CHÚA NHẬT XXIX C. Thiên Chúa sẽ minh xét - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ bảy - 19/10/2019 06:40
Thiên Chúa sẽ minh xét
Trong cuộc đời, khi những gian lao khốn khó xảy đến, chúng ta thường chạy đến Thiên Chúa để cầu xin Ngài cứu giúp; các người khác thì cũng vậy, thường chạy đến Trời, đến Phật hay một vị thần linh nào đó để khấn vái, cầu xin.
Nhiều người đã được ơn thoát khỏi hiểm nguy khốn khó. Tuy nhiên nhiều người khác lại thấy mình chẳng được ơn ích gì cả. Họ cũng kiên trì cầu nguyện, họ cũng đã cầu xin lâu bền mà vẫn chẳng thấy được ơn. Những điều họ xin nhiều khi rất là chính đáng nhưng đã không được đáp trả. Họ xin cho khỏi bị bóc lột áp bức, bất công; xin cho được cơm bánh, khỏi nghèo đói nhưng vẫn không thấy được.
Sáng ngày 16/10 vừa qua, Ngày Lương thực Thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một bức thư đến Liên Hiệp Quốc. Có những đoạn ngài viết:
“Ngày Lương thực Thế giới vang vọng hàng năm với tiếng khóc của rất nhiều anh em chúng ta, những người tiếp tục chịu những bi kịch về đói kém và suy dinh dưỡng.”
 “Thật tàn nhẫn, không công bằng và nghịch lý ... trong khi có những khu vực trên thế giới thực phẩm bị lãng phí, vứt đi, tiêu thụ quá mức hoặc dùng vào các mục đích khác”.
Chúng ta hãy thử suy nghĩ xem: Phải chăng những người bị nghèo đói đó đã không cầu nguyện? Sao Chúa không trả lại công bằng cho họ, cứ để mà Điều Đức Giáo Hoàng nói là: Thật tàn nhẫn, không công bằng và nghịch lý...?
Phải chăng những người nghèo đói, những người bị áp bức bất công đó, đã không kiên trì cầu nguyện, hay là họ không có đủ đức tin?
Chắc chắn là không. Có thể họ đã cầu nguyện ngày này qua ngày khác với lòng tin, nhưng họ vẫn không được nhận lời!
Quả thật là khó hiểu, vì có cái gì đó không ăn khớp với nhau giữa dụ ngôn và thực tế! Những khó hiểu này, đòi chúng chúng ta phải tìm hiểu kỹ hơn về dụ ngôn Chúa Giêsu đã dạy.
Có một số chi tiết trong dụ ngôn khiến chúng ta phải để ý. Bà góa đã xin điều gì? Bà đã không xin một ân huệ, không xin có cơm bánh hằng ngày, không xin được lành bệnh, như kẻ mù xin được thấy, kẻ điếc xin được nghe, người câm xin nói được... mà bà chỉ xin được vị quan tòa “minh xét” vì bà đang bị đối phương hãm hại.
Bà này là một bà góa, một người bé nhỏ trong xã hội, một kẻ thấp cổ bé họng. Bà chỉ xin được xét xử công bằng trước những bất công của cuộc đời, vì bà đang bị đè bẹp trước những áp bức bất công.
Rồi chúng ta hãy nhìn về ông quan tòa. Chúa Giêsu gọi ông là vị quan tòa “bất chính”. Ông cũng kiêu hãnh, tự coi mình là người chẳng kính sợ Thiên Chúa và chẳng coi ai ra gì. Thế mà cuối cùng lại chịu xét xử cho bà góa. Ông đã làm một điều mà ông không muốn làm, chỉ vì  bà ta cứ quấy rầy, làm ông nhức đầu nhức óc. Ông nghĩ rằng xử đi cho xong chuyện.
Chắc chắn rằng, Chúa Giêsu không có ý mô tả Thiên Chúa giống như ông quan tòa, nhưng ngài muốn nhấn mạnh đến sự kiên trì cầu nguyện và khẳng định Thiên Chúa sẽ “minh xét” cho những kẻ Ngài đã “tuyển chọn”, ngày đêm hằng kêu cứu đến Ngài. Một người bất chính xấu xa như ông quan tòa kia mà còn chịu nghe lời van xin, huống chi là Thiên Chúa lại không nghe lời kêu xin của những người Ngài đã tuyển chọn.
Tìm hiểu dụ ngôn tới đây, ta vẫn thấy khó hiểu cho những trường hợp người ta đã kêu xin mà vẫn không thấy nhận lời. Kẻ nghèo đói vẫn cứ nghèo đói, kẻ bị áp bức vẫn cứ bị áp bức. Cường hào ác bá sao vẫn cứ sống phây phây...! Không thấy Chúa minh xét đâu cả!
Một đàng Ngài nói sẽ minh xét cho chúng ta, đàng khác thì chúng ta lại không thấy được minh xét. Sự trai trái như vậy, có thể làm cho chúng ta không tin vào Chúa nữa. Vì vậy, không lạ gì, ngay sau dụ ngôn Chúa Giêsu nói thêm: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng”?
Và ở câu trước đó, Chúa Giêsu nói: “Lẽ nào Ngài bắt họ chờ đợi mãi?”. Những chữ Chúa Giêsu nói ở cuối dụ ngôn: “kẻ Người đã tuyển chọn”, “chờ đợi”, “Con Người ngự đến” cho chúng ta thấy dụ ngôn này được đặt vào bối cảnh của ngày cánh chung, của ngày tận thế, ngày mà thế gian sẽ qua đi và Nước Thiên Chúa sẽ đến. Đây chính là điều chúng ta phải chú ý đến để hiểu toàn bộ dụ ngôn.
Trước ngày cánh chung, hay tận thế, các tín hữu, những người được Thiên Chúa “tuyển chọn”, sẽ phải chịu những bất công, những bách hại. Những điều này không chỉ xảy ra vào thời các Tông đồ mà còn vào mọi thời, mọi nơi. Các Kitô hữu cần phải kiên trì cầu nguyện trước những gian nan thử thách, khi bị bách hại, khi bị đối xử bất công. Các Kitô hữu phải tin tưởng chắc chắc rằng Thiên Chúa sẽ minh xét cho họ. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại không minh xét cho chúng ta ngay ở đời này, nếu có thì cũng ít khi, vì những sự ở đời này cũng sẽ qua đi, nhưng Ngài sẽ minh xét cho chúng ta ở đời sau, một đời sống hạnh phúc vĩnh cữu, tồn tại mãi mãi.
Chính Đức Giêsu, như một con người trút bỏ vinh quang của một vị Thiên Chúa, là con của Bà Maria và Ông Giuse; cũng là một người được Thiên Chúa “tuyển chọn”, đã bị bách hại, bị kết án bất công, chịu chết, chết nhục nhã trần truồng trên thập giá. Chắc Đức Giêsu cũng đã cầu xin tha thiết với Thiên Chúa là hãy minh xét cho Ngài; và Ngài cũng tin tưởng mạnh mẽ rằng Thiên Chúa sẽ nhận lời.  Và quả thật, Thiên Chúa đã nhận lời, đã cho Ngài Phục Sinh vinh hiển và đã tôn vinh Ngài.
Mỗi người chúng ta cũng là những kẻ được Thiên Chúa “tuyển chọn”, hãy noi gương Đức Giêsu Kitô, là hãy kiên trì cầu xin và tin tưởng vào sự “minh xét” của Thiên Chúa.
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay3,757
  • Tháng hiện tại38,714
  • Tổng lượt truy cập10,740,537
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi