MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ BỔNG LỄ VÀ Ý LỄ

Thứ năm - 07/03/2024 21:51
Vấn đề bổng lễ và ý lễ, tuy đã được áp dụng và giải thích từ lâu, đôi khi vẫn còn những điều chưa được thông suốt, còn gây bối rối. Bài này ghi lại những quy định của Giáo Hội về bổng lễ với những chú giải cần thiết.

MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ BỔNG LỄ VÀ Ý LỄ

Lm. JB. Lê Ngọc Dũng
 
A- BỐI CẢNH LỊCH SỬ, CÂN NHẮC THẦN HỌC
Phong tục nhận lễ vật trong Thánh lễ nảy sinh ở Giáo hội Tây phương. Vào thời Giáo hội sơ khai, tín hữu gởi đến cộng đoàn đặc biệt là bánh và rượu dùng trong Thánh lễ Chúa nhật, phần dư sẽ được trao cho các thừa tác viên của Giáo hội và phân phát cho người nghèo. Đến thế kỷ thứ bảy hoặc thứ tám, tiền được thường dùng như lễ vật và mục đích là để hỗ trợ cho các giáo sĩ. Đến thời Carolingian, điều này phát triển và tạo nên tập quán linh mục chấp nhận một khoản quyên góp duy nhất, gọi là “bổng lễ”, cho mỗi Thánh lễ để cầu cho một ý chỉ đặc biệt. Tập quán này trở nên phổ biến rộng rãi từ thế kỷ thứ 7 đến 12.
Khi tham dự phụng vụ, giáo dân thường giữ im lặng, hầu hết không hiểu tiếng Latin, việc rước lễ rất hiếm. Vì vậy, họ dâng lễ vật để linh mục ghi nhớ ý chỉ của họ. Việc xin lễ đã trở thành một cách tham dự chặt chẽ hơn vào hoạt động phụng vụ của linh mục.
Các nhà thần học kinh viện thời Trung cổ đã cố gắng cách đưa ra một lý thuyết về “ba tầng lớp hoa quả của Thánh lễ”, trong đó linh mục áp dụng “lợi ích đặc biệt” cho ý chỉ của người dâng bổng lễ, nhưng lý thuyết này không được Giáo hội chính thức chấp nhận. Công đồng Constance năm 1415 và Giáo hoàng Piô VI năm 1794 đã tán thành việc thực hành trả lương hay thù lao trong Thánh lễ, chống lại những đối thủ phản đối trên cơ sở thần học và cáo buộc đó là mại thánh.[1]
Giáo huấn của Công đồng Trentô về bản chất hy tế của Thánh lễ, xác định hệ thống những bổng lễ và ý chỉ của chúng, nhấn mạnh rằng Thánh lễ là một sự cử hành và tưởng nhớ không đổ máu về sự hy sinh của Chúa Kitô trên thập giá. Qua Bí tích Thánh Thể, các Kitô hữu ở mọi thời đại có thể tham dự một cách bí tích vào hy lễ độc nhất của Chúa Kitô trên thập giá và ơn cứu chuộc. Công đồng Trentô dạy Thánh lễ có thể được “dâng cho kẻ sống và kẻ chết, cho tội nhân, cho người bị hình phạt, cho sự đền bù và những nhu cầu cần thiết khác.” Như vậy, Thánh lễ mang lại một cách nào đó sự tha tội, ân sủng cho cả người sống và người chết.
Trước đây “bổng lễ” được diễn tả bởi từ “stipendium” (stipend). Sau bộ luật 1917 Giáo hội nhận thấy “stipendium” có ý nghĩa như là tiền trợ cấp, thù lao, có tính chất trao đổi, thương mại. Do đó, trong Bộ luật mới 1983, Giáo hội dùng từ ngữ mới khác là “stips” có nghĩa là quà tặng, dâng tặng (offering). Từ mới “stips” biểu thị rõ ràng rằng nó được tín hữu cho tặng chủ yếu vì sự quan tâm của họ đối với Giáo hội và mong muốn hỗ trợ các nhu cầu vật chất của Giáo hội. Các lễ vật lớn có thể được hiểu là những món quà gửi đến Giáo hội hoặc các thừa tác viên của Giáo hội nhân danh một ý chỉ nào đó.
Giáo hội có nhắc lại ý nghĩa ấy trong Bộ luật mới 1983: “Các Kitô hữu khi dâng bổng lễ để tư tế áp dụng Thánh lễ theo ý chỉ của mình, họ góp phần vào lợi ích của Giáo hội, và bằng bổng lễ này, chia sẻ mối quan tâm của Giáo hội đến việc nâng đỡ các thừa tác viên và các hoạt động của Giáo hội” (đ. 946).

B. QUY ĐỊNH GIÁO LUẬT

1. Phải áp dụng từng Thánh lễ riêng biệt theo từng ý chỉ.

Đ. 948. Buộc phải áp dụng từng Thánh lễ riêng biệt theo từng ý chỉ của mỗi người mà bổng lễ của họ, dù nhỏ, được dâng và được chấp nhận.
 
Can. 948. Distinctae applicandae sunt Missae ad eorum intentiones pro quibus singulis stips, licet exigua, oblata et acceptata est.
 
Đây là khoản luật có tính kỷ luật phải áp dụng đúng, nên cần phân tích rõ các thuật ngữ.
 - “Áp dụng” Thánh lễ theo ý chỉ (intentionem Missam applicet).
 Trong ngôn ngữ thường dùng, chúng ta thường nói một cách nôm na: xin lễ, làm lễ / dâng lễ theo ý chỉ người xin. Để điễn đạt đúng đắn hơn, phù hợp với thần học về Thánh lễ, Giáo hội dùng cụm từ “áp dụng” Thánh lễ theo một ý chỉ (intentionem Missam applicet).
Khi vị tư tế cử hành Thánh lễ, ngài tiếp tục cử hành hy tế của Đức Kitô, phát sinh muôn vàn ân sủng cứu độ cho nhân loại. Có thể hiểu là, vị tư tế được phép “áp dụng” một phần nào ân sủng của Thánh lễ theo ý chỉ người xin.
- Phải áp dụng từng Thánh lễ riêng biệt theo từng ý chỉ.
Vì sự công bằng và tránh lạm dụng, Giáo hội buộc tư tế phải áp dụng từng Thánh lễ riêng biệt theo từng ý chỉ người xin, không được gộp nhiều ý chỉ lễ để áp dụng trong một Thánh Lễ.
Luật buộc này cần hiểu sát nghĩa các từ ngữ của nó. Cần xác định các ý niệm diễn tả của điều 948: một số tiền “stips” (bổng lễ), được “đưa cho” và được “chấp nhận” (oblata et acceptata, data e accettata, given and accpeted).
Vì vậy, nếu tín hữu: a- chỉ xin tư tế cầu nguyện theo ý chỉ nào đó mà không dâng một số tiền stips - bổng lễ, hoặc b- tư tế có chấp nhận cầu nguyện cho người đó, hoặc chỉ nhận cầu nguyện theo ý chỉ mà không nhận bổng lễ, thì cũng không đủ điều kiện cấu thành “ý chỉ lễ” hay “ý lễ” theo luật buộc của điều 984. Vì vậy, không buộc tư tế phải áp dụng từng Thánh lễ riêng biệt theo ý chỉ của tín hữu đó.
Tuy nhiên, Giáo luật có quy định Giám mục giáo phận, giám quản giáo phận và cha sở có nghĩa vụ áp dụng một Lễ cầu cho giáo dân (lễ Họ) vào những ngày được chỉ định (đ. 388; 429; 534). Khi cử hành những Thánh Lễ có ý cầu cho giáo dân, tuy tư tế không nhận bổng lễ, nhưng vẫn không được áp dụng thêm một ý lễ / bổng lễ vào Thánh lễ này[2], chỉ được áp dụng “ý lễ” vào một Thánh lễ khác mà ngài cử hành (celebra) trong cùng ngày.
Ngoài ra, luật buộc của điều 948 này cũng được nới rộng bởi Sắc lệnh Mos Iugiter, 1991, cho gộp lễ mỗi tuần hai lần.

2. Dựa theo mức bổng lễ khi không rõ số Lễ phải cử hành.

Đ. 950. Nếu một số tiền được dâng để xin áp dụng Thánh lễ mà không nói rõ số Lễ phải cử hành, thì phải xác định số Lễ này dựa theo mức bổng lễ đã được thiết lập (statute, stabilita) tại nơi người xin lễ ở, trừ khi ý của người xin lễ được suy đoán cách hợp pháp là không phải như thế.
Trong trường hợp người xin đưa cho tư tế khá nhiều bổng lễ nhưng không ghi rõ số lượng ý lễ, tư tế cần hỏi để biết chính xác số Thánh lễ cần phải dâng. Khi không hỏi được, cần áp dụng lễ dựa theo mức bổng lễ đã được thiết lập.
Mức bổng lễ, chỉ được ấn định hay thiết lập để có một mức chuẩn tương đối (cách riêng cho những người xin rất nhiều ý lễ với số tiền lớn), không có ý ấn định một cách chặc chẻ, kiểu như giá bổng lễ. Giáo hội cho phép nhận bổng lễ nhiều hơn hoặc ít hơn (đ. 945§2), và cũng không cho phép tư tế đòi hỏi hay ấn định mức bổng lễ (đ. 952§1).

3. Cử hành (celebra) nhiều Thánh lễ trong cùng một ngày, chỉ được hưởng một bổng lễ.

Điều 951§1. Tư tế, khi cử hành nhiều Thánh lễ trong cùng một ngày, có thể áp dụng mỗi lễ theo một ý chỉ vì đó mà bổng lễ đã được trao; tuy nhiên, trừ ngày lễ Giáng Sinh, tư tế phải giữ luật này là chỉ được hưởng bổng lễ của một Thánh lễ mà thôi và phải dành những bổng lễ khác cho những mục đích đã được Đấng Bản Quyền ấn định; nhưng được nhận một phần thù lao nào đó với danh nghĩa ngoại tại.
Tư tế cử hành (celebra) vài ba Thánh lễ mỗi ngày, có thể áp dụng mỗi Thánh lễ một ý lễ, nhưng chỉ được hưởng (faciat suam) một bổng lễ mà thôi. Các bổng lễ còn lại (binae, trinae) thì được sử dụng theo mục đích của Đấng quyền ấn định, ví dụ như đưa vào quỹ truyền giáo, góp phần đào tạo chủng sinh, cứu trợ bác ái xã hội…, hoặc gởi về Tòa Giám Mục để Bản quyền định đoạt việc sử dụng.
Các linh mục của hội dòng hay Tu đoàn đời sống Tông đồ giáo sĩ, luật giáo hoàng, gửi về cho Bề trên cấp cao, là Bản quyền riêng của họ. Tuy nhiên, nếu linh mục dòng hay tu đoàn đó được bổ nhiệm làm cha sở hay cha phó, dưới quyền Giám mục giáo phận, thì gửi về cho Bản quyền địa phương các bổng lễ khác mà họ nhận được từ giáo xứ.[3]

4. Tư tế đồng tế một Thánh lễ khác trong cùng một ngày, không được tiếp nhận bổng lễ để áp dụng Lễ.

Điều 951 §2. Tư tế đồng tế một Thánh lễ khác trong cùng một ngày, không thể tiếp nhận bổng lễ dưới bất cứ danh nghĩa nào.
 
Can. 951 §2. Sacerdos alteram Missam eadem die concelebrans, nullo titulo pro ea stipem recipere potest.
 
Bản dịch hiện hành dễ gây lầm lẫn:
Điều 951 §2. Tư tế đồng tế Thánh lễ thứ hai trong cùng một ngày, thì không thể nhận thêm một bổng lễ nữa dưới bất cứ danh nghĩa nào.
Để hiểu rõ, cần lưu ý phân biệt: triệt 2 của điều 951 quy định bổng lễ liên quan đến việc đồng tế (concebrare), khác với triệt 1 - quy định bổng lễ liên quan đến việc cử hành (celebrare) hay chủ tế (praesidere).
Nếu tư tế đồng tế (concelebra) Thánh lễ nào khác (alteram Missam) ngoài Thánh lễ mà mình cử hành trong cùng ngày, thì không được tiếp nhận (recipere) bổng lễ để áp dụng Thánh lễ mà mình đồng tế. Cụm từ “không thể tiếp nhận bổng lễ” có nghĩa là không thể nhận bổng lễ để áp dụng ý lễ.
Ở đây xin phân tích để xác định ý nghĩa của điều 951 triệt hai vốn đã gây lầm lẫn: không được tiếp nhận / chấp nhận bổng lễ để áp dụng ý lễ; chứ không là: được áp dụng ý lễ nhưng không được nhận (sở hữu) thêm tiền bổng lễ (như được diễn tả của bản dịch cũ: không được nhận thêm một bổng lễ nữa).
Động từ Latin “recipere (nhận, tiếp nhận, chấp nhận) ở triệt 2 này thì khác với động từ dùng ở triệt một là “faciat suam” (tenga per se (Ý), keep (Anh) được dịch Việt ngữ là “hưởng” hay “giữ cho mình”. Sự khác biệt động từ của hai triệt trong cùng một khoản luật cho thấy chúng không đồng nghĩa với nhau.
Do đó, không thể chọn dịch “recipere” ở triệt hai là “nhận” như là được “hưởng” hay “giữ cho mình” làm sở hữu như ở triệt một.
Xin diễn đạt lại như sau:
Đ. 951 §1: Khi cử hành (celebra) hay chủ tế (praeside) hai ba lễ… trong cùng ngày, tư tế có thể áp dụng mỗi Lễ cho từng ý lễ, nhưng chỉ được hưởng hay giữ cho mình (faciat suam: tenga per se, keep) một bổng lễ.
Đ. 951 §2: Khi đồng tế (concelebra) một Thánh lễ khác trong cùng ngày, tư tế không được tiếp nhận hay chấp nhận (recipere: percepire, accept) bổng lễ để áp dụng ý lễ.
Ngoài ra, cụm từ “Thánh lễ khác” (alteram Missam) cũng cần được xác định ý nghĩa. Alter có hai nghĩa thường dùng: khác, thứ hai. Trong điều 951§2 này, chữ alter có nghĩa là khác (Vd. Alter Christus: Kitô khác). “Thánh lễ khác” (Alteram Missam) giả thiết ít là có hai lễ trong ngày, bất kể đó là lễ thứ nhất hay lễ thứ hai: [4]   
- Nếu tư tế cử hành (celebra) Lễ thứ nhất và sau đó đồng tế (concelebra) ở Lễ thứ hai thì tư tế chỉ áp dụng ý lễ vào Thánh lễ thứ nhất mà mình cử hành, không được áp dụng ý lễ vào “Thánh lễ thứ hai” mà mình đồng tế.
- Nếu tư tế đồng tế (concelebra) Thánh lễ thứ nhất và sau đó cử hành (celebra) Thánh lễ thứ hai thì chỉ áp dụng ý lễ vào Thánh lễ thứ hai mà mình cử hành, không được áp dụng ý lễ vào “Thánh lễ thứ nhất” mà mình đồng tế.
- Nếu tư tế đồng tế (concelebra) cả hai Thánh lễ thì chỉ áp dụng một ý lễ vào một Thánh lễ nào tùy ý.
- Nếu tư tế cử hành hay chủ tế (celebra, praeside, đều có nghĩa là chủ lễ) cả hai Thánh lễ, là Lễ đồng tế hoặc không đồng tế, được tự do áp dụng ý lễ cả hai Thánh lễ, và phải dành một bổng lễ (binae) cho Bản Quyền, theo như quy định của triệt một điều 951.
- Nếu tư tế đã có áp dụng ý lễ vào Thánh lễ mà mình đồng tế thứ nhất như thường lệ, ví dụ như các cha ở Đại Chủng Viện, Tòa Giám mục đồng tế trong lễ sáng, nhưng sau đó, đột xuất phải dâng Thánh Lễ khác trong cùng ngày, thì vẫn được áp dụng ý lễ vào Thánh lễ thứ hai này[5]. Dĩ nhiên, theo luật, chỉ giữ cho mình một bổng lễ.
Nguồn gốc của quy định điều 951 triệt hai được thấy ở tuyên bố của Bộ Phụng Tự về đồng tế “In Celebratione Missae”, 7-8-1972:
Các linh mục cử hành Thánh lễ vì thiện ích của các tín hữu và đồng tế trong một Thánh lễ khác không được chấp nhận bổng lễ cho Thánh lễ được đồng tế đó.”
(Priests who celebrate Mass for the good of the faithful and who concelebrate at another Mass may on no account accept a stipend for the concelebrated Mass).[6]

5. Không được phép nhận bổng lễ mà mình không thể chu toàn trong vòng một năm.

Điều 953. Không ai được phép nhận bổng lễ để tự mình áp dụng lễ, nhiều đến nỗi không thể chu toàn trong vòng một năm.
Nếu không đáp ứng được yêu cầu của điều 953, “không thể chu toàn trong vòng một năm”, vị tư tế nên sớm chuyển lễ cho các tư tế khác (đ.955).
Ở các cơ sở như Đền Thánh, thiện quỹ… vào dịp cuối năm, nếu đã không chuyển lễ cho các tư tế khác (đ. 953) và liệu không chu toàn hết các ý lễ trong năm, thì phải chuyển ý lễ về cho Đấng Bản quyền (đ. 956).

6. Phải chuyển nguyên ý lễ và cần ghi sổ cẩn thận.

Điều 955 quy định về việc chuyển ý lễ:
- Được phép trao phó (commitere), giao hay chuyển ý lễ cho tư tế khác để áp dụng Lễ.
- Việc chuyển ý lễ càng sớm càng tốt, miễn là mình biết rõ các vị đó không chút hồ nghi (nhất là khi không thể chu toàn trong năm).
- Phải chuyển nguyên bổng lễ nhận được, trừ khi biết chắc chắn số tiền vượt quá con số được thiết lập trong Giáo Phận là cho cá nhân mình.
- Chỉ bắt đầu cử hành Thánh lễ từ ngày tư tế nhận được sự chuyển ý lễ, trừ khi đã thấy rõ cách khác.
-  Người chuyển ý lễ phải ghi ngay vào sổ cả số Thánh lễ đã nhận, lẫn số đã chuyển cho những người khác, cũng phải ghi luôn số tiền bổng lễ.
- Bất cứ tư tế nào cũng phải ghi cẩn thận những Thánh lễ mình đã nhận để cử hành cũng như những Thánh lễ mình đã chu toàn.

C- GỘP LỄ THEO SẮC LỆNH MOS IUGITER, 1991

Theo nguyên tắc Giáo luật, tư tế phải áp dụng từng Thánh lễ riêng cho từng ý lễ (đ. 948). Giáo hội quy định như vậy nhằm giữ sự công bằng đối với người xin lễ và tránh lạm dụng về phía vị dâng Lễ. Tuy nhiên, Giáo hội cũng nhận thấy, giáo dân cũng có tập tục đồng ý góp các bổng lễ chung với nhau và xin tư tế cầu nguyện theo ý chỉ của họ.
Sắc lệnh Mos iugiter obtinuit, 22-2-1991, của Bộ Giáo sĩ, dựa theo tập tục đó, đã quy định cho phép được gộp lễ như sau:
- Các người xin lễ phải được thông báo trước và rõ ràng, tự do cho phép kết hợp bổng lễ của mình với những người khác thành một bổng lễ chung (collective), áp dụng một Thánh lễ duy nhất được cử hành theo một ý chỉ chung duy nhất (x. Art. 2§1).
- Địa điểm và ngày giờ cử hành Thánh lễ này phải được công bố công khai cho mọi người biết và không được cử hành lễ gộp quá hai lần một tuần (x. Art. 2§2).
- Tư tế cử hành Thánh lễ này chỉ có thể hưởng một bổng lễ và phần còn lại phải chuyển cho các mục đích do Đấng Bản quyền ấn định. Tuy nhiên, tư tế đó cũng được nhận thêm một số tiền trợ giúp (elemosina) do Giáo phận quy định (x. Art. 3).
- Đối với Đền Thánh, nơi hành hương, các ngày lễ như Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, ngày 2 tháng 11, thường có nhiều người xin lễ, tuy tư tế không thể đáp ứng áp dụng ý lễ hết cho họ, cũng không được tự ý gộp lễ, mà vẫn phải tuân theo các nguyên tắc của Giáo luật (đ. 954-956: chuyển ý lễ) và phải tuân giữ những quy định của Sắc lệnh về lễ gộp này (x. Art. 4).
Lưu ý: Theo yêu cầu của Sắc lệnh Mos iugiter, các tư tế cần phải thông báo địa điểm và ngày giờ cử hành Thánh lễ (x. Art. 2§2). Để mọi người đều biết, nên niêm yết bằng văn bản hoặc thỉnh thoảng thông báo chung trong nhà thờ. Việc cho giáo dân chỉ đánh dấu vào bì thư xin lễ, “đồng ý gộp”, là không hợp luật, vì những người xin lễ khác không được biết việc này để đồng ý hay không.

D- QUYỀN CHO GIẢM BỚT NGHĨA VỤ DÂNG LỄ
Trước hết, cần phân biệt: quyền ấn định “mức bổng lễ” thuộc của Công đồng giáo tỉnh hay hội nghị Giám mục giáo tỉnh, chiếu theo điều 952§1; còn quyền “cho phép giảm bớt nghĩa vụ dâng Lễ” lại thuộc Tòa Thánh, chiếu theo điều 1308§1 (luật trước 11-2-2022) .
Lâu nay ở Việt Nam vẫn tưởng Tòa Thánh ấn định "mức bổng lễ" (đ. 950) là 10 usd, tương đương 250.000 đ. Nhưng thực ra, Tòa Thánh cho phép giảm bớt (ridurre) nghĩa vụ dâng lễ theo quy tắc được nói ở điều 1308§1, nghĩa là được giảm bớt số Thánh Lễ để có được 10 usd; tạm gọi là “dồn lễ” tới mức 10 usd. Gọi là “dồn lễ” để phân biệt với “gộp lễ” theo Sắc lệnh Mos iugiter. (x. Văn thư của Bộ Giáo sĩ, 28-11-2011, Prot. N.20103788).

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô, đã ban cho Giám mục giáo phận và vị Điều hành tổng quyền có thẩm quyền cho giảm bớt nghĩa vụ dâng lễ. Với Tự sắc Competentias quasdam decernere, ngày 11-2-2022, ngài đã cho sửa đổi điều 1308§1 như sau:
Đ. 1308§1. Việc giảm bớt (reductio) nghĩa vụ dâng Thánh lễ, chỉ được thực hiện vì một lý do chính đáng và cần thiết, được dành riêng cho Giám mục giáo phận và cho vị Điều hành tổng quyền của một tu hội đời sống thánh hiến hoặc tu đoàn đời sống tông đồ giáo sĩ.
Như vậy:
- Các Giám mục giáo phận, kể từ ngày 11-02-2022, có quyền cho phép “dồn lễ” tới mức nào đó vì một lý do chính đáng và cần thiết, không cần phải theo mức dồn lễ 10 usd mà Tòa Thánh cho phép năm 2011 nữa.

(HĐGM VN xin Tòa Thánh với lý do linh mục VN không có lương hay thù lao).
- Ở VN hiện nay, vì tưởng lầm rằng Tòa Thánh ấn định mức bổng lễ là 10 usd, các Giáo tỉnh chưa có ấn định mức bổng lễ.



 (Xin xem thêm bài Giải đáp về bổng lễ và ý lễ)

 
 
[1] Cf. BEAL J.P. et alii, New Commentary on the Code of Canon Law, Paulist Press, New York 2000, p. 1129. Tác giả phụ trách chú giải phần Bí Tích Thánh Thể trong quyển sách này là John M. Hueis, O.S.M.
[2] Cf. Footnote 171 tại BEAL J.P. et alii, New Commentary… p.706.
[3] Cf. BEAL J.P. et alii, New Commentary…, p. 1133.
[4] Cf. BEAL J.P. et alii, New Commentary…, p.1133.
 
[5] Cf. Ibidem.
[6] Cf.
https://www.evangelizationstation.com/htm_html/Church%20Documents/Documents%20on%20Mass%20&%20Eucharist/declaration_on_concelebration__i.htm.
==========================
VĂN THƯ TÒA THÁNH CHO DỒN LỄ NĂM 2011

CONGREGATIO PRO CLERICIS
Prot. N. 20103788
Beatissime Pater.
LEcc.mo Rappresentante pontifìcio non residente per il Vietnam espone umilmente quanto segue.
La Conferenza Episcopale vietnamita, a motivo della grave svalutazione che soffre quel Paese, che va gravemente ad incidere sulle condizioni economiche dei sacerdoti, i quali non ricevono uno stipendio, ma vivono unicamente dei proventi derivanti dai "diritti di stola”, chiede alla Santità Vostra di poter ridurre. a nonna del can. 1308. § 1, CIC. le offerte delle intenzioni delle Sante Messe a 10 USD cadauna rispetto alle aituali esigue 5 USD.
Che della grazia...

CONGREGATIO PRO ClERICIS, ATTENTIS EXPOSITIS AC PECULIARIBUS RERUM ADIUNCTIS PERSPECTIS, EXC.MO ARCHIEPISCOPO ORATORI, PRO HAC VICE, FACULTATEM REDUCENDI MISSAS DE QUIBUS IN PRECIBUS BENIGNE IMPERTITA EST, SERVATIS DE IURE SERVANDIS. De CETERO SUPPLET SANCTITAS SUA DE ECCLESIAE THESAURO.
DATUM ROMAE, DIE XXVIII MENSIS NOVEMBRIIS, ANNO MMXI

Maurus Card. Piacenza
Praefectus
(Ký tên)

Celsus Morga Iruzubieta
Archiepiscopus tit. Albensis maritimus
A Secretis

(ký tên)

Tác giả: JB Dũng Lm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay3,009
  • Tháng hiện tại68,821
  • Tổng lượt truy cập10,823,060
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi