TÍN HỮU LY DỊ TÁI HÔN CÓ ĐƯỢC XƯNG TỘI KHÔNG? - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ hai - 28/12/2015 21:50
Xung toi
Xung toi

Có được ban bí tích Giải Tội cho người ly dị tái hôn không?

 
Một trong các vấn đề bàn thảo về gia đình của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2014 và 2015 là vấn đề có được rước lễ hay không đối với người ly dị tái hôn. Không thấy có đặt vấn đề: “Người ly dị tái hôn có được xưng tội rước lễ không?”. Nghĩa là, câu hỏi được đặt ra là “có được rước lễ”, chứ không “có được xưng tội rước lễ” hay không. Điều này có nghĩa là người ly dị tái hôn không bị cấm lãnh nhận bí tích giải tội.
Điều này sao thấy lạ quá, vì ở Việt Nam hầu như các người rối hôn phối (Tín hữu Việt Nam quen dùng từ rối hôn phối hơn là ly dị tái hôn) đều bị cấm xưng tội và rước lễ. Vậy phải chăng: 1- Người ly dị tái hôn hay rối hôn phối là được phép lãnh nhận bí tích Giải Tội theo luật chung, nhưng ở Việt Nam thì không được phép? 2- Nếu được lãnh nhận bí tích Giải Tội thì mọi tội được tha và như vậy có được phép rước lễ hay không?
 

1. Giáo Luật 1983 không có cấm lãnh nhận bí tích Sám Hối đối với người ly dị tái hôn hoặc rối hôn phối

Hiện nay hoặc theo lệ cũ, hoặc theo luật riêng địa phương, hoặc có sự hiểu lầm nào đó, việc xưng tội bị từ chối đối với các tín hữu đang trong tình trạng rối hôn phối: ly dị tái hôn, kết hôn ngoài luật Công Giáo...  Thực ra, theo quy định của Giáo Luật 1983, họ chỉ bị cấm lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể chiếu theo điều 915, với lý do là “ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường”. Tuy nhiên, không có luật nào cấm họ lãnh nhận Bí Tích Giải Tội.
Một khi thụ nhân không bị luật nào cấm chi phối, thừa tác viên bí tích không được từ chối ban Bí Tích.
Một nguyên tắc mà các mục tử cần tuân giữ là luật hình phạt phải được hiểu theo nghĩa hẹp, nghĩa là, không được suy diễn thêm lý do để phạt hay thêm hạn chế quyền lợi tín hữu. Điều 18 trong phần những nguyên tắc tổng quát của bộ Giáo Luật quy định:
Những luật ấn định hình phạt hay hạn chế tự do sử dụng các quyền lợi hoặc hàm chứa một ngoại lệ, thì phải giải thích theo nghĩa hẹp.
Không được giải thích theo nghĩa rộng, cho họ là bị vạ tuyệt thông (đ. 1331) hay cấm chế (đ. 1332) để cấm họ nhận các bí tích. Không có luật nào quy định những người ly dị tái hôn, hay rối hôn phối bị vạ tuyệt thông hay cấm chế.
 

2. Nguyên tắc chung: thừa tác viên sẵn sàng ban bí tích

Điều 843#1 quy định về việc sẵn sàng ban phát các Bí Tích:
Thừa tác viên thánh không được từ chối ban Bí Tích khi có người xin lãnh nhận một cách thích đáng, đã được chuẩn bị hợp lệ và không bị Giáo Luật cấm nhận lãnh các Bí Tích.
Khi tín hữu hội đủ  những điều kiện như trên thì thừa tác viên không được từ chối ban bí tích, tức là hội đủ 3 điều kiện
  1. Khi có người xin lãnh nhận một cách thích đáng;
  2. Đã được chuẩn bị hợp lệ;
  3. Không bị luật cấm.

3. Điều kiện thích đáng và chuẩn bị hợp lệ để chịu bí tích Sám Hối

Cách riêng đối với người xin được giải tội thì điều kiện thích đáng và chuẩn bị hợp lệ được hiểu như thế nào? Điều 980 có quy định:
Nếu cha giải tội không hồ nghi về sự chuẩn bị của hối nhân, và nếu hối nhân xin xưng tội, thì ngài không được từ chối  và cũng không được hoãn ban ơn xá giải.
Điều  980 về bí tích Sám Hối không nhằm đưa ra một quy định để hạn chế về sự lãnh nhận nhưng nhằm đến sự sẵn sàng ban Bí Tích của thừa tác viên Bí Tích mỗi khi hối nhân xin xưng tội. Sự thiếu chuẩn bị của hối nhân, vì vậy, không được coi như điều kiện thiết yếu phải xem xét kỷ lưỡng trước khi ban bí tích. Họ được gỉa thiết là khi đến xin được xưng tội thì họ đã có ý muốn lãnh nhận ơn tha tội, tức là có lý lo thích đáng và có đủ chuẩn bị. Cũng giả thiết rằng họ có đủ hiểu biết về bí tích giải tội, nhận biết tội của mình và có thành tâm muốn được ơn tha thứ.
Ngược lại, sự thiếu chuẩn bị có thể hiểu như trẻ em đang tuổi nhi đồng chưa sử dụng đủ trí khôn, không biết tội là gì, xưng tội với ý đồ xấu xa...
Cần lưu ý là thiếu chuẩn bị, không đồng nghĩa với thiếu ăn năn sám hối. Và ngay cả khi hối nhân thiếu lòng ăn năn sám hối chăng nữa thì cũng không bị cấm xưng tội. Trong bộ Giáo Luật 1983 cũng không có luật nào đòi phải ăn năn sám hối hay dốc lòng chừa một cách cụ thể như phải dứt bỏ tình trạng tội ly dị tái hôn như là điều kiện phải có để lãnh nhận bí tích Giải Tội.

4. Ăn năn sám hối có phải là điều kiện phải có để được lãnh nhận bí tích Giải Tội không?

Cần phân biệt hai điều khác nhau:
  1. Ăn năn và quyết tâm sửa mình như điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ .
  2. Ăn năn và quyết tâm sửa mình như điều kiện để được lãnh nhận bí tích Giải tội.
Có khác nhau là: một cái là điều kiện để ơn Chúa xuống trong tâm hồn, một cái là điều kiện pháp lý để được quyền lợi.
  1. Khẳng định số 2 “Ăn năn và quyết tâm sửa mình như điều kiện để được lãnh nhận bí tích Giải tội" là không đúng vì Giáo Luật không quy định điều đó.  
Trong phần Bí tích Sám Hối của quyển 4 bộ Giáo Luật (đ. 959- 991), điều 959 đưa ra ý nghĩa của bí tích Sám Hối:
 Trong bí tích Sám Hối, các tín hữu nào thú tội mình với một thừa tác viên hợp pháp, ăn năn về những tội ấy và quyết tâm sửa mình, thì nhờ việc xá giải do chính thừa tác viên ấy ban, họ được Thiên Chúa tha thứ các tội đã phạm sau khi chịu phép Rửa Tội, và đồng thời được hoà giải với Giáo Hội mà họ đã làm tổn thương khi phạm tội (CIS 870 ; CIO 718).
Sự ăn năn về những tội và quyết tâm sửa mình rõ ràng là điều cần thiết để được Thiên Chúa tha thứ các tội đã phạm. Tuy nhiên, không được lý giải rằng, những ai không ăn năn sám hối thì không được lãnh nhận bí tích sám hối. Đây là một lý giải rộng, trái với quy định của điều 18: Những luật ấn định một hình phạt hay hạn chế tự do sử dụng các quyền lợi hoặc hàm chứa một điều ngoại lệ, thì phải được giải thích theo nghĩa hẹp (CIS 19 ; CIO 1500).

5. Bị cấm rước lễ

Người ly dị tái hôn hoặc rối hôn phối bị cấm rước lễ là chiếu theo điều 915 với lý do là “ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường", tức là do duy trì một tình trạng tội trọng bên ngoài chứ không do thực sự họ có tội nặng nề trong lương tâm hay nhận thức rằng mình có tội trọng.
Điều 915
Những người bị vạ tuyệt thông và những người bị cấm chế sau khi hình phạt đã được tuyên kết hay tuyên bố, cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường, không được rước lễ (CIS 855 ; CIO 712).
Họ còn có thể không được rước lễ theo điều 916, khi ý thức mình đang mắc tội trọng, một luật chung áp dụng cho tất cả mọi người, tùy thuộc vào nhận thức bên trong tâm hồn.
Điều 916
Người nào ý thức mình đang mắc tội trọng thì không được cử hành Thánh Lễ và cũng không được rước Mình Thánh Chúa, nếu không nhận lãnh bí tích Sám Hối trước, trừ khi có một lý do nghiêm trọng và không có dịp để xưng tội, trong trường hợp này, người ấy phải nhớ rằng mình phải ăn năn tội cách trọn, trong đó bao gồm việc quyết tâm xưng tội sớm hết sức (CIS 807 ; CIS 856 ; CIO 711).
Người ly dị tái hôn hay người rối hôn phối, bị coi là những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường, chiếu theo điều 915. Được coi là ngoan cố vì họ cứ duy trì trong tình trạng tội công khai nên không được rước lễ. Mặc dù khi họ lãnh nhận bí tích sám hối (theo điều 916) họ vẫn không được rước lễ chiếu theo điều 915. Mặc dù tội họ có được Chúa tha thứ hay không tha thứ, tha ít hay tha nhiều, thì họ vẫn bị cấm rước lễ.
 

6. Tội và chế tại hình sự

Nên phân biệt giữa tội và chế tài hình sự
Chế tài là hình phạt hoặc biện pháp cưỡng ép để khích lệ sự tuân giữ luật lệ.
Chế tài thường được thực hiện bằng sự tước bỏ một thiện ích nào đó, thiêng liêng hay trần thế, của phạm nhân. Những hình thức chế tài được quy định trong Giáo Luật là các vạ hay dược hình, thục hình, phương dược hình sự và sự áp đặt sám hối.
Vạ, còn gọi là dược hình, là hình phạt chữa trị nhằm mục đích giúp cho phạm nhân từ bỏ sự cố chấp mà hối hận vì lầm lỗi của mình.
Thục hình là hình phạt hay biện pháp cưỡng ép, được thực hiện bằng sự tước bỏ một thiện ích thiêng liêng hay trần thế của phạm nhân, có ý buộc phạm nhân phải đền bù tội mình gây ra và có mục đích bảo vệ công lý. Một số ví dụ về thục  hình: cấm hay buộc phải cư ngụ tại một nơi hay một địa hạt nhất định; sa thải khỏi bậc giáo sĩ (x. GL 1336§1).
Nên phân biệt giữa tội trọng và chế tài hình sự. Không đương nhiên phạm tội trọng là bị chế tài hình sự. Giáo Hội chỉ chế tài đối với một số tội nặng mà thôi ví dụ như tội phá thai, bội giáo, ly giáo thì bị vạ tuyệt thông tiền kết, tu sỹ tư hôn bị vạ cấm chế…. Có nhiều tội cũng rất nặng nhưng lại không bị vạ, ví dụ ngoại tình, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…. Có khi tội được tha nhưng vẫn còn phải gánh chịu hình phạt như các thục hình.
 

7. Vẫn bị cấm rước lễ cho dù đã xưng tội

Cha giải tội cần phải nhắc nhở cho những người ly dị tái hôn biết, là được Chúa tha thứ khi xưng tội với tâm tình thống hối ăn năn nhưng họ vẫn không được phép rước lễ , do kỷ luật, hay nói cách khác, do chế tài của Hội Thánh.
Cần phân định rõ là bí tích Giải Tội được ban vì tâm tình sám hối, muốn được ơn tha thứ chứ không như  một phương tiện để được rước lễ đối với những người đang sống rối hôn phối. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã cho thấy những người ly dị tái hôn cần được nâng đở để họ có thể tham gia, hiệp thông với Hội Thánh. Tuy nhiên ngài vẫn xác định là do “kỷ luật” của Hội Thánh, họ không được rước lễ. Ngài cũng xác định thêm rằng họ không được dùng bí tích Sám Hối như một cách thế để được rước lễ. (x. Familiaris Consortio, 84).

8. Mục vụ vì phần rỗi các linh hồn

Có những nguy cơ của việc cấm xưng tội có thể thấy rõ được:
Người sống trong tình trạng tội lỗi như ly dị tái hôn, rối hôn phối, khi bị cấm rước lễ thì họ đã có mặc cảm tội lỗi, và bỏ đi nhà thờ.  Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lưu ý đến nguy cơ tách rời khỏi Giáo Hội của họ trong Tông thư Chúa Giêsu Vị Thẩm Phán Nhân Từ (Mitis Iudex Dominus Iesus). Bị cấm rước lễ cộng thêm bị từ chối giải tội thì họ có cảm thức như bị ruồng bỏ và dễ đi đến sự tách lìa khỏi Giáo Hội.
Trong thực tế, nếu cha sở cho người đi tìm hiểu căn kẻ những người đang sống trong giáo xứ, nhất là những nơi xa xôi hay là nơi mà có nhiều người lương sống đan xen, sẽ thấy có rất nhiều người có đạo nhưng sống như người lương, chỉ vì họ đang rối hôn phối và bị cấm xưng tội rước lễ.
Còn đối với những người rối hôn phối nhưng còn giữ đạo tốt thì việc cấm xưng tội cũng là một điều rất tai hại. Thử tưởng tượng, một người lỡ phạm tội phá thai, gian dối, làm thiệt hại cho người khác nghiêm trọng... lương tâm nặng trĩu, muốn được lãnh nhận ơn tha tội, ít là được tha tội nặng đó, mà bị cha giải tội từ chối ban ơn xá giải, thì quả là đáng buồn. Hoặc giả như một người đang có bệnh cao huyết áp, yếu tim, tiểu đường... những bệnh không được coi là nguy tử nhưng có thể ra đi bất cứ lúc nào, mà không được chuẩn bị tâm hồn bằng bí tích xá giải thì quả là một điều đau đớn. Trong khi bí tích Giải Tội là bí tích của kẻ chết, rất cần cho những người tội lỗi nặng nề, là để cứu sống mà lại bị từ chối thì quả là nghịch lý!
Ngược lại, đang khi họ mất mát ân thánh do không được lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể thì Bí Tích Giải Tội đem đến cho họ sự nâng đở, sự cảm nghiệm lòng nhân  từ của Thiên Chúa, sự chửa lành, sự ngăn ngừa những tội lỗi khác. Nhờ ân sủng Chúa mà họ được hưởng, họ được khích lệ để vượt qua những lỗi lầm và tiếp tục sống đạo tốt. Người mục tử phải thấy rằng họ cần đến và họ có quyền lãnh nhận bí tích Giải Tội

9. Vẫn theo phương hướng mục vụ của Đức Giám Mục Giáo Phận

Ở Việt Nam, có thể nói phần lớn, đang áp dụng chế tài “cấm xưng tội rước lễ” đối với người rối hôn phối. Đó có thể là do:
  1. Luật riêng của giáo phận, do Đức Giám Mục, với quyền lập pháp ban hành.
  2. Tục lệ.
  3. Một sự hiểu lầm hay thiếu phân biệt nào đó.
Trong hai trường hợp đầu, luật riêng hay tục lệ, được duy trì hay hủy bỏ đều thuộc quyền của Đức Giám Mục giáo phận. Ngài có quyền lập pháp trong Giáo Hội địa phương, nên ngài có thể thiết lập luật riêng cho Giáo Hội địa phương hay hủy bỏ nó.
Bài viết này chỉ lý giải theo luật chung của bộ luật 1983. Việc giải đáp vấn đề lãnh nhận bí tích Sám Hối cho người rối hôn phối là như thế nào thì còn tùy thuộc vào quyết định của Đức Giám Mục giáo phận.
 
Nha Trang, 5-1-2016
Lm JB Lê Ngọc Dũng

========================

Phụ chú

Familiaris Consortio, số 84

Nguyên văn đoạn này như sau:
Việc giao hoà bằng bí tích thống hối – là bí tích mở đường cho bí tích Thánh Thể – chỉ có thể được ban cho những người biết hối hận vì đã phạm đến dấu hiệu của Giao ước và của sự trung thành với Đức Ki-tô, và thành thật sẵn lòng chấp nhận một hình thức sống không còn mâu thuẫn với sự bất khả phân ly của hôn nhân nữa. Nói như thế là mặc nhiên cho rằng, khi có những lý do hệ trọng – chẳng hạn để làm gương và giáo dục con cái – người nam và người nữ không thể xa lìa nhau như luật buộc, thì “họ có thể quyết tâm sống hoàn toàn tiết dục, nghĩa là tránh hẳn những hành vi dành riêng cho vợ chồng.
 

Đoạn văn này không có ý nói đến việc lãnh nhận bí tích Hòa Giải nhưng có ý nói đến việc lãnh nhận đến bí tích Thánh Thể. Nếu quan sát toàn bộ văn bản số 84 thì Đức Giáo Hoàng  đang nối tiếp ý tưởng trước về việc lãnh nhận bí tích Thánh Thể.
Thông thường người ta vẫn cứ nghĩ  xưng tội là được rước lễ, nên ở đây nói "bí tích thống hối – là bí tích mở đường cho bí tích Thánh Thể " . Dùng bí tích Hòa Giải như là phương tiện để được nhận Thánh Thể là không được phép, trừ khi phải cam kết tiết dục hoàn toàn
 Mặt khác, nếu Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II  có ý muốn cấm xưng tội một cách riêng rẽ thì ngài sẽ nói riêng về xưng tội ở một đoạn văn khác cho rõ rệt. Bởi vì, theo nguyên tắc của luật, một điều cấm hay hạn chế tự do người khác phải được diễn tả rõ ràng. Về vấn đề cấm rước lễ đã có những giải thích rất rõ ràng trong Tông Huấn.
 Cụ thể, khi hỏi người ly dị tái hôn có được xưng tội rước lễ không thì câu trả lời là "không" với hàm nghĩa xưng tội để được rước lễ. Tuy nhiên khi hỏi, khi người ly dị tái hôn phạm tội phá thai thì người ấy có được xưng tội không, thì dĩ nhiên phải trả lời là "được" nhưng người ấy sau khi đã xưng tội vẫn không được rước lễ.
[1]
 "The faithful who persist in such a situation may receive Holy Communion only after obtaining sacramental absolution, which may be given only "to those who, repenting of having broken the sign of the Covenant and of fidelity to Christ, are sincerely ready to undertake a way of life that is no longer in contradiction to the indissolubility of marriage. This means, in practice, that when for serious reasons, for example, for the children's upbringing, a man and a woman cannot satisfy the obligation to separate, they 'take on themselves the duty to live in complete continence, that is, by abstinence from the acts proper to married couples'"(8). In such a case they may receive Holy Communion as long as they respect the obligation to avoid giving scandal" CONGREGATION FOR THE DOCTRINE OF THE FAITH, Letter to the bishops of the Catholic Church concerning the reception of holy communion by the divorced and remarried members of the faithful, (14-9-1994), n.4.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay927
  • Tháng hiện tại20,873
  • Tổng lượt truy cập10,722,696
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi