Tân Giám mục giáo phận thi hành chức vụ từ khi nào?

Thứ hai - 01/05/2023 11:39
Đôi khi có những thắc mắc liên quan đến vị tân Giám mục giáo phận: Khi một linh mục được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận, thì ngài:-  Là Giám mục giáo phận hay chưa?-  Đã có quyền tài phán trên Giáo phận mà ngài được bổ nhiệm hay chưa?- Tên của ngài đã được nêu trong kinh nguyện Thánh thể hay chưa?Trước tiên cần phân biệt "chức thánh" Giám mục, linh mục, phó tế với "chức vụ" trong Giáo hội (officium ecclesiasticum) mà các vị ấy đảm nhiệm.
Tân Giám mục giáo phận thi hành chức vụ từ khi nào?
J.B. Lê Ngọc Dũng
Đôi khi có những thắc mắc liên quan đến vị tân Giám mục giáo phận: Khi một linh mục được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận, thì ngài:
-  Là Giám mục giáo phận hay chưa?
-  Đã có quyền tài phán trên Giáo phận mà ngài được bổ nhiệm hay chưa?
- Tên của ngài đã được nêu trong kinh nguyện Thánh thể hay chưa?
Trước tiên cần phân biệt "chức thánh" Giám mục, linh mục, phó tế với "chức vụ" trong Giáo hội (officium ecclesiasticum) mà các vị ấy đảm nhiệm.
Đối với Giáo hội địa phương là một giáo phận, Đức Giáo hoàng ra Tông sắc bổ nhiệm một linh mục, với "chức vụ", hoặc:
- Giám mục giáo phận;
- Giám mục phó;
- Giám mục phụ tá.
Khi mới ra Tông sắc bổ nhiệm một linh mục làm Giám mục giáo phận mà thôi thì:
a- Linh mục đó chưa có "chức thánh" Giám mục và cũng chưa nhận "chức vụ" Giám mục giáo phận, hay Giám mục phó, Giám mục phụ tá;
b- Ngài chưa có quyền lãnh đạo hay tài phán trên giáo phận;
c- Tên của ngài chưa thể nêu trong kinh nguyện Thánh Thể.
Xin lý giải như sau:

1- Chưa là Giám mục, chưa là Giám mục giáo phận
Tiến chức Giám mục phải được tấn phong Giám mục thì mới có chức Thánh Giám mục. Điều này thì khá rõ.
Còn việc thi hành quyền lãnh đạo hay tài phán, Giáo luật quy định là không được thi hành chức vụ trước khi đảm nhận giáo phận, nghĩa là trước khi nhậm chức:
Điều 382
§l. Giám mục được tiến chức không được xen vào việc thi hành chức vụ đã được trao phó trước khi đảm nhận giáo phận theo Giáo luật; tuy nhiên, ngài có thể thi hành các chức vụ ngài đã giữ trong giáo phận đó trước khi được tiến chức, miễn là vẫn tôn trọng những quy định của điều 409§2.  
Điều 382§l, tuy không có quy định là "vô hiệu" nếu tiến chức "xen vào việc thi hành chức vụ", nhưng nếu tìm hiểu những quy tắc luật khác, thì sẽ thấy việc thi hành chức vụ ấy là vô hiệu. Và như vậy, khi chưa nhậm chức thì tiến chức Giám mục giáo phận (Episcopus dioecesanus) chưa có quyền lãnh đạo hay quyền tài phán trên giáo phận.
Có thể căn cứ vào những điều  như sau:
- Nhậm chức là điều cần thiết để có chức vụ hữu hiệu hay thành sự;
- Mặc dù đã được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận nhưng nếu Tòa chưa khuyết vị thì chức vụ Giám mục giáo phận đó chưa hữu hiệu.
Hai điều trên được luật quy định như dưới đây.
a- Nhậm chức là cần thiết để có chức vụ thành sự
Việc nhậm chức là rất cần thiết để "trở thành" Giám mục giáo phận hay Giám mục phó. Vì lẽ, nếu Giám mục phó mà đã không nhậm chức hợp lệ thì ngài không thể trở thành Giám mục phó và rồi sau đó cũng không trở thành Giám mục giáo phận khi Tòa Giám mục khuyết vị, theo như quy định của điều 409§1.
Điều 409
§1. Khi toà Giám mục khuyết vị, Giám mục phó tức khắc trở thành Giám mục của giáo phận vì đó mà ngài đã được đặt lên, miễn là ngài đã nhậm chức hợp luật.
 
b- Chưa là Giám mục giáo phận khi tòa chưa khuyết vị
Sự nhận chức Giám mục giáo phận sẽ bị vô hiệu nếu tòa chưa khuyết vị:
Điều 153
§1. Việc trao ban một chức vụ mà không khuyết vị theo luật thì vô hiệu do chính sự kiện, và không trở thành hữu hiệu do sự khuyết vị sau đó.
Hãy thử xét một trường hợp cụ thể: Đức Giáo hoàng ban Tông sắc thuyên chuyển một Giám mục giáo phận A đến giáo phận B, và bổ nhiệm một linh mục làm tân Giám mục giáo phận cho giáo phận A.
Khi Giám mục giáo phận A chưa "nhận chức" ở giáo phận B do thuyên chuyển, thì tòa A "chưa bị khuyết vị". Tòa chỉ bị "khuyết vị" khi vị Giám mục A nhậm chức ở giáo phận mới B. Và vì tòa chưa khuyết vị nên vị tân chức chưa là Giám mục giáo phận, căn cứ theo điều 418§1 quy định:
Điều 418
§1. Trong vòng hai tháng kể từ khi nhận được tin chắc chắn về sự thuyên chuyển, Giám mục phải đến giáo phận mà ngài được sai đến và nhận chức theo Giáo luật; và kể từ ngày ngài nhận chức trong giáo phận mới, giáo phận cũ của ngài trở thành khuyết vị.
 
Mà khi Tòa chưa khuyết vị thì sự trao ban hay bổ nhiệm một chức vụ vào Tòa đó sẽ không hữu hiệu, căn cứ vào điều 153§1 kể trên.
Trường hợp này chứng tỏ rằng, khi Tông sắc được ban ra, nó không hữu hiệu tức thời, nghĩa là linh mục được tiến chức Giám mục giáo phận không tức khắc trở thành Giám mục giáo phận.
Rõ ràng là khi giáo phận chưa khuyết vị thì làm sao tiến chức, có thể là Giám mục giáo phận với quyền lãnh đạo hay tài phán hữu hiệu ở giáo phận đó được.

c- Chưa là Giám mục giáo phận ngay cả khi tòa khuyết vị
Thử xét đến trường hợp khi giáo phận trống tòa do Giám mục đã về hưu và giáo phận đang được lãnh đạo tạm thời bởi Giám quản giáo phận hoặc Giám quản Tông tòa.
Khi Đức Giáo hoàng ban Tông sắc bổ nhiệm một Giám mục giáo phận mới từ một vị đã có chức Giám mục hoặc một vị linh mục, vị tân cử đó có ngay chức vụ (officio) Giám mục giáo phận (Episcopus dioecesanus) và hành quyền được không? 
Không được, vì lý do:
- Khi Tông sắc bổ nhiệm vị Giám mục giáo phận (Episcopus dioecesanus) mới được ban ra, chức vụ Giám quản giáo phận hoặc Giám quản Tông tòa vẫn còn đó chứ không bị chấm dứt tức khắc do bởi sự kiện (ipso facto) Tông sắc  được ban ra.
Ví dụ, khi Tòa Thánh công bố Tông sắc Đức Giáo hoàng bổ nhiệm cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ làm Giám mục giáo phận Nha Trang vào ngày 1-5-2023, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh không
tức khắc chấm dứt chức Giám quản Giáo phận Nha Trang.
Đức Tổng Giám mục Giuse vẫn tiếp tục lãnh đạo giáo phận cho đến ngày cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ nhậm chức Giám mục giáo phận (Episcopus dioecesesanus), chiếu theo quy tắc Giáo luật:
Đ. 430§1. Nhiệm vụ Giám Quản Giáo Phận chấm dứt khi tân Giám Mục nhậm chức trong Giáo Phận.
Khi chưa nhậm chức Giám mục giáo phận, cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ được mang danh hiệu, nhưng chưa thể hành quyền cách hữu hiệu. Ví dụ, ngài chưa thể bổ nhiệm một cha sở cách hữu hiệu.

d- Giá trị Tông sắc
Phản biện có thể cho rằng:
Vậy Tông sắc của Đức Giáo hoàng lại không có giá trị hay sao?
- Tông sắc của Đức Giáo hoàng tất nhiên là có giá trị (valide) hoàn toàn, nhưng hiệu lực (effetto) của Tông sắc lại còn tùy thuộc những nguyên tắc luật hay những điều kiện khác. Ở đây cần phân biệt "giá trị" và "hiệu lực" của Tông sắc.
Có những trường hợp cho thấy rõ ràng là có sự "bổ nhiệm" trước, rồi "hiệu lực" đến sau, kể từ ngày chức vụ bị khuyết vị.
Điều 153
§2. Tuy nhiên, nếu là một chức vụ, chiếu theo luật, được trao ban (conferito) trong một thời gian nhất định, thì việc trao ban có thể được thực hiện trong vòng sáu tháng trước khi hết hạn, và có hiệu lực (effetto) kể từ ngày chức vụ khuyết vị.
Trường hợp "bổ nhiệm" trước, rồi "hiệu lực" đến sau cũng tương tự như hiệu lực của bộ luật. Bộ Giáo luật được thiết lập (istituita) khi được công bố trên Công báo của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis), nhưng chỉ có hiệu lực (in vigore) sau ba tháng kể từ ngày được công bố trên Công báo. Còn luật địa phương thì chỉ hiệu lực sau khi công bố được một tháng (đ. 8).

Hơn nữa, có thể kể vài điều kiện liên quan đến sự hữu hiệu như:
Chức vụ Giám mục giáo phận sẽ vô hiệu nếu chức thánh linh mục của tiến chức là vô hiệu, do giả mạo hoặc linh mục ấy chưa được Rửa tội. Nên biết: Hành vi pháp lý hễ bị vô hiệu theo luật thì cho dù do sự lầm lẫn hay không biết, hành vi ấy vẫn là vô hiệu (đ.15§1).
Chức vụ Giám mục giáo phận cũng sẽ vô hiệu, nếu tiến chức đã lãnh nhận vô hiệu chức thánh phó tế hay chức thánh linh mục. Ví dụ, được truyền chức linh mục bởi một vị tưởng là Giám mục mà thực sự là không có chức thánh Giám mục.

e-Ý kiến của các nhà chú giải
Sau cùng, các nhà chú giải Giáo luật cũng đồng ý khẳng định rằng, khi chưa nhận quyền theo Giáo luật, vị tiến chức chưa là Giám mục giáo phận, và nếu vị đó có thi hành quyền lãnh đạo của một Giám mục giáo phận thì việc thi hành ấy cũng vô hiệu. Nhà chú giải S. Sipos trong quyển Bách khoa tự điển Giáo luật giải thích rằng, để có thể thực hiện quyền tài phán cách hữu hiệu (valide), cần phải có sự nhận chức trước (ut iurisdictio per institutionem canonicam iam obtenta excercere valide possit, nessaria est introdutio in possessionem, quae est verbali set realis), (S. SIPOS, Enchiridion iuris canonici, §50, 205. Cf. F.X. WERNZ - P VIDAL, Ius Canonicum, n 597, 629.)
 
2. Nêu danh tiến chức Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể


a- Có thể được theo Quy chế Sách Lễ Roma cũ
Trong quyển Nghi thức của các Giám mục (Cerimoniale dei Vescovi) có quy định:
 1147. Dal giorno della presa di possesso del vescovo, tutti i sacerdoti che celebrano la messa nella sua diocesi, anche nelle chiese e negli oratori degli esenti, devono inserire il suo nome nella preghiera eucaristica. 
1147. Kể từ ngày nhận chức của Giám mục, tất cả các linh mục cử hành thánh lễ trong giáo phận của ngài, ngay cả trong các nhà thờ và nhà nguyện của những dòng miễn trừ, đều phải nêu tên ngài trong kinh nguyện Thánh Thể.   
Phải chăng chỉ nêu tên Giám mục sau khi ngài đã nhậm chức, căn cứ vào chính quy định của số 1147 này?
Cần phân biệt, đây là quy định đòi "phải" (devono), chứ không là quy định "cấm".  Quy định 1147 đòi "phải" nêu tên khi ngài đã nhậm chức, nhưng không cấm nêu tên khi ngài chưa nhậm chức.
Sách lễ Roma, trong kinh  nguyện Thánh Thể II, ở phần cầu nguyện cho các Giám mục cũng có ghi chú: "Có thể nêu tên Giám mục phó và Phụ tá hay Giám mục khác như Quy chế Sách Lễ Roma, số 149 ghi chú".
Chiếu theo Quy chế Sách Lễ Roma nói trên, với cụm từ "hay Giám mục khác" được hiểu rộng ra với tinh thần hiệp thông cầu nguyện, có thể nêu tên vị Giám mục tân cử, trong kinh nguyện Thánh Thể II. 

b- Không thể được theo Quy chế Sách Lễ Roma mới
Tuy nhiên, Quy chế Sách Lễ Roma, số 149, phiên bản mới 2008 có thay đổi, bỏ cụm từ "hay Giám mục khác". Điều này có ý giới hạn, chỉ nêu tên các Giám mục đang cai quản hoặc đang giúp
 cai quản Giáo phận (Giám mục phó, Giám mục phụ tá).  Khi có một số vị Giám mục được nếu danh thì đọc với công thức chung: ... Giám mục chúng con và các Giám mục phụ giúp (N., our Bishop and his assistant Bishops)Vì vậy, không thể hiểu rộng ra để nêu danh vị Giám mục tân cử mà chưa được nhậm chức, chưa thực hiện hay phụ giúp trong việc cai quản Giáo hội. Xin trích dẫn Quy chế Sách Lễ Roma, số 149, phiên bản mới 2008:
149. The Priest continues the Eucharistic Prayer in accordance with the rubrics that are set out in each of the Prayers.
If the celebrant is a Bishop, in the Prayers, after the words N., our Pope, he adds, and me, your unworthy servant. If, however, the Bishop is celebrating outside his own diocese, after the words with ... N., our Pope, he adds, my brother N., the Bishop of this Church, and me, your unworthy servant; or after the words especially ... N., our Pope, he adds, my brother N., the Bishop of this Church, and me, your unworthy servant.
The Diocesan Bishop, or one who is equivalent to the Diocesan Bishop in law, must be mentioned by means of this formula: together with your servant N., our Pope, and N., our Bishop (or Vicar, Prelate, Prefect, Abbot). It is permitted to mention Coadjutor Bishop and Auxiliary Bishops in the Eucharistic Prayer, but not other Bishops who happen to be present. When several are to be mentioned, this is done with the collective formula: N., our Bishop and his assistant Bishops.
In each of the Eucharistic Prayers, these formulas are to be adapted according to the requirements of grammar.

 
====================================================
Giải đáp thắc mắc
Hỏi:
Khi mới nhận tín về sự thuyên chuyển và chưa nhận chức ở giáo phận mới thì tòa cũ đã khuyết vị hay chưa, Giám mục còn là Giám mục giáo phận cũ hay không?

Đáp:
- Tòa vẫn chưa khuyết vị, nhưng vị ấy hết quyền Giám mục giáo phận.
Điều 418 có quy định: 
§1. Trong vòng hai tháng kể từ khi nhận được tin chắc chắn về sự thuyên chuyển, Giám Mục phải đến Giáo Phận mà ngài được sai đến và nhậm chức theo Giáo luật; và kể từ ngày ngài nhậm chức trong Giáo Phận mới, Giáo Phận cũ của ngài trở thành khuyết vị.
§2. Từ khi nhận được tin chắc chắn về sự thuyên chuyển cho tới khi nhậm chức theo Giáo luật tại Giáo Phận mới, thì trong Giáo Phận cũ, Giám Mục được thuyên chuyển:

10 Có quyền và có các nghĩa vụ tương đương như Giám Quản Giáo Phận; mọi quyền bính của Tổng Đại Diện và Đại Diện Giám Mục chấm dứt, miễn là vẫn giữ nguyên điều 409 §2.
20 Được hưởng trọn vẹn khoản thù lao dành cho giáo vụ.

Về Tòa: Căn cứ vào triệt 1, Tòa cũ chưa khuyết vị khi Giám mục đó chưa nhận chức ở Tòa mới.
Hệ quả là:
- Nếu Tòa cũ có Giám mục phó thì cũng chưa thể kế vị. Chỉ được kế vị khi Giám mục chính nhận chức ở Tòa mới.
- Nếu có vị nào được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận cho tòa cũ thì phải đợi cho đến lúc trống tòa thì mới nhận chức (nhận Tòa) được, nghĩa là, lúc mà Giám mục thuyên chuyển nhận chức ở Tòa mới.
Về quyền: Căn cứ vào triệt 2, 10, trong Giáo Phận cũ, Giám Mục được thuyên chuyển, có quyền và có các nghĩa vụ tương đương như Giám quản Giáo phận chứ không như Giám mục giáo phận. 

Có một điều cần phân biệt ở đây, đối với trường hợp thuyên chuyển: Trong giai đoạn chờ đợi nhận chức giám mục giáo phận ở Tòa mới, Giám mục được thuyên chuyển chỉ giữ quyền và có nghĩa vụ tương đương với Giám quản Giáo phận, các vị Tổng đại diện, Đại diện Giám mục hết quyền, nhưng Tòa lại chưa trở thành khuyết vị, theo như triệt 1 đã quy định.
Nó khác với trường hợp Tòa bị khuyết vị, khi Ban tư vấn bầu lên một vị Giám quản Giáo phận (đ. 421) để cai quản tạm thời giáo phận, thì Tòa vẫn tiếp tục khuyết vị.

Tác giả: JB Dũng Lm

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay832
  • Tháng hiện tại1,721
  • Tổng lượt truy cập11,155,054
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi