CẨM NANG: 5- CỬ HÀNH KẾT HÔN - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ sáu - 08/09/2017 22:24

CẨM NANG: 5- CỬ HÀNH KẾT HÔN - JB. Lê Ngọc Dũng

Sự kết hôn là một hành vi có tính xã hội và pháp lý, vì vậy mỗi xã hội thường có những nghi thức kết hôn được quy định do tục lệ hay luật của xã hội đó. Xã hội đây có thể là một tập thể lớn như một quốc gia, một tôn giáo, cũng có thể là một thôn làng một bộ tộc. Kết hôn theo nghi thức được quy định do luật hay lệ, được gọi là kết hôn theo nghi thức công. Trong hôn nhân Công Giáo, Giáo Luật quy định một thể thức kết hôn công riêng. Nếu đôi bạn mà có một người là Công Giáo thì phải được cử hành kết hôn theo thể thức này, thì hôn nhân mới kể là thành sự. Nếu không ai trong đôi bạn là người Công Giáo thì họ không cần kết hôn theo nghi thức Công Giáo. Họ kết hôn thành sự theo thể thức xã hội quy định và Giáo Hội công nhận sự kết hôn này, nghĩa là công nhận là họ đã ràng buộc với nhau bằng mối dây hôn phối, gây ngăn trở tiêu hôn cho hôn nhân công giáo sau đó.
5. CỬ HÀNH KẾT HÔN

5.1. Thể thức Giáo luật (forma canonica)

5.1.1. Về một nghi vấn thông thường

Khi một hay cả hai người, trong cặp vợ chồng lương, theo đạo thì họ có cần xin chuẩn hay kết hôn nữa không?
Nghi vấn này phản ảnh một khả thể tư tưởng cho rằng: nếu không có kết hôn theo thể thức Công giáo thì người ta không hay chưa là vợ chồng. Tư tưởng này quả là không đúng.
Hôn nhân là một cơ cấu tự nhiên được Thiên Chúa thiết lập. Ban đầu, thời sơ khai, có thể không có nghi thức kết hôn nào cả, hai người nam nữ tự chung sống với nhau và trở thành vợ chồng trước mặt Đấng Tạo Hóa. Khi loài người có đời sống tập đoàn, xã hội, hay văn minh, những quy định về thể thức hay nghi thức kết hôn được thiết lập và được công nhận trong xã hội (bộ tộc, làng xã, quốc gia, tôn giáo…).
Thực tế cho thấy, Giáo hội trong những thế kỷ đầu chưa có quy định một thể thức riêng cho hôn nhân, nghĩa là, hôn nhân vẫn cứ được cử hành theo thể thức dân sự, theo dân luật. Sau này, vào những thế kỷ 15, 16 khi bắt đầu xác nhận hôn nhân thuộc phẩm hàm bí tích, rõ rệt nhất trong Công đồng Trento, Giáo hội xác định một "thể thức kết hôn" giữa hai người nam nữ và thiết lập những luật lệ tương ứng về sự "hợp luật" và "hữu hiệu" của hôn nhân.
Vài nét lịch sử trên cho thấy, "thể thức kết hôn" thuộc luật của Giáo hội, xuất hiện rất muộn sau này. Thể thức này có thể được miễn chuẩn và được thay thế bằng nghi thức dân sự hay tôn giáo khác đối với hôn nhân hỗn hợp và khác đạo khi có lý do nghiêm trọng (đ.1127§2). Và dĩ nhiên, nó còn cho thấy rằng những hôn nhân ngoài Công giáo vẫn được thừa nhận là hữu hiệu.

5.1.2. Thể thức kết hôn

Giáo hội Công giáo, trong của bộ luật 1983 có quy định ở điều 1108§1 về thể thức Giáo luật (forma canonica) của kết hôn như sau:
Hôn nhân chỉ thành sự khi được kết ước trước mặt vị chứng hôn, là Đấng Bản quyền địa phương hay cha sở, hoặc một tư tế hay một phó tế đã được một trong hai vị trên ủy quyền, và trước mặt hai nhân chứng.
Việc cử hành kết hôn theo Giáo luật, để được hữu hiệu, sự "ưng thuận" kết hôn phải được biểu hiện theo thể thức Giáo luật (forma canonica). Nếu vắng hay thiếu sót thể thức, việc kết hôn bị vô hiệu.
Khi cử hành thể thức phải có sự hiện diện của 5 người:
- Hai người kết ước hôn nhân (trừ trường hợp kết hôn qua người đại diện, theo đ. 1105);
- Vị chứng hôn có năng quyền, do chức vụ hay do ủy thác;
- Hai nhân chứng.

1) Vị chứng hôn

Vai trò của vị chứng hôn (chính thức, authorized witness) là: hiện diện để yêu cầu hai bên kết ước biểu lộ sự ưng thuận và để nhân danh Giáo hội chấp nhận sự biểu lộ ấy (đ. 1108§1). Vị chứng hôn, là thừa tác viên cử hành nghi thức phụng vụ, không được hiểu là người ban hay nhận bí tích hôn nhân.
Để chứng hôn hữu hiệu, vị chứng hôn phải là Đấng Bản quyền địa phương hay cha sở, hoặc một tư tế hay một phó tế đã được một trong hai vị trên ủy quyền.
Trong truyền thống Công giáo Tây phương, phó tế có thể chứng hôn hữu hiệu, nhưng trong Công giáo Đông Phương và Chính Thống giáo thì buộc phải là tư tế. Để hòa hợp với luật của Đông Phương, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong tông thư De concordia inter Codices, ban hành 31-5-2016, đã thêm một triệt thứ 3 cho điều 1108, quy định: 
§3. Chỉ có tư tế mới chứng hôn hữu hiệu cho hôn nhân giữa hai bên thuộc Công giáo Đông Phương hoặc giữa một bên thuộc La tinh và một bên thuộc Đông phương Công giáo hoặc không Công giáo.

2) Hai nhân chứng

Ngoài vị chứng hôn có năng quyền hay được ủy quyền, hai nhân chứng (additional witness) cũng rất cần thiết cho sự hữu hiệu của thể thức kết hôn. Nếu thiếu vắng một hay hai nhân chứng này, sự cử hành kết hôn vô hiệu.
Vai trò của họ là làm chứng cho sự cử hành kết hôn theo thể thức Công giáo. Họ không phải là người đứng ra bảo đảm rằng đôi bạn không có ngăn trở kết hôn, cũng không phải là người đỡ đầu hay trợ giúp đức tin cho đôi bạn. Giáo luật không quy định những điều kiện phải có đối với hai nhân chứng này. Tuy nhiên, theo nguyên tắc làm chứng, họ phải biết sử dụng trí khôn và hiểu biết được việc mình làm, đủ 14 tuổi (đ. 1550§1).

5.1.3. Thể thức kết hôn bất thường


Nếu không thể có hay không thể đến với một vị chứng hôn có thẩm quyền chiếu theo quy tắc của luật, mà không gặp bất tiện nặng, thì những người nào muốn kết hôn thật sự, có thể kết hôn cách thành sự và hợp pháp trước mặt các nhân chứng mà thôi: 
1- Trong trường hợp nguy tử;
2- Ngoài trường hợp nguy tử, miễn là dự đoán theo sự khôn ngoan rằng tình trạng ấy sẽ kéo dài suốt tháng (đ. 1116§1).
Thể thức kết hôn đặc biệt, cho phép không có vị chứng hôn, đôi bạn có thể kết hôn cách thành sự và hợp pháp trước mặt các nhân chứng mà thôi. Tuy nhiên thể thức này chỉ áp dụng trong các trường hợp mà không thể có hay không thể đến với một vị chứng hôn có thẩm quyền:
- Trong trường hợp nguy tử; hoặc
- Dự đoán theo sự khôn ngoan rằng tình trạng không thể đến được hoặc quá khó khăn mới có thể đến với một vị chứng hôn có thẩm quyền sẽ kéo dài suốt tháng.
Những bất tiện nặng hay quá khó khăn vật lý như ở quá xa, thiếu phương tiện giao thông; khó khăn luân lý như bị bách hại, chiến tranh, dân luật bất chính…[1]
Trong cả hai trường hợp nói trên, nếu có một tư tế hay một phó tế khác có thể hiện diện, thì phải mời vị ấy đến chứng kiến buổi cử hành hôn lễ cùng với các nhân chứng. Nếu không có thì hôn nhân trước mặt các nhân chứng mà thôi cũng vẫn thành sự.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã có sửa đổi, thêm quy định cho điều 1116§1: cho phép một linh mục Công giáo có năng quyền được chúc hôn[2] một cách thành sự và hợp pháp cho đôi bạn mà cả hai thuộc Giáo hội Đông phương không hiệp thông với Giáo hội Công giáo (Vd. Chính Thống) nếu họ tự nguyện xin.[3]
Việc cử hành thể thức kết hôn bất thường không bao hàm miễn chuẩn các ngăn trở. Giáo luật dự trù miễn các ngăn trở trong trường hợp nguy tử ở điều 1079; khẩn cấp ở điều 1080.[4]

5.2. Nơi cử hành kết hôn

a- Cử hành hôn phối trong, ngoài nhà thờ

Hôn nhân giữa hai người Công giáo hoặc giữa một người Công giáo và một người được Rửa tội ngoài Công giáo (hôn nhân hỗn hợp) phải được cử hành trong nhà thờ giáo xứ.
Nếu cử hành ở một nhà thờ khác hay nhà nguyện thì phải có phép của Đấng Bản quyền địa phương hay của cha sở (đ. 1118§1).
Nếu cử hành hôn nhân tại một nơi khác ngoài nhà thờ, nhà nguyện (Vd. nhà tư, khách sạn, điểm du lịch) phải xin phép Đấng Bản quyền địa phương (đ. 1118§2).
Hôn nhân giữa một người Công giáo và một người không được Rửa tội (hôn nhân dị giáo) “có thể cử hành trong nhà thờ hay một nơi thích hợp khác” (đ. 1118§3).
Vì vậy, cha sở có thể cử hành hôn nhân khác đạo tại nhà tư khi bên người lương không muốn đến nhà thờ, mà không cần phải xin phép Đấng Bản quyền.
Nhận xét:
Hôn nhân khác đạo không có phẩm giá bí tích nên cha sở được phép cử hành ngoài nhà thờ, nhà nguyện. Ngược lại, hôn nhân hỗn hợp là hôn nhân bí tích (do hôn nhân của hai người đều được Rửa tội), phải được cử hành trong nhà thờ, nhà nguyện; nếu không, cha sở phải xin phép Đấng Bản quyền địa phương.

b. Nghi thức hôn phối trong Thánh lễ

Luật phụng vụ có những quy định về cử hành nghi thức kết hôn trong Thánh lễ, được ghi trong sách “Nghi thức cử hành hôn nhân[5]:
Thông thường, phải cử hành bí tích Hôn phối trong Thánh lễ. Tuy nhiên cha xứ phải tùy theo nhu cầu mục vụ, tùy theo cách thức đôi bạn và những người dự lễ đã tham gia như thế nào vào sinh hoạt của Hội Thánh để xem cử hành Hôn phối trong hay ngoài Thánh lễ cho thích hợp hơn (số 29).
Một số quy định trong sách Nghi thức cử hành hôn nhân:
- Phải sử dụng “Nghi Thức Cử Hành Hôn Phối Trong Thánh Lễ” (số 45-78);
- “Phải dùng phẩm phục màu trắng hay màu phụng vụ của ngày lễ” (số 34);
- Vào “ngày lễ bậc 1-4 trong bảng xếp hạng các ngày phụng vụ, thì sử dụng bản văn và các bài đọc của lễ hôm ấy, tuy nhiên vẫn đọc lời nguyện chúc hôn và tùy nghi cũng có thể sử dụng công thức ban phép lành cuối lễ dành cho lễ hôn phối” (số 34);
- Các Chúa Nhật mùa Giáng Sinh và thường niên, khi cử hành hôn nhân trong thánh lễ dành cho cộng đoàn giáo xứ, thì phải cử hành lễ Chúa Nhật” (số 34).

c. Nghi thức hôn nhân hỗn hợp, khác đạo

Đối với hôn nhân hỗn hợp, phải sử dụng nghi thức cử hành hôn nhân ngoài Thánh lễ (số 79-117), trừ khi cần thiết và có phép của Đấng Bản quyền địa phương (số 36).
Về việc cho người Kitô hữu không Công giáo rước lễ thì theo những quy định về việc ban và nhận một số bí tích liên quan đến các cộng đoàn hay giáo hội Kitô giáo khác, được quy định ở điều 844.
Đối với hôn nhân khác đạo, phải sử dụng nghi thức cử hành hôn nhân khác đạo (số 152-178), ngoài Thánh Lễ.[6]
Hôn nhân khác đạo có thể cử hành trong nhà thờ hay một nơi thuận tiện (số 152). Trong trường hợp cử hành tại gia mà có những khó khăn nghiêm trọng do người bên lương không muốn cử hành nghi thức tôn giáo thì có thể giảm bớt những nghi thức không chính yếu. Luôn phải giữ thể thức Giáo luật chính yếu bao gồm sự hiện diện của:
1) Đôi bạn kết hôn
2) Vị chứng hôn (linh mục, phó tế)
3) Hai người làm chứng
Nghi thức cử hành hôn nhân” từ số 159-163, bao gồm những câu hỏi trước khi tỏ bày ưng thuận, tỏ bày sự ưng thuận, tiếp nhận sự ưng thuận. Có thể bỏ phần làm phép và trao nhẫn tiếp theo sau đó (số 165).
Nếu có những khó khăn nghiêm trọng ngăn cản việc tuân giữ thể thức Giáo luật thì có thể xin Đấng Bản quyền bên Công giáo miễn chuẩn cử hành thể thức Giáo luật, được quy định ở điều 1127§2.
 

5.3. Cử hành hôn nhân cách kín đáo

Vì một lý do nghiêm trọng và khẩn cấp, Đấng Bản quyền địa phương có thể cho phép cử hành hôn nhân cách kín đáo (đ. 1130).
Phép cho cử hành hôn nhân cách kín đáo đòi buộc:
1
Phải kín đáo thực hiện việc điều tra trước hôn nhân;
2. Đấng Bản quyền địa phương, vị chứng hôn, các nhân chứng, đôi vợ chồng, phải giữ bí mật về hôn nhân đã được cử hành (đ. 1131).
Hôn nhân đã được cử hành cách kín đáo phải được ghi trong sổ riêng mà thôi và sổ này phải được lưu giữ trong văn khố mật của Toà Giám mục (đ. 1133).
Hết nghĩa vụ giữ bí mật, nếu việc giữ bí mật có nguy cơ sinh ra gương xấu nghiêm trọng, hoặc làm tổn thương sự thánh thiện của hôn nhân cách nặng nề, và phải thông báo cho đôi bạn biết điều đó trước khi cử hành hôn nhân (đ. 1132).
 
[1] x. J.P. BEAL et alii, New Commentary…, 1334.
[2]  Bên Đông phương Công giáo hay không Công giáo (Chính Thống) dùng chữ "chúc hôn" (benedire il matrimonio, to bless the marriage; xem Bộ Giáo luật Công giáo Đông phương (CIO) điều 829). Bên Công giáo Tây Phương lại dùng chữ "chứng hôn" (assistere al matrimonio, to assist at the marriage; xem Bộ Giáo luật Công giáo Tây Phương (CIC) điều 1108, 1109).
[3]  Xem Tông Thư De concordia inter Codices, Art. 10.
[4] Đã được nói ở trên, phần: 3.4. Miễn chuẩn.
[5] Phiên dịch từ ấn bản mẫu II, nhà in đa ngữ Vaticano, 1991.
 
[6] Có thể chấp nhận cử hành hôn lễ cho hôn nhân khác đạo, trong nhà thờ, trước hay sau cử hành Thánh Lễ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay849
  • Tháng hiện tại20,795
  • Tổng lượt truy cập10,722,618
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi