TUYÊN KẾT HAY TUYÊN BỐ HÌNH PHẠT? - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ sáu - 30/07/2021 09:09
Trong Giáo luật, xuất hiện nhiều lần cụm từ Latin poena "irrogata vel declarata". Trong phần chế tài hình sự, đã dịch là hình phạt được "tuyên kết hay tuyên bố" . Tuy nhiên từ ngữ chuyển dịch cần phải được xem xét lại cho phù hợp với ý nghĩa của Giáo luật. Tác giả bài viết đề nghị chuyển dịch thành hình phạt được "áp đặt và tuyên bố"; xác định việc "áp đặt" được dùng cho hình phạt hậu kết, còn "tuyên bố" được dùng cho một sô trường hợp phạm nhân đã mắc hình phạt tiền kết từ trước.
TUYÊN KẾT HAY TUYÊN BỐ HÌNH PHẠT?
 
Trong Giáo luật, xuất hiện nhiều lần cụm từ Latin "irrogata vel declarata" hay tương tự, đã dịch là được "tuyên kết hay tuyên bố". Riêng trong quyển VI quy định về chế tài trong Giáo Hội, gốc chữ irrog xuất hiện 29 lần, trong toàn bộ Giáo luật xuất hiện 35 lần và hầu hết được dịch là "tuyên kết".
Như cả ba triệt của điều 1342 đều thấy xuất hiện hai từ ngữ Latin đó:
§1: poena irrogari vel declarari potest: hình phạt có thể được tuyên kết hay tuyên bố.
§2: Per decretum irrogari vel declarari non possunt poenae perpetuae: Sắc lệnh không thể tuyên kết hay tuyên bố những hình phạt chung thân.
§3: quod attinet ad poenam irrogandam vel declarandam in iudicio; liên quan tới việc tuyên kết hay tuyên bố một hình phạt.
Tuyên bố hay tuyên kết hình phạt phân biệt như thế nào?
Đã có người giải thích, thẩm phán khi xét xử thì "tuyên kết" hình phạt, còn nhà cầm quyền như Đấng Bản quyền thì ra sắc lệnh "tuyên bố" hình phạt. Phải chăng sự giải thích này là đúng?
Để giải thích đúng đắn, cần phải xác định lại "irrogata vel declarata" có nghĩa là gì trong phạm vi pháp lý. Và khi đã xác định được ý nghĩa thì có nên thay đổi cách dịch Việt ngữ để diễn tả cho đúng trong bộ Giáo luật hay không?

1. Ý nghĩa của chữ Latin "irrogata"

Hãy so sánh bản dịch các tiếng Anh, Ý, Pháp, Việt đối với bản gốc Latin:  
Latin: poena irrogari vel declarari potest (1342§1)
Anh: a penalty can be imposed or declared
Ý: la pena può essere inflitta o dichiarata
Pháp: la peine peut être infligée ou déclarée
Việt: hình phạt có thể được tuyên kết hay tuyên bố.
Chữ "declarata" được dịch là "được tuyên bố" thì đã rõ, không có vấn đề, cần xem xét ý nghĩa chữ "irrogata".
Trong La ngữ, irrogo được  https://www.wordsense.eu/irrogari/ dịch như sau:
- I propose, demand or call for something against someone.
- I impose, inflict; appoint, ordain.
- I exercise.
Trong ba bản dịch Anh, Ý, Pháp nói trên đều lấy ý nghĩa: áp đặt, nện, giáng, bắt phải chịu (to impose, infliggere); không hề có ý nghĩa "tuyên" nào cả.
Theo tự điển Hán Việt phổ thông, chữ "tuyên" có nghĩa: bộc lộ, bày tỏ, tuyên bố, nói ra (x. https://hvdic.thivien.net/hv/tuy%C3%AAn).
Có sự khác biệt nhau về hình phat tiền kết và hậu kết liên hệ tới chữ "tuyên". Ít ra là đối với tội và hình phạt "tiền kết" thì nó hoàn toàn nằm trong bí mật, riêng tư, không thể dùng chữ "tuyên" (bộc lộ, bày tỏ) để diễn tả sự bị phạt đó được, trừ khi giáo quyền sau này "tuyên bố" nó ra, như sẽ được bàn ở phần tiếp theo của bài viết. Do đó, khi dùng chữ "tuyên kết" và "tuyên bố" cho cả hai hình phạt tiền và hậu kết thì sẽ bị lẫn lộn và sai lạc.

Tới đây xin được đề nghị sửa lại cách dịch của cụm từ Latin: Poena irrogari vel declarari potest
- "Hình phạt có thể được áp đặt hay tuyên bố"  
thay cho cách dịch cũ:
- "Hình phạt có thể được tuyên kết hay tuyên bố"

2. Cách dùng từ "áp đặt" và "tuyên bố" hình phạt

Ngoài rất nhiều trường hợp hai từ "áp đặt" và "tuyên bố" hình phạt đi với nhau, được nối bởi chữ hoặc/hay, như thấy ở điều 1342 nói trên, còn thấy hai từ này xuất hiện riêng rẽ.
Chúng ta thử khảo sát để xem giáo luật đã dùng những từ ngữ này riêng rẽ cho những trường hợp về chế tài như thế nào.
Hãy xét đến trường hợp định nghĩa cho hình phạt tiền kết và hậu kết ở điều 1314.
Can. 1314
Poena ordinarie est ferendae sententiae, ita ut reum non teneat, nisi postquam irrogata sit; est autem latae sententiae si lex vel praeceptum id expresse statuat, ita ut in eam incurratur ipso facto commissi delicti.
Hình phạt thường là hậu kết (ferendae sententiae), nghĩa là nó không ràng buộc phạm nhân cho đến khi bị áp đặt; còn hình phạt là tiền kết (latae sententiae), nếu được luật và mệnh lệnh minh nhiên ấn định điều đó, nghĩa là phạm nhân tự động bị phạt do chính sự kiện là đã phạm tội.
Trong trường hợp hình phạt là hậu kết, phạm nhân bị áp đặt (irrogata) hình phạt do người có quyền ra phạt, như là Đấng Bản quyền, Bề trên, thẩm phán.
Trong trường hợp hình phạt là tiền kết, phạm nhân "tự động" (ipso facto) bị phạt, do có luật quy định rõ ràng như vậy về hình phạt khi họ vi phạm.
Ví dụ:  "Người nào thi hành việc phá thai, và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì mắc vạ tuyệt thông tiền kết" (đ.1397§2 hay đ. 1398 cũ).
Đối với hình phạt tiền kết, Giáo luật không sử dụng từ "bị áp đặt" (irrogata), vì thực ra, phạm nhân "tự động" bị phạt hay mắc vạ do chính sự kiện phạm tội (ipso facto), chứ không bị ai áp đặt, bắt chịu hay giáng xuống hình phạt đó.
Hình phạt nếu là tiền kết thì sau khi mắc rồi, thì có thể đi đến việc "tuyên bố" của giáo quyền. Như được thấy ở điều 1333§2.
Can.1333§2.
Quod si excommunicatio ferendae sententiae irrogata vel latae sententiae declarata sit,
Nếu vạ tuyệt thông hậu kết đã được áp đặt hoặc vạ tuyệt thông tiền kết đã được tuyên bố,
Tại sao lại dùng từ ngữ phân biệt như vậy?
Như đã nói, theo định nghĩa của Giáo luật, hình phạt tiền kết đã tự động giáng xuống hay áp đặt phạm nhân rồi, ngay khi họ vi phạm luật, chứ không bị hình phạt bởi giáo quyền. Nói cách khác, phạm nhân tự động mắc hình phạt, chứ không ai áp đặt hay giáng phạt nữa. Giáo quyền chỉ có thể "tuyên bố" ra hình phạt tiền kết mà phạm nhân đã bị mắc. Nếu nói là giáo quyền "áp đặt" hình phạt thì hình phạt đó không còn là tiền kết mà là hậu kết, nghĩa là nó bị nói sai trong chính định nghĩa của luật.  
Theo đó, hình phạt tiền kết đôi khi có thể được "tuyên bố" (declarata), chứ không bị "áp đặt" (irrogata), bởi một người có quyền phạt. Một số điều luật sử dụng từ ngữ như vậy, có thể kể như:
Can. 1335§2:
- quod si censura latae sententiae non sit declarata,
- nếu vạ tiền kết chưa được tuyên bố
Can.1352§2:
- Obligatio servandi poenam latae sententiae, quae neque declarata sit neque sit notoria in loco ubi delinquens versatur,
- Việc buộc phải tuân giữ một hình phạt tiền kết, mà chưa được tuyên bố hay chưa được biết đến,
Điều 1355§1 nói một cách phân biệt cho cả hai loại phạt: tiền kết đi với irrogata; hậu kết đi với declarata
- quae sit ferendae sententiae irrogata vel latae sententiae declarata
- nếu hình phạt hậu kết đã được áp đặt hay hình phạt tiền kết đã được tuyên bố.

3- Hệ quả của sự "tuyên bố" hình phạt tiền kết

Cũng nên biết thêm, khi hình phạt tiền kết đã được "tuyên bố" thì hình phạt cũng sẽ thay đổi hay tình trạng pháp lý của phạm nhân bị thay đổi. Ví dụ, một trong những điều cấm của vạ tuyệt thông tiền kết là cấm thực hiện những hành vi lãnh đạo (đ. 1333§1,60), nhưng khi vạ này đã được tuyên bố thì phạm nhân thực hiện những hành vi lãnh đạo này không chỉ bị "bất hợp luật" chiếu theo điều 1333§1,60 mà còn bị "vô hiệu" chiếu theo điều 1333§2,20.
Ví dụ, một Đấng Bản quyền địa phương đang mắc vạ tuyệt thông tiền kết, chưa bị "tuyên bố" bởi cấp trên có quyền. Nếu Đấng Bản quyền này ra sắc lệnh bổ nhiệm một cha sở thì việc bổ nhiệm này là "bất hợp luật". Tuy nhiên, nếu vạ này đã được "tuyên bố" thì việc bổ nhiệm của đấng ấy bị "vô hiệu", trừ trường hợp được bổ khuyết quyền hành pháp lãnh đạo (đ. 144§1). Và nếu, chức vụ cha sở đã bị vô hiệu, thì kéo theo một số hành vi của cha sở cũng bị vô hiệu. Ví dụ, việc chứng hôn cha sở đó sẽ bị vô hiệu (đ. 1108§1).
Sự kiện trên cho thấy, một hình phạt tiền kết nào khi chưa được tuyên bố thì tội và hình phạt còn đang thuộc "tòa trong", nghĩa là đang còn trong bí mật, riêng tư. Một khi được "tuyên bố" thì sự việc được chuyển ra "tòa ngoài"; và vì đó sẽ làm cho một số hành vi pháp lý tòa ngoài bị chi phối và có thể bị vô hiệu, nếu có điều luật ấn định như vậy cho hành vi đó.

Kết luận:

Khi Giáo luật nói về chế tài hình sự, liên quan đến việc ra phạt với cụm từ Latin "poena irrogata vel declarata", hay tương tự, thì được chuyển dịch Việt ngữ là "hình phạt được áp đặt hoặc được tuyên bố", hay tương tự.  Hành vi "áp đặt" hình phạt cho phạm nhân được thực hiện do người có quyền, áp dụng cho trường hợp hình phạt là hậu kết. Còn hành vi "tuyên bố" thì cũng được thực hiện do người có quyền, nhưng chỉ áp dụng cho trường hợp hình phạt là tiền kết, vì phạm nhân đã  tự động mắc hình phạt rồi, chỉ thêm việc "tuyên bố" ra mà thôi. Việc "tuyên bố" ra một hình phạt tiền kết, có nghĩa là đưa phạm nhân ra phạm vi tòa ngoài và có thể chi phối tình trạng hay hành vi pháp lý của phạm nhân theo luật định.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay1,902
  • Tháng hiện tại36,859
  • Tổng lượt truy cập10,738,682
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi