CHỊU CHỨC THÁNH VỚI ỦY NHIỆM THƯ GIẢ MẠO CÓ THÀNH SỰ KHÔNG?
Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng
Có người cho rằng một người dùng ủy nhiệm thư giả mạo để chịu chức thánh thì chịu chức thánh là vô hiệu, do lừa gạt. Tuy nhiên, chiếu theo Giáo luật, hành vi phong chức này là bất hợp luật (illicit), bị phạt theo luật hình sự, nhưng chức thánh đã nhận lãnh vẫn được hữu hiệu (valid).
1. Phong chức thánh do man trá vẫn hữu hiệu
Để kết luận một hành vi pháp lý là vô hiệu hay bất thành cần có sự minh nhiên ấn định rõ ràng của Giáo luật. Nguyên tắc căn bản này được quy định ở quyển I của Bộ Giáo luật:
Điều 10. Chỉ những luật nào minh nhiên ấn định rằng một hành vi không có hiệu lực hoặc một người không có khả năng, thì mới được xem là luật bãi hiệu hoặc luật bãi năng.
Ngược lại, nếu điều luật mà không minh nhiên ấn định một hành vi là vô hiệu hay bất thành, hoặc người không có khả năng thì không được phép xác nhận hành vi đó là vô hiệu hay một người không có khả năng.
Vài luật sau đây là luật bãi hiệu, vì có những xác định minh nhiên: "bất thành", "để được hữu hiệu":
Ví dụ ngăn trở dây hôn phối làm hôn nhân bất thành
Điều 1085§1. Người đang bị ràng buộc bởi dây hôn nhân trước, dù chưa hoàn hợp, thì kết hôn cũng bất thành.
Sự ưng thuận kết hôn bị lừa gạt thì bất thành. Đây là một trong những điều luật về sự khiếm khuyết tự do ưng thuận được dùng tròng tòa án hôn phối:
Điều 1098. Người kết hôn do bị lừa gạt về một tư cách nào đó của phía bên kia, với chú ý để mình ưng thuận. và nếu tư cách ấy tự bản chất có thể làm xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng, thì hôn nhân bất thành.
Về khấn dòng, bị sợ hãi, man trá, lời khấn bị vô hiệu
Điều 656. Để được hữu hiệu, việc khấn tạm đòi buộc:
10 Người sắp tuyên khấn tối thiểu phải được mười tám tuổi trọn;
20 Việc tập tu đã được thực hiện hữu hiệu;
30 Việc nhận cho khấn phải được tự do thực hiện do bề trên có thẩm quyền với sự biểu quyết của ban cố vấn chiếu theo quy tắc của luật;
40 Lời tuyên khấn phải được phát biểu cách minh nhiên và không do bạo lực, sợ hãi nghiêm trọng hoặc man trá;
50 việc nhận lời khấn phải được thực hiện do chính bề trên hợp pháp, hoặc nhờ một người khác.
Giáo luật quy định hành vi do sợ hãi, man trá thì vẫn hữu hiệu:
Điều 125 §2. Một hành vi được thực hiện do sợ hãi nghiêm trọng được gây ra cách bất công, hoặc do man trá, thì vẫn hữu hiệu, trừ khi luật đã dự liệu cách khác;...
Trong trường hợp kết hôn và khấn dòng do sợ hãi hoặc man trá thì luật dự liệu cách khác. Đó là bất thành hay vô hiệu.
Đối với ứng viên thánh chức, Giáo luật chỉ có quy định là người nam đã được Rửa tội:
Điều 1024. Chỉ có người nam đã được Rửa Tội mới nhận lãnh thành sự bí tích truyền chức thánh.
Ngoài quyền phong chức thánh cách hữu hiệu thuộc về vị có chức thánh Giám mục và việc cử hành phong chức hữu hiệu theo thể thức giáo luật (forma canonica), Giáo luật chỉ kể ra những trường hợp bất hợp luật để chịu chức (đ. 1041) và bất hợp luật để thi hành chức thánh nếu đã chịu chức (đ. 1044), chứ không kể ra những trường hợp phong chức vô hiệu.
"Người đã phạm tội sát nhân hoặc phá thai có hiệu quả và mọi người cộng tác tích cực vào các tội đó" thì bị ngăn trở bất hợp luật để chịu chức, nghĩa là, tự động bị cấm được truyền chức, và nếu đã được truyền chức thì tự động bị cấm thi hành chức thánh. Quyền giải ngăn trở bất hợp luật này (đ. 1041,40) thuộc về Tòa Thánh dù tội còn trong bí mật hay công khai (đ. 1047).
Quyền phong chức thánh cách thành sự hệ tại ở thánh chức Giám mục. Do đó, những Giám mục trong những ly giáo vẫn phong chức cách thành sự các thánh chức giám mục, linh mục, phó tế, mặc dù Giám mục đó đang mắc vạ tuyệt thông.
Trong khi, về Bí tích hôn phối có quy định 12 ngăn trở tiêu hôn và sự tự do ưng thuận bị khiếm khuyết làm cho hôn nhân vô hiệu; về khấn dòng có những quy định những điều kiện để thành sự, còn đối với chức thánh, lại chỉ có một vài quy định bất thành. Tại sao có sự khác biệt như vậy?
Có thể giải thích rằng, khi kết hôn hay tuyên khấn thì hai bên kết ước với nhau. Theo lẽ tự nhiên sự kết ước phải được thực hiện trong sự hoàn toàn tự do ưng thuận, không bị áp lực hay man trá... Trong các Bí tích này, Giáo luật quy định bất thành khi có sự khiếm khuyết tự do, bị áp lực hay man trá...
Còn đối với Bí tích Truyền chức thánh, thụ nhân nhận lãnh một ân ban, một chức vị từ trên ban xuống, qua thẩm quyền của Giáo hội. Do đó Giáo luật không quy định sự truyền chức bất thành cho dù được thực hiện trong sự thiếu tự do hay sự bị nhầm lẫn, lừa gạt...
Trong những trường hợp truyền chức bị khiếm khuyết về ý chí tự do, bị nhầm lẫn, do lừa gạt, Giáo hội không tuyên bố chức thánh bất thành nhưng lại có thể ban ơn cho phép ra khỏi hàng giáo sĩ nếu giáo sĩ đó xin, hoặc Giáo hội trục xuất một người ra khỏi hàng giáo sĩ do phạm tội nghiêm trọng.
Khi một người ra khỏi hàng giáo sĩ, chức thánh vẫn còn nhưng không được thi hành thánh chức, trừ việc giải tội cho người nguy tử (đ. 986§2).
2. Bị phạt vạ
Khi truyền chức với ủy nhiệm thư là giả mạo thì được kể là sự truyền chức này không có ủy nhiệm thư hợp pháp. Vì vậy, người thụ phong bị vạ huyền chức tự động do chính sự kiện (đ. 1388§1).
Vị Giám mục phong chức, nếu không có quyền phong chức theo luật quy định hoặc không có văn thư ủy nhiệm hợp pháp thì bị cấm truyền chức một năm.
Điều 1388. §1. Giám mục nào vi phạm quy định của điều 1015, phong chức cho một người thuộc quyền một Giám mục khác mà không có ủy nhiệm thư hợp pháp, thì bị cấm truyền chức trong hạn một năm. Còn người được thụ phong tự động bị huyền chức do chính sự kiện lãnh nhận chức thánh.
Tuy nhiên, nếu vị Giám mục phong chức vô tình không biết là ủy nhiệm thư giả mạo thì không bị cấm truyền chức.
3. Tạo ra, sử dụng ủy nhiệm thư giả mạo
Người làm ra văn thư ủy nhiệm giả và người sử dụng văn thư ủy nhiệm giả sẽ bị phạt theo điều 1391.
Điều 1391
Những người sau đây phải bị phạt với những hình phạt dự liệu ở điều 1336 §§2-4, tuỳ theo mức nghiêm trọng của tội phạm:
10 Người giả mạo một tài liệu công thuộc Giáo hội, hoặc sửa đổi, hủy bỏ, cất giấu bản chính thức, hoặc sử dụng bản giả mạo hay đã bị sửa đổi;
20 Người sử dụng một tài liệu nào khác, giả mạo hay bị sửa đổi trong một sự việc thuộc Giáo hội,
30 Người khẳng định một điều nào đó là sai lạc trong một tài liệu công thuộc Giáo hội.
Thông thường, thuộc thẩm quyền Giám mục giáo phận ra hình phạt, hoặc bằng sắc lệnh hành pháp hoặc bằng phán quyết tư pháp, tức là trao cho tòa án giáo phận xét xử và ra bản án.
Trục xuất ra khỏi hàng giáo sĩ
Tuy nhiên, hình phạt trục xuất ra khỏi hàng giáo sĩ, là hình phạt có tính chung thân, Giám mục giáo phận hay thẩm phán không có quyền tuyên phạt (đ. 1342,§2; đ. 1349).
Những cơ quan của Tòa Thánh có thẩm quyền:
- Bộ Giáo Lý Đức Tin có thẩm quyền xét xử những tội phạm chống lại đức tin, cũng như những tội nghiêm trọng hơn phạm đến luân lý và trong việc cử hành các bí tích (x. Norms on delicta graviora).
- Bộ Giáo sĩ do được ban những năng quyền đặt biệt (facoltà speciali) (Xem RELAZIONE SULLA PRASSI INTERNA PER LA TRATTAZIONE DEI CASI PRESENTATI A NORMA DELLE FACOLTÀ SPECIALI CONCESSE ALLA CONGREGAZIONE PER IL CLERO, thấy ở http://www.clerus.va/content/dam/clerus/Plenaria%202017/03%20-%20Facolta%CC%80%20Speciali.pdf).
- Bộ Truyền giáo, cũng tương tự như bộ Giáo sĩ, được ban năng quyền xét xử các tội nghiêm trọng của hàng giáo sĩ (Xem thư của Đức Hồng Y Ivan Dias Bộ Trưởng Bộ Truyền Giáo, 31 -3- 2009, Prot. N. 0579/09).
==========================
Phụ lục
1- Hồ Hữu Hòa nhập tịch vào Giáo phận Maasin có hữu hiệu không?
Khi chịu chức phó tế, một người buộc phải nhập tịch vào một Giáo hội địa phương hay một hội dòng hay một Tu đoàn ĐSTĐ (đ. 256). Như vậy, khi chịu chức phó tế ngày 7-9-2022, thầy Hồ Hữu Hòa nhập tịch vào Giáo phận Vinh. Sau đó, khi được phong chức linh mục, vào ngày 7-12-2022, Hồ Hữu Hòa vẫn thuộc Giáo phận Vinh.
Theo như thư của Giám mục Giáo phận Maasin viết, ngày 17-2-2023, Hoà được ngài nhận cho nhập tịch vào Giáo phận Maasin vào ngày 15-1-2023, sau khi Hòa chịu chức linh mục.
Giáo luật điều 267 có quy định những điều kiện để việc nhập tịch được hữu hiệu, nghĩa là, nếu không đủ điều kiện thì việc nhập tịch bị vô hiệu.
Điều 267
§1. Để được nhập tịch hữu hiệu vào một Giáo Hội địa phương khác, một giáo sĩ đã nhập tịch rồi cần phải có văn thư xuất tịch của Giám Mục Giáo Phận do chính ngài ký tên; và cũng phải được Giám Mục Giáo Phận của Giáo Hội địa phương tại nơi giáo sĩ ước muốn nhập tịch ban văn thư nhập tịch do chính ngài ký tên.
§2. Như vậy, việc xuất tịch được cấp chỉ có hiệu lực sau khi đã được nhập tịch vào một Giáo Hội địa phương khác.
Dựa theo điều 267 nói trên, sự nhập tịch của linh mục Hòa vào Giáo phận Maasin là vô hiệu, vì thiếu văn thư xuất tịch của Giám Mục Giáo Phận Vinh do chính ngài ký tên.
Giả sử là linh mục Hòa có trình văn thư xuất tịch của Giám Mục Giáo Phận Vinh ký, thì có thể kết luận rằng văn thư ấy là giả tạo, được suy đoán cách hữu lý do những sự kiện đã diễn ra.
Như vậy, linh mục Hồ Hữu Hòa vẫn thuộc Giáo phận Vinh.
Trái lại, nếu như các văn thư ủy nhiệm truyền chức phó tế, linh mục và văn thư cho phép xuất tịch đều do Đức Cha Gp Vinh ký một cách thực sự, thì Hồ Hữu Hòa và cha Chưởng ấn đã đem các văn thư này ra để biện minh cho mình và chống lại Đức Cha. Cho nên văn thư minh định của Đức Cha Gp Vinh là đúng sự thật.
2- Hồ Hữu Hòa không nhập tịch vào giáo phận Vinh, do Giám mục giáo phận Vinh không ủy nhiệm, cũng không biết việc truyền chức?
Giáo luật, hoàn toàn không thừa nhận giáo sĩ lang thang hoặc không có cấp trên (clerici acephali seu vagi minime admittantur) (đ. 265). Do đó, Giáo luật quy định việc nhập tịch của giáo sĩ vào một giáo hội địa phương (đ. 368) hoặc một hạt giám chức tòng nhân (đ. 294), hoặc một dòng tu là một điều bắt buộc, phát sinh tự động do luật, bởi sự việc lãnh nhận chức phó tế.
Điều 266§1. Do việc lãnh chức phó tế, một người trở thành giáo sĩ và được nhập tịch vào một Giáo Hội địa phương hoặc một hạt giám chức tòng nhân mà họ được tiến chức để phục vụ.
Điều luật nói trên xác định hai hệ quả phát sinh cách tự động do luật bởi việc lãnh nhận chức phó tế:
- Trở thành giáo sĩ;
- Nhập tịch vào một Giáo hội địa phương.
Vậy, giáo sĩ Hòa đã nhập vào Giáo hội địa phương nào?
Đó là Giáo hội đã được định để tiến chức phục vụ trước khi lãnh nhận chức phó tế. Việc định trước này tuy Giám mục giáo phận Vinh không biết nhưng sự việc được suy đoán theo những yếu tố bên ngoài (đ. 124§2). Đó là Giám mục của Maasin xác nhận là đã truyền chức thánh cho Hòa với thư ủy nhiệm của Giám mục Vinh và cho giáo phận Vinh.
Sự kiện tiếp theo sau là Hòa chịu chức linh mục rồi thì Hòa mới xin được nhập tịch vào giáo phận Maasin và được chấp nhận.
Thư ủy nhiệm là giả và sự không biết của Giám Mục giáo phận, là yếu tố bên trong, không ngăn cản hay vô hiệu hóa sự nhập tịch tự động do luật của Hòa vào giáo phận Vinh.
Theo nguyên tắc của luật bãi hiệu (đ. 10), chỉ có thể khẳng định sự nhập tịch do chịu chức phó tế bị vô hiệu do sự không biết của Giám mục có quyền phong chức khi có một điều luật nào đó xác định nó là vô hiệu. Trong Bộ Giáo luật không có một điều luật nào khẳng định sự bãi hiệu này.
Trái lại, nếu ta xác nhận Hòa không nhập tịch vào giáo phận Vinh thì ta đã xác nhận Hòa là giáo sĩ lang thang. Điều này lại trái với quy định của điều 265. Như đã nói ở trên, Giáo luật, hoàn toàn không thừa nhận giáo sĩ lang thang hoặc không có cấp trên (clerici acephali seu vagi minime admittantur), (đ. 265).
Mặt khác, nếu xác nhận linh mục Hồ Hữu Hòa không nhập tịch vào nơi nào cả, nghĩa là không dưới quyền một cấp trên nào và tự do thi hành thánh chức linh mục thì quả là điều nguy hại cho Giáo hội. Những hành vi thuộc quyền thánh chức như cử hành Thánh Lễ, Giải tội... đều là những hành vi công thuộc phụng vụ của Giáo hội, không được phép tự do thực hiện trái luật, gây nhiễu loại trật tự trong Giáo hội, như những nhóm lạc giáo.
3- Tại sao Tòa Giám Mục Vinh cấm Hòa thực hành chức thánh trong phạm vi giáo phận Vinh?
Thực ra, Tòa Giám mục Vinh đang chờ Bộ Truyền Giáo điều tra, ra những chỉ dẫn và giải quyết. Việc cấm Hòa thực hành chức thánh trong phạm vi giáo phận Vinh, chỉ là một hình phạt tạm thời, vì còn hồ nghi là Hòa có thể đã được nhập vào giáo phận Maasin và đã không cần dùng ủy nhiệm thư của Giám mục Vinh để được chịu chức thánh.
Tuy nhiên, một khi đã xác định được giáo sĩ Hòa thuộc Vinh và đã dùng uỷ nhiệm thư giả mạo thì giáo quyền cần thiết phải tuyên bố vạ huyền chức của Hòa.
4- Luận bàn về hình phạt
Như trên đã nói, Hòa thuộc giáo phận Vinh dưới quyền của Giám mục giáo phận vinh. Ngài hầu như có toàn quyền để phạt Hòa nặng hay nhẹ theo quy định Giáo luật, trừ hình phạt có tính cách chung thân như là loại trừ ra khỏi hàng giáo sĩ.
Nhờ qua thư của Giám mục của Maasin, và sự thú nhận của cha chưởng ấn Việt, chúng ta xác định cách chắc chắn là Hòa đã dùng ủy nhiệm thư giả mạo để được truyền chức cho giáo phận Vinh. Chiếu theo điều 1383 Hòa bị phạt huyền chức do chính sự kiện (ipso facto) chịu chức thánh mà không có thư ủy nhiệm hợp pháp.
Sự kiện đã trải qua cho thấy Hòa cần phải bị phạt nặng nhất, tức là bị loại ra khỏi hàng giáo sĩ. Vì vậy, việc đưa vụ việc lên Tòa Thánh xét xử là điều hợp lý.
5- Nên "tuyên bố" hình phạt huyền chức
Hiện nay, sau khi xác định được cách chắc chắn là Hòa đã dùng ủy nhiệm thư giả mạo và Hòa đã không nhập tịch hữu hiệu vào giáo phận Maasin, nhưng nhập tịch vào giáo phận Vinh, Giám mục giáo phận Vinh cần phải "tuyên bố" (declare) hình phạt huyền chức theo quy định của điều 1383 và nên xác định thêm lệnh cấm: Không được thi hành tất cả những hành vi thuộc quyền thánh chức (đ. 1333§1,10).
Cần phải tuyên bố vạ huyền chức để Hòa không thể thực hiện được những hành vi thuộc quyền thánh chức, ngay cả khi đi ra nước ngoài.
Tại sao lại "tuyên bố" và xác định phạm vi vạ huyền chức?
Theo Giáo luật, hình phạt có hai loại: tiền kết và hậu kết. Hình phạt là hậu kết (ferendae sententiae) khi hình phạt do giáo quyền giáng phạt sau khi phạm nhân đã phạm tội; còn hình phạt là tiền kết (latae sententiae), nếu được luật và mệnh lệnh minh nhiên ấn định phạm nhận bị phạt cách tự động do chính sự kiện phạm tội, ví dụ như người phạm tội cố ý phá thai có hiệu quả bị vạ tuyệt thông tiền kết.
Thông thường hành vi phạm tội được thực hiện trong kín ẩn, hình phạt hay vạ tiền kết cũng nằm trong kín ẩn. Đôi khi một số hình phạt tiền kết cần được giáo quyền tuyên bố ra vì công ích.
Mặt khác, khi công bố ra, hình phạt có thể bị thay đổi. Ví dụ, trong vạ tuyệt thông tiền kết, phạm nhân bị "cấm" thực hiện hành vi lãnh đạo (ví dụ bị cấm bổ nhiệm cha sở, nhưng nếu có bổ nhiệm thì vẫn hữu hiệu), nhưng sau khi vạ này được tuyên bố phạm nhân không những bị cấm mà còn thực hiện "vô hiệu" hành vi lãnh đạo (ví dụ bị cấm bổ nhiệm cha sở, nếu bổ nhiệm thì cũng bị vô hiệu).
Mức độ cấm của vạ huyền chức thì khác nhau, ví dụ như cấm "tất cả hoặc một vài hành vi thuộc quyền thánh chức" (đ. 1333). Vì vậy, đối với vạ huyền chức tiền kết, cùng với việc tuyên bố vạ, giáo quyền cũng phải xác định phạm vi hay mức độ cấm.
Vạ huyền chức cấm gì?
Giáo luật không định nghĩa vạ huyền chức, chỉ nêu ra những điều cấm của vạ.
Điều 1333
§1. Vạ huyền chức cấm:
10 Tất cả hoặc một vài hành vi thuộc quyền thánh chức;
20 Tất cả hoặc một vài hành vi thuộc quyền lãnh đạo;
30 Thi hành tất cả hoặc một số quyền lợi hay nghĩa vụ gắn liền với giáo vụ.
§2. Trong luật hay trong mệnh lệnh có thể ấn định rằng, sau khi án lệnh hay sắc lệnh đã được áp đặt hay đã được tuyên bố, người bị vạ huyền chức không thể thực hiện cách thành sự những hành vi lãnh đạo.
§3. Lệnh cấm không bao giờ chi phối:
10 Những giáo vụ hay quyền lãnh đạo nào không thuộc quyền bính của vị Bề trên thiết lập hình phạt;
20 Quyền cư trú, nếu phạm nhân có quyền ấy do bởi giáo vụ;
30 Quyền quản trị những tài sản nào thuộc giáo vụ của chính người bị vạ huyền chức, nếu hình phạt là tiền kết.
§4. Vạ huyền chức cấm nhận lợi lộc, lương bổng, trợ cấp hay những thứ khác tương tự, bao gồm bó buộc phải trả lại bất cứ những gì đã nhận cách bất hợp pháp, cả khi vì ngay tình.
5- Hình phạt của tội làm ra hoặc sử dụng tài liệu công giả mạo
Điều 1391 quy định những người làm ra hay sử dụng tài liệu công giả mạo bị phạt với những hình phạt dự liệu ở điều 1336 §§2-4, tuỳ theo mức nghiêm trọng của tội phạm.
Điều 1336
§1. Thục hình có thể chi phối một phạm nhân hoặc suốt đời hoặc trong một thời gian được ấn định trước, hoặc trong một thời gian vô hạn, ngoài những hình phạt mà luật có thể đặt ra; thục hình gồm những loại liệt kê trong những §2-5.
§2. Buộc:
10 Phải cư ngụ tại một nơi hay một địa hạt nhất định;
20 Phải nộp phạt hay nộp một số tiền cho các mục đích của Giáo hội, theo như những quy định được Hội đồng Giám mục ấn định.
§3. Cấm:
10 Không được cư ngụ tại một nơi hay một địa hạt nhất định;
20 Không được thi hành, ở khắp mọi nơi, hay trong một nơi hay một địa hạt nhất định hay bên ngoài địa hạt, tất cả các hay một số giáo vụ, công việc, thừa tác vụ hay nhiệm vụ hay chỉ một bổn phận gắn liền với giáo vụ hay một số công việc.
30 Không được thi hành tất cả hay một số hành vi thuộc thánh chức;
40 Không được thi hành tất cả hay một số hành vi thuộc quyền lãnh đạo;
50 Không được áp dụng một số quyền lợi hay đặc ân hay sử dụng phù hiệu hay tước vị;
60 Không được hưởng quyền ứng cử hoặc bầu cử theo giáo luật và tham dự với quyền bỏ phiếu trong các ban cố vấn hay trong các hiệp đoàn thuộc Giáo hội;
70 Không được mang áo giáo sĩ hay tu sĩ.
§4. Tước bỏ:
10 Tất cả hay một số giáo vụ, công việc, thừa tác vụ hoặc nhiệm vụ hay chỉ một vài bổn phận gắn liền với giáo vụ hoặc công việc;
20 Năng quyền giải tội hay năng quyền thuyết giảng;
30 Quyền lãnh đạo thụ uỷ;
40 Một số quyền lợi hay đặc ân hay phù hiệu hay tước vị;
50 Toàn bộ lương bổng hay một phần, tuỳ theo quy luật do Hội đồng Giám mục ấn định, trừ những gì quy định ở điều 1350, §1.
§5. Sa thải khỏi hàng giáo sĩ.
Trường hợp phạt nặng hơn
Giáo luật điều 1326 cũng có quy định là "phải" (debet) phạt nặng hơn hình phạt mà luật đã quy định:
Điều 1326
§1. Thẩm phán phải (debet) trừng phạt bằng một hình phạt nặng hơn hình phạt mà luật hay mệnh lệnh đã thiết lập:
10 Người sau khi bị kết án hay sau khi hình phạt đã được tuyên bố mà vẫn tiếp tục phạm tội, đến nỗi hoàn cảnh cho phép suy đoán cách khôn ngoan rằng người ấy ngoan cố trong ý xấu;
20 Người có phẩm chức, hay người đã lạm dụng quyền hành hoặc chức vụ của mình để phạm tội;
30 Người, mà sau khi hình phạt đã được thiết lập cho tội tắc trách (delictum culposum), dù tiên liệu được sự việc, đã bỏ qua các biện pháp phòng ngừa để tránh nó như bất cứ một người cẩn thận nào cũng phải làm.
4º Người đã phạm tội trong tình trạng say rượu hay một rối loạn tâm trí nào khác, nhưng cố ý làm như vậy để phạm tội hay để bào chữa, hoặc cố ý để cho đam mê được kích thích hay được nuôi dưỡng.
§2. Trong những trường hợp được nói đến ở §1 nếu hình phạt được ấn định là tiền kết, thì có thể thêm vào hình phạt ấy một hình phạt khác hay một việc sám hối.
§3. Trong những trường hợp như vậy, nếu hình phạt được ấn định là tùy nghi, thì trở thành bắt buộc.
6. Có quyền không thừa thận việc truyền chức thánh thành sự?
Bản Việt ngữ Giáo luật điều 1708 hiện hành có ghi:
Điều 1708
Chính giáo sĩ, hoặc Đấng Bản Quyền mà giáo sĩ lệ thuộc, hoặc Đấng Bản Quyền của Giáo Phận nơi giáo sĩ đã được truyền chức, có quyền không thừa nhận việc truyền chức thánh thành sự.
Điều 1708 thuộc tiết mục "Các vụ án tuyên bố việc truyền chức thánh bất thành", nói đến quyền tố cáo lên tòa án Giáo hội việc truyền chức thánh bất thành.
Bản dịch này rõ ràng bị sai. Chỉ một chút suy xét cũng thấy nó sai, vì đâu có dễ dàng mà "không thừa nhận" việc truyền chức thánh thành sự.
Ví dụ, một linh mục A, đâu có dễ dàng không thừa nhận mình chịu chức thánh thành sự, rồi hồi tục, kết hôn!
Cần xem lại bản gốc La tinh để chuyển dịch cho đúng như sau:
Điều 1708
Những người có quyền khiếu tố về sự hữu hiệu của việc truyền chức thánh là chính giáo sĩ, hoặc Đấng Bản quyền mà giáo sĩ tùy thuộc, hoặc Đấng Bản quyền của Giáo phận nơi giáo sĩ đã được truyền chức.
Nguyên bản La tinh:
Can. 1708 - Validitatem sacrae ordinationis ius habent accusandi sive ipse clericus sive Ordinarius, cui clericus subest vel in cuius dioecesi ordinatus est.
Điều 1709 tiếp theo sau đó xác định thẩm quyền xử vụ án này thuộc về Tòa Thánh. Một khi đã gởi đơn, giáo sĩ bị cấm thi hành chức vụ thánh do chính luật.
Khi tòa án có thẩm quyền xét xử, tòa cũng phải dựa trên một luật bãi hiệu hay bãi năng mới có thể tuyên bố sự phong chức là bất thành. Các nghi vấn về sự bất thành của chức thánh có thể được nêu ra cách tóm tắt như sau:
- Vị truyền chức A có thật sự là Giám mục hay không (đ. 1012)?
- Thể thức giáo luật (forma canonica) của việc truyền chức có bị khiếm khuyết một yếu tố cấu thành nào hay không (đ.124§1)?
- Người chịu chức có thật sự không là người nam hay không (đ. 1024)?
- Người chịu chức đã được Rửa tội thành sự hay không (đ. 1024)?
Hoặc trong trường hợp chịu chức chui, bị hồ nghi mạo khai:
- Có thật là ông A này đã được Giám mục B (đã qua đời) truyền chức thành sự hay không?
Vụ xử về chức thánh là rất quan trọng. Giáo luật quy định phải xử bởi một tòa án hiệp đoàn gồm ba thẩm phán (đ. 1425).
Điều 1709 Việt ngữ hiện hành là một trong những trường hợp dịch sai điển hình khiến hiểu luật cách trái ngược. Vì vậy, cần phải thận trọng để tránh hiểu và áp dụng sai lầm.
7. Ngay cả khi Giám mục truyền chức cho em bé sơ sinh, người điên, người tội lỗi, bỏ đạo... mà cũng thành sự hay sao?
Giả sử như một Giám mục truyền chức cho một trong những người sau thì có thành sự hay không?
- Một em bé nam 1 tháng tuổi vừa được Rửa tội;
- Một giáo dân nam điên điên, khùng khùng;
- Một giáo dân đã ly dị vợ, bỏ đạo.
Có thể là không thành sự, nhưng được xét theo nguyên tắc khác và chỉ do Thẩm phán có thẩm quyền mới có thể tuyên bố vô hiệu. Như trên đã nói, sự truyền chức thánh có thể bị khiếu tố là bất thành, được kể ở những điều 1708 và 1709.
Thẩm phán của tòa án Tông Tòa có thể điều tra về tâm trí của vị Giám mục khi truyền chức cho ứng viên. Nếu có chứng cớ chứng tỏ vị chủ phong bị rối loạn hay bất bình thường, hoặc không còn khả năng thực hiện một hành vi nhân linh, thì Tòa sẽ tuyên bố việc truyền chức thánh bất thành (đ. 124§1).
Thực tế, không có vị Giám mục nào lại đi truyền chức cho một em bé nam 1 tháng tuổi vừa được rửa tội, một giáo dân nam điên điên, khùng khùng, hay một giáo dân đã ly dị vợ, bỏ đạo... trừ khi vị Giám mục đó bị mất trí.
Giả sử như vị Giám mục phong chức đó không bị rối loạn lý trí hay hoang tưởng, nhưng rất tỉnh trí và cố ý thì sao?
Chắc là Tòa án cũng sẽ xử vị Giám mục đó tội lạc giáo hay ly giáo và ra vạ tuyệt thông, hoặc cũng có thể huyền chức, hay trục xuất vị đó ra khỏi hàng giáo sĩ.
8. Chịu chức thánh do mại thánh có vô hiệu không?
Theo nguyên tắc của luật bãi hiệu bãi năng (đ.10), việc mại thánh để được chịu chức thánh vẫn hữu hiệu.
Tuy nhiên, nếu bổ nhiệm một chức vụ hay giáo vụ như bổ nhiệm cha sở vào một giáo xứ do mại thánh thì bị vô hiệu:
Điều 149. §3. Việc bổ nhiệm vào một giáo vụ do mại thánh, đương nhiên là vô hiệu.
Khi chức vụ cha sở bị vô hiệu, thì những năng quyền gắn liền với chức vụ cha sở cũng bị vô hiệu. Ví dụ, nếu cha sở đó chứng hôn với năng quyền cha sở thì chứng hôn vô hiệu (đ. 1109).
Theo giáo luật, Hồ Hữu Hòa chưa thể được xác định là giáo sĩ thuộc Gp. Vinh, hoặc đã "tự động nhập tịch" Gp. Vinh ngay sau khi được thụ phong phó tế được. Bởi vì Đức Cha Gp. Vinh không biết gì về đương sự và không gửi thư ủy nhiệm, nên Hồ Hữu Hòa chịu chức thành sự nhưng bất hợp pháp, bị huyền chức ngay lập tức, và không thuộc đấng bảo quyền nào. Giống như các trường hợp các giám mục về hưu tự phong chức linh mục cho ai đó vậy. Người đó không được nhiên là "linh mục thuộc giáo phận của anh ta." Nhưng vì là "con chiên" trong giáo phận Vinh, Đức Cha có quyền ra các án phạt cho Hồ Hữu Hòa nếu anh này vi phạm điều gì liên quan đến kỉ luật, đức tin, luân lý.
Vì vậy có nghĩ không có chuyện xuất tịch. Nhưng không rõ liệu một linh mục trong tình trạng như Hồ Hữu Hòa có được nhập tịch đơn phương không.
Nếu theo số GL 265, bản tiếng anh:
"Every cleric must be incardinated either in a particular church or personal prelature, or in an institute of consecrated life or society endowed with this faculty, in such a way that unattached or transient clerics are not allowed at all."
Hoặc bản latinh:
"Quemlibet clericum oportet esse incardinatum aut alicui Ecclesiae particulari vel praelaturae personali, aut alicui instituto vitae consecratae vel societati hac facultate praeditis, aut etiam alicui Consociationi publicae clericali quae eandem faculatem ab Apostolica Sede obtinuerit, ita ut clerici acephali seu vagi minime admittantur."
"a particular church" hoặc "alicui Ecclesiae particulari" : một linh mục cần thuộc về một giáo phận cụ thể nào đó, chứ không hiểu là "tự động" thuộc về "giáo hội địa phương của anh ta".
Có nghĩ có sự nhầm lẫn ở đây. Xin cha xem xét lại. Nếu con có sai sót gì xin cha lượng thứ ạ.
Sau cùng con nghĩ nếu Giáo Luật không đề cập và không có hướng kết luận và giải quyết thì phán quyết thuộc về tòa thánh.