Tông Thư MAGNUM PRINCIPIUM, 3-9-2017 - Bản Việt ngữ của UBPT

Thứ sáu - 15/12/2017 21:18
Tông Thư ban hành dưới dạng Tự Sắc MAGNUM PRINCIPIUM (Nguyên Tắc Chính Yếu), trong đó điều 838 trong Bộ Giáo Luât về vấn đề thẩm quyền và xuất bản các bản dịch văn bản phụng vụ sang ngôn ngữ địa phương, được sửa đổi do ĐGH PHANXICÔ, ban hành ngày 3-9-2017.
Ngoài bản dịch Tông thư, còn có phần hướng dẫn đọc hiểu Tông Thư do Arthur Roche, Tổng Giám Mục Thư ký Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí Tích.
Bản dịch Việt ngữ của Tông Huấn được thực hiện bởi Ủy Ban Phụng Tự của HĐGMVN, với sự cộng tác của cha Gioan Bùi Thái Sơn, Đại Diện Tư Pháp Tổng Giáo Phận TP Hồ Chí Minh.
Tông Thư
ban hành dưới dạng Tự Sắc
MAGNUM PRINCIPIUM
Nguyên Tắc chính yếu
Qua đó một vài điều trong khoản Giáo Luật 838 được sửa đổi
PHANXICÔ GIÁO HOÀNG
 
Nguyên tắc chính yếu được xác định bởi Công Đồng Chung Vatican II, theo đó việc cầu nguyện trong phụng vụ, được thích nghi với khả năng của dân chúng, có thể được hiểu như là trách vụ quan trọng được trao phó cho các Giám Mục về việc đưa vào Phụng Vụ ngôn ngữ bản xứ cũng như về việc chuẩn bị và phê chuẩn các bản dịch các Sách Phụng Vu.
Dù Giáo Hội Latinh ý thức về sự hy sinh khi để mất đi một phần ngôn ngữ Phụng Vụ riêng của mình, đã được chấp nhận từ bao thế kỷ trong toàn thể thế giới, tuy nhiên cũng vui lòng mở cửa cho các bản dịch, được kể là thành phần thuộc về Nghi thức, cùng với ngôn ngữ Latin, trở nên tiếng nói của Hội Thánh khi cử hành các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Đồng thời, và nhất là vì những ý kiến khác nhau của các Nghị Phụ Công Đồng đã bày tỏ cách rõ ràng về việc dùng tiếng bản xứ trong Phụng Vụ, Giáo Hội ý thức về các khó khăn có thể phát sinh trong vấn đề này. Một đàng, thiện ích cũng như quyền lợi của các tín hữu thuộc mọi lứa tuổi và các nền văn hóa, để có thể tham dự cách ý thức và tích cực vào các cử hành Phụng Vụ, phải được liên kết với tính duy nhất chính yếu của Nghi lễ Rôma; đàng khác, chính các ngôn ngữ bản xứ, thường chỉ dần dần mới có thể trở nên ngôn ngữ Phụng Vụ, vẫn phải tỏa sáng theo cùng một cách thức với ngôn ngữ phụng vụ Latinh, qua nét đẹp cao quý của cách diễn dạt và sự sâu sắc của các ý  tưởng để nuôi dưỡng đức tin. 
Vì thế một số Luật Phụng Vụ, Huấn Thị, Thư Luân Lưu, các chỉ dẫn và việc chuẩn nhận các Sách Phụng Vụ trong các ngôn ngữ địa phương từ Công Đồng Vatican cho đến nay, đã được Tòa Thánh ban hành trước hoặc sau các điều khoản trong Bộ Giáo Luật. Các nguyên tắc ấy thật hữu ích và phần lớn vẫn còn như thế, và các Ủy ban về Phụng vụ vẫn phải vận dụng tối đa như là các phương tiện thích hợp, để trong sự khác biệt to lớn của các ngôn ngữ, cộng đoàn phụng vụ có thể mặc lấy bộ áo tương xứng trong cách diễn đạt và thích hợp trong từng phần cá biệt, nhưng vẫn giữ được sự toàn vẹn và trung thành chính xác, nhất là trong việc chuyển ngữ những bản văn có tầm quan trọng hơn trong mỗi Sách Phụng Vụ.
Như một dấu chỉ mang tính nghi lễ, bản văn phụng vụ là phương tiện truyền thông qua lời nói. Nhưng đối với các tín hữu cử hành các nghi thức thánh, đó cũng là lời chuyển tải mầu nhiệm đức tin: qua những lời được công bố, nhất là khi Đọc Kinh Thánh, Thiên Chúa nói, chính Đức Kitô nói trong Phúc Âm cho dân của Ngài, và chính đoàn dân ấy, hoặc qua vị cử hành nghi lễ, đáp lại bằng lời cầu nguyện dâng lên Chúa trong Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, mục đích của việc chuyển ngữ các bản văn phụng vụ hoặc Kinh Thánh dùng cho Phụng vụ Lời Chúa, là loan báo Lời cứu rỗi cho các tín hữu trong thái độ vâng phục đức tin và bày tỏ lời cầu nguyện của Giáo Hội dâng lên Chúa. Để đạt được mục tiêu này, phải  loan báo cách trung thành cho một dân tộc nào đó bằng ngôn ngữ của họ, điều mà Giáo Hội loan báo cho dân tộc khác bằng tiếng Latinh. Mặc dù tính cách trung thành không thể luôn được xét theo từng lời riêng lẻ, nhưng trong chính mạch văn của toàn bộ việc truyền thông và tùy theo từng cách nói đặc thù, thế nhưng, có một số ngôn từ đặc biệt phải được cân nhắc thận trọng theo đức tin công giáo toàn vẹn, vì bất cứ bản dịch phụng vụ nào cũng phải phù hợp với giáo lý chân chính.
Không có gì lạ khi một số khó khăn phát sinh từ quá trình làm việc lâu dài giữa các Hội Đồng Giám Mục và Tòa Thánh. Nhưng để các điều Công Đồng quy định về việc dùng ngôn ngữ địa phương trong Phụng Vụ có giá trị cho cả thời gian sắp tới, rất cần có sự cộng tác liên lỉ, đầy tin tưởng lẫn nhau, cẩn trọng và sáng tạo, giữa các Hội Đồng Giám Mục và Bộ của Tòa Thánh đặc trách việc cổ võ Phụng Vụ Thánh, nghĩa là Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí Tích. Vì thế, để việc canh tân toàn thể đời sống phụng vụ được tiến hành tốt đẹp, một số nguyên tắc đã được lưu truyền từ Công Đồng, nay cần được tái xác định cách rõ ràng hơn và đưa vào thực hành.
Phải quan tâm đến phúc lợi và thiện ích của tín hữu, nhưng không được quên quyền hành và trách vụ của các Hội Đồng Giám Mục, cũng như các Hội Đồng Giám Mục tại những vùng sử dụng chung một ngôn ngữ, đồng thời cùng với Tòa Thánh, phải thực hiện và phân định, để đặc tính của từng ngôn ngữ vẫn được bảo toàn, trong khi ý nghĩa của bản văn nguyên thủy phải được phiên dịch cách trọn vẹn và trung thành, và bản dịch các Sách Phụng Vụ, cả ngay sau các thích nghi, luôn tỏa sáng tính cách duy nhất của Nghi lễ Rôma.
Để việc cộng tác giữa Tòa Thánh và các Hội Đồng Giám Mục được dễ dàng và mang lại nhiều lợi ích hơn, và cũng để việc cộng tác này được gia tăng trong phận vụ giúp đỡ các tín hữu, sau khi đã lắng nghe Ủy ban do Chúng Tôi thiết lập gồm các Giám mục và chuyên viên, với thẩm quyền đã được ủy thác, Chúng Tôi quyết định phải xác định rõ về kỷ luật hiện hành trong điều khoản 838 của Bộ Giáo Luật, để thể theo tinh thần của Hiến chế Sacrosanctum Concilium, đặc biệt trong các số 36 §§ 3-4, 40 và 63, cũng như của Tông Thư được ban hành dưới dạng Tự Sắc Sacram Liturgiam, IX, cho thấy rõ ràng hơn về thẩm quyền của Tòa Thánh liên quan đến việc chuyển ngữ các sách phụng vụ và những thích nghi sâu xa hơn, trong đó có thể kể đến cả việc đưa vào các sách ấy một số bản văn mới, đã được các Hội Đồng Giám Mục xác lập và phê chuẩn.
Theo ý hướng này, kể từ nay, khoản Giáo Luật 838 sẽ mang dạng thức sau:
Can. 838 - § 1. Việc điều hành Phụng vụ thánh chỉ lệ thuộc quyền bính Giáo Hội mà thôi: quyền bính này thực sự thuộc Tông Tòa và, chiếu theo quy tắc của luật, thuộc Giám Mục giáo phận.
§ 2. Việc tổ chức Phụng Vụ thánh của Giáo Hội toàn cầu, xuất bản các sách phụng vụ, công nhận các thích nghi đã được Hội Đồng Giám Mục phê chuẩn, đồng thời liệu sao cho các quy tắc về phụng vụ được trung thành tuân giữ khắp nơi đều thuộc về Tông Tòa,.
§ 3. Việc soạn thảo cách trung thành và thích hợp các bản dịch sách phụng vụ sang tiếng bản xứ, được điều chỉnh trong giới hạn đã quy định, việc phê chuẩn và xuất bản các sách phụng vụ, cho những vùng trực thuộc các Hội Đồng Giám Mục, sau khi đã được Tòa Thánh chuẩn y đều thuộc về các Hội Đồng Giám Mục.
§ 4. Việc ban hành những quy tắc về phụng vụ mà mọi người buộc phải tuân giữ thuộc về Giám Mục giáo phận trong Giáo Hội được trao phó cho ngài và trong giới hạn thẩm quyền của ngài.
            Như thế, phải chú giải số 64 § 3 của Tông Hiến Pastor Bonus, hoặc các luật khác, đặc biệt những luật trong các sách phụng vụ, liên quan đến việc chuyển ngữ các sách này. Cũng thế, Chúng Tôi chỉ thị cho Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí Tích phải điều chỉnh các quy định của Bộ theo tinh thần kỷ luật mới, giúp các Hội Đồng Giám Mục hoàn thành trách vụ và quan tâm cổ võ đời sống phụng vụ của Giáo Hội Latinh ngày càng thăng tiến hơn.
            Vì thế, tất cả những điều được chỉ thị qua Tông Thư ban hành dưới dạng Tự Sắc này, Chúng Tôi truyền phải giữ cách chắc chắn và trọn vẹn, bất chấp những gì trái ngược, tuy những điều ấy vẫn đáng được lưu tâm đặc biệt, và Chúng Tôi truyền công bố Tự Sắc này trên nhật báo L’Osservatore Romano, các điều này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2017, và sẽ được in trong Công Báo của Tòa Thánh Acta Apostolicae Sedis.
 
Ban hành tại Rôma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 3 tháng 9 năm 2017, năm thứ V Triều đại Giáo Hoàng của Chúng Tôi.
PHANXICÔ Giáo Hoàng
 
________________
 
Khoản Giáo Luật 838 dưới ánh sáng của các văn kiện Công Đồng và hậu Công Đồng
 
Nhân dịp Đức Phanxicô công bố Tự sắc Magnum Principium, qua đó Ngài đã thay đổi một số điểm tại §2 và 3 của điều 838 trong Bộ Giáo Luật, Thư ký Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí Tích cung cấp bản chú thích về các văn kiện nguồn, liên quan đến dạng thức cũ và mới của khoản luật này
Bản văn hiện hành
Điều 838
§2. Việc tổ chức phụng vụ thánh của Giáo Hội toàn cầu, xuất bản các sách phụng vụ, phê chuẩn bản dịch các sách phụng vụ sang tiếng bản xứ và liệu sao cho những quy tắc về phụng vụ được trung thành tuân giữ khắp nơi đều thuộc về Tông Tòa.
§3.Việc soạn thảo các bản dịch sách phụng vụ sang tiếng bản xứ, với những thích nghi phù hợp trong giới hạn được các sách phụng vụ ấn định, và xuất bản các bản dịch ấy, sau khi có sự phê chuẩn của Tòa Thánh, thuộc về các Hội Đồng Giám Mục.
§2. Apostolicae Sedis est sacram liturgiam Ecclesiae universae ordinare, libros liturgicos edere eorumque versiones in linguas vernaculas recognoscere, necnon advigilare ut ordinationes liturgicae ubique fideliter observentur.
§3. Ad Episcoporum conferentias spectat versiones librorum liturgicorum in linguas vernaculas, convenienter intra limites in ipsis libris liturgicis definitos aptatas, parare, easque edere, praevia recognitione Sanctae Sedis.
Điểm quy chiếu của §2 là số 21 của Huấn thị Inter Oecumenici (26.9.1964) và điều 1257 của Bộ Giáo Luật 1917.
§3 quy chiếu về Hiến chế Sacrosanctum concilium số 22 §2 and 36 §§3-4; Thánh Bộ Bí tích và Phụng tự Thánh, Thư Decem iam annos (05.6.1976); Thánh Bộ Giáo thuyết Đức Tin, Ecclesiae pastorum (19.3,1975), đề mục 3.
 “Apostolicae Sedis est tum libros liturgicos generales instaurare atque approbare, tum sacram Liturgiam in iis quae universam Ecclesiam respiciunt ordinare, tum Acta et deliberationes auctoritatis territorialis probare seu confirmare, tum eiusdem auctoritatis territorialis propositiones et petitiones accipere”.
Mặc dù các văn kiện này chỉ nêu lên vấn đề cách tổng quát, nhưng vẫn chứa đựng một số điểm đáng ghi nhận.
Liên quan đến khoản GL 838 §2. Nội dung của Inter Oecumenici số 21 được tìm thấy  trong chương I,VI của De competenti auctoritate in re liturgica (ad Const. art. 22): “Apostolicae Sedis est tum libros liturgicos generales instaurare atque approbare, tum sacram Liturgiam in iis quae universam Ecclesiam respiciunt ordinare, tum Acta et deliberationes auctoritatis territorialis probare seu confirmare, tum eiusdem auctoritatis territorialis propositiones et petitiones accipere”. Động từ “recognoscere” trong GL 838 §2 hàm ẩn ý nghĩa tương đương với “probare seu confirmare” trong Inter Oecumenici. “Confirmare // actis confirmatis” được Ủy ban Phụng vụ của Công Đồng Vatican II dùng để thay thế chữ “recognoscere // actis recognitis”, quy chiếu về khoản 259 §4 (x. GL 304 §2) trong Bộ Giáo Luật 1917, được giải thích và bỏ phiếu để đưa vào Sacrosanctum concilium  số 36 §3 với dạng thức “actis ab Apostolica Sede probatis seu confirmatis”. Cũng nên lưu ý: Inter Oecumenici  số 21 nói chung về quyền hạn của thẩm quyền địa phương, trong khi khoản Giáo luật chỉ áp dụng riêng cho “interpretationes textum liturgicorum”, được đề cập trong số 40 của Inter Oecumenici
Khoản luật 838 §3 quy chiếu rõ rệt về số 22 §2 của Sacrosanctum concilium. Khi quy chiếu về Sacrosanctum concilium số 36 §§3-4 (§3 nói đến “usu et modo linguae vernaculae statuere, actis ab Apostolica Sede probatis seu confirmatis” và §4 nói đến “conversio textus latini in linguam vernaculam in Liturgia adhibenda, a competenti auctoritate ecclesiastica territoriali, de qua supra, approbari debet”), có thể thấy, đối với việc chuyển ngữ, cả probatio, confirmatio hoặc recognitio đều không mang giá trị pháp lý theo nghĩa hẹp như trong GL khoản 455 §2 về việc ban hành các sắc luật của Hội Đồng Giám Mục.
[§2. Để được ban hành hữu hiệu trong phiên họp khoáng đại, các sắc luật được nói đến ở § 1 cần hội đủ ít nhất là hai phần ba số phiếu của các Giám Mục có quyền biểu quyết trong Hội Đồng, và các sắc luật chỉ có hiệu lực khi đã được chính thức ban hành sau khi đã được Tông Toà chuẩn y].
Cũng cần lưu ý đến sự kiện Tự sắc Sacram Liturgiam n. IX (25.01.1964) đã được chỉnh sửa trong Acta Apostolicae Sedis do phản ứng của các Nghị Phụ Công Đồng. Khi được công bố trên L’Osservatore Romano ngày 29.01.1964, Sacram Liturgiam ghi: “…populares interpretationes, a competente auctoritate ecclesiastica territoriali propositas, ab Apostolica Sede esse rite recognoscendas atque probandas”. Nhưng trong Acta Apostolicae Sedis : “…populares interpretationes, a competente auctoritate ecclesiastica territoriali conficiendas et approbandas esse, ad normam art. 36, §§3 et 4; acta vero huius auctoritatis, ad normam eiusdem art. 36, §3, ab Apostolica Sede esse rite probanda seu confirmanda”. Như thế Tự sắc đã phân biệt việc phê duyệt của thẩm quyền địa phương bằng một sắc lệnh để bản dịch có giá trị bắt buộc, và việc phê chuẩn của Tòa Thánh.
Hơn nữa, cũng nên lưu ý là Sacram Liturgiam nói rõ “Quod ut semper servetur praescribimus, quoties liturgicus quidam textus latinus a legitima, quam diximus, auctoritate in linguam vernaculam convertetur”, như vậy quy định này bao gồm cả hai thời điểm, nghĩa là conficere và approbare, sau đó ban sắc lệnh công bố sách.
Thư Decem iam annos (05.06.1976) của Thánh Bộ Bí tích và Phụng tự thánh không bao giờ dùng từ “recognoscere” nhưng chỉ “probare, confirmare, confirmatio”.
Văn kiện Ecclesiae pastorum của Thánh Bộ Giáo thuyết Đức Tin, đề mục 3 (gồm 3 số), chỉ có số 1 nói đến vấn đề này như sau: “1. Libri liturgici itemque eorum versions in linguam vernaculam eorumve partes ne edantur nisi de mandato Episcoporum Conferentiae atque sub eiusdem vigilantia, praevia confirmatione Apostolicae Sedis”. Số 2 nói về việc tái bản, số 3 về sách kinh. Tuy nhiên nên lưu ý là việc giám sát và ủy nhiệm được trao Hội Đồng Giám Mục, trong khi “praevia confirmatio”  được trao về Tòa Thánh.
Bản văn mới
§2. Apostolicae Sedis est sacram liturgiam Ecclesiae universae ordinare, libros liturgicos edere, aptationes, ad normam iuris a conferentia Episcoporum approbatas, recognoscere, necnon advigiliare ut ordinationes liturgicae ubique fideliter observentur.
§ 3. Ad Episcoporum Conferentias spectat versiones librorum liturgicorum in linguas vernaculas fideliter et convenienter intra limites definitos accommodatas parare et approbare atque libros liturgicos, pro regionibus ad quas pertinent, post confirmationem Apostolicae Sedis edere.
§2 nói đến “aptationes – thích nghi” (“versiones – bản dịch” được dành cho §3), đó là những bản văn và yếu tố không có trong editio typica latina, cũng như những “profundiores aptationes” được dự liệu trong Sacrosanctum concilium số 40, và được quy định bởi Huấn thị Varietates legitimae về hội nhập văn hóa (25.01.1994); sau khi đã có “approbatio” của Hội Đồng Giám Mục, các thích nghi phải nhận được “recognitio” của Tòa Thánh. Như thế, §2 giữ lại khoản 1257 của Bộ Giáo Luật 1917, và thêm vào quy định của Varietates legitimae về việc áp dụng các số 39 & 40 của Sacrosanctum concilium đòi phải có “recognitio”.
§3 nói về “versiones” của các bản văn phụng vụ, phải được dịch cách “trung thành” và được Hội Đồng Giám Mục phê duyệt. Điều này quy chiếu về Sacrosanctum concilium số 36 §4, và GL 825 §1 về bản dịch Kinh Thánh. Các bản dịch phụng vụ phải có “confirmatio” của Tòa Thánh trước khi được phát hành, như đã nói trong Tự sắc Sacram Liturgiam, số IX.
Dạng thức trước của GL 838 §3 “intra limites in ipsis libris liturgicis definitos aptatas”, lấy từ Sacrosanctum concilium số 39 (“Intra limites in editionibus typicis librorum liturgicorum statutos…aptationes definire”), nhưng ở đây Hiến chế chỉ nói đến “aptationes” chứ không phải “versiones”, trong dạng thức mới, những bản dịch “intra limites definitos accommodatas”, dựa theo cách nói của Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma số 392, phân biệt với “aptationes” trong §2.
Vì thế, §3 được sửa đổi vẫn dựa trên Sacrosanctum concilium số 22 §2; số 36 §§3-4; Thánh Bộ Bí tích và Phụng tự Thánh, Decem iam annos (05.6.1976); Thánh Bộ Giáo thuyết Đức Tin, Ecclesiae pastorum  (19.3.1975), đề mục 3, cộng thêm những từ quy chiếu về Institutio Generalis Missalis Romani (ed. typica tertia) số 391 và 392, tuy nhiên, vì không dùng chữ “recognoscere, recognitio”, nên việc phê chuẩn của Tòa Thánh đối với bản dịch do Hội Đồng Giám Mục thực hiện “cách trung thành” (“fideliter” mới được thêm vào) theo bản Latinh, không có cùng giá trị pháp lý như ở GL 455, nhưng là một “confirmatio” (như trong Decem iam annosEcclesiae pastorum, đề mục 3).
 “Confirmatio” do thẩm quyền của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí Tích xác nhận sự phê duyệt của Hội Đồng Giám Mục, trong phận vụ giảng dạy và mục vụ của hàng Giám mục, đã được ủy thác trách nhiệm chuyển ngữ cách trung thành các bản văn phụng vụ. “Confirmatio” thể hiện sự đánh giá tích cực về tính trung thành và thích hợp của các bản dịch đã được thực hiện theo văn bản mẫu bằng La ngữ, nhất là các văn bản có tầm quan trọng đặc biệt (chẳng hạn các công thức mô thể bí tích cần có sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng, Nghi thức Thánh lễ, các Kinh nguyện Thánh Thể và lời nguyện truyền chức).
Tự sắc Magnum principium sửa đổi GL 838, đồng thời cũng ảnh hưởng đến Tông hiến Pastor bonus đề mục 64 §3, Institutio Generalis Missalis RomaniPraenotanda của các sách phụng vụ trong những phần liên quan đến việc chuyển ngữ và thích nghi.
____________
Hướng dẫn đọc Tự sắc “Magnum principium”
Tự sắc chỉnh sửa dạng thức một số quy định trong Giáo luật liên quan đến việc phiên dịch các sách phụng vụ sang ngôn ngữ hiện đại.
Trong Tự sắc ký ngày 03.9.2017 và có hiệu lực từ ngày 01.10.2017, Đức Phanxicô đã điều chỉnh văn bản của GL điều 838. Lý do của việc chỉnh sửa này được giải thích bởi chính Tự sắc, dựa trên những nguyên tắc cơ sở của việc chuyển ngữ các văn bản mẫu bằng la ngữ, đồng thời cũng xét đến sự tế nhị dành cho những người thi hành công tác dịch thuật này. Vì Phụng vụ là lời cầu nguyện của Hội Thánh được điều hành bởi thẩm quyền Hội Thánh.
Do tầm quan trọng của phận vụ này, các Nghị phụ Công Đồng Vatican II đã thảo luận về vấn đề vai trò của Tòa Thánh cũng như của các Hội Đồng Giám Mục (x. Sacrosanctum concilium, số 36, 40 và 63). Từ đó, công tác dịch thuật các bản văn phụng vụ  được hướng dẫn bởi các quy định và huấn thị chuyên đề của các Bộ có thẩm quyền, đặc biệt phải kể đến Comme le prévoit (25.01.1969), và sau khi Bộ Giáo Luật 1983 được ban hành, Huấn thị Liturgiam authenticam (28.3.2001), được công bố trong những phạm vi khác biệt với mục tiêu đáp ứng những vấn đề cụ thể đang biểu lộ rõ nét theo dòng thời gian và phát sinh từ tính cách phức tạp của việc chuyển ngữ các bản văn phụng vụ. Bên cạnh đó, vấn đề hội nhập văn hóa cũng nhận được những quy định từ Huấn thị Varietates legitimae (25.01.1994).
Từ kinh nghiệm trong những năm qua, Đức Thánh Cha nhận thấy “một số nguyên tắc đã được lưu truyền từ Công Đồng, nay cần được tái xác định cách rõ ràng hơn và và đưa vào thực hành”. Khi suy xét những gì đã xảy ra trong quá khứ, đồng thời cũng hướng nhìn về tương lai, dựa vào Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum concilium của Công Đồng Vatican II, Đức Thánh Cha muốn xác định cách rõ ràng hơn kỷ luật hiện hành bằng cách điều chỉnh khoản GL 838.
Việc điều chỉnh này nhằm xác định rõ hơn vai trò của Tòa Thánh và của các Hội Đồng Giám Mục, mỗi bên có thẩm quyền riêng nhưng vẫn bổ túc cho nhau. Mọi người được mời gọi làm việc với tinh thần đối thoại liên quan đến công tác chuyển ngữ các bản văn phụng vụ cũng như những thích nghi về nghi thức hoặc bản văn. Tất cả chỉ để phục vụ cho hành vi cầu nguyện mang tính phụng vụ của đoàn Dân Thiên Chúa.  
Trong dạng thức mới của khoản GL 838, liên quan đến vai trò của Tòa Thánh, có sự phân biệt rõ ràng về phạm vi áp dụng recognitioconfirmatio đối với những gì thuộc thẩm quyền của Hội Đồng Giám Mục, trong khi vẫn luôn quan tâm đến phận vụ giảng dạy và mục vụ, và cả những giới hạn hoạt động của các Hội Đồng Giám Mục.
Recognitio, khoản luật 838 §2, nói đến tiến trình chuẩn nhận của Tòa Thánh để hợp thức hóa những thích nghi trong Phụng vụ, kể cả những “thích nghi sâu xa” (Sacrosanctum concilium 40), do Hội Đồng Giám Mục thiết lập và phê chuẩn trong phạm vi địa hạt đã được quy định. Trong cuộc gặp gỡ giữa Phụng vụ và văn hóa, những thích nghi được đệ trình để Tòa Thánh recognoscere, nghĩa là duyệt xét và lượng định để bảo toàn tính duy nhất thiết yếu của Nghi lễ Rôma, quy chiếu đến Hiến chế Sacrosanctum concilium, 39-40, và việc áp dụng các thích nghi, theo chỉ dẫn trong các sách phụng vụ,  phải tuân theo các quy định của Huấn thị Varietates legitimæ.
Confirmatio, thuật ngữ đã được dùng trong Tự sắc Sacram Liturgiam số IX (25.01.1964),  liên quan đến việc chuyển ngữ các bản văn phụng vụ, và dựa trên Sacrosanctum concilium (n. 36, § 4), việc thực hiện và phê chuẩn các bản dịch thuộc thẩm quyền của Hội Đồng Giám Mục. GL 838 §3 nói rõ các bản dịch phải trung thành với văn bản mẫu, đây cũng là mối bận tâm chính của Huấn thị Liturgiam authenticam. Khi nhắc đến quyền hạn và trách nhiệm được ủy thác cho Hội Đồng Giám Mục trong việc chuyển ngữ, Tự sắc nói rõ các HĐGM “phải thực hiện và phân định, để đặc tính của từng ngôn ngữ vẫn được bảo toàn, trong khi ý nghĩa của bản văn nguyên thủy phải được phiên dịch cách trọn vẹn và trung thành, và bản địch các Sách Phụng Vụ, cả ngay sau các thích nghi, luôn tỏa sáng tính cách duy nhất của Nghi lễ Rôma”.
Confirmatio của Tòa Thánh vì thế không phải là một sự can thiệp mới vào tiến trình chuyển ngữ, nhưng đúng hơn chỉ là việc thẩm quyền Tòa Thánh xác nhận sự phê chuẩn của Hội Đồng Giám Mục, thể hiện sự đánh giá tích cực về tính cách trung thành và thích hợp của bản dịch với văn bản mẫu, nghĩa là vẫn bảo toàn được tính duy nhất của Nghi lễ Rôma, và đặc biệt đối với những bản văn quan trọng, chẳng hạn các công thức mô thể bí tích, các Kinh nguyện Thánh Thể, lời nguyện truyền chức, Nghi thức Thánh lễ . . .
Việc chỉnh sửa Giáo Luật lần này kéo theo việc điều chỉnh Tông Hiến Pastor bonus số 64 §3, cũng như các quy định liên quan đến việc chuyển ngữ. Chẳng hạn phải chỉnh sửa một vài số trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma và phần Những điều cần biết trước trong các sách phụng vụ. Cả Huấn Thị Liturgiam authenticam, vốn dành riêng cho việc chuyển ngữ đầy phức tạp và ẩn chứa nhiều hệ lụy, cũng phải được chú thích lại dưới ánh sáng của khoản luật 838 mới, khi nói về việc xin recognitio. Cuối cùng, Tự sắc dự kiến Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí Tích cũng phải “điều chỉnh các quy định của Bộ theo tình thần kỷ luật mới, giúp các Hội Đồng Giám Mục hoàn thành trách vụ”
 
+ Arthur Roche, Tổng Giám Mục Thư ký Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí Tích

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay1,310
  • Tháng hiện tại35,952
  • Tổng lượt truy cập11,236,324
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi