Tông Thư DE CONCORDIA INTER CODICES (Về Sự Hòa Hợp Giữa hai Bộ Giáo Luật) thay đổi một vài điều khoản của Bộ Giáo Luật

Thứ bảy - 25/11/2017 03:08
Tông Thư dưới dạng Tự Sắc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thay đổi một vài điều khoản của Bộ Giáo Luật:
DE CONCORDIA INTER CODICES (VỀ SỰ HÒA HỢP GIỮA HAI BỘ GIÁO LUẬT). Linh mục JB. Lê Ngọc Dũng chuyển dịch.
Tông Thư dưới dạng Tự Sắc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thay đổi một vài điều khoản của Bộ Giáo Luật:
DE CONCORDIA INTER CODICES
(VỀ SỰ HÒA HỢP GIỮA HAI BỘ GIÁO LUẬT)
Do bởi mối quan tâm sâu xa về sự hòa hợp giữa hai Bộ Giáo Luật, tôi nhận thấy có vài điểm không được tương hợp hài hòa giữa những quy tắc của Bộ Giáo Luật với những quy tắc Bộ Giáo Luật của các Giáo Hội Đông Phương.
Hai Bộ Giáo Luật gồm có, một phần là những nguyên tắc chung, và phần khác, những phần riêng của nó, tự hòa hợp lẫn với nhau. Tuy nhiên, ngay cả những quy tắc riêng biệt cũng cần một sự hài hòa đầy đủ. Thật vậy, những khác biệt, đã có thể gây nên những va chạm tiêu cực trong thực hành mục vụ, và đặc biệt trong những trường hợp mà cần phải có quy định những liên hệ giữa tín hữu thuộc Giáo Hội Latinh và tín hữu thuộc Giáo Hội Đông Phương.
Điều này đặc biệt xảy ra ở thời đại chúng ta, trong đó sự di chuyển các dân tộc đã đưa nhiều tín hữu Đông Phương sang sống ở địa hạt Tây Phương. Tình trạng mới này làm phát sinh nhiều vấn đề mục vụ và pháp lý, đòi hỏi phải được giải quyết bằng những quy tắc luật thích hợp. Cần phải nhắc lại rằng những tín hữu Đông Phương bất kỳ khi ở đâu họ cũng buộc phải tuân giữ những nghi lễ riêng của mình (cfr CCEO can. 40 § 3; Conc. Ecum. Vat. II, Decr. Orientalium Ecclesiarum, 6), và hệ luận là nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội có nhiệm vụ cung ứng cho họ những phương tiện tương xứng để tuân giữ (cfr CCEO can. 193 § 1; CIC can. 383 §§ 1-2; Esort. ap. postsin. Pastores gregis, 72). Sự hòa hợp các nguyên tắc chắc chắn là một trong những phương cách có vai trò thúc đẩy và làm tăng triển sự tôn kính những nghi lễ Đông Phương, cho phép những Giáo Hội tự trị sui iuris hoạt động mục vụ một cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, cần thiết nhất là nhận biết những kỷ luật riêng biệt trong bối cảnh địa hạt có những liên hệ tương quan giữa hai giáo hội. Ở Tây phương, phần lớn là Latinh, cần phải có một sự quân bình đúng đắn giữa sự giữ gìn luật riêng của nhóm nhỏ Đông Phương và sự tôn trọng truyền thống lịch sử và Giáo Luật của đa số Latinh, để tránh những phiền nhiễu và đối chọi không đáng cũng như thúc đẩy lợi ích của sự hợp tác giữa tất cả những cộng đoàn Công Giáo hiện diện trong một địa hạt.
Một lý do khác cho sự hòa nhập các nguyên tắc của Bộ Giáo Luật Tây Phương với những quy định rõ ràng song đối với những quy định Bộ Giáo Luật Đông Phương là do nhu cầu xác định rõ ràng hơn những liên hệ với tín hữu thuộc Giáo Hội Đông Phương không Công Giáo mà hiện nay hiện diện một số đáng kể trong các địa hạt thuộc Giáo Hội Latinh.
Sau cùng phải chú ý là ngay cả học thuyết pháp lý đã lưu ý một số những khác biệt giữa hai Bộ Giáo Luật khi chỉ ra, trên cơ bản hợp nhất, những điều có thể là những điểm gây khúc mắc, cũng như những cách thức giúp chúng hòa hợp với nhau.
Mục đích của những điều khoản đưa ra bởi Tự Sắc này là tiến tới một kỷ luật hòa hợp để có thể cung cấp cách thức chắc chắn giúp thực hành mục vụ trong những trường hợp cụ thể.
Hội Đồng Giáo Hoàng Về Các Văn Bản Lập Pháp, nhờ bởi các chuyên viên Giáo Luật Đông Phương và Tây Phương đã nhận ra được những vấn đề cần thiết nhất của việc tu chỉnh luật, đã soạn thảo văn bản và gởi đến khoảng 30 vị tư vấn và chuyên viên trên thế giới, cũng như tới những đấng có thẩm quyền của những giáo hạt Latinh dành cho tín hữu Đông Phương. Sau các đánh giá những khảo sát được thu thập, một phiên họp khoáng đại của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Văn Bản Lập Pháp đã phê chuẩn văn bản mới.
Khi mọi sự đã được cứu xét, tôi ra quyết định như sau:
Khoản 1.
Điều 111 Giáo Luật Tây Phương được thay thế toàn bộ, trong đó có thêm một đoạn mới và sửa chữa vài diễn tả, bằng văn bản như sau:
§1. Do việc lãnh nhận bí tích Rửa Tội, con cái được ghi danh vào Giáo Hội Latinh, nếu cha mẹ họ thuộc về Giáo Hội đó, hoặc, nếu một trong hai cha mẹ không thuộc Giáo Hội Latinh, nhưng cả hai đều đồng ý để con cái được Rửa Tội trong Giáo Hội Latinh; trong trường hợp họ bất đồng ý kiến, con cái được ghi danh vào Giáo Hội tự trị sui iuris của người cha.
§2. Nếu chỉ có cha hoặc mẹ là công giáo, thì con cái được ghi danh vào Giáo Hội của cha  hoặc mẹ Công Giáo này.
§3. Sau khi đã được mười bốn tuổi trọn, người xin Rửa Tội có thể tự do chọn được Rửa tội trong Giáo Hội Latinh hoặc trong Giáo Hội tự trị sui iuris khác; trong trường hợp ấy, họ thuộc về Giáo Hội họ đã chọn.
Khoản 2.
Điều 112 Giáo Luật Tây Phương được thay thế toàn bộ, có thêm một đoạn mới và sửa chữa vài từ ngữ, với văn bản như sau:
§1. Sau khi nhận bí tích Rửa Tội, những người sau đây được ghi danh vào một Giáo Hội tự trị sui iuris khác:
10 Người đã được Tông Toà ban phép;
20 Người phối ngẫu, khi kết hôn hay trong đời sống hôn nhân, đã tuyên bố chuyển sang Giáo Hội tự trị sui iuris của người phối ngẫu kia; nhưng một khi hôn nhân đã đoạn tiêu, người ấy có thể tự do trở lại Giáo Hội Latinh;
30 Con cái của những người được nói đến ở 1° và 2° chưa đủ mười bốn tuổi trọn, cũng như trong một đôi hôn nhân hỗn hợp, con cái của bên Công Giáo đã chuyển qua Giáo Hội tự trị sui iuris khác cách hợp pháp; nhưng khi đã qua tuổi trên rồi, chúng có thể trở lại Giáo Hội Latinh.
Khoản 3
Triệt hai điều 535 của Giáo Luật Tây Phương được thay đổi toàn bộ bằng văn bản sau:
§2. Trong sổ Rửa Tội cũng phải ghi chú việc ghi danh vào một Giáo Hội tự trị sui iuris hay chuyển qua một Giáo Hội khác, kể cả việc chịu phép Thêm Sức và tất cả những tình trạng giáo luật của các Kitô hữu, liên hệ đến hôn nhân trừ những quy định của điều 1133, đến việc nhận con nuôi, việc lãnh chức thánh,  cũng như việc tuyên khấn vĩnh viễn trong một hội dòng; tất cả những ghi chú này luôn luôn phải được ghi lại trong chứng chỉ Rửa Tội.
Khoản 4.
Mệnh đề thứ hai của triệt thứ nhất trong điều 868 Giáo Luật Tây Phương được thay đổi toàn bộ bằng văn bản sau:
§1. 2° Có một niềm hy vọng chắc chắn rằng nhi đồng đó sẽ được giáo dục trong đạo Công Giáo, miễn là vẫn giữ quy tắc của §3; nếu hoàn toàn thiếu niềm hy vọng này, thì phải hoãn ban bí tích Rửa Tội, chiếu theo những quy định của luật địa phương, sau khi đã thông báo cho cha mẹ biết lý do.
Khoản 5:
Điều 868 Giáo Luật Tây Phương từ nay bao gồm thêm triệt ba như sau:
§3. Nhi đồng của cha mẹ Kitô hữu không Công Giáo được Rửa Tội cách hợp luật, nếu có yêu cầu của cha mẹ, hay ít nhất của một trong hai người, hoặc của người thay quyền họ cách hợp pháp và nếu những người này, cách thể lý hay luân lý, không thể gặp được thừa tác viên của họ.
Khoản 6:
Điều 1108 Giáo Luật Tây Phương từ nay bao gồm thêm triệt ba như sau:
§3. Chỉ tư tế mới chứng hôn thành sự cho hôn nhân giữa hai người Kitô hữu Đông phương hay giữa một người thuộc Giáo Hội Latinh và một người thuộc Giáo Hội Đông phương Công Giáo hay không Công Giáo.
Khoản 7:
Điều 1109 Giáo Luật Tây Phương được thay thế toàn bộ bằng văn bản sau đây:
Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở, trừ khi bị vạ tuyệt thông, hoặc bị vạ cấm chế, hoặc bị huyền chức do án lệnh hay do sắc lệnh, hoặc đã bị tuyên bố như vậy,  chiếu theo chức vụ họ chứng hôn thành sự trong giới hạn địa hạt của mình, chẳng những cho những người thuộc quyền, mà còn cho cả những người không thuộc quyền, miễn là một trong hai người đã gia nhập vào Giáo Hội Latinh.
Khoản 8:
Triệt một trong điều 1111 Giáo Luật Tây Phương được thay thế toàn bộ bằng văn bản như sau:
§1. Bao lâu còn chu toàn giáo vụ của mình cách hữu hiệu, Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở có thể uỷ nhiệm năng quyền, kể cả năng quyền tổng quát, cho các tư tế và phó tế, để chứng hôn trong giới hạn của địa hạt mình, miễn là vẫn giữ quy định của điều 1108 §3.
Khoản 9:
Triệt một trong điều 1112 Giáo Luật Tây Phương được thay thế toàn bộ bằng văn bản như sau:
§1. Ở đâu thiếu tư tế và phó tế, Giám Mục Giáo Phận, sau khi có ý kiến tán đồng của Hội Đồng Giám Mục và được phép của Tông Toà, có thể uỷ quyền cho giáo dân để chứng hôn, miễn là vẫn giữ quy định của điều 1108 §3.
Khoản 10:
Điều 1116 Giáo Luật Tây Phương từ nay bao gồm thêm triệt ba như sau:
§3. Ngoài những gì quy định ở §1,1-2, Đấng Bản Quyền địa phương có thể trao cho bất kỳ tư tế Công Giáo nào năng quyền chúc hôn cho các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội Đông Phương không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, nếu họ tự ý xin chúc hôn, miễn là không có gì ngăn trở việc cử hành thành sự và hợp pháp. Tuy nhiên, với sự khôn ngoan cần thiết, vị tư tế này cần thông báo sự việc cho vị có thẩm quyền hữu trách liên hệ của Giáo Hội không Công Giáo.
Khoản 11
Triệt một trong điều 1127 Giáo Luật Tây Phương được thay thế toàn bộ theo văn bản sau:
§1. Về thể thức được áp dụng trong hôn nhân hỗn hợp, phải tuân giữ những quy định của điều 1108; tuy nhiên, nếu bên Công Giáo kết hôn với bên không Công Giáo thuộc lễ điển Đông Phương, thì thể thức cử hành theo Giáo luật phải được tuân giữ để hôn nhân được hợp luật mà thôi; nhưng buộc phải có sự chứng hôn của một tư tế để hôn nhân được thành sự, miễn là vẫn phải tuân giữ những điều khác mà luật đòi buộc.
Tôi quyết định rằng những điều đã được quy định trong Tông Thư này dưới dạng Tự Sắc phải được tuân giữ và có hiệu lực bất chấp điều gì trái ngược, mặc dù đáng kể,  và rằng Tông Thư được ban hành bằng việc công bố trên báo Osservatore Romano và sau đó trên báo Acta Apostolicae Sedis.
Làm tại Roma, ở Đền Thánh Phêrô, ngày 31-5-2016, năm thứ tư Triều Đại Giáo Hoàng.
Giáo Hoàng Phanxicô

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập3
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm2
  • Hôm nay1,771
  • Tháng hiện tại19,378
  • Tổng lượt truy cập11,219,750
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi