KẾT HÔN VÔ HIỆU DO GIẢ HÌNH, SIMULATIO (Đ. 1101#2) - JB. Lê Ngọc Dũng

Chủ nhật - 01/05/2016 10:00
Khi cử hành kết ước hôn nhân theo thể thức bên ngoài mà trong lòng lại có ý định loại trừ hay không tôn trọng: chính hôn nhân, hoặc thiện ích đôi bạn, hoặc thiện ích con cái, hoặc sự chung thủy đơn nhất, hoặc bất khả phân ly thì kết ước hôn nhân đó vô hiệu. Án lệ gọi kết hôn loại này là kết hôn giả hình, không đúng thực (simulatio).
images (9)
images (9)

KẾT HÔN VÔ HIỆU DO GIẢ HÌNH, SIMULATIO, (Đ. 1101#2)

 JB. Lê Ngọc Dũng
 
Can. 1101
§ 2. At si alterutra vel utraque pars positivo voluntatis actu excludat matrimonium ipsum vel matrimonii essentiale aliquod elementum, vel essentialem aliquam proprietatem, invalide contrahit.
 
Điều 1101
§2. Nếu một bên hay cả hai bên bằng một hành vi tích cực của ý chí, loại trừ chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân thì họ kết hôn với nhau bất thành.
 

1. Ý NGHĨA

Hôn nhân được thành lập, về mặt pháp lý, là sự kết ước giữa hai người (đ. 1055). Nếu người kết ước hôn nhân, tuy bên ngoài vẫn biểu tỏ sự ưng thuận kết ước bằng lời nói, cử chỉ mà trong lòng lại có ý không tuân giữ những điều quan trọng của kết ước thì sự kết ước vô hiệu.
Điều 1101§2 quy định:
Nếu một bên hay cả hai bên bằng một hành vi tích cực của ý chí, loại trừ chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân thì họ kết hôn với nhau bất thành.
Tầm quan trọng của kết ước hôn nhân và sự tự do ưng thuận là lý do chính xét đến sự của sự vô hiệu của kết hôn giả hình. Kết ước hôn nhân chi phối cả cuộc sống và hạnh phúc của cả một đời người. Nó được thực hiện bởi sự ưng thuận với ý chí tự do của hai người nam nữ để hiến thân và chấp nhận nhau mà không có quyền lực nhân loại nào có thể thay thế được cho sự ưng thuận đó (đ. 1057). Vì vậy, nếu trong sự kết ước hôn nhân mà một hay cả hai người có một ý định nào khác lạ hoàn toàn hay khác một phần chính yếu nào của hôn nhân thì họ đã kết ước để thực hiện một đối tượng khác hẳn với bản chất hôn nhân mà Đấng Tạo Hóa mong muốn. Nói cách khác, một hôn nhân được kết ước như vậy là không đúng với hôn nhân công giáo, đối tượng của ưng thuận kết ước. Vì vậy sự ưng thuận cho chính hôn nhân bị hà tỳ và hôn nhân không thành sự.

1.1. Loại trừ bằng hành vi tích cực của ý chí

Loại trừ

Loại trừ (excluding) tức là bỏ ra ngoài, không chấp nhận, không tôn trọng… Ví dụ: người kết hôn mặc nhiên dành cho mình quyền có thể chia tay và kết hôn với người khác, cũng có nghĩa là không tôn trọng luật bất khả phân ly và cũng là loại trừ luật này.
Hôn nhân trong quan điểm của người loại trừ thì không đúng hay không nguyên vẹn so sánh với hôn nhân công giáo mà họ kết ước. Vì vậy án lệ xưa nay dùng chữ simulatio (giả vờ, không thật, mô phỏng…) được để chỉ loại kết hôn có sự loại trừ này, và được dịch là kết hôn giả hình.
Sự loại trừ này không luôn luôn có yếu tố gian, dối trá, giả vờ đóng kịch. Ý đồ xấu hay gian này (mala fede) có thể tồn tại mà cũng có thể không trong hôn nhân giả hình (simulatio).[1] Vì hôn nhân simulatio đây có nghĩa là hôn nhân không đúng với hôn nhân giáo hội, còn có ý tốt hay xấu là một yếu tố khác không mang tính chất quyết định cho simulatio.
Ví dụ 1
Anh A, một người Việt kiều ở Mỹ, về Việt Nam theo đạo để kết hôn. Vào ngày sắp kết hôn anh thay đổi ý kiến, không muốn kết hôn nữa, do thấy người vợ sắp cưới không thể sống hoàn hợp với anh. Tuy nhiên bên đàng gái và cha mẹ cô ta nài ép và cả cha mẹ anh cũng đều thúc đẩy anh kết hôn. Để cứu vãn danh dự cho gia đình đàng gái anh đành phải kết hôn. Sau đó anh về Mỹ, âm thầm cắt bỏ liên lạc với vợ và lấy vợ khác.
Anh A đã có ý không chấp nhận hôn nhân khi kết ước hay nói cách khác anh đã loại trừ chính hôn nhân. Mặc dầu trước kết hôn anh cũng được cho biết rằng hôn nhân Công giáo là đơn nhất và bất khả phân ly, nhưng đối với anh điều đó là không quan trọng. Anh đã theo đạo là do bên vợ áp đặt và anh không có đức tin. Trong bối cảnh này, anh chỉ có hai chọn lựa: một là từ chối không kết hôn với hệ quả là cô gái đau khổ, bị mất danh dự (mang tiếng bị chồng sắp cưới chê, bỏ) và anh cũng bị trách móc phản bội lời ước hẹn; hai là kết hôn để tốt cho đàng gái và sau đó từ từ cắt bỏ hôn nhân. Đối với anh, chấp nhận kết hôn vì nó là một giải pháp tốt cho một vấn đề trước mắt chứ không vì chính hôn nhân. Trong kết hôn simulatio này, không thấy có sự gian dối, nếu xét về ý tưởng chủ quan nơi anh ta. Ngược lại đối với anh, khi chấp nhận kết hôn là anh đã làm chuyện tốt, là cứu danh dự cho đàng gái; còn cô ấy có bị luật đạo cấm không cho lấy người khác thì anh cho là do niềm tin vào đạo mù quáng của cô ấy.
Ví dụ 2:
Anh A kết hôn chị B nhưng khi kết hôn anh rất phân vân do dự vì chị B đã lần có quan hệ với bạn trai khác, lại có tính tình phóng khoáng. Tuy nhiên anh vẫn quyết định kết hôn vì quá yêu chị B và anh đã nói: “Anh sẽ cưới em, nếu em làm anh nghi ngờ tình cảm của em, làm anh đau khổ, anh sẽ ly dị”. Sự thật là, sau kết hôn, chị B đã sống phóng khoáng: ăn mặc khêu gợi, vũ thoát y… Anh A đã ghen và tức giận, đưa đơn ra tòa án dân sự ly dị.
Anh A đã có ý định loại trừ sự bất khả phân ly của hôn nhân khi kết hôn với chị B khi anh nói: “… anh sẽ ly dị”. Kết hôn vì vậy, vô hiệu. Trong ý định loại trừ này, không có yếu tố gian dối nào của anh A. Anh đã kết ước một hôn nhân mà không đúng ý nghĩa với hôn nhân bí tích, tức là hôn nhân bất khả phân ly (xem Coram  Joseph Sciacca,  09-05-2003).                                                                                                                                   

Hành vi tích cực của ý chí

Luật diễn tả sự loại trừ bằng hành vi tích cực của ý chí (positivo voluntatis actu). Cụm từ này, theo ngôn ngữ Việt Nam, có thể hiểu như một hành vi có quyết tâm hay có một chủ ý rất rõ ràng. Tuy nhiên, án lệ xưa nay không hạn hẹp vào nghĩa này.
Luật gia Paolo Bianchi cho rằng nó là một ý định (intention) mà có thể diễn tả như là: “Tôi không kết hôn”, “tôi không muốn có con”… và Bianchi cũng nhận rằng trong thực tế thì rất khó mà phân biệt được mức độ của ý định đó.[2]
Thẩm phán L.G. Wrenn giải thíchhành vi tích cực của ý chí có thể sẽ là minh nhiên hay mặc nhiên nhưng chắc chắn nó là điều gì đó hơn là một hành vi phủ định của ý chí (more than a negative act of the will)”.[3] Sự tích cực của ý chí, như vậy, cũng chỉ là nhận hay chấp nhận.
Cụ thể hơn, việc kết hôn có thể xác nhận là simulation nếu chứng minh được trong tâm ý của người kết hôn đã có ý định hay có muốn, hoặc có chấp nhận loại trừ những điều mà chính yếu nào đó của hôn nhân (đ. 1101#2) mà không cần phải có một quyết tâm hay một chủ ý rõ ràng về sự loại trừ đó.

1.2. Những loại trừ
- Loại trừ chính hôn nhân: chỉ kết hôn theo hình thức bên ngoài nhưng có ý định hay chấp nhận sự hủy bỏ nó.

- Loại trừ yếu tố chính yếu của hôn nhân: chỉ kết hôn theo hình thức bên ngoài nhưng có ý định thiện ích đôi bạn (bonum coniugum) hay thiện ích con cái (bonum prolis).
- Loại trừ đặc tính hôn nhân: chỉ kết hôn theo hình thức bên ngoài nhưng có ý định sự đơn nhất và bất khả phân ly.

1.3. Những hoàn cảnh giúp suy đoán kết hôn giả hình

Tôn giáo, văn hóa, giáo dục khác lạ

Các nhà Giáo luật đều đã lưu ý rằng một người đã sống trong một nền văn hóa, tôn giáo mà chủ trương cho ly dị tái hôn, đa thê, thì người đó khó có thể chấp nhận lề luật của Công Giáo, và vì vậy họ dễ kết hôn giả hình, cách riêng đối với sự loại trừ tính bất khả phân ly. Ví dụ một người Anh giáo thì có thể suy đoán người này vẫn giữ nguyên quan điểm về sự cho phép tái hôn.

Thiếu đức tin

"Thiếu đức tin" có thể là nguồn phát sinh sự "giả hình" trong kết ước hôn nhân. Người thiếu đức tin có thể cho rằng luật bất khả phân ly chỉ là những trói buộc phi lý hoặc coi thường luật đó.
Mặt khác, có những trường hợp thiếu đức tin lại bao gồm sự thiếu hiểu biết về chính hôn nhân. Sự thiếu hiểu biết này, theo luật không nhất thiết loại trừ ưng sự thuận (đ. 1100), nhưng nếu nó chi phối vào ý chí thì ưng thuận có thể bị hà tỳ và làm cho hôn nhân vô hiệu (đ. 1099). Tòa Thượng thẩm Roma đã chiếu theo giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giải thích thêm về điều này như sau:
Sự bỏ hay mất đức tin Kitô giáo (scristianizzazione) của xã hội ngày nay dẫn đến một sự thiếu hiểu biết trầm trọng về chính hôn nhân, đến nỗi chi phối vào ý chí. Sự khủng hoảng hôn nhân, vì vậy, trong từ căn gốc, không gì khác hơn là khủng hoảng sự hiểu biết được khai sáng bởi đức tin.[4] Sự đào tạo con người và văn hóa nhân bản chịu một ảnh hưởng mạnh mẽ đôi khi nhất định của não trạng thế gian;[5] của một niềm tin đóng kín trong thuyết chủ thể, đóng kín trong nội tại của lý lẽ và cảm giác,[6] biểu lộ sự khiếm khuyết là không thể có được sự hiểu biết đúng đắn về thiết chế hôn nhân và những bổn phận thiết yếu của nó.
Điều này cũng thường được gắn thêm một hạ tầng của sự yếu đuối mỏng manh về tâm lý và luân lý của người kết hôn. Cách riêng, một số người trẻ hoặc thiếu trưởng thành có thể đi xuống chỗ nhận biết hôn nhân thuần túy là một ân huệ tình yêu.  Nó thúc đẩy người kết ước hôn nhân tới một sự giả hình (simulatio) trong ưng thuận, nghĩa là tới sự duy trì một não trạng riêng về sự kết hợp vĩnh viễn đó, hoặc sự loại trừ nó. [7]

2. Loại trừ chính hôn nhân

Loại trừ chính hôn nhân khi sự kết hôn chỉ theo thể thức bên ngoài, nhưng trong lòng lại có ý định loại trừ chính hôn nhân hoặc loại trừ quyền vợ hay chồng của người phối ngẫu[8].  Học lý và án lệ gọi loại trừ chính hôn nhân là “loại trừ toàn phần”.
Loại trừ chính hôn nhân có thể là ý định là sẽ chấm dứt hôn nhân. Nó cũng có thể được xét như loại trừ bí tích hay bất khả phân ly, ví dụ như kết hôn chỉ để được đi Mỹ hoặc  kết hôn để sinh con cho nhà chồng rồi sau đó chia tay.
Loại trừ chính hôn nhân cũng có thể là loại trừ thiện ích của hôn nhân (bonum coniugum), tức là không nhận quyền lợi của bên kia, ví dụ kết hôn nhưng với quan niệm người vợ như một nô lệ.
Những nhân tố đáng chú ý trong loại trừ toàn phần:

Miễn cưỡng kết hôn

Người kết hôn đã không muốn kết hôn, hoặc do hôn nhân đến bất ngờ ngoài ý định của mình hoặc do trước đó đã có ý định kết hôn nhưng trước ngày cưới lại thay đổi ý kiến. Có thể kể một vài trường hợp:
- Đến cận kề ngày cưới, mọi sự đã sẵn sàng, chàng rễ thấy cô dâu có khuyết điểm mình không thể chịu được, nên thay đổi ý kiến. Tuy nhiên chàng không thể dừng kết hôn lại vì mọi sự đã sẵn sàng.
- Đã lỡ có thai với người bạn trai, cô gái tuy không muốn kết hôn nhưng đành chấp nhận để con mình được sinh ra trong một gia đình có cha mẹ đàng hoàng. Sau khi sinh con, cô gái ra đi bỏ lại đứa con cho gia đình chồng.
Sự miễn cưỡng kết hôn nếu ở mức độ nghiêm trọng có thể làm hôn nhân vô hiệu vì sợ hãi (đ. 1103). Nhưng nếu không có đủ chứng cứ về sự sợ hãi nhưng lại có chứng cứ về ý muốn loại trừ hôn nhân thì vụ án được xử theo kết hôn giả hình.

Loại trừ có giả thiết hay điều kiện

Đương sự có ý định rằng: “Nếu hạnh phúc thì giữ hôn nhân, nếu không hạnh phúc thì chia tay”. Trong trường hợp này, người kết ước hôn nhân đã coi thường sự cam kết, mà theo lẽ phải, người này phải quyết tâm giữ gìn: là yêu thương và kính trọng nhau suốt đời.[9] Simulatio hệ tại ở việc người này đã có ý định bội ước ngay khi kết ước.

Có mục đích xa lạ với hôn nhân

Hôn nhân, tự bản chất hướng đến thiện ích đôi bạn (bonum coniugum): sự hiệp thông thân mật, san sẻ tình yêu, tôn trọng nhau, sinh sản và giáo dục con cái và cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình. Người kết hôn, nếu không vì chính thiện ích của hôn nhân nhưng vì mục đích xa lạ khác như để được hưởng lợi tài sản, danh giá, tình dục… thì hôn nhân vô hiệu.
Ví dụ 1: Kết hôn chỉ để được định cư ở nước ngoài, sau đó chia tay.
Ví dụ 2: Kết hôn chỉ để có cơ hội lợi dụng tiền bạc, ăn chơi bài bạc thỏa thích.
Ví dụ 3: Kết hôn với quan niệm người phối ngẫu như là người giúp việc, phục vụ cho mình và như một người để mình thỏa mãn tình dục.[10]

3. Loại trừ thiện ích con cái

Sự loại trừ này có thể xảy ra với hai trường hợp:
- Loại trừ nhiệm vụ nuôi dưỡng giáo dục con cái.
- Loại trừ sinh sản con cái.

3.1. Loại trừ nhiệm vụ nuôi dưỡng giáo dục con cái

Nuôi dưỡng và giáo dục con cái vừa là quyền và vừa là bổn phận của cha mẹ. Ý định loại trừ nhiệm vụ này có thể xảy ra trong các trường hợp:
- Lợi dụng: bắt con cái lao động kiếm tiền từ nhỏ hoặc chỉ bắt phục vụ, sai bảo và đánh đập mà không lo giáo dục;
- Tước bỏ quyền lợi của một thiếu nhi; quyền được nuôi dưỡng, giáo dục… Ví dụ: người cha Công Giáo mà không cho con được rửa tội và giáo dục theo tinh thần Kitô giáo (đôi khi xảy ra nơi người cha tân tòng, không có đức tin).

3.2. Loại trừ sinh con

Đây phải là ý định không muốn có con vĩnh viễn với người phối ngẫu. Nó khác với sự tạm ngưng sinh con trong một giai đoạn vì hoàn cảnh khó khăn. Một số hoàn cảnh có thể là nguồn gốc cho sự loại trừ sinh con:
- Cưới để thử: Kết hôn để xem có hợp với nhau. Họ chưa chắc hôn nhân sẽ tiếp tục nên không muốn có con. Người cưới thử có ý định chia tay một cách tự do không vướng bận chuyện con cái nếu hôn nhân của họ bị thất bại hay không hạnh phúc. Trong trường hợp này, ý định thử đó cũng là một sự loại trừ chính hôn nhân.
- Kết hôn vì một mục đích khác: Khi kết hôn vì mục đích khác như để chiếm đoạt gia tài, lợi dụng, tránh né một điều xấu nghiêm trọng, người ta có thể không muốn sinh con trong cuộc hôn nhân đó.
- Vì đã có con riêng: Khi đã có con riêng, người ta có thể không muốn sinh con thêm nữa. Nhất là đối với người đã tiến tới hôn nhân thứ hai, sự sinh thêm con có thể gây thêm khó khăn về vấn đề quyền lợi hay quyền thừa kế.
Việc loại trừ sinh con thường được chứng tỏ qua sự ngừa thai liên tục hoặc phá thai.

4. Loại trừ tính bất khả phân ly

Loại trừ tính bất khả phân ly hệ tại ở ý định không muốn dấn thân vĩnh viễn làm vợ làm chồng hoặc có ý định nửa chừng, không có quyết tâm kết hôn vĩnh viễn, chấp nhận một sự chia tay nếu không hạnh phúc.

 Loại trừ bí tích

Loại trừ tính bất khả phân ly cũng thường được đồng hóa với loại trừ bí tích (bonum sacramenti). Thánh Augustino dựa vào thư Thánh Phaolô cho rằng hôn nhân như là bí tích (dấu hiệu) của sự kết hợp vĩnh viễn không thể tách rời giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Do đó loại tính bí tích của hôn nhân cũng được kể là loại trừ tính bất khả phân ly.

Loại trừ có giả thiết hay điều kiện

Sự loại trừ tính bất khả phân ly có thể như là một giả thiết hay có điều kiện, ví dụ chủ thể có ý định: “Nếu hôn nhân diễn ra tốt đẹp, tôi sẽ tiếp tục; nhưng nếu không hạnh phúc tôi sẽ chia tay”.

Loại trừ mặc nhiên

 Sự loại trừ tính bất khả phân ly có thể là mặc nhiên, nghĩa là ý định loại trừ của chủ thể không được nhận ra một cách trực tiếp nhưng qua những sự kiện khác. Tuy thẩm phán không có được những lời tự thú hay lời khai của chủ thể nhưng có thể xác nhận được sự loại trừ qua những sự kiện như: hôn nhân chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và người đó chia tay người phối ngẫu một cách dễ dàng…
Ví dụ một cô gái lương theo đạo, thích tự do, thích bạn bè và đi du lịch, đã chia tay chồng sau 3 tháng kết hôn vì thấy cha mẹ chồng khó chịu đối với mình. Cô nói rằng: Cũng như bao cô gái khác, tôi cũng muốn sống với chồng suốt đời. Và lúc kết hôn cô đã không có ý định chia tay. Tuy nhiên cô lại xác định một quan niệm rất chắc chắn có từ trước kết hôn: “Tất nhiên khi sống không hợp nhau thì phải chia tay. Không ai lại đi duy trì một hôn nhân không hạnh phúc”. Nghĩa là, đối với cô, sự ràng buộc bất khả phân ly là điều có thể lược bỏ. Cùng với quan niệm khả thể ly dị và sự ra đi dễ dàng của cô, thẩm phán xác nhận hôn nhân vô hiệu do cô đã loại trừ tính bất khả phân ly của hôn nhân.

5. Loại trừ sự chung thủy

5.1. Loại trừ độc quyền quan hệ thân xác

Loại trừ sự chung thủy được phân biệt với loại trừ sự đơn nhất, theo ý kiến của một số luật gia:
Loại trừ sự chung thủy là loại trừ quyền độc chiếm hành vi vợ chồng của hai người phối ngẫu, nghĩa là, dành cho mình quyền được quan hệ tình dục với người thứ ba khác.
Loại trừ sự đơn nhất là dành cho mình quyền có nhiều vợ (đa thê).
Tuy nhiên trong án lệ xưa nay thường coi chúng như nhau hay đồng hóa với nhau và điểm chính yếu của chúng là loại trừ độc quyền quan hệ thân xác vợ chồng. [11]
Ngay cả trong trường hợp người kết hôn có bệnh đồng tính, nếu đã có ý định chấp nhận cho mình được quan hệ xác thịt với người đồng giới sau kết hôn, thì sự kết ước hôn nhân vô hiệu.[12]
5.2. Loại trừ có điều kiện
Sự loại trừ chung thủy có thể là một ý định có giả thiết hay điều kiện. Nếu người kết hôn có ý định chỉ sẽ chung thủy nếu người vợ hay chồng còn hấp dẫn; hoặc chỉ chung thủy nếu bên vợ hay chồng cũng chung thủy, thì kết hôn cũng vô hiệu.[13]
5.3. Loại trừ mặc nhiên
Sự loại trừ mặc nhiên được biểu lộ gián tiếp qua một hành vi khác. Ví dụ người chồng  vẫn tiếp tục quan hệ xác thịt với người yêu cũ sau khi lấy vợ. Anh đã loại trừ sự chung thủy.
Tuy nhiên cũng cần  phân biệt mặc nhiên với suy đoán. Ví dụ trong trường hợp có quan hệ với người yêu cũ thì chỉ mới có thể suy đoán là đã loại trừ sự chung thủy. Nó có thể là đã không có sự loại trừ, vì điều có thể xảy ra là người chồng đã không có ý định loại trừ khi kết hôn. Anh trở lại với người tình cũ có thể chỉ là sự kiện ngoài ý muốn.
Để xác định là đã loại trừ cách mặc nhiên, trong trường hợp trên, cần thu thập thêm những dữ kiện khác. Ví dụ, người chồng đã miễn cưỡng kết hôn, ngoại tình xảy ra rất sớm sau hôn nhân.[14]
5.4. Những khả thể khác
Thẩm phán Bruno của tòa Rota trong quyết định ngày 15-06- 1990 đã kể thêm những kiểu loại trừ chung thủy như sau:[15]
- Cho phép người thứ ba được quan hệ với vợ hay chồng mình.
- Đã luôn tin rằng con người thì yếu đuối tự bản chất nên không thể nào giữ chung thủy được.
- Giới hạn sự chung thủy vào một giai đoạn, chứ không liên tục suốt đời.
- Có ý định chấp nhận sự ngoại tình hơn là chấp nhận vợ chồng chung thủy với nhau.

6. Những vụ án minh họa

6.1.Vụ án có phán quyết tại tòa án cấp giáo phận

6.1.1. Loại trừ sinh con vì đã có con riêng

Ông Tuấn đã có một con trai, sau khi vợ qua đời ông đã tái gía với bà Tú vốn đã góa chồng và đã có hai con. Ông Tuấn có gia cảnh nghèo nhưng bà Tú thì giàu có. Có lẽ ông thích bà vì phần nào bà có gia sản. Bà biết ông thích bà vì bà giàu có nhưng bà cũng thấy ông là người hiền lành chất phác nên bà đã quyết định kết hôn với ông. Tuy nhiên khi có thai bà đã bảo ông chở bà đi bác sĩ phá thai. Dù ông có ngăn cản bà Tú vẫn nhất quyết phá thai. Họ đã phá thai hai lần. Sau năm năm chung sống vì xung đột họ chia tay.
Tòa án hôn phối đã ra bản án xác nhận hôn nhân vô hiệu dựa trên cơ sở loại trừ sự sinh sản về phía bà Tú. Động lực loại trừ sinh con của bà Tú được thấy là sự bảo vệ tài sản cho những đứa con riêng của bà.

6.2.2. Loại trừ chung thủy vì giữ quan hệ với người tình cũ

Albert là tài xế xe vận tải hạng nặng chạy xuyên bang. Natalie là cô bán hàng trong một siêu thị. Hai người đã quen nhau hai năm mới làm lễ cưới. Sau sáu năm chung sống có hai mặt con, họ thôi nhau.
Theo sự yêu cầu của Natalie, lễ cưới của họ đã được Tòa Án Hôn Phối tháo gỡ sau hơn một năm điều tra thu thập chứng cớ từ những nhân chứng đáng tin cậy. Câu chuyện hôn phối của họ như sau:
Trong suốt thời gian quen nhau, họ chỉ gặp nhau vào những ngày Albert lái xe chở hàng trở về tiểu bang họ đang sống. Tại một tiểu bang khác, nơi Albert thường lui tới, anh lại quen thêm một cô gái khác và chung sống với cô này mỗi lần hai người gặp nhau. Ngay cả sau thời gian anh đã đính hôn với Natalie cũng vậy, cuộc tình vụng trộm vẫn tiếp tục, anh còn hứa cả với cô ta là khi thu xếp mọi chuyện xong hai người sẽ lấy nhau. Albert không cho vợ sắp cưới biết về cô gái nọ và cũng không cho cô gái nọ biết anh đã đính hôn và sắp cưới vợ.
Lễ cưới của hai người diễn ra trang trọng trong nhà thờ và tưng bừng nơi tiệc cưới. Họ đi hưởng tuần trăng mật một tuần lễ tại bãi biển đẹp nhất nước.
Sau tuần trăng mật, hai vợ chồng trở lại cuộc sống bình thường: Natalie đi làm tại siêu thị còn Albert tiếp tục lái xe xuyên bang, tiếp tục gặp gỡ, chung chạ vụng trộm với người tình phương xa. Anh không hề kể cho người tình này biết gì về đám cưới của anh cả. Cô gái vẫn kiên nhẫn, âm thầm chờ ngày Albert thu xếp xong công chuyện để làm đám cưới. Bị thúc dục nhiều lần, cuối cùng, Abert bèn phải đính hôn với cô ta cho có lệ qua một thủ tục đơn giản và một chiếc nhẫn kim cương.
Một ngày kia, cô gái phương xa nọ nghi ngờ Albert ngoại tình bèn chú tâm theo dõi. Khăn gói lên đường xuyên bang, cô ta bắt gặp Albert và một cô gái trẻ sống chung với nhau (cô gái này chính là Natalie - vợ anh). Thế là cô ta làm ầm lên, xỉ vả anh ta và Natalie không tiếc lời. Kết quả là Natalie gào lên khóc lóc thảm thiết cuốn gói bỏ nhà ra đi không bao giờ trở lại.[16]

6.2. Vụ án có phán quyết tại tòa Thượng thẩm Roma

John yêu Linda và chỉ sau một tuần quen biết họ sống thân mật với nhau. Linđa có thai và họ đã phá thai. Sau đó khi John phải nhập ngũ thì Linđa đi quan hệ với bạn trai cũ. John biết được nhưng vì quá yêu Linđa nên vẫn kết hôn với cô cho dù anh đã đắn đo suy nghĩ rất nhiều. Hôn nhân sau đó tan vỡ vì Linda có đời sống tự do phóng khoáng. John đưa đơn ra tòa án dân sự để ly dị. Trong vụ án xử tiêu hôn nghi vấn được nêu ra là nguyên đơn, anh John, có loại trừ thiện ích bí tích (bonum sacramenti) hôn nhân hay là sự bất khả phân ly hay không.
Tòa án đã xác nhận hôn nhân vô hiệu do loại trừ thiện ích bí tích hôn nhân của John dựa trên những luận chứng như sau:
John lặp đi lặp lại và giải thích rõ ràng: “Mùa đông 1969-1970, việc ly dị được công bố. Tôi chấp nhận ký giấy kết hôn như tôi đã khẳng định trước pháp luật ... Nguyên đơn nói tiếp: Tôi đã luôn luôn nghĩ rằng hôn nhân là một vấn đề nghiêm túc mà các bên, một cách trung thực phải mang lại điều tốt nhất cho nhau, và nếu điều này không xảy ra. Tôi tin rằng việc ly hôn là có lý. Tôi đã nói quan điểm của tôi với Linđa.... Tôi tin rằng trong trường hợp hôn nhân không có kết cục, thì giải phảp ly dị là cơ hội”.
John khẳng định rằng “tôi nói với cô ấy rằng tôi sẽ kết hôn với cô, tôi cũng nói chính xác rằng, nếu cô ấy không thay đổi những hành vi của mình để tôi phải sống trong nghi ngờ, tôi sẽ đòi ly hôn”.
Nguyên đơn tự giải thích trong lời khai: “vào một buổi tối trong mùa hè, khi chúng tôi bên nhau tại nhà những người bạn, Linđa đã đi quá xa, cô nàng biểu diễn múa thoát y. Tôi đã rất tức giận và nói với cô ấy một cách rõ ràng chính vì những hành vi ấy có thể dẫn đến ly hôn và tôi sẽ không ngần ngại ly dị nếu còn tiếp tục có nhưng hành vi như vậy”.
Điều mà nguyên đơn nói cũng được các nhân chứng xác nhận. Marco Madison nói: Linđa tiếp xúc với tôi như một cô gái phóng khoáng… Tôi cũng đã quan sát thấy cung cách Linđa khiêu gợi như như phô trương đường cong cơ thể. Lawrence Lancaster cũng nói vậy: “Tôi cũng cố xem, trong khiêu vũ, cách cách diễn xuất của cô ta cũng lẳng lơ như nơi công việc với các đồng nghiệp khác. Tôi nhớ một buổi tối sau khi ban nhạc của các phi công hải quân cử hành, Linđa phô diễn chiếc váy khoe thân hình. Chẳng qua là muốn mọi người để ý đến cô bằng việc khoe da thịt như thế.”
Anh trai của Linđa tuyên bố chắc nịch “John  tiết lộ cho tôi thấy, anh không mấy thiện chí về hôn nhân của vợ chồng anh vì các tính cách đề cập ở trên. Tuy nhiên, em gái tôi vẫn muốn tiến hành hôn nhân."
Một nhân chứng khác nói, mặc dù, nguyên đơn “có một khái niệm về hôn nhân rất nguyên tắc, nhưng anh ta cũng chấp nhận một khả năng phá vỡ nguyên tắc đó là ly hôn. Đây cũng là suy nghĩ của em gái tôi. Chúng tôi đã nói tích cực về sự phân ly. Chúng tôi đã không coi hôn nhân là việc không thể đảo ngược. Đây là quan niệm của John tôi cùng nghĩ như thế, như tôi đã nói, hôn nhân là một việc hệ trong trong đời nhưng có thể bị phá vỡ nếu nó không thành công."
Nhân chứng cho biết: “Trong hôn nhân của John, anh ta đã không nhìn nhận hôn nhân như là dây ràng buộc vì những lý do đã giải thích trước, anh ta lại kiên quyết ủng hộ sự ly hôn”. Khi quan tòa hỏi thêm các nhân chứng trong các cuộc thảo luận, họ thừa nhận họ đã nói không chỉ về khả năng hủy hôn như là nhận thức trên phương diện lý thuyết hay trừu tượng nhưng ngay cả về ý định mà John ký kết giao ước trong hôn nhân của mình.
Quyết định xác nhận hôn nhân vô hiệu được ban hành tại Tòa án Rota vào ngày 09 Tháng 05 năm 2003, với các thẩm phán Msgr. Joseph Sciacca, ponens; Msgr. Amerigo Ciani; Msgr. Augustine De Angelis.[17]
  
 
[1] Cf. PAOLO BIANCHI, Quando il matrimonio e nullo, Ancora. Milano 1998, 73-74.
[2] Cf. PAOLO BIANCHI, Quando il matrimonio e nullo, Ancora. Milano 1998, 75
[3] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 122
[4] Cf. FRANCESCO, Allocuzione alla Rota Romana, 23 gennaio 2015.
[5] Cf. FRANCESCO, Esort. Ap. Evangela gaudium, n. 93.
[6] Cf. Ibidem, n. 94.
[7] Cf. MI, Sussidio applicativo, 33.
[8] Cf. Ibidem, 121.
[9] Cf. PAOLO BIANCHI, Quando il matrimonio e nullo…, 140.
[10] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage…, 144.
 
[11] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …, 132.
[12] Cf. Ibidem, 132.
[13] Cf. Ibidem, 133.
[14] Cf. Ibidem, 133.
[15] Cf. Ibidem, 234.
[16] Do linh mục Gs. Bùi Đức Tiến sưu tập. Xem tại:
http://buiductien.com/index_html/books/ToaAnhonphoi/plonearticle.2007-01-09.7337445372
 
[17] Cf. VONDENBERGER (Ed.), Rotal Jurisprudence: Selected Translations, Canon Law Society of America, 2011, 169-190.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay907
  • Tháng hiện tại37,079
  • Tổng lượt truy cập11,237,451
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi