GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

https://giaoluatconggiao.com


THỂ THỨC KẾT HÔN "CÔNG" HAY "CÔNG KHAI"? - JB. Lê Ngọc Dũng

Thể thức kết hôn "công" hay "công khai"?

Chữ "public" trong tiếng Anh hay tương tự của Latin hay Tây Phương mang nhiều nghĩa: chung, công, công cộng, công khai. Nếu là danh từ thì lại có nghĩa công chúng, quần chúng.

Đ. 1127§2 đã dịch từ này với nghĩa "công khai", thật ra phải được dịch là "công".
Nếu có những khó khăn nghiêm trọng ngăn cản việc tuân giữ thể thức Giáo luật, Đấng Bản Quyền địa phương bên Công giáo có quyền miễn chuẩn khỏi giữ thể thức ấy trong từng trường hợp, nhưng phải tham khảo ý kiến của Đấng Bản Quyền địa phương tại nơi cử hành hôn nhân và phải giữ một thể thức cử hành công khai nào đó, để hôn nhân được thành sự ; việc ấn định những quy tắc để ban phép chuẩn nói trên một cách đồng nhất thuộc Hội Đồng Giám Mục.
 
Cụm từ Latin là: publica forma celebrationis phải được dịch là : thể thức cử hành công.

Chữ "publica" (public) ở đây mang nghĩa là "công" với ý nghĩa là trái với "tư". Nó chỉ tính cách được công nhận bởi xã hội hay một cộng đoàn, một quốc gia, một tôn giáo... Đó là sự công nhận thành văn (luật) hay bất thành văn (lệ, truyền thống) và như vậy nó mang ý nghĩa pháp lý của luật lệ.

Cử hành một thể thức kết hôn là "tư", nghĩa là theo một thể thức mà tự mình nghĩ ra, chẳng theo một luật hay lệ gì cả, ví dụ như hai người nhảy dù kết hôn với nhau trên không trung; hoặc như hai người trao nhẫn, kết ước hôn nhân trước một tượng đài của Đức Mẹ, Đức Phật…Những thể thức này cho dù là "công khai" trước mặt mọi người, chúng vẫn là "tư".
Chữ "publica" ở đây không mang ý nghĩa "công khai", trái với "kín ẩn" hay "kín đáo". Thực ra, có những cử hành đúng là "công" nhưng không "công khai" mà lại kín đáo, ví dụ như điều 1130 nói đến việc phép cử hành (công) hôn nhân một cách bí mật hay "kín đáo".
Trong điều luật 1127§2  nói trên, khi chuẩn thể thức kết hôn theo giáo luật, việc cử hành một thể thức kết hôn "công" nào đó, của dân sự hay tôn giáo khác là một điều kiện cần thiết để việc kết hôn thành sự. Nếu không thỏa mãn điều kiện này việc kết hôn sẽ vô hiệu. Vì vậy, nếu cử hành một thể thức cho dù là "công khai" mà không là "công" thì hôn nhân cũng là vô hiệu.

Phụng tự công cộng?

Riêng về phụng vụ, có một đoạn rất quan trọng, được coi như một định nghĩa Hiến chế Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum concilium) của Công Đồng Vatican II:
Vì thế, Phụng Vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người (SC, 7)
Cụm từ "việc phụng tự công cộng vẹn toàn" của bản dịch trên phải được sửa lại là "việc phụng tự công vẹn toàn".
Một trong những đặc tính chính yếu của Phụng Vụ thánh là "công" (public),  nghĩa là được chính thức công nhận hay theo luật của Giáo Hội, chứ không phải là "tư", và cũng không phải là "công cộng" mặc dù yếu tố công cộng đôi khi cũng được thấy.
Giáo Luật điều 834§1, ở đầu quyển IV về Nhiệm Vụ Thánh Hóa của Giáo Hội, đã trích lại đoạn văn của Hiến Chế Phụng Vụ trên. Bản văn Giáo Luật Việt ngữ đã dịch đúng đắn hơn, với những chữ: "việc phụng tự công nguyên vẹn".
Trong bộ Giáo Luật cũng có những chỗ dịch rất đúng với chữ "công" (public), ví dụ như:
- Lời khấn công (public), (đ. 607§2, 650, 1041, 1088)
- Pháp nhân công (public), pháp nhân tư (private) (đ. 116...)
- Hiệp hội Kitô hữu công hay tư (public or private) (đ. 304...)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây