Coram Cormac Burke, 20-1-1994 - Kính sợ cha mẹ

Thứ năm - 14/01/2016 09:08
Xin giới thiệu sau đây là một quyết định, tương đương với một bản án của Tòa Thượng Thẩm Roma. Nó có giá trị như một hướng dẫn chính thức của Tòa Thánh về vấn đề vô hiệu hôn nhân do kính sợ. Thẩm phán biên soạn bản án là Cormac Burke, được nhận biết như một luật gia có uy tín, đề cao nhân vị trong Giáo Hội.
Coram Cormac Burke, 20-1-1994
[Decree of Jan 20, 1994 (Chilaw) (Nullity of Sentence)]
 [Studia canonica, 29 (1995), pp. 253-260]
[http://www.cormacburke.or.ke/node/391]
 
  1. Sự kiện
1. Vụ án trước chúng tôi là một vụ hôn nhân “truyền thống”, được cha mẹ hai bên sắp xếp, chỉ sau  ba tháng quen biết nhau. Thực ra, hai anh chị chỉ gặp nhau hai lần trong bốn tuần, trong khoảng thời gian từ hứa hôn đến đám cưới, vào ngày 15-07-1972 ở X (Srilanka). Khi đó, Aeldred 28 tuổi, Fatima 21 tuổi. Mặc dù họ sinh được một con nhưng những vấn đề giữa họ nẩy sinh rất sớm. Cuối cùng họ chia tay vào tháng năm 1978, khi người vợ không trung tín.
Vào ngày 09-05-1983, người chồng đệ đơn lên Tòa án Chilaw xin công bố hôn nhân vô hiệu dựa trên cơ sở vợ bị ép buộc và sợ hãi. Sau khi vụ án được bắt đầu tiến hành, Tòa một thẩm phán duy nhất đã ra phán quyết xác nhận (affirmative) vào ngày 23-7-1985. Tòa kháng cáo Colombo, ra quyết định (decree), chiếu theo c. 1682#2, và không thẩm tra, đảo nghịch với quyết định (các thẩm phán đôi lúc quy chiếu nó như là một “Decree”, đôi lúc khác lại là một "Sentence") ra ngày 18-2-1987. Vì thời gian đã qua mà án từ chưa đầy đủ, nên dù vậy hồ sơ được gởi lên Tòa Thượng Thẩm Roma, chiếu theo c.1444#1. Dù được yêu cầu nhiều lần, hồ sơ vẫn còn thiếu sót.  Chỉ hơn bốn năm sau hồ sơ mới được cung cấp đầy đủ để có thể tiến hành vụ án.
Nguyên đơn được cấp cho một đại diện hợp pháp miễn phí, cả hai Công tố viên và Bảo hệ viên của Tòa án chúng tôi đều lưu ý đến những dấu hiệu của sự vi phạm nguyên tắc thủ tục tòa án và của khả năng vô hiệu ít nhất là quyết định của Tòa kháng cáo. Phúc trình viên ra quyết định rằng, nghi vấn nên được viết theo thể thức: “a) Phải chăng quyết định của Tòa Colombo ngày 18-2-1987 là vô giá trị (null) hay không; và nếu câu trả lời là xác nhận (affirmative) thì: b) phán quyết ngày 23-6-1985 của Tòa Chilaw có thể được xác nhận ngay hay không?” Bị đơn cũng được cấp cho một đại diện hợp pháp miễn phí. Hôm nay chúng tôi trả lời cho nghi vấn.
  1. Pháp lý
  1. Về sự vô giá trị của một phán quyết (sentence): "Nếu phán quyết xác nhận vô hiệu hôn nhân là ở tòa cấp một, tòa án phúc thẩm ra sắc lệnh  của mình hoặc để xác nhận ngay quyết định hoặc để nghiên cứu vụ án theo cách thông thường ở cấp bậc mới"(c. 1682, § 2). Tiêu chuẩn pháp lý này rõ ràng. Sau khi tuyên bố hôn nhân vô hiệu trong tòa cấp một, Tòa án phúc thẩm, sau khi cân nhắc tất cả các yếu tố của vụ án và các quan sát của Bảo hệ viên và của các bên, hoặc ban hành sắc lệnh xác nhận bản án, hoặc nhận xét xử theo thông thường trong cấp hai. Lý do cho việc này cũng là rõ ràng. Nếu trong hồ sơ vụ án nhận được, Tòa án không tìm thấy được những yêu cầu cần thiết để xác nhận bản án, sự điều hành công lý đòi hỏi phải có một xét xử tư pháp bình thường, với các yếu tố riêng của nó: thỏa thuận các nghi vấn, lấy thêm chứng cứ (trừ khi, trong những trường hợp đặc biệt hơn, điều này có vẻ không cần thiết), sự công bố án từ, thảo luận vụ án, các bản ý kiến v.v.; để các Thẩm phán, nhìn thấy vụ án rõ ràng hơn, loại bỏ hoặc xác nhận những nghi ngờ ngăn cản việc xác nhận bản án, có thể đi đến một quyết định dứt khoát.
  2. Luật không cho phép, đúng ra là loại trừ, Tòa phúc thẩm ra ngay một Quyết định (Decree) hay một Phán quyết (Sentence) đảo ngược quyết định xác nhận hôn nhân vô hiệu của Tòa cấp dưới, mà không tiến hành vụ án theo cách thức thông thường ở tòa kháng án. Lý do chính yếu một lần nữa rất rõ: vì sự “tranh tụng” [hoặc tiến trình nghe cả hai bên] thì hoàn hoàn thiếu vắng trong phiên tòa, các bên bị tước đi cơ hội để đưa ra lý lẻ thuận hay chống lại sự vô hiệu, hoặc để làm rõ những lý lẽ đã đưa ra, và để biết những lý lẻ tương tự được đưa ra bởi bên kia, như vậy để có cơ hội bác bỏ nếu họ có thể. Vì thế, “quyền được biện hộ” theo luật tự nhiên ở đây đã bị tước bỏ. Bất cứ Phán quyết ra trong trường hợp đó đều vô hiệu (null), chiếu theo c. 1620, 7º: “Không thể sửa chửa được một bản án bị vô hiệu nếu: …quyền biện hộ bên này hoặc bên kia đã bị từ chối”.
4. Về áp lực và sợ hãi. Con người không thể chịu trách nhiệm hành động của mình, trừ trường hợp được tự do. "Tự do là một dấu hiệu đặc biệt của hình ảnh Thiên Chúa nơi con người ... nhân phẩm của con người, do đó,  yêu cầu  phải hành động theo ý thức và tự do lựa chọn, có động lực và rút ra được một cách cá nhân từ bên trong, chứ không phải do những thúc đẩy mù quánh trong mình hoặc chỉ bằng hạn chế bên ngoài "(Gaudium et Spes, 17). Khi nó là một vấn đề của sự lựa chọn một tình trạng đời sống, Giáo Hội đặc biệt chủ trương rằng tự do cá nhân phải được tôn trọng: (c. 219; Gaudium et Spes, 26). Liên quan đến hôn nhân cách riêng,  luật Giáo hội đặc biệt đòi hỏi tự do ưng thuận trong mỗi bên, để họ có thể kết hôn hữu hiệu. “Hôn nhân bất thành, nếu vì bạo lực hay sợ hãi nghiêm trọng từ bên ngoài, mặc dầu không cố tình gây nên, người ta buộc phải lựa chọn hôn nhân để tự giải thoát” (c. 1103).
5.Quy định này dựa trên chính luật tự nhiên. "Vì  như trở ngại của bạo lực và sợ hãi là có căn cứ trong luật tự nhiên, tất cả mọi người - cả người được rửa tội và không được rửa tội, cả người Công giáo và không Công giáo - đều không nghi ngờ là bị ràng buộc bởi nó ... Không ai do đó có thể né tránh các quy định của luật tự nhiên, nhưng tất cả phải tôn trọng nó" (c. Wynen, Oct. 31, 1940). (“Inquantum impedimentum vis et metus fundamentum suum habet in iure naturali, extra quodpiam dubium est eo adstringi omnes homines, baptizatos et non baptizatos, catholicos et acatholicos... Nullus enim homo effugere potest dictamina iuris naturae, sed omnes eo tenentur", RRD, vol. 32, p. 747). Bản chất của chính nó đòi hỏi những người kết ước hôn nhân, cho và nhận nhau trong một giao ước không thể thu hồi, phải có tự do cá nhân. "Nhờ bởi luật vô hiệu này, sự tự do trong kết ước hôn nhân được bảo vệ chống lại các tổn thương nghiêm trọng phải chịu đựng của bất cứ ai bị ép buộc bởi sự sợ hãi, mà không còn cách nào khác hơn là đồng ý ưng thuận hôn nhân mà đáng ghét đối với anh ấy hoặc chị ấy". (c. Jullien, July 9, 1932). ("Irritante hac lege ius tutatur matrimonii libertatem adversus iniuriam gravem, quam is patitur qui gravi isto metu compulsus, aliud medium effugiendi non habet nisi praestare consensum in matrimonium sibi odiosum": RRD, vol. 24, p. 289”).
 “Sợ một điều xấu tương lai khiến ý chí phản đối” (Summ. Theol., I-II, q. 6, art. 6). Khi điều xấu hệ tại việc sợ làm phật lòng hay làm buồn lòng cha mẹ hoặc gây nên sự phẫn nộ, người ta nói là sự kính sợ (reverential fear). Nỗi sợ hãi này, và “theo thuyết thông thường và án lệ kiên định của tòa án Giáo hội, là loại sợ hãi nhẹ theo bản tính. Tuy nhiên nó được coi là nghiêm trọng theo phẩm chất, nghĩa là, đi với hoàn cảnh trong một trường hợp riêng biệt làm cho bề trên phẩn nộ như là một điều xấu nghiêm trọng. Điều này có thể xảy ra nếu con cái, vì những cưỡng ép lập đi lập lại (repeated pressures) và những thôi thúc phiền nhiễu, hoặc vì trách móc gây nên đau khổ và không còn chỗ cho tự do, sợ rằng sự phẫn nộ của cha mẹ cứ tiếp diễn” (c. Masala, March 14, 1989.), … Những “đe dọa này không cần phải trầm trọng theo nghĩa tuyệt  đối, nhưng đúng hơn là sự tương ứng với khả năng kháng cự của người bị cưỡng ép: càng sợ hãi nghiêm trọng trong nghĩa tuyệt đối, càng nhẹ trong vụ án kính sợ, trong đó ngay cả sự thúc ép liên tục cũng đủ” (c. Palazzini, Oct. 18 1972).
  1. Quyền lợi giáo hội và những giá trị văn hóa. “Hội nhập văn hóa” chỉ một tiến trình, trong đó Tin Mừng cắm rễ trong các giá trị địa phương, khám phá và nâng cao sự phong phú của chúng, mặt khác sửa chữa cho đúng đắn những khiếm khuyết của chúng; và nhờ vậy làm hoàn hảo việc Phúc Âm hóa. “Có rất nhiều mối liên hệ giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa ... Giáo Hội đã tồn tại qua nhiều thế kỷ trong những hoàn cảnh khác nhau và đã sử dụng các nguồn lực của các nền văn hóa khác nhau trong việc rao giảng của mình để truyền bá và giải thích thông điệp của Chúa Kitô ... Trung thành với truyền thống của mình và đồng thời ý thức về sứ vụ phổ quát của mình, Giáo Hội có thể hiệp thông với các hình thức khác nhau của văn hóa, qua đó làm phong phú thêm cả chính mình và chính các nền văn hóa"(GS 58).
7. Hội nhập văn hóa vừa là một phương tiện, vừa là hệ quả của Phúc Âm hóa, vốn luôn luôn là ưu tiên của Giáo Hội (x. Sách Giáo Lý  Giáo Hội Công Giáo, số 854). Vì vậy, các điểm quy chiếu cơ bản và chủ đạo cho hội nhập văn hóa không phải là chính "văn hóa", nhưng là Tin Mừng. Đây là lý do tại sao Công Đồng dạy rằng việc chấp nhận Tin Mừng luôn luôn hàm ý một thanh lọc và nâng cao các giá trị truyền thống hoặc phong tục địa phương. "Tin mừng của Chúa Kitô tiếp tục đổi mới cuộc sống và văn hóa của con người sa ngã; nó giúp chống lại và loại bỏ các lỗi và sự dữ do  sự lôi kéo không dứt của tội lỗi. Nó không bao giờ ngưng thanh lọc và nâng cao đạo đức của các dân tộc" (GS ib .).            
Đức Giáo Hoàng hiện nay đã nói mạnh mẽ điểm này trong một chuyến thăm của ngài tới châu Phi. "Sứ điệp Tin Mừng đến không chỉ đơn giản là để củng cố những điều về con người, như chúng là; nó mang một vai trò tiên tri và thiết yếu. Mọi nơi, ở châu Âu như ở châu Phi, nó đến để lật đổ các tiêu chuẩn phán xét và các kiểu cách sống (x. Evangelii Nuntiandi, 19). Đó là một cuộc kêu gọi biến đổi. Nó đến để tái sinh. Nó đi qua các thử thách gắt gao với những mơ hồ, trộn lẫn với yếu đuối và tội lỗi. Nó thực hiện chức năng này đối với những thực hành nhất định đã được thực hiện bởi người nước ngoài cùng với đức tin, nhưng cũng liên quan đến một số phong tục hoặc định chế đã tìm thấy trong anh em "(x. Giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II, VIII, 2 (1985), trang 371-372).
8. Giáo Hội, vì thế, khi bác bỏ những thực hành truyền thống nào đó là vì nó ở dưới những tiêu chuẩn của Tin Mừng, thì không phải là bỏ đi tiến trình hội nhập văn hóa, nhưng chính xác là đang theo đuổi và biểu hiện nó. Hiệu quả đổi mới của hội nhập văn hóa của Tin Mừng đã được thể hiện đặc biệt trong từ chối liên tục của kitô giáo chế độ đa thê, ngay cả trong những xã hội mà nó đã được bắt rễ sâu. Bằng cách đó, Giáo Hội trung thành với niềm tin vào phẩm giá bình đẳng của nam và nữ, mỗi người được tạo dựng trong hình ảnh Thiên Chúa (St 1: 27; xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1645, 2387..).
9. Vấn đề “hôn nhân được xếp đặt” đòi hỏi một sự xem xét đặc biệt hơn. Hôn nhân này đã có hầu như mọi nơi trong quá khứ, và vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi ở Phi Châu và Á Châu.  Chúng không nhất thiết là vi phạm nhân quyền và nhân phẩm, vì chúng ta không thể tiên thiên loại trừ khả năng là một người có thể tự do chấp nhận kết hôn với người mà do cha mẹ hay bà con họ hàng chọn lựa. Tuy nhiên, điều này dường như ít xảy ra ở thời hiện đại; và nếu nó có thể chứng tỏ rằng hôn nhân được áp đặt trong sự xúc phạm đến quyền tự do chọn lựa, hôn nhân đương nhiên có thể được tuyên bố là vô hiệu.  “Một hôn nhân của con cái được xếp đặt bởi cha mẹ thì không vô hiệu, nếu con cái chấp nhận hứa hôn và kết hôn. Nhưng nếu con cái không muốn chấp nhận hứa hôn và vì thế bị ép bởi sợ hãi mà kết hôn, hôn nhân vô hiệu” (c. Sabattani, Dec. 20, 1963).
10. Trong những trường hợp như thế, khi Giáo Hội buộc lòng phải quyết định chống lại những truyền thống đã thiết lập lâu dài, Giáo Hội không hề đặt vấn đề ý tốt lành của cha mẹ, hoặc tình yêu chân thành đối với con cái, hoặc thực sự quan tâm  đến hạnh phúc của chúng. Tuy nhiên, ý hướng tốt lành chủ quan của cha mẹ không biện minh cho hoặc làm giảm nhẹ việc vi phạm khách quan quyền được tự do ưng thuận kết hôn của con, nam hay nữ. Sự ưng thuận này, vì như một thiết lập tình trạng kết hôn một người, phải luôn là một sự lựa chọn cá nhân nhất; như Giáo Hội đã luôn luôn dạy, nó "không thể được thay thế bởi bất cứ quyền lực của con người" (c. 1057, § 1).            
"Cũng không đúng khi phản đối rằng các bậc cha mẹ có lý do chính đáng cho sự khẳng định của họ; nói cách khác, rằng họ tìm kiếm lợi ích của con cái của họ, hoặc muốn đạt được mục đích rất tốt khác. Điều này có thể làm nhẹ hoặc biện minh cho hành động của họ trong lương tâm của họ, nhưng chẳng có tác dụng gì từ sự khách quan vi phạm công lý, mà theo quy tắc luật, làm vô hiệu sự ưng thuận của người bị áp lực của họ "(c. Mattioli, 29 Tháng Hai 1960), ("Nec valet obiicere parentes ex iustis causis institisse, i.e. verum bonum filiorum attendentes, et alios etiam fines rectissimos consequi volentes; id enim eorum opus in foro conscientiae attenuare vel iustificare poterit, sed nihil adimit obiectivae iuris laesioni, per quam annulatur patientis consensus ad normam legis": RRD, vol. 52, p. 133)
11. Các tòa án không thể để mình bị dẫn dắt bởi điều có thể là bình thường hoặc phổ biến trong quá khứ, nếu chứng cớ hiển nhiên trong một vụ án chứng tỏ rằng quyền tự nhiên và tôn giáo bị vi phạm. Câu hỏi pháp lý cần phải xác định là phải chăng một người hoặc cuối cùng tự do chấp nhận hôn nhân được đề nghị, không do tình yêu, mà do tôn trọng kinh nghiệm lớn hơn, v.v.; hoặc “người chấp nhận” hôn nhân đã đi ngược lại với ý muốn riêng của mình, và chỉ do sợ hãi những hậu quả của sự không ưng thuận thúc đẩy.
c. Luận cứ
12. Đối với nghi vấn đầu tiên được đặt ra, liên quan đến sự vô hiệu của quyết định của Tòa Colombo ngày 18-02-1987, thì không còn nghi ngờ gì nữa. Khi phán quyết xác nhận hôn nhân vô hiệu của tòa cấp một Chilaw được gởi lên tòa kháng án Colombo, tòa đã không ra Sắc lệnh được nói ở điều 1682§2, và cũng không tiến hành xét xử, đã đảo ngược quyết định ngày 18-02-1987. Nghịch lại với điều đã quy định trong luật, vụ án đã không hề nhận để xử theo thể thức thông thường; và thiếu hoàn toàn mọi cái mà luật đòi hỏi trong thủ tục tòa án: triệu tập các bên, thỏa thuận nghi vấn, công bố án từ, bản kết luận và thảo luận vụ án. Những sự bỏ qua này gây nên hậu quả, không chỉ phá vở trình tự thủ tục mà còn vi phạm trầm trọng quyền bào chữa của các bên. Phán quyết của Tòa kháng cáo vì thế, đương nhiên là vô hiệu. 
13.  Chúng ta đi đến nghi vấn thứ hai: Phán quyết của Tòa Chisaw có thể được xác nhận hay không.   
Vụ án hôn nhân được xếp đặt bởi cha mẹ của hai bên, nhờ qua một “người làm mai”(Acts, 21/13). Hai bên thực sự đã gặp nhau tất cả hai lần trong khoảng một tháng trước kết hôn. Đó chỉ là những cuộc gặp gỡ ngắn ngũi và theo nghi thức, không có trao đổi riêng tư về hôn nhân, hoặc bàn bạc về tương lai, v.v. (10/7; 9/4). Nguyên đơn nói: “Cô ấy dường như không nghiêm túc đón nhận hôn nhân (9/5).
14. Về cưỡng ép:  Bị đơn nói rõ ràng là anh ta không yêu nguyên đơn “Tôi cưới anh ấy vì những đe dọa của mẹ tôi…” (17/5). “ Chính mẹ tôi đã ép tôi lấy anh ấy (28/1). Mẹ cô ta “có tính áp chế”… “đã cố nài nĩ ngày này qua ngày nọ… Tôi trở nên sợ hãi bởi vì mẹ tôi nói rằng bà sẽ hoàn toàn không biết đến tôi. Vì vậy tôi đành cam chịu tình trạng như vậy” (28/4-5). Nguyên đơn nhận thức rằng cô ta không vui vẻ trong ngày cưới (10/8). Cả cha mẹ đều xác nhận là có cưỡng ép cô ta. Theo người cha, thì chính bà mẹ đã cố nài nĩ Fatima  cưới Aeldred…   [vì] người làm mai mối nói rằng Aeldred là người rất tốt và đó là lý do” (21/13); “Fatima đã không muốn hôn nhân này. Cô ấy đồng ý là vì sự năn nĩ của mẹ” (22/14).
Mẹ cô ta nhận rằng trong suốt tháng đính hôn. “nó than khóc… nói rằng không muốn lấy anh ấy”; và tại đám cưới, cô ta “không vui và chịu đựng”(23). Bà ấy nói thêm: “Nó lấy Aeldred là vì chúng tôi nài nĩ… Tôi là người đã nài nĩ nó lấy Aeldred… Mọi ngày tôi nói đi nói lại là hãy đồng ý cuộc hôn nhân này… Bây giờ, dĩ nhiên, tôi biết tôi đã sai. Vào lúc đó tôi không nghĩ là tôi sai”(26-27; cf. 30/8).
Chị cô ta, Sriyani P nói: "Cô ấy bị ép kết hôn bởi mẹ tôi… lý do chỉ vì áp lực của mẹ tôi đè trên cô ấy, khiến cô ấy đã kết hôn với Aeldred (33).
Anh của nguyên đơn, Peter, chứng nhận rằng Nguyên đơn trông không được vui tại đám cưới, vì “anh ấy biết rằng cô gái ấy không được tự do ưng thuận”(13/7).
15. Về sự không muốn. Bị đơn nói đơn giản là không muốn kết hôn, không thêm gì: “Tôi không muốn cuộc hôn nhân này” Sự chứng thực cho câu nói đơn giản này có vẻ đầy đủ. Mẹ cô ta nói: “Nó khóc mấy lần nói rằng nó từ chối lấy anh ấy… Sau hôn nhân nó sẽ không “tha” cho tôi về điều này (26-27). Sau đó: “Tôi hỏi nó có thích anh ấy không. Nó nói…nó không thích lấy anh ấy  (30/6). Nguyên đơn chứng thực rằng cô ấy không vui vào ngày cưới (10/8); mẹ cô ấy xác nhận điều này (23/7). Nguyên đơn nói thêm rằng cô ta không muốn quan hệ tình dục tối hôm đó (10/10).
Khi Bị đơn được hỏi tại sao lại ở với Nguyên đơn sáu năm, cô ta trả lời: “Tôi ở với anh ấy, dĩ nhiên cải nhau hoài… bởi vì cái xấu hổ mà tôi phải đương đầu. Tôi không có can đảm để chia tay sớm hơn (II, 19/21).
Thẩm phán cấp một đã tóm tắt kết luận của mình như sau: “Điều xấu đe dọa Bị đơn không phải là đe dọa bạo lực thể lý, hoặc tước bỏ cấp dưỡng. Những de dọa như vậy có nhiều trong lãnh vực sợ hãi thông thường. Đúng hơn, nỗi sợ hãi của Bị đơn là sự cắt đứt nghiêm trọng mối quan hệ yêu mến cả đời dành cho cha mẹ, một mối quan hệ đã bắt đầu từ khi cô còn nhỏ. Sự đe dọa đến mối liên hệ này cộng với nỗi đau buồn nghiêm trọng và sự phẫn nộ mà một hành vi bất tuân phục có thể gây ra cho cha mẹ mình, đối với Bị đơn, là điều xấu rất là nặng nề. Bị đơn phải được tin với chứng thực rằng đã ở trong tình trạng kính sợ nghiêm trọng (grave reverential fear) trong những hoàn cảnh đó”(45).
16. Chúng tôi tin rằng đây không những là một sự xét vụ án tốt mà còn áp dụng luật tốt, hơn là những điều của thẩm phán Tòa kháng cáo (trong Phán quyết mà chúng tôi đã công bố là vô hiệu). Bảo hệ viên tòa sau lý luận rằng không có sự cưỡng ép, bởi vì, “trong hoàn cảnh  cuộc sống thực tế của ngôi làng cô gái, kiểu thuyết phục này thì rất là bình thường và chấp nhận được” (II, 36). Các thẩm phán đồng ý, chỉ ra chính xác rằng tiêu chuẩn của họ khác với vị Thẩm phán đầu tiên: “Đây là một hôn nhân được xếp đặt, một hiện tượng rất là thông thường trong văn hóa chúng ta. Những hôn nhân như vậy được chấp nhận bởi con cái trong sự vâng lời và kính trọng cha mẹ, vì lẽ con cái tin tưởng mạnh mẽ rằng  cha mẹ biết và đề nghị điều gì tốt nhất cho chúng. Đó không phải là kính sợ" (II, 51).
Họ cũng không đồng ý với Thẩm phán tòa cấp một khi họ chủ trương rằng cha mẹ nài nĩ con kết hôn không gây ra sự sợ điều xấu nặng nề, trừ khi nài nĩ có kèm theo thực sự “những đe dọa tước quyền thừa kế, đuổi ra khỏi nhà, mất nguồn sinh sống hay tương tự, hoặc ngay cả những đe dọa những kiềm chế thể lý hoặc bạo lực”(ib.).
17. Chúng tôi suy xét rằng phân tích của Thẩm phán duy nhất của tòa cấp một là chính xác hơn theo quan điểm của những nguyên tắc án lệ đã được thiết lập, và rằng, vị ấy nhận thức tốt hơn khi thấy một thực hành truyền thống thực sự đã vi phạm đến những quyền con người và tôn giáo căn bản.
18. Sau khi đã cân nhắc tất cả đầy đủ, chúng tôi, những dự thẩm ký tên dưới đây trả lời như sau cho những câu hỏi đã được nêu ra:
a) “Xác nhận; nghĩa là quyết định của Tòa kháng án Colombo ngày 18-02-1987 là vô hiệu”;
b) “Phán quyết ngày 23-07-1985 của tòa Chilaw được xác nhận; vì vậy:
“SỰ VÔ HIỆU CỦA HÔN NHÂN ĐƯỢC CHỨNG THỰC, trong vụ án này”.
Làm tại Tòa Rota Roma, ngày 20-01-1994.
            Cormac BURKE, Ponens
            Thomas G. DORAN
            Kenneth E. BOCCAFOLA
 
(Chuyển dịch từ bản tiếng Anh của Cormac Burke do Lm. JB. Lê Ngọc Dũng,  http://cormacburke.or.ke/node/391)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập9
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay929
  • Tháng hiện tại20,875
  • Tổng lượt truy cập10,722,698
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi