Khả thể lãnh nhận bí tích Giải tội, Thánh Thể nơi người ly dị tái hôn

Chủ nhật - 08/12/2024 17:35
Khả năng lãnh nhận bí tích Giải tội, Thánh Thể của người ly dị tái hôn
 
Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng

Những tín hữu ly dị tái hôn hoặc sống hôn nhân trong tình trạng bất hợp luật vẫn thường được coi là những người “ngoan cố sống trong tội trọng”, bị dứt phép thông công, không được xưng tội, không được rước lễ.
Giáo huấn Giáo hội cho thấy những cái nhìn kết tội và cấm cách đó đều là sai trái, gây ra sự cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh” nơi các tín hữu (Amoris Laetitia, 299) và đã gây ra “đại họa và ngày càng lan rộng”.
Các ngài vẫn hằng tha thiết kêu gọi các mục tử là hãy “đồng hành, biện  phân và hội nhập sự yếu đuối” (Amoris Laetitia, chương 8).
Hy vọng bài này có thể giúp thêm phần khả năng “biện phân” và góp phần đưa tin hữu hội nhập nhiều hơn vào đời sống Hội Thánh.
(Xin xem thêm một số bài trên cùng website https://giaoluatconggiao.com về vấn đề ly dị tái hôn[1]).


1. Khả năng lãnh nhận Bí tích Giải tội

Hiện nay vẫn có nhiều linh mục từ chối giải tội cho người ly dị tái hôn. Tuy nhiên, trong các Giáo huấn chính thức của Giáo hội, không hề có luật hay mệnh lệnh nào là rõ ràng cấm những người ly dị tái hôn được lãnh nhận bí tích Giải tội. Cũng không hề có một xác định nào cho rằng những người ly dị tái hôn là “ngoan cố sống trong tội trọng”.
Ngược lại, Giáo huấn giáo hội cho thấy, đa số họ không ở trong tình trạng, được gọi là “ngoan cố sống trong tội trọng”, không mất mọi ơn thánh hóa và có khả năng thống hối và lãnh nhận bí tích Giải tội.

1.1. Giáo huấn của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Familiaris Consortio (Hôn Nhân Gia Đình), năm 1981, số 84, kêu gọi một sự phân biệt về tình trạng tội nặng nhẹ khác nhau:
Vì lòng yêu sự thật, các chủ chăn phải biết rằng mình có nghĩa vụ phân biệt rõ những tình cảnh khác nhau. Thật thế, những người đã thành tâm cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân thứ nhất nhưng đã bị ruồng bỏ một cách bất công, thì khác hẳn với những người do lỗi nặng đã phá huỷ cuộc hôn nhân thành sự theo giáo luật. Sau nữa, cũng có trường hợp những người đã lấy một người khác để giáo dục con cái và đôi khi những người trong lòng cứ chủ quan tin chắc rằng cuộc hôn nhân trước, mà bây giờ đã bị phá huỷ không sao cứu vãn được, xưa nay vẫn không hề thành sự (Familiaris Consortio, 84).
 
1.1.1. Chỉ hai mức độ: tội nặng, tội nhẹ
Giáo lý HTCG phân biệt chỉ có hai mức độ tội: Tội nặng và tội nhẹ.
- Tội nặng (grave sin) = tội chết (mortal sin): mất mọi ơn thánh hóa
- Tội nhẹ (venial sin): không mất mọi ơn thánh hóa
Trong Tông Huấn Reconciliatio et Paenitentia (Hòa Giải và Sám Hối), năm 1984, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II  đã đồng hóa tội nặng (grave sin) với tội chết (mortal sin). Ngài không chấp nhận đề nghị phân biệt ba mức độ: tội chết, tội nặng, tội nhẹ. Ngài lý giải rằng, giữa sự sống và cái chết không có một cái (thứ ba) nào khác, nghĩa là chỉ có hai mức độ tội: tội chết (mortal sin, grave sin - tội nặng) và không chết (venial sin - tội nhẹ), (x. Reconciliatio et Paenitentia, 17). Tuy nhiên, ngài cũng lưu ý không được coi thường tội nhẹ.
“… trong trường hợp này xảy ra tội nhẹ (tội tha được). Tuy nhiên không bao giờ được coi thường tội nhẹ, ra như nó có thể tự động bỏ quên hay là nó chẳng đáng gì (Reconciliatio et Paenitentia, 17).
 
1.1.2. Một số trường hợp ly dị tái hôn không có tội nặng
Trong Tông huấn Familiaris Consortio số 84, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II phân biệt các tình trạng ly dị tái hôn khác nhau: “Người do sai lỗi trầm trọng đã phá huỷ cuộc hôn nhân thành sự”. Có thể hiểu rằng, đây là những người đã phạm tội nặng. Họ có thể là người ngoại tình hoặc là những người bê tha rượu chè, nghiện hút, bài bạc nghiêm trọng, bạo hành, dối trá, lừa gạt… dẫn đến hậu quả hôn nhân bị tan vỡ và sau đó tái hôn.
 Đức Giáo hoàng phân biệt các trường hợp: “khác hẳn với những người do lỗi nặng đã phá huỷ cuộc nhân thành sự theo giáo luật”. Khi nói "khác hẳn" với loại người đó, ngài ám chỉ đến những người mà không có tội nặng như vậy. Mà một khi không có tội nặng tức là có tội nhẹ, như sau:

a- “Người đã thành tâm cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân thứ nhất nhưng đã bị ruồng bỏ một cách bất công
Người này đã không phản bội lại giao ước tình yêu. Sau đó, vì áp lực của cuộc sống, họ đành phải tái hôn. Thử hỏi người nam hay người nữ, trong tình trạng như vậy có thể sống đơn thân suốt đời, giữ đức khiết tịnh như các tu sĩ được hay không?
- Đa số là không thể sống đơn thân suốt đời. Khi bị áp lực của cuộc sống khá mạnh mẽ và dai dẵng, sự tự do chọn lựa của con người bị hạn chế, theo nguyên tắc căn bản của thần học luân lý Công giáo, tội được giảm khinh, không còn là tội trọng.

b- “Người đã kết hôn lần thứ hai nhằm để giáo dục con cái
Người này đã kết hôn lần thứ hai nhằm để giáo dục con cái, hoặc ta có thể giả thiết thêm trường hợp tương tự: người đã kết hôn bất hợp pháp nhưng sau đó lại ăn năn thống hối, muốn từ bỏ tình trạng tội, nhưng theo lương tâm, họ không thể chia tay để lo nuôi dưỡng giáo dục con cái.
Theo lương tâm những người này, họ thấy con cái mình không thể sống thiếu cha mẹ, cần phải được giáo dục, hoặc sợ chúng bị tổn thương tâm lý nếu thiếu cha hoặc thiếu mẹ. Vì vậy, “Người đã kết hôn lần thứ hai nhằm để giáo dục con cái hoặc tương tự, cũng có thể không có tội nặng vì lý do lương tâm.
Hãy nhớ rằng, Hội Thánh đòi chúng ta phải sống theo lương tâm. Lương tâm đúng đắn luôn đòi hỏi cha mẹ thực hiện nghĩa vụ lo lắng nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Vì vậy, không thể coi họ là những người ngoan cố sống trong tội trọng.

c-Người chủ quan trong lương tâm tin chắc rằng cuộc hôn nhân trước, đã bị phá huỷ không thể sửa chữa, không hề thành sự"
Vì theo lương tâm đã thấy mình đã kết ước không thành sự (do sợ hãi, lừa gạt, lầm lẫn…), người này không hề phản bội lại giao ước tình yêu. Việc kết ước hôn nhân sau không mang tội phản bội lại kết ước hôn nhân trước.
Vì vậy, “Người chủ quan trong lương tâm tin chắc rằng cuộc hôn nhân trước, đã bị phá huỷ không thể sửa chữa, không hề thành sự”, nếu có kết hôn mới thì cũng có thể không có tội nặng.
Trong bốn trường hợp nói trên, chỉ có trường hợp thứ nhất có thể quy là có tội nặng, ba trường hợp còn lại, vì những lý do khách quan hay chủ quan, khiến tội được giảm khinh hoặc triệt tiêu.

1.2. Giải thích của Đức Hồng Y Ratzinger, Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, 14-9-1984
Trong thư gửi các Giám mục Giáo hội Công giáo, ngày 14 tháng 9 năm 1984, hướng dẫn áp dụng Tông Huấn  Familiaris Consortio về việc lãnh nhận bí tích của tín hữu ly dị tái hôn, Đức Hồng Y Ratzinger, Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin thời bấy giờ, sau này là Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, có viết:
Những tín hữu (ly dị tái hôn) phải được giúp đỡ để hiểu sâu sắc thêm giá trị của việc tham dự vào hiến tế của Chúa Kitô trong Thánh lễ, Rước lễ thiêng liêng, cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, hoạt động bác ái và công lý.
Khi nói người ly dị tái hôn vẫn có thể “Rước lễ thiêng liêng, cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa…” ngài hàm ý họ vẫn có thể đang sống trong tình trạng có ơn thánh hóa, nghĩa là họ có thể không sống trong tình trạng tội trọng, không mất mọi ơn thánh hóa.

Tội nghịch điều răn thứ sáu?
Có lý luận cho rằng, những người đó sống ngoài một hôn nhân theo Giáo luật, nếu họ sinh hoạt tình dục với nhau thì họ phạm tội trọng nghịch điều răn thứ sáu. Vì vậy, trong tình trạng ly dị tái hôn họ cũng phải tiết dục mới không phạm tội trọng chứ?
Giải đáp cho vấn nạn đó như sau:
=> Khi Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II kêu gọi các mục tử “biện phân” và ngài kể ra những trường hợp của những người ly dị tái không ở trong tình trạng phạm tội trọng (x. Familiaris Consortio, 84), ngài đương nhiên cũng hiểu rằng những người này cũng đang sinh hoạt tình dục vợ chồng như những người khác.
=> Khi Đức Hồng Y Ratzinger nói các tín hữu ly dị tái hôn có thể “Rước lễ thiêng liêng, cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, hoạt động bác ái và công lý”, ngài đâu có kèm thêm điều kiện cam kết tiết dục. Nếu ngài cũng đòi họ phải tiết dục mới có có thể rước lễ thiêng liêng, thì ngài cũng chẳng nói thêm gì mới.  Vì nếu đã thống hối, xưng tội, cam kết tiết dục thì người đó cũng được lãnh nhận Thánh Thể cách hữu hình theo như Familiaris Consortio số 84 đã nói rồi, huống chi là được rước lễ thiêng liêng.
Tuyên bố năm 2000 dưới đây sẽ cho thấy vấn đề được rõ ràng hơn.

1.3. Tuyên bố năm 2000
Năm 2000, Hội Đồng Giáo Hoàng về Những Văn Bản Lập Pháp, đã ra Tuyên bố về việc lãnh nhận Thánh Thể của người ly dị tái hôn. Trước tiên, Bản Tuyên bố đã định nghĩa sự “ngoan cố” như sau:
Ngoan cố, được hiểu như sự hiện hữu của một tình trạng khách quan của tội mà tồn tại trong thời gian và ý muốn của người tín hữu không muốn nó chấm dứt, không cần đòi hỏi có những yếu tố khác (thái độ thách thức, cảnh cáo trước…) để mà xác định về sự nặng nề nghiêm trọng của một tình trạng trong Giáo hội.
Như vậy, ngoan cố bao hàm hai yếu tố: “tồn tại trong thời gian” và “không muốn nó chấm dứt”. Điều này có nghĩa là khi “muốn nó chấm dứt” thì có thể không còn ngoan cố nữa.
Sau khi đã định nghĩa khái niệm “ngoan cố”, Bản Tuyên Bố xác định: khi tội nhân “muốn” hay “có chủ tâm” (proposito, intention)  thực hiện hay hoàn thành việc chia tay hay sống chung có tiết dục, nhưng vì  “những lý do nghiêm trọng” ngăn cản hoàn thành việc chia tay hay sống chung có tiết dục đó thì tội nhân không còn ngoan cố, không còn được coi là ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên nữa.
Bản Tuyên Bố viết rõ như sau:
Không được xem những tín hữu ly dị tái hôn là ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên.
a- Những người mà không thể, vì những lý do nghiêm trọng - như là giáo dục con cái – “hoàn thành  việc buộc phải chia tay, đảm nhận nghĩa vụ sống hoàn toàn tiết dục, nghĩa là tránh những hành vi dành riêng cho vợ chồng” (Familiaris Consortio, 84).
b- dựa trên nền tảng của chủ tâm (proposito, intention) như vậy đã lãnh nhận Bí tích Thống Hối.
Điểm (a) cho thấy tín hữu này vì một lý do nghiêm trọng nào đó (giáo dục con cái...) khiến không thể  thực hiện ngay được điều mà Tông huấn Familiaris Consortio, 84 đòi hỏi, là phải chia tay hay hoàn toàn tiết dục.
Điểm (b) cho thấy, khi có “chủ tâm” muốn chia tay hay tiết dục, mà không thể được, thì cần lãnh nhận bí tích Thống Hối để không còn “ trong tình trạng tội trọng thường xuyên”nữa.
Tuyên Bố trên, như vậy, không hề cấm cản việc người ly dị tái hôn lãnh nhận bí tích Giải tội; nhưng ngược lại, mặc nhiên coi lãnh nhận bí tích Giải tội như là một điều kiện cần thiết để hối nhân thể hiện sự sám hối và được chấm dứt tình trạng tội trọng thường xuyên (điểm b).
Nên biết, bản Tuyên Bố được thực hiện “trong sự đồng ý với Bộ Giáo lý Đức tin và với Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích”, do đó, đây không chỉ là giải thích riêng của Hội Đồng Giáo Hoàng, mà là một giải thích chính thức của Tòa Thánh.

1.4. Tông huấn Amoris Laetitia
Lời dạy của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông huấn Amoris Laetitia cũng nhắc lại giáo huấn của Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Familiaris Consortio, 84:
Cũng có những trường hợp của nhiều người, tuy cố gắng hết sức để cứu vãn cuộc hôn nhân đầu của họ nhưng vẫn bị bỏ rơi một cách bất công, hay “những người đã bước vào cuộc kết hợp thứ hai vì lý do dưỡng dục con cái, và đôi khi chủ quan tin chắc trong lương tâm rằng cuộc hôn nhân đầu, đã bị tan vỡ không thể cứu chữa, chưa bao giờ thành sự cả”… (Amoris Laetitia, 298).
Đức Phanxicô còn nhấn mạnh hơn nữa, yêu cầu các mục tử hãy “đồng hành, biện phân và hội nhập sự yếu đuối” (Amoris Laetitia, chương 8). Nếu cứ áp dụng lề luật một cách cứng nhắc, thì mục tử như là người ném đá vào đàn chiên:
Vì lý do này, một mục tử không được cảm thấy rằng chỉ cần áp dụng các luật luân lý cho những người sống trong những hoàn cảnh “bất thường” là đủ, như thể các lề luật này là những hòn đá ném vào cuộc sống của mọi người. Điều này sẽ nói lên trái tim khép kín của một người quen ẩn sau những lời dạy của Giáo hội, “ngồi trên ngai tòa của Moses và đôi khi phán xét những trường hợp khó khăn và những gia đình bị tổn thương một cách tự phụ và hời hợt” (Amoris Laetitia, 305).
Ngược lại, Đức Giáo hoàng còn cho thấy những đường lối mục vụ tích cực, có khả năng giúp người ly dị tái hôn “có được một cảm nghiệm hân hoan sinh hoa trái trong Nhiệm thể Giáo hội” (Amoris Laetitia, 299).
Luận lý học của việc hội nhập này là chìa khóa cho việc đồng hành mục vụ với họ, không những để họ thấy họ vẫn thuộc về Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo Hội, mà còn để họ có được một cảm nghiệm hân hoan và sinh hoa trái trong Nhiệm Thể ấy… Không những họ không nên tự coi mình như bị tuyệt thông, mà họ còn cần được sống và lớn mạnh như các chi thể sống động của Giáo Hội, cảm nghiệm Giáo Hội như mẹ hiền vẫn đang đồng hành với họ, săn sóc họ một cách âu yếm, và khích lệ họ trên đường đời và đường Tin Mừng (Amoris Laetitia, 299).
Như vậy, những giáo huấn của Đức Giáo hoàng Phanxicô, hoàn toàn ngược lại với những cái nhìn lên án, kết tội, cho rằng người ly dị tái hôn là những người ngoan cố sống trong tội trọng, không được lãnh nhận các bí tích, hoặc không được giải tội.

1.5. Giải thích của Đức Hồng y Coccopalmerio, chủ tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Bản Lập Pháp

1.5.1. Một minh họa
Đức Hồng y Coccopalmerio, chủ tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Bản Lập Pháp đã viết một cuốn sách nhỏ giúp hiểu Chương Tám Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám mục Amoris Laetitia (Il capitolo ottavo della esortazione apostolica post sinodale Amoris Laetitia), được Nhà Xuất Bản Vatican phát hành và giới thiệu vào ngày 14-2-2017 tại cuộc họp báo của Vatican.
Ngài đã đưa ra một trường hợp điển hình cho sự ăn năn hoán cải nhưng không thể lìa bỏ tình trạng hôn nhân bất hợp luật:
Để minh họa tốt hơn điều đã được nói, chúng ta hãy nại đến một trường hợp cụ thể, đó là trường hợp một phụ nữ đi chung sống với một người đàn ông đã kết hôn theo Giáo luật và bị vợ bỏ với ba đứa con còn rất nhỏ dại. Nói một cách chính xác là người phụ nữ này đã cứu người đàn ông ra khỏi một tình trạng thất vọng tột cùng, có thể là khỏi ý định tự tử.
Chị đã không kể gì hy sinh để nuôi nấng dạy dỗ ba đứa con chồng; và chị cũng đã sinh thêm một đứa con trai. Sự chung sống đã được khoảng mười năm và người phụ nữ này biết mình đang ở trong tình trạng bất hợp luật, thành thật muốn thay đổi cuộc sống. Nhưng, rõ ràng là chị không thể. Nếu, thực ra, chị từ bỏ sự chung sống, người đàn ông bị trở lại tình trạng cũ, những đứa con bị bỏ rơi không có mẹ. Sự từ bỏ chung sống, vì vậy, có nghĩa là không chu toàn nghĩa vụ đối với những đứa con vô tội. Và, do đó, rõ ràng là không thể làm “mà không có tội mới” (Coccopalmerio, Mục. 3.3).
Về ý tưởng phạm thêm “tội mới”, Hồng Y đã dựa vào Amoris Laetitia, số 301:
hoặc rơi vào một hoàn cảnh cụ thể không cho phép họ hành động khác đi và quyết định khác đi mà không phạm tội thêm một tội mới(Amoris Laetitia, 301).
Chúng ta thấy rằng, khi thực hiện hành vi từ bỏ chung sống mà lương tâm chắc chắn sẽ cảm thấy có tội mới, theo như Amoris Laetitia chỉ dạy, thì ta buộc phải tuân theo tiếng nói của lương tâm, nghĩa là, người phụ nữ buộc phải ở lại với người đàn ông để nuôi dưỡng giáo dục con cái. Công đồng Vaticanô II đòi con người phải sống theo lương tâm:  “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng phải tuân theo” (Gaudium Spes, 16). 
Liên quan đến việc lãnh nhận các bí tích, Đức Hồng Y nói:
Chủ tâm như vậy (tale proposito) chính xác là yếu tố thần học mà cho phép được xá giải và đón nhận Thánh Thể, chúng ta nhắc lại rằng, luôn luôn có sự không thể thay đổi ngay lập tức tình trạng tội (Coccopalmerio, Mục 3.7).
Ngược lại, Đức Hồng Y cũng nêu ra trường hợp tuyệt đối không được xưng tội và rước Lễ. Đó là tín hữu mà biết mình trong tình trạng tội nặng và có thể thay đổi được, nhưng lại không có ý định chân thực nào để thực hiện chủ tâm đó. (Coccopalmerio, Mục 3.7). Như vậy, nếu có một ý định chân thực nào đó, tuy không hoàn toàn, theo Đức Hồng Y, vẫn có thể được xá giải và đón nhận Thánh Thể.

1.5.2. Vấn đề tiết dục
Đức Hồng Y Coccopalmerio cũng đặt vấn đề: “Như vậy, sẽ có phản biện hiện nay: những người sống chung nói trên phải thực sự sống ‘như anh trai em gái’, nói cách khác họ phải tiết dục hoàn toàn”.
Ngài chỉ tới chú thích chân trang 329 của Tông Huấn, được ghi nguyên văn như sau:
Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22-11-1981), 84: AAS 74 (1982), 186. Trong những hoàn cảnh như thế, nhiều người, tuy biết và chấp nhận khả thể sống “như anh trai em gái” mà Giáo Hội đề xuất với họ, nhưng đã nhấn mạnh rằng nếu một số bày tỏ thân mật không có, “thì lòng chung thủy thường gặp nguy cơ và gây thiệt hại tới lợi ích con cái” (Gaudium et Spes, 51).
Khi một bên vợ hoặc chồng, vì lòng đạo đức, muốn tiết dục nhưng bên kia lại không muốn, thì sự chung thủy sẽ có nguy cơ, nghĩa là, bên không muốn có thể sẽ chia tay và sẽ kết hôn với người khác. Khi đó, con cái sẽ bị thiệt hại.
Đức Hồng Y, cũng đã dựa vào Tông huấn về vấn đề lương tâm cảm thấy “phạm thêm tội mới” của Amoris Leatitia, giải thích rằng họ có thể không bị bó buộc phải tiết dục:
a) Nếu cam kết sống “như anh trai em gái” mà thấy có thể được mà không có khó khăn cho mối liên hệ đôi bạn, thì lúc đó thì hai người chung sống đó có thể tự nguyện chấp nhận.
b) Tuy nhiên, nếu sự cam kết này (sống như anh trai em gái) tạo ra những khó khăn, đôi bạn chung sống dường như không bị buộc, bởi vì họ ở trong trường hợp của người được nói đến ở số 301, với diễn ý rõ ràng: “rơi vào một hoàn cảnh cụ thể không cho phép họ hành động khác đi và quyết định khác đi mà không phạm tội thêm một tội mới” (Coccopalmerio, Mục 3.4).
 Rõ ràng là Giáo hội không bao giờ muốn con cái mình “phạm thêm tội mới” theo lương tâm đúng đắn của mỗi người xét thấy, mặc dù hành vi đó có trái với luật lệ phổ quát đi nữa.

1.5.3. Yếu tố giảm khinh có thể khách quan hay chủ quan
Ngoài những yếu tố khách quan, như là phải lo giáo dục con cái…, Tông Huấn còn nói đến nhiều yếu tố chủ quan khác khiến tội được giảm khinh:
“việc quy tội và việc chịu trách nhiệm đối với một hành động có thể được giảm thiểu hay thậm chí triệt tiêu vì do không biết, vô ý, bị cưỡng ép, sợ hãi, thói quen, quyến luyến vô trật tự và các nhân tố tâm lý hay xã hội khác”. Trong một đoạn khác, Sách Giáo Lý một lần nữa nhắc đến “sự thiếu chín chắn về cảm giới, sức mạnh của thói quen đã mắc phải, các tình trạng lo âu xao xuyến hay các nhân tố tâm lý hay xã hội khác làm giảm khinh hay thậm chí xóa hẳn tính quy trách luân lý”(Amoris Laetitia, 302) .
Câu chuyện thực tế sau là một minh họa cho yếu tố chủ quan có thể làm giảm khinh hay thậm chí xóa hẳn tính quy trách luân lý.
Một phụ nữ khoảng 60 tuổi đến xin tôi lời khuyên: Bà có nên từ bỏ ông chồng thứ hai, là người lương, mà bà đang sống chung bất hợp pháp, để bà được xưng tội rước lễ hay không. Trước đây, ông chồng thứ nhất đã bỏ bà và đã lấy người khác năm bà khoảng 23 tuổi. Đến năm 27 tuổi bà kết hôn với một người lương và đã có ba đứa con với ông. Nay những đứa con đã trưởng thành, có đứa đã kết hôn. Bà muốn chia tay để được sống đạo bình thường, được xưng tội, rước lễ.
Tuy nhiên, khi bà tỏ ý định chia tay, các con và người chồng đều chống đối. Người chồng chống lại một cách mạnh mẽ: “Không thể như vậy được. Tôi với bà đã là vợ chồng, yêu thương nhau hơn 30 năm nay, có con cái với nhau, tại sao bà lại bỏ tôi, lại đòi chia tay tôi. Tôi đâu có đối xử tệ bạc với bà. Không có Chúa nào, hay Giáo hội nào mà lại bảo bà bỏ tôi, chia tay tôi!”.
Tôi đã cho bà lời khuyên: Bà có chia tay hay không thì tùy vào lương tâm của bà. Nếu bà chia tay, thì bà sống đúng luật của Hội Thánh, được rước lễ, nhưng nếu bà không chia tay thì thiết nghĩ bà cũng không có tội, bà cũng sống trong ơn nghĩa Chúa. Vì lẽ, sống tình yêu thương với người đã gắn bó với mình suốt hơn 30 năm, là gương mẫu yêu thương chung thủy cho con cái. Đó là sống đúng với Lời Chúa dạy, Chúa không hề kết tội bà. Vì vậy, tùy theo lương tâm của bà quyết định chia tay hoặc không chia tay đều có thể không có tội.
Tuy nhiên, nhưng theo ý kiến riêng tôi, bà vẫn cứ nên sống chung và gắn bó với ông ấy. Bà cứ sống đạo tốt, tham dự Thánh Lễ, xưng tội và rước lễ thiêng liêng bà cũng đẹp lòng Chúa. Thực ra, được rước lễ, mà lòng cứ băn khoăn, nặng trĩu vì còn mắc nợ ân tình với chồng, với con cái, thì tâm hồn bà cũng không được bình an, Chúa chắc cũng không hài lòng.
Trong trường hợp này, nhân tố “tình nghĩa, yêu thương, quyến luyến…” thuộc chủ quan, nhưng chắc chắn làm giảm khinh hay thậm chí xóa hẳn tính quy trách luân lý, phù hợp với giáo huấn của Amoris Laetitia, số 302.
Liệu chừng nếu bà chia tay, trong tâm khảm người chồng và con cái sẽ hình thành một Thiên Chúa và Giáo hội của ngài như thế nào? - Một Thiên Chúa và Giáo hội pháp lý, thiếu tình người!
Phải chăng người phụ nữ ấy cần một đời sống đạo tốt, theo hướng bác ái, hy sinh phục vụ cho người chồng con, cho tha nhân, đáng được trân trọng hơn không?
Vị mục tử theo Tông huấn Amoris Laetitia sẽ giúp người phụ nữ đó biện phân, không nhắm đến chỉ để đón nhận bí tích Thánh Thể cách hữu hình, nhưng nhắm đến sự ăn năn thống hối, lãnh nhận bí tích Giải tội và sống đạo tốt. Người tín hữu đó phải được hiểu và sẽ không “tự coi mình như bị tuyệt thông, mà họ còn cần được sống và lớn mạnh như các chi thể sống động của Giáo Hội, cảm nghiệm Giáo Hội như mẹ hiền vẫn đang đồng hành với họ, săn sóc họ một cách âu yếm, và khích lệ họ trên đường đời và đường Tin Mừng” (Amoris Laetitia, 299).

Kết luận
Những giáo huấn của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II trong Tông huấn Familiaris Consortio ban hành năm 1981, của Đức Hồng Y Ratzinger, Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin trong thư gởi các Giám mục trên thế giới ngày 14-9-1994, của Bản tuyên bố năm 2000 và của Tông huấn Amoris Laetitia ban hành năm 2016, tất cả đều xác nhận trong những người ly dị tái hôn vẫn có những người không mất ơn thánh hóa, không ngoan cố trong tội trọng thường xuyên và có thể “lớn mạnh như các chi thể sống động của Giáo Hội” (Amoris Laetitia, 299).
Xin nhắc lại lời xác nhận mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Amoris Laetitia khi chỉ dẫn mục vụ về người ly dị tái hôn:
 Không thể đơn giản nói rằng tất cả những người trong bất cứ hoàn cảnh “bất hợp lệ” nào đều đang sống trong tình trạng tội nặng hay không có ơn thánh hóa (Amoris Laetitia, 301).
Vì vậy, không có gì cấm cản cho những tín hữu ly dị tái hôn được tha thứ các tội phạm nhờ bởi bí tích Giải tội. Ngược lại, khi từ chối ban bí tích Giải tội, cha giải tội biểu hiện một sự hiểu lầm, hoặc sai lạc, hoặc xa rời Giáo huấn của Giáo Hội.

2. Khả năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể

2.1. Không được lãnh nhận Thánh Thể theo Familiaris Consortio, 1981
Trong Tông huấn Familiaris Consortio, sau khi phân biệt những trường hợp người ly dị tái hôn có thể không ở trong tình trạng tội nặng, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vẫn không cho phép họ lãnh nhận Thánh Thể. Ngài chấp nhận tập tục đã có từ trước:
Tuy nhiên, Giáo hội nhắc lại việc thực hành (tập tục) của mình, dựa trên Kinh Thánh, là không cho phép những người ly dị và tái hôn được rước lễ. Họ là những người không thể được rước lễ, vì tình trạng và điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự kết hợp tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, được biểu thị và thực hiện bởi bí tích Thánh Thể. Ngoài ra còn có một lý do mục vụ đặc biệt khác: nếu những người này được nhận bí tích Thánh Thể, các tín hữu sẽ bị dẫn đến sai lầm và nhầm lẫn về giáo lý của Giáo hội về tính bất khả phân ly của hôn nhân (Familiaris Consortio, 84).
Tông huấn nêu ra hai lý do của việc không cho rước lễ đối với người ly dị tái hôn.

a- Lý do thần học
tình trạng và điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự kết hợp tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo hội, được biểu thị và thực hiện bởi bí tích Thánh Thể.”
Vì sao lại “mâu thuẫn”?
Vì hôn nhân, được Thánh Phaolô dạy, là hình ảnh của sự kết hợp tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Kết ước hôn nhân cũng là hình ảnh Giao ước của Đức Kitô và Hội Thánh. Giao ước này được thể hiện trong hiến tế Thánh Thể: Này là Mình Ta sẽ bị nộp vì các con… Này Máu Ta, Máu Giao ước mới và vĩnh cữu sẽ đổ ra cho các con…
Người ly dị sau đó đi đến một kết hôn khác, xét một cách khách quan bên ngoài, được coi là người đã phản bội lại giao ước tình yêu. Vì vậy, là một sự mâu thuẩn nếu họ hiệp thông với Giao ước tình yêu của Thánh Thể

b- Lý do mục vụ
nếu những người này được lãnh nhận bí tích Thánh Thể, các tín hữu sẽ bị dẫn đến sai lầm và nhầm lẫn về giáo lý của Giáo hội về tính bất khả phân ly của hôn nhân”.
Lý do này được hiểu là gây cớ vấp phạm (scandal). Cớ vấp phạm ở đây được hiểu là cớ làm cho người ta “sai lầm và nhầm lẫn về giáo lý của Giáo hội về tính bất khả phân ly của hôn nhân”.

2.2. Lý do tội trọng không được Tông huấn kể ra
- Tông huấn Familiaris Consortio đưa ra lệnh cấm việc lãnh nhận bí tích Thánh Thể đối với người ly dị tái hôn với hai lý do: nghịch lý thần học và gây scandal, nhưng đã không hề nêu ra lý do tội trọng.
Điều này cho thấy không được lãnh nhận bí tích Thánh Thể, không chỉ vì tín hữu ly dị tái hôn đang mắc tội trọng, nghĩa là:
Trong những người ly dị tái hôn có thể có những người có tội trọng, nhưng cũng có những người chỉ có tội nhẹ, nhưng cả hai đều không được nhận bí tích Thánh Thể, vì hai lý do: nghịch lý thần học và gây scandal.
Người mắc tội trọng sẽ không được rước lễ xét theo quy tắc của điều 915 và 916.

2.3. Không được lãnh nhận Thánh Thể theo Bản Tuyên bố năm 2000
Bản Tuyên bố năm 2000 của Ủy Ban Giáo Hoàng Giải Thích Văn Bản Lập pháp, cũng đã lý giải theo tông huấn Familiaris Consortio năm 1981 của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “dù không ở trong tình trạng tội trọng thường xuyên người ly dị tái hôn vẫn không được rước l những tai hại khách quan mà họ gây ra: sự bất xứng công khai, hiểu lầm về giáo lý bất khả phân ly của hôn nhân và scandal (x. Tuyên Bố, số 1; Familiaris Consortio, 84).
Bản Tuyên bố giải thích rằng, việc họ có tiết dục đi chăng nữa thì cũng là chuyện kín đáo không ai biết. Sự việc họ vẫn sống như vợ chồng (more uxorio), hiểu theo khách quan bên ngoài, là sống trong tình trạng tội trọng. Vì vậy họ chỉ có thể được lãnh nhận Thánh Thể khi tránh được cớ vấp phạm (remoto scandalo)”.
Vì vậy, theo bản Tuyên bố năm 2000, tín hữu ly dị tái hôn, nếu có lòng sám hối, thành thực muốn chấm dứt tội, nhưng vì lý do nghiêm trọng không thể thực hiện ý muốn đó, thì được lãnh nhận bí tích Xá giải và họ không còn trong tình trạng tội nặng thường xuyên. Tuy nhiên họ vẫn không được rước lễ vì gây scandal, nghĩa là, gây hiểu lầm về giáo lý bất khả phân ly của hôn nhân.
Khi đó, họ cần ăn năn sám hối, hiểu biết và tham dự Thánh Lễ, "rước lễ thiêng liêng, cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, hoạt động bác ái và công lý" (Hồng Y Ratzinger, năm 1984).

2.3. Theo Tông huấn Amoris Laetitia
Tông huấn Amoris Laetitia không đưa ra những quy tắc như một công thức nào đó để các mục tử có thể dễ dàng hướng dẫn cho tín hữu ly dị tái hôn được lãnh nhận các bí tích, nhưng chú trọng đến việc biện phân thỏa đáng để giúp Kitô hữu sống đạo, hội nhập vào Hội Thánh:
Các nghị phụ Thượng Hội Đồng quả quyết rằng việc biện phân của các mục tử phải luôn diễn ra “bằng một việc phân biệt thỏa đáng”. Ta biết rằng không hề có “những công thức dễ dàng” (Amoris Laetitia, 298).
Trong số 300 của Tông huấn ngài kêu gọi các mục tử hãy:
 Đổi mới đối với việc phải đảm nhiệm việc biện phân các trường hợp đặc thù một cách có trách nhiệm, cả bản thân lẫn mục vụ.
Biện phân để giúp đỡ tín hữu "hiểu rõ hoàn cảnh của họ theo giáo huấn của Giáo Hội và các hướng dẫn của Giám mục"; giúp họ suy xét lương tâm để họ:
- Tăng cường niềm tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng thương xót không bị từ chối cho bất cứ ai.
- Tham dự trọn vẹn hơn vào đời sống Giáo Hội và về các biện pháp có thể cổ vũ sự tham dự này và làm nó lớn mạnh".
Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn nhất trí với các Giám mục là cần tránh cớ vấp phạm (scandal):
Tôi nhất trí với nhiều nghị phụ Thượng Hội Đồng khi nhận định rằng “Những người đã rửa tội ly dị và tái hôn dân sự nên được hội nhập nhiều hơn vào các cộng đồng Kitô Giáo theo nhiều cách có thể, tránh mọi dịp gây cớ vấp phạm (Amoris Laetitia, 299).
(scandal = cớ vấp phạm; không dịch là gương xấu, vì dễ bị hiểu lầm làm một điều xấu, điều tội và có những người khác bắt chước theo).

3. Áp dụng mục vụ: có thể lãnh nhận bí tích Thánh Thể ở mức độ nào?

3.1. Cần có sự biện phân
Rõ ràng Amoris Laetitia nhấn mạnh đến sự biện phân để giúp tín hữu, sống đạo và hội nhập vào Hội Thánh nhiều hơn, nhưng thực tế ít có mục tử có khả năng hiểu biết về vấn đề này để giúp biện phân. Ý tưởng cho rằng người ly dị tái hôn “ngoan cố sống trọng”, “ bị cấm xưng tội rước lễ”, vẫn còn tồn tại nơi nhiều linh mục, và do đó từ chối giải tội cho họ. Thử hỏi trong tình trạng như vậy, các linh mục ấy làm sao có thể giúp tín hữu biện phân?
Amoris Laetitia đã được ban hành năm 2016, đã trãi qua 8 năm, nhưng ở Việt Nam các hướng mục vụ đối với những người ly dị tái hôn hầu như không thay đổi được bao nhiêu. Đây là điều đáng buồn.
Rốt cuộc, các tín hữu, trong những trường hợp thiếu sự giúp biện phân từ các mục tử thì phải tự tìm hiểu và biện phân để sống đạo; sống như lời Hồng Y Ratzinger dạy năm 1984: Hiểu biết giá trị và tham dự Thánh Lễ, “Rước lễ thiêng liêng, cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, hoạt động bác ái và công lý”.
Cụ thể, khi tín hữu ý thức được tội của mình không phải là nặng hoặc đã là nặng nhưng có lòng năn năn sám hối và trong vì lý do nghiêm trọng nào đó (giáo dục con cái, tình nghĩa sâu nặng…) không thể rời bỏ cuộc sống chung vợ chồng đang có, thì có thể xưng tội.
Thiết nghĩ, nếu bị từ chối, thì tín hữu nên tìm một linh mục khác để xin xưng tội, vì các linh mục còn nhiều quan điểm khác nhau, chưa cập nhật Giáo huấn Giáo hội.
Tuy nhiên, người tín hữu đó cũng không được rước lễ. Chỉ có thể rước lễ nếu tránh được scandal. Hai trường hợp sau có thể tránh được scandal:
- Rước lễ ở một giáo xứ khác, ít ai biết đến;
- Khi đến cư ngụ ở nơi xa lạ hoặc ở một thành phố mà ít người biết tình trạng ly dị tái hôn của tín hữu.
Trong kỳ đi Adlimina năm 2018, một số Giám mục Việt Nam gặp gỡ Ủy Ban Giáo hoàng Giải Thích Văn bản Lập Pháp, đã hỏi về khả thể lãnh nhận Thánh Thể của người ly dị tái hôn:
 Hỏi: Nếu cho phép lãnh nhận Thánh Thể như vậy thì sẽ gây ra nhiều ngộ nhận và gây gương mù cho cộng đoàn giáo xứ thì sao?
Ủy Ban Giáo hoàng đã trả lời:
- Về phương diện mục vụ nếu có gây hiểu lầm và khó xử cho giáo xứ, hãy khuyên họ đi tham dự Thánh Lễ để được rước lễ ở nhà thờ giáo xứ khác. Cần lưu ý là vai trò của các mục tử rất quan trọng, một đàng phải tìm kiếm họ, giúp họ và đàng khác phải tạo mọi điều kiện cho họ tiếp cận với Tòa án Giáo Hội.
(Linh mục Pr. M. Trần Huy Hoàng, thư ký GM giáo tỉnh Huế, có hiện diện và ghi chép lại).

3.2. Bản Quyền địa phương có thể cho phép Rước lễ công khai có giới hạn và có điều kiện
Đã có những Giám mục Việt Nam thực hiện việc cho phép các tín hữu ly dị tái hôn được rước lễ trong một số lần trong một số dịp lễ cách công khai, nhưng luôn đòi hỏi tín hữu đó có lòng ăn năn sám hối thực sự.
Đây là một thực hành, thiết nghĩ, không có gì sai trái và rất phù hợp với Giáo huấn Giáo hội.
Tuy nhiên, cũng nên cho tín hữu biết, ai tự biết mình trong tình trạng tội nặng và có thể thay đổi được, nhưng lại không có ý định chân thực nào để thực hiện chủ tâm đó thì người đó tự mình ý thức là không được rước Lễ (x. Coccopalmerio, Mục 3.7).
Nếu có tín hữu nào đó có ý lạm dụng hoặc sống hai mặt thì người ấy chịu trách nhiệm trước Chúa. Không vì số ít những người này, mà không mở ra cơ hội khuyến khích giáo dân hội nhập, sống đạo.
Sự cho phép này có thể thực hiện với một trong những hình thức khác nhau, được kể dưới đây:
a- Tuyên bố một sự cho phép chung của Giám mục giáo phận đối với các  tín hữu ly dị tái hôn hoặc kết hôn bất hợp luật, miễn là họ có lòng thống hối thực sự, đi xưng tội, được rước lễ trong một số lần, dịp lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, Hiện Xuống… trong mỗi năm. Sự cho phép chung này không cần làm đơn xin, để tín hữu tự phân định.
b- Mỗi tín hữu cần làm đơn riêng xin Giám mục giáo phận hoặc vị đại diện Giám mục, biểu lộ lòng thống hối ăn năn, xưng tội để được rước lễ trong mỗi năm, theo  số ngày lễ được Giám mục giáo phận ấn định: lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, Hiện Xuống…
 c- Mỗi tín hữu cần làm đơn riêng xin cha sở, nội dung như ở phần (b) nói trên. Ở cách thức này, Giám mục ban cho cha sở quyền cho phép, để cha sở có dịp chăm sóc đàn chiên cách tích cực hơn.
 Số dịp lễ cho phép được rước lễ, có thể từ 3 đến 7 lần trong một năm, trong các dịp lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, Hiện Xuống, một số lễ Trọng, dịp hành hương, lễ Bổn mạng, Rước lễ lần đầu, Thêm sức của con cái… tùy sự thẩm định của Giám mục giáo phận.
Sự đúng đắn của sự cho phép nói trên được xét định là do số giới hạn được rước lễ. Số giới hạn này giúp tránh được scandal, phù hợp với Thượng Hội đồng và ý muốn của Đức Giáo hoàng Phanxicô:
Tôi nhất trí với nhiều nghị phụ Thượng Hội Đồng khi nhận định rằng “Những người đã rửa tội ly dị và tái hôn dân sự nên được hội nhập nhiều hơn vào các cộng đồng Kitô Giáo theo nhiều cách có thể, tránh mọi dịp gây cớ vấp phạm (Amoris Laetitia, 299).
Ngược lại, nếu cho phép người ly dị tái hôn cũng được lãnh nhận các bí tích tùy ý như những tín hữu bình thường khác, thì dễ gây scandal, vì gây hiểu lầm rằng Giáo hội cho phép ly dị tái hôn, vi phạm luật bất khả phân lý của Thiên Chúa.

4. Một số lầm lẫn đáng tiếc
Đến đây, bài khảo cứu sẽ còn thiếu sót, nếu không đề cập đến một số ý kiến đi ngược lại. Chúng cần phải được làm sáng tỏ. Nói chung, những ý kiến đó thường phát sinh do hiểu lầm một số giáo huấn Giáo hội.

4.1. Tông huấn Familiaris Consortio, số 82
Tông huấn Familiaris Consortio, số 82 có nói:
Mặc dù vẫn đối xử với họ bằng lòng bác ái lớn lao và cổ vỏ họ tham dự vào đời sống cộng đoàn, nhưng dầu vậy các mục tử của Giáo hội không được phép cho họ nhận lãnh các bí tích (non licet eos ad sacramenta admittere).
“Họ” đây là những ai? Ở số 82 của Tông huấn, “họ” không phải là những người ly dị tái hôn, nhưng họ là:
Những người công giáo, vì những nguyên do ý thức hệ hay vì những lý do thực tiễn, muốn lập hôn phối dân sự mà từ chối việc cử hành hôn phối đạo hoặc dời việc cử hành này lại sau (Familiaris Consortio, 82).
Họ là những người công giáo mà lại từ chối cử hành hôn phối theo nghi thức công giáo, nghĩa là, họ coi thường các bí tích của Giáo hội công giáo vì “nguyên do ý thức hệ hay vì những lý do thực tiễn”.
Dễ hiểu là, khi họ đã coi thường, không muốn lãnh nhận Hôn phối theo nghi thức công giáo thì Giáo hội cũng sẽ không cho lãnh nhận các bí tích khác. Trường hợp này thì khác hẳn với những người mong ước được kết hôn theo luật đạo nhưng vì ngăn trở nào đó (dây hôn phối…) Giáo hội không cho họ kết hôn theo nghi thức công giáo.

4.2. Tông huấn Familiaris Consortio, số 84
Đoạn văn của Tông huấn Familiaris Consortio, số 84, thật sự đã gây hiểu lầm nghiêm trọng về việc lãnh nhận bí tích Giải tội. Tông huấn chỉ dạy:
- Nếu muốn lãnh nhận bí tích Thánh Thể, người ly dị tái hôn phải ăn năn sám hối lãnh nhận bí tích Giải tội và cam kết tiết dục hoàn toàn (assumono l'impegno di vivere in piena continenza).
Nhưng đã bị hiểu sai lầm rằng:
- Nếu muốn lãnh nhận bí tích Giải tội, người ly dị tái hôn phải ăn năn sám hối và cam kết tiết dục hoàn toàn.
Nguyên văn đoạn Tông huấn liên quan:
Việc hòa giải trong bí tích Giải tội – (mà) mở đường cho bí tích Thánh Thể - chỉ có thể được ban cho những ai ăn năn vì đã vi phạm dấu hiệu Giao ước và trung thành với Chúa Kitô, và thành thật sẵn lòng chấp nhận một hình thức sống không còn mâu thuẫn với sự bất khả phân ly của hôn nhân nữa. Nói như thế là mặc nhiên cho rằng, khi có những lý do hệ trọng - chẳng hạn để làm gương và giáo dục con cái - người nam và người nữ không thể xa lìa nhau như luật buộc, thì "họ cam kết sống hoàn toàn tiết dục, nghĩa là tránh hẳn những hành vi dành riêng cho vợ chồng".
Đoạn văn liền trước đó nói đến việc không được lãnh nhận Thánh Thể, đoạn văn này nói đến việc có thể được rước lễ với điều kiện xưng tội và tiết dục. Đoạn văn vẫn đang trong phần nói về việc lãnh nhận bí tích Thánh Thể, không có ý nói về riêng về việc lãnh nhận bí tích Giải tội. Tiếc rằng, đoạn văn đã mở đầu bằng “Việc hòa giải trong bí tích Giải tội”, đã là mấu chốt gây hiểu lầm.
Đức Hồng Y Ratzinger, trong thư gởi các Giám Mục trên thế giới về vấn đề lãnh nhận Thánh Thể nơi người ly dị tái hôn nói trên, năm 1984 đã nhắc lại hầu như nguyên đoạn văn, nhưng để tránh hiểu lầm, ngài đã tinh ý chuyển câu văn, đặt  bí tích Thánh Thể đi trước bí tích Giải tội
Tông huấn: Việc hòa giải trong bí tích Giải tội – (mà) mở đường cho bí tích Thánh Thể - chỉ có thể được ban cho …”
Hồng Y Ratzinger:Đối với những tín hữu vẫn cứ ở trong tình trạng hôn nhân như thế, con đường đến lãnh nhận Thánh Thể, chỉ được mở ra từ sự xá giải bí tích, có thể được ban cho…
Cách viết của Đức Hồng Y Ratzinger rõ ràng cho thấy ý chính của đoạn văn là chỉ ra phương cách để có thể lãnh nhận Bí tích Thánh Thể: “con đường đến lãnh nhận Thánh Thể, chỉ được mở ra từ sự xá giải bí tích…”
Vì vậy, Đức Hồng Y giúp chúng ta hiểu rằng, người ly dị tái hôn muốn được rước lễ thì phải đi xưng tội và quyết tâm tiết dục. Chứ không phải: Muốn được xưng tội, phải quyết tâm tiết dục.
Đây là điểm hiểu lầm nghiêm trọng. Xin xét đến chính bản chất của bí tích Giải tội để phân giải.

Bản chất bí tích Giải tội: tha tội cho người sám hối ăn năn
Xét đến bản chất,  bí tích Giải tội có mục đích tha tội cho người ăn năn sám hối, chứ không là bí tích chỉ để được lãnh nhận Thánh Thể. Đoạn văn của Tông huấn có nói đến bí tích Giải tội nhưng chỉ nói đến một khả năng: để lãnh nhận Thánh Thể, được chứng tỏ qua cụm từ “() mở đường cho bí tích Thánh Thể:
Xin hãy khảo sát :
Việc hòa giải trong bí tích Giải tội - () mở đường cho bí tích Thánh Thể - chỉ có thể được ban…”.
… -  quae ad Eucharistiae sacramentum aperit viam — illis unis concedi potest… (Latin)
… - che aprirebbe la strada al sacramento eucaristico - può essere accordata solo a…(Ý)
… - which would open the way to the Eucharist, can only be granted to… (Anh)
Một mệnh đề phụ đi kèm, dẫn đầu bằng đại từ quae, che, which…có nhiệm vụ hạn định ý nghĩa của từ ngữ đi trước nó. Ở đây, nó hạn định lại ý nghĩa của bí tích Giải tội, là  để “mở đường cho” hay cho phép lãnh nhận Thánh Thể; chứ không nói: mà mở đường cho ơn tha tội, theo như bản chất của bí tích Giải tội.
Chúng ta có thể thấy rằng, giáo dân thường nghĩ không được rước lễ là do tội nặng, và vì  vậy, khi tội nặng được thứ tha trong tòa Giải tội thì họ được rước lễ. Tông huấn muốn lưu ý rằng xưng tội để được rước lễ như vậy là không được phép, trừ khi tín hữu đó cam kết sống hoàn toàn tiết dục.
Nguyên tắc: cấm cần có lý do
Trừ Bộ luật, gồm có những điều được quy định một cách ngắn gọn, một Tự sắc, Tông huấn của Đức Giáo Hoàng mà ấn định một điều cấm, thường phải nêu rõ lý do của điều cấm đó. Khi Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II, tuyên bố áp dụng lệnh cấm lãnh nhận bí tích Thánh Thể, ngài đã kể ra hai lý do: thần học và mục vụ, như đã nói ở phần trên.
Tuy nhiên, đoạn văn có liên quan đến bí tích Giải tội, ngài không nói đến như một vấn đề cấm và kể những lý do.
Mặt khác, một lệnh cấm phải được nói cách rõ ràng.
Từ một đoạn văn không rõ ràng là cấm, cũng không nêu lý do, mà ta cứ khẳng định là cấm là trái với nguyên tắc giải thích luật: những gì hạn chế quyền lợi, tự do của con người phải được giải thích theo nghĩa hẹp (đ. 16).

4.3. Sách GLHTCG số 1650
Sách Giáo lý HTCG đã soạn thảo lại lời dạy của Thánh Đức Giáo Hoàng Gioan Phalo II trong Familiaris Consortio số 84, làm cho có ý nghĩa như là cấm người ly dị tái hôn được xưng tội,  trừ khi người đó cam kết sống tiết dục:
Chỉ những người hối hận vì mình đã vi phạm đến dấu chỉ giao ước và sự trung thành với Đức Ki-tô, và cam kết sống tiết dục trọn vẹn, mới được giao hòa nhờ bí tích Thống Hối (GLHTCG, 1650).
Bản tóm tắt sách GLHTCG (Compendium, 2005) số 349 của nó cũng nêu rõ:
Tuy nhiên, họ không thể lãnh nhận Bí tích Giải tội, Rước lễ hoặc thực hiện một số trách nhiệm nào đó của Giáo hội, bao lâu tình trạng của họ, trái ngược với luật Chúa một cách khách quan, vẫn tồn tại.
Thiết nghĩ có sự hiểu lầm ở đây. Với sự góp ý của các anh em linh mục, để tránh áp dụng không phù hợp, tôi đã gởi thư xin Đức Thánh Cha cho sửa lại đoạn văn nói trên (18-7-2024). Đức Đại diện Tòa Thánh Marek Zalewski, đã hồi báo rằng ngài đã chuyển thư lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô (15-8-2024).
 
4.4. Tông huấn SACRAMENTUM CARITATIS, năm 2007, số 29
Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 29, năm 2007, đã bị hiểu lầm là Đức Benedicto XVI đã không chấp nhận cho những người li dị và tái hôn nhận lãnh các bí tích. Một phần của đoạn văn như sau:
Thượng Hội Đồng Giám Mục xác nhận việc thực hành của Giáo Hội, dựa trên Kinh Thánh (Mc 10, 2- 12), không chấp nhận cho những người li dị và tái hôn đón nhận các bí tích, bởi vì tình trạng và điều kiện đời sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, được biểu thị và tái hiện trong bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, những người li dị và tái hôn vẫn thuộc về Giáo Hội, Giáo Hội luôn đồng hành với họ trong sự quan tâm đặc biệt…
(Il Sinodo dei Vescovi ha confermato la prassi della Chiesa… )
Câu văn: “Thượng Hội Đồng Giám Mục xác nhận việc thực hành của Giáo Hội, dựa trên Kinh Thánh (Mc 10, 2- 12), không chấp nhận cho những người li dị và tái hôn đón nhận các bí tích”, phải được hiểu như thế nào?
Hãy xem xét nội dung của toàn bộ đoạn văn. Đừng vội tách riêng một câu văn và lấy đó nói rằng Đức Giáo hoàng không cho người ly dị tái hôn được nhận lãnh các bí tích.
Đức Benedictô XVI vẫn có ý tiếp nối với giáo huấn của vị tiền nhiệm, là Đức Gioan Phaolô II, kêu gọi các mục tử:
ngoài lòng mộ mến sự thật, bó buộc phải cứu xét những hoàn cảnh khác biệt nhau một cách cẩn thận, để có thể đưa ra sự hướng dẫn thiêng liêng thích hợp cho những tín hữu liên quan (Sacramentum Caritatis, 29).
Kế tiếp lời yêu cầu đó, ngài đề cập đến một thực hành đang diễn ra trong Giáo hội: “không chấp nhận cho những người li dị và tái hôn đón nhận các bí tích”. Nên chú ý, đây là một thực trạng được các Giám mục của Thượng hội đồng đã xác nhận (ha confermato).
Chủ  thể của động từ “xác nhận” không phải là Đức Thánh Cha, nhưng là  Thượng Hội đồng. Các Giám mục của Thượng hội đồng đã “xác nhận” một thực hành (prassi) đang có trong Giáo hội, chứ các ngài không đưa ra một quyết định hay ấn định một luật lệ. Hơn nữa, Thượng hội đồng Giám mục chỉ có quyền tư vấn, không có quyền quyết định hay ấn định luật. Chỉ có Đức Giáo hoàng, với quyền lập pháp ngài, mới có thể ấn định một luật.
Tuy nhiên, ở đây Đức Giáo hoàng chỉ nêu ra một thực trạng của Giáo hội được các Giám mục xác nhận là đang diễn ra, để ngài giáo huấn. Ngài không tỏ ý tán đồng thực hành đó, nhưng có ý sửa chữa lại.
Vì việc không cho người ly dị tái hôn được lãnh nhận các bí tích, có ý nghĩa như là hình phạt dứt phép thông công hay loại trừ họ ra khỏi Giáo hội, Đức Benedicto lưu ý các mục tử: “Tuy nhiên, những người li dị và tái hôn vẫn thuộc về Giáo Hội…”. Chữ “Tuy nhiên” trong mệnh đề này biểu lộ ý kiến ngược lại.  Đức Giáo hoàng có vẻ như không tán thành việc cấm lãnh nhận các bí tích đang diễn ra trong Giáo hội, vì hệ quả của nó là loại trừ giáo dân hoặc làm cho giáo dân xa rời Hội Thánh.
Tiếp ngay sau đó, ngài biểu lộ sự công nhận các tín hữu có thể không trong tình trạng tội trọng, vẫn có ơn thánh hóa với những lời dạy: “thường xuyên tham dự Thánh Lễ, dẫu không được rước lễ, lắng nghe Lời Chúa, chầu Thánh Thể, cầu nguyện, tham gia vào đời sống cộng đồng…” (Sacramentum Caritatis, 29).
Vì vậy, đọc Tông huấn một cách vội vã cộng thêm những tiên kiến trong có sẵn trong tâm trí, dễ khiến ta hiểu ngược lại với ý của Đức Giáo Hoàng.

Kết luận
Đã 8 năm sau Tông huấn Amoris laetitia (2016) được ban hành, vẫn còn nhiều linh mục, giáo dân coi những Kitô hữu ly dị tái hôn là ngoan cố sống trong tội trọng, không được xưng tội. Nhiều linh mục đã từ chối giải tội cho họ, gây ra cho người ly dị tái hôn cảm thức tội nặng không được thứ tha và vì vậy họ xa rời, lìa bỏ Hội Thánh.
Xin nhắc lại lời kêu gọi tha thiết của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Ngài đã lưu ý tình trạng ly dị tái hôn đang là một đại họa và kêu gọi toàn thể Giáo Hội là hãy cấp bách lo cứu chữa, không thể bỏ mặc” họ:
Đây là một đại họa ngày càng lan rộng và tấn công cả các môi trường Công giáo như những đại họa khác, nên cần phải cấp bách đối diện với vấn đề này với một sự quan tâm hết sức lớn lao… Hội Thánh không thể bỏ mặc những người, đã được kết hợp trong dây bí tích Hôn phối, nay lại muốn cưới người khác (Familiaris Consortio, 84).
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Tông Huấn Amoris Laetitia, năm 2016, tiếp tục cảnh giác một cách mạnh mẽ về mối đại họa lìa bỏ Giáo Hội vì các tín hữu cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh”. Các mục tử phải nổ lực làm sao để họ:
Thấy họ vẫn thuộc về Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo Hội, mà còn để họ có được một cảm nghiệm hân hoan và sinh hoa trái trong Nhiệm Thể ấy (Amoris Laetitia, 299).
 
 
[1] -“Để đồng hành, biện phân và hội nhập sự yếu đuối với các tín hữu trong tình trạng hôn nhân bất hợp luật theo Amoris Laetitia (https://giaoluatconggiao.com/bi-tich/de-dong-hanh-bien-phan-va-hoi-nhap-su-yeu-duoi-voi-cac-tin-huu-trong-tinh-trang-hon-nhan-bat-hop-luat-theo-amoris-laetitia-jb-le-ngoc-dung-178.html).

- “Hướng dẫn tín hữu rối hôn phối tự biện phân để sống đạo” (https://giaoluatconggiao.com/che-tai/huong-dan-tin-huu-roi-hon-phoi-tu-bien-phan-de-song-dao-jb-le-ngoc-dung-230.html)


 
 

Tác giả: JB Dũng Lm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay1,022
  • Tháng hiện tại29,323
  • Tổng lượt truy cập11,280,816
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi