Có nên cầu nguyện trong khi giảng lễ hay không?

Chủ nhật - 05/05/2024 23:52
Có nên cầu nguyện trong khi giảng lễ hay không?
Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng

Có ý kiến cho rằng, trong bài giảng lễ (homilia), ở phần cuối, vị giảng lễ kết thúc bằng những lời cầu nguyện là không phù hợp với Phụng vụ. Ý kiến này quả đúng; xin được khảo sát như dưới đây.

1. Cầu nguyện theo công thức hay kinh nguyện được định sẵn theo Sách nghi thức Phụng Vụ Roma
Các thừa tác viên cử hành phụng vụ đều phải cử hành theo những sách Nghi thức Phụng Vụ do Tông Tòa ban hành. Trong đó, các lời cầu nguyện hầu như đều được soạn sẵn như những công thức hoặc kinh nguyện cách cố định. Nơi nào thừa tác viên được phép tùy nghi dâng lời cầu nguyện hay thực hiện các hành vi đều được luật chữ đỏ chỉ dẫn.
Người Tin Lành, vì vậy, thường hay phê bình người Công giáo là cầu nguyện theo những công thức soạn sẵn, chẳng có tâm tình hay đối diện và nói với Thiên Chúa một cách chăm chú hay chân tình. Nói như vậy là do họ không hiểu về “Phụng vụ” của Công giáo. Cầu nguyện riêng tư, cá nhân, thì có thể và nên tự phát tùy theo ý nghĩ và tâm tình của các cá nhân, nhưng cầu nguyện trong “Phụng vụ” hầu hết phải đọc theo những lời nguyện được Tòa Thánh soạn thảo thành những kinh nguyện hay công thức cố định.
Tại sao vậy? Trước hết cần hiểu biết về “Phụng vụ”.
Phụng vụ không chỉ là việc cử hành những nghi thức thờ phượng của loài người dâng lên Thiên Chúa, cho dù vị tư tế có đại diện cho một tập thể lớn để cầu nguyện, ca tụng hay thờ lạy Thiên Chúa. Theo Hiến Chế Phụng Vụ số 7, "Phụng vụ" đáng được coi là thực hiện chức vụ tư tế của Đức Kitô, được thực hiện bởi Đầu và các chi thể, tức là bởi Đức Kitô và Hội Thánh. Đây là phụng tự "công" (public) nguyên vẹn dâng lên Thiên Chúa với những dấu chỉ khả giác sinh hiệu quả.
Một nền phụng tự "công" được Tông Tòa tổ chức, kết cấu bởi những quy luật chặc chẽ chi phối các lời cầu nguyện, các hành vi, cử điệu... Do đó, trong Phụng vụ, cách riêng trong Thánh Lễ, vị chủ tế được ấn định cầu nguyện lúc nào, dâng những lời cầu nguyện, kinh nguyện nào, được chỉ định, phù hợp với ngày và mùa Phụng vụ: Vọng, Giáng Sinh, Chay, Phục Sinh…

2. Những lời cầu nguyện dành riêng cho chủ tế
Để cụ thể hơn, hãy thử khảo sát những lời cầu nguyện của tư tế dâng lễ được Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Roma ấn định.

a- Lời nguyện với tư cách là chủ tọa cộng đoàn nhân danh Chúa Kitô, dâng lên Thiên Chúa.
30. (x. số 10 cũ) Trong số những phần riêng của linh mục, Kinh nguyện Thánh Thể đứng đầu, là đỉnh cao của toàn bộ việc cử hành. Sau đó là các lời cầu nguyện, tức là: lời cầu nguyện đầu lễ (inizio o colletta), lời cầu  nguyện trên lễ vật và lời cầu nguyện sau khi Hiệp lễ. Những lời cầu nguyện này, được vị linh mục đọc với tư cách là chủ tọa cộng đoàn nhân danh Chúa Kitô, được dâng lên Thiên Chúa thay mặt cho toàn thể dân thánh và tất cả những người hiện diện. Vì vậy, chúng được gọi đúng là "lời cầu nguyện của vị chủ tọa”.

b- Lời nguyện với tư cách cá nhân, đọc thầm
33. (x. số 13 cũ) Thực ra, các linh mục, dâng những lời cầu nguyện thay mặt Giáo hội và cộng đồng tụ tập với tư cách là chủ tế, ngược lại, đôi khi cũng với tư cách cá nhân, để có thể thi hành thừa tác vụ riêng mình với sự chăm chú và đạo đức hơn. Những lời cầu nguyện này, được cầu trước khi công bố Tin Mừng, khi chuẩn bị lễ vật, trước và sau khi linh mục rước lễ, được đọc thầm.

c- Lời cầu nguyện kết thúc phần lời nguyện các tín hữu (thường được gọi lời nguyện giáo dân)
Riêng phần lời nguyện các tín hữu, Quy chế SLRM cũng ấn định:
71.(x. số 41 cũ). Thuộc nhiệm vụ linh mục chủ tế hướng dẫn lời cầu nguyện từ ghế chủ tế. Ngài dẫn nhập bằng một lời khuyên ngắn gọn, mời gọi các tín hữu cầu nguyện và kết thúc bằng một lời cầu nguyện.

3- Khảo luận
Từ những khảo sát trên về lời nguyện của chủ tế hay của tư tế dâng lễ, ta thấy, ngoài lời nguyện chính yếu được ngài đọc với tư cách chủ tọa cộng đoàn, còn có lời nguyện với tư cách cá nhân đọc thầm và lời nguyện kết thúc phần Lời nguyện Tín hữu. Đối với lời cầu nguyện kết thúc này thì vị tư tế tự do soạn thảo, đáp ứng với giáo huấn của phần Lời Chúa, không theo công thức định sẵn trong sách Lễ.
Tuy không thấy có quy định nào cấm chủ tế cầu nguyện trong bài giảng lễ, nhưng rõ ràng là nó không phù hợp với phụng vụ, với các lý do có thể nhận ra:

a- G
iảng lễ giữ một vị trí trổi vượt là một phần của chính phụng vụ
Giáo luật điều 767 §1 dựa vào Hiến chế Phụng vụ của Công đồng Vatican II chỉ dạy:
Trong các hình thức giảng, bài giảng lễ giữ một vị trí trổi vượt là một phần của chính phụng vụ và được dành riêng cho tư tế hoặc phó tế; trong suốt năm phụng vụ, phải dựa vào bản văn Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và các quy tắc của đời sống Kitô giáo trong bài giảng lễ.

b-  Quy tắc của Phụng vụ: Giảng lễ, dâng lời cầu nguyện đều là những phần của Phụng Vụ được cử hành riêng biệt theo luật chữ đỏ. Sách nghi thức không hề có quy định hay chỉ dẫn cầu nguyện trong bài giảng lễ. Theo quy tắc chung của Phụng vụ: 1- Chữ đỏ chỉ dẫn, ấn định thứ tự các hành vi phụng tự, nghĩa là, phần nào việc đó, không pha trộn hay đảo lộn; 2- Không thêm bớt các hành vi hay lời đọc đã được ghi trong sách Nghi thức.
Việc đưa lời nguyện vào bài giảng sẽ vi phạm nguyên tắc chung của Phụng vụ này.


c- Thần học: Vị tư tế, nếu trong bài giảng, ngài cất lời cầu nguyện, thì thử hỏi ngài hành động với tư cách nào?
Nếu tư tế dâng lời cầu nguyện (cách lớn tiếng) trong bài giảng, tức là ngài hành động “với tư cách là chủ tọa cộng đoàn nhân danh Chúa Kitô, được dâng lên Thiên Chúa thay mặt cho toàn thể dân thánh và tất cả những người hiện diện” (QCSLRM, 30). Nhưng nếu hành động với tư cách này, ngài phải đọc vào những thời điểm những lời nguyện được ấn định sẵn trong sách Lễ Roma như những công thức cố định hoặc những kinh nguyện cố định.
Ngài cũng không đọc lời nguyện trong bài giảng với tính cách cá nhân, vì trong trường hợp cầu nguyện với tính cách cá nhân, ngài phải đọc thầm (QCSLRM, 33).

d- Cấu trúc phụng vụ: Phần Phụng vụ Lời Chúa, bao gồm các Bài Đọc Sách Thánh, giảng lễ, được kết thúc bởi phần Lời nguyện các Tín hữu:
55. (x. số 47 cũ) Phần chính của Phụng vụ Lời Chúa bao gồm các bài đọc từ Sách Thánh cùng với các bài thánh ca diễn ra giữa các bài đọc đó; bài giảng, Lời tuyên xưng đức tin (Kinh Tin Kính)Lời cầu nguyện các tín hữu phát triển và kết thúc phần này của Thánh lễ.  
Ở phần Lời nguyện các Tín hữu, là phần kết của phần Lời Chúa, Quy chế SLRM đã dành cho linh mục chủ tế mời gọi các tín hữu cầu nguyện và kết thúc bằng một lời cầu nguyện (QCSLRM, 71. - số 41 cũ).
Sẽ sai trái khi chủ tế lại hai lần cầu nguyện kết thúc phần Lời Chúa, một lần ở bài giảng lễ và một lần ở lời nguyện tín hữu! Lập lại hai lần một nghi thức hay những hành vi có ý nghĩa gần như nhau, sẽ không phù hợp với Quy tắc Phụng vụ.
Vậy, nếu tư tế muốn dâng lời cầu nguyện trong phần Lời Chúa, thì ngài hãy đặt nó vào phần của Lời nguyện các Tín hữu, được Quy chế SLRM nói là “phát triển và kết thúc” phần Lời Chúa của Thánh lễ (QCSLRM, 55). 

e- Giáo luật, điều 907 có quy định:
Trong khi cử hành bí tích Thánh Thể, các phó tế và giáo dân không được phép đọc các lời nguyện (non licet orationes), nhất là kinh nguyện Thánh Thể, hoặc làm các hành vi riêng của tư tế chủ lễ.
Từ ngữ Latin "non licet orationes" không chỉ có nghĩa là không được phép đọc, mà ý nghĩa chính của nó là không được phép dâng lời cầu nguyện cách to tiếng. Chữ  orationes có chữ ōrō có nghĩa là nói như một diễn giả, biện hộ; cầu nguyện ("to speak as an orator; plead; pray"). 
Khoản luật này cho thấy việc đọc hay cất lời cầu nguyện lớn tiếng trong Thánh Lễ có tầm quan trọng trong Phụng vụ; các phó tế và giáo dân không được phép đọc. Chủ tế và các đồng tế cũng không được tự do đọc lời nguyện theo ý riêng mình, nhưng phải đọc theo công thức ấn định sẵn, như đã nói ở trên, trừ phần lời nguyện kết thúc phần Lời nguyện các Tín hữu.
Giả sử một phó  tế khi giảng lễ mà dâng lời nguyện thì rõ là đã vi phạm điều 907 nói trên. Vậy thì làm sao ta có thể nói rằng phó tế thì không được phép đọc lời nguyện trong bài giảng nhưng linh mục đồng tế hay chủ tế thì lại được phép?
Cũng nên biết, điều 907 nói trên cũng thường bị vi phạm khi những ý nguyện (intentio) trong phần Lời nguyện Tín hữu, lại được ai đó soạn thảo và để giáo dân đọc như chính họ đang dâng lời cầu nguyện (oratio). Người soạn thảo hay giáo dân đọc đã tưởng lầm đây là lời nguyện dành riêng cho giáo dân nên họ đã xem mình như đại diện giáo dân dâng lời cầu nguyện. Các cha sở nên lưu ý nhắc bảo về phần này để giáo dân cử hành cho đúng.
(Xin xem thêm bài “LỜI NGUYỆN TÍN HỮU SAO CHO ĐÚNG?”, tại https://giaoluatconggiao.com/CHINH-SUA/loi-nguyen-tin-huu-sao-cho-dung-jb-le-ngoc-dung-125.html).

4. Phân biệt
Sau hết, tại sao có những sách hay những bài suy niệm của một số Giám mục, linh mục lại có chứa những lời cầu nguyện? 
Chúng ta nên phân biệt bài suy gẫm, suy niệm, hay bài giảng tĩnh tâm với bài giảng lễ (homilia). Bài suy niệm, suy gẫm, nguyện gẫm hoặc giảng tĩnh tâm của linh mục tu sĩ, rất khuyến khích có lời cầu nguyện. Tư tế trước khi dâng Lễ nên thực hiện việc suy niệm với những lời cầu nguyện cá nhân, chuẩn bị cho việc cử hành Thánh Lễ và giảng lễ. Nhưng khi giảng lễ, vị tư tế chỉ nên theo đúng nhiệm vụ giảng giải, giúp tín hữu  hiểu, áp dụng hay sống Lời Chúa. Vị giảng lễ  có thể gợi ý cầu nguyện hay tỏ lòng nguyện ước đối với giáo dân, nhưng không nên dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu hay Mẹ Maria (đôi khi nghe thấy trong lễ về Đức Mẹ) một cách trực tiếp. Các bài suy niệm, suy gẫm được đăng trên các trang mạng thường kèm theo những lời cầu nguyện. Thiết nghĩ, các tác giả muốn giúp tín hữu đi vào nguyện ngắm, cầu nguyện. Khi tham khảo các bài suy niệm này để giảng lễ, tư tế nên lược bỏ phần cầu nguyện này.
 
======================================
GIẢI ĐÁP
Hỏi
Trong bài giảng lễ, kể những câu chuyện, đọc thơ, đọc vè, hát, hoặc đi qua đi lại trên cung thánh, thậm chí đi xuống giữa lòng nhà thờ, làm bộ điệu… còn được phép; còn việc dâng lời cầu nguyện sốt sắng lên Thiên Chúa như một chi tiết cần thiết để giúp giáo dân cảm tạ, ngợi khen, tôn vinh Thiên Chúa sau khi đón nhận lương thực thiêng liêng cao quý Chúa ban qua Lời Ngài và xin Chúa giúp họ ghi nhớ và thực hành những điều Chúa dạy… thì tại sao lại không được?
Đáp
- Câu hỏi muốn nói: người giảng lễ được phép cầu nguyện như là một điều tốt đẹp, hữu ích và cần thiết để đáp ứng và kết thúc phần Lời Chúa. Thực ra, điều này đã được Quy chế SLRM dự liệu thực hiện ở phần Lời nguyện tín hữu, trong đó chủ tế hướng dẫn và kết thúc bằng lời cầu nguyện của chủ tế.
55. (x. số 47 cũ) Phần chính của Phụng vụ Lời Chúa bao gồm các bài đọc từ Sách Thánh cùng với các bài thánh ca diễn ra giữa các bài đọc đó; bài giảng, Lời tuyên xưng đức tin (Kinh Tin Kính) và Lời cầu nguyện các tín hữu phát triển và kết thúc phần này của Thánh lễ 
71.(x. số 41 cũ). Thuộc nhiệm vụ linh mục chủ tế hướng dẫn lời cầu nguyện từ ghế chủ tế. Ngài dẫn nhập bằng một lời khuyên ngắn gọn, mời gọi các tín hữu cầu nguyện và kết thúc bằng một lời cầu nguyện.
Vì vậy, nếu vị dâng lễ (celebrant) đồng thời cũng giảng lễ mà muốn dâng lời cầu nguyện kết thúc phần Lời Chúa thì hãy đợi đến phần Lời nguyện tín hữu để thực hiện cho đúng phụng vụ. Đó là thực hiện cầu nguyện với tư cách chủ tế tại ghế chủ tế (QCSLRM, 71). 
Rõ ràng là theo quy tắc chung của Phụng vụ không được cầu nguyện kết thúc phần Lời Chúa hai lần (lặp lại cùng một hành vi), một lần ở bài giảng và một lần ở lời nguyện tín hữu, cho dù bởi hai người khác nhau (1- chủ tế, 2- linh mục hay phó tế giảng lễ).

Cũng nên lưu ý, Quy chế SLRM, dành phần cầu nguyện kết thúc này cho vị chủ lễ (celebrant) chứ không cho linh mục đồng tế (concelebrant) hay phó tế giảng lễ. Điều này muốn xác định tầm quan trọng của những lời cầu nguyện trong Thánh Lễ (oratio, được hiểu là cầu nguyện lớn tiếng; cất lời cầu nguyện); và xác định ai được phép dâng lời cầu nguyện và thực hiện với tư cách nào.
Chủ tế hành động với tư cách/trong thân phận Đức Kitô (in persona Christi) để hiến tế, dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Cha. Trong Thánh Lễ, một linh mục đồng tế, chỉ được đọc những lời nguyện dành cho mình, không được phép dâng lời cầu nguyện dành cho chủ tế trong Thánh Lễ.
 

Tác giả: JB Dũng Lm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay714
  • Tháng hiện tại15,032
  • Tổng lượt truy cập11,054,563
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi