GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

https://giaoluatconggiao.com


 TIẾN TRÌNH THỦ TỤC VỤ ÁN VÔ HIỆU HÔN NHÂN - JB. Lê Ngọc Dũng

images (10)

images (10)

 

TIẾN TRÌNH THỦ TỤC VỤ ÁN VÔ HIỆU HÔN NHÂN

JB. Lê Ngọc Dũng

 
Tóm lược tiến trình xử án

1. Khởi sự vụ án
1.1. Thỉnh cầu đơn (libellus): Nguyên đơn đệ đơn lên tòa án có thẩm quyền (đ. 1501- 1506);
1.2. Quyết định chấp nhận đơn xin và triệu tập các bên
1.3. Đối tụng - Thiết lập nghi vấn:  Tòa thiết lập công thức nghi vấn tiêu hôn (đ. 1677).
2. Giai đoạn thẩm cứu vụ án
2.1. Sắc lệnh thẩm cứu vụ án;
2.2. Thu thập chứng cớ;
2.3. Sắc lệnh kết thúc thẩm cứu và công bố án từ
3. Nghị án và tuyên án
3.1. Chuẩn bị ý kiến
3.2. Họp nghị án (đ. 1609)
3.3. Soạn thảo và ban hành bản án
3.4. Cách thức soạn thảo bản án (sentencia iudicialis)
4. Công bố bản án
4.1. Công bố bản án
4.2. Thông báo ghi chú vào sổ Rửa Tội và Hôn Phối
 
=================

1. Khởi sự vụ án

Nguyên đơn nên gặp gỡ linh mục phụ trách hoặc linh mục có kiến thức chuyên môn về tòa án để xin tư vấn trước khi đệ đơn. Vị này dựa vào những sự kiện được nguyên đơn thuật lại và qua trao đổi giúp nguyên đơn tìm ra lý do khiến hôn nhân vô hiệu. Nếu sơ khởi thấy có được lý do nào đó, nguyên đơn sẽ được hướng dẫn làm đơn thỉnh cầu lên Tòa án Giáo Phận.
Tuy nhiên, cần lưu ý, chỉ tiến hành thủ tục xử vụ án hôn nhân vô hiệu, chỉ khi nào sự tan vỡ hôn nhân đã đến mức không thể tái lập đời sống chung được nữa (đ. 1675).[1]

1.1. Đệ thỉnh cầu đơn (libellus) lên tòa án có thẩm quyền (đ. 1501- 1506)

Đệ thỉnh cầu đơn (libellus) lên tòa án có thẩm quyền là điều rất cần thiết để việc xử án. Thẩm phán không thể xử vụ án hữu hiệu nếu không có đơn xin, hoặc do người có lợi ích (chồng hoặc vợ trong vụ án vô hiệu hôn phối) hoặc do Công tố viên (đ. 1051).
Đơn này phải gởi đến thẩm phán có thẩm quyền và phải có sự trình bày đối tượng của kháng nghị hoặc vụ kiện và phải xin thẩm phán xét xử (đ. 1502).
Thỉnh cầu đơn phải có những yếu tố sau (đ. 1504):
  1. Vụ án được khởi sự trước Tòa án hay thẩm phán nào và yêu cầu điều gì, với ai;
  2. Đối tượng của vụ án, tức là, chỉ rõ cuộc hôn nhân nào và xin được công bố hôn nhân đó vô hiệu, dựa trên những lý do nào, nghĩa là, trên nền tảng hay những nền tảng nào khiến cho hôn nhân đó vô hiệu;
  3. Chỉ ra, ít nhất là cách chung, những sự kiện và những chứng cớ chứng tỏ những nền tảng vô hiệu đó;
  4. Được ký nhận, có ghi ngày tháng năm, cũng như địa chỉ nơi cư ngụ của nguyên đơn hoặc người bảo hộ;
  5. Ghi rõ cư sở hay bán cư sở của bị đơn.
Trong thực tế, có khó khăn là địa chỉ, số điện thoại của bị đơn, thường bị thiếu, do hai bên vụ án chấm dứt liên lạc với nhau đã lâu năm. Vì vậy, phải yêu cầu nguyên đơn cố gắng hết sức tìm cho ra địa chỉ, số điện thoại của bị đơn, để Tòa có thể liên lạc và triệu tập bị đơn hợp pháp. Trong trường hợp đặc biệt không thể nào tìm ra được địa chỉ của bị đơn, thì cần buộc nguyên đơn làm một văn bản trình bày lý do và ký nhận. Nếu thẩm phán thấy lý do là hợp lý thì có thể dựa vào đó để ra văn bản xác nhận lý do không thể tham gia vụ án của bị đơn.
Ngoài những yếu tố đòi buộc trên, một số yếu tố khác cũng cần có trong đơn xin:
  1. Họ tên, điện thoại (email nếu có) của các nhân chứng;
  2. Cha quản xứ xác nhận cư sở hoặc bán cư sở của nguyên đơn. Cần lưu ý là, trong đơn xin, tòa án không yêu cầu cha quản xứ xác nhận về tình trạng hay làm chứng điều gì, hoặc hỏi cha có đồng ý cho hôn nhân vô hiệu hay không. Những điều này, nếu có, tòa án sẽ tham khảo ý kiến của cha sở ở giai đoạn thu thập chứng cứ.
  3. Đính kèm: Chứng nhận Rửa tội và Hôn Phối của hai bên; những tài liệu có giá trị chứng cớ.
Chiếu theo luật, đơn xin phải chỉ ra ít nhất cách chung những sự kiện và những chứng cớ chứng tỏ những nền tảng vô hiệu. Tuy nhiên, để thuận tiện hơn, tòa án có thể ấn định cho nguyên đơn đính kèm một bản tường trình tóm tắt về cuộc sống hôn nhân, trong đó có nêu những sự kiện và những chứng cớ chứng tỏ những nền tảng vô hiệu.

1.2. Quyết định chấp nhận đơn xin và triệu tập

     1.2.1. Xác định có nền tảng để chấp đơn hay không

Sau khi nhận đơn, Tòa án có thể (đ. 1506):
- Chấp đơn: chấp nhận thụ lý vụ án (trong thời hạn một tháng);
- Bác đơn;
- Thinh lặng.
  • Chấp đơn: Sau khi đã xác nhận vụ án thuộc thẩm quyền mình và nguyên đơn có đủ tư cách hợp pháp để ra tòa, thẩm phán duy nhất hay vị chánh án của tòa án hiệp đoàn ra sắc lệnh chấp nhận thụ lý vụ án (đ. 1505§1).
Về thẩm quyền xử án, điều 1672 quy định:
Đối với những vụ án về sự bất thành của hôn nhân mà Tông Tòa không dành riêng cho mình, thì các tòa án có thẩm quyền là:
10 Tòa án tại nơi đã cử hành hôn nhân;
20 Tòa án tại nơi mà một hoặc cả hai bên có cư sở hay bán cư sở;
30 Tòa án tại nơi mà trong thực tế phải thu thập được phần lớn các chứng cứ.
Các bên có thể tự do chọn lựa nộp đơn một trong các tòa án có thẩm quyền trên. Thẩm quyền của các tòa trên là ngang nhau, tuy nhiên giữ nguyên tắc gần gũi giữa tòa án và các bên để giảm bớt chi phí.[2]
  • Bác đơn: Đơn có thể bị bác (đ. 1505§2):
- Nếu thẩm phán hay tòa án không có thẩm quyền;
- Nếu chắc chắn rằng nguyên đơn không có tư cách hợp pháp để ra tòa;
- Nếu đơn không cho biết vụ án được khởi tố trước thẩm phán hay tòa án nào, yêu cầu điều gì và với ai;
- Nếu không ghi rõ bán cư sở hay cư sở của bị đơn.
- Nếu hôn nhân tan vỡ nhưng có thể sửa chữa, tái lập đời sống chung được (đ. 1675)
  • Thinh lặng: coi như đơn đã được chấp nhận
Nếu quá hạn định một tháng tính từ lúc nộp đơn, mà thẩm phán không ra sắc lệnh chấp đơn hay bác đơn, bên liên hệ có thể yêu cầu thẩm phán thi hành nhiệm vụ của mình. Nếu quá mười ngày, kể từ ngày yêu cầu, mà thẩm phán cũng không trả lời, thì coi như đơn đã được chấp nhận (đ. 1506).
Chỉ xin xử án bằng lời nói
Thẩm phán có thể nhận lời thỉnh cầu xin xử án hôn nhân vô hiệu, mỗi khi các bên bị ngăn trở không đệ đơn được; tuy nhiên, thẩm phán phải truyền cho công chứng viên soạn thảo án từ trên giấy tờ, để đọc cho đương sự nghe và để đương sự chấp nhận, và án từ này thay thế cho đơn thỉnh cầu (libellus) của đương sự xét về mọi hiệu lực pháp lý.[3]

1.2.2. Sắc lệnh ở cuối đơn xin

Điều 1676§1 quy định, khi chấp đơn, Đại Diện tư pháp phải ra sắc lệnh ở cuối chính đơn thỉnh cầu và, truyền lệnh gởi bản sao cho bảo hệ viên. Vì vậy, trong mẫu đơn thỉnh cầu do tòa án soạn thảo, nên có phần dành riêng cho tòa án ở cuối đơn xin, có ghi sẵn lệnh truyền của Đại Diện tư pháp và chỗ ký tên. Trong trường hợp, nếu là đơn do nguyên đơn tự biên soạn, thì Đại Diện tư pháp cũng có thể chấp đơn đó và viết tay lệnh này vào cuối đơn xin và ký tên.[4]

1.2.3. Sắc lệnh chấp đơn và triệu tập

Sau khi nhận đơn và ghi sắc lệnh ở cuối đơn truyền cho bảo hệ viên tham gia vụ án, Đại Diện tư pháp ra sắc lệnh chấp đơn và triệu tập các bên.
Sắc lệnh chấp đơn và sắc lệnh triệu tập nên được thực hiện chung với nhau trong một văn bản.
a- Quy định:
Một số chi tiết pháp lý được quy định như sau:
- Thời hạn ra sắc lệnh triệu tập là trong vòng 20 ngày, sau khi nhận đơn (đ. 1507§2).
- Cho phép bên bị đơn có ý kiến với thời hạn là 15 ngày sau khi nhận thông báo triệu tập (đ. 1676§1).
- Nếu lệnh triệu tập bị đơn không được thực hiện hoặc không được thông báo cách hợp lệ, các án từ đều vô hiệu (đ.1511), do quyền bào chữa của bị đơn đã bị vi phạm.
- Bị đơn nào từ chối không nhận giấy triệu tập, thì coi như đã được triệu tập cách hợp lệ (đ. 1510).
b- Triệu tập
Điều 1676§1 quy định: Sau khi nhận đơn thỉnh cầu (libellus), nếu xét thấy đơn có một nền tảng nào đó, thì Đại Diện tư pháp phải chấp đơn và, bằng một sắc lệnh đính kèm ở cuối chính đơn này, truyền gửi một bản sao để thông báo cho bảo hệ viên và, nếu đơn không được cả hai bên ký tên, thì thông báo cho bị đơn và cho người ấy thời hạn mười lăm ngày để bày tỏ ý kiến của mình về điều thỉnh cầu.
Quy định “thông báo cho bị đơn và cho người ấy thời hạn mười lăm ngày để bày tỏ ý kiến của mình về điều thỉnh cầu” chính là quy định về triệu tập.
Triệu tập bị đơn ở giai đoạn này được hiểu là việc thẩm phán gọi bị đơn đến hiện diện ở tòa án để trình bày ý kiến của mình về việc khiếu nại hay tố cáo của nguyên đơn, hoặc không gọi đến tòa án nhưng yêu cầu có ý kiến hay trả lời bằng văn bản.
Điều 1676§1 quy định thông báo triệu tập như sau: Nếu đơn không được cả hai bên ký tên, thì thông báo cho bị đơn và cho người ấy thời hạn mười lăm ngày để bày tỏ ý kiến của mình về điều thỉnh cầu.
Triệu tập có mục đích là để cho hai bên cùng với thẩm phán thỏa thuận với nhau để xác định đối tượng chính yếu mà họ tranh tụng. Triệu tập ở giai đoạn này không có nghĩa là gọi đến để thẩm vấn. Phần thẩm vấn hay thu thập chứng cứ sẽ được thực hiện ở giai đoạn kế tiếp, sau khi đã thiết lập được đối tượng tranh tụng.
c- Cách thức
Ngay khi nhận đơn, thẩm phán nên liên lạc với bị đơn qua điện thoại, nếu bị đơn từ chối hay không quan tâm đến vụ án hoặc không có ý kiến gì cả thì cũng coi như đã được triệu tập. Thẩm phán không cần gởi sắc lệnh triệu tập cho bị đơn nữa. Quy tắc khoản 13 hướng dẫn: “Nếu một bên đã tuyên bố từ chối không nhận bất cứ thông tin nào liên quan đến vụ án, thì được hiểu là đã từ chối không nhận tờ sao bản án. Trong trường hợp này, có thể chỉ trao cho người ấy phần quyết định của bản án”.[5]
Trong thực tế, khi bị đơn là người lương hay là người tân tòng mà không có đức tin thì họ thường đã tái hôn và không quan tâm gì đến vụ án. Đại Diện tư pháp ghi chú sự không quan tâm và lý do vào án từ. Để thuận tiện, nên ghi chú ở cuối đơn thỉnh cầu, bên dưới lệnh truyền gởi bản sao cho bảo hệ viên.[6] Khi vụ án kết thúc, có thể chỉ trao cho bị đơn phần quyết định của bản án.
Trong trường hợp không tìm ra được địa chỉ hay số điện thoại của bị đơn thì phải xử lý làm sao, trong khi thỉnh cầu đơn buộc phải ghi địa chỉ của bị đơn, theo điều 1504?
- Dignitas Connubii, Art. 13. 6 có quy định: “sau khi điều tra kỹ lưỡng mà không biết bị đơn ở đâu thì điều này phải được ghi nhận bằng văn bản trong hồ sơ vụ án”. Vì vậy, nên buộc nguyên đơn làm một văn bản trình bày hoàn cảnh lý do không tìm ra được địa chỉ hay số điện thoại bị đơn và ký nhận. Sau đó, thẩm phán xác nhận trên văn bản sự vắng mặt của bị đơn trong vụ án dựa trên lý do mà nguyên đơn đưa ra, và tiếp tục tiến hành vụ án.
Nếu sau khi vụ án đã kết thúc, bị đơn xuất hiện và muốn kháng án, thì đương sự vẫn có tố quyền xin tiêu hủy bản án (đ. 1511). Nếu lệnh triệu tập không được thực hiện hoặc không được thông báo cách hợp lệ, các án từ đều vô hiệu (đ. 1511) vì khi đó quyền bào chữa của bị đơn đã bị bỏ qua.[7]

1.3. Đối tụng- thiết lập nghi vấn

Đối tụng (litis contestatio), được hiểu là: “hành vi thủ tục tòa án, mà qua đó, thẩm phán, bằng một sắc lệnh, trong sự tranh chấp giữa các bên, chỉ định rõ ràng, trong một cách thức khẳng quyết và hầu như không thay đổi, những tiêu điểm (termini) của sự tranh tụng”.[8] Điều 1513§1 nói: “Cuộc đối tụng xảy ra khi thẩm phán ra sắc lệnh xác định những tiêu điểm (termini)[9] của cuộc tranh chấp được rút ra từ những lời thỉnh cầu và những phúc đáp của các bên”.
Đối với vụ án vô hiệu của hôn nhân đối tụng được diễn tả bởi một thể thức nghi vấn, có thể gọi là “nghi vấn tiêu hôn”.
Sau 15 ngày đã thông báo triệu tập, Đại Diện tư pháp nhắc nhở một lần nữa cho bên kia bày tỏ ý kiến nếu thấy thuận tiện.
Đại Diện tư pháp tổng hợp ý kiến các bên và ý kiến của bảo hệ viên ra sắc lệnh thể thức nghi vấn, trong đó cũng ghi quyết định xử theo thủ tục thông thường hay theo thủ tục ngắn gọn hơn theo những điều 1683-1687. Sắc lệnh này phải lập tức được thông báo cho các bên và cho bảo hệ viên (đ. 1676§2).
Nếu định xử vụ án theo thủ tục thông thường, Đại Diện Tư Pháp, cũng với sắc lệnh đó, thu xếp việc thiết lập thẩm phán đoàn hoặc một thẩm phán duy nhất với hai hội thẩm theo quy định của điều 1673§4 (đ. 1676§3).
Nếu Giám Mục trước đây đã ra sắc lệnh thành lập tòa án hiệp đoàn ba thẩm phán hoặc một thẩm phán giáo sĩ duy nhất cách cố định, thì Đại Diện tư pháp, bỏ qua việc thiết lập tòa án, chỉ cần trích dẫn sắc lệnh đã được Giám Mục thành lập với tên các thẩm phán và bảo hệ viên trong sắc lệnh của mình.
Nếu định xử theo thủ tục ngắn gọn hơn, thẩm phán phải là Giám Mục giáo phận, Đại Diện Tư Pháp tiến hành chiếu theo qui tắc của điều 1685:
Vị Đại diện tư pháp, bằng cùng một sắc lệnh, phải ấn định thể thức nghi vấn, chỉ định thẩm cứu viên và hội thẩm và triệu tập tất cả những ai phải tham dự cho một giai đoạn phải được tiến hành theo nguyên tắc điều 1686 không quá ba mươi ngày sau.

1.4. Cách thức lập thể thức nghi vấn

Thể thức nghi vấn phải xác định xem hôn nhân thành sự bị kháng nghị vì lý do nào hoặc vì những lý do nào (đ. 1676§4).
Ví dụ sau là một thể thức nghi vấn, với hai lý do:
Có chắc chắc rằng hôn nhân giữa ông A và bà B, ngày …, tại …, là vô hiệu với lý do là:
  1. bà B đã vì sợ hãi nên đành kết hôn để tự giải thoát không, chiếu theo điều 1103?
  2. ông A đã thiếu khả năng kết hôn vì bản chất tâm lý không thể chu toàn nghĩa vụ hôn nhân không, chiếu theo điều 1095n3?

1.5. Xử theo thể thức ngắn gọn hơn hoặc thông thường

          Sau thời hạn 15 ngày thông báo triệu tập:
- Nếu cả hai bên hoặc một bên với sự đồng ý của bên kia và sự kiện về người và về sự việc đáp ứng với yêu cầu của điều 1683,20 thì Đại Diện tư pháp, hợp với những tiêu chuẩn của Giám Mục đề ra, ra sắc lệnh xử theo thủ tục ngắn gọn hơn. Theo nguyên tắc của điều 1685, ngài phải ấn định thể thức nghi vấn, chỉ định thẩm cứu viên và hội thẩm và triệu tập tất cả những ai phải tham dự cho một giai đoạn phải được tiến hành theo nguyên tắc điều 1686 không quá ba mươi ngày sau.
- Nếu không đạt được những yêu cầu nói trên vụ án được xử theo thể thức thông thường.

1.6. Tóm lược tiến trình đầu tiên: nhận đơn và thiết lập thể thức nghi vấn

Nhận được đơn thỉnh cầu (libello), Đại Diện tư Pháp:[10]
1- Chấp đơn nếu thấy có nền tảng nào đó;
2- Ra sắc lệnh ở cuối đơn xin, thông báo cho bảo hệ viên và bị đơn (trừ khi bị đơn đã ký vào đơn xin);
Nếu thông báo cho bị đơn, thì cho thời hạn 15 ngày để bị đơn tỏ ý kiến về đơn xin của nguyên đơn. Sau thời hạn đó:
3- Lập thể thức nghi vấn, trong đó xác định một hay những lý do tiêu hôn (capo o capi di nullità);
4- Quyết định vụ án được xử theo thể thức thông thường hay ngắn gọn hơn.
Nếu xử theo thủ tục thông thường Đại Diện Tư pháp lập hiệp đoàn 3 thẩm phán hoặc một thẩm phán duy nhất với hai phụ thẩm. Nếu xử theo thủ tục ngắn gọn hơn thì theo các nguyên tắc riêng của điều 1685.

2. Giai đoạn thẩm cứu vụ án

          Trong tập “Sussidio Applicativo del Motu pr. Mitis Iudex Dominus Iesus, xuất bản bởi Tòa Thượng Thẩm Roma, tháng 1 năm 2016, có cho nhận xét về những điểm mới mẻ của Tự sắc Mitis Iudex về việc thu thập chứng cứ như sau:[11]
- Giá trị chứng minh đầy đủ của lời khai của các bên: lời tự thú tư pháp và những lời khai của các bên, mà sự đáng tin của họ có thể được cũng cố bởi các nhân chứng, có thể được thẩm phán đánh giá là có hiệu lực chứng minh đầy đủ, sau khi vị này đã cứu xét tất cả những dấu hiệu và những yếu tố giúp xác thực mà không thấy có những yếu tố nào khác phủ nhận (đ. 1678§1).
- Một nhân chứng duy nhất có thể đáng tin hoàn toàn: Lời khai của một nhân chứng duy nhất có thể đáng tin hoàn toàn, nếu đó là một nhân chứng có phẩm cách cung khai về những điều được thực hiện theo chức vụ của mình, hoặc những sự kiện về người và sự việc gợi lên điều ấy (đ. 1678§2).
- Có thể miễn giám định y khoa: Trong những vụ án về sự bất lực hay về hà tì ưng thuận do bệnh tâm thần hoặc do những bất thường thuộc bản chất tâm lý, thẩm phán phải nhờ đến sự giúp đỡ của một hay nhiều giám định viên, trừ khi hoàn cảnh cho thấy rõ việc giám định không cần thiết (đ. 1678§3).

2.1. Sắc lệnh thẩm cứu vụ án

Sau khi thông báo thể thức nghi vấn, nếu các bên không có phản đối gì, chánh án ra một sắc lệnh khởi sự thẩm cứu vụ án. Nếu có phản đối, thẩm phán để cho họ thời hạn 10 ngày để trình ý kiến (đ. 1513§3). Sau đó thẩm phán có thể sửa đổi hay điều chỉnh lại công thức nghi vấn bằng một sắc lệnh mới trước khi ra sắc lệnh thẩm cứu vụ án (đ. 1514).
Nếu dự kiến là sẽ không có ý kiến gì thêm, thì có thể đơn giản hóa bằng việc ra sắc lệnh thẩm cứu cùng chung trong sắc lệnh thiết lập thể thức nghi vấn, được viết như sau: “Sau khi thông báo thể thức nghi vấn, nếu các bên không có phản đối gì, Tòa án sẽ tiến hành việc thẩm cứu vụ án”.

2.2. Thẩm cứu vụ án

Tòa thực hiện thẩm cứu hay thu thập chứng cứ qua việc: xem xét bản khai, tài liệu, giám định y khoa; thẩm vấn các bên, các nhân chứng do các bên đưa ra hoặc do tòa án tùy chọn (cha mẹ, bà con, bạn bè, cha sở…), hoặc lấy thêm thông tin từ các nguồn khác.
  1. Nơi thẩm vấn: Thường là chính tại trụ sở tòa án, nhưng vẫn tùy theo thẩm phán định đoạt (đ. 1158).
  2. Lời thề: Thẩm phán tùy theo sự khôn ngoan của mình để bắt người được thẩm vấn thề nói sự thật. Tuy nhiên trong những trường hợp liên quan đến công ích, thẩm phán phải yêu cầu các bên thề (đ. 1532), và nếu họ không chịu thề thì cũng phải nghe người ấy cung khai (đ. 1562§2). Lời thề, phải được ghi nguyên văn trên giấy tờ (đ. 1567§1).
  3. Thẩm vấn riêng biệt từng người một: Việc thẩm vấn được thực hiện riêng biệt, không công khai (đ. 1560§1). Đôi khi, nếu trong nhân chứng có bất đồng với nhau hay với một bên về vấn đề quan trọng, thẩm phán có thể cho những người ấy gặp nhau để đối chất nhưng phải làm hết sức để tránh bất hòa và gương xấu (đ. 1560).
  4. Có sự hiện diện và ghi chép của công chứng viên: Điều 1567§1 quy định chung cho các loại tố tụng là buộc câu trả lời thẩm vấn phải được công chứng viên ghi ngay trên giấy tờ và phải ghi nguyên văn những lời nói của các nhân chứng, ít nhất đối với những vấn đề trực tiếp liên quan đến đối tượng vụ án.
Tuy nhiên đối với những vụ án riêng về hôn phối, vì bản chất khác biệt, các câu trả lời của các bên và của các nhân chứng được ghi lại bằng văn bản, nhưng không cần ghi nguyên văn mà chỉ cần một cách tóm tắt và chỉ ghi lại những gì liên quan chủ yếu đến chính vấn đề hôn nhân đang bàn cãi.[12]
Bảo hệ viên, công tố viên và luật sư có quyền hiện diện (đ. 1559, 1678§1) và có thể đề nghị câu hỏi cho thẩm phán (đ. 1561). Các bên, các nhân chứng không được quyền hiện diện hoặc nghe thẩm vấn (đ. 1677§2).
  1. Câu hỏi: phải ngắn gọn, hợp với sự hiểu biết, không gợi ý trả lời, không được thông báo trước câu hỏi cho các nhân chứng (đ. 1564, 1565).
  2. Gởi câu hỏi nhờ người khác thẩm vấn: Có thể nhờ cha sở hoặc người có khả năng và đáng tin để thẩm vấn dựa theo những câu hỏi mà thẩm phán cho sẵn.
  3. Gởi câu hỏi qua bưu điện hay email:  Có thể gởi các câu hỏi qua bưu điện hoặc email để các bên hoặc nhân chứng trả lời, khi không thể dùng các phương tiệc khác.
  4. Dùng máy ghi âm: Có thể chấp nhận việc dùng máy ghi âm và sau đó ghi chép lại trên giấy tờ, và có thể được, người cung khai ký tên vào đó (đ. 1567§2).
  5. Dùng điện thoại để thẩm vấn: Có thể dùng máy điện thoại có phần ghi âm, dùng tương tự như việc dùng máy ghi âm và ghi lại thành văn bản.[13]
  6. Thân nhân làm chứng: Trong vụ án hôn phối thẩm phán nên thẩm vấn các thân nhân vì chính họ thường biết rõ hơn về các sự kiện.
  7. Ký tên: Theo nguyên tắc chung cho tất cả các loại thủ tục án hình sự hay hộ sự, nhân chứng, thẩm phán và công chứng viên phải ký vào án từ sau khi đã đọc lại cho nhân chứng nghe và để nhân chứng sửa chửa, thay đổi lời cung khai (đ. 1569).
Tuy nhiên đối với vụ án hôn phối, vì bản chất khác biệt, các bên hay nhân chứng có thể miễn ký tên vào bản thẩm vấn.
Thông thường, các cuộc thẩm vấn được ghi trực tiếp (tốc ký bằng tay) trên giấy hay được thu nhận qua máy ghi âm hay điện thoại, phải được đánh máy vi tính sau đó và in thành văn bản. Nếu muốn người trả lời thẩm vấn ký tên vào văn bản đó thì phải gọi họ đến văn phòng tòa án hoặc gởi văn bản đến cho họ ký và gởi trả lại cho tòa án. Công việc nhiều khi có bất tiện và kéo dài thời gian. Vì vậy, nếu có thể được thì để họ ký, nếu thấy bất tiện thì có thể miễn ký (đ. 1567§2). Tuy nhiên chữ ký của thẩm vấn viên và công chứng viên (lục sự) thì không thể thiếu.

2.3. Sắc lệnh kết thúc thẩm cứu và công bố án từ

Sau khi thấy việc thu thập chứng cứ đã đủ thì ra sắc lệnh kết thúc thẩm cứu (đ. 1599) và công bố án từ.

     2.3.1. Kết thúc thẩm cứu

Sau sắc lệnh kết thúc thẩm cứu, việc lấy thêm chứng cớ là không được phép, trừ khi có nguy cơ gian lận hoặc hối lộ, man khai trầm trọng, tài liệu giả dối… khiến bản án sẽ bất công (đ. 1600).
Các thẩm phán, vì vậy, khi họp nghị án không được yêu cầu dừng nghị án để lấy thêm chứng cứ, ngoại trừ có nguy cơ bản án bất công. Thẩm cứu viên, vì lẽ đó, cũng cần điều tra kỹ lưỡng cho tới khi thấy việc thu thập chứng cứ đã đủ mới ra sắc lệnh kết thúc thẩm cứu.

     2.3.2. Công bố án từ

Theo quy định chung của tố tụng, sau khi kết thúc việc thẩm cứu, thẩm phán phải ấn định một thời gian để các bên trình bày các lời bào chữa hay nhận xét (đ. 1601).
Riêng về tố tụng hôn nhân, trong thủ tục xử ngắn gọn hơn, có quy định thời hạn 15 ngày. Thời gian này cũng thích hợp cho lối xử theo thủ tục thông thường.
Nên ban hành hai sắc lệnh kết thúc thẩm cứu và công bố án từ trong cùng một văn bản.

     Ai được xem án từ (hồ sơ vụ án)?

Theo luật chung của các loại tố tụng, điều 1598§1 quy định:
Sau khi đã thu thập được các chứng cớ, thẩm phán phải ra sắc lệnh cho phép các bên và các luật sư của họ được quyền tìm hiểu các án từ mà họ chưa biết, tại văn phòng tòa án, nếu không thì việc xét xử sẽ vô hiệu; hơn nữa, nếu các luật sư yêu cầu, thẩm phán cũng có thể trao cho họ một bản sao các án từ; tuy nhiên trong những vụ án liên quan đến công ích, để tránh các nguy hiểm rất nghiêm trọng, thẩm phán có thể quyết định không tiết lộ cho ai một án từ nào cả, nhưng phải liệu sao để cho quyền bào chữa luôn được giữ nguyên vẹn.
Theo luật trên, thẩm phán buộc phải cho phép các bên và luật sư đọc biết hồ sơ vụ án. Làm trái với điều này thì việc xét xử sẽ vô hiệu. Quy định này nhằm đáp ứng quyền bào chữa của các bên. Một khi quyền này bị từ chối bản án sẽ vô hiệu (đ. 1620, n7).
Tuy nhiên điều 1677 về tố tụng hôn nhân thì chỉ cho Bảo hệ viên, các luật sư của các bên và cả công tố viên, nếu các vị này tham gia tố tụng, có quyền xem các án từ tư pháp, ngay cả khi những án từ đó chưa được công bố, và nghiên cứu các tài liệu do các bên cung cấp. Luật về tố tụng hôn nhân lại không nói rõ là các bên là có được xem các án từ hay không. Tuy nhiên có thể trả lời là “không” vì điều 1677§2 quy định: Các bên không được tham dự cuộc thẩm vấn được nói đến ở §1,10.
Xét về phương diện luân lý thì cũng không nên để cho các bên được xem các án từ. Theo nguyên tắc, luật tố tụng nhằm bảo vệ công lý, tôn trọng quyền được bào chữa, được quyền trưng ra các chứng cứ cho điều mình khẳng định, cũng được quyền biết các cung khai, chứng cứ của đối phương. Tuy nhiên, đối với vụ án vô hiệu hôn nhân, do bản chất khác biệt và do dễ phát sinh sự bất hòa, hay tố cáo chỉ trích lẫn nhau khi biết được bên kia đã nói xấu về mình.  
Điều 1598 cũng đã dự phòng điều đó nên quy định: “để tránh các nguy hiểm rất nghiêm trọng, thẩm phán có thể quyết định không tiết lộ cho ai một án từ nào cả, nhưng phải liệu sao để cho quyền bào chữa luôn được giữ nguyên vẹn” (đ. 1598, Dignitas Connubii, 230).

3. Nghị án và tuyên án

3.1. Chuẩn bị nghị án: gởi hồ sơ đến các vị hữu trách

Sau khi kết thúc thẩm cứu, cùng trong ý nghĩa công bố án từ, bản sao toàn bộ hồ sơ vụ án phải được gởi đến:
- Các thẩm phán để xem xét trước và viết bản kết luận. Bản kết luận phải có trưng dẫn những lý do về pháp lý cũng như sự kiện (đ. 1609§2).
- Bảo hệ viên để viết bản ý kiến chống lại sự hủy bỏ dây hôn phối.
- Người bảo hộ hay luật sư viết lời biện hộ nếu có.
Hồ sơ được gởi đi trước khi nghị án ít là 15 ngày, theo như thời hạn thẩm phán ấn định cho việc viết các ý kiến và lời biện hộ. Thời hạn này có thể linh động tùy theo ấn định của thẩm phán.

3.2. Họp nghị án (đ. 1609)

Điều 1609:
§1. Chánh án tòa án hiệp đoàn phải ấn định ngày và giờ để các thẩm phán hội lại bàn luận và cuộc họp phải diễn ra trong chính trụ sở của tòa án, trừ khi có lý do đặc biệt khuyến cáo cách khác.
§2. Vào ngày đã được ấn định, mỗi thẩm phán phải mang theo những bản kết luận của mình về nội dung vụ kiện, với những lý do pháp lý cũng như về những sự kiện đưa đến những kết luận đó; những bản kết luận này phải được đính kèm vào những án từ của vụ án, và phải được giữ bí mật.
§3. Sau khi kêu cầu danh Chúa, mỗi thẩm phán phải lần lượt trình bày những bản kết luận của mình theo thứ tự ưu tiên, tuy luôn luôn phải bắt đầu từ báo cáo viên hay phúc trình viên, tiếp đến, một cuộc tranh luận, dưới sự hướng dẫn của vị chánh án, nhất là để xác minh những điều phải được ấn định trong phần chủ văn của bản án.
§4. Tuy nhiên trong cuộc tranh luận này, mỗi người có quyền rút lại kết luận đầu tiên của mình, những thẩm phán nào không muốn theo ý kiến  của những người khác, thì có thể yêu cầu chuyển những kết luận của mình lên tòa án cấp cao hơn, trong những trường hợp kháng cáo.
§5. Nếu trong buổi tranh luận đầu tiên, các thẩm phán không muốn hay không thể tuyên án, thì việc quyết định có thể được dời lại một buổi họp khác, nhưng không quá một tuần, nếu không phải bổ túc việc thẩm vấn vụ án chiếu theo quy tắc của điều 1600.

Thảo luận
Chiếu theo điều 1609#2 nói trên, thẩm phán phải chuẩn bị bản kết luận của mình về nội dung vụ kiện, với những lý do pháp lý cũng như về những sự kiện đưa đến những kết luận đó. Bản kết luận này cũng phải được kèm vào hồ sơ vụ án.[14]
Điều 1609 chỉ quy định là các thẩm phán họp nghị án mà không nói đến Luật sư, Bảo hệ viên hay Công tố viên dự họp. Theo điều 1601 và 1602§1 thì các vị này chỉ phải viết trên văn bản những lời bào chữa hoặc ý kiến sau khi kết thúc thẩm tra. Như vậy, các vị này có thể họp hay không họp nghị án tùy theo quy định riêng của mỗi tòa án.[15]
Mỗi thẩm phán khi tuyên bố kết luận của mình buộc phải đạt được sự chắc chắn luân lý về vấn đề của vụ án. Sự chắc chắn này được tìm thấy từ các án từ và các chứng cớ (đ. 1608§1-2).
Để đạt được sự chắc chắn luân lý cần thiết theo luật, thì sự trỗi vượt đáng kể của những chứng cớ và những dấu chỉ vẫn chưa đủ, mà còn phải hoàn toàn loại trừ bất cứ hoài nghi thận trọng tích cực nào là có thể sai lầm về luật cũng như về sự kiện. Tuy nhiên, sự chắc chắn luân lý không đòi hỏi phải có sự tuyệt đối bất khả sai lầm hay nghịch lý nào đó.[16]
Đối với các chứng cớ, thẩm phán phải thẩm định theo lương tâm mình (đ. 1608§3).
Vị chánh án có nhiệm vụ hướng dẫn cuộc tranh luận, để cuộc tranh luận đi đúng hướng, đúng vào vấn đề cần giải quyết. Vì nếu không, cuộc thảo luận sẽ kéo dài mà không có kết quả.
Kết luận sau cùng
Sau cuộc tranh luận, mỗi thẩm phán có thể thay đổi kết luận của mình và phán quyết của bản án sẽ lấy theo ý kiến của đa số thẩm phán, hoặc là “xác nhận” (affirmative) hoặc là “phủ nhận” (negative) hôn nhân vô hiệu.

3.3. Soạn thảo và ban hành bản án

Sau cuộc họp nghị án, báo cáo viên hay phúc trình viên có nhiệm vụ soạn thảo bản án, dựa vào những lý do được mỗi thẩm phán đưa ra trong cuộc tranh luận, trừ khi đa số thẩm phán ấn định trước những lý do phải được viện dẫn. Sau đó bản án phải được ký nhận chấp thuận của mỗi thẩm phán (đ.1610§2). Nếu là thẩm phán duy nhất, thẩm phán phải tự soạn thảo bản án (đ.1610§1).
Bản án phải được ban hành không quá một tháng, tính từ ngày vụ án đã được xét xử (đ. 1610§3).

3.4. Cách thức soạn thảo bản án (sentencia iudicialis)

Một bản án thường được soạn thảo theo các phần sau:
Mở đầu: “Sau khi kêu cầu danh Chúa, bản án phải lần lượt ghi rõ ai là thẩm phán hoặc tòa án là tòa nào; phải ghi rõ danh tính và nơi cư trú của nguyên cáo, của bị cáo, của người đại diện, và ai là công tố viên, ai là bảo hệ viên, nếu họ tham gia vào vụ án” (đ. 1612§1).
A. Sự kiện (Fattispecie, The Facts): “Trình bày vắn tắt sự kiện cùng với những kết luận của các bên và thể thức của những nghi vấn” (đ. 1612§2).
B. Chủ văn của bản án (đ. 1612§3) gồm hai phần:
1) Pháp lý (In diritto, The Laws): Nêu ra những lý lẽ pháp lý liên quan đến vụ án.
2) Luận chứng (Nel fatto, The Argument): Thẩm phán đưa ra những suy xét và phân định pháp lý về vụ án dựa trên các sự kiện về người và sự việc đã xảy ra.
C. Kết luận
Gồm các nội dung:
  1. Trả lời “Xác nhận”(Affirmative) hoặc “Phủ nhận” (Negative) cho nghi vấn tiêu hôn.
  2. Chỉ ra khả năng và cách thức kháng án.
  3. Chỉ ra thời gian bản án bắt đầu có hiệu lực thi hành hoặc cấm tái hôn: những người mà hôn nhân của họ được tuyên bố là bất thành có thể tái hôn, trừ khi lệnh cấm tái hôn được kèm theo chính bản án hay trừ khi Đấng Bản Quyền địa phương ra lệnh cấm tái hôn (đ. 1682§1).
  4. Nhắc nhở cho các bên biết những nghĩa vụ luân lý hay cả những nghĩa vụ dân sự mà bên này phải có đối với bên kia và đối với con cái họ trong việc cấp dưỡng và giáo dục (đ.1691§1), nếu có.

4. Công bố bản án

4.1. Công bố

Bản án phải được công bố sớm hết sức, phải chỉ rõ những cách thức có thể được dùng để kháng cáo, và chỉ có hiệu lực sau khi được công bố (đ. 1614).
Cách thức công bố bản án phải như thế nào? Có nên công bố toàn bộ hay một phần bản án hay chỉ thông báo kết quả…? Bản Hướng dẫn quy định Giám Mục giáo phận ấn định cách thức tuyên bố bản án tùy theo sự khôn ngoan của mình.[17] Tương tự như trong việc công bố án từ (đ. 1598§1),[18] nhằm tránh những nguy hiểm hay xung đột. Các luật gia như Wrenn và Ryan cả hai đều đồng ý rằng, một phần của bản án có thể giữ bí mật, không nêu ra khi công bố bản án.[19] Ở Việt Nam, tốt nhất chỉ công bố bản án theo hình thức thông báo kết quả hoặc chỉ công bố phần kết luận của bản án, không nên công bố trọn vẹn cả bản án.
Đối với thủ tục ngắn gọn, điều 1687§2 quy định, toàn bộ bản án với các lý do phải được thông báo sớm hết sức cho các bên. Tuy nhiên, Giám Mục giáo phận có thể ấn định cách thức tuyên bố bản án tùy theo sự khôn ngoan của mình.[20]
Hết thời hạn 15 ngày hữu hiệu để kháng cáo, khi bản án có hiệu lực thi hành, Tòa án nên cấp cho các bên một xác nhận hôn nhân vô hiệu và xác nhận quyền tái hôn của các bên.

4.2. Ghi chú vào sổ Rửa Tội và Hôn Phối

Điều 1682§2 quy định: Ngay sau khi bản án đã có hiệu lực thi hành, vị Đại Diện Tư pháp phải thông báo bản án đó cho Đấng Bản Quyền địa phương nơi hôn nhân đã được cử hành. Vị này phải quan tâm ghi chú việc công bố hôn nhân không thành và những lệnh cấm kèm theo, nếu có, vào sổ hôn phối và sổ rửa tội, càng sớm càng tốt.
Nếu hôn nhân đã được cử hành trong giáo phận nơi tòa án hôn phối đã xử, thì thẩm phán có thể được Đấng Bản Quyền ủy thác để gởi thông báo bản án đến các linh mục quản xứ, nơi cử hành hôn phối và/hoặc nơi rửa tội (trong hoặc ngoài giáo phận nơi tòa án hôn phối đã xử), để ghi chú vào sổ.
Nếu hôn nhân đã được cử hành ngoài giáo phận nơi tòa án hôn phối đã xử, thì gởi thông báo bản án đến Đấng Bản Quyền của nơi cử hành hôn phối, để vị này lo liệu cho các linh mục quản xứ,  nơi cử hành hôn phối và/hoặc nơi rửa tội ghi chú vào sổ. Có thể gởi đến vị Đại Diện tư pháp của nơi cử hành hôn phối, nếu Giám Mục của giáo phận đó đã định liệu như vậy, để vị này lo liệu.
 
JB. Lê Ngọc Dũng
Cập nhật ngày 23-3-2016
====================
Tham khảo chính yếu:
Nguồn:
  • Bộ Giáo Luật 1983, quyển VII về tố tụng (đ. 1400- 1752)
  • 21 điều luật mới về tố tụng hôn nhân trong tự sắc Mitis Iudex
  • MI, Regule procedurali
  • Inst. Dignitas Connubii, ra  ngày 25-1-2005 (Art. 1- 308)
Sách:
  • PIO VITO PINTO, I processi nel codice diritto canonico. Commento sistematico al Lib. VII, Liberia editrice Vaticana, Città del Vaticano 1993.
  • CARLO GULLO – ALESSIA GULLO, Prassi processuale nelle cause canoniche di nullità del matrimonio, Liberia editrice Vaticana, Città del Vaticano 2009.
 
 
 
 
[1] Cf. MI, Sussidio applicativo, 23.
[2] Cf. đ. 1672; MI, Regole procedurali, art. 7.
[3] Cf. MI, Regole procedurali, art.10.
[4] Có thể tham khảo mẫu “Đơn xin công bố hôn nhân vô hiệu” của tòa án giáo phận Nha Trang.
[5] MI, Regole procedurali, art 13.
[6] Xin xem mẫu đơn được đề nghị của tòa án giáo phận Nha Trang.
[7] Cf. CARLO GULLO – ALESSIA GULLO, Prassi processuale nelle cause canoniche di nullità del matrimonio, Liberia editrice Vaticana, Città del Vaticano 2009, 119.
[8] Cf. Ibidem, 123.
[9] Bản dịch 2007 dùng chữ “những giới hạn”.
[10] Cf. MI, Sussidio Applicativo, 26.
[11] Cf. MI, Sussidio Applicativo, 27.
[12] Cf. MI. Regole procedurali, art 18§2.
[13] Việc dùng điện thoại để thẩm vấn các nhân chứng rất tiện lợi, vượt qua được khó khăn do người làm chứng không thể tới, hoặc không muốn tới tòa án. Hầu hết các điện thoại di động hiện nay đều có thể cài đặt thêm chương trình tự động ghi âm các cuộc gọi (nhờ nhân viên kỷ thuật hay bán hàng cài đặt giúp).
[14] Theo sự nhận xét riêng, cuộc nghị án sẽ hời hợt và kéo dài, nếu các thẩm phán không chuẩn bị trước ý kiến trên văn bản. Ngoài ra, trong trường hợp thẩm phán đột xuất bị trở ngại không thể dự họp được, ngài có thể gởi bản kết luận mình tới buổi họp. Trong cuộc thảo luận có thể gọi điện thoại để trao đổi ý kiến thêm với nhau và thẩm phán vắng mặt sẽ quyết định giữ nguyên hay thay đổi kết luận ban đầu của mình.
Cũng chưa thấy có luật cấm họp nghị án qua phương tiện truyền thông hiện đại. Vì vậy, trong trường hợp quá khó khăn, không thể tụ họp được, các thẩm phán có thể gởi cho nhau bản kết luận của mình và bàn thảo trên phương tiện truyền thông (chat, điện thoại, email…). Ý kiến này, cũng dựa trên bản chất của vụ án vô hiệu của hôn nhân, không giống với các vụ án hình sự hay hộ sự khác và sự đơn giản hóa thủ tục của tự sắc Mitis Iudex.
[15] Vấn đề họp nhau đầy đủ trong bối cảnh Việt Nam hiện nay là rất khó khăn, vì các linh mục thẩm phán, bảo hệ hầu như đều phải kiêm nhiệm chức vụ như cha sở, giáo sư…. Vì vậy, để tiến hành trôi chảy, nên giảm thiểu những thủ tục có thể được. Và như đã nói, có thể họp nghị án qua phương tiện truyền thông.
[16] Cf. MI, Regole procedurali, 12.
[17] Cf. MI, Regole procedurali, art. 20§1.
[18] Cf. Dignitas Connubii, art. 230.
[19] Cf. J.P. BEAL et alii, New Commentary on the Code of Canon Law, Paulist Press, New York 2000, 1723.
[20] Cf. MI, Regole procedurali, art. 20§1.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây