THIẾU KHẢ NĂNG KẾT HÔN THEO ĐIỀU 1095, 1&2 - J.B. Lê Ngọc Dũng

Thứ năm - 10/11/2022 09:35

THIẾU KHẢ NĂNG KẾT HÔN

THEO QUY TẮC ĐIỀU 1095,10&20


Kết ước hôn nhân, được tòa án xác nhận là không thành sự hay vô hiệu dựa trên nền tảng người kết ước thiếu khả năng kết hôn, được thẩm xét theo điều 1095.
Điều 1095
Không có khả năng kết hôn:
10 những người không sử dụng đủ trí khôn;
2những người thiếu nghiêm trọng khả năng phán đoán về quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của việc trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân;
 

1. Không sử dụng đủ trí khôn (đ. 1095,10)

Thiếu khả năng kết hôn ở điều 1095,10 được quy định: "10 những người không sử dụng đủ trí khôn" (đ. 1095,10).

1.1. Ý nghĩa

Những người "không sử dụng đủ trí khôn" được Giáo luật kể như là nhi đồng chưa đủ bảy tuổi trọn (đ. 97§2). Tuy nhiên điều 1095,10 không ám chỉ sự không có khả năng về trí khôn, thấp kém như nhi đồng. Thực ra, người đó thiếu hiểu biết về chính những ý định và mục đích của hôn nhân.
Cụm từ "sử dụng trí khôn" chỉ khả năng suy tư độc lập, nhận định điều gì là tốt điều gì là xấu, phân biệt cái gì là đúng cái gì là sai, điều gì thật hay điều gì giả. Giáo luật yêu cầu việc sử dụng trí khôn phải đủ (sufficiente) khi kết hôn, tuy không đòi buộc phải sử dụng trí khôn vượt trội hơn mức bình thường (đ. 1058). Để coi là đủ trí khôn để kết hôn thành sự, người kết hôn, ít nhất, phải hiểu biết cách sơ lược về hôn nhân, như điều 1096 quy định:
- Sống chung hiệp thông với nhau trọn đời;
- Nhắm đến việc sinh sản con cái, do một sự cộng tác nào đó thuộc phạm vi phái tính.

1.2. Phân biệt

Không có khả năng hay thiếu sử dụng trí khôn có thể do một sự khiếm khuyết hay bệnh tật tâm trí hoặc có thể ở trong một hoàn cảnh nào đó. Có thể phân biệt sự thiếu khả năng đó như sau:
- Thường xuyên: như bị tâm thần phân liệt (schizophrenia) hoặc chậm phát triển tâm lý nghiêm trọng (mental retardation)…
Thiếu trí khôn thường xuyên thì đương nhiên kết hôn sẽ vô hiệu.
- Tạm thời: như bối rối, hoang tưởng, giận dữ quá mức, mê sảng, động kinh… say rượu, nghiện ma túy và những chất kích thích tương tự hay trạng thái chập choạng giữa say thuốc và động kinh.
Thiếu sử dụng trí khôn tạm thời, nếu rơi vào thời gian cử hành kết hôn, kết hôn vô hiệu. Ví dụ, bị say rượu, say thuốc, quá buồn phiền, giận dữ, bị khủng hoảng bởi một biến cố (Vd. Được tin người yêu chết).

1.3. Án lý học Tòa Rota roma về thiếu sử dụng trí khôn

Án lý học (jurisprudence) của Tòa Rota roma, nói khá đầy đủ về trường hợp thiếu sử dụng trí khôn, xét theo điều 1095,10.
Coram Boccafola, 12-7-1990
Thẩm phán Boccafola, cho rằng việc thiếu sử dụng trí khôn có thể là vĩnh viễn hoặc tạm thời, hoàn toàn hoặc một phần, nghiêm trọng hoặc nhẹ, khiến việc kết hôn vô hiệu. Có thể nói rằng chức năng lý trí bị suy yếu nghiêm trọng trong một khoảng thời gian nhất định, bởi say rượu, thôi miên, động kinh, lạm dụng thuốc, chấn thương và tương tự (x. Coram Boccafola, 12-7-1990, n.6).
Coram Pinto, 30-1-1996
Thẩm phán Pinto cho rằng sự khiếm khuyết trong việc sử dụng đủ trí khôn được xác minh không chỉ trong tình trạng bất tỉnh hoàn toàn, mà còn trong trường hợp giảm hoặc hạn chế nghiêm trọng ý thức, bất kể điều này là theo định lượng hay định tính, theo thói quen, mà tỏ cho thấy sự khiếm khuyết trong sự ưng thuận kết hôn (x. Coram Pinto, 30-1-1996, n.3).
Coram Jarawan, 24-4-1996
Thẩm phán Jarawan chỉ cho thấy một tiêu chí trong việc quyết định một kết hôn là vô hiệu theo điều 1095,10: một người không có sự phán xét đủ chín chắn để hiểu và lựa chọn hôn nhân, bất kể nguyên nhân của nó là sự mất phương hướng vĩnh viễn của tâm trí hay một rối loạn nhất thời, hay suy nhược tâm lý (x. Coram Jarswan, 24-4-1996, n.2).   
 Tuy nhiên, trong thực tế, các vụ án về thiếu khả năng ít được xét trên nền tảng thiếu sử dụng trí khôn, theo quy tắc số 1 của điều 1095, nhưng được xét nhiều hơn theo số 2 hoặc 3.

2. Thiếu nghiêm trọng khả năng phán đoán (đ. 1095,20)

Thiếu khả năng kết hôn ở điều 1095, 20 được quy định:

Không có khả năng kết hôn: 20 Những người thiếu nghiêm trọng óc phán đoán về quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của việc trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân;

2.1. Ý nghĩa

Sự thiếu khả năng phán đoán về hôn nhân thường được các thẩm phán suy xét dưới các khía cạnh:
- Thiếu óc phán đoán, đánh giá phê bình thực tiễn.
- Thiếu tự do nội tại để kết ước
- Thiếu trưởng thành tâm lý tình cảm

2.1.1. Thiếu nghiêm trọng óc phán đoán - discretio iudicii

Thiếu: không có; hoặc là có nhưng không đủ, khiếm khuyết.
Phán đoán: discretio iudicii (discretion of judgment, discrezione di giudizio) gồm hai thành tố:
- Discretio có nghĩa là khả năng, của lý trí lẫn ý muốn, suy xét, biện phân, đánh giá có chủ tâm và độc lập.[1]
- Iudicum cũng có nghĩa như discretio nhưng lại muốn nói đến một thực tại cuối cùng của một hoạt động trí tuệ, đó là gán một giá trị hay phẩm chất cho điều gì đó trong hoạt động đánh giá.[2]
Theo Lopez-Illana, thẩm phán Tòa Rota, nêu ra ba điểm để xét thấy một người thiếu khả năng phán đoán:
a- Trí tuệ bị suy yếu hoặc không biết về ý nghĩa thực sự và nội dung khách quan của quyền và nghĩa vụ hôn nhân thiết yếu;
b- Khả năng phê bình đánh giá bị suy yếu hoặc không lượng giá được bản chất và hậu quả của sự đồng ý hôn nhân liên hệ đến điều kiện hoặc năng khiếu của chính mình. 
c- Khả năng ước muốn bị suy yếu, hoặc không tự do đưa ra lựa chọn, hoặc có tự do đảm nhận một lựa chọn sau khi đã tự cân nhắc nhưng bị các yếu tố bệnh lý thúc đẩy hoặc tương tự (x. Coram Lopez-Illana, 17-1-1995, n.9).
Sự thiếu khả năng phán đoán thường được phân tích dưới những góc độ khác nhau. Sau đây là một số điều chính yếu:
a- Khả năng đánh giá phê bình thực tiễn
Cormac Burke cho rằng sự kết hôn là vô hiệu do thiếu khả năng ở điều 1095 số 2 là do thiếu discretionis iudicii nghiêm trọng cũng có ý nghĩa như là “sự thiếu vắng trầm trọng khả năng phê bình đánh giá (critical-estimative faculty)” (Coram Cormac Burke, 24-10-1994, n. 2).
Một cách tích cực, discretionis iudicii có thể được mô tả như một khả năng thẩm định phê bình đánh giá thể hiện bằng một hành động của lý trí, bao gồm việc đánh giá ưu và khuyết điểm của những khả thể khác nhau của hành vi hay ứng xử. Trong sự ưng thuận kết hôn, khả năng này cần có để có thể chia sẻ đời sống hôn nhân với nhau mãi mãi.
Mario Pompedda, thẩm phán Tòa Rota, cho rằng:
Sự ưng thuận hôn nhân, một hành vi nhân linh với sự hiểu biết; sự hiểu biết này giả thiết bên cạnh khả năng nhận biết còn có khả năng phê bình, tạo nên khả năng lượng giá. Trong khả năng lượng giá, một người nhận biết một cách riêng tư điều tốt của những hành vi và có thể cân nhắc chúng một cách thực tiễn. Một sự hiểu biết có lượng giá như vậy có thể là thiếu vắng ngay cả khi có sự hiểu biết lý thuyết (Coram Pompedda, Dec 63, 1980).
Có thể phân biệt sự thẩm định thành hai cấp độ. Ở cấp độ đầu tiên, mà chúng ta gọi là suy lý trừu tượng: trí tuệ đưa ra một mệnh lệnh chung. Ví dụ, “thật là tốt khi kết hôn”, nhưng với phán đoán này, chủ thể không tuân theo hành động ngay lập tức. Bước vào cấp độ thứ hai, trí tuệ đưa ra một mệnh lệnh trực tiếp hơn đối với ý chí để nó tuân theo hành động của nó. Sự chấp thuận kết hôn là hành vi thẩm định thực tiễn ở cấp độ thứ hai (pratico-pratico).
Rõ ràng là sự thẩm định hay lượng giá quan trọng này tùy thuộc vào khả năng xem xét những gì hôn nhân đòi hỏi trong tình huống cụ thể của mình. Khả năng này, chắc chắn là cũng có được từ những thực tiễn tâm lý, cuộc sống hiện sinh cá nhân và những hành trang kinh nghiệm có được trong suốt cuộc đời; và hơn nữa, nó giả thiết chủ thể có sự tự do hoàn toàn khỏi mọi điều kiện hay hoàn cảnh bên ngoài. Chúng ta biết rằng, một sự hiểu biết đúng đắn có thể bị hủy hoại nghiêm trọng hoặc bởi các yếu tố bệnh lý, bởi thói quen hoặc bởi những xung động đam mê (x. Coram Monier, 21-6 -1996, n.4).
Ba yếu tố thuộc về discretio iudicii được án lý nêu ra một cách tóm tắt như sau:
1) Một khả nhận thức đúng (suy lý hoặc trừu tượng);
2) Đủ khả năng phê phán (phán đoán thực tiễn);
3) Một quyết định tự do của ý chí.
b- Discretio iudicii: Khả năng của trí tuệ và ý muốn
Chữ “phán đoán” (discretio iudicii) dễ tưởng lầm là một hoạt động của trí tuệ. Thật sự ra, trong án lý học, thuật ngữ này đề cập đến cả trí tuệ và ý muốn.[3] Thông thường, chúng dễ nhận ra rằng, sự hiểu biết và ước muốn con người luôn tương tác lẫn nhau, sản sinh ra những hành vi. Tiểu Ban tu chính bộ luật 1983 và các luật gia đều thấy óc phán đoán là một khả năng của cả lý trí lẫn ý muốn (x. Communicationes, 1983, 2, 231).[4] Điều cần thiết để có được khả năng phán đoán bao gồm: 1) Trí tuệ thực hiện một đánh giá trưởng thành, và, 2) Ý muốn đưa ra lựa chọn tự do.[5]
Ví dụ, người bị rối loạn nhân cách (personality disorder) dạng paranoia có khuynh hướng giải thích hành động người khác như thể là muốn hạ phẩm giá và đe dọa người đó có chủ ý; hoặc như người bị rối loạn nhân cách chống xã hội (antisocial personality disorder) thì không có khả năng gần gũi người khác, không chân thành và dường như không bao giờ muốn nhận biết lỗi lầm của mình.[6]

2.1.2. Thiếu tự do nội tại để kết ước

Án lý học Tòa Rota thường xác nhận sự thiếu “tự do nội tại” trong các vụ án vô hiệu hôn nhân trên nền tảng sự thiếu nghiêm trọng khả năng kết hôn của điều 1095. Một hành động đúng đắn và nghiêm túc của con người, như sự ưng thuận kết hôn, phải là kết quả của sự cân nhắc đúng đắn dựa trên “lý trí” và “ý chí” tự do đầy đủ. Hai khả năng này cũng là điều cốt yếu cần có để con người có thể có một hành vi nhân linh có giá trị. Khi một trong hai khả năng này bị suy yếu, sự tự do nội tại của một người cũng bị suy yếu. Vì vậy, trong trường hợp không có đủ lý trí và/hoặc hành động không có chủ ý, hành vi của một người được xem là thiếu tự do nội tại (x. Coram Burke, 6-4-1995, n.5; Coram Pinto, 4- 10-1996).[7]
Trong trường hợp, người có bệnh tâm trí, rối loạn nhân cách... có một tác động nào đó hay xung lực chế ngự trên lý trí hay ý chí người ấy, khiến anh ta không thể chọn hay làm khác hơn. Khi ấy, sự tự do nội tại bị mất vì sự chọn lựa tự do không còn (x. Coram Burke, 6-4-1995, n.3).
Trong những trường hợp khác, như do hoàn cảnh tác động, một người có thể bị hoang mang, bối rối, không còn kiểm soát được sự suy nghĩ và ước muốn của mình. Quyết định kết hôn trong những trường hợp đó, do hoàn cảnh tác động, không có tự do nội tại.
Cormac Burke, cũng phân biệt, trong trường hợp sự “sợ hãi” khiến kết ước hôn nhân vô hiệu (đ.1103), sự thiếu tự do nội tại của đương sự là một kiểu “thiếu tự do có ý thức” (conscio quidem modo). Có thể ví dụ như một người bị cha mẹ ép buộc kết hôn, người này sợ hãi, chọn “kết hôn một cách có ý thức”, để tránh một sự xấu đang đe dọa mình.
Tuy nhiên, trong trường hợp thiếu tự do nội tại do sự thiếu phán đoán nghiêm trọng, đương sự hầu như “không ý thức về sự chọn lựa kết hôn” của mình. Ví dụ, người bị khủng hoảng hay người bị bệnh tâm trí, khiến mình không còn sáng suốt trong hành vi chọn kết hôn. Sự thiếu sáng suốt này nằm ngoài ý thức của đương sự về mình. (x. Coram Burke, 6-4-1995, n.2).

2.1.3. Thiếu trưởng thành tâm lý tình cảm

Sự thiếu khả năng phán đoán về hôn nhân, cũng được các luật gia Tòa Rota xét dưới khía cạnh thiếu trưởng thành tâm lý tình cảm (l'immaturità psico-affettiva).[8] Angelo Amati cho rằng sự trưởng thành tâm lý tình cảm không phải chỉ đơn giản là phản ứng sinh học và cảm xúc, nhưng hơn hết là tạo được cân bằng của lý trí, của ý muốn và động lực, và nhờ đó điều khiển được những thúc đẩy, những ham muốn và những cảm xúc, tạo đường thông suốt cho những tiềm năng của họ đến một dự án để thực hiện, trong sự hiểu biết và ý muốn.[9] 
Sự rối loạn cảm xúc chẳng hạn, có thể xảy ra nơi người đã đạt được một độ tuổi trưởng thành, nhưng được coi là biểu hiện của sự thiếu trưởng thành tâm lý, vì nó khiến người ấy không điều khiển được theo ý muốn tự do của mình.
Nguồn gốc của sự thiếu trưởng thành có thể khác nhau:[10]
- Do có mối liên hệ với tuổi thiếu niên thiếu kinh nghiệm cũng như khiếm khuyết về nhân cách;  
- Do có một số đặc điểm của suy nhược tâm thần nhẹ và trung bình, với các biểu hiện không ổn định, cân bằng kém, thậm chí không nhất thiết có thể gây ra rối loạn nhân cách;
- Do có rối loạn nhân cách, liên quan đến: hysteria, hoang tưởng... quá mức phụ thuộc vào hoàn cảnh hoặc vào tình cảm với cha mẹ;
- Từ một sự chậm phát triển xuất hiện các dạng thiếu trưởng thành như: cần được bảo vệ, thiếu tự chủ, hạn chế sự quan tâm đến người bạn, một sự ích kỷ thái quá, phù phiếm và bướng bỉnh, đôi khi không có khả năng để vượt qua những xung đột, tàn bạo, căng thẳng tinh thần tạo điều kiện bởi sự bất ổn bản năng, hung hăng và cứng nhắc.
Những tiêu chuẩn
Gomez, dự thẩm của Tòa Rota, trong bài viết “Sự thiếu trưởng thành tình cảm trong án lý học của Tòa Rota (L'immaturità affettiva nella giurisprudenza rotale)” đã đưa ra những tiêu chuẩn để xác định tình trạng thiếu trưởng tình cảm:[11]
  1. Không có khả năng lý trí và ý chí kiểm soát được những xung động tâm lý hoặc những bản năng.
  2. Một sự gắn bó vào cha hay mẹ đến nỗi người đó và người bạn đời không thể chu toàn được những điều chính yếu của đời sống hôn nhân; đôi khi vợ hay chồng bị thống trị đến nỗi không thể đưa ra quyết định;
  3. Không thể chịu được những xung đột nội tâm với một sự suy tư bình tĩnh và sự hy vọng vượt qua;
  4. Thiếu khả năng thiết lập hay gìn giữ những quan hệ liên nhân vị (rapporti interpersonale) đáp ứng với các nhiệm vụ (vai trò, chức năng) của hôn nhân;
  5. Thiếu khả năng phê bình những khuyết điểm của những yếu tố tình cảm để đánh giá được sự chấp thuận hay chống lại kết hôn;
  6. Quá ích kỷ nơi những người chỉ tìm kiếm những lợi ích cho mình, không để ý đến kẻ khác, chỉ tìm kiếm những thuận lợi cho mình; chỉ luôn muốn nhận, không bao giờ cho.
Hệ quả của sự thiếu trưởng thành là không có khả năng ưng thuận để ký kết một giao ước hôn nhân. Một người thiếu trưởng thành tình cảm thì không có khả năng chu toàn các nhiệm vụ chính yếu của hôn nhân như: sự thiện ích của vợ chồng (bonum conuiugum) của con cái (bonum prolis), sự chung thủy (bonum fidei).

2.2. Đối tượng của phán đoán: quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân

Đối tượng của phán đoán chính là mục đích, các quyền lợi nghĩa vụ hôn nhân, cũng như chính hôn nhân. Giáo Hội luôn xem xét lại để có một cái nhìn đúng đắn hơn và nâng cao tính nhân vị trong giáo thuyết về hôn nhân. Vị thẩm phán sẽ phải thẩm định về sự hữu hiệu của một hôn nhân theo những chuẩn mực mới của Giáo hội về hôn nhân.

2.2.1. Bản chất của hôn nhân

Trong quan điểm cũ, hôn nhân được nhìn nhận như là một cơ chế sống chung giữa hai người nam nữ để thực hiện hai mục đích chính yếu: sinh sản con cái và giúp đỡ lẫn nhau. Đối tượng kết ước của hôn nhân được xác định như là một sự trao ban cho nhau về "quyền trên thân xác" (ius in corpus) một cách tuyệt đối và vĩnh viễn, hướng đến việc sinh sản con cái. Hôn nhân cũng được coi như có mục đích đệ nhị là "trợ giúp lẫn nhau và phương thuốc chữa trị tình dục" (mutuum adiutorium et remedium concupiscentiae), như điều 1013§1của bộ Giáo luật cũ 1917 diễn tả.
Yếu tố tình yêu và sự trao ban chính bản thân mình cho nhau trong hôn nhân đã không được đề cập đến trong quan điểm cũ này.
“Tình yêu hôn nhân” mà tình dục là một yếu tố thuộc bản chất của tình yêu đó chỉ mới được các nhà thần học nhận ra vào khoảng đầu bán thế kỷ 20, và đã được Công đồng Vaticano II xác nhận trong Hiến chế Gaudium et Spes, số 48. Ý tưởng "quyền trên thân xác" được chuyển dịch sang cách hiểu nhân vị hơn, là yêu thương “trao ban và lãnh nhận nhau chính bản thân mình” - “sese mutuo tradunt et accipiunt” (đ. 1057§2). Vợ hay chồng thực hiện nghĩa vụ trao ban cho nhau một cách tự nguyện, chứ không bó buộc lẫn nhau về quyền trên thân xác.
Hãy thử xét đến trường hợp: Người chồng cho mình có quyền trên thân xác (ius in corpus) người vợ để hành hạ người vợ hay coi mình như ông chủ mà người vợ phải luôn hầu hạ và vâng phục.
Hoặc thử xét đến một trường hợp khác: Người chồng đòi quan hệ tình dục ngay cả khi người vợ bị bệnh mà bác sĩ đã khuyến cáo là rất nguy hiểm cho người vợ. Anh đã mắng chưởi và đánh đập vợ khi vợ không đáp ứng ý muốn của anh.
Với cái nhìn cũ, những người chồng này được xét là vẫn có cái nhìn đủ đúng đắn về hôn nhân, dựa vào quyền của thân xác và sự vâng phục của người vợ. Tuy nhiên với cái nhìn mới về nghĩa vụ yêu thương trao ban cho nhau của hôn nhân, thì rõ là người chồng này đã thiếu sự phán đoán về quyền lợi và nghĩa vụ trao ban cho nhau trong hôn nhân.

2.2.2. Bổn phận và nghĩa vụ hôn nhân

Những quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân phải quy về ba điều "tốt" (bonum) hay ba thiện ích của hôn nhân, khởi xướng bởi thánh Augustino, được đưa vào giáo thuyết hôn nhân của Giáo Hội:
- Bonum prolis: thiện ích con cái, bao gồm sự sinh sản và giáo dục con cái.
Người không lo giáo dục con cái, hành hạ chúng, lợi dụng con cái, bắt buộc con cái phải lao động vất vả để hưởng lợi... biểu hiện một người thiếu óc phán đoán về thiện ích con cái.
- Bonum fidei: thiện ích chung thủy một vợ một chồng.
Người cho mình có quyền quan hệ tình dục với người khác ngoài vợ chồng mình biểu hiện thiếu óc phán đoán về lòng chung thủy.
- Bonum sacramentum: thiện ích bí tích, dấu hiệu của sự thánh thiện và bất khả phân ly (dấu hiệu của sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh).
Người cho mình có quyền ly dị biểu hiện thiếu óc phán đoán về lòng sự bất khả phân ly hôn nhân.
Giáo Luật, dựa theo giáo thuyết Công Đồng Vaticano II, đã thêm bonum coniugum và đặt nó như một yếu tố chính yếu của hôn nhân:
- Bonum coniugum: thiện ích vợ chồng (đ. 1055)
Sự không tạo nên thiện ích vợ chồng được thể hiện qua các hành vi: quá ích kỷ không thể trao ban cho người khác, quá lệ thuộc vào bản năng hưởng thụ: ăn chơi, bài bạc, rượu chè, đánh đập vợ con... Những hành vi này có nguyên do từ sự thiếu óc phán đoán về quyền lợi và nghĩa vụ hôn nhân.

2.2.3. Trao banlãnh nhận nhau

Giáo luật không chỉ nói về quyền lợi và nghĩa vụ hôn nhân một cách chung chung mà có ý xác định đặc điểm cốt yếu của chúng là sự "trao ban và lãnh nhận nhau" (mutuo tradenda et acceptanda).
"Trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân" được coi như là điểm nồng cốt để tạo nên các sự thiện ích hôn nhân nói ở phần trên.
Vị thẩm phán sẽ phải đặt nghi vấn: Người này có khả năng phán đoán để có thể trao ban cho nhau không?
Người quá ích kỷ như trong trường hợp rối loạn nhân cách ái kỷ, người quá lệ thuộc vào bản năng hưởng thụ: ăn chơi, bài bạc, rượu chè, đánh đập vợ con... biểu hiện sự thiếu óc phán đoán về sự trao ban cho nhau.
 Luật gia L.G. Wrenn nêu ra một số điểm cần thiết để có thể phán đoán đúng đắn về quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của việc trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân:[12]
a- Là người đáng được tin tưởng, nghĩa là, sống làm sao để cho người kia biết rõ được căn tính của mình, là tự tỏ lộ ra những gì cần thiết cho đời sống vợ chồng, không giấu giếm lẫn nhau.
b- Tôn trọng người phối ngẫu như một nhân vị khác, nghĩa là, tôn trọng người phối ngẫu như là một người với những phẩm giá, quyền lợi, sự độc lập tự do của người ấy.
c- San sẻ tình yêu thương lẫn nhau
Nếu một người không có khả năng san sẻ tình yêu thương, người ấy không thể chu toàn được những nhiệm vụ hôn nhân.

2.3. Một số tiêu chuẩn xác nhận về sự thiếu khả năng phán đoán

2.3.1. Khiếm khuyết về hiểu biết và tự do lựa chọn

Thẩm phán Cormac Burke, trong chiều hướng ngược lại, lưu ý rằng không có sự vô hiệu trong hôn nhân nếu khả năng trí tuệ, ý chí và/hoặc phê phán của chủ thể không bị suy yếu bởi bất kỳ điều bất thường nghiêm trọng nào, và do đó mà chủ thể không bị mất khả năng nghiêm trọng từ sự hiểu biết và/hoặc đánh giá cao, giả định và/hoặc quan sát các yếu tố cấu thành của hôn nhân (x. Coram Burke, 14-3-1996, n.4-5).  
Burke cũng nhấn mạnh một cách rõ ràng rằng, không phải bất kỳ mức độ suy nghĩ hay hành vi mất cân bằng nào, không phải là bất kỳ loại thiếu trưởng thành nào trong hành động và/hoặc phản ứng của chủ thể có thể lầm mất khả khả năng kết hôn của anh ta. Sự bất thường của chủ thể phải khiến người ấy trở nên khiếm khuyết trong việc hiểu biết và tự do lựa chọn hôn nhân, hoặc trong việc thực sự đảm nhận và thực sự sống cuộc sống hôn nhân (x. Coram Burke, 14-3-1996, n. 6).
 Sự vô hiệu của hôn nhân vì lý do không có khả năng ưng thuận cũng phải liên hệ với các quyền lợi và nghĩa vụ của hôn nhân. Cần phải cụ thể và rõ ràng là những quyền và/hoặc nghĩa vụ nào được chứng minh vượt quá khả năng của người ấy, nghĩa là, đặc biệt liên hệ đến ba thiện ích (tria bona) hôn nhân, được chỉ ra bởi Thánh Augustinô, để được đánh giá là không có khả năng.
Sự thẩm cứu của tòa án cần xem xét:
a- Lịch sử cá nhân, bao gồm cả tình trạng trí tuệ;
b- Các sự kiện hôn nhân biểu lộ dấu hiệu thiếu trưởng thành hoặc bất kỳ sự bất thường nào của chủ thể, trước và sau kết hôn;
c- Tính khí và cư xử chủ thể liên quan đến quyền và nghĩa vụ thiết yếu của hôn nhân. (x. Coram Burke, 14-3-1996, n. 6, 8, 9, 10).

2.3.2. Nghiêm trọng hay sự thích đáng

Sự thiếu khả năng phán đoán phải ở mức nghiêm trọng mới đủ để xác định sự kết hôn vô hiệu. Tuy nhiên, phải dựa vào đâu để xác định để là đủ nghiêm trọng?
Các luật gia thấy rằng khả năng phán đoán phải thích đáng hay tỷ lệ với nghĩa vụ và quyền lợi của sự trao ban cho nhau trong hôn nhân. Mặc dù điều 1095,20 không dùng bổ túc từ “thích đáng” hay “cần thiết” (due), nhưng các án lý học Rota vẫn thường dùng cho cụm từ “khả năng phán đoán thích đáng” (due discretion of judgment).[13]
Nó phải “thích đáng” do chính bản chất của kết ước hôn nhân, là phải chu toàn bổn phận trao ban và đón nhận cho nhau chính bản thân mình suốt cả đời. Kết ước hôn nhân, vì vậy, thì rõ ràng cần sự tự do, một sự cân nhắc chín chắn hơn rất nhiều so với một kết ước chỉ thực hiện trong một thời gian thời hay không quan trọng nào khác.[14]
Vì vậy, khả năng nhận thức hay nhận biết (cognostive faculty) giúp người ta hiểu biết được các sự việc, thì vẫn không đủ thích đáng. Ở đây cần sự phán đoán cao hơn, là biết suy xét, đánh giá và từ đó đi đến một sự thẩm định để thực hiện trong cuộc sống (x. Quyết định của Felici, 3-12-1957; bản án của Lama, 21-10-1959).[15]

2.3.3. Thiếu khả năng phán đoán lúc kết hôn

Sự thiếu phán đoán phải được chứng tỏ là xảy ra, hoặc ít là đã có dưới dạng mầm mống của bệnh hay bất thường tâm trí vào thời gian kết hôn.
Điều khó khăn là hầu hết sự thiếu khả năng phán đoán thường được biểu lộ ra sau khi kết hôn, một thời gian ngắn và ngay cả lâu dài sau kết hôn. Ví dụ, có những trường hợp bệnh đồng tính hoặc những bệnh rối loạn tâm trí chỉ biểu lộ rõ ra sau kết hôn năm hay mười năm.
Sự thiếu khả năng bộc lộ ra, nếu lâu dài sau kết hôn, cần được chứng tỏ là đã có mầm mống bệnh từ trước khi kết hôn. Những biểu hiện khác thường tâm trí hay bệnh tật dù nhẹ, cũng có thể giúp thẩm phán khẳng định chủ thể đã thiếu khả năng ưng thuận kết hôn.

2.4. Những nguyên nhân thiếu phán đoán

Có thể kể ra ba nguyên nhân chính yếu gây nên sự thiếu khả năng phán đoán về quyền lợi và nghĩa vụ trao ban cho nhau trong hôn nhân: a- Bệnh tâm trí, b- Tâm trí bị chi phối bởi hoàn cảnh, c- Thiếu vắng hiểu biết cần thiết về hôn nhân. Trong cả ba nguyên nhân này, chủ thể không đủ tự do nội tại do không làm chủ được sự suy nghĩ và ước muốn của mình, để quyết định kết hôn hoặc để có sự phán đoán đúng đắn về nghĩa vụ trao ban cho nhau.

2.4.1. Những bệnh hay bất thường về tâm trí

Đây là trường hợp thường được xét đến nhiều nhất trong các phán quyết vô hiệu hôn nhân do thiếu khả năng theo quy tắc của điều 1095. Khả năng suy xét đánh giá và ước muốn của những người bệnh hay bất thường bị suy yếu, đến nỗi không thể làm nên sự ưng thuận kết hôn hữu hiệu. Nhiều thể loại bệnh tâm trí đã được khoa tâm lý học nghiên cứu, một số cũng đáng được lưu ý, có thể giúp xác định sự thiếu khả năng phán đoán về hôn nhân.

2.4.2. Những nguyên nhân thuộc hoàn cảnh

Môi trường hay hoàn cảnh cũng được kể là một nguyên nhân của sự thiếu phán đoán cho quyết định kết hôn hay không. Ví dụ, một cô gái lỡ mang thai, không đủ bình tĩnh để suy xét, quyết định kết hôn.
 Trong trường hợp do hoàn cảnh, sự thiếu khả năng phán đoán có thể chỉ xảy ra tạm thời, do nguyên nhân nhất thời hay trong thời gian ngắn, được giảm nhẹ hoặc ngưng hoàn toàn sau thời gian đó. Nó hiện hữu và hoạt động vào thời gian ưng thuận là đủ để kết luận, không cần những dấu hiệu của nó ở tương lai, trong đời sống hôn nhân (x. Coram Burke, 24-10-1994, n.4).
Cormac Burke cho rằng sự thiếu khả năng phải là nghiêm trọng và thấy rõ nguyên nhân của nó thì mới đủ kết luận hôn nhân vô hiệu. Nguyên nhân đó có thể là do hoàn cảnh.
Trong thực hành, một quyết định xác nhận vô hiệu trong trường hợp viện lẽ không có khả năng ưng thuận dường như không đúng trừ khi người ta có thể cho thấy sự không có khả năng có gốc rễ hay nguyên nhân trầm trọng (có thể là cơ cấu hoặc di truyền, có thể là hoàn cảnh) đánh vào sự lượng giá hoặc khả năng chọn lựa về hôn nhân (Coram Burke, 24-10-1994, n.2).
Monier, thẩm phán khác của Tòa Rota, cũng cho thấy sự thiếu khả năng phán đoán về hôn nhân không đòi hỏi sự tồn tại của bệnh tâm thần theo nghĩa hẹp và đúng đắn của nó, nhưng có thể bị gây ra đơn giản bởi những thúc đẩy của cảm xúc bất thường (abnormal emotional impulses) (x. Coram Monier, 21-6-1996, n.5).
Những xung động cảm xúc bất thường chế ngự bản thân, khiến chủ thể không đủ tự do nội tại để đánh giá đúng động cơ kết hôn, hoặc không thể đưa mình ra khỏi những những xung động của cảm xúc đó (x. Coram Ragni, 14-5-1996, n.8).
Nói một cách cụ thể hơn, những nhân tố thuộc hoàn cảnh hay tình huống, có thể tác động vào tâm trí một người, khiến họ bị hoang mang, lo âu, sợ sệt... khiến không thể có đủ tự do nội tại để đánh giá đúng động cơ kết hôn; hay không còn đủ bình tĩnh hay sáng suốt để làm một quyết định cho cả cuộc đời. Những trường hợp hoàn cảnh đó có thể kể như sau (x. Quyết định của coram Davino, 20-3-1985):[16]
- Kết hôn vội vã, thời gian tìm hiểu nhau quá ngắn ngủi. Ví dụ, người nữ lỡ có thai nên lo kết hôn sớm kẻo bị phát hiện “ăn cơm trước kẻng” và sợ bị phạt vạ.
- Kết hôn cho xong chuyện vì đã muộn màng. Ví dụ, người nữ đã luống tuổi, khi được người làm mai mối giới thiệu là ưng thuận ngay, chưa kịp tìm hiểu người chồng tương lai cho thấu đáo.
- Bị thúc ép kết hôn sớm do cha mẹ. Ví dụ, cha mẹ sắp đi định cư ở nước khác, ép con gái trẻ một mình ở lại nước nhà lấy chồng cho bảo đảm.
- Sợ bị thiên hạ chê cười, vì khuyết điểm riêng của mình hay vì cảnh ngộ nào đó kết hôn thiếu suy nghĩ;
- Muốn được giải thoát khỏi sự bất hạnh, gánh nặng trong gia đình, như một cô gái muốn thoát ra khỏi cảnh cha mình ngày ngày uống rượu say sưa chửi rủa, đánh đập mẹ con.
Những trường hợp kết hôn do hoàn cảnh xảy ra rất nhiều trong cuộc sống nhưng không phải tất cả đều khiến việc kết hôn vô hiệu. Trong mọi trường hợp, sự xác định hôn nhân vô hiệu do thiếu phán đoán, cần chứng tỏ nguyên nhân do hoàn cảnh đã gây một xung động mạnh mẽ làm chủ thể mất đi sự suy nghĩ cân nhắc đúng đắn, sự hiểu biết và tự do lựa chọn.

2.4.3. Những nguyên nhân thuộc văn hóa giáo dục

Án lý học của Tòa Rota luôn cho rằng một người sẽ kết hôn vô hiệu nếu (a)- không có đủ hiểu biết về đối tượng của sự ưng thuận hôn nhân, (b)- không đủ khả năng nhận thức phê phán tương thích với bản chất nghiêm trọng của hôn nhân (x. Coram Lopez-Illana, 17-1-1995, n.9; coram Ragni, 14-5-1996).
Sự thiếu hiểu biết hay không đủ khả năng nhận thức về hôn nhân có thể xuất phát từ văn hóa giáo dục. Trong trường hợp này, khả năng trí tuệ và ước muốn có thể là bình thường, không bị suy yếu bởi bệnh tâm trí hay hoàn cảnh tác động, nhưng chủ thể lại có thể:
(a) Không biết hoặc biết một cách sai lạc về ý nghĩa thực sự và nội dung khách quan của quyền và nghĩa vụ thiết yếu của hôn nhân;
(b) Không có đủ sự nhận thức, lượng giá đúng đắn và thích đáng về nghĩa vụ thiết yếu của hôn nhân.
Sự thiếu giáo dục cũng có thể khiến người này không có khả năng phán đoán, đánh giá đúng đắn về hôn nhân, như trường hợp một người trẻ lớn lên trong môi trường thiếu lành mạnh, đầy dẫy những tệ đoan. Những quan điểm, thái độ cư xử, cá tính... có thể xấu đến mức độ họ không thể có được một lượng giá đúng đắn và thực hiện được hiện được nghĩa vụ quyền lợi thiết yếu của sự trao ban cho nhau trong hôn nhân. Thẩm phán Monier cho rằng sự hiểu biết đúng đắn có thể bị hủy hoại nghiêm trọng hoặc bởi thói quen hoặc bởi những xung động đam mê (x. Coram Monier, 21-6 -1996).
Một triết thuyết, truyền thống hay quan điểm về hôn nhân của một số nền văn hóa có thể trái nghịch với giáo thuyết Công giáo, Có thể kể những ý tưởng đó là: không coi hôn nhân như một sự hiệp thông thân mật của cuộc sống và tình yêu suốt đời (x. GS 48); không chung thủy, bất khả phân ly, không hướng đến thiện ích hôn nhân và thiện ích con cái.
Đã có một tiên kiến về hôn nhân từ một nền văn hóa như vậy, có thể khiến một người chủ trương bất bình đẳng nam nữ, không tôn trọng người phối ngẫu, xem vợ hay chồng như người giúp việc hay phục vụ, giúp thỏa mãn nhục dục, hay coi mình có quyền hành hạ đánh đập vợ con.

2.5. Những trường hợp phủ nhận vô hiệu hôn nhân

          Những trường hợp hôn nhân tan vỡ có thể từ những nguyên nhân khác chứ không do sự thiếu phán đoán nghiêm trọng về những nghĩa vụ chính yếu về hôn nhân. Có thể kể một số trường hợp dưới đây.

2.5.1. Không phải là những khó khăn

Thẩm phán cần phải phân biệt, kết ước hôn nhân sẽ không vô hiệu nếu sự tan vỡ phát sinh từ những khó khăn; sẽ vô hiệu khi có sự khiếm khuyết nghiêm trọng khả năng cá nhân trong sự hiểu biết và/hoặc ước muốn khi kết hôn.
Các cuộc hôn nhân thất bại có thể vì những lý do khác nhau, trong đó có thể chỉ do những khó khăn của cuộc sống. Đó có thể kể là do: chủ nghĩa vị kỷ và ích kỷ, khó tính, ít hiểu biết, từ chối tha thứ, chủ nghĩa duy vật và/hoặc chủ nghĩa khoái lạc, và tương tự.
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong diễn từ với Tòa Rota năm 1987 đã chỉ dẫn:
Họ có thể đã bỏ bê hoặc sử dụng xấu các phương tiện, cả tự nhiên và siêu nhiên, theo ý của họ; hoặc họ có thể đã không chấp nhận những hạn chế và khó khăn không thể tránh khỏi của đời sống hôn nhân, hoặc vì những cản trở của bản tính vô ý hoặc vì những xáo trộn bệnh lý nhẹ, mà căn bản là vẫn giữ tự do của con người còn nguyên vẹn, hoặc cuối cùng là do thất bại về trật tự đạo đức. Giả thuyết về sự thiếu khả năng thực sự chỉ được xem xét khi có sự bất thường về bản chất nghiêm trọng, có thể được xác định, nhưng phải thực sự làm khiếm khuyết khả năng cá nhân để hiểu và/hoặc để muốn.

2.5.2. Thiếu chuẩn bị

Sự thiếu chuẩn bị cho việc kết hôn, vì dụ không được hướng dẫn đầy đủ về các quyền và nghĩa vụ vốn có và lâu dài trong hôn nhân, không đủ để kết luận là một người thiếu sự phán đoán kết hôn. Sự thiếu hướng dẫn không làm cho đôi bạn bị khiếm khuyết trong tự do quyết định kết hôn hoặc làm cho hôn nhân của họ bất thành.
Những khủng hoảng xảy ra khiến hôn nhân bị tan vỡ, trong trường hợp do thiếu sự hướng dẫn, hay chuẩn bị, không chứng tỏ được sự xáo trộn hay bất thường trong tâm trí họ khi cử hành kết hôn.

3. Vụ án về thiếu phán đoán

Một số vụ án Tòa Rota liên quan đến vấn đề thiếu khả năng kết hôn, theo điều 1095, đáng được ghi nhận tóm tắt dưới đây.

3.1. Thiếu phán đoán do sử dụng chất

Coram Rogers, 27-06-1972; Bogota, Colombia[17]
Người phụ nữ nguyên đơn khai rằng ngay trước đám cưới, cô đã uống phenobarbital. Cô đã dùng thuốc này để trị nhức đầu, bảy ngày trước khi đám cưới. Các nhân chứng xác nhận rằng cô đã chịu ảnh hưởng của thuốc phenobarbital. Bản án Tòa Rota xác nhận rằng các loại thuốc đó, như rượu, morphin, v.v., có thể tước đi khả năng sử dụng trí khôn của một người để có thể ưng thuận kết hôn.

3.2. Hoang tưởng (Mediamistic)

Coram Bejan, 25-10-1972; Milan, Ý [18]
Người đàn ông nguyên đơn đã từ bỏ thực hành tôn giáo và đã quan tâm đến theosophy and spiritism . Vào thời gian trao đổi ưng thuận kết hôn, ông hy vọng là sẽ được làm cha của một Đấng Mêsia mới. Ông đã tham gia vào mediamistic suggestions và đã hoàn toàn dưới sự kiểm soát của các suggestions này. Khoa tâm thần học đã chẩn đoán ông bị tâm thần là rối loạn nhân cách hoang tưởng (paranoid personality disorder). Các thẩm phán đã kết luận rằng nguyên đơn đã không có sự tự do nội tại để ưng thuận hôn nhân theo như lời dạy của Giáo Hội.

3.3. Chứng cường dâm

Coram Serrano, 30-04-1974; Lyon, Pháp (Hypersexuality - satyriocation)[19]   
Thẩm phán Serrano đã tập hợp các nghiên cứu lâm sàng về tình trạng cường dâm, đồng tính luyến ái và thiếu trưởng thành tâm lý (hypersexuality, homosexuality and psychic immaturity). Ông phân biệt ảnh hưởng của những rối loạn tâm lý này liên quan đến vấn đề không có khả năng tự quyết định và đảm nhận nghĩa vụ thiết yếu của sự chung thủy. Sự bất thường của các xung động tình dục có thể khiến người bị ảnh hưởng bởi rối loạn có thể không có khả năng khơi gợi sự ưng thuận có chủ ý và thực hiện các nghĩa vụ thiết yếu. Người đàn ông bị đơn được chẩn đoán là mắc chứng cường dâm.

3.4. Chấn thương tình dục

Coram Ruad, 13-11-1979; Graz-Scckau, Áo[20]
Đây là một trường hợp về những ảnh hưởng của chấn thương tình dục (sexual trauma) trên ưng thuận hôn nhân. Bị đơn trong trường hợp này đã bị tấn công tình dục (cưỡng hiếp) trong năm trước khi gặp gỡ nguyên đơn và trước đây cô cũng đã phải chịu đựng ba kinh nghiệm khác tương tự. Trải nghiệm này đã khiến cô đau khổ và đau đớn. Tuy nhiên, cô chấp nhận tình yêu và cuối cùng kết hôn với nguyên đơn. Tuy nhiên, khi đứa con đầu lòng của họ ra đời, cô từ chối quan hệ tình dục và dần rút lui khỏi mối quan hệ vợ chồng.
Khi người nam nguyên đơn từ chối cho cô ly hôn, cô đã cố tự tử. Sau khi cô rời khỏi mối quan hệ vợ chồng và khăng khăng đòi ly hôn, chồng cô đã ly hôn. Sau đó, người chồng kiến nghị tòa án tuyên bố hôn nhân vô hiệu trên hai căn cứ: thiếu phán đoán nghiêm trọng và không đủ năng lực để đảm nhận các nghĩa vụ của hôn nhân. Quyết định sơ thẩm là Negative. Trong bản án Rota, thẩm phán Raad đã phân tích và kết luận cô không thiếu phán đoán nhưng thiếu khả năng đảm nhận nghĩa vụ hôn nhân. Nguyên nhân của thiếu khả năng này là chấn thương tình dục hoặc chứng loạn thần kinh của bản năng tình dục gây ra bởi hiếp dâm.

3.5. Đe dọa tự tử

Coram, Ewers 14-11-1981; Cagliari, Ý[21]                                  
Người nam nguyên đơn khiếu nại rằng người nữ bị đơn đã bằng lòng kết hôn do đe dọa tự tử của anh ta. Thẩm phán Ewers chỉ ra rằng nỗi sợ hãi do các mối đe dọa tự tử nói chung không làm mất hiệu lực sự ưng thuận vì nó phát sinh từ bên trong. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sợ hãi như vậy có thể thực sự là nghiêm trọng nếu có những tác hại xảy đến cho nạn nhân hoặc gia đình của mình, như mất tiếng tốt, sự tức giận và thù ghét giữa các gia đình... Do đó, mỗi trường hợp phải được điều tra đến các hoàn cảnh. Một số mối đe dọa tự tử chỉ là sự phản kháng của tình yêu không thể được coi là đủ nghiêm trọng để làm phát sinh sự sợ hãi gây tiêu hôn. Ewers giải thích nguyên tắc cơ bản áp dụng cho việc thiếu phán đoán và thiếu khả năng đảm nhận. Hai căn cứ này là khác biệt nhau. Một người không thể thiết lập một mối quan hệ lành mạnh giữa các cá nhân thì không có khả năng kết hôn. Ewers xác định mối quan hệ liên vị của hôn nhân là sự hiệp thông thân mật của cuộc sống, trong đó bao gồm các mối quan hệ tự hiến lẫn nhau của hai người. Khiếm khuyết tâm lý nghiêm trọng hoặc bệnh tâm thần mới có thể dẫn đến một sự thiếu khả năng. Vụ án này có kết luận Negative.

3.6. Lạm dụng thuốc chữa bệnh

Coram Ragni, 11-10-1982; Venice, Ý [22]                           
Vụ án này liên quan đến ảnh hưởng của rối loạn nhân cách và sử dụng (lạm dụng) thuốc theo toa (Surmontil, Valium, Nesal, Librium, v.v.) đối với sự ưng thuận hôn nhân. Yếu tố pháp lý của sự ưng thuận trong trường hợp này tập trung vào sự tự do nội tại để xác định khả năng của nó. Bị đơn được các chuyên gia chẩn đoán là mắc chứng rối loạn tâm thần và có thói quen sử dụng thuốc theo toa để giảm bớt lo lắng và các triệu chứng ám ảnh của cô. Cô đã sử dụng các loại thuốc trước khi cưới và tiếp tục sử dụng chúng sau khi kết hôn.

3.7. Lệ thuộc vào mẹ

Coram Serrano, 12-11-1982; Rome, Italy[23]
Đây trường hợp liên quan đến một người đã quá phụ thuộc vào mẹ mình từ thời thơ ấu cho đến suốt thời gian hôn nhân. Ngay trước khi kết hôn, anh đã bị chứng trầm cảm. Ông đã không có khả năng xác định bản thân mình một cách tự do nội tại để quyết định kết hôn.
 
[1] x. HÉCTOR FRANCESCHI, “L'incapacità relativa. Status quaestionis e prospettiva antropologico-giuridica”, trong AA.VV., Incapacity for Marriage Rome 1987, 122.
[2] x. Ibidem.
[3] x. Coram BRUNO, 18.05.1979, trong SRR. Dec., 71 (1988), 271.
[4] x. L.G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC, 1998 …, 25.
[5] x. Ibid.
[6] x. S. WORCHEL – W. SHEBILSUE, Tâm lý học. Nguyên lý và ứng dụng, Nxb. Lao động - Xã hội, (Người dịch: Trần Đức Hiển), 530-531.
[7] x. Luận án tiến sĩ của JAME PONCE, xuất bản tại Roma năm 2012: “ Lack of Internal Freedom on Matrimonial Consent. An Analysis of Rotal Jurisprudence and American Decisions”.
[8] x. AA. VV., L'immaturita psico-affettiva nella giurisprudenza della Rota romana, (Studi Giudici XXIII), Vaticano 1990.
[9] x. ANGELO AMATI, Maturità psico-affetiva e matrimonio, LEV, Città del Vaticano 2001, 71.
[10] x. Ibidem, 76.
[11] JOSH MIGUEL PINTO GOMEZ, "L’immaturita affettiva nella giurisprudenza rotale", trong P.A. BONNET - C. GULLO (a cura di), L'immaturita psico-affettiva nella giurisprudenza nella Rota romana, (Studi Giudici XXIII), Vaticano 1990, 56.
 
[12] x. L.G. WRENN, The Invalid Marriage …, 27-28.
[13] x. L.G. WRENN, The Invalid Marriage …, 26.
[14] x. L.G. WRENN,The Invalid Marriage …, 26; trích từ coram Sabattani, 24-2-1961 (53,118).
[15] x. L.G. WRENN, The Invalid Marriage …, 26.
[16] x. L.G. WRENN, The Invalid Marriage …, 28.
[17] x. A. MENDONCA, Rotal Anthology. An Annotated Index of Rotal Decisions from 1971 to 1988, Washington, DC 1992, 8.
[18] x. Ibidem, 9.
[19] x. Ibidem, 18.
[20] x. Ibidem, 46-47.
[21] x. Ibidem, 59.
[22] x. Ibidem, 60.
[23] x. Ibidem, 61.

Tác giả: JB Dũng Lm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay1,137
  • Tháng hiện tại44,247
  • Tổng lượt truy cập10,798,486
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi