Xin giới thiệu 25 mẫu, mẫu đơn, phần lớn thuộc lãnh vực bí tích hôn phối, được soạn thảo năm 2019, để đáp ứng một số yêu cầu: 1- Có những mẫu đơn xin mới: Xin gia nhập đạo, học giáo lý tân tòng, xin đăng ký kết hôn, xin phép kết hôn hỗn hợp, xin điều trị tại căn hôn phối... 2- Chỉnh sửa một số khiếm khuyết ở các mẫu đơn cũ, ví dụ chứng nhận Bí tích Hôn phối hoặc sổ Hôn phối mà không có mục ghi ngày và nơi Rửa tội (quả là một thiếu sót).
Quý cha có thể download một file PDF tổng hợp các mẫu đơn từ trang mạng này và sau đó có thể cho in ra từng mẫu. Quý cha cũng có thể gởi email đến jbdung@yahoo.com để con gởi qua email tất cả các file riêng biệt dạng PDF hay word (để có thể soạn thảo lại).
Ngoài tính pháp lý, điểm chung của các mẫu, mẫu đơn, soạn thảo năm 2019 này là:
a)- Có ghi thêm số điện thoại và email của cha sở và tín hữu liên hệ để thuận tiện cho việc liên lạc.
b)- Phần chấp thuận hay phê chuẩn của Đấng Bản Quyền địa phương, đối với đơn xin hay thỉnh cầu, được ghi thành văn bản, Giáo luật gọi là phúc chiếu (rescriptum), như điều luật sau quy định:
Điều 59 §1. Phúc chiếu (rescriptum) là hành vi hành chính do nhà chức trách có thẩm quyền hành pháp ban hành bằng văn bản; tự bản chất, phúc chiếu ban một đặc ân, một ơn miễn chuẩn hay một ân huệ nào khác, theo sự thỉnh cầu của một người.
Phần phúc đáp hay phúc chiếu của Đấng Bản quyền: chấp thuận hay phê chuẩn, vì vậy, được ghi thành câu ngắn gọn ở phần cuối đơn xin.
Nên phân biệt:
a) Phần lớn các miễn chuẩn (điều 1078) hay ban phép về hôn phối thuộc thẩm quyền của các Bản quyền địa phương (Ordinarius), là những vị có thường quyền hành pháp, bao gồm Giám mục giáo phận, cha Tổng Đại Diện và cha Đại Diện Giám mục đặc trách vùng hay miền . Thông thường đơn xin hôn phối được gởi đến một trong các vị này, chứ không nhất thiết là phải gởi đến Giám mục giáo phận, trừ trường hợp Giáo luật dành quyền riêng cho Giám mục, ví dụ như quyền ban ơn điều trị tại căn hôn phối; hoặc quyền miễn chuẩn được dành riêng cho Tòa Thánh, ví dụ như miễn chuẩn chứ Thánh.
Vì vậy, phần phúc chiếu chấp thuận ban ơn miễn chuẩn hay cho phép kết hôn thông thường, được ghi cách tổng quát là của “Đấng Bản quyền” chứ không ghi “Giám mục giáo phận”.
Tuy nhiên, thẩm quyền ban những miễn chuẩn này không thuộc về vị Đại diện Tư pháp hoặc các đại diện Giám mục đặc trách về công việc nào đó, như: Đại diện Giám mục đặc trách Đại Chủng Viện, Đại diện Giám mục đặc trách tu sĩ..., trừ khi sắc lệnh của Giám mục giáo phận có ấn định riêng về quyền miễn chuẩn.
b) Ngày và nơi Rửa tội là chi tiết quan trọng và cần thiết trong hầu hết các mẫu đơn, giúp xác định căn tính của Kitô hữu. Các thay đổi về nhân thân quan trọng như kết hôn, khấn dòng, chịu chức đều phải gởi giấy về cha sở giáo xứ nơi Rửa tội để ghi chú vào sổ Rửa tội. Các mẫu đơn, vì vậy, cần ghi nơi Rửa tội là “tại giáo xứ”, chứ không nên ghi là “tại nhà thờ”, trừ trường hợp tên nhà thờ và tên giáo xứ trùng nhau. Nếu ghi nơi Rửa tội với tên nhà thờ, ví dụ nhà thờ “Đức Mẹ Vô Nhiễm”, trong khi tên giáo xứ là Thanh Hải, giáo phận Nha Trang, thì khó có thể biết được giáo xứ nào để gởi giấy thông báo đến.
Các mẫu đơn, được kể như sau:
1- Bản khai trước kết hôn
2- Bản khai trước kết hôn, Anh ngữ
Các bản khai này được dùng thay cho bản tra vấn kết hôn cũ, vì bản tra vấn cũ quá ngắn gọn, dễ gây những thiếu sót quan trọng cho sự hữu hiệu của hôn phối. Bản khai mới được soạn thảo không những lưu ý đến sự tự do kết hôn, sự đơn nhất và bất khả phân ly, mà còn đến các ngăn trở tiêu hôn, cấm hôn và những trở ngại cho việc hiểu biết lẫn nhau, tránh những lầm lẫn lường gạt có thể xảy ra. Bản khai cần làm ngay từ khi đăng ký kết hôn, không được để đến cận ngày cử hành kết hôn, vì lúc đó có trở ngại sẽ khó mà khắc phục được.
3- Đơn xin gia nhập đạo Công giáo, kết hôn
Đơn này dành cho người xin học giáo lý và gia nhập đạo Công giáo, trong đó thể hiện sự tự do xin theo đạo và có thể tiến đến kết hôn. Đơn này có ghi địa chỉ và số điện thoại của cha mẹ và anh chị em người xin, thuận tiện cho cha sở hay cha đón nhận dự tòng có thể điều tra khi có nghi ngờ, vì có những trường hợp đã được Rửa tội rồi hoặc đã có kết hôn rồi mà lại man khai.
Khi cha sở nhờ cha sở nơi dự tòng cư ngụ (giáo xứ mà nơi người lương thường trú) giúp điều tra thì có thể gởi cho ngài một bản mà nguyên đơn đã ký nhận. Không nên xin cha sở nơi người lương hay Tin lành... cư ngụ “giới thiệu” người đó, vì cha sẽ không “giới thiệu” với lý do là không biết về người lương đó.
4- Đơn xin đăng ký kết hôn hỗn hợp, khác đạo
Đối với hôn nhân khác đạo, không đơn giản là chỉ là việc xin miễn chuẩn ngăn trở. Ngay từ bước đầu, người ngoài Công giáo (lương, Tin lành...) cần làm đơn này để xin cha sở, trong đó có ghi địa chỉ và số điện thoại của cha mẹ và anh chị em của nguyên đơn, thuận tiện cho cha sở hay cha đón nhận họ vào lớp dự tòng, có thể điều tra khi có nghi ngờ.
Khi có nghi ngờ, cha sở lo thủ tục nên nhờ cha sở nơi dự tòng cư ngụ “giúp điều tra” và gởi cho ngài một bản mà nguyên đơn đã làm và ký nhận. Cha sở sẽ vui lòng “giúp điều tra”, nhờ qua các chức việc khu vực người lương cư ngụ. Không nên yêu cầu cha sở nơi người lương hay Tin lành... ở “giới thiệu”, như đã nói trên.
5- Giấy làm chứng của thân nhân
Đối với hôn nhân khác đạo, hỗn hợp hay của người tân tòng, khi có sự nghi ngờ, cha sở cũng có thể tùy nghi áp dụng mẫu đơn này, yêu cầu sự chứng nhận của cha mẹ về tình trạng hôn nhân của đương sự. Đôi khi cũng cần yêu cầu gởi hình ảnh hay các giấy tờ khác của cha mẹ của bên không Công giáo hay tân tòng để xác minh.
6- Giấy giới thiệu hôn phối
Cha sở có thể biết chắc tín hữu mình chưa kết hôn nhưng không thể biết chắc là không có ngăn trở kết hôn nào khác. Vì vậy, sự giới thiệu, không xác quyết ngay sự thong dong của tín hữu sắp kết hôn, nhưng được viết như sau:
Căn cứ vào ghi chú của sổ Rửa tội, sổ Hôn phối và theo điều tra sơ khởi ban đầu trong giáo xứ, không thấy anh/chị này có ngăn trở dây hôn phối, chức thánh hay khấn dòng, cũng chưa thấy có các ngăn trở nào khác cho việc cử hành hôn phối hữu hiệu và hợp luật, với anh/chị: ..............
7- Xin rao hôn phối, kết quả rao
Mẫu tờ rao hôn phối này có ghi thêm số điện thoại và email của cha sở xin rao, để dễ liên lạc khi cần thiết. Có thể in cả hai phần xin rao và kết quả rao trên hai mặt của một tờ A4. Cha đã thực hiện rao có thể ghi kết quả vào tờ rao và gởi trả kết quả.
Trong trường hợp cần thiết, quý cha có thể chụp hình tờ xin rao hay kết quả rao và gởi qua số điện thoại, nhờ qua máy điện thoại di động hiện nay, hoặc gởi qua email. Cũng lưu ý là việc nhờ tín hữu chuyển thư xin rao hay kết quả rao đôi khi cũng có những khó khăn, sai sót hay thất lạc. Thật ra, đã có những trường hợp tín hữu trao trễ hay không trao thư xin rao cho cha sở nơi rao. Đến cận kề ngày cưới thì mới khám phá ra sự cố, thật khó xử!
8- Đơn xin miễn chuẩn ngăn trở hôn nhân khác đạo
Đơn này cần làm thành 4 bản hoặc photo ra đủ 4 bản để có thể: lưu giữ tại TGM, tại giáo xứ và mỗi bên kết hôn lưu giữ, yêu cầu họ ý thức về lời đã cam kết.
9- Đơn xin phép kết hôn hỗn hợp
Kết hôn hỗn hợp cần “xin phép” chứ không xin “miễn chuẩn” (đ. 1124). Đơn cũng cần làm thành 4 bản hoặc photo ra đủ 4 bản để có thể: lưu giữ tại TGM, tại giáo xứ và mỗi bên kết hôn lưu giữ, yêu cầu họ ý thức về lời đã cam kết.
10- Đơn xin phép kết hôn theo điều 1071
Ngoài hôn nhân hỗn hợp, một số trường hợp khác cũng cần phải “xin phép” Đấng Bản quyền địa phương, chiếu theo điều 1071:
§1. Trừ trường hợp cần thiết, nếu không có phép Đấng Bản Quyền địa phương, không ai được chứng hôn:
10 Hôn nhân của những người không có cư sở;
20 Hôn nhân nào không thể được công nhận hay không thể được cử hành chiếu theo quy tắc của luật dân sự ;
30 Hôn nhân của người mắc những nghĩa vụ tự nhiên phát sinh do cuộc phối hợp trước, đối với bên kia hoặc đối với con cái;
40 Hôn nhân của người đã hiển nhiên chối bỏ đức tin Công giáo;
50 hôn nhân của người còn đang bị mắc vạ;
60 hôn nhân của người vị thành niên, khi cha mẹ không hay biết hoặc đã phản đối cách hợp lý;
70 hôn nhân cử hành qua người đại diện, được nói đến ở điều 1015.
§2. Đấng Bản Quyền địa phương không được ban phép chứng hôn cho người đã hiển nhiên chối bỏ đức tin Công giáo, trừ khi đã giữ những quy tắc được nói đến ở điều 1125, với những thích nghi cần thiết.
11- Đơn xin miễn chuẩn thể thức kết hôn và ngăn trở khác đạo
12- Đơn xin miễn chuẩn thể thức và xin phép kết hôn hỗn hợp
Miễn chuẩn thể thức kết hôn, nghĩa là miễn chuẩn việc cử hành nghi thức kết hôn Công giáo theo Giáo luật (forma canonica). Sự miễn chuẩn này chỉ dành cho kết hôn khác đạo hay hỗn hợp, đối với trường hợp người ngoài Công giáo không chịu kết hôn theo nghi thức Công giáo. Ở Việt Nam sự miễn chuẩn thể thức giáo luật (forma canonica) này ít khi được ban.
13- Đơn xin miễn chất vấn trong đặc ân Thánh Phaolô
Trong áp dụng đặc ân Thánh Phaolô để kết hôn, khi thấy rõ là không thể thực hiện được việc “chất vấn” (interpellatio) hoặc có chất vấn cũng vô ích, qua một thủ tục ít là đơn giản, thì buộc cha sở phải xin miễn chuẩn việc chất vấn. Nếu bỏ qua việc chất vấn mà không xin miễn chuẩn chất vấn, việc kết hôn không thành sự (đ. 1144§2).
Lưu ý là sự ly dị ở toà án dân sự không đủ để cha sở tự cho phép bỏ qua việc chất vấn trong áp dụng đặc ân Thánh Phaolô. Ngoài ra, sự đã ly dị và theo đạo của một người lương không đương nhiên là có thể đi đến kết hôn công giáo hữu hiệu. Để kết hôn được hữu hiệu phải áp dụng đặc ân Thánh Phaolô cùng với việc tuân thủ những quy định của Giáo luật tương ứng. Nói rõ hơn, nếu chỉ căn cứ vào sự ly dị của bên lương theo đạo để cho kết hôn với bên Công giáo thì hôn nhân này vô hiệu.
Trong thực tế, đã có những kết hôn theo đặc ân thánh Phaolô bị vô hiệu, do không thực hiện “chất vấn” mà cũng không xin miễn chuẩn chất vấn. Tuy nhiên, hôn nhân vẫn được coi là hữu hiệu, trừ khi một hay hai bên khiếu nại lên Tòa án giáo phận xin chia tay và đã được tòa án công bố hôn nhân là vô hiệu.
14- Đơn xin điều trị tại căn vì chỉ có kết hôn dân sự, khác đạo hay hỗn hợp
Đơn áp dụng cho trường hợp người Công giáo đã chỉ có kết hôn dân sự với người lương hay Tin lành... từ trước đây và đã trãi qua thời gian sống chung vợ chồng và vẫn chung thủy với nhau. Nay, để ra khỏi tình trạng rối hôn phối, sống đạo tốt hơn, bên Công giáo muốn hợp thức hoá hôn phối, nhưng bên người lương hay Tin Lành..., tuy muốn duy trì đời sống vợ chồng, lại không chấp nhận gặp cha sở để cử hành hôn phối (phép giao) tại nhà thờ hay ngay cả tại tư gia. Các cha sở nên áp dụng việc xin Đức Giám Mục giáo phận điều trị tại căn để giúp bên Công giáo sống đạo.
15- Đơn xin điều trị tại căn vì đã cử hành nghi thức hôn phối nhưng bị vô hiệu
Đơn áp dụng cho trường hợp nghi thức hôn phối Công giáo đã được cử hành, nhưng sau đó lại khám phá ra rằng đôi bạn có ngăn trở tiêu hôn hoặc vị chứng hôn đã biết có ngăn trở nhưng quên không xin miễn chuẩn trước khi cử hành.
Đơn cũng áp dụng cho trường hợp việc cử hành nghi thức hôn phối đã bị khiếm khuyết đến mức vô hiệu; ví dụ, cha chứng hôn không có năng quyền, cử hành hôn phối mà thiếu người làm chứng, cử hành hôn phối theo đặc ân thánh Phalô mà không thực hiện chất vấn cũng không xin miễn chuẩn chất vấn.
Trong những trường hợp trên, hôn nhân vẫn bị vô hiệu cho dù vị chứng hôn không biết hay sơ xuất. Hôn nhân buộc phải cử hành lại để hữu hiệu. Để tránh phiền toái hay chướng kỳ do việc cử hành hôn nhân lại lần thứ hai, buộc phải được điều trị tại căn để hôn nhân được hữu hiệu.
16- Chứng thư Rửa tội, Thêm sức (Việt - Anh)
17- Chứng thư hôn phối
18- Chứng thư hôn phối (Việt - Anh)
Các chứng nhận bí tích bao giờ cũng phải có ghi ngày và nơi Rửa tội, một chi tiết quan trọng chỉ định căn tính người Công giáo, cửa ngõ dẫn vào lãnh nhận thành sự các bí tích khác (đ. 842§1). Chứng thư hôn phối theo mẫu mới này có bổ túc phần ngày và nơi rửa tội.
19- Ủy quyền chứng hôn riêng biệt
20- Ủy quyền chứng hôn tổng quát
Ngoài việc ủy quyền riêng biệt, nghĩa là rõ ràng cho từng đôi một nhất định, các ủy quyền khác như chia luân phiên đều được coi là uỷ quyền tổng quát. Việc ủy quyền chứng hôn tổng quát cần phải làm bằng văn bản, nếu không làm, việc chứng hôn vô hiệu (đ. 1111§2).
Lưu ý là năng quyền chứng hôn có tính "tòng địa", tùy thuộc vào địa sở. Cha sở tại "nơi" cử hành hôn phối có năng quyền chứng hôn. Chính ngài mới có quyền cử hành hôn phối hay ủy cho người khác chứng hôn trong "địa hạt" mình. Nếu ủy quyền để cử hành hôn phối tại một giáo xứ khác, việc ủy năng quyền bị vô hiệu.
Cha sở chỉ có thể "giới thiệu" giáo dân của mình để được cử hành hôn phối tại một giáo xứ khác; chứ không "uỷ quyền" chứng hôn cho cha sở hay cha khác để chứng hôn tại đó. Điều này thường hay bị hiểu lầm, do tưởng rằng năng quyền chứng hôn là "tòng nhân" (tùy thuộc vào người - là giáo dân của mình!).
21- Đơn xin công bố hôn nhân vô hiệu
21- Đơn xin công bố hôn nhân vô hiệu, Gp Nha Trang
Đơn dành cho người muốn xin tòa án hôn phối giáo phận thẩm tra và sau đó xác nhận chính thức hôn nhân của họ đã không thành sự.
22- Đơn xin lãnh nhận các bí tích, liên quan đến ly hôn, còn sống đơn thân, Gp Nha Trang
Đơn dành cho người chưa ly dị nhưng vì bị bách hại bởi người vợ hay chồng mình nên xin phép được ly dị tại tòa án dân sự. Đơn cũng dành cho người đã ly dị tòa án dân sự, mà theo luật riêng của giáo phận, không được lãnh nhận bí tích Giải tội và Thánh Thể. Nay tín hữu này xin Đức Cha tha cho tội ly dị đó, để được tự do lãnh nhận các bí tích.
23- Ðơn xin lãnh nhận Thánh Thể do sống hôn nhân bất hợp luật, Gp Nha Trang.
Đơn được áp dụng trong phạm vi giáo phận Nha Trang, đối với người đang sống hôn nhân bất hợp luật hay ly dị tái hôn. Đức Cha thường ban cho tín hữu xin đơn được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể mỗi năm 3 lần. Còn việc lãnh nhận Bí tích Thống hối của các tín hữu thì không bị hạn chế.
24- Số Hôn Phối, 2019
Cần thay đổi mẫu sổ hôn phối, vì mẫu cũ không có chỗ ghi ngày và nơi cử hành bí tích Rửa tội. Đây là một thiếu sót lớn, vì không ghi nhận căn tính công giáo của người kết hôn.
25- Số Rửa Tội, 2019
Mẫu mới của sổ Rửa tội có chỉnh sửa cách trình bày và nội dung phần ghi chú cho phù hợp hơn. Mẫu cũ để phần ghi chú bên phải, trình bày như là phần chính của quyền sổ. Nay phần ghi chú được trình bày như phần phụ thuộc và có đủ chỗ để ghi chú những thay đổi về nhân thân của tín hữu, như sự vô hiệu của hôn nhân, tái hôn...