GỢI Ý CHO MỘT QUY CHẾ HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ

Thứ tư - 08/03/2017 07:21
GỢI Ý CHO MỘT QUY CHẾ HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ
Ủy ban Giáo dân HĐGMVN2/10/2012
 




MỘT QUY CHẾ HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ
UBGD
Dưới sự hướng dẫn và nâng đỡ rất ân cần của Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Chủ tịch Ủy ban Giáo dân, Ban Biên soạn Đề cương Quy chế Hội đồng Mục vụ Giáo xứ của Ủy ban Giáo dân (trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam) đã thực hiện tạm xong tập sách mỏng này: Gợi ý cho một quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ.
Trình bày về quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ, tập sách có sáu chương (33 điều): Chương I: Tổ chức hội đồng mục vụ; Chương II: Nhiệm vụ và quyền lợi; Chương III: Tuyển chọn; Chương IV: Nhận chức, sinh hoạt, nhiệm kỳ;  Chương V: Nội quy giáo xứ TC "NỘI QUY CỦA GIÁO XỨ" , và Chương VI: Lời kết.
Tuy rất mong muốn được đặt mình vào toàn bộ tổ chức và sinh hoạt của Giáo hội: Giáo hội hoàn vũ, giáo hội tại từng quốc gia hay vùng lãnh thổ, giáo phận, giáo hạt để có thể được nhận biết cách đầy đủ hơn, Gợi ý cho một quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ xin được khất lại ở dịp khác những điều khoản có liên quan cách riêng biệt hơn của quy chế đối với các cấp: giáo hạt, giáo phận, toàn quốc....
Kính xin quý vị hữu trách, những nhà chuyên môn, và quý anh chị em xa gần vui lòng tiếp tục góp ý thêm cho công trình nhỏ bé này để tập Gợi ý cho một quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ thực sự góp phần cho việc biên soạn Quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ tại các giáo xứ của nhiều giáo phận. Chân thành cảm ơn quý vị trước. Nguyện xin Thiên Chúa ban dồi dào ơn lành của Ngài trên chúng ta.
 

 
* Chương I

TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

Điều 1. Giáo xứ[1] 
Giáo xứ là gia đình/cộng đoàn các tín hữu:
(1)   cư ngụ trong một địa hạt;[2]
(2)   cùng nhau thi hành sứ vụ:
-       tôn thờ Thiên Chúa
-       học hỏi và loan truyền Tin mừng
-       thực thi bác ái cộng đồng.
(3)   được hưởng tính cách pháp nhân theo luật;[3]
(4)   được thành lập, thay đổi hoặc giải tán do giám mục giáo phận;[4]
(5)   được giám mục giáo phận uỷ thác cho linh mục chính xứ (cha sở, cha xứ) chăm sóc.[5]
Điều 2. Linh mục chính xứ[6]
Linh mục chính xứ là người:
(1)   mục tử (chủ chăn) riêng của giáo xứ;[7]
(2)   hướng dẫn cộng đoàn giáo xứ, thi hành nhiệm vụ thánh hoá, giảng dạy, và phục vụ (tư tế, ngôn sứ và vương đế) dưới quyền của giám mục giáo phận;[8]
(3)   đại diện của giáo xứ trong tất cả mọi hành vi pháp lý, liên đới và hiệp thông với mọi người.[9]
Điều 3. Hội đồng mục vụ giáo xứ[10]
Hội đồng mục vụ giáo xứ/Hội đồng giáo xứ/Hội đồng mục vụ là cơ chế gồm đại đa số là những giáo dân thuộc giáo xứ:
(1)   được giám mục giáo phận cho phép thành lập (nếu ngài xét thấy thuận lợi);[11]
(2)   có quyền tư vấn và được điều hành theo các quy tắc do giám mục giáo phận ấn định;[12]
(3)   cộng tác với linh mục chính xứ thi hành sứ vụ Tin mừng, góp phần xây dựng giáo xứ thành một cộng đoàn dân Thiên Chúa, sống làm chứng và loan truyền Tin mừng, yêu thương, phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người;[13]
(4)   đặc biệt cộng tác với linh mục chính xứ trong việc quản trị giáo xứ, tổ chức và điều hành các sinh hoạt trong giáo xứ, xây đắp tình liên đới, hiệp thông của những người anh chị em thuộc gia đình giáo xứ.[14]
Điều 4. Thành phần hội đồng mục vụ giáo xứ/hội đồng mục vụ/hội đồng giáo xứ  
Cách tổng quát hội đồng mục vụ giáo xứ bao gồm các thành viên được cộng đoàn tín nhiệm và được giám mục giáo phận hoặc linh mục chính xứ bổ nhiệm tham gia vào sinh họat chung trong giáo xứ. Tùy từng trường hợp cụ thể,
(1)   nghĩa thứ nhất (hẹp): hội đồng mục vụ giáo xứ gồm ban thường vụ và các uỷ viên;
(2)   nghĩa thứ hai (rộng): hội đồng mục vụ giáo xứ gồm ban thường vụ, các uỷ viên, các trưởng của các giáo họ (ban chấp hành), các trưởng của các giới (ban trị sự), và các trưởng của các hội đoàn (ban phục vụ);
(3)   nghĩa thứ ba (mở rộng): hội đồng mục vụ giáo xứ gồm ban thường vụ, các uỷ viên, tất cả các thành viên thuộc các ban chấp hành các giáo họ, các ban trị sự các giới, và các ban phục vụ các hội đoàn trong giáo xứ.
Điều 5. Các chức vụ trong ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ
Các chức vụ trong ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ gồm có:[15] 
(1)   chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ (chánh trương);
(2)   phó chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ, đặc trách nội vụ (phó trương nội vụ);
(3)   phó chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ, đặc trách ngoại vụ (phó trương ngoại vụ);
(4)   thư ký hội đồng mục vụ giáo xứ; và
(5)   thủ quỹ hội đồng mục vụ giáo xứ.
Điều 6. Các uỷ viên hội đồng mục vụ giáo xứ
Các uỷ viên hội đồng mục vụ giáo xứ là chức vụ của các thành viên trực thuộc ban thường vụ, có nhiệm vụ phụ trách các lãnh vực chuyên môn để phục vụ giáo xứ, hoặc có trách nhiệm trực tiếp trong việc điều hành các ban mục vụ giáo xứ.[16] Trong giáo xứ, có thể có các chức vụ uỷ viên sau:
(1)   uỷ viên mục vụ phụng tự,
(2)   uỷ viên mục vụ giáo lý,
(3)   uỷ viên mục vụ thánh nhạc,
(4)   uỷ viên mục vụ giới trẻ,
(5)   uỷ viên mục vụ thiếu nhi,
(6)   uỷ viên mục vụ truyền giáo,
(7)   uỷ viên mục vụ bác ái xã hội-Caritas Việt Nam
(8)   uỷ viên mục vụ hôn nhân và gia đình,
(9)   uỷ viên mục vụ di dân,
(10)  uỷ viên âm thanh, ánh sáng,
(11)  uỷ viên lễ tân, khánh tiết,
(12)  uỷ viên quản trị tài sản giáo xứ.
Điều 7. Các chức vụ trong ban chấp hành giáo họ  
Ban chấp hành giáo họ gồm có:[17]
(1)   trưởng giáo họ (trùm chánh);[18]
(2)   phó giáo họ, đặc trách nội vụ (trùm phó nội vụ);
(3)   phó giáo họ, đặc trách ngoại vụ (trùm phó ngoại vụ);
(4)   thư ký giáo họ; và
(5)   thủ quỹ giáo họ.
Điều 8. Các chức vụ trong ban chấp hành giáo khu  (xóm giáo)
Ban chấp hành giáo khu gồm có:[19]
(1)   trưởng giáo khu (trưởng khu/xóm);
(2)   phó giáo khu, đặc trách nội vụ (phó khu/xóm nội vụ);
(3)   phó giáo khu, đặc trách ngoại vụ (phó khu/xóm ngoại vụ);
(4)   thư ký giáo khu/xóm;
(5)   thủ quỹ giáo khu/xóm.
Điều 9. Các chức vụ trong các giới, các hội đoàn tông đồ   
Được tổ chức và sinh hoạt theo nội quy riêng, tên gọi các chức vụ trong ban trị sự các giới và ban phục vụ các hội đoàn tùy thuộc vào cơ chế tổ chức của các giới và các hội đoàn: trưởng giới trẻ, phó giới trẻ, trưởng huynh đoàn, phó huynh đoàn, trưởng xứ đoàn, phó xứ đoàn, hội trưởng, hội phó, trưởng nhóm, phó nhóm....[20]
Để khái quát hóa, tên gọi các chức vụ trong các giới và các hội đoàn tông đồ được hiểu như sau:
(1)   trưởng của giới/hội đoàn là vị đứng đầu của giới/hội đoàn;
(2)   phó nội vụ của giới/hội đoàn là vị đứng thứ hai sau trưởng của giới/hội đoàn;
(3)   phó ngoại vụ của giới/hội đoàn là vị đứng thứ ba sau trưởng và phó nội vụ của giới/hội đoàn;
(4)   thư ký của giới/hội đoàn là vị đứng thứ tư sau trưởng, phó nội vụ, phó ngoại vụ của giới/hội đoàn;
(5)   thủ quỹ của giới/hội đoàn là vị đứng thứ năm sau trưởng, phó nội vụ, phó ngoại vụ, thư ký của giới/hội đoàn.

 
SƠ ĐỒ TỔ CHỨC
HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ

 
              
 * Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI

Điều 10. Nhiệm vụ của linh mục chính xứ đối với hội đồng mục vụ giáo xứ[21]
 
Là chủ chăn riêng của giáo xứ, chịu trách nhiệm hướng dẫn tinh thần và sinh hoạt mục vụ của giáo xứ, linh mục chính xứ:
(1)   có thể mời linh mục phụ tá và đại diện các tu sĩ tham gia vào sinh hoạt của hội đồng mục vụ giáo xứ;[22]
(2)   chủ trì và là người chịu trách nhiệm các phiên họp, các cuộc sinh hoạt của hội đồng mục vụ giáo xứ (khi vắng mặt, có thể ủy nhiệm cho linh mục phụ tá hoặc cho chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ);[23]
(3)   tạo bầu khí đối thoại, trợ lực, hiệp thông và hợp tác lành mạnh: “thống nhất trong điều chính, tương nhượng trong điều phụ, bác ái trong mọi sự”;[24] tiếp nhận, duyệt xét và phê chuẩn những kiến nghị được đa số các thành viên tán thành (tôn trọng đúng mức tính tư vấn của hội đồng mục vụ giáo xứ);[25]
(4)   lo liệu việc huấn luyện và bồi dưỡng cho các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ về phương diện thiêng liêng, nhân bản, chuyên môn nhằm nâng cao năng lực phục vụ và làm việc tập thể; nhờ đó, góp phần hoàn thành sứ vụ yêu thương và phục vụ;
(5)   nên chuyển dần sự lãnh đạo và điều hành của mình trong tư cách là chủ chăn riêng của giáo xứ được giám mục giáo phận trao phó:[26] từ truyền lệnh sang chỉ dẫn, kế tiếp là trợ lực, sau cùng là uỷ thác nhằm tạo thuận lợi cho các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ ngày càng chủ động và tích cực hơn trong việc xây dựng giáo xứ.
Điều 11. Nhiệm vụ của hội đồng mục vụ giáo xứ
Nắm bắt tình hình chung của giáo xứ, nhất là hiện trạng đời sống đức tin và phong hóa trong giáo xứ, hội đồng mục vụ giáo xứ cùng với linh mục chính xứ (và dưới sự hướng dẫn của ngài):
(1)   góp phần tích cực trong việc hoạch định chương trình mục vụ, đề ra phương thức và phân công thực hiện;
(2)   phối hợp hài hoà các công tác của các đơn vị mục vụ trong sự tôn trọng tính tự lập của từng đơn vị;
(3)   theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, và báo cáo kết quả;
(4)   góp phần giải quyết những vấn đề (hài hòa những khác biệt, xóa dần những xung khắc, giải tỏa những bất đồng) trong tinh thần liên đới, tương trợ và hiệp thông;
(5)   góp phần chia sẻ trách nhiệm trong việc quản trị tài sản giáo xứ;[27]
(6)   tích cực bồi dưỡng tri thức, nâng cao tinh thần, tạo thêm năng lực làm việc tập thể và dấn thân phục vụ trong yêu thương.
Điều 12. Nhiệm vụ của ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ 
Cộng tác chặt chẽ và thường xuyên với linh mục chính xứ trong việc quản trị giáo xứ, ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ cùng với linh mục chính xứ (và dưới sự hướng dẫn của ngài):
(1)   thực hiện việc lãnh đạo và quản trị, tổ chức và điều hành giáo xứ (quan tâm đặc biệt đến những vấn đề cấp giáo xứ);
(2)   soạn thảo chương trình nghị sự cho các phiên họp của giáo xứ, kế hoạch mục vụ của từng dịp lễ (theo mùa), đề xuất những sáng kiến mục vụ phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của giáo xứ, trao đổi với các thành viên liên hệ nhằm chuẩn bị cho việc phân công thực hiện, tích cực thi hành và giúp người khác thi hành thật tốt các nghị quyết đã được phê duyệt;
(3)   phát triển, nâng cao đời sống tôn giáo và xã hội của mọi người trong giáo xứ, đặc biệt của những gia đình lâm cảnh túng nghèo và những người bị bỏ rơi.
Điều 13. Nhiệm vụ của chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ
Cùng với linh mục chính xứ (và dưới sự hướng dẫn của ngài), chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ có nhiệm vụ:
(1)    chịu trách nhiệm chung về hội đồng mục vụ giáo xứ trong việc lãnh đạo và điều hành, hoạch định chương trình mục vụ... để giáo xứ được thăng tiến trong chính sứ vụ của giáo xứ; 
(2)    quán xuyến cách tổng quát mọi sinh họat mục vụ, động viên cộng đoàn giáo xứ, cách riêng các thành viên hội đồng mục vụ, nhất là các thành viên ban thường vụ, nhằm tạo bầu khí đối thoại, hiệp thông, hợp tác lành mạnh...;
(3)    khi được uỷ nhiệm của linh mục chính xứ, chủ trì các phiên họp của hội đồng mục vụ giáo xứ, các buổi sinh hoạt của ban thường vụ; 
(4)    thay mặt cho cộng đoàn giáo xứ trong những trường hợp được uỷ nhiệm, nhưng không có quyền đồng thuận những gì trái nghịch quyền lợi của giáo xứ.
Điều 14. Nhiệm vụ của phó chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ, đặc trách nội vụ
Cùng với linh mục chính xứ (và dưới sự hướng dẫn của ngài), phó chủ tịch đặc trách nội vụ của hội đồng mục vụ giáo xứ có nhiệm vụ:
(1)   hợp tác với chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ; thay thế chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ khi vị này vắng mặt, để chịu trách nhiệm chung về hội đồng mục vụ giáo xứ trong việc lãnh đạo và điều hành, hoạch định chương trình mục vụ... sao cho giáo xứ được thăng tiến trong chính sứ vụ của giáo xứ;
(2)   phối hợp các sinh hoạt mục vụ giáo xứ trong những trường hợp được uỷ nhiệm, đặc biệt các sinh hoạt thuộc lãnh vực phụng tự và huấn giáo;
(3)   thực hiện các sinh hoạt thuộc các lãnh vực trên khi giáo xứ không có ủy viên chuyên trách.[28]
Điều 15. Nhiệm vụ của phó chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ, đặc trách ngoại vụ
Cùng với linh mục chính xứ (và dưới sự hướng dẫn của ngài), phó chủ tịch đặc trách ngoại vụ của hội đồng mục vụ giáo xứ có nhiệm vụ:
(1)  hợp tác với chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ; thay thế chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ khi vị này và phó chủ tịch nội vụ của hội đồng mục vụ giáo xứ vắng mặt, để chịu trách nhiệm chung về hội đồng mục vụ giáo xứ trong việc lãnh đạo và điều hành, hoạch định chương trình mục vụ... sao cho giáo xứ được thăng tiến trong chính sứ vụ của giáo xứ;
(2)  phụ trách việc liên lạc với bên ngoài giáo xứ trong những trường hợp được uỷ nhiệm: thường là phối hợp các sinh hoạt thuộc lãnh vực tông đồ, bác ái xã hội (đặc biệt quan tâm đến người nghèo, neo đơn, bệnh tật...), phát triển và truyền bá đức tin, chăm sóc các lớp giáo lý dự tòng;
(3)  thực hiện công việc thuộc các lãnh vực trên khi giáo xứ không có ủy viên chuyên trách.[29]
Điều 16. Nhiệm vụ của thư ký hội đồng mục vụ giáo xứ
Cộng tác với linh mục chính xứ và ban thường vụ trong công việc sổ sách của giáo xứ, thư ký hội đồng mục vụ giáo xứ có nhiệm vụ:
(1)  giúp phác thảo các chương trình sinh hoạt được giao phó, trình duyệt... và thực hiện các bản báo cáo trình linh mục chính xứ;
(2)  soạn thảo các chương trình, thống nhất với vị chủ tọa và giữ chương trình, đọc các văn thư, và ghi biên bản các phiên họp giáo xứ, hội đồng mục vụ giáo xứ và ban thường vụ;[30]
(3)  thông tin, liên lạc văn thư, báo cáo các số liệu giáo xứ, thực hiện và lưu trữ sổ sách giáo xứ, văn thư của giáo xứ;
(4)  phối hợp với các thư ký giáo họ về sổ gia đình Công giáo, cập nhật những số liệu về giáo xứ.
Điều 17. Nhiệm vụ của thủ quỹ hội đồng mục vụ giáo xứ
Cộng tác với linh mục chính xứ và ban thường vụ trong công việc tài chánh, thủ quỹ hội đồng mục vụ giáo xứ có nhiệm vụ:
(1)     dưới sự thống nhất của linh mục chính xứ và cùng với chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ, quản lý tài chánh của hội đồng mục vụ giáo xứ (không phải tài chánh giáo xứ);
(2)     cùng với các vị hữu trách lo liệu việc gây quỹ cho giáo xứ, cho hội đồng mục vụ giáo xứ khi được ủy thác;[31]
(3)     phối hợp với kế toán viên (người phải lo sổ sách chi thu cách đầy đủ và minh bạch theo biểu mẫu chung của giáo phận) để cùng thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định của giáo xứ;
(4)     góp phần vào việc quản trị tài sản giáo xứ: trông coi, bảo trì, tu bổ cơ sở của giáo xứ, và thực hiện các giấy tờ sổ sách tài chánh, tài sản liên hệ;
(5)     nhận quyết định của linh mục chính xứ về việc cất giữ hoặc làm sinh lời ngân khoản chưa sử dụng đến;
(6)     được chi theo hạn mực quy định cho những công việc chính đáng của hội đồng mục vụ giáo xứ (theo tiêu chuẩn chung của giáo phận).
Điều 18. Nhiệm vụ của các uỷ viên hội đồng mục vụ giáo xứ
Cộng tác với linh mục chính xứ và ban thường vụ trong công việc chuyên môn, các uỷ viên hội đồng mục vụ giáo xứ có nhiệm vụ:
(1)     hợp tác với ban thường vụ và với nhau để thực hiện các phần việc chuyên môn của mình trong sự tương kính, tương nhượng và tương trợ; 
(2)     tạo mối dây liên kết và hoà hợp trong và giữa các giới, các hội đoàn, các gia đình trong giáo xứ, để thi hành việc phục vụ, sứ vụ bác ái với tính cách cộng đồng, thể hiện tình đoàn kết và tinh thần hiệp thông;
(3)     đảm nhận, thi hành các quyết định chung của giáo xứ và thực hiện các công tác được trao phó theo phần việc chuyên môn của mình; 
(4)     trình bày nhu cầu và nguyện vọng thuộc các phần việc chuyên môn của mình, báo cáo tình hình và công tác đã thực hiện trong phạm vi chuyên trách đó.
Điều 19. Quyền lợi[32]
Thánh Phaôlô viết trong thư gửi Timôthê:
Cha đã chiến đấu trong cuộc chiến đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây, cha chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính. Chúa là Vị thẩm phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho cha trong ngày ấy, và không chỉ cho cha, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.[33]

Như thế, người phục vụ Nước Chúa không mong chờ bổng lộc trần gian như danh vọng, chức quyền.... Người phục vụ Tin mừng cần có tinh thần vô vị lợi và biết kiên trì họat động theo gương Thánh Tông đồ Phaolô.

Tuy nhiên, để có thể: (1*) nắm bắt tình hình chung của giáo xứ, nhất là hiện trạng đời sống đức tin và phong hóa trong giáo xứ; (2*) cộng tác chặt chẽ và thường xuyên với linh mục chính xứ trong việc quản trị giáo xứ; (3*) có uy tín phục vụ và hứng khởi tham gia công việc Hội thánh, các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ được hưởng một số quyền lợi khi còn sống và khi qua đời.
Điều 20. Quyền lợi khi còn sống
Các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ khi còn sống, được:
(1)     học hỏi, huấn luyện, bồi dưỡng cách hệ thống qua tập huấn, thường huấn, chuyên huấn... nhằm nâng cao tinh thần và năng lực phục vụ;
(2)     bồi dưỡng cách riêng qua các dịp tĩnh tâm, đặc biệt là dịp nhận chức và chuẩn bị mừng trọng thể lễ bổn mạng hội đồng mục vụ giáo xứ;
(3)     linh mục chính xứ dâng lễ cầu nguyện cho dịp lễ bổn mạng hội đồng mục vụ giáo xứ;[34]
(4)     cộng đoàn giáo xứ bày tỏ thái độ trân trọng, biết ơn, cầu nguyện và chung tay cộng tác để xây dựng Giáo hội Chúa;
(5)     cấp vi bằng, khi hoàn thành nhiệm vụ cách mỹ mãn, theo quy định của giáo phận.[35]
 
Điều 21. Quyền lợi khi qua đời
Vì các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ đã từng cộng tác chặt chẽ và thường xuyên với linh mục chính xứ trong việc quản trị giáo xứ, khi:
(1)   đến dịp lễ các linh hồn (2-11), các thành viên đã qua đời có quyền được giáo xứ trích quỹ hội đồng mục vụ giáo xứ để xin một thánh lễ cầu nguyện cho;
(2)   một thành viên đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm qua đời:
* Thành viên ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ và trưởng các giáo họ:
(1*) trong giáo xứ: (1**) ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác, (2**) hội đồng mục vụ giáo xứ trích quỹ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng;
(2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ xin một thánh lễ và ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.
* Thành viên khác thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ:
(1*) trong giáo xứ: (1**) các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác, (2**) hội đồng mục vụ giáo xứ trích quỹ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng;
(2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.
(3)   người bạn đời của một thành viên đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm qua đời:[36]
* Người bạn đời của thành viên ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ và của trưởng các giáo họ:
(1*) trong giáo xứ: (1**) ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác, (2**) hội đồng mục vụ giáo xứ trích quỹ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng;
(2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ xin một thánh lễ và ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.
* Người bạn đời của thành viên khác thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ:
(1*) trong giáo xứ: (1**) đại diện hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác, (2**) hội đồng mục vụ giáo xứ trích quỹ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng;
(2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.
(4)   cha hoặc mẹ của một thành viên đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm qua đời:
* Cha hoặc mẹ của thành viên ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ và của trưởng các giáo họ:
(1*) trong giáo xứ: ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác và dự lễ an táng;
(2*) ngoài giáo xứ (ở xa): ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.
* Cha hoặc mẹ của thành viên khác thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ:
(1*) trong giáo xứ: thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác và dự lễ an táng;
(2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.

 
* Chương III

TUYỂN CHỌN

Điều 22. Tiêu chuẩn tuyển chọn người vào hội đồng mục vụ giáo xứ
Đã lãnh nhận bí tích khai tâm Kitô giáo, đã ghi danh trong giáo xứ ít là một năm, ứng viên (nam hoặc nữ) vào hội đồng mục vụ giáo xứ là tín hữu có:[37]
(1)     đời sống đạo đức gương mẫu, phù hợp với giáo huấn và đường lối của Giáo hội, uy tín, nhiệt thành trong việc chung và không bị ngăn trở về giáo luật;
(2)     những đức tính nhân bản cần cho chức vụ, như tinh thần trách nhiệm, hy sinh phục vụ, biết làm việc tập thể;
(3)     năng lực cần thiết cho chức vụ: sức khoẻ, trình độ văn hoá (và trình độ học vấn tương xứng), những kỹ năng chuyên môn;
(4)     thời giờ đủ và thích hợp dành cho công việc chung;
(5)     hạn tuổi:[38] (1*) đối với thành viên ban thường vụ và trưởng các giáo họ: từ 30 đến 65 tuổi;[39] (2*) đối với các uỷ viên, có thể mở rộng hạn định: “từ duới 30 đến trên 65 tuổi”.[40]
Điều 23. Tuyển chọn người vào ban thường vụ
Ban tổ chức bầu cử (linh mục chính xứ và ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ đương nhiệm) có nhiệm vụ tổ chức, giám sát việc bầu chọn của mọi cấp trong giáo xứ. Việc tuyển chọn người vào ban thường vụ cần được tiến hành qua những bước sau:[41]
Bước 1 (đề cử): Ban chấp hành mỗi giáo họ, ban trị sự mỗi giới, ban phục vụ mỗi hội đoàn đề cử năm người thuộc giáo xứ (không phân biệt nam nữ, nguyên quán...); linh mục chính xứ cùng với các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ lập danh sách ứng viên gồm bảy hoặc tám vị trong số những người được đề cử nhiều nhất (linh mục chính xứ có thể bổ sung vài ứng viên khác), rồi niêm yết danh sách hoặc công bố vào ngày Chúa nhật cho cộng đoàn giáo xứ, ít là hai tuần trước ngày bầu chọn.[42]
Bước 2 (bầu chọn): Tuỳ hoàn cảnh, mỗi giáo xứ có thể sử dụng một trong các phương thức sau:
(1)     người đi bầu: (1*) mỗi tín hữu từ 18 tuổi trở lên đi bầu; hoặc (2*) mỗi gia đình cử một đại diện đi bầu;[43] hoặc (3*) thành viên các đơn vị mục vụ (giáo họ, ban mục vụ, giới, và hội đoàn) cử đại diện đi bầu;
(2)     thể thức: (1*) bầu phiếu kín từng người vào các chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch nội vụ, phó chủ tịch ngoại vụ, thư ký, thủ quỹ; hoặc (2*) bầu phiếu kín một lượt năm vị có tên trong danh sách ứng viên.[44]
Bước 3 (kết quả): Ban bầu cử khui thùng phiếu và kiểm phiếu công khai trước mọi người: (1*) người có số phiếu cao nhất từ trên xuống là người trúng cử (nếu đó là thể thức bầu từng người vào từng chức vụ); (2*) năm người có số phiếu cao nhất từ trên xuống là những người trúng cử (nếu đó là thể thức bầu một lượt năm vị vào các chức vụ của ban thường vụ). Lưu ý:
(1)     để tránh tình trạng người đắc cử từ chối nhận chức vụ sau khi bầu, ban bầu cử, cách riêng linh mục chính xứ cần giải thích trước cho mọi người trong xứ, nhất là những người được đề cử, hiểu được ý nghĩa cao quý của việc dấn thân phục vụ giáo xứ và mời gọi những ai được trúng cử không từ chối;
(2)     nếu người đắc cử nhất định từ chối, thì đôn người có số phiếu cao kế tiếp lên.
 
Điều 24. Tuyển chọn người vào các ban chấp hành các giáo họ, giáo khu
Với sự hỗ trợ về tổ chức (và giám sát) của linh mục chính xứ và ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ đương nhiệm, việc tuyển chọn người vào các ban chấp hành các giáo họ, giáo khu diễn ra trong phạm vi mỗi giáo họ, giáo khu cũng theo thể thức tương tự như việc tuyển chọn người vào ban thường vụ vừa nêu trong điều 23.
 
Điều 25. Tuyển chọn những người làm uỷ viên hội đồng mục vụ giáo xứ
Để đáp ứng nhu cầu của giáo xứ và phát huy các đặc sủng Chúa Thánh Thần ban cho giáo dân, linh mục chính xứ là người quyết định thiết lập các ban mục vụ trong giáo xứ. Cũng chính ngài có thể tự ý chọn và mời nhân sự thích hợp để làm ủy viên cho mỗi ban mục vụ ấy.
Thông thường qua sự đề cử của các thành viên hội đồng mục vụ, các hội đoàn, các ban ngành mục vụ trong giáo xứ, hoặc do chính mình tuyển chọn, linh mục chính xứ bổ nhiệm các chức vụ uỷ viên hội đồng mục vụ giáo xứ cho các vị có khả năng thích hợp: đã từng được tuyển chọn và được mời điều hành các ban mục vụ trong giáo xứ. Số lượng các ủy viên nhiều hay ít là hoàn toàn tùy theo nhu cầu của mỗi giáo xứ.[45] Cụ thể:
(1)     là người quyết định thiết lập các ban mục vụ trong giáo xứ, linh mục chính xứ có thể tuyển chọn một số vị trong các ban mục vụ có khả năng phù hợp để làm uỷ viên hội đồng mục vụ giáo xứ;
(2)     là người quyết định thiết lập hay cho phép các hội đoàn hoạt động trong giáo xứ, linh mục chính xứ (với sự tư vấn của ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ) có thể chọn và mời vị đứng đầu (hoặc người đại diện) của một hay nhiều hội đoàn làm uỷ viên hội đồng mục vụ giáo xứ;
(3)     đối với giáo xứ nhỏ, các thành viên ban thường vụ có thể chia nhau kiêm nhiệm công việc của các uỷ viên hội đồng mục vụ giáo xứ.
Điều 26. Tuyển chọn người vào ban trị sự của các giới và ban phục vụ hội đoàn tông đồ trong giáo xứ
Đối với các hội đoàn có cơ cấu luật lệ riêng như Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh, Huynh đoàn Phan Sinh Tại Thế..., việc tuyển chọn người vào ban phục vụ hội đoàn được thực hiện theo nội quy riêng của các hội đoàn. Trong đó, việc chuẩn thuận của linh mục chính xứ đối với các thành viên ban phục vụ mỗi hội đoàn được xem là việc làm khôn ngoan và cần thiết cho chính sự phát triển của hội đoàn; và qua đó, cũng là sự phát triển của giáo xứ.
Với sự bổ nhiệm hoặc chuẩn thuận của linh mục chính xứ, các chức vụ thuộc về ban trị sự của mỗi giới, và các chức vụ thuộc về ban phục vụ mỗi hội đoàn tông đồ trong giáo xứ được trao cho các vị có khả năng thích hợp.

 
* Chương IV

NHẬN CHỨC - SINH HOẠT – NHIỆM KỲ

Điều 27. Nhận chức và bàn giao
Tùy theo truyền thống từng giáo phận, linh mục chính xứ trình danh sách các thành viên ban thường vụ (và các trưởng ban chấp hành các giáo họ) mới thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ cho giám mục giáo phận. Toà giám mục ra văn thư chấp thuận sự bổ nhiệm của linh mục chính xứ đối với các vị ấy để chính thức hóa việc thi hành sứ vụ phục vụ của các vị trong Giáo hội.[46]
Sau đó, linh mục chính xứ tổ chức tĩnh tâm (nếu được) và cử hành nghi thức nhận chức cho các vị này trong thánh lễ có đông người tham dự. Việc bàn giao giữa các ban cũ – mới nên diễn ra đơn giản dưới sự chứng kiến của linh mục chính xứ.
Điều 28. Sinh hoạt
Để thúc đẩy nhiệm vụ của các thành viên, để thông tri và nắm vững tình hình giáo xứ, để biên soạn và thực hiện kế hoạch mục vụ toàn niên, bán niên, mỗi tam cá nguyệt và mỗi tháng của giáo xứ (kiểm điểm các công tác mục vụ, chuẩn bị cho công việc sắp tới, phân công và phối hợp thực hiện, tạo bầu khí hiệp nhất giữa các thành viên trong giáo xứ...), ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ, các ủy viên hội đồng mục vụ giáo xứ và các trưởng ban chấp hành các giáo họ:
(1)     họp định kỳ mỗi tháng một lần,
(2)     họp bất thường khi linh mục chính xứ triệu tập;[47]
(3)     họp định kỳ mỗi ba/bốn tháng một lần (tối thiểu mỗi năm hai lần) với sự tham dự của tất cả các trưởng ban trị sự các giới và các trưởng ban phục vụ các hội đoàn.[48]
Điều 29. Nhiệm kỳ của hội đồng mục vụ giáo xứ
Nhiệm kỳ của ban thường vụ, các uỷ viên, ban chấp hành các giáo họ là ba hoặc bốn năm (x. điều 4).[49] Trong đó:
(1)     Thành viên ban thường vụ được tái bầu cử hai lần liền vào chức vụ cũ; nghĩa là, một người có thể trúng cử tối đa ba nhiệm kỳ liên tục trong cùng một chức vụ.[50]
(2)     Các thành viên ngoài ban thường vụ có thể được tái cử nhiều lần liền vào chức vụ cũ.
(3)     Các thành viên là các trưởng của các giới và các trưởng của các hội đoàn có nhiệm kỳ theo nội quy riêng của mỗi đơn vị.
(4)     Thay thế và bổ sung: (1*) trường hợp khuyết chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ, phó chủ tịch nội vụ lên thay thế; (2*) trường hợp khuyết một trật chủ tịch và phó chủ tịch nội vụ, phó chủ tịch ngoại vụ lên thay thế; (3*) trường hợp khuyết một trật cả ba vị: chủ tịch và hai phó chủ tịch, có thể tổ chức bầu cử bổ sung (dưới sự hướng dẫn của linh mục chính xứ); (4*) trường hợp khuyết một thành viên khác hay một uỷ viên: linh mục chính xứ bàn bạc với ban thường vụ để tìm người thay thế.
Điều 30. Từ nhiệm
Khi có lý do chính đáng và sau khi đã bàn bạc với linh mục chính xứ và ban thường vụ, một thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ có thể xin từ nhiệm.
Điều 31. Bãi nhiệm
Sau đôi ba lần cảnh cáo không có kết quả tích cực và sau khi bàn bạc với ban thường vụ về trường hợp phạm lỗi nặng của một thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ nào đó, như:
(1)     bỏ phế nhiệm vụ (không nhiệt thành, thiếu khả năng trầm trọng);
(2)     làm gương xấu về đời sống luân lý (thiếu nhân cách, đạo đức sa sút nghiêm trọng: bê tha rượu chè, cờ bạc, rối vợ, rối chồng…);
(3)     gây chia rẽ (chống đối hoặc bất tuân các quyết định chính đáng của linh mục chính xứ);
(4)     ...
thì linh mục chính xứ có thể bãi nhiệm thành viên ấy.

 
* Chương V

NỘI QUY      

Điều 32. Nội quy riêng của mỗi giáo xứ
Mỗi giáo xứ nên có bản nội quy riêng để thống nhất các sinh hoạt giáo xứ, kiến tạo cộng đoàn giáo xứ theo mẫu gương cộng đoàn giáo hội thời các thánh tông đồ. Đó cũng là cách thức triển khai quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ. Bản nội quy giáo xứ cần được giáo dân góp ý và được linh mục chính xứ phê duyệt.[51] Bản nội quy giáo xứ chỉ có giá trị trong giáo xứ. Cụ thể, bản nội quy giáo xứ được soạn thảo để:[52]
(1)     xác định mô hình giáo xứ và định hướng mục vụ nhằm mời gọi mọi thành phần dân Chúa góp sức xây dựng tình người trong Chúa Kitô, tinh thần hiệp thông huynh đệ trong giáo xứ, giáo phận, làm chứng cho tình thương bao la của Thiên Chúa là Cha chung mọi người...;
(2)     xác định cụ thể về việc cử hành (lãnh nhận) các bí tích, cũng như những sinh hoạt mục vụ giáo xứ, giáo họ, giáo khu, liên gia (tuyển chọn, bầu cử, chọn thánh bổn mạng, mừng lễ thánh bổn mạng,[53] sinh hoạt hỗ tương…);
(3)     xác định chi tiết và cụ thể về việc lãnh đạo, tổ chức cũng như hướng dẫn các giới, các hội đoàn trong giáo xứ.

 
* Chương VI

 LỜI KẾT    

Điều 33. Giá trị của tập Gợi ý cho một quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ TC "Điều 32. Quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ của giáo phận" \f C \l "1"
Tập Gợi ý cho một quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ này gồm sáu chương (33 điều), có giá trị thử nghiệm bốn năm, mong ước được áp dụng (hoặc tham khảo, hoặc quy chiếu, hoặc biên soạn, hoặc hiệu đính) trong tất cả các giáo xứ thuộc các giáo phận tại Việt Nam kể từ ngày... tháng... năm.... Theo đó, tập Gợi ý cho một quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ này sẽ thay thế mọi quy chế hoặc định ước trước đây trong cùng lãnh vực được đề cập đến.  
 
[1] X. SC, số 42; AA, số 10; 26; BGL, đ. 515; 518
[2] X. BGL, đ. 515 §1.
[3] X. BGL, đ. 515 §3.
[4] X. BGL, đ. 515 §2.
[5] X. BGL, đ. 515 §1.
[6] X. BGL, đđ. 515; 518; 519; 536; 537.
[7] X. BGL, đ. 519.
[8] X. BGL, đđ. 518; 519.
[9] X. BGL, đđ. 519; 532.
[10] X. Mt 20,1-7; BGL, đđ. 228; 512; 532; 536; 537.
[11] X. BGL, đ. 536 §1.
[12] X. BGL, đ. 536 §2.
[13] X. BGL, đ. 537.
[14] X. BGL, đ. 537.
[15] Tuỳ nhu cầu và hoàn cảnh thực tế của mỗi giáo xứ: (1) các chức vụ phó có thể được thêm vào; hoặc (2) một thành viên có thể kiêm nhiệm hai chức vụ.
[16] Các vị chuyên trách các lãnh vực mục vụ/ban mục vụ giáo xứ nên là các ủy viên trong hội đồng mục vụ giáo xứ. Tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh thực tế của mỗi giáo xứ (theo sự định liệu của linh mục chính xứ), một số lượng cụ thể (hay tất cả) các vị chuyên trách các lãnh vực mục vụ/ban mục vụ giáo xứ sẽ chính thức là các ủy viên hội đồng mục vụ giáo xứ.
[17] Giáo xứ gồm nhiều giáo họ. Nếu giáo họ lớn có thể thêm các chức vụ uỷ viên chuyên trách các lãnh vực mục vụ/ban mục vụ giáo họ. Trong trường hợp này, giáo họ có thể được linh mục chính xứ hướng dẫn thành lập hội đồng mục vụ giáo họ; và theo đó, ban chấp hành giáo họ sẽ được gọi là ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo họ.
[18] Trưởng ban chấp hành giáo họ là thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ (x. điều 4, số 2).
[19] Giáo họ gồm nhiều giáo khu. Giáo khu còn được gọi là xóm đạo, xóm giáo, khu đạo, khu giáo.
[20] Được linh mục chính xứ bổ nhiệm trực tiếp hay chuẩn nhận làm trưởng của giới/hội đoàn, các vị này là thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ (x. điều 4, số 2).
[21] X. BGL, đđ. 515-552.
[22] X. BGL, đ. 545.
[23] X. BGL, đ. 536 §1.
[24] Câu La Tinh nổi tiếng này “In necessariis unitas, in dubiis libertas, in omnibus caritas” được gán cho Thánh Âutinh là tác giả. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã sử dụng câu này trong Thông điệp Ad Petri cathedram (về chân lý, hiệp nhất, bình an trong tinh thần bác ái), ban hành ngày 29 tháng 6 năm 1959.
[25] X. BGL, đ. 536 §2.
[26] X. BGL, đ. 515 §1.
[27] X. BGL, đ. 537.
[28] Các lãnh vực nêu trong số (2) của điều 14 này.
[29] Các lãnh vực nêu trong số (2) của điều 15 này.
[30] Một biên bản phiên họp cần phải có chữ ký của cả vị chủ toạ phiên họp lẫn chữ ký của vị thư ký phiên họp thì biên bản ấy mới có giá trị.
[31] Kể cũng là trong khả năng phục vụ, thủ quỹ hội đồng mục vụ giáo xứ, khi được ủy thác, cũng nên là người được cùng với các vị hữu trách để lo liệu việc gây quỹ.
[32] X. BGL, đđ. 305; 536.
[33] 2 Tm 4.7-8.
[34] Linh mục chính xứ cầu nguyện cho tất cả các vị phục vụ giáo xứ ở các cấp, đương nhiệm và đã mãn nhiệm.
[35] Toà giám mục cấp cho các thành viên ban thường vụ và các trưởng ban chấp hành các giáo họ (theo đề xuất của linh mục chính xứ). Linh mục chính xứ cấp cho các thành viên khác.
[36] Tương tự như số (2) của điều này.
[37] Phẩm chất và năng lực các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ luôn cần được trau dồi, phát huy, và nâng cao ngang tầm với sứ vụ cao quý.
[38] Cần hết sức linh hoạt để thực sự phù hợp với hoàn cảnh của từng giáo xứ.
[39] Về hạn tuổi để được làm hoặc tiếp tục làm thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ, rất nên cân nhắc đến những trường hợp đặc biệt.
[40] Cần hết sức linh hoạt để thực sự phù hợp với hoàn cảnh của từng giáo xứ.
[41] Khi hoàn cảnh không cho phép tuyển chọn thành viên ban thường vụ theo thể thức đề xuất ở đây, linh mục chính xứ cần báo cho toà giám mục để tìm phương thức khác.
[42] Nhiệm kỳ của ban thường vụ là ba hoặc bốn năm. Mỗi thành viên có thể được ứng cử, được tái bầu cử để tuyển chọn thêm hai lần vào chức vụ cũ; nghĩa là, một người có thể trúng cử tối đa ba nhiệm kỳ trong cùng một chức vụ.
[43] Số gia đình đi bầu phải quá bán số gia đình trong giáo xứ thì cuộc bầu cử mới hợp lệ.
[44] Nếu giáo xứ chọn thể thức bầu chọn một lượt năm người trong danh sách ứng viên thì: (1) linh mục chính xứ bàn bạc (hội ý) với năm vị đắc cử về các chức vụ thích hợp nhất cho từng vị (để rồi chính giám mục giáo phận hoặc linh mục chính xứ sẽ bổ nhiệm cả năm vị); (2) tất cả các thành viên của hội đồng mục vụ giáo xứ (dưới sự hướng dẫn của linh mục chính xứ) sẽ bầu chọn những vị đã đắc cử vào các chức vụ trong ban thường vụ (sao cho phù hợp với khả năng của từng vị).
[45] Có thể: (1) tuyển chọn một số vị có khả năng phù hợp, hoặc (2) tuyển chọn một số vị đang đặc trách các hội đoàn trong giáo xứ, hoặc (3) mời tất cả các vị đang đặc trách các hội đoàn trong giáo xứ vào làm các ủy viên hội đồng mục vụ giáo xứ.
[46] Các ủy viên hội đồng mục vụ giáo xứ và các chức vụ khác trong giáo xứ, giáo họ… do linh mục chính xứ ra văn thư bổ nhiệm (chung hoặc riêng từng vị).
[47] Việc triệu tập cuộc họp hội đồng mục vụ giáo xứ, ban chấp hành giáo họ... thuộc phạm vi quyền hạn được ủy thác của linh mục chính xứ trong tư cách là mục tử riêng: (1) ngài tự mình quyết định triệu tập cuộc họp, hoặc (2) quyết định vì chấp thuận lời đề nghị triệu tập cuộc họp của đa số các thành viên trong ban thường vụ, ban chấp hành, ban trị sự và ban phục vụ.
[48] Mô phỏng theo cuộc họp của hội đồng mục vụ giáo xứ, các ban chấp hành các giáo họ, các ban trị sự các giới và các ban phục vụ các hội đoàn tổ chức sinh hoạt của mình theo nội quy của mỗi đơn vị.
[49] Điều 4: Cách tổng quát mà nói thì tổ chức hội đồng mục vụ giáo xứ bao gồm các thành viên thuộc ban thường vụ, các ban chấp hành các giáo họ, các ban trị sự các giới, và các ban phục vụ các hội đoàn. Tùy từng trường hợp cụ thể, hội đồng mục vụ giáo xứ được đề cập đến với các ý nghĩa rộng hẹp khác nhau:
(1)    nghĩa thứ nhất (hẹp): hội đồng mục vụ giáo xứ gồm ban thường vụ và các uỷ viên;
(2)    nghĩa thứ hai (rộng): hội đồng mục vụ giáo xứ gồm ban thường vụ, các uỷ viên, các trưởng của các giáo họ (ban chấp hành), các trưởng của các giới (ban trị sự), và các trưởng của các hội đoàn (ban phục vụ);
(3)    nghĩa thứ ba (mở rộng): hội đồng mục vụ giáo xứ gồm tất cả các thành viên thuộc ban thường vụ, các uỷ viên, các ban chấp hành các giáo họ, các ban trị sự các giới, và các ban phục vụ các hội đoàn trong giáo xứ.
[50] Rất nên cân nhắc đến những trường hợp đặc biệt.
[51] Nếu thuận tiện, bản nội quy giáo xứ còn rất nên được trao đổi và thống nhất cách cơ bản trong giáo hạt hoặc trong liên giáo hạt.
[52] Để góp phần thống nhất trong đa dạng (diversity in unity), các bản quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ của giáo phận cần được biên soạn hoặc hiệu đính với sự tham khảo và quy chiếu vào tập Gợi ý cho một quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ của Hội đồng Giám mục Việt Nam ban hành ngày... tháng... năm....
[53] Hội đồng mục vụ giáo xứ rất nên chọn một vị thánh giáo dân Việt Nam làm bổn mạng.

Nguồn tin: gpcantho.com

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay1,022
  • Tháng hiện tại29,808
  • Tổng lượt truy cập11,281,301
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi