TÍN HỮU LY DỊ CÓ ĐƯỢC RƯƠC LỄ KHÔNG? - JB Lê Ngọc Dũng

Thứ tư - 06/01/2016 04:43
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi trả lời phỏng vấn trên chuyến bay từ Rio đến Roma năm 2013, nói: “Tôi nghĩ là thời đại của lòng thương xót đã đến, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tiên đoán bằng việc thiết lập lễ Lòng Chúa Thương Xót. Những người ly dị được phép rước lễ, chính những người ly dị và tái hôn mới không được phép..."
images (12)
images (12)
Tín hữu ly dị có được rước lễ không?
         
Ly thân, theo Giáo Luật, được hiểu không còn sống chung như vợ chồng nhưng dây hôn phối vẫn còn. (đ. 1151-1155). Ly dị tòa án dân sự được hiểu là cắt bỏ dây ràng buộc hôn phối theo luật pháp quốc gia. Tuy nhiên, cho dù dây ràng buộc hôn phối đã được cắt bỏ đó vẫn còn tồn tại trong sự chi phối của Giáo Luật.
Nếu ly dị mà đã tiến tới một hôn nhân khác, thì người đó ở trong tình trạng được gọi là ly dị tái hôn.
 
1. Chỉ bị phạt khi có luật phạt hoặc bị tuyên bố hay tuyên kết một hình phạt
Khi cố ý đưa ra tòa án dân sự để ly dị, tín hữu phạm tội nặng, theo cái nhìn khách quan, nghĩa là, khi vi phạm một lệnh cấm hay một điều luật thì phạm nhân có tội. Nhưng khi có tội, cho dù là tội trọng, không đương nhiên là bị chế tài, nghĩa là không đương nhiên là bị phạt vạ. Chỉ khi nào có luật phổ quát hay địa phương áp đặt hình phạt thì phạm nhân mới bị phạt (vạ tiền kết). Ngoài ra, phạm nhân cũng bị phạt do Đấng Bản Quyền địa phương hay tòa án tuyên bố hay tuyên kết hình phạt (vạ hậu kết).

2. Được rước lễ theo nguyên tắc chung của bộ Giáo Luật
Theo quy tắc chung của bộ Giáo Luật 1983, thì người Công Giáo không được phép ly dị, nhưng chỉ được phép ly thân khi  có lý do (đ. 1151-1155).
Tuy nhiên, bộ Giáo Luật 1983 không áp đặt một hình phạt nào cho người ly dị dù họ có cố tình hay không . Vì vậy họ vẫn được rước lễ, nếu họ đã ăn năn thống hối và đi xưng tội (đ. 916). Chỉ khi họ ly dị tái hôn thì họ mới bị cấm rước lễ, chiếu theo quy định của điều 915.
Điều này cũng được xác nhận bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi trả lời phỏng vấn trên chuyến bay từ Rio đến Roma năm 2013. Ngài nói: “Tôi nghĩ là thời đại của lòng thương xót đã đến, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo đệ nhị đã tiên đoán bằng việc thiết lập lễ Lòng Chúa Thương Xót. Những người ly dị được phép rước lễ, chính những người ly dị và tái hôn mới không được phép. Ở đây tôi muốn nói thêm rằng Chính Thống Giáo theo thần học cứu độ và cho phép hôn nhân thứ hai. Khi ủy ban 8 vị hồng y họp vào đầu tháng 10 chũng tôi sẽ thảo luận là sẽ tiến hành như thế nào. Giáo Hội rất quan tâm đến những sáng kiến mục vụ hôn nhân. Vị tiền nhiệm của tôi ở Buenos Aires, Hồng y Quarracino vẫn thường hay nói: ‘Tôi thấy rằng phân nữa các đôi hôn phối ngày nay là vô hiệu bởi vì người ta kết hôn mà không nhận thức nó là vĩnh viễn. Họ kết hôn vì lợi ích, vân vân…’ Vấn đề vô hiệu cũng cần phải được xem xét”.
Chúng ta biết một tội trọng hình thành khi phạm nhân cố tình và có suy biết tỏ tường. Vì vậy, ngay cả khi ra tòa án dân sự để ly dị, trong một số hoàn cảnh khó khăn không thể thoát ra, đương sự cũng có thể không mắc tội nào cả. Giáo lý Công Giáo còn dạy rằng: “Nếu sự ly dị tòa đời là cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi chính đáng, để lo cho các con hoặc để bảo vệ di sản, thì có thể được dung thứ và không tạo thành một lỗi phạm nào về luân lý”. (GLCG 2383; xem GL 1151-1155).
Do đó, có những trường hợp, do hoàn cảnh hầu như bắt buộc phải ly dị, thì không bị mắc tội, với một trong những lý do sau đây: 1- bảo đảm một số quyền lợi chính đáng; 2- để lo cho các con; 3- để bảo vệ di sản.

3. Không được xưng tội rước lễ là do luật riêng của Giáo Hội địa phương
Ở Việt Nam, trong nhiều Giáo phận, vẫn còn phạt, không những cấm rước lễ mà còn cấm cả xưng tội hoặc cấm lãnh nhận các bí tích,  đối với người nào  cố tình ly dị tòa án dân sự hoặc ký đơn ly dị. Sở dĩ có như vậy là do Giáo Phận đó đã có một luật riêng do Đức Giám Mục Giáo Phận ban hành hoặc do một lệ nào đó có từ xưa.
Việc chuẩn nhận một tục lệ hay thiết lập một luật hình sự riêng cho giáo phận thuộc quyền Giám Mục giáo phận vì ngài có quyền lập pháp, theo quy tắc của điều 1315#1:
Người nào có quyền lập pháp cũng có thể ban hành những luật hình sự, nhưng cũng có thể dùng luật của mình để thêm một hình phạt thích đáng vào một luật của Thiên Chúa hay một luật của Giáo Hội do một nhà chức trách cấp trên ban hành, miễn là vẫn tôn trọng các giới hạn của thẩm quyền đối địa hay đối nhân của mình.
Tuy nhiên, Giáo Luật cũng quy định thêm: “Chỉ nên thiết lập các hình phạt theo mức độ thực sự cần thiết để hỗ trợ kỷ luật Giáo Hội một cách thích hợp hơn. tuy nhiên, luật địa phương không thể thiết lập hình phạt sa thải khỏi bậc giáo sĩ.” (đ. 1317).

4. Có cần thay đổi luật địa phương cho phù hợp với luật chung không?
Vì hoàn cảnh đặc thù của từng địa phương, Giám Mục thấy cần thiết để hổ trợ kỷ luật Giáo Hội một cách thích hợp hơn (đ. 1315#1) thì ngài có thể ban hành những luật hình sự. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng khuyên:
Nhà lập pháp đừng dùng những hình phạt tiền kết để ngăm đe, trừ khi một vài tội phạm đặc biệt cố tình phạm có thể gây ra một gương xấu nặng hơn hoặc những hình phạt hậu kết không thể trừng phạt những tội phạm đó cách hữu hiệu; tuy nhiên, chỉ nên thiết lập các vạ, nhất là vạ tuyệt thông, một cách hết sức hạn chế và chỉ áp dụng cho những tội phạm rất nặng (đ. 1318).
Vạ cấm xưng tội rước lễ đối với người ly dị là một vạ tiền kết. Tuy nó không phải là vạ tuyệt thông theo đúng nghĩa, nhưng đối với giáo dân, bị cấm xưng tội rước lễ cũng được coi như là bị vạ tuyệt thông. Bởi vì, những điều cấm còn lại của vạ tuyệt thông, như ban các bí tích, thi hành giáo vụ, thực hiện hành vi lãnh đạo thì lại thuộc về các vị có chức thánh, không thuộc quyền giáo dân. Theo điều 1318, việc ra một vạ tuyệt thông thì phải hết sức hạn chế và chỉ áp dụng cho những tội phạm rất nặng.
Trong thực tế, người mà cố tình ly dị thì thường có ba trường hợp chính:
  • Chủ động ly dị để tái hôn. Rõ ràng trường hợp này là tội nặng. Tuy nhiên Giáo Luật cũng chỉ phạt cấm rước lễ, vì ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường (đ. 915) chứ không bị vạ cấm chế hay vạ tuyệt thông.
  • Chủ động ly dị là vì để bảo vệ quyền lợi. Trong trường hợp này họ có thể không mắc tội, như sách GLCG chỉ dạy: “Nếu sự ly dị tòa đời là cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi chính đáng, để lo cho các con hoặc để bảo vệ di sản, thì có thể được dung thứ và không tạo thành một lỗi phạm nào về luân lý”. (GLCG 2383; xem GL 1151-1155).  Nếu trong tình trạng không mắc tội mà bị phạt thì quả là trái với điều chỉ dạy của Giáo Hội trong sách GLCG.
  • Bị ly dị do áp lực của bên chủ động ly dị. Tất nhiên trong trường hợp này họ không có tội nặng hoặc chỉ có tội nhẹ do bị áp lực. Họ cũng không đáng bị phạt.
Vì vậy, thiết nghĩ nên loại bỏ hình phạt cấm xưng tội rước lễ cho người ly dị. Loại bỏ là để phù hợp hơn với tinh thần của Công Đồng, chứ không có nghĩa là buông lỏng hay cho phép ly dị dân sự. Đây chỉ là vì lợi ích của tín hữu, để cho tòa lương tâm, hay tòa trong của họ làm việc, nghĩa là để cho phạm nhân suy xét phán đoán về việc làm hay phạm tội và chịu trách nhiệm trước mặt Chúa.
Nếu Đấng Bản Quyền thấy cần thiết phải duy trì luật phạt đã có từ trước trong một địa phương thì ngài vẫn không hủy bỏ nó. Tuy nhiên, ngài cũng có quyền tha tội và tha phạt khi phạm nhân xin tha thứ, ngay cả có quyền cho phép đưa vụ ly thân ra tòa án dân sự.
Trong một số trường hợp, nếu họ có đủ lý do theo Giáo luật để được ly thân, như bên kia phạm tội ngoại tình hay bị bách hại về thể xác hay tinh thần (đ. 1152, 1153)  thì Đức Giám Mục giáo phận có thể cho họ ly thân. Và nếu hoàn cảnh riêng biệt của họ đòi hỏi thì Đức Giám Mục cũng có quyền cho phép họ đưa vụ ly thân ra tòa án dân sự để hủy bỏ hiệu lực thuần túy dân sự của mối quan hệ vợ chồng (đ. 1692). Ví dụ người vợ có quyền xin ly thân khi chồng ngoại tình và có thể được Đức GIám Mục cho phép ly thân. Và nếu sự ly dị dân sự là cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho mình hay cho con cái thì Đức Giám Mục có thể cho phép người đó đưa vụ ly thân ra tòa án dân sự.
Đức Giám Mục tự mình hay có thể ủy quyền cho một linh mục lo việc cứu xét và chấp thuận các đơn xin.
Nên chú ý: Giáo Luật không nói  Giám Mục “cho phép ly dị dân sự”, nhưng là cho phép những người ly thân được “nại đến tòa án dân sự”. Hay nói cách khác, “cho phép đưa vụ ly thân ra tòa án dân sự”.

5. Giới hạn của bài viết
Cũng xin minh định rằng, bài viết chỉ là luận giải pháp lý và đề nghị, không đưa ra một luật để áp dụng chung. Các tín hữu trong một giáo phận phải tuân theo những chỉ dẫn và luật lệ của Giáo Hội địa phương.
Xin đề nghị một mẫu: ĐƠN XIN LÃNH NHẬN BÍ TÍCH LIÊN QUAN ĐẾN LY HÔN DÂN SỰ, có thể download tại mục Tải Tài Liệu.

Nha Trang, 6-1-2016
Lm JB Lê Ngọc Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay1,412
  • Tháng hiện tại20,362
  • Tổng lượt truy cập10,722,185
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi