BỘ GIÁO LUẬT, QUYỂN VI CANH TÂN - JB. Lê Ngọc Dũng chuyển dịch

Chủ nhật - 26/06/2022 20:03
Với Tông hiến PASCITE GREGREM DEI, công bố hôm 1/6/2021, và sẽ có hiệu lực từ ngày 8/12/2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho canh tân quyển VI của Bộ Giáo Luật 1983. Đây là bản dịch Việt Ngữ, có thêm 42 ghi chú những điều đổi mới của luật canh tân, và 62 ghi chú về chỉnh sửa bản dịch Việt ngữ cũ của quyển VI.Để hoàn thiện bản dịch, xin quý luật gia góp ý thêm về bất cứ điểm gì cần thiết. Bản dịch và ghi chú đăng trên trang này, vì vậy, sẽ được cập nhật cho tốt hơn.
 
QUYỂN VI
CHẾ TÀI HÌNH SỰ[1] TRONG GIÁO HỘI

PHẦN I
TỘI PHẠM VÀ HÌNH PHẠT NÓI CHUNG

ĐỀ MỤC 1
VIỆC TRỪNG PHẠT CÁC TỘI PHẠM NÓI CHUNG
 
Điều 1311
§1. Giáo hội có quyền bẩm sinh và quyền riêng[2] cưỡng chế bằng những chế tài hình sự những Kitô hữu nào đã phạm tội.[3]
§2. Trong Giáo hội, những ai lãnh đạo, phải bảo vệ và làm thăng tiến thiện ích của chính cộng đồng và của từng Kitô hữu, với lòng bác ái mục vụ, bằng gương sống, bằng lời khuyên bảo, khích lệ và, nếu cần, cũng bằng tuyên bố hoặc áp đặt các hình phạt, theo các quy định của luật, và luôn phải áp dụng với sự hợp tình hợp lý của giáo luật, tái lập công lý, sửa chữa phạm nhân và cớ vấp phạm.[4]
Điều 1312
§1. Những chế tài hình sự trong Giáo hội là:
10 Các dược hình hay vạ, được liệt kê trong các điều 1331-1333;
20 Các thục hình được nói đến ở điều 1336.
§2. Luật còn có thể thiết lập những thục hình khác, tước khỏi[5] người Kitô hữu lợi ích thiêng liêng hay trần thế[6] nào đó; và phải là thục hình phù hợp với mục đích siêu nhiên của Giáo hội.
§3. Ngoài ra, còn được dùng những phương dược hình sự[7] và những việc sám hối, được nói ở những điều 1339 và 1340[8], những phương dược hình sự trước hết là để ngăn ngừa tội phạm, còn việc sám hôi đúng hơn là để thay thế hoặc gia tăng một hình phạt.
ĐỀ MỤC 2
LUẬT HÌNH SỰ VÀ MỆNH LỆNH HÌNH SỰ
Điều 1313
§1. Nếu luật được thay đổi sau khi tội đã phạm thì phải áp dụng luật nào lợi hơn cho phạm nhân.
§2. Nếu luật sau bãi bỏ một luật, hay chỉ bãi bỏ một hình phạt, thì hình phạt này chấm dứt ngay tức khắc.
Điều 1314
Hình phạt thường là hậu kết (ferendae sententiae), nghĩa là nó không ràng buộc phạm nhân cho đến khi bị áp đặt; còn hình phạt là tiền kết (latae sententiae), nếu được luật và mệnh lệnh minh nhiên ấn định điều đó, nghĩa là phạm nhân tự động bị phạt do chính sự kiện là đã phạm tội.[9]
 Điều 1315[10]
§1. Người nào có quyền ban hành những luật hình sự, thì cũng có thể thêm vào luật của Thiên Chúa một hình phạt thích hợp.
§2. Nhà lập pháp cấp dưới, lưu ý đến điều 1317, cũng có thể:
10 Thêm một hình phạt thích hợp vào một luật do nhà chức trách cấp trên ban hành, miễn là vẫn phải tuân giữ các giới hạn thẩm quyền tòng  địa hay tòng nhân của mình.
20 Thêm những hình phạt khác vào những hình phạt đã ấn định bởi luật phổ quát đối với một số tội phạm;
30 Ấn định hay buộc một hình phạt mà luật phổ quát chỉ thiết lập hình phạt như là bất định hay để tùy ý.
§3. Chính luật có thể ấn định một hình phạt, hoặc để cho thẩm phán ấn định theo sự đánh giá khôn ngoan của mình.
Điều 1316
Các Giám mục Giáo phận phải liệu sao để trong một nước hay một miền, những luật hình sự, nếu cần phải ban hành, được đồng nhất với nhau trong mức độ có thể.
Điều 1317
Chỉ nên thiết lập các hình phạt theo mức độ thực sự cần thiết để hỗ trợ kỷ luật Giáo hội một cách thích hợp hơn. Tuy nhiên, hình phạt sa thải khỏi hàng giáo sĩ không thể được thiết lập bởi nhà lập pháp cấp dưới.[11]
Điều 1318
Không được thiết lập những hình phạt tiền kết, trừ khi để chống lại một vài tội phạm cố tình mà có thể gây ra một cớ vấp phạm[12] nghiêm trọng, hoặc khi không thể trừng phạt cách hữu hiệu với hình phạt hậu kết; tuy nhiên, chỉ nên thiết lập các vạ, nhất là vạ tuyệt thông, một cách hết sức hạn chế và chỉ áp dụng cho những tội phạm đặc biệt nặng.[13]
Điều 1319
§1. Trong mức độ mà một người có thể ra các mệnh lệnh ở tòa ngoài do quyền lãnh đạo theo các quy định của các điều 48-58,[14] người đó cũng có thể ngăm đe hình phạt nhất định bằng một mệnh lệnh, ngoại trừ các thục hình vĩnh viễn.
§2. Nếu, sau khi đã cân nhắc cẩn thận sự việc, thấy cần phải áp đặt một mệnh lệnh hình sự, thì phải tuân giữ những gì được ấn định ở các điều 1317-1318.
Điều 1320
Trong tất cả những lĩnh vực mà các tu sĩ phải tuỳ thuộc Đấng Bản quyền địa phương, thì họ cũng có thể bị ngài cưỡng chế bằng hình phạt.
 
ĐỀ MỤC 3
CHỦ THỂ BỊ CHẾ TÀI HÌNH SỰ[15]
Điều 1321[16]
§1. Bất cứ ai cũng đều được coi là vô tội cho tới khi bị chứng minh ngược lại.
§2. Không ai bị trừng phạt, trừ khi việc vi phạm luật hay mệnh lệnh bên ngoài không thể quy trách cho người đó một cách nặng nề do cố ý hay do tội tắc trách (ex dolo vel ex culpa).[17]
§3. Người nào cố tình vi phạm pháp luật hoặc mệnh lệnh đều bị ràng buộc vào hình phạt thì phải chịu hình phạt do luật hay mệnh lệnh ấn định; nhưng người nào làm như vậy vì thiếu sự thận trọng cần thiết thì không bị trừng phạt, trừ khi luật hoặc mệnh lệnh quy định cách khác.
§4. Một khi đã có sự vi phạm bên ngoài, thì việc quy trách nhiệm được suy đoán, trừ khi đã rõ cách khác.
Điều 1322
Những người thường xuyên không sử dụng đủ trí khôn,[18] thì dù họ vi phạm luật hay mệnh lệnh trong khi họ có vẻ sáng suốt, họ cũng được kể là người không có khả năng phạm tội.
Điều 1323
Những người sau đây vi phạm luật hay mệnh lệnh thì cũng không bị một hình phạt nào:
10 Người chưa đủ mười sáu tuổi trọn;
20 Người không biết là mình đã vi phạm một luật hay một mệnh lệnh, mà không do lỗi của mình; hơn nữa, sự vô ý và lầm lẫn  thì tương đương với sự không biết[19];
30 Người đã hành động dưới áp lực của bạo lực thể lý hoặc dưới sự thúc đẩy của một sự cố ngẫu nhiên mà người đó không thấy trước hoặc nếu thấy trước thì cũng không thể tránh được;[20]
40 Người đã bị cưỡng ép hành động do sợ hãi nghiêm trọng dù chỉ có tính cách tương đối thôi, hoặc do sự cần thiết, hoặc để tránh một điều phiền phức nghiêm trọng[21], nhưng trừ trường hợp hành động ấy là xấu tận căn[22] hoặc gây thiệt hại cho các linh hồn;
50 Người đã hành động, với chừng mực cần thiết, để tự vệ cho mình hay cho người khác một cách hợp pháp, chống lại kẻ tấn công bất chính.[23]
60 Người không sử dụng đủ trí khôn, vẫn giữ nguyên những quy định của các điều 1324 §1, 20 và điều 1326 §1, 40.
70 Người đã nghĩ rằng mình ở vào một trong những hoàn cảnh được nói đến ở 40 hay 50, mà không do lỗi của mình.
Điều 1324
§1. Phạm nhân không được miễn khỏi hình phạt, nhưng hình phạt do luật hay mệnh lệnh ấn định phải được giảm nhẹ hay được thay thế bằng việc sám hối, nếu tội phạm đã xảy ra do:
10 Người chỉ sử dụng trí khôn cách bất toàn;
20 Người không sử dụng đủ trí khôn do say rượu hay do rối loạn tinh thần khác tương tự vì lỗi của mình, vẫn giữ những gì quy định của điều 1326 §1, 40;[24]
30 Người bị thúc đẩy bởi một đam mê mãnh liệt dù đam mê ấy không đi trước và không cản trở bất cứ sự suy tính nào của lý trí cũng như bất cứ sự ưng thuận nào của ý chí, và miễn là người đó không cố tình kích thích hay nuôi dưỡng chính đam mê ấy;
40 Người vị thành niên đã đủ mười sáu tuổi trọn;
50 Người bị cưỡng ép hành động do một sự sợ hãi nghiêm trọng, dù chỉ có tính cách tương đối mà thôi, hoặc do sự cần thiết[25] thúc đẩy, hoặc để tránh một điều bất lợi nghiêm trọng, nếu tội phạm là xấu tận căn hoặc gây thiệt hại cho các linh hồn;
60 Người đã hành động tự vệ cho mình hay cho người khác một cách hợp pháp, chống lại một kẻ tấn công bất chính nhưng đã không giữ được chừng mực cần thiết.
70 Người đã chống lại kẻ khiêu khích cách nghiêm trọng và bất công;
80 Người do lầm lẫn vì lỗi của mình đã tin rằng mình ở vào một trong những hoàn cảnh được nói đến ở điều 1323, 40 hay 50.
90 Người mà không do lỗi của mình không biết là luật hay mệnh lệnh có kèm theo hình phạt;
100 Người đã hành động mà không bị quy trách nhiệm hoàn toàn, miễn là sự quy trách nhiệm này vẫn còn nặng.
§2. Thẩm phán cũng có thể xử như vậy[26], nếu có một hoàn cảnh nào khác làm cho tội phạm được giảm nhẹ.
§3. Trong những hoàn cảnh được nói đến ở §1, phạm nhân không phải chịu một hình phạt tiền kết nào, tuy nhiên người ấy có thể bị tuyên phạt những hình phạt nhẹ hơn, hoặc có thể áp dụng cho người ấy những việc sám hối, với mục đích giúp người ấy sửa mình hay sửa chữa cớ vấp phạm.
Điều 1325
Sự không biết vì lười biếng hay vì giả đò hay vì cố tình, không bao giờ được xét đến khi áp dụng những quy định của các điều 1323 và 1324.
Điều 1326
§1. Thẩm phán phải[27] trừng phạt bằng một hình phạt nặng hơn hình phạt mà luật hay mệnh lệnh đã thiết lập:
10 Người sau khi bị kết án hay sau khi hình phạt đã được tuyên bố mà vẫn tiếp tục phạm tội, đến nỗi hoàn cảnh cho phép suy đoán cách khôn ngoan rằng người ấy ngoan cố trong ý xấu;
20 Người có phẩm chức, hay người đã lạm dụng quyền hành hoặc chức vụ của mình để phạm tội;
30 Người, mà sau khi hình phạt đã được thiết lập cho tội tắc trách (delictum culposum), dù tiên liệu được sự việc, đã bỏ qua các biện pháp phòng ngừa để tránh nó như bất cứ một người cẩn thận nào cũng phải làm.[28]
4º Người đã phạm tội trong tình trạng say rượu hay một rối loạn tâm trí nào khác, nhưng cố ý làm như vậy để  phạm tội hay để bào chữa, hoặc cố ý để cho đam mê được kích thích hay được nuôi dưỡng.[29]
§2. Trong những trường hợp được nói đến ở §1 nếu hình phạt được ấn định là tiền kết, thì có thể thêm vào hình phạt ấy một hình phạt khác hay một việc sám hối.
§3. Trong những trường hợp như vậy, nếu hình phạt được ấn định là tùy nghi, thì trở thành bắt buộc.[30]
Điều 1327
Ngoài những trường hợp được nói đến ở các điều 1323-1326, luật địa phương có thể ấn định những tình huống tha, giảm khinh hay gia tăng hình phạt, hoặc bằng một quy tắc chung, hoặc cho từng tội phạm riêng lẽ. Cũng vậy, trong một mệnh lệnh có thể ấn định những tình huống tha hình phạt mà mệnh lệnh đã thiết lập, hoặc giảm khinh hoặc gia trọng hình phạt.
Điều 1328
§l. Người nào đã làm hay đã bỏ qua một hành vi để thực hiện tội phạm, nhưng, ngoài ý muốn, đã không hoàn thành tội phạm được, thì không phải chịu hình phạt đã được ấn định[31] đối với tội phạm đã được hoàn thành, trừ khi luật hay mệnh lệnh quy định cách khác về điều đó.
§2. Nếu những hành vi hay những sự thiếu sót tự bản chất dẫn đến việc thực hiện tội phạm, phạm nhân có thể bị buộc phải làm một việc sám hối hay phải nhận một phương dược hình sự[32], trừ khi đương sự tự ý không tiếp tục thực hiện tội phạm mà mình đã bắt đầu. Tuy nhiên, nếu đã xảy ra một gương xấu hay một thiệt hại nặng nề khác hay một nguy cơ nào đó, thì mặc dầu đã tự ý không tiếp tục nữa, đương sự vẫn có thể phải chịu một hình phạt thích đáng[33], nhưng nhẹ hơn hình phạt đã được ấn định cho tội phạm đã được hoàn thành.
Điều 1329
§1. Những người đồng ý cùng chung nhau thực hiện một tội phạm, mà không được luật hay mệnh lệnh minh nhiên nói đến, thì nếu hình phạt hậu kết được ấn định chống lại phạm nhân chính, các đồng phạm cũng phải chịu những hình phạt khác nặng tương tự như vậy hoặc những hình phạt nhẹ hơn.[34]
§2. Trong trường hợp có hình phạt tiền kết gắn liền với tội phạm, những người đồng phạm, mà không được luật hay mệnh lệnh nói đến, cũng phải chịu hình phạt đó nếu trong trường hợp không có sự tham gia của họ thì tội phạm đã không thể thực hiện được, và nếu hình phạt tự bản chất có thể áp dụng cho họ; bằng không, họ có thể phải chịu những hình phạt hậu kết.
Điều 1330
Một tội phạm hệ tại ở một lời tuyên bố hay một sự bộc lộ khác về ý muốn, về học thuyết hay về kiến thức, thì không được coi là một tội phạm đã được hoàn thành, nếu không ai nhận thức được lời tuyên bố hay sự bộc lộ ấy.
ĐỀ MỤC 4
CÁC HÌNH PHẠT VÀ CÁC SỰ TRỪNG PHẠT KHÁC
CHƯƠNG 1
VẠ[35]
Điều 1331
§1. Cấm người bị vạ tuyệt thông:[36]
10 Cử hành hiến tế Thánh Thể và các bí tích khác;
20 Lãnh nhận các bí tích;
30 Cử hành các á bí tích và những nghi lễ phụng vụ khác;
40 Dự phần một cách chủ động trong những cử hành nói trên;
50 Thi hành các giáo vụ hay nhiệm vụ hay thừa tác vụ hay chức năng thuộc Giáo hội;
60 Thực hiện những hành vi lãnh đạo.
§2. Nếu vạ tuyệt thông hậu kết đã được áp đặt hoặc vạ tuyệt thông tiền kết đã được tuyên bố,  phạm nhân:
10 Phải bị loại ra, nếu muốn hành động nghịch lại quy định của §1, 10-40, hoặc hành động phụng vụ phải bị đình chỉ, trừ khi có một lý do nghiêm trọng chống lại điều đó;
20 Thực hiện vô hiệu những hành vi lãnh đạo, mà chiếu theo quy tắc của §1, 60 thực hiện những hành vi này là bất hợp luật.
30 Bị cấm hưởng dùng những đặc ân đã được ban cho trước đây;
40 Không được nhận thù lao sở hữu được do tước vị thuần túy thuộc Giáo hội;
50 Không có khả năng nhận giáo vụ, nhiệm vụ, thừa tác vụ, chức năng, quyền lợi, đặc ân hoặc tước hiệu danh dự.
Điều 1332
§1. Người bị vạ cấm chế thì bị ràng buộc bởi những điều cấm được nói đến ở điều 1331 §1, 10-40;
§2. Tuy nhiên, luật hay mệnh lệnh có thể ấn định sự cấm chế ở mức cấm phạm nhân ở một vài hành động nào được nói ở điều 1331, §1, 10-40, hay một vài quyền nào khác.
§3. Trong trường hợp bị cấm chế, cũng phải giữ quy định của điều 1331 §2, 10.
Điều 1333
§1. Vạ huyền chức cấm:[37]
10 Tất cả hoặc một vài hành vi[38] thuộc quyền thánh chức;
20 Tất cả hoặc một vài hành vi thuộc quyền lãnh đạo;
30 Thi hành tất cả hoặc một số quyền lợi hay nghĩa vụ gắn liền với giáo vụ.
§2. Trong luật hay trong mệnh lệnh có thể ấn định rằng, sau khi án lệnh hay sắc lệnh đã được áp đặt hay đã được tuyên bố, người bị vạ huyền chức không thể thực hiện cách thành sự những hành vi lãnh đạo.
§3. Lệnh cấm không bao giờ chi phối:
10 Những giáo vụ hay quyền lãnh đạo nào không thuộc quyền bính của vị Bề trên thiết lập hình phạt;
20 Quyền cư trú, nếu phạm nhân có quyền ấy do bởi giáo vụ;
30 Quyền quản trị những tài sản nào thuộc giáo vụ của chính người bị vạ huyền chức, nếu hình phạt là tiền kết.
§4. Vạ huyền chức cấm nhận lợi lộc[39], lương bổng, trợ cấp hay những thứ khác tương tự, bao gồm bó buộc phải trả lại[40] bất cứ những gì đã nhận cách bất hợp pháp, cả khi vì ngay tình.
Điều 1334
§l. Trong những giới hạn được điều luật trên đây quy định, phạm vi của vạ huyền chức được ấn định bởi chính luật hoặc mệnh lệnh, hoặc bởi bản án hay sắc lệnh nào mà có tuyên phạt.[41]
§2. Luật, chứ không phải mệnh lệnh, có thể thiết lập một vạ huyền chức tiền kết, mà không có thêm vào một sự xác định  hay một giới hạn nào[42]; một hình phạt như vậy có tất cả mọi hiệu quả được nói đến ở điều 1333 §1.
Điều 1335
§1. Nhà chức trách thẩm quyền, nếu áp đặt hay tuyên bố vạ trong tố tụng tư pháp hay bằng sắc lệnh ngoại tư pháp, có thể áp đặt ngay cả các hình phạt thục tội mà được là cần thiết để tái lập công lý hay sửa chữa cớ vấp phạm.
§2. Nếu một vạ cấm cử hành các bí tích hay á bí tích hoặc cấm thi hành các hành vi lãnh đạo, thì lệnh cấm ấy bị đình chỉ, mỗi khi điều đó cần thiết để giúp các tín hữu lâm cơn nguy tử; nếu vạ tiền kết chưa được tuyên bố thì lệnh cấm cũng bị đình chỉ, mỗi khi có tín hữu xin lãnh nhận một bí tích hay một á bí tích, hay một hành vi thuộc quyền lãnh đạo; tín hữu được phép xin điều đó vì bất cứ lý do chính đáng nào.
CHƯƠNG 2
THỤC HÌNH
Điều 1336[43]
§1. Thục hình có thể chi phối một phạm nhân hoặc suốt đời hoặc trong một thời gian được ấn định trước, hoặc trong một thời gian vô hạn, ngoài những hình phạt mà luật có thể đặt ra; thục hình gồm những loại liệt kê trong những §2-5.
§2. Buộc:
10 Phải cư ngụ tại một nơi hay một địa hạt nhất định;
20 Phải nộp phạt hay nộp một số tiền cho các mục đích của Giáo hội, theo như những quy định được Hội đồng Giám mục ấn định.
§3. Cấm:
10 Không được cư ngụ tại một nơi hay một địa hạt nhất định;
20 Không được thi hành, ở khắp mọi nơi, hay trong một nơi hay một địa hạt nhất định hay bên ngoài địa hạt, tất cả các hay một số giáo vụ, công việc, thừa tác vụ hay nhiệm vụ hay chỉ một bổn phận gắn liền với giáo vụ hay một số công việc.
30 Không được thi hành tất cả hay một số hành vi thuộc thánh chức;
40 Không được thi hành tất cả hay một số hành vi thuộc quyền lãnh đạo;
50 Không được áp dụng một số quyền lợi hay đặc ân hay sử dụng phù hiệu hay tước vị;
60 Không được hưởng quyền ứng cử hoặc bầu cử theo giáo luật và tham dự với quyền bỏ phiếu trong các ban cố vấn hay trong các hiệp đoàn thuộc Giáo hội;
70 Không được mang áo giáo sĩ hay tu sĩ.
§4. Tước bỏ:
10 Tất cả hay một số giáo vụ, công việc, thừa tác vụ hoặc nhiệm vụ hay chỉ một vài bổn phận gắn liền với giáo vụ hoặc công việc;
20 Năng quyền giải tội hay năng quyền thuyết giảng;
30 Quyền lãnh đạo thụ uỷ;
40 Một số quyền lợi hay đặc ân hay phù hiệu hay tước vị;
50 Toàn bộ lương bổng hay một phần, tuỳ theo quy luật do Hội đồng Giám mục ấn định, trừ những gì quy định ở điều 1350, §1.
§5. Sa thải khỏi hàng giáo sĩ.
Điều 1337
§1. Hình phạt[44] cấm cư ngụ tại một nơi hay một địa hạt nhất định có thể áp dụng cho các giáo sĩ hoặc các tu sĩ, còn hình phạt buộc cư ngụ có thể áp dụng đối với các giáo sĩ triều và, trong giới hạn của hiến pháp, đối với các tu sĩ.
§2. Để tuyên phạt buộc cư ngụ tại một nơi hay trong một địa hạt nhất định, cần phải có sự chấp thuận của Đấng Bản quyền địa phương nơi ấy, trừ trường hợp đó là một nhà định cho việc đền tội hay sửa mình dành cho giáo sĩ ngay cả ngoài Giáo Phận.
Điều 1338[45]
§l. Những hình phạt thục tội được kể ở điều 1336 không bao giờ áp dụng[46] cho những quyền bính, giáo vụ, công việc, quyền lợi, đặc ân, năng quyền, ân huệ, danh hiệu, phù hiệu nào mà không ở dưới quyền bính của vị Bề trên thiết lập hình phạt.
§2. Không thể phạt tước bỏ quyền thánh chức được, nhưng chỉ có thể cấm thi hành chức ấy hay cấm một vài hành vi của chức ấy; cũng vậy, không thể phạt tước bỏ bằng cấp học thuật được.
§3. Đối với những điều cấm được nói đến ở điều 1336 §3, phải tuân giữ quy tắc về các vạ, được nói đến ở điều 1335 §2.
§4. Chỉ có các thục hình được nói đến như những điều cấm ở điều 1336 §3, mới có thể là hình phạt tiền kết hay những hình phạt khác được ấn định bởi luật hay bởi mệnh lệnh.[47]
§5. Các lệnh cấm nói ở điều 1336 §3, không bao giờ được đặt thành hình phạt vô hiệu hóa.[48]
CHƯƠNG 3
NHỮNG PHƯƠNG DƯỢC HÌNH SỰ VÀ NHỮNG VIỆC SÁM HỐI
Điều 1339
§1. Đấng Bản quyền có thể cảnh cáo, đích thân hay nhờ người khác, người nào sống trong dịp sắp thực hiện một tội phạm, hoặc sau khi được điều tra kỹ lưỡng bị nghi ngờ nghiêm trọng là đã thực hiện một tội phạm.[49]
§2. Đấng Bản quyền cũng có thể, theo cách thức thích hợp với hoàn cảnh riêng của người và sự kiện, khiển trách người nào do lối ứng xử của mình đã gây ra cớ vấp phạm,  hoặc đã làm xáo trộn trật tự cách nghiêm trọng.
§3. Việc cảnh cáo hay khiển trách luôn phải được lưu lại ít là trong một tài liệu nào đó, được giữ trong văn khố mật của Toà Giám mục.[50]
§4. Nếu, một hay nhiều lần, việc cảnh cáo hay sửa chữa đều vô ích, hay nếu không thể mong chờ có được kết quả nào, thì Bản quyền phải ra một mệnh lệnh hình sự, trong đó phải đặt ra cách chính xác, điều gì phải làm hay phải tránh.
§5. Nếu tầm mức nghiêm trọng đòi hỏi, và nhất là trong trường hợp có ai đó ở trong mối nguy rơi vào tội phạm, thì Bản quyền, kể cả ngoài những hình phạt áp đặt theo quy tắc luật hay tuyên bố qua một án lệnh hay một sắc lệnh, phải đặt người ấy vào một biện pháp canh chừng nhất định qua một sắc lệnh riêng.
Điều 1340
§1. Việc sám hối, việc mà có thể bị áp đặt ở toà ngoài, là vài việc tôn giáo, đạo đức, hay bác ái.[51]
§2. Không bao giờ được áp đặt một việc sám hối công khai cho một sự vi phạm kín đáo.
§3. Theo sự khôn ngoan của mình, Đấng Bản quyền có thể thêm những việc sám hối vào phương dược hình sự  hoặc cảnh cáo hay khiển trách.
ĐỀ MỤC 5
ÁP DỤNG HÌNH PHẠT
Điều 1341
Bản quyền phải[52] xúc tiến thủ tục tư pháp hay hành chính để áp đặt hay tuyên bố một hình phạt, khi đã chắc chắn rằng những phương thế nhắc nhở mục vụ, nhất là việc sửa chữa trong tình huynh đệ, việc cảnh cáo cũng như sự khiển trách[53], không thể đủ để tái lập công lý, cải hóa phạm nhân, sửa chữa cớ vấp phạm.
Điều 1342
§1. Mỗi khi có những lý do chính đáng ngăn cản việc tố tụng tư pháp, thì hình phạt có thể được áp đặt hay tuyên bố bằng sắc lệnh ngoại tư pháp,[54] vẫn phải tuân giữ điều 1720, nhất là về những gì liên quan đến quyền tự biện hộ và sự chắc chắn luân lý trong tâm trí của người ban hành sắc lệnh theo quy tắc của điêu 1608. Các phương dược hình sự và các việc sám hối có thể được áp dụng bằng sắc lệnh trong bất cứ trường hợp nào.
§2. Sắc lệnh không thể áp đặt hay tuyên bố những hình phạt chung thân và những hình phạt nào mà luật hay mệnh lệnh khi thiết lập chúng đã cấm áp dụng bằng sắc lệnh.
§3. Những gì luật hay mệnh lệnh nói về thẩm phán trong việc áp đặt hay tuyên bố một hình phạt trong việc xét xử thì cũng được áp dụng cho vị Bề trên nào trong việc dùng sắc lệnh để tuyên kết hay tuyên bố một hình phạt ngoại tư pháp, trừ khi đã rõ cách khác hoặc trừ khi đó là những quy định chỉ liên quan đến thủ tục mà thôi.
Điều 1343
Nếu luật hay mệnh lệnh ban cho thẩm phán năng quyền[55] để áp dụng hay không áp dụng một hình phạt, thì vị này, vẫn giữ quy định của điều 1326 §3, theo lương tâm và sự khôn ngoan của mình, phải xác định sự việc theo như những gì đòi hỏi cho việc tái lập công lý, sự cải hóa phạm nhân và sự sửa chữa cớ vấp phạm; tuy nhiên, trong những trường hợp này, thẩm phán, nếu thấy thích đáng, cũng có thể giảm nhẹ hình phạt hay thay thế bằng một việc sám hối.
Điều 1344
Ngay cả khi luật sử dụng các thuật ngữ như là mệnh lệnh, thẩm phán, tùy theo lương tâm và sự khôn ngoan của mình vẫn có thể:
10 Hoãn việc tuyên kết hình phạt đến một lúc nào thuận tiện hơn, nếu thấy trước rằng việc phạt phạm nhân quá vội vàng sẽ gây ra những tác hại lớn hơn, trừ khi sự cần thiết phải sửa chữa cớ vấp phạm đòi hỏi cấp bách;
20 Bỏ qua việc áp đặt hình phạt, hoặc áp đặt một hình phạt nhẹ hơn, hoặc bắt làm một việc sám hối, nếu phạm nhân đã sửa mình và đã sửa chữa cớ vấp phạm và đền bù những thiệt hại đã gây ra, hoặc nếu chính phạm nhân đã bị quyền bính dân sự phạt đủ rồi, hoặc thấy trước là phạm nhân sẽ bị phạt như vậy;
30 Đình hoãn việc buộc thực hiện hình phạt thục tội, nếu phạm nhân phạm tội lần đầu tiên sau khi đã sống một cuộc đời chính trực[56] và nếu không cần gấp phải sửa chữa cớ vấp phạm; tuy nhiên, nếu phạm nhân thực hiện một tội phạm mới trong thời hạn được chính thẩm phán ấn định, thì phạm nhân phải chịu hình phạt của cả hai tội phạm, trừ khi trong thời gian ấy, thời hiệu của tố quyền hình sự đối với tội phạm trước đã trôi qua.
Điều 1345
Mỗi khi phạm nhân chỉ sử dụng được trí khôn một cách bất toàn, hay đã thực hiện một tội phạm do sự cần thiết[57], do sợ hãi nặng nề, hoặc do đam mê, hoặc, trừ những gì quy định ở điều 1326 §1, 40, trong tình trạng say rượu, hoặc do bất cứ một rối loạn tâm thần nào khác tương tự, thì thẩm phán cũng có thể bỏ qua việc áp đặt bất cứ hình phạt nào, nếu nhận thấy là có thể dùng một phương thế tốt hơn để cải hóa phạm nhân; tuy nhiên thẩm phán phải phạt phạm nhân nếu không có cách nào khác để tái lập công lý và sửa chữa cớ vấp phạm đã gây nên.[58]
Điều 1346
§1. Thông thường càng phạm nhiều tội thì càng bị nhiều hình phạt.[59]
§2. Mỗi khi phạm nhân đã thực hiện nhiều tội phạm, nếu sự chồng chất các hình phạt hậu kết có vẻ quá nặng theo sự khôn ngoan của thẩm phán,  xử phạt trong những giới hạn vừa phải[60], và phải giám sát người ấy.
Điều 1347
§1. Không thể áp đặt một vạ cách thành sự, nếu trước đó phạm nhân đã không được cảnh cáo ít là một lần để chấm dứt sự ngoan cố của mình, và nếu đã dành cho đương sự một thời gian thích hợp để hối cải.
§2. Phải kể như là phạm nhân đã hết ngoan cố, khi phạm nhân thật sự thống hối[61] về tội phạm của mình, và hơn nữa, đã sửa chữa cách xứng hợp cớ vấp phạm và các thiệt hại, hay ít là đã nghiêm chỉnh hứa sửa chữa điều ấy.
Điều 1348
Khi một phạm nhân không bị buộc tội hay không bị áp đặt một hình phạt nào cả, thì Đấng Bản quyền có thể tùy nghi cảnh cáo hay khuyên nhủ mục vụ, và ngay cả, vì lợi ích của người đó hoặc vì lợi ích chung, dùng những phương dược hình sự, nếu sự việc đòi hỏi điều đó.[62]
Điều 1349
Nếu một hình phạt không được xác định và nếu luật không dự liệu cách khác, thì thẩm phán trong việc xác định hình phạt, phải chọn những hình phạt nào tương ứng với cớ vấp phạm và mức nghiêm trọng của thiệt hại đã gây ra;[63] tuy nhiên không được áp đặt những hình phạt quá nặng, trừ khi sự nghiêm trọng của vấn đề tuyệt đối đòi hỏi điều đó; tuy nhiên, không được tuyên kết những hình phạt chung thân.
Điều 1350
§1. Khi áp đặt hình phạt cho một giáo sĩ, luôn phải liệu sao cho đương sự không thiếu những phương tiện cần thiết cho một cuộc sống xứng đáng, trừ trường hợp bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ.
§2. Nếu một người nào bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ đang sống trong sự túng thiếu[64] thật sự do hình phạt ấy, thì Đấng Bản quyền phải liệu giúp đỡ đương sự cách tốt nhất có thể, nhưng không phải bằng cách trao cho họ một giáo vụ, thừa tác vụ hay một nhiệm vụ.
Điều 1351
Hình phạt chi phối phạm nhân ở khắp mọi nơi, ngay cả khi người thiết lập, áp đặt hay tuyên bố hình phạt hết quyền, trừ khi luật đã minh nhiên dự liệu cách khác.
Điều 1352
§1. Nếu một hình phạt là cấm lãnh nhận các bí tích hay á bí tích, thì điều cấm bị đình chỉ bao lâu phạm nhân còn ở trong tình trạng nguy tử.
§2. Việc buộc phải tuân giữ một hình phạt tiền kết mà chưa được tuyên bố hay chưa được biết đến[65] tại nơi phạm nhân cư ngụ, thì được đình chỉ toàn bộ hay một phần, trong mức độ phạm nhân không thể tuân giữ nghĩa vụ ấy mà không gặp nguy cơ gây ra cớ vấp phạm nghiêm trọng hoặc bị mất thanh danh.
Điều 1353
Việc kháng cáo hay thượng cầu chống lại những án lệnh của toà án hoặc những sắc lệnh áp đặt hay tuyên bố bất cứ một hình phạt nào đó đều có hiệu lực đình chỉ.
 
ĐỀ MỤC VI
SỰ THA HÌNH PHẠT VÀ THỜI HIỆU CỦA TỐ QUYỀN[66]
Điều 1354
§l. Ngoài những vị được nêu lên ở các điều 1355-1356, tất cả những ai có thể miễn chuẩn một luật có kèm theo một hình phạt, hay những ai có thể tha miễn một mệnh lệnh ngăm đe một hình phạt, cũng đều có quyền tha hình phạt ấy.
§2. Ngoài ra, luật hay mệnh lệnh thiết lập một hình phạt cũng có thể ban cho những người khác quyền tha hình phạt ấy.
§3. Nếu Tông Toà dành riêng cho mình hay dành cho những người khác quyền tha hình phạt, thì sự dành riêng ấy phải được giải thích theo nghĩa hẹp.
Điều 1355
§1. Các vị sau đây có thể tha hình phạt do luật thiết lập, nếu hình phạt hậu kết đã được áp đặt hay hình phạt tiền kết đã được tuyên bố, miễn là hình phạt không dành riêng cho Tông Toà:
10 Bản quyền đã phát động tư pháp để áp đặt hay tuyên bố hình phạt, hoặc đã đích thân hay nhờ người khác áp đặt hay tuyên bố hình phạt bằng sắc lệnh;
20 Bản quyền địa phương tại nơi phạm nhân đang cư ngụ, nhưng sau khi đã tham khảo ý kiến của Bản quyền được nói đến ở 10, trừ khi không thể tham khảo được do những hoàn cảnh bất thường.
§2. Có thể tha hình phạt do luật thiết lập, là tiền kết, chưa được tuyên bố và miễn là hình phạt ấy không dành riêng cho Tông Toà:
10 Bản quyền đối với những người thuộc quyền mình;
20 Bản quyền địa phương đối với cả những người đang ở trong địa hạt của ngài hay tại nơi đó họ đã phạm tội.
30  Bất cứ Giám mục nào, tuy nhiên, chỉ trong khi ban bí tích giải tội.
Điều 1356
§1. Có thể tha một hình phạt hậu kết hay tiền kết được thiết lập bởi một mệnh lệnh mà đã không do Tông Toà ban hành:
10 Tác giả của mệnh lệnh phạt;
20 Bản quyền đã phát động tư pháp để áp đặt hay tuyên bố hình phạt hoặc đã đích thân hay qua người khác áp đặt hay tuyên bố hình phạt bằng sắc lệnh.
30 Bản quyền địa phương, tại nơi mà phạm nhân đang ở.
§2. Trước khi tha một hình phạt, phải tham khảo ý kiến,  của người ra mệnh lệnh phạt, hoặc người đã áp đặt hay tuyên bố hình phạt, trừ khi không thể hỏi ý kiến được do những hoàn cảnh bất thường.
Điều 1357
§l. Vẫn giữ nguyên những quy định của các điều 508 và 976, cha giải tội có thể tha ở toà trong thuộc bí tích,[67] vạ tuyệt thông tiền kết hay vạ cấm chế tiền kết chưa được tuyên bố, nếu hối nhân cảm thấy khổ sở khi phải sống trong tình trạng tội trọng suốt thời gian cần thiết để Bề trên có thẩm quyền định liệu.
§2. Khi tha vạ, cha giải tội phải buộc hối nhân trong vòng một tháng phải thượng cầu lên Bề trên có thẩm quyền hay lên tư tế có năng quyền và phải tuân theo quyết định của các ngài;[68] trong khi chờ đợi, cha giải tội phải ra một việc sám hối cân xứng[69] và trong mức độ cần thiết; buộc đương sự sửa chữa cớ vấp phạm cũng như đền bù thiệt hại. Việc thượng cầu cũng có thể nhờ cha giải tội thực hiện, nhưng không nêu danh tính của hối nhân.
§3. Sau khi đã qua cơn nguy hiểm, những người, chiếu theo quy tắc của điều 976[70] đã được giải khỏi vạ đã bị áp đặt hay tuyên bố, hay được dành riêng cho Tông Toà, đều buộc phải giữ nghĩa vụ thượng cầu.
Điều 1358
§1. Không được phép tha vạ nếu phạm nhân vẫn còn ngoan cố[71], chiếu theo quy tắc của điều 1347 §2; nhưng không được từ chối tha vạ cho phạm nhân nào đã hết ngoan cố, trừ ra những gì quy định ở điều 1361 §4.
§2. Người nào tha vạ, thì có thể áp dụng các biện pháp chiếu theo quy tắc của điều 1348 hay cũng có thể áp đặt một việc sám hối.
Điều 1359
Nếu một người mắc nhiều hình phạt, thì việc tha chỉ có giá trị đối với những hình phạt nào được nói đến; nhưng việc tha tổng quát thì tha mọi hình phạt, trừ những hình phạt mà phạm nhân vì gian ý đã không nêu ra trong thỉnh cầu.[72]
Điều 1360
Việc tha hình phạt bị tác động bởi vũ lực, sợ hãi nghiêm trọng hay bởi gian dối thì vô giá trị do chính luật.[73]
Điều 1361
§l. Có thể tha hình phạt cho cả người vắng mặt, hoặc tha với điều kiện.
§2. Việc tha hình phạt ở toà ngoài phải được ban bằng văn bản, trừ khi có một lý do nghiêm trọng khuyên làm cách khác.
§3. Việc xin tha hay chính việc tha hình phạt không được tiết lộ,[74] trừ khi điều đó hữu ích để bảo vệ thanh danh cho phạm nhân hay cần thiết để sửa chữa một cớ vấp phạm.
§4. Không được tha phạt bao lâu, theo sự phán xét khôn ngoan của Bản quyền, phạm nhân chưa sửa chữa được thiệt hại đã gây ra; phạm nhân có thể được thúc giục để sửa chữa hay bồi hoàn bằng một trong những hình phạt được nói tới ở điều 1336 §§2-4, và điều này cũng áp dụng khi nào tha vạ theo quy tắc của điều 1358 §1.[75]
Điều 1362
§1. Tố quyền hình sự chấm dứt sau ba năm do thời hiệu, trừ khi xét đến:
10 Những tội phạm được dành riêng cho Bộ Giáo Lý Đức Tin, theo qui tắc riêng biệt;
20 Vẫn giữ nguyên qui định ở 10, tố quyền đối với những tội phạm nào nói tới ở điều 1376, 1377, 1378, 1393 §1, 1394, 1395, 1397, hay 1398 §2, thì chấm dứt sau bảy năm, hoặc tố quyền đối với những tội phạm của điều 1398 §1, thì chấm dứt sau hai mươi năm;[76]
30 Những tội phạm mà không bị phạt bởi luật phổ quát, nếu luật địa phương đã có ấn định một thời hạn khác cho thời hiệu.
§2. Thời hiệu,  trừ trường hợp luật đã ấn định cách khác, bắt đầu từ ngày thực hiện tội phạm, hoặc, nếu tội phạm kéo dài hay thường xuyên, thì bắt đầu từ ngày chấm dứt tội phạm.
§3. Khi phạm nhân được triệu tập theo qui tắc của điều 1723, hay được thông tri theo cách thức của điều 1507 §3 về việc trình, theo quy tắc của điều 1721 §1, một đơn khởi tố , thì thời hiệu của tố quyền hình sự ba năm bị đình chỉ; hết thời hạn này hay khi sự đình chỉ bị gián đoạn, vì lý do chấm dứt tố tụng hình sự, thì thời gian trải qua mới được cộng vào với thời hiệu đã trải qua. Sự đình chỉ này cũng áp dụng tương tự nếu, khi tuân giữ điều 1720, 10, hình phạt được áp đặt hay tuyên bố bằng sắc lệnh ngoại tư pháp.
Điều 1363
§1. Nếu sắc lệnh thi hành án của thẩm phán được nói đến ở điều 1651 đã không được thông báo cho phạm nhân trong thời hạn được nói đến ở điều 1362, tính từ ngày bản án kết tội đã trở thành quyết tụng, thì tố quyền chấp hành hình phạt bị thời hiệu tiêu huỷ.
§2. Nguyên tắc trên đây cũng có giá trị đối với hình phạt được tuyên kết bằng sắc lệnh ngoại tư pháp, miễn là vẫn giữ những gì luật định,.
PHẦN II
HÌNH PHẠT CHO TỪNG TỘI PHẠM
ĐỀ MỤC I
NHỮNG TỘI PHẠM NGHỊCH LẠI ĐỨC TIN[77]
TÍNH DUY NHẤT CỦA GIÁO HỘI
Điều 1364
§l. Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo đều bị vạ tuyệt thông tiền kết, vẫn giữ nguyên những quy định của điều 194 §1, 20, ngoài ra, người ấy có thể phải chịu những hình phạt được nói đến ở điều 1336 §§2-4.
§2. Nếu có một sự ngoan cố kéo dài hay sự nghiêm trọng của gương xấu đòi hỏi, thì có thể thêm những hình phạt khác, không loại trừ việc sa thải khỏi hàng giáo sĩ.
Điều 1365 (đ. 1371,10 )
Người nào, ngoài trường hợp nói ở điều 1364 §1, dạy một giáo thuyết đã bị Đức Giáo hoàng Roma hay Công Đồng chung kết án, hay kiên quyết từ khước giáo thuyết được nói tới ở điều 750 §2, hay điều 752, và đã được Tông Toà hay Bản quyền cảnh cáo, mà không rút lại, phải bị phạt bằng một vạ và tước bỏ giáo vụ; có thể thêm vào những chế tài này các biện pháp khác được nói tới ở điều 1336 §§2-4.
Điều 1366
Người nào chống lại một hành vi của Đức Giáo hoàng Roma, bằng cách thượng cầu lên Công Đồng chung hoặc lên  tập đoàn Giám mục, thì phải bị phạt vạ.[78]
Điều 1367 (đ. 1366 cũ)
Những bậc cha mẹ hay những người thay quyền cha mẹ đã cho con cái được rửa tội hay được giáo dục trong một tôn giáo không Công giáo, phải bị phạt vạ hay phải chịu một hình phạt khác thích đáng.
Điều 1368 (đ. 1369 cũ)
Người nào, trong một trình diễn hay trong một tụ họp công cộng, hoặc trong một bài viết phổ biến công khai,[79] hoặc trong khi dùng những phương tiện truyền thông xã hội khác, nói những lời báng bổ hoặc xúc phạm nghiêm trọng đến thuần phong mỹ tục, hoặc lăng mạ hoặc kích động lòng thù ghét hay khinh dể chống lại tôn giáo hay Giáo hội, thì phải chịu một hình phạt thích đáng.
Ðiều 1369 (đ. 1376 cũ)
Ai xúc phạm đến một sự vật thánh, dù là động sản hay bất động sản, phải bị phạt hình phạt thích đáng.
ĐỀ MỤC 2
NHỮNG TỘI PHẠM CHỐNG LẠI GIÁO QUYỀN
VÀ VIỆC THI HÀNH NHIỆM VỤ[80]
Điều 1370
§1. Người nào dùng vũ lực thể lý chống lại Đức Giáo Hoàng Roma, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tông Toà; nếu người ấy là giáo sĩ, thì tuỳ theo tính cách nghiêm trọng của tội phạm, có thể phải chịu thêm một hình phạt khác nữa, không loại trừ việc sa thải  ra khỏi hàng giáo sĩ.
§2. Người nào dùng vũ lực thể lý chống lại một người có chức Giám mục, thì bị vạ cấm chế tiền kết; nếu người ấy là giáo sĩ, thì còn bị vạ huyền chức tiền kết nữa.
§3. Người nào dùng vũ lực thể lý chống lại một giáo sĩ hay một tu sĩ hay một giáo dân, vì khinh dể đức tin hay Giáo hội, hay quyền bính, hay thừa tác vụ của Giáo hội, thì phải chịu một hình phạt thích đáng.
Điều 1371[81]
§1. Người nào không vâng theo lệnh truyền hoặc lệnh cấm hợp pháp của Tông Toà, của Bản quyền hay của Bề trên, và vẫn ngoan cố không vâng phục sau khi đã bị cảnh cáo, thì phải bị phạt, tuỳ theo mức nghiêm trọng của sự việc, bằng một vạ hay bằng một sự tước bỏ giáo vụ hay bằng những hình phạt khác được nói tới ở điều 1336, §§2-4.
§2. Ai vi phạm các điều buộc mà một hình phạt đã áp đặt, thì phải chịu các hình phạt nói tới ở điều 1336, §§2-4.
§3. (đ. 1368 cũ)
Người nào khi quả quyết hay hứa một điều gì đó trước nhà chức trách Giáo hội mà thề gian,[82] thì phải chịu hình phạt thích đáng.
§4. Người nào vi phạm việc buộc phải giữ bí mật giáo hoàng, người ấy phải chịu những hình phạt được nói tới ở điều 1336 §§2-4.
§5. Người nào không tuân thủ việc buộc phải thực hiện một bản án thi hành hay một sắc lệnh hình sự thi hành, người ấy phải chịu phạt với một hình phạt thích đáng, ngay cả một vạ.
§6. Người nào bỏ qua việc thông tri những ghi nhận về một tội phạm, mà giáo luật buộc phải thông tri, thì người ấy phải bị phạt theo qui tắc của điều 1336 §§2-4, và thêm các hình phạt khác, tuỳ theo mức nghiêm trọng của tội phạm.
Điều 1372 (đ. 1375 cũ)
Phải bị phạt theo quy tắc của điều 1336 §§2-4:
10 Những người nào ngăn cản sự tự do của một thừa tác vụ hay sự thi hành quyền bính Giáo hội hoặc sự sử dụng hợp pháp những sự vật thánh hay những tài sản khác thuộc Giáo hội, hoặc gây khiếp sợ[83] người đã thi hành quyền bính hay một thừa tác vụ Giáo hội;
20  Những người nào ngăn cản sự tự do bầu cử hay gây khiếp sợ một cử tri, hay một người đắc cử.
Điều 1373
Người nào công khai kích động sự chống đối hay thù ghét Tông Toà hay Bản quyền bởi vì một hành vi nào đó thuộc giáo vụ hay phận vụ Giáo hội, hoặc người nào xúi giục sự không vâng phục chống lại các ngài, thì phải bị vạ cấm chế hay những hình phạt thích đáng khác.
Điều 1374
Người nào ghi danh vào một hiệp hội âm mưu chống lại Giáo hội, thì phải chịu một hình phạt thích đáng; còn người nào cổ động hoặc điều hành hiệp hội ấy, thì phải bị phạt vạ cấm chế.
Ðiều 1375    (đ. 1381 cũ)
§1. Bất cứ ai chiếm đoạt một giáo vụ, người ấy phải chịu hình phạt thích đáng.
§2. Việc giữ lại cách bất hợp pháp một nhiệm vụ sau khi đã bị bãi nhiệm hay chấm dứt thì tương đương với sự chiếm đoạt.
Ðiều 1376[84]
§1. Phải bị phạt với những hình phạt ở điều 1336 §§2-4, và vẫn phải giữ bó buộc bồi thường thiệt hại:
10 Người nào lấy cắp tài sản thuộc Giáo hội hay cản trở việc thu nhận những hoa lợi;
20 Người nào mà không có sự tham khảo ý kiến, sự đồng ý hoặc cho phép theo quy định, hoặc không thỏa mãn yêu cầu khác do pháp luật áp đặt về tính hữu hiệu hoặc hợp pháp, mà chuyển nhượng những của cải thuộc giáo hội hoặc thực hiện một hành vi quản trị trên chúng.
§2. Phải chịu hình phạt thích đáng, không loại trừ bị tước bỏ giáo vụ, vẫn phải giữ bó buộc bồi thường thiệt hại:
10 Người nào do lỗi nghiêm trọng của mình phạm đến tội nói tới ở §1, 20;
20 Người nào được nhận thấy, theo cách thức khác, là đã chểnh mảng nghiêm trọng trong quản trị tài sản trong Giáo hội.
Ðiều 1377
§1. Ai biếu hay hứa bất cứ điều gì để đạt được một hành động hay một sự bỏ qua bất hợp pháp từ những người đang thi hành giáo vụ hay một nhiệm vụ trong Giáo hội, thì phải bị phạt với một hình phạt thích đáng theo quy tắc của điều 1336 §§2-4; cũng vậy, người mà nhận những tặng phẩm và những lời hứa đó cũng phải bị phạt tương xứng với độ nghiêm trọng của tội phạm, không loại trừ việc bị tước bỏ giáo vụ, vẫn giữ nguyên bó buộc phải bồi thường thiệt hại.
§2. Ai, trong khi thi hành chức vụ hay một nhiệm vụ, đòi một dâng cúng ngoài những gì ấn định, hoặc đòi thêm số tiền, hoặc cái gì đó có lợi cho mình, thì phải bị phạt với số tiền bồi thường tương xứng hay với những hình phạt khác, không loại trừ việc bị tước bỏ chức vụ, vẫn giữ nguyên bó buộc phải bồi thường thiệt hại.[85]
Ðiều 1378 (đ. 1389 cũ, được bổ xung thêm)
§1. Người nào, không kể những trường hợp mà luật đã dự liệu, lạm dụng quyền bính, chức vụ, nhiệm vụ Giáo hội, thì phải bị phạt tuỳ theo mức nghiêm trọng của hành vi đã làm hay đã bỏ qua, không loại trừ việc bị tước bỏ chức vụ hay nhiệm vụ, vẫn giữ nguyên bó buộc bồi thường thiệt hại.
§2. Người nào, vì chểnh mảng tắc trách, đã thực hiện hay bỏ qua cách bất hợp luật một hành vi thuộc quyền bính, chức vụ hay nhiệm vụ của Giáo hội, khiến gây nên thiệt hại cho người khác hay gây cớ vấp phạm, thì phải bị phạt với hình phạt thích đáng, theo qui tắc của điều 1336 §§2-4, vẫn giữ nguyên bó buộc phải bồi thường thiệt hại.
 
ĐỀ MỤC III
NHỮNG TỘI PHẠM NGHỊCH LẠI CÁC BÍ TÍCH
Điều 1379 (đ. 1378§2 cũ)
§1. Bị hình phạt cấm chế tiền kết, hoặc nếu là giáo sĩ thì bị cả hình phạt huyền chức:
1Người nào không có chức tư tế mà dám cử hành phụng vụ Thánh thể;
20  Người nào, ngoài trường hợp nói tới ở điều 1384, không thể ban thành sự xá giải bí tích, mà lại dám ban xá giải hay nghe xưng tội bí tích.
§2. Trong những trường hợp nói tới ở §1, tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm, có thể thêm những hình phạt khác, không loại trừ vạ tuyệt thông.
§3. Người nào đã dám truyền chức thánh cho một người nữ, thì người đó và cả người nữ mà đã dám lãnh nhận chức thánh bị vạ tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Tông Toà; ngoài ra, giáo sĩ còn có thể bị phạt sa thải khỏi hàng giáo sĩ.
§4. Người nào chủ ý ban bí tích cho người bị cấm lãnh nhận, thì người ấy phải bị phạt huyền chức; có thể thêm vào những hình phạt nói tới ở điều 1336 §§2-4.[86]
§5. (đ. 1379 cũ) Ngoài những trường hợp nói tới ở §§1-4 và ở điều 1384, người nào giả bộ ban bí tích, thì phải bị phạt với một hình phạt thích đáng.
Ðiều 1380
Người nào cử hành hay lãnh nhận một bí tích vì mại thánh, phải bị phạt cấm chế hay huyền chức hay với những hình phạt nói tới ở điều 1336 §§2-4.
Ðiều 1381 (đ. 1365 cũ)
Người nào vi phạm luật cấm tham dự nghi lễ thánh, phải bị phạt thích đáng.
Ðiều 1382 (đ. 1367 cũ)
§1. Người nào  ném bỏ Mình Máu Thánh Chúa, hoặc lấy và giữ với mục đích phạm thánh, thì mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Tông Toà; ngoài ra giáo sĩ có thể bị hình phạt khác nữa, không loại trừ việc sa thải khỏi hàng giáo sĩ[87].
§2. Phạm nhân nào truyền phép với mục đích phạm thánh chỉ một hoặc cả hai chất thể trong cử hành Thánh Thể hay ngoài cử hành Thánh Thể, phải bị phạt tương xứng với mức nghiêm trọng của tội phạm, không loại trừ việc sa thải khỏi hàng giáo sĩ.
Ðiều 1383 (đ. 1385 cũ)
Ai trục lợi bất hợp pháp trên các bổng lễ, phải bị phạt vạ hay những hình phạt khác như nói tới ở điều 1336 §§2-4.
Ðiều 1384 (đ. 1378§1 cũ)
Tư tế nào hành động nghịch với các quy định ở điều 977, thì bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Tông Tòa.
Ðiều 1385 (đ. 1387 cũ)
Tư tế nào dụ dỗ hối nhân phạm tội nghịch điều răn thứ sáu của Thập giới trong khi giải tội, hay nhân dịp giải tội, hay lấy cớ giải tội, thì tùy theo mức nghiêm trọng của tội phạm, phải bị phạt với hình phạt huyền chức, cấm chế, bãi nhiệm, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, phải bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ.
Ðiều 1386 (đ. 1388 cũ)
§1. Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, thì bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Tông Tòa; còn vị nào chỉ vi phạm cách gián tiếp, thì phải bị phạt tùy theo mức nghiêm trọng của tội phạm.
§2. Thông dịch viên và những người khác nói ở điều 983 §2, nếu vi phạm bí mật, phải bị phạt hình phạt xứng đáng, không loại trừ vạ tuyệt thông.
§3. Vẫn giữ nguyên qui định của §1 và §2, bất cứ ai với bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào, thu âm hoặc loan truyền với ý xấu, những điều do hối nhân nói trong bí tích, dù là thật hay giả bộ, phải bị phạt theo mức nghiêm trọng của tội phạm, nếu là giáo sĩ, không loại trừ sa thải khỏi hàng giáo sĩ. [88]
Ðiều 1387 (đ. 1382 cũ)
Giám mục nào phong chức Giám mục cho một người mà không có ủy nhiệm thư của Đức Giáo hoàng, cũng như người nào được vị ấy truyền chức cho đều bị vạ tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Tông Tòa.
Điều 1388
§1. (đ. 1383 cũ)
Giám mục nào vi phạm quy định của điều 1015, phong chức cho một người thuộc quyền một Giám mục khác mà không có ủy nhiệm thư[89] hợp pháp, thì bị cấm truyền chức trong hạn một năm. Còn người được thụ phong tự động bị huyền chức do chính sự kiện[90] lãnh nhận chức thánh.
§2. Người nào tiến tới các chức thánh, mà đang còn bị mắc vạ hay bị bất hợp luật chịu chức thánh, nhưng cố ý im lặng, thì ngoài những gì ấn định ở điều 1044 §2, 10, tự động bị huyền chức do chính sự kiện. [91]
Ðiều 1389
Ngoài những trường hợp nói ở các điều 1379-1388, ai thi hành bất hợp luật nhiệm vụ tư tế hay một thừa tác vụ thánh nào khác, thì phải bị phạt thích đáng, không loại trừ phạt vạ.
ĐỀ MỤC 4
NHỮNG TỘI PHẠM CHỐNG LẠI THANH DANH
VÀ TỘI NGỤỴ TẠO[92]
Ðiều 1390
§1. Người nào cáo gian một cha giải tội với Bề trên trong Giáo hội về tội phạm nói ở điều 1385, thì bị vạ cấm chế tiền kết và nếu là giáo sĩ, thì còn bị vạ huyền chức nữa.
§2. Người nào cáo gian với Bề trên trong Giáo hội về một tội phạm nào khác, hoặc làm hại đến thanh danh của một người bằng một cách nào khác, thì phải bị hình phạt thích đáng theo qui tắc của điều 1336 §§2-4, ngoài ra người ấy có thể bị phạt thêm một vạ.
§3. Người nào vu khống thì phải bị[93] bắt buộc bồi thường tương xứng.
Điều 1391
Những người sau đây bị phạt với những hình phạt dự liệu ở điều 1336 §§2-4, tuỳ theo mức nghiêm trọng của tội phạm:
10 Người giả mạo một tài liệu công[94] thuộc Giáo hội, hoặc sửa đổi, hủy bỏ, cất giấu bản chính thức, hoặc sử dụng bản giả mạo hay đã bị sửa đổi;
20  Người sử dụng một tài liệu nào khác, giả mạo hay bị sửa đổi trong một sự việc thuộc Giáo hội,
30  Người khẳng định một điều nào đó là sai lạc trong một tài liệu công thuộc Giáo hội.[95]
ĐỀ MỤC V
NHỮNG TỘI PHẠM NGHỊCH NHỮNG ĐÒI BUỘC ĐẶC BIỆT[96]
Ðiều 1392[97]
Giáo sĩ nào bỏ thừa tác vụ thánh một cách tự ý và bất hợp pháp trong sáu tháng liên tục, với ý định thoát khỏi thẩm quyền của nhà chức trách Giáo hội, phải bị phạt, tuỳ theo mức nghiêm trọng của tội phạm, vạ huyền chức hay cả những hình phạt được ấn định bởi điều 1336 §§2-4, và trong những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ.
Ðiều 1393
§1. (đ. 1392 cũ)
Giáo sĩ hay tu sĩ nào,  hoạt động thương mại hay buôn bán[98], nghịch với những quy định của luật, phải bị phạt tùy theo mức nghiêm trọng của tội phạm với những hình phạt được nói ở điều 1336 §§2-4.
§2. Giáo sĩ hay tu sĩ nào, ngoài những trường hợp luật đã dự liệu, phạm một tội phạm về vấn đề tài chánh, hay vi phạm nặng những quy định của điều 285 §4, phải bị phạt với những hình phạt được nói tới ở điều 1336 §§2-4, vẫn giữ nguyên việc buộc phải bồi thường thiệt hại.
Ðiều 1394
§1. Giáo sĩ nào dám kết hôn,[99] dù chỉ là hôn nhân dân sự, bị mắc vạ huyền chức tiền kết, vẫn phải giữ quy định của điều 194 §1, 30 và điều 694 §1, 20; nếu sau khi bị cảnh cáo mà không hối cải và vẫn tiếp tục gây cớ vấp phạm, thì tuần tự phải[100] bị phạt bãi chức, cho tới mức bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ.
§2. Tu sĩ nào đang khấn vĩnh viễn, không phải là giáo sĩ, mà dám kết hôn, dù chỉ hôn nhân dân sự, thì mắc vạ cấm chế tiền kết, vẫn phải giữ quy định ở điều 694 §1, 20.
Ðiều 1395
§1. Ngoài trường hợp nói ở điều 1394, giáo sĩ nào tư hôn, và giáo sĩ nào thường xuyên ở trong tội bề ngoài khác nghịch giới răn thứ sáu của Thập giới gây cớ vấp phạm thì phải bị phạt vạ huyền chức; và nếu sau khi bị cảnh cáo mà còn tiếp tục phạm tội, có thể tuần tự bị phạt thêm những hình phạt khác, cho đến mức sa thải khỏi hàng giáo sĩ.
§2. Giáo sĩ nào thực hiện một tội phạm khác nghịch điều răn thứ sáu của Thập giới, nếu thực sự đã phạm tội cách công khai, thì phải bị phạt những hình phạt thích đáng, không loại trừ bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ, nếu sự việc đòi hỏi điều đó.[101]
§3. Bị phạt giống như hình phạt của §2, giáo sĩ nào, bằng bạo lực, bằng đe dọa hoặc bằng lạm dụng quyền lực, thực hiện một tội phạm nghịch điều răn thứ sáu của Thập giới hoặc cưỡng ép ai đó thực hiện hay chịu những hành vi tình dục.[102]
Ðiều 1396
Người nào vi phạm nặng nề nghĩa vụ cư trú mà giáo vụ buộc phải giữ, thì phải bị phạt hình phạt thích đáng, không loại trừ bị phạt bãi nhiệm, sau khi đã bị cảnh cáo.
ĐỀ MỤC VI
CÁC TỘI PHẠM NGHỊCH LẠI PHẨM GIÁ
VÀ SỰ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI [103]
 Điều 1397
§1. Người nào phạm tội sát nhân, hoặc ai dùng vũ lực hay mưu  kế để bắt cóc, giam giữ, huỷ hoại thân thể hoặc đả thương trầm trọng một người nào đó, thì phải bị phạt, tuỳ theo mức nghiêm trọng của tội phạm, với những hình phạt được nói tới ở điều 1336 §§2-4;  còn tội sát nhân phạm đến những người được nói đến ở điều 1370, thì phải bị phạt với những hình phạt được quy định ở điều ấy cũng như ở §3 của điều luật này.
§2. (đ. 1398 cũ)
Người nào thi hành việc phá thai, và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
§3. Về những tội phạm nói tới ở điều luật này, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu phạm nhân là giáo sĩ thì phải bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ.
Điều 1398[104]
§1. Một giáo sĩ phải bị bãi chức và bị những hình phạt thích đáng khác, kể cả việc thải hồi khỏi bậc giáo sĩ, khi vụ việc đòi như vậy, nếu:
10 Phạm tội nghịch lại điều răn thứ sáu của Thập giới với một trẻ vị thành niên hoặc với một người thường xuyên sử dụng trí khôn cách bất toàn hoặc với một người mà luật nhìn nhận là phải được bảo vệ tương tự;
20 Tuyển dùng hay dẫn dụ một trẻ vị thành niên, hoặc một người thường xuyên sử dụng trí khôn cách bất toàn hoặc một người mà luật nhìn nhận phải được bảo vệ tương tự, để họ bày tỏ khiêu dâm hay tham dự vào các trình diễn khiêu dâm, dù là thực sự hay giả bộ;
30 Thu thập, lưu giữ, trình diễn hay phát tán một cách vô luân, theo bất cứ kiểu cách nào và với bất cứ phương tiện nào, những hình ảnh khiêu dâm của các trẻ vị thành niên hay của các người mà thường xuyên sử dụng trí khôn cách bất toàn.
§2. Một thành viên của một Tu hội Đời sống Thánh hiến hay của một Tu đoàn Đời sống Tông đồ, hay bất cứ một tín hữu nào mà hưởng một phẩm giá hay thi hành một giáo vụ hay một nhiệm vụ trong Giáo hội, nếu phạm những tội được nói tới ở §1 hay ở điều 1395 §3, thì phải bị phạt theo qui tắc ở điều 1336 §§2-4, và tuỳ theo mức nghiêm trọng của tội phạm, bị thêm những hình phạt khác.
ĐỀ MỤC VII
NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT
Ðiều 1399
Ngoài những trường hợp do luật này hay các luật khác ấn định, sự vi phạm bên ngoài một luật Thiên Chúa hay một luật Giáo hội có thể bị một hình phạt thích đáng, chỉ khi tính cách nghiêm trọng đặc biệt của sự vi phạm đòi hỏi phải phạt, và sự cần thiết thúc bách phải phòng ngừa hay sửa chữa cớ vấp phạm.

*******************

GHI CHÚ
Của Tác giả bản dịch Việt ngữ
 
[1] QUYỂN VI có tựa đề DE SANCTIONIBUS POENALIBUS IN ECCLESIA: CHẾ TÀI HÌNH SỰ TRONG GIÁO HỘI. Bản cũ dịch thiếu chữ "hình sự".
[2] Đ. 1311§1. Nativum et proprium Ecclesiae: Giáo hội có quyền bẩm sinh và quyền riêng. Không nên dịch: Giáo hội có quyền bẩm sinh và riêng biệt. Chữ  proprium ở đây nói về sở hữu của riêng ai, chứ không nói về tính cách "riêng biệt" (speciale). Giáo hội xác định mình có quyền riêng (của mình) trong vấn đề chế tài hình sự.
[3] Đ. 1311§1. Coercendi qui delicta commiserint: cưỡng chế những Kitô hữu nào đã phạm tội. Không nên dịch:  cưỡng chế các Kitô hữu phạm pháp. Quyển VI này nói đến tội phạm hình sự, không có ý nói đến phạm pháp một cách chung chung.
[4] Đ. 1311§2 luật canh tân thêm phần hướng dẫn về mục đích và tinh thần trong việc chế tài hình sự.
[5] Đ. 1312§2Privent: tước khỏi. Không nên dịch: khiến cho ... không được hưởng. Điều luật này muốn nói tới tác động cách mạnh mẽ của sự tước bỏ, tước đi chứ không nói như một hệ quả hay hậu quả kéo theo như kiểu nói khiến cho hay gây ra.
[6] Đ. 1312§2. Bono spirituali vel temporali: lợi ích thiêng liêng hay trần thế. Không nên dịch lợi ích thiêng liêng hay vật chất. Ví dụ, các tước bỏ giáo vụ, công việc, thừa tác vụ hoặc nhiệm vụ ... của thục hình nói ở điều 1336 có nghĩa như tước bỏ lợi ích trần thế chứ không phải là vật chất.
[7] Đ. 1312§3Remedia poenalia: phương dược hình sự. Không được dịch: dược hình. Dịch chữ "dược hình" sẽ bị lẫn lộn với "vạ hay dược hình" (poenalia medicinales) được nói ở §2, 10 . Phần §3 của điều luật 1312 này, sau khi nói đến hình phạt (poenae) thì nói đến thuốc chửa hay phương dược (remedia) có tính chất như phạt (poenalia) chứ không còn đúng là hình phạt (poena) nữa. Vậy nếu, dịch là "dược hình" sẽ bị sai lạc và lẫn lộn giữa §2 và §3.
[8] Đ. 1312§3. Bản Việt ngữ cũ bị thiếu đoạn: được nói ở những điều 1339 và 1340, cần phải thêm vào.
[9] Đ. 1314. Ipso facto commissi delicti: tự động bị phạt do chính sự kiện là đã phạm tội. Không nên dịch: chịu hình phạt tức khắc do chính sự kiện phạm tội". Chữ "tức khắc", chỉ về thời gian, Ví dụ, giáo quyền có thể phạt ngay "tức khắc" một phạm nhân. Và nếu bị giáo quyền phạt "tức khắc" thì đó lại là trường hợp của vạ hậu kết. Vạ tiền kết hệ tại ở sự "tự động" bị phạt do chính luật quy định chứ không do giáo quyền phạt, cho dù là ngay tức khắc. Bản tiếng Anh dịch: "so that it is incurred automatically upon the commission of an offence".
[10] Điều 1315 luật canh tân:
- Sắp xếp lại cấu trúc điều luật và thay đổi một số điểm về quyền lập luật hình sự.
- Người nào có quyền ban hành những luật hình sự, thì cũng có thể... được dùng thay cho: người có quyền lập pháp cũng có thể... ở triệt 1. Luật mới không  còn hạn chế vào quyền lập pháp trong việc thiết lập luật phạt, chỉ nói một cách tổng quát: Người nào có quyền ban hành những luật hình sự.
Tuy nhiên ở triệt 2 điều luật này lại dùng: nhà lập pháp cấp dướinhà lập pháp cấp trên.
- Về thẩm quyền thiết lập thêm hình phạt của nhà lập pháp cấp dưới vào một luật cấp trên, vào một luật phạt phổ quát cho một tội phạm, hoặc quyền quyết định phạt khi luật phổ quát chỉ để tùy ý phạt cho một tội phạm, luật canh tân loại bỏ lệnh: đừng làm... trừ khi có nhu cầu rất nghiêm trọng.  Luật cũng đòi lưu ý đến điều 1317, nghĩa là chỉ đòi hỏi thiết lập luật hình sự theo mức độ cần thiết để hổ trợ kỷ luật Giáo hội một cách thích hợp hơn.
Như vậy, nhà lập pháp cấp dưới có thể thêm nhiều hình phạt hơn so với hướng dẫn cũ.
[11] Đ. 1317 luật canh tân: Dùng cụm từ  nhà lập pháp cấp dưới thay cho luật địa phương (lege particulari) trong ấn định về sự không có quyền lập ra luật sa thải ra khỏi hàng giáo sĩ.
[12] Đ. 1318 và nhiều điều khác. Scandalo: cớ vấp phạm. Không nên dịch gương xấu. Chữ gương bao hàm ý nghĩa của sự noi theo hay bắt chước. Trong cuộc sống, hầu hết các việc làm xấu xa, tội lỗi thì ít gây cho người ta bắt chước hay noi theo, nhưng điều chính đó là gây cớ vấp phạm. Scandal (cớ vấp phạm) có nghĩa là cái cớ, cái dịp khiến cho người ta làm điều xấu. (Xem bản Tuyên Bố năm 2000 của Ủy Ban Giáo Hoàng Giải Thích Văn Bản Luật Pháp). Ví dụ một giáo sĩ  dám kết hôn, thì việc bắt chước theo tu sĩ đó thì ít có, nhưng sẽ khiến cho người ta chỉ trích, phê bình, chống đối Giáo hội, chống đối hàng giáo sĩ, hàng tu sĩ. Hoặc một ví dụ khác: nếu cho người ly dị tái hôn được lãnh nhận các bí tích Thánh Thể một cách bình thường như những người khác, sẽ gây ra scandal, tức là khiến cho người ta "tưởng lầm" Giáo hội cho phép tái hôn, hoặc phê bình Giáo hội đi ngược giáo huấn bất khả phân ly hôn nhân của Chúa Kitô. Vì vậy, nên dùng chữ "cớ vấp phạm" để dịch chữ "scandal", thay cho chữ "gương xấu". Dịch là cớ vấp phạm thì sát nghĩa hơn, và nó cũng không loại trừ ý nghĩa bắt chước điều xấu (gương xấu).
[13] Đ. 1318 luật canh tân: dùng chữ Delicta specialis gravitatis: tội phạm đặc biệt nặng, thay cho delicta graviora: tội phạm nặng hơn. Thật ra, hình phạt được áp đặt để chống lại những loại tội phạm riêng biệt hay đặc biệt và nặng, chứ không chống lại tội nặng hơn. Có sự thay đổi này có lẽ là do nhà lập pháp thấy chữ "nặng hơn" có vẻ lạc lỏng, vì không có sự so sánh ở đây.
[14] Đ. 1319§1 luật canh tân: thay đổi cách nói để xác định rõ hơn: Quatenus quis potest vi potestatis regiminis in foro externo praecepta imponere iuxta praescripta cann. 48-58: Trong mức độ mà một người có thể ra các mệnh lệnh ở tòa ngoài do quyền lãnh đạo theo các quy định của những điều 48-58. Bản cũ chỉ nói đơn giản: Quatenus quis potest vi potestatis regiminis in foro externo praecepta imponere: Do quyền lãnh đạo, một người có thể áp đặt những mệnh lệnh ở toà ngoài đến mức độ nào.
[15] Đề mục 3: DE SUBIECTO POENALIBUS SANCTIONIBUS OBNOXIO: CHỦ THỂ BỊ CHẾ TÀI HÌNH SỰ. Bản dịch cũ bị thiếu chữ "hình sự".
[16] Điều 1321 luật canh tân nói về những trường hợp được miễn phạt, có thêm triệt 1 giả định về sự vô tội trước khi được chứng minh là có tội, triệt 3 quy định miễn phạt khi phạm tội mà thiếu sự cẩn trọng cần thiết.
[17] Đ. 1321§2. Ex dolo vel ex culpa: do cố ý hay do tội tắc trách. Không nên dịch: do cố tình hay do lầm lẫn. Ở đây cần phải hiểu ý nghĩa của doluscolpa theo luật hình sự.
Dolo được dịch với nghĩa chung nhất là cố ý
Trong Enciclopedia Italiana, ở phần Diritto penale có nói: "Doloso, cioè, venne considerato non solo il fatto fraudolento, ma altresì ogni fatto commesso con volontà libera (non coartata) e con coscienza dell'illegittimità del fatto medesimo" (Enciclopedia Italiana).
Colpa ở đây không được dịch là "lầm lẫn", vì nếu do lầm lẫn, thì ngược lại, theo Giáo luật phải được miễn phạt. Theo nguyên tắc chung: không ai phạt kẻ bị lầm lẫn hay không biết.
Cũng trong Enciclopedia Italiana, ở phần Diritto penale có nói Colpa: "Forma di imputazione della responsabilità penale qualificata sussidiaria rispetto al dolo, perché la condotta antigiuridica che dà luogo al delitto colposo è punibile nei soli casi espressamente previsti dalla legge. L’art. 42, co. 2, c.p. stabilisce, infatti, che nessuno può essere punito per un fatto, previsto dalla legge come delitto, se non l’ha commesso con dolo, tranne nei casi di delitto preterintenzionale o colposo espressamente indicati dalla legge.
Enciclopedia Italiana cho thấy colpa được coi là sự quy trách về trách nhiệm hình sự (imputazione della responsabilità penale). Thường thì phạm nhân do không chu toàn trách nhiệm, khiến gây ra những điều xấu như lơ là, chểnh mảng nhiệm vụ, hoặc rượu chè say sưa, không lo quản lý tài sản được giao phó. Do đó, colpa nên được dịch là "tội phạm tắc trách ".
Tội phạm tắc trách này chỉ bị phạt khi bộ luật có ấn định rõ ràng là bị phạt. Vì vậy, colpa trong điều 1321§2 này nên được thêm thuộc tính hình sự. Trong Giáo luật, điều 1326§1,30 quy định phải phạt người không chịu đề phòng để mình phạm vào tội tắc trách hình sự (delictum culposum).  Có thể kể một số điều ấn định phạt tội tắc trách hình sự trong Giáo luật:
Điều 1387 quy định: Người nào  "vì chểnh mảng tắc trách (négligence coupable), đã thực hiện hay bỏ qua cách bất hợp luật một hành vi".
Điều 1376§2,20 quy định: Người nào "đã chểnh mảng nghiêm trọng trong quản trị tài sản của Giáo hội".
[18] Đ. 1322. Rationis usu carent: không sử dụng đủ trí khôn. Không nên dịch: không sử dụng được trí khôn. Chữ "carent" chỉ nói đến mức độ thiếu, không đủ. Hơn nữa, vẫn giữ chữ dịch là "không đủ" hay "thiếu" thì mới có thể có tình trạng tâm trí được nói tiếp theo sau: trong khi họ có vẻ sáng suốt. Nếu dịch là không sử dụng được trí khôn thì không thể nào lại có trường hợp phạm nhân lại có thể có vẻ sáng suốt.
[19] Đ. 1323,20. Ignorantiae autem inadvertentia et error aequiparantur: hơn nữa, sự vô ý và lầm lẫn  thì tương đương với sự không biết. Không nên dịch: tuy nhiên, sự vô ý và lầm lẫn được đồng hoá với sự không biết.  Ở đây, không nên dịch autemtuy nhiên, vì chỉ là nói thêm một vấn đề mà không có ý nói lên sự tương phản. Không nên dịch aequiparantur là  đồng hóa. Sự không biếtlầm lẫn (biết nhưng biết sai) là hai ý niệm có bản chất khác nhau. Giáo luật chỉ muốn nói, cả hai trường hợp phạm tội do "không biết" hay "lầm lẫn" thì luật hình sự coi là ngang bằng hay tương đương với nhau trong "mức độ" phạt, mà ở đây là không bị phạt. Giáo luật không có ý "đồng hóa" hai ý niệm "không biết" và "lầm lẫn".
[20] Đ. 1323,30. Vel ex casu fortuito, quem praevidere vel cui praeviso occurrere non potuit: hoặc dưới sự thúc đẩy của một sự cố ngẫu nhiên mà người đó không thấy trước hoặc nếu thấy trước thì cũng không thể tránh được. Không dịch: hay do một trường hợp ngẫu nhiên không thể thấy trước được, hoặc dù có thấy trước cũng không thể chống lại được. Ở đây, casu fortuito nên dịch là sự cố tình cờ, chứ không đơn thuần là một trường hợp ngẫu nhiên, vì nói như vậy là rất mơ hồ không hợp với bối cảnh hình sự.  Bản dịch cũ cũng chỉ liên hệ đến trường hợp bị vũ lực nên dịch  không chống lại được. Thật ra đây là trường hợp không thể tránh được đối với một sự cố xảy ra. Bản tiếng Anh cũng dịch là không thể tránh được: if foreseen could not avoid.
[21] Đ. 1323,40. Aut ex necessitate vel gravi incommodo. Không nên dịch: hoặc do nhu cầu thúc đẩy, hoặc để tránh một điều bất lợi nghiêm trọng.  Nhiều khi, người ta làm vì sự cần thiết phải làm  để tránh sự bất tiện, không chỉ do nhu cầu. Ví dụ, có nguy cơ bị rơi xuống vực không thể tránh được, tài xế có thể tông vào người khác để giữ an toàn cho năm chục người trên xe. Đây là trường hợp do sự cần thiết chứ không phải do nhu cầu. Chữ gravi incommodo không nên dịch là bất lợi hay bất tiện nghiêm trọng vì ở đây luật nói đến những trường hợp không bị phạt, nên dịch là phiền phức nghiêm trọng.  Công bằng mà nói, phạm tội do lợi lộc cá nhân hay sự tiện lợi của mình mà cũng được miễn phạt hay sao? Chỉ được miễn phạt khi bị quấy rầy gây phiền phức nghiêm trọng.
[22] Đ. 1323,40 Intrinsece malus: xấu tận căn. Không nên dịch thực chất là xấu  hay bản chất là xấu. Intrinsece malus ám chỉ đến điều dữ hay ác tận gốc rễ như phá thai, cố tình giết người. Trong thực tế, các điều xấu thực chất là xấu là có rất nhiều. Không thể nói dối trá, ăn cắp, lừa gạt... trong đời sống hàng ngày lại không có thực chất là xấu hay bản chất là xấu. Trong trường hợp bị vũ lực đe đọa, cần thiết, phiền phức nghiêm trọng như đã nói, nếu có dối trá, ăn cắp, lừa gạt thì có thể được coi là nhẹ hay không tội và được miễn phạt. Tuy nhiên, có luật trừ rằng nếu làm điều xấu tận căn như phá thai, cố tình giết người thì không được miễn phạt.
[23] Đ. 1323,50  Legitimae tutelae causa contra iniustum sui vel alterius aggressorem egit: tự vệ cho mình hay cho người khác một cách hợp pháp chống lại kẻ tấn công bất chính. Không dịch: tự vệ chính đáng chống lại một kẻ tấn công mình hay một người khác cách bất công. Vấn đề ở đây là tự vệ cho mình và cho người khác. Cần phải dịch lại, để tránh hiểu lầm là tự vệ chống lại một người thứ ba nào khác.
[24] Đ. 1324,20 luật canh tân: Trong vấn đề giảm nhẹ hình phạt do thiếu sử dụng trí khôn vì say rượu, luật mới thêm mệnh đề: vẫn giữ những gì quy định ở điều 1326 §1, 40, nghĩa là vẫn phải phạt theo quy định: "Người đã phạm tội trong tình trạng say rượu hay một rối loạn tâm trí nào khác, nhưng cố ý làm như vậy để  phạm tội hay để bào chữa, hoặc cố ý để cho đam mê được kích thích hay được nuôi dưỡng".
[25] Đ. 1324,50. Ex necessitate: do sự cần thiết. Không dịch: do nhu cầu, như đã nói trên.
[26] Đ. 1324§2. Idem potest iudex facere: thẩm phán có thể xử như vậy. Không nên dịch: thẩm phán có thể làm như vậy. Thẩm phán cần "xử" giảm nhẹ phạt hình phạt cho những trường hợp đã nêu ở triệt 1.
[27] Đ. 1326§1 của luật canh tân. Iudex gravius punire debet. Luật mới quy định "phải" (debet) trừng phạt, chứ không còn để "có thể" (potest) trừng phạt.
[28] Đ. 1326§1,20. Delictum culposum: tội tắc trách. Không được dịch: tội phạm cố tình. Đây là một trường hợp bị phạt do delictum culposum, hệ tại việc lười biếng, chểnh mảng nhiệm vụ gây hại, hay rượu chè say sưa... Tội nhân thấy trước được sự việc mình có thể sẽ phạm tội đó, nhưng không có ý phòng ngừa để tránh. Ở đây không có ý nói đến tội do cố tình (dolo). Vấn đề tội do dolocolpa đã được bàn ở điều 1321§2 ở trên.
[29] Đ. 1326§1,40 luật canh tân: chuyển một phần của điều 1325 về say rượu sang đ. 1326§1,40
[30] Đ. 1326§3 luật canh tân thêm quy định cho những trường hợp "phải phạt": nếu hình phạt được ấn định là tùy nghi, thì trở thành bắt buộc.
[31] Đ. 1328§l. Statuta: ấn định. Không nên dịch dự liệu. Ở đây nói đến hình phạt đã được ấn định chứ không phải chỉ là dự kiến hay dự liệu.
[32] Đ. 1328§l. Remedio poenali: Phương dược hình sự. Không dịch là dược hình. Dược hình (poenae medicinales) thì thuộc loại khác, được nói ở điều 1312§1,10. Phương dược hình sự đi gần với sám hối, có "tính chất phạt" chứ không là "hình phạt". Vấn đề này đã được bàn đến ở điều 1312§3.
[33] Đ. 1328§2. iusta potest poena puniri: có thể phải chịu một hình phạt thích đáng. Không nên dịch: có thể phải chịu một hình phạt chính đáng. Người ta không nói chịu một hình phạt mà lại chính đáng.
[34] Đ. 1329. Cả điều luật này được dịch lại cho đúng đắn và dễ hiểu hơn về hình phạt dành cho những người đồng phạm. Ở §1 không nên dùng ngay khái niệm "đồng lõa" vì chưa định nghĩa nó là gì. Luật chỉ nói: communi delinquendi consilio in delictum concurrunt, nghĩa là: Những người với chủ ý chung cùng nhau thực hiện (concurrunt) một tội phạm. Ở §2 nên dùng chữ "đồng phạm" (complices), không nên dùng chữ "đồng lõa", vì chữ "đồng lõa" Việt ngữ được hiểu nghĩa rất rộng. Ví dụ, người ta biết mà không tố cáo thì cũng được kể là đồng lõa. Ở §1 đã dùng động từ concurrunt, có chữ tiếp đầu ngữ con- có nghĩa là cùng, với nhau. Cho nên cần phải dịch là đồng phạm hay cùng phạm. Điều 1329 này thuộc phạm vi hình sự, cần phải nói một cách phân biệt và chính xác về hành vi phạm tội. Vì vậy, ở đây, không nên dịch với các khái niệm đồng lõa, đồng tình.
[35] Chương I này chỉ ghi tựa đề là DE CENSURIS. Do đó, không dịch là DƯỢC HÌNH HAY VẠ, chỉ dịch là VẠ. Ở đây chỉ có một chủ đề, là "vạ", nếu dịch thêm là dược hình hay vạ, có thể gây ra hiểu lầm là có hai chủ đề.
[36] Đ. 1331 luật canh tân về vạ tuyệt thông: Có thêm điều mới, là cấm "Dự phần một cách chủ động trong những cử hành nói trên" (đ. 1331§1,40). Cũng thêm:  sau khi vạ đã được áp đặt hay tuyên bố, thêm phần hạn chế đối với phạm nhân, không thể thụ hưởng thành sự quyền lợi, đặc ân hoặc tước hiệu danh dự.
[37] Đ. 1333 luật canh tân loại bỏ mệnh đề "Vạ huyền chức chỉ chi phối các giáo sĩ mà thôi", chỉ nói lại cách đơn giản: "Vạ huyền chức cấm:". Điều này cho thấy vạ huyền chức còn có thể chi phối cả giáo dân. Có thể luật canh tân đã chỉnh lại cho hợp lý hơn, vì điều 228§1 có quy định giáo dân có thể lãnh nhận một giáo vụ. Giáo dân có thể bị phạt cấm, được nói ở 3 của đ. 1333§1: cấm thi hành tất cả hoặc một số quyền lợi hay nghĩa vụ gắn liền với giáo vụ.
[38] Đ. 1333§1,10. Omnes vel aliquos actus: Tất cả hoặc một vài hành vi. Không nên dịch:  Hoặc tất cả, hoặc một vài hành vi.
[39] Đ. 1333§4. Fructus: lợi lộc. Không nên dịch: Hoa lợi.
[40] Đ. 1333§4. Obligationem secumfert restituendi quidquid illegitime: bao gồm bó buộc phải trả lại bất cứ những gì đã nhận cách bất hợp pháp. Không nên dịch: bao hàm nghĩa vụ phải hoàn lại tất cả những gì đã nhận được cách bất hợp pháp. Chữ obligationem ở đây nên dịch là "bó buộc" có tính pháp lý hình sự, không nên nói là "nghĩa vụ" hay bổn phận, mang tính tùy đạo đức luân lý.
[41] Điều 1334§l. Chuyển cách dịch để tránh hiểu lầm. Không phải bản án hay sắc lệnh nào cũng có thể quy định "phạm vi" của vạ huyền chức, nhưng chỉ có cái nào tuyên phạt mà thôi,
[42] Điều 1334§2. Nulla addita determinatione vel limitatione: mà không có thêm vào một sự xác định  hay một giới hạn nào. Không nên dịch: mà không có một lời giải thích hay một giới hạn nào được thêm vào. "Luật" vì có uy quyền lớn và phổ quát nên khi luật thiết lập một vạ huyền chức tiền kết thì không cần phải thêm sự xác định hay giới hạn nào. Nhưng mệnh lệnh, án lệnh, sắc lệnh có uy quyền và phạm vi áp dụng nhỏ hơn, thì khi thiết lập và huyền chức tiền kết áp dụng cho tội phạm nào đó, thì cần  phải thêm vào những xác định cho rõ và áp dụng như thế nào, phạm vi nào... Ở đây không phải là vấn đề "giải thích" để hiểu một mệnh lệnh hay sắc lệnh nhưng là vấn đề khi mệnh lệnh, sắc lệnh ấn định vạ huyền chức tiền kết thì phải thêm sự xác định và trong những giới hạn nào.
[43] Điều 1336 luật canh tân đã sắp xếp trở lại cho rõ ràng phân minh những hình phạt thuộc thục hình.
[44] Đ. 1337§1. Prohibitio commorandi: Hình phạt cấm cư ngụ. Không nên dịch: Vạ cấm cư ngụ. Ở phần này nói đến  thục hình (de poenis expiatoriis) chứ không phải là vạ (de censuris) hay dược hình nữa. Prohibitio là một loại của thục hình ở triệt 3 của điều 1336, nói đến các điều cấm trong các loại phạt của thục hình (loại: buộc, cấm, tước bỏ). Có khác nhau giữa vạ và thục hình. Vạ thường được tha khi phạm nhân thống hối (Ví dụ vạ tuyệt thông tiền kết cho phạm nhân phá thai; được tha sau khi nhận bí tích giải tội). Còn thục hình thì áp đặt cho phạm nhân một cách lâu bền để đền tội hay sửa chữa; ví dụ hình phạt tước bỏ năng quyền giải tội một cách lâu bền.
[45] Đ.1338 luật canh tân đã thêm triệt 3 và 4 quy định về thục hình.
[46] Đ.1338§l. Numquam afficiunt: Không bao giờ áp dụng. Không nên dịch: không bao giờ chi phối. Những điều luật thì có thể nói là nó chi phối những ai. Còn những thục hình được nhà cầm quyền tuyên phạt thì không nói chi phối nhưng nói áp đặt hay áp dụng (afficiunt) cho những người dưới quyền mình.
[47]Đ.1338§4 luật canh tân thêm quy định: Thục hình thường là hậu kết, Giáo luật chỉ cho phép thiết lập hình phạt tiền kết giới hạn trong những điều cấm, được kể ở đ. 1336§3.
[48] Điều 1338§5 luật canh tân thêm quy định: Prohibitiones de quibus in can. 1336, § 3, numquam sunt sub poena nullitatis. Numquam sunt sub poena nullitatis: Các lệnh cấm nói ở điều 1336, §3, không bao giờ được đặt thành hình phạt vô hiệu hóa. Ở đây luật không hề có ý nói đến vấn đề vô hiệu của lệnh cấm mà có ý nói đến vấn đề vô hiệu của hành vi thực hiện bởi phạm nhân. Ví dụ, lệnh phạt có thể cấm một Giám mục truyền chức thánh, nhưng không thể ấn định thêm rằng việc truyền chức của ngài là vô hiệu.
[49] Điều 1339§1. Nên chuyển văn bản dịch, vì đến phần này không còn là "vạ" hay "hình phạt" mà đến phần khác là "cảnh cáo". Vì vậy, cần đặt việc Bản quyền cảnh cáo lên đầu câu văn.
[50] Đ. 1339§3. De monitione et correptione constare semper debet saltem ex aliquo documento, quod in secreto curiae archivo servetur: Việc cảnh cáo hay khiển trách luôn phải được lưu lại ít là trong một tài liệu nào đó, được giữ trong văn khố mật của Toà Giám mục. Không nên dịch: Phải luôn luôn giữ lại chứng từ chắc chắn về việc cảnh cáo hay khiển trách, ít là bằng một tài liệu nào đó được giữ trong văn khố mật của Toà Giám mục.
Ở đây là vấn đề "lưu giữ" lại việc cảnh cáo hay khiển trách, phải trên giấy tờ, để sau này có dịp cần đến, xem xét lại sự việc. Do đó, nếu việc cảnh cáo hay khiển trách làm bằng miệng (x. triệt 1) mà không có văn bản thì cũng phải ghi lại trên một văn bản nào đó để lưu giữ. Nên biết rằng việc cảnh cáo có ảnh hưởng quan trọng, có tầm mức quyết định cho việc  "thành sự" của  phạt vạ. Điều 1347 §1 quy định: Không thể tuyên phạt một vạ cách thành sự, nếu trước đó phạm nhân đã không được cảnh cáo ít là một lần để chấm dứt sự ngoan cố của mình.
Cách dịch cũ "Phải luôn luôn giữ lại chứng từ chắc chắn" có thể bị hiểu lầm là chỉ giữ lại các văn bản tuyên phạt nếu thực sự đã có chắc chắn, và nếu không có văn tuyên phạt, chỉ có nói miệng thì không cần lưu giữ! Điều này quả là sai lầm.
Cách dịch mới: "Phải được lưu lại ít là trong một tài liệu nào đó" giúp hiểu đúng hơn. Nó có thể là văn bản cảnh cáo, hay một biên bản việc cảnh cáo, hay một ghi chép lại việc cảnh cáo bằng miệng.
[51] Đ. 1340§1. Paenitentia, quae imponi potest in foro externo, est aliquod religionis vel pietatis vel caritatis opus peragendum: Việc sám hối, việc mà có thể bị áp đặt ở toà ngoài, là thực hiện vài việc tôn giáo, đạo đức, hay bác ái. Không nên dịch: Việc Sám Hối có thể bị áp đặt ở toà ngoài hệ tại việc thực hiện một việc tôn giáo, đạo đức, hay bác ái. Đ. 1340§1 này có ý xác định việc sám hối "hình sự" là những việc gì. Nó là việc sám hối thuộc tòa ngoài, khác với sám hối thuộc tòa trong bí tích, vì bản Latin viết: Paenitentia, quae...: Sám hối, điều mà... (A penance, which... ). Còn việc sám hối thuộc bí tích hệ tại tấm lòng và được thể hiện qua một vài việc đền tội mà thường là nhẹ. Ở đây muốn nói đến việc áp đặt thực hiện một công việc có ý nghĩa sám hối do người có quyền phạt. Chúng ta thấy cấu trúc của điều 1340: §1 xác định công việc; §2 và §3 quy định về công việc này được thực hiện như thế nào.
[52] Đ. 1341 luật canh tân đặt ở mức độ phải (debet) xúc tiến phạt, trong khi luật cũ chỉ để cho Bản quyền lo liệu (curet) (và đã được dịch là: chỉ nên xúc tiến) Bản cũ: Ordinarius proceduram iudicialem vel administrativam ad poenas irrogandas vel declarandas tunc tantum promovendam curet. Bản canh tân: Ordinarius proceduram iudicialem vel administrativam ad poenas irrogandas vel declarandas promovere debet cum perspexerit
[53] Đ. 1341. Neque pastoralis sollicitudinis viis, praesertim fraterna correctione, neque monitione neque correptione satis: những phương thế nhắc nhở mục vụ, nhất là việc sửa chữa trong tình huynh đệ, việc cảnh cáo cũng như sự khiển trách, không thể... Không nên dịch có vẻ suy diễn: việc sửa chữa trong tình huynh đệ, việc khiển trách hay các phương thế khác trong đường lối mục vụ của ngài không thể...
[54] Đ. 1342. Iudicialis processus: tố tụng tư pháp (được xử bởi thẩm phán qua một tiến trình thủ tục của tòa án); decretum extra iudicium: sắc lệnh ngoại tư pháp (sắc lệnh hành pháp).
[55] Đ. 1343. Facultatem: năng quyền. Không nên dịch: quyền. Giáo luật phân biệt quyền (potestas) với năng quyền (facultas).
[56] Đ. 1344,30. Vitam laudabiliter: cuộc đời đáng khen. Không nên dịch: cuộc đời chính trực. Chữ "chính trực" chỉ nói về phương diện liêm chính, thẳng thắn. "Cuộc đời đáng khen" có nghĩa rộng hơn về nhiều phương diện của đời sống đạo đức luân lý, tôn trọng luật lệ.
[57] Đ. 1345. Ex necessitate: do sự cần thiết. Không nên dịch: do nhu cầu. Nhu cầu chỉ là một phần trong những sự cần thiết. Vậy không nên giới hạn lại trong nhu cầu. Vấn đề này đã bàn ở đ. 1323,40.
[58] Đ. 1345 luật canh tân, sau khi đã quy định trường hợp thẩm phán có thể miễn phạt, điều luật đã thêm vào những tình huống "phải" phạt (puniri debet).
[59] Đ. 1346. Ordinarie tot poenae quot delicta (Ordinariamente tante sono le pene quanti i delitti) Thông thường càng phạm nhiều tội thì càng bị nhiều hình phạt. Không dịch: Mỗi khi phạm nhân đã thực hiện nhiều tội phạm. Ở đây nhắc đến một quy tắc thông thường là số hình phạt sẽ tỷ lệ thuận với số tội phạm: càng phạm nhiều tội thì càng bị nhiều hình phạt, chứ không đơn giản nói rằng mỗi khi phạm nhân phạm nhiều tội.
[60] Đ. 1346§2. Prudenti iudicis arbitrio relinquitur poenas intra aequos terminos moderari: thì tùy sự khôn ngoan của thẩm phán,  xử phạt trong những giới hạn vừa phải. Không nên dịch: thì thẩm phán có quyền giảm bớt các hình phạt trong những giới hạn hợp tình hợp lý, tuỳ theo sự thẩm định khôn ngoan của mình. Cần phải dịch ngắn gọn và chính xác, không nên thêm "có quyền giảm bớt", cũng không dịch cách suy diễn "hợp tình hợp lý" cho chữ "moderari".
[61] Đ. 1347§2 Vere paenituerit: thật lòng thống hối. Không nên dịch: thật lòng hối hận. Chữ hối hận hay ân hận ít được dùng trong đạo và ít mang ý nghĩa.
[62] Đ. 1348. Cum reus ab accusatione absolvitur vel nulla poena ei irrogatur, Ordinarius potest opportunis monitis aliisque pastoralis sollicitudinis viis, vel etiam, si res ferat, poenalibus remediis eius utilitati et publico bono consulere.
Khi một phạm nhân không bị buộc tội hay không bị áp đặt một hình phạt nào cả, thì Đấng Bản quyền có thể tùy nghi cảnh cáo hay khuyên nhủ mục vụ, và ngay cả, vì lợi ích của người đó hoặc vì lợi ích chung, dùng những phương dược hình sự,, nếu sự việc đòi hỏi điều đó.
Không nên dịch:
Khi một phạm nhân không bị buộc tội hay không bị tuyên kết một hình phạt nào cả, thì Đấng Bản quyền có thể quan tâm đến lợi ích của đương sự cũng như đến công ích bằng việc cảnh cáo thích hợp và bằng những phương thế khác của lòng ưu tư mục vụ, hay cả bằng những dược hình, nếu sự việc đòi hỏi điều đó.
Điều 1348 này nói đến trường hợp phạm nhân có lỗi nhưng không đến độ bị trừng phạt. Trong trường hợp này, thẩm phán có thể tùy nghi cảnh cáo, khuyên nhủ hay có thể áp dụng cả phương dược hình sự. Tuy nhiên, khi dùng phương dược hình sự thì có vẻ như phạt (poenalibus remediis) thì cần có hai điều kiện: 1- Vì lợi ích chung và lợi ích đương sự, 2- sự việc đòi hỏi như vậy.
Bản dịch cũ không phân biệt được điều này khi đưa vấn đề lợi ích chung và lợi ích đương sự lên trên, chi phối cho cả việc cảnh cáo, khuyên nhủ mục vụ.
[63] Đ. 1349 luật canh tân nói rõ hơn: trong trường hợp luật phạt không xác định rõ hình phạt, thì thẩm phán cần chọn hình phạt tương xứng với độ nặng và thiệt hại gây ra. Trong khi điều 1349 cũ chỉ nói: không được phạt nặng hơn. Một lối nói còn mơ hồ, vì không biết nặng hơn mức độ nào hay nặng hơn cái gì.
[64] Đ. 1350§2. Indigeat: túng thiếu. Không nên dịch bần cùng. Hai mức độ túng thiếubần cùng thì khác nhau. Ở đây, cần phải giúp phạm nhân giáo sĩ bị túng thiếu chứ không chờ đến bần cùng mới giúp.
[65] Đ. 1352. Obligatio servandi poenam latae sententiae, quae neque declarata sit neque sit notoria: Việc buộc phải tuân giữ một hình phạt tiền kết mà chưa được tuyên bố hay chưa được biết đến. Không dịch: Khi một hình phạt tiền kết chưa được công bố hay chưa được công khai. Hình phạt thì được tuyên bố chứ không nói là được công bố. Mặt khác, notoria không có nghĩa là công khai và tội ở đây không là vấn đề tội công khai (như tội tái hôn) hay tội kín ẩn (như tà dâm) mà là tội đã được người ta biết đến (notorius: pointing out, making known, causing to be known).
Điều 1352 nói đến trường hợp hình phạt tiền kết được đình chỉ khi tội còn trong bí mật. Ví dụ một linh mục phạm một tội có vạ tuyệt thông tiền kết chưa bị tuyên bố hoặc chưa được biết đến, thì điều cấm dâng lễ được đình chỉ, nghĩa là ngài vẫn có thể dâng lễ. Nếu không dâng lễ, thì không thể tránh được nguy cơ gây ra cớ vấp phạm nghiêm trọng hoặc bị mất thanh danh.
[66] Đề mục VI luật canh tân: DE POENARUM REMISSIONE ET DE ACTIONUM PRAESCRIPTIONE: SỰ THA HÌNH PHẠT VÀ THỜI HIỆU CỦA TỐ QUYỀN, thay cho đề mục cũ: SỰ CHẤM DỨT CỦA HÌNH PHẠT
[67] Đ. 1357. In foro interno sacramentali: ở toà trong thuộc bí tích. Không nên dịch: ở toà trong, lúc ban bí tích. Cần phân biệt hai loại tòa trong: thuộc bí tích (Giải tội) và không thuộc bí tích (linh hướng). 
[68] Đ. 1357§2. In remissione concedenda confessarius paenitenti onus iniungat recurrendi intra mensem sub poena reincidentiae ad Superiorem competentem vel ad sacerdotem facultate praeditum, et standi huius mandatis: Khi tha vạ, cha giải tội phải buộc hối nhân trong vòng một tháng phải thượng cầu lên Bề trên có thẩm quyền hay lên tư tế có năng quyền và phải tuân theo quyết định của các ngài. Không dịch thêm thắt: ... nếu bất tuân, thì sẽ mắc vạ lại... Điều luật này chủ ý đòi hối nhân phải thượng cầu, chứ không phải là đưa điều kiện vâng phục để không bị vạ lại.
[69] Đ. 1357§2. Congruam paenitentiam. Sám hối cân xứng. Không nên dịch: đền tội cân xứng. Việc sám hối (paenitentia) không đồng nghĩa với việc đền tội trong mục này. Việc làm để thực hiện việc sám hối thuộc thuộc tòa ngoài đã được điều 1340§1 nói đến. Ở đây, một trường hợp đặc biệt, việc sám hối được áp đặt ở tòa trong thuộc Bí tích.
[70] Đ. 1357§3. Cessante periculo, ii quibus ad normam can. 976: Sau khi đã qua cơn nguy hiểm, những người, chiếu theo quy tắc của điều 976. Trường hợp của điều 976 là trường hợp lâm cơn nguy tử, và sau đó, qua cơn nguy tử. Không nên dịch là đã được bình phục và cũng không nên để chủ điểm của điều luật này ở cuối câu như bản dịch cũ.
[71] Điều 1358. Remissio censurae dari non potest nisi delinquenti qui a contumacia: Không được phép tha vạ nếu phạm nhân vẫn còn ngoan cố. Không nên dịch: Vạ sẽ không được tha nếu phạm nhân vẫn còn ngoan cố. Đây là luật nói cho cấp trên có quyền tha vạ, quy định là tha hay không tha cho những trường hợp nào, chứ không có ý nói lên như một nguyên tắc chung: vạ sẽ không được tha... Nếu nói theo nguyên tắc chung như vậy sẽ gây hiểu lầm rằng tự chính vạ sẽ được tha hay không được tha là tùy vào sự sám hối hay không của phạm nhân, chứ không phải là tùy vào sự định đoạt của cấp trên có quyền tha.
[72] Đ. 1359. In petitione: trong thỉnh cầu. Không nên dịch thêm: trong đơn thỉnh cầu, vì có thể xin bằng miệng.
[73] Đ. 1360 luật canh tân bổ xung thêm những tình huống cho việc tha có giá trị, không còn đơn thuần ở tình huống bị sợ hãi.
[74] Đ. 1361§3 luật canh tân. Remissionis petitio vel ipsa remissio ne divulgetur: Việc xin tha hay chính việc tha hình phạt không được tiết lộ. Luật canh tân thay đổi kiểu nói cũ: Caveatur ne remissionis petitio vel ipsa remissio divulgetur: Phải cẩn thận đừng để việc xin tha hình phạt hay chính việc tha hình phạt bị tiết lộ. Luật canh tân quy định: Không được tiết lộ; không còn nói: Phải cẩn thận để không bị tiết lộ.
[75] Đ. 1361§4 luật canh tân được thêm vào, xác định những trường hợp không được phép tha hình phạt nếu phạm nhân chưa sửa chữa được thiệt hại đã gây ra. Hơn nữa, giáo quyên có thể thúc giục nạn nhân bồi hoàn bằng phạt thêm thục hình nói ở điều  1336 §§2-4.
[76] Đ. 1362 luật canh tân thêm một số thời hiệu của tố quyền đối với hình phạt.
 
[77] Đề mục 1 của phần 2 luật canh tân thay đổi: DE DELICTIS CONTRA FIDEM ET ECCLESIAE UNITATEM: NHỮNG TỘI PHẠM NGHỊCH LẠI ĐỨC TIN VÀ TÍNH DUY NHẤT CỦA GIÁO HỘI. Không nên dịch: Những tội chống lại đạo...
[78] Đ. 1366 luật canh tân thêm khoản phạt cho người thượng cầu chống lại Đức Giáo Hoàng.
[79] Đ. 1368. Qui in publico spectaculo vel concione, vel in scripto publice evulgato: Người nào, trong một trình diễn hay trong một tụ họp công cộng, hoặc trong một bài viết phổ biến công khai. Không nên dịch:: Trong một buổi biểu diễn, hoặc trong một hội nghị công cộng,... người nào (đ. 1369 cũ). Nên thay biểu diễn bằng trình diễn, hội nghị công cộng bằng tụ họp công cộng. Bản dịch cũ cũng bị thiếu hoặc trong một bài viết phổ biến công khai.
[80] Đề mục 2 của phần 2 luật canh tân đã thay đổi: DE DELICTIS CONTRA ECCLESIASTICAM AUCTORITATEM ET MUNERUM EXERCITIUM: NHỮNG TỘI PHẠM CHỐNG LẠI GIÁO QUYỀN VÀ VIỆC THI HÀNH NHIỆM VỤ. Không còn dùng đề mục: TỘI PHẠM CHỐNG LẠI NHÀ CHỨC TRÁCH GIÁO HỘI VÀ TỰ DO CỦA GIÁO HỘI
[81] Đ. 1371 luật canh tân thêm hình phạt thục tội (đ. 1336 §§2-6), cho những trường hợp khá mới mẻ, đối với người:  bất vâng phục (§1), không thi hành điều buộc của bản án (§2), bí mật giáo hoàng (§4), không thực hiện một bản án mà có hiệu lực thi hành (§5), bỏ qua việc thông tri về một tội phạm mà buộc phải thông tri  (§6). Triệt 3 của điều luật này lấy lại điều1368 cũ, phạt người thề gian trước nhà chức trách Giáo hội.
[82] Đ. 1371§3 (đ. 1368 cũ). Si quis, asserens vel promittens aliquid coram ecclesiastica auctoritate, periurium committit: Người nào khi quả quyết hay hứa một điều gì đó trước nhà chức trách Giáo hội mà thề gian. Không nên dịch: Người nào bội thề bằng cách quả quyết hay hứa một điều gì trước mặt nhà chức trách Giáo hội. Điều 1371§3 này nói đến "thề gian" hay "thề dối" khi tuyên thề trước mặt nhà chức trách, trong trường hợp trả lời thẩm vấn hay khai báo. Đây không phải là nói về "bội thề", nghĩa là, nói về phản bội lại lời thề hứa đã làm trước đây.
[83] Đ. 1372,10. Perterrent: gây khiếp sợ (khủng bố tinh thần). Không nên dịch là hăm dọa, vì ở mức độ hăm dọa thì chưa đủ nặng để bị phạt.
[84] Ð. 1376 luật canh tân thêm những trường hợp phạt mới liên hệ tới tài sản vật chất; phạt người: lấy cắp tài sản thuộc Giáo hội; bỏ qua việc tham khảo ý kiến hay sự chấp thuận mà luật đòi hỏi khi chuyển nhượng tài sản Giáo hội; phạt và bắt bồi thường thiệt hại khi chuyển nhượng trái phép hoặc khi  chểnh mảng việc quản lý tài sản thuộc Giáo hội.
[85] Ð. 1377 luật canh tân thêm: Phạt người biếu và nhận quà hối lộ trong công vụ.
[86] Điều 1379 của luật canh tân thêm: phạt người truyền chức cho người nữ (§3); người có chủ ý ban bí tích cho người bị cấm lãnh nhận (§4).
[87] Đ. 1382 và các điều khác: non exclusa dimissione e statu clericali: không loại trừ việc sa thải khỏi hàng giáo sĩ. Không nên dịch: kể cả thải hồi khỏi bậc giáo sĩ. Nếu dịch "kể cả", có thể hiểu lầm là "thêm". Cũng không nên dịch là "bậc giáo sĩ", vì Bộ Giáo luật Việt ngữ thường dùng chữ "hàng" giáo sĩ và "bậc" sống thánh hiến, như  điều 588§1 nói:  Bậc sống thánh hiến, tự bản chất, không thuộc hàng giáo sĩ, cũng chẳng thuộc hàng giáo dân.
[88] Ð.1386§3 luật canh tân thêm: Phạt người thu âm, loan truyền điều hối nhân nói trong Bí tích Giải tội.
[89] Điều 1388§1. Litteris dimissoriis: ủy nhiệm thư. Không nên dịch là thư giới thiệu, vì sẽ gây hiểu lầm về thẩm quyền phong chức của vị viết thư. Theo Giáo luật, vị Giám mục viết thư có thẩm quyền hợp luật để phong chức, còn vị Giám mục nhận thư thì không có thẩm quyền. Nếu nói là thư giới thiệu sẽ bị hiểu sai lầm rằng thẩm quyền phong chức không tùy thuộc vào Giám mục viết thư, vì chỉ viết thư để giới thiệu (Tương tự như việc cha sở viết thư giới thiệu hôn phối).
[90] Đ. 1388§1 và các điều khác. Ipso facto: (tự động) do chính sự kiện. Tuy sự tự động do chính sự kiện này cũng có thể nói là tức khắc, nhưng từ ngữ  "tức khắc" là muốn ám chỉ về thời gian. Và như vậy, có thể có trường hợp phạm nhân bị giáo quyền  phạt tiền kết ngay tức khắc. Điều này nghịch nghĩa với hình phạt tiền kết.
[91] Đ. 1388§2 luật canh tân thêm:  Phạt tiền kết vạ huyền chức ứng sinh chức thánh nào cố ý giấu hay im lặng về vạ hay điều bất hợp luật chịu chức mà mình mắc phải, được nói ở điều 1041. Ví dụ, đã tích cực cộng tác phá thai (đ. 1041,40).
 
[92] Đề mục IV luật canh tân thêm: NHỮNG TỘI PHẠM CHỐNG LẠI THANH DANH.
[93] Đ. 1390§3 luật canh tân sửa đổi: phải (debet) bị  bắt buộc bồi thường. Luật cũ chỉ nói là có thể (potest) bị bắt buộc phải bồi thường.
[94] Đ. 1391,10. Documentum publicum: tài liệu công. Không được dịch: công văn.  Công văn chỉ là một trong những loại của tài liệu công. Vì vậy không được giới hạn tài liệu công vào công văn. Ví dụ, bản án của tòa án là một tài liệu công nhưng không được gọi là công văn.
[95] Đ. 1391,30. Qui in publico ecclesiastico documento falsum asserit: Người khẳng định điều nào đó là sai lạc trong một tài liệu công thuộc Giáo hội. Không dịch: Người khẳng định một điều nguỵ tạo trong một công văn thuộc Giáo hội.  Đ. 1391,30 này có ý nói đến người khẳng định Giáo hội dạy điều nào đó là sai lạc; không có ý nói người khám phá thấy và khẳng định có điều gì đó giả mạo hay ngụy tạo trong công văn. Ngược lại, người nào thấy hay khám phá ra điều giả mạo hay ngụy tạo trong công văn là người có công tìm tòi, nghiên cứu, không thể nào bị phạt.
[96] Đề mục IV: DE DELICTIS CONTRA SPECIALES OBLIGATIONES: NHỮNG TỘI PHẠM NGHỊCH NHỮNG ĐÒI BUỘC ĐẶC BIỆT. Không nên dịch TỘI PHẠM NGHỊCH VỚI CÁC NGHĨA VỤ ĐẶC BIỆT. Obligationes ở đây không nên dịch là bổn phận hay nghĩa vụ theo nghĩa luân lý, nhưng là những điều bắt buộc hay đòi buộc thuộc pháp lý. Ví dụ, giáo sĩ hay tu sĩ không được làm thương mại hay buôn bán, không được kết hôn, tư hôn là những điều buộc, chứ không phải là vi phạm các nghĩa vụ.
[97] Ð. 1392 luật canh tân thêm: Phạt Giáo sĩ nào bỏ thừa tác vụ thánh một cách tự ý và bất hợp pháp trong sáu tháng liên tục.
[98]Ðiều 1393§1. Mercaturam vel negotiationem contra canonum praescripta exercens: Giáo sĩ hay tu sĩ nào,  hoạt động thương mại hay buôn bán , nghịch với những quy định của luật. Không nên dịch: Giáo sĩ hay tu sĩ hành nghề thương mại hay kinh doanh nghịch với những quy định của các điều luật. Tự điển La - Ý  cho thấy:
- mercatura: commercio, traffico: buôn bán, thương mại
- negotiatio: commercio in grande, affare, traffico:  buôn bán lớn, thương mại lớn
Ta thấy, cả hai chữ "mercatura" và "negotiatio" đều có nghĩa về buôn bán hay thương mại, chỉ khác nhau ở mức độ. Còn chữ "kinh doanh" trong tiếng Việt thì rộng nghĩa hơn, bao hàm cả những việc đầu tư sản xuất lớn nông nghiệp, công nghiệp. Việc sản xuất như vậy, một số tu sĩ vẫn làm. Theo nguyên tắc luật hình sự phải được hiểu theo nghĩa hẹp (đ. 18). Vậy chỉ dịch là "thương mại hay buôn bán" không dịch là "thương mại hay kinh doanh".
Theo nhà chú giải Thomas J. Green, cả hai là những hoạt động thương mại (commercial activities); và ông cũng nói khó mà phân biệt rõ ràng chính xác đâu là những hoạt động thương mại bị cấm: "... Given the difficulty of clarifying precisely what constitutes such prohibited commercial activities". (BEAL J.P. et alii, New Commentary on the Code of Canon Law, Paulist Press, New York 2000, p. 1596-1597). Cũng lưu ý là, Giáo luật lại hạn định vào những hoạt động nào mà nghịch với quy định của Giáo luật.
[99] Ðiều 1394§1. Clericus matrimonium, etiam civiliter tantum, attentans: Giáo sĩ nào dám  kết hôn,  dù chỉ là hôn nhân dân sự. Không dịch: giáo sĩ nào mưu toan kết hôn, dù chỉ là hôn nhân dân sự.  Khi dịch "mưu toan kết hôn" như bản cũ, thì bị hiểu là hành vi ở trong ý chí (mưu toan) chứ chưa thể hiện ra bên ngoài. Và như vậy thì không đúng với nguyên tắc luật hình sự, là chỉ phạt khi vi phạm thể hiện bên ngoài.  Động từ to attempt trong tiếng Anh có nghĩa: 1- cố gắng; thử, toan, "to attempt a hard task" : "cố gắng làm một việc khó khăn"; 2- mưu hại; xâm phạm, phạm đến; 3- gắng, chiếm lấy, thử đánh chiếm (một đồn...); 4. gắng, vượt qua (quả núi...)
Các nghĩa cho thấy đây là hành vi đã cố hay thử làm chứ không là hành vi chỉ trong ý muốn hay toan tính. Vậy thì nên dịch là đã "dám" kết hôn, chỉ một hành vi đã thực hiện cùng với ý chí cả gan phạm trọng tội. Thực ra, bản dịch cũ đã dùng chữ "dám" (attentans) này ở điều 1379 (đ. 1378§2 cũ), phạt nặng những người: không có chức tư tế mà dám cử hành phụng vụ Thánh Thể; không thể ban thành sự xá giải bí tích, mà lại dám ban xá giải hay nghe xưng tội bí tích; dám truyền chức thánh cho một người nữ.
[100] Đ. 1394§1 luật canh tân nói mạnh hơn, là "phải" (debet) phạt, không còn nói "có thể" (potest) phạt.
[101] Đ. 1394§2 luật canh tân thêm: Phạt giáo sĩ nào có tội tà dâm một cách công khai.
[102] Đ. 1395§ luật canh tân không còn ấn định phạm tội với trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi nữa ở điều luật này, nhưng lại nói đến ở điều 1398 và ấn định là phạm tội với trẻ vị thành niên, tức là với trẻ chưa đủ 18 tuổi trọn.
[103] Đề mục VI luật canh tân thay đổi: CÁC TỘI PHẠM NGHỊCH LẠI PHẨM GIÁ VÀ SỰ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI thay cho đề mục cũ: TỘI PHẠM ĐẾN SỰ SỐNG VÀ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI.
[104] Đ. 1398 luật canh tân thêm: Phạt giáo sĩ, tu sĩ về tội nghịch điều răn thứ sáu với trẻ vị thành niên hoặc người thường xuyên sử dụng trí khôn cách bất toàn, người không thể tự bảo vệ.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay2,510
  • Tháng hiện tại31,423
  • Tổng lượt truy cập11,282,916
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi