TÔNG HUẤN LOAN BÁO TIN MỪNG EVANGELII NUNTIANDI (08.12.1975) - Pr. Phạm Ngọc Lê

Thứ ba - 10/05/2016 09:21
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã công bố Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng Evangelii Nuntiandi vào ngày 8.12.1975. Đây là một trong những tông huấn quan trọng về sứ vụ truyền giáo của Giáo hội. Chính Đức Gioan Phaolô II trong bài nói chuyện tại Chủng Viện Thánh Carlos tại Manila, Philippines, vào ngày 15.01.1995, tức 20 năm sau ngày công bố, đã nhận định rằng Tông Huấn này là hiến chương của sứ vụ truyền giáo. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu bối cảnh, nội dung các chương, những điểm nhấn của Tông Huấn và làm rõ vài từ ngữ.
 

TÔNG HUẤN LOAN BÁO TIN MỪNG
EVANGELII NUNTIANDI (08.12.1975)

 

A- BỐI CẢNH

Nhân dịp ba biến cố được nhắc đến trong lời mở đầu.
Trước tiên năm 1975 là Năm Thánh thứ 26 của toàn thể Giáo Hội. Ðược mở ra dưới triều Ðức Phaolô VI, Năm Thánh này mang ý nghĩa Canh Tân và Hoà Giải, như được trình bày trong Tông Huấn Gaudete in Domino (Hãy Vui Mừng Trong Chúa) của ngài: ‘Hãy mặc lấy con người mới’ (Ep 4,24) và ‘Hãy giao hoà cùng Thiên Chúa’ (2 Cr 5,20).
Thứ đến đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày bế mạc công đồng Vaticanô II (8.12.1965). Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng được công bố trước tiên cho Giáo Hội nhằm làm phong phú và đào sâu sự hiểu biết về việc phúc âm hoá. Đây tựa như một việc hiện đại hoá tình trạng của Giáo Hội mười năm sau công đồng Vaticanô II (1975), nhất là lời kêu gọi canh tân của công đồng.
Sau cùng là biến cố Thượng Hội Đồng Giám Mục lần III. Chúng ta biết rằng Thượng Hội đồng Giám mục là một thể chế định kỳ được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI có sáng kiến thiết lập qua Tự sắc Apostolica Sollicitudo, ngày 15.09.1965. Thể chế này đáp ứng nguyện vọng của các nghị phụ Công đồng Vaticanô II muốn duy trì tinh thần tích cực do kinh nghiệm Công đồng đem lại. Từ ngữ Synod (thượng hội đồng) phát xuất bởi từ ngữ Hy Lạp ‘Syn’ (cùng nhau), ‘hodos’ (con đường), có nghĩa là cùng nhau đi trên đường, cùng nhau tiến tới. Do đó, Thượng Hội Đồng Giám Mục là hội nghị các Giám Mục được tuyển chọn từ nhiều miền khác nhau trên thế giới, theo định kỳ họp mặt, để cổ vũ sự liên kết chặt chẽ giữa Giáo Hoàng Roma và các Giám Mục, nhằm góp ý giúp Đức Giáo Hoàng Roma trong việc điều hành Giáo Hội hoàn vũ, cũng như trong việc bảo toàn, phát triển đức tin và luân lý hầu duy trì và củng cố kỷ luật trong Giáo Hội. Thượng Hội Đồng Giám Mục lần III được tổ chức từ 27.09 đến 26.10.1974 với chủ đề: ‘Loan báo Tin Mừng trong thế giới hiện đại’. Số tham dự viên: 209.
Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng cho ta biết làm thế nào để phúc âm hoá hoặc loan báo sứ điệp tin mừng trong hoàn cảnh của xã hội và thế giới hiện nay. Tông Huấn tái xác định ý nghĩa của phúc âm hoá trong cảnh huống. Với viễn ảnh và mục tiêu tổng quát chung của tài liệu này, ta có thể nói rằng lời kêu gọi canh tân không chỉ nhằm cho các thừa tác viên chức thánh mà còn cho mọi tín hữu thuộc mọi tầng lớp xã hội.
 

B- NỘI DUNG  

Lời Mở Đầu: (1-5)

Chương I- Từ Đức Kitô rao giảng đến Giáo Hội rao giảng (6-16):

Trong Lời Mở Đầu và Chương I của tông huấn, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phúc âm hoá (Evangelizatio). Đây không phải là một đóng góp tuỳ tiện cho Giáo Hội nhưng đúng hơn là một nhiệm vụ của con người đi tìm chân lý. Đối với Ngài, lời mời gọi phúc âm hoá là một lệnh truyền của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta chứ không đơn thuần là sự sắp xếp cá nhân của con người. Ngài đã minh chứng bằng những dẫn chứng kinh thánh và lịch sử của việc loan báo tin mừng. Trước tiên là chính toàn bộ sứ mạng của Đức Kitô, Đấng đã được sai đến để loan báo tin mừng Nước Thiên Chúa; loan báo việc cứu độ nhân loại khỏi tội và sự dữ. Sứ điệp ấy được thông truyền từ Đức Giêsu đến các tông đồ và môn đệ của Ngài, nên thật là chính đáng việc Giáo Hội đảm nhận trách nhiệm tiếp tục sứ mạng của Đức Kitô. Phúc âm hoá là ơn gọi riêng của Giáo Hội, nghĩa là sứ mạng thiết yếu của Giáo Hội (14).
 

Chương II- Phúc âm hoá là gì? (17-24):

Bàn đến việc xác định ý nghĩa của phúc âm hoá. Đối với Giáo Hội, phúc âm hoá nghĩa là mang Tin Mừng vào tận bên trong mọi tầng lớp nhân loại để làm biến đổi và canh tân ngay từ bên trong. Trong việc phúc âm hoá, văn hoá giữ một vai trò quan trọng. Tin Mừng và việc phúc âm hoá không thể đồng hoá với văn hoá và độc lập với mọi nền văn hoá (20). Nếu muốn phúc âm hoá, ta cần phải loan báo tin mừng bằng chứng tá đời sống (21). Đó là cách để chúng ta trở nên những người loan báo tin mừng đích thực. Chúng ta trở nên những chứng nhân sống động của những giáo huấn, đời sống và lời hứa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ngoài việc làm chứng nhân đời sống, xét vì việc phúc âm hoá là một tiến trình phức tạp nên cũng còn có những yếu tố khác nữa, như phục hồi tính nhân bản, loan báo minh nhiên, tin tưởng nội tâm, tháp nhập vào cộng đoàn, chấp nhận những dấu chỉ và đề xướng của Giáo Hội (24).
 

Chương III- Nội dung của việc phúc âm hoá (25-39):

Trình bày nội dung của việc phúc âm hoá đặc biệt là nội dung thiết yếu và những yếu tố thứ yếu. Nội dung thiết yếu trước tiên phải là chứng tá, cách đơn sơ và trực tiếp, về Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần. Trọng tâm sứ điệp phải là sự cứu độ của Đức Kitô như được biểu lộ qua mầu nhiệm vượt qua của Ngài. Nói cách khác, chúng ta quy chiếu về sự cứu độ cánh chung. Và, những yếu tố thứ yếu chẳng hạn như các bí tích vì chúng bổ túc cho việc phúc âm hoá (28).
 

Chương IV-Những đường lối của việc phúc âm hoá (40-48):

Trình bày cho chúng ta những phương cách thích hợp cho việc phúc âm hoá. Sau khi xác định ‘cái gì’, bây giờ ‘làm thế nào’ để phúc âm hoá. Phương cách đầu tiên của việc phúc âm hoá là chứng tá đời sống kitô chân thực (41). Tiếp đến nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc rao giảng (42) một trong hình thức đó là ‘phụng vụ Lời Chúa’ chẳng hạn như các bài giảng, suy niệm của các linh mục. Các phương cách khác như Dạy Giáo Lý, là cách thức truyền giảng những giáo huấn căn bản về tôn giáo có hệ thống của Giáo Hội (44). Truyền thông xã hội, tiếp xúc cá nhân, các bí tích và việc đạo đức bình dân cũng là những cách thức loan báo tin mừng cứu độ.
 

Chương V- Đối tượng của việc phúc âm hoá (49-58):

Đề cập đến các đối tượng mà nội dung và các phương cách nhắm đến. Nhóm đầu tiên là những người chưa bao giờ nghe biết tin mừng của Đức Giêsu Kitô hoặc cho các trẻ em, những người ngoài kitô giáo và những người không tin (52-55). Nhóm thứ hai là những người không sống đạo (56). Có một cách giúp họ là thiết lập ‘các cộng đoàn nhỏ’ (Thượng Hội Đồng Giám Mục chú ý nhiều đến các cộng đoàn này) gọi là ‘cộng đoàn giáo hội cơ bản’, những cộng đoàn này họp nhau lại bên trong Giáo Hội, vừa là nơi đón nhận tin mừng vừa là cộng đoàn rao giảng tin mừng (58).
 

Chương VI- Những người rao giảng tin mừng (59-73):

Là lời mời gọi những người có trách nhiệm loan báo tin mừng. Nói cách khác, ai là người thợ của việc phúc âm hoá? Cách chung, là toàn thể Giáo Hội, vì tự bản chất là truyền giáo. Trước tiên là Đức Giáo Hoàng, Đấng kế vị thánh Phêrô. Tiếp đến là các Giám Mục và Linh Mục; các Tu Sĩ và đặc biệt là Giáo Dân. Trong khối giáo dân phải kể đến gia đình, các bạn trẻ và nhiều tác viên khác nhau.
 

Chương VII- Tinh thần của việc phúc âm hoá (74-80):

Tất cả chương trình và phương cách của việc phúc âm hoá chỉ có thể thực hiện nhờ tác động của Thánh Thần. Không gì có thể thay thế được tác động này. Một lần nữa chứng tá đời sống lại được nhấn mạnh như là cách thức tốt nhất cho việc loan báo tin mừng. Sự áp bức, ép buộc cần phải loại trừ vì không tôn trọng tự do và lương tâm kẻ khác. Tuy nhiên sẽ là hoàn toàn tinh ròng và tôn trọng những lựa chọn tự do nếu chân lý tin mừng và con đường cứu rỗi trong Đức Kitô được trình bày cách minh bạch, tạo điều kiện để cho lương tâm chọn một con đường mà cả những người không tin cũng nhận thấy là cao thượng (80).
 
Kết: (81-82)
 

C. NHỮNG ĐIỂM NHẤN TRONG NỘI DUNG CỦA TÔNG HUẤN 

1. Ý NGHĨA VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG

Công đồng Vaticanô II định nghĩa: “Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo”. Giáo Hội có nhiều sứ mạng, nhưng sứ mạng quan trọng, thuộc yếu tính của Giáo Hội, đó là truyền giáo hay còn gọi loan báo Tin mừng, Phúc âm hoá (Evangelizatio như Đức Phaolô VI sử dụng trong tông huấn). Sứ mạng này bắt nguồn từ lệnh truyền của Đức Kitô: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuân giữ các điều Thầy đã truyền dạy cho anh em”.
Việc loan báo Tin mừng này luôn được Giáo Hội coi là một nhiệm vụ ưu tiên, một bổn phận thiêng liêng, một mối bận tâm hàng đầu. Trải qua bao thế hệ, do sự thách thức của xã hội và của các nền văn hoá khác nhau, Giáo Hội tự biết mình có sứ mệnh phải loan báo Tin Mừng bằng nhiều cách khác nhau. Do đó các kiểu mẫu huấn giáo ra đời và thay đổi tuỳ theo dòng thời gian để Tin Mừng Đức Kitô đã gieo vào trần gian được nẩy sinh và phát triển cách thích hợp trong lòng con người.
Đặc biệt Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng, đã thúc bách toàn thể giáo Hội phải ý thức và dồn hết mọi nỗ lực của mình vào việc loan báo Tin mừng. Vậy, loan báo Tin Mừng hay Phúc Âm Hoá là gì?
Phúc Âm Hoá là một công việc khá phức tạp, không chỉ giới hạn trong việc giảng dạy về tôn giáo. Thật ra không một định nghĩa phiến diện nào có thể lột hết được thực tại phong phú, phức tạp và sống động như việc Phúc Âm Hoá. Nếu coi việc Phúc Âm Hoá chỉ là giảng dạy và rửa tội, là ta đã làm cho việc đó trở nên nghèo nàn và không thấy được bao quát tất cả những yếu tố chính yếu của nó. Trong chương II của Tông huấn Loan báo Tin mừng, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nêu lên 7 yếu tố của việc Phúc Âm Hoá như sau :

1.1. Là làm đổi mới bộ mặt nhân loại, là thay đổi tự bên trong, nghĩa là :

• ‘Giáo Hội tìm cách hoán cải lương tâm cá nhân và tập thể của con người’ (18).
• ‘Hoán cải mọi sinh hoạt mà con người đang dấn thân’.
• ‘Hoán cải đời sống và hoàn cảnh cụ thể của họ’.
• ‘Dùng sức mạnh Tin mừng làm đảo lộn những tiêu chuẩn phán đoán, những giá trị dẫn đạo, những bận tâm chính yếu, những trào lưu tư tưởng, những nguồn cảm hứng, những mẫu mực sống của nhân loại khi những điều ấy ngược với Lời Chúa và chương trình cứu độ’(19).
• Phúc Âm hoá các nền văn hoá: văn minh, kiến thức và tất cả những gì liên quan tới cuộc sống con người. ‘Phúc Âm hoá các nền văn hoá phải được thực hiện cách sống động sâu xa tới tận gốc rễ, chứ không theo một cách trang trí như lớp sơn bóng ngoài mặt’ (20).

1.2. Làm chứng tá bằng sự hiện diện, bằng thái độ sống, bằng gương sáng...

Tin Mừng trước tiên phải công bố bằng cách làm chứng. Cứ xem một kitô hữu hay một tập thể kitô hữu đang sống giữa cộng đồng con người, khi họ tỏ ra khả năng thông cảm và đón nhận, thái độ chia sẻ vận mệnh với người khác, tình liên đới trong các nỗ lực chung nhằm tất cả những gì cao thượng và tốt lành. Một cách thật đơn giản và hồn nhiên, lòng họ tin nơi những giá trị vượt xa những giá trị thông thường, và trông cậy vào những gì người ta không thấy... Một chứng tá như vậy đã là sự công bố Tin Mừng tuy thầm lặng nhưng rất mãnh liệt và hiệu quả... Một đời sống làm chứng bao hàm sự hiện diện, chia sẻ, liên đới là một yếu tố chính yếu của việc loan báo Tin Mừng’ (21).

1.3. Loan báo công khai Đức Giêsu Kitô:

‘Chứng tá cho dù đẹp đẽ nhất cũng trở nên vô hiệu theo thời gian, nếu nó không được soi sáng, biện minh và nếu nó không được diễn đạt bằng một sự loan báo rõ ràng, không mập mờ về Đức Kitô. Vậy Tin Mừng đã được công bố bằng đời sống làm chứng, sớm muộn phải được công bố bằng Lời ban sự sống. Không có loan báo Tin Mừng thực sự nếu danh tánh, lời giảng dạy, đời sống, lời hứa, Triều đại, mầu nhiệm của Đức Giêsu Con Thiên Chúa không được loan báo’ (22).
Vậy làm thế nào để các mầu nhiệm Chúa Kitô được vang lên và tới tai mọi người ?
Mục vụ rao giảng Lời Chúa gồm có :
- Tiền Phúc Âm hoá (Pré-Evangélisation): giai đoạn khơi gợi niềm tin trong lòng con người.
- Loan báo Tin Mừng: Truyền giảng Tin mừng cho người chưa tin Đức Kitô (Kérygme)
- Dạy giáo lý: Giúp người ta khám phá và đón nhận đức tin Kitô giáo (Catéchumène) và giúp các tín hữu đào sâu và sống trưởng thành trong đức tin (Catéchèse)
- Diễn giảng Lời Chúa (Homélie)
- Giảng dạy Thần học (Didascalie, Théologie): Dạy giáo lý ở mức đại học, vừa sử dụng Kinh Thánh, vừa dùng lý luận để trình bày Lời Chúa.

1.4. Gắn bó với chân lý, với cuộc sống, với Nước Trời

 “Lời loan báo chỉ đạt tới hết chiều kích của nó khi được gắn bó với những chân lý. Nhưng hơn nữa, gắn bó với một cuộc sống đã được biến đổi. Nghĩa là gắn bó với thế giới mới, với một tình trạng mới, một sự hiện hữu mới, một cách sống mới mà Tin mừng đã khai mở. Gắn bó như thế thì không còn gì là trừu tượng nhưng được tỏ ra một cách cụ thể”(23).

1.5. Gia nhập cộng đoàn tín hữu một cách cụ thể, thấy được. “Những ai đã được biến đổi đời sống thì cần phải gia nhập một cộng đồng tín hữu” (23).

1.6. Đón nhận những dấu chỉ của đời sống mới: Gia nhập vào một cộng đoàn, cộng đoàn này là một dấu chỉ biến đổi, một dấu chỉ của đời sống mới. Đó chính là Giáo Hội, bí tích hữu hình của ơn cứu độ…

1.7. Trở thành những sứ giả Tin mừng: người đã được nghe rao giảng, tới lượt họ phải đi rao giảng lại. “Đó là sự trắc nghiệm của chân lý, là đá thử vàng của việc loan báo Tin Mừng. Không thể tưởng tượng được một con người đã tiếp nhận Lời và đã hiến thân cho Nước Trời mà lại không trở nên một người làm chứng và loan báo Tin Mừng” (24).

  2. NHIỆM VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

Với các định nghĩa trên, ta thấy Tông Huấn đã nêu lên những điểm then chốt trong việc Phúc Âm hoá, một nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu. Các hình thức khác nhau của việc truyền giảng Tin Mừng luôn cần thiết mọi nơi và mọi lúc để khơi dậy, củng cố và nuôi dưỡng niềm tin. Do đó mà Thánh Phaolô đã khẳng định: “Làm sao người ta có thể tin nếu không được nghe Tin mừng, làm sao có thể nghe Tin mừng nếu không có người đi rao giảng… Vậy tin là do nghe truyền giảng, mà nghe giảng là do công bố Lời Đức Kitô”.
Trong số 66 của Tông huấn, Đức Giáo Hoàng khẳng định: “Toàn thể Giáo Hội được mời gọi làm công việc loan báo Tin Mừng và mỗi người phải chu toàn những nhiệm vụ loan báo Tin Mừng khác nhau tuỳ khả năng và theo hoàn cảnh. Tuy khác nhau nhưng cùng một sứ mệnh duy nhất là làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng được giầu đẹp”.
Như vậy bất cứ một thành phần nào trong Giáo Hội: Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân đều là những người phục vụ Tin Mừng. Đặc biệt đối với các tu sĩ, Đức Giáo Hoàng viết: “Các tu sĩ tìm được trong đời sống tận hiến một phương thế tốt đẹp đặc biệt để loan báo Tin Mừng có hiệu quả. Đó là bằng chính con người của mình và bằng sự khao khát sống thánh thiện. Họ làm chứng cho sự thánh thiện ấy... Bằng nếp sống, họ là những dấu chỉ của việc sẵn sàng phục vụ Chúa, Giáo Hội và tha nhân... Có tu sĩ loan báo Tin mừng bằng thinh lặng, sám hối, hy sinh... Có người từ bỏ hết mà đi loan báo Tin Mừng đến mút cùng trái đất” (69).
Còn đối với giáo dân, Đức Giáo Hoàng viết: “Phạm vi dành riêng cho hoạt động loan báo Tin Mừng của họ là thế giới rộng lớn và phức tạp của những sinh hoạt chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá, khoa học, nghệ thuật... và một số những thực tại khác như tình yêu, gia đình, nghề nghiệp, đau khổ…” (70)
Như vậy, mỗi kitô hữu, trong cách thế của mình có thể truyền giảng Tin mừng bằng nhiều đường lối tuỳ theo đối tượng chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc.
 

3. TINH THẦN CỦA VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG

Để thực hiện sứ mạng này, Chương VII của Tông huấn mời gọi các sứ giả tin mừng phải sống xứng đáng với ơn gọi của mình, nghĩa là phải có những thái độ nội tâm cần thiết như sau:

3.1. Làm việc dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần

“Sẽ không bao giờ có thể loan báo Tin Mừng nếu không có tác động của Chúa Thánh Thần... Có những kỹ thuật loan báo Tin Mừng là điều tốt, nhưng những kỹ thuật này dù hoàn hảo nhất cũng không làm sao thay thế được tác động của Thánh Thần. Không có Ngài thì sứ giả Tin Mừng có sửa soạn hết sức tinh tế cũng chẳng làm được gì” (75).

3.2. Là những chứng nhân đích thực

“Thế giới này khao khát sự đích thực. Nhất là giới trẻ, họ chán ghét những gì là giả tạo... Thiên hạ luôn vặn hỏi chúng ta: Các người có thực sự tin điều các người loan báo không? Các người có truyền giảng thực sự điều các người sống không? Hơn bao giờ hết, làm chứng bằng đời sống đã trở thành một điều kiện thiết yếu để việc giảng dạy có hiệu quả sâu xa”.
“Nhiệt tình loan báo Tin Mừng phải vọt lên từ một đời sống thực sự thánh thiện được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và nhất là bằng lòng yêu mến Thánh Thể... Thế giới chờ đợi nơi chúng ta một đời sống giản dị, tinh thần cầu nguyện, lòng yêu thương đối với mọi người, nhất là những ai bé mọn và nghèo khổ, đức vâng phục và khiêm tốn, sự từ bỏ chính mình. Không có những dấu hiệu và sự thánh thiện như thế, lời chúng ta sẽ khó đi vào lòng dạ con người thời nay được. Nó có thể thành vô ích và vô hiệu” (76).

3.3. Là những người xây dựng hiệp nhất

“Là những sứ giả Tin Mừng, chúng ta phải cống hiến cho các tín hữu của Đức Kitô, không phải hình ảnh của những con người chia lìa nhau vì những tranh chấp không chút xây dựng, nhưng là hình ảnh những con người chín chắn trong đức tin, có khả năng gặp gỡ nhau bên trên những căng thẳng thực tế nhờ việc cùng nhau tìm kiếm chân lý một cách chân thành và vô vị lợi. Số phận công cuộc loan báo Tin Mừng chắc chắn được gắn liền với việc sống và làm chứng cho sự hiệp nhất” (77).

3.4. Là những người phục vụ chân lý

“Tin Mừng mà chúng ta loan báo là lời chân lý, một chân lý đem lại tự do (Ga 8,32)... Thiên Chúa của chân lý mong đợi chúng ta tỉnh thức bảo vệ và tận tuỵ rao truyền chân lý... Nhiệm vụ của chúng ta là giúp đỡ người khác khám phá chân lý, kể cả chân lý tôn giáo và thiêng liêng” (78).

3.5. Có động lực là lòng yêu thương

“Sứ giả Tin Mừng phải có lòng thương yêu anh em ngày càng lớn mãi... Còn hơn một nhà giáo dục, đó là tình thương của một người cha, một người mẹ... Một dấu chỉ của tình thương yêu là biết cho người khác chân lý và đưa vào sự hiệp nhất. Một dấu chỉ nữa là biết hy sinh trọn vẹn và dứt khoát cho việc loan báo Tin Mừng” (79).

3.6. Làm việc với sự nhiệt tình

“Việc loan báo Tin Mừng trong thời đại chúng ta gặp nhiều trở ngại, một trong những trở ngại lớn là sự thiếu nhiệt tình. Nó càng trầm trọng bởi lẽ nó phát xuất từ bên trong, nó biểu lộ trong sự mệt mỏi và chán nản, sự làm lấy lệ và hờ hững, và nhất là sự thiếu niềm vui và hy vọng. Vì vậy chúng tôi khuyên những ai có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng ở bất cứ cấp bậc nào, hãy nuôi dưỡng nhiệt tình cho tâm hồn mình” (80).
Một điều quan trọng mà tông huấn Evangelii Nuntiandi đã nhấn mạnh là trước khi Giáo Hội lên đường loan báo Tin mừng, thì cần phải hoán cải theo Tin mừng đã. Nói cách khác, đối tượng loan báo Tin mừng không phải chỉ là thế giới nhưng còn là chính các phần tử của Giáo Hội.
 

C. LÀM RÕ VÀI TỪ NGỮ TRONG TÔNG HUẤN 

  • Từ Ngữ Evangelizatio

Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ evangelizatio, thường được dịch là Loan báo Tin Mừng - Rao giảng Tin Mừng – Truyền giảng Tin Mừng – Truyền giáo – Phúc âm hoá... Từ ngữ nào sát nghĩa hơn? Điều này đòi hỏi không những phải truy tầm nguyên gốc của nó trong Tân Ước, mà còn phải khảo sát cách thức nó được sử dụng trải qua lịch sử của Giáo Hội.
 

Tầm nguyên: evangelium, evangelizare, evangelizatio, evangelicus, evangelismus

1/ Trong Tân Ước không có danh từ ‘evangelizatio’, nhưng chỉ có động từ ‘evangelizare’ và nhất là danh từ ‘evangelium’. Các từ này đều bắt nguồn từ tiếng Hy-lạp: euangelion (tin vui, tin mừng, tin lành), euangelizo, euangelizomai (động từ), euangelistes (người đưa Tin Mừng).
Evangelium là gì? Cách đây 60 năm, khi đi lễ Chúa Nhật, ta được nghe đọc sách ‘E-vang’. Sau đó ta được nghe đọc sách ‘Phúc âm’. Từ thập niên 60, từ ‘Phúc âm’ rất được phổ biến ở Việt Nam: sách Phúc âm, rao giảng Phúc âm, các lời khuyên Phúc âm. Từ thập niên 90, thấy từ ‘Tin Mừng’ dần dần xuất hiện trong thánh đường, tuy rằng cho đến nay, trong giới nhà tu, người ta vẫn còn nói đến ‘ba lời khuyên Phúc âm, tinh thần Phúc âm’.
Một điều không kém thú vị là theo dõi sự biến đổi việc dịch thuật của anh em Tin Lành. Danh xưng ‘Tin Lành’ gốc bởi tiếng Anh là Evangelicals. Thế nhưng, danh từ Evangelium đã được dịch nhiều cách trong các ấn bản Kinh Thánh: ‘Tin lành, Phúc âm, Tin mừng’.
Chỉ xin nhấn mạnh rằng trong Tân Ước, Evangelium (Tin Mừng) được hiểu về một sứ điệp loan báo; về sau, người ta mới hiểu về quyển sách ghi lại sứ điệp đó. Một cách tương tự như vậy, Evangelista lúc đầu được hiểu về người đi loan báo sứ điệp Tin mừng; về sau mới được hiểu về người viết sách Tin Mừng, nói cụ thể là bốn “thánh sử” (Matthêu, Marcô, Luca, Gioan).

2/ Lịch sử Giáo Hội
Trong lịch sử Giáo Hội, nảy sinh ra nhiều từ ngữ bắt nguồn từ evangelium. Trước hết là tính từ evangelicus (thuộc về Tin Mừng), chẳng hạn như ‘consilia evangelica’ (những lời khuyên của Tin Mừng), và cách riêng những từ ngữ evangelical, evangelism, evangelization do phong trào ‘Phục hưng Tin lành’ (Evangelical Revival) phổ biến từ thế kỷ XIX. Đang khi tại Âu Châu, vào thời Trung cổ, các phong trào ‘Tin lành’ nhấn mạnh đến việc trở về nguồn, sống theo tinh thần của Tin Mừng (evangelismus), thì tại Hoa kỳ, các phong trào Tin Lành đề cao sứ mạng ‘rao giảng Tin Lành’ cho người ngoại giáo (preaching the Gospel to Non-Christians). Những từ ngữ Evangelization, Evangelicals, Evangelism ra đời trong bối cảnh đó. Nói cách khác, Evangelizatio là một từ ngữ mới xuất hiện từ thế kỷ XIX, và được du nhập vào thần học Công giáo vào thế kỷ XX.
 

Evangelizatio – Missio

Từ lâu Giáo Hội Công giáo đã ý thức về sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Nhưng để ám chỉ công tác này, thần học đã sử dụng nhiều thuật ngữ.

1/ Thời xưa, việc loan báo Tin Mừng (giảng đạo, truyền giáo) được gọi bằng nhiều tên: Illuminatio gentium, Novos populos adducere in gremio sanctae matris Ecclesiae, Propagatio Fidei, Conversio gentilium, Praedicatio Evangelii in universo orbe, Labor salutiferae praedicationis ad innotescendum gentibus mysterium fidei, Conversio infidelium, Praedicatio apostolica, Procuratio salutis ad barbaras gentes, Novella Christianitatis plantatio, Promulgatio Evangelii, Viam salutis et lucis infidelibus insinuare, Procuratio salutis omnium gentium, Legatio ad gentes, Dilatatio Ecclesiae per universum orbem, vv.

2/ Vào thời cận đại, từ ngữ quen thuộc hơn cả là Missio. Danh từ này mang nhiều ý nghĩa trải qua dòng thời gian. Theo nguyên gốc, Missio là một danh từ gốc bởi động từ mittere (sai, gửi, phái, cử). Missio được thần học sử dụng trong nhiều bối cảnh:
a) Áp dụng cho mầu nhiệm Ba ngôi (missiones divinae, trinitariae): Chúa Cha đã ‘sai’ Con Một đến thế gian; Chúa Kitô ‘sai’ Thánh Thần đến Giáo Hội.
b) Áp dụng cho sứ mạng của Hội Thánh: Đức Giêsu sai các tông đồ tiếp tục sứ mạng của Ngài. Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của các thánh tông đồ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.
c) Từ thế kỷ XVI, danh từ Missio được áp dụng vào nhiều lãnh vực:
- Giảng tuần đại phúc trong các xứ đạo, cách riêng ở thôn quê. Thánh Vinh-sơn Phaolô đã lập một hội dòng mang tên là ‘Congregatio Missionis’ (1625) cho mục tiêu đó.
- Giảng Tin Mừng cho dân ngoại (missio ad exteros, missio ad gentes). Điển hình là việc Toà Thánh thiết lập Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin để đi giảng đạo cho dân ngoại (1622). Đây cũng là ý nghĩa của tên gọi Hội Dòng “Missions Étrangères de Paris” (MEP: Hội Thừa sai Paris).
- Lãnh thổ truyền giáo (đại khái bao trùm các lục địa Phi và Á châu) được đặt dưới sự quản trị của Bộ Truyền Bá Đức Tin.

3/ Công đồng Vaticanô II
Hai danh từ Missio và Evangelizatio xuất hiện trong nhiều văn kiện.
a) Danh từ Missio được dùng theo nhiều nghĩa, đặc biệt là trong Sắc Lệnh Ad Gentes:
- việc sai đi, bắt nguồn từ Chúa Cha (AG 2);
- toàn thể sứ mạng của Giáo Hội (AG 9-10; x. LG 17);
- một hoạt động chuyên biệt của Hội Thánh: rao giảng Tin Mừng cho những ai chưa biết Chúa (AG 6; 20; 27b);
- một miền (lãnh thổ) được đặt dưới thẩm quyền của Bộ Truyền Bá Đức Tin (AG 29).
b) Đặc biệt danh từ ‘evangelizatio’ cũng được du nhập vào các bản văn của Công đồng (31 lần), cách riêng là trong Sắc lệnh về Truyền giáo Ad Gentes (21 lần). Danh từ được dùng theo ba nghĩa:
- nghĩa hẹp: rao giảng Tin Mừng cho người ngoài Kitô giáo, tương đương với công bố kerygma (6);
- theo một nghĩa rộng hơn: việc làm chứng tá bằng lời nói và gương lành (số 14);
- rộng hơn nữa, nó đồng nghĩa với toàn bộ công tác truyền giáo, nghĩa là việc thi hành ba tác vụ của Giáo Hội (số 20; 27; 29; 30; xem thêm số 23; 35-36; 38; 39; 40; 41).
c) Tương quan giữa Missio và Evangelizatio
Sắc lệnh Ad Gentes xem ra chấp nhận quan điểm thông thường vào thời đó: Evangelizatio được đặt trong khung cảnh truyền giáo cho dân ngoại (Missio ad gentes), chứ không bao trùm toàn thể Giáo Hội. Mặt khác, Evangelizatio hẹp hơn là missio; Evangelizatio trình bày Tin Mừng (bằng lời nói và gương lành) cho các dân ngoại, còn Missio bao gồm không những là việc loan báo mà còn việc giáo huấn, phụng vụ, cầu nguyện và các công tác mục vụ (xc. AG số 10). Nên biết là Bộ Truyền Giáo đã được đổi tên với cuộc cải tổ giáo triều sau công đồng Vaticanô II (15/8/1967), từ ‘Sacra Congregatio de Propaganda Fide’ sang ‘S.C. pro Evangelizatione Gentium’.

4/ Tông Huấn Evangelii Nuntiandi
Trong tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới họp năm 1974 về đề tài ‘De evangelizatione mundi huius temporis’, Đức Thánh Cha Phaolô VI nhìn nhận rằng Evangelizatio là một công tác rất đa diện (EN 17-24), bao gồm nhiều khía cạnh:
- loan báo Tin Mừng cách mặc nhiên (bằng chứng tá: số 21) hoặc minh nhiên (số 22);
- thiết lập cộng đoàn Giáo Hội (số 23;24);
- cứu độ toàn diện: giải thoát con người khỏi tội lỗi cũng như khỏi những cảnh cùng khổ (số 30-38);
- thấm nhập vào các nền văn hoá (số 20; 62-65).
Ta nhận thấy rằng Evangelizatio có thể hiểu vừa hẹp vừa rộng (số 18):
a) nghĩa hẹp: công bố Tin Mừng cho người ngoài kitô giáo;
b) nghĩa rộng: bất cứ công việc, công tác nào nhằm làm cho mọi thực tại trần thế trở nên phù hợp với chương trình của Thiên Chúa, làm cho tinh thần và nội dung Tin Mừng thấm nhập vào các thực tại trần thế; đem men Tin Mừng vào trong hết mọi lãnh vực của cuộc sống, nghĩa là biến đổi mọi thực thể nhân loại cho phù hợp với Tin Mừng, từ lối suy tư cá nhân cho đến các lối sinh hoạt của các dân tộc. Thực ra việc loan báo Tin mừng được thực hiện vừa bằng lời nói vừa bằng chứng tá đời sống, cũng như bằng những hoạt động để biến đổi mọi sự cho hợp với Tin mừng. Hiểu theo nghĩa này thì có thể dịch là ‘Phúc âm hoá’.
Dù sao, tông huấn Evangelii Nuntiandi đã làm đảo lộn mối tương quan giữa Missio và Evangelizatio. Trước đây (trong Sắc lệnh Ad gentes số 6), Evangelizatio ám chỉ một khía cạnh của công tác truyền giáo (missio). Bây giờ, Evangelizatio bao trùm toàn thể hoạt động của Giáo Hội, trong đó missio chỉ là một lãnh vực của nó.
 
  • Cụm từ ‘Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản’

Trong Tông Huấn Đức Phaolô VI đã dành một số thật dài (58) đề bàn đến các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản. Chắc chắn rằng trong Thượng Hội Đồng các Giám Mục đã đề cập nhiều đến vấn đề này: ‘Thượng Hội Đồng Giám Mục đã chú ý nhiều đến những cộng đoàn nhỏ còn gọi là ‘Cộng đoàn giáo hội cơ bản’. Bởi vì trong giáo hội ngày nay chúng thường được nhắc tới. Cộng đoàn đó là gì và tại sao cộng đoàn này vừa là nơi nhận tin mừng vừa là cộng đoàn rao giảng tin mừng?’
Từ thập niên 60-70, người ta thường nhắc nhiều đến các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản như một hiện tượng mới mẻ và có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với nhiều Giáo hội hoặc như là một tín hiệu mang lại niềm hy vọng cho kitô giáo trong tương lai, hoặc như là một cách tổ chức mới cộng đoàn giáo xứ, bổ sung và tăng cường sức sống cho cơ cấu truyền thống cũ của giáo xứ. Ngày nay thì các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản phát triển cả ở các giáo xứ nông thôn lẫn ở các giáo xứ thành thị, cả trong Giáo hội Công giáo lẫn trong nhiều Giáo hội Tin Lành. Và thường được nhắc đến trong các hội nghị cũng như trong các tài liệu của Giáo hội, như trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan Báo Tin Mừng), Redemptoris Missio (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế)’ Ecclesia in Asia (Giáo Hội tại Châu Á). Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) trong hội nghị bàn về các Thừa tác vụ trong Giáo hội, được tổ chức tại Hồng Kông vào ngày 5 tháng 3 năm 1977, các đại biểu của các Giáo hội Á châu cũng đã bỏ phiếu tán thành chiến lược xây dựng các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản cho toàn Giáo hội Á châu.
Nhưng ở Việt Nam ta ít người có điều kiện tìm hiểu tường tận về các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản này, có lẽ vì ba lý do chính sau đây:
* Giáo hội Việt Nam bị cắt đứt với các Giáo hội vùng Đông Nam Á một thời gian dài ít là từ 1975 đến 1998 tức hơn hai chục năm.
* Giáo hội Việt Nam, do truyền thống có xu hướng bảo thủ, nên ít quan tâm đến những phong trào canh tân đổi mới - mà trong đó có các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản - đang hoạt động rầm rộ ở khắp nơi.
* Trong Giáo hội Việt Nam ta thường thì việc gì cũng xuất phát từ hàng giáo sĩ mới được coi trọng, trong khi ở các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản thì phần chủ động là chính anh chị em giáo dân. Vậy thế nào là một “Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản?”
 
1. Định nghĩa Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản:
“Cộng đoàn Giáo hội cơ bản” (tiếng Pháp: Communauté de base; tiếng Tây Ban Nha: Communidades de base: viết tắt CB; tiếng Anh: Basic Ecclesial Community, viết tắt: BEC) là:
 * Một nhóm từ 8 đến 15 tín hữu,
 * Sống cùng xóm với nhau, tức cùng địa bàn dân cư,
 * Gặp gỡ nhau ít nhất một tháng một lần để cầu nguyện chung với nhau, để vui hưởng và chia sẻ đời sống và các kinh nghiệm đức tin, hầu nâng đỡ nhau và phát triển tình thân hữu trong Chúa,
 * Thông qua Nhóm và Lời Chúa, họ đào sâu và nâng cao sự hiểu biết về Chúa Kitô, về Giáo hội và về ơn gọi và nhiệm vụ riêng của mình,
 * Tuỳ theo kinh nghiệm sống đức tin của Nhóm và ơn đoàn sủng mà mỗi người lãnh nhận được, họ cam kết thực hiện một mình hay chung với Nhóm, một việc tông đồ nào đó, nhằm phục vụ Giáo hội và xã hội trong môi trường nghề nghiệp, trong khu xóm hay trong gia đình,
 * Họ đại diện giáo xứ tại khu vực của mình và tạo nên một ‘giáo hội tại gia’ hoặc một ‘Giáo hội nhỏ’ tại địa phương ấy.
 
2. Nhiều tên gọi khác nhau của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản:
Cộng Đoàn Kitô Cơ Bản (Basic Christian Community, BCC), Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản (Basic Ecclesial Community, BEC), Cộng đoàn nhỏ giáo xứ, Tế bào giáo xứ (Small Parish Community: SPC, Parish Cells: PC), Cộng đoàn đức tin (Faith Community: FC), Cộng đoàn Kitô (Christian Community: CC), Cộng đoàn Kitô nhỏ (Small Christian Community: SCC), Cộng đoàn đức tin Kitô (Christian Faith Community: CFC), Cộng đoàn cơ bản (Basic Community: BC).
Từ các tên gọi khác nhau kể trên chúng ta thấy các phẩm chất sau đây được đề cao:
+ Tính hạ tầng cơ sở, tính căn bản của cộng đoàn (basic, de base),
+ Tính giáo hội của cộng đoàn (ecclesial),
+ Tính Kitô hay tính đức tin của cộng đoàn (christian, faith),
+ Tính khiêm tốn nhỏ bé của cộng đoàn (small).
 
3. Hoạt động chính của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản:
a) Hoạt động trọng tâm của các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản là chia sẻ Lời Chúa, nhất là theo các Phương Pháp 7 Bước và Xem Xét Làm.
b) Hoạt động tông đồ (hay đối ngoại) của các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản rất đa dạng, ví dụ như:
* Cổ võ các Nhóm Chia sẻ Lời Chúa, các Nhóm Cầu nguyện, * Chăm sóc bệnh nhân, * Thăm viếng những người cùng giáo xứ, * Giúp đỡ những người thiếu thốn, * Tham dự lễ hội trong vùng, * Dạy dỗ trẻ nhỏ, * Tham gia các Nhóm Tín Dụng, giúp vốn, phát triển cộng đồng, * Làm chứng cho Chúa Kitô trong môi trường nghề nghiệp, lao động, * Đem Tin Mừng đến cho những người ngoài Giáo hội, * Thăm viếng những người mới đến cư ngụ trong khu vực, khóm phường, giáo xứ, * Chăm lo cho những người nghèo, * Chăm lo cho những người tàn tật, gìa yếu, neo đơn, * Chăm lo cho giới trẻ, * Dạy giáo lý cho dự tòng, * Thăm viếng những người bị giam, tù, * Thăm viếng bệnh nhân trong bệnh viện, * Chuẩn bị Lễ Rửa Tội cho trẻ em, * Quyết định về việc rửa tội cho trẻ em và người trưởng thành, * Bênh vực quyền lợi của người lao động, * Chuẩn bị hôn nhân cho các bạn trẻ,
* Chuẩn bị Phụng vụ ngày Chúa nhật cho giáo xứ, * Hoà giải khi có xung đột và tranh chấp, * Quan tâm đến vấn đề bất công lớn trong xã hội, * Quan tâm đến những nhu cầu nghiêm trọng mà người khác làm ngơ, * Quan tâm đến sự phát triển nhân bản, * Quan tâm đến sự phát triển kinh tế, * Quan tâm đến môi trường sinh thái.
 
4. Mô Hình Mẫu Của Các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản
 Chính lúc tìm về cội nguồn mà nhiều tín hữu khám phá ra giá trị và ý nghĩa của hai Cộng đoàn đầu tiên: Cộng đoàn của Đức Giêsu với các môn đệ trong Phúc âm và Cộng đoàn các tín hữu đầu tiên trong Sách Tông đồ Công vụ. Hai cộng đoàn này được coi là khuôn mẫu, là nguồn cảm hứng cho các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản ngày nay.
a. Cộng đoàn của Đức Giêsu với các Tông đồ hay Nhóm Mười Hai.
 1) Dựa vào Tin Mừng Gioan, chúng ta biết được rằng những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu chính là các môn đệ thân tín của Gioan Tẩy Giả (52): Đó là Anrê và Gioan. Anrê dẫn em mình là Simon (Phêrô) và Gioan dẫn em mình là Giacôbê đến gặp Chúa Giêsu. Simon Phêrô và Giacôbê là môn đệ thứ ba và thứ bốn. Tiếp theo là Philíphê, cùng quê với Anrê và Simon Phêrô, rồi Nathanaen – qua Philíphê- được Đức Giêsu cho nhập vào Nhóm các môn đệ thân tín. Còn Tin Mừng Mátthêu thì kể Anrê và Simon, Giacôbê và Gioan là bốn môn đệ đầu tiên. Mátthêu cũng cho biết chính ông được Đức Giêsu mời đi theo Người khi ông đang thi hành công việc của một nhân viên thu thuế (54).
 2) Tin Mừng Máccô và Luca tường thuật một cách chi tiết và trang trọng việc Đức Giêsu lập Nhóm Mười Hai như sau: ‘Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng với quyền trừ quỉ’ (Mc 3,13-14); ‘Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy Mười Hai ông và gọi là Tông đồ’(Lc 6,12-13).
 Trong tường thuật của mình, Máccô nêu mục đích của việc Đức Giêsu lập Nhóm Mười Hai (ở với Chúa + được Chúa sai đi rao giảng). Còn Luca thì cho biết danh xưng chính thức của Nhóm là Tông đồ (Apostolos = người được sai đi).
 3) Nếp sống của Nhóm Mười Hai:
 Nhóm Mười Hai đã sống như một Nhóm truyền đạo lưu động nay đây mai đó theo gót Đức Giêsu. Thầy trò sống ‘tam cùng’: cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc. Nhóm có lúc vui lúc buồn, lúc thành công lúc thất bại, lúc gắn bó lúc bất hoà, lúc no say lúc đói khổ. Các môn đệ được Đức Giêsu ban cho quyền trừ quỉ, chữa bệnh và rao giảng. Đức Giêsu đã dày công huấn luyện các môn đệ của mình. Người kiên nhẫn chỉ vẽ cặn kẽ từng li từng tí cho các ông. Người dạy dỗ huấn luyện các ông không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, bằng cách sống của Người. Đức Giêsu rất ưa thích việc chia sẻ tâm tình với các môn đệ. Đức Giêsu đã bộc lộ một tình yêu cao cả, vĩ đại với các môn đệ. Thậm chí Người coi họ là những người bạn tâm phúc, Người hé mở những “bí mật” (mầu nhiệm) của Thiên Chúa cho họ.
b. Cộng đoàn tín hữu đầu tiên trong Sách Tông đồ Công vụ.
 1) ‘Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ’ (Cv 2,43-47).
 2) “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 4,32-34).
Các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản mô phỏng Cộng đoàn của Đức Giêsu với các tông đồ và Cộng đoàn tín hữu đầu tiên trong sách Tông đồ Công vụ:
 * Xem Đức Giêsu làm trung tâm, làm người lãnh đạo của Cộng đoàn. Do đó mọi người luôn nỗ lực tìm kiếm Chúa và thánh ý Người, qui chiếu về Người qua sinh hoạt chia sẻ Lời Chúa. Gắn bó mật thiết với Đức Giêsu qua việc siêng năng nghe nói về Người, cầu nguyện, ca tụng Thiên Chúa, tham dự Lễ Bẻ Bánh (đời sống nội tâm, cầu nguyện, phụng vụ, bí tích).
 * Sống hiệp thông, thương yêu, đoàn kết, san sẻ giữa anh chị em trong Cộng đoàn để nâng đỡ nhau về tinh thần cũng như về vật chất. Chính đời sống huynh đệ này là một chứng tá sống động lôi cuốn nhiều người gia nhập Cộng đoàn.
 * Sống sứ mạng làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Làm chứng không chỉ với tư cách cá nhân mà còn và nhất là làm chứng với tư cách gia đình, cộng đoàn qua các hoạt động đối ngoại hay các dấn thân phục vụ tha nhân.
Sự mở rộng của Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản cho những người chưa tin. Tại nhiều nơi trên thế giới, có nhiều Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản được thiết lập giữa những người công giáo và người không công giáo, nhằm đáp ứng một số nhu cầu chung của dân cư trong cùng địa bàn. Loại Cộng đoàn này không được gọi là Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản mà được gọi là Cộng Đoàn Nhân Sinh Cơ Bản (Basic Human Community: BHC). Trong cộng đoàn này động lực của người không công giáo có thể khác với động lực của người công giáo, nhưng thành viên đều nhằm một mục tiêu chung là tìm cách nâng cao đời sống con người về các mặt nhân bản, kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá và tâm linh.
 
Điều Lưu Ý: Có tình trạng là một số cộng đoàn này không liên kết với Giáo Hội địa phương, tự coi mình như những cộng đoàn đặc sủng, thoát khỏi mọi cơ cấu. Thường công nhiên kết án và từ chối phẩm trật Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI lưu ý: Họ sẽ mau chóng trở nên chủ thuyết và rất dễ trở thành mồi ngon của một lập trường chính trị, một trào lưu, một hệ thống, một đảng phái...Họ tự cắt đứt với Giáo Hội, làm hại đến sự hiệp nhất.
Những cộng đoàn này sẽ là niềm hy vọng cho Giáo Hội phổ quát nếu:
+ biết tìm lương thực trong Lời Chúa và không tìm giam hãm mình trong sự phân hoá chính trị…
+ tránh cơn cám dỗ chỉ trích quá lố viện cớ mình là chân chính và có tinh thần cộng tác
+ biết liên kết chặt chẽ với Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát
+ biết hiệp thông với các chủ chăn mà Chúa ban cho Giáo Hội
+ không bao giờ tự coi mình là những cộng đoàn duy nhất nhận lãnh và quản lý việc Phúc Âm hoá
+ có tinh thần đại đồng và không bao giờ khép kín mình thành phe nhóm
Khi viết về giáo dân trong lịch sử Giáo hội, linh mục F. Gomez Ngô Minh, Dòng Tên, đã nhắc đến vai trò của họ trong các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản như sau:
 ‘Cuối cùng, có lẽ đặc thù nhất của thời đại là phong trào các Cộng Đoàn Cơ Bản. Khởi sự tại Châu Mỹ La-tinh như một trào lưu “từ dưới lên”, các Cộng đoàn cơ bản đã lan ra khắp thế giới như là hiện thân của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh cho các quyền lợi căn bản của họ. Đó là một sáng kiến Công giáo, nhưng sau này không chỉ Tin lành mà cả đến các tôn giáo khác cũng đã lấy lại để tổ chức các cộng đoàn nhỏ làm phương tiện phát huy tinh thần huynh đệ và tương trợ giữa xã hội. Trong các Cộng đoàn cơ bản, các tín hữu quen nhau, cầu nguyện với nhau, chia sẻ Kinh Thánh và phát huy tinh thần huynh đệ nhằm đối phó với tình thế tôn giáo và xã hội. Trong các nhóm như thế, giáo dân và giáo sĩ hợp tác với nhau trong bối cảnh hàng xóm, nơi môi trường làm việc, v.v.; giáo xứ có thể giữ vai trò phối hợp các cộng đoàn. Cộng đoàn cơ bản giúp củng cố căn tính tôn giáo cho các thành viên cũng như giúp họ kháng cự những công kích từ phía tinh thần tục hoá, các tôn phái quá khích, các tổ chức bóc lột và áp bức, v.v.. Quả vậy, các Cộng đoàn nhỏ này đã trở thành công cụ truyền giáo hữu hiệu vào bậc nhất. Khi các Kitô hữu là thiểu số, thì một cộng đoàn như thế là bối cảnh sống đạo cần thiết để có thể dễ dàng cảm nghiệm mầu nhiệm Giáo hội. Một cộng đoàn chưa phải là Giáo hội, song là một phần tử trong niềm hiệp thông Công giáo. Hiện có những Cộng đoàn Kitô giáo như thế ở thôn quê cũng như nơi thành thị, ở giữa giới tiện dân cũng như giữa giai cấp giầu có, trong các đại học cũng như giữa những người di dân mù chữ: đức tin chỉ là một cho mọi người và bất cứ ở đâu’.
 Vậy chúng ta có thể khẳng định các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản có tầm quan trọng chẳng những đối với bản thân những người giáo dân tham gia các Cộng đoàn ấy mà còn đối với cả Cộng đoàn Giáo hội địa phương nữa.
 
Kết Luận
Tương quan giữa tin mừng và lịch sử, giữa tin mừng và văn hoá, vẫn còn mở ngõ. Một đàng tin mừng chỉ hiện hữu trong văn hoá và đâm rễ sâu trong lịch sử, trong khi đàng khác không thiếu người cho rằng Giáo Hội có sự kiên định riêng nhằm soi chiếu cả lịch sử. Cả hai đường hướng này giải thích sự thinh lặng tương đối của nền thần học về tông huấn này, ngoại trừ vài điểm được lập đi lập lại nhiều lần như là khẩu hiệu.
Đức Gioan Phaolô II trong bài nói chuyện tại Chủng Viện Thánh Carlos tại Manila vào ngày 15.01.1995 đã nhận định rằng Tông Huấn này là hiến chương của sứ vụ truyền giáo. Mới đây Đức Bênêđictô XVI đã lập lại chủ đề này trong đoạn 3 của số 15 Thông Điệp Caritas in Veritate, Bác Ái trong Chân Lý (2009): dù chọn Populorum Progressio như thông điệp diễn tả tốt hơn giáo huấn xã hội của Đức Phaolô VI, Ngài vẫn nhìn nhận rằng Tông Huấn Evangelii Nuntiandi có mối tương quan khắng khít hơn với vấn đề phát triển, và là một lời mời gọi hổ tương giữa tin mừng và đời sống cụ thể cá nhân và xã hội của con người. Dựa trên điều này Đức Bênêđictô XVI đã nhận định rằng khuôn mặt truyền giáo của học thuyết xã hội của Giáo Hội như là yếu tố thiết yếu của việc phúc âm hoá.
Tông huấn EN được tóm quanh 2 bình diện: tin mừng và việc thông truyền tin mừng. Tin mừng là sức mạnh có khả năng thực sự biến đổi con người, là sức mạnh tiềm ẩn có khả năng đánh động sâu xa lương tâm con người’ (EN 4); như thế việc phúc âm hoá cần phải luôn giữ vững điều này, ‘như nền tảng, trung tâm và là chóp đỉnh của năng lực này, một công bố rõ ràng rằng nơi Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa là người, Đấng đã chết và sống lại, ơn cứu rỗi đã được ban cho mọi người như ân sủng và lòng nhân lành của Thiên Chúa (EN 27). Cần nhấn mạnh thêm rằng tin mừng cần đi đôi với việc thăng tiến con người vì lý do thuộc bình diện nhân học, thần học và tin mừng (EN 31). Số 79 trình bày việc thông truyền như một hành vi yêu thương, trong sự tôn trọng lương tâm người khác và không làm thương tổn họ, ‘biết lo lắng ban phát chân lý và dẫn đến hiệp nhất’. Do đó cho đến ngày nay, tông huấn Loan báo Tin mừng vẫn còn nhiều điều để dạy chúng ta.
Nha Trang, Thường Huấn 2013
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
 
Tài liệu tham khảo
  1. Lm. Giuse Phan Tấn Thành, Loan Báo Tin Mừng và Tái Loan Báo Tin Mừng
  2. Gianni Colzani, L’evangelizzazione di oggi, Vita Pastorale (01.01.2012)
  3. Giêrônimô Nguyễn Văn Nội, Xây Dựng Các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập119
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm118
  • Hôm nay795
  • Tháng hiện tại29,306
  • Tổng lượt truy cập11,182,639
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi