MỘT SỐ GIẢI ĐÁP PHỤNG VỤ LIÊN QUAN ĐẾN THÁNH LỄ

Thứ tư - 03/04/2024 09:49
Trong cử hành phụng vụ, chắc hẳn có nhiều thắc mắc. Ở đây xin giải đáp một số vấn đề mà nhiều người nêu lên gần đây. Một điều đáng lưu ý là cần phải phân biệt các mức độ đòi buộc hay cho phép trong các quy định của Giáo luật hay luật phụng vụ. Ví dụ như: “buộc”, “nên”, “thích hợp”… “cấm”, “không được”, “không nên”, "không thích hợp"... Điều có thể làm (potere) không được phép biến thành điều phải làm (dever). Cũng cần phân biệt đâu "ý kiến" của chuyên viên phụng vụ với những "quy định" và những quy định đó thuộc thẩm quyền nào.
MỘT SỐ GIẢI ĐÁP PHỤNG VỤ LIÊN QUAN ĐẾN THÁNH LỄ

Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng

1. Phải chăng chỉ có một bục Lời Chúa, không được thêm một bục thứ hai để tại ghế tư tế dâng lễ? 
Giải đáp: Về bục Lời Chúa, “nên” có một chứ “không cấm” có hai bục. Lý do là vì luật phụng vụ mới không cấm và luật phụng vụ cũ lại có thể có hai bục bài đọc. Vấn đề này đã có giải đáp của Bộ Phụng tự:
Hỏi: Tôi thấy một Thánh Lễ Missa đọc, được cử hành "versus populum", trong đó Thánh Thư (Epistola) được đọc ở bên phải chủ tế và Tin Mừng ở bên trái. Người ta hỏi liệu việc thực hành như vậy có đúng hay nên làm theo cách ngược lại như ở các vương cung thánh đường cổ xưa?
Giải đáp: Nếu chỉ có một bục bài đọc thì tất cả các bài đọc đều được công bố từ đó. Một bục có thể được đặt ở bên phải hoặc bên trái bàn thờ, để thích hợp với cấu trúc của nhà thờ và cung thánh hơn.
Nếu nhà thờ có hai bục bài đọc, phải làm sao cho một bục lớn hơn dành cho Tin Mừng và một bục nhỏ hơn dành cho Thánh Thư, các bài đọc được công bố từ cùng một bục tùy theo mục đích của mỗi bài.
Tuy nhiên, nếu hai bục bằng nhau, hoặc nếu xây hai cái, thì Thánh Thư phải được đọc từ bục bên trái, Tin Mừng từ bục bên phải của chủ tế đứng tại ghế trên cung thánh sau bàn thờ. (Notitiae 1 (1965): 187, n. 48).[1]
Ngày nay thường chỉ sử dụng một bục Bài đọc, không có gì ngăn cản làm thêm một bục cho ghế chủ tế để đọc lời nguyện. Tuy nhiên bục lớn sẽ có thể che khuất ghế chủ tế, làm mất tính biểu trưng của ghế (SLRM 310). Vì vậy, chỉ nên làm một giá sách hoặc một bục thon nhỏ, khá vững vàng, có chỗ gắn thêm micro càng tốt.

2. Thói quen đặt ghế các chú giúp lễ bên cạnh ghế tư tế dâng lễ có phù hợp với luật phụng vụ không?
Giải đáp: Không phù hợp. Ghế của các người giúp lễ phải được đặt tách biệt với ghế tư tế dâng lễ.
QCSL số 310 quy định: “Ghế của phó tế nằm gần ghế của chủ tế. Đối với các thừa tác viên khác, các ghế phải được sắp xếp sao cho tách biệt với các ghế của giáo sĩ và để cho họ thi hành tác vụ của mình một cách dễ dàng”.

3. Có được đặt nến hoặc hoa trên bàn thờ hay không?
Giải đáp: 
QCSL số 117 quy định:
Bàn thờ phải phủ ít nhất một tấm vải trắng. Ngoài ra, trên hoặc cạnh bàn thờ phải đặt những chân nến có thắp nến: ít nhất hai chân nến trong bất kỳ buổi cử hành nào, hoặc thậm chí bốn hoặc sáu chân nến, đặc biệt trong Thánh lễ Chúa Nhật hoặc ngày lễ buộc. Nếu Giám mục giáo phận cử hành thì phải sử dụng bảy ngọn nến. Ngoài ra, trên hoặc gần bàn thờ phải có thánh giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh. Những ngọn nến và cây thánh giá có hình Chúa Kitô chịu đóng đinh cũng có thể được mang theo trong Lễ rước vào. Trên bàn thờ có thể đặt Sách Tin Mừng, khác với sách các bài đọc khác, trừ khi sách được rước trong cuộc rước vào”.
Theo Quy chế trên, không chỉ có thể mà còn nên đặt nến trên bàn thờ. Nguyên văn Latin là: Super ipsum vero aut iuxta ipsum. Đặt trên (super) được ưu tiên hơn là bên cạnh (iuxta) bàn thờ.
Rõ ràng là bàn thờ được mang nét thánh thiêng hơn với những ngọn nến trên đó. Ngược lại, việc đặt những ngọn nến chung với nhau trên một cái chân đèn và đặt hơi xa cách bàn thờ là điều không nên. 
Việc đặt hoa trên bàn thờ cũng không thấy có quy định nào cấm hay nói là không phù hợp.
Trong thực tiễn, trên bàn thờ dâng lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vẫn thấy có cả hoa nến.[2] Cũng vậy, có thể thấy có cả hoa nến trên bàn thờ Đức Giám mục Salvatore Lobo, Bengal, India dâng lễ.[3]

Vì vậy, nói không được đặt nến hay hoa trên bàng thờ là không đúng. Tuy nhiên, nếu để chúng trên bàn thờ thường xuyên sẽ có bất tiện cho việc trãi khăn phủ bàn thờ sau khi Thánh lễ kết thúc, hoặc khăn bàn thờ có thể bị vấy bẩn. Vậy sự kiện ít khi nến và hoa được đặt trên bàn thờ ở Việt Nam không phải là vì không được phép, nhưng vì một số bất tiện của nó.

4. Có buộc phải giảng lễ tại giảng đài không?
Giải đáp: Không buộc. SLRM số136 quy định: “Linh mục đứng tại ghế hoặc tại bục Lời Chúa, hoặc khi thích hợp, ở một nơi phù hợp khác, giảng lễ. Khi bài giảng kết thúc, có thể (nghĩa là không buộc) giữ một khoảng thời gian thinh lặng.
Nên lưu ý: Ambo, tự nó có nghĩa là bục để đọc sách, chủ yếu là đọc các bài Kinh Thánh, có thể được gọi là bục "Bài đọc" hay bục "Lời Chúa". Tự nó, Ambo không phải là “bục giảng” hay “giảng đài”. Nó được sử dụng như giảng đài mà thôi.
SLRM số 30: Ở tại bục (ambo) chỉ đọc các bài đọc, Thánh vịnh đáp ca và Công bố Tin Mừng Phục sinh (Exsultet); cũng có thể được sử dụng để giảng (it may be used also for giving the homily) và công bố ý nguyện của Lời nguyện Tín hữu. Phẩm giá của bục Bài đọc đòi hỏi chỉ có người phục vụ Lời mới được lên đứng đó.

5. Phải chăng người giảng lễ không được rời giảng đài; không ca hát, hỏi đáp, tặng quà… (những việc này dành cho lúc dạy giáo lý, giảng phòng, tĩnh tâm…)?
Giải đáp: Vẫn được. Đối với những việc này chỉ có thể nói là “nên” hay “không nên”, “thích hợp” hay “không thích hợp”. Khi nói “không được” tức là đã ra một quy định vượt quá luật phụng vụ của Giáo Hội. Và như vậy, tức là vi phạm luật.
SLRM số136 cho phép giảng lễ tại nhiều nơi: đứng tại ghế chủ tế, hoặc tại bục Lời Chúa, hoặc khi thích hợp, ở một nơi phù hợp khác, để giảng lễ.
Vì vậy, vị giảng lễ có thể rời cả cung thánh để xuống gần với giáo dân khi giảng lễ. Khi đã có một linh mục hay phó tế đọc Tin Mừng tại bục Bài đọc, chủ tế (Giám mục, linh mục) đều vẫn có thể đứng tại ghế của mình để giảng lễ, không buộc phải tiến đến bục Bài đọc để giảng.
Theo thực hành truyền thống, không có gì ngăn cản Giám mục ngồi trên ghế mình để giảng lễ (
Notitiae 10 (1974): 80, n. 3).
Còn liên quan đến việc dạy giáo lý trong bài giảng, Bộ Phụng tự cũng đã có câu trả lời.
Hỏi: Có trái với tinh thần của Constitution n. 52 hay không, khi giảng dạy giáo lý (catechetical instruction) cho tín hữu thay cho bài giảng lễ?
Giải Đáp: Huấn thị giải thích art. 52 của Constitution theo nghĩa là, nếu có chương trình (schemata) giảng dạy trong Thánh lễ được nhà chức trách có thẩm quyền giao, thì việc rao giảng phải được sắp xếp sao cho có mối liên hệ mật thiết với ít nhất những thời gian và lễ quan trọng hơn của năm phụng vụ hoặc với mầu nhiệm Cứu Chuộc được tuân giữ (Notitiae 1 (1965): 137, n. 4).[4]
Giải đáp của Bộ Phụng tự nói trên cho thấy vẫn có thể thay bài giảng lễ bằng bài giáo lý miễn là Bản quyền cho phép và bài giáo lý có kết nối mật thiết với Thánh lễ và mùa phụng vụ.
Theo ý kiến nhiều người, trong Thánh Lễ có nhiều thiếu nhi, vị giảng lễ cần tạo nhiều mối giao tiếp và cần những nghệ thuật thính thị giúp trẻ theo dõi và hiểu bài giảng. Ngược lại, nói theo kiểu người lớn, trẻ em rất ít khi hiểu và từ đó ngồi không yên, sinh ra nói chuyện đùa cợt. Vì vậy, có thể ca hát, hỏi đáp, tặng quà… miễn là đừng đi quá xa biến giảng lễ thành buổi sinh hoạt thiếu nhi.
Dĩ nhiên, không nên giản lược bài giảng thành bài kể chuyện, ca hát, làm thơ văn, hoặc chia sẻ tâm tình.

6. Quy định các thừa tác viên đọc sách: nam mặc áo Alba hoặc âu phục có mang cà-vạt, nữ mặc áo dài màu trắng, có đúng không?
QCSL số 339 quy định: Người giúp lễ, đọc sách và các thừa tác viên giáo dân khác có thể (potest) mặc áo alba hoặc trang phục khác được Hội đồng Giám mục phê chuẩn hợp pháp trong khu vực của họ.
Quy chế dùng từ ngữ “có thể” (potest), có nghĩa là cho phép, chứ không là đòi buộc. Cũng theo số 339 này, chỉ có thể ấn định một y phục cho các người đọc Sách Thánh (dù có chức vụ thừa tác viên hay không) sau khi được Hội đồng Giám mục phê chuẩn hợp pháp trong địa hạt của họ.
Quy định trên chưa hề được HĐGM Việt Nam phê chuẩn. Chắc là HĐGM cũng sẽ không phê chuẩn vì những điều ấy không thể áp dụng cho những nơi nghèo nàn hoặc vùng dân tộc thiểu số.


7. Cô dâu chú rễ có được đọc Sách Thánh không?
Xin ghi lại nguyên văn, được đăng tải, nguyên cớ gây thắc mắc:
Trong lễ có cử hành Bí tích Hôn nhân, cô dâu chú rể không đọc Sách Thánh; và trong thánh lễ An táng, thân nhân người quá cố cũng không đọc Sách Thánh, trừ phi không còn ai khác thi hành nhiệm vụ này (x. Hiến chế Phụng vụ thánh 32; NTTL 10; Hội đồng Giáo Hoàng về Gia đình, Chuẩn bị Bí tích Hôn nhân 68).
Tôi đã xem xét những quy chiếu, nguồn của quy định trên (Hiến chế Phụng vụ thánh 32; NTTL 10; Hội đồng Giáo Hoàng về Gia đình, Chuẩn bị Bí tích Hôn nhân 68), nhưng vẫn không thấy có cơ sở nào cho quy định nói trên. Vì vậy, đây chỉ có thể coi như một đề nghị hay một lý luận thần học riêng tư, không thể trở thành quy định chung.
HĐGM cũng không có thẩm quyền ra quy định chung về việc cấm không cho những đối tượng nào không được đọc Sách Thánh. QCSL số 390 cho quyền HĐGM ấn định nhưng chỉ trong một số vấn đề, trong đó không có mục về người đọc Sách Thánh.
Bản quyền, hay Cha sở, phụng vụ, thiết nghĩ, có thể ra những quy định về việc đọc Sách Thánh, áp dụng riêng trong giáo phận hay trong nhà thờ của mình mà thôi, nhưng chỉ với lý do duy trì giữ gìn sự tôn nghiêm của cử hành phụng vụ, không được phép nêu lý do thần học hay quy định của luật phụng vụ.

8. HĐGM có thể ra quy định cho phụng vụ Thánh lễ những điều gì?
QCSL số 390 quy định: Các Hội đồng Giám mục có quyền quyết định những thích nghi được nêu trong Hướng dẫn Tổng quát này, và sau khi các quyết định của họ đã được Tòa thánh công nhận, sẽ đưa chúng vào Sách lễ. Những thích nghi này bao gồm:
• Các cử chỉ và tư thế của tín hữu (xem số 43 ở trên);
• Những cử chỉ tôn kính bàn thờ và Sách Tin Mừng (x. số 273 ở trên);
• Văn bản của các bài hát lúc nhập lễ, khi dâng lễ vật và lúc rước lễ (xem các số 48, 74, 87 ở trên);
• Các bài đọc Sách Thánh được sử dụng trong những hoàn cảnh đặc biệt (xem số 362 ở trên);
• Hình thức của cử chỉ chúc bình an (xem số 82 ở trên);
• Cách thức rước lễ (x. số 160, 283 ở trên);
• Chất liệu bàn thờ và các đồ dùng thánh, đặc biệt là bình thánh, cũng như chất liệu, hình dáng và màu sắc của lễ phục phụng vụ (xem các số 301, 326, 329, 339, 342-346 ở trên).
Các chỉ nam hoặc hướng dẫn mục vụ mà các Hội đồng Giám mục đánh giá là hữu ích, với sự công nhận trước của Tòa thánh, có thể được đưa vào Sách lễ Rôma tại một nơi thích hợp.

9. Đèn chầu Thánh Thể đặt cạnh Nhà tạm có thể dùng bằng đèn điện không?
Giáo luật điều 940 quy định: 
Trước nhà tạm có lưu giữ Thánh Thể, phải thắp sáng một ngọn đèn đặc biệt, để biểu thị và tôn kính sự hiện diện của Đức Kitô. 
Trong một giải đáp về chất liệu nến sáp dùng trong phụng vụ, bộ Phụng tự đã nói đến đèn nhà tạm, phải là đèn sáp hoặc dầu:
Quy Chế Chung Sách Lễ Roma quy định nến cho Thánh lễ… nhưng không đưa ra bất kỳ quyết định chính xác nào hơn về vật liệu mà chúng được làm ra, ngoại trừ ngọn đèn được đặt gần nhà tạm, phải đốt dầu hoặc sáp (x. De sacra Communione et de Cultu mysterii eucharistici extra Missam, Praenotanda genericia, số 11), Notitiae 10 (1974): 222–223[5]
 



10. Giám mục về hưu có được cầm gậy trong Thánh Lễ không?
Một Giám mục về hưu hoặc không phải là Bản quyền nơi cử hành, nếu ngài cử hành lễ hay chủ tế, ngài vẫn có thể cầm gậy mục tử. Về vấn đề này, Bộ Phụng tự đã có giải đáp (x. Notitiae 17 (1981): 231)[1]
Hỏi: Phải chăng trong Thánh lễ có nhiều hơn một Giám mục đồng tế, việc sử dụng gậy mục vụ chỉ phù hợp với Giám mục chủ tế, ngay cả khi ngài không phải là Bản quyền nơi cử hành hay không?
Giải đáp: Trong tất cả các nghi thức phụng vụ, việc sử dụng gậy mục vụ chỉ phù hợp với Giám mục là người chủ tế hoặc chủ sự nghi thức, tất cả những người khác thuộc bất kỳ phẩm giá nào đều không được.
Nhưng khi truyền chức cho các Giám mục, các Giám mục mới được tấn phong sử dụng gậy mục vụ để kết thúc việc cử hành theo chữ đỏ của Giáo hoàng Rôma.
 
[1] https://notitiae.ipsissima-verba.org/
 
[1] https://notitiae.ipsissima-verba.org/
 
[2] https://praytellblog.com/wp-content/uploads/2013/04/Francis-Annunciation-Mass.jpg, ĐGH Phanxico dâng lễ trên bàn thờ có hoa nến.
[3] https://www.croatia.org/crown/articles/9639/3/Ante-Gabric-the-Saint-of-Sundarban-in-India Đức GM Salvatore Lobo, Bengal, India dâng lễ trên bàn thờ có hoa nến.
 
[4] https://notitiae.ipsissima-verba.org/

Tác giả: JB Dũng Lm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay1,503
  • Tháng hiện tại72,953
  • Tổng lượt truy cập10,827,192
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi