CẨM NANG: 7- HÔN NHÂN HỖN HỢP, KHÁC ĐẠO - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ ba - 09/02/2021 17:02
Hôn nhân hỗn hợp thì phân biệt với hôn nhân khác đạo. Trong hôn nhân hỗn hợp người Công Giáo kết hôn với một người thuộc Kitô giáo khác đã được Rửa tội; trong hôn nhân khác đạo người Công Giáo kết hôn với người không được rửa tội. Hôn nhân hỗn hợp cần có phép minh nhiên của Đấng Bản Quyền địa phương; hôn nhân khác đạo thì mắc ngăn trở tiêu hôn nên buộc phải được miễn chuẩn ngăn trở. Việc ban miễn chuẩn ngăn trở hôn nhân khác đạo thì có thể ở mức độ nhiều ít khác nhau tùy theo vị lãnh đạo của từng giáo phận và tùy theo từng trường hợp. Có giáo phận miễn chuẩn hôn nhân khác đạo được ban khá rộng rãi, có giáo phận thì hạn chế như không ban miễn chuẩn nếu người không rửa tội là người ngoại quốc.
7. HÔN NHÂN HỖN HỢP, KHÁC ĐẠO

7.1. Hôn nhân hỗn hợp (matrimonium mixtum)

a- Khái niệm

Hôn nhân hỗn hợp (matrimonium mixtum) là hôn nhân giữa hai người đã được Rửa tội, mà một bên thuộc Giáo hội Công giáo và bên kia thuộc một giáo hội hay một cộng đoàn giáo hội không hiệp thông trọn vẹn với giáo hội Công giáo (đ. 1124). [1]
Ví dụ: Hôn nhân hỗn hợp giữa người Công giáo và Chính Thống, Tin Lành hay Anh Giáo…

b- Cần xin phép minh nhiên của Đấng Bản quyền

Hôn nhân hỗn hợp, nếu không có phép minh nhiên của thẩm quyền, thì bị cấm kết hôn (đ. 1124). Tuy nhiên, hôn nhân này không bị ngăn trở tiêu hôn như hôn nhân khác đạo (matrimonium disparitatis cultus).
Đấng Bản quyền địa phương có thể ban phép trên đây, nếu có một lý do chính đáng và đôi bạn phải thực hiện những điều kiện của điều 1125.
Giáo luật quy định về hôn nhân hỗn hợp một cách chặt chẽ hơn, đòi phải có phép "minh nhiên", so với những trường hợp kết hôn đòi xin phép Đấng Bản quyền ở điều 1071 (Vd. người không có cư sở, không được chính quyền dân sự cho phép…). Những trường hợp của điều 1071, thì có thể được miễn trừ việc xin phép, khi có lý do "cần thiết".

c- Những điều kiện của điều 1125

Đấng Bản quyền có thể ban phép nếu có một lý do chính đáng và phải hội đủ điều kiện (chung cho cả hôn nhân hỗn hợp lẫn khác đạo) theo điều 1125:
1- Bên Công giáo phải tuyên bố mình sẵn sàng tránh mọi nguy cơ mất đức tin và thành thật cam kết sẽ làm hết sức để tất cả con cái được Rửa tội và được giáo dục trong Giáo hội Công giáo;
2- Phải kịp thời thông báo thế nào cho bên không Công giáo biết những điều bên Công giáo phải cam kết, để họ ý thức thật sự về lời cam kết và nghĩa vụ của bên Công giáo;
3- Cả hai bên được giáo huấn về những mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân mà không bên nào được phép loại bỏ.
Về việc Rửa tội và giáo dục Công giáo cho con cái, chỉ đòi buộc bên Công giáo tuyên bố và cam kết, không đòi buộc bên không Công giáo tuyên bố và cam kết.
Bên không Công giáo phải được thông báo về lời tuyên bố và cam kết của bên Công giáo, để họ ý thức tôn trọng nghĩa vụ của bên Công giáo. Tuy nhiên, Giáo luật không bắt buộc bên không Công giáo phải cam kết tôn trọng việc thực hành đạo của bên Công giáo, dựa theo khẳng định quyền tự do tôn giáo của Công đồng Vaticano II (DH, 2).[2]

d- Rửa tội Tin Lành có thành sự không?

Phải đặt vấn đề là phép Rửa tội của bên Tin lành có được Hội Thánh Công giáo chấp nhận là thành sự không, hoặc việc cử hành nghi thức Rửa tội đã thực hiện có thành sự hay không?
Trong trường hợp Rửa tội Tin Lành đó không được Giáo hội nhận là thành sự, đôi bạn phải xin cử hành hôn nhân khác đạo với miễn chuẩn ngăn trở khác đạo, chứ không phải là xin phép cử hành hôn nhân hỗn hợp.
Cũng có trường hợp nghi thức Rửa tội của một cộng đoàn hay giáo hội Tin Lành được  Hội Thánh Công giáo công nhận là thành sự, nhưng việc cử hành nghi lễ Rửa tội lại khiếm khuyết, khiến việc cử hành vô hiệu.
Hiện nay, cũng cần phân biệt vấn đề Rửa tội thành sự giữa những giáo hội Tin Lành khác nhau, ở ngoại quốc và Việt Nam. Đối với những giáo hội Tin Lành ở ngoại quốc, có thể xác định sự công nhận của Giáo hội Công giáo về sự hữu hiệu của Rửa tội dựa theo danh sách nào đáng tin cậy.[3]
Đối với vấn đề thành sự của bí tích Rửa tội của những giáo hội Tin Lành ở Việt Nam, thì còn tùy vào sự thẩm định của HĐGMVN. Khi chưa có công bố chung của HĐGMVN về vấn đề này, nên tham khảo ý kiến của Đấng Bản quyền địa phương.

e- Nghi thức kết hôn trong hay ngoài Thánh Lễ?

Hôn nhân hỗn hợp phải được cử hành ngoài Thánh Lễ, sử dụng nghi thức cử hành hôn nhân ngoài Thánh Lễ (x. Sách Nghi Thức Hôn Phối, số 79-117), trừ khi cần thiết và có phép của Đấng Bản quyền địa phương (x. số 36).
Về việc cho người không Công giáo thuộc những giáo hội hay cộng đoàn Kitô giáo không hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo được rước lễ thì xem những quy định ở điều 844.
Có thể linh động cho kết hôn hỗn hợp trước hay sau Thánh lễ.

7.2. Hôn nhân khác đạo (matrimonium disparitatis cultus)

a- Khái niệm

Hôn nhân khác đạo hay dị giáo (matrimonium disparitatis cultus) là hôn nhân giữa một người Công giáo và một người không được Rửa tội (người lương).
Hôn nhân dị giáo bị ngăn trở tiêu hôn, nên phải được miễn chuẩn ngăn trở thì mới kết hôn thành sự (đ. 1086§1).
Sẽ không được Đấng Bản quyền miễn chuẩn nếu không chu toàn những điều kiện nói ở điều 1125 nói ở trên, về việc bên Công giáo" phải tuyên bố mình sẵn sàng tránh mọi nguy cơ mất đức tin và thành thật cam kết sẽ làm hết sức để tất cả con cái được Rửa tội và được giáo dục trong Giáo hội Công giáo" (đ. 1086§2).

b- Nghi thức trong hay ngoài Thánh Lễ?

Cử hành kết hôn khác đạo phải theo nghi thức cử hành hôn phối ngoài Thánh Lễ.
Có thể linh động cử hành kết hôn khác đạo trước hay sau Thánh Lễ.
Cũng có thể cử hành nghi thức kết hôn trong nhà thờ hoặc một nơi thích hợp khác (đ. 1118§3).
Nơi thích hợp khác có thể là tại tư gia. Tuy nhiên, việc cử hành kết hôn tại tư gia chỉ nên áp dụng cho trường hợp thành sự hóa hay hợp thức hóa hôn phối cho đôi hôn phối đã sống chung hay chỉ đã kết hôn theo luật dân sự, và nay bên lương lại không chấp nhận đến nhà thờ.
Việc cử hành tại tư gia này, có thể đơn giản, nhưng luôn phải giữ những điều chính yếu của thể thức giáo luật (forma canonica) để việc kết hôn được hữu hiệu. Đó là sự hiện diện của đôi bạn, vị chứng hôn, hai người làm chứng và đôi bạn biểu tỏ sự ưng thuận nhận nhau làm vợ chồng (đ. 1108).

 c- Về việc thờ cúng tổ tiên

 Người tân tòng trở về nhà cha mẹ mình, hay người phối ngẫu sống trong gia đình bố mẹ vợ/chồng ngoại giáo: [4]
- Được thực hành những việc đốt hương, nhang, đèn, nến trên bàn thờ gia tiên;
- Được vái lạy trước bàn thờ gia tiên hay giường thờ tổ tiên, vì là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính đối với ông bà tổ tiên;
- Ngày “kỵ nhật” (tức ngày giỗ) được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương,
- Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương,
- Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng quen gọi là “Phúc thần” tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng.
d- Vấn đề đòi buộc theo đạo
Mọi người đều phải tôn trọng quyền kết hôn và quyền tự do tôn giáo. Dựa theo nguyên tắc này, bên nam hay nữ Công giáo hay cha mẹ không được đòi buộc bên kia phải theo đạo.
Ví dụ: Cha mẹ bên Công giáo không thể đòi buộc bên kia phải theo đạo Công Giáo mới cho kết hôn. Ngược lại, cha mẹ bên đạo Phật, Tin Lành… cũng không có quyền đòi bên Công giáo bỏ đạo mới cho kết hôn.
Cha mẹ có thể khuyên bảo, nhưng phần quyết định theo tôn giáo nào vẫn thuộc quyền tự do của người kết hôn. Tuy nhiên, về mặt mục vụ cũng nên cho bạn trẻ nam nữ sắp kết hôn biết sự khó khăn nguy hiểm mà họ sẽ phải đối diện. Đó là sự bất đồng giữa dâu rể với cha mẹ khi họ sống chung với nhau.
Ví dụ: Nàng dâu Công giáo sẽ khó mà hòa thuận được với người mẹ chồng, nếu như ngay từ đầu người mẹ này miễn cưỡng đón nhận con dâu chỉ vì con trai mình muốn cưới mà mình không thể chống lại.
Đối với riêng đôi bạn về vấn đề tôn giáo, cũng như những vấn đề khác quan trọng trong cuộc sống vợ chồng tương lai, họ có thể thỏa thuận hay giao ước với nhau. Vì vậy, họ có thể đòi hỏi lẫn nhau là theo tôn giáo nào. Tuy nhiên khi đặt vấn đề theo một tôn giáo nào như một điều kiện hiện tại, để quyết định kết hôn hay không, thì luật đòi phải có phép Đấng Bản quyền bằng văn bản (đ. 1102).
 e- Vấn đề mục vụ
Theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Phaolô VI trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng,[5] cha sở có bổn phận giúp đỡ người lương trong địa hạt mình. Giáo luật cũng nói đến lý do của bổn phận này: “vì việc coi sóc các linh hồn phải được nới rộng đến họ” (đ. 771§2).
Cha sở cần dành thời giờ tiếp xúc với đôi hôn phối và nhất là cha mẹ bên ngoại giáo. Kinh nghiệm cho thấy, thái độ tiếp đón thân tình, tinh thần đối thoại và sự kiên nhẫn giảng giải giúp giải tỏa được rất nhiều ngộ nhận và đôi khi còn đưa người phối ngẫu ngoại giáo đến chỗ tự nguyện đón nhận đức tin.
Cha sở tránh thái độ áp đặt đối với người lương như buộc phải học giáo lý hôn nhân trong một thời gian dài nhất định. Nếu có khó khăn nghiêm trọng trong việc học, nên hẹn gặp đôi bạn một số giờ để giải thích về những điểm căn bản, về đặc tính hôn nhân, về nghĩa vụ vợ chồng và sinh sản giáo dục con cái.
Đối với những đòi hỏi định ngày cưới của bên người lương, ngay từ đầu không nên cho rằng họ mê tín dị đoạn. Cha sở nên khôn ngoan, tôn trọng họ trong chừng mực nào đó, trong tinh thần tôn trọng tự do tín ngưỡng, giải thích cho họ những ngăn trở về mặt chuẩn bị khiến không thể làm theo ý họ. Hai bên dàn xếp làm sao để cho việc cử hành hôn nhân diễn ra vừa hợp luật vừa không xúc phạm đến niềm tin của họ.
Cũng nên biết, ngay cả có những khó khăn, theo tinh thần tôn trọng bên không Công giáo, Giáo luật vẫn có thể cho họ được miễn cử hành hôn phối theo nghi thức Công giáo (đ. 1127§2).

7.3. Miễn chuẩn thể thức Giáo luật

Hôn nhân hỗn hợp hay dị giáo đôi khi cũng có thể được miễn chuẩn thể thức Giáo luật (forma canonica), chiếu theo điều 1127§2:
Nếu có những khó khăn nghiêm trọng ngăn cản việc tuân giữ thể thức Giáo luật, Đấng Bản quyền địa phương bên Công giáo có quyền miễn chuẩn khỏi giữ thể thức ấy trong từng trường hợp, nhưng phải tham khảo ý kiến của Đấng Bản quyền địa phương tại nơi cử hành hôn nhân và phải giữ một thể thức cử hành công nào đó, để hôn nhân được thành sự; việc ấn định những quy tắc để ban phép chuẩn nói trên một cách đồng nhất thuộc Hội Đồng Giám mục (đ. 1127§2).
Chỉ Đấng Bản quyền địa phương của bên Công giáo mới có quyền miễn chuẩn khỏi giữ thể thức Giáo luật; Bản Quyền của bên không Công giáo không có thẩm quyền này.
Có 2 điều kiện cần thiết để được miễn chuẩn thể thức giáo luật là:
- Có lý do nghiêm trọng: bên không Công giáo không chịu cử hành kết hôn trong nhà thờ Công giáo vì lý do riêng của họ (chính trị, tôn giáo, thanh danh…).
- “Phải giữ một thể thức cử hành công nào đó để hôn nhân được thành sự”(đ. 1127§2).
Vì vậy, sẽ kết hôn không thành sự nếu không có cử hành một "nghi thức cử hành công nào đó" để diễn tả sự ưng thuận kết hôn, thay thế cho việc cử hành nghi thức giáo luật Công giáo.
Theo một thể thức kết hôn "công" (public), có nghĩa là sự "ưng thuận" kết hôn của đôi vợ chồng phải được biểu lộ theo một thể thức mà xã hội công nhận. Đó là thể thức có thể kể:
- Đăng ký và chứng nhận kết hôn theo pháp luật dân sự;
- Cử hành theo thể thức của tôn giáo như Tin lành, Anh Giáo...;
- Cử hành theo tục lệ địa phương; ... [6]
Để kết hôn được hữu hiệu, trong các thể thức đó phải "có sự biểu lộ sự ưng thuận", nhận nhau làm vợ chồng của đôi bạn, bằng hành vi hay bằng lời nói.
Để được ban miễn chuẩn thể thức, cũng đòi hỏi bên Công giáo phải tuyên bố sẵn sàng xa tránh mọi nguy cơ mất đức tin… theo các điều kiện của điều 1125 quy định.
Miễn chuẩn thể thức kết hôn không được áp dụng cho hôn nhân giữa hai người Công giáo. Trong trường hợp nghiêm trọng thì phải xin Tòa Thánh ban miễn chuẩn.[7]
Trong trường hợp nguy tử thì vẫn phải giữ thể thức Giáo luật, nhưng đơn giản hơn, chỉ cần hai người làm chứng cũng đủ (đ. 1116).
 
[1] Nếu một bên thuộc Chính Thống thì vị chứng hôn phải là linh mục, không được là phó tế. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong tông thư De concordia inter Codices, ban hành 31-5-2016 đã có sửa đổi cho điều 1127§1 về kết hôn hỗn hợp, ở Art.11.
 
 
[2] x. L. SABBARESE, Il matrimonio canonico nell ordine della natura e della grazia, UUP, Roma 2002, 336.
[3] Có thể xem ở phần Phụ Lục bản của J. M. HUELS, The pastoral companion, A canon law handbook for catholic ministry, Franciscan Press 1995, tr. 331tt.
 
[4] x. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thông cáo về việc tôn kính Ông bà Tổ tiên và các bậc Anh hùng Liệt sĩ, 20.10.1964; Hội nghị Nha Trang, 14.11.1974, trong VĂN PHÒNG TỔNG THƯ KÝ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên giám 2004, Hà Nội 2004, “Giáo hội Việt Nam với việc thờ kính tổ tiên”, tr. 487-490.
[5] đ. 771§ 2; Phaolô VI, Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 55-57.
[6] x. J.P. BEAL et alii, New Commentary…,1127.
[7] x. Ibid.

Tổng số điểm của bài viết là: 41 trong 10 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Antoni Đức
    Xin cha giải đáp giúp con một trường hợp như sau: Một chị công giáo lấy 1 anh ngoại giáo (đã ly dị vợ mình trước đó cũng ngoại giáo), cha xứ làm phép chuẩn cho 2 người, sau đó chị này vẫn rước lễ bình thường. Có phải là hôn nhân của chị này là đang bị rối không? và linh mục chánh xứ có làm đúng luật không?
    Con xin chân thành cảm ơn cha.
      Antoni Đức   08/03/2023 22:40
GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay959
  • Tháng hiện tại20,905
  • Tổng lượt truy cập10,722,728
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi