THÒI GIAN VÀ CÁCH TÍNH THỜI GIAN THEO GIÁO LUẬT - Barnaba Trần Đình Phục

Chủ nhật - 05/06/2022 18:51
Thời gian và cách tính thời gian là một vấn đề không phải khó, nhưng vẫn còn nhiều người lúng túng do hoặc chưa nắm bắt được, hoặc lẫn lộn. Bởi lẽ, cách tính thời gian Giáo luật và thời gian thông thường khác nhau từ khởi điểm một sự kiện, liên tục hoặc gián đoạn. Thời gian ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của một Kitô hữu, cũng như giáo vụ được giao phó cho một giáo sĩ.
Do đó, luật đã quy định một thời gian để thủ đắc các quyền lợi hay nghĩa vụ, chấm dứt một giáo vụ, tuổi tác…
THỜI GIAN VÀ CÁCH TÍNH THỜI GIAN THEO GIÁO LUẬT
Lm. Barnaba Trần Đình Phục
Thời gian và cách tính thời gian là một vấn đề không phải khó, nhưng vẫn còn nhiều người lúng túng do hoặc chưa nắm bắt được, hoặc lẫn lộn. Bởi lẽ, cách tính thời gian Giáo luật và thời gian thông thường khác nhau từ khởi điểm một sự kiện, liên tục hoặc gián đoạn. Thời gian ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của một Kitô hữu, cũng như giáo vụ được giao phó cho một giáo sĩ.
Do đó, luật đã quy định một thời gian để thủ đắc các quyền lợi hay nghĩa vụ, chấm dứt một giáo vụ, tuổi tác…Vì vậy, những quy tắc chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây ấn định cách tính thời gian, để xóa tan những nghi ngờ, cũng như để duy trì một sự thống nhất hợp lý. Bộ Giáo Luật 1917 (BGL/17) xem ra khá phức tạp, nhưng ngược lại, Bộ Giáo Luật 1983 (BGL/83) đơn giản hơn về vấn đề này. Chúng ta sẽ tìm hiểu thế nào là thời gian trước khi đề cập đến cách tính thời gian, và giới hạn về tuổi theo Giáo luật hiện hành.

1. Khái niệm thời gian
Điều 200 - Trừ khi luật đã minh nhiên dự liệu cách khác, thời gian phải được tính chiếu theo quy tắc của các điều khoản sau đây:   
Điều 201 - §1. Thời gian liên tục được hiểu là thời gian không bị gián đoạn.
§2. Thời gian hữu dụng được hiểu là thời gian dành cho một người để thi hành hoặc để đòi được hưởng quyền của mình, đến nỗi thời gian ấy không qua đi đối với những người không biết hoặc không thể hành động được.
Điều 200 của BGL/83 ấn định nguyên tắc chung, lập lại đ.31 của BGL/17, nhưng không đề cập đến thời gian theo luật phụng vụ. Còn điều 201 của BGL/83 đề cập đến thời gian liên tục[1] và thời gian hữu dụng hoặc thời gian hữu ích[2]. Thời gian liên tục là cách thông thường để tính thời gian trôi qua cách liên tục, không bị gián đoạn, hay nói cách khác, thời gian liên tục là thời gian không chịu một sự gián đoạn nào. Chẳng hạn, tuổi từ khi sinh ra đến 7 tuổi là thời gian liên tục. Kiêng thịt là thời gian liên tục suốt 24 tiếng đồng hồ. Khấn tạm 5 năm là thời gian liên tục suốt liền 5 năm. 6 tháng từ khi chịu chức Phó tế đến khi chịu chức Linh mục là thời gian liên tục trong suốt 6 tháng.
Chúng ta cần phân biệt rằng khi nói thời gian liên tục là thời gian không bị gián đoạn khác với không chịu gián đoạn vì thời gian không liên tục có thể bị gián đoạn mà cũng có thể không bị gián đoạn. Ví dụ, một Cha Quản xứ, mỗi năm được nghỉ 1 tháng, đó là thời gian không liên tục vì Cha Quản xứ có thể nghỉ liên tục 1 tháng[3] hay chia làm nhiều lần vẫn không cản trở gì[4].
Thời gian hữu dụng[5] đôi khi được gọi là thời gian được sử dụng, là khoảng thời gian theo luật để bảo vệ quyền lợi của một người, và luôn được tính từ lúc khởi đầu một sự kiện, nhờ đó một người có thể thủ đắc quyền lợi hoàn toàn, chẳng hạn một giáo vụ, hoặc để bảo vệ quyền lợi trong trường hợp người đó đã bị bất công do một án văn hay một sắc lệnh hành chánh. Nếu người ấy không hay biết về quyền này hoặc bất khả để theo đuổi quyền lợi này, thì thời gian hữu ích sẽ không được tính hay bị ngưng lại. Tắt một lời, thời gian hữu dụng là thời gian cho một người nào đó sử dụng quyền của mình mà nếu họ không biết hay không hành xử được thì không tính.
Do đó, trong luật, có rất nhiều ví dụ về thời gian hữu ích giúp chúng ta hiểu vấn đề này. Chẳng hạn, Tòa án hôn phối một khi đã phán quyết xong một vụ án, cho bị cáo 15 ngày để kháng án. Nếu Tòa xử vào ngày thứ 4, và thứ 7 mới có giấy thì từ thứ 4 đến thứ 7 không tính, hoặc trong vòng 15 ngày có những ngày Chúa nhật hay ngày nào đó Tòa nghỉ việc và bị cáo không thể kháng cáo được, thì cũng sẽ không được tính trong số 15 ngày kháng cáo.
Một ví dụ khác, một người được bầu vào một giáo vụ, luật cho người ấy thời gian hữu ích là 8 ngày để thông báo cho nhà chức trách rằng họ chấp nhận hay khước từ việc bầu cử. Nếu người ấy không hay biết về việc thông báo này hay bất khả để thông báo hợp luật, thì khoảng thời gian hữu ích này sẽ không được tính hay bị tạm ngưng[6]. Thời gian hữu ích cũng được quy định để chống lại một án văn tư pháp hay để thượng cầu chống lại một sắc lệnh hành chánh[7].
Một ví dụ khác nữa, Tòa Giám mục trống ngôi[8] thì phải bầu Giám quản trong vòng 8 ngày, nhưng nếu trong thời gian đó có bão, lụt lội, hoặc dịch COVID-19 không đến hội họp được thì không tính những ngày đó. Do đó, thời gian hữu dụng phải hiểu theo Giáo luật chứ không theo cách tính thời gian thông thường.
 
2. Cách tính thời gian
Điều 202 - §1. Trong luật, ngày được hiểu là khoảng cách 24 giờ được tính cách liên tục và bắt đầu từ nửa đêm, trừ khi luật đã minh nhiên dự liệu cách khác; tuần là khoảng cách 7 ngày; tháng là khoảng cách 30 ngày và năm là khoảng cách 365 ngày, trừ khi nói rằng tháng và năm phải tính như trong lịch.
§2. Phải tính tháng và năm như trong lịch, nếu là thời gian liên tục.
Hai điều luật 202 và 203 nói về cách tính thời gian của ngày, tuần, tháng, năm, lấy theo giờ địa phương. Theo lịch, chúng ta có 1 tháng là 30 ngày, có tháng 31 ngày và tháng 2 chỉ có 28 ngày. Một năm thì có 365 ngày, nếu năm nào nhuận thì có thêm 1 ngày nữa. Theo Giáo luật, ngày tháng năm được tính như sau: 1 ngày thì có 24 tiếng đồng hồ, 1 tuần thì có 7 ngày, 1 tháng thì có 30 ngày và 1 năm thì có 365 ngày.
Điều 203 - §1. Ngày khởi hạn không được tính vào thời hạn, trừ khi lúc bắt đầu của thời hạn ấy trùng với lúc bắt đầu của ngày, hoặc trừ khi luật đã minh nhiên dự liệu cách khác.
§2. Nếu luật không ấn định ngược lại, ngày đáo hạn được tính vào thời hạn, nếu thời gian gồm một hay nhiều tháng hoặc năm, một hay nhiều tuần, thì thời hạn chấm dứt vào cuối ngày sau cùng mang cùng một số, hoặc nếu tháng ấy không có ngày mang cùng một số, thì thời hạn chấm dứt vào cuối ngày cuối tháng. 
Nội dung điều 203 của BGL/83 xem ra xa lạ với cách xác định thời hạn trôi qua từ một lúc đặc biệt, chẳng hạn, từ lúc sinh ra đến lúc chịu chức thánh, chúng ta sẽ tìm cách giải thích cụ thể. Thật vậy, BGL/17 chấp nhận cách tính thời hạn theo truyền thống Giáo luật vốn chịu ảnh hưởng luật Rôma và cách thực hành của luật dân sự vào thời bấy giờ. Điều luật này vận dụng cách tính của Giáo luật cũ. Thời gian quy ước tiếp theo một biến cố đã xảy ra được hiểu là bắt đầu từ nửa đêm của ngày kế tiếp. Không tính ngày xảy ra sự cố.
Vì vậy, một người được kể là tròn 18 tuổi tính từ hôm sau ngày sinh nhật thứ mười tám của mình, hay một người được 75 tuổi trọn được tính từ hôm sau ngày sinh nhật thứ 75 của mình, chính xác là từ lúc bắt đầu nửa đêm của ngày kế tiếp ngày sinh nhật. Trong khi luật dân sự kể một người tròn 18 tuổi vào đúng ngày sinh nhật của mình, thì Giáo luật lại kể người ấy đạt tuổi trưởng thành kể từ ngày hôm sau. Theo Giáo luật, một người không thể chịu chức Linh mục vào đúng ngày sinh nhật thứ hai mươi lăm của mình, nhưng là sau đó một ngày[9]. Một thiếu nữ chỉ có thể kết hôn thành sự kể từ hôm sau ngày sinh nhật thứ mười bốn của cô[10]. Một tập sinh chỉ có thể tuyên khấn lần đầu hữu hiệu sau một năm tròn được nhận vào tập viện[11].
Nói cách nôm na rằng ngày khởi không tính trong thời gian, chẳng hạn ngày sinh, ngày khấn… Còn ngày đi du lịch, hay đi nghỉ thì tính dù không trùng lúc nữa đêm. Ví dụ, sinh ngày 01/02/2022 thì 04/02/2022 mới tính 3 ngày, còn đi chơi, đi nghỉ thì tính 4 ngày. Nếu có nhiều năm, nhiều tháng, nhiều tuần thì ngày cuối cùng mang số như ngày khởi và hết trọn ngày đó mới hết thời hạn, ví dụ, khấn tạm một năm. Sinh ra ngày 20/02/2021 thì khi qua hết 12 giờ đêm 20/02/2022 mới tính được 1 tuổi[12]. Khấn tạm 1 năm trọn[13] = khấn 12 tháng (tùy theo năm). Nếu khấn tạm 1 tháng mà trúng tháng thiếu ngày cùng số, ta lấy trọn ngày cuối cùng của tháng thiếu đó.
Liên quan đến luật buộc, khi làm xong điều luật buộc kể như hết buộc. Ví dụ, buộc dự lễ ngày Chúa Nhật, khi tham dự Thánh Lễ xong là hết buộc dự lễ ngày đó. Còn về luật cấm, chúng ta phải liên tục và không chấp nhận một sự gián đoạn nào cả. Ví dụ, giữ luật kiêng thịt thì trong suốt 24 giờ của ngày, từ 0 giờ đến ngày hôm sau, buộc phải giữ liên tục vấn đề kiêng thịt.

3. Giới hạn về tuổi theo Giáo luật
Bộ Giáo luật 1983 ấn định giới hạn về tuổi khi thi hành quyền lợi và một số giáo vụ:
Tuổi Quyền lợi và nghĩa vụ Điều luật
7 Buộc giữ luật Hội Thánh đ.11
14 Phải kiêng thịt đ.1252
14 (nữ) Kết hôn đ.1083, §1
16 (nam)
16 Làm cha mẹ đỡ đầu rửa tội, thêm sức đ.874, §2; 893, §1
16 Có trách nhiệm hình sự đ.1323, 1°
17 Vào tập viện đ.643, §1, 1°
18-60 Phải giữ chay đ.1252
21 Khấn trọn đời đ.658,1°
23 Lãnh nhận chức Phó tế đ.1031, §1
25 Lãnh nhận chức Phó tế vĩnh viễn độc thân đ.1031, §2
25 Thụ phong Linh mục đ.1031, §1
30 Làm Tổng Đại diện hay Đại diện Giám mục đ.478, §1
30 Làm Đại diện tư pháp đ.1420, §4
35 Lãnh chức Phó tế vĩnh viễn đã kết hôn đ.1031, §2
35 Làm Giám quản Giáo phận đ.378, §1, 3°
35 Làm Giám mục đ.378, §1, 3°
75 Cha sở nộp đơn từ nhiệm lên Giám mục Giáo phận đ.538, §3
75 Giám mục Giáo phận nộp đơn từ nhiệm lên Đức Giáo Hoàng đ.401, §1
75 Hồng y Giáo triều Rôma nộp đơn từ nhiệm đ.354
80 Hết quyền bầu Giáo Hoàng Const.ap. Romano Pontifici eligendo, số 33

Tài liệu tham khảo:
BỘ GIÁO LUẬT 1983, Bản dịch của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2016.
CODE DE DROIT CANONIQUE ANNOTE, Traduction et adaptation françaises des commentaires de l’Université pontificale de Salamanque, publié sous la direction du Professeur Lamberto de ECHEVERRIA (+), Edition Tardy, 1989.
CODE DE DROIT CANONIQUE, Bilingue et Annoté, 3e édition corrigée et mise à jour, Deuxième tirage révisé, Wilson & Lafleur, 2009.
CODE OF CANON LAW, Latin-English Edition, Canon Law of America,  Washington, D.C, 20064, 1995.
Giáo luật về nguyên tắc tổng quát, Chú giải quyển I của Bộ Giáo Luật 1983 (cc.1-203).
KY-ZERBO Alphonse Bonaventure, Normes générales: La loi, l’office ecclésiastique, Université de Strasbourg, 2014.
New Commentary on the CODE OF CANON LAW, Commissioned by The Canon Law Society of America, Edited by JOHN P. BEAL, JAMES A. CORIDEN, THOMES J.CREEN, Study Edition, PAULIST PRESS New York, 2000.
PARALIEU Roger, Guide Pratique du Code de Droit Canonique, Notes Pastorales, Edition Tardy, 1985.
 
[1] Tempus continuum.
[2] Tempus utile.
[3] Không bị gián đoạn.
[4] Bị gián đoạn.
[5] Tempus utile.
[6] Cf. BGL/83, đ.179 §1; 182 §1; 182 §2.
[7] Cf. BGL/83, đ.1630 §1; 1734 §2.
[8] Cf. BGL/83, đ.421 §1.
[9] Cf. BGL/83, đ.1031 §1.
[10] Cf. BGL/83, đ.1083 §1.
[11] Cf. BGL/83, đ.648 §1; 656, 2°.
[12] Điều này cần thiết cho việc điều tra tuổi khi làm phép hôn phối.
[13] Đủ 356 ngày.

Tác giả: JB Dũng Lm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập22
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay3,199
  • Tháng hiện tại58,258
  • Tổng lượt truy cập10,812,497
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi