MỘT SỐ GIẢI ĐÁP VỀ TU HỘI ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN - J.B. Lê Ngọc Dũng

Chủ nhật - 02/01/2022 08:00
Gần đây, có những thắc mắc gởi đến trang giaoluatconggiao.com, liên quan đến việc thiết lập một tu hội đời sống thánh hiến (tu hội dòng, tu hội đời, tu đoàn đời sống tông đồ) và việc thiết lập một hiệp hội công nhằm tiến đến thiết lập một tu hội. Cũng xin mạn phép được đăng tải giải đáp thắc mắc liên quan đến dòng nữ Đa Minh Rosa Lima với việc phân chia, theo quyết định của Tổng hội IX năm 2012 của dòng, định hướng đi truyền giáo tại giáo phận Bà Rịa, Phú Cường và Bắc Ninh. Hy vọng giải đáp sẽ giúp dòng Đa Minh Rosa Lima có được cơ cấu tổ chức vững mạnh và các nữ tu có đời sống thánh hiến tốt đẹp hơn.
 

MỘT SỐ GIẢI ĐÁP VỀ TU HỘI ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
 
1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sửa đổi Giáo luật về việc thành lập các tu hội đời sống thánh hiến, như thế nào?

Đáp:
Đức Giáo hoàng Phanxicô với Tông thư "Authenticum Charismatis" dưới dạng Tự Sắc, ban hành ngày 1-11-2020 và có hiệu lực từ ngày 10 tháng 11 năm 2020. Tông thư chính thức công bố sửa đổi điều luật 579:
 Điều 579 cũ
Trong địa hạt của mình, các Giám mục giáo phận có thể ban hành sắc lệnh chính thức để thành lập các tu hội thánh hiến, miễn là đã tham khảo ý kiến của Tông Toà.
Điều 579 mới
Các Gám mục giáo phận, trong địa phận riêng của mình, có thể thành lập cách hữu hiệu các Tu hội đời sống thánh hiến bằng sắc lệnh chính thức, với sự cho phép trước bằng văn bản của Tông Tòa.
Theo điều 579 cũ, nếu Giám mục thành lập tu hội ĐSTH mà không tham khảo ý kiến Tông Tòa thì việc thành lập của ngài là bất hợp luật  nhưng vẫn hữu hiệu, nghĩa là tu hội vẫn được thành lập.
Theo điều 579 mới, nếu Giám mục thành lập tu hội ĐSTH mà không xin phép trước của Tông Tòa thì việc thành lập của ngài không những bất hợp luật mà còn vô hiệu hay không thành sự, nghĩa là, tu hội đã không được thành lập.
Với sự sửa đổi điều 579, các Giám mục phải cẩn thận khi ra sắc lệnh thành lập một tu hội ĐSTH do mình hay do người khác sáng lập. Việc thiết lập một tu hội ĐSTH hay một tu đoàn đời sống tông đồ phải theo trình tự như sau:
- Một nhóm được tập hợp, do một vị sáng lập, xin phép Giám mục được sinh hoạt như một hiệp hội tư nhằm tiến lên thành một tu hội ĐSTH.
- Sau một thời gian, khi nhóm đủ mạnh, Giám mục Giáo phận có thể ra sắc lệnh thành lập một hiệp hội tín hữu công, trong đó có xác định "nhằm mục đích tiến tới thành lập một hội dòng / tu hội đời / tu đoàn đời sống tông đồ". Hiệp hội này tổ chức và sống như một tu hội mà mình nhắm tiến đến.
- Khi hiệp hội đã trưởng thành, có đặc sủng mới, hội đủ những tiêu chuẩn thì Giám mục giáo phận xin Tòa Thánh thành lập tu hội ĐSTH hay tu đoàn đời sống tông đồ.
Thư của Bộ Phúc-Âm-hoá các Dân tộc ngày 1-6-2016 (Prot. N. 2301/16) nhấn mạnh những tiêu chuẩn để được cho phép:
Việc thiết lập Tu hội thánh hiến theo luật giáo phận chỉ được thực hiện khi hiệp hội ấy có một đặc sủng mới và rõ ràng để mưu ích cho toàn thể Giáo Hội, và đã đạt đến một sự phát triển và trưởng thành đầy đủ. Điều quan trọng là không thể có một Tu hội thánh hiến nào được thiết lập nếu không có một đặc sủng mới, rõ ràng và hiển nhiên, cũng như không có một sự bảo đảm chắc chắn về sự phát triển trong tương lai [...]
Đặc sủng dòng tu là một hồng ân thực sự của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội, và các Giám mục được mời gọi công nhận đặc sủng đó sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng. Vì thế, không một Tu hội nào sẽ được phê chuẩn nếu không có sự chắc chắn hợp lý về yếu tố thánh thiêng này.
Hướng dẫn của Tòa Thánh từ năm 2007 cũng có nói:
Khi nào Hiệp Hội đã chứng tỏ được một cách cụ thể khả năng phát triển thánh thiện và bền vững, sau một giai đoạn lâu dài trải nghiệm, Giám Mục giáo phận nơi có trụ sở chính có thể tiến hành thành lập Tu Đoàn tông đồ [hoặcTu hội ĐSTH], sau khi đã tham khảo Tông Tòa (đ. 579). Để thực hiện điều này, đòi hỏi rằng Hiệp Hội phải đạt được ít nhất 40 thành viên, mà phần lớn họ đã gia nhập vĩnh viễn (và, trong trường hợp một tu hội giáo sĩ, phải có đủ số linh mục).
(Xem bài HƯỚNG DẪN THÀNH LẬP TU HỘI CỦA TÒA THÁNH, tại http://giaoluatconggiao.com/doi-song-thanh-hien/huong-dan-thanh-lap-tu-hoi-dsth-tu-doan-td-cua-toa-thanh-jb-le-ngoc-dung-87.htm)

2. Vì sao phải thiết lập một hiệp hội công các tín hữu để tiến lên hội dòng?

Đáp:
Đây là một nguyên tắc do Tòa Thánh hướng dẫn, không có quy định trong Giáo luật. Giáo luật chỉ nói đến hiệp hội các tín hữu, như chúng ta thường thấy các hiệp hội Legio Mariae, dòng Ba Phan Sinh, hội Cầu nguyện Mân Côi...
Rõ là, Tòa Thánh không muốn có một giai đoạn nào đó gọi là thử nghiệm để lập một tu hội. Tòa Thánh quy định giai đoạn tiền thân của tu hội có một cơ sở vững chắc pháp lý của một hiệp hội công, có tư cách pháp nhân công trong Giáo hội. Giai đoạn này phải có hướng đi rõ rệt, là với mục đích tiến đến thành lập một tu hội ĐSTH.
Trong thực tế, do không biết, một số vị sáng lập đã xin Giám mục giáo phận được phép lập thử nghiệm dòng tu trong thời gian 10,15 hay 20 năm. Khi bị suy yếu, đành phải giải tán thì rõ là các thành viên sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng trong đời sống thiêng liêng của mình. Lúc đó, tuổi đã lớn, không biết là đi về đâu! Tòa Thánh không muốn có chuyện lập dòng tu thử nghiệm, vì cuộc đời con người không cho phép đem ra thử nghiệm!
Còn hiệp hội công tức là hiệp hội mà được nhà chức trách có thẩm quyền ra sắc lệnh thành lập, thì thủ đắc được tư cách pháp nhân công. Một pháp nhân công thì có tính chất vĩnh viễn khó bị giải thể.
Ở phạm vi giáo hội địa phương, nó chỉ bị giải thể khi có những lý do nghiêm trọng. Khi đó, Hội Đồng Giám Mục có thể giải thể các hiệp hội do chính mình thành lập; Giám Mục Giáo Phận có thể giải thể các hiệp hội do chính ngài thành lập, và cả những hiệp hội do những thành viên của các hội dòng thành lập nhờ một đặc ân Tông Toà với sự ưng thuận của Giám Mục Giáo Phận (đ. 320§1). Theo nguyên tắc luật này, Giám mục giáo phận kế vị không được giải thể hiệp hội công mà vị tiền nhiệm của mình đã thiết lập .
Vì vậy, nếu hiệp hội công đó có bị suy yếu, không tiến tới được việc thành lập tu hội, thì nó vẫn tồn tại, cho đến khi không còn thành viên. Người tu sĩ trong hiệp hội công đó vẫn duy trì được nếp sống tu trì.
Trước khi được Giám mục giáo phận thành lập thành hiệp hội công, thì vị sáng lập thành lập một nhóm tu trì với tư cách là một hiệp hội tư và xin Giáo quyền cho phép hoạt động. Khi thấy nhóm có nhiều triển vọng và đủ mạnh thì Giám mục giáo phận mới chấp nhận ra một sắc lệnh thiết lập cho họ một hiệp hội công.
Hiệp hội công mà tiến lên thành lập tu hội ĐSTH, được phép và phải bắt đầu đi vào đời sống và sinh hoạt như là một tu hội. Tuy nhiên lời khấn chưa phải là lời khấn công, chỉ là tư.
Nếu Giám mục không ra sắc lệnh thành lập hiệp hội công trước mà trực tiếp thành lập ngay một tu hội ĐSTH thì việc thành lập tu hội của ngài bị vô hiệu, chiếu theo nguyên tắc của điều 579 nói trên.

3. Tại sao một tu sĩ đang giữ lời khấn không thể gia nhập vào một hiệp hội công mà có mục đích tiến lên tu hội ĐSTH?

Đáp:
Một tu sĩ đang giữ lời khấn chỉ có thể giúp đào tạo hay hướng dẫn tạm thời cho một hiệp hội công đang tiến lên thành lập một tu hội ĐSTH hay tu đoàn đời sống tông đồ. Tu sĩ ấy vẫn thuộc về tu hội mà mình tuyên khấn, không thể nào là thành viên của một hiệp hội.
Xét về lời khấn, tu sĩ ấy phải vâng phục vị Bề trên của tu hội mình, không thể đồng thời vâng lời vị Bề trên của tu hội hay hiệp hội khác. Một tu sĩ không thể nào cùng lúc lại thuộc về hai tu hội khác nhau.
Xét về sự hữu hiệu của lời khấn, một người đang còn liên kết với một tu hội thánh hiến bằng lời khấn hay bằng mối ràng buộc thánh hay đã nhập tịch vào một tu đoàn tông đồ, thì theo nguyên tắc của điều 643§1, 30 sẽ vào tập viện vô hiệu. Khi thực hiện nhà tập vô hiệu thì khấn tạm và khấn trọn cũng vô hiệu. Dù là đang còn là hiệp hội công, các thành viên cũng đã bắt đầu đi vào nếp sống của một tu sĩ có lời khấn. Nếu lời khấn bị vô hiệu thì người đó không thể là thành viên của hiệp hội. Và đã không là viên thì không thể nào là Bề trên của hiệp hội.
Điều 643
§1 Việc thâu nhận những người sau đây vào tập viện sẽ vô hiệu:
10 Người chưa đủ mười bảy tuổi trọn;
20 Người phối ngẫu, bao lâu hôn nhân còn hiệu lực;
30 Người đang còn liên kết với một tu hội thánh hiến bằng mối ràng buộc thánh hay đã nhập tịch vào một tu đoàn tông đồ, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 684;
40 Người vào tu hội do ảnh hưởng của bạo lực, sợ hãi nghiêm trọng hay man trá, hoặc người được bề trên nhận vào dưới một ảnh hưởng tương tự như thế;
50 Người giấu giếm việc mình đã gia nhập một tu hội thánh hiến hay một tu đoàn tông đồ.
Trong trường hợp người đó còn liên kết với một tu hội bằng mối ràng buộc thánh, nghĩa là lời khấn, thì áp dụng theo nguyên tắc của điều 684 về sự chuyển tu hội.

4. Nhận định của cha ra sao về đòi hỏi phải tháo cởi lời khấn thì mới cho gia nhập hiệp hội?

Đáp:
Từ việc gia nhập bị vô hiệu do đang còn ràng buộc bởi lời khấn, nên mới phát sinh ra chuyện đòi một tu sĩ phải tháo cởi lời khấn thì mới cho gia nhập hiệp hội.
Nói là "phát sinh" ra chuyện đòi phải tháo cởi lời khấn là vì nó bất thường và có thể là không tốt.
Thông thường thì một tu sĩ đã xuất tu vì thấy ơn gọi của mình trong tu hội này là không hợp rồi nay tìm thấy một tu hội hay hiệp hội khác để gia nhập tạo cho mình điều kiện có thể thánh hiến cuộc sống một cách tốt hơn.
Còn ở đây là chuyện tu sĩ ấy vẫn còn đang giữ lời khấn trọn một cách tốt đẹp trong một tu hội ĐSTH và hằng ngày đều đọc kinh cầu nguyện cho mình được luôn trung thành với lời khấn, lại bổng dưng xin xuất để gia nhập vào hiệp hội để chỉ có lời khấn tư. Nó bất thường là ở chỗ đó.
Nên biết, Hội Thánh không hề có hướng dẫn hay lời khuyên nào là phải tháo cởi lời khấn để được vào hiệp hội. Việc tháo cởi lời khấn được coi như một thất bại của người tu sĩ, không đủ sức để trung thành với lời khấn trọn đời mà mình đã tuyên khấn với Thiên Chúa toàn năng.
Việc tháo cởi lời khấn mà mình đã tuyên khấn với Thiên Chúa Toàn Năng, long trọng tuyên thệ trước Hội Thánh, là việc không tốt. Không nên dùng nó như là một phương tiện để được gia nhập vào hiệp hội. Giám mục giáo phận không nên ban đặc ân xuất tu cho trường hợp này.
Thiết nghĩ, Tòa Thánh khi xem xét cách thức tạo dựng hiệp hội mà vị sáng lập đã dùng phương cách là chỉ dẫn cho tu sĩ một dòng xuất tu rồi gia nhập vào hiệp hội của mình, như là phương tiện để làm gia tăng số thành viên hiệp hội, thì Tòa Thánh khó mà cho phép hiệp hội đó tiến lên lập tu hội ĐSTH.
Nên biết, trong hồ sơ gởi lên Tòa Thánh, cần phải tường trình nhiều điều, có bản Tường trình lịch sử - pháp lý của Hiệp Hội từ khởi đầu, như là:
a) Họ tên của vị sáng lập (fondateur ou de la fondatrice); mục đích sáng lập; ngày và nơi khởi đầu; tên của Giám Mục giáo phận cho phép sáng lập;
b) Con số và tên của những thành viên đầu tiên;
c) Sự thiết lập, ngày và nơi của nhà tập đầu tiên (la première maison de noviciat); tên của Giám mục đã thiết lập nhà tập; số và tên những tập sinh và ngày được nhận vào nhà tập; con số khấn sinh và ngày tuyên khấn lần đầu (première profession); tên của vị Trưởng Giáo tập, ghi rõ chức danh, tên những người có trách nhiệm góp phần đào tạo ban đầu cho các thành viên đầu tiên.
d) Kê khai thời điểm các Tổng tu nghị đã nhóm họp (des Chapitres généraux célébrés);
.......

5. Khi cả một nhóm hay một cộng đoàn tu sĩ xin xuất dòng để gia nhập vào hiệp hội thì cơ sở tài sản vật chất của cộng đoàn đó có thuộc về hiệp hội không?

 Đáp:
Việc xin tháo cởi lời khấn thuộc quyền tự do và mang tính chất cá nhân. Theo Giáo luật, điều 692, một khi được đặc ân tháo cởi lời khấn, tu sĩ đó mất hết những quyền lợi và nghĩa vụ phát xuất từ lời khấn. Những gì tu sĩ tạo lập được thuộc về tu hội chứ không thuộc về cá nhân mình, trừ tài sản riêng cá nhân mà Hiến Pháp cho phép sở hữu.
Điều 685 cũng quy định trong việc chuyển dòng, vốn lời khấn không bị mất, nhưng quyền lợi và nghĩa vụ cũng bị đình chỉ hay chấm dứt.
§1 Cho đến khi tuyên khấn trong tu hội mới, tuy vẫn phải giữ các lời khấn, các quyền lợi và các nghĩa vụ mà thành viên có trong tu hội đầu tiên đều bị đình chỉ, tuy nhiên, kể từ lúc bắt đầu thử luyện, đương sự buộc phải tuân giữ luật riêng của tu hội mới.
§2. Do việc tuyên khấn trong tu hội mới, thành viên ấy được gia nhập vào tu hội này, trong khi đó các lời khấn, các quyền lợi và các nghĩa vụ trước kia đều chấm dứt.
Do vậy, ngay cả khi một cộng đoàn xin xuất tu và gia nhập vào hiệp hội thì cơ sở tài sản vật chất của cộng đoàn đó vẫn thuộc về tu hội ĐSTH mà họ đã là thành viên chứ không thuộc về hiệp hội. Những thành viên này, ngay cả là Bề trên của tu hội hay hiệp hội, và cả Đấng Bản quyền không thể chuyển nhượng tài sản từ pháp nhân này sang pháp nhân khác, nghĩa là từ tu hội sang hiệp hội, trừ khi việc chuyển nhượng được thực hiện đúng theo nguyên tắc của Giáo luật.
Giáo luật quy định, Giáo hội toàn cầu và Tông Toà, các Giáo hội địa phương và tất cả mọi pháp nhân công hay tư, đều là những chủ thể có khả năng thủ đắc, duy trì, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất chiếu theo quy tắc của luật (đ. 1255).
Theo nguyên tắc này, các giáo xứ, tu hội... với tư cách pháp nhân công, mặc dù là thuộc một giáo phận, họ vẫn là một chủ thể có quyền thủ đắc, duy trì, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất riêng của mình chiếu theo quy tắc của luật. Nhà thờ, nhà nguyện, bất động sản... của những pháp nhân thuộc về chính pháp nhân đó, chứ không thuộc về Bản quyền địa phương, chỉ thuộc sự giám sát của Bản quyền địa phương (đ. 1276).
Những sự chuyển nhượng hay thủ đắc không theo nguyên tắc của quyển V bộ Giáo Luật, về việc quản trị tài sản, thì bị vô hiệu hay gây thiệt hại cho pháp nhân, phải được hoàn trả hay bồi thường.
 
6. Một tu sĩ có thể chuyển từ một tu hội ĐSTH sang một hiệp hội mà có mục đích tiến lên tu hội ĐSTH không?

Đáp:
Nên biết có việc chuyển cùng thể loại và khác thể loại tu hội ĐSTH
Điều 684 triệt 1 và 2 quy định chuyển cùng thể loại tu hội:
§1. Một thành viên đã khấn trọn đời không thể chuyển từ hội dòng mình sang một hội dòng khác, trừ khi có phép của vị điều hành tổng quyền của mỗi tu hội, và được sự chấp thuận của ban cố vấn của mỗi vị.
§2. Sau khi đã mãn thời gian thử luyện ít là ba năm, thành viên có thể được nhận cho khấn trọn đời trong tu hội mới. Tuy nhiên, nếu đương sự từ chối việc tuyên khấn này, hoặc không được các bề trên có thẩm quyền chấp nhận cho khấn, thì đương sự phải trở về tu hội đầu tiên, trừ khi đã được đặc ân hồi tục.
§3. Để một tu sĩ có thể chuyển từ một đan viện tự trị này sang một đan viện tự trị khác của cùng tu hội, hoặc của cùng liên minh hoặc của cùng liên hiệp, điều kiện cần và đủ là sự chấp thuận của bề trên cấp cao của mỗi đan viện, cũng như sự chấp thuận của công nghị đan viện tiếp nhận, miễn là vẫn giữ nguyên những điều kiện khác do luật riêng quy định; không đòi buộc phải khấn lại.
Như vậy, việc chuyển cùng thể loại như: “hội dòng” sang “hội dòng” thì thuộc quyền nội bộ của hai hội dòng, không phải xin phép Giám mục giáo phận hay Tòa Thánh. Điều này cũng tương tự cho việc chuyển từ tu hội đời qua tu hội đời (đ. 730) và từ tu đoàn đời sống tông đồ qua tu đoàn đời sống tông đồ (đ. 744§1).
Điều 684 triệt 5 quy định về sự chuyển khác thể loại:
§5. Để chuyển (một thành viên hội dòng) sang một tu hội đời hay một tu đoàn tông đồ, cũng như để chuyển từ một tu hội đời hay từ một tu đoàn tông đồ sang một hội dòng, thì phải có phép của Toà Thánh và phải tuân theo các chỉ thị của Toà Thánh.
Những điều quy định về chuyển khác thể loại cũng tương tự, được thấy ở điều 730 cho tu hội đời, và điều 744§2 cho tu đoàn tông đồ.
Việc chuyển khác thể loại dòng tu, như vậy, thuộc quyền Toà Thánh, chứ không thuộc quyền Giám Mục giáo phận, mặc dù dòng tu thuộc luật giáo phận.
Việc tu sĩ chuyển từ một tu hội ĐSTH sang một hiệp hội tất nhiên là không được phép.

7. Xin gởi cha bản CÔNG VỤ TỔNG HỘI IX, khai mạc ngày 7-11-2012, của dòng nữ Đa Minh Rosa Lima, xin cha cho biết tư cách pháp lý và tài sản hiện nay của các nhóm được sai đi truyền giáo ở các giáo phận Phú Cường, Bà Rịa và Bắc Ninh của chúng con.

Đáp:
Tổng hội IX của dòng nữ Đa Minh Rosa Lima, đưa ra đường hướng đi truyền giáo, tổ chức, cơ cấu điều hành (lâm thời) cho các nhóm tại Giáo phận Bắc Ninh, Bà Rịa, Phú Cường và nhóm ở lại dòng Đa Minh Rosa Lima.
Văn bản CÔNG VỤ TỔNG HỘI IX ấn định như sau:
Ở phần I, về CƠ CẤU NHÂN SỰ ĐIỀU HÀNH LÂM THỜI,  Tổng hội IX cắt đặt những vị điều hành lâm thời cho 4 nhóm, gồm một chị Đại diện và một chị phụ tá cho mỗi nhóm.
Ở phần II, về ĐIỀU HÀNH VÀ NHÂN SỰ, Tổng hội quyết định:
1. Các nhóm đi truyền giáo sẽ tiến hành Tổng hội I của Hội dòng mới.
2. Nhóm ở lại Hội dòng Rosa Lima sẽ tổ chức Tổng hội IX bổ sung...
....
Ở phần III, về  PHÂN CHIA TÀI SẢN, Bản Công vụ ấn định các cơ sở cho từng nhóm. Ví dụ: "Nhóm truyền giáo thuộc giáo phận Phú Cường gồm các cơ sở trước đây thuộc Miền Mẹ Mân Côi".
Bình giải:
Sau khi xem xét bản CÔNG VỤ TỔNG HỘI IX của dòng nữ Đa Minh Rosa Lima, chúng ta có thể nhận thấy một cách tổng quát quyết định của dòng là:
- Phân chia dòng thành 4 phần, phần chính được gọi là "nhóm ở lại" ở tại Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có trụ sở chính của dòng, 3 phần còn lại sẽ đi truyền giáo ở giáo phận Phú Cường, Bà Rịa và Bắc Ninh.
- Mỗi phần đều được đặt một vị Đại diện và phụ tá lâm thời, và sau đó sẽ tiến hành Tổng hội đầu tiên của mỗi phần để bầu ra vị Bề trên.
- Ba phần thuộc các giáo phận Phú Cường, Bà Rịa và Bắc Ninh sẽ là những "Hội dòng mới" và đã được phân chia tài sản, tức là các cơ sở.
Hội dòng mới?
Như vậy, Tổng hội định hướng cho ba phần đó, được gọi là ba "nhóm đi truyền giáo", là sẽ được Giám mục giáo phận tại các nơi đó thiết lập thành "Hội dòng mới", không còn tùy thuộc vào Đa Minh Rosa Lima nữa.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là định hướng. Xét theo nguyên tắc Giáo luật thì định hướng này không thể nào thực hiện một cách hữu hiệu được!
Lý do là, Tổng hội IX đã không có đủ thẩm quyền tách một dòng lớn ra thành những dòng nhỏ riêng biệt nhau. Giám mục giáo phận cũng không có thẩm quyền thành lập một hội dòng mới từ những thành viên đang mắc lời khấn từ một dòng khác.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 24 trong 5 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • HƯỜNG NGUYỄN
    Thưa Quý Cha!
    Con thưa chuyện là, Con có kết hôn với 1 người tân tòng theo đạo được hơn 2 năm thì chúng con ly thân ( nguyên nhân là Chồng con ngoại tình ), cho đến nay đã được 10 năm và chúng con đang làm thủ tục ly dị chính thức ngoài đời.
    Con muốn hỏi, nếu con ly dị với chồng con như thế thì con có thể nào kết hôn với người khác nữa được không và con có thể làm lễ cưới lần nữa được không ạ!
    Con không hiểu biết nhiều, Con mong Quý Cha hướng dẫn giúp Con
    Con xin chân thành cảm ơn!
      HƯỜNG NGUYỄN   17/10/2022 10:46
GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay1,043
  • Tháng hiện tại20,989
  • Tổng lượt truy cập10,722,812
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi