Tông thư VOS ESTIS LUX MUNDI, 2023

Thứ bảy - 04/05/2024 06:47

TÔNG THƯ DƯỚI HÌNH
THỨC TỰ SẮC
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 (Bản mới hiệu lực 30-04-2023, hủy bỏ bản cũ 2019)

Bản dịch Việt ngữ: Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng

 

VOS ESTIS LUX MUNDI (2023)
"Các con là ánh sáng của thế gian; thành trên núi không thể che giấu được” (Mt 5, 14).
 

Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta kêu gọi mọi tín hữu hãy là tấm gương sáng ngời về nhân đức, liêm chính và thánh thiện. Tất cả mọi người chúng ta, thực vậy, đều được mời gọi làm chứng cụ thể cho đức tin vào Chúa Kitô trong đời sống và đặc biệt là trong mối tương quan của chúng ta với người lân cận.

Các tội ác lạm dụng tình dục xúc phạm đến Chúa chúng ta, gây tổn hại về thể chất, tâm lý và tinh thần cho các nạn nhân và làm tổn hại đến cộng đồng tín hữu. Để những hiện tượng này, dưới mọi hình thức, không còn xảy ra nữa, cần phải có sự hoán cải tâm hồn liên tục và sâu sắc, được chứng thực bằng những hành động cụ thể và hiệu quả liên quan đến mọi người trong Giáo hội, để sự thánh thiện cá nhân và sự dấn thân luân lý có thể góp phần thúc đẩy hoàn toàn đáng tin cậy về lời loan báo Tin Mừng và tính hữu hiệu của sứ mạng của Giáo Hội. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi có ân sủng Chúa Thánh Thần đổ vào tâm hồn, bởi vì chúng ta phải luôn nhớ lời Chúa Giêsu: “Không có Thầy, các con chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Mặc dù đã làm được rất nhiều điều, chúng ta vẫn phải tiếp tục rút kinh nghiệm từ những bài học cay đắng trong quá khứ, để hướng tới tương lai với niềm hy vọng.
Trách nhiệm này trước hết thuộc về những người kế vị các Tông đồ, được Thiên Chúa trao trước hết thuộc về những người kế vị các Tông đồ trách vụ hướng dẫn mục vụ dân Chúa, và đòi hỏi các ngài phải dấn thân theo sát bước chân của Thầy Chí thánh. Quả vậy, theo thừa tác vụ, họ lãnh đạo “các Giáo hội địa phương mà Chúa đã ủy thác cho, như những người đại diện Chúa Kitô, với lời khuyên bảo, khuyến khích, gương lành, và còn bằng quyền bính và quyền năng thánh nữa. Thực vậy, các ngài chỉ dùng quyền bính để xây dựng đoàn chiên trong chân lý và thánh thiện, và luôn nhớ rằng: kẻ lớn nhất hãy nên như kẻ rốt hết, người làm chủ hãy nên như tôi tớ” (Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, 27).
Tất cả những gì liên quan một cách chặt chẽ hơn đến những người kế vị các Tông đồ, cũng liên quan đến tất cả những ai đảm nhận các tác vụ trong Giáo hội, theo nhiều cách khác nhau, hoặc tuyên khấn những lời khuyên Phúc âm hoặc được kêu gọi phục vụ Dân Kitô giáo. Do đó, phải thông qua các thủ tục phổ quát nhằm ngăn chặn và chống lại những tội ác phản bội lòng tin của các tín hữu.
Để đạt mục đích này, vào ngày 7 tháng 5 năm 2019, tôi đã ban hành một Tông thư dưới hình thức Tự sắc bao gồm các quy tắc ad experienceum trong thời gian ba năm.
Bây giờ, sau thời gian đã định,
xem xét những nhận xét nhận được từ các Hội đồng Giám mục và các Bộ của Giáo triều Rôma, đánh giá kinh nghiệm trong những năm này, để khuyến khích áp dụng tốt hơn những gì đã được thiết lập, vẫn giữ nguyên các quy định của Bộ Giáo luật và Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông phương trong các vấn đề hình sự và tố tụng,
Tôi ấn định:

ĐỀ MỤC I
CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1 – Phạm vi áp dụng
§ 1. Các nguyên tắc luật này áp dụng trong trường hợp các trình báo liên quan đến các giáo sĩ, thành viên của các Tu hội đời sống thánh hiến hoặc các Tu đoàn đời sống tông đồ và những người điều hành các hiệp hội các tín hữu quốc tế được Tòa thánh công nhận hoặc thành lập liên quan đến:
a)
* Một tội chống lại điều răn VI của Thập giới được thực hiện bằng bạo lực hoặc đe dọa hoặc bằng lạm dụng quyền hành, hoặc ép buộc ai đó thực hiện hoặc phải chịu các hành vi tình dục;
** Một tội chống lại điều răn VI của Thập giới đã phạm với trẻ vị thành niên hoặc với một người thường không sử dụng đủ trí khôn hoặc với một người lớn dễ bị tổn thương;
*** Sự thủ đắc, lưu giữ, trưng bày hoặc tiết lộ một cách vô luân, bằng bất kỳ cách nào và bằng bất kỳ phương tiện nào, hình ảnh khiêu dâm của trẻ vị thành niên hoặc những người người thường không sử dụng đủ trí khôn;
**** Sự tuyển dụng hoặc lôi kéo trẻ vị thành niên hoặc người thường không sử dụng đủ trí khôn hoặc người lớn dễ bị tổn thương để thể hiện thân xác một cách khiêu dâm hoặc tham gia vào các buổi biểu diễn khiêu dâm thực sự hoặc giả hình;
b) Những hành vi được thực hiện bởi các đối tượng nêu tại điều 6, bao gồm các hành động hoặc thiếu sót nhằm can thiệp hoặc trốn tránh các cuộc điều tra dân sự hoặc điều tra giáo luật, hành chính hoặc hình sự, chống lại một trong các đối tượng được đề cập ở § 1 nói trên, liên quan đến các tội phạm nêu tại điểm a) của khoản này.
§2. Về hiệu lực của các nguyên tắc Giáo luật, được hiểu:
a) “Vị thành niên”: bất cứ người nào dưới 18 tuổi [chưa đủ 18 tuổi], người thường không sử dụng đủ trí khôn thì tương đương với vị thành niên;
b) "Người lớn dễ bị tổn thương": bất kỳ người nào ở trong tình trạng bị tổn thương, khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần hoặc bị tước đoạt tự do cá nhân mà trên thực tế, thậm chí đôi khi, làm hạn chế khả năng hiểu hoặc mong muốn của họ hoặc để chống lại hành vi phạm tội;
c) “Vật liệu (
materiale) khiêu dâm trẻ vị thành niên": bất kỳ sự trình bày nào về trẻ vị thành niên, bất kể phương tiện được sử dụng, liên quan đến các hoạt động tình dục phơi bày, thực sự hay giả hình, và bất kỳ sự trình bày nào về cơ quan sinh dục của trẻ vị thành niên vì mục đích ham muốn tình dục hoặc lợi nhuận.

Điều 2Nhận trình báo và bảo vệ dữ liệu
§ 1. Trong khi vẫn tôn trọng những chỉ dẫn của các Hội đồng Giám mục tương ứng, của các Công nghị Giám mục, của các Giáo hội Thượng phụ (Sinodi dei Vescovi delle Chiese Patriarcali) và các Giáo hội Tổng Đại Giám mục (Chiese Arcivescovili Maggiori), hoặc của Hội đồng Giáo phẩm của các Giáo hội tự quản (Consigli dei Gerarchi delle Chiese Metropolitane sui iuris), các Giáo phận hay các Eparchie [giáo phận ở Đông Phương], riêng lẻ hoặc cùng nhau, phải thành lập các tổ chức hoặc văn phòng (organismi o uffici), dễ dàng được công chúng tiếp cận, để nhận các trình báo. Các trình phải được nộp cho các tổ chức hoặc văn phòng các giáo hội này.
§ 2. Thông tin được đề cập trong điều này được bảo vệ và xử lý theo cách đảm bảo an ninh, tính toàn vẹn và bảo mật theo các điều 471, 2° CIC [Bộ Giáo luật Tây Phương] và 244 § 2, 2° CCEO [Bộ Giáo luật Công giáo Đông phương].
§ 3. Trừ khi được quy định tại điều 3 § 3, Đấng Bản quyền đã nhận được báo cáo sẽ chuyển báo cáo đó ngay lập tức đến Đấng Bản quyền nơi mà sự việc được cho là đã xảy ra, cũng như cho Đấng Bản quyền của người bị báo cáo. Trừ khi có thỏa thuận khác giữa hai Đấng Bản quyền, nhiệm vụ của Đấng Bản quyền nơi xảy ra sự việc là phải tiến hành theo luật theo những gì được dự kiến cho từng trường hợp cụ thể.
§ 4. Về ý nghĩa của đề mục này,  tương đương với các Giáo phận là các Eparchie [tương đương Giáo phận ở bên Công giáo Đông phương] và với Đấng Bản quyền là Gerarca.

Điều 3 – Trình báo
§ 1. Ngoại trừ trường hợp giáo sĩ biết thông tin khi thi hành thừa tác vụ tại tòa trong, bất cứ khi nào một giáo sĩ hoặc thành viên của một Tu hội Thánh hiến hoặc của một Tu đoàn Đời sống Tông đồ có thông tin hoặc có cơ sở để tin rằng một trong các sự việc nêu tại điều 1 đã được thực hiện, có nghĩa vụ trình báo ngay cho Bản quyền nơi xảy ra sự việc hoặc cho Bản quyền khác trong số những người được đề cập ở các điều 134 CIC và 984 CCEO, trừ khi được quy định trong §3 của điều này.
§ 2. Bất kỳ ai, đặc biệt là các giáo dân nắm giữ các chức vụ hoặc thi hành các tác vụ trong Giáo hội, đều có thể gởi một trình báo liên quan đến một trong những sự kiện được đề cập ở điều 1, bằng cách sử dụng các cách thức được đề cập ở điều trước hoặc bằng bất kỳ cách thức thích hợp nào khác.
§ 3. Khi trình báo liên quan đến một trong những người được nêu ở điều 6, nó sẽ được gửi đến Cơ quan có thẩm quyền được xác định trên cơ sở các điều 8 và 9. Trình báo luôn có thể được gửi đến Bộ có thẩm quyền, trực tiếp hoặc thông qua Đại diện Giáo hoàng. Trong trường hợp đầu tiên, Bộ thông báo cho Đại diện Giáo hoàng.
§ 4. Trình báo phải bao gồm các yếu tố chi tiết nhất có thể, chẳng hạn như chỉ dẫn về thời gian và địa điểm xảy ra sự việc, của những người có liên quan hoặc được thông báo, cũng như bất kỳ trường hợp nào khác có thể hữu ích để đảm bảo đánh giá chính xác về sự thật.
§ 5. Thông tin cũng có thể được thu nhận chiếu theo chức vụ (ex officio) .

Điều 4 – Bảo vệ người nộp trình báo
§ 1. Việc trình báo theo điều 3 không cấu thành hành vi vi phạm bí mật nghề nghiệp.
§ 2. Trừ khi được quy định trong điều 1390 CIC và điều 1452 và 1454 CCEO, thành kiến, trả thù hoặc phân biệt đối xử vì đã nộp trình báo đều bị cấm và có thể cấu thành hành vi được đề cập trong điều 1 § 1, chữ b).
§ 3. Đối với người trình báo, với người cho rằng đã bị xúc phạm và với các nhân chứng, không được buộc áp dụng nghĩa vụ im lặng liên quan đến nội dung của trình báo, nhưng vẫn tuân giữ  các quy định của điều 5 § 2.

Điều 5 – Trông nom nhân vị
§ 1. Các nhà chức trách giáo hội cam kết đảm bảo rằng những người cho rằng đã bị xúc phạm, cùng với gia đình họ, được đối xử một cách xứng đáng và tôn trọng, đặc biệt là cho họ được:
a) Chào đón, lắng nghe và đồng hành, cũng thông qua các dịch vụ cụ thể;
b) Sự trợ giúp về mặt tinh thần;
c) Hỗ trợ về y tế trị liệu và tâm lý tùy theo từng trường hợp cụ thể.
§ 2. Tuy nhiên, việc bảo vệ hợp pháp thanh danh và phạm vi riêng tư của tất cả những người liên quan cũng như tính bảo mật của dữ liệu cá nhân phải được bảo vệ. Đối với những người bị trình báo, áp dụng  những điều đề cập trong điều 13 § 7, nhưng vẫn tuân giữ quy định của điều 20.

 

ĐỀ MỤC II
QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN CÁC GIÁM MỤC VÀ CÁC VỊ TƯƠNG ĐƯƠNG

Điều 6 – Phạm vi chủ thể được áp dụng
Các quy định tố tụng nêu tại mục này liên quan đến các tội phạm và hành vi nêu tại điều 1, được thực hiện bởi:
a) Các Hồng Y, Thượng Phụ, Giám Mục và Đặc Sứ (Legati) của Giáo Hoàng Rôma;
b) Các giáo sĩ đang hoặc đã có trách nhiệm lãnh đạo mục vụ của một Giáo hội địa phương hoặc của một thực thể đồng hóa với Giáo hội đó, Latinh hoặc Đông phương, bao gồm cả các hạt Giám chức tòng nhân (Prelatura personale), đối với các hành vi đã thực hiện trong thời gian giữ chức vụ (durante munere).
c) Các giáo sĩ đang hoặc đã được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo mục vụ của một hạt Giám chức tòng nhân, đối với các hành vi đã thực hiện trong thời gian giữ chức vụ.
d) Các giáo sĩ đang hoặc đã từng lãnh đạo một Hiệp hội giáo sĩ công (un’associazione pubblica clericale) có năng quyền nhập tịch, vì những sự việc đã xảy ra trong thời gian giữ chức vụ.
e) Những người đang hoặc đã từng là vị Điều hành thượng cấp (Moderatori supremi ), [VN cũng quen gọi là Bề trên Tổng quyền hay Tổng Phụ trách] của các Tu hội Thánh hiến hoặc các Tu đoàn Đời sống tông đồ theo luật giáo hoàng, cũng như của các Đan viện tự quản (sui iuris), đối với các hành vi đã thực hiện trong thời gian giữ chức vụ.
f) Các tín hữu giáo dân đang hoặc đã từng là vị Điều hành (Moderatore) các hiệp hội tín hữu quốc tế được Tòa thánh công nhận hoặc thành lập, đối với các hành vi đã thực hiện trong thời gian giữ chức vụ.

Điều 7 – Bộ có thẩm quyền
§ 1. Vì mục đích của đề mục này, "Bộ có thẩm quyền " được hiểu là Bộ Giáo lý Đức tin, liên quan đến các tội phạm được dành riêng cho Bộ theo các luật hiện hành, cũng như, trong tất cả các trường hợp khác và trong phạm vi thẩm quyền tương ứng của nó dựa trên luật riêng của Giáo triều Rôma:
– Bộ về các Giáo hội Đông phương;
– Bộ Giám mục;
– Bộ Phúc Âm hóa [Bộ Truyền giáo];
– Bộ Giáo Sĩ;
– Bộ các Tu hội Đời sống Thánh hiến và các Tu đoàn Đời sống Tông đồ.
– Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống.
§ 2. Để đảm bảo sự phối hợp tốt nhất, Bộ có thẩm quyền thông báo cho Phủ Quốc vụ khanh và các Bộ khác có liên quan trực tiếp về trình báo và kết quả điều tra.
§ 3. Việc liên lạc được đề cập trong đề mục này giữa Tổng giáo phận và Tòa Thánh diễn ra thông qua Đại diện Giáo hoàng.

Điều 8 – Thủ tục áp dụng trong trường hợp trình báo liên quan đến một Giám mục của Giáo hội Latinh và các chủ thể khác được đề cập trong điều 6
§ 1. Cơ quan có thẩm quyền nhận được trình báo sẽ chuyển trình báo đó đến Bộ có thẩm quyền và cho Tổng Giám mục của Giáo tỉnh nơi người được trình báo có nơi cư trú.
§ 2. Nếu trình báo liên quan đến Tổng Giám mục hoặc Tòa Tổng Giám mục khuyết vị, nó sẽ được chuyển đến Tòa Thánh, cũng như đến Giám mục thâm niên nhất trong Giáo tỉnh tính theo thời gian được truyền chức, trong trường hợp này, các điều khoản sau đây liên quan đến vị Trưởng Giáo tỉnh được áp dụng cho vị này. Tương tự như vậy, trình báo liên quan đến những người nắm quyền lãnh đạo mục vụ các địa hạt trực thuộc Tòa Thánh sẽ được chuyển đến Tòa Thánh.
§ 3. Trong trường hợp trình báo liên quan đến Cơ quan đại diện của Giáo hoàng, nó sẽ được chuyển trực tiếp đến Phủ Quốc vụ khanh.
Điều 9 – Thủ tục áp dụng đối với các Giám mục của các Giáo hội Đông phương và các chủ thể khác được đề cập trong điều 6.
§ 1. Trong trường hợp trình báo chống lại một Giám mục, hoặc một người tương đương, thuộc Giáo hội Thượng phụ (Chiesa Patriarcale), Hạt Tổng Đại Giám mục (Arcivescovile Maggiore) hoặc Giáo tỉnh tự quản (Metropolitana sui iuris), nó sẽ được chuyển tương ứng đến vị Thượng phụ (Patriarca), Tổng Đại Giám mục (Arcivescovo Maggiore) hoặc Tổng Giám mục của Giáo tỉnh tự quản (Metropolita della Chiesa sui iuris).
§ 2. Nếu trình báo liên quan đến một Tổng Giám mục (Metropolita) của Giáo hội Thượng phụ hoặc Hạt Tổng Đại Giám mục, mà là người thi hành chức vụ của mình trong lãnh thổ của các Giáo hội này, thì trình báo sẽ được chuyển đến Thượng phụ hoặc Tổng Đại Giám mục tương ứng.
§ 3. Trong các trường hợp trên, Cơ quan có thẩm quyền nhận được trình báo cũng chuyển nó đến Bộ Giáo hội Đông phương.
§ 4. Nếu người được trình báo là Giám mục hoặc Tổng Giám mục ở ngoài lãnh thổ của Giáo hội Thượng Phụ, Tổng Đại Giám mục hoặc Tổng Giám mục của Giáo tỉnh tự quản, trình báo sẽ được chuyển đến Thánh Bộ các Giáo hội Đông phương, và nếu thấy thích hợp, sẽ thông báo cho Thượng phụ, Tổng Đại Giám mục hoặc Tổng Giám mục Giáo tỉnh tự quản.
§ 5. Trong trường hợp trình báo liên quan đến một Thượng phụ, một Tổng Đại Giám mục, một Giám mục của Giáo tỉnh tự quản hoặc một Giám mục của các Giáo hội tự quản Đông phương khác, thì nó sẽ được chuyển đến Bộ Giáo hội Đông phương.
§ 6. Các điều khoản sau đây liên quan đến Tổng Giám mục áp dụng cho Thẩm quyền Giáo hội tiếp nhận lời trình báo dựa trên điều này.

Điều 10 – Thủ tục áp dụng đối với các vị Điều hành thượng cấp [Bề trên tổng quyền, Bề trên thượng cấp,Tổng phụ trách] của các Tu hội Thánh hiến hoặc các Tu đoàn Đời sống Tông đồ
Nếu trình báo liên quan đến những người đang hoặc đã từng là vị Điều hành thượng cấp của các Tu hội Thánh hiến hoặc các Tu đoàn Đời sống Tông đồ thuộc quyền giáo hoàng, cũng như các đan viện tự quản (sui iuris) hiện diện trong Tổng giáo phận Roma (in Urbe) và các Giáo phận khác (Diocesi suburbicarie), thì trình báo sẽ được chuyển đến Bộ có thẩm quyền.

Điều 11 – Nhiệm vụ ban đầu của Tổng Giám mục (Metropolita)
§ 1. Vị Tổng giám mục nhận được trình báo sẽ ngay lập tức yêu cầu Bộ có thẩm quyền nhiệm vụ mở cuộc điều tra.
§ 2. Bộ nhanh chóng và trong mọi trường hợp, trong vòng ba mươi ngày kể từ khi nhận được trình báo đầu tiên từ Đại diện Giáo hoàng, hoặc được yêu cầu  thực hiện nhiệm vụ từ Tổng Giám mục, Bộ sẽ cung cấp những hướng dẫn thích hợp về cách tiến hành trong trường hợp cụ thể.
§ 3. Nếu Tổng Giám mục xét thấy trình báo rõ ràng là vô căn cứ, thì thông qua Đại diện Giáo hoàng, ngài sẽ thông báo cho Bộ có thẩm quyền và, trừ khi được Bộ có quy định khác, ra lệnh lưu trữ trình báo đó.

Điều 12 – Giao phó việc điều tra cho một người không phải là Tổng Giám mục (Metropolita)
§ 1. Nếu Bộ có thẩm quyền, sau khi nghe ý kiến của Đại diện Giáo hoàng, cho rằng nên giao phó cuộc điều tra cho một người không phải là Tổng giám mục, thì người đó sẽ được thông báo. Tổng Giám mục cung cấp tất cả các thông tin và tài liệu liên quan cho người được Bộ bổ nhiệm.
§ 2. Trong trường hợp được đề cập ở đoạn trước, các quy định sau đây liên quan đến Tổng Giám mục sẽ áp dụng cho người được chỉ định tiến hành điều tra.

Điều 13 – Tiến hành điều tra
§ 1. Tổng Giám mục, sau khi nhận được nhiệm vụ từ Bộ có thẩm quyền và tuân theo các hướng dẫn nhận được trong quá trình tiến hành, trực tiếp hoặc thông qua một hoặc nhiều người phù hợp:
a) Thu thập thông tin liên quan đến các sự việc;
b) Truy cập thông tin và tài liệu cần thiết cho mục đích điều tra được lưu giữ trong văn khố của các văn phòng giáo hội;
c) Có được sự cộng tác của các Đấng Bản quyền hoặc các Giám mục Giám mục Đông Phương khác, khi cần thiết;
d) Yêu cầu cung cấp thông tin, nếu được cho là phù hợp và tuân thủ các quy định tại §7 dưới đây, từ những cá nhân và tổ chức, kể cả các cơ quan dân sự, những người có thể cung cấp các yếu tố hữu ích cho cuộc điều tra.
§ 2. Nếu cần phải phỏng vấn trẻ vị thành niên hoặc người lớn dễ bị tổn thương, Tổng Giám mục sẽ áp dụng các phương pháp thích hợp có tính đến điều kiện của họ và luật pháp của Quốc gia.
§ 3. Trong trường hợp có lý do chính đáng để tin rằng thông tin hoặc tài liệu liên quan đến cuộc điều tra có thể bị đánh cắp hoặc tiêu hủy, Tổng Giám mục sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo tồn chúng.
§ 4. Ngay cả khi nhờ đến người khác, Tổng Giám mục vẫn chịu trách nhiệm chỉ đạo và tiến hành các cuộc điều tra, cũng như thực hiện kịp thời các hướng dẫn nêu tại điều 11 § 2.
§ 5. Tổng Giám mục được hỗ trợ bởi một công chứng viên được tự do lựa chọn theo các điều 483 § 2 CIC và 253 § 2 CCEO.
§ 6. Vị Tổng Giám mục phải hành động một cách công bằng và không có xung đột lợi ích. Nếu ngài tin rằng ngài có xung đột lợi ích hoặc không thể duy trì sự công bằng cần thiết để đảm bảo tính toàn vẹn của cuộc điều tra, ngài có nghĩa vụ phải từ chối và trình báo tình hình cho Bộ có thẩm quyền.
Bất cứ ai tin rằng có xung đột lợi ích trong vụ việc cũng phải liên hệ với Bộ có thẩm quyền.
§ 7. Người bị điều tra luôn được suy đoán vô tội và được bảo vệ chính đáng danh tiếng tốt của mình.
§ 8. Tổng Giám mục, nếu được Bộ có thẩm quyền yêu cầu, sẽ thông báo cho người đó về cuộc điều tra chống lại người đó, nghe người đó về các sự kiện và mời người đó trình bày lời bào chữa. Trong những trường hợp như vậy, người bị điều tra có thể sử dụng người bảo hộ (procuratore).
§ 9. Định kỳ, theo các chỉ dẫn nhận được, Tổng Giám mục sẽ gửi thông tin về tình trạng điều tra đến Bộ có thẩm quyền.

Điều 14 – Sự tham gia của những người có trình độ
§ 1. Theo bất kỳ chỉ thị nào của Hội đồng Giám mục, Thượng Hội đồng Giám mục hoặc Hội đồng các Giám mục Đông Phương (Consiglio dei Gerarchi) về cách hỗ trợ Tổng Giám mục trong việc điều tra, rất thuận tiện khi các Giám mục của các Giáo Tỉnh tương ứng, riêng lẻ hoặc cùng nhau, lập danh sách các những người có trình độ chuyên môn mà trong đó Tổng Giám mục có thể chọn những người phù hợp nhất để hỗ trợ mình trong cuộc điều tra, tùy theo nhu cầu của vụ việc và đặc biệt, có tính đến sự hợp tác mà giáo dân có thể đưa ra theo các điều 228 CIC và 408 CCEO .
§ 2. Tuy nhiên, Tổng Giám mục có quyền tự do lựa chọn những người có trình độ tương đương khác.
§ 3. Bất kỳ ai hỗ trợ Tổng Giám mục trong cuộc điều tra đều phải hành động vô tư và không có xung đột lợi ích. Nếu anh ta tin rằng anh ta đang có xung đột lợi ích hoặc anh ta không thể duy trì sự công bằng cần thiết để đảm bảo tính toàn vẹn của cuộc điều tra, anh ta có nghĩa vụ phải từ chối và trình báo tình hình cho Tổng Giám mục.
§ 4. Những người giúp đỡ Tổng Giám mục tuyên thệ hoàn thành nhiệm vụ một cách đúng đắn và trung thực, tuân thủ các quy định của điều 13 § 7.

Điều 15 – Thời gian điều tra
§ 1. Việc điều tra phải được kết thúc trong thời gian ngắn và trong bất kỳ trường hợp nào trong thời hạn được nêu trong hướng dẫn ở điều 11 § 2.
§ 2. Khi có lý do chính đáng và sau khi đã gửi thông tin về tình trạng điều tra, Tổng Giám mục có thể yêu cầu gia hạn thời hạn cho Bộ có thẩm quyền.

Điều 16 – Biện pháp phòng ngừa
Nếu thực tế hoặc hoàn cảnh yêu cầu như vậy, Tổng Giám mục đề xuất với Bộ có thẩm quyền áp dụng các biện pháp thích hợp hoặc các biện pháp phòng ngừa đối với nghi phạm. Bộ thông qua các biện pháp sau khi đã tham khảo ý kiến của Đại diện Giáo hoàng.

Điều 17 – Thành lập quỹ
§ 1. Các Giáo tỉnh, Hội đồng Giám mục, Thượng Hội đồng Giám mục và Hội đồng các Giám mục Đông Phương (Consigli dei Gerarchi) có thể thành lập một quỹ nhằm hỗ trợ chi phí điều tra, được thành lập theo các điều 116 và 1303 § 1, 1° CIC và 1047 CCEO, và được quản lý theo các điều luật những quy phạm của giáo luật.
§ 2. Theo yêu cầu của Tổng Giám mục phụ trách, người quản lý quỹ sẽ cung cấp số tiền cần thiết cho mục đích điều tra mà không ảnh hưởng đến nghĩa vụ trình bày trình báo cho người quản lý vào cuối cuộc điều tra.

Điều 18 – Chuyển tài liệu và ý kiến (votum)
§ 1. Sau khi cuộc điều tra hoàn tất, Tổng Giám mục chuyển bản gốc các tài liệu đến Bộ có thẩm quyền cùng với ý kiến (votum) của mình về kết quả điều tra và để trả lời bất kỳ câu hỏi nào được đặt ra trong các hướng dẫn được đề cập ở điều 11 § 2. Một bản sao của tài liệu được lưu giữ trong Văn khố của Đại diện Giáo hoàng có thẩm quyền.
§ 2. Trừ khi được Bộ có thẩm quyền hướng dẫn sau đó, các năng quyền của Tổng Giám mục sẽ chấm dứt sau khi cuộc điều tra hoàn tất.
§ 3. Tuân theo hướng dẫn của Bộ có thẩm quyền, Tổng Giám mục, theo yêu cầu, sẽ thông báo cho người cho rằng đã bị xúc phạm và, nếu cần, cho người đã trình báo hoặc đại diện hợp pháp của họ về kết quả điều tra.

Điều 19 – Các biện pháp tiếp theo
Bộ có thẩm quyền, trừ khi quyết định ra lệnh điều tra bổ sung, sẽ tiến hành theo quy định của Giáo luật đối với trường hợp cụ thể.

Điều 20 – Tuân thủ pháp luật nhà nước
Các quy tắc này được áp dụng trong khi vẫn giữ nguyên các quyền và nghĩa vụ được luật pháp quốc gia quy định ở từng địa phương, đặc biệt là những quy định liên quan đến bất kỳ nghĩa vụ trình báo nào với cơ quan dân sự có thẩm quyền.

Tôi quyết định rằng Tông thư này dưới hình thức Tự sắc sẽ được ban hành thông qua việc công bố trên L'Osservatore Romano, có hiệu lực vào ngày 30 tháng 4 năm 2023, và sau đó nó sẽ được công bố trên Acta Apostolicae Sedis . Với việc có hiệu lực, Tông thư trước đây dưới hình thức Motu Proprio được ban hành vào ngày 7 tháng 5 năm 2019 sẽ bị bãi bỏ.
Ban hành tại Rôma, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, vào ngày 25 tháng 3 năm 2023, Lễ trọng Truyền tin, năm thứ mười một của Triều đại Giáo hoàng.


PHANXICO

 
 

Tác giả: JB Dũng Lm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay2,691
  • Tháng hiện tại31,867
  • Tổng lượt truy cập10,860,182
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi