CHÚA NHẬT XXVII C. Tin hay tín thác vào Thiên Chúa. JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ bảy - 05/10/2019 07:02
Lc 17,5-10
Tin hay tín thác vào Thiên Chúa
Chúa Giêsu dạy: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rẽ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’ nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6).
Làm sao đức tin nhỏ xíu, chỉ bằng hạt cải mà lại có thể chuyển cây dâu đi một cách thần kỳ như vậy. Trong lịch sử Giáo hội cũng chưa thấy vị thánh nào lại thể hiện lòng tin một cách ngoạn mục theo kiểu này!
Một em bé đang rơi từ trên cao xuống, không biết có vị thánh nào, có lòng tin bằng hạt cải, ra lệnh: “Hãy dừng lại, đừng rơi nữa”. Kết quả là em bé ngưng rơi xuống chăng?
Vậy thì, cần phải hiểu làm sao về giáo huấn của Chúa Giêsu về đức tin lớn bằng hạt cải?
Trước tiên, lời dạy của Chúa Giêsu không có ý dạy về quyền năng của con người nhờ sự tin tưởng của mình. Điều tin tưởng này được thấy nơi những nhà ma thuật, những phù thủy, mà ta thường nghe nói hay đọc trong những chuyện cổ tích. Họ có thể hô biến, tức thì cục đã hóa ra bánh, cục sắt hóa ra thỏi vàng, cây gậy hóa ra con rắn như các thầy phù thủy của các vua Ai Cập ngày xưa.
Chúa Giêsu cũng không có ý dạy về một đức tin, kiểu như cậy nhờ vào danh hay quyền năng của Thiên Chúa, để làm một điều lạ lùng để biểu diễn, để chứng tỏ mình là có ơn Chúa, như được thấy qua lời cám dỗ của ma quỷ: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!" (Mt 4,3) “Nếu ông là con Thiên Chúa thì hãy biến đá thánh bánh đi”. "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi..." (Mt 4,6).
Chúa Giêsu đã không hóa đá ra bánh; đã không gieo mình xuống để chứng tỏ đức tin của mình đối với Thiên Chúa Cha.
Chúa Giêsu cũng không có ý dạy về một đức tin, kiểu như bắt Chúa phải làm theo ý muốn của con người, hoặc có vẻ mù quáng, kiểu như các bà hiếm muộn cầu nguyện xin Chúa cho mình có con trong câu chuyện về các bà bầu, khoảng mười năm trước đây. Các bà đi cầu nguyện và sau khi cầu nguyện, thì các bà phải tin rằng mình đã có thai, và không được đi siêu âm. Theo giải thích của họ, nếu đi siêu âm thì mình còn nghi ngờ; mà còn nghi ngờ thì Chúa sẽ không ban cho.
Đó quả là một đức tin mù quáng. Một bà bị hiếm muộn, đã nói chuyện với tôi, kể rằng bà thấy mình mang thai, vì bụng đã to ra. Nhưng sau chín tháng mười ngày mà vẫn chưa thấy mình sinh nở gì cả. Rồi hai ba năm sau cũng chẳng thấy sinh con gì cả. Đặt biệt là bà cũng không đi siêu âm để biết mình có thai thật không. Sau này, bà mới vỡ lẽ, nhận ra rằng mình chẳng có thai gì cả, bụng mình to ra chỉ vì mình ăn uống bồi bổ, nghĩ ngơi để dưỡng thai. Bụng nó to ra không phải vì có thai, mà vì có nhiều mỡ tích tụ.
Câu chuyện của các bà bầu ở đây cho thấy một đức tin mù quáng, muốn bắt Chúa làm theo niềm tin của mình.
Vậy đoạn Tin Mừng muốn giáo huấn ta về một đức tin như thế nào?
Chúa Giêsu đã dạy, sau khi các môn đệ cầu xin Ngài ban thêm ơn đức tin. Chắc là lúc đó, các môn đệ cảm thấy mình rất yếu đuối, rất khó khăn để có thể tin vào Chúa Giêsu. Phải tin Ngài là Đấng Kitô, trong khi Ngài chỉ là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria ở làng quê Nazaret; phải tin Ngài là Con Thiên Chúa, trong khi họ luôn tin tưởng rằng, Thiên Chúa là độc nhất, một Thiên Chúa duy nhất mà thôi.
Phải tin vào Ngài khi các môn đệ không thấy được tương lai sáng sủa huy hoàng mà chỉ thấy những tối tăm hoạn nạn. Khi Phêrô tuyên xưng rằng: Đức Giêsu là Đấng Kitô là Con Thiên Chúa, thì Chúa Giê-su khen ngợi: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc...” (Mt 16,17). Nhưng ngay sau đó khi Chúa Giêsu loan báo: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, các thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại”, thì Thánh Phêrô đã can ngăn Ngài: Thưa Thầy, không thể như vậy được (xem Mc 8,27-35).
Quả là rất khó mà các môn đệ có đức tin, ngay cả Thánh Phêrô. Gần trước cuộc Thương Khó, Chúa Giê-su còn nói với thánh Phê-rô: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22,32).
Vậy đức tin mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta là tin vào Ngài, vào Thiên Chúa Cha với một niềm tín thác.
Ở đây, chúng ta cũng nên tìm hiểu tin hay “tín thác” có ý nghĩa là gì?
Chúng ta vẫn thường cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa”, nhưng thật sự chúng ta có tín thác vào Chúa không?
Một bà bị hiếm muộn, không có con, bà cầu xin Chúa cho mình được có con, nhưng bà cũng cầu nguyện thêm: “Nhưng nếu Chúa muốn, con cũng vui lòng sống hiếm muộn; con sẽ dâng Chúa thời gian chăm sóc những người già yếu bệnh tật thay vì chăm sóc con cái”.
Bà này quả đúng là có sự tín thác vào Chúa!
Ông nọ, bị bệnh nan y, chạy chửa nhiều thầy nhiều thuốc mà vẫn không khỏi, cầu xin Chúa cho mình được khỏi bệnh những ông cũng cầu nguyện thêm: “Nhưng nếu Chúa muốn, Chúa cứ vẫn để con bệnh tật, con xin dâng Chúa những đau đớn, mệt nhọc để cầu cho gia đình con được an vui khỏe mạnh, để đền bù những tội lỗi của con”.
Ông này quả đúng là có sự tín thác vào Chúa!
Cô gái trẻ nọ lỡ mang thai, hoặc một người vợ mang thai kèm theo nguy hiểm cho sức khỏe, mạng sống của mình, hoặc thai nhi bị dị tật. Họ vẫn kiên quyết không phá thai, mặc dù phải chịu những hy sinh mất mát trước mắt.
Họ quả đúng là có sự tín thác vào Chúa!
Cha mẹ Công giáo nọ, nghèo nàn, làm ăn vất vả nhưng vẫn sinh và nuôi nấng giáo dục con cái. Họ cũng bỏ ra thời gian công sức để giúp đở người hàng xóm, không sợ mình sẽ nghèo thêm, sẽ đói thêm. Gia đình này quả đã tín thác vào Chúa.
Họ quả là theo gương Chúa Giêsu, tín thác vào Thiên Chúa Cha. Trong vườn Cây Dầu, trước viễn cảnh mình sẽ bị bắt, bị tra tấn, bị sĩ nhục và bị đóng đinh vào thập giá, Chúa Giêsu đã sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mt 26, 39).
Đức Giêsu chính là mẫu của những ai tin hay tín thác vào Thiên Chúa, tin rằng mình luôn ở trong bàn tay quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa, tin rằng những thiệt hại, những đau đớn bệnh tật, những nhèo nàn khổ sở, những thất bại sĩ nhục là như hạt lúa mì rơi xuống đất, chịu mục nát đi để sinh nhiều bông hạt.
Tín thác vào Chúa theo gương Đức Kitô cũng có nghĩa là sẵn sàng chịu chết đi cho thế gian để sống cho Thiên Chúa.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay872
  • Tháng hiện tại20,818
  • Tổng lượt truy cập10,722,641
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi