CẨM NANG: 4- NĂNG QUYỀN CHỨNG HÔN - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ bảy - 09/09/2017 04:33

CẨM NANG: 4- NĂNG QUYỀN CHỨNG HÔN - JB. Lê Ngọc Dũng

Đã thường có hiểu lầm là năng quyền chứng hôn thuộc về cha sở của một trong đôi bạn. Cũng có hiểu lầm rằng năng quyền chứng hôn ưu tiên cho cha sở bên nữ. Thật ra, Giáo luật không ban năng quyền cho cha sở của người kết hôn nhưng ban năng quyền cho cha sở của giáo xứ nơi cử hành hôn nhân. Năng quyền chứng hôn có tính tòng địa chứ không tòng nhân, trừ trường hợp một trong đôi bạn thuộc giáo xứ tòng nhân. Cha sở có nhiệm vụ giúp cho người thuộc quyền mình được kết hôn (cấp chứng chỉ, điều tra, rao báo...), nhưng quyền quyết định cho kết hôn hay không lại thuộc quyền cha sở của nơi cử hành hôn nhân. Sự hiểu lầm đã dẫn đến việc cha sở dùng quyền không đúng khi ngăn cản hay đòi hỏi điều kiện, không cho giáo dân thuộc quyền mình được cử hành kết hôn ở một giáo xứ khác. Sự hiểu lầm cũng dẫn tới việc ủy quyền không đúng khi cha sở ủy quyền cho một cha khác để chứng hôn ở giáo xứ khác mà họ đã tạm trú hay đã cư ngụ được ít là một tháng. Rõ là lầm lẫn, vì cha sở đâu có năng quyền chứng hôn ở giáo xứ khác. Cha sở không có năng quyền ở địa sở khác thì đương nhiên cha không thể ủy năng quyền!
4. NĂNG QUYỀN CHỨNG HÔN

4.1. Năng quyền do chức vụ

Chiếu theo chức vụ, Đấng Bản quyền địa phương và cha sở chứng hôn thành sự trong giới hạn địa hạt của mình, chẳng những cho những người thuộc quyền, mà còn cho cả những người không thuộc quyền, miễn là một trong hai người thuộc lễ điển Latinh, trừ khi các vị ấy bị tuyên bố bởi án lệnh hay sắc lệnh chịu vạ tuyệt thông hoặc vạ cấm chế hoặc vạ huyền chức hoặc bị tuyên phạt như vậy (đ.1109).

a- Năng quyền cần thiết để chứng hôn thành sự

Năng quyền (facultas) là điều kiện cần thiết để thừa tác viên có thể chứng hôn thành sự. Nếu thừa tác viên không có năng quyền, việc chứng hôn sẽ vô hiệu hay không thành sự.
Năng quyền chứng hôn thủ đắc được chiếu theo chức vụ hay được ủy nhiệm.

b- Năng quyền do chức vụ, hữu hiệu trong địa hạt

Trước hết, luật quy định năng quyền chứng hôn thủ đắc chiếu theo "chức vụ" (officium), nghĩa là những ai có chức vụ nào đó thì đương nhiên có năng quyền. Giáo luật quy định: Đấng Bản quyền địa phương hoặc cha sở có năng quyền chứng hôn.  
Những linh mục khác nếu không có những chức vụ cha sở hay Bản Quyền địa phương thì không có năng quyền chứng hôn. Họ chỉ có thể được ủy năng quyền để chứng hôn.
Nếu không có năng quyền hay được ủy  nhiệm, việc chứng hôn bị vô hiệu.
Năng quyền tòng địa
Kế đến, điều cần chú ý là, năng quyền chứng hôn mang tính "tòng địa" chứ không "tòng nhân", trừ trường hợp giáo xứ tòng nhân (đ. 1110). Điều 1109 quy định :  "chứng hôn thành sự trong giới hạn địa hạt của mình" (giáo phận, giáo xứ).
Điều trên có nghĩa là, cha sở không có năng quyền chứng hôn ở ngoài địa hạt của mình, ví dụ như là chứng hôn ở nhà thờ giáo xứ khác. Nếu chứng hôn ở ngoài địa hạt giáo xứ, cho dù cho tín hữu kết hôn đó thuộc quyền mình, nghĩa là, dù giáo dân  kết hôn đó thuộc giáo xứ mình, cha sở chứng hôn cũng vô hiệu.
Nếu muốn chứng hôn hữu hiệu ở nhà thờ giáo xứ khác, cha sở đó phải được chính cha sở của giáo xứ "nơi cử hành" kết hôn ủy quyền chứng hôn.
 Ví dụ, đối với đôi hôn phối thuộc giáo xứ A và B lại muốn cử hành tại nhà thờ giáo xứ C, cha có năng quyền chứng hôn là cha sở giáo xứ C, chứ không phải là cha sở giáo xứ A hay B. Cha sở giáo xứ A hay B, hoặc bất cứ cha nào khác, nếu muốn chứng hôn tại giáo xứ C, thì đều cần có sự ủy năng quyền của cha sở giáo xứ C.
Nên lưu ý là đã có những lầm lẫn xảy ra, tưởng rằng năng quyền chứng hôn là "tòng nhân". Như trong ví dụ trên, cha sở A hay B lại ủy quyền chứng hôn cho cha sở C để cha chứng hôn tại giáo xứ C cho con chiên của cha sở A hay B. Điều này hoàn toàn sai lầm vì cha sở A hay B đâu có năng quyền chứng hôn tại giáo xứ C. Khi không có năng quyền thì làm sao lại ủy được!

c- Chứng hôn hữu hiệu và hợp luật

Cần phân biệt về sự "hữu hiệu" và "hợp luật" của việc chứng hôn. Có những trường hợp việc chứng hôn tuy là bất hợp luật nhưng vẫn hữu hiệu.
Về sự hữu hiệu:
Bên nam hay nữ, cho dù không ai có cư sở hay bán cư sở trong giáo xứ, cha sở vẫn có năng quyền chứng hôn thành sự hay hữu hiệu trong địa hạt của mình, như điều 1109 xác định:
Chiếu theo chức vụ, Đấng Bản quyền địa phương và cha sở chứng hôn thành sự trong giới hạn địa hạt của mình, chẳng những cho những người thuộc quyền, mà còn cho cả những người không thuộc quyền,…
Về sự hợp luật:
Tuy nhiên, nếu không ai trong đôi bạn cư ngụ trong giáo xứ được một tháng, để hợp luật, phải có phép của  Đấng Bản quyền hay cha sở riêng của một trong đôi bạn (đ. 1115). [1]
Sự "có phép" này không đòi phải minh nhiên, hay bằng văn bản, nhưng có thể được hiểu rộng rãi qua các hành vi khác nhau: thư giới thiệu, hồ sơ gởi đến, lời nói miệng không văn bản... Ví dụ hồ sơ gởi từ một cha sở ở nước ngoài, có thư giới thiệu, để đôi bạn ở nước ngoài, về Việt Nam cử hành kết hôn tại một nhà thờ giáo xứ Việt Nam, được hiểu là cha sở nước ngoài đó đã cho phép.[2]

4.2. Năng quyền tòng nhân


Đấng Bản quyền và cha sở tòng nhân, chiếu theo chức vụ, chỉ chứng hôn thành sự cho những đôi nào, mà ít ra một người kết ước là người thuộc quyền mình, trong giới hạn thẩm quyền của mình (đ. 1110).
 Đối với những Đấng Bản quyền và cha sở "tòng nhân", thì các ngài có năng quyền chứng hôn thành sự cho hôn nhân mà ít ra có một người trong đôi bạn thuộc giáo xứ tòng nhân đó.
Trong Giáo hội, ngoài những giáo xứ tòng địa thông thường, có những Giáo phận hay giáo xứ tòng nhân đôi khi được thành lập, dành cho những tín hữu có chung một điều gì đó như văn hóa, sắc tộc, ngôn ngữ, lễ điển... Ví dụ, có giáo xứ tòng nhân cho những người Hoa ở Tp HCM; giáo xứ tòng nhân cho những tín hữu Anh Giáo đã trở lại đạo Công Giáo trong một địa hạt rộng lớn hay quốc gia nào đó (họ vẫn được phép giữ lễ điển Anh Giáo).

4.3. Năng quyền do ủy nhiệm

Năng quyền chứng hôn có thể ủy nhiệm và phải theo những nguyên tắc được quy định về việc ủy quyền trong quyền hành pháp (đ. 132).

a- Ủy quyền tổng quát

Bản Quyền địa phương và cha sở có thể ủy quyền chứng hôn tổng quát (ủy chung) cho các tư tế hoặc phó tế, để chứng hôn trong giới hạn địa hạt của mình và phải ủy bằng văn bản để được hữu hiệu (đ. 1111).[3]
Ví dụ, cha sở có thể ủy năng quyền chứng hôn tổng quát cho cha phó trong phạm vi địa hạt giáo xứ.

b- Ủy quyền riêng biệt

 Bản Quyền địa phương và cha sở có thể ủy quyền chứng hôn riêng biệt cho các tư tế và phó tế, để chứng hôn trong giới hạn địa hạt của mình. Để ủy quyền này được hữu hiệu, đòi phải minh nhiên ban cho một người nhất định và chỉ có giá trị cho một đôi hôn nhân nhất định (đ. 1111§2).
Ví dụ, cha sở ủy cho cha phó chứng hôn cho đôi có tên là A-B vào ngày giờ T. Cha phó không thể chứng hôn hữu hiệu nếu cha phó lại nhờ cha khác thay mình. Cha phó này cũng không tự do chứng hôn cho đôi khác có tên là C-D.
Nếu cha sở quy định rằng, mình và cha phó luân phiên nhau (theo tuần hay theo tháng…) để chứng hôn thì sự quy định này được hiểu là ủy quyền tổng quát, vì thiếu yếu tố "minh nhiên ban cho một người nhất định và chỉ có giá trị cho một đôi hôn nhân nhất định". Do đó, khi chứng hôn luân phiên như vậy, cha sở phải ủy bằng văn bản để việc ủy được hữu hiệu.

c- Ủy quyền vượt quá giới hạn địa hạt: vô hiệu

Sự ủy quyền, chiếu theo nguyên tắc luật, sẽ vô hiệu nếu người ủy vượt quá giới hạn quyền mình. Vì vậy, sự ủy quyền sẽ vô hiệu, nếu cha sở ủy quyền cho linh mục hay phó tế cử hành hôn phối ngoài phạm vi địa hạt giáo xứ của mình.
Ví dụ: Các cha sở của đôi bạn ở Úc không thể ủy quyền cho một cha nào cử hành tại một nhà thờ ở Việt Nam, vì cha ở Úc không thể ủy quyền ra ngoài địa hạt của mình, ra đến một nhà thờ giáo xứ ở Việt Nam, cho dù trong hôn nhân đó có một giáo dân thuộc quyền mình (Úc). Chính cha sở của nhà thờ tại Việt Nam, nơi cử hành hôn phối, mới có đủ năng quyền chứng hôn tại nhà thờ giáo xứ mình. Ngài có đủ năng quyền để chứng hôn "thành sự" cho dù đôi bạn mới đến ở tạm một vài ngày. Nhưng để "hợp luật" thì đòi một trong đôi bạn phải đã cư ngụ ở giáo xứ đủ một tháng, nếu không đủ thì cần giấy phép của cha sở, hoặc Bản quyền bên Úc.
Ngoài ra, cũng lưu ý, vì năng quyền sở đắc do chức vụ, sẽ kết thúc khi đã hết chức vụ hay giáo vụ (là cha sở hay Bản quyền): khi đó việc ủy nhiệm năng quyền sẽ vô hiệu (đ.1111).

d- Chuyển ủy

Ủy quyền tổng quát có thể chuyển ủy từng trường hợp một. Ủy quyền riêng biệt không được chuyển ủy trừ khi vị ủy quyền minh nhiên ban phép (đ. 137§3).
Ví dụ: Cha phó được cha sở ủy quyền chứng hôn cho một đôi nhất định, tên là A-B, ngài không có quyền chuyển ủy cho một cha khác chứng hôn, trừ khi cha sở trước đó đã ban phép cha phó được chuyển ủy một cách rõ ràng.

e- Bổ khuyết việc ủy năng quyền chứng hôn

Năng quyền chứng hôn được quy định ở điều 1111§1 có thể được Giáo hội bổ khuyết hay bù, theo nguyên tắc của điều 114:
§1. Khi có lầm lẫn chung hoặc về sự kiện hoặc về luật, cũng như khi có hồ nghi tích cực và hợp lý hoặc về luật hoặc về sự kiện, thì Giáo hội bổ khuyết quyền hành pháp lãnh đạo ở cả toà trong lẫn toà ngoài.
§2. Quy tắc này cũng được áp dụng cho những năng quyền được nói đến ở những điều 882, 883, 966 và 1111§1.
Điều 1111§1 lại quy định như sau:
Bao lâu còn chu toàn giáo vụ của mình cách hữu hiệu, Đấng Bản quyền địa phương và cha sở có thể uỷ nhiệm năng quyền, kể cả năng quyền tổng quát, cho các tư tế và phó tế, để chứng hôn trong giới hạn của địa hạt mình.
Vì điều 1111§1 chỉ quy định về sự ủy quyền chứng hôn,  nên phải xác định rõ là, Giáo hội chỉ bổ khuyết năng quyền trong việc "ủy quyền" chứng hôn, chứ không bổ khuyết năng quyền chứng hôn do chức vụ (cha sở hay Đấng Bản quyền).[4]
Việc bổ khuyết hay bù năng quyền của Giáo hội không được áp dụng rộng rãi ở nhiều phạm vi. Không phải bất cứ sự sơ xuất hay lầm lẫn nào cũng được bù. Luật bổ khuyết được quy định rất chặt chẽ cho từng trường hợp. Được thấy rõ là, chỉ có ba bí tích mới được bù năng quyền và được chỉ định rõ ràng.
Việc bù năng quyền được áp dụng cho bí tích Thêm sức thì được quy chiếu đến điều 882, 883; cho bí tích Giải Tội thì được quy chiếu đến điều 966. Theo những điều luật này, việc bù năng quyền Thêm sức hay Giải Tội, được áp dụng cho việc "thủ đắc năng quyền" lo luật, do chức vụ hay do được ban riêng. Ví dụ, một linh mục, do lầm lẫn, giải tội mà chưa được ban năng quyền, thì việc xá giải vẫn hữu hiệu, do luật bổ khuyết năng quyền.
Tuy nhiên, đối với bí tích hôn phối, việc bù lại chỉ áp dụng trong phạm vi điều 1111§1, là điều quy định về việc "ủy năng quyền". Điều luật 1111§1 không quy định về việc thủ đắc năng quyền do chức vụ, như là Đấng Bản quyền hay cha sở có quyền chứng hôn, được nói ở điều 1109.
Vì vậy, khi ban hay nhận "quyền ủy" chứng hôn mà có lầm lẫn chung về sự kiện hoặc về luật, cũng như khi có hồ nghi tích cực và hợp lý thì được luật bổ khuyết, trong những gì liên quan đến những điều được nói đến ở điều 1111§1.
Cụ thể là có thể lầm lẫn hay hồ nghi về:
- Sự hữu hiệu của chức vụ, ví dụ như cha tưởng lầm mình còn là cha sở và cha ủy quyền, nhưng thực ra cha đã hết quyền cha sở.
- Sự ủy hay thụ ủy, nghĩa là, về vấn đề có ủy hay không, hoặc lầm người thụ ủy này với người thụ ủy kia. Ví dụ, cha sở ủy cho cha phó A nhưng lại bị hiểu lầm là cho cha phó B.
- Giới hạn của ủy quyền, nghĩa là về vấn đề phạm vi địa hạt của ủy quyền. Ví dụ, cha sở tưởng lầm hay hồ nghi nhà nguyện nơi chứng hôn trong địa hạt X nào đó, nơi xa xôi, thuộc về giáo xứ mình hay không; hoặc tương tự, một nơi mà không có biên giới rõ rệt giữa hai giáo xứ.
Trên đây chỉ là những trường hợp có thể xảy ra, còn có thể có những trường hợp khác áp dụng việc bổ khuyết về việc ủy quyền chứng hôn.
Cần lưu ý là luật không cho bù năng quyền chứng hôn chiếu theo chức vụ.
Ví dụ: Một linh mục, mới chịu chức, hoặc cha dòng, không là cha sở, tưởng lầm rằng mình có năng quyền nên chứng hôn. Hôn nhân cử hành vô hiệu, không được bù năng quyền. Để thành sự hóa hôn nhân vô hiệu này, cần phải nhờ đến giải pháp thành sự hóa đơn thuần hoặc điều trị tại căn; không áp dụng luật bù năng quyền.

g- Lý do bổ khuyết việc ủy năng quyền chứng hôn

Có thể thấy rằng, việc ủy nhiệm năng quyền chứng hôn đôi khi có thể bị lầm lẫn nên Giáo luật dự trù việc bù, tránh phần thiệt hại cho giáo dân.
Ví dụ, cha sở đã ủy năng quyền chứng hôn cho cha phó cách tổng quát mà không làm bằng văn bản, vì do không biết luật. Chiếu theo luật ủy quyền thì những đôi hôn phối cha phó cử hành thì vô hiệu. Tuy nhiên, Giáo hội bù cho năng quyền ủy này để những hôn nhân đó được hữu hiệu.
Ngược lại, việc bù năng quyền chứng hôn do chức vụ lại không được luật cho phép. Vì nếu bù, sẽ giảm giá trị cho luật ban năng quyền dành riêng cho chức vụ là Đấng Bản quyền hay cha sở.[5] Hơn nữa, sự lầm lẫn hay hoài nghi về thủ đắc năng quyền do chức vụ khó xảy ra. Một linh mục không thể nào lầm lẫn về năng quyền chứng hôn theo chức vụ (cha sở), vì kiến thức của một linh mục về bí tích hôn phối; và vì nhiệm vụ chuẩn bị cho đôi bạn kết hôn và điều tra về những ngăn trở luật quy định khá kỷ lưỡng.

h- Nhiệm vụ chứng minh và xác tín khi chứng hôn


Trước khi ban uỷ quyền riêng biệt, phải chu toàn tất cả những gì luật đã ấn định để chứng minh tình trạng thong dong của các bên (đ. 1113).
Cha sở, vị có năng quyền chứng hôn, là người "phải chu toàn tất cả những gì luật đã ấn định" như: chu toàn việc thiết lập hồ sơ, điều tra, rao báo… để chứng minh tình trạng thong dong của những người kết ước hôn nhân. Điều này giúp ngài thi hành trọn nhiệm vụ mà luật đòi hỏi. Đó là phải chắc chắn rằng việc kết hôn là thành sự và hợp pháp (đ. 1066), trước khi ngài ủy quyền riêng biệt.
Đối với người thụ ủy, nếu được ủy cách tổng quát, thì tuy không bị buộc phải chu toàn tất cả những gì luật đòi để chứng minh tình trạng thong dong, nhưng bị đòi phải có sự chắc chắn về tình trạng thong dong của người kết hôn (đ.1114):
Người chứng hôn hành động bất hợp pháp, nếu họ không có sự xác tín về tình trạng thong dong những người kết ước chiếu theo quy tắc của luật cũng như về phép của cha sở, nếu có thể, mỗi khi họ chứng hôn do một sự uỷ quyền tổng quát.
Theo nguyên tắc chung, người chứng hôn, dù là có năng quyền hay được ủy quyền đều bị đòi buộc phải "biết chắc không có gì cản trở việc cử hành bí tích thành sự và hợp pháp" (đ. 1066), tuy nhiên ta thấy có sự khác biệt trong nhiệm vụ giữa người ủy và người thụ ủy:
Cha sở, có năng quyền, có quyền ủy, thì: "phải chu toàn tất cả những gì luật đã ấn định" (đ. 1113) như chu toàn việc thiết lập hồ sơ, điều tra, rao báo…Cha thụ ủy thì cần sự xác tín: "xác tín về tình trạng thong dong những người kết ước" (đ.1114).
 
[1] Được hiểu là cho phép đôi bạn cử hành kết hôn.
[2]  Cha sở nơi chứng hôn cũng cần chắc chắn rằng hôn nhân này không có gì ngăn trở để kết hôn hữu hiệu và hợp luật (đ. 1066). Vì vậy, cha sở của một trong hai bên nam hay nữ, khi gởi hồ sơ đi, phải đính kèm bản xác nhận là không có gì ngăn trở - nihil obstat.
[3] Ủy quyền tổng quát mà không có văn bản thì vô hiệu.
Giáo luật cũng dự trù ủy quyền cho giáo dân chứng hôn:
Điều 1112:
§1. Ở đâu thiếu tư tế và phó tế, Giám mục Giáo phận có thể uỷ quyền cho giáo dân để chứng hôn, sau khi được Hội Đồng Giám mục chấp thuận và được Toà Thánh ban phép.
§2. Phải chọn một người giáo dân có khả năng xứng hợp để có thể đào tạo các đôi vợ chồng tương lai và có đủ tư cách cử hành phụng vụ hôn nhân cách đúng phép.
 
[4] x. JOHN M. HUELS, Empowerment for Ministry: A Complete Manuel on Diocesan Faculties for Priests, Deacons and Lay Ministers, Paulist Press, New Jersey 2003, 56-65.
 
 
 
[5] x. Ibid.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay1,412
  • Tháng hiện tại20,399
  • Tổng lượt truy cập10,722,222
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi