GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

https://giaoluatconggiao.com


CẢM THỨC ĐỨC TIN VỀ SỰ VÔ HIỆU CỦA CHỨC THÁNH

CẢM THỨC ĐỨC TIN VỀ SỰ VÔ HIỆU CỦA CHỨC THÁNH
Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng

1. Cảm thức đức tin của một linh mục

Qua sự kiện Hồ Hữu Hòa, đã gian trá để chịu chức thánh, cha Giuse NVN Giáo phận Ban Mê Thuột đã tỏ bày “cảm thức đức tin” của mình:
Giáo hội Công giáo nhìn nhận vai trò của “cảm thức đức tin” của cộng đồng dân Chúa trong việc tiếp cận chân lý. Bên cạnh đó dẫu cho luôn đề cao vai trò của Huấn Quyền trong việc trình bày chân lý đức tin nhưng Giáo hội vẫn luôn tôn trọng tiếng (“lương tâm” của từng cá nhân tín hữu.
Xin mạo muội tỏ bày một “cảm thức đức tin” của bản thân về vấn đề thành sự của bí tích Truyền Chức Thánh.
1.Một bé trai một tháng tuổi vừa được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy thành sự xong và liền được lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh ngay thì có phải là phó tế, là linh mục hay giám mục thành sự không?
2.Một thiếu niên đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy mà bị bệnh tâm thần không “phân biệt tay phải với tay trái”, nếu lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh thì có trở thành giám mục, linh mục hay phó tế cách thành sự không?
3.Một trung niên Công giáo chính tông nhưng đã ly dị và tái hôn nhiều lần và như công khai bỏ đạo, nếu lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh thì có trở thành giám mục, linh mục hay phó tế cách thành sự không?
4.Một người nam đã chịu bí tích thánh tẩy mà cố ý dùng nhiều kế sách lọc lừa, gian dối để lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh thì có thành phó tế, linh mục hay thậm chí là giám mục thành sự không?
Theo Giáo Luật Công giáo hiện hành thì những trường hợp ở trên đều là thành sự dù là bất hợp luật. Giáo luật Điều 1024 chỉ nêu hai điều kiện để lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh thành sự xét về phía thụ nhân đó là “nam giới và đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy”.
Dù vâng phục Huấn Quyền, nhưng tự đáy lòng tôi, vọng tiếng lương tâm: Những trường hợp ấy là KHÔNG THÀNH SỰ.
Bí tích Truyền Chức Thánh mang tính cộng đoàn hơn bí tích Hôn Phối. Bí tích dứt khoát không phải là “ma thuật”. Phạm trù Giáo hội bổ túc (Ecclesia supplet) xem ra không thể áp dụng vào các trường hợp này.

 
2. Giáo hội đã dự liệu biện pháp kỷ luật cho những trường hợp xấu
Cảm thức đức tin chung của các tín hữu có thể đúng, nhưng cần có sự phán định của huấn quyền. Ngày nay Giáo hội nhận ra rõ hơn sự mạc khải hay giáo huấn của Chúa Thánh Thần hiện hữu ngay cả trong các thành phần dân Chúa. Việc mở rộng Công nghị các Giám Mục (Thượng Hội Đồng GM) xuống các Giáo hội địa phương là một dấu chứng cho nhận biết này. Tuy nhiên, cuối cùng sự phán định cũng thuộc quyền Đức Giáo hoàng, nghĩa là thuộc quyền tối cao của Giáo Hội.
Trong trường hợp của Hồ Hữu Hòa, người đã sử dụng ủy nhiệm thư giả mạo để chịu chức thánh, cùng với việc hành nghề phong thủy bói toán, bị tù tội vì tội liên quan đến hối lộ, được đa số tín hữu coi là bất xứng đối với chức linh mục. Một số khác cho là bất thành. Cha Giuse NVN Giáo phận Ban Mê Thuột nại đến cảm thức đức tin, tin là bất thành.
Giáo hội khi thiết lập luật về truyền chức thánh cũng đã biết có thể xảy ra những điều ngược lại với cảm thức một số, hoặc của một số đông tín hữu. Tuy nhiên, bù lại, Giáo hội đã đặt ra những điều kiện rất chặc chẻ để ứng sinh được chấp nhận truyền chức thánh, như là sự trưởng thành, thời gian huấn luyện triết học, thần học, tu đức... Và nếu như một ứng sinh được truyền chức bất hợp luật thì Giáo luật cũng định liệu các biện pháp huyền chức hay treo chén đối với người đó. Ngay cả Giám mục truyền chức bất hợp luật cũng có thể bị phạt vạ.

3- Luật bãi hiệu chức thánh có thể gây thiệt hại lớn

Giáo hội có những lý do riêng để không ấn định một số trường hợp  truyền chức bất thành. Trong những lý do đó, có một vấn đề mà chúng ta cần suy xét. Đó là, nếu chịu chức thánh do man trá, mại thánh...  mà bị vô hiệu thì hậu quả thiệt hại cho Giáo hội là rất lớn. Có thể nói là quá khủng khiếp trong một số trường hợp.
Giả sử như một hôm người ta khui ra một ông Giám mục, trước đây khi chịu chức linh mục đã bị vô hiệu do ông ta đã lừa dối. Vậy thì, chức thánh Giám mục của ông ta đang có cũng bị vô hiệu. Hậu quả là, hàng trăm linh mục được chịu chức bởi vị Giám mục này cũng bị vô hiệu; và hàng trăm ngàn giáo dân trong giáo phận đã tham dự những Thánh Lễ liên quan vô hiệu, kết hôn phối vô hiệu, được giải tội vô hiệu...
Thử đặt trường hợp ở Trung Quốc, nếu chức Giám mục, linh mục (quốc doanh) vì lý do này hay lý do khác mà không thành sự... thì giáo dân ở Trung Quốc sẽ ra sao? Ắt sẽ không còn Giám mục, linh mục và Giáo hội tại đó sẽ suy tàn.
Giả sử như một Đức Giáo hoàng mà bị khám phá ra khi chịu chức linh mục là có gian dối và bị vô hiệu thì sao? Trong lịch sử Giáo hội, khi phân chia Đông Tây, Chính Thống và Công giáo, vị đứng đầu nào là kế vị Thánh Phêrô? Rồi khi Giáo hội có cả đến 2,3 Giáo hoàng. Nếu truyền chức thánh bị vô hiệu bởi vị Giáo hoàng không chính thống, cả Giáo hội sẽ bị rối loạn vì biết bao nhiêu là Giám mục, linh mục xuất phát từ những vị Giáo hoàng không chính thống đó. Công Ðồng Constance (1414-18) đã truất phế hai giáo hoàng, khuyến khích vị thứ ba từ chức, và tuyển chọn một giáo hoàng mới, Ðức Martin V (1417). Công đồng đã không tuyên bố các Giám mục bổ nhiệm hay truyên chức từ hai Giáo hoàng bị truất phế đó là bất thành.
Sự kiện cho thấy, nếu Giáo hội đưa ra một số điều luật về sự vô hiệu chức thánh nào đó, như ấn định rằng truyền chức do gian dối, mại thánh... thì bất thành, sẽ dẫn Giáo hội đến sự tiêu tan.

4. Giả thiết không thực tế

Cha Giuse đã đưa ra những trường hợp chịu chức thánh mà khiến sự phán đoán thông thường, hay cảm thức lương tâm, khó mà có thể chấp nhận là thành sự được. Đó là phong chức thánh cho
1- một bé trai mới sinh;
2- một người bị bệnh tâm thần;
3- một người tội lỗi bỏ đạo;
4- một người dùng nhiều kế sách gian dối.
Trong thực tế ba trường hợp đầu không thể xảy ra vì những điều kiện giáo  luật về sự trưởng thành, học hành, tu đức, tuổi tác... luôn được đặt ra cho tiến chức phó tế, linh mục. Trường hợp thứ tư, gian dối là có thể xảy ra vì giáo quyền bị lừa, nhưng như đã nói, tiến chức bị cấm thi hành chức thánh hay bị trục xuất ra khỏi hàng giáo sĩ.

5. Giả sử như trường hợp truyền chức cho em bé sơ sinh, người điên, người tội lỗi, bỏ đạo... đã có xảy ra thì sao?

Bộ Giáo luật cũng đã dự liệu những trường hợp có thể khiếu tố sự bất thành của chức thánh lên tòa án Tông Tòa, được kể ở những điều 1708 và 1709.

Theo ý riêng tôi, điều luật sau sẽ được dùng đến để tuyên bố chức thánh trong ba trường hợp trên là bất thành:
Điều 124 §1. Để được hữu hiệu, một hành vi pháp lý phải do một người có khả năng hành động thực hiện và phải hội đủ những yếu tố cấu thành bản chất của hành vi ấy, cũng như phải giữ những thể thức và những điều kiện mà luật đòi hỏi để hành vi được hữu hiệu.
Thẩm phán của Tòa án sẽ ra phán quyết, tóm tắt như sau:
...Việc truyền chức linh mục cho em bé nam một tháng tuổi mới được Rửa tội do Giám mục A là vô hiệu, dựa trên cơ sở là Giám mục bị loạn tâm thần, không còn khả năng để thực hiện hành vi truyền chức, chiếu theo điều 124 §1...

Rõ ràng là chỉ có ông Giám mục bị rối loạn lý trí mới cử hành phong chức cho một em bé mới sinh. Và nếu có người biết được, họ sẽ cản ngài ngay. Cũng tương tự, một Giám mục mà đi phong chức cho một người bị bệnh hoang tưởng, hoặc phong chức thánh cho một người tội lỗi bỏ đạo thì rõ ràng là ông Giám mục ấy cũng bị rối loạn lý trí rồi.
Việc phong chức là bất thành, trong những trường hợp này là do  Giám mục phong chức không còn khả năng thực hiện hành vi nhân linh.

Giả sử như vị Giám mục phong chức đó không bị rối loạn lý trí hay hoang tưởng, nhưng rất tỉnh trí và cố ý thì sao?
Chắc là Tòa án cũng sẽ xử vị Giám mục đó tội lạc giáo hay ly giáo và ra vạ tuyệt thông, hoặc cũng có thể huyền chức, hay trục xuất vị đó ra khỏi hàng giáo sĩ.


 

Tác giả: JB Dũng Lm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây