GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

https://giaoluatconggiao.com


GIÁO XỨ TRONG GIÁO HỘI HIỆP THÔNG CÁC NGHỆ NHÂN XÂY DỰNG HIỆP THÔNG VÀ CÁC HÌNH THỨC HIỆP THÔNG - Dom. Nguyễn Văn Mạnh

GIÁO XỨ TRONG GIÁO HỘI HIỆP THÔNG
CÁC NGHỆ NHÂN XÂY DỰNG HIỆP THÔNG
VÀ CÁC HÌNH THỨC HIỆP THÔNG
Lm. Đaminh Nguyễn Văn Mạnh
 
 
Trong lòng Giáo Hội hiệp thông, không ai là người xa lạ[1], và đặc biệt giữa lòng cộng đoàn giáo xứ, được định nghĩa như là «gia đình của các gia đình»[2], người tín hữu sống một cách cụ thể sự hiệp thông Giáo Hội từ khi sinh ra nhờ phép rửa cho đến lúc chết.
Giáo Hội học hiệp thông của Công Đồng Vatican II đã mở đường cho sự tham gia đa dạng của giáo dân vào đời sống cũng như sứ vụ của Giáo Hội. Dưới ánh sáng ấy, đồng thời đã chứng nghiệm bao hoa trái phát xuất từ định hướng này, Giáo Hội Việt Nam, cụ thể qua Đại Hội Dân Chúa năm 2010, đã mong muốn đẩy mạnh những canh tân về qui chế giáo xứ để giáo dân có nhiều cơ hội thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội[3]. Trên thực tế, điều này chưa được thể hiện đồng đều và rõ nét ở mọi giáo xứ. Vì thế, việc xây dựng một Giáo Hội hiệp thông và tham gia đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam quyết định xem là mối quan tâm mục vụ hàng đầu trong những năm sắp tới[4].
Quả thật, Bộ Giáo Luật 1983 đã quan tâm triển khai trong khung cảnh giáo xứ một tâm thức Giáo Hội mới, trong tinh thần hiệp thông và đồng cộng tác giữa mọi thành phần dân Chúa dưới quyền cha xứ là chủ chăn riêng. Một cách đặc biệt, «cần cổ võ và đánh giá cao mọi nguồn năng lực để sẵn sàng trao cho các tu sĩ và giáo dân những công việc không đòi phải có chức thánh, nhất là tại những nơi tín hữu quá đông, hoặc tại những vùng sâu vùng xa mà các linh mục không dễ có mặt để đảm trách hữu hiệu công việc truyền giáo. Thực vậy, giáo dân không chỉ là đối tượng của sự chăm sóc mục vụ, mà phải trở thành những diễn viên chủ động góp phần vào sứ vụ của Giáo Hội vì ơn gọi bẩm sinh của họ, và cũng vì đòi hỏi nội tại của Giáo Hội»[5]
Vì thế, trong bài này, chúng ta sẽ đề cập đến những nghệ nhân xây dựng sự hiệp thông và những hình thức cụ thể diễn tả mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông trong khung cảnh giáo xứ : trước hết là cha xứ, người lãnh trách nhiệm chăm sóc mục vụ ; tiếp đến là các linh mục khác, nhất là giáo dân trong vai trò cộng sự viên ; sau cùng là những hình thức định chế, tức hội đồng mục vụ và hội đồng kinh tế giáo xứ, cũng như các hội đoàn.
  1. LINH MỤC QUẢN XỨ VÀ VIỆC CHĂM SÓC MỤC VỤ TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI HIỆP THÔNG
Trong bộ giáo luật 1983, thuật ngữ “chăm sóc mục vụ” (cura pastoralis) được dùng nhiều hơn những thuật ngữ khác như “chăm sóc giáo xứ” (cura paroecialiscura paroeciae/ paroeciarum) hay “chăm sóc các linh hồn” (cura animarum)[6]. Điều 519, khi mô tả chi tiết chức vụ quản xứ, đã xác định ý nghĩa của việc “chăm sóc mục vụ” như là chu toàn ba nhiệm vụ của Đức Kitô :
«Cha xứ là chủ chăn riêng của giáo xứ được trao phó cho ngài, và ngài thi hành việc chăm sóc mục vụ của cộng đoàn được ủy thác, dưới quyền giám mục giáo phận, mà ngài đã được kêu gọi để chia sẻ thừa tác vụ của Đức Kitô, ngõ hầu thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo đối với cộng đoàn ấy, với sự cộng tác của các linh mục hoặc các phó tế khác và với sự giúp đỡ của các giáo dân, chiếu theo qui tắc của luật».
Điều 519 này khác biệt rất rõ với nguồn của nó trong Giáo Luật cũ, vì luật cũ định nghĩa linh mục quản xứ như «vị tư tế hay pháp nhân, được trao quyền sở hữu một giáo xứ, để thi hành việc chăm sóc các linh hồn dưới quyền của đấng bản quyền địa phương»[7]. Nhà lập pháp hiện nay đã bỏ câu “được trao quyền sở hữu một giáo xứ”, vì nó gắn liền với quan niệm giáo xứ như một bổng lộc đã bị công đồng Vatican II loại bỏ hay ít là đã được canh tân[8], để nhấn mạnh hơn đến sứ vụ của Giáo Hội, tức trao cho linh mục quản xứ việc chăm sóc mục vụ. Với tư cách là chủ chăn riêng của giáo xứ, linh mục quản xứ phải thi hành nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản để cổ vũ không những sự hiệp thông trong giáo xứ, mà còn ở cấp giáo phận cũng như hoàn vũ[9].
Một cách cụ thể, chúng ta sẽ đề cập vai trò của linh mục quản xứ trong việc chăm sóc sự “hiệp thông tín hữu”, tiếp theo trong tư cách “lãnh đạo” một cộng đoàn như là chủ thể đồng trách nhiệm, và sau cùng, trong vai trò phục vụ sự “hiệp thông phẩm trật” trong giáo xứ.
  1. Linh mục quản xứ
trong việc chăm sóc sự “hiệp thông tín hữu”
  1. Linh mục quản xứ
trong việc chăm sóc sự “hiệp thông đức tin”
«Đức tin là bởi được nghe» (Rm 10,14). Việc loan báo Lời Chúa trong quyền năng Thánh Thần không chỉ khơi dậy đức tin nơi từng người nghe, mà còn qui tụ dân Thiên Chúa và kiến tạo các cộng đoàn Giáo Hội[10]. Do đó, việc loan báo này là nghĩa vụ số một và nền tảng của các thừa tác viên chức thánh, đặc biệt của linh mục quản xứ và những vị được trao phó việc chăm sóc các linh hồn, tương ứng với quyền của tín hữu được lắng nghe Lời Chúa. Nghĩa vụ của linh mục quản xứ phải loan báo Lời Chúa cho cộng đoàn giáo xứ thiết yếu đến nỗi đ. 528 § 1 nhấn mạnh ngay ở đầu như nguyên lý nền tảng, đến nỗi có thể nói nếu không loan báo Lời Chúa thì giáo xứ mất đi lý do hiện hữu của mình[11]. Điều 528 § 1 thật
rõ ràng :
«Cha xứ buộc phải liệu sao để Lời Chúa được rao truyền cách toàn vẹn cho những người đang sinh sống trong giáo xứ ; vì thế, ngài phải lo giảng dạy giáo dân về các chân lý đức tin, nhất là qua bài giảng trong các ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc, cũng như qua việc đào tạo giáo lý ; ngài phải ủng hộ những công việc cổ động tinh thần phúc âm, cả những việc liên quan đến công bình xã hội ; ngài phải quan tâm cách riêng tới việc giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên ; ngài phải cố gắng bằng mọi cách, với sự hợp tác của Kitô hữu, để Tin Mừng cũng được loan báo cho những người không còn thực hành việc sống đạo nữa hoặc không tuyên xưng đức tin chân thật».
So với điều 467 § 1 của Bộ Giáo Luật cũ[12], điều 528 § 1 này phản ánh nhận thức đã chín mùi của Giáo Hội về chính mình cũng như về thừa tác vụ chức thánh nhờ Công đồng Vatican II[13] và đã được Huấn Quyền thời hậu Công đồng đào sâu[14]. Giáo xứ thiết yếu không phải là một cơ cấu, một lãnh thổ hay một cơ sở, mà trước hết là một cộng đoàn tín hữu, hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần nhờ Lời Chúa và Thánh Thể, để thi hành sứ mạng của Giáo Hội[15]. Cha xứ có nghĩa vụ đặc biệt phải loan báo Lời Chúa ; tuy nhiên, đây không là một nghĩa vụ độc quyền, loại trừ người khác, mà là ưu tiên. Cha xứ không tự mình làm tất cả, mà phải kêu gọi và phối hợp sự cộng tác của các tín hữu khác[16].
Điều này có thể thấy rõ khi đối chiếu đ. 528 § 1 này với nguồn trực tiếp của nó trong Sắc lệnh về Giám mục của CĐ Vatican II[17]. Trong khi bản văn Công Đồng nói đến nghĩa vụ cha xứ phải làm, thì bản văn Giáo luật lại hướng đến mục đích và xác định cha xứ là người có trách nhiệm lo liệu để đạt mục đích ấy.
Do đó, chúng ta sẽ đề cập nghĩa vụ của cha xứ trong việc loan báo Lời Chúa theo hai hướng : cha xứ phải làm gì, hay đúng hơn cha xứ phải lo liệu thế nào, để khơi dậy đức tin nơi cộng đoàn đã được trao phó cho ngài.
1.1.1. Linh mục quản xứ phải làm gì
           trong việc loan báo Lời Chúa
«Cha xứ buộc phải liệu sao để Lời Chúa được rao truyền cách toàn vẹn cho những người đang sinh sống trong giáo xứ».
“Phải liệu sao để”, đó chính là điều trước hết linh mục quản xứ phải làm. Ngài được trao cho nhiệm vụ phải bảo đảm và phối hợp sự cộng tác của nhiều người để Lời Thiên Chúa được loan báo đúng đắn, toàn vẹn và hiệu quả. Ngài không được dành riêng cho mình những nhiệm vụ đã được trao phó, cũng không được ôm đồm làm hết mọi việc, mà phải lo liệu cách nào đó để nghĩa vụ loan báo Lời Chúa không bị bỏ qua ; điều này, Ngài làm tốt được, vì có thẩm quyền và biết rõ có thể tìm các nguồn lực của giáo xứ ở đâu.
Nhưng “Lời Thiên Chúa” là gì? Phải hiểu theo nghĩa rộng : nghĩa là không chỉ những lời viết trong Kinh Thánh, mà là tất cả kho tàng đức tin được trao phó cho Giáo Hội[18], do đó cũng bao gồm toàn bộ giáo lý do Huấn Quyền chính thức của Giáo Hội dạy dỗ[19], gồm cả giáo huấn về luân lý[20]. Điều này được đ. 528,1 diễn tả qua thuật ngữ «các chân lý đức tin» và «những việc cổ võ tinh thần phúc âm». Tóm lại, có thể khẳng định rằng đối tượng của việc loan báo là toàn bộ kho tàng giáo lý của Hội Thánh, tìm thấy trong “Thánh Kinh, Thánh Truyền, Phụng Vụ, Huấn Quyền, và trong đời sống của Giáo Hội”[21].
Đối tượng phải loan báo là Lời Thiên Chúa, chứ không phải lời người phàm, lại càng không là ý kiến cá nhân, vì chỉ Lời Thiên Chúa mới hiệu năng, nghĩa là có sức tập họp dân Thiên Chúa, làm cho dân Thiên Chúa hiện hữu và phát triển[22].
Việc loan báo phải “toàn vẹn”, theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Theo nghĩa đen, là không được che dấu những gì “không lọt tai” thính giả. Theo nghĩa bóng, là phải loan báo Lời theo nghĩa chính thức, không tự tiện đưa ra những cắt nghĩa chủ quan, sai lạc. Điều này giả thiết phải biết khoa chú giải Thánh Kinh[23], cũng như biết đào sâu Lời Chúa dựa trên các văn kiện Huấn Quyền[24].
Như vậy, ta thấy rõ cần đặt thừa tác vụ Lời Chúa dưới quyền Giám mục giáo phận, là vị có trách nhiệm điều hành việc rao giảng trong giáo phận của ngài[25]. Điều này đặc biệt áp dụng cho các cha xứ, là những vị thi hành việc giảng huấn “dưới quyền giám mục giáo phận”[26].
1.1.2. Linh mục quản xứ phải lo liệu gì
Điều 528 § 1 liệt kê bốn việc : giảng dạy ; cổ võ tinh thần phúc âm ; giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên ; loan báo Tin Mừng cho những người ở xa. Đây cũng là những đề tài được đề cập trong quyển III của Bộ Giáo Luật (rao giảng Lời Chúa[27], huấn giáo[28], giáo dục công giáo[29] và hoạt động truyền giáo của Giáo Hội[30]).
Bài giảng lễ, được đ. 767 định nghĩa như là «hình thức rao giảng cao quí nhất», qua đó «dọc theo năm phụng vụ, dựa vào bản văn Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và các qui tắc của đời sống Kitô giáo». Bài giảng lễ được dành riêng cho thừa tác viên chức thánh, trong tư cách là vị lãnh đạo cộng đoàn[31], và không được ủy cho giáo dân[32].
Huấn giáo là một hình thức loan báo bao gồm cả việc dạy giáo lý lẫn việc thông truyền kinh nghiệm đời sống Kitô giáo, nhắm mục đích làm cho đức tin người tín hữu trở nên sáng suốt và hiệu nghiệm. Bổn phận chăm lo việc huấn giáo là nghĩa vụ «riêng và nghiêm trọng của các vị chủ chăn, nhất là những vị coi sóc các linh hồn»[33] ;
riêng đối với cha xứ, đây còn là nghĩa vụ “do chức vụ quản xứ”[34].
Bộ Giáo Luật, trong khi xem ra hạn chế hoạt động của giáo dân trong việc giảng dạy[35], lại đề cao vai trò của họ trong lãnh vực huấn giáo[36]. Hơn nữa, khi được cha xứ nhờ cậy, thì mọi tín hữu, đặc biệt giáo lý viên, nếu không mắc ngăn trở chính đáng, đều phải sẵn lòng cộng tác[37]. Tất nhiên, để chu toàn nhiệm vụ của mình, họ cần được chuẩn bị kỹ càng qua việc đào tạo thường xuyên về giáo lý cũng như về những nguyên tắc sư phạm[38].
Như vậy, giáo luật khuyến khích việc huấn giáo trên cơ sở giáo xứ, dù không loại trừ những hình thức khác có thể hiệu quả hơn, như trong các nhóm thánh kinh hay tu đức, nhưng khi nhấn mạnh việc huấn giáo trên cơ sở giáo xứ là tái khẳng định rằng huấn giáo rộng mở cho tất cả mọi người[39].
Ngoài bài giảng lễ và huấn giáo, Giáo Luật còn nhắc đến những “buổi tĩnh tâm và các tuần đại phúc[40] được tổ chức vào những thời kỳ nhất định, theo qui định của Giám mục giáo phận.
Ngoài ra, với nhiệt tâm tông đồ, cha xứ còn phải nâng đỡ những tín hữu có khả năng, để họ được huấn luyện sâu xa hơn về giáo lý cũng như tu đức. Trường hợp này, phải đáp ứng cho họ bằng những hình thức thích hợp như việc linh hướng, cũng như cổ võ các ơn gọi vào các tác vụ khác nhau và cả ơn gọi tu trì[41].
Việc “giáo dục công giáo[42] là hình thức loan báo nhờ đó trẻ em và thanh thiếu niên đạt tới «sự viên mãn của đời sống Kitô giáo»[43], phát triển một cách hài hòa những tài năng thể lý, luân lý và trí tuệ, nhờ đó «có khả năng tham gia tích cực vào đời sống xã hội»[44].
Nhiệm vụ này trước hết là của cha mẹ công giáo[45], cũng như của các trường học công giáo[46]. Về phần mình, các chủ chăn có nghĩa vụ «lo liệu thế nào để mọi tín hữu đều được hưởng một nền giáo dục công giáo»[47]. Nếu trong giáo xứ cũng như giáo hạt không có các trường học đảm nhận một nền giáo dục thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, thì cha xứ có thể lo liệu cách khác[48]. Chúng ta hiểu được tại sao giáo xứ, với những phương tiện thuận lợi (nhân sự, trường lớp, các khóa đào tạo), có thể cung ứng cho trẻ em một nền giáo dục toàn diện[49].
Cũng phải đặc biệt nhấn mạnh khả năng đóng góp của các dòng tu trong lĩnh vực giáo dục công giáo này, nhất là những hội dòng có sứ mệnh chuyên về giáo dục[50].
Sau hết, việc loan báo cho “những người không còn thực hành việc sống đạo nữa hoặc không tuyên xưng đức tin chân thật” bao gồm hai lãnh vực khác nhau : trước hết là những người «vì hoàn cảnh sống không được hưởng nhờ đầy đủ sự chăm sóc mục vụ chung và thông thường, hoặc hoàn toàn không được hưởng gì»[51], thí dụ những công nhân đi làm những ca đặc biệt, những bệnh nhân, những tín hữu không hành đạo, những người không tin ; lãnh vực thứ hai liên quan đến những tín hữu không công giáo, tuy cách hành văn không được
đẹp lắm[52].
Cha xứ và giáo xứ phải loan báo cho tất cả những ai «đang sinh sống trong giáo xứ». Có thể nói điều kiện duy nhất để một tín hữu hay một người được loan báo Lời Chúa là thuộc về giáo xứ theo tiêu chuẩn lãnh thổ, nghĩa là có cư sở hay bán cư sở[53], và không cần phải hội đủ những điều kiện chủ quan khác, như đời sống tốt lành hay đang thực hành đạo. Sở dĩ thế là do đặc tính phổ quát của việc loan báo Tin Mừng và do bản chất của giáo xứ là truyền giáo[54].
  1. Linh mục quản xứ
trong việc chăm sóc sự “hiệp thông bí tích”
1.2.1. Linh mục quản xứ phải lo liệu
Điều 528 § 2 mô tả nghĩa vụ của cha xứ như người cổ võ cho sự “hiệp thông bí tích” như sau :
«Cha xứ phải liệu sao để Thánh Thể trở thành trung tâm của việc tập họp các tín hữu trong giáo xứ ; ngài phải cố gắng lo cho các Kitô hữu được nuôi dưỡng nhờ việc sốt sắng cử hành các bí tích, và nhất là thường xuyên đến gần bí tích Thánh Thể và bí tích sám hối ; ngài cũng phải cố gắng hướng dẫn cho họ biết cầu nguyện ngay trong gia đình và biết ý thức tích cực tham gia vào việc phụng vụ thánh, mà ngài, là cha xứ, phải điều hành trong giáo xứ của ngài, dưới quyền Giám mục giáo phận, và ngài phải canh chứng đừng để xảy ra một sự lạm dụng nào».
Điều 528 § 2 này có nguồn gốc từ Sắc lệnh về Giám mục, số 30, nhưng đã lưu ý đến những hoàn cảnh cụ thể. Thí dụ điều luật không nói “việc cử hành Thánh Thể”, mà “Thánh Thể” là trung tâm của cộng đoàn, bởi lẽ «có những nơi, vì thiếu linh mục hoặc quá xa xôi, không thể cử hành thánh thể; và tín hữu chỉ có thể quây quần chung quanh Thánh Thể để cầu nguyện»[55].
Điều luật đòi cha xứ phải quan niệm giáo xứ trước hết không phải như những “trạm dịch vụ”[56], mà là cộng đoàn hiệp nhất chung quanh Thánh Thể và kinh nguyện. Dù không quên những khía cạnh khác, như loan báo tin mừng (đđ. 781-792), thực thi bác ái (đ. 529 § 1), Giáo luật khẳng định rằng tất cả mọi bí tích cũng như mọi công việc tông đồ của Giáo Hội đều qui hướng về Thánh Thể[57]. Thánh thể là bí tích tự hiến tuyệt vời bởi tình yêu của Đức Kitô cho Chúa Cha và cho nhân loại, đến nỗi Ngài đảm nhận trong hy lễ của Ngài chính việc tận hiến của chúng ta[58]. Việc cử hành Thánh Thể vừa là hành vi của Đức Kitô vừa là hành vi của Giáo Hội : «Với tư cách là hành vi của Giáo Hội, thì Giáo Hội, hiền thê và tác viên của Chúa Kitô, dâng hiến Ngài cho Chúa Cha, đồng thời dâng hiến chính Hội Thánh cho Người»[59].
Do đó, hiệu quả pháp lý đầu tiên là tất cả mọi tín hữu đều là chủ thể của bí tích Thánh Thể (cũng như của hành vi phụng vụ nói chung) : cha xứ không được làm tất cả, chúng ta lặp lại một lần nữa, mà Ngài phải làm thế nào để các tín hữu khác cùng tham dự và cùng hành động trong cử hành phụng vụ. Trong cộng đoàn phụng vụ nhiều tác viên khác nhau cùng hành động : cha chủ sự, người giúp lễ, người đọc sách, ca viên hát thánh vịnh…  Theo chỉ dẫn của điều 837 § 2, đấy không chỉ vì lý do thực dụng cụ thể, mà là đòi hỏi mang tính giáo hội, vì mọi tín hữu đều có nghĩa vụ tham gia vào sứ mạng Giáo Hội.
Hệ quả khác là cha xứ không chỉ có nghĩa vụ cử hành nghi thức phụng vụ cho đúng, mà nhất là phải làm nảy nở nơi người tín hữu một đời sống phụng vụ và cầu nguyện với ý thức và xác tín[60]. Nói cách khác, ngài phải cố gắng làm triển nở đức tin nơi các tín hữu, chống lại thói vụ hình thức trong phụng vụ[61].
Ngoài ra, cha xứ phải giúp thanh luyện những sai lạc trong các việc đạo đức bình dân[62]. Về điều này, tông huấn Loan báo Tin Mừng đã đưa ra chỉ dẫn như sau: «Phải có sự bén nhạy, biết đón nhận những chiều kích nội tâm và những giá trị không thể chối bỏ được, phải sẵn sàng giúp họ vượt qua những nguy cơ sai lạc. Nếu được hướng dẫn tốt, lòng đạo đức bình dân này luôn luôn có thể ngày càng trở thành một cách thực sự giúp quần chủng đông đảo gặp gỡ Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô»[63].
Một vấn đề tế nhị đối với các cha xứ, là có nên chấp nhận cho những người có vẻ không có đức tin được đón nhận bí tích không. Ngoài những trường hợp nghiêm trọng và tỏ tường chắc chắn gây gương mù gương xấu cho giáo dân, mà  giáo luật qui định cấm không được lãnh nhận bí tích[64], thì có chỉ dẫn cho cha xứ một giải pháp khác, đòi ngài phải có thái độ mục vụ kiên nhẫn hơn[65] : Ngài phải cố gắng khơi lại và soi sáng đức tin cho những ai đến xin lãnh nhận bí tích, «nhất là với thừa tác vụ lời Chúa, qua đó đức tin nảy sinh và được nuôi dưỡng»[66].
Tiếp theo, một vấn đề liên quan đến việc chu toàn một vài nhiệm vụ, hay đúng hơn, một vài “cử hành”, được trao phó đặc biệt cho cha xứ ở điều 530. Trong khi CIC 17, đ. 462 đã dành riêng cho một mình cha xứ, thì đ. 530 của CIC 83 cho thấy những cử hành ấy có thể được thực hiện bởi các linh mục khác[67], miễn là được sự đồng ý của cha xứ. Điều quan trọng là được cử hành đúng đắn, chứ không nhất thiết phải bởi đích thân cha xứ. Từ đó nảy sinh vấn đề : cha xứ có thể trao phó hoàn toàn cho các linh mục khác và không bao giờ cử hành, miễn là bảo đảm có các linh mục khác cử hành thay cho Ngài không ?
Qui định của điều 530 nhắm trước hết đảm bảo cho cộng đoàn giáo xứ quyền được lãnh nhận các bí tích[68] ; và trong trường hợp cha xứ bị ngăn trở, ngài có thể nhờ một linh mục khác cử hành. Nhưng không được quên “ý hướng” (mens) hàm ngụ trong điều 530, đó là cha xứ phải ưu tiên cử hành hơn những linh mục khác, vì Ngài là “chủ chăn riêng” duy nhất của giáo xứ được trao phó cho Ngài, chứ không phải các linh mục khác cư ngụ trong giáo xứ[69]. Hơn nữa, việc áp dụng điều 530 cho thấy tầm quan trọng của chức vụ quản xứ với việc chăm sóc mục vụ đầy đủ cho cộng đoàn giáo xứ ; «điều linh mục quản xứ làm trong lĩnh vực này nói lên điều Ngài đối với cộng đoàn của Ngài»[70]. Thật vậy, đây là việc cha xứ gặp gỡ trực tiếp với giáo dân của Ngài vào những thời điểm quan yếu của đời sống họ : sinh ra (xem số 1), chọn bậc sống (x. số 4) và lúc chết (x. các số 2,3,5) ; ngoài ra là những cử hành phụng vụ chính yếu, trong đó cả cộng đoàn giáo xứ tụ họp (x. số 6-7).
1.2.2.  Linh mục quản xứ phải làm gì :
           “điều hành” phụng vụ trong giáo xứ.
Điều 528,2 qui định rõ ràng cha xứ phải điều hành, nghĩa là ấn định và linh hoạt đời sống phụng vụ của giáo xứ, dưới quyền giám mục giáo phận :
«Cha xứ cũng phải cố gắng hướng dẫn cho họ biết […] ý thức tích cực tham gia vào việc phụng vụ thánh mà ngài, là cha xứ, phải điều hành trong giáo xứ của ngài, dưới quyền Giám mục giáo phận, và ngài phải canh chừng đừng để xảy ra một sự lạm dụng nào».
Dưới quyền giám mục giáo phận
Trong phạm vi phụng vụ, Giám mục giáo phận có thể ban hành những qui tắc mà mọi người trong giáo phận và trong giới hạn thẩm quyền của ngài, buộc phải tuân giữ. Trái lại, cha xứ không có quyền ra luật trong phạm vi phụng vụ. Nhiệm vụ của Ngài là thi hành những qui định đã được Tòa Thánh phê chuẩn, những luật lệ thích nghi của Hội đồng Giám mục và những qui tắc của Giám mục giáo phận. Cha xứ phải tuân theo những chỉ dẫn phụng vụ và mục vụ của Giám mục và sống hiệp thông phẩm trật với Ngài.
Trong cuộc tranh luận của Ủy ban Tu chỉnh giáo luật về điều 528, đã có những nhận xét đặc biệt về từ ngữ “điều hành” trong vai trò của cha xứ như sau : «Từ ngữ “điều hành” có nghĩa là ra những luật lệ về phụng vụ, là nhiệm vụ không thuộc quyền cha xứ, mà thuộc quyền Đức Thánh Cha hay Giám mục giáo phận»[71].
Do đó, nhiệm vụ của cha xứ trước hết là áp dụng luật. Nhưng ngài cũng được dành cho một khoảng không gian rộng rãi bên trong những gì đã được luật qui định, nghĩa là có quyền thích ứng những luật đó. Thí dụ, nếu luật chung đòi điều kiện để rửa tội cho trẻ em, phải có «hy vọng là em sẽ được giáo dục trong đạo công giáo»[72], thì cha xứ không có quyền qui định một kỷ luật khắt khe hơn, thí dụ đòi phải có sự “chắc chắn luân lý[73]. Trái lại, ngài có thể ấn định cha mẹ em phải đến gặp ngài để biết chắc là họ sẽ đảm nhận trách nhiệm giáo dục đức tin cho con cái mình theo qui tắc của điều 868. Do đó, “điều hành” cũng có nghĩa là cha xứ phải ứng dụng qui tắc phụng vụ vào những hoàn cảnh cụ thể của giáo xứ.
Trong những trường hợp hồ nghi hay khó xử, cha xứ có quyền và nghĩa vụ tham khảo hoặc xin Giám mục giáo phận can thiệp, vì Giám mục có nghĩa vụ qui định hay thay đổi những qui định không còn phù hợp, đồng thời rõ ràng ngài cũng có nhiều cách thức và thẩm quyền hơn để can thiệp.
Với sự cộng tác của các linh mục khác
Với tư cách là người điều hành, cha xứ có quyền và nghĩa vụ yêu cầu cũng như điều hợp hoạt động của các linh mục mà vì chức vụ hay trong một trường hợp nào đó cử hành phụng vụ trong giáo xứ. Cách diễn tả mới mẻ trong điều 530 (“được ủy thác đặc biệt”, thay vì “dành riêng”) vừa làm nổi bật trách nhiệm của cha xứ vừa đề cao sự cộng tác của các linh mục khác cũng như của giáo dân trong lĩnh vực này.
Dung mạo và sự cộng tác của các cha phó được ấn định ở các đđ. 545 và 548. Dung mạo của các cộng sự viên khác thì không rõ lắm : đôi khi Giám mục giáo phận yêu cầu một linh mục cộng tác trong những trường hợp nhất định ; nhưng đa phần chính cha xứ đi mời các linh mục giúp đỡ. Tất cả những linh mục này không thi hành một tác vụ độc lập, mà tuân theo những qui định của cha xứ.
Bảo đảm cử hành phụng vụ cho giáo dân
Vì là người “điều hành”, nên cha xứ phải qui định cụ thể việc phụng tự trong giáo xứ của ngài. Chính ở đây mà áp dụng nghĩa thứ hai của "điều hành", nghĩa là ứng dụng qui tắc phụng vụ vào những hoàn cảnh cụ thể của giáo xứ, thí dụ ấn định giờ lễ, phân chia công tác phụng vụ, cách thức cử hành sinh động, … Như đã thấy, ngài phải đảm bảo ít là những cử hành đã được qui định ở điều 530[74] : rửa tội, thêm sức trong trường hợp nguy tử, đem của ăn đàng và ban phép lành Tòa Thánh cho bệnh nhân, chứng hôn và chúc lành hôn phối, cử hành lễ an táng, làm phép giếng rửa tội trong mùa phục sinh, chủ sự các cuộc rước ngoài nhà thờ và ban phép lành trọng thể ngoài nhà thờ, cử hành Thánh Thể trọng hơn vào các ngày Chúa nhật và lễ buộc.
Những chỉ dẫn này nhằm bảo đảm sự độc lập chính đáng cho các tín hữu trong sinh hoạt cầu nguyện và bí tích, trong tư cách cá nhân cũng như tập thể : thí dụ, nếu một giáo dân xin cha sở đến xức dầu cho một bệnh nhân tại nhà họ và cha xứ không muốn đi, cũng không nhờ một linh mục khác giúp, thì ngài vi phạm một quyền lợi chính đáng của tín hữu. Đồng thời, người này có quyền đến với các linh mục khác, nếu cha xứ bị ngăn trở, và ngài phải nhìn nhận quyền của người tín hữu ấy[75].
  1. Linh mục quản xứ
trong việc chăm sóc sự hiệp thông đức ái mục vụ
Công việc mục vụ của cha xứ được qui định ở điều 529 trong hai khoản : khoản 1 nói đến nghĩa vụ chăm sóc mục vụ, khoản 2 liên quan đến nghĩa vụ cổ võ sự hiệp thông Giáo Hội. Điều 529 § 1 như sau :
«Để nhiệt thành chu toàn trách nhiệm chủ chăn, cha xứ phải cố gắng tìm hiểu các tín hữu đã được trao cho ngài coi sóc ; ngài cũng phải đi thăm các gia đình, chia sẻ những nỗi lo âu, nhất là những ưu tư và tang tóc của các tín hữu, bằng cách nâng đỡ họ trong Chúa và sửa dạy họ cách khôn khéo, nếu họ có sai sót cách nào đó ; ngài phải giúp đỡ những người đau yếu, nhất là những người đang hấp hối với một lòng bác ái vô biên, bằng cách ân cần ban các bí tích tăng sức cho họ và phó dâng linh hồn họ cho Thiên Chúa ; ngài phải đặc biệt quan tâm đến những người nghèo, những người bệnh tật, những người cô đơn, những người tha hương, cũng như những người đang gặp những khó khăn đặc biệt ; ngài cũng phải ra sức nâng đỡ các bậc vợ chồng và các bậc cha mẹ trong việc chu toàn bổn phận riêng của họ và phải cổ vũ sự thăng tiến đời sống Kitô giáo trong gia đình».
Điều luật này gồm những qui định mang tính luân lý và mục vụ. Mục đích cổ võ công việc mục vụ theo nghĩa hẹp, nghĩa là những việc hướng đến đời sống cụ thể của người tín hữu.
Giá trị được đề cao là “đức ái mục tử[76], mà cha xứ phải thể hiện qua tương quan cá nhân cũng như với cả cộng đoàn giáo xứ[77] : «cha xứ phải hiểu biết các tín hữu đã được trao cho ngài coi sóc». Từ thời Công đồng Trento, đã kêu gọi các cha xứ nhiệt thành noi gương Đức Kitô mục tử tốt lành : «Luật Chúa buộc tất cả các vị chủ chăn coi sóc các linh hồn phải biết con chiên của mình»[78]. Đây là một cái “biết” trực tiếp, gần gũi, kể cả “thân tình”, diễn tả qua sự liên đới và chia sẻ. Do đó, là một cái “biết” cho phép cha xứ gần gũi với những hoàn cảnh được liệt kê : gia đình, bệnh nhân, người nghèo khó, các đôi bạn và cha mẹ.
Việc thăm viếng các gia đình, không vì xã giao hay phép lịch sự, nhưng mang tính “bí tích” vì là dấu chỉ và dụng cụ cho việc Thiên Chúa viếng thăm dân Người, được đề nghị với hai mục tiêu : để «chia sẻ những nỗi lo âu của các tín hữu, nhất là những ưu tư và tang tóc của họ», đồng thời để «an ủi họ trong Chúa, và khôn khéo sửa dạy họ». Mặc dù bối cảnh xã hội đô thị hóa ngày nay khiến cha xứ hầu như không thể thăm viếng hết mọi tín hữu trong giáo xứ của mình, nhưng sự kiện này không hề làm cho khoản luật mất đi ý nghĩa của nó. Sự khôn ngoan và thận trọng buộc cha xứ vì ích lợi các linh hồn phải cùng với các tín hữu nhiệt thành tìm ra cách thức tốt nhất để chu toàn nghĩa vụ này, ít là vào những dịp thuận tiện như khi có người tín hữu đến xin cử hành một vài việc phụng vụ, nhất là lễ an táng, bí tích,v.v…
Cha xứ còn phải quan tâm đặc biệt đến những người phải chịu đau khổ về thể lý, tâm lý cũng như vật chất : những người đau yếu, hấp hối, túng nghèo, bị bỏ rơi, những người tha hương cũng như những người đang gặp khó khăn đặc biệt.
Cuối cùng, khoản luật trở lại lãnh vực gia đình và khuyên cha xứ dấn thân «để các đôi vợ chồng và các bậc cha mẹ được nâng đỡ trong việc chu toàn bổn phận riêng của họ» và «cổ vũ sự thăng tiến đời sống Kitô giáo trong gia đình». Việc trở lại chủ đề gia đình là vì gia đình ngày nay đang gặp khủng hoảng tận gốc rễ, và vì vai trò mục vụ quan trọng Giáo Hội nhận ra nơi các gia đình[79].
Chúng ta có hai nhận xét. Trước hết, không hiểu tại sao trong điều khoản này lại không yêu cầu cha xứ kêu gọi “sự hợp tác của giáo dân” trong công việc bác ái của ngài, như đã qui định ở điều 528 § 1 về việc giáo dân hợp tác trong việc rao giảng phúc âm và dạy giáo lý. Phải chăng nhà lập pháp, sau khi đã định nghĩa giáo xứ như “cộng đoàn tín hữu” ở điều 515 § 1, và ở điều 519 đã phác họa dung mạo cha xứ như người thi hành trách nhiệm chăm sóc mục vụ “với sự giúp đỡ của giáo dân”, thì ở đây dường như lại quên đi, để chỉ đề cập đến vai trò của cha xứ, cha phó, và không nhắc gì đến sự đồng trách nhiệm và cộng tác của giáo dân ?
Nhận xét thứ hai liên quan đến cách hành văn : khi bỏ câu «cha xứ buộc phải lo liệu để»[80] ở đầu bản văn, điều luật đã khiến bản văn không còn tính bó buộc, hay đúng hơn, không bó buộc về phương diện pháp lý, cho dù không vì thế mà có thể kết luận là cha xứ có thể “nhiệm ý”. Dù không bị một hình phạt nào riêng biệt, nhưng chắc chắn nếu cha xứ, không có lý do chính đáng, lại bỏ qua những công việc của tác vụ đức ái mục vụ khiến thiệt hại cho người khác[81], thì có thể bị giải nhiệm theo qui tắc của các điều 1740 và 1741.
Dù sao, điều 529 thật sự cần thiết và ích lợi. Nó đánh dấu giáo huấn của thánh Augustino, theo đó thừa tác vụ linh mục là một “thừa tác vụ đức ái” (amoris officium). Đức ái mục tử thôi thúc cha xứ ưu tiên chọn người nghèo. Ngài, dù «không loại trừ bất cứ ai khỏi sứ vụ loan báo và thông truyền ơn cứu độ, nhưng ngài tự nguyện cúi mình trên những người bé nhỏ… theo gương mẫu của Đức Giêsu»[82].
  1. Linh mục quản xứ
trong việc chăm sóc sự “hiệp thông kỷ luật”
Đức ái mục vụ cũng thúc đẩy cha xứ xây dựng sự hiệp thông kỷ luật trong cộng đoàn giáo xứ. Tuy nhiên, ngài thi hành kỷ luật một cách “mục vụ”, nghĩa là vì “phần rỗi các linh hồn”, là luật tối thượng và bất khả nhượng trong Giáo Hội[83]. Chúng ta sẽ cứu xét trước hết danh xưng “chủ chăn riêng” mà Giáo luật dành cho cha xứ, sau đó xét đến nghĩa vụ của ngài trong việc cổ võ sự “hiệp thông kỷ luật”.
1.4.1. Linh mục quản xứ, “chủ chăn riêng”
Bộ Giáo Luật 83 dùng thuật ngữ “chủ chăn riêng” bốn lần[84], trong đó hai lần áp dụng cho cha xứ[85]. Trong hai trường hợp áp dụng cho cha xứ này, thuật ngữ mang tính pháp lý rõ ràng. Đối chiếu với cách dùng ở đ. 370 và với những khuôn mặt “đại diện tông tòa”, “phủ doãn tông tòa”, hay “giám quản tông tòa” ở điều 371 §§ 1-2, chúng ta được phép suy ra rằng : cha xứ, với tư cách là “chủ chăn riêng”, thi hành chức vụ quản xứ “nhân danh chính mình”[86].
Sắc lệnh về GM số 30a (một trong các nguồn của đđ. 515 § 1 và 519) và GM số 11b đã áp dụng danh xưng “chủ chăn riêng” cho cha xứ và Giám mục giáo phận. Nếu Giám mục giáo phận là “chủ chăn riêng” của giáo phận, thì cha xứ là “chủ chăn riêng” của cộng đoàn giáo xứ của ngài. Ngài không là chủ chăn của giáo xứ nhân danh Giám mục giáo phận, mà “nhân danh chính mình” và “dưới quyền Giám mục”[87]. Trong việc thi hành chức vụ quản xứ, cha xứ lệ thuộc Giám mục giáo phận về phẩm trật, nhưng không thi hành chức vụ ấy nhân danh giám mục. Những việc làm của cha xứ không qui chiếu về Giám mục cùng một cách thức như trường hợp Tổng đại diện hay Đại diện giám mục trong việc thực thi quyền hành pháp[88].
Trong trường hợp nhiều giáo xứ được ủy thác cho sự chăm sóc mục vụ của một cha xứ[89], hay một hoặc nhiều giáo xứ được ủy thác cách liên đới cho sự chăm sóc mục vụ của nhiều tư tế[90], thì cha xứ hay đồng-quản xứ là các “chủ chăn riêng” theo nghĩa pháp lý, nghĩa là đảm trách việc chăm sóc mục vụ “nhân danh chính mình”.
1.4.2. Linh mục quản xứ
           và sự “hiệp thông kỷ luật
Cha xứ là chủ chăn nhân danh chính mình, nhưng chắc chắn không “độc lập” với Giám mục giáo phận. Vì tham gia vào sứ mạng của Giám mục và là thành viên của linh mục đoàn, cha xứ phải quan tâm đến lợi ích của toàn thể Giáo Hội. Vì lý do này mà ngài phải cổ võ kỷ luật chung của toàn thể Giáo Hội, và phải thúc bách việc tuân giữ tất cả mọi luật  lệ của Giáo Hội. Kỷ luật Giáo Hội không gì khác hơn là «diễn tả sự hiệp thông mà Chúa Kitô ban cho Giáo Hội ngài»[91]. Kỷ luật Giáo Hội không thay thế đức tin, các đoàn sủng, và nhất là đức ái của các tín hữu. Trái lại, mục đích của kỷ luật Giáo Hội đúng hơn «là thiết lập một trật tự trong cộng đồng Giáo Hội, chẳng hạn như khi xếp đức ái, ân sủng và các đoàn sủng vào hàng đầu, Bộ Giáo Luật đồng thời cũng làm đức ái, ân sủng và các đoàn sủng được phát triển dễ dàng hơn trong đời sống của cộng đồng Giáo Hội»[92].
Cha xứ phải canh chừng để không xảy ra những lạm dụng, nhất là trong việc thi hành tác vụ Lời Chúa, trong việc cử hành các bí tích và á bí tích, trong phụng tự công và trong việc quản trị tài sản[93]. «Những sáng kiến tùy tiện, chủ quan, thiếu chuẩn bị, bất tuân trong việc cử hành Thánh Thể sẽ dẫn đến những mâu thuẫn rõ ràng đi ngược lại chính bản chất của bí tích Thánh Thể»[94].
Điều hành giáo xứ của mình một cách tốt đẹp, theo nguyên tắc mục vụ đã được Huấn Quyền lưu ý[95], cha xứ góp phần vào lợi ích của toàn thể dân Chúa.
1.4.3.  Linh mục quản xứ, người tiên phong
           thi hành sự “hiệp thông kỷ luật”
Ý thức mình cũng phải tuân hành kỷ luật Giáo Hội, cha xứ sẵn sàng tuân theo với tinh thần trách nhiệm các qui định của Giáo luật. Thí dụ: nghĩa vụ phải ở trong nhà xứ gần nhà thờ[96], một đời sống chung «làm gương cho các tín hữu về đức ái và hiệp nhất»[97]; nghĩa vụ cử hành Thánh lễ cho đoàn dân đã được trao phó cho mình[98]; nghĩa vụ về sổ sách giáo xứ, nghĩa vụ chứng thực các giấy tờ, văn thư, và nghĩa vụ đối với văn khố giáo xứ[99], một nghĩa vụ không những quan tâm để sổ sách được ghi chép cẩn thận và lưu giữ kỹ lưỡng, mà còn phải ghi chú cẩn thận các chi tiết liên quan đến rửa tội[100], thêm sức[101], truyền chức[102], phép chuẩn về hôn nhân không hoàn hợp[103], hôn phối đã cử hành[104], khấn dòng[105], miễn chuẩn ngăn trở hay thể thức hôn nhân trong trường hợp
nguy tử[106].
  1. Linh mục quản xứ “lãnh đạo” một cộng đoàn
là chủ thể đồng trách nhiệm
Nhiệm vụ của chủ chăn không chỉ thu hẹp trong việc chăm sóc từng cá nhân tín hữu, mà còn lan rộng tới việc huấn luyện một cộng đoàn Kitô hữu đích thực[107]. Điều 529 § 2 minh định nhiệm vụ của cha xứ trong việc cổ vũ tinh thần Giáo Hội, hay gọi là tinh thần “cùng hành động”. Điều 529 § 2 qui định :
«Cha xứ phải nhận biết và cổ vũ phần đóng góp riêng của giáo dân trong sứ mạng của Giáo Hội, bằng cách cổ động các hội đoàn của họ nhằm các mục tiêu tôn giáo. Ngài phải cộng tác với Giám mục của mình và với linh mục đoàn của giáo phận, và ngài cũng phải làm sao để các tín hữu biết quan tâm đến sự hiệp thông trong giáo xứ, để họ cảm thấy mình vừa là thành phần của giáo phận, vừa là thành phần của Giáo Hội phổ quát, và để họ biết tham gia và nâng đỡ những công cuộc nhằm mục đích cổ vũ sự hiệp thông đó».
2.1. Cổ “vai trò riêng” của giáo dân
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cha xứ về phương diện này là nhìn nhận vai trò riêng của người giáo dân trong Giáo Hội. Điều 529 § 2, hầu như lặp lại nguyên văn một đoạn trong Sắc lệnh về Linh mục, số 9b[108], qui định cha xứ có nghĩa vụ nhìn nhận và cổ võ vai trò riêng của giáo dân trong sứ mạng của Giáo Hội, thậm chí “trong Giáo Hội”[109].
Vì thế, trong khi thi hành việc chăm sóc mục vụ, cha xứ không được làm tất cả. Những công việc nào không đòi hỏi chức thánh thì có thể và phải để cho giáo dân làm[110]. Có lẽ nên dự trù một chương trình mục vụ trong đó phân chia công tác rõ ràng cho các tác vụ khác nhau[111].Về phần mình, cha xứ phải giúp các tín hữu khám phá ra những công việc phù hợp với từng người, nghĩa là phù hợp với đặc sủng và ơn gọi của họ ; ngoài ra, ngài cũng phải huấn luyện cho họ có khả năng chu toàn những công việc ấy, và phối hợp những công việc khác nhau của họ, làm sao để mỗi người có thể thực sự đóng vai trò tích cực của mình, và mỗi công việc được thực hiện một cách trật tự.
«Cha xứ phải nhận biết và cổ vũ phần đóng góp riêng của giáo dân trong sứ mạng của Giáo Hội, bằng cách cổ động các hội đoàn của họ nhằm các mục tiêu tôn giáo».
Khoản luật này thật tuyệt vời, thật phấn khởi. Cha xứ được mô tả như chủ chăn, vì giúp các tín hữu khám phá ra “vai trò riêng” của mình, nghĩa là khám phá những đặc sủng riêng của mỗi người, và thể hiện trong đời sống của giáo xứ.
Việc nhìn nhận và cổ vũ “vai trò riêng” của người giáo dân trong Giáo Hội chưa được thực hiện hiệu quả trong một vài giáo xứ, mà vì nhiều lý do khác nhau, chỉ xây dựng trên cha xứ là người độc đoán, toàn năng, ôm đồm tất cả mọi công việc và đặc sủng.
2.2. Cổ động các hiệp hội giáo dân
Điều 529 § 2 tiếp tục xác định rằng việc nhìn nhận và cổ vũ vai trò giáo dân có thể đạt được qua việc cổ võ các hội đoàn giáo dân nhằm các mục tiêu tôn giáo. Không loại trừ hình thức tham gia cá nhân, khoản luật đề cao sự tham gia tập thể qua việc qui định nghĩa vụ của cha xứ phải cổ võ nó[112].
Lời khuyến dụ về tinh thần hiệp thông có giá trị đặc biệt đối với các hiệp hội tín hữu, vì họ dễ rơi vào nguy cơ tự cho mình là đủ, và do đó giảm thiểu tương quan với cộng đoàn giáo xứ cũng như giáo phận.
2.3.  Cổ vũ sự hiệp thông giáo xứ,
  giáo phận cũng như hoàn vũ.
Trong tư cách là mục tử của giáo xứ, cha xứ cũng có nghĩa vụ dấn thân để người tín hữu biết nỗ lực cổ võ sự hiệp thông giáo xứ, để họ cảm thấy mình vừa là thành viên của giáo phận vừa là thành viên của Giáo Hội phổ quát, và để họ biết tham gia và nâng đỡ những công cuộc nhằm mục đích cổ vũ sự hiệp thông đó. Dựa trên sắc lệnh Giám mục, số 30,1a, điều 529 § 2 đã thêm vào «để các tín hữu biết quan tâm đến sự hiệp thông trong giáo xứ», và đặt vào trước cảm thức thuộc về giáo phận và Giáo Hội phổ quát[113]. Giáo xứ, nếu không muốn phản bội chính mình, phải là một cộng đoàn hướng mở tự bên trong, nghĩa là cởi mở với các nhóm, các hiệp hội, các phong trào trong giáo xứ, đồng thời cũng hướng mở ra bên ngoài, nghĩa là với giáo phận và Giáo Hội phổ quát.
Do đó, cha xứ phải huấn luyện các tín hữu có một cảm thức hiệp thông chính đáng : không chủ trương “cá đối bằng đầu”, ai cũng bằng ai, – vì cộng đoàn “Giáo Hội” tự bản chất là phẩm trật –, nhưng cũng không cổ võ cho một thứ tinh thần tự tôn tự mãn, nghĩa là mỗi giáo xứ tự cho mình là hoàn hảo, và chẳng cần phải mở ra với ai. Trái lại, với cảm thức Giáo Hội chân chính, người ta biết hòa mình vào hành trình của một Giáo Hội không ngừng được dệt nên bởi muôn vàn cộng tác khác nhau và bởi tinh thần dấn thân phục vụ công ích của Giáo Hội[114].
2.4   Linh mục quản xứ “lãnh đạo” cộng đoàn giáo xứ
           được hiểu như chủ thể đồng trách nhiệm
Trong nhãn quan này, cha xứ được quan niệm như “vị lãnh đạo” của cộng đoàn giáo xứ được hiểu như một “chủ thể cộng đồng”, và như vậy vừa đề cao vai trò giáo dân, vừa đề cao vai trò cha xứ :
«Thay vì “mục tử”, chúng ta nên gọi là “người đứng đầu” hay “vị lãnh đạo” (hay gọi là “mục tử”, nhưng hiểu theo nghĩa “người đứng đầu” hay “vị lãnh đạo”). Thật vậy, từ “mục tử” làm liên tưởng tới từ “đoàn chiên”, và có thể dẫn đến một cách nhìn không đúng, khi quá nhấn mạnh hoạt động của mục tử cho đoàn chiên, và do đó nhấn mạnh vai trò chủ động của mục tử trong việc ban phát, còn đoàn chiên thì thụ động, chỉ biết đón nhận. Trái lại, từ “người đứng đầu” hay “vị lãnh đạo” mở ra một nhãn quan tương đối khác. Về phương diện tổ chức giáo xứ, nó cho thấy cha xứ đóng vai trò hiệp nhất các tín hữu của mình, và giáo xứ như một cộng đoàn gồm cả giáo dân cả cha xứ, tất cả giáo dân dưới sự hướng dẫn của cha xứ trong tư cách người đứng đầu hay vị lãnh đạo. Về phương diện hoạt động, nó không đề cao vai trò của cha xứ như người đem ơn cứu độ cho tín hữu, và các tín hữu chỉ lãnh nhận từ cha xứ, mà nhấn mạnh hoạt động phối hợp, dù trong tinh thần phẩm trật, […]»[115].
Quan niệm này về giáo xứ nằm trong chính định nghĩa về giáo xứ, như là “cộng đoàn tín hữu[116] : không chỉ có cha xứ, cũng không chỉ có giáo dân hiểu như các cá nhân, mà là chính cộng đoàn hiểu như là chủ thể tập thể, là dân Thiên Chúa tại địa phương với sứ mạng đã được trao phó.
 
  1. Linh mục quản xứ phục vụ sự “hiệp thông phẩm trật” trong giáo xứ
3.1. Linh mục quản xứ “hiệp thông phẩm trật”
  với Giám mục giáo phận trong linh mục đoàn
Trong vai trò “lãnh đạo”, cha xứ đại diện cho thẩm quyền của Giáo Hội, nhưng luôn phải quy chiếu về Giám mục, hay theo từ ngữ Giáo luật : «dưới quyền Giám mục giáo phận»[117].
Trong lãnh vực chăm sóc mục vụ, thuật ngữ “dưới quyền giám mục giáo phận” diễn tả vừa sự lệ thuộc phẩm trật vừa sự độc lập tương đối của cha xứ đối với Giám mục giáo phận : Giám mục có thẩm quyền bổ nhiệm cha xứ[118]. Trước khi bổ nhiệm, cũng chính Giám mục là người thẩm định khả năng của ứng viên theo qui định của điều 524[119].
Thuộc quyền của Giám mục «sau khi tham khảo ý kiến của hội đồng linh mục, ấn định những qui tắc về việc sử dụng các của dâng cúng, cũng như về khoản thù lao cho các giáo sĩ thực hiện nhiệm vụ mình»[120]. Giám mục giáo phận là người ấn định các qui tắc để đảm bảo, trong lúc cha xứ vắng nhà, có linh mục với những năng quyền cần thiết đảm nhận việc chăm sóc mục vụ giáo xứ[121]. Cũng thuộc thẩm quyền của Giám mục giáo phận ấn định những qui tắc về sổ sách giáo xứ, và về việc kiểm tra những sổ sách ấy khi Giám mục kinh lý hay vào một dịp thuận tiện khác[122].
Giám mục giáo phận có quyền giải nhiệm, thuyên chuyển và chấp thuận việc từ chức của cha xứ[123], cũng như có quyền ra luật cho hội đồng mục vụ[124] và hội đồng kinh tế giáo xứ[125].
Điều 519 có một câu ngắn xác định tương quan phẩm trật về mặt thần học giữa cha xứ và Giám mục giáo phận như sau : «[Cha xứ đã] được kêu gọi để cùng với Giám mục giáo phận chia sẻ thừa tác vụ của Đức Kitô». Tham dự vào chức tư tế và thừa tác vụ duy nhất của Đức Kitô[126] nhờ bí tích truyền chức, các linh mục, cùng với Giám mục giáo phận, làm thành một linh mục đoàn duy nhất với những chức vụ khác nhau. Giám mục giáo phận là chủ chăn của giáo phận với sự cộng tác của linh mục đoàn.
Nền tảng thần học này về linh mục đoàn có thể đặt cơ sở chắc chắn cho một linh đạo của chức tư tế[127]. Trong linh mục đoàn cùng chia sẻ một chức tư tế duy nhất của Đức Kitô, Giám mục là đầu, đồng thời là người đảm bảo sứ vụ trong giáo phận[128]. Các linh mục, đặc biệt cha xứ trong tư cách là thành viên của linh mục đoàn giáo phận, đảm nhận sứ vụ trong phạm vi của mình dưới quyền Giám mục giáo phận[129].
3.2.  Linh mục quản xứ
  phục vụ sự “hiệp thông phẩm trật”
  giữa giám mục và giáo dân
Như “tế bào” của thân mình giáo phận, vì được khai sinh từ sự phân chia giáo phận[130], giáo xứ sống tương quan phẩm trật với giáo phận qua việc phục tùng cha xứ, hiện thân của Giám mục. Qua việc vâng phục cha xứ, các tín hữu biểu lộ sự vâng phục đối với Giám mục giáo phận và với chương trình mục vụ của ngài.
Điều này dẫn đến một vài hệ luận mục vụ quan trọng sau đây : cha xứ phải tạo điều kiện thế nào để tín hữu biết Giám mục và chương trình mục vụ hàng năm của giáo phận ; phải khuyến khích giáo dân góp phần vào sinh hoạt của giáo phận, và sẵn sàng giúp đỡ giáo phận về mặt kinh tế bằng nhiều cách thức và qua nhiều dịp khác nhau, trong đó có “ngày giáo phận”.
  1. SỰ CỘNG TÁC CỦA CÁC LINH MỤC KHÁC
      VÀ GIÁO DÂN
Giáo xứ không chỉ giản lược có việc chăm sóc mục vụ. Ấy vậy mà người ta giản lược, khi chỉ nhìn giáo xứ như một tổ chức hành chánh hay một dịch vụ công cộng, khi chỉ thấy có vai trò của cha quản xứ. Giáo xứ thiết yếu là một cộng đoàn Giáo Hội, trong đó «mọi người đều tham phần» vào sự hiệp thông đời sống thần linh, đồng thời chia sẻ trách nhiệm với sứ mạng của Giáo Hội. Mỗi cộng đoàn giáo xứ được mời gọi để diễn tả sự hiệp thông và đồng trách nhiệm này : hiệp thông và sứ vụ là hai mặt của một thực tại duy nhất là Giáo Hội[131]. Điều này phải được kiểm chứng trong mỗi cộng đoàn giáo xứ. Thực ra, vẫn còn rất ít giáo dân ý thức mình là chính Giáo Hội, và chính họ có trách nhiệm xây dựng Giáo Hội cũng như loan báo tin mừng cho thế giới[132].
Trong bối cảnh mọi tín hữu đồng trách nhiệm này,
cần phân định một vài chức vụ chuyên biệt. Chúng ta sẽ đề cập đến vai trò của các  linh mục, nhất là cha phó, vai trò của các thừa tác viên giáo dân dưới sự lãnh đạo của cha xứ.
  1. Cha phó, cộng sự viên phẩm trật do chức vụ
Trong số các linh mục có thể cộng tác với cha xứ như được nhắc đến ở điều 519, phải nói đến cha phó, là người do chức vụ được mời cộng tác với cha xứ[133].
Bộ Giáo Luật 1983 chỉ nói đến một loại “cha phó” duy nhất (vicarius paroecialis), trong khi Bộ Giáo Luật cũ phân biệt nhiều loại cha phó khác nhau (vicarius paroecialis)[134] : vicarius actualis (trong trường hợp cha xứ là một pháp nhân)[135] ; vicarius oeconomus (cha phó giám quản để điều hành trong trường hợp cha xứ khuyết vị)[136] ; vicarius substitutus (để thay thế cha xứ tạm thời)[137] ; vicarius adiutor (để giúp đỡ cha xứ ốm đau)[138], và sau cùng là vicarius cooperator (tương ứng với cha phó hiện nay của Bộ Giáo Luật 1983)[139]. Điều 545 qui định việc bổ nhiệm, nhiệm vụ và thẩm quyền của cha phó như sau :
« § 1. Mỗi khi xét thấy cần thiết hoặc thuận lợi cho việc chu toàn thích đáng trách nhiệm mục vụ trong một giáo xứ, có thể ban thêm cho cha sở một hay nhiều cha phó ; với tư cách là những cộng tác viên của cha xứ, chia sẻ mối bận tâm của ngài, cùng ngài bàn bạc và nghiên cứu, các vị này phải đảm nhận thừa tác mục vụ dưới quyền ngài. 
§ 2. Một cha phó có thể được đặt để phụ trách toàn bộ thừa tác mục vụ cho toàn thề giáo xứ, hoặc cho một phần nhất định của giáo xứ, hoặc cho một nhóm Kitô hữu nhất định của giáo xứ, hay để đảm nhận việc thi hành một thừa tác vụ nhất định trong nhiều giáo xứ một trật».
Cha phó vừa là người phụ giúp cha xứ trong việc chăm sóc mục vụ, nhưng cũng vừa là cộng sự viên chia sẻ những lo lắng của ngài. Để được bổ nhiệm thành sự, trước hết phải là linh mục[140] ; và phải là linh mục như vậy, vì ngài phải chia sẻ những lo lắng mục vụ, trong tư cách là thành viên của linh mục đoàn cùng chia sẻ sứ vụ với Giám mục[141]. Nhưng chỉ có cha xứ là “chủ chăn riêng” của giáo xứ. Nếu cha xứ là chủ chăn riêng «dưới quyền Giám mục giáo phận»[142], thì cha phó là cộng sự viên của cha xứ «dưới quyền ngài»[143]. Đó là một tương quan cộng tác theo phẩm trật : một đàng, cha phó cùng chia sẻ công việc mục vụ của Giám mục giáo phận, vì là cộng sự viên của Giám mục, «đồng chia sẻ nỗi lo lắng của Giám mục»[144] ; đàng khác, cha phó phải thường xuyên tường trình cho cha xứ về những chương trình mục vụ được hoạch định và đang xúc tiến. Nhưng cha xứ và cha phó “đồng trách nhiệm”, hay đúng hơn “đồng đảm bảo” việc chăm sóc mục vụ cho giáo xứ[145].
Chỉ có một loại cha phó duy nhất, nhưng có thể lưu ý nhiều công việc và phận vụ khác nhau. Loại thứ nhất và cũng là chính yếu[146] là phụ trách toàn bộ thừa tác vụ mục vụ cho toàn thể giáo xứ[147]. Loại hai là phụ trách một phần nhất định của giáo xứ. Loại ba là phụ trách một nhóm tín hữu nhất định, thí dụ thiếu nhi hay giới trẻ. Loại bốn là loại phụ trách một thừa tác vụ nhất định, nhưng đồng thời cho nhiều giáo xứ khác nhau, thí dụ phụ trách giáo lý hôn nhân cho tất cả các người sắp kết hôn trong toàn hạt.
Việc bổ nhiệm cha phó hoàn toàn thuộc quyền Giám mục giáo phận. Nếu xét thấy cần, ngài có thể tham khảo ý kiến của cha xứ hay của các cha xứ của các giáo xứ liên hệ, cũng như của cha quản hạt[148]. Để bổ nhiệm một linh mục tu sĩ, thì chính Giám mục giáo phận bổ nhiệm, nhưng theo đề cử của Bề trên dòng hay ít là được sự chấp thuận của ngài[149]. Có thể bổ nhiệm cho một thời gian hạn định hay không hạn định hoặc cũng có thể “tùy theo sự thẩm định khôn ngoan của nhà chức trách có thẩm quyền”[150].
Những nghĩa vụ và quyền lợi của cha phó được ấn định trước hết bởi luật chung : giúp đỡ cha xứ trong toàn bộ thừa tác vụ của giáo xứ, thay thế ngài trong những trường hợp ấn định, tường trình cho ngài về chương trình mục vụ[151], cư ngụ trong giáo xứ[152], có những quyền lợi tương tự cha xứ liên quan đến thời gian đi nghỉ[153], tôn trọng những qui định về các của dâng cúng nhân dịp thi hành thừa tác mục vụ[154].
Những nghĩa vụ và quyền lợi của cha phó còn được ấn định do qui chế giáo phận, do văn thư của Giám mục giáo phận, và một cách đặc biệt «do sự ủy nhiệm của cha xứ»[155]. Việc Giáo luật nói đến sự ủy nhiệm của cha xứ trước khi cha phó thi hành nhiệm vụ quả là tuyệt vời và tốt đẹp, vì không những nó cho thấy tương quan phẩm trật giữa cha xứ và cha phó, mà còn đảm bảo ngay từ đầu tính khách quan của công việc, đồng thời đặt nền tảng khách quan cho việc thẩm định nếu xảy ra xung đột trong khi thi hành công việc mục vụ.
Về sự chấm dứt nhiệm vụ của cha phó, Giáo luật chỉ minh nhiên nói đến việc giải nhiệm[156], còn những trường hợp khác thì qui chiếu luật chung[157]. Khác với điều 193 §§  1-2, nói đến “lý do nghiêm trọng”, điều 552 chỉ đòi “lý do chính đáng”, tương tự qui định của điều 193 § 3 về việc giải nhiệm một chức vụ đã được ban “theo sự thẩm định khôn ngoan của nhà chức trách có thẩm quyền”. “Lý do chính đáng” xét theo chính bản thân cha phó, cũng như trong tương quan với giáo xứ liên hệ[158].
  1. Sự cộng tác của các linh mục khác
Dù giáo luật không minh nhiên nói đến, nhưng thực tế có nhiều linh mục khác có thể phụ giúp cha xứ. Loại thứ nhất là loại phục vụ giáo xứ bán thời gian, để làm những việc cố định như cử hành thánh lễ ngày thường hay Chúa nhật, thăm viếng bệnh nhân, cử hành Thánh lễ an táng, nói chung là đảm bảo cách nào đó sự hiện hiện thường xuyên của thừa tác vụ giáo xứ, … Ta có thể nghĩ đến các cha già đã về hưu, hay các cha dòng mà, ngoài nhiệm vụ riêng trong dòng, lại sẵn sàng dành thời gian để phục vụ cộng đoàn giáo xứ.
Đây không phải là “giáo vụ” đúng nghĩa như được qui định ở điều 145, mà đúng hơn là một công việc do cha xứ trao phó, và thường có hỏi ý kiến Giám mục giáo phận. Nên có văn bản ấn định ngay từ đầu những công việc của các linh mục tạm gọi là “phụ tá” này : làm gì, trong giới hạn nào, với điều kiện ra sao, … Ấn định rõ như thế ngay từ đầu sẽ giúp cho việc cộng tác được “trong sáng”, và giúp tránh xảy ra xung đột. Thường hiếm khi xảy ra xung đột, vì các linh mục này phục vụ “không công”, lại đã dày dạn kinh nghiệm và khôn ngoan ; nhưng dầu sao cũng có thể gây trở ngại do cách các ngài thi hành nhiệm vụ, hoặc vì thái độ của các ngài trước những định hướng mục vụ của cha xứ hay của chính Giám mục.
Loại hai là các linh mục quản nhiệm nhà thờ như được đề cập ở các đđ. 556-563, tức các tư tế được ủy thác việc coi sóc một nhà thờ không thuộc giáo xứ, cũng không thuộc một cộng đoàn tu sĩ hay một tu đoàn tông đồ nào[159]. Trên nguyên tắc, các tư tế này không phụ trách cộng đoàn, nhưng thực tế các tín hữu lại lui tới nhà thờ của họ. Theo qui định giáo luật, một đàng các tín hữu này có cha xứ riêng của họ theo tiêu chuẩn cư sở[160] ; đàng khác, cha quản nhiệm «không được thi hành trong nhà thờ đã được ủy thác cho ngài những nhiệm vụ thuộc giáo xứ được nói đến ở điều 530, 1o-6o, trừ khi được cha xứ chấp thuận». Nhưng cũng theo Giáo luật, trong nhà thờ của mình cha quản nhiệm có thể thực hiện các cuộc cử hành phụng vụ, kể cả trọng thể, miễn là không gây phương hại cách nào đó cho thừa tác vụ của giáo xứ.
Chỉ nguyên sự hiện diện của một nhà thờ trong lãnh thổ giáo xứ đã đặt ra vấn đề tương quan giữa cha quản nhiệm và cha xứ. Thật đáng ước mong có được sự cộng tác hài hòa vì lợi ích của dân Chúa tại địa phương, như cùng nhau giảng dạy hay giải tội trong những dịp lễ lớn, cùng cộng tác trong việc linh hoạt các nhóm cầu nguyện, v.v…
Một loại cộng tác viên khác là các cha tuyên úy phụ trách các cộng đoàn trong phạm vi giáo xứ được nói đến ở các đđ. 564-572, như trường học, bệnh viện, trại giam, hay những nhóm ngoại kiều. Theo đ. 571, cha tuyên úy, trong khi thi hành trách nhiệm mục vụ, phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cha xứ. Không loại trừ việc cha tuyên úy có thể cộng tác vào công việc mục vụ giáo xứ, tất nhiên một cách giới hạn và theo ủy nhiệm của cha xứ. Thường đây là một “công việc”, chứ không là “giáo vụ”, nhưng nói chung là một hứa hẹn cho công việc mục vụ chung của giáo xứ.
Ngoài ra, cha xứ còn có thể được sự cộng  tác từ phía các cha trợ úy[161] hay các cha linh hướng[162] của các hiệp hội trong giáo xứ, như của Công giáo tiến hành, Hướng đạo công giáo, Legio Marie, các hội Hiền mẫu, các hiệp hội Thánh mẫu. Sự cộng tác của các linh mục này trong mục vụ giáo xứ, tuy giới hạn, nhưng nói chung có thể đem lại cho giáo xứ một sự phong phú đa dạng.
  1. Sự cộng tác của các thừa tác viên giáo dân
trong cộng đoàn giáo xứ
Giữa lòng giáo xứ, người giáo dân cộng tác vào việc chăm sóc mục vụ không chỉ vì ấn tín rửa tội hay do các đoàn sủng được ban, mà còn vì một sứ mạng nhân danh Giáo Hội, một khi họ được nhận thấy là có khả năng xứng hợp[163]. Trong trường hợp này, họ thi hành những thừa tác vụ thực thụ ; không phải là những “thừa tác vụ định chế” như được đề cập trong tự sắc Ministeria quaedam, cũng không phải thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ được nói đến ở Giáo luật, đ. 230 § 1, mà đúng hơn là những “thừa tác vụ được cộng đoàn Giáo Hội thừa nhận”. Những thừa tác vụ này được Giáo Hội thừa nhận cho tính cách bền vững, tính cách liên quan trực tiếp tới chức tư tế chung của người tín hữu, cũng như tính cách phù hợp với những mục đích của Giáo Hội. Trong trường hợp này, “sự thừa nhận” không được ban bởi thẩm quyền hữu trách của Giáo Hội, mà đặt nền trên sự nhận thức rằng chức tư tế cộng đồng tự diễn tả qua một công việc tông đồ nhất định, như Sắc lệnh Tông đồ giáo dân đã khẳng định :
«Trong những cộng đoàn của Giáo Hội, hoạt động của giáo dân cần thiết đến nỗi nếu không có hoạt động đó, chính hoạt động tông đồ của các vị chủ chăn thường không thể đạt được kết quả đầy đủ […]. Vì được nuôi dưỡng nhờ tham dự tích cực vào đời sống phụng vụ của cộng đoàn, chính họ nhiệt thành góp phần vào những công cuộc tông đồ của chính cộng đoàn đó : họ đem những người xa lạc trở về với Giáo Hội. Họ cộng tác đắc lực vào việc rao truyền Lời Chúa, nhất là bằng việc dạy giáo lý. Họ đem khả năng của mình làm cho việc coi sóc các linh hồn và cả việc quản trị tài sản của Giáo Hội sinh hiệu quả hơn»[164].
Những thừa tác vụ “được thừa nhận” này khác với những “dịch vụ đơn thuần”, được thực hiện do sự tham gia đồng trách nhiệm của mọi người vào đời sống cộng đoàn dựa trên chức tư tế chung, mà không có được cả ba đặc tính nói trên, nhất là đặc tính bền vững và đặc tính thích hợp với những mục tiêu định chế của cộng đoàn. Các “dịch vụ đơn thuần” ấy là những «đóng góp đa dạng, do thiện nguyện, và rõ nét mà một số Kitô hữu góp vào cho sinh hoạt của cộng đoàn, và cộng đoàn sẽ không có được những dịch vụ ấy, nếu không có họ»[165]. Đối ngược lại là những “giáo vụ” đúng nghĩa theo qui định của điều 145, và được trao ban theo qui định của các điều 146-147. Trong khi đó, các “thừa tác vụ được thừa nhận” không là “giáo vụ” theo nghĩa chuyên môn, cũng không là những “dịch vụ đơn thuần” vì ích chung của cộng đoàn, mà là những công việc được thi hành dựa trên chức tư tế chung của người tín hữu, đồng thời lại được cộng đoàn giáo xứ thừa nhận một cách ổn định lâu bền.
Khái niệm “thừa tác vụ được thừa nhận” có thể được diễn tả qua các ý niệm “nhiệm vụ” (munus) và “giáo vụ” (officium). Xét về khía cạnh thẩm quyền thừa nhận, một giáo dân có thể hoặc thi hành một “nhiệm vụ”, hoặc thi hành một “giáo vụ” theo nghĩa của đ. 145. Phần lớn các thừa tác vụ đang được giáo dân thi hành trong giáo xứ là những “nhiệm vụ”, nghĩa là do cha xứ trao cho hoặc do ngài thừa nhận cách minh nhiên với tư cách là “chủ chăn riêng” của giáo xứ, hay cách mặc nhiên khi chấp thuận sự đề cử của giáo dân. Còn trong trường hợp “giáo vụ”, thì thẩm quyền bổ nhiệm là Giám mục giáo phận, và người được bổ nhiệm sẽ nhận được văn thư bổ nhiệm. Thí dụ trường hợp một giáo dân được bổ nhiệm làm “trợ tá mục vụ” hay “điều hành viên mục vụ”[166].
Các thừa tác vụ giáo dân có thể bao trùm các lĩnh vực phụng vụ, giáo lý hay bác ái, như linh hoạt viên phụng vụ, hướng dẫn viên, độc viên, ca viên, linh hoạt viên cầu nguyện, giáo lý viên, chuyên viên tiếp đón, chuyên viên tương tế, chuyên viên quản trị tài sản[167], v.v…
Tính cách mới mẻ của việc giáo dân cộng tác trong các thừa tác vụ không cốt ở chỗ họ được trao làm những phận vụ ấy : thí dụ việc ca hát, dạy giáo lý hay quản trị tài sản, người giáo dân đã được trao cho làm từ lâu rồi. Thế nhưng, sự mới mẻ mà Bộ Giáo Luật mang đến là ở chỗ : thay vì là người “thừa hành”, người giáo dân được xem như “cộng sự viên” (partner) của cha xứ. «Thật vậy, các thừa tác viên giáo dân được độc lập nhiều hơn trong công việc của họ»[168]. Điều này không đơn thuần chỉ vì cha xứ không thể ôm đồm hết mọi việc, mà sâu xa hơn là vì quan niệm Giáo hội học hiệp thông của Công đồng Vatican II[169].
Để tóm kết, chúng ta có thể nhận thấy rằng sự hiện diện đông đảo của những thừa tác viên giáo dân bên cạnh những thừa tác viên chức thánh tự nó cho thấy có một sự chuyển biến sâu rộng trong khung cảnh Giáo Hội, mà cần phải biết phối hợp hài hòa các thừa tác vụ khác nhau. Và chính tại giáo xứ mà người ta chứng kiến cụ thể sự chuyển biến này.
  1.   NHỮNG HÌNH THỨC “ĐỊNH CHẾ” VÀ CÁC HIỆP HỘI GIÁO DÂN CỘNG TÁC TRONG GIÁO XỨ
Sự hiệp thông Giáo Hội đã thể hiện qua việc giáo dân cộng tác với tư cách cá nhân, lại càng rõ nét hơn qua hình thức hiệp hội. Những “cơ quan tham gia” được Công đồng Vatican II thiết lập không phải là vì đòi hỏi của thời đại dân chủ, cũng không phải vì nhu cầu thực dụng, mà vì chúng diễn tả cụ thể chiều kích hiệp thông của Giáo Hội.
  1. Các hội đồng giáo xứ
1.1   Tính hiệp đoàn và tính phẩm trật
  trong cộng đoàn giáo xứ
“Hiệp thông” chỉ sự duy nhất trong dị biệt giữa nhiều chủ thể. Từ sự hiệp thông nhờ ấn tín rửa tội khiến mọi tín hữu bình đẳng với nhau trong phẩm giá và hành động, nảy sinh một sự đồng trách nhiệm của mọi tín hữu trong việc xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô và thi hành sứ mạng của Giáo Hội. Trên cơ sở sự đồng trách nhiệm căn bản này mà xây dựng những dạng thức đồng trách nhiệm khác nhau, cá nhân cũng như tập thể[170]. Một đàng, những cơ quan tham gia như hội đồng mục vụ hay hội đồng kinh tế giáo xứ diễn tả sự bình đẳng giữa các tín hữu, nhưng đàng khác vai trò của vị lãnh đạo, mà ở đây là cha xứ, lại bao hàm một trách nhiệm cá nhân, là hiện thân của Đức Kitô, vị thủ lãnh duy nhất hướng dẫn Giáo Hội và giữ gìn Giáo Hội trong sự hiệp nhất.
Do đó, sự hiệp đoàn cũng như việc thi hành quyền bính trong Giáo Hội phải được hiểu như cách diễn tả cụ thể mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội. Nếu trong giáo xứ, cha xứ là người duy nhất đưa ra quyết định cuối cùng, thì các tín hữu tham gia vào tiến trình đi đến quyết định ấy qua việc đóng góp ý kiến hay bày tỏ sự chấp thuận của họ, tùy trường hợp. Như vậy, các cơ quan tham gia như hội đồng mục vụ hay hội đồng kinh tế giáo xứ diễn tả và hiện thực hóa sự hiệp thông giữa cha xứ và mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ.
Có thể nói :
«Có sự đối xứng giữa tính hiệp đoàn và tính lãnh đạo trong Giáo Hội, hay nói cách khác là giữa nguyên tắc hiệp đoàn và nguyên tắc phẩm trật. Nguyên tắc hiệp đoàn tượng trưng một cách bí tích cho toàn Nhiệm thể Giáo Hội. Nguyên tắc phẩm trật tượng trưng một cách bí tích cho Chúa Kitô là Đầu, nhờ Thánh Thần của Người. Có một sự bao hàm hỗ tương giữa hai nguyên tắc : nguyên tắc này không thể tồn tại nếu không có nguyên tắc kia. Tuy nhiên, cần lưu ý : nguyên tắc phẩm trật là một cực của nguyên tắc hiệp đoàn. Nhưng trái lại, nguyên tắc hiệp đoàn lại không là một cực của nguyên tắc phẩm trật, vì bao trùm toàn Nhiệm thể trong sự khác biệt của nó (bao trùm toàn thể giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ). Ở đây, chúng ta thấy sự bất cân xứng căn bản xuyên suốt toàn Giáo Hội, và ấn định những khác biệt hết sức ý nghĩa : tất cả và một phần, cộng đoàn và thừa tác viên, nguyên tắc hiệp đoàn và nguyên tắc phẩm trật, giáo xứ và cha xứ, v.v…»[171].
Nếu chỉ nhìn sự việc dưới quan điểm thực thi quyền bính, hay so sánh với những hiệp hội “dân chủ”, trong đó mỗi người có quyền phát biểu ý kiến của mình, người ta rất dễ đi đến chỗ phàn nàn, vì những cơ quan tham gia trong các cộng đoàn phẩm trật chỉ có quyền tư vấn, chứ không có quyền quyết định, và như vậy không có cách nào thay đổi quyết định của vị lãnh đạo.
Phải nói ngay rằng trong Giáo Hội, vượt lên trên thể thức dân chủ, mục đích của các cơ quan tham gia không nhằm đạt được số phiếu đa số để áp đặt ý muốn trên thiểu số thua cuộc. Điều quan trọng là đi tìm chân lý và công ích của Giáo Hội qua việc biểu lộ một sự đồng thuận, gọi là đồng thuận mang tính Giáo Hội (consensus Ecclesiae). Sự “đồng thuận Giáo Hội” không phải là kết quả của đa số phiếu đạt được, mà là kết quả của việc đối chiếu với đức tin của Giáo Hội dưới tác động của Thánh Thần. Việc bỏ phiếu trong các cơ quan này cho thấy có sự đồng thuận hay không, nghĩa là có sự thống nhất ý kiến hay không dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
Vì thế dưới cái nhìn này, sự kiện một cơ quan tham gia với nhiệm vụ góp ý cho thẩm quyền thi hành chức vụ của mình, có quyền tư vấn hay quyền quyết định, không tuyệt đối quan trọng, vì dù sao phải luôn đặt trước mắt ước muốn và tinh thần phục vụ chân lý và Giáo Hội. Sự vâng phục một Thánh Thần duy nhất từ phía thẩm quyền cũng như từ phía cơ quan tham gia sẽ dẫn đến sự đồng thuận giữa đôi bên. Vì vậy, thẩm quyền hữu trách, khi quyết định, không nên quyết định ngược lại ý kiến của đa số, nhất là khi họ nhất trí, nếu không có lý do nghiêm trọng đã cân nhắc cẩn thận trước mặt Chúa[172]. Vị hữu trách có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về quyết định đi ngược lại với ý kiến nhất trí của các cố vấn[173].
Tóm lại, có thể nói rằng : vượt lên trên công thức pháp lý, và do đó vượt lên trên quan niệm về những cơ quan tham gia như là cách thức cộng tác có hiệu năng để góp ý cho nhà chức trách có thẩm quyền, những cơ quan tham gia như hội đồng mục vụ hay hội đồng kinh tế giáo xứ phải được hiểu trong nhãn quan Giáo Hội học hiệp thông từ phía nhà chức trách có thẩm quyền cũng như từ phía các tín hữu khác, và như vậy không thể coi nhẹ tầm quan trọng lớn lao của những cơ quan này trong đời sống
Giáo Hội.
1.2. Hội đồng mục vụ giáo xứ
Công đồng Vatican II, không những đã bày tỏ ước muốn thiết lập trong mỗi giáo phận một hội đồng mục vụ giáo phận[174], mà còn minh nhiên đề cập đến một hội đồng mục vụ giáo xứ trong Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân[175]. Với tinh thần thực tiễn, Bộ Giáo Luật 83 không qui định bắt buộc phải thiết lập hội đồng này dù ở cấp giáo phận[176] hay cấp giáo xứ[177]. Việc xét có nên thiết lập hay không là tùy quyết định của Giám mục giáo phận sau khi tham khảo ý kiến của hội đồng linh mục.
Thật vậy điều 536 § 1 qui định như sau:
«Nếu Giám mục giáo phận xét thấy thuận lợi, sau khi đã tham khảo ý kiến của hội đồng linh mục, thì nên thiết lập trong mỗi giáo xứ một hội đồng mục vụ, do cha xứ đứng đầu. Trong hội đồng này, các Kitô hữu cùng với những người tham gia vào trách nhiệm mục vụ của giáo xứ, chiếu theo chức vụ của họ, phải góp phần cổ vũ sinh hoạt mục vụ».
1.2.1. Lịch sử của điều 536 § 1
Nguồn gốc của hội đồng mục vụ giáo xứ đan xen với hội đồng mục vụ giáo phận. Bản phác thảo đầu tiên trong lược đồ 1962 De animarum cura in genere[178], đề cập đến cả hai, là một bản văn rất khéo léo được sửa đổi nhiều lần, và đã được tranh luận trong giai đoạn chuẩn bị Công Đồng, thế nhưng cuối cùng đã bị loại bỏ. Trong số 36 của văn kiện này, đã có mong ước  như sau:
«Giám mục hãy khuyên các cha xứ của mình : để gia tăng sự hiệp nhất, cảm thức và lòng yêu mến Giáo Hội cũng như giáo xứ, hãy cùng với các cha phó, các bề trên dòng có làm việc trong giáo xứ và các vị phụ trách Công Giáo Tiến Hành cũng như các hiệp hội giáo dân chính yếu, thiết lập một Hội Đồng Giáo Xứ, với quyền tư vấn mà thôi, để phụ giúp cha xứ trong việc điều hành những hoạt động phụ tùy của giáo xứ, những hoạt động kinh tế, cũng như cổ võ sự cộng tác của người giáo dân trong hoạt động tông đồ và kinh tế»[179].
Dù bao năm đã qua, bản văn vẫn còn rất ý nghĩa: rõ ràng trong những lý do, mục đích và cơ cấu. Bản văn không nói đến hội đồng mục vụ giáo xứ, mà nói đến hội đồng giáo xứ, với quyền tư vấn cả trong những vấn đề kinh tế. Dù vậy, có thể nói đã có sự phác thảo cách nào đó về hội đồng mục vụ giáo xứ trong tương lai. Tuy nhiên, số 36 này đã không được đưa vào trong lược đồ sắc lệnh về Giám mục.
Năm 1973, hội đồng mục vụ giáo xứ lại xuất hiện trong những tài liệu của Tòa Thánh như thư luân lưu Omnes christifideles[180], Cẩm nang giám mục Ecclesiae imago[181], và sau đó được chính thức chuẩn nhận với Bộ Giáo Luật 1983 ở đ. 536.
1.2.2. Việc thiết lập hội đồng mục vụ giáo xứ
Điều 536 § 1 rất cô đọng, và có lẽ vì thế đã khiến nảy sinh rất nhiều cách giải thích khác nhau.
«Bộ giáo luật đã bị một số người chỉ trích vì đã không bó buộc phải thiết lập hội đồng mục vụ giáo xứ trong từng giáo xứ, hay ít nhất vì đã không có lập trường tích cực hơn. Trái lại, một số khác lại chỉ trích vì muốn Bộ Giáo Luật đừng đề cập gì đến, để có đủ thời gian cần thiết triển khai mà không gây thắc mắc, thí dụ vấn đề hội đồng “chỉ có quyền tư vấn”. Theo những người chỉ trích này, Bộ Giáo Luật chỉ trao cho hội đồng giáo xứ nhiệm vụ “phục dịch” cha xứ. Do đó, nếu Giáo Luật không đề cập gì đến, người giáo dân sẽ tự do thoải mái hơn trong việc đưa ra những sáng kiến mới và điều hành cộng đoàn giáo xứ bằng nhiều cách thức đa dạng. Nhưng đàng khác, cũng có thể giả thiết rằng nếu Bộ Giáo Luật đã không đề cập đến hội đồng giáo xứ, thì một số giám mục đã không có lý do để thiết lập trong giáo phận của mình. Ngoài ra, để cho các giám mục được tự đo quyết định thiết lập hay không và đòi các ngài phải tham khảo hội đồng linh mục, Bộ Giáo Luật tái khẳng định những giá trị được Công Đồng đề cao, đó là tính bổ trợ và đồng đoàn»[182].
Với qui định của điều 536 § 1, Bộ Giáo Luật đã chọn con đường “trung dung” cho một cơ quan mà, nếu chưa được đánh giá đúng mức, thì cũng không thể không biết đến. Thực ra, khẳng định rằng Bộ Giáo Luật không bó buộc phải thiết lập hội đồng mục vụ giáo xứ là quá giản lược, vì điều luật không đơn giản như vậy. Đúng hơn, điều luật khẳng định rằng phải thẩm định, và nếu xét thấy thuận lợi, thì phải thiết lập trong mỗi giáo xứ. Việc thẩm định là thuộc quyền Giám mục giáo phận, «sau khi đã tham khảo ý kiến hội đồng linh mục», và phải lưu ý đến những hoàn cảnh cụ thể, thí dụ giáo sĩ có coi trọng vai trò hay nhìn nhận phẩm giá cũng như khả năng của giáo dân hay không, rồi chính trình độ khả năng của người giáo dân, v.v… Một khi kiểm tra thấy thuận lợi, thì Giám mục giáo phận phải thiết lập hội đồng mục vụ trong mỗi giáo xứ. Nếu thực tế chưa thể thiết lập trong tất cả mọi giáo xứ, thì vẫn buộc phải tạo điều kiện thuận lợi để có thể dần dần thiết lập được. Do đó hội đồng mục vụ giáo xứ, không bắt buộc theo luật chung, nhưng có thể bắt buộc theo luật riêng[183].
1.2.3. Hội đồng mục vụ giáo xứ,
           nơi trao đổi và cộng tác
           nhằm cổ võ hoạt động mục vụ
Khoản 2 minh nhiên nói đến những luật mà Giám mục giáo phận phải ra về hội đồng mục vụ:
«Hội đồng mục vụ chỉ có quyền tư vấn, và được điều hành theo những qui tắc do Giám mục giáo phận ấn định»
Giám mục có thể ra những luật này dựa trên những qui tắc đã được Bộ Giáo Luật ra cho hội đồng mục vụ giáo phận[184]. Tương tự như hội đồng mục vụ giáo phận, hội đồng mục vụ giáo xứ có mục đích để «cổ võ các sinh hoạt mục vụ», theo nghĩa cụ thể của điều 511, nghĩa là để nghiên cứu về những sinh hoạt mục vụ[185], lượng giá và đưa ra những kết luận thực hành[186].
Rất tiếc là nhà lập pháp đã không lấy lại một câu của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI soi sáng tầm nhìn về những sinh hoạt của hội đồng : «để cổ võ sự tương hợp giữa đời sống và hoạt động của dân Chúa với Phúc Âm»[187]. Câu này sẽ cho phép hiểu ngay rằng hội đồng mục vụ giáo xứ là nơi thảo luận để kiểm tra sự tương hợp của cộng đoàn với phúc âm. Như vậy hội đồng mục vụ không nhắm mục đích trước hết để làm những công việc như tổ chức phụng vụ, dạy giáo lý hay tổ chức một cuộc lễ, mà trước hết để chứng thực sự trung thành của cộng đoàn với bản chất và sứ mạng mà Chúa đã trao phó cho giáo xứ.
Các tài liệu mục vụ mô tả những lý do và mục đích của hội đồng giáo xứ cách khác nhau. Chúng ta trích ra một vài văn kiện :
«Sự hiện diện tích cực của giáo dân trong các hội đồng mục vụ giáo xứ, liên giáo xứ cũng như giáo phận và trong các hội đồng giáo dân, từ cấp giáo xứ đến cấp quốc tế, tạo nên một hình thức tham gia mới đòi hỏi phải có một sự đào tạo tương xứng»[188].
«Hội đồng mục vụ giáo xứ […] để hợp lực cộng tác với linh mục chính xứ trong việc quản trị giáo xứ, tổ chức và điều hành các sinh hoạt mục vụ, xây đắp tình liên đới và sự hiệp thông, giải quyết những vấn đề, giải tỏa những bất đồng, nhằm góp phần xây dựng giáo xứ thành một cộng đoàn tư tế phụng thờ Thiên Chúa, làm chứng và loan truyền Tin Mừng, yêu thương và phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người trong bối cảnh văn hóa xã hội ngày nay»[189].
Như có thể nhận thấy, tâm điểm của những canh tân này là vai trò của giáo dân, và những hội đồng giáo xứ được coi như là nơi và phương tiện để đào tạo một tâm thức Giáo Hội ngày càng trưởng thành hơn. Dù sao, có thể nêu lên một nhận xét : một đàng, lưu ý về phía giáo dân cần phải lớn lên trong một tâm lý mới, trong tinh thần hiệp thông và cộng tác để tìm ra những giải pháp, nhưng đàng khác, phải chăng không cần thiết lưu ý sự cộng tác từ phía các linh mục ? «Hoạt động của các hội đồng mục vụ giáo xứ nhiều khi gặp khó khăn – điều này không thể chối cãi – một phần cũng bởi các linh mục. Và các văn kiện viết cho các ngài, dù hết sức tế nhị, đã không mời gọi các linh mục cởi mở và tự đào luyện để có khả năng và có tinh thần đối thoại cũng như cộng tác hơn với các tín hữu sao ?»[190].
1.2.4.  Các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ
           và cách thức chỉ định vào chức vụ
Điều 536 đề cập đến ba loại thành viên của hội đồng mục vụ. Hai loại đầu là đương nhiên theo luật : trước hết là cha xứ, tiếp theo là «những người tham gia vào việc chăm sóc mục vụ giáo xứ vì chức vụ», như cha phó, cha tuyên úy, cha quản nhiệm nhà thờ.
Loại thứ ba không được xác định rõ, chỉ được đề cập đến cách chung chung là “tín hữu” mà không xác định gì thêm. Luật riêng sẽ ấn định cụ thể các điều kiện và cách thức để chỉ định những thành viên này. Dựa trên những tiêu chuẩn đối với những thành viên của hội đồng mục vụ giáo phận, những thành viên này cũng «phải được chọn thế nào để họ thực sự đại diện cho những thành phần dân Chúa trong giáo xứ, […], với những điều kiện xã hội, nghề nghiệp và vai trò của họ trong việc tông đồ, với tính cách cá nhân cũng như tập thể»[191]. Như đã lưu ý, những thành viên này «không phải là đại diện cho bằng là phản ánh. Thật vậy, họ không phải là đại diện theo nghĩa dân chủ, nghĩa là được dân chúng sai đi để nói và hành động nhân danh tập thể ; trái lại, trong tinh thần hiệp đoàn của Giáo Hội, họ là phản ánh “cái chúng tôi” của các Kitô hữu tại địa phương»[192].
Một lưu ý khác, đó là sự hiện diện của các tu sĩ trong hội đồng giáo xứ không phản ảnh trước hết qua những gì họ làm được trong giáo xứ, mà đúng hơn qua những gì họ trong Giáo Hội và cho thế giới. Chứng từ trước hết của các tu sĩ là chứng tá đời sống thánh hiến của họ, chứng tá về sự trung thành với gia sản riêng mà Thánh Thần đã khơi dậy nơi họ và đã được Giáo Hội chuẩn nhận[193]. Văn kiện Mutuae relationes và Bộ Giáo Luật 1983 hết sức đề cao đòi hỏi này[194].
Về điều kiện để làm thành viên hội đồng mục vụ, chúng ta có thể áp dụng điều 512 vào phạm vi giáo xứ, là «phải hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội công giáo», và «chỉ nên đề cử vào hội đồng mục vụ những Kitô hữu trổi vượt về đức tin vững vàng, về hạnh kiểm tốt và về sự khôn ngoan». Huấn thị Ecclesiae de mysterio minh định rằng chỉ được chọn «những tín hữu có những đức tính do giáo luật đòi hỏi»[195], và sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng những người sống trong tình trạng hôn nhân bất hợp luật, nghĩa là những người ly dị tái hôn, không được rước lễ, và «cũng vì lý do đó không thể thi hành một số công việc trong Giáo Hội»[196].
Vì điều 536 không nói gì đến cách thức đề cử các thành viên, nên tùy qui định của Giám mục giáo phận. Có lẽ nên theo cách thức đề cử hỗn hợp. Một hệ thống chỉ có hình thức bầu chọn sẽ không có được những thành viên thuyết phục, chưa nói là không khác với tổ chức dân chủ. Trong thực hành, ngoài những thành viên đương nhiên theo luật, khoảng 2/3 do cộng đoàn bầu chọn, 1/3 do hội đồng  mãn nhiệm chỉ định ; ngoài ra, cha xứ được quyền bổ nhiệm một hay hai thành viên khác sau khi đã bầu chọn. Hệ thống phối hợp này có lẽ “ít thiệt hại hơn”, vì vừa bảo đảm sự tham gia của giáo dân qua bầu chọn, vừa bảo đảm sự liên tục qua sự chỉ định của hội đồng mãn nhiệm, lại vừa bảo đảm được sự ổn định của giáo xứ qua việc cha xứ tự ý bổ nhiệm[197].

1.2.5.  Việc chủ tọa và tính cách “tư vấn”
           của hội đồng mục vụ giáo xứ
Cha xứ “chủ tọa” hội đồng mục vụ giáo xứ (đ. 536 § 1). Nhờ chức thánh linh mục, cha xứ chủ tọa việc cử hành Thánh Thể “nhân danh Chúa Kitô” và cũng “nhân danh Giáo Hội”. Vì cử hành Thánh Thể là khuôn mẫu cho mọi hoạt động khác trong Giáo Hội, nên thật thích hợp việc cha xứ chủ tọa cuộc họp hội đồng mục vụ để kiểm chứng xem giáo xứ có trung thành với Phúc Âm và việc làm chứng Phúc Âm không.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc chủ tọa có thể trao cho một giáo dân có khả năng với tư cách là “linh hoạt viên”. Người này đảm bảo sự hữu hiệu, trong khi cha xứ đảm bảo diễn tiến của cuộc họp.
Chương trình nghị sự, phương pháp làm việc, nhiệm kỳ của hội đồng, trường hợp một thành viên chấm dứt công việc và cách thức thay thế được ấn định bởi luật riêng.
Còn một vấn đề gai góc cần nhắc lại, đó là vấn đề «Hội đồng mục vụ chỉ có quyền tư vấn»[198]. Trước hết, trong hội đồng mục vụ, các giáo hữu được tham vấn không chỉ với tư cách chuyên viên, mà nhất là với tính cách tín hữu, nghĩa là vì họ đã được rửa tội và được ban cho những đoàn sủng riêng[199]. Bởi thế, việc tư vấn trong Giáo Hội không mang tính cách tư vấn, cho bằng “đồng tấu”, đồng tấu qua “sự tham gia góp phần của tất cả mọi người”. Trong hội đồng mục vụ, cha xứ là người duy nhất quyết định, nhưng ngài không thể một mình cứu xét. Khi cộng đoàn giáo xứ họp lại, mọi người cùng suy xét và cùng đưa ra giải pháp, nhưng không phải tất cả cùng quyết định, mà việc quyết định cuối cùng thuộc thẩm quyền hữu trách. Dưới cái nhìn này, có lẽ điều 536 § 2 nên được diễn tả lại cho hợp thần học hơn như sau: «Hội đồng mục vụ giáo xứ có thể thảo luận đưa ra những giải pháp mục vụ, nhưng trách nhiệm quyết định cuối cùng thuộc quyền cha xứ».
Tóm lại, có thể mô tả Hội đồng mục vụ giáo xứ như một tổ chức, dưới quyền chủ tọa của cha xứ, nghiên cứu và thẩm định những gì liên quan tới hoạt động mục vụ của cộng đoàn, và đưa ra những kết luận thực tiễn, sao cho hết sức phù hợp với tinh thần Phúc Âm.
1.3. Hội đồng kinh tế giáo xứ
Nếu về mặt lịch sử, vấn đề đầu tiên phải nghĩ đến khi thiết lập một giáo xứ là vấn đề kinh tế, đặc biệt là việc trợ cấp các giáo sĩ nhập vụ trong giáo xứ, thì hệ thống bổng lộc nhằm trợ cấp giáo sĩ đã được qui định trong Bộ Giáo Luật 17[200], đã được Công đồng Vatican II hoàn toàn canh tân, nếu không muốn nói là đã “khai tử”[201]. Và thực sự Giáo luật đã thiết lập một hình thức trợ cấp giáo sĩ mới[202]. Việc canh tân này đã cho phép Giáo luật được tự do hơn nhiều trong việc thích ứng với chiều kích cộng đoàn của giáo xứ trong nhãn quan Giáo hội học hiệp thông của Công Đồng.
Giáo xứ, với tư cách là pháp nhân công, có quyền sở hữu tài sản ; có quyền thủ đắc tài sản bằng mọi cách thức hợp pháp ; quản lý và sử dụng tài sản để theo đuổi những mục đích riêng của mình[203]. Riêng cha xứ, theo hệ thống mới về trợ cấp giáo sĩ, ngài mất quyền sở hữu những tài sản do việc thi hành tác vụ linh mục. Tất cả những của dâng cúng nhận được nhân dịp thi hành thừa tác mục vụ, cũng như những bất động sản và những động sản đều phải sung vào quỹ giáo xứ[204], để theo đuổi những mục đích của chính giáo xứ, dưới sự điều hành của giáo xứ do cha xứ và hội đồng kinh tế giáo xứ chịu trách nhiệm. Vì việc điều hành kinh tế ngày nay đã trở nên phức tạp hơn nhiều, các giáo sĩ nhiều khi không am tường đủ, do đó cần nhờ đến các chuyên viên giáo dân[205].
Điều 537 qui định vai trò của hội đồng kinh tế giáo xứ trong việc giúp cha xứ quản trị tài sản như sau :
«Mỗi giáo xứ phải có một hội đồng kinh tế được điều hành không những theo luật phổ quát, mà còn theo các quy tắc do Giám mục giáo phận ban hành ; trong Hội đồng ấy, các Kitô hữu được tuyển chọn theo các quy tắc này phải giúp cha xứ trong việc quản trị tài sản của giáo xứ, miễn là vẫn tôn trọng những qui định của điều 532».
1.3.1. Nguồn gốc lịch sử điều 537
Điều 537 được đưa vào Bộ Giáo Luật vào phút cuối, và hầu như không có nhiều tranh luận. Lược đồ 1977 chưa đề cập gì, và hội đồng kinh tế chỉ được nói đến lần đầu tiên trong Lược đồ 1980. Đó là một điều luật gồm 3 khoản, trong đó không qui định bó buộc phải thiết lập hội đồng kinh tế, mà để tùy thẩm định của Giám mục giáo phận[206]. Hội đồng này có nhiệm vụ cùng với cha xứ quản trị tài sản của giáo xứ, và được dự trù thiết lập cho giáo xứ hoặc chuẩn giáo xứ hoặc liên giáo xứ. Có ý kiến nhận xét rằng hội đồng này như vậy vô ích, vì đã có qui định ở quyển V là tất cả mọi pháp nhân công đều phải có Hội đồng kinh tế, hay ít là hai vị cố vấn rồi. Do đó, lại có đề nghị cứ duy trì, nhưng qui định bắt buộc đối với tất cả mọi giáo xứ, và được ấn định không những bởi luật chung, mà còn bởi luật riêng của giáo phận. Đề nghị đã được tất cả các nghị phụ đồng ý[207].
Về nguồn gốc của điều 537, ấn bản chính thức của Bộ Giáo Luật 1983 do Ủy ban Giáo Hoàng giải thích Giáo luật đã qui chiếu những điều sau đây của Bộ Giáo Luật 1917 : đđ. 1183-1184 liên quan đến hội đồng gọi là Consilium fabricae Ecclesiae ; điều 1520 §§ 1-2, về hội đồng kinh tế giáo phận, có nhiệm vụ giúp Giám mục trong việc quản trị tài sản ; điều 1521 § 1 nhắc nhở bản quyền sở tại đặt những người có khả năng để quản lý các cơ sở Giáo Hội; và điều 1525 § 1 buộc các quản lý phải tường trình thu chi.
Như có thể thấy, không điều khoản nào trong những điều liệt kê trên thực sự tương ứng đúng điều 537, và như vậy, đây là một điều khoản mới mẻ.
1.3.2. Phải thiết lập hội đồng kinh tế giáo xứ
Theo qui định của điều 537, mọi giáo xứ đều phải thiết lập hội đồng kinh tế. Để hiểu tính bó buộc cũng như bản chất của hội đồng kinh tế, ta có thể tham chiếu một qui tắc tương tự ở điều 1280 :
«Pháp nhân nào cũng phải có hội đồng kinh tế hay ít là hai người cố vấn, để giúp người quản trị chu toàn nhiệm vụ, chiếu theo qui tắc của các quy chế».
Điều 1280 nói đến “hội đồng kinh tế” hay ít là “hai cố vấn” để giúp quản trị viên. Như vậy, điều luật này mở ngỏ cho hai khả thể : hoặc thiết lập một “hội đồng” làm việc tập thể, theo qui định của điều 127 § 1, hoặc bổ nhiệm “hai cố vấn” làm việc với tính cách cá nhân, theo qui định của điều 127 § 2. Sự khác biệt không phải về con số, mà liên quan đến bản chất pháp lý, vì người ta không thấy làm thế nào hai cố vấn có thể làm việc hiệp đoàn và tạo thành một đa số hay thiểu số.
So với điều 1280, thì điều 537 có phần mới mẻ, vì giáo xứ chỉ có một chọn lựa duy nhất là bó buộc phải thiết lập hội đồng kinh tế, và là bó buộc đối với từng giáo xứ, bất kể số tín hữu ít hay nhiều, và số tiền bạc, tài sản ra sao. Như vậy, phải loại trừ giải pháp “hai cố vấn” đối với giáo xứ.
Tại sao đối với hội đồng kinh tế thì bó buộc phải thiết lập, trong khi đó lại không bó buộc đối với hội đồng mục vụ ? Hay đúng hơn, tại sao khác với hội đồng mục vụ, bó buộc thiết lập hay không là tùy luật riêng, trong khi đó hội đồng kinh tế giáo xứ lại bó buộc phải thiết lập trong tất cả mọi giáo xứ theo qui định của luật chung ? Chúng ta cố gắng nhận ra ý hướng (mens) của nhà lập pháp. Có thể có nhiều lý do: lý do thứ nhất nằm ngay trong việc đối chiếu với điều 1280. Vì tầm quan trọng của pháp nhân công gọi là “giáo xứ”, mà chúng ta hiểu được tại sao nhà lập pháp muốn loại trừ giải pháp chỉ đặt “hai cố vấn” mà thôi. Ngoài ra, có thể vấn đề tài chính trở nên quan trọng hơn trong quan niệm mới về giáo xứ như là “cộng đoàn tín hữu”, và nhất là do những qui định mới liên quan đến bổng lộc. Cuối cùng, vấn đề kinh tế trong xã hội ngày nay ngày càng trở nên phức tạp hơn nhiều, nên cần có các chuyên viên và nhất là những người có lương tâm để không gây phương hại cho tài sản của giáo xứ hay gây xì căng đan[208].
1.3.3. Bản chất của hội đồng kinh tế giáo xứ
Điều 537 cho thấy rõ bản chất của cơ quan tham gia này. Hội đồng kinh tế không có quyền quản trị vì cha xứ là quản trị viên duy nhất và là đại diện pháp lý của giáo xứ. Thế nhưng hội đồng kinh tế phụ giúp cha xứ trong việc quản trị tài sản của giáo xứ[209]. Giúp cách nào, và trong trường hợp nào thì góp ý kiến, trường hợp nào cần sự đồng thuận, thì tùy qui định của luật (chung hoặc riêng)[210].
1.3.4. Những nhiệm vụ của hội đồng kinh tế giáo xứ
Hội đồng kinh tế giáo xứ phụ giúp cha xứ theo qui định của luật chung và luật riêng. Luật chung : thí dụ điều 127 liên quan đến cách thức tham khảo ý kiến hay sự đồng thuận ; điều 1281 § 2 về việc quản trị ngoại thường. Luật riêng : thí dụ phải ấn định con số thành viên, cách thức bổ nhiệm, điều kiện để được bổ nhiệm[211], những nhiệm vụ chính yếu[212], các cuộc họp, những trường hợp cụ thể phải xin ý kiến hay sự chấp thuận của hội đồng[213], tương quan với hội đồng mục vụ giáo xứ, v.v…
1.3.5.  Hội đồng kinh tế giáo xứ
           và vai trò của linh mục quản xứ
Cha xứ là người quản trị tài sản của giáo xứ. Đây là qui định của điều 537, cũng như điều 1279 § 1. Tuy nhiên, có một sự mới mẻ khi đ. 537 nhắc đến đ. 532 :
«Cha xứ đại diện giáo xứ trong mọi công việc có tính cách pháp lý, chiếu theo qui tắc của luật ; ngài phải quan tâm để tài sản giáo xứ được quản trị chiếu theo qui tắc của các điều 1281-1288».
Sự mới mẻ nằm ở phần sau : cha xứ «phải quan tâm để tài sản của giáo xứ được quản trị chiếu theo qui tắc của các điều 1281-1288». Như vậy, xem ra cha xứ có “trách nhiệm” quản lý, hơn là chính việc “quản lý”. Do đó, tuy vẫn là đại diện pháp lý và chịu trách nhiệm quản trị tài sản, nhưng ngài có thể ủy nhiệm[214] việc quản lý trực tiếp cho một người khác (giáo sĩ hay giáo dân)[215]. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cha xứ vẫn không thể khước từ trách nhiệm của ngài khi vì việc quản trị kém cỏi mà gây thiệt hại vô phương cứu chữa có thể là nguyên cớ khiến ngài bị bãi nhiệm[216]. Cuối cùng, cha xứ là người chủ tọa hội đồng kinh tế, trong tư cách quản trị viên[217].
1.4.  Tương quan giữa hội đồng mục vụ
và hội đồng kinh tế giáo xứ
Hai hội đồng mục vụ và kinh tế giáo xứ tương quan với nhau thế nào ?
Đọc kỹ bản văn của các điều luật liên quan[218], chúng ta thấy rõ đó là hai thực thể khác nhau : khác về mục đích, về tổ chức, về tính bó buộc. Vấn nạn này cũng đã được nêu lên trong phiên họp khoáng đại của ủy Ban Tu Chỉnh vào năm 1981 như sau : «Có thể cho thấy một vài tương quan giữa hội đồng mục vụ và hội đồng kinh tế không ? Trả lời : Hai hội đồng này không có tương quan gì với nhau, vì là hai thực thể khác nhau»[219].
Dầu vậy, cũng sẽ hữu ích nếu cho thấy một vài tương quan giữa hai hội đồng. Trước hết, hội đồng mục vụ giáo xứ có nhiệm vụ đề ra những giải pháp có tính cách mục vụ, thì tất nhiên cũng phải quan tâm đến những vấn đề kinh tế của giáo xứ, trong mức độ chúng liên quan đến hoạt động mục vụ. Trái lại, hội đồng kinh tế không thể không lưu tâm đến những chỉ dẫn mục vụ do hội đồng mục vụ đề ra, nhất là trong những quyết định về kinh tế có tầm quan trọng ngoại thường. Có thể lập lại ví dụ kinh điển sau đây[220] : một giáo xứ được tặng cho một ngôi nhà. Nếu phải quyết định dùng ngôi nhà vào mục đích gì, thì vấn đề có hai khía cạnh. Trước hết là khía cạnh mục vụ : phải dùng ngôi nhà vào mục đích gì (làm nhà dưỡng lão, hay trường giáo lý, hay để dùng vào việc truyền giáo hoặc bác ái) ? Khía cạnh khác mang tính kỹ thuật hơn : có cần sửa chữa chỗ nào không ? lấy tiền ở đâu ? thuê công ty nào ? Khía cạnh thứ nhất liên quan đến hội đồng mục vụ, khía cạnh thứ hai liên quan đến hội đồng kinh tế. Từ đó, có thể thấy giữa hai hội đồng cần có sự thông tin hỗ tương và liên tục như thế nào.
Tương quan thứ hai có thể có giữa hai hội đồng là vấn đề thành viên. Không gì cấm luật riêng giáo phận có thể qui định một vài thành viên của hội đồng kinh tế được chọn trong số các thành viên của hội đồng mục vụ, miễn là họ thực sự thành thạo trong lãnh vực kinh tế[221].
Một vấn đề khác : có thể sát nhập hai hội đồng thành một hội đồng duy nhất được không ?[222] Chúng ta có thể trả lời dựa trên nhận xét sau đây :
«Không thể sáp nhập hội đồng mục vụ với hội đồng kinh tế, vì như vậy sẽ là sai về lý thuyết và có hại về mục vụ. Ý kiến phản bác của chúng tôi căn cứ trên bản chất cũng như mục đích của hai cơ quan này. Trong khi hội đồng mục vụ là một cơ quan “đồng tấu” để kiểm chứng phẩm chất Tin Mừng của giáo xứ và nhằm cổ vũ những sinh hoạt mục vụ, thì hội đồng kinh tế là một cơ quan quản trị, là một nhóm có nhiệm vụ rõ ràng là quản trị tài sản của giáo xứ, và do đó qui tụ những chuyên viên hay ít là những người thành thạo có khả năng quản trị tài sản và đảm trách về tài chánh của giáo xứ như những “gia chủ tốt lành”. Trái lại, hội đồng mục vụ có thể qui tụ bất cứ tín hữu nào, miễn là có khả năng trao đổi ý kiến với người khác, để cổ vũ hoạt động mục vụ của giáo xứ. Hội đồng kinh tế đóng góp ý kiến hay, nếu cần, đưa ra những quyết định, là tùy theo qui định của luật riêng giáo phận (x. đ. 1279). Như vậy, có thể trực giác thấy, không chỉ là việc mọi người đồng trách nhiệm do ấn tín phép rửa, mà hội đồng kinh tế còn là nơi trong đó một số người cộng tác vào thừa tác vụ của Giáo Hội»[223].
Nói chung, hai hội đồng mục vụ và kinh tế đều phục vụ cho đời sống cụ thể của chính cộng đoàn giáo xứ. Ngược lại, cộng đoàn giáo xứ «cũng phải được huy động và nhận lấy trách nhiệm bằng cách nào thích hợp nhất trong việc điều hành kinh tế của giáo xứ. Chính cộng đoàn giáo xứ là “chủ thể” mà cha xứ và hội đồng kinh tế phải tường trình thu chi, nhất là về việc sử dụng những của dâng cúng, theo qui định của luật riêng giáo phận (x. đ. 1287 § 2)»[224].
  1. Các hiệp hội và các dòng tu trong giáo xứ
Về sự cộng tác của các hiệp hội trong giáo xứ, chúng ta sẽ dựa trên điều 298 § 1 để đề cập đến hai dạng thức tiêu biểu nhất, là các hiệp hội giáo dân và các dòng thánh hiến cũng như các tu đoàn tông đồ.
2.1. Các hiệp hội và phong trào giáo dân
Trái với qui định ở Bộ Giáo Luật 17[225], quyền căn bản của các tín hữu được tự do lập hội đã được Công đồng Vatican II long trọng tuyên bố trong Sắc lệnh Tông đồ giáo dân, nhất là số 19 : «Giáo dân có quyền lập hội đoàn, điều khiển hội đoàn và ghi tên vào các hội đoàn đã có sẵn, miễn là phải giữ mối liên lạc cần thiết với giáo quyền». Lịch sử Giáo Hội đã từng chứng kiến biết bao hiệp hội do giáo dân thành lập ở cấp giáo xứ, giáo phận, quốc gia cũng như quốc tế, hoặc những hiệp hội gắn liền với các dòng tu như dòng ba, các liên minh, các thiện quĩ, những tổ chức bác ái tông đồ, những phong trào tu đức[226], v.v…Như đã nói, Công đồng Vatican II tỏ ra rất hoan nghênh và cổ võ sinh hoạt tập thể. Bộ giáo luật 83 cũng cùng quan điểm như ở thiên V, phần 1, quyển II đề cập đến các hiệp hội Kitô hữu[227].
Trên bình diện giáo xứ, một trong những nghĩa vụ hàng đầu và chính yếu của cha xứ là nhận biết và cổ vũ phần đóng góp riêng của giáo dân trong sứ mạng của Giáo Hội «bằng cách cổ động các hiệp hội nhằm các mục tiêu tôn giáo của họ»[228]. Cha xứ được khuyến khích hãy nâng đỡ các tín hữu, «hoặc với tính cách cá nhân hoặc tập hợp thành những hiệp hội»[229], vốn là một sự giúp đỡ hết sức thiết thực cho cộng đoàn giáo xứ trong việc thi hành sứ mạng của Giáo Hội tại địa phương.
Tuy nhiên, không phải lúc nào sự hiện diện của các hiệp hội cũng được xem như thiện ích cho sứ mạng của Giáo Hội và cho việc làm chứng cho Tin Mừng, mà trái lại đôi khi bị nhìn bằng con mắt nghi ngờ, thậm chí còn thù nghịch. Thêm vào đó là trường hợp của một số thành viên vừa thuộc cộng đoàn giáo xứ vừa thuộc một nhóm tu đức hoạt động trong giáo xứ. Nếu không phân định rõ ràng công việc và trách nhiệm đối với đôi bên, có thể gây nên đổ vỡ và thiệt hại. Thật vậy, một người vừa thuộc giáo xứ vừa thuộc một nhóm hay một phong trào tu đức có thể rất hăng say với sinh hoạt của nhóm hay phong trào, và ngược lại lơ là với các sinh hoạt của giáo xứ. Trong trường hợp này, giáo xứ có thể thấy mình bị đe dọa do chính sinh hoạt phúc âm hóa của phong trào hay hiệp hội.
Một vài tiêu chuẩn pháp lý
cho việc cộng tác giữa giáo xứ và các hiệp hội.
Đến đây, chúng ta nêu lên một vài tiêu chuẩn có tính cách pháp lý giúp tạo thuận lợi tối đa cho sự tương kính cũng như cùng hợp tác trong phạm vi giáo xứ. Tiêu chuẩn đầu tiên là cần phân biệt rõ ràng giữa cộng đoàn phẩm trật với hiệp hội, ở đây là giữa giáo xứ với các hiệp hội hay phong trào. Về mục đích, các hiệp hội có một hay nhiều mục đích, nhưng không có tất cả các mục đích của Giáo Hội như trường hợp giáo xứ[230]. Về thành viên, một hiệp hội tự nó không mở cửa cho tất cả mọi tín hữu, mà chỉ mở cho những tín hữu tự nguyện gia nhập và được hiệp hội chấp thuận[231]. Sự khác biệt lại càng lớn hơn nữa khi xét về yếu tố phẩm trật. Thật vậy, các hiệp hội công có cha trợ úy[232] và các hiệp hội tư có cha linh hướng[233]. Nhưng dẫu thế, cha trợ úy hay cha linh hướng vẫn không thể đồng hóa với cha xứ hay cha tuyên úy[234] : thật vậy, ngài không phải là vị lãnh đạo cũng không là vị điều hành của hiệp hội[235], như trường hợp cha xứ hay cha tuyên úy là vị lãnh đạo của cộng đoàn ngài. Không gì cấm vị điều hành của hiệp hội là một giáo dân, trừ trường hợp hiệp hội giáo sĩ[236]. Có thể nói : một hiệp hội không được thành lập để làm tất cả mọi việc, cũng không hiện hữu cho tất cả mọi người ; tự bản chất riêng biệt của nó, hiệp hội không thể thay thế công đoàn phẩm trật.
Một phong trào Giáo Hội mới có thể hội nhập khó khăn, có khi hết sức đau đớn, vào mục vụ của một giáo xứ, nhiều khi là bởi lẫn lộn, thiếu phân định giữa những mục tiêu riêng của hiệp hội với sứ mạng “toàn diện” của giáo xứ, thí dụ có thể xảy ra trong trường hợp một phong trào nhắm mục đích riêng biệt là “tái truyền giảng tin mừng”[237].
Tiêu chuẩn thứ hai là biết phân biệt các loại hiệp hội khác nhau : hiệp hội tư hiện hữu trong thực tế, hiệp hội tư được công nhận và hiệp hội công. Trước hết những “hiệp hội tư thực tiễn” là những hiệp hội được thành lập và hoạt động mà chưa được giáo quyền phê chuẩn, dù đôi khi có thể đã được chính quyền dân sự công nhận. Việc thành lập những hiệp hội đó là hợp pháp, căn cứ trên quyền tư do lập hội được nói đến ở các điều 215, 216, 225 ; và do đó cha xứ, theo qui định của điều 529 § 2, có bổn phận phải cổ vũ. Sự cổ vũ của cha xứ, một đàng giúp hội nhập sáng kiến của người tín hữu vào trong đời sống của Giáo Hội và giáo xứ, đàng khác, là điều rất quí hóa, vì nhờ đó, khi được yêu cầu phê chuẩn qui chế của các hiệp hội ấy, thẩm quyền Giáo Hội có cơ sở để thẩm định[238]. Tình trạng pháp lý của những “hiệp hội thực tiễn” không ổn định.
Tiếp theo là những “hiệp hội tư được công nhận”, nghĩa là những hiệp hội mà qui chế đã được nhà chức trách có thẩm quyền duyệt y[239]. Việc phê duyệt nội qui này khác với việc thành lập một hiệp hội hay một chi nhánh của hiệp hội được nói đến ở điều 312 § 2. Nó không có nghĩa là giáo quyền khuyến khích thành lập, mà chỉ là xác nhận sự phù hợp với đức tin, luân lý và kỷ luật của Giáo Hội[240], xác nhận không có nguy cơ phân tán sức lực, mà trái lại tất cả đều qui hướng vào ích lợi chung[241], và chỉ sau khi có sự duyệt y này, thì mới được chính thức thành lập[242]. Dù sao, sự phê chuẩn không làm thay đổi bản chất “tư” của hiệp hội. Cha xứ, vẫn theo điều 529 § 2, có nghĩa vụ phải gần gũi cổ võ những hiệp hội này[243], để nhờ đó, nhà chức trách Giáo Hội có thể thi hành quyền giám sát trong sự tôn trọng quyền tự trị chính đáng của các hiệp hội ấy[244].
Các hiệp hội có thể được giáo quyền ban khen hay giới thiệu. Việc ban khen hay giới thiệu này có giá trị chứng nhận sự đáng tin của các hiệp hội ấy trong Giáo Hội, nhưng vẫn không phải là một sự chuẩn nhận về mặt pháp lý. Để có tính cách pháp nhân, một hiệp hội tư phải được thẩm quyền Giáo Hội ban cho qua một văn thư  chính thức[245].
Các “hiệp hội công” được gọi là “công” khi được thiết lập bởi nhà chức trách có thẩm quyền, để theo đuổi những mục tiêu riêng[246]. Bởi thế, các hiệp hội công hành động nhân danh Giáo Hội, dưới sự “hướng dẫn tối cao” của giáo quyền[247], và trở thành một phương tiện thi hành sứ mạng do thẩm quyền của Giáo Hội trao phó. So với những hiệp hội tư “thực tiễn” và những hiệp hội tư “được công nhận”, các hiệp hội “công” càng có lý do mạnh hơn để được cha xứ cổ võ, vì chúng hoạt động nhân danh Giáo Hội. Nhưng cha xứ không có quyền can thiệp vào việc cai trị nội bộ của các hiệp hội, mà theo qui chế được hưởng một sự tự trị chính đáng[248].
Tiêu chuẩn thứ ba liên quan đến các qui chế của hiệp hội : tất cả mọi hiệp hội giáo dân đều phải có qui chế, vì chính qui chế xác định căn tính của hiệp hội. Qui chế ấn định mục tiêu, tổ chức, việc cai tri cũng như cách thức hoạt động của từng hiệp hội. Qui chế cũng qui định về mọi phương diện liên quan đến đời sống của thành viên, điều kiện gia nhập, điều kiện hoạt động, cũng như qui định khi nào mất tư cách thành viên. Do đó, qui chế tương tự như “chứng minh thư”, phản ánh căn tính của hiệp hội. Chính nghị định phê chuẩn qui chế xác định hiệp hội là tư hay công. Do đó, qui chế vừa xác định căn tính của hiệp hội, vừa xác định tương quan với thẩm quyền Giáo Hội, đồng thời xác định công việc của hiệp hội trong sinh hoạt Giáo Hội. Quyền giám sát hay quyền lãnh đạo tối cao của giáo quyền, tùy trường hợp, không tước mất quyền tự trị chính đáng mà mỗi hiệp hội được công nhận theo qui định của luật cũng như theo qui chế của hiệp hội[249].
Trong bối cảnh Giáo hội hiệp thông, giáo xứ và các vị hữu trách của giáo xứ được mời gọi kính trọng qui chế cũng như quyền tự trị chính đáng của các hiệp hội. Các hiệp hội không thể bị cưỡng bách phải đi ngược lại luật lệ Giáo Hội hay qui chế của hiệp hội. Trái lại, những mục tiêu riêng mà các hiệp hội theo đuổi có thể cống hiến cho giáo xứ một cơ hội để đào sâu và phát triển những gì tốt đẹp vốn sẵn có trong giáo xứ.
Cha xứ được mời gọi hướng dẫn cộng đoàn giáo xứ mở lòng ra với các hiệp hội và đón nhận sự cộng tác của hiệp hội vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội tại địa phương qua thái độ tương kính, tế nhị, v.v…[250].
2.2. Các hội dòng thánh hiến và các tu đoàn tông đồ.
Cũng như các hiệp hội giáo dân và còn hơn thế nữa, các hội dòng thánh hiến và các tu đoàn tông đồ có một qui chế đáng được mọi người tôn trọng[251], vì được thẩm quyền Giáo Hội phê chuẩn bằng một sắc lệnh chính thức[252]. Các hội dòng, các tu đoàn ấy là những pháp nhân công, nghĩa là các đặc sủng của họ được công nhận là một hồng ân Chúa ban cho Giáo Hội để sử dụng nhân danh Giáo Hội và theo ủy nhiêm của Giáo Hội[253]. Giáo luật nhìn nhận quyền tự trị chính đáng trong sinh hoạt, nhất là trong việc lãnh đạo, để mỗi hội dòng[254], mỗi tu đoàn[255] có thể bảo toàn nguyên vẹn gia sản của mình. Và các bản quyền địa phương có bổn phận phải bảo vệ quyền tự trị ấy[256].
Bởi vậy, cha xứ phải tôn trọng ơn gọi riêng của các thành viên hội dòng thánh hiến có mặt trong cộng đoàn giáo xứ, để họ góp phần vào sự đa dạng kì diệu của Giáo Hội tại địa phương. Với tư cách là chủ chăn riêng của cộng đoàn giáo xứ dưới quyền Giám mục giáo phận, cha xứ chứng nhận các tín hữu này được hưởng hồng ân đặc biệt trong đời sống Giáo Hội cũng như trong việc góp phần vào sứ mạng của Giáo Hội[257]. Ngài có nhiệm vụ thức tỉnh cho các tín hữu về ý nghĩa đặc biệt của ơn gọi thánh hiến, vì nó chứng tỏ tính cấp bách của Nước Trời và sự triệt để của Phúc Âm.
Vì vậy, điều 673 qui định rằng việc tông đồ của mọi tu sĩ trước hết hệ tại ở chứng tá đời sống thánh hiến của họ[258]. Cha xứ không được quên điều đó, để không tạo ra những căng thẳng vô ích, thí dụ đừng đặt một tu sĩ làm trợ tá hay điều hành viên mục vụ, trừ khi họ thuộc hội dòng có mục đích hoạt động tông đồ[259] và đã được sự chấp thuận của Bề trên qua hợp đồng thỏa thuận với Giám mục giáo phận[260]. Các tu sĩ phải trung thành duy trì các hoạt động riêng của tu hội[261], bởi vì khi các hội dòng «trung thành với tính chất và phận vụ riêng của mình, là phục vụ lợi ích cho Giáo Hội»[262].
Các tu sĩ tùy thuộc quyền của Giám mục giáo phận «trong những gì liên quan đến việc coi sóc các linh hồn, cử hành phụng tự công, và các việc tông đồ khác»[263].
Các thành viên tu đoàn tông đồ cũng phải tuân theo những qui định ấy[264]. Để bảo đảm cho các tu sĩ giữ được tương quan hài hòa với Bề Trên dòng cũng như với Giám mục, cần thiết phải có một văn bản hợp đồng, ký kết giữa Giám mục giáo phận và Bề Trên có thẩm quyền của dòng, trong đó xác định rõ ràng và kỹ lưỡng công việc phải thực hiện, nhân sự lãnh trách nhiệm, và những vấn đề tài chính. Cha xứ, vì là cộng sự viên của giám mục trong linh mục đoàn giáo phận, phải quan tâm đến chương trình mục vụ chung của giáo phận khi kêu gọi sự cộng tác của các tu sĩ để luôn tôn trọng hợp đồng này.
Các thành viên giáo dân của các tu hội đời cũng tham gia vào nhiệm vụ rao truyền Phúc Âm của Giáo Hội tại địa phương[265]. Họ cộng tác vào việc phục vụ cộng đoàn Giáo Hội theo lối sống thế tục riêng của họ. Nói chung, các tu hội đời này không theo đuổi những hoạt động tông đồ riêng, ít là một cách minh nhiên, vì đặc tính riêng của họ là dấn thân thấm nhuần tinh thần Phúc Âm vào mọi thực tại của trần thế, “tựa như men”, “từ bên trong”. Cha xứ cần cẩn thận để đảm bảo phân định cách tốt nhất những gì liên quan đến ơn gọi và sứ mạng của các thành viên tu hội đời.
Các giáo sĩ tu hội đời thường nhập tịch vào giáo phận[266], tùy thuộc Giám mục giáo phận[267] và, tùy trường hợp, tùy thuộc Giám mục đã trao cho họ một giáo vụ[268]. Các giáo sĩ nhập tịch vào tu hội, thì tùy thuộc Giám mục giáo phận giống như các tu sĩ[269]. Các thành viên giáo sĩ tu hội đời có thể góp phần cộng tác đặc biệt của mình qua việc thi hành thừa tác vụ thánh của họ trong mục vụ giáo xứ. Các cha xứ cần quan tâm đến tính cách đặc biệt của ơn gọi họ cũng như sứ mạng của họ trong Giáo Hội tại địa phương.
Để kết luận, chúng ta có thể nói rằng : trong Giáo Hội địa phương, giáo xứ không phải là tất cả, vì ngoài giáo xứ còn nhiều dạng thức hiệp hội khác. Và Giáo Hội địa phương chỉ làm tỏa sáng sự phong phú của Phúc Âm khi biết phối hợp hài hòa các đặc sủng của cộng đoàn phẩm trật với các cộng đoàn hiệp hội[270].
KẾT LUẬN
Có thể nói định hướng sáng tạo nhất và cũng hữu hiệu nhất của Công đồng Vatican II là việc xây dựng một Giáo Hội ngày càng có tính tham gia[271]. Định hướng này đã khiến phải thay đổi cái nhìn về cơ cấu Giáo Hội, từ một quan niệm “kim tự tháp”, nặng tính phẩm trật và đặt trọng tâm vào linh mục quản xứ, chuyển sang cái nhìn đề cao sự cộng tác của tất cả mọi tín hữu. Giáo dân dưới sự lãnh đạo của mục tử không còn bị coi như khách với chủ, hay chỉ là tín hữu hạng hai, mà trái lại là những phần tử cốt yếu có trọn quyền cộng tác với hàng giáo sĩ. Những nguyên tắc đồng trách nhiệm, đồng tham gia vào sứ vụ Giáo Hội là thuộc cội rễ của ơn gọi Kitô hữu[272].
Quan niệm Giáo Hội hiệp thông, tham gia và sứ vụ như thế có thể trở thành qui tắc để đánh giá sự phát triển của các cộng đoàn Giáo Hội hậu Công đồng ở mọi nơi và thuộc mọi cấp độ, kể cả giáo xứ. Thí dụ, một trong những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ tham gia của một giáo xứ, có thể là việc giáo xứ đón nhận và quan niệm những cộng đồng giáo hội cơ bản như thế nào trong sinh hoạt mục vụ của mình. Trong khi quan niệm truyền thống tập trung vào vai trò của linh mục quản xứ, giảm nhẹ tối đa vai trò của giáo dân, thì cộng đồng giáo hội cơ bản phát xuất từ dưới, nghĩa là từ sáng kiến của giáo dân và chính giáo dân đóng vai trò chủ chốt trong sinh hoạt của những cộng đồng ấy. Việc đón nhận những cộng đồng ấy đã được Huấn Quyền nhiều lần khuyến khích, vì là một cách thức hữu hiệu để cổ võ sự hiệp thông và tham gia trong các giáo xứ, và là một sức mạnh vô song cho việc loan báo Tin Mừng, miễn là các cộng đồng ấy biết sống hiệp thông chân thành với các mục tử và Huấn quyền[273]. Việc đón nhận và trân trọng các hội đoàn giáo dân cũng nằm trong nhãn quan này[274].
Chúng ta kết thúc với những lời tâm huyết của Hội đồng Giám mục Việt Nam qua Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010 liên quan đến giáo xứ trong Giáo Hội hiệp thông – tham gia :
«Công Đồng Vatican II đã mở đường cho sự tham gia đa dạng của giáo dân vào đời sống Giáo Hội […]. Trong đời sống Giáo Hội tại Việt Nam, giáo dân đã và đang góp phần thật phong phú và quảng đại cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội, như mang Tin Mừng của Chúa đến những vùng xa xôi hẻo lánh, chia sẻ công đức tiền của, nhất là những lời cầu nguyện và bao hy sinh âm thầm để xây dựng sự hưng thịnh và sinh động của cộng đoàn Dân Chúa. Thật đáng trân trọng những đóng góp quý giá đó, nay Giáo Hội cần quan tâm hơn đến việc phát huy phẩm chất của giáo dân bằng cách tổ chức các khóa huấn luyện […]. Đồng thời cần canh tân những đường hướng và quy chế tổ chức giáo phận và giáo xứ, để giáo dân có cơ hội thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội»[275].
 

MỤC LỤC
 
 
DẪN NHẬP
  1. LINH MỤC QUẢN XỨ VÀ VIỆC CHĂM SÓC MỤC VỤ
       TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI HIỆP THÔNG
1.   Linh mục quản xứ
      trong việc chăm sóc sự “hiệp thông tín hữu”
2.   Linh mục quản xứ “lãnh đạo” một cộng đoàn
      là chủ thể đồng trách nhiệm
3.   Linh mục quản xứ
      phục vụ sự “hiệp thông phẩm trật” trong giáo xứ
  1. SỰ CỘNG TÁC CỦA CÁC LINH MỤC KHÁC VÀ GIÁO DÂN
1.   Cha phó, cộng sự viên phẩm trật do chức vụ
2.   Sự cộng tác của các linh mục khác
3.   Sự cộng tác của các thừa tác viên giáo dân
      trong cộng đoàn giáo xứ
  1. NHỮNG HÌNH THỨC “ĐỊNH CHẾ”
       VÀ CÁC HIỆP HỘI GIÁO DÂN CỘNG TÁC TRONG GIÁO XỨ
1.   Các hội đồng giáo xứ
2.   Các hiệp hội và các dòng tu trong giáo xứ
 
KẾT LUẬN
 
[1] X. Gal 3,28 ; BỘ Giáo lý ĐỨc tin, Thư Communionis notio, 28.5.1992, số 10.
[2] Benedictô XVI, Bài giảng tại giáo xứ mới St. Corbinian, 20.3.2011.
[3] X. HĐGMVN, Thư chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, 28.4.2011, số 27.
[4] X. Ibidem, số 23.
[5] Gioan Phaolô II, Việc chăm sóc mục vụ trong các giáo xứ đô thị, trong L’Osservatore Romano 21.10.1984, 4.
[6] X. Ochoa, Index verborum ac locutionum Codicis iuris canonici, Città del Vaticano 1984, từ “Chăm sóc mục vụ”, “Chăm sóc các linh hồn”, tr. 121. Thuật ngữ “chăm sóc các linh hồn”, kỳ cựu hơn, được Bộ Giáo Luật 1983 sử dụng 10 lần, trong đó một lần minh nhiên áp dụng cho linh mục quản xứ (x. đ. 757 ; những lần khác xem trong các điều 150 ; 151 ; 463 § 1,8o ; 678 § 1 ; 738 § 2 ; 771 § 2 ; 922 ; 986 § 1 ; 1003 § 2), nhưng có chiều hướng được thay thế bởi thuật ngữ “chăm sóc mục vụ”.
[7] Điều 451 § 1 (Bộ Giáo Luật 1917).
[8] X. lm 20b ; đ. 1272.
[9] X. THĐGM 1985, Tường trình cuối cùng Giáo Hội, qua Lời Chúa, cử hành các mầu nhiệm Đức Kitô vì phần rỗi thế gian, 7.12.1985, II,C,6 : «Vì Giáo Hội là hiệp thông, nên cần thiết phải có sự tham gia và đồng trách nhiệm ở tất cả mọi cấp bậc. Nguyên tắc tổng quát này phải được hiểu theo cách khác nhau trong những lãnh vực khác nhau», trong EV 9/1806.
[10] X. Gioan  Phaolô II, «Bài nói chuyện tại Hội Nghị quốc tế các phong trào giáo xứ», 4.5.1986, trong La Traccia 7 (1986), tr. 428.
[11] X. P. Urso, «Cơ cấu nội bộ Giáo Hội địa phương», trong Nhóm giẢng viên giáo luẬt Italia, Il diritto nel mistero della Chiesa, II, PUL, Roma 20013, tr. 566.
[12] Trong các nhiệm vụ của linh mục quản xứ, điều 467 § 1 của Bộ Giáo Luật cũ chỉ giới hạn trong việc liệt kê nhiệm vụ “phải biết con chiên mình, cẩn thận sửa sai những kẻ lầm lạc”, và nhiệm vụ “phải hết sức chăm lo các trường dạy trẻ công giáo”.
[13] X. GH 28 ; nhất là GM 30.
[14] X. BỘ Giáo Sĩ, Huấn thị Linh mục, mục tử và vị lãnh đạo cộng đoàn giáo xứ, 4.8.2002, số 18.
[15] X. GM 11 ; đ. 515 § 1; Gioan Phaolô II, Diễn văn cho những thành viên tham dự Hội Nghị quốc tế các phong trào giáo xứ do phong trào Focolare tổ chức, 4.5.1986, trong Insegnamenti IX (1986), 1203.
[16] X. BỘ Giáo Sĩ, Huấn thị Linh mục, mục tử và vị lãnh đạo cộng đoàn giáo xứ, số 20 ; BỘ truyỀn giẢng Tin MỪng cho các dân tỘc, Cẩm Nang mục vụ Các Giáo Hội trẻ trung, 1.10.1989, trong EV 11/2522-2532.2550.
[17] GM, số 30e.
[18] X. đ. 747 § 1.
[19] X. đđ. 750 ; 752 ; 753.
[20] X. 742 § 2 ; 768 § 1.
[21] X. đ. 760.
[22] X. đ. 762.
[23] X. MK, số 12.
[24] X. MK, số 10.
[25] X. đđ. 756 § 2 ; 772 § 1.
[26] X. đđ. 515 § 1 ; 519.
[27] X. đđ. 762-772.
[28] X. đđ. 773-780.
[29] X. đđ. 793-821.
[30] X. đđ. 781-792.
[31] X. SGLCGH, số 1348 ;
[32] X. Ủy Ban Giáo Hoàng chính thỨc giẢi thích Giáo luẬt, Trả lời Các Nghị Phụ của Ủy Ban Giáo Hoàng về đ. 767 § 1, 20.6.1987, trong EV 10/1841.
[33] Đ. 773.
[34] Đ. 776.
[35] Giáo dân không được phép giảng lễ (x. đ. 767 § 1), dù có thể được chấp nhận cho giảng trong một nhà thờ hay một nhà nguyện, nếu nhu cầu đòi hỏi, và phải tuân theo những qui định của Hội Đồng Giám Mục (x. đ. 766).
[36] X. đ. 774.
[37] X. đ. 776.
[38] X. đ. 780.
[39] X. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Dạy Giáo lý, 16.10.1979, số 67, trong EV 6/1918.
[40] Đ. 770.
[41] X. đ. 794.
[42] X. đđ. 793-821.
[43] Đ. 794.
[44] Đ. 795.
[45] X. đ. 793.
[46] X. đđ. 800-806.
[47] Đ. 794 § 2.
[48] X. đ. 802 § 1.
[49] X. M. Rivella, «Linh mục quản xứ, người loan báo Tin Mừng», trong QdDE 5-6 (1992-1993), tr. 22-28.
[50] X. đđ. 758 ; 801.
[51] Đ. 771 § 1.
[52] F. Coccopalmerio, La Parrocchia tra concilio Vaticano II e Codice di diritto canonico, tr. 97. «Bản văn xem ra không tế nhị lắm đối với những anh em Kitô hữu không công giáo. Lẽ ra nên nói rằng : “Họ không tuyên xưng trọn vẹn đức tin công giáo”. Và nếu cũng phải loan báo Lời Chúa cho họ, thì, song song với việc soi sáng lương tâm họ, cũng phải […] hết sức kính trọng đối với hoàn cảnh Giáo hội của họ».
[53] X. đđ. 102-107.
[54] X. TG 2 ; GH 17 ; GM 30 ; Phaolô VI, Tông Huấn Loan báo Tin Mừng, số 57, trong EV 5/1667.
[55] Communicationes 13 (1981), tr. 279.
[56] X. Ibidem.
[57] X. đ. 897 .
[58] X. GH 34.
[59] A. Montan, «Nhiệm vụ thánh hóa trong Giáo Hội», trong Nhóm giẢng viên giáo luẬt Italia, Il diritto nel mistero della Chiesa, III, PUL, Roma 20013, tr. 96.
[60] Đ. 528 § 2.
[61] X. Benedictô XVI, Tông Huấn Bí tích Tình yêu, các số 64-65.
[62] Cùng với Nghị định Sự ưu tiên của Phụng vụ ngày 17.12.2001, Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích cũng đã xuất bản cuốn Cẩm Nang về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, trong đó nhắc lại giáo huấn của Huấn Quyền về tương quan giữa Phụng vụ thánh và lòng đạo đức bình dân, đặc biệt trong các số 61-76, trong EV 20/2321-2323.
[63] Phaolô VI, Tông Huấn Loan báo Tin Mừng, số 48.
[64] Thí dụ đ. 915 qui định : «Những người bị vạ tuyệt thông và những người bị cấm chế sau khi hình phạt đã được tuyên kết hay tuyên bố, cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường, không được rước lễ»; x. Gioan Phaolô II, Tông huấn về gia đình, các số 79-84 ; BỘ Giáo lý đỨc tin, Thư Năm quốc tế, 14.9 1994, trong EV 14/1451-1464 ; Ủy ban giẢi thích các văn bẢn luẬt pháp, Tuyên bố Về đ. 915 của Bộ Giáo Luật, 26.6.2000 ; Communicationes 32 (2000), 159-162 ; BỘ Giám mỤc, Cẩm Nang Apostolorum successores, số 202, trong EV 22/2061.
[65] X. BỘ Giáo lý đỨc tin, Thư Năm quốc tế, 14.9 1994, trong EV 14/1451-1464.
[66] Đ. 836.
[67] Chúng ta có ba công thức khác nhau : Bộ Giáo Luật 1917, đ. 462: «Những phận vụ được dành riêng cho cha xứ» ; Lược đồ 1977, đ. 363 trong phiên họp ngày 9.5.1980 : «Những phận vụ phải do đích thân linh mục quản xứ thi hành và không được thi hành bởi những vị khác nếu không có sự đồng ý của ngài» (x. Communicationes 13 (1981), 281 ; và Bộ Giáo Luật 1983, đ. 530 : «Những phận vụ được ủy thác cách đặc biệt cho cha xứ…».  
[68] Đ. 213.
[69] X. BỘ Giáo Sĩ, Huấn thị Linh mục, mục tử và vị lãnh đạo cộng đoàn giáo xứ, số 22.
[70] X. A. Borras, La parrocchia, tr. 124.
[71] Communicationes 13 (1981), tr. 280.
[72] X. đ. 868 § 1,2o.
[73] X. BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Huấn Thị Pastoralis Actio, 20.10.1980, số 30-31, trong EV 7/623-624. Trong trường hợp cha mẹ đến xin rửa tội cho con cái mà ít lòng tin hay không sống đạo, hay cả trường hợp không phải là Kitô hữu, «niềm hy vọng chắc chắn là em sẽ được giáo dục trong đạo công giáo» có thể dựa vào vai trò của cha mẹ đỡ đầu hay của cộng đoàn tín hữu. Nếu có sự “đảm bảo” như thế, thì đã đủ, Huấn thị Pastoralis Actio qui định rằng «linh mục không được từ chối chậm trễ ban bí tích rửa tội cho trẻ đó, như đối với các em nhỏ gia đình Kitô khác».
[74] X. A. Borras, La parrocchia, tr. 128. Theo tác giả Borras, bảng liệt kê những nhiệm vụ chỉ có tính cách cơ bản, «bởi vì còn những nhiệm vụ nền tảng khác lại không được đề cập tới như rao giảng Lời Chúa, cử hành phụng vụ, thậm chí, tất cả những nhiệm vụ thuộc đời sống giáo xứ, cho đến việc chăm lo sổ sách cũng như văn khố giáo xứ (đ. 535)». Và tác giả nói đến lý do : «Các nhà soạn luật chỉ quan tâm thay đổi khái niệm “được dành riêng” sang khái niệm “được ủy thác đặc biệt” cho cha xứ, còn không thay đổi, hay đúng hơn, chỉ bổ sung đôi chút nội dung của bảng liệt kê các nhiệm vụ». 
[75] X. đ. 1003 ; cũng x. G. Trevisan, «Nhiệm vụ thánh hóa của cha xứ (đ. 528 § 2)», trong QdDE 6 (1993), tr. 40-41. Tác giả có đưa ra một trường hợp minh họa : một nhóm giáo dân muốn tổ chức một buổi chầu Thánh Thể. Cha xứ phải khích lệ và canh chừng để việc tổ chức hợp qui tắc phụng vụ, nhưng ngài không có nghĩa vụ buộc phải tham dự hay chủ sự giờ chầu ấy.
[76] X. Gioan Phaolô II, Tông huấn Những mục tử như lòng mong ước, số 30.
[77] X. C. Bonicelli, «Linh mục quản xứ», trong Orientamenti Pastorali (1983), số 12, tr. 59.
[78] CĐ Trentô, khóa XXIII, de rel. đ. 1.
[79] X. đđ. 226 § 2 ; 774 § 2 ; 776 ; 793 ; 796-799 ; 835 § 4 ; vv…
[80] X. Communicationes 13 (1981), tr. 280. Phần đầu văn bản của điều luật viết như sau : «[…] Cha xứ có nghĩa vụ phải lo liệu để hiểu biết những tín hữu đã được trao cho ngài coi sóc».
[81] X. đ. 1389 § 2.
[82] X. Gioan Phaolô II, Tông huấn Những mục tử như lòng mong ước, số 30.
[83] X. đ. 1752.
[84] X. X. Ochoa, Index verborum ac locutionum codex iuris canonici. Từ “chủ chăn riêng” được dùng 4 lần, trong các đđ. 370 ; 515 § 1; 516 § 1 ; 519.
[85] X. đđ. 515 § 1 và 519.
[86] X. đ. 131 § 2.
[87] X. GM, số 30a : «Vì lý do đặc biệt, các linh mục chính xứ là những cộng sự viên của Giám mục : các ngài được ủy thác việc chăm sóc các linh hồn như những chủ chăn riêng trong một khu vực nhất định thuộc giáo phận dưới quyền Giám mục». GM, số 11b : «Được ủy thác chăm sóc một Giáo Hội riêng biệt, mỗi Giám mục dẫn dắt các con chiên của mình nhân danh Chúa, dưới quyền Đức Giáo Hoàng, với danh nghĩa là chủ chăn riêng».
[88] X. đ. 391 § 2 ; cũng x. đđ. 478-480.
[89] X. đ. 526 § 1.
[90] X. đ. 517 § 1.
[91] V. De Paolis, «Sanzione e disciplina», trong Nuovo Dizionario di Diritto Canonico, tr. 957.
[92] Gioan Phaolô II, Tông Hiến Sacrae disciplinae leges.
[93] X. đ. 528 § 2 ; 392 § 2 ; 555 ; GM 29.
[94] X. BỘ Giáo Sĩ, Huấn thị Linh mục, mục tử và vị lãnh đạo cộng đoàn giáo xứ, số 15.
[95] X. BỘ GIÁM MỤC, Cẩm Nang Apostolorum successores, 22.2.2004, số 13, trong EV 22/1597.
[96] Đ. 533 § 1.
[97] GM, số 30,1c.
[98] X. đ. 534.
[99] X. đ. 535 § 1.
[100] Đ. 535 § 2.
[101] X. đ. 895.  
[102] X. đ. 1054. 
[103] X. đđ. 1076 ; 1123. 
[104] X. đ. 1121 §§ 1và 3. Đ. 535 § 2.
[105] Đ. 535 § 2. 
[106] 1079 § 2.
[107] LM 6d. 
[108] LM 9b : «Các linh mục phải thành thật nhìn nhận và khích lệ phẩm giá và vai trò riêng của giáo dân trong sứ mệnh Giáo Hội. […] Cũng thế, các ngài phải tin tưởng trao phó nhiệm vụ cho các giáo dân trong việc phục vụ Giáo Hội, để cho họ được tự do và có lãnh vực hoạt động, hơn nữa lúc thuận tiện, phải khuyến khích họ tự ý đảm trách công việc».
[109] X. đ. 275 § 2 : «Các giáo sĩ phải nhìn nhận và cổ vũ sứ mạng mà các giáo dân thi hành, mỗi người theo phần mình, trong Giáo Hội và trên thế giới».
[110] X. đđ. 519 ; 528 § 1 ; 225 § 1.
[111] X. F.G. Brambilla, La parrocchia oggi e domani, tr. 78-86.
[112] X. đ. 215 : quyền của người giáo dân được liên kết thành những hiệp hội ; đđ. 225-230 : những ơn gọi đặc biệt của người giáo dân.
[113] X. đ. 209.
[114] X. đ. 223 § 1.
[115] F. Coccopalmerio, «Il parroco “pastore” della parrocchia», trong QdDE 5-6 (1992-1993), tr. 19-20.
[116] X. đ. 515 § 1.
[117] X. Ochoa, Index verborum ac locutionum, từ “dưới quyền”, tr. 467 : liên quan đến chức vụ quản xứ (3 lần : đđ. 515 § 1 ; 519 ; 528 § 2), liên quan đến chức vụ Giám đốc chủng viện (đ. 261 § 1), liên quan chức vụ quản lý giáo phận (đ. 494 § 3), liên quan Hội Đồng mục vụ giáo phận (đ. 511), v.v…
[118] Đ. 523. Trừ trường hợp một tu sĩ, thì theo qui định của đ. 682 : Giám mục giáo phận bổ nhiệm vị tu sĩ, nhưng do Bề Trên thẩm quyền của Dòng giới thiệu hay ít là đồng ý.
[119] Đ. 524.
[120] X. đ. 531.
[121] Đ. 533 § 3.
[122] Đ. 535.
[123] Đ. 535 § 4. Cũng x. đđ. 1740-1747 liên quan đến thủ tục giải nhiệm, và đđ. 1748-1752 liên quan thủ tục thuyên chuyển các cha xứ.
[124] Đ. 536 § 2.
[125] Đ. 537.
[126] X. Augustinus, Bài giảng 46, 30 ; CCL 41, 555-557. Cũng x. BỘ Giáo sĩ, Cẩm Nang Dives Ecclesiae, 31.3.1994, Città del Vaticano 1994, số 22, trong EV 14/783.
[127] X. BỘ Giáo sĩ, Cẩm Nang Dives Ecclesiae, số 22.
[128] X. đ. 782 § 2.
[129] X. PV 42b ; GH 28b.
[130] X. TĐ 10 ; PV 42.
[131] X. TĐ 32 d.
[132] X. Piô XII, Diễn văn cho các Tân Hồng Y, 20.2.1946, trong AAS 38 (1946), 149.
[133] X. đđ. 545-552.
[134] X. đ. 477 § 1 của Bộ Giáo Luật 17.
[135] X. đ. 471 của Bộ Giáo Luật 17.
[136] X. đđ. 472-473 của Bộ Giáo Luật 17.
[137] X. đ. 474 của Bộ Giáo Luật 17.
[138] X. đ. 475 của Bộ Giáo Luật 17.
[139] X. đ. 476 của Bộ Giáo Luật 17.
[140] X. đ. 546.
[141] X. GH 28b.
[142] Đ. 515 § 1.
[143] Đ. 545 § 1.
[144] GH 28b.
[145] Đ. 548 § 3 ; GM 30, 3 diễn tả tương quan giữa cha xứ-cha phó bằng những lời lẽ thân tình, “huynh đệ” : «Các linh mục phó là những cộng sự viên của linh mục chính xứ […]. Vì thế, linh mục chính xứ và các linh mục phó xứ của ngài, phải có những liên lạc huynh đệ, luôn bác ái và kính trọng nhau, tương trợ lẫn nhau bằng những lời khuyên nhủ, giúp đỡ và gương mẫu, đồng tâm hiệp ý và hăng say lo lắng cho giáo xứ».
[146] X. đ. 548 § 2.
[147] Đ. 545 § 2.
[148] Đ. 547 ; x. đ. 157.
[149] X. đđ. 547 ; 682 § 1.
[150] X. đđ. 552 và 193 § 3.
[151] X. đ. 548 § 3.
[152] X. đ. 550 §§ 1 và 2.
[153] X. đ. 550 § 3.
[154] X. đđ. 551 ; 531.
[155] Đ. 548 § 1.
[156] X. đ. 552.
[157] X. đđ. 184-196.
[158] So sánh đ. 253 § 3 với đ. 1741.
[159] X. đ. 556.
[160] X. đ. 107 § 1.
[161] X. đ. 317 § 1.
[162] X. đ. 324 § 2.
[163] X. đ. 228 § 1 ; GH 23c.
[164] TĐ 10a.
[165] X. G. Duperray, «Ministères laics. Une nouvelle tradition», trong Études 379 (1993), tr. 67-68.
[166] A. Borras, La parrocchia, tr. 209.
[167] X. TG 15i và 17ab ; Phaolô VI, Tự sắc Ministeria quaedam, trong EV 4/1755. Riêng Tông Huấn Người Kitô hữu giáo dân trong số 23h nhắc lại Tông Huấn Evangelii nuntiandi và mô tả phạm vi hoạt động bao la, phức tạp của các thừa tác vụ giáo dân như sau : «Cánh đồng dành cho họat động truyền giáo của giáo dân là cả một thế giới bao la và phức tạp của chính trị, xã hội, kinh tế, và của cả văn hóa, khoa học, nghệ thuật, sinh hoạt quốc tế, những phương tiện truyền thông xã hội, cũng như một số thực tại khác đang đặc biệt chờ được Phúc-âm-hóa như tình yêu, gia đình, giáo dục thiếu nhi và thanh niên, nghề nghiệp, đau khổ. Càng có nhiều giáo dân được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng, có trách nhiệm đối với những thực tại này và sẵn sàng dấn thân vào đó, […], thì những thực tại này càng góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa».
[168] A. Borras, La parrocchia, tr. 212.
[169] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Người Kitô hữu giáo dân, số 27cd.
[170] Có thể nghĩ đến những cơ quan đồng trách nhiệm đặc biệt như Công Đồng chung, Công Đồng địa phương, Hội Đồng Giám Mục, hay các cơ quan tham gia như hội đồng linh mục, hội đồng mục vụ, hội đồng kinh tế.
[171] A. Borras, La parrocchia, tr. 217-218.
[172] X. đ. 127 § 2.
[173] X. G. Ghirlanda, «Presentazione», trong M. Rivella, Sự tham gia và đồng trách nhiệm trong Giáo Hội, tr. 8.
[174] X. GM 27e ; LM 7.
[175] X. TĐ 26, trong EV 1/1012. Điều kỳ lạ là trong bản liệt kê các nguồn của đ. 536, do Ủy Ban Tòa Thánh chính thức giải thích giáo luật soạn, lại không có TĐ 26, mà lại lại kê đặc biệt GM 27, là đoạn chỉ đề cập đến hội đồng mục vụ giáo phận.
[176] X. đ. 511.
[177] X. đ. 536 § 1.
[178] X. Acta et Documenta Concilio Oecumenico Vaticano II Apparando, Praeparatoria, II, III, De Animarum cura in genere (3 .5.1962), tr. 676-694.
[179] Ibidem, tr. 692.
[180] X. Thánh BỘ giáo sĩ, Thư luân lưu Omnes christifideles, 15.3.1972, số 12, trong EV 4/1922.
[181] X. Thánh BỘ Giám mỤc, Cẩm Nang Ecclesiae imago, 22.2.1973, số 179, trong EV 4/2235.
[182] J. Huels, «Đời sống giáo xứ và Bộ Giáo Luật mới», trong Concilium 22 (1986), tr. 414-415.
[183] X. A. Borras, «Petite apologie du Conseil pastoral de paroisse», trong NRT 114 (1992), tr. 558-559.
[184] X. đđ. 511-514. Ngoài ra, nhà lập pháp còn nhắc đến một vài bản văn về hội đồng mục vụ giáo phận như là nguồn chính thức của đ. 536 như GM 27 ; x. Phaolô VI, Tự sắc Ecclesiae sanctae, I, 16 §§ 1-3.
[185] Tĩnh từ “mục vụ” trong thuật ngữ “hoạt động mục vụ” chắc chắn không được hiểu theo nghĩa hẹp là hoạt động của chủ chăn (pastore) ; mà đúng hơn là hoạt động của tất cả cộng đoàn theo nghĩa đã được Ủy Ban tu chỉnh giáo luật xác định : «Một nghị phụ đề nghị gọi là “Hội đồng giáo xứ”, nhưng theo vị thư ký và các vị khác, nên thêm tĩnh từ “mục vụ” vào, để giới hạn rõ hơn thẩm quyền của Hội đồng, không nới rộng sang lãnh vực điều hành, hay quản trị tài sản, vv…» (Communicationes 13 (1981), tr. 146).
[186] X. đ. 511 ; GM 27e.
[187] Phaolô VI, Tự sắc Ecclesiae sanctae, I, 16 § 1, trong EV 2/786.
[188] HỘi ĐỒng Tòa Thánh vỀ giáo dân, Văn kiện Việc đào tạo giáo dân, 3.10.1978, Chương III, trong EV 6/1033.
[189] PhẠm Minh MẪn, «Quy chế Hội đồng mục vụ giáo xứ», đ. 3, trong Hiệp Thông, số 18-19 (2003), tr. 260.
[190] E. Miragoli, «Hội đồng mục vụ giáo xứ giữa lý thuyết và thực hành», trong M. Rivella, Sự tham gia và đồng trách nhiệm trong Giáo Hội, tr. 264 ; BỘ Giáo Sĩ, Cẩm Nang Dives Ecclesiae, 31.5.1994, các số 30.55-56.
[191] Đ. 512 § 2.
[192] X. A. Borras, La parrocchia, tr. 223.
[193] X. V. De Paolis, «Il religioso parroco», trong Orientamenti Pastorali 2 (1983), 73.
[194] X. đ. 673 ; Thánh BỘ Tu Sĩ và các Tu HỘi đỜi và Thánh BỘ Giám mỤc, Bản Hướng Dẫn Mutuae relationes, 14.5.1978, trong EV 6/586-717.
[195] BỘ Giáo Sĩ và các BỘ khác, Huấn Thị liên bộ Ecclesiae de mysterio, 15.8.1997, art. 5 § 2, trong EV 16/716.
[196] X. SGLCGH, số 1650.
[197] X. A. Borras, La parrocchia, tr. 224.
[198] Đ. 536 § 2.
[199] X. GH 12b.
[200] X. V. De Paolis, «Beneficio», trong Nuovo Dizionario di Diritto Canonico, tr. 91-92.
[201] X. đ. 1272 ; LM 17c.
[202] X. đ. 1274.
[203] X. đ. 1254 § 2.
[204] X. đ. 531.
[205] X. TĐ 10 ; LM 17.
[206] Đây là đ. 351 ter trong Communicationes 13 (1981), 307-308. «§ 1. Ubi adiuncta id suadeant, in unaquaqoe paroecia habeatur Consilium a rebus oeconomicis, quod regitur normis ab episcopo dioecesano editis et in quo christifideles, secundum easdem normas selecti, una cum parocho praeside bona paroeciae administrant, salvis semper praescriptis can. 366. – § 2. Consilium a rebus oeconomicis haberi potest etiam, de iudicio Episcopi diocoesani, in singulis quasi-paroeciis, necnon in communitatibus, ad normam can. 349 bis § 3 constitutis, secundum statutorum praescripta. – § 3. Si ratione supraparoeciali ad normam can. 349 ter bona propria administranda sunt, Episcopus dioecesanus constitutionem Consilii a rebus oeconomicis specialis imponere normasque idoneas edere potest».
[207] X. Communicationes 13 (1981), tr. 308.
[208] X. V. De Paolis, «Hội đồng kinh tế và những tài sản đã tạo thành di sản cố định của giáo xứ», tr. 282.
[209] X. Communicationes 13 (1981), tr. 307-308.
[210] Có thể có những trường hợp Hội đồng kinh tế, dù chỉ có quyền tư vấn, được mời gọi cho ý kiến “đồng thuận”, theo qui định của đ. 127 § 1 (x. thí dụ đđ. 500 § 2 ; 627 § 2 ; 1292 § 1), trừ khi luật chung không chấp thuận, là điều không thấy có đối với Hội đồng kinh tế giáo xứ. Một nhận xét thú vị, đó là trong khi luật nói rõ hội đồng mục vụ giáo xứ chỉ có quyền tư vấn, thì lại không nói gì như thế đối với Hội đồng kinh tế giáo xứ.
[211] Thí dụ : điều kiện phải tham gia vào sinh hoạt giáo xứ và khả năng cân nhắc trong lãnh vực kinh tế với tinh thần Giáo Hội.
[212] Thí dụ những nhiệm vụ chính yếu của Hội đồng kinh tế : chuẩn bị ngân sách các khoản thu chi dự trù cho việc quản trị thông thường và ngoại thường cho năm tới ; cuối năm chứng thực sổ thu chi; kiểm tra định kỳ dự trù ngân sách ; tường trình cho Hội đồng mục vụ cũng như toàn thể cộng đoàn về việc sử dụng các của dâng cúng ; cho ý kiến về việc quản trị ngoại thường ; kiểm tra việc thực hiện hợp đồng theo qui định của đ. 520 § 2 (giáo xứ trao cho các dòng tu).
[213] Dựa trên luật trừ của đ. 1279 § 1, chúng ta có thể suy luận rằng Hội đồng kinh tế có thể có quyền “chấp thuận” (biểu quyết), theo qui định của luật riêng giáo phận.
[214] X. đ. 137 § 1. Quyền do chức vụ có thể được thừa ủy chung hoặc riêng, vì là quyền thông thường (đ. 131 § 1).
[215] X. đ.1282.  Điều luật nói đến sự tham gia vào việc quản trị tài sản của Giáo Hội dưới bất cứ danh nghĩa nào, như vậy kể cả trường hợp không phải là giáo vụ, như trường hợp một quản lý do cha xứ đặt lên.
[216] X. đ. 1741, 5o.
[217] X. đđ. 492 § 1 ; 532 ; 1279 § 1.
[218] Đối chiếu đ. 536 với đ. 537.
[219] X. Communicationes 14 (1982), tr. 226.
[220] X. F. Coccopalmerio, La parrocchia, tr. 258 ; C. Redaelli, «Il rapporto tra due consigli parrocchiali», trong M. Rivella, Partecipazione e responsibilità nella Chiesa, tr. 298.
[221] X. đ. 492 § 1.
[222] Vấn đề được đặt ra vì hai sự thể : một đàng, theo luật, bắt buộc phải thiết lập Hội đồng kinh tế, trong khi không buộc đối với Hội đồng mục vụ, và đàng khác đối với một số giáo xứ nhỏ, việc thiết lập không phải không có khó khăn.
[223] A. Borras, La parrocchia, tr. 232.
[224] X. Guida operativa per l’amministrazione degli enti non commerciali, Milano 1995, tr. 240.
[225] Bộ Giáo Luật 17, mặc dù đã biết đến và đã có qui định cách nào đó hiện tượng hiệp hội trong Giáo Hội, nhưng không có khẳng định nào minh nhiên về quyền lập hội của người tín hữu, trái lại, hầu như dành cho thẩm quyền hữu trách vai trò độc tôn trong việc lập hội. Đ. 686 § 1 qui định như sau : «Không một hiệp hội nào được nhìn nhận trong Giáo Hội, nếu đã không được thẩm quyền Giáo Hội thiết lập hay ít là chấp thuận»
[226] X. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Người Kitô hữu giáo dân, số 29b.
[227] X. đđ. 298-329 ; đ. 215 : «Các Kitô hữu có trọn quyền thành lập và điều hành các hiệp hội nhằm mục đích từ thiện hoặc đạo đức ; […] họ cũng được trọn quyền tự do hội họp để cùng nhau theo đuổi các mục đích đó».
[228] X. đ. 529 § 2 ; cũng x. đ. 298 § 1.
[229] X. đ. 225 § 1.
[230] X. đ. 298 § 1.
[231] X. đ. 298 § 2.
[232] X. đ. 317 § 1.
[233] X. đ. 324 § 2.
[234] X. đ. 564.
[235] X. đ. 317 (hiệp hội công) ; đ. 324 (hiệp hội tư).
[236] X. đ. 302. Các hiệp hội giáo sĩ nói ở đ. 302, khác với những hiệp hội giáo sĩ triều ở đ. 278, vẫn luôn là hiệp hội tín hữu, trong đó danh hiệu “giáo sĩ” là chỉ được điều hành bởi giáo sĩ và có đảm nhận việc thi hành chức thánh.
[237] X. TĐ 19a.
[238] X. đ. 322 § 2.
[239] X. đ. 299 § 3.
[240] X. đ. 305 § 1.
[241] X. đ. 323 § 2.
[242] X. Communicationes 15 (1983), tr. 82tt.
[243] X. Gioan Phaolô II, Tông thư Ngàn năm thứ ba đang đến, số 46.
[244] X. đ. 323 § 2.
[245] X. đ. 322 § 1.
[246] X. đ. 301.
[247] X. đđ. 315 ; 319 § 1.
[248] X. đ. 323 ; 321.
[249] X. đđ. 305 ; 323 § 1.
[250] BỘ Giáo Sĩ, Huấn thị Linh mục, mục tử và người lãnh đạo cộng đoàn giáo xứ, số 29d ; BỘ giáo lý đỨc tin, Tuyên ngôn Chúa Giêsu, 6.8.2000, số 15, trong EV 19/1179.
[251] X. đđ. 578 ; 587 ; 574 § 1. Mỗi hội dòng có một căn tính riêng, mục đích riêng, linh đạo riêng. Để chỉ tất cả những đặc tính riêng biệt này, đ. 578 dùng từ ngữ “gia sản”, một từ đã được sử dụng trong sắc lệnh “Đức ái hoàn hảo”, số 2.
[252] X. đ. 579.
[253] X. đ. 675 § 3.
[254] X. đ. 586 § 1.
[255] X. đ. 732.
[256] X. đ. 586 § 2.
[257] X. GH 43b ; đ. 574.
[258] Qui định quan trọng này không thấy có trong Bộ Giáo Luật 17.
[259] X. đ. 675 § 1.
[260] X. đ. 678 §§ 2-3.
[261] X. đ. 677 § 1.
[262] Vatican II, Sắc lệnh Canh tân thích nghi đời sống dòng tu, số 2.
[263] Đ. 678 § 1.
[264] X. đ. 738 § 2.
[265] X. đ. 713 §§ 1-2.
[266] X. đ. 266 § 3.
[267] X. đ. 715 § 1.
[268] X. đ. 157.
[269] X. đ. 715 § 2.
[270] X. Gioan Phaolô II, Tông huấn Người Kitô hữu giáo dân, số 31e.
[271] X. THĐGM, Bản tường trình chung quyết Ecclesia sub verbo Dei mysteria Christi celebrans pro salute mundi, II, C, 6.
[272] X. đđ. 96 ; 204 ; 208-223 ; 224-231.
[273] X. Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, số 58 ; Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, 6.11.1999, số 25.
[274] Theo báo cáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam nhân dịp Ad Limina 2009, ngoài các Hội đồng giáo xứ, chúng ta có thể nghĩ đến các Hội đoàn Công giáo tiến hành : Thiếu nhi Thánh Thể, Hùng tâm dũng chí, Thanh Sinh công, Hướng đạo công giáo, Con Đức Mẹ, Hiệp hội Thánh Mẫu, Legio Mariae, các Bà mẹ công giáo, Liên minh Thánh Tâm, Dòng Ba Đa Minh, Dòng Ba Phan Sinh, Dòng Ba Cát minh, Hiệp hội giáo dân bác ái, Caritas Việt Nam, Khôi bình Việt Nam, Gia đình cùng theo Chúa, Gia đình Chúa. X. Ủy Ban Giáo Dân (HĐGMVN), Báo cáo nhân dịp Ad Limina, 9.4.2009.
[275] HĐGMVN, Thư chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, Số 27.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây