NHỮNG NGUYÊN TẮC CHỐNG LẠM DỤNG VÀ SỰ CHE ĐẬY TỘI TÌNH DỤC TRẺ VỊ THÀNH NIÊN THEO TÔNG THƯ VOS ESTIS LUX MUNDI - J.B. Lê Ngọc Dũng

Thứ hai - 24/01/2022 07:26

NHỮNG NGUYÊN TẮC CHỐNG LẠM DỤNG
VÀ SỰ CHE ĐẬY TỘI TÌNH DỤC
TRẺ VỊ THÀNH NIÊN THEO TÔNG HUẤN VOS ESTIS LUX MUNDI

  
Tông huấn “Vos estis lux mundi”, dưới dạng Tự sắc, của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ban hành ngày 7 tháng 5 năm 2019, và có hiệu lực ngày 1 tháng 6 năm 2019, có tựa đề từ giáo huấn Tin Mừng Thánh Matthêu: “Các con là ánh sáng thế gian. Một thành phố nằm trên đồi không thể bị che khuất” (Mt 5,14).
Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn nhắc lại giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô, là mọi tín hữu trở thành một tấm gương sáng ngời về nhân đức, chính trực và thánh thiện, trong bối cảnh phòng trừ những những hành vi tội lỗi nghịch cùng điều răn thứ sáu, “gây thiệt hại về thể chất, tâm lý và tinh thần cho các nạn nhân và gây tổn hại cho cộng đồng tín hữu” (Vos estis).
Tông thư được ban hành như là kết quả của suy nghĩ và hợp tác trong và sau cuộc họp của các Chủ tịch Hội đồng Giám mục và Bề trên dòng tu, được tổ chức vào tháng 2 năm 2019.
 

1. TÔNG THƯ VOS ESTIS LUX MUNDI

1.1. Đối tượng củaTông thư

Tông thư ban hành các quy tắc chống lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và sự che đậy tội này của giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân có trách nhiệm, chứ không nhằm phổ biến những quy tắc điều tra, xử phạt đối với phạm nhân.
Đức Giáo Hoàng ban sắc lệnh chủ yếu là cho các vị lãnh đạo trong Giáo Hội: Hồng y, Giám mục giáo phận... buộc các vị này phải hành động, không được thờ ơ, tránh né hay che đậy, để ngăn chận sự lạm dụng tình dục vị thành niên một cách có hiệu quả cao nhất.

1.2. Quy định chính yếu

Quy định chính yếu của Tông huấn nằm ở ngay điều 1, nói đến phạm vi áp dụng, được trích nguyên văn như sau:
Điều 1 - Phạm vi áp dụng
§1. Các qui định này áp dụng đối với các trình báo liên hệ đến các giáo sĩ hoặc thành viên của các tu hội đời sống thánh hiến hoặc các tu đoàn đời sống Tông đồ và liên quan tới:
a) Các tội phạm nghịch điều răn thứ sáu trong Mười Điều răn hệ tại:
i. Ép buộc ai đó, bằng bạo lực hoặc đe dọa hoặc qua việc lạm quyền, để thực hiện hoặc bắt thực hiện các hành vi tình dục;
ii. Thực hiện các hành vi tình dục với một trẻ vị thành niên hoặc người dễ bị tổn thương;
iii. Sản xuất, trưng bày, sở hữu hoặc phân phối, ngay cả các phương tiện điện tử, hình ảnh khiêu dâm trẻ em, cũng như tuyển dụng hoặc xúi giục một vị thành niên hoặc người dễ bị tổn thương tham gia trưng bày khiêu dâm;
b) Những động thái của các chủ thể được đề cập trong điều 6, hệ tại ở các hành động hoặc bỏ sót nhằm can thiệp vào hoặc tránh né các cuộc điều tra dân sự hoặc giáo luật, bất kể có tính hành chính hay hình sự, nhằm chống lại một giáo sĩ hoặc một tu sĩ liên quan đến các tội phạm được đề cập trong tiểu mục a) của điều này.
§2. Về hiệu quả của các quy tắc này, được hiểu:
a) “Vị thành niên”: bất cứ người nào dưới mười tám tuổi, hoặc theo  pháp luật được coi là tương đương;
b) “Người dễ bị tổn thương”: bất cứ người nào trong tình trạng yếu ớt, khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần, hoặc thiếu tự do bản thân mà thực sự, ngay cả đôi khi, khả năng hiểu hoặc muốn hoặc chống lại hành vi phạm tội bị giới hạn;
c) “Văn hóa khiêu dâm trẻ em”: bất cứ việc trưng bày nào về một vị thành niên, bất kỳ các phương tiện được sử dụng, liên hệ đến các hoạt động tình dục rõ ràng, dù là thật hay giả, và bất cứ việc trưng bày nào về các cơ quan tình dục của các vị thành niên nhằm mục đích chủ yếu về tình dục.
Giải thích:
Triệt 1 của điều 1 gồm hai phần; phần thứ nhất liệt kê những hành vi tội phạm nghịch điều răn thứ 6, được thực hiện bởi giáo sĩ hay tu sĩ; phần thứ hai quy định về việc các hành vi tránh né hoặc thiếu sót của các bậc lãnh đạo. Các vị lãnh đạo này là những người được nói đến ở điều 6, là các Hồng Y, Thượng phụ, Giám mục...
 
Điều 6 - Phạm vi chủ thể của áp dụng
Các quy tắc về thủ tục được đề cập trong tiêu đề này liên quan đến các thái độ được đề cập trong điều 1, của:
a) Các Hồng y, Thượng phụ, Giám mục và Đặc sứ (legates) của Đức Giáo Hoàng Roma.
b) Các giáo sĩ là, hoặc đã từng là, người lãnh đạo mục vụ của một Giáo Hội địa phương hoặc của một Giáo Hội tương đương, theo nghi lễ La tinh hoặc theo nghi lễ Đông phương, bao gồm các Đấng Bản quyền tòng nhân (Personal Ordinariates), do có những vi phạm trong thời gian thi hành nhiệm vụ;
c) Các giáo sĩ là hoặc đã từng là những người lãnh đạo của một Hạt Giám chức tòng nhân (Personal Prelature), do có những vi phạm trong thời gian thi hành nhiệm vụ;
d) Những người là hoặc đã từng là vị Điều hành thượng cấp (Moderatori supremi) của các Tu hội Đời sống thánh hiến hoặc của các Tu đoàn đời sống Tông đồ thuộc luật giáo hoàng, cũng như các đan viện sui iuris (tự trị), do có những vi phạm trong thời gian thi hành nhiệm vụ;
Như vậy, đối tượng chính yếu để thực hiện tự sắc Vos Estis là  các vị lãnh đạo trong Giáo Hội: Hồng y, Giám mục, Bề trên tu hội... và những giáo sĩ có vai trò lãnh đạo tương đương với các Giám mục, về các hành động hoặc bỏ sót nhằm can thiệp vào hoặc tránh né các cuộc điều tra dân sự hoặc giáo luật trong vấn đề lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

1.3. Tiếp nhận, trình báo (đ.2)

Trong phạm vi giáo phận, một số quy định áp dụng được nêu ra ở đây:
- Một hay những giáo phận cùng nhau phải thiết lập “một hoặc nhiều hệ thống công khai, ổn định và dễ tiếp cận để đệ nạp những trình báo, thậm chí qua việc lập ra một văn phòng Giáo Hội chuyên biệt” (đ. 2§1).
- Các dữ liệu trình báo phải được bảo mật một cách an toàn (đ. 2§2).
- Đấng Bản quyền nào tiếp nhận trình báo phải mau chóng chuyển nó đến vị Bản quyền của nơi được cho là đã xảy ra các biến cố, cũng như vị Bản quyền của người bị báo cáo; các vị này sẽ tiến hành theo luật đã dự liệu cho trường hợp chuyên biệt.

1.4. Nghĩa vụ trình báo (đ. 3)

Tông huấn có quy định những ai có nghĩa vụ buộc hay không buộc phải trình báo.
a- Buộc các giáo sĩ và tu sĩ
Theo quy định ở điều 3§1, các giáo sĩ, và các thành viên của các Tu hội Thánh hiến và Tu đoàn đời sống Tông đồ có nghĩa vụ "buộc phải" trình cáo (is obliged to report) khi “thấy hoặc có động cơ để tin rằng, một trong các sự kiện được đề cập ở điều 1 đã bị vi phạm”.
Tuy nhiên, phần này có luật trừ, không buộc trong các trường hợp được kể như sau (đ. 1548§2):
- Tư tế khi phải giữ ấn tích của Tòa Giải tội (GL. 1955§2,20).
- Những người sau đây không buộc phải trình báo hay phải trả lời khi được hỏi đến, chiếu theo quy định của Giáo luật điều 1548§2, như sau:
10 Các giáo sĩ trong những vấn đề họ biết được do tác vụ thánh; các viên chức dân sự, các thầy thuốc, các nữ hộ sinh, các luật sư, các công chứng viên và tất cả những người buộc phải giữ bí mật nghề nghiệp, kể cả những người mang danh hiệu cố vấn, trong tất cả những vấn đề thuộc về bí mật này;
20 Những người sợ rằng việc làm chứng của họ sẽ làm cho chính bản thân họ, hoặc cho người phối ngẫu, hoặc cho những thân nhân thuộc họ máu hay họ kết bạn, bị mất thanh danh, bị đối xử tàn tệ, hay bị những hiểm họa khác (CIS 1755; CIO 1229).
b- Không buộc những người khác
Theo quy định ở điều 3§1, bất cứ ai đều “có thể” trình báo (can submit a report). Vậy những ai, mà không phải là giáo sĩ hay tu sĩ thì không bị buộc phải trình báo mà chỉ "có thể" trình báo.
Bản trình báo phải nhanh chóng được gởi đến cho vị Bản quyền địa phương nơi các biến cố được cho là đã xảy ra hoặc cho một vị Bản quyền khác. Riêng phạm nhân là vị lãnh đạo được nói đến ở điều 6, như Giám mục, thì trình báo phải gởi lên cấp cao hơn: Tòa Tổng Giám mục hay Tòa Thánh (đ. 3§3).

1.5. Bảo vệ người nộp báo cáo (đ.4)

- Người nộp báo cáo theo quy định của điều 3 nói trên, nếu có tiết lộ những điều mà mình có nghĩa vụ bảo mật theo chức vụ của mình, thì vẫn không bị tội (đ. 4§1).
- Tông huấn cấm nộp báo cáo vì trả thù hoặc vì kỳ thị thành kiến. Sự vi phạm có thể cấu thành động thái được nêu trong điều 1§1, tiểu mục b. Như vậy, nộp báo cáo vì trả thù hoặc kỳ thị thành kiến, có thể bị tội như là tội chống lại một giáo sĩ hoặc một tu sĩ (đ. 4§2).
- Người nộp báo cáo không bị buộc giữ im lặng về nội dung trình báo(đ. 4§3), nghĩa là, người đó có thể nói ra nội dung trình báo.

1.6. Chăm sóc nạn nhân (đ. 5)

- Các thẩm quyền Giáo Hội phải cam kết bảo đảm rằng những người nói mình bị tổn hại, cùng với gia đình họ, phải được đối xử cách xứng đáng và tôn trọng, và đặc biệt, phải được:
a) Chào đón, lắng nghe và nâng đỡ;
b) Cung ứng sự hỗ trợ thiêng liêng;
c) Cung ứng sự hỗ trợ y tế.
Tiếng tốt và quyền riêng tư của những người liên quan, cũng như việc bảo mật các dữ kiện bản thân của họ, phải được bảo vệ.

1.7. Cơ quan có thẩm quyền (đ. 7)

- Bộ có thẩm quyền chính yếu là Bộ Giáo lý Đức tin
- Các Bộ khác có liên quan:  Bộ các Giáo hội Đông phương; Bộ Giám mục;Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc; Bộ Giáo sĩ; Bộ các Tu hội  Đời sống Thánh hiến và các Tu đoàn  Đời sống Tông đồ.

2. HƯỚNG DẪN CỦA BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN (2011)

Năm 2011, Đức Hồng y William Levada, Tổng trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành: Thư luân lưu để giúp các Hội đồng Giám mục trong việc soạn thảo bản hướng dẫn giải quyết các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Thư Luân lưu này giúp thấy cái nhìn tổng quát, những áp dụng Giáo Luật được quy định bởi các Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh. Một số điểm cần biết, xin nêu ngắn gọn sau đây:
- Ngày 30 tháng Tư năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Tự sắc (Motu proprio) Sacramentorum sanctitatis tutela [SST, Bảo vệ sự thánh thiêng của các Bí tích]. Theo  đó, tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, thời hiệu cho tội phạm này được ấn định là 10 năm kể từ lúc nạn nhân tròn 18 tuổi.
Như vậy, về tuổi, Đức Giáo Hòang Gioan Phaolô II đã nâng lên là dưới18 tuổi (chưa đủ 18 tuổi), so với quy định của bộ Giáo luật 1983 là dưới 16 tuổi. Luật quốc gia Việt Nam hiện nay cũng quy định là dưới 16 tuổi.
- Tự sắc được Đức Bênêđictô XVI phê chuẩn ngày 21/5/2010. Theo những quy định mới, trong trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên, thời hiệu được nâng lên 20 năm, tính từ lúc nạn nhân tròn 18 tuổi.
Một số hướng dẫn cần biết:
-Trách nhiệm giải quyết trước hết là của các Giám mục hoặc của các Bề trên thượng cấp. Nếu lời cáo buộc có vẻ là thực, thì Giám mục hay Bề trên thượng cấp hay vị đại diện của các ngài phải tiến hành điều tra sơ bộ.
- Nếu lời cáo buộc được xét là đáng tin, thì trường hợp đó phải được trình cho Bộ Giáo lý Đức Tin. Sau khi xem xét, Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ chỉ ra những bước tiếp theo để hoàn thiện.
- Việc áp đặt một hình phạt vĩnh viễn, như việc loại khỏi hàng giáo sĩ, luôn phải tiến hành theo tố tụng hình sự tư pháp, nghĩa là theo tố tụng của tòa án.
- Vụ việc sau đó phải trình cho Bộ Giáo lý Đức Tin và Bộ sẽ đưa ra phán quyết chung cuộc về tội phạm của giáo sĩ và tư cách thi hành thừa tác vụ của giáo sĩ ấy, cũng như việc ra hình phạt vĩnh viễn sau đó.
Các biện pháp thường thuộc hai loại:
1) Các biện pháp hạn chế triệt để tác vụ công khai hay ít ra cấm bất kỳ tiếp xúc nào với các trẻ vị thành niên. Các biện pháp này có thể gia tăng bằng một mệnh lệnh hình sự.
2) Các hình phạt của Giáo Hội, trong đó hình phạt nặng nhất là loại ra khỏi hàng giáo sĩ.
Trong một vài trường hợp, theo yêu cầu của chính vị giáo sĩ, việc miễn chuẩn các bổn phận của hàng giáo sĩ, gồm cả luật độc thân, có thể được chấp thuận vì lợi ích của Giáo Hội (pro bono Ecclesiae).
Vị giáo sĩ bị cáo phải được biết về cáo buộc chống lại ngài, và được có cơ hội giải trình về cáo buộc ấy. Trong thời gian điều tra sơ bộ, với sự khôn ngoan của mình, Giám mục hoặc Bề trên thượng cấp sẽ quyết định báo cho bị cáo những gì.
Nguyên văn Thư Luân lưu, của Bộ Giáo lý Đức tin, năm 2011, xin xem ở phần Phụ lục.

3. LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

Việt Nam đang áp dụng bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi và bổ sung năm 2017. Liên quan đến tội phạm tình dục đối với trẻ vị thành niên, Bộ luật hình sự Việt Nam, không dùng từ ngữ “lạm dụng”, vì có ý nghĩa chung chung, nhưng dùng những thuật ngữ cho những tội khác nhau: “hiếp dâm”, “cưỡng dâm”, “giao cấu” và “dâm ô”.
Bộ luật hình sự Việt Nam cũng phân biệt mức độ tuổi, dưới 13 và dưới 16 tuổi. Giáo luật thì quy định tội lạm dụng ở mức độ tuổi cao hơn, là dưới 18, không phân biệt tuổi 13 hay 16.
Xin trích dưới đây một số định nghĩa và khung hình phạt đối với những tội trên

3.1. Tội hiếp dâm

 
Tội “hiếp dâm”, được phần đầu điều 141 cho định nghĩa và khung hình phạt:
1.50 Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Điều 142 cũng phân biệt ở mức tuổi 13 và 16 để định tội “hiếp dâm” hay “cưỡng dâm”:
Đối với “người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”, để hình thành tội “hiếp dâm”, thì cần hội đủ những yếu tố “trái với ý muốn của họ”.
Tuy nhiên, đối với trẻ dưới 13 tuổi, thì cũng cấu thành tội “hiếp dâm” mà không cần yếu tố “trái với ý muốn”(đ. 142.1b).
Khung hình phạt của tội hiếp dâm trẻ vị thành niên là 07-15 năm, trong khi tội hiếp dâm người lớn chỉ 02-07 năm.

3.2. Tội cưỡng dâm

Tội “cưỡng dâm” được phần đầu điều 143 cho định nghĩa và khung hình phạt:
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, tội “cưỡng dâm” thì khác với tội “hiếp dâm”, khung hình phạt có nhẹ hơn. Trong tội cưỡng dâm không có yếu tố đe dọa dùng vũ lực, nhưng có yếu tố miễn cưỡng nơi nạn nhân, do tình trạng bị lệ thuộc, hay quẫn bách...
Điều 143.4 có quy định: “Cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”. Điều 144 quy định về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, có khung hình phạt 05-10 năm.

3.3. Tội giao cấu với trẻ vị thành niên

Tội “giao cấu” được điều 145 quy định:
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Được định là tội giao cấu này, không có yếu tố bị cưỡng ép hay lệ thuộc đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Nhưng đối với trẻ dưới 13 tuổi thì tội “giao cấu” này trở thành tội “hiếp dâm”, được quy định ở điều 142.1b.
Tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, vì không có yếu tố đe dọa dùng vũ lực hay miễn cưỡng nên khung hình phạt có nhẹ hơn, là từ 01 năm đến 05 năm.

3.4. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

Tội “dâm ô” được điều 146 cho định nghĩa và khung hình phạt:
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Tội “dâm ô”, theo quy định của điều 146 của luật hình sự Việt Nam, như vậy, không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác.
Tội “dâm ô”, là một trong những tội “lạm dụng tình dục” (Luật Giáo Hội) hay “xâm hại tình dục” (luật hình sự Việt Nam), với trẻ vị thành niên. Theo giải thích của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao của Việt Nam, thì không phải tất cả những đụng chạm của người lớn vào cơ thể trẻ em đều được coi là phạm tội này (xem rõ hơn ở phần giải thích luật bên dưới). Yếu tố cần có để xét định tội dâm ô là sự tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp, nói chung là vào “bộ phận” có tính chất “tình dục”, được liệt kê rõ là:
- Bộ phận sinh dục
- Bộ phận nhạy cảm (tình dục)
- Bộ phận khác trên cơ thể có tính chất tình dục.
Những hành vi tiếp xúcnhư xoa đầu, xoa vai, cầm tay, một số kiểu hôn, áp má... mà đó không phải là “bộ phận” có tính chất “tình dục”, thì theo bộ hình luật Việt Nam không được kể là tội dâm ô, hay không là tội xâm hại hoặc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

3.5. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm

Điều 147 quy định:
Điều 147. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm:
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trong Tông huấn Vos Etis, tội khiêu dâm trẻ em được nói đến ở điều 1 triệt 2c, với khái niệm “văn hóa khiêu dâm trẻ em”:
c) “Văn hóa khiêu dâm trẻ em”: bất cứ việc trưng bày nào về một vị thành niên, bất kỳ các phương tiện được sử dụng, liên hệ đến các hoạt động tình dục rõ ràng, dù là thật hay giả, và bất cứ việc trưng bày nào về các cơ quan tình dục của các vị thành niên nhằm mục đích chủ yếu về tình dục.

3.6. Giải thích luật

Trong luật hình sự Việt Nam nêu trên, có nhiều từ ngữ cần được giải thích. Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao ngày 01 tháng 10 năm 2019 đã ra Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP để hướng dẫn. Một số các từ ngữ đã được Nghị quyết giải thích xin được nêu lại nơi đây.

3.6.1. Xâm hại tình dục

Xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ người dưới 16 tuổi tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (ví dụ: hoạt động xâm hại tình dục được thực hiện do đồng thuận với người dưới 13 tuổi); do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ...).
Nghị Quyết dùng từ ngữ “Xâm hại tình dục”, để chỉ những tội hình sự: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô... Khái niệm “Lạm dụng tình dục” (child abuse) mà chúng ta thường nghe, không được dùng trong văn bản của Bộ luật hình sự Việt Nam hoặc văn bản Nghị Quyết hướng dẫn luật.

3.6.2. Giao cấu

Giao cấu “là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào”.
Tuy nhiên, Nghị quyết giải thích: giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập”.

3.6.3. Hành vi quan hệ tình dục khác

“Hành vi quan hệ tình dục khác”, được định nghĩa:
Là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.

3.6.4. Dâm ô

Tội “Dâm ô” được định nghĩa:
Là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).

 
PHỤ LỤC 1
 
THƯ LUÂN LƯU
ĐỂ GIÚP CÁC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
TRONG VIỆC SOẠN THẢO BẢN HƯỚNG DẪN
GIẢI QUYẾT CÁC TRƯỜNG HỢP
GIÁO SĨ LẠM DỤNG TÌNH DỤC TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
 
Trong những trách nhiệm quan trọng của Giám mục giáo phận khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm lợi ích chung của các tín hữu, nhất là bảo vệ trẻ em và những người trẻ, có một điều đó là Giám mục phải giải quyết một cách thích đáng các trường hợp giáo sĩ trong giáo phận của ngài lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Việc giải quyết này cần tiến hành các thủ tục thích hợp nhằm giúp đỡ các nạn nhân bị lạm dụng, và cũng nhằm giáo dục cộng đồng dân Chúa về bảo vệ trẻ vị thành niên. Việc giải quyết sẽ phải được chuẩn bị đầy đủ nhằm thực thi Giáo luật cách thích đáng, đồng thời đáp ứng những yêu cầu của pháp luật dân sự.
I. Tổng quan
a) Những nạn nhân bị lạm dụng tình dục
Giáo Hội, qua đích thân Đức Giám mục hoặc vị đại diện của ngài, cần phải sẵn sàng lắng nghe các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời liệu cách giúp họ về tâm lý và tinh thần. Điều này đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thực hiện, qua những chuyến tông du của ngài, như một mẫu gương sáng ngời về việc sẵn sàng gặp gỡ và lắng nghe các nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Trong những cuộc gặp gỡ đó, Đức Thánh Cha hết sức quan tâm đến các nạn nhân, bày tỏ sự đồng cảm và nâng đỡ, như lời lẽ chúng ta đọc được trong “Thư mục vụ gửi Dân Chúa tại Ireland” (số 6): “Anh chị em đã phải chịu đựng đau khổ xiết bao và lòng tôi thật sự đau đớn. Tôi biết không gì xóa được nỗi đau anh chị em đã phải chịu. Niềm tin của anh chị em bị phản bội và phẩm giá của anh chị em bị xúc phạm”.
b) Bảo vệ các trẻ vị thành niên
Tại một số quốc gia, nhằm bảo đảm cho trẻ vị thành niên được sống trong những “môi trường an toàn”, các chương trình giáo dục và ngăn ngừa đã được khởi xướng ngay trong Giáo Hội. Các chương trình này tìm cách giúp đỡ phụ huynh cũng như những người làm công tác mục vụ và trường học nhận ra những dấu hiệu của sự lạm dụng tình dục và có biện pháp thích hợp. Những chương trình như thế thường được xem là mô hình trong việc dấn thân chấm dứt các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong xã hội ngày nay.
c) Việc đào tạo các linh mục và tu sĩ tương lai
Năm 2002, Đức Gioan Phaolô II tuyên bố: “Không có chỗ trong hàng ngũ linh mục và đời sống tu sỹ dành cho những kẻ có thể sẽ làm hại giới trẻ” (Huấn từ trong cuộc tiếp kiến các Hồng y Hoa Kỳ, 23-04-2002, số 3). Phát biểu này kêu gọi tinh thần trách nhiệm đặc biệt của các Giám mục, các bề trên thượng cấp và những ai có trách nhiệm đào tạo các linh mục và tu sĩ tương lai. Những chỉ dẫn được đưa ra trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis cũng như những hướng dẫn của các Bộ có thẩm quyền của Tòa Thánh đều nhấn mạnh đến việc phải bảo đảm phân định đúng ơn kêu gọi cũng như đào tạo các ứng viên có được sự lành mạnh về nhân bản và đời sống thiêng liêng. Đặc biệt, ứng viên phải được đào luyện để quý trọng giá trị của sự khiết tịnh, đời sống độc thân và trách nhiệm của người giáo sĩ đối với tình phụ tử thiêng liêng. Việc đào tạo cũng phải bảo đảm sao cho các ứng viên hiểu rõ được kỷ luật của Giáo Hội về các vấn đề này. Những hướng dẫn cụ thể hơn có thể được lồng vào các chương trình đào tạo trong các chủng viện và các cơ sở huấn luyện thông qua Ratio institutionis sacerdotalis (Quy chế đào tạo linh mục) riêng của mỗi nước, Tu hội đời sống thánh hiến và Tu đoàn Tông đồ.
Hơn nữa, phải đặc biệt lưu ý cần có sự trao đổi thông tin đối với những ứng viên linh mục hoặc tu sĩ chuyển từ chủng viện này sang chủng viện khác, giữa các giáo phận khác nhau hoặc chuyển giữa các học viện dòng tu với các giáo phận.
d) Nâng đỡ các linh mục
1. Giám mục có trách nhiệm coi sóc mọi linh mục của mình như một người cha và người anh. Hơn nữa, ngài phải đặc biệt lưu tâm chăm lo việc thường huấn hàng giáo sĩ, nhất là những năm đầu sau khi thụ phong, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện và nâng đỡ nhau trong tình anh em linh mục. Các linh mục cần được thông tin về những thiệt hại gây ra cho các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tình dục. Các linh mục cũng phải được biết về trách nhiệm của bản thân về phương diện giáo luật cũng như pháp luật dân sự. Các linh mục cần phải được giúp đỡ để nhận ra có những dấu hiệu cho thấy người nào đó đã có hành động lạm dụng đối với trẻ nhỏ.
2. Trong việc giải quyết các trường hợp lạm dụng được trình báo, các giám mục phải hết sức tuân thủ kỷ luật của Giáo luật và pháp luật dân sự, với sự tôn trọng các quyền của tất cả các bên.
3. Giáo sĩ bị cáo buộc được hưởng sự suy đoán là vô tội, cho đến khi có bằng chứng ngược lại, ngay cả khi Giám mục có thể hạn chế việc thi hành tác vụ giáo sĩ trong khi chờ đợi các cáo buộc được làm sáng tỏ. Nếu vụ việc đã được sáng tỏ, cần phải làm tất cả những gì có thể để phục hồi thanh danh cho vị giáo sĩ đã bị vu cáo.
e) Việc hợp tác với thẩm quyền dân sự
Lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên không chỉ là một tội phạm về mặt giáo luật mà còn là một tội phạm bị truy tố bởi luật dân sự. Mặc dù quan hệ với chính quyền dân sự có sự khác biệt tại các quốc gia khác nhau, nhưng điều quan trọng là hợp tác với nhà chức trách trong phạm vi trách nhiệm của họ. Cụ thể, cần phải luôn luôn tuân theo những quy định của pháp luật dân sự về việc tường trình các tội ác cho nhà chức trách miễn là không phương hại đến tòa trong thuộc bí tích. Hơn nữa, sự hợp tác này không chỉ liên quan đến các vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục mà kể cả các tu sĩ hoặc giáo dân đang làm việc trong các cơ quan của Giáo Hội.
II. Tóm tắt Giáo luật hiện hành liên quan đến giáo sĩ phạm tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên
Ngày 30 tháng Tư năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Tự sắc (Motu proprio) Sacramentorum sanctitatis tutela [SST, Bảo vệ sự thánh thiêng của các Bí tích], theo đó tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi mà một giáo sĩ mắc phải được liệt vào số các tội phạm nặng hơn (delicta graviora) được dành riêng cho Bộ Giáo lý Đức Tin. Thời hiệu cho tội phạm này được ấn định là 10 năm kể từ lúc nạn nhân tròn 18 tuổi. Quy định của Tự sắc được áp dụng cho cả giáo sĩ theo nghi lễ La tinh cũng như nghi lễ Đông phương, cũng như cho cả giáo sĩ giáo phận và giáo sĩ dòng.
Vào năm 2003, Đức Hồng y Ratzinger, lúc đó là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin, đã được Đức Gioan Phaolô II ban cho một số năng quyền đặc biệt để linh hoạt hơn trong việc tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến các tội nặng hơn này. Các biện pháp gồm có việc sử dụng tố tụng hình sự hành chính và việc yêu cầu ra khỏi hàng giáo sĩ chiểu theo chức vụ (ex officio) trong những trường hợp nghiêm trọng hơn. Hiện nay những năng quyền này được đưa vào trong bản sửa đổi của Tự sắc được Đức Bênêđictô XVI phê chuẩn ngày 21/5/2010. Theo những quy định mới, trong trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên, thời hiệu được nâng lên 20 năm, tính từ lúc nạn nhân tròn 18 tuổi. Tùy trường hợp, Bộ Giáo lý Đức Tin có thể bỏ qua thời hiệu này. Tội tàng trữ, sở hữu hay phát tán ảnh khiêu dâm trẻ em cũng được xác định là tội phạm giáo luật.
Trách nhiệm giải quyết các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trước hết là của các Giám mục hoặc của các Bề trên thượng cấp. Nếu lời cáo buộc có vẻ là thực, thì Giám mục hay Bề trên thượng cấp hay vị đại diện của các ngài phải tiến hành điều tra sơ bộ, theo CIC đ.1717, CCEO đ.1468 và khoản 16 của Tự sắc SST.
Nếu lời cáo buộc được xét là đáng tin, thì trường hợp đó phải được trình cho Bộ Giáo lý Đức Tin. Sau khi xem xét, Bộ Giáo lý Đức Tin sẽ chỉ ra những bước tiếp theo để hoàn thiện. Đồng thời, Bộ Giáo lý Đức Tin sẽ đưa ra những chỉ dẫn để chắc chắn rằng các biện pháp thích hợp được thực hiện, vừa bảo đảm một vụ xử công bằng đối với các giáo sĩ bị cáo buộc, trong sự tôn trọng quyền biện hộ căn bản của họ, vừa để bảo vệ lợi ích của Giáo Hội, gồm cả lợi ích của các nạn nhân. Về điểm này, cần lưu ý rằng, việc áp đặt một hình phạt vĩnh viễn, như việc loại khỏi hàng giáo sĩ, luôn phải tiến hành theo tố tụng hình sự tư pháp. Theo Giáo luật (x. CIC đ.1342), Đấng Bản Quyền không được tuyên án phạt vĩnh viễn bằng những nghị định ngoại tư pháp. Vụ việc phải trình cho Bộ Giáo lý Đức Tin và Bộ sẽ đưa ra phán quyết chung cuộc về tội phạm của giáo sĩ và tư cách thi hành thừa tác vụ của giáo sĩ ấy, cũng như việc ra hình phạt vĩnh viễn sau đó (SST, khoản 21, §2).
Các biện pháp giáo luật được áp dụng đối với một giáo sĩ bị coi là lạm dụng tình dục một trẻ vị thành niên thường thuộc hai loại: 1) các biện pháp hạn chế triệt để tác vụ công khai hay ít ra cấm bất kỳ tiếp xúc nào với các trẻ vị thành niên. Các biện pháp này có thể gia tăng bằng một mệnh lệnh hình sự; 2) các hình phạt của Giáo Hội, trong đó hình phạt nặng nhất là loại khỏi hàng giáo sĩ.
Trong một vài trường hợp, theo yêu cầu của chính vị giáo sĩ, việc miễn chuẩn các bổn phận của hàng giáo sĩ, gồm cả luật độc thân, có thể được chấp thuận vì lợi ích của Giáo Hội (pro bono Ecclesiae).
Việc điều tra sơ bộ và toàn bộ vụ án phải được thực hiện với sự tôn trọng tính riêng tư của những người có liên quan và hết sức chú ý đến thanh danh của họ.
Trừ phi có những lý do nghiêm trọng ngược lại, trước khi vụ án được trình lên Bộ Giáo lý Đức Tin, vị giáo sĩ bị cáo phải được biết về cáo buộc chống lại ngài, và được có cơ hội giải trình về cáo buộc ấy. Trong thời gian điều tra sơ bộ, với sự khôn ngoan của mình, giám mục hoặc Bề trên thượng cấp sẽ quyết định báo cho bị cáo những gì.
Bổn phận của Giám mục hay của Bề trên thượng cấp vẫn là đảm bảo công ích bằng cách quyết định sử dụng các biện pháp phòng ngừa nào trong CIC đ.1722 và CCEO đ.1473. Theo khoản 19 của Tự sắc SST, một khi bắt đầu cuộc điều tra sơ bộ, bổn phận này phải đã được thực thi.
Sau cùng, cần lưu ý rằng, khi một Hội đồng Giám mục muốn đề ra những quy định riêng, trừ khi được Tòa thánh chuẩn nhận, thì các quy định ấy phải được hiểu như là một bổ túc chứ không phải thay thế cho luật lệ phổ quát. Vì thế các quy định đặc thù ấy phải hài hòa với Bộ Giáo luật CIC/CCEO và với Tự sắc SST (30-04-2001) đã được cập nhật ngày 21-05-2010. Trong trường hợp Hội đồng Giám mục quyết định thiết lập những quy địnhcó tính ràng buộc, cần phải có sự chấp thuận (recognitio) từ các Bộ có thẩm quyền của Giáo triều Rôma.
III. Những chỉ dẫn cho các Đấng Bản quyền về cách thức để tiến hành
Bản Hướng dẫn do Hội đồng Giám mục soạn thảo phải đề ra hướng dẫn cho các Giám mục giáo phận và các Bề trên thượng cấp khi các ngài được thông báo về các trường hợp được cho là lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên do các linh mục đang sống trên địa hạt thuộc quyền tài phán của các ngài vi phạm. Bản Hướng dẫn này phải lưu ý đến những điểm sau đây:
a) Khái niệm “lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên” phải phù hợp với định nghĩa tại khoản 6 của Tự sắc SST (“tội phạm điều răn thứ sáu do một giáo sĩ vi phạm với một trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi), cũng như với cách giải thích và với án lệ của Bộ Giáo lý Đức tin, đồng thời lưu tâm đến luật dân sự của quốc gia ấy.
b) Người tố giác tội phạm phải được đối xử cách tôn trọng. Trong những trường hợp việc lạm dụng tình dục có liên quan với một tội phạm khác nghịch với phẩm giá của bí tích Hòa giải (SST, khoản 4), người tố giác có quyền đòi hỏi được giữ kín tên mình đối với vị linh mục bị cáo buộc (SST, khoản 24).
c) Thẩm quyền Giáo Hội phải cam kết giúp đỡ các nạn nhân về mặt tinh thần và tâm lý.
d) Việc điều tra những cáo buộc phải được thực hiện với sự tôn trọng nguyên tắc riêng tư và thanh danh của những người có liên quan.
e) Trừ phi có những lý do trái ngược nghiêm trọng, một khi đã bắt đầu giai đoạn điều tra sơ khởi, vị giáo sĩ bị cáo buộc phải được biết về các cáo buộc và đồng thời có cơ hội để giải trình về những điều ấy.
f) Các cơ quan tư vấn điều tra và thẩm định từng trường hợp, được dự kiến ở một số nơi, không được thay thế việc phân định và thẩm quyền cai trị (potestas regiminis) của mỗi Giám mục.
g) Bản Hướng dẫn phải cân nhắc đến pháp luật của quốc gia nơi có Hội đồng Giám mục, đặc biệt khi có liên quan đến bổn phận phải thông báo cho các nhà chức trách dân sự.
h) Đang khi thi hành kỷ luật hay diễn ra vụ án hình sự, vị giáo sĩ bị cáo buộc vẫn phải được hưởng phương tiện sinh sống xứng đáng và công bằng.
i) Vị giáo sĩ không được thi hành tác vụ công khai trở lại, nếu tác vụ ấy gây nguy hiểm cho trẻ vị thành niên hay trở thành gương xấu cho cộng đoàn.
Kết luận:
Bản Hướng dẫn do Hội đồng Giám mục đề ra nhằm bảo vệ trẻ vị thành niên và giúp các nạn nhân có được sự trợ giúp và hòa giải. Bản Hướng dẫn cũng phải chỉ ra rằng trách nhiệm giải quyết các tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên bởi các giáo sỹ trước tiên là của Giám mục địa phận. Cuối cùng, bản Hướng dẫn này sẽ phải dẫn đến một định hướng chung trong mỗi Hội đồng Giám mục, bằng cách giúp cho các nỗ lực của từng Giám mục phối hợp với nhau tốt hơn trong việc bảo vệ các trẻ vị thành niên.
Roma, Bộ Giáo lý Đức Tin, ngày 03 tháng 5 năm 2011
Hồng y William Levada,
Tổng trưởng
Luis F. Ladaria, S.I,
Tổng Giám mục hiệu tòa Thibica
Thư ký
(Bản dịch Việt ngữ Thư Luân Lưu do Lm. Giuse Lê Danh Tường, Gp Hà Nội)
PHỤ LỤC 2
LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ XÂM HẠI
TÌNH DỤC TRẺ EM
 
Luật hình sự năm 2015 được sửa đổi năm 2017.
Sau đây là phần trích nguyên văn một số điều khoản (Đ. 141-147) về tội xâm hại tình dục trẻ em:
Điều 141. Tội hiếp dâm
1.50 Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2.51 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3.52 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
2.53 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3.54 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Đối với người dưới 10 tuổi;
d) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
e) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 143. Tội cưỡng dâm
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2.55 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Có tính chất loạn luân;
đ) Làm nạn nhân có thai;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3.56 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2.57 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3.58 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Có tính chất loạn luân;
d) Làm nạn nhân có thai;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%59;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 147. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Có mục đích thương mại;
e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay898
  • Tháng hiện tại1,787
  • Tổng lượt truy cập11,155,120
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi