GIẢI ĐÁP VỀ BỔNG LỄ, Ý LỄ
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng
1- “Bổng lễ”, “Ý lễ” có nghĩa thế nào?
Đáp:
“Bổng lễ”, tiếng Latin là “stips”, có nghĩa là một số tiền trao tặng. Khi tiền này được trao tặng cho vị tư tế để áp dụng Thánh lễ, xin được ơn theo ý chỉ (intentio) của mình và khi vị tư tế chấp nhận, thì tạo thành một “ý lễ” buộc tư tế phải áp dụng Lễ (đ. 948). Tuy “ý lễ” (intentio, Mass intention) khác với “bổng lễ” (stips, stipend), trong ngôn ngữ nói thường dùng, từ ngữ “ý lễ” và “bổng lễ”, trong một số ngữ cảnh được dùng có hàm ý như nhau. Ví dụ nói: “Chuyển cho cha 5 ý lễ” hay “Chuyển cho cha 5 bổng lễ” có cùng ý nghĩa.
2- Khi giáo dân dâng phẩm vật như hoa quả, bánh rượu, thịt cá… để xin cầu nguyện trong Thánh lễ, có tạo thành bổng lễ/ý lễ, mà buộc linh mục phải áp dụng một Thánh lễ riêng cho họ không?
Đáp:
Giáo luật quy định:
Đ. 948. Buộc phải áp dụng từng Thánh lễ riêng biệt theo từng ý chỉ của mỗi người mà bổng lễ của họ, dù nhỏ, đã được dâng và được chấp nhận.
Can. 948. Distinctae applicandae sunt Missae ad eorum intentiones pro quibus singulis stips, licet exigua, oblata et acceptata est.
Thuật ngữ “stips” (donation, contribution) có nghĩa là quà tặng, sự đóng góp, được trao bằng tiền. Trong từ ngữ cũ, Bộ luật 1917 dùng thuật ngữ “Stipendium” (pay, stipend) có nghĩa là lương bổng, thù lao, được trao bằng tiền, chứ không bằng vật phẩm. Tuy hành vi của người dâng hay trao stips hay stipendium có ý nghĩa như sự dâng hiến lên Thiên Chúa nhưng theo nghĩa riêng của từ ngữ “stips”, tự nó không phải là “lễ vật”. Trong luật Chữ đỏ về Thánh lễ, “stips” không được dùng để chỉ lễ vật.
Vì vậy, khi người ta dâng phẩm vật như hoa quả, bánh rượu, thịt cá… để xin cầu nguyện trong Thánh lễ, thì tư tế có thể chấp nhận, nhưng không tạo thành một “bổng lễ” hay “ý lễ”, mà buộc ngài phải áp dụng một Lễ riêng cho họ.
Trong trường hợp tín hữu đưa cho tư tế một số tiền, xin ngài cầu nguyện giúp, nhưng không nói rõ là xin lễ hay biếu tặng. Khi đó vị tư tế cần hỏi, để biết mình có phải áp dụng Lễ cho ý chỉ đó không.
3- Tư tế có thể áp dụng Lễ với nhiều ý chỉ không?
Đáp:
Điều 948 chỉ buộc tư tế phải áp dụng từng Thánh lễ riêng biệt theo từng “ý chỉ lễ” hay “ý lễ”, tức là ý chỉ có đi kèm bổng lễ (stips) mà tư tế đã chấp nhận. Vì vậy, những ý chỉ mà không đi kèm bổng lễ, không tạo thành “ý lễ” mà buộc phải dâng Lễ riêng. Vị tư tế được tự do áp dụng trong cùng một Thánh lễ cho những “ý chỉ” không kèm theo bổng lễ.
Để phân biệt, nên quy ước, nói “ý chỉ” hay “ý nguyện” khi không có bổng lễ; nói: “ý chỉ lễ” hay “ý lễ” khi ý chỉ đi có kèm bổng lễ.
Khi vị tư tế cử hành Thánh lễ, theo thần học, ngài với tư cách Đức Kitô tiếp tục cử hành hy tế Thánh Thể, phát sinh muôn vàn ân sủng, hoa quả cứu độ cho nhân loại. Vị tư tế “áp dụng” (applica) kho tàng ân sủng đó cho nhiều ý chỉ. Trước tiên, cho ý chỉ chung của Giáo hội phổ quát: cầu cho Hội Thánh được phát triển, được canh tân đổi mới, cho việc truyền giáo, hòa bình… Thứ đến, ý chỉ riêng của tư tế dâng lễ, ý chỉ của người xin cầu nguyện giúp…
Vị tư tế, do đó, được tự do áp dụng nhiều ý chỉ hay ý nguyện trong cùng một Thánh lễ.
Ngược lại, quả là sai lạc, khi buộc áp dụng Thánh lễ chỉ cho một ý chỉ duy nhất của một người nào đó đã xin lễ mà thôi. Vì như vậy, ta coi người xin lễ như được độc quyền hưởng trọn mọi ân sủng của Thánh lễ, hoặc coi họ như mua Thánh lễ, hoặc coi tư tế như chỉ làm lễ theo ý muốn của một người nào đó mà thôi.
Tóm lại, Giáo luật buộc tư tế “áp dụng” từng Thánh Lễ riêng cho từng ý lễ / bổng lễ, để giữ sự công bằng cho người dâng tặng một số tiền và tránh lạm dụng về phía tư tế dâng lễ (thuộc vấn đề kỷ luật, đ. 948). Tuy nhiên, tư tế được tự do áp dụng Lễ cho nhiều ý chỉ cầu nguyện khác nhau, căn cứ trên ân sủng cứu độ của Thánh Lễ (thuộc vấn đề thần học).
4- Một “ý lễ” có thể gồm nhiều ý nguyện không?
Đáp:
Giáo luật, để dễ xác định đơn vị trong quy định kỷ luật, kể một bổng lễ của một người dâng tặng tương ứng với một ý chỉ lễ hay ý lễ của người dâng tặng. Trong một ý chỉ lễ hay ý lễ của người đó có thể hàm chứa nhiều ý chỉ hay ý nguyện khác nhau; ví dụ một ý lễ có thể cầu cho nhiều linh hồn Phêrô, Maria, Teresa… cùng lúc và đồng thời cũng có thể xin thêm ơn bình an, mạnh khỏe.
5- Tư tế có buộc phải nhận ý lễ/bổng lễ dù nhỏ mọn không?
Đáp:
Nói chung, Giáo luật không buộc tư tế phải nhận bổng lễ/ý lễ. Cụm từ “và được chấp nhận” (et acceptata est) ở điều 948, không có ý buộc “phải” chấp nhận khi người ta xin lễ, chỉ có ý nêu điều kiện để hình thành một “ý lễ” buộc phải áp dụng Lễ riêng biệt. Nếu tư tế không “chấp nhận”, thì không hình thành một “ý lễ” -buộc phải áp dụng Lễ.
Thực ra, vị tư tế có thể từ chối nhận ý lễ/bổng lễ trong một số trường hợp khác nhau, chứ không từ chối chỉ vì bổng lễ nhỏ mọn; ví dụ, khi trong ngày đã phải áp dụng một ý lễ rồi, ngài có quyền từ chối nhận thêm. Ngài cũng quyền từ chối áp dụng Lễ ngay cả khi bổng lễ là lớn.
Có cha sở đã từ chối nhận bổng lễ của lễ tang hoặc lễ cưới để chia sẻ vui buồn với người liên hệ, khi thấy họ phải chi tiêu rất nhiều vào những sự kiện như vậy. Ngài chỉ áp dụng ý chỉ cầu nguyện (không là “ý lễ”) cho linh hồn người mới qua đời trong lễ tang hoặc cho đôi tân hôn trong lễ cưới. Ngài đã hành động phù hợp với điều luật 945§2: “Rất khuyến khích các tư tế cử hành Thánh lễ theo ý chỉ của các Kitô hữu, nhất là của những người nghèo túng, ngay cả khi không nhận bổng lễ”.
Việc Giáo hội khuyến khích áp dụng Lễ “ngay cả khi không nhận bổng lễ” cũng cho thấy tự việc không nhận bổng lễ không làm ân sủng ban phát theo ý chỉ bị giảm sút.
Trong trường hợp không nhận bổng lễ, dĩ nhiên, theo nguyên tắc điều 948 đã nói ở trên, tư tế vẫn có quyền áp dụng Thánh lễ đó cho một “ý lễ” và hưởng bổng lễ của một người khác, ngoại trừ trường hợp dâng Lễ cầu cho giáo dân (Lễ Họ) được Giáo luật quy định (đ. 388; 429; 534).
Nên biết, Giáo hội đã dự liệu những cách như “dồn lễ” để trợ giúp vị tư tế khi nhận những ý lễ/bổng lễ nhỏ mọn. Theo sự chấp thuận của Tòa Thánh, trong Giáo hội VN, tư tế được phép “dồn lễ” đến 10 usd, tương đương 250.000 đồng. Vì vậy, sự từ chối chấp thuận bổng lễ nhỏ mọn ít khi xảy ra.
6. “Dồn lễ” khác với “gộp lễ” như thế nào?
Đáp
Theo Sắc lệnh Mos iugiter, 22-2-1991, Bộ Giáo sĩ cho phép được kết hợp (cumulare, accumulate) các ý lễ lại với nhau thành một ý lễ chung (collettiva) duy nhất để áp dụng một Thánh lễ duy nhất (x. Mos iugiter, Art. 2§1). Việc kết hợp các ý lễ này, trong Việt ngữ quen gọi là “gộp lễ”.
Theo một phúc chiếu của Tòa Thánh, trước đây khoảng 10 năm, Tòa Thánh đã cho phép Giáo hội Việt Nam được giảm thiểu (ridurre) nghĩa vụ dâng Lễ để có bổng lễ 10 usd, tương ứng với 250.000 đồng. Để thực hiện, vị tư tế “dồn” (gọi như vậy để phân biệt với gộp) hai hay ba bổng lễ nhỏ lại với nhau để có được 10 usd, áp dụng cho một Thánh lễ duy nhất.
Tuy nhiên, điều gây bối rối cho tư tế là khó mà dồn hai hay ba ý lễ mà có được đúng với 250.000 đồng. Nếu dồn ý lễ 200.000 đồng với 100.000 đồng thì vượt quá mức cho phép 250.000 đồng. Nếu dồn ý lễ 100.000 đồng với ý lễ 100.000 đồng thì lại dưới mức bổng lễ cho phép. Mặt khác, giáo dân lại xin áp dụng Lễ vào ngày họ định, thêm cái khó cho vị tư tế sắp xếp lịch dâng Lễ.
Xin đề nghị những hướng giải quyết:
a- Tư tế tự dồn Lễ: Theo lương tâm, tư tế tùy nghi dồn bổng lễ, tương đối với mức cho phép, bằng cách “dồn dư” kết hợp với “dồn thiếu” hay “không dồn”. Ví dụ, ngày thì tư tế dồn ý lễ 200.000 đồng với 100.000 đồng; ngày thì không dồn, vẫn cử hành Lễ với ý lễ 200.000 đồng. Cách làm này, bình quân cũng đạt mức bổng lễ cho phép là 250.000 đồng. Đôi khi sự dồn khác nhau như vậy, có thể không đúng với mức bình quân 250.000, nhưng thiết nghĩ, vị tư tế có nhận được ít hay nhiều hơn một chút cũng chẳng sao. Chỉ có sự cố ý lạm dụng mới là xấu, có tội.
b- Chuyển số dư về Bản quyền: Tư tế dồn lễ hai ba lễ nhỏ và chỉ giữ cho mình ở mức cho phép, số tiền còn lại chuyển về Tòa Giám Mục.
c- Bản quyền hổ trợ: Trong cách này, vị tư tế không dồn, vẫn cứ dâng lễ với bổng lễ nhỏ mọn theo đúng ngày như ý muốn người xin. Tuy nhiên, sau đó, Bản quyền sẽ hổ trợ thêm (bù) cho vị tư tế dâng lễ cho đủ mức dồn lễ, bằng cách trích ngân quỹ lễ gộp hay binae đã chuyển về Tòa Giám Mục.
Vì số bổng lễ nhỏ cần phải dồn để được hổ trợ có lẽ không nhiều, mỗi tháng hay mỗi quý, linh mục nào muốn được hổ trợ bổng lễ, gởi danh sách những ý lễ đã dâng về Tòa Giám Mục và nêu rõ số tiền xin được hổ trợ hay bù là bao nhiêu.
7. “Ý lễ đã dâng” và “ý lễ chưa dâng” có nghĩa như thế nào?
Đáp:
Gần đây xuất hiện những kiểu nói: “Ý lễ đã dâng”, “Ý lễ chưa dâng”, ví dụ:
- Cha sở gởi về TGM 10 ý lễ đã dâng và 20 ý lễ chưa dâng.
Thiết nghĩ, những kiểu nói này có thể xuất phát từ những giải pháp cho vấn đề khó khăn trong việc dồn lễ như đã nói trên. Vì thuộc giải pháp riêng của Giáo phận, những kiểu nói này không nên đưa vào giao tiếp thông thường chung cho các giáo phận.
Theo Giáo luật y lễ / bổng lễ đã dâng gởi về Tòa Giám mục thường là thuộc lễ binae hay lễ gộp. Vì vậy, nên nói đơn giản: “Gởi về TGM tiền bổng lễ binae / lễ gộp”. Còn thông thường lâu nay, khi nói “ý lễ” là đã có ý nói ý lễ chưa dâng, ví dụ nói: “Con chuyển cho cha 30 ý lễ”.
8. “Mức dồn lễ” và “mức bổng lễ” có giống nhau không?
Đáp
“Mức dồn lễ” và “mức bổng lễ” thường thì bằng nhau, nhưng hai điều này lại khác nhau, vì được Giáo luật nói đến trong các đề mục khác nhau và thẩm quyền chi phối cũng khác nhau.
a- Mức dồn lễ liên quan đến việc “giảm bớt” nghĩa vụ dâng Lễ, được nói ở điều 1308§1:
Việc giảm bớt (redutio) nghĩa vụ dâng Thánh lễ được dành cho Tông Toà, và chỉ được thực hiện vì một lý do chính đáng và cần thiết, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định sau đây:…
b- Mức bổng lễ được ấn định để có một mức quy chiếu về bổng lễ / ý lễ, được nói đến ở điều 950:
Nếu một số tiền được dâng để xin áp dụng Thánh lễ mà không nói rõ số Lễ phải cử hành, thì phải xác định số Lễ này dựa theo mức bổng lễ đã được thiết lập tại nơi người xin lễ ở, trừ khi ý của người xin lễ được suy đoán cách hợp pháp là không phải như thế.
Mức bổng lễ, chỉ được dùng như một mức trung bình để quy chiếu khi không rõ số lượng ý lễ, hoặc khi người xin lễ muốn biết để mình có thể xin Lễ với số tiền phù hợp.
Trong mục vụ, khi giáo dân nào muốn biết mức bổng lễ, tư tế nên cho họ biết cách cá nhân. Cha sở không được rao trong nhà thờ mức bổng lễ. Vì làm như vậy, người ta sẽ hiểu lầm Giáo hội quy định tiền xin lễ, hay đưa ra giá lễ, nghịch với điều 948: “chấp nhận… dù nhỏ mọn”.
Có sự khác biệt về thẩm quyền tương ứng với hai vấn đề trên. Tòa Thánh mới có quyền cho dồn lễ để giảm bớt nghĩa vụ dâng lễ (đ. 1308§1), còn mức bổng lễ lại thuộc quyền ấn định của Công đồng giáo tỉnh hay hội nghị Giám Mục giáo tỉnh (đ. 952§1). Vì vậy, không đương nhiên được phép “dồn lễ” theo “mức bổng lễ”.
Theo nguyên tắc trên, cho dù Công đồng giáo tỉnh hay hội nghị Giám Mục giáo tỉnh ấn định mức bổng lễ là 300.000 đồng thì cũng không được dồn lễ tới mức 300.000 đồng, vì quyền cho dồn lễ thuộc Tòa Thánh, như trước đây Tòa Thánh đã cho VN dồn lễ tới mức 10 usd (250.000 đ).
Tuy nhiên, điều 1308§1 đã được sửa đổi với Tự sắc Competentias quasdam decernere về phân bổ năng quyền do Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành ngày 11-2-2022. Ngài ban cho Giám mục giáo phận và vị Điều hành tổng quyền có thẩm quyền cho giảm bớt nghĩa vụ dâng lễ. Điều 1308§1 được sửa đổi như sau:
Đ. 1308§1. Việc giảm bớt (reductio) nghĩa vụ dâng Thánh lễ, chỉ được thực hiện vì một lý do chính đáng và cần thiết, được dành riêng cho Giám mục giáo phận và cho vị Điều hành tổng quyền của một tu hội đời sống thánh hiến hoặc tu đoàn đời sống tông đồ giáo sĩ.
Như vậy, kể từ 11-02-2022, Giám mục giáo phận có quyền cho phép “dồn lễ” tới mức nào đó vì một lý do chính đáng và cần thiết.
Với sự phân biệt như vậy, Giám mục giáo phận hiện nay, đối với các linh mục thuộc quyền ngài, có thể cho phép dồn lễ tới mức nào đó, không tùy thuộc mức bổng lễ đã quy định do Công đồng giáo tỉnh hay hội nghị Giám Mục giáo tỉnh ấn định (đ. 952§1).
9. Một số nơi cử hành Thánh lễ đồng tế có áp dụng ý lễ và lấy bổng lễ, xem như là lễ binae, dành cho mục đích của Đấng bản quyền, như là gây quỹ cho linh mục đoàn, làm việc từ thiện... Điều này có được phép không?
Đáp:
Không được phép là như vậy. Sở dĩ đã áp dụng trái luật là vì ba bản Việt ngữ hiện hành (HĐGM, Nhóm ĐÔ. Phương, Nhóm ĐC. Lê Phong Thuận) đều viết như sau:
Đ. 951§2. Tư tế đồng tế Thánh lễ thứ hai trong cùng một ngày, thì không thể nhận thêm một bổng lễ nữa dưới bất cứ danh nghĩa nào.
Khi viết “không thể nhận thêm một bổng lễ nữa" thì được hiểu là đã “nhận” làm sở hữu hay đã “hưởng” một bổng lễ rồi, không được nhận thêm bổng lễ thứ hai làm sở hữu, và theo luật, phải gởi về cho Bản quyền hay TGM.
Xin xem lại bản Latin:
Can. 951§2. Sacerdos alteram Missam eadem die concelebrans, nullo titulo pro ea stipem recipere potest.
Nguyên bản Latin kể trên phải được dịch cho đúng là:
Đ. 951§2. Tư tế đồng tế một Thánh lễ khác trong cùng một ngày, không thể tiếp nhận bổng lễ dưới bất cứ danh nghĩa nào.
Điều 591 triệt 2, như vậy, không cho phép “tiếp nhận” hay “chấp nhận” bổng lễ hay ý lễ để áp dụng lễ khi tư tế đồng tế (concelebra) một Thánh lễ khác trong cùng ngày. Vì vậy, không thể có được bổng lễ binae do việc đồng tế và dành nó cho bản quyền hay gởi về TGM.
(Xin đọc thêm bài: “ Một số quy định về bổng lễ và ý lễ ”, Mục: Tư tế đồng tế một Thánh lễ khác trong cùng một ngày, không được nhận bổng lễ để áp dụng Lễ.)
10. Điều 952§1 nói “tư tế không được phép đòi một số tiền nhiều hơn" mức bổng lễ đã ấn định. Vậy phải chăng được phép đòi khi tiền bổng lễ ít hơn mức ấn định?
Đáp:
Bản Việt ngữ ghi: “tư tế không được phép đòi một số tiền nhiều hơn” nhưng nguyên bản Latinh là: “nec licet sacerdoti summam maiorem expetere”. Động từ expetere = desire, aspire, có nghĩa là ước muốn, mong ước, trông mong. Khi chuyển dịch expetere sang Việt ngữ thành chữ “đòi” thì gây hiểu lầm. Đúng ra, điều 952§1 chỉ muốn nói:
… Tư tế không được trông mong một số tiền nhiều hơn (mức ấn định); nhưng ngài được phép nhận một bổng lễ được trao cách tự nguyện cao hơn hoặc ngay cả thấp hơn mức đã được ấn định để áp dụng lễ.
11. Chỉ có cha sở hay bất cứ linh mục nào cũng được phép gộp lễ mỗi tuần hai lần?
Đáp:
Sắc lệnh Mos iugiter obtinuit, 22-2-1991, quy định về gộp bổng lễ, bổ xung những nguyên tắc kỷ luật về “Bổng lễ để cử hành thánh lễ” đối với các tư tế (sacerdos) dâng Lễ nói chung, không có ý quy định riêng cho linh mục với chức vụ như là cha Tổng Đại diện, cha sở, cha phó... Vì vậy, mỗi tư tế, bất kỳ có hay không có nhiệm vụ hay chức vụ, đều được phép gộp lễ hai lần mỗi tuần. Nếu giáo xứ có cha sở và một cha phó thì có thể được gộp lễ tất cả 4 lần mỗi tuần.
12. Trong Giáo phận có quy định, mỗi linh mục phải dâng ba Lễ cho một linh mục mới qua đời. Vậy có được áp dụng thêm một ý lễ/bổng lễ trong Lễ đó không?
Đáp:
Đây là luật riêng của Giáo phận, buộc linh mục thực hiện “nghĩa vụ” dành riêng những lễ đó cầu cho linh mục thuộc giáo phận vừa mới qua đời. Luật này tương tự như luật chung của Giáo hội buộc các Giám mục giáo phận, Giám quản giáo phận, cha sở có nghĩa vụ phải dâng một Thánh Lễ cầu cho giáo dân (lễ Họ) vào những ngày được chỉ định (đ. 388; 429; 534).
Nếu luật riêng đó không quy định rõ rệt cách khác, linh mục không được áp dụng thêm một ý lễ/bổng lễ vào những Thánh lễ nói trên, chỉ được áp dụng ý lễ/bổng lễ vào một Thánh lễ khác mà mình cử hành (celebra) trong cùng ngày. Nhưng nếu đồng tế (concelebra) thì phải giữ điều luật 951§2, không được áp dụng ý lễ/bổng lễ (đ. 951).
==================================
THẮC MẮC
1- Con được biết, có cha sở đưa bổng lễ hàng tháng, ổn định: 10 triệu, 11 triệu hay 9 triệu cho cha phó. Vậy, cha sở có được phép tính bình quân bổng lễ hoặc dùng bổng lễ cha phó đã dâng để tùy ý trao như tiền lương cho cha phó không?
Đáp:
Cha sở có nhiệm vụ và đương nhiên cũng có quyền sắp xếp lịch cử hành các lễ hàng tuần trong giáo xứ. Và như vậy, cha phó có thể được sắp xếp những ý lễ nhỏ nhiều hơn. Nếu cha sở chỉ sắp xếp cho cha phó theo mức bổng lễ hiện nay 250.000 đ và mỗi tháng ngài đưa cha phó 7,5 triệu. Khi đưa dưới mức này thì có vẻ không công bằng. Nhưng khi đưa cha phó 10 triệu, 11 triệu hay 9 triệu, thì có thể là cha sở đã “sang sẽ” bổng lễ nhỏ và bổng lễ lớn, và cũng có thể là cha sở đã “cho thêm” cha phó trong số đó. Do đó, nó không có nghĩa là cha sở tính bình quân bổng lễ hay phát lương. Cha sở làm như vậy để giản tiện, khỏi mắc công mỗi tháng lại làm sổ chi ly về từng ý lễ trao cho cha phó.
Thử xét qua việc chuyển ý lễ, ngoại trừ người xin đã định bổng lễ và số Lễ phải áp dụng, thường thì ý lễ được chuyển qua mức bình quân nào đó, và coi cách này là bình thường. Ít ai cộng lại từng ý lễ/bổng lễ một và tính cách rõ ràng cho thật đúng. Có nhiều, hay ít hơn một chút cũng chẳng sao. Chỉ cố tình trục lợi mới phạm đến quy định về chuyển bổng lễ.
Ý kiến của một ĐỨC ÔNG
Đọc lời giải đáp của cha,tôi có mấy suy nghĩ :
1/ Một người sắp đi xa,đến gặp cha sở đưa 100 USD xin cha dâng lễ bình an vào thứ Ba tuần sau,cha sở đã nhận...đến ngày đó,cha sở mắc bận,nhờ cha phó dâng lễ theo ý đã xin. Cha sở có được vận dụng lý do “san sẻ” để rồi sau đó giao cha phó số tiền khác nhỏ hơn không ?(vd giao 1 tr?) Theo tôi, lẽ công bằng cho thấy : dứt khoát không được ! Bổng lễ là của dâng cho Chúa,cho các linh hồn; đã nhận mà không dâng,thậm chí bỏ qua là trọng tội,vậy sao có thể tùy tiện hoán đổi,đặc biệt là biến to thành nhỏ,xén bớt đi, không gọi là ăn cắp của thánh đó sao ? (Nếu có lí do chính đáng cha sở phải nói rõ với cha phó và xin !)
2/ Nếu thiếu lễ,cha Sở xin nơi TGM hoặc xin bạn bè nơi khác.Cha sở có trách nhiệm lo cho cha phó có đủ lễ dâng cùng với bổng lễ đúng chuẩn và tương ứng với lễ dâng : dâng lễ nào hưởng bổng của lễ ấy ! Lễ HP hưởng bổng của lễ HP,lễ Tang hưởng bổng lễ Tang,lễ thường hưởng bổng theo chuẩn lễ thường...không có vấn đề cào bằng các bổng lễ được ! Nếu cha Sở muốn “cho thêm”,cha sở phải cho cách khác,không gây hiểu lầm là có liên quan đến thánh lễ. Bổng lễ phải được giao rõ ràng : “Đây là bổng lễ của tuần này,của tháng này, từ ngày nào đến ngày nào”.Tại sao cha phó phải động não nhức đầu mà suy đoán rằng có thể là cha sở cho thêm... !?
3/ Chuyện làm sổ lễ : Ý lễ,bổng lễ,người xin,chưa dâng,chuyển cho ai,bao nhiêu,đã dâng ngày nào,ai dâng...là bổn phận chung của tất cả các linh mục và cách riêng của những ai làm cha sở.Giáo luật số 955 nói rõ : (3) “Ai chuyển ý lễ cho người khác, phải lập tức ghi vào sổ cả những ý lễ đã nhận lẫn những ý lễ đã chuyển cho người khác, cũng như phải ghi bổng lễ nữa. (4) Mỗi linh mục phải ghi cẩn thận những ý lễ đã nhận sẽ làm và những ý lễ đã làm xong”. Đã là bổn phận,tại sao lại nói : “mất công mỗi tháng làm sổ chi li” ? Nếu không làm sổ lễ kỹ càng,coi chừng vị linh mục nuốt chửng cả 1 tài sản to lớn của GH lúc nào không hay đó ! Sổ lễ phải công khai rõ ràng, ít nhất là giữa các linh mục với nhau,sổ lễ không phải sổ quỹ đen của riêng cha sở ! Tôi nhớ ngày trước,hằng năm dịp tĩnh tâm,các cha nộp sổ lễ cho Đức Gm để ngài xem và ký vào là đã xem.Tôi đã thực hành điều này thời Đcha Phaolô,sau đó mấy năm, ngài ủy việc này cho các cha Hạt trưởng,chính tôi cũng đã từng ký sổ lễ cho các cha mấy lần trước năm 2005.(không buộc nhặt,nhưng khuyến cáo cách nghiêm túc !).
4/ Lời giải đáp kể trên của cha sẽ đưa đến những hệ lụy không hề nhỏ cho một số cha sở và cha phó, đặc biệt là các cha học trò của cha.Theo tôi,cả giáo dân cũng không chấp nhận chuyện điều phối tùy tiện.Lễ nào ra lễ đó với bổng riêng của nó.Không cần nhiều,cần đủ và đúng! Hợp với lẽ công bằng.Sổ sách rõ ràng ! Cho thêm là chuyện khác,không liên quan bổng lễ !
5/ Nếu cha sở biết xem cha phó mình như một người em được Chúa gởi đến để mình chăm sóc,nâng đỡ > lúc ấy cha sở sẽ lo liệu mọi sự cho cha phó và nhận sự thua thiệt về mình. > Lúc này cụm từ “san sẻ”mới mang lấy ý đúng nghĩa phải có của nó.Cha sở sẽ nhường cho phó các lễ béo...
4/ Nếu cha sở coi cha phó như đối tượng cạnh tranh với mình thì khỏi nói : địa ngục đang ở ngay trong nhà xứ ! Và vấn đề tiền là một trong những yếu tố đứng đầu !
Cám ơn cha đã chịu khó đọc những suy nghĩ của tôi.
30/5/2024
2. Linh mục đã nhận và áp dụng Lễ cho một người, nhưng ngay trước khi dâng Lễ, có người xin lễ và xin yêu cầu rao để thân nhân cùng hiệp ý cầu nguyện trong Thánh Lễ đó. Trong trường hợp này sẽ xử làm sao?
Đáp:
Đây là trường hợp thường hay gặp phải và đã có những cách giải quyết khác nhau:
1- Ngay đầu Lễ, tư tế rao ý lễ đã định và rao thêm ý lễ mới xin, nhưng chỉ áp dụng Lễ cho một ý chỉ đã định còn ý lễ mới xin thì sẽ áp dụng vào một lễ khác hoặc chuyển ý lễ cho linh mục khác, hoặc chuyển ý lễ về Tòa Giám Mục.
Ý kiến thuận: Tư tế vừa làm hài lòng giáo dân vẫn giữ được sự công bằng, không sai luật: áp dụng từng Thánh Lễ cho từng bổng lễ.
Ý kiến nghịch: Khi rao đầu Lễ giáo dân tin rằng cha dâng lễ theo ý lễ mình xin, nhưng thực tế cha chỉ rao mà lại dâng vào ngày khác. Như vậy, cha lừa dối giáo dân!
Ý kiến trung dung:
- Trong trường hợp không gặp được giáo dân, có thể làm theo cách thứ nhất. Và vì họ không trực tiếp yêu cầu rao, có thể dành ý lễ này để dâng vào ngày khác.
- Trong trường hợp giáo dân đến gặp linh mục dâng lễ thì nói với họ: Tôi đã định dâng Thánh Lễ theo ý một người rồi, nhưng trong Thánh Lễ này tôi và cộng đoàn cũng sẽ hiệp ý cầu nguyện cho ý nguyện của ông /bà cho linh hồn…, Chúa sẽ nhậm lời cầu xin. Và theo luật Giáo Hội các linh mục sẽ phải dâng thêm một Thánh Lễ khác nữa.
- Trong thông báo về Lễ gộp vào những ngày giờ cố định trong tuần, cha sở ghi chú thêm: Vào những Thánh Lễ khác mà không có gộp lễ, các linh mục dâng lễ theo ý chỉ của một người xin lễ mà thôi, còn các ý lễ khác chúng tôi có thể rao để hiệp ý cầu nguyện nhưng sẽ được dâng vào một ngày khác.
Lưu ý: Trong trường hợp chuyển các ý lễ này về Tòa Giám mục hay cho linh mục khác, cứ dùng từ ngữ “ý lễ” như đã quen dùng khi chuyển ý lễ/bổng lễ, không nên nói là “ý lễ chưa dâng”. Những tiền lễ binae hay lễ gộp chuyển về Tòa Giám mục thì chỉ đơn giản nói là “tiền lễ binae hay lễ gộp”, không nên nói “ý lễ đã dâng”.
Xem bài viết tại https://giaoluatconggiao.com/VAN-KIEN/tu-sac-competentias-quasdam-decernere-phan-bo-nang-quyen-j-b-le-ngoc-dung-259.html.
Lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ 250.000 đ là mức bổng lễ được Tòa Thánh ấn định và được dồn tới mức đó. Nhưng đúng ra, Tòa Thánh cho phép giảm bớt (reduce) nghĩa vụ dâng lễ để có 10 usd là do bởi thẩm quyền của mình, chứ không ấn định mức bổng lễ cho Việt Nam. Còn thẩm quyền ấn định mức bổng lễ thì thuộc quyền Công đồng giáo tỉnh hay hội nghị Giám Mục giáo tỉnh ấn định (đ. 952§1). Và dĩ nhiên cũng thuộc quyền HĐGM.