GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

https://giaoluatconggiao.com


GỢI Ý CÂU HỎI VỀ CHỦ ĐỀ "MỘT GIÁO HỘI ĐỒNG HÀNH" - J.B. Lê Ngọc Dũng

GỢI Ý CÂU HỎI VỀ CHỦ ĐỀ "MỘT GIÁO HỘI ĐỒNG HÀNH"

Để tham gia đóng góp ý kiến cho Thượng Hội đồng Giám mục  kỳ này, xin gợi ý 10 nhóm câu hỏi, để dùng trong những buổi thảo luận, góp ý kiến cho chủ đề "Cho một Giáo Hội đồng hành: hiệp thông, tham gia, và sứ vụ". Bản câu hỏi này dựa theo  bản câu hỏi gợi ý theo 10 chủ đề, tạm gọi là 10 tiểu đề, khai triển về 10 chiều kích thực tiễn của chủ đề, được thấy trong Tài liệu Chuẩn bị số 30 và trong quyển Cẩm nang, mục 3.5.

1. BẢN CÂU HỎI
I) NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐƯỜNG
Trong Giáo hội và ngoài xã hội, chúng ta đi bên nhau trên cùng một con đường.
1- Trong giáo xứ hay cộng đoàn dòng tu, bạn có thấy có sự phân rẽ thành nhóm riêng biệt hay phe phái không? Nếu có, nó đã đưa đến những hậu quả nào? Chúng ta cần phải làm những gì để tránh những sự phân rẽ đó?
2- Trong giáo xứ hay cộng đoàn dòng tu, bạn có thấy một vài người sống xa cách, biệt lập hay không cộng tác, hoặc thậm chí gây khích bác. Nếu có, nó đã đưa đến hậu quả nào? Chúng ta cần phải làm những gì để giúp họ cải thiện?
3- Trong gia đình, có những tình trạng sống xa cách nhau, hoặc chống đối nhau, giữa vợ chồng, giữa cha mẹ con cái, giữa nàng dâu mẹ chồng... không? Nếu có, bạn đề nghị những giải pháp nào để có được cuộc sống hòa thuận thương yêu nhau?
4- Trong cuộc sống, chúng ta có ý muốn làm bạn với những người bạn đồng nghiệp hay cùng làm việc với họ không? Nếu có, thì cần đối xử với họ như thế nào để có thể trở thành bạn và giúp họ đón nhận Tin Mừng?
5- Đối với những người đang bất đồng chính kiến, khác ý thức hệ, khác đạo, chúng ta cần có thái độ cư xử như thế nào để có thể trở thành người bạn và giúp họ đón nhận Tin Mừng?
II. LẮNG NGHE
Lắng nghe là bước đầu tiên, đòi hỏi trí óc và con tim rộng mở, không thành kiến.
1- Chúa thường nói với chúng ta qua những phương cách nào? Có thể là qua những ý kiến của người khác không (cha sở, Bề trên, cha mẹ, bạn bè, hàng xóm, kẻ xa lạ...)? Nếu có, làm sao để nhận ra đó là điều Chúa muốn nói với chúng ta?
2- Đối với những ý kiến của người khác mà ta thấy là trái nghịch, thì có thể là lời Chúa nói với chúng ta hay không; nếu có, làm sao để nhận ra đó là điều Chúa muốn nói với chúng ta?
3- Trong giáo xứ, cộng đoàn, ai là người cần được lắng nghe nhất, phải chăng là Cha sở, là Bề trên, giáo dân, tu sĩ, kẻ bị bỏ rơi, coi thường, ... vì lý do gì?
4- Cha Sở, Bề trên cần lắng nghe như thế nào đối với giáo dân, tu sĩ? Các ngài có nên  hay buộc theo ý kiến của họ không; vì lý do gì?
5- Ngược lại, giáo dân, tu sĩ cần lắng nghe như thế nào đối với Cha Sở, Bề trên? Họ có nên hay buộc theo ý kiến của Cha Sở hay Bề trên không; vì lý do gì?
6- Những động lực nào khiến ta cần lắng nghe hay chấp nhận ý kiến người khác?
7- Đâu là những tiêu chuẩn để ta chấp nhận ý kiến của người khác?
8- Những rào cản nào khiến ta không chịu lắng nghe hoặc không chấp nhận ý kiến của người khác?
9- Chúng ta dành chỗ nào cho tiếng nói của người thiểu số, đặc biệt là của những người trải qua nghèo đói, ở bên lề hoặc bị xã hội loại trừ?
III- PHÁT BIỂU
Mọi người đều được mời nói với sự can đảm và thẳng thắn, trong tự do, chân lý và bác ái.
1- Lý do gì khiến chúng ta cần nói với sự can đảm, thẳng thắn và có trách nhiệm trong Giáo hội địa phương và trong xã hội?
2- Lý do gì ngăn cản chúng ta nói với sự can đảm, thẳng thắn và có trách nhiệm trong Giáo hội địa phương và trong xã hội?
3- Động lực nào cần có để một người thấy mình cần phải phát biểu? Nên loại trừ hay tiếp nhận những động lực nào để cổ võ cho sự hiệp thông hay đồng hành trong Giáo hội?
4- Nói thẳng thắn và có trách nhiệm có nghĩa là nói như thế nào?
5- Đâu là những thái độ cần thiết để những phát biểu được lắng nghe?
6- Có phải lúc nào cũng nên nói ra sự thật, bất chấp sự thiệt hại có thể xảy ra cho người khác không; lý do vì sao?
7- Ai có quyền hay được chọn nói thay cho cộng đoàn, vì sao?
IV- CỬ HÀNH
Chỉ có thể “đồng hành” khi dựa trên nền tảng: cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể.
1- Vì những lý do gì, chúng ta cần tích cực tham gia vào các cử hành phụng vụ, như là phụng vụ Lời Chúa và nhất là cử hành Thánh Lễ?
2- Bạn hiểu gì Hy tế Thánh Thể (Thánh Lễ)? Có những cách nào để gia tăng hiểu biết về Thánh Thể không?
3- Giáo dân tham gia theo phận vụ mình trong cử hành phụng vụ có nghĩa như thế nào, vì sao vậy?
4- Có những sự tham gia vào phụng vụ mà gây phản cảm không; đó là những gì?
5- Bạn đề nghị những gì để giúp tín hữu tích cực tham gia vào phụng vụ?
6- Thế nào là một bài giảng lễ hay đối với bạn? Thái độ bạn cần có khi nghe một bài giảng không hay, nhàm chán?
7- Cha Sở và giáo dân nên quan tâm hoặc chuẩn bị, ứng xử như thế nào đối với việc người ngoài Công giáo tham dự Thánh Lễ trong những dip lễ cưới, tang chế?
V- CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI SỨ VỤ CHUNG CỦA CHÚNG TA
Đồng hành là để phục vụ cho sứ mạng của Hội thánh, sứ vụ mà tất cả mọi thành viên trong Hội thánh đều được mời gọi tham gia.
1- Tại sao nói mọi người đã chịu phép Rửa đều được mời gọi tham gia vào sứ vụ truyền giáo?
2- Ngày nay Hội Thánh nói đến sứ vụ Phúc Âm hóa, nó khác gì với việc truyền giáo?
3- Bạn thấy điều gì cản trở người đã chịu phép Rửa tham gia tích cực sứ vụ truyền giáo hay Phúc Âm hóa? Loại bỏ những cản trở này bằng cách nào?
4- Bạn thấy điều gì là cần thiết nhất để giúp thực hiện các sứ vụ đó?
5- Bạn nên hoặc có thể làm những gì để hổ trợ cho việc  truyền giáo?
6- Thực hiện sứ vụ này trong hoàn cảnh của mỗi người nên như thế nào?
7- Bạn có đề nghị gì để giáo xứ bạn có thể thúc đẩy công việc truyền giáo hay Phúc Âm hóa?
VI - ĐỐI THOẠI TRONG GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI
1- Phải chăng đối thoại là một điều cần có trong một Giáo hội đồng hành; nếu có, vì sao?
2- Yếu tố cần có để cho một cuộc đối thoại thành công là gì?
3- Trong gia đình, cần có đối thoại không, vì sao?
4- Trong giáo xứ, cần có đối thoại không, vì sao?
5- Trong sự hợp tác làm việc, có cần đối thoại không, vì sao?
6- Để đối thoại được với những người khác quan điểm trong xã hội ta cần những gì? Điều gì cần đạt đến trong cuộc đối thoại này (chân lý, tình cảm, thành công, hiệp thông, truyền giáo...)?
7- Ta cần đối thoại với những anh em Kitô giáo khác, hoặc với những người thuộc tôn giáo khác một cách như thế nào? Điều gì cần đạt đến trong đối thoại tôn giáo này (chân lý, tình cảm, thành công, hiệp thông, truyền giáo...)?
VII - ĐẠI KẾT
Cuộc đối thoại giữa các Kitô hữu tin nhận khác nhau, được kết hợp cùng một Phép Rửa, chiếm một vị trí đặc biệt trong bước đồng hành.
1- Cộng đồng Giáo hội của chúng ta có những tương quan nào đối với các tín hữu Tin Lành?
2- Chúng ta chia sẻ với người Tin Lành những gì và chúng ta đồng hành với họ bằng những phương cách nào?
3- Trong địa phương mình, chúng ta đã đạt được những thành quả gì khi đồng hành với họ?
4- Đâu là những khó khăn hay cản trở chúng ta đồng hành với họ?
5- Chúng ta có thể thực hiện bước như thế nào để đạt tiến bộ trong sự đồng hành đó?
VIII -  QUYỀN BÍNH VÀ SỰ THAM GIA
Một Giáo hội đồng hành và một Giáo hội có sự tham gia và đồng trách nhiệm.
1- Đâu là nguồn gốc của quyền bính trong Giáo Hội? Chúa Giêsu đã dạy về vấn đề này như thế nào?
2- Trong thực tế, người lãnh đạo (Giám mục, cha Sở, Bề trên...) thấy có những khó khăn nào trong việc thi hành quyền bính mình? Người giáo dân tu sĩ có thấy những vị ấy có khó khăn nào?
3- Thẩm quyền quyết định của những vị lãnh đạo trong cơ cấu Giáo hội có phẩm trật, có khác với xã hội dân sự không; nếu có, đó là gì và vì sao?
4- Bằng những cách nào, để giúp cả về phía lãnh đạo lẫn thành viên có thể thi hành quyền bính và tham gia vào sứ vụ Giáo hội một cách tốt đẹp?
5- Làm thế nào để các vị lãnh đạo (Giám mục, cha Sở, Bề trên...) dễ có được những sự cộng tác của các giáo dân hay thành viên?
6- Cần có những gì để cho sự làm việc theo nhóm và đồng trách nhiệm (Vd. ban lãnh đạo, Hội đồng Giám mục, hội đồng mục vụ giáo phận hay giáo xứ, hội đồng dòng tu...) được tốt đẹp?
7- Việc đánh giá và góp ý xây dựng cho công việc chung là công việc của những ai? Ta cần hành động, phản ứng hoặc suy nghĩ như thế nào trước những thành công hay những thất bại trong công việc chung?
IX - BIỆN PHÂN VÀ QUYẾT ĐỊNH
Theo phong cách đồng hành, chúng ta đưa ra quyết định bằng cách biện phân những gì Chúa Thánh Thần đang nói qua toàn thể cộng đoàn.
1- Chúa Thánh Thần có thể đang nói với chúng ta, lãnh đạo cũng như thành viên, qua những góp ý của toàn thể cộng đoàn không? Nếu có, cần có những biện phân như thế nào (dựa trên cơ sở, tiêu chuẩn nào) để nhận ra đó là tiếng nói của Chúa Thánh Thần?
2- Chúng ta cần làm những gì để cổ võ việc tham gia và đưa ra quyết định trong các cơ cấu phẩm trật của một Giáo hội đồng hành?
3- Các cách thức đưa ra quyết định của các vị lãnh đạo, có giúp các vị lắng nghe toàn thể Dân Chúa hay không? Cần thay đổi cách thức như thế nào để giúp lắng nghe?
4- Đâu là mối tương quan cần có giữa sự góp ý kiến và đưa ra quyết định, và chúng ta làm thế nào mối tương quan đó được thực hiện?
5- Các quyết định có cần tính minh bạch và cần giải thích không, nếu có thì làm sao để tránh sự độc tài, lạm dụng hay thiên vị?
6- Chúng ta nên làm những gì để thăng tiến trong việc cộng đoàn cùng biện phân thiêng liêng?
X- TỰ ĐÀO TẠO
Tính đồng hành đòi hỏi phải sẵn sàng chịu biến đổi, đào tạo và không ngừng học hỏi.
1- Cộng đồng Giáo hội chúng ta (chủng viện, dòng tu...) có chủ ý đào tạo những con người ngày càng có khả năng đồng hành, lắng nghe nhau, dấn thân vào sứ vụ và tham gia đối thoại không; nếu có thì cần những phương cách nào để đào tạo?
2- Cần phải đạo tạo về những gì để có người có khả năng phân định và thực thi quyền bính theo đường đối đồng hành?


2. GÓP Ý THỰC HIỆN
 1. Chỉ là gợi ý, tự do chọn lựa, thay đổi
Bản câu hỏi của Tòa Thánh đưa được nói là gợi ý nhưng thiết nghĩ nó nêu đầy đủ về các khía cạnh của "Một Giáo hội Đồng hành". Bởi vậy nên dựa theo bản câu hỏi đó để soạn những câu hỏi cho hợp với hoàn cảnh Giáo hội địa phương.
Bản câu hỏi của ban phụ trách giáo phận hay của các linh hoạt viên và trong bài này cũng chỉ là những gợi ý. Vì vậy, các giáo xứ hay cộng đoàn có thể tự do dùng bản câu hỏi nào, hoặc sủa đổi những câu hỏi đã có, miễn là giúp đóng góp ý kiến. Không nhất thiết phải theo bản câu hỏi của các Giáo phận đưa xuống.
Các linh mục đoàn, dòng tu nên soạn riêng cho mình một bản câu hỏi cho phù hợp với hoàn cảnh riêng của mình.
Một giáo xứ hay một cộng đoàn dòng tu, tùy theo thời gian hoạch định có thể thảo luận vài tiểu đề cũng đủ nhưng sâu sắc. Cũng có thể chia nhóm nếu số thành viên đông, để mỗi nhóm thảo luận về một tiểu đề mà thôi.
Ban tổ chức giáo phận cũng có thể chỉ định một tiểu đề nào đó cho mỗi giáo xứ hay dòng tu và để họ tùy chọn thêm một vài tiểu đề khác.
2. Lược đồ góp ý
Theo Cẩm nang hướng dẫn, là nên nhìn lại những kinh nghiệm đồng hành, suy xét chúng và đề nghị những bước mới để thúc đẩy đồng hành (Xem phần Câu hỏi căn bản, ở số 5). Một góp ý hay trả lời nên gồm những phần:
a- Nêu một kinh nghiệm hay một sự kiện xảy ra trong cuộc sống.
b- Suy xét, bình phẩm về hoàn cảnh, nguyên nhân, hậu quả hay kết quả của sự kiện.
c- Góp ý và tìm sự đồng ý chung.
2. Tóm tắt ý nghĩa về tính đồng hành của Giáo hội
Trước khi thảo luận, nên tóm tắt ý nghĩa "tính đồng hành" của Giáo hội và nói lên công việc cần làm và với thái độ nào trong thảo luận.
Về ý nghĩa, xin tóm gọn, chiếu theo Ủy Ban Thần học Quốc tế của Hội Thánh (số 6):
Một Giáo hội đồng hành, tức là một Giáo hội mang tính chất đồng hành. Tính đồng hành này có sợi chỉ xuyên suốt là "hiệp thông". Hiệp thông này được hiểu:
Thứ nhất, hiệp thông chỉ sự giao tiếp hay sự thông hiệp giữa Kitô hữu với Thiên Chúa, được thể hiện qua các hình thức như cầu nguyện, xưng tội và thờ phượng, đặc biệt nhất là hiệp thông Mình Máu Chúa Kitô, nói tóm tắt là "hiệp Lễ". Khi không  còn thông hiệp với Thiên Chúa, được gọi là mất phép "thông công".
Thứ hai, hiệp thông chỉ sự giao tiếp hay sự thông hiệp giữa các Kitô hữu với nhau, trong sự sống, ân sủng, trong bác ái chia sẻ, giúp đở, tương trợ lẫn nhau. Chúng ta như là các chi thể trong cùng một thân thể mà Chúa Kitô là đầu, thông hiệp với nhau. Một Giáo hội hiệp thông cũng thường được nói  là Giáo hội thông công.
Ngày nay, Giáo hội đưa sự hiệp thông, mà Công đồng Vatican II đã khai triển, áp dụng vào các hoạt động thực tiễn của Giáo hội. Đó là sự tham gia vào sứ vụ truyền giáo hay Phúc Âm hóa. Một Giáo hội biểu lộ và thực hành tính hiệp thông một cách thực tiễn trong sự tham gia vào sứ vụ như vậy, được gọi là một Giáo Hội đồng hành.
Sứ vụ được Chúa Kitô truyền dạy: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần." (Mt 28,19).
Nói cách tóm gọn, "đồng hành" biểu thị cung cách sống và hoạt động của Giáo hội mà cung cách này lại mang đầy tính hiệp thông; hiệp thông với Chúa và hiệp thông với anh chị em, trong ân sủng, trong tham gia vào sứ vụ của Hội Thánh, với sự liên đới, trách nhiệm, và với lòng yêu thương bác ái (UBTH, Tính đồng hành..., 6).

"Một giáo hội đồng hành", có thể nói cách nôm na là: Một Giáo Hội biểu lộ và thực hiện tính hiệp thông của mình một cách thực tiễn trong cuộc sống và trong tham gia vào sứ vụ Phúc âm hóa thế giới (UBTH, Tính đồng hành..., 6).
3. Góp ý hữu ích
Thông thường, có những góp ý hữu ích cho cộng đoàn tham dự, nhưng lại không hữu ích cho việc tham khảo ý kiến, ví dụ như nói:
- Cha Sở phải biết lắng nghe giáo dân, phải quan tâm đến thanh thiếu niên, người già yếu.
Thay vì nói cha Sở, Bề trên, Giám mục "phải, phải, phải..." hoặc là chính chúng ta "phải, phải, phải...", cần phân tích cái lý do của cái "phải" đó và đề nghị những gì để giúp chu toàn.
4. Để ý cả hai chiều kích
Thường có những ý kiến chỉ đi một chiều. Ví dụ, góp ý cha Sở, Bề trên cần phải lắng nghe giáo dân, các thành viên của mình, nhưng lại không góp ý kiến ngược lại, là giáo dân, các thành viên cần phải nghe cha Sở, Bề trên như thế nào, với lý do gì.
Cũng cần để ý đến chiều kích tích cực, chứ không chỉ tiêu cực. Ví dụ, góp ý kiến:
Tôi thấy các trẻ em, các thanh thiếu niên của giáo xứ thật là ngoan, đạo đức, không có những vụ tai tiếng. Đó là nhờ cha Sở quan tâm mở các lớp giáo lý, lo giáo huấn thanh thiếu niên. Tôi đề nghị anh chị em cộng tác với cha sở, đồng hành với cha sở bằng cách thúc giục các con em tham gia các lớp giáo lý, giảm đi các buổi học thêm.
5. Chọn lọc ý kiến trong đúc kết
Dự kiến sẽ có hàng trăm bản đúc kết ý kiến đưa lên Giáo phận. Quả là một gánh nặng cho các linh mục trong ban phụ trách hay các linh hoạt viên. Họ phải đọc và đúc kết, mất rất nhiều thời gian và công sức. Vậy đề nghị các cha Sở hoặc những người phụ trách có khả năng, chọn lọc, chỉ trình lên một số ý kiến có giá trị và hữu ích.
Đến lượt mình, ban phụ trách giáo phận cũng chỉ trình lên những ý kiến có giá trị và hữu ích.
 

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây