NHỮNG NGUYÊN TẮC HƯỚNG DẪN GIÁO LUẬT BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Thứ tư - 26/04/2023 06:48
NHỮNG NGUYÊN TẮC HƯỚNG DẪN GIÁO LUẬT BÍ TÍCH HÔN PHỐI
 
          
Bản cập nhật 09-03-2024
ĐỀ MỤC

1. Hôn nhân Công giáo. 4
2. Hôn nhân ngoài Công giáo. 4
3. Năng quyền và ủy nhiệm năng quyền chứng hôn. 5
4. Quyền và nhiệm vụ chứng hôn của cha sở. 6
5. Mục vụ chứng hôn liên quan đến di dân. 7
6. Thủ đắc cư sở và bán cư sở. 7
7. Nhiệm vụ thiết lập hồ sơ, điều tra, rao báo. 8
8. Hồ sơ kết hôn. 9
9. Hồ sơ kết hôn với người ngoại quốc. 10
10. Giấy giới thiệu kết hôn. 10
11. Điều tra sơ khởi đối với người ngoài Công giáo. 11
12. Chứng thư bí tích Rửa tội và Thêm sức. 12
13. Bản thẩm vấn trước kết hôn. 13
14. Rao hôn phối 14
15. Giáo lý hôn nhân. 15
16. Giáo lý dự tòng. 16
17. Đăng ký, chứng nhận kết hôn dân sự. 17
18. Miễn chuẩn ngăn trở tiêu hôn. 17
19. Điều kiện của điều 1125 và 1126 trong hôn nhân hỗn hợp hoặc khác đạo. 19
20. Những trường hợp phải xin phép khi chứng hôn (GL 1071) 19
21. Thể thức giáo luật 20
22. Nơi cử hành thể thức kết hôn: nhà nguyện, nhà thờ. 21
23. Miễn chuẩn thể thức giáo luật 21
24. Theo đạo Công giáo sau kết hôn. 22
25. Đặc ân thánh Phaolô. 22
26. Thành sự hóa (hợp thức hóa) hôn nhân đơn thuần. 25
27. Thành sự hóa bằng điều trị tại căn. 25
28. Ghi sổ Rửa tội, Hôn phối
PHỤ LỤC
Mẫu đơn
Danh sách Bí tích Rửa tội Tin Lành thành sự


 

 
 
 
NHỮNG NGUYÊN TẮC HƯỚNG DẪN GIÁO LUẬT BÍ TÍCH HÔN PHỐI

1. Hôn nhân Công giáo

 
Điều 1
§1. Kết ước hôn nhân được thành lập bởi sự tự do ưng thuận giữa một người nam và một người nữ, để thiết lập giữa họ một sự chung sống của cả cuộc đời (totius vitae consortium). Tự bản chất, hôn nhân hướng về thiện ích đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái (GL 1055§1).
§2. Hôn nhân giữa hai người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội được nâng lên phẩm giá Bí tích, có một sự bền vững đặc biệt (GL 1055§1&§2; 1056).

Điều 2
Giáo luật điều 1056 quy định tất cả mọi người đều có thể kết hôn, nếu không bị luật cấm. Vì vậy, cần phải tôn trọng quyền được kết hôn của các tín hữu.

Điều 3
Hôn nhân của những người Công giáo, cho dù chỉ có một bên là Công giáo, bị chi phối không những bởi luật Thiên Chúa mà còn bởi luật Giáo hội nữa (GL 1059). Do đó, nếu có một bên là Công giáo, để thành sự, hôn nhân phải được cử hành theo thể thức Giáo luật (forma canonica, GL 1108).


2. Hôn nhân ngoài Công giáo

Hôn nhân giữa hai người lương, khi họ đã ly dị thì có thể kết hôn với người Công giáo được không? Dựa vào đâu để xác định một kết hôn ngoài Công giáo được thành sự và gây ngăn trở tiêu hôn? Trong trường hợp gọi là kết hôn "giả", với giải thích là chỉ có giấy hôn thú ở cơ quan chính quyền mà không làm đám cưới, thì hôn nhân có thành sự không? Ai có quyền xác định hôn nhân đó không thành sự?
Điều 4
§1. Hôn nhân ngoài Công giáo được hiểu là hôn nhân của những người ngoài Công giáo (lương Tin Lành, Anh giáo...), được cử hành theo thể thức được quy định bởi luật hay tục lệ dân sự hay của một tôn giáo ngoài Công giáo.
§2. Hôn nhân ngoài Công giáo được Giáo hội công nhận là có giá trị, đã tạo thành dây hôn phối, ràng buộc vĩnh viễn bao lâu hai người còn sống. Vì vậy, người ngoài Công giáo đã kết hôn mà người phối ngẫu kia đang còn sống, mặc dù đôi bạn đã ly dị, không thể tiến đến kết hôn thành sự với người Công giáo, trừ khi họ được hưởng Đặc ân Thánh Phaolô hoặc Đặc ân Đức Tin.
§3. Hôn nhân, cho dù chỉ có một người bên là Công giáo, nếu chỉ mới cử hành theo thể thức ngoài Công giáo, thì không thành sự.

Điều 5
§1. Các thể thức kết hôn ngoài Công giáo để thành sự phải là một thể thức công (public), trong đó phải có nghi thức biểu lộ sự ưng thuận nhận nhau làm vợ chồng, được quy định bởi luật hoặc tục lệ dân sự hay tôn giáo. Những thể thức thông thường sau đây được kể là thể thức công, được xã hội công nhận cho việc kết hôn thành sự :
10 Thể thức kết hôn của một tôn giáo, ví dụ, kết hôn trong đạo Tin Lành, Chính Thống, Anh Giáo...
20 Thể thức kết hôn theo luật pháp quốc gia : Đăng ký kết hôn tại cơ quan chính quyền và được cấp giấy xác nhận là vợ chồng (giấy giá thú, hôn thú).
30 Thể thức kết hôn theo tục lệ hay truyền thống dân tộc, được thực hiện qua một nghi thức biểu lộ sự ưng thuận nhận nhau làm vợ chồng bằng lời nói hoặc cử chỉ: bái lạy, ôm hôn, trao nhẫn... một cách công khai trước đông người và thường kèm theo tiệc cưới.
§2. Nếu chỉ kết ước hôn nhân theo một thể thức tư (private), bất kể hôn nhân Công giáo hay ngoài Công giáo đều bất thành, không gây ngăn trở tiêu hôn. Trong thể thức kết hôn tư, đôi bạn chỉ thề ước riêng với nhau hoặc làm theo một thể thức riêng tư nào đó, không thuộc luật quốc gia, cũng không thuộc luật tôn giáo hoặc tục lệ.

Điều 6
§1. Người ngoài Công giáo nếu chỉ kết hôn theo một thể thức công nào đó mà thôi thì cũng đủ để tạo thành dây hôn phối. Vài trường hợp kết hôn được xét là thành sự, được kể như sau:
10 Chỉ có đăng ký kết hôn tại cơ quan chính quyền và được cấp giấy xác nhận là vợ chồng mà không có cử hành kết hôn theo tục lệ hoặc tổ chức tiệc cưới.
20 Chỉ có cử hành kết hôn theo tục lệ hoặc tổ chức tiệc cưới nhưng không có đăng ký kết hôn ở cơ quan chính quyền.
§2. Theo nguyên tắc của §1, 10 nói trên, đối với trường hợp đôi bạn ngoài Công giáo mà chỉ có đăng ký kết hôn tại cơ quan chính quyền và coi đó chỉ là thủ tục pháp lý để theo đuổi một mục đích khác (kết hôn giả), như để được bảo lãnh đi nước ngoài, thì hôn nhân đó vẫn thành sự, trừ khi tòa án hôn phối của Giáo phận tuyên bố bất thành bằng một bản án.
§3. Tuy nhiên, trong trường hợp của §2 nói trên, nếu có một hoặc cả hai người là Công giáo thì hôn nhân đó không thành sự, do Giáo luật quy định là phải cử hành theo thể thức giáo luật (GL 1108).


3. Năng quyền chứng hôn

Ai có năng quyền chứng hôn? Năng quyền chứng hôn thông thường là tòng nhân hay tòng địa? Có phải viết giấy "ủy quyền" chứng hôn cho cha khác để ngài chứng hôn ở một giáo xứ khác hay không? Việc ủy quyền chứng hôn phải được áp dụng như thế nào? Có được bù năng quyền khi chứng hôn bị thiếu năng quyền hay không?
Điều 7
§1. Để chứng hôn thành sự, Giám mục, linh mục, phó tế phải có năng quyền theo luật hoặc được ủy năng quyền chứng hôn.
§2. Đấng Bản quyền địa phương và cha sở, do chức vụ, có năng quyền chứng hôn trong giới hạn địa hạt của mình, chẳng những cho những người thuộc quyền, mà còn cho cả những người không thuộc quyền, trừ khi các vị ấy bị vạ tuyệt thông, hoặc bị vạ cấm chế, hoặc bị huyền chức do án lệnh hay do sắc lệnh, hoặc đã bị tuyên bố như vậy (GL 1109).

Điều 8
§1. Đấng Bản quyền địa phương và cha sở chỉ có năng quyền chứng hôn trong phạm vi địa hạt của mình mà thôi (GL 1109).
§2. Vì không có năng quyền chứng hôn ngoài phạm vi địa hạt của mình, nên khi có một hay cả hai trong đôi bạn là người thuộc quyền mình, muốn cử hành hôn nhân tại một giáo xứ khác, cha sở có thể "giới thiệu" chứ không thể "ủy quyền" chứng hôn cho cha sở của nơi mà đôi bạn muốn cử hành hôn nhân.

Điều 9
§1. Việc uỷ nhiệm năng quyền chứng hôn, để được hữu hiệu, phải được minh nhiên ban cho những người nhất định; nếu là một sự uỷ quyền riêng biệt, thì có giá trị đối với một đôi hôn nhân nhất định, còn nếu là một sự uỷ quyền tổng quát, thì phải ban bằng văn bản (GL 1111§2).
§2. Sự ủy quyền chứng hôn mà có chỉ định rõ ràng cho một đôi hôn nhân nhất định nào đó cho từng lần chứng hôn, được coi là sự ủy quyền riêng biệt. Ngược lại, ủy quyền chứng hôn mà không có chỉ định rõ ràng cho một đôi hôn nhân nhất định nào đó, ví dụ như chỉ ra quy lệ chung chung hoặc phân công luân phiên để chứng hôn... thì được coi là sự ủy quyền tổng quát.
§3. Nếu đã được uỷ quyền chứng hôn cách tổng quát cho các trường hợp, thì chỉ có thể được chuyển uỷ đối với từng trường hợp một; còn nếu đã được uỷ quyền chứng hôn cho một trường hợp riêng biệt thì không thể được chuyển uỷ cách hữu hiệu, trừ khi vị uỷ quyền minh nhiên ban phép (GL 137§3).

Điều 10
§1. Trong việc ủy nhiệm năng quyền chứng hôn, nếu có lầm lẫn chung hoặc về sự kiện hoặc về luật, cũng như khi có hồ nghi tích cực và hợp lý hoặc về luật hoặc về sự kiện, thì Giáo hội bổ khuyết hay bù năng quyền (GL 144§§1; 1111§1).
§2. Nếu cha sở đã biết rõ việc uỷ quyền tổng quát phải ban bằng văn bản, Giáo hội không còn bổ khuyết năng quyền cho cha nữa, nghĩa là, nếu vi phạm, việc chứng hôn sẽ bị vô hiệu.
§3. Giáo hội chỉ bổ khuyết việc "uỷ nhiệm năng quyền" chứng hôn, chứ không bổ khuyết "năng quyền chứng hôn" (GL 144§2; 1111§1). Vì vậy, khi có lầm lẫn về sự ủy quyền chứng hôn, thì hôn nhân được bổ khuyết để thành sự, nhưng khi một người mà không có năng quyền, nếu chứng hôn, sẽ bất thành.
§4. Trong trường hợp cử hành chứng hôn bị bất thành do thiếu năng quyền, cần phải cử hành lại bởi người có năng quyền chứng hôn, hoặc được điều trị tại căn theo nguyên tắc Giáo luật, điều 1161.


4. Quyền và nhiệm vụ chứng hôn của cha sở

Cần phân biệt giữa quyền chứng hôn của cha sở trong địa hạt giáo xứ của mình và nhiệm vụ chứng hôn của cha sở. Nói cách khác, việc cha sở được "tùy ý" chấp nhận cần được phân biệt với nhiệm vụ "buộc phải" chấp nhận chứng hôn cho giáo dân. Sự phân biệt này dựa trên quy định của Giáo luật ấn định những nhiệm vụ của cha sở đối với giáo dân của mình.
Điều 11
§1. Giáo luật ban cho cha sở có năng quyền chứng hôn hữu hiệu trong địa hạt giáo xứ của mình, bất kể người kết hôn cư ngụ trong giáo xứ được bao lâu (GL 1109). Tuy nhiên, để cha sở chứng hôn hợp luật, có ít là một trong đôi bạn đã cư ngụ trong giáo xứ của ngài được một tháng (GL 1115).
§2. Khi không có ai trong đôi bạn đã cư ngụ trong giáo xứ được một tháng, để chứng hôn hợp luật, cha sở giáo xứ đó cần có phép của Đấng Bản quyền riêng hoặc cha sở riêng của một trong đôi bạn (GL 1115).
 
Điều 12
§1. Khi một trong đôi bạn, bên nam hoặc bên nữ, Công giáo hay không Công giáo, xin được kết hôn trong giáo xứ mà người ấy có cư sở hay thường trú, cha sở buộc phải chứng hôn cho họ, không được từ chối, vì chứng hôn là một trong những nhiệm vụ được ủy thác cho cha sở (GL 530,4
0), trừ khi họ có ngăn trở tiêu hôn không được miễn chuẩn hoặc bị Giáo luật cấm kết hôn (GL 1058).
§2. Khi một người xin kết hôn trong giáo xứ, nơi họ không có cư sở, chỉ có bán cư sở hoặc cư ngụ mới được một tháng, cha sở, tuy không bị buộc chứng hôn cho họ, cũng nên chấp nhận chứng hôn để giúp họ.


 5. Mục vụ chứng hôn liên quan đến di dân

Để đáp ứng nhu cầu kết hôn của di dân, mỗi Giáo phận có thể ra quy định riêng.
Điều 13
§1. Để có thể giúp đỡ những di dân trong địa hạt của mình, Đấng bản quyền địa phương có thể quy định các cha sở có có nhiệm vụ phải chứng hôn cho những người này, cho dù họ chỉ tạm trú hay có bán cư sở trong giáo xứ. Tuy nhiên chỉ áp dụng quy định này cách riêng trong Giáo phận của ngài mà thôi.
§2. Đấng Bản quyền địa phương có thể trao cho vị linh mục phụ trách di dân nhiệm vụ:
10 Phối hợp và dưới quyền của các cha sở trong Giáo phận mình để giúp ngài thực hiện việc nhận đăng ký và thiết lập hồ sơ hôn phối, để người di dân hay tạm trú có thể được kết hôn trong giáo xứ của ngài;
20 Cung cấp thông tin hoặc điều tra để giúp cho cha sở ở một Giáo phận khác để ngài cử hành chứng hôn, nếu ngài xin điều đó.

 

6. Thủ đắc cư sở và bán cư sở

Cần minh định sự thủ đắc cư sở và bán cư sở của giáo dân theo Giáo luật để xác định nhiệm vụ chứng hôn của cha sở.
Điều 14
§1. Theo nguyên tắc Giáo luật điều 102, cư sở thủ đắc do việc cư ngụ trong địa hạt của một giáo xứ hay ít ra của một Giáo phận, với ý định sẽ ở đó vĩnh viễn, nếu không có gì thay đổi, hoặc việc cư ngụ đã được kéo dài năm năm trọn (GL 102§1).
§2. Bán cư sở thủ đắc do việc cư ngụ trong địa hạt của một giáo xứ hay ít ra của một Giáo phận, với ý định sẽ ở đó ít là ba tháng nếu không có gì thay đổi, hoặc việc cư ngụ đã thực sự được kéo dài suốt ba tháng (GL 102§2).

Điều 15
§1. Cư sở hay bán cư sở của giáo dân, theo Giáo luật, không tùy thuộc vào sự đăng ký nhập vào một giáo xứ nhưng tùy thuộc "ý định" hoặc "thời gian" cư ngụ của họ (GL 102).
§2. Việc không đăng ký vào giáo xứ hoặc việc vắng mặt quá lâu khỏi giáo xứ không phải là lý do để cha sở phủ nhận việc thủ đắc cư sở hoặc từ chối nghĩa vụ chứng hôn.

Điều 16
§1. Ý định bên trong là sẽ ở một nơi nào đó vĩnh viễn, trong trường hợp thủ đắc cư sở, cần phải được chứng minh bằng sự kiện bên ngoài, ví dụ như di cư đến một nơi ở mới để lập nghiệp, chuyển chỗ ở với sự kiện mua nhà mới hoặc mua đất xây nhà mới để ở.
§2. Cư sở hay bán cư sở bị mất do việc rời khỏi nơi ấy với ý định không trở về lại (GL 106).

Điều 17
Người không có cư sở hoặc bán cư sở ở bất cứ nơi nào, gọi là người phiêu cư (vagus, GL 100), để chứng hôn cho họ, cần phải có phép của Đấng Bản quyền địa phương nơi cử hành kết hôn, trừ trường hợp cần thiết (GL 1071§1,10).      
                                                        

7. Nhiệm vụ thiết lập hồ sơ, điều tra, rao báo

Cha sở nào có nhiệm vụ thiết lập hồ sơ và điều tra hôn phối? Đó là cha sở của bên nam hay bên nữ, hay là cha sở của nơi cử hành hôn nhân? Nếu đôi bạn không kết hôn nơi họ có cư sở nhưng kết hôn ở một giáo xứ thứ ba thì sao? Dựa vào điều khoản Giáo luật nào để xác định nhiệm vụ lập hồ sơ hôn phối? Có thể nhờ cha sở khác làm thay nhiệm vụ này không, và khi làm thay thì cần làm điều gì? Áp dụng như thế nào cho trường hợp đôi bạn ở nước ngoài nhưng muốn kết hôn ở Việt Nam?

Điều 18
§1. Theo nguyên tắc Giáo luật, trước khi cử hành chứng hôn, phải biết chắc không có gì cản trở việc cử hành chứng hôn thành sự và hợp luật (GL 1066). Vì vậy, cha sở nơi cử hành chứng hôn có trách nhiệm chu toàn tất cả những gì luật đã ấn định để chứng minh tình trạng thong dong[1] của các bên (GL 1113), nghĩa là, cha có trách nhiệm thiết lập hồ sơ và điều tra hôn phối.
§2. Theo nguyên tắc của §1 nói trên, cha sở của giáo xứ nơi cử hành chứng hôn có trách nhiệm thiết lập hồ sơ và điều tra hôn phối.  Cha sở đó có thể là cha sở của bên nam hoặc bên nữ, hoặc cũng có thể là cha sở của một giáo xứ thứ ba, miễn là hôn phối được cử hành trong giáo xứ của cha sở đó.

Điều 19
§1. Nếu cha sở của giáo xứ thứ ba, nhận thấy mình không thể chu toàn nhiệm vụ thiết lập hồ sơ và chu toàn tất cả những gì đã ấn định để chứng minh tình trạng thong dong của các bên, cha có thể từ chối chứng hôn, trừ khi Giám mục giáo phận đã ra quy định riêng trong phạm vi Giáo phận của mình.
§2. Cha sở của giáo xứ thứ ba cũng có thể chấp nhận chứng hôn với điều kiện là đôi bạn đã xin được cha sở của một bên, bên nam hoặc bên nữ, hoặc một linh mục có khả năng nào khác (GL 1070), đồng ý đảm nhận việc thiết lập hồ sơ và chu toàn tất cả những gì đã ấn định để chứng minh tình trạng thong dong của đôi bạn.

Điều 20
§1. Linh mục nào đảm nhận việc giúp cha sở của nơi cử hành kết hôn, thiết lập hồ sơ và chu toàn tất cả những gì đã ấn định để chứng minh tình trạng thong dong của đôi bạn, sau khi đã chu toàn, phải chuyển tất cả hồ sơ, bản chính hoặc bản sao, đến cho cha sở nơi cử hành kết hôn, có kèm theo giấy xác nhận là không có gì trở ngại (nihil obstat) cho việc kết hôn thành sự và hợp luật (GL 1070).
§2. Cha sở nơi cử hành, sau khi đã chứng hôn, cho đôi bạn ký tên vào sổ hôn phối lưu tại giáo xứ và có nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận kết hôn cho đôi bạn. Cha cũng phải gởi giấy chứng nhận kết hôn này hoặc một giấy thông báo nào khác cho các cha sở của nơi đôi bạn được rửa tội, để các cha sở đó ghi chú vào sổ Rửa tội (GL 1122).

Điều 21
Khi cả đôi bạn đều có cư sở ở nước ngoài nhưng muốn kết hôn tại Việt Nam, cha sở tại Việt Nam có thể áp dụng quy tắc của việc kết hôn ở giáo xứ thứ ba như đã nói trên:
- Hoặc cha đồng ý đảm nhận chứng hôn, chuẩn bị giáo lý hôn nhân, thiết lập hồ sơ kết hôn cho đôi bạn và chu toàn tất cả những gì đã ấn định để chứng minh tình trạng thong dong của họ.
- Hoặc cha yêu cầu họ xin được một cha sở của một bên ở nước ngoài đảm nhận thiết lập hồ sơ và điều tra như đã nói trên và chuyển hồ sơ cho mình, trong đó phải kèm theo giấy xác nhận là không có gì cản trở (nihil obstat) cho việc cho việc kết hôn thành sự và hợp luật hoặc một văn thư bảo đảm chính thức nào khác tương tự (GL 1070).


8. Hồ sơ kết hôn

Các giấy tờ cần thiết cho việc thiết lập hồ sơ bao gồm những gì? Ở phần này đề nghị có thêm "đơn xin" được cử hành kết hôn. Trong đơn này, có phần ghi lý lịch của các bên, mà đôi bạn có thể viết trước tại nhà. Nhờ có phần lý lịch này cha sở nắm vững hơn tình trạng nhân thân của các bên.
Điều 22
Hồ sơ kết hôn thông thường bao gồm:
1- Đơn của đôi bạn xin được cử hành hôn phối tại giáo xứ mình muốn;
2- Giấy giới thiệu kết hôn hoặc chứng nhận sơ khởi của cha sở;
3- Giấy chứng nhận Rửa tội và Thêm sức bên Công giáo;
4- Bản thẩm vấn trước kết hôn của mỗi bên;
5- Giấy rao hôn phối và kết quả rao;
6- Chứng chỉ giáo lý hôn nhân;
7- Giấy chứng nhận kết hôn dân sự;
8- Giấy miễn chuẩn ngăn trở hay giấy phép kết hôn, nếu có ngăn trở tiêu hôn hay bất hợp luật.

Điều 23
Khi tín hữu thuộc giáo xứ mình cử hành kết hôn ở một giáo xứ khác:
10 Cha sở có nghĩa vụ cấp giấy giới thiệu, giúp đỡ, cung cấp các chứng nhận Bí tích cần thiết... cho cha nơi chứng hôn.
20 Cha sở, nếu thấy có những ngăn trở khiến cho việc kết hôn bất thành hoặc bất hợp luật, cần phải thông báo cho cha sở giáo xứ nơi cử hành kết hôn biết những ngăn trở đó, nhưng không có quyền ngăn cản đôi bạn kết hôn.

 

9. Hồ sơ kết hôn với người ngoại quốc

Hồ sơ kết hôn với người ngoại quốc, ở đây không đi vào chi tiết, chỉ nêu ra một số nguyên tắc cơ bản. Mỗi giáo phận có thể có những ban riêng để lo về việc kết hôn với người ngoại quốc.
Điều 24
Để chấp nhận chứng hôn có yếu tố người nước ngoài, ngoài các yêu cầu về giáo luật, hồ sơ cần có những giấy pháp lý tối thiểu như sau:
10- Giấy do cơ quan chính quyền cấp chưa quá sáu tháng, xác nhận hoặc có giá trị xác nhận tình trạng chưa có kết hôn, hoặc đã kết hôn nhưng người phối ngẫu đã qua đời, nghĩa là, giấy này phải có đủ cơ sở để chứng minh tình trạng không có ngăn trở dây hôn phối.
20- Giấy đăng ký kết hôn nơi cơ quan chính quyền, hoặc của Việt Nam hoặc của nước ngoài.

Điều 25
§1. Nếu là người Việt Nam đang ở nước ngoài, do tạm trú, mới nhập cư v.v. khiến không thể đăng ký kết hôn tại nước đó thì buộc phải có giấy đăng ký kết hôn hoặc chứng nhận của Đại Sứ Quán hoặc Lãnh Sự Quán Việt Nam tại nước đó.
§2. Nếu có hồ nghi về chứng thư dân sự nước ngoài của một người xin kết hôn, cha sở cần yêu cầu đôi bạn xin một linh mục Việt Nam đang làm việc mục vụ tại nước đó, hoặc người nào có thẩm quyền, xác nhận về giá trị của giấy tờ dân sự đó.


10. Giấy giới thiệu kết hôn

“Giấy giới thiệu kết hôn” là một “lệ” được áp dụng ở Việt Nam từ lâu, không được Giáo luật nói đến. Nguyên tắc hướng dẫn này minh định lại về giá trị của giấy giới thiệu để tránh những khó khăn cho cha chứng hôn hoặc giáo dân.
Điều 26
§1. Giấy giới thiệu kết hôn, được làm bởi cha sở của một bên Công giáo, gởi cho cha chứng hôn để giúp ngài xác nhận sơ khởi về tình trạng không có ngăn trở tiêu hôn hay bất hợp luật của tín hữu sắp kết hôn.
§2. Giấy giới thiệu kết hôn không buộc phải có để kết hôn hợp luật hay hữu hiệu, cũng không phải là một giới thiệu về hạnh kiểm tín hữu hay một bảo đảm rằng hôn nhân này là hoàn toàn không có gì ngăn trở.

Điều 27
Trong trường hợp cha sở không chịu cấp giấy giới thiệu, cha sở nơi chứng hôn vẫn có quyền chứng hôn, miễn là cha đã chu toàn tất cả những gì ấn định để chứng minh tình trạng thong dong của các bên (GL 1113) và biết chắc không có gì cản trở cho việc cử hành chứng hôn thành sự và hợp luật (GL 1066).

Điều 28
Giấy giới thiệu cần có nội dung:
10 Xác nhận giáo dân thuộc giáo xứ và nếu thấy cần thiết, chỉ ra việc người đó đã có cư ngụ tại nơi khác đồng thời có những hồ nghi về việc kết hôn hữu hiệu hay hợp luật, để cha sở nơi chứng hôn có thể thực hiện những điều tra thích hợp.
20 Cho biết sơ khởi là không thấy có ngăn trở nào khiến không thể kết hôn hữu hiệu và hợp luật, ít ra trong thời gian người kết hôn cư ngụ tại giáo xứ.
30 Gởi kèm chứng thư bí tích Rửa tội ký không quá sáu tháng và chứng thư bí tích Thêm sức nếu đương sự đã nhận các bí tích ấy trong giáo xứ.

11. Điều tra sơ khởi đối với người ngoài Công giáo

Việc điều tra sơ khởi được Giáo luật nói đến ở điều 1067, như là “phương thế thích hợp khác” để thực hiện những cuộc điều tra, là cần thiết trước khi cử hành hôn nhân (GL 1067). Việc điều tra sơ khởi này đã được áp dụng trong một số giáo phận, nay cần áp dụng chung rộng rãi, cách riêng cho các trường hợp một bên kết hôn là người lương hoặc Tin Lành…, vì những giấy tờ pháp lý dân sự không đủ bảo đảm về tình trạng thong dong.
Điều 29
§1. Cha sở không có nhiệm vụ cấp "giấy giới thiệu" cho người ngoài Công giáo (lương, Tin Lành...) thường trú trong giáo xứ để họ được kết hôn ở một giáo xứ khác. Tuy nhiên cha có nhiệm vụ giúp "điều tra sơ khởi" và báo kết quả lại cho cha sở nơi chứng hôn để ngài tiến hành lập hồ sơ, khi cha ấy có yêu cầu.
§2. Vì vậy, trước khi đảm nhận việc chứng hôn cho một trong đôi bạn là người ngoài Công giáo, cha sở không đòi buộc người ấy phải có "giấy giới thiệu" của cha sở nơi người ấy thường trú, nhưng cha xin cha sở nơi đó giúp "điều tra sơ khởi".
§3. Khi được cha sở nơi chứng hôn xin giúp "điều tra sơ khởi", cha sở nơi người ngoài Công giáo cư ngụ cần vui lòng thực hiện. Theo giáo huấn của Giáo hội, các Giám mục và các cha sở cần phải nới rộng việc coi sóc các linh hồn tới những người không tin cũng như tới các tín hữu đang ở trong địa hạt của mình (GL 771).
§4. Để dễ dàng chu toàn trách nhiệm điều tra sơ khởi, cha sở có thể nhờ qua các chức việc hoặc nhờ các giáo dân trong khu vực cung cấp thông tin liên quan đến tình trạng thong dong của người sắp kết hôn.
§5. Sau khi đã điều tra sở khởi, nếu thấy đôi bạn có thể tiến tới kết hôn thành sự và hợp luật, cha sở nơi chứng hôn thiết lập hồ sơ và gởi giấy rao tới cha sở giáo xứ nơi người ngoài Công giáo đó thường trú.

Điều 30
10. Cha sở xin giúp điều tra cần phải gởi ít là bản đơn xin cử hành hôn phối của đôi bạn, trong đó có phần lý lịch, ghi rõ địa chỉ, tên thân nhân và số điện thoại
của họ, để cho cha sở nơi người ngoài Công giáo thường trú được biết và ngài dễ dàng điều tra.
cho cha sở nơi người ngoài Công giáo thường trú.
20. Khi không biết người ngoài Công giáo đó thường trú thuộc giáo xứ nào, trước hết cha sở suy đoán nơi người đó thường trú thuộc Giáo phận nào, rồi có thể liên hệ với Tòa Giám mục của Giáo phận đó để biết tên giáo xứ, địa chỉ và số điện thoại của cha sở giáo xứ ấy.

Điều 31
§1. Ngay khi tiếp nhận một người lương muốn học đạo và tiến đến kết hôn, hoặc cả đôi khi không tiến đến kết hôn mà có hồ nghi về ý hướng, cha sở nơi dạy giáo lý dự tòng cũng có bổn phận liên hệ với cha sở nơi người lương cư ngụ để xin điều tra sơ khởi, trừ khi cha sở ấy đã chủ động viết giấy giới thiệu trước.
§2. Người lương được rửa tội, nếu đã có dây hôn phối với một người lương khác, nay muốn kết hôn, sẽ không đương nhiên được tiêu hủy dây hôn phối đã có chỉ nhờ vào việc được rửa tội trong đạo Công giáo, nhưng cần phải được áp dụng đặc ân thánh Phaolô để kết hôn. Do đó, cần phải điều tra trước hoặc trong khi họ tham dự khóa giáo lý dự tòng.


12. Chứng thư bí tích Rửa tội và Thêm sức

Khi không thể có được chứng thư Rửa tội hay Thêm sức, Giáo luật đã có những quy định giúp giải quyết khó khăn.
Điều 32
§1. Chứng thư Rửa tội được cấp không quá sáu tháng, để tránh sự thiếu cập nhật những tình trạng nhân thân, vì một số tình trạng Giáo luật của cá nhân như kết hôn, được giải gỡ hôn phối, chịu chức thánh, khấn dòng… đều được ghi chú vào sổ Rửa tội (GL 535).
§2. Khi không thể có được chứng thư Rửa tội, cha sở nơi rửa tội hoặc nơi chứng hôn cũng có thể xác nhận một người là đã được rửa tội, dựa theo lời tuyên bố của một nhân chứng đáng tin cậy hay lời thề của chính người đã được rửa tội, nếu họ đã lãnh nhận bí tích Rửa tội ở tuổi thành niên, miễn là điều đó không gây thiệt hại cho ai (GL 876).
§3. Điều được nói ở §2 cũng áp dụng cho việc chứng nhận là đã lãnh nhận bí tích Thêm sức (GL 894).

Điều 33
Khi có hồ nghi một người đã được rửa tội hay chưa hoặc bí tích Rửa tội được ban cho người đó có thành sự hay không, và nếu vẫn còn hồ nghi sau khi đã điều tra cặn kẽ, thì phải ban bí tích Rửa tội cho họ với điều kiện (GL 869).


13. Bản thẩm vấn trước kết hôn

Bản thẩm vấn trước kết hôn nhằm mục đích điều tra để khám phá những cản trở cho việc kết hôn được hữu hiệu và hợp luật. Cần tránh trường hợp làm quá đơn giản hay chiếu lệ. Bên dân sự, ví dụ, đòi có giấy khám sức khỏe. Bên Công giáo, vì vậy, cũng cần thêm kê khai những điều giúp khiến bên kia không bị lầm lẫn hay lừa gạt khi quyết định kết hôn (Xem bản mẫu).
Điều 34
§1. Bản thẩm vấn trước kết hôn, ngoài phần lý lịch ngắn gọn, cần phải có số điện thoại của người khai và thân nhân để có thể liên lạc, điều tra, và cần phải có những câu hỏi có nội dung như sau:
10 Sự ý thức và tự do chấp nhận của đôi bạn về hôn nhân bất khả phân ly, đơn nhất, sinh sản và giáo dục con cái.
20 Những ngăn trở tiêu hôn (GL 1083-1094) và những điều buộc phải xin phép khi kết hôn (GL 1071) để đôi bên có thể khai báo.
30 Những hoàn cảnh có thể khiến sự ưng thuận kết hôn bị khiếm khuyết, hay hà tỳ, gây tiêu hôn (GL 1095-1107), ví dụ như sự vô sinh, đồng tính, bệnh tâm thần đã được chữa khỏi, tiền án hình sự, bị tù đày.
§2. Bản thẩm vấn trước kết hôn không được làm theo mẫu sơ sài, quá ngắn gọn, như một số mẫu đang được áp dụng.

Điều 35
§1. Bản thẩm vấn trước kết hôn có tính chất như một sự thẩm vấn các cá nhân để tìm sự thật và ý muốn đúng đắn của người muốn kết hôn, phải được thực hiện riêng rẽ với từng người, không chấp nhận đôi bạn giúp nhau làm cho qua; và phải được làm khi đăng ký kết hôn tại giáo xứ, hoặc ít là một tháng trước kết hôn, trừ những trường hợp cần thiết.
§2. Bản thẩm vấn trước kết hôn không được để cận kề ngày kết hôn mới làm, nhằm tránh những trường hợp có những ngăn trở được khám phá ra vào lúc mọi sự đã sẵn sàng, không còn thời gian giải quyết và gây thiệt hại nghiêm trọng cho đôi bạn.

Điều 36
§1. Cha sở, hoặc linh mục hay phó tế hoặc người chuyên môn được cha sở nhờ, giúp đôi bạn thực hiện bản thẩm vấn. Không được trao nhiệm vụ này cho những người không đủ kiến thức về hôn nhân.
§2. Khi phát hiện có những sự che giấu về những hoàn cảnh có thể khiến sự ưng thuận hôn nhân bị khiếm khuyết, như sự vô sinh, tiền sử bệnh tâm thần, đồng tính... cha sở đòi buộc người khai phải tỏ lộ điều đó cho bên kia biết, để sự tự do ưng thuận không bị khiếm khuyết do lầm lẫn (GL 1097) hay do lừa gạt (GL 1098)...
§3. Trong trường hợp người khai không chịu cho bên kia biết điều cần phải biết để người này có thể tự do ưng thuận cách ý thức, hoặc cha sở biết có những hoàn cảnh có thể khiến sự ưng thuận hôn nhân bị khiếm khuyết và gây tiêu hôn, cha có quyền trì hoãn chứng hôn sau khi đã cho họ biết lý do.


14. Rao hôn phối

Tại Việt Nam,"Rao hôn phối" là một cách thức được áp dụng để điều tra (GL1067). Tuy nhiên, còn có những cách hiểu chưa đúng về rao hôn phối, dẫn đến sự thiếu hòa hợp giữa các cha sở.
Cần phải rao ngay cả nơi thường trú của người lương và nơi một người đã ở lâu năm, không những để khám phá ra những ngăn trở tiêu hôn nhưng còn những điều bất hợp luật nữa, như có con riêng ở nơi đó hoặc có những nghĩa vụ chưa chu toàn đối với một cuộc sống chung nào đó.
Điều 37
§1. Rao hôn phối là một phương cách, nhờ đó cộng đoàn giáo xứ giúp khám phá ra những ngăn trở khiến không thể kết hôn cách hữu hiệu và hợp luật và để cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho đôi bạn sắp kết hôn.
§2. Hôn phối được rao vào dịp các Thánh lễ của ba Chúa nhật liên tiếp. Cha sở có quyền chuẩn rao một Chúa nhật, cha Quản hạt có quyền chuẩn rao hai Chúa nhật, và Bản quyền địa phương có quyền chuẩn rao ba Chúa nhật.
§3. Đối với trường hợp thành sự hóa hay hợp thức hóa hôn phối cho những đôi bạn đã và đang muốn tiếp tục chung sống vợ chồng chung thủy, cha sở có thể tùy nghi cho miễn rao, với điều kiện là cha đã điều tra và có những lý do để chắc chắn rằng họ không có mắc ngăn trở nào hoặc đã được miễn chuẩn ngăn trở, để kết hôn hữu hiệu và hợp luật.

Điều 38
§1. Cha sở nào có nhiệm vụ hoặc đảm nhận việc thiết lập hồ sơ, phải lập tờ rao và gởi đi các nơi liên quan để nhờ rao.
§2. Tờ rao phải được gởi đến các cha sở, nơi người định kết hôn, kể cả người ngoài Công giáo đang thường trú hay có cư sở.
§3. Cũng phải gởi tờ rao đến cha sở, nơi một bên đã cư ngụ trong một thời gian khá lâu (3-5 năm) và có hồ nghi tích cực rằng, tại nơi đó, họ có vướng mắc những ngăn trở khiến không thể kết hôn hữu hiệu hoặc hợp luật, ví dụ như đang có vướng mắc với một cuộc sống chung trước, có con riêng, tội hình sự,...

Điều 39
Khi nhận tờ xin rao hôn phối, cha sở có bổn phận phải rao và báo kết quả rao sớm hết sức, mặc dù không có ai trong đôi bạn thuộc quyền mình.

Điều 40
§1. Để thuận tiện và tránh thất lạc tờ rao, các cha sở có thể gởi tờ rao và kết quả rao qua các phương tiện kỹ thuật truyền thông.
§2. Trong trường hợp không nhận được kết quả rao vì một lý do nào đó, cha sở nơi chứng hôn vẫn có quyền cho cử hành kết hôn, miễn là cha đã điều tra và thấy chắc chắn là không có gì ngăn cản việc kết hôn được cử hành cách hữu hiệu và hợp luật.

Điều 41
§1. Việc rao là để chuẩn bị cho kết hôn, không đương nhiên cho phép kết hôn hoặc buộc phải kết hôn.
§2. Việc rao có thể tiến hành sớm, trước hơn ba tuần, hoặc trước khi đôi bạn hội đủ những điều kiện khác (học giáo lý, đăng ký kết hôn dân sự…) của việc chuẩn bị và cử hành kết hôn.


15. Giáo lý hôn nhân

Nơi dạy giáo lý dự tòng hoặc giáo lý hôn nhân có cần yêu cầu học viên giáo dân có giấy giới thiệu của cha sở của mình hay cha sở của nơi người lương cư ngụ hay không? Ý kiến ủng hộ cho việc đòi có giấy giới thiệu nêu lý do hợp lý: cần "biết con chiên" của mục tử và con chiên cũng cần "biết mục tử". Tuy nhiên có nhiều trường hợp có khó khăn, vì đi giáo dân làm xa không thể về quê để xin giấy giới thiệu và đôi khi cha sở lại từ chối cấp giấy giới thiệu. Bản nguyên tắc này đưa ra giải pháp dựa trên sự liên đới trách nhiệm của cả nơi dạy giáo lý và cha sở của giáo dân.
C
hương trình giáo lý hôn nhân phải như thế nào cho hợp lý?


Điều 42

Giấy giới thiệu của cha sở nơi học viên có cư sở hay thường trú để học giáo lý hôn nhân hoặc giáo lý dự tòng nhằm bảo đảm về vấn đề hợp pháp hay hữu hiệu của hôn nhân sắp cử hành và phần nào đáp ứng việc chu toàn trách nhiệm mục vụ của các cha sở nơi dạy giáo lý và nơi đôi bạn có cư sở. Vì vậy, việc cấp giấy giới thiệu này phải linh động tùy theo hoàn cảnh, tránh gây khó khăn cho người dự định kết hôn.

Điều 43
§1. Cha sở, hay cơ sở nào đảm nhận việc dạy giáo lý hôn nhân hoặc giáo lý dự tòng, có thể đón nhận học viên, không nhất thiết phải có giấy giới thiệu của cha sở nơi học viên có cư sở hoặc thường trú. Tuy nhiên, vì liên đới trách nhiệm, cha sở hay cơ sở dạy giáo lý cần yêu cầu học viên xin giấy giới thiệu nơi cha sở của mình ở mức nào có thể được.
§2. Trong trường hợp học viên có khó khăn, vì không thể đi xa về quê xin giấy giới thiệu hoặc vì cha sở của người ấy từ chối cấp giấy giới thiệu, cha sở nơi dạy giáo lý nên đón nhận học viên mà không có giấy giới thiệu. Tuy nhiên, cha cũng có nhiệm vụ gởi giấy cho cha sở riêng của đương sự để kính tường hoặc, nếu đó là trường hợp dự tòng, để nhờ giúp điều tra.
Điều 44
§1. Nội dung của lớp giáo lý hôn nhân, ngoài giáo thuyết Công giáo về (bí tích) Hôn phối, cần phải lưu ý giáo huấn những điều giúp đôi bạn sống chung thủy, chu toàn trách nhiệm vợ chồng đối với nhau và bổn phận cha mẹ đối với con cái, đồng thời giúp họ hiểu và giữ những nguyên tắc luân lý về đời sống tính dục và sinh sản.
§2. Một cách cụ thể, giáo lý hôn nhân cần truyền đạt:[2]
  1. Những tương quan liên vị giữa người nam và người nữ trong chương trình của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình;
  2. Ý thức về sự tự do ưng thuận như là nền tảng của sự kết hợp đơn nhất và bất khả phân ly của hôn nhân;
  3. Khía cạnh nhân bản, đạo đức luân lý của tính dục hôn nhân, hành vi kết hợp vợ chồng;
  4. Khái niệm đúng đắn về trách nhiệm cha mẹ;
  5. Những yêu cầu và mục đích, sự giáo dục con cái đúng đắn.

Điều 45
§1. Các đôi bạn có thể học giáo lý hôn nhân tại giáo xứ nơi mình có cư sở hoặc bán cư sở, hoặc tại một giáo xứ khác hoặc tại một cơ sở được Đấng Bản quyền chuẩn nhận. Tuy nhiên, chỉ có cha sở hoặc cơ sở được chuẩn nhận mới có quyền cấp chứng chỉ giáo lý hôn nhân.
§2. Để bảo đảm có đủ kiến thức giúp sống ơn gọi hôn nhân, các học viên cần phải được kiểm tra, trước khi được ban cấp chứng chỉ (GL 1067).

Điều 46
§1. Cha sở cần phải chấp nhận giá trị của các chứng chỉ giáo lý hôn nhân do các cha sở nơi khác hoặc các cơ sở được phép ban cấp, trừ khi có hồ nghi về sự ban cấp hoặc về kiến thức căn bản về hôn nhân của học viên.
§2. Ngay từ khi chấp nhận chứng hôn và cho đôi bạn thực hiện bản thẩm vấn trước kết hôn, nếu có hồ nghi tích cực, cha sở có thể tra vấn thêm để xác định đôi bạn có sự hiểu biết và ý định kết hôn phù hợp với giáo thuyết công giáo hay không và có sẵn sàng đảm nhận những bổn phận của hôn nhân một cách đúng đắn hay không. Nếu không, cha nên liệu cách giúp đỡ đôi bạn được học hỏi thêm hoặc trì hoãn chứng hôn.

Điều 47
§1. Cần phân biệt chương trình học giáo lý hôn nhân với chương trình học giáo lý dự tòng.
§2. Đối với người ngoài Công giáo, chỉ khuyên chứ không được buộc họ phải tham dự khóa giáo lý dự tòng. Nếu khóa dự tòng có chung phần với giáo lý hôn nhân, cần có thời khóa biểu quy định rõ để người ngoài Công giáo có thể tham dự cách riêng biệt tùy ý.
§3. Trong những trường hợp cần thiết, cách riêng đối với người ngoài Công giáo, ngoại quốc, Việt kiều... cha sở có thể linh động liệu cách giúp đôi bạn học hỏi những nét chính yếu của ý nghĩa hôn nhân và về quyền lợi và nghĩa vụ vợ chồng cũng như bậc cha mẹ (GL 1063) trong một thời gian ngắn thích hợp.


16. Giáo lý dự tòng

Giáo lý dự tòng phải giúp đào tạo đức tin theo yêu cầu của Giáo luật, không được giáo huấn chỉ bằng lý thuyết và rút ngắn thời gian dự tòng.
Điều 48
§1. Đối với các người học giáo lý dự tòng và chuẩn bị kết hôn, họ phải được đào tạo bằng một lối giảng dạy thích hợp để nhận biết chân lý Tin Mừng sâu sắc hơn và để chu toàn các bổn phận đã được lãnh nhận qua bí tích Rửa tội, họ phải được thấm nhuần tình yêu chân thành đối với Đức Kitô và Giáo hội của Ngài (GL 789).
§2. Không được giảng dạy họ chỉ bằng những giờ học lý thuyết, nhưng cần phải cho họ được khai tâm về mầu nhiệm cứu độ và phải được dẫn vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của dân Chúa, cũng như vào việc tông đồ (GL 788§2).
§3. Thời gian dự tòng ít nhất là ba tháng, nên là sáu tháng, không được rút ngắn, trừ trường hợp cấp thiết hoặc nguy tử (GL 865§2).

Điều 49
Vì tôn trọng quyền tự do tôn giáo và kết hôn, người sắp kết hôn cũng như cha mẹ chỉ nên khuyên chứ không được ép buộc người ngoài Công giáo theo đạo như là điều kiện để kết hôn. Trong trường hợp có thể được, nên chấp nhận cho kết hôn với miễn chuẩn khác đạo.

Điều 50
§1. Mỗi dự tòng, ngay từ đầu khóa học nên có một cha hay một mẹ, hoặc cả hai cha mẹ đỡ đầu, để giúp họ tham dự các Thánh Lễ và tập luyện đời sống Kitô giáo trong thời gian đào tạo.
 §2. Sau khi dự tòng được rửa tội, cha mẹ đỡ đầu này vẫn tiếp tục đồng hành để giúp đỡ tân tòng về đời sống đức tin, sự chung thủy hôn nhân và giáo dục con cái.


17. Đăng ký, chứng nhận kết hôn dân sự

Khi không thể đăng ký kết hôn ở các cơ quan chính quyền thì xử lý ra sao?
Điều 51
§1. Giáo luật đòi phải xin phép Bản Quyền địa phương khi chứng hôn cho những người không thể được công nhận hay không thể kết hôn theo luật dân sự (GL 1071§1,20). Vì vậy, khi không thể đăng ký và có được giấy chứng nhận kết hôn dân sự, cha sở phải xin phép Bản quyền địa phương trước khi cử hành chứng hôn cho họ.
§2. Việc cho phép chứng hôn hay không tùy thuộc vào thẩm quyền của Bản quyền địa phương của riêng mỗi Giáo phận (GL 1071§1,20), không buộc phải đồng nhất như một luật chi phối cho toàn Giáo hội Việt Nam.
§3. Trong một số trường hợp thường, ví dụ như kết hôn với người ngoại quốc, người nữ đã mang thai mà chưa đủ tuổi kết hôn, người Việt phải còn độc thân khi xin nhập cư vào Hoa Kỳ... khiến không thể đăng ký kết hôn tại các cơ quan chính quyền, Đấng Bản quyền địa phương nên có những quy định cho mỗi trường hợp, áp dụng riêng trong Giáo phận của mình để các cha sở dễ dàng chấp nhận chứng hôn hay không.


18. Điều tra riêng, nhân chứng

Trong những trường hợp đặc biệt về hôn phối cha sở có thể bổ túc bằng những điều tra riêng.
Điều 52
§1. Trong trường hợp đặc biệt, không thể có giấy tờ chứng minh tình trạng thong dong của một người bằng những giấy tờ pháp lý, hoặc có giấy tờ pháp lý mà còn có hồ nghi, cha sở có thể có những cách "điều tra riêng" tùy theo sự khôn ngoan, như đòi làm bản lý lịch chi tiết có ghi danh cha mẹ anh chị em với số điện thoại. Cha khôn khéo gọi điện thoại hỏi họ về tình trạng của người sắp kết hôn.
§2. Cha sở cũng có thể yêu cầu có sự xác nhận của hai nhân chứng về tình trạng thong dong của người kết hôn hoặc áp dụng những phương cách khác, miễn là cha sở có đủ cơ sở để chắc chắn rằng không có gì cản trở cho việc cử hành hôn phối được hữu hiệu và hợp luật.

 

19. Miễn chuẩn ngăn trở tiêu hôn

Thẩm quyền nào có quyền miễn chuẩn? Cha Tổng đại diện có quyền miễn chuẩn không? Trong hôn nhân khác đạo Đấng Bản quyền nào có quyền miễn chuẩn, Bản quyền của bên lương hay bên Công giáo?
Điều 53
§1. Đối với trường hợp có ngăn trở tiêu hôn như kết hôn dị giáo, có họ máu hàng ngang 3 hay 4 bậc... thì buộc phải xin "miễn chuẩn" ngăn trở nơi Đấng Bản quyền địa phương để kết hôn hữu hiệu. Nếu không được miễn chuẩn ngăn trở, kết ước hôn nhân bị vô hiệu, cho dù do sự sai lầm hay quên sót của cha sở (GL 15).
§2. Đối với những trường hợp chứng hôn buộc "xin phép", được Giáo luật liệt kê ở điều 1071, ví dụ như không thể đăng ký kết hôn dân sự, kết hôn của người phiêu cư... hoặc kết hôn hỗn hợp ở điều 1124, thì cha sở cần phải "xin phép" Đấng Bản quyền địa phương để việc cử hành kết hôn được hợp luật.

Điều 54
§1. Quyền miễn chuẩn những ngăn trở thuộc về Bản Quyền địa phương (Ordinarius Loci), là Giám mục giáo phận, Tổng Đại diện, Đại diện Giám mục, tức là những người có quyền hành pháp thông thường (GL 134), trừ những ngăn trở dành riêng cho Tông Tòa.
§2. Vì Tổng Đại diện, Đại diện Giám mục có quyền hành pháp thông thường, nghĩa là quyền gắn liền với chức vụ do chính luật (GL 131§l), có thể ban cấp "miễn chuẩn" hoặc ban "phép" khi đang còn tại chức, không nhất thiết chỉ được thực hiện quyền miễn chuẩn khi Giám mục vắng mặt.
§3. Ngoài vị có quyền hành pháp thông thường đó, Giám mục giáo phận có thể ủy quyền cho các linh mục khác, như Đại diện Tư pháp, cha quản hạt... được ban miễn chuẩn hay cho phép cử hành hôn phối. Tuy nhiên, các linh mục này chỉ có quyền thừa ủy mà thôi, nghĩa là, quyền được cấp trên ban cho mà không gắn liền với chức vụ (GL 131§l).

Điều 55
§1. Những vị được Giám mục giáo phận đặt làm Đại diện Giám mục để đặc trách về một vấn đề nào hay đặc trách một nhóm người nào đó, như đặc trách truyền giáo, tu sĩ... không đương nhiên có quyền hành pháp thông thường. Giám mục giáo phận có thể ủy nhiệm quyền miễn chuẩn hoặc cho phép hôn phối cho các vị này trong một phạm vi nào đó.
§2. Nếu muốn cho những vị này có quyền ban các miễn chuẩn được dành cho Đấng Bản quyền địa phương, sắc lệnh bổ nhiệm phải định rõ vị này có quyền hành pháp thông thường, chung cho mọi vấn đề hay chỉ giới hạn trong một phạm vi nào đó.

Điều 56
§2. Các ngăn trở thuộc quyền miễn chuẩn của Bản quyền địa phương là: tuổi, khác đạo, khấn dòng thuộc luật giáo phận, bắt cóc, họ máu hàng ngang 3 hoặc 4 bậc, hôn thuộc, công hạnh, họ pháp tộc (GL 1083§1, 1086§1, 1088, 1091§2, 1092,1093,1094).
§3. Những miễn chuẩn được dành riêng cho Tòa Thánh là: Khấn dòng thuộc luật giáo hoàng, chức thánh, tội ác (GL 1087, 1088, 1090).

Điều 57
Không được miễn chuẩn những ngăn trở tiêu hôn thuộc luật Chúa hay tự nhiên: Dây hôn phối (GL 1085), họ máu hàng dọc hay họ máu hàng ngang bậc thứ hai (anh em ruột, GL 1078§3).

Điều 58
§1. Đấng Bản Quyền địa phương có thể miễn chuẩn cho những người thuộc quyền mình đang ở bất cứ nơi nào và mọi người đang cư ngụ trong địa hạt của mình khỏi mọi ngăn trở thuộc luật Giáo hội, trừ những ngăn trở mà Tông Toà dành riêng cho mình quyền miễn chuẩn (GL 1078§1).
§2. Vì vậy, Đấng Bản Quyền địa phương có quyền miễn chuẩn, bất kể hôn nhân được cử hành trong Giáo phận mình hay Giáo phận khác:
10 Cho những người thuộc quyền mình;
20Cho mọi người, Công giáo hay không Công giáo, đang cư ngụ trong địa hạt của mình.
§3. Để thuận tiện, cha sở nơi cử hành hôn phối, khi thiết lập hồ sơ và điều tra, nên giúp đôi bạn xin Đấng Bản quyền của mình miễn chuẩn các ngăn trở hôn phối mà Tông Toà dành riêng cho mình. Nếu việc kết hôn được cử hành ở một giáo xứ thứ ba nhưng việc thiết lập hồ sơ và điều tra lại được thực hiện bởi cha sở của một trong đôi bạn thì nên xin Đấng Bản quyền của một trong đôi bạn miễn chuẩn ngăn trở hôn phối.
§4. Miễn chuẩn ngăn trở hôn nhân khác đạo (GL 1086§1) có nghĩa là miễn chuẩn cho cả hai người được kết hôn với nhau, không có nghĩa là chỉ miễn chuẩn riêng cho người lương hoặc người Công giáo. Vì vậy, Đấng Bản quyền của bên Công giáo hoặc của nơi người lương cư ngụ đều có quyền miễn chuẩn, bất kể hôn nhân được cử hành ở đâu (GL 1078§1).


20. Điều kiện củ
a điều 1125 và 1126 trong hôn nhân hỗn hợp hoặc khác đạo

Trong hôn nhân hỗn hợp hoặc khác đạo, theo điều 1125 và 1026, có đòi bên người Công giáo phải cam kết cố gắng hết xa tránh nguy hiểm mất đức tin, không đòi bên không Công giáo cam kết. Tuy nhiên, Giáo luật chỉ đưa ra điều kiện tối thiểu: "Không được miễn chuẩn ngăn trở này, trừ khi đã hội đủ các điều kiện được nói đến ở điều 1125 và 1126" (GL 1086§2).
Vì Đấng Bản quyền có quyền cho miễn chuẩn hoặc không, ngài có thể thêm điều kiện để ngài cho miễn chuẩn, ví dụ, việc không cho miễn chuẩn đối với người lương ở nước ngoài cũng là một thực thi quyền miễn chuẩn của ngài.
Điều 59
Đấng Bản Quyền địa phương chỉ có thể cho phép kết hôn hỗn hợp hoặc ban miễn chuẩn cho hôn nhân khác đạo (GL 1086§2) khi các bên hội đủ điều kiện, được Giáo luật kể ở điều 1125 như sau:
10 Bên Công giáo phải tuyên bố mình sẵn sàng tránh mọi nguy cơ mất đức tin và thành thật cam kết sẽ làm hết sức để tất cả con cái được rửa tội và được giáo dục trong Giáo hội Công giáo;
20Phải kịp thời thông báo thế nào cho bên không Công giáo biết những điều bên Công giáo phải cam kết, để họ ý thức thật sự về lời cam kết và nghĩa vụ của bên Công giáo;
30 Cả hai bên phải được giáo huấn về những mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân mà không bên nào được phép loại bỏ.

Điều 60
§1. Do điều kiện được Giáo luật kể ở điều 1125 chỉ là điều kiện tối thiểu cần phải có để Bản quyền địa phương ban phép kết hôn hỗn hợp hoặc ban miễn chuẩn hôn nhân khác đạo, ngài có thể tùy nghi gia tăng thêm những điều kiện khác.
§2. Đối với bên không Công giáo, Bản quyền địa phương có thể chỉ đòi điều kiện tối thiểu theo luật yêu cầu, nghĩa là, "thông báo" cho bên đó biết những điều bên Công giáo cam kết để họ ý thức nhưng không buộc "cam kết" tôn trọng. Đôi khi ngài cũng có quyền chấp nhận cho kết hôn ngay cả khi bên không Công giáo xác định trước là không cho con cái được rửa tội.
§3. Tuy nhiên, Bản quyền địa phương cũng có quyền tùy ý đòi thêm điều kiện để ban phép hoặc ban miễn chuẩn. Ngài có thể buộc bên không Công giáo phải "cam kết" tôn trọng quyền tự do giữ đạo của bên Công giáo, cho con cái được rửa tội và được giáo dục trong Giáo hội Công giáo.
§4. Về  thể thức làm tờ tuyên bố và cam kết mà luật luôn đòi buộc và thể thức thông báo cho bên không Công giáo biết điều ấy (GL 1126), có thể được thực hiện ngay trong mẫu đơn xin miễn chuẩn như thông lệ trước đây, có cả hai chữ ký của cả hai bên. Tuy nhiên, theo mẫu mới, bên không Công giáo cũng cần xác định trước việc có chấp nhận cho con cái được Rửa tội hay không, để bên Công giáo có thể phân định rõ trong tự do chọn lựa kết hôn của mình.


21. Điều 1071 về những trường hợp phải xin phép khi chứng hôn

Ngoài trường hợp xin miễn chuẩn ngăn trở tiêu hôn, cha sở cũng cần xin phép Đấng Bản quyền để chứng hôn trong một số trường hợp. Cha sở có quyền không cho phép hay cấm hôn hay không?
Điều 61
§1. Cha sở cần phải xin phép Đấng Bản quyền địa phương, trừ những trường hợp cần thiết (GL 1071§1), khi chứng hôn cho:
10 Hôn nhân của những người phiêu cư.
2
0 Hôn nhân nào không thể được công nhận hay không thể được cử hành chiếu theo quy tắc của luật dân sự. Ví dụ: người không thể đăng ký kết hôn ở cơ quan chính quyền; người bị luật dân sự cấm kết hôn.
3
0 Hôn nhân của người mắc nghĩa vụ tự nhiên phát sinh do cuộc phối hợp trước, đối với bên kia hay đối với con cái. Ví dụ: người không chu toàn nghĩa vụ cung cấp nuôi dưỡng cho con cái sinh ra trong cuộc phối hợp trước.
4​​​​​​​0 Hôn nhân của người hiển nhiên chối bỏ đức tin Công giáo. Ví dụ: người đã minh nhiên chuyển qua giữ đạo Tin lành, đạo Phật... hay người xác nhận rõ ràng mình không còn tin vào đạo Công giáo.
5
​​​​​​​0 Hôn nhân của người đang mắc vạ theo Giáo luật. Ví dụ: người đang bị vạ tuyệt thông (GL 1331) hoặc vạ cấm chế (GL 1332).
6
​​​​​​​0 Hôn nhân của người vị thành niên (dưới 18 tuổi trọn), khi cha mẹ không hay biết hay đã phản đối cách hợp lý.
7
​​​​​​​0 Hôn nhân cử hành qua những người đại diện (GL 1105).
§2. Khi chứng hôn cho người đã hiển nhiên chối bỏ đức tin Công giáo, phải giữ những điều được quy định ở Giáo luật điều 1125, với những thích nghi cần thiết (GL 1071§2).

Điều 62
§1. Đấng Bản quyền có quyền cấm kết hôn đối với người thuộc quyền và mọi người hiện đang cư ngụ trong địa hạt của mình, nhưng chỉ giới hạn trong một thời gian vì một lý do quan trọng và bao lâu lý do ấy kéo dài. Việc cấm kết hôn chỉ áp dụng cho từng trường hợp riêng lẻ, không được áp dụng một cách chung (GL 1077§1).
§2. Cha sở không có quyền cấm hôn, cũng không được phép đặt thêm quy định có giá trị như những luật cấm hay hạn chế việc kết hôn.
§3. Việc không chu toàn các nghĩa vụ đóng góp xây dựng giáo xứ cũng không được coi như những lý do để từ chối việc ban các bí tích cho những người xin lãnh nhận cách thích đáng, miễn là họ đã được chuẩn bị đầy đủ và không bị luật cấm lãnh nhận (GL 843§1).


22. Thể thức giáo luật

Phải áp dụng thể thức giáo luật như thế nào thì việc cử hành kết hôn mới thành sự? Nếu thiếu một trong hai nhân chứng thì việc cử hành có thành sự không?
Điều 63
§1. Hôn nhân chỉ thành sự khi được kết ước theo thể thức giáo luật (forma canonica), được Giáo luật quy định: cử hành trước mặt vị chứng hôn, là Đấng Bản quyền địa phương hay cha sở, hoặc một tư tế hay một phó tế đã được một trong hai vị trên ủy quyền, và trước mặt hai nhân chứng (GL 1108§1).
§2. Theo nguyên tắc của điều 1108§1 nói trên, khi cử hành thể thức kết hôn, để thành sự, cần phải có sự hiện diện của 5 người:
  • Hai người kết ước hôn nhân, trừ trường hợp kết hôn qua người đại diện, theo Giáo luật điều 1105);
  • Vị chứng hôn có năng quyền, do chức vụ hay do ủy nhiệm;
  • Hai nhân chứng.
§3. Hai nhân chứng cũng cần phải có đủ để việc cử hành được hữu hiệu. Họ thường là người Công giáo, đã trưởng thành, ngoại trừ trường hợp cần thiết. Họ hiện diện để làm chứng cho việc cử hành kết ước hôn nhân của đôi bạn, không có ý làm chứng cho vấn đề không có ngăn trở kết hôn.


23. Nơi cử hành thể thức kết hôn: nhà nguyện, nhà thờ

Khi nào phải xin phép Đấng Bản quyền nếu cử hành kết hôn ngoài nhà nguyện nhà thờ, như tại khách sạn, điểm du lịch, nhà tư… Cha sở, có quyền cử hành kết hôn khác đạo ở nhà tư không?

Điều 64
§1. Hôn nhân hỗn hợp, giữa hai người Công giáo hoặc giữa một người Công giáo và một người đã được rửa tội ngoài Công giáo, phải được cử hành trong nhà thờ giáo xứ, hôn nhân này có thể cử hành trong một nhà thờ khác hoặc trong một nhà nguyện, nếu có phép của Đấng Bản Quyền địa phương hay của cha sở (GL 1118§1).
§2. Nếu cử hành hôn nhân hỗn hợp tại một nơi khác ngoài nhà thờ, nhà nguyện (Vd. nhà tư, khách sạn, điểm du lịch) cha sở phải xin phép Đấng Bản quyền địa phương (GL 1118§2).

Điều 65
§1. Đối với hôn nhân khác đạo, giữa một người Công giáo và một người không được rửa tội, cha sở được phép cử hành trong nhà thờ hay một nơi thích hợp khác (GL 1118§3).
§2. Trong trường hợp đôi bạn sống rối hôn phối, bên Công giáo muốn được thành sự hóa hôn nhân để sống đạo, nhưng bên người lương lại không tha thiết hoặc không muốn đến nhà thờ để cử hành kết hôn, cha sở có thể xin miễn chuẩn ngăn trở khác đạo cho họ và cha có thể đến tư gia để cử hành nghi thức chứng hôn (GL 1118§3).


24. Miễn chuẩn thể thức giáo luật

Miễn chuẩn thể thức giáo luật có thể thực hiện được không? Giáo luật điều 1127§2 có cho phép. Điều kiện khi áp dụng miễn chuẩn thể thức giáo luật là gì?
Điều 66
§1. Hôn nhân hỗn hợp (với người được rửa tội Tin Lành, Anh giáo, Chính thống giáo...) hay khác đạo (với người không được rửa tội) nếu có những khó khăn nghiêm trọng, Đấng Bản quyền địa phương bên Công giáo có quyền miễn chuẩn khỏi cử hành theo thể thức giáo luật (forma canonica) cho từng trường hợp (GL 1127§2).
 §2. Khi ban miễn chuẩn thể thức giáo luật, Đấng Bản quyền địa phương bên Công giáo cần phải tham khảo ý kiến của Đấng Bản quyền địa phương tại nơi cử hành hôn nhân và phải cử hành một thể thức kết hôn công nào đó (x. Nguyên tắc, điều 5) để hôn nhân được thành sự (GL 1127§2).
§3. Dù trước hay sau khi cử hành hôn nhân theo Giáo luật chiếu theo quy tắc của §2, cấm cử hành hôn nhân theo nghi thức tôn giáo một lần nữa để bày tỏ hay lặp lại sự ưng thuận hôn nhân; cũng không được cử hành nghi thức tôn giáo, trong đó vị chứng hôn Công giáo và thừa tác viên không Công giáo cùng yêu cầu các bên bày tỏ sự ưng thuận, mỗi vị cử hành theo nghi thức của mình.

Điều 67
Hôn nhân được miễn chuẩn thể thức giáo luật, vẫn phải cử hành một thể thức kết hôn công nào đó để biểu lộ sự ưng thuận và để hôn nhân được thành sự. Vì vậy, cha sở cần ghi vào Sổ Hôn phối ngày kết hôn của họ là ngày họ cử hành thể thức công đó, và cũng cần ghi chú ngày ban miễn chuẩn thể thức.


25. Theo đạo Công giáo sau kết hôn

Câu hỏi thường được đặt ra: Nếu một người vợ hay chồng lương dân đã kết hôn dân sự, nay theo đạo thì có phải chứng hôn cho đôi vợ chồng này không hoặc có xin miễn chuẩn hôn nhân khác đạo cho họ không? Nếu cả hai vợ chồng đều theo đạo thì sao?
Điều 68
§1. Giáo hội công nhận giá trị của hôn nhân đã được cử hành bởi một thể thức công theo luật hay tục lệ của người ngoài Công giáo, cũng quen gọi là hôn nhân tự nhiên, nghĩa là, công nhận hôn nhân đó thành sự (x. Nguyên tắc, điều 5).
§2. Một khi hôn nhân đã thành sự, đã trở nên vợ chồng thì không được cử hành hôn nhân lần thứ hai trong đạo Công giáo. Vì vậy, khi một hoặc cả hai người trong đôi bạn, đã kết hôn thành sự theo thể thức ngoài Công giáo, xin gia nhập đạo Công giáo, hoặc xin được rửa tội, thì không được cử hành kết hôn thêm một lần nữa.
§3. Nếu có một người trong đôi bạn người lương theo đạo, vì họ đã có kết hôn ngoài Công giáo cách thành sự, họ không phải xin miễn chuẩn hôn nhân khác đạo nữa. Nếu có cả hai người trong hôn nhân đó được rửa tội, hôn nhân của họ tự động được nâng lên phẩm giá Bí tích (GL 1055§2).


26. Đặc ân thánh Phaolô

Đã có những lầm lẫn về đặc ân Thánh Phaolô: Phải xin phép Đấng Bản quyền khi áp dụng đặc ân; thẩm vấn (interpellatio) trước khi bên lương được rửa tội; bỏ qua mà không xin miễn chuẩn việc thẩm vấn.
Đặc ân Thánh Phaolô được ban khi hội đủ các điều kiện mà Giáo luật quy định, nghĩa là chỉ cần áp dụng theo luật định, không do Đấng Bản quyền ban cho hay cho phép. Cũng nên lưu ý: Nếu bỏ qua mà không xin miễn chuẩn việc thẩm vấn thì việc kết hôn bị vô hiệu (Tòa Thánh đã trả lời vấn đề này).
Điều 69
§1. Hôn nhân giữa hai người lương, sau đó một người lương lãnh nhận bí tích Rửa tội, được tháo gỡ nhờ đặc ân thánh Phaolô vì lợi ích đức tin của người tân tòng, do chính sự kiện người tân tòng tái hôn, miễn là người không được rửa tội chia tay người ấy (đ 1143§1).
§2. Tự bản chất, Thánh Phaolô ban đặc ân cho một tân tòng, nghĩa là, cho một người đã nghe lời rao giảng và đã theo đạo, để giúp họ sống đức tin, tránh được sự bách hại hay xung đột đức tin với vợ hay chồng còn là người lương kia.
§3. Mục đích giúp người tân tòng sống đức tin không còn ý nghĩa khi bên người lương kia cũng được rửa tội hoặc chịu sống chung hòa bình mà không xúc phạm đến Chúa.

Điều 70
Để áp dụng đúng đắn đặc ân thánh Phaolô, cần phải tuân giữ các điều sau:
1
​​​​​​​0 Người mới được rửa tội cần có đức tin và đã có một thời gian sống đạo nào đó, không được ban bí tích Rửa tội cho họ cận kề ngày kết hôn, trừ trường hợp cần thiết.
2
​​​​​​​0 Sau khi người lương được rửa tội, cha sở mới tiến hành việc thẩm vấn bên người lương kia. Chỉ được thực hiện việc chất vấn ấy trước khi đương sự được rửa tội; khi có lý do quan trọng và phải xin phép Đấng Bản Quyền địa phương (GL 1144§2).
3
​​​​​​​0 Giáo hội Công giáo không đòi bên lương phải theo đạo như một điều kiện để cho kết hôn với người Công giáo. Trái lại, đây là một đặc ân ban riêng cho người mới theo đạo.
4
​​​​​​​0 Cũng không được chủ trương ban bí tích Rửa tội cho người lương chỉ khi nào biết chắc người ấy sẽ kết hôn với người Công giáo, hoặc chỉ ban bí tích Rửa tội vào sát ngày kết hôn.

Điều 71
Đặc ân thánh Phaolô được ban khi hội đủ các yếu tố sau (GL 1143; 1144):
1
​​​​​​​0 Đã có kết hôn giữa hai người không được rửa tội, nghĩa là giữa hai người lương.
2
​​​​​​​0 Sau đó, một người và chỉ một người trong hai người đó, được rửa tội.
3
​​​​​​​0 Bên không rửa tội muốn chia tay, hoặc muốn sống chung hoà thuận mà lại xúc phạm đến Đấng Tạo Hoá.
4
​​​​​​​0 Bên sau khi đã chịu phép Rửa tội, đã không gây ra cho người lương kia có lý do để chia tay một cách chính đáng.
5
​​​​​​​0 Thực hiện việc chất vấn (interpellatio) bên người lương.

Điều 72
§1. Việc chất vấn bên người lương phải được thực hiện (GL 1143§1) sau khi bên kia đã được rửa tội, để biết:
1​​​​​​​0 Người lương này có muốn được rửa tội hay không;
2
​​​​​​​0 Ít là người lương này có muốn sống chung hoà thuận với người đã được rửa tội mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hoá hay không.
§2. Việc chất vấn, thuộc quyền của Đấng Bản quyền địa phương của bên trở lại. Tuy nhiên ngay cả khi chính bên trở lại làm riêng tư cũng có giá trị và hợp pháp nữa. Trong cả hai trường hợp, sự kiện chất vấn và kết quả của việc ấy phải được xác minh cách hợp pháp ở toà ngoài (GL 1145).
§3. Trong trường hợp người được rửa tội đã trải qua nhiều lần kết hôn với người lương, việc chất vấn được thực hiện với người vợ hay chồng người lương trong kết hôn lần gần nhất.

Điều 73
§1. Việc chất vấn là cần thiết để đặc ân Thánh Phaolô được ban cách thành sự. Vì vậy, phải xin miễn chuẩn chất vấn khi thấy rõ là không thể thực hiện được hoặc có chất vấn cũng vô ích, qua một thủ tục ít là đơn giản và ngoại pháp lý (GL 1143§2).
§2. Nếu bỏ qua việc chất vấn mà không xin miễn chuẩn chất vấn thì việc kết hôn bị vô hiệu (GL 1144).

Điều 74
 §1. Để áp dụng đặc ân Thánh Phaolô cách hợp luật, phải xin phép Đấng Bản quyền địa phương mỗi khi:
1​​​​​​​0 Thực hiện việc chất vấn trước khi bên người lương được rửa tội (GL 1144§2).
2
​​​​​​​0 Bên đã được rửa tội, vì lý do nghiêm trọng, dùng đặc ân thánh Phaolô để kết hôn với bên không Công giáo (Lương, Tin Lành...), tuy nhiên, cũng phải tuân giữ những điều mà Giáo luật đã quy định về hôn nhân hỗn hợp hay khác đạo (GL 1147).
§2. Đặc ân Thánh Phaolô được ban do chính Giáo luật với những điều kiện cần thiết (GL 1143-1144), chứ không do Đấng Bản quyền địa phương. Vì vậy, ngoài những trường hợp cần phải xin phép ở §1 nói trên, không phải xin Đấng Bản quyền địa phương ban phép hay ban quyền cử hành đặc ân.

Điều 75
Một số trường hợp sau cần lưu ý khi ban đặc ân Thánh Phaolô:
1
​​​​​​​0 Không được ban đặc ân khi hôn nhân trước không phải là hôn nhân giữa hai người lương, nghĩa là, có một người được rửa tội (Tin Lành, Anh giáo...)
2
​​​​​​​0 Không được ban đặc ân nếu bên không rửa tội, khi được chất vấn, cũng muốn được rửa tội.
3
​​​​​​​0 Để tránh lạm dụng, không được ban đặc ân nếu "trước" khi một bên được rửa tội, người này và người Công giáo đã quen biết gần gũi nhau hoặc đã ngoại tình khiến bên người lương kia có lý do để chia tay một cách chính đáng.
4
​​​​​​​0 Vẫn được ban đặc ân khi bên không rửa tội, tuy đã chia tay trong thực tế, nhưng vẫn cố ý trả lời chất vấn một cách giả dối rằng không muốn chia tay, nhằm ngăn cản bên tân tòng kết hôn với người Công giáo.


27. Thành sự hóa (hợp thức hóa) hôn nhân đơn thuần

Một đôi vợ chồng đang sống rối hôn nhân, ví dụ người Công giáo chỉ kết hôn dân sự với người lương mà không có kết hôn theo thể thức giáo luật, nay làm thế nào để có thể thành sự hóa hay hợp thức hóa hôn nhân của họ.
Điều 76
§1. Một hôn nhân bất thành, do thiếu cử hành thể thức giáo luật hoặc đang bị một ngăn trở có thể được thành sự hóa, quen gọi là hợp thức hóa, cách đơn thuần, nghĩa là xin miễn chuẩn ngăn trở và cử hành thể thức kết hôn.
§2. Theo mục vụ thông thường của Giáo hội tại Việt Nam, khi đôi bạn đã có sự sống chung công khai bất hợp pháp như vợ chồng, để tránh cớ vấp phạm (scandal), không được cử hành kết hôn trong Thánh Lễ.
§3. Cũng vậy, việc cử hành chứng hôn để thành sự hóa hôn phối của đôi bạn đã sống chung như vợ chồng được thực hiện ngoài Thánh Lễ.


28. Thành sự hóa bằng điều trị tại căn

Điều trị tại căn là một phương thức để thành sự hóa hay hợp thức hóa hôn nhân đã được Giáo luật quy định nhưng ít được biết đến và áp dụng. Nên mở rộng ơn điều trị tại căn cho những hôn nhân khác đạo mà đã không được cử hành theo thể thức giáo luật, để giúp bên Công giáo thoát khỏi tình trạng sống rối hôn nhân, bị ngăn cấm lãnh nhận một số bí tích.
Điều 77
§1. Điều trị tại căn một hôn nhân bất thành là việc thành sự hoá hôn nhân ấy mà không buộc phải lặp lại sự ưng thuận, do nhà chức trách có thẩm quyền ban, bao hàm việc miễn chuẩn các ngăn trở, nếu có, và thể thức giáo luật, nếu đã không được tuân giữ, cũng như sự hồi tố của những hiệu quả Giáo luật (GL1161§1).
§2. Việc thành sự hoá hôn nhân bằng điều trị tại căn, theo nguyên tắc của Giáo luật điều 1161§1 nói trên, có đặc điểm quan trọng là được miễn lặp lại sự ưng thuận bằng thể thức giáo luật.

Điều 78
§1. Để được điều trị tại căn, một hôn phối đã phải được cử hành, nghĩa là, đôi bạn đã biểu lộ sự ưng thuận, nhưng việc kết hôn bị bất thành do có ngăn trở hoặc thiếu thể thức; và nay họ vẫn không rút lại sự ưng thuận đó (GL1162).
§2. Vì vậy, không thể ban ơn điều trị tại căn nếu đôi bạn đã không hề cử hành kết hôn, nghĩa là, đã chưa có biểu lộ sự ưng thuận theo một thể thức kết hôn công nào đó. Trong trường hợp này buộc phải cử hành kết hôn theo thể thức giáo luật để hợp thức hóa cuộc sống chung vợ chồng.

Điều 79
Có hai trường hợp nên được áp dụng thành sự hóa bằng điều trị tại căn:
1
​​​​​​​0 Bên Công giáo chỉ kết hôn theo luật lệ dân sự với người ngoài Công giáo (lương, Tin Lành...). Nay tuy họ vẫn chung thủy giữ đời sống vợ chồng, nhưng bên không Công giáo không chịu cử hành kết hôn theo thể thức giáo luật, cho dù tại nhà thờ hay tại tư gia. Trong trường hợp này, khi ban đặc ân vẫn phải giữ các điều kiện được nói đến ở điều 1125.
2
​​​​​​​0Hôn nhân đã được cử hành theo thể thức giáo luật nhưng bị vô hiệu do đang có ngăn trở mà cha sở chứng hôn, do lỗi của mình, đã không biết hay quên xin miễn chuẩn. Để tránh bị phê phán, cha sở có thể không thành sự hóa bằng việc cử hành lại hôn nhân (thành sự hóa đơn thuần), nhưng có thể xin Giám mục ban ơn điều trị tại căn cho hôn phối bị vô hiệu đó và không cần cho đôi bạn biết việc điều trị tại căn (GL1164).

Điều 80
Áp dụng thành sự hóa hôn phối, dù đơn thuần hay điều trị tại căn, chỉ khi có chắc chắn rằng đôi bạn vẫn muốn duy trì đời sống vợ chồng (GL 1161§3).

Điều 81
§1. Nếu có một ngăn trở mà Tông Toà dành riêng cho mình quyền miễn chuẩn chiếu theo quy tắc của Giáo luật điều 1078 §2 thì Tông Toà mới có thẩm quyền ban việc điều trị tại căn (GL 1165§2).
§2. Nếu có một ngăn trở thuộc luật tự nhiên hoặc luật thiết định của Thiên Chúa (anh em ruột, dây hôn phối...), chỉ có thể điều trị tại căn bởi Tông Tòa khi hết các ngăn trở này (GL 1165§2).

Điều 82
§1. Việc điều trị tại căn một hôn nhân bị vô hiệu có giá trị hồi tố. Vì vậy, khi được ban ơn điều trị, hôn nhân có hiệu lực kể từ lúc kết hôn bị vô hiệu trước đây. (GL 1161§2).
§2. Khi ghi sổ Hôn phối hoặc ghi chú vào sổ Rửa tội, cần ghi ngày kết hôn là ngày cử hành thể thức ưng thuận trước đây và ghi chú ngày ban ơn điều trị tại căn.


​​​​​​​29. Ghi sổ Rửa tội, Hôn phối

Ghi chú việc cử hành kết hôn vào sổ Rửa tội là cần thiết theo luật buộc.

Điều 83
§1. Cha sở luôn phải ghi vào sổ Hôn phối các hôn nhân cử hành trong giáo xứ và cấp các giấy chứng nhận hôn phối khi cần thiết.
§2. Cha sở nơi cử hành hôn phối buộc phải gởi giấy chứng nhận hôn phối cho các cha sở của nơi mà đôi bạn đã được rửa tội để các ngài ghi chú vào sổ Rửa tội, cho dù họ không còn có cư sở ở đó nữa (GL 535§2).

Điều 84
§1. Nhờ bí tích Rửa tội, con người được sáp nhập vào Giáo hội Chúa Kitô và trở thành một thể nhân trong Giáo hội (GL 96). Bí tích Rửa tội cũng là cửa dẫn vào các bí tích (GL 849). Vì vậy, các chứng nhận bí tích của Kitô hữu, cách riêng là bí tích hôn phối cho dù là sổ hay chứng nhận, luôn phải có ghi ngày và nơi lãnh nhận bí tích Rửa tội.
§2. Một số mẫu Sổ Hôn phối trước đây, thường hay bị thiếu phần ghi bí tích Rửa tội, cần phải được thay đổi hoặc phải ghi chú để bổ túc thêm. Nhờ đó, cha sở nơi cử hành Hôn phối có thể căn cứ trên sổ Hôn phối để ban cấp chứng nhận Rửa tội.

Điều 85
§1. Sổ Gia đình Công giáo, trong đó có ghi chép về sự kiện lãnh nhận các bí tích của các thành viên trong gia đình, rất hữu ích cho việc mục tử chăm sóc đoàn chiên và cho việc giáo dân được lưu giữ những tư liệu về gia đình Công giáo của mình.
§2. Việc cấp sổ Gia đình Công giáo thuộc nhiệm vụ và thẩm quyền của cha sở trong mục vụ. Vì vậy, cha sở nơi chứng hôn hoặc nơi ban bí tích Rửa tội, cần phải gởi cho cha sở nơi đôi bạn có cư sở những chứng thư hoặc chứng nhận cần thiết về bí tích, để ngài lập sổ Gia đình Công giáo hoặc ghi vào các sổ sách khác.
§3. Vì nhu cầu chăm sóc đời sống đạo cho những di dân, sổ Gia đình Công giáo cũng có thể và nên được ban cấp bởi cha sở nơi giáo dân tạm trú và được chứng hôn.

​​​​​​​Điều 86
Các hồ sơ hôn nhân: chứng thư, giấy giới thiệu, giấy rao, kết quả rao,... được phép gởi qua các phương tiện kỹ thuật số với các bản scan màu, hoặc bản chụp ảnh, miễn là được làm một cách đúng đắn, rõ ràng. Tuy nhiên, khi có hồ nghi về sự giả dối, nên liên lạc thêm qua điện thoại hoặc email... để xác thực các tài liệu đó một cách chắc chắn hơn.

(Theo bảng danh sách VALID-INVALID BAPTISMS của Giáo phận Los Angeles, cập nhật năm 2022. Xem: https://lacatholics.org/wp-content/uploads/2022/06/Valid-Invalid-Baptism-2022.pdf )
A- THÀNH SỰ
  1. Tất cả các Giáo hội Chính Thống hay Giáo hội Đông phương không Công giáo
  2. Adventist Valid Baptism
  3. African Methodist Episcopal
  4. Amish/Mennonite
  5. Anglican / Church of England
  6. Assembly of God
  7. Baptists
  8. Chinese Catholic Baptism/Confirmation recognized
  9. Chinese Christian
  10. Christian and Missionary Alliance
  11. Christian Fellowship
  12. Church of the Brethren
  13. Church of Christ
  14. Church of God
  15. Church of the Nazarene
  16. Community of Pope Pius X (Lefebvre) Baptism/Confirmation recognized
  17. Congregational
  18. Disciples of Christ
  19. Dutch Reformed
  20. Eastern Non-Catholics (Orthodox) Baptism/Confirmation recognized
  21. Episcopal
  22. Evangelical
  23. Evangelical Church of Covenant
  24. Evangelical United Brethren
  25. International Council of Community
  26. Liberal Catholic
  27. Lutheran
  28. Methodist
  29. Mennonite
  30. Missionary Hill
  31. Moravian
  32. New Apostolic Church
  33. Church of the Nazarene
  34. Old Catholic
  35. Old Roman Catholic
  36. Orthodox (see Eastern above) Baptism/Confirmation recognized
  37. Polish National
  38. Presbyterian
  39. Reformed
  40. Seventh Day Adventist
  41. United Church
  42. United Church of Canada
  43. United Church of Christ
  44. United Reformed
  45. United Church of Australia
  46. Waldensian
  47. Zion
B- HỒ NGHI THÀNH SỰ
  1. Mennonite
  2. Moravian
  3. Pentecostal
  4. Seventh Day Adventist
C- KHÔNG THÀNH SỰ
    1. Tất cả những nhóm hoặc cộng đoàn ngoài Kitô giáo (Jewish, Hindu, Muslim, Buddhist, Baha ‘I,Vedanta Society)
  1. Amana Church Society
  2. American Ethical Union
  3. American (United American) Catholic Valid Baptism/Confirmation doubtful
  4. Apostolic Church (“Apostolic Overcoming Holy Church of God”)
  5. Apostolic Faith Mission
  6. Armenian Apostolic
  7. Bohemian Free Thinkers
  8. Baha’I Faith
  9. Brethren
  10. Children of God (“The Family”)
  11. Christadelphians
  12. Christian Community (disciples of Rudolph Steiner)
  13. Christian and Missionary alliance
  14. Christians of Universalist Brotherhood
  15. Church of Christ, Scientist (“Christian Scientists”) – no baptism
  16. Church of Divine Science
  17. Church of David’s Band
  18. Church of Illumination
  19. Church of Jesus Christ of Latter-Day Saints (“Mormons”) – as of 2001
  20. Church of Revelation
  21. Church of the New Jerusalem
  22. Church of the Scientology
  23. Erieside Church
  24. General Assembly of Spiritualists
  25. Hephzibah Faith Missionary Association
  26. House of David Church
  27. Iglesia ni Kristo (Philippines)
  28. Independent Church of Filipino Christians
  29. Jehovah’s Witnesses
  30. Masons / Freemasonry – no baptism
  31. Metropolitan Church Association
  32. New Church of Mr. Emmanuel Swedenborg
  33. National David Spiritual Temple of Christ Church Union
  34. National Spiritualist Association
  35. New Jerusalem Church (Swedenborg or “New Age” Church)
  36. Peoples Church of Chicago
  37. Pentecostal Churches
  38. Plymouth Brethren
  39. Quakers (“Society of Friends”) – no baptism
  40. Reunification Church (“Moonies”)
  41. Salvation Army
  42. Shakers (“United Society of Believers”) – no baptism
  43. Some communities of Mennonites, Morovians, of the Plymounth
  44. Spiritualist Church
  45. Swedenborg (New Age)
  46. Unitarians
  47. Universal Emancipation Church
  48. Word Harves
 

[1] Chữ “thong dong” theo ngôn ngữ Công giáo Việt Nam vẫn được sử dụng, ám chỉ việc không có những cản trở cho việc kết hôn thành sự và hợp luật. Không đổi chữ “thong dong” thành “tự do” vì tự do ám chỉ đến ý chí tự do của riêng cá nhân đó.
[2] Ngày 13-5-1996, Ủy ban Giáo hoàng về Gia đình, xuất bản tập "Chuẩn bị cho bí tích Hôn nhân”, đoạn trích ở số 35.

Tác giả: JB Dũng Lm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay3,252
  • Tháng hiện tại69,064
  • Tổng lượt truy cập10,823,303
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi