệt đối) nhưng cũng không dễ dàng đạt được bởi chỉ dựa vào một vài sự kiện. Ngài nói: “Nó (chắc chắn luân lý), trong bình diện tích cực, được xác định từ sự loại trừ tất cả mọi nghi ngờ có căn cứ hay hữu lý và, xét như vậy, thì nó được phân biệt một cách chính yếu với sự chuẩn chắc chắc (quasi-certezza); và rồi trong bình diện tiêu cực, nó cho phép tồn tại thuần túy khả thể (possibilità assoluta) có sự mâu thuẩn, và qua đó nó được phân biệt với chắc chắc tuyệt đối”.[24]  Nghĩa là,  trong sự chắc chắc tuyệt đối, thì tuyệt đối không được có khả thể nào là có sự mâu thuẩn hay nghịch lý, nhưng trong sự chắc chắn luân lý thì vẫn có thể có sự mâu thuẩn hay nghịch lý, xét ở mức độ chỉ là thuần túy khả thể.
Nói cách khác, để đạt sự chắc chắn tuyệt đối thì phải loại trừ tất cả mọi nghi ngờ cho dù mơ hồ hay vô căn cứ, nhưng để đạt sự chắc chắn luân lý thì chỉ đòi hỏi là hoàn toàn không còn có sự nghi ngờ có căn cứ hay hữu lý nào cả.
Bản Quy tắc hướng dẫn khoản 12 cũng nói: Để đạt được sự chắc chắn luân lý cần thiết theo luật, thì sự trỗi vượt đáng kể  của những chứng cớ và những dấu chỉ vẫn chưa đủ, mà còn phải hoàn toàn loại trừ bất cứ hoài nghi thận trọng tích cực nào là có thể sai lầm về luật cũng như về sự kiện, tuy vậy không loại trừ cái thuần túy khả thể có sự mâu thuẫn (ancorché non sia esclusa la mera possibilità del contrario)”.
Trong xử án, một sự chắc chắc luân lý đạt được chỉ sau khi thẩm phán đã cứu xét những sự kiện trong nhiều tình tiết của nó, thấy có sự hữu lý hữu cơ giữa chúng mà không thấy có sự vô lý hay một chút nghi ngờ tích cực nào. Tuy nhiên, đạt được một chắc chắc luân lý không cần là phải đạt được một chắc chắc tới mức tuyệt đối, không còn một khả thể sai lầm nào.
Ví dụ như trong vụ án tiêu hôn do bất lực không thể giao hợp, lời khai của một hay hai bên mà thẩm phán nhận thấy đúng thật, được hoàn cảnh, lời khai của nhân chứng đáng tin cũng cố, và không thấy có một chút nghi ngờ tích cực, hữu lý nào hay mâu thuẩn nào, thì đủ để thẩm phán đạt được sự chắc chắc luân lý. Tuy nhiên, nếu thẩm phán đòi thêm một bác sĩ pháp y đáng tin chứng nhận rằng người nữ phải còn trinh tiết, hoặc đòi đến mức thật sự phải còn trinh tiết chứ không phải là trinh tiết giả dối, để cho xác thực  rằng họ đã bất lực giao hợp, thì lúc đó, có thể nói, thẩm phán đã đòi hỏi một sự chắc chắc vượt quá điều mà luật quy định.
Ngược lại, nếu chỉ dựa vào một số sự kiện rời rạc, chưa đủ sự đồng nhất hữu lý giữa chúng và còn có những hồ nghi tích cực, thì chưa đạt đến sự chắc chắn luân lý. 

13- Công bố bản án

Điều 1687§2 quy định, toàn bộ bản án với các lý do phải được thông báo sớm hết sức cho các bên. Đây là quy định dành riêng cho thủ tục ngắn gọn. Trong thủ tục xử thông thường không có quy định là phải thông báo toàn bộ bản án. Tuy nhiên, Giám Mục giáo phận ấn định cách thức tuyên bố bản án tùy theo sự khôn ngoan của mình.[25] Ví dụ như Giám Mục có thể thông báo phần quan trọng nhất của bản án hay bản tóm tắt bản án hoặc cho họ nghe một cách chính thức.[26]
Bản án, được ký bởi Giám Mục với xác nhận của công chứng viên, phải trình bày vắn tắt và mạch lạc những lý do dẫn đến quyết định, và thường phải được thông báo cho các bên trong thời hạn một tháng kể từ ngày ra quyết định.[27]

14- Kháng án

Điều 1680§1 về tố tụng hôn nhân, chiếu theo nguyên tắc của điều đ. 1628, quy định về kháng án như sau: “Bên nào cảm thấy mình bị thiệt hại, cũng như công tố viên và bảo hệ viên, đều có tố quyền xin tiêu hủy bản án hoặc kháng cáo chống lại bản án đó theo những điều 1619-1640”. Điều kiện cần và đủ để kháng cáo là đương sự phải nại tới thẩm phán thượng cấp để xin duyệt lại bản án đã bị kháng nghị, kèm theo một bản sao của bản án này và nêu rõ những lý do kháng cáo.
Trong thủ tục xử ngắn gọn, có thể nói, ít khi xảy ra kháng cáo, vì hầu như bản án có kết quả thuận lợi cho nguyên đơn, tức là “xác nhận” (affirmative) hôn nhân vô hiệu. Khi không có được sự chắc chắn luân lý về sự vô hiệu thì thẩm phán Giám Mục cũng không “phủ nhận” (negative) sự vô hiệu mà ngài lại trả vụ án về xử theo lối thông thường (đ.1687§1).
Đối với bị đơn thì cũng ít khi kháng cáo. Lý do được thấy là ngay từ đầu khi nhận đơn, cả hai bên ký đơn hoặc đồng ý làm đơn. Điều này được giả thiết là cả hai bên đều muốn hôn nhân này được tuyên bố là vô hiệu.
Người kháng án thường chỉ có thể là bảo hệ viên, tức là vị có nhiệm vụ bảo vệ dây hôn phối, chống lại sự tháo gỡ hôn nhân. Vị này, do sự khôn ngoan của mình, nếu thấy có sự vi phạm luật tố tụng hoặc không thấy có sự chắc chắc luân lý về sự vô hiệu thì có thể kháng án.
Tuy nhiên nếu rõ ràng chỉ là kháng án trì hoãn, Tổng Giám Mục giáo tỉnh hay Giám Mục nói ở §3, hoặc Niên Trưởng tòa Thượng Thẩm Roma, phải ra sắc lệnh khước từ ngay từ đầu. Trong trường hợp không phải là kháng án trì hoãn và nếu kháng án được chấp nhận, thì gửi trả vụ án về xử ở cấp hai theo thủ tục thông thường (đ.1687§4).
Kháng án trì hoãn là gì?
Kháng án chỉ là trì hoãn không có nghĩa là một kháng cáo mà người làm đơn có ý làm trì hoãn sự hữu hiệu của bản án để làm thiệt hại cho đối phương hay để lẫn tránh sự thiệt hại cho mình. Nó cũng không là một kháng án mà không dựa trên một lý do hay cơ sở nào cả.
Kháng cáo trì hoãn (nêu ra sau khi tuyên án) hay khước biện trì hoãn (nêu ra trong khi vụ án đang còn tiến hành) hệ tại việc kháng cự lại bằng việc đưa ra lý do liên quan đến thể nhân  hay cách thức xét xử, nhưng lý do đó lại không có giá trị làm hủy tiêu bản án. Ví dụ,  như chống lại với lý do là thẩm phán có liên hệ huyết tộc nguyên đơn, hoặc có tương giao thân mật với bị đơn, hoặc văn bản không có chữ ký của bị đơn… Theo luật, những khước biện như vậy, không có khả năng làm tiêu hủy bản án, thì  phải được đệ trình trước giai đoạn đối tụng (đ.1459§2) chứ không đợi đến lúc vụ án kết thúc để rồi mới kháng án. Do đó, việc kháng cáo nếu chỉ đưa ra những lý do giống như lý do của khước biện trì hoãn, được gọi là kháng cáo trì hoãn, sẽ bị khước từ.
Tuy nhiên những lý do được nêu ra khi kháng án mà lý do đó có thể làm tiêu hủy bản án thì phải được chấp nhận, như 1680§1 đã quy định, do tôn trọng tố quyền xin tiêu hủy bản án. Quy định này là một áp dụng nguyên tắc của điều1459§1: khước biện nêu lên hà tỳ mà khiến bản án vô hiệu, thì có thể nêu lên bất kỳ lúc nào hay bất kỳ lúc nào của việc xét xử. Ví dụ như bị đơn kháng cáo với lý do là mình đã không được triệu tập hợp pháp. Lý do này có khả năng làm tiêu hủy bản án, theo quy tắc của điều 1511. Hoặc bảo hệ viên có thể kháng cáo với lý do là mình đã không được triệu tập để tham gia ý kiến cho vụ án. Theo luật, bản án sẽ vô hiệu nếu bảo hệ viên đã không tham gia vào vụ án (đ. 1433). Những lý do kháng cáo này, được sử dụng như tố quyền xin tiêu hủy bản án, phải được chấp nhận xét xử ở cấp kháng cáo.
Về thủ tục, kháng án nếu có thì kháng án lên tòa án của Tổng Giám mục giáo tỉnh hay lên Tòa Thượng Thẩm Roma; nếu bản án do Tổng Giám mục giáo tỉnh ban hành, thì được kháng án lên tòa án của Giám Mục cao niên hơn trong giáo tỉnh; và chống lại bản án của một Giám Mục mà không có bề trên nào dưới Đức Giáo Hoàng Roma, thì được kháng án tòa án của Giám Mục đã được ngài chỉ định cách cố định (đ.1687§3).

15. Thời gian xử thủ tục ngắn gọn mất bao lâu?

Thời gian cho một vụ án xử theo thủ tục gắn gọn hơn, có thể tính được trong ba giai đoạn như sau:
a- Khởi sự vụ án: Luật định tối đa 30 ngày cho việc: nhận đơn, triệu tập các bên, xác định nghi vấn (đ. 1685). Luật không quy định thời gian tối thiểu, vì vậy, có thể tiến hành tối thiểu khoảng vài giờ hay thông thường trong vài ngày.
b- Thẩm cứu vụ án: Luật không chỉ định thời gian cho việc thu thập chứng cứ. Vì đây là xử ngắn gọn và điều kiện của nó là chứng cứ, tài liệu đầy đủ, có thể thu thập được ngay nên không cần nhiều thời gian để thẩm vấn, điều tra. Chỉ cần vài giờ để thẩm vấn hoặc thông thường là một vài ngày cũng đủ.
Quy tắc hướng dẫn khoản 17 có quy định: Khi ra lệnh triệu tập, các bên phải được thông báo để, ít là ba ngày trước khi bắt đầu giai đoạn thẩm vấn, có thể đệ trình những lý chứng mà dựa vào đó các các bên hay các nhân chứng được thẩm vấn, trừ khi những điểm này đã được đính kèm vào thỉnh nguyện đơn. Sự báo trước ba ngày này là điều không bắt buộc trong mọi trường hợp. Nó chỉ cần thiết khi những lý chứng đã không được ghi vào thỉnh nguyện đơn. Vì vậy khi mọi sự đều đã được chuẩn bị, việc thu thập chứng cứ được thực hiện trong thời gian ngắn.
c- Công bố án từ và trình ý kiến: Sau khi kết thúc thẩm cứu, tòa án sẽ cho phép bảo hệ viên và luật sư các bên xem xét hồ sơ vụ án để họ có thể trình bày ý kiến. Luật ra thời hạn 15 ngày để cho bảo hệ viên trình bày các ý kiến và lời biện hộ của các các bên, nếu có (đ. 1686). Luật không hạn định thời gian tối thiếu cho việc này. Vì vậy, nếu bảo hệ viên trình bày ngay ý kiến sau khi đã hoàn tất giai đoạn thu thập chứng cứ và các bên không đưa ra lời biện hộ thì giai đoạn này có thể được hoàn tất trong vòng vài giờ.
d- Tuyên án: Các án từ (hồ sơ vụ án) được đệ trình lên Giám Mục thẩm phán. Ngài xem xét, hỏi ý kiến và ra phán quyết. Nếu ngài kết luận “xác nhận” (affirmative) hôn nhân vô hiệu thì Đại Diện tư pháp soạn thảo bản án và đệ trình cho ngài ấn ký.
Tổng kết thời gian: Nếu vì lý do đặt biệt gấp rút và các yêu cầu đã được chuẩn bị sẵn sàng, mỗi giai đoạn trên đều được thực hiện trong vài giờ thì vụ án có thể hoàn tất trong vòng một ngày. Tuy nhiên, thông thường có thể hoàn tất trong một tuần lễ, hay kéo dài tối đa khoảng hai tháng (Khởi đầu 30 ngày + thẩm tra … ngày + ý kiến 15 ngày).

16. Tóm tắc thủ tục xử ngắn gọn

1) Khởi sự vụ án:
Đơn thỉnh cầu
- Do cả hai bên ký hoặc một bên ký với sự đồng ý của bên kia;
- Cần đáp ứng yêu cầu giả định trước:  sự kiện về người và sự việc, được các chứng cớ hay tài liệu xác thực mà không cần điều tra kỹ thêm, có thể làm cho sự vô hiệu hôn nhân được sáng tỏ.
- Đơn cần phải:
1° trình bày vắn tắt, đầy đủ và rõ ràng những sự kiện làm nền tảng cho sự thỉnh cầu;
2° nêu ra các chứng cứ mà thẩm phán có thể thu thập được ngay;
3° đính kèm những tài liệu làm căn cứ cho thỉnh cầu.
2) Ra sắc lệnh: Trong cùng một sắc lệnh
- Ấn định thể thức nghi vấn. Đại Diện Tư Pháp có thể ấn định ngay thể thức nghi vấn.
- Chỉ định thẩm cứu viên (istructor) và hội thẩm (assessor) nếu có.
- Triệu tập tất cả những ai tham dự vụ án vào giai đoạn thu thập chứng cứ phải được tiến hành, tối đa là 30 ngày sau.
3) Thu thập chứng cứ
- Việc thẩm vấn được thực hiện riêng từng người một, các bên có thể được phép tham dự cuộc thẩm vấn bên kia và các nhân chứng.[28]
- Các câu trả lời của các bên và của các nhân chứng được ghi lại một cách tóm tắt và chỉ ghi lại những gì liên quan chủ yếu đến chính vấn đề hôn nhân đang bàn cãi.[29]
4) Trình bản các ý kiến bảo vệ dây hôn phối và bản biện hộ của các bên
Sau gian đoạn thẩm cứu, ấn định thời hạn mười lăm ngày để trình bản ý kiến của bảo hệ viên và bản biện hộ của các bên, nếu có (đ. 1686).
5) Giám Mục Thẩm phán tuyên án
Giám Mục tham khảo ý kiến của thẩm cứu viên và hội thẩm, bảo hệ viên cũng như những biện hộ nếu có của các bên, và nếu thấy đạt đến sự chắc chắn luân lý về sự bất thành của hôn nhân, thì ngài tuyên bố bản  án. Nếu không, ngài đưa vụ án về lại xử theo thủ tục thông thường (đ. 1687§1).[30]
6) Công bố bản án
Bản án thường được ủy thác cho Đại Diện Tư Pháp soạn thảo, có ghi các lý do làm cho hôn nhân vô hiệu, được Giám Mục ấn ký. Toàn bộ bản án với các lý do phải được thông báo sớm hết sức cho các bên. Đây là quy định dành riêng cho thủ tục ngắn gọn. Tuy nhiên, Giám Mục giáo phận ấn định cách thức tuyên bố bản án tùy theo sự khôn ngoan của mình.[31]
7) Kháng án
Kháng án nếu có thì được lên tòa án của Tổng Giám mục giáo tỉnh hay lên Tòa Thượng Thẩm Roma; nếu bản án do Tổng Giám mục giáo tỉnh ban hành, thì được kháng án lên tòa án của Giám Mục cao niên hơn trong giáo tỉnh; và chống lại bản án của một Giám Mục mà không có bề trên nào dưới Đức Giáo Hoàng Roma, thì được kháng án tòa án của Giám Mục đã được ngài chỉ định cách cố định (đ.1687§3).
  
JB. Lê Ngọc Dũng
Cập nhật ngày 23-3-2016

 


[1] Cf. FRANCESCO, Esortazione Apostolica Evangelii gaudium, n. 27, in AAS 105 (2013), p. 1031.

[2]Cf. TRIBUNALE APOSTOLICO DELLA ROTA ROMANA, Sussidio applicativo
del Motu pr. Mitis Iudex Dominus Iesus
, Città del Vaticano, gennaio 2016, 9. (Ghi chú tắc là MI, Sussidio applicativo).

[3] Cf. MI, Sussidio applicativo, 12.

[4] Cf. Ibidem.

[5] Cf. Ibidem.

[6] Cf. Ibidem.

[7] MI, Regole procedurali, art. 14§1.

[8] Cf. MI, Sussidio applicativo, 32.

[9] Cf. FRANCESCO, Allocuzione alla Rota Romana, 23 gennaio 2015.

[10] Cf. FRANCESCO, Esort. Ap. Evangela gaudium, n. 93.

[11] Cf. Ibidem, n. 94.

[12] Cf. MI, Sussidio applicativo, 33.

[13] Cf. MI, Sussidio applicativo, 34.

[14] Cf. MI, Sussidio applicativo, 34.

[15] Cf. MI, Sussidio applicativo, 35.

[16] Cf. MI, Sussidio applicativo, 35.

[17] Cf. MI, Regole procedurali, art. 16.

[18] Cf. MI, Sussidio applicativo, 58; MI, Regole procedurali, art. 16

[19] Cf. MI, Sussidio applicativo, 38.

[20] Cf. MI, Regole procedurali, art. 18§1.

[21] Cf. MI, Regole procedurali, art. 18§2.

[22] Cf. MI, Sussidio applicativo, 39.

[23] Cf. MI, Sussidio applicativo, 40.

[24] “Essa, nel lato positivo, è caratterizzata da ciò, che esclude ogni fondato o ragionevole dubbio e, così considerata, si distingue essenzialmente dalla menzionata quasi-certezza; dal lato poi negativo, lascia sussistere la possibilità assoluta del contrario, e con ciò si differenzia dall'assoluta certezza”, PIO XII,  Allocuzione alla Rota Romana, 1-10-1942.

[25] Cf. MI, Regole procedurali, art. 20§1.

[26] Cf. MI, Sussidio applicativo, 40.

[27] Cf. MI, Regole procedurali, art. 20§2.
 

[28] Cf. MI, Regole procedurali, art. 18§1.

[29] Cf. MI, Regole procedurali, art. 18§2.

[30] Cf. MI, Sussidio applicativo, 40.

[31] Cf. MI, Regole procedurali, art. 20§1. 

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay562
  • Tháng hiện tại20,508
  • Tổng lượt truy cập10,722,331
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi