VIỆC TRÌNH BÁO TỘI LẠM DỤNG TÌNH DỤC TRẺ VTN THEO VOS ESTIS LUX MUNDI

Thứ ba - 20/05/2025 09:51
Có những thông báo về việc trình báo tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của giáo sĩ bị đi lạc hướng, do không tìm hiểu cẩn thận các Giáo huấn của Giáo Hội. Bài này góp ý chỉnh sửa, để các vị có trách nhiệm có thể ban hành những thông báo đúng hướng.
VIỆC TRÌNH BÁO TỘI LẠM DỤNG TÌNH DỤC TRẺ VTN
THEO VOS ESTIS LUX MUNDI
Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng

Dẫn nhập
Tự sắc Vos Estis Lux Mundi (viết tắc VELM) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ở phiên bản cũ năm 2019 và mới năm 2023, đều yêu cầu các Giáo hội địa phương thiết lập những văn phòng hoặc cơ quan để tiếp nhận những thông tin về tội phạm (Notitia de delicto, notitia crimilis). Một số Giáo phận đã đáp ứng, thiết lập những văn phòng này.
Tuy nhiên có Văn phòng TGM đã ra những thông cáo hoặc hướng dẫn về việc trình báo một cách sai lạc với đường hướng của Tự sắc VELM. Ví dụ như có Văn phòng đã nêu ra những thông báo như sau:
a- Trình báo cần đầy đ thông tin: ngày, giờ, nơi diễn ra sự việc.
b- Ai trình báo thì cần phải ghi rõ h tên, số điện thoại và địa ch của mình.
c- Những trình báo nặc danh sẽ không được cứu xét.
d- Người trình báo sai sự thật sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của Giáo luật và dân luật.
Tại sao lại có thể nói những thông báo nói trên là sai lạc với đường hướng của Tự sắc VELM? Xin hãy khảo sát cẩn thận Tự sắc VELM và tập Cẩm Nang – Vademecum (viết tắt Vad.) của Tự sắc, phiên bản 1.0 do Bộ Giáo lý Đức Tin (GLĐT) ban hành ngày 16.07.2020.

1. Đặc điểm của Tự sắc Vos Estis Lux Mundi (VELM): Nghĩa vụ trình báo và buộc giáo quyền phải làm việc
Để chống lại những tội phạm nặng hơn (delicta graviosa), trong đó có tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành viên, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phalo II đã ban hành Tự sắc “Sacramentorum Sanctitatis Tutela” (viết tắt STT) ngày 30-4-2001. Những tội nặng hơn (delicta graviosa) này được dành riêng cho Bộ Giáo lý Đức Tin xét xử. Đến thời Đức Giáo hoàng Benedicto, ngày 21-5-2010 ngài cho sửa đổi những Quy tắc của Tự sắc STT, và những Quy tắc này đang có hiệu lực.
Tuy nhiên, từ hơn 20 năm qua, với những quy định của STT, tội phạm lạm dụng tình dục trẻ vị thành viên cứ gia tăng, gây tác hại cho Giáo Hội không ít. Năm 2019 Đức Thánh Cha Phanxico quyết định ban hành Tự Sắc VELM, được canh tân năm 2023, vẫn giữ những Nguyên tắc của của STT nhưng quy định thêm những yếu tố mới được coi như những biện pháp mới để ngăn chận tội phạm. Những biện pháp mới có được này là kết quả của những luận bàn của các Hội đồng Giám mục và các Bộ của Giáo triều Rôma, cùng với những đánh giá của các ngài về kinh nghiệm trong những năm qua.
Các ngài thấy rằng sự ngăn ngừa tội phạm thiếu hiệu quả và một trong những lý do chính yếu của nó là sự che dấu, không xử lý tội phạm của các bậc lãnh đạo trong Giáo hội. Vì vậy, nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy Tự sắc VELM nhấn mạnh hai điều mới: Đặt nghĩa vụ trình báo cho hàng giáo sĩ, tu sĩ và buộc các bậc lãnh đạo, Giám mục, Bề trên… phải tiếp nhận thông tin và hành động.

1.1. Đặt nghĩa vụ trình báo tội phạm
Điều 3 của VELM buộc các giáo sĩ phải trình báo những thông tin về tội phạm nếu biết được, trừ thông tin từ Tòa Giải tội. Các giáo dân đều có thể trình báo với những phương thức thích hợp.
Điều 3 – Trình báo
§ 1. Ngoại trừ trường hợp giáo sĩ biết thông tin khi thi hành thừa tác vụ tại tòa trong, bất cứ khi nào một giáo sĩ hoặc thành viên của một Tu hội Thánh hiến hoặc của một Tu đoàn Đời sống Tông đồ có thông tin hoặc có cơ sở để tin rằng một trong các sự việc nêu tại điều 1 đã được thực hiện, có nghĩa vụ trình báo ngay cho Bản quyền nơi xảy ra sự việc hoặc cho Bản quyền khác trong số những người được đề cập ở các điều 134 CIC và 984 CCEO, trừ khi được quy định trong §3 của điều này.
§ 2. Bất kỳ ai, đặc biệt là các giáo dân nắm giữ các chức vụ hoặc thi hành các tác vụ trong Giáo hội, đều có thể gởi một trình báo liên quan đến một trong những sự kiện được đề cập ở điều 1, bằng cách sử dụng các cách thức được đề cập ở điều trước hoặc bằng bất kỳ cách thức thích hợp nào khác.
§ 3. Khi trình báo liên quan đến một trong những người được nêu ở điều 6, nó sẽ được gửi đến Cơ quan có thẩm quyền được xác định trên cơ sở các điều 8 và 9. Trình báo luôn có thể được gửi đến Bộ có thẩm quyền, trực tiếp hoặc thông qua Đại diện Giáo hoàng. Trong trường hợp đầu tiên, Bộ thông báo cho Đại diện Giáo hoàng.
§ 4. Trình báo phải bao gồm các yếu tố chi tiết nhất có thể, chẳng hạn như chỉ dẫn về thời gian và địa điểm xảy ra sự việc, của những người có liên quan hoặc được thông báo, cũng như bất kỳ trường hợp nào khác có thể hữu ích để đảm bảo đánh giá chính xác về sự thật.
§ 5. Thông tin cũng có thể được thu nhận chiếu theo công vụ (ex officio).
(CIC: Bộ Giáo luật Tây Phương; CCEO: Bộ Giáo luật Đông Phương).

1.2.  Buộc các lãnh đạo: Hồng Y, Giám mục, Bề trên… phải hành động, xử lý
Điều 1, §1 của VELM, nêu các tội phạm ở mục (a). Tiếp sau đó, mục (b), coi những hành vi lơ là, trốn tránh xử lý của các cấp giáo quyền là tội phạm:
Điều 1 §1, b: Những hành vi được thực hiện bởi các đối tượng nêu tại điều 6 bao gồm các hành động hoặc thiếu sót nhằm can thiệp hoặc trốn tránh các cuộc điều tra dân sự hoặc điều tra giáo luật, hành chính hoặc hình sự, chống lại một trong các đối tượng được đề cập ở § 1 nói trên, liên quan đến các tội phạm nêu tại mục a) của khoản này.
Các đối tượng tại điều 6 được kể là các Hồng Y, Thượng Phụ, Giám Mục và Đặc Sứ (Legati) của Giáo Hoàng Rôma, các vị tương đương với Giám mục, Bề trên hội dòng… Nếu các vị này tránh can thiệp hay tránh điều tra tội phạm thì cũng bị quy tội. Cẩm Nang – Vademecum số 21 của VELM, ấn định:
21. Theo điều 1717 Bộ luật CIC và điều 1468 Bộ luật CCEO, trách nhiệm điều tra sơ bộ thuộc về Đấng Bản quyền hoặc Gerarca đã nhận được notitia de delicto về tội phạm, hoặc một người phù hợp do đấng đó lựa chọn. Bất kỳ hành vi không tuân thủ nghĩa vụ này đều có thể cấu thành tội phạm bị trừng phạt theo CIC, CCEO và motu proprio “Come una madre amorevole”, cũng như theo art 1. 1 § 1, b VELM.
Các Hồng Y, Thượng Phụ, Giám Mục… nếu đã can thiệp hoặc khéo léo trốn tránh các cuộc điều tra dân sự, giáo luật, hình sự và hành chính cũng phải chịu sự trình báo.

2. Trình báo tội phạm
2.1. Tội phạm nghịch điều răn thứ sáu
Tội phạm đó là gì?
Tội phạm bao gồm mọi tội bên ngoài phạm nghịch điều răn thứ sáu của Thập giới do một giáo sĩ phạm với trẻ vị thành niên” (Vad. 1).
- Giáo sĩ: những người đang có chức thánh: phó tế, linh mục, Giám mục…
- Tội bên ngoài: tội được biểu hiện ra bên ngoài, không phải là tội bên trong tâm trí, hình thành bởi sự tưởng tượng.
- Trẻ vị thành niên: Trước ngày 30 tháng 4 năm 2001, vẫn theo quy định của Giáo luật là trẻ chưa đủ 16 tuổi trọn. Luật pháp Việt Nam đang giữ mức tuổi chưa đủ 16 tuổi trọn này.  Tuy nhiên, kể từ ngày 30 tháng 4 năm 2001, trong Tự Sắc STT Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phalo II, mức tuổi được ấn định chưa đủ 18 tuổi trọn, hay nói cách khác là dưới 18 tuổi (art. 6, 1, 10 STT).
- Nạn nhân cũng có thể là “người lớn dễ bị tổn thương”, là “bất kỳ người nào trong tình trạng ốm yếu, suy nhược về thể chất hoặc tinh thần, hoặc bị tước đoạt quyền tự do cá nhân mà trên thực tế, thậm chí đôi khi, hạn chế khả năng hiểu hoặc mong muốn của họ. hoặc trong bất kỳ trường hợp nào để chống lại hành vi phạm tội" (Vad. 5).

2.2. Những loại tội phạm
Tội phạm có thể là những loại khác nhau (Vad. 2):
- Quan hệ tình dục (đồng ý hoặc không đồng ý)
- Tiếp xúc thân thể nhằm thỏa mãn tình dục
Tiếp xúc thân thể và không có giao cấu. Chỉ được coi là tội khi nhằm thỏa mãn tình dục. Nên biết, không phải tất cả những tiếp xúc thân thể như ôm hôn … trẻ em đều được coi là tội. Nhưng làm sao để biết có nhằm thỏa mãn tình dục hay không!
Điều tra về con người, hành vi và những tình huống cụ thể sẽ giúp suy đoán được phạm nhân có nhằm để thỏa mãn tình dục hay không. Ví dụ, việc ôm hôn thân thể nơi vắng vẻ, cố ý tránh cho người khác thấy, có thể bị kết tội.
- Không tiếp xúc thân thể
Những hành vi sau đây cũng bị tội hình sự mặc dù không có tiếp xúc cơ thể với trẻ vị thành niên: Phô trương, thủ dâm, sản xuất nội dung khiêu dâm, dụ dỗ mại dâm, trò chuyện và/hoặc đề nghị của một tình dục trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện truyền thông.

3. Tiếp nhận thông tin tội phạm và trình báo

3.1. Tiếp nhận thông tin về tội phạm
Vademecum – Cẩm nang của VELM dùng thuật ngữ: Notitia de delicto, notitia Crimilis, và được giải thích là “bất kỳ thông tin nào về một tội phạm có thể xảy ra, bất kỳ cách nào đến Đấng Bản quyền” (Vad. 9).
Việc “trình báo” được coi là hành vi cung cấp thông tin cho giáo quyền về sự phạm tội có thể xảy ra. Trình báo hoặc tố cáo là một phương thức để cung cấp thông tin về tội phạm. Nhiệm vụ của giáo quyền không chỉ là tiếp nhận những trình báo hay tố cáo đó mà còn tiếp nhận những thông tin về tội phạm dưới những thể loại khác.
Sau khi tiếp nhận thông tin về tội phạm, Bản quyền sẽ mở một cuộc điều tra sơ bộ, nếu ngài thấy thông tin đó là có vẻ thật - saltem verisimilis. Nếu thông tin này là không có cơ sở nào để tin là thật, Bản quyền sẽ không mở cuộc điều tra, chỉ lưu giữ và ghi chú lý do (Vad. 16).

3.2. Những quy định sai lạc về việc trình báo
Những quy định dưới đây của một số Văn phòng tiếp nhận được kể là sai lạc về việc trình báo.
a- Trình báo cần đầy đ thông tin: ngày, giờ, nơi diễn ra sự việc
Đòi hỏi trình báo “đầy đủ thông tin: ngày, giờ, nơi diễn ra sự việc” là điều khó có thể được thực hiện. Các vụ lạm dụng tình dục xảy ra trong bí mật, ngoại trừ chính nạn nhân, khó có ai biết rõ về ngày, giờ, nơi diễn ra sự việc, hoặc trừ khi người khai báo đã có ý rình rập hoặc quay phim, chụp hình. Nhưng, ít khi có sự rình rập như vậy.
Đòi hỏi này được đưa ra sẽ làm hạn chế việc trình báo, đi ngược với Tự sắc VELM, vì Cẩm nang của Tự sắc nói: “bất kỳ thông tin nào về một tội phạm có thể xảy ra, bất kỳ cách nào đến Đấng Bản quyền” (Vad. 9). Điều này muốn nói đến những thông tin mà có thể suy đoán là tội “có thể xảy ra”, chứ không chắc chắn đã xảy ra tại đâu và vào ngày giờ nào.
b- Ai trình báo thì cần phải ghi rõ họ tên, số điện thoại và địa chỉ của mình
Đối với hầu hết các nữ nạn nhân Việt Nam, cho dù họ có bị hãm hiếp, bị bắt làm nô lệ tình dục, họ cũng cố giữ kín trong lòng, không cho ai biết. Ngay cả cha mẹ họ cũng không được cho biết. Vì sự tủi nhục, vì thanh danh, vì tương lai cuộc đời, họ chẳng muốn trình báo. Đôi khi họ trình báo, có thể là do nghĩ rằng để ngăn ngừa cho những trẻ khác khỏi bị xâm hại như mình. Mặt khác, đôi khi nạn nhân bị đe dọa một cách khủng khiếp, như bị đe dọa tung lên mạng hình ảnh khỏa thân, sẽ bị giết nếu tiết lộ cho bất kỳ ai. Nạn nhân có thể không còn tin tưởng nơi các linh mục. Vậy, làm sao, ngay từ đầu có thể buộc nạn nhân phải ghi rõ họ tên, địa chỉ?
Những người trình báo khác, như là người thân hay cha mẹ của nạn nhân, cũng có những lo sợ tương tự.
 Đòi hỏi này, đi ngược với hướng dẫn trong Cẩm Nang – Vademecum của Bộ GLĐT, sẽ được trích dẫn ở phần tiếp sau.
c- Những trình báo nặc danh sẽ không được cứu xét
Như đã nói trên, quy định này không đúng, rất trái với Cẩm Nang – Vademecum hướng dẫn của Bộ GLĐT.
d- Người trình báo sai sự thật sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của Giáo luật và dân luật
Đối với những tội phạm nghịch điều răn thứ sáu, vì xảy ra trong bí mật, ngoại trừ nạn nhân, những người khác chỉ có thể nhận biết về tội một cách gián tiếp qua những sự việc hay hiện tượng, hoặc được nghe nạn nhân kể lại, hoặc được nghe người khác nói lại. Họ chỉ suy đoán là tội “có thể” xảy ra và cũng có thể phân vân, không biết đó có là sự thật không.
Vì  vậy, nếu ấn định phải khai báo đúng sự thật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thì khó có ai dám khai báo, đi ngược với hướng mở rộng tiếp nhận trình báo của VELM.
Có thể có trường hợp có người muốn cáo gian, đưa thông tin sai sự thật để hại giáo sĩ. Tuy nhiên, cần phải biết rằng: trước tiên, Giám mục giáo phận phải thẩm định xem tố cáo đó có cơ sở nào không, có đáng tin không. Nếu thấy trình báo có vẻ đúng thật nào đó thì ngài mới cho mở cuộc điều tra sơ bộ ở cấp giáo phận. Sau đó, còn có cuộc xét xử để tìm ra sự thật thuộc quyền Bộ GLĐT. Trong mọi thủ tục xét xử hình sự đều để cho bị cáo có quyền bào chữa. Vì vậy, không cần phải sợ giáo dân cáo gian để hãm hại giáo sĩ.

Tại sao lại có quy định sai lầm như trên?
Sỡ dĩ có những quy định sai lầm về trình báo nói trên là vì cứ tưởng người trình báo như một “người tố cáo” và Giám mục như là “người xét xử” bị cáo. Nhưng ở đây, sự trình báo có ý nghĩa như sự cung cấp thông tin về tội phạm cho giáo quyền và giáo quyền có bổn phận phải tiếp nhận để sau đó còn có những giai đoạn thẩm định, điều tra cẩn thận và cuối cùng phải trãi qua những thủ tục xét xử hình sự theo Giáo luật do Bộ GLĐT hướng dẫn.

3.3. Những quy tắc hướng dẫn của Bộ GLĐT về trình báo
Để giúp tránh những quy định sai lầm nói trên, xin trích lại những hướng dẫn trong Cẩm Nang – Vademecum của Bộ GLĐT (Xin được in đậm những điều đáng lưu ý):
9. Notitia de delicto (cf. điều 1717 § 1 CIC; điều 1468 § 1 CCEO; art. 16 SST; art. 3 VELM), đôi khi được gọi là notitia crimilis, là bất kỳ thông tin nào về một tội phạm có thể xảy ra, bất kỳ cách nào đến Đấng Bản quyền hoặc đến Gerarca (Gerarca: Giám mục Công giáo Đông phương). Nó không cần phải là một khiếu nại chính thức.

10. Do đó, notitia này có thể có nhiều nguồn khác nhau: nó có thể được trình bày chính thức cho Đấng Bản quyền hoặc cho Gerarca bằng miệng hoặc bằng văn bản, bởi người được cho là nạn nhân, bởi những người giám hộ của người ấy, bởi những người khác tuyên bố đã được thông báo về sự việc; được trình cho Đấng Bản quyền hoặc Gerarca bởi chính quyền dân sự theo cách thức được định liệu bởi luật địa phương; được phổ biến bởi các phương tiện thông tin đại chúng (bao gồm cả phương tiện truyền thông xã hội); đến với nhận biết thông qua những tin đồn thu thập được, và bằng bất kỳ cách thích hợp nào khác.

11. Đôi khi, notitia de delicto có thể đến từ một nguồn ẩn danh, tức là từ những người không xác định được danh tính hoặc không thể xác định được danh tính. Việc ẩn danh của người khiếu nại không được tự động dẫn đến niềm tin rằng những tin tức đó là sai. Tuy nhiên, vì những lý do dễ hiểu, cần hết sức thận trọng khi xem xét loại thông tin này và chắc chắn không nên khuyến khích các báo cáo ẩn danh.

12. Tương tự như vậy, không nên loại bỏ một cách tiên nghiệm các notitia de delicto đến từ các nguồn mà độ tin cậy thoạt nhìn có vẻ đáng nghi ngờ.

13. Đôi khi, notitia de delicto không cung cấp các chi tiết cụ thể (tên, địa điểm, thời gian…). Ngay cả khi mơ hồ và không xác định, nó cũng phải được đánh giá đầy đủ và càng nhiều càng tốt, điều tra với sự chú ý thích đáng.

4. Trình báo, một biện pháp ngăn chận tội hữu hiệu
Về phương diện đạo đức luân lý, nói xấu hay nói ra tội người khác hoặc tố cáo quả là điều xấu, đi ngược với luân thường đạo lý, vì nó làm hại đến thanh danh người khác. Chúa Kitô giáo huấn: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? (Lc 6,42). Bởi vậy, cùng với lòng khoan dung tha thứ, những bậc lãnh đạo trong Giáo hội thường không muốn đưa ra xử phạt hoặc làm lơ, hoặc che dấu, hoặc thuyên chuyển giáo sĩ đi nơi khác mà không xử tội.
Tuy nhiên với cách ứng xử bao che, tha thứ như vậy, trãi qua thời gian, thực tế cho thấy tội phạm này gia tăng đã kể, được chứng minh qua các thống kê gần đây ở các quốc gia và đã gây scandal nghiêm trọng, gây mất niềm tin của giáo dân đối với hàng giáo sĩ, đối với Giáo hội.
Sự che dấu tội phạm, khoan dung trong trường hợp này đã trở thành điều xấu nghiêm trọng, gây tác hại lớn cho Giáo hội. Cần phải nghĩ đến nguyên tắc luân lý: Không được nói xấu hay nói ra tội của người khác trừ khi vì công ích.
Sự trình báo, vì vậy, được khuyến khích vì công ích do ngăn chặn tội cách hiệu quả.
Xét về tâm lý, dễ dàng thấy rằng phạm nhân nghịch điều răn thứ sáu sợ nhất là tội của mình được phát hiện. Chính sự sợ này sẽ giúp không ít cho giáo sĩ vượt thắng được những cơn cám dỗ. Chỉ duy với ý chí riêng mình để chiến đấu chống lại bản năng xác thịt, quả là rất khó vượt qua, nhất là đối với người bị bản năng chi phối mạnh mẽ. Giáo sĩ khi thấy rằng những hành vi phạm tội mình dễ bị phát hiện do trình báo tất nhiên sẽ cố gắng tránh xa dịp tội hoặc tránh phạm tội.
Sự mở rộng những trình báo về tội phạm, một mặt để khám phá ra tội và trừng phạt, giữ gìn kỷ cương. Nhưng mặt khác, nó có ý nghĩa nhiều hơn, đó là ngăn chặn tội phạm. Sự trình báo, thật sự trở thành một biện pháp ngăn ngừa rất tốt. Bởi vậy, Tự sắc VELM quy định hai điểm nổi bật: Nghĩa vụ giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân phải trình báo và giáo quyền có nghĩa vụ phải tiếp nhận và hành động.

 

Tác giả: JB Dũng Lm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay1,127
  • Tháng hiện tại56,006
  • Tổng lượt truy cập11,513,382
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi