NHỮNG QUY TẮC HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG GIÁO LUẬT BÍ TÍCH HÔN NHÂN - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ bảy - 10/06/2017 09:43

NHỮNG QUY TẮC HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG GIÁO LUẬT BÍ TÍCH HÔN NHÂN - JB. Lê Ngọc Dũng

Đây là những quy tắc hướng dẫn giúp thực hành mục vụ bí tích Hôn Nhân, tuy thông thường nhưng cũng có những điều đặc biệt liên quan đến những khúc mắc trong mục vụ và một số quy tắc hữu ích nhưng chưa được áp dụng, như việc hợp thức hóa bằng điều trị tại căn. Bản quy tắc này không là những quy định riêng của luật địa phương, nhưng được ấn định trên cơ sở các nguyên tắc chung của bộ Giáo Luật 1983. Vì vậy chúng cần được phổ biến và áp dụng để việc mục vụ chứng hôn được tiến hành một cách đúng đắn và thống nhất trong các giáo phận tại Việt Nam. Nội dung như sau:
I. Giáo lý hôn nhân và dự tòng: số 1-8
II. Điều tra, rao báo: số 9-16
III. Ngăn trở tiêu hôn, cấm hôn: số 17-22
IV. Năng quyền chứng hôn: số 23-29
V. Nơi cử hành hôn phối: số 30-35
VI. Thiết lập hồ sơ: số 36-40
VII. Thể thức kết hôn: số 41-45
VIII. Hôn nhân ngoài công giáo: số 46-48
IX. Đặc ân thánh phaolô: số 49-51
X- Thành sự hóa hôn phối đơn thuần và điều trị tại căn: số 52-59
XI. Ly thân mà dây hôn nhân vẫn còn: số 60-61

1. NHỮNG NGUYÊN TẮC HƯỚNG DẪN

MỤC VỤ BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Những quy định dưới đây, được soạn thảo, giúp hình thành những bản nguyên tắc áp dụng trong một giáo phận
Số 1.
Hôn nhân được thành lập bởi một sự tự do ưng thuận kết ước giữa một người nam và một người nữ, để tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống. Kết ước hôn nhân tự bản chất, hướng về thiện ích đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái (đ. 1055§1).
Số 2.
Hôn nhân được nâng lên phẩm hàm bí tích giữa hai người được Rửa tội (đ. 1055§2). Những đặc tính chính yếu của hôn nhân là sự đơn nhất và bất khả phân ly. Trong hôn nhân bí tích những đặc tính này có một sự vững bền đặc biệt (đ.1056).
Số 3.
Các hôn nhân không bí tích hay của lương dân đều vẫn có những đặc tính chính yếu là sự đơn nhất và bất khả phân ly. Việc ly dị ở tòa án dân sự của các hôn nhân này cũng không làm cho dây hôn phối bị hủy tiêu.
Số 4.
§1. Khi không có chứng thư bí tích Rửa tội, nếu đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội ở tuổi thành niên thì lời tuyên bố của một nhân chứng đáng tin cậy hay lời thề của chính người đã được Rửa Tội, đủ để làm bằng chứng cho việc ban bí tích Rửa tội, nếu điều đó không gây thiệt hại cho ai (đ. 876).
§2 Đối với bí tích Thêm sức, việc chứng minh đã lãnh nhận cũng được áp dụng theo nguyên tắc trên (đ. 894).
Số 5.
§1. Cần phải xin phép Đấng Bản quyền địa phương, trừ những trường hợp cần thiết, khi chứng hôn cho:
1- Hôn nhân của những người không có cư sở. Ví dụ, chứng hôn cho người có cuộc sống lang thang.
2- Hôn nhân nào không thể được công nhận hay không thể được cử hành chiếu theo quy tắc của luật dân sự. Ví dụ, chứng hôn cho người không thể đăng ký kết hôn ở cơ quan chính quyền.
3- Hôn nhân của người mắc nghĩa vụ tự nhiên phát sinh do cuộc phối hợp trước, đối với bên kia hay đối với con cái. Ví dụ, chứng hôn cho người không chịu cung cấp nuôi dưỡng cho con sinh ra trong cuộc phối hợp trước;
4- Hôn nhân của người hiển nhiên chối bỏ đức tin Công giáo. Ví dụ, chứng hôn cho người đã chuyển qua giữ đạo Tin lành, đạo Phật hay người xác nhận rõ ràng mình không tin đạo Công Giáo;
5- Hôn nhân của người đang mắc vạ. Ví dụ, chứng hôn cho người đang bị vạ cấm chế hay tuyệt thông;
6- Hôn nhân của người vị thành niên (dưới 18 tuổi trọn), khi cha mẹ không hay biết hay đã phản đối cách hợp lý.
7- Hôn nhân cử hành qua những người đại diện.
§2. Khi chứng hôn cho người đã hiển nhiên chối bỏ đức tin Công giáo, bên Công giáo phải cam kết tránh mọi nguy hiểm đức tin…, được quy định ở điều 1125, với những thích nghi cần thiết (đ. 1071).
Số 6.
Bản Quyền địa phương (Giám mục Giáo phận, cha Tổng Đại diện, cha Đại diện Giám mục) có thể miễn chuẩn những ngăn trở: tuổi, khác đạo, khấn dòng thuộc luật giáo phận, bắt cóc, họ máu, hôn thuộc, công hạnh, pháp tộc.
Miễn chuẩn được dành riêng cho Tòa Thánh đối với các ngăn trở: Chức Thánh, khấn dòng thuộc luật giáo hoàng, tội ác.
 Số 7.
Trong trường hợp nguy tử khẩn cấp:
§1. Đấng Bản quyền địa phương có thể miễn chuẩn khỏi phải giữ thể thức cử hành hôn nhân, và khỏi mọi ngăn trở, cũng như từng ngăn trở công (chứng minh được ở tòa ngoài) hay ngăn trở mập mờ (không chứng minh được ở tòa ngoài) thuộc luật Giáo hội, trừ ngăn trở do thánh chức Linh mục (đ. 1079§1).
§2. Cha giải tội có quyền miễn chuẩn những ngăn trở mập mờ, ở toà trong, vào lúc hoặc ngoài lúc ban bí tích Sám hối (đ. 1079§3). Nếu ban những miễn chuẩn này ngoài bí tích Sám hối, phải ghi vào sổ để lưu ở văn khố mật Tòa Giám mục (đ. 1082)
Số 8.
Cha sở, không được phép ra lệnh cấm kết hôn cho một người dù trong một thời gian, càng không được phép ban hành một luật về cấm kết hôn.
Số 9.
Để chứng hôn thành sự, linh mục phải có năng quyền chứng hôn, do chức vụ hoặc do ủy nhiệm (đ. 1108-1111). Nếu không có năng quyền, chứng hôn vô hiệu.
Số 10.
§1. Đấng Bản quyền địa phương và cha sở, do chức vụ, có năng quyền chứng hôn trong giới hạn địa hạt của mình, chẳng những cho những người thuộc quyền, mà còn cho cả những người không thuộc quyền (đ. 1109).
§2. Năng quyền chứng hôn do chức vụ sẽ không hữu hiệu nếu chứng hôn cho người ngoài phạm vi địa hạt mà chức vụ đảm nhiệm, ngay cả chứng hôn cho giáo dân thuộc quyền mình.
Số 11.
§1. Đấng Bản quyền địa phương và cha sở có thể uỷ nhiệm năng quyền, kể cả năng quyền tổng quát, cho các tư tế và phó tế, để chứng hôn trong giới hạn của địa hạt mình (đ. 1111§1).
§2. Sự ủy quyền vô hiệu, nếu vượt quá quyền hạn của mình (đ.133). Vì vậy, nếu ủy năng quyền để chứng hôn ra ngoài phạm vi địa hạt thuộc quyền mình, sự ủy quyền vô hiệu,  ngay cả ủy để chứng hôn cho giáo dân thuộc quyền mình.
Số 12.
Để được hữu hiệu, việc uỷ nhiệm năng quyền chứng hôn phải được minh nhiên ban cho những người nhất định; nếu là một sự uỷ quyền riêng biệt, thì có giá trị đối với một đôi hôn nhân nhất định, còn nếu là một sự uỷ quyền tổng quát, thì phải ban bằng văn bản (đ. 1111§2).
Số 13.
§1. Cử hành hôn nhân tại giáo xứ mà một trong hai người kết hôn, bất kể là bên nam hay bên nữ có:
- cư sở (thường trú);
- bán cư sở (tạm trú) hay đã cư ngụ một tháng;
- có phép của Đấng Bản quyền riêng hay của cha sở riêng (đ. 1115), khi cư ngụ chưa được một tháng.
§2. Đôi bạn được tùy chọn một trong các giáo xứ được nêu ở triệt một để cử hành kết hôn, miễn là được sự chấp nhận và lo liệu của cha sở nơi đó.
Số 14.
Giáo luật điều 102 quy định về cư sở hay bán cư sở:
§1. Cư sở được thủ đắc do việc cư ngụ trong địa hạt của một giáo xứ hay ít ra của một Giáo phận, với ý định sẽ ở đó vĩnh viễn, nếu không có gì thay đổi, hoặc việc cư ngụ đã được kéo dài năm năm trọn.
§2. Bán cư sở được thủ đắc do việc cư ngụ trong địa hạt của một giáo xứ hay ít ra của một Giáo phận, với ý định sẽ ở đó ít là ba tháng nếu không có gì thay đổi, hoặc việc cư ngụ đã thực sự được kéo dài suốt ba tháng.
Số 15.
§1. Cư sở hay bán cư sở bị mất do việc rời khỏi nơi ấy với ý định không trở về lại (đ. 106).
§2. Một người có thể có hai hay nhiều cư sở một lúc: nơi đã cư ngụ được 5 năm và nơi mà mình còn muốn trở về lại (đ. 102, 106).
§3. Phải tôn trọng quyền thủ đắc cư sở hay bán cư sở của tín hữu chiếu theo luật (đ. 102). Không được chiếu theo lệ riêng của việc điều hành giáo xứ để loại trừ tín hữu ra khỏi quyền thủ đắc cư sở hay bán cư sở.
Số 16.
§1. Hôn nhân phải được cử hành trong nhà thờ giáo xứ nếu của hai người Công giáo hoặc một người Công giáo và một người được Rửa tội ngoài Công giáo (hôn nhân hỗn hợp). Nếu cử hành ở một nhà thờ khác hay nhà nguyện thì phải có phép của Đấng Bản quyền địa phương hay của cha sở (đ. 1118§1).
§2. Nếu cử hành hôn nhân tại một nơi khác ngoài nhà thờ, nhà nguyện (Vd. Nhà tư, khách sạn, điểm du lịch) phải xin phép Đấng Bản quyền địa phương (đ. 1118§2).
§3. Hôn nhân khác đạo, nghĩa là hôn nhân giữa một người Công giáo và một người không được Rửa tội, có thể cử hành trong nhà thờ hay một nơi thích hợp khác (đ. 1118§3).
Số 17.
§1. Cha sở nơi cử hành hôn phối, bất kể là của bên nam hay bên nữ, có trách nhiệm tiến hành thiết lập hồ sơ, chu toàn tất cả những gì đã ấn định để chứng minh tình trạng thong dong của các bên (đ. 1113); và trước khi cử hành hôn nhân phải biết chắc không có gì cản trở cử hành bí tích thành sự và hợp thức (đ. 1066).
§2. Cha sở của một bên nam hay nữ, có nhiệm vụ phụ giúp cho cha sở nơi cử hành hôn phối để lập hồ sơ như cấp giấy giới thiệu, cấp các chứng nhận, rao báo…hoặc chuẩn bị giáo lý hôn nhân cho đôi bạn.
§3. Cha sở của một bên nam hay nữ hay một cha khác, có thể tình nguyện chu toàn tất cả việc thiết lập hồ sơ kết hôn. Khi đã chu toàn phải chuyển tất cả hồ sơ đến cho cha sở nơi cử hành, với xác nhận không có gì trở ngại, nihil obstat, cho việc kết hôn (đ.1070).
Số 18.
Hồ sơ hôn phối thông thường bao gồm:
1) Giấy giới thiệu kết hôn;
2) Giấy chứng nhận Rửa tội và Thêm sức;
3) Bản khai trước kết hôn;
4) Giấy rao hôn phối;
5) Chứng chỉ giáo lý hôn nhân;
6) Giấy chứng nhận kết hôn dân sự;
7) Giấy miễn chuẩn ngăn trở hay giấy phép kết hôn, nếu cần thiết.
Số 19.
Cha sở có bổn phận phải giới thiệu hôn phối và cấp các chứng chỉ cho tín hữu thuộc quyền mình; thông báo những ngăn trở khiến cho việc cử hành hôn nhân thành sự và hợp luật nhưng không được quyền ngăn cản kết hôn.
Số 20.
§1. Cha sở, tùy nghi xin cha sở, của nơi mà có một bên là người ngoài Công giáo (lương) cư ngụ sắp học giáo lý dự tòng hoặc sắp kết hôn, điều tra sơ khởi trước khi gởi tờ rao hôn phối.
§2. Cha sở bên người ngoài Công giáo đó có bổn phận giúp điều tra sơ khởi và rao hôn phối theo yêu cầu của cha sở nơi chứng hôn.
Số 21.
§1. Bản khai hay còn gọi là bản tra vấn kết hôn phải có đủ nội dung:
- Lý lịch ngắn gọn,
- Sự ý thức và chấp nhận tự do của đôi bạn về hôn nhân bất khả phân ly, đơn nhất, sinh sản và giáo dục con cái.
- Khai báo những ngăn trở tiêu hôn và ngăn trở bất hợp luật
- Những hoàn cảnh có thể xảy ra khiến sự ưng thuận bị hà tỳ như: thiếu khả năng phán đoán hay tâm lý, bệnh tật, khả năng sinh sản, lầm lẫn, đặt điều kiện kết hôn…
§2. Bản khai được làm ngay từ khi đăng ký kết hôn, không được để cận ngày kết hôn; làm riêng biệt từng người dưới sự hướng dẫn và chứng nhận của một linh mục.
§3. Có thể tùy nghi yêu cầu bên người lương hay dự tòng có giấy làm chứng kết hôn do cha mẹ hay người thân viết, trong đó có sự xác nhận tình trạng thong dong và ý kiến về sự theo đạo và kết hôn.
Số 22.
§1. Rao hôn phối ba lần, vào ba Chúa Nhật liên tiếp. Cha sở có quyền tha rao một lần, cha Quản hạt tha rao hai lần, và Bản quyền địa phương tha rao ba lần.[1]
§2. Cha sở nơi chứng hôn có bổn phận lập tờ rao, trừ khi hồ sơ hôn phối được chu toàn bởi một cha khác.
Số 23.
§1. Tờ rao được gởi đến:
a- Các cha sở mà người kết hôn thuộc quyền.
b- Cha sở của địa hạt nơi bên không Công giáo, dự tòng hay tân tòng cư ngụ.
c- Cha sở của nơi mà một trong đôi bạn có thể đã có những mối quan hệ nam nữ trước hôn nhân hoặc nơi mà họ đã cư ngụ trong một thời gian khá lâu.
§2. Không gởi tờ rao đến những quốc gia mà không có áp dụng nguyên tắc rao.
Số 24.
§1. Các cha đã nhận tờ rao thì buộc phải rao và gởi lại kết quả cho cha xứ nơi cử hành hôn phối sau khi hoàn thành việc rao, cùng với lời ghi chú, nếu có, về vấn đề nghiêm trọng hay hoài nghi (đ. 1070).
§2. Cha sở xin rao nếu không nhận được kết quả do bị từ chối rao hoặc do quên sót của cha sở bên kia, vẫn có thể cứ tiến hành chứng hôn nếu biết chắc chắn là không có gì cản trở cho việc cử hành bí tích hôn phối thành sự và hợp pháp (đ. 1066).
Số 25.
§1. Người Công giáo kết hôn phải tham dự các khóa giáo  lý chuẩn bị cho kết hôn.
§2. Cả bên Công giáo và bên không Công giáo, khi cần thiết xin kết hôn gấp, phải được học trong thời gian ngắn hạn, ít là một vài buổi, về ý nghĩa, các đặc tính chính yếu, quyền lợi và nghĩa vụ hôn nhân. Họ phải chứng tỏ được sự hiểu biết về hôn nhân qua một bài khảo hạch hay trắc nghiệm trước khi được chứng hôn.
Số 26.
§1. Đặc ân Thánh Phaolo tháo gỡ hôn nhân giữa hai người không chịu phép Rửa tội vì lợi ích đức tin của người đã được Rửa tội do chính sự kiện người ấy tái hôn, miễn là người không được Rửa tội chia tay người ấy (đ. 1143§1).
§2. Không được áp dụng đặc ân Thánh Phaolô khi:
- Người lương sau khi được Rửa tội đã gây ra cớ chia tay cho người lương kia;
- Người lương khi quen biết bên Công giáo đã gây ra cớ chia tay cho người lương kia, cho dù vào lúc chưa Rửa tội;
- Người lương chưa trải qua thời gian dự tòng đầy đủ (6 tháng) hoặc, theo sự nhận xét khôn ngoan của cha sở, chưa có đầy đủ đức tin.
§3. Để người được Rửa tội tái hôn thành sự, thì luôn luôn phải chất vấn người không chịu phép Rửa tội để biết:
- người này có muốn được Rửa tội hay không;
- ít là người này có muốn sống chung hòa thuận với người đã được Rửa tội mà xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa hay không (đ. 1144§1).
§4. Nếu bỏ qua việc chất vấn mà không xin miễn chuẩn, hôn nhân cử hành vô hiệu, cho dù có giấy ly dị dân sự chứng minh rằng hai người lương đã chia tay.
Số 27.
Xin Giám mục Giáo phận ban ơn điều trị tại căn (đ. 1161), để không phải cử hành kết hôn lại lần nữa, đối với trường hợp:
a) Sau khi cử hành kết hôn Công giáo, khám phá ra hôn nhân có ngăn trở mà Đấng Bản quyền địa phương vẫn thường chuẩn hoặc việc cử hành thể thức bị khiếm khuyết khiến hôn nhân vô hiệu.
b) Đôi bạn đã chỉ kết hôn theo luật dân sự với người lương hay Kitô hữu không Công giáo. Nay bên Công giáo muốn thành sự hóa mà bên  không Công giáo không muốn cử hành thể thức kết hôn Công giáo.
Số 28.
Sau khi hoàn thành việc cử hành hôn phối, cha sở chứng hôn lo liệu gởi giấy báo để việc cử hành được ghi vào sổ Hôn phối và Rửa tội.
Cũng phải gởi giấy thông báo hôn phối cho cha sở nơi Rửa tội của mỗi bên, dù nơi Rửa tội là một nơi khác mà các bên không còn cư ngụ, để cha ấy ghi chú vào sổ Rửa tội (đ. 1123).
Số 29.
§1. Một bên có được lý do hợp pháp để ly thân khi bị nguy hiểm nghiêm trọng về tinh thần hay thể xác cho mình hoặc cho con cái, hay đời sống chung trở nên nặng nề do người phối ngẫu kia gây nên (đ. 1153§1).[2]
§2. Khi có lý do hợp pháp ly thân, Bản Quyền địa phương có thể cho phép ly thân bằng một văn bản hay sắc lệnh. Tuy nhiên, nếu có nguy cơ khi phải chờ đợi bên nạn nhân cũng có quyền được ly thân trước khi được ban sắc lệnh (đ.1153§1).
§3. Trong tất cả mọi trường hợp, khi hết lý do ly thân thì phải lập lại cuộc sống chung vợ chồng, trừ khi nhà chức trách Giáo hội đã ấn định cách khác (đ. 1153§2).
Số 30.
§1. Các mục tử, nhất là cha sở, phải chia sẻ với Giám mục Giáo phận nỗi ưu tư mục vụ đối với các tín hữu trong hoàn cảnh khó khăn của ly dị và tái hôn.[3]
§2. Các linh mục cần có sự hiểu biết hoặc học hỏi để có thể tư vấn, điều tra và giúp đỡ các tín hữu có hôn nhân bị tan vỡ mà không thể hàn gắn được, đệ đơn lên tòa án giáo phận để được xét xử vụ án hôn nhân.[4]
 
 
 
 
[1]. x. Bản năng quyền thập niên 1971-1980, tr. 67.87. Giáo luật điều 1067 trao cho HĐGM quy định những nguyên tắc về việc rao. Ở VN hiện nay vẫn áp dụng theo Bản năng quyền thập niên này.
[2] Ví dụ: Chồng ngoại tình rồi về đánh đập hoặc mắng chưởi vợ; chồng rượu chè đánh đập vợ con; cờ bạc gây nợ nần nghiêm trọng hoặc sống du đảng khiến xã hội đen đe dọa người vợ hay chồng kia.
[3] x. Tông thư Mitis Iudex của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, phần hướng dẫn Regole procedurali, art 1.
[4] x. Ibid. art 2&3.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay1,412
  • Tháng hiện tại20,334
  • Tổng lượt truy cập10,722,157
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi