THẨM QUYỀN TRUYỀN CHỨC THÁNH CHO TU SĨ - J.B. Lê Ngọc Dũng

Thứ năm - 03/11/2022 05:24
Các Giám mục giáo phận luôn phải thận trọng khi thi hành quyền truyền chức thánh hay cấp thư chuyển quyền phong chức. Bài này khảo sát cách riêng về thẩm quyền phong chức thánh của Giám mục đối với ứng viên là tu sĩ thuộc luật giáo phận.
THẨM QUYỀN TRUYỀN CHỨC THÁNH
CHO TU SĨ DÒNG THUỘC LUẬT GIÁO PHẬN

Các Giám mục đã được tấn phong đều là thừa tác viên truyền chức thánh (đ. 1102) cách thành sự (valid). Tuy nhiên, để phong chức thánh cách hợp luật (licid) thì các ngài còn phải có thẩm quyền và giữ những quy định khác của Giáo luật.
Trong trường hợp phong chức trái luật do không có thẩm quyền mình, Giám mục phong chức và người thụ phong đều bị chế tài theo điều 1388§1.
Điều 1388§1 (đ. 1383 cũ) 
§1. Giám mục nào vi phạm quy định của điều 1015, phong chức cho một người thuộc quyền một Giám mục khác mà không có thư chuyển quyền (lettera dimissoria) hợp pháp, thì bị cấm truyền chức trong hạn một năm. Còn người được thụ phong tự động bị huyền chức do chính sự kiện lãnh nhận chức thánh.
Bài này khảo sát cách riêng về thẩm quyền phong chức thánh của Giám mục đối với ứng viên là tu sĩ thuộc luật giáo phận.

1. Nguyên tắc chung về thẩm quyền truyền chức cho tu sĩ

1.1. Nguyên tắc chung về thẩm quyền truyền chức
Đối với Hội dòng và Tu đoàn đời sống tông đồ "giáo sĩ" thuộc "luật giáo hoàng",  Bề trên cấp cao có thẩm quyền cấp thư chuyển quyền (lettera dimissoria) cho một Giám mục để truyền chức cho thành viên của mình (đ. 1019§1).

Còn tất cả các Hội dòng và Tu đoàn khác, thì được luật quy định như tiến chức triều. Điều 1019§2 quy định:
§2. Việc truyền chức cho tất cả những thành viên khác thuộc bất cứ Hội dòng hoặc Tu đoàn nào được chi phối bởi luật dành cho các giáo sĩ triều, mọi đặc ân đã được ban cho các Bề trên đều bị thu hồi.
Giáp Luật về thẩm quyền truyền chức thánh cho giáo sĩ triều quy định như sau:
Điều 1016 
Về việc truyền chức Phó tế cho những người muốn gia nhập hàng giáo sĩ triều, Giám mục riêng là Giám mục giáo phận tại nơi tiến chức có cư sở hoặc Giám mục giáo phận tại nơi tiến chức đã quyết định dấn thân phục vụ; về việc truyền chức Linh mục cho các giáo sĩ triều Giám mục riêng là Giám mục giáo phận tại nơi tiến chức đã nhập tịch khi chịu chức Phó tế.
 
1.2. Vấn đề "cư sở" và "nơi dấn thân phụ vụ" (đ. 1016)
Điều 1016 đã nêu ra 2 trường hợp, xác định Giám mục có thẩm quyền truyền chức tiến chức triều, cũng như tu sĩ không thuộc dòng giáo hoàng và giáo sĩ như sau:
a- Giám mục giáo phận tại nơi tiến chức có cư sở.
Hoặc:
b- Giám mục giáo phận tại nơi tiến chức đã quyết định dấn thân phục vụ.
Về trường hợp thứ nhất, thử xem luật về cư sở, được nói ở điều 102:
Điều 102
§1. Cư sở được thủ đắc do việc cư ngụ trong địa hạt của một giáo xứ hay ít ra của một Giáo Phận, với ý định sẽ ở đó vĩnh viễn, nếu không có gì thay đổi, hoặc việc cư ngụ đã được kéo dài năm năm trọn.
§2. Bán cư sở được thủ đắc do việc cư ngụ trong địa hạt của một giáo xứ hay ít ra của một Giáo Phận, với ý định sẽ ở đó ít là ba tháng nếu không có gì thay đổi, hoặc việc cư ngụ đã thực sự được kéo dài suốt ba tháng.
§3. Cư sở hay bán cư sở trong địa hạt của một giáo xứ được gọi là cư sở hay bán cư sở thuộc giáo xứ, trong địa hạt của một Giáo Phận, dầu không ở trong giáo xứ, thì được gọi là cư sở hay bán cư sở thuộc Giáo Phận.
Điều 102 này quy định việc thủ đắc được cư sở hay bán cư sở hệ tại ở một trong hai điều kiện:
- Với ý định sẽ ở đó vĩnh viễn. Ví dụ, di cư hay chuyển chỗ ở đến một nơi mới và có ý định ở vĩnh viễn, không cần đã phải ở thời gian bao lâu.
Hoặc:
- Việc cư ngụ đã được kéo dài năm năm trọn.
Tuy nhiên, Giáo luật lại xác định cư sở và bán cư sở tu sĩ ở điều 103
Điều 103
Những thành viên các hội dòng và của các tu đoàn tông đồ thủ đắc cư sở tại nơi toạ lạc của nhà mà họ trực thuộc; họ thủ đắc bán cư sở tại nhà họ đang ở, chiếu theo quy tắc của điều 102 §2.
Giáo luật nói đến cư sở của tu sĩ ở điều 103. Tuy nhiên, dễ bị hiểu lầm sang ý niệm cư sở ở điều 102. Do đó, dễ hiểu lầm rằng, điều kiện thủ đắc cư sở của tu sĩ là do "việc cư ngụ đã được kéo dài năm năm trọn" như điều 102§1 đã quy định. Vì vậy, cũng cho rằng việc thủ đắc cư sở của tu sĩ, được nói ở điều 103, cũng cần kéo dài được năm năm trọn.
Sự dễ lầm lẫn, liên hệ đến thẩm quyền truyền chức thánh cho tu sĩ thực tế đã gây ra những thắc mắc, khó giải đáp.

1.3. Nghi vấn
a- Điều 1016 quy định: "Giám mục riêng là Giám mục giáo phận được là Giám mục tại nơi tiến chức có cư sở". Thử hỏi: "Cư sở" của tu sĩ là ở đâu, là nơi mà họ có nhà chính (nhà mẹ) hay là nơi họ đang cư ngụ đã được năm năm (đ. 102§1) hay không?
b- Điều 1016 cũng quy định: "hoặc Giám mục giáo phận tại nơi tiến chức quyết định dấn thân phục vụ".  Vậy, "nơi tiến chức dấn thân phục vụ" có áp dụng cho tu sĩ hay không?


2. Giải  đáp nghi vấn của Tòa Thánh
Trước những nghi vấn trên, Bề trên của Hội dòng Đồng Công, thuộc luật giáo phận, năm 2009 đã xin Tòa Thánh giải đáp về quyền truyền chức cũng như là quyền cấp thư ủy nhiệm phong chức thánh cho tu sĩ của mình.
a- Bộ Các Tu Hội ĐSTH và Các Tu Đoàn ĐSTĐ, trong văn thư số SpR 439 /2009, ngày 12-12-2009 đã trả lời:
Theo điều 1019 §2, thẩm quyền này thuộc về Giám mục của giáo phận nơi có cộng đoàn tọa lạc mà tu sĩ ứng viên chức thánh được chỉ định, và do đó là nơi người đó có cư sở (đ. 103).
Nguyên văn:
According to can. 1019 §2, this competence belongs to the Bishop of the diocese where the community is located to which the religious candidate for ordination is assigned, and therefore where he has domicile (can. 103).
b- Vào năm 2018 Bề trên khác của Hội dòng cũng đã gởi nghi vấn về thẩm quyền truyền chức đến Hội Đồng Giáo Hoàng Về Bản Văn Lập Pháp. Hội Đồng đã trả lời với Công văn số 6340/2018, ngày 14-5-2018:
Điều 1019§2 của Bộ Giáo Luật xác định rõ rằng “việc truyền chức cho mọi phần tử khác, thuộc bất cứ một Dòng tu hay Tu đoàn nào, sẽ được chi phối bởi luật dành cho giáo sĩ triều. Do đó, Giám mục ban cấp thư ủy nhiệm trong trường hợp Hội dòng của ngài là Giám mục của Giáo phận mà ứng viên được truyền chức có cư sở (đ. 1016). Cụ thể, đây là Giám mục của giáo phận nơi đặt ngôi nhà mà một ứng viên được chỉ định (đ. 103).
Hơn nữa, phải lưu ý rằng sự cho phép hoặc đồng ý bởi Giám mục của giáo phận nơi nhà Chính của Dòng tọa lạc là không cần thiết cho việc truyền Chức Thánh.
(Bản dịch Việt ngữ của Đức Ông J.B. Phạm Mạnh Cương, Hội Đồng Giáo Hoàng Về Văn Bản Lập Pháp).
Nguyên văn:
Canon 1019§2 CIC clearly establishes that “the law for secular clerics governs the ordination of all other candidates of any institute or society”. Thus, the bishop to grant the dimissorial letter in the case of your Institute is the bishop of the diocese in which the candidate for ordination has a domicile (cf. can. 1016 CIC). Specifically, this is the bishop of the diocese where the house, to which a candidate is assigned, is located (cf. can. 103 CIC).
Furthermore, it must be noted that no permission or consent from the bishop where the Institute’s General House is located is necessary for an ordination.
 
2.1. Nghi vấn về "cư sở" của tu sĩ
Cả hai câu trả lời của Tòa Thánh năm 2009 và 2018 đều xác định Giám mục có thẩm quyền truyền chức là Giám mục của "nơi ứng viên tu sĩ có cư sở", chiếu theo điều 103. Nơi ứng viên tu sĩ "có cư sở" (domicile) là "nơi có nhà/cộng đoàn mà tu sĩ được chỉ định (assigned)".
Tuy nhiên, cần phải xác định cho rõ là nhà hay công đoàn mà tu sĩ "được chỉ định" (assigned) để có cư sở chiếu theo điều 103, có nhất thiết là nhà mà tu sĩ đó "ở" hay "cư ngụ" hay không, có cần ở "một khoảng thời gian" như điều 102§1 quy định là 5 năm hay không?
Ở phần sau, chúng ta sẽ tìm hiểu về cư sở của tu sĩ để giải đáp.

2.2 Nghi vấn về "nơi tiến chức quyết định dấn thân phục vụ"
Nghi vấn về "nơi tiến chức quyết định dấn thân" (cui promovendus sese devovere statuit / alla quale il promovendo ha deciso di dedicarsi), chúng ta có thể giải đáp ngay, là chỉ áp dụng cho tiến chức triều, không áp dụng cho tu sĩ, vì những lý do sau:
10- Cả  hai câu trả lời của Tòa Thánh năm 2009 và 2018 đều chỉ đưa ra tiêu chuẩn về "cư sở của tu sĩ" để xác định thẩm quyền của Giám mục giáo phận nơi đó, không hề nói đến thẩm quyền của Giám mục giáo phận tại nơi mà "tiến chức quyết định dấn thân phục vụ" (đ. 1016).
20- Điều 1016 trước tiên có ý ấn định những nguyên tắc về thẩm quyền truyền chức cho ứng viên triều. Vì vậy, việc áp dụng điều cho tu sĩ có thể bị hạn chế ở phần "nơi tiến chức  quyết định dấn thân phục vụ".
30- Cụm từ "tiến chức quyết định dấn thân" (sese devovere statuit; ha deciso di dedicarsi) có chủ từ là tiến chức. Chính tiến chức tự do quyết định chứ không do sự chỉ định của Bề trên dòng. Điều này phù hợp với những đại chủng sinh hay tiến chức thuộc triều, có tự do chọn lựa là sẽ dấn thân phục vụ tại một nơi khó khăn, hoặc ở một giáo phận, quốc gia khác...
Còn đối với các tu sĩ, ngay từ khi khấn lần đầu, họ không được tự do để tự quyết định dấn thân phục vụ ở một nơi nào đó mà mình chọn lựa, nhưng tùy thuộc vào quyết định của Bề trên hoặc của nhà dòng. Tu sĩ hiến thân phục vụ hoặc được sai đi trong đức "vâng phục", chứ không tự quyết định mình sẽ ở nơi nào, sẽ phục vụ ở đâu.
Vì vậy, "nơi tiến chức quyết định dấn thân phục vụ" trong trường hợp của điều 1016 nói về quyền phong chức cho tiến chức triều không thể áp dụng cho tu sĩ.

2.3. Nghi vấn về "sự cho phép hoặc đồng ý bởi Giám mục của giáo phận nơi nhà Chính của Dòng tọa lạc là không cần thiết"
 Thư trả lời của Hội đồng Giáo hoàng năm 2018 có ghi chú:
Hơn nữa, phải lưu ý rằng sự cho phép hoặc đồng ý bởi Giám mục của giáo phận nơi nhà Chính của Dòng tọa lạc là không cần thiết cho việc truyền Chức Thánh (Hội đồng GHVBLP, 6340/2018).
Trong khi nhiều ý tưởng cho rằng Giám mục nơi nhà Chính của Dòng mới có thẩm quyền, Hội đồng Tòa Thánh lại nói có vẻ như ngược lại: không cần có ý kiến hay sự cho phép của Giám mục nhà Chính. Vậy phải chăng Giám mục nơi nhà Chính của Dòng lại không có thẩm quyền truyền chức?

3. Hiểu thế nào về cư sở của tu sĩ
Vấn đề mấu chốt là cần hiểu "cư sở" của tu sĩ có ý nghĩa gì theo Giáo luật. Vì vậy cần tìm hiểu ý nghĩa của điều 103:
Điều 103
Những thành viên các hội dòng và của các tu đoàn tông đồ thủ đắc cư sở tại nơi toạ lạc của nhà mà họ trực thuộc; họ thủ đắc bán cư sở tại nhà họ đang ở, chiếu theo quy tắc của điều 102§2[1]
- Bản gốc La tinh
Can. 103 - Sodales institutorum religiosorum et societatum vitae apostolicae domicilium acquirunt in loco ubi sita est domus cui adscribuntur; quasi-domicilium in domo ubi, ad normam can. 102, § 2, commorantur.
Cụm từ "domus cui adscribuntur" đã được dịch là "nhà mà họ trực thuộc".(x. Bản dịch HĐGMVN 2007). Chúng ta cần xem xét lại bản dịch.
Động từ Latin adscribuntur ở ngôi thứ ba số nhiều thể thụ động thì hiện tại (third-person plural present passive indicative) của động từ ascribo, ere.
Động từ ascribo được cấu tạo bởi:
ad- ("to") + scrībō ("I write") = đến/cho + tôi viết
Theo tự điển Wordsense (https://www.wordsense.eu/ascribo/) ascribo, erenghĩa:
1. state in writing, I add in writing: Tôi nêu ra bằng văn bản, tôi thêm vào bằng văn bản.
2. insert: Tôi chèn vào/ đưa vào
3. appoint, I enroll, I enfranchise, I reckon, I number: Tôi bổ nhiệm, tôi ghi danh, tôi cho quyền tự do bầu, tôi đánh số.
Động từ La tinh Adscribuntur trong điều 103 được dịch:     ascritti (Ý), rattachés (Pháp), attached (Anh).
 Động từ ascrivere của tiếng Ý rất gần với tiếng La tinh, mà theo Wordsense (https://www.wordsense.eu/ascrivere/) có nghĩa:
1. (transitive) to attribute something to someone, to ascribe: gán cái gì đó cho ai đó, ghi danh
2. (transitive) to give someone credit for something: công nhận ai có (công trạng, đức tính gì)
3. (transitive) to enter someone's name (in a list): ghi danh ai đó.
4. (intransitive, ~ tra) to number among
Tóm kết về bản dịch
Động từ Latin Adscribuntur, tương tự với động từ tiếng Ý ascritti, ở thể thụ động, có nghĩa là được gán cho (một thuộc tính), được ghi danh (vào một cơ sở, một hội...), được đăng ký (nhập vào...), được gắn kết (với ngôi nhà, cộng đoàn),. Vì vậy có thể dịch Adscribunturđược gắn kết, được ghi danh, được đăng nhập.
Điều 103, vì vậy, nên được dịch như sau:
Những thành viên các hội dòng và của các tu đoàn tông đồ thủ đắc cư sở tại nơi toạ lạc của nhà mà họ được đăng nhập; họ thủ đắc bán cư sở tại nhà họ đang ở, chiếu theo quy tắc của điều 102 §2.
Lưu ý là động từ La tinh "Adscribuntur" ở điều 103 không quy định về cư sở của tu sĩ là nơi tu sĩ đang "ở" hay "cư ngụ", mà chỉ quy định là nơi mà tu sĩ "được ghi danh" hay "được chỉ định", "được đăng nhập" một cách thụ động.
Thật ra, điều 103 quy định cư sở của tu sĩ là cư sở pháp lý, khác với cư sở thông thường.
Giáo sư Velasio De Paolis trong quyển "Đời sống thánh hiến trong Giáo hội", giải thích rằng: "cư sở pháp lý" của tu sĩ là nơi tu sĩ "thuộc về", còn bán cư sở là nơi tu sĩ thực tế "cư ngụ":
 Cần lưu ý rằng người tu sĩ có cư sở tại nơi của ngôi nhà mà người ấy thuộc về (appartiene), và bán cư sở tại nơi người ấy thực tế cư ngụ (di fatto abita) (x. đ. 103).
Va rilevato che il religioso ha il domicilio nel luogo della casa alla quale appartiene, e il quasi-domicilio nel luogo della casa dove di fatto abita (cf. can. 103).[2]
 
4. Cư sở pháp lý của tu sĩ
Các nhà chú giải Giáo luật như De Paolis, Chiappetta, D'Auea, J. Beal đều phân biệt cư sở tự chọncư sở pháp lý.
- Cư sở tự chọn: được tự do lựa chọn, phụ thuộc vào ý chí tự do.
- Cư sở pháp lý: được pháp luật chỉ định, không tùy thuộc vào thực tế khách quan ở tại một nơi nhất định.[3]
Lý do của cư sở pháp lý được thấy là một số người, vì nhiều lý do khác nhau, họ không hoàn toàn tự do định đoạt nơi cư trú của họ, ví dụ, vì họ là thành viên của các hội dòng hay tu đoàn đời sống tông đồ, hoặc vợ chồng, hoặc trẻ vị thành niên, hoặc những người chịu sự giám hộ.[4]
Cư sở và bán cư sở của các tu sĩ thuộc loại pháp lý. Người tu sĩ do luật riêng hay do bề trên chỉ định gắn kết hay đăng nhập vào nhà nào thì thuộc về nhà ấy và tu sĩ có cư sở pháp lý tại đó. Tu sĩ có thể được chỉ định cư sở pháp lý tại nơi này nhưng có thể sống và làm việc ở nơi khác. Cư sở pháp lý không buộc tu sĩ  phải thường trú hay ở lâu bền tại nơi có cư sở.[5]
Hai nhà Giáo luật De Paolis và D'Aurea lưu ý:
Cư sở  là nơi của nhà mà họ đã được cho đăng nhập (ascritti). Chúng tôi lưu ý rằng nó không nhất thiết phải là nhà nơi họ thực sự ở, nhưng là nhà mà họ được gán cho (ascritti). Trên thực tế, nhà mà họ được chỉ định (ascritti), là điểm quy chiếu (riferimento) của họ dễ nhất và thích hợp nhất, nơi đó các Bề trên của họ, ngay cả khi họ, vì những nhu cầu được cấp trên công nhận, có thể sống ở nơi khác. Việc mất cư sở rõ ràng là khi được đăng nhập (l'ascrizione) vào một nhà khác, tùy theo luật riêng của các tu hội.
Bán cư sở là nơi mà các tu sĩ dòng hoặc thành viên của Tu đoàn ĐSTĐ thực sự cư ngụ (di fatto dimora), theo nguyên tắc của điều 102§2, nghĩa là, với ý định ở lại đó ít nhất ba tháng, hoặc với thời gian lưu trú trên thực tế kéo dài trong ba tháng.[6]
Tóm kết:
Các nhà giáo luật đều đã xác định, cư sở pháp lý của tu sĩ không nhất thiết là nơi họ thực sự ở hay cư trú (di fatto dimora), nhưng điều chính yếu là nơi họ được cấp trên cho cho đăng nhập hay ghi danh vào đó. Nó là nơi quy chiếu (riferimento) mang tính pháp lý của tu sĩ.
J.P. Beal và các nhà chú giải đều xác định cư sở pháp lý cũng không tùy thuộc vào khung hạn thời gian cư trú tại đó bao lâu,[7] nghĩa là, không căn cứ vào sự cư ngụ đã thực sự kéo dài trong thời gian là 5 năm hay 10 năm...


5. Ấn định cư sở tùy theo bản chất đặc tính của Tu hội

5.1. Luật riêng của dòng quy định về cư sở
Luật riêng của Tu hội dòng hay Tu đoàn ĐSTĐ, tùy theo bản chất, mục đích, tinh thần và đặc tính của mình để ấn định những nguyên tắc để quy định cư sở pháp lý cho các thành viên.
Điều 577
Trong Giáo Hội có rất nhiều tu hội thánh hiến, với những hồng ân khác nhau tuỳ theo ân sủng đã được ban cho tu hội: thật vậy, các tu hội theo sát Đức Kitô cầu nguyện, hoặc loan báo nước Thiên Chúa, hoặc thi ân cho người ta, hoặc sống với người ta giữa trần gian, nhưng luôn luôn làm trọn ý của Chúa Cha.
Giáo luật cũng phân biệt dòng giáo sĩ và dòng giáo dân
Điều 588
§1 Bậc sống thánh hiến, tự bản chất, không thuộc hàng giáo sĩ, cũng chẳng thuộc hàng giáo dân.
§2. Tu hội giáo sĩ là tu hội được các giáo sĩ lãnh đạo, do mục đích hoặc do ý định của vị sáng lập hoặc do một truyền thống chính đáng, đảm nhận việc thi hành chức thánh và được quyền bính Giáo Hội công nhận như vậy.
§3. Tu hội giáo dân là tu hội được nhà chức trách Giáo Hội công nhận như vậy, do bản chất, do đặc tính và do mục đích của mình, tu hội có một nhiệm vụ riêng được vị sáng lập hoặc được truyền thống chính đáng xác định, và nhiệm vụ này không bao hàm việc thi hành chức thánh.
- Đối với một tu sĩ cư ngụ lâu bền tại một đan viện hay tu viện, theo đuổi ơn gọi chiêm niệm cầu nguyện, không có hoạt động xã hội thì rất hợp lý khi cư sở pháp lý của tu sĩ là tại đan viện hay tu viện đó.
- Đối với một dòng giáo sĩ (đ. 588§2), do việc đảm nhận thi hành chức thánh, các tu sĩ sẵn sàng được sai đi để phục vụ trong các giáo phận khi nhu cầu các Giáo phận cần đến, nhất là các giáo phận thiếu vắng linh mục, thì rất hợp lý khi cư sở pháp lý của họ là tại nơi họ có nhà chính hay trụ sở chính (sede principale).
Một cách tương tự, một Tu hội dòng hay Tu đoàn giáo dân mà có hoạt động xã hội, theo đuổi ơn gọi tông đồ hay truyền giáo, tu sĩ thường không cư ngụ lâu bền tại một nhà của dòng hay tu viện, mà thường được chuyển đổi nơi cư ngụ, thì rất hợp lý khi cư sở pháp lý của họ là tại Giáo phận nơi họ có nhà chính hay trụ sở chính (sede principale).
Trong hai trường hợp sau, nếu ngược lại, "cư sở" được hiểu là nơi tu sĩ cư ngụ thực sự trong một thời gian, cho dù kéo dài đủ 5 năm hay 10 năm, thì tu sĩ sẽ có thể lần lượt có những cư sở khác nhau, hết cư sở này chuyển qua cư sở khác. Và nếu hiểu như vậy, ta đã gán cho họ ý niệm cư sở không phải là cư sở của tu sĩ, nghĩa là, không phải là cư sở pháp lý, như điều 103 quy định.
Nếu lưu ý, sẽ thấy rõ là điều 103 không hề quy chiếu "cư sở" của tu sĩ như cư sở bình thường được nói ở điều 102§1, thủ đắc khi đã ở được một khoảng thời gian là 5 năm; nhưng điều 103 chỉ quy chiếu "bán cư sở" của tu sĩ đến điều 102§2,  được thủ đắc khi đã ở ít là 3 tháng.

5.2. Lưu ý của Hội đồng Giáo Hoàng năm 2018
Lưu ý của Hội đồng Giáo Hoàng năm 2018 được viết như sau:
Hơn nữa, phải lưu ý rằng sự cho phép hoặc đồng ý bởi Giám mục của giáo phận nơi nhà Chính của Dòng (Institute’s General House) tọa lạc là không cần thiết cho việc truyền Chức Thánh. (Bản dịch ĐÔ. Cương, HĐGHVBLP).
Trong bản dịch này (ĐÔ. Cương), "Institute’s General House" được dịch là "nhà Chính của Dòng". Đúng hơn nên dịch là "Nhà Tổng quyền của Dòng". Vì thật ra, những từ ngữ quen dùng như "Nhà chính", "Nhà mẹ", "Trụ sở chính" đều được dịch từ chữ "Sede principale" (đ. 595), nghĩa là, nơi có ban Ban lãnh đạo chính của nhà dòng, chứ không phải từ chữ "General House".  
Qua câu trả lời nói trên, Hội đồng Giáo Hoàng lưu ý xác định thẩm quyền truyền chức "duy nhất" của Giám mục giáo phận "nơi tu sĩ có cư sở", theo đúng điều 103 quy định. Còn những Giám mục khác, cho dù đó là Giám mục nơi có trụ sở của Hội dòng ở cấp cao hơn.
Ví dụ như  Giám mục của nơi tọa lạc nhà Tổng quyền (General House) vẫn không có thẩm quyền đối với một tu sĩ có cư sở thuộc tỉnh dòng chứ không thuộc nhà Tổng quyền.
Ở đây, nên phân biệt,
 một Hội dòng có những tỉnh dòng (đ. 621) hay phần dòng tương đương tỉnh dòng thì dòng có trụ sở chính của Hội dòng (Sede principale, đ. 595) và cũng có trụ sở chính của tỉnh dòng. Những Bề trên tỉnh dòng cũng là những Bề trên cấp cao (Superiori maggiori, đ. 620) nên cũng có các trụ sở chính của tỉnh dòng để điều hành tỉnh dòng của mình.
Vị Điều hành thượng cấp (Moderatore supremo, cũng thường được gọi là Bề trên tổng quyền) có quyền trên mọi tỉnh dòng, các nhà và các thành viên của tu hội, nhưng ngài không có mọi quyền hành đối với cấp dưới và phải thi hành quyền mình theo luật riêng (đ. 622). Vì vậy, có những điều thuộc thẩm quyền của Bề trên tỉnh dòng nhưng lại không thuộc quyền của vị Điều hành thượng cấp (Bề trên Tổng quyền).

Trường hợp của dòng Đồng Công - Mẹ Chúa Cứu Chuộc, xin được kể nơi đây để minh họa về quyền truyền chức của Giám mục đối với một Hội dòng có tỉnh dòng, thuộc luật Giáo phận.
Hội dòng Đồng Công (Congregatio Matris Corredemptricis, C.M.C.) được Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Đại diện Tông tòa Bùi Chu, đã chính thức ban Sắc thành lập Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, một thuộc quyền giáo phận vào ngày 02.02.1953. (Không rõ Hiến pháp có quy định là dòng Giáo sĩ hay không).
Năm 1954, Hội Dòng di chuyển vào miền Nam và sau đó định cư và có trụ sở chính tại Thủ Đức, Giáo phận Sài gòn. Vào tháng 5.1975, 150 tu sĩ và linh mục Đồng Công từ giã quê hương, sang định cư tại Hoa Kỳ.
Ngày 25.10.1980, Thánh bộ Phúc Âm Hóa các Dân Tộc đã thiết lập Tỉnh dòng Đồng Công đầu tiên bên ngoài Việt nam với tước hiệu Tỉnh Dòng Đức Mẹ Lên Trời, Hoa Kỳ. Tỉnh Dòng này có 118 thành viên, đang hoạt động tại 15 Tổng giáo phận và giáo phận ở Hoa Kỳ.
Theo trang http://giaophanthaibinh.org/dong-dong-cong.html, đăng ngày 14/06/2021, có ghi: "Hiện tại nhân sự của Dòng như sau: Việt Nam: linh mục 61, khấn trọn 413, khấn tạm 23, tập sinh 51, đệ tử 30, cộng sự viên 19; Hoa kỳ: linh mục 65, khấn trọn 210, khấn tạm 11, tập sinh 3, đệ tử 2".
Từ ngày 7 tháng 4 năm 2017 dòng được đổi sang tên "Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc" (
La ngữ: Congregatio Redemptoris Matris, CRM; Anh ngữ: Congregation of the Mother of the Redeemer).
Hiện nay, tại Việt nam hội dòng đang ở và hoạt động trên 10 Giáo phận ở Việt Nam như Long Xuyên, Sài Gòn, Xuân Lộc, Đà Lạt, Đà Nẵng, Bùi Chu, Thái Bình, Bắc Ninh, v.v., với khoảng 20 tu viện và cộng đoàn.
Như vậy, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc có trụ sở chính của dòng tại Thủ Đức thuộc Tổng giáo phận Tp. HCM và có trụ sở chính tỉnh dòng ở Giáo phận Missouri Hoa Kỳ.
Theo Giáo luật, những tu sĩ của dòng thuộc dòng tại VN được chịu chức thánh dưới quyền của Tổng Giám mục Tp HCM, là nơi họ có cư sở pháp lý. Còn  những tu sĩ của dòng thuộc tỉnh dòng ở Hoa Kỳ sẽ chịu chức thánh dưới quyền Giám mục của Giáo phận Missouri, là nơi họ có cư sở pháp lý.
Rõ ràng là các tu sĩ không thể nào chịu chức hợp luật dưới quyền của 15 Giám mục giáo phận khác nhau ở Hoa kỳ, nơi mà các tu sĩ của dòng đang ở và hoạt động. Tương tự, cũng là bất hợp luật nếu các tu sĩ thuộc dòng tại Việt nam lại được chịu chức bởi hơn 10 Giám mục khác nhau của các Giáo phận Việt Nam.

Hội Đồng Giáo hoàng trong thư phúc đáp năm 2018 giúp khẳng định, Tổng Giám mục của Tgp Tp HCM, nơi có trụ sở Tổng quyền, không có quyền can thiệp đối với việc chịu chức thánh của các tu sĩ thuộc tỉnh dòng bên Hoa Kỳ, nghĩa là không có thẩm quyền truyền chức đối với tu sĩ tiến chức ở Hoa Kỳ. Hội đồng không hề có ý nói Đức Tổng Giám mục, là Giám mục của nơi có nhà chính của dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc, là không có thẩm quyền truyền chức đối với tu sĩ của dòng ở VN.

5. Quyền và trách nhiệm của Giám mục có quyền phong chức
Đến đây, cũng cần xem xét lý do pháp lý tại sao quyền phong chức cần phải thuộc Giám mục giáo phận của trụ sở chính (sede principale) hay còn gọi là nhà chính, nhà mẹ của Hội dòng.
Giáo luật trao cho  Giám Mục của trụ sở chính (sede principale) nhiều quyền và nhiệm vụ liên quan đến toàn thể tu hội:
Điều 595
§1 Giám Mục của trụ sở chính (sede principale) phê chuẩn hiến pháp và chuẩn y các thay đổi được đưa vào hiến pháp cách hợp lệ, ngoại trừ những điều mà Tông Toà đã can thiệp vào, ngài cũng giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan tới toàn thể tu hội và vượt quá quyền hạn của quyền bính nội bộ, nhưng sau khi đã tham khảo ý kiến của các Giám Mục Giáo Phận khác nữa, nếu tu hội đã mở rộng trong nhiều Giáo Phận.
§2. Giám Mục Giáo Phận có thể miễn chuẩn hiến pháp trong những trường hợp đặc biệt.
Chính Giám mục của trụ sở chính là vị có quyền và chịu trách nhiệm để "giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan tới toàn thể tu hội và vượt quá quyền hạn của quyền bính nội bộ" (đ. 595§1). Vì vậy, những điều liên hệ đến việc phong chức thánh, vốn là điều rất quan trọng của Hội dòng phải được trao cho ngài. Những Giám mục khác chỉ có thể là Giám mục mà ngài tham khảo ý kiến,
Hơn nữa, việc xử lý những trường hợp bất thường của một linh mục tu sĩ, như thiếu khả năng, vi phạm luật, gây scandal, xin hồi tục, xuất ra khỏi hàng giáo sĩ... cần phải thuộc quyền và trách nhiệm của Giám mục của nơi có trụ sở chính của Hội dòng.
Vì vậy, quả là trái Giáo luật và không hợp lý khi gán cho tu sĩ là có cư sở tại nơi họ thực sự "ở" hay "cư ngụ", để rồi xác định việc truyền chức thánh lại thuộc quyền hay trách nhiệm của các Giám mục giáo phận nơi tu sĩ có các cư sở đó.
Kết luận
Nghi vấn về thẩm quyền truyền chức thánh đã tồn tại khá lâu, do ý niệm về cư sở của tu sĩ đã không được hiểu đúng. Có những người vẫn nghĩ đó là nơi mà tu sĩ thường trú hoặc ở đủ 5 năm như quy định về cư sở thông thường được nói ở điều 102§1.
Theo Giáo luật, cư sở của tu sĩ thuộc loại cư sở pháp lý, không tùy thuộc vào "ở" hay "cư ngụ" vào một khung hạn thời gian. Cư sở pháp lý ấn định cho tu sĩ một thuộc tính mang tính chất pháp lý liên quan đến cư sở, để phù hợp với sự điều hành, cách riêng liên hệ tới việc phong chức thánh.
Xét về mục vụ, nếu như hiểu cư sở của tu sĩ là nơi thực tế tu sĩ đã "cư ngụ thực sự" với khung hạn thời gian, ví dụ như 5 năm (đ. 102§1) thì một Tu hội mà có nhiều tu viện hay cộng đoàn ở nhiều giáo phận khác nhau, sẽ có nhiều Giám mục giáo phận khác nhau có quyền phong chức thánh cho Tu hội đó. Điều này dễ dẫn tới nguy cơ phân rẽ trong chính Tu hội vì cơ hội được phong chức của các tu sĩ không như nhau, do tùy thuộc vào ý muốn của từng Giám mục.
Trong thực tế, có những Giám mục dễ dàng chấp nhận cho phong chức thánh cho tu sĩ, có những vị thì hoàn toàn từ chối. Không lẽ Bề trên lại xoay sở để chuyển cư sở tu sĩ của mình đến giáo phận của vị Giám mục nào dễ dàng chấp nhận hơn?
Mặt khác, nếu quyền phong chức không thuộc Giám mục của trụ sở chính thì ngài không thể thực hiện những quyền và nhiệm vụ chăm sóc đặc biệt, phê chuẩn những thay đổi hiến pháp, giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan tới toàn thể Tu hội và vượt quá quyền hạn của quyền bính nội bộ... (đ. 595) mà Giáo luật ấn định cho ngài.

 
 
[1] Bản in ghi sai là 102§1.
[2] VELASIO DE PAULIS, La vita consacrata nella Chiesa, EDB, Bologna 1992, 169.
[3] DE PAOLIS V. - D'AUREA A., Le Norme Generali. Commento al Codice di Diritto Canonico, I, U.U.P, 2008, 297.
[4] V. DE PAOLIS - A. D'AUREA, Le Norme Generali. Commento al Codice di Diritto Canonico, I, U.U.P, 2008, 298; LUIGI CHIAPPETTA, Pontuario di Diritto Canonico e concordatario, "Domicilio", Roma 1994.
[5] J.P. BEAL et alii, New Commentary on the Code of Canon Law, Paulist Press, 146-147.
[6] • Il domicilio è quello del luogo della casa a cui essi sono ascritti. Notiamo che non è necessariamente la casa dove essi di fatto dimorano, ma la casa a cui sono ascritti. Di fatto la casa a cui sono ascritti è il loro punto di riferimento più facile ed opportuno; lì hanno il loro superiore, anche se essi, per esigenze riconosciute dai superiori, possono abitare altrove. La perdità del domicilio eviđentemente avviene con l'ascrizione ad un’altra casa, secondo il diritto proprio degli istituti.
• Il quasi-domicilio è invece il luogo do ve ii religioso o il membro della società di vita apostolica di fatto dimora, a norma del can. 102§2 cioè o con rintenzione di starvi per almeno tre mesi, o con la permanenza protratta di fatto per tre mesi.
V. DE PAOLIS - A. D'AUREA, Le Norme Generali. Commento al Codice di Diritto Canonico, I, U.U.P, 2008, 298-299.
[7] J.P. BEAL et alii, New Commentary on the Code of Canon Law, Paulist Press, 147.

Tác giả: JB Dũng Lm

Tổng số điểm của bài viết là: 161 trong 137 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay1,048
  • Tháng hiện tại35,690
  • Tổng lượt truy cập11,236,062
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi