GÓP Ý "CHO MỘT GIÁO HỘI ĐỒNG HÀNH" - J.B. Lê Ngọc Dũng

Thứ bảy - 02/04/2022 10:09
Tôi khá băn khoăn khi đọc bản câu hỏi cho một giờ cử hành hiệp hành được đăng tải; băn khoăn vì nó có vẻ như được dùng cho một giờ tu đức: sám hối, kiểm thảo đạo đức, hay xét mình tu đức. Bản câu hỏi này được thấy là nhắm đến "sống" tinh thần "hiệp hành" thực sự, đúng với chủ đề "Một Giáo hội hiệp hành", không nhắm đến đóng góp ý kiến cho THĐGM.
Nếu chúng ta cho là đúng: 
Chủ đề của THĐGM kỳ này là "Một Giáo hội hiệp hành" (Una Chiesa sinodale), thì chúng ta sẽ tiến hành một "Tiến trình hiệp hành", bằng sự thảo luận và sống thực sự tinh thần hiệp hành của chủ đề.
Nếu giả sử chủ đề của THĐGM là "Sự chung thủy hôn nhân", thì phải chăng chúng ta, những linh mục, tu sĩ, giáo dân, cũng sẽ tiến hành một "tiến trình chung thủy hôn nhân", bằng việc thảo luận và sống thực sự tinh thần chung thủy hôn nhân?
Quả là một sai lầm đáng tiếc! Các linh mục tu sĩ làm sao mà có thể thực hiện tiến trình hay sống thực sự tinh thần chung thủy hôn nhân?
 
GÓP Ý "CHO MỘT GIÁO HỘI ĐỒNG HÀNH"
 
Khi đọc bản câu hỏi cho một giờ cử hành hiệp hành được đăng tải tôi khá băn khoăn vì nó có vẻ như được dùng cho một giờ tu đức: sám hối, kiểm thảo đạo đức, hay xét mình tu đức. Bản câu hỏi này như nhắm đến "sống" tinh thần "hiệp hành" thực sự, đúng với chủ đề "Một Giáo hội hiệp hành", không nhắm đến đóng góp ý kiến cho THĐGM.
Thiết nghĩ, đây là một thực hiện lệch hướng, do làm theo hướng dẫn của tập Cẩm nang Việt ngữ, mà đã có những từ ngữ then chốt bị chuyển dịch cách lầm lẫn. "Processo sinodale" là "Tiến trình hiệp hành".
Điều mà chúng ta cần thực hiện là tiến hành một "tiến trình hội nghị" (processo sinodale) để đóng góp ý kiến chứ không phải là thực hiện một "Tiến trình hiệp hành", theo như chủ đề "Một Giáo hội hiệp hành".
Xin đưa ra một trường hợp để thấy ngay sự sai lầm:
Nếu chúng ta cho là đúng: 
Chủ đề của THĐGM kỳ này là "Một Giáo hội hiệp hành" (Una Chiesa sinodale), thì chúng ta sẽ tiến hành một "Tiến trình hiệp hành", bằng sự thảo luận và sống thực sự tinh thần hiệp hành của chủ đề.
Nếu giả sử chủ đề của THĐGM là "Sự chung thủy hôn nhân", thì phải chăng chúng ta, những linh mục, tu sĩ, giáo dân, cũng sẽ tiến hành một "tiến trình chung thủy hôn nhân", bằng việc thảo luận và sống thực sự tinh thần chung thủy hôn nhân?
Quả là một sai lầm đáng tiếc! Các linh mục tu sĩ làm sao mà có thể thực hiện tiến trình hay sống thực sự tinh thần chung thủy hôn nhân?
Chúng ta rất thông cảm cho những sai lầm, vì những văn bản của Tòa Thánh, như quyển Cẩm nang, thường trình bày đầy đủ nhưng lời văn rất là bác học, khó lòng mà hiểu hết. Vì thế sự lầm lẫn là chuyện rất có thể xảy.  
Tuy nhiên, trong vấn đề này, nó lại gây những hậu quả hiểu sai lệch và thực hiện sai lệch giáo huấn của Giáo hội. Nếu các Giáo phận cứ làm như bản câu hỏi mang tính kiểm thảo tu đức về đời sống "hiệp hành", thì những bản đúc kết ý kiến trình lên các Giám Mục, HĐGM, Tòa Thánh sẽ như là một bản kiểm thảo đạo đức, hay tường trình về tình trạng đạo đức của tín hữu Việt Nam liên quan đến "hiệp hành". Một sự đi trệch hướng như vậy thì uy tín của Giáo hội Việt Nam sẽ như thế nào!
Xin đừng xem đây như những lời phê bình chỉ trích, nhưng hãy xem như những lời đề nghị. Mong các vị hữu trách nghiên cứu và can đảm chỉnh sửa, trong tinh thần của một "Giáo hội đồng hành", với những  yếu tố "tham gia", "phát biểu", "lắng nghe"...
Thế nhưng mọi người có thể chất vấn tôi: Tại sao có thể khẳng định có sự hiểu lầm hay lệch hướng đó?
Nội dung của bài này sẽ trả lời qua sự trình bày:
a- Chúng ta đang thực hiện một tiến trình hội họp, hội nghị hay công nghị (processo sinodale) để THĐGM tham khảo ý kiến theo như yêu cầu của Tông hiến Episcopalis communio (Sự hiệp thông Giám mục), ngày 15-09-2018.
b- Chủ đề Una Chiesa sinodale, được dịch là "Một Giáo hội đồng hành", dựa trên giải thích của Đức Giáo hoàng Phanxicô và Ủy ban Thần học quốc tế chuyên nghiên cứu về Sinodalità trong đời sống Giáo hội và dựa trên một quy tắc của ngôn ngữ.
c- Gợi ý thực hiện hội thảo theo bản Cẩm Nang của Tòa Thánh, với những câu hỏi và trả lời căn bản và 10 tiểu đề.
Trước tiên, cần xem lại quyết định canh tân THĐGM của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, để biết việc chúng ta phải làm là gì: thực hiện tiến trình hiệp hành hay là tiến trình hội nghị?


1. Canh tân THĐGM của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Đức Thánh Cha Phanxicô, nhân dịp kỷ niệm 50 thành lập Thượng Hội đồng Giám mục, với ý canh tân THĐGM, ban hành Tông hiến Episcopalis communio (Sự hiệp thông Giám mục), ngày 15-09-2018.
Trước đây, để giúp việc cai quản Giáo hội, Đức Giáo Hoàng có tham khảo ý kiến các Giám mục nhờ qua Thượng Hội đồng Giám mục, do Đức Thánh Cha Phaolô VI sáng lập năm 1965.
Nay, với Tông hiến Episcopalis communio này, Đức Thánh Cha Phanxicô mở rộng việc tham khảo ý kiến xuống mọi thành phần Dân Chúa. Đây là một điểm đổi mới. Từ nay các Giáo hội địa phương, cứ mỗi kỳ THĐGM, đều phải tổ chức để tham khảo ý kiến dân Chúa.
Xin trích dẫn một đoạn Tông hiến có liên quan:
II. Giai đoạn chuẩn bị của Thượng Hội đồng Giám mục
Điều 5. Bắt đầu và mục đích của giai đoạn chuẩn bị
§ 1. Giai đoạn chuẩn bị bắt đầu khi Giáo hoàng Roma chỉ định Thượng hội đồng, ấn định cho nó một hoặc nhiều chủ đề. 
§ 2. Giai đoạn chuẩn bị có mục đích là tham khảo ý kiến Dân Chúa về chủ đề của Thượng Hội đồng, được điều phối bởi Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng.
Điều 6. Tham khảo ý kiến Dân Chúa (Consultazione del Popolo di Dio)
§ 1. Việc tham khảo ý kiến Dân Chúa diễn ra trong các Giáo hội địa phương, nhờ qua các Thượng Hội đồng Giám mục của các Giáo hội thượng phụ, các Đại Tổng giám mục, các Hội đồng hàng giáo phẩm và của các Giáo hội tự trị và các Hội đồng Giám mục.
Tại mỗi Giáo hội địa phương, các Giám mục tham khảo ý kiến Dân Chúa nhờ qua các tổ chức tham gia được dự liệu bởi luật, không loại trừ bất kỳ phương thức nào khác mà họ cho là thích hợp.
§ 2. Các hiệp hội, liên hiệp và hội nghị nam, nữ của các tu hội đời sống thánh hiến và tu đoàn đời sống tông đồ tham khảo ý kiến các Bề trên cấp cao, những vị này, đến lượt mình, có thể tham khảo ý kiến các Hội đồng riêng của họ và các thành viên khác của các tu hội và tu đoàn.
§ 3. Cùng cách thức như vậy, những hiệp hội các tín hữu được Tòa Thánh công nhận tham khảo ý kiến các thành viên của họ.
§ 4. Các cơ quan của Giáo triều Rôma góp phần của họ tùy theo năng lực riêng.
§ 5. Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng có thể xác định các hình thức tham khảo ý kiến Dân Chúa.
Theo Tông hiến này, từ nay các giáo phận sẽ phải thực hiện một tiến trình "tham khảo ý kiến dân Chúa", nhờ qua một "tiến trình công nghị" (processo sinodale). Như vậy, đâu có gì liên quan đến "hiệp hành"!
Nói cách khác, việc cần làm là "tham khảo ý kiến dân Chúa" như điều 6 của Tông hiến Episcopalis communio quy định, về một hay nhiều chủ đề do Đức Giáo hoàng chỉ định, chứ không phải là thực hiện những cuộc tụ họp để "hiệp hành" để "kiểm thảo đời sống" theo chủ đề của THĐGM, hay để "sống thực sự" chủ đề đó.
Mặt khác, xét về từ ngữ, trong Tông hiến này, có 24 lần dùng từ "sinodale" nhưng đều mang nghĩa tụ họp hay hội họp của THĐGM, chẳng có ý nói đến một chủ đề nào đó, như chủ đề Una Chiesa sinodale của kỳ này, mặc dù dùng cùng tính từ sinodale.


 2. Processo sinodale - tiến trình công nghị 
Tông hiến Episcopalis communio nói trên giúp chúng ta khẳng định Processo sinodale, Synodal process là một tiến trình công nghị hay hội nghị để "tham khảo ý kiến Dân Chúa".
Để hiểu và phân biệt rõ hơn, xin lược lại lịch sử sử dụng từ ngữ sinodo, sinodalità, sinodale.
Thật ra sinodalità, sinodale là từ ngữ mới, ý nghĩa "hiệp hành" hay "đồng hành" (tùy người dịch) của chúng chỉ mới được xuất hiện gần đây trong Giáo hội. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về nó trong bài diễn văn ngày 17-10-2015 tại Hội trường Phaolô VI trong Giáo triều  Roma (sẽ được trình bày ở phần tiếp sau).
Còn trước đó nữa, vào năm 1965, trong Giáo hội Công giáo La tinh của chúng ta, chữ "sinodus, sinodo" được Đức Thánh Cha Phaolô VI dùng để đặt tên cho một loại hội nghị mới mà ngài sáng lập là  Synodus Episcoporum.
Như vậy, trong Giáo hội Công giáo La tinh chữ "sinodus, sinodo" cũng mới được sử dụng gần đây mà thôi, từ năm 1965, do Đức Phaolô VI. Còn từ xa xưa vẫn dùng chữ Concilio, để chỉ Công đồng, tức là hội nghị của các Giám mục trên thế giới. Bộ Giáo luật 1983 phân biệt các loại hội nghị: Concilium (Công đồng, đ. 439; 440) với Sinodus (đ. 342) (x. UBTH, Tính đồng hành..., 4).
Synodus Episcoporum trong Bộ Giáo luật, được nhóm Đ.Ô. Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành... làm việc ở Roma dịch là "Thượng hội nghị Giám mục", được HĐGMVN dịch là "Thượng Hội đồng Giám mục" (đ. 342). 
Thiết nghĩ Synodus Episcoporum được dịch là "Thượng hội nghị Giám mục" thì đúng đắn hơn. Chữ Synodus ở đây có nghĩa là một cuộc tụ họp, hội nghị hay công nghị.
Tiếng Ý dịch là "Il sinodo dei Vescovi", tiếng Anh là "The synod of bishops".
Chữ sinodo, synod này rõ ràng là dùng để chỉ hội nghị hay công nghị (như Công nghị giáo phận / Synodus dioecesana / Sinodo diocesano / diocesan synod (đ. 460), và tính từ của chúng sinodale, synodal cũng chỉ về hội nghị hay công nghị.
Tòa Thánh cung cấp cho chúng ta tập Cẩm Nang (Vademecum) là để hướng dẫn cách thức tiến hành những "hội nghị" hay "công nghị" và qua đó để tham khảo ý kiến Dân Chúa. Vì vậy, processo sinodale,  synodal process, trong Cẩm nang có nghĩa là một tiến trình hội họp, hội nghị, công nghị. Tuy nhiên, vì chủ đề của THĐGM kỳ này cũng có từ sinodale nên dễ lẫn lộn.
Có một điều khác cũng có thể khiến lẫn lộn, cần phải phân biệt:
Trong những cuộc tụ họp để cử hành phụng vụ, để hội họp, hội nghị... của Giáo hội từ xưa đến nay, đều làm cho tính "hiệp thông", tính "đồng hành" được biểu lộ và thực hiện cụ thể (x. UBTH, Tính đồng hành..., 6 ). Điều này muốn nói: những cuộc tụ họp dân Chúa để cử hành Phụng vụ hay hội họp, chứ không riêng gì các cuộc họp kỳ này, đều mang ý nghĩa đồng hành (sinodalità), mang nghĩa hiệp thông, tham gia vào sứ vụ Hội Thánh. Do vậy, UBTH và Đức Giáo Hoàng nói tính đồng hành có chiều kích cấu thành của Giáo Hội.


3. THĐGM với chủ đề "Một giáo hội đồng hành"
Chủ đề của THĐGM lần thứ XVI này là:
Cho một Giáo hội đồng hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ.
Per una Chiesa sinodale: comunione, partecipazione e missione (Tiếng Ý, được dùng ở giáo triều Roma, chưa có bản Latinh).
For a Synodal Church: Communion, Participation and Mission (được dịch sang tiếng Anh).
Cần phân biệt để tránh lầm lẫn
Trong chủ đề này cũng xuất hiện tính từ "sinodale" trong cụm từ "Chiesa sinodale" nhưng lại khác nghĩa với "sinodale" trong cụm từ "processo sinodale" (tiến trình công nghị).
Sinodale trong chủ đề "Chiesa sinodale" có nghĩa là có tính "đồng hành" hay "hiệp hành", "công nghị" tùy theo người dịch.
Xin đề nghị dịch "Una Chiesa sinodale'" là "Một Giáo hội đồng hành", theo nguyên tắc chuyển dịch:
- Đi sát nghĩa từ ngữ mà tác giả muốn nói. Tác giả đó là Đức Giáo Hoàng và Ủy Ban Thần học Quốc Tế với nghiên cứu sâu xa về chữ "sinodalità", về cách dùng từ ngữ cũng như về nội dung muốn diễn đạt.
- Không lấy những cách hiểu của chúng ta để "gán cho" từ ngữ đó và tạo từ ngữ mới cho nó, cho dù là ta căn cứ vào nghiên cứu Kinh Thánh của ta dưới một khía cạnh nào đó, hay là phân tích Hán Nôm để lấy lý do chọn từ ngữ mà từ ngữ đó lại không đi sát thuật ngữ và ý nghĩa của tác giả muốn nói. Vì "dịch" kiểu như thế là "bội dịch".
3.1. Nghiên cứu của Ủy Ban Thần học quốc tế
Tài liệu quan trọng và đầy đủ nhất có được là tài liệu "Tính đồng hành trong đời sống và trong sứ vụ của Giáo hội" (La sinodalità nella vita e nella missione della Chiesa), xuất bản do Ủy Ban Thần học quốc tế (Commissione teologica internazionale) của Tòa Thánh [Trích dẫn trong bài này được ghi: UBTH, Tính đồng hành...].
Ủy Ban gồm một nhóm các Giám mục và nhà thần học được trao nhiệm vụ nghiên cứu về "sinodalità" (tính đồng hành) trong Giáo hội, trong thời gian 3-4 năm, 2014-2017. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tài liệu đã được Bộ Giáo lý Đức tin phê duyệt. Tài liệu Chuẩn bị và tập Cẩm nang cho THĐGM kỳ này đều dựa trên tài liệu nghiên cứu "Tính đồng hành..." của UBTH này.
Ở đây xin trích lại số điểm quan trọng được UBTH dẫn giải về chủ đề sinodalità của Giáo hội.
(Xin gạch dưới những chữ đáng lưu ý)
- Về Giáo hội học của sinodo (Synodus):
Trong giáo hội Hy Lạp, nó (sinodo) diễn tả sự được gọi tụ họp (assemblea) của các môn đệ Chúa Giêsu và trong một số trường hợp, nó đồng nghĩa với cộng đoàn giáo hội. Chẳng hạn, Thánh Saint John Chrysostom, viết rằng Giáo hội là "danh từ chỉ cuộc đi cùng nhau (σύνoδος)" (UBTH, Tính đồng hành..., 3).
- Về ý nghĩa riêng của sinodo: tụ họp
Về ý nghĩa hội họp này tôi có  giải thích ở phần trên, đã được UBTH nói tóm tắt:
"Với một ý nghĩa riêng biệt, từ những thế kỷ đầu tiên, “sinodo” được dùng để chỉ các cuộc tụ họp thuộc giáo hội (le assemblee ecclesiali) được triệu tập ở nhiều cấp độ khác nhau (giáo phận, giáo tỉnh hoặc giáo miền, giáo quyền, phổ quát) để, dưới ánh sáng của Lời Chúa và lắng nghe Chúa Thánh Thần, biện phân các vấn đề dần dần nảy sinh về tín lý, phụng vụ, giáo luật và mục vụ (UBTH, Tính đồng hành..., 4).
 
- Về sự phát sinh từ ngữ mới bắt nguồn từ sinodo: sinodalità, sinodale
Trong văn học thần học, giáo luật và mục vụ của những thập niên gần đây, việc sử dụng một danh từ mới xuất hiện"sinodalità", tính từ liên quan là "sinodale", cả hai đều phát xuất từ chữ "sinodo" (UBTH, Tính đồng hành..., 5).
Nên phân biệt, tính từ sinodale nếu liên quan đến "sinodo" với nghĩa riêng của nó là "tụ họp" thì sinodale được dịch là có tính tụ họp, hội họp, công nghị (như đã trình bày ở phần số 1 và số 2 của bài này).
Nhưng trong ngữ cảnh sinodale liên quan đến từ mới "sinodalità" thì nó mang nghĩa của từ mới. Đó là có tính "đồng hành".
- Ý nghĩa của từ ngữ mới: sinodalità - Tính đồng hành
Đoạn văn ngắn gọn, súc tích và quan trọng nhất để hiểu sinodalità, được trích dẫn như sau:
Tính đồng hành (La sinodalità), trong bối cảnh Giáo hội học này, chỉ cung cách sống và hoạt động (modus vivendi et operandi)  riêng biệt của Giáo hội Dân Chúa biểu lộ và thực hiện cụ thể tính hiệp thông trong việc bước đi cùng nhau (nel camminare insieme), trong việc tụ họp nhau và trong sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong sứ mệnh Phúc âm hóa (UBTH, Tính đồng hành..., 6).
Vì đây là đoạn văn chủ chốt, xin trích lại nguyên văn, gốc tiếng Ý:
La sinodalità, in questo contesto ecclesiologico, indica lo specifico modus vivendi et operandi della Chiesa Popolo di Dio che manifesta e realizza in concreto il suo essere comunione nel camminare insieme, nel radunarsi in assemblea e nel partecipare attivamente di tutti i suoi membri alla sua missione evangelizzatrice.
Và bản dịch tiếng Anh:
In this ecclesiological context, synodality is the specific modus vivendi et operandi of the Church, the People of God, which reveals and gives substance to her being as communion when all her members journey together, gather in assembly and take an active part in her evangelising mission.
Đoạn văn có nói "trong bối cảnh Giáo hội học này" (in questo contesto ecclesiologico). Vậy thử hỏi, "tính đồng hành" (sinodalità) được nói trong bối cảnh Giáo hội học nào?
Đó là Giáo hội học về Dân Thiên Chúa của Công đồng Vaticano II, nhấn mạnh đến: "phẩm giásứ mệnh chung" của tín hữu và sự "hiệp thông", theo như đoạn văn viết của UBTH đã viết dẫn ngay đoạn trước:
- Giáo hội học về Dân Chúa nhấn mạnh phẩm giá sứ mệnh chung của tất cả những người đã được Rửa tội [...] Trong bối cảnh này, khái niệm hiệp thông diễn tả bản chất sâu xa của mầu nhiệmsứ mạng của Giáo hội, có nguồn gốc và đỉnh cao trong bí tích Thánh Thể (UBTH, Tính đồng hành..., 6).
Từ những đoạn văn của UBTH, số 6 nói trên, có thể tóm tắt:
- Sinodalità chỉ "modus vivendi et operandi", nghĩa là chỉ "cung cách (kiểu cách, cách thức) sống và hoạt động" riêng biệt (specifico) của Giáo hội.
- "Cung cách sống và hành động" này biểu lộ và thực hiện cụ thể sự "hiệp thông" (koinonia, comunione):
a- Trong việc tụ họp nhau (nel radunarsi in assemblea)
b- Trong sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong sứ vụ Phúc âm hóa.
Những phân tích của UBTHQT trong nghiên cứu về chủ đề "La sinodalità..." này đã giúp cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô ấn định chủ đề của THĐGM lần thứ XVI như sau:
Per una Chiesa sinodale: comunione, partecipazione e missione.
Cho một Giáo hội đồng hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ.

3.2. Một Giáo hội "đồng hành" hay "hiệp hành"?
Trong bài trước, với tựa đề "Một Giáo hội 'đồng hành' hay 'hiệp hành' ( http://giaoluatconggiao.com/co-cau-gh/mot-giao-hoi-dong-hanh-hay-giao-hoi-hiep-hanh-j-b-le-ngoc-dung-247.html) tôi đã phân tích tại sao phải dịch là "đồng hành". Ở đây xin nhắc lại một số điểm cần thiết và bổ xung thêm vài điểm.
a- "Đồng hành" (camminare insieme) theo UBTH
- UBTHQT giải thích về chữ "sinodo" (sinodus):
Được cấu tạo bởi tiền tố σύν, với (con) và danh từ ὁδός, đường (via), nó chỉ cuộc hành trình của Dân Thiên Chúa cùng nhau thực hiện (UBTH, Tính đồng hành..., 3).
- UBTH nói về đại kết Kitô hữu cho thấy Sinodalià thể hiện lời mời gọi những người Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo... đi cùng nhau (camminare insieme) trong sự đa dạng hợp pháp.
La sinodalità cũng là tâm điểm của cam kết đại kết của các Kitô hữu: bởi vì nó thể hiện một lời mời gọi đi cùng nhau (camminare insieme) trên con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn và bởi vì nó cung cấp - hiểu đúng - hiểu biết và kinh nghiệm về Giáo hội trong đó những đa dạng hợp pháp có thể tìm thấy một đặt trong lôgic của sự trao đổi lẫn nhau các ân huệ dưới ánh sáng của sự thật (UBTH, Tính đồng hành..., 9).
Ta thấy những đoạn văn nói trên: Không có yếu tố "hiệp hành"
"Đi cùng nhau" (camminare insieme) được dùng nhiều lần để giải thích chữ "sinodalità", hay "Una Chiesa sinodale". Không thấy có một yếu tố nào gọi là "hiệp" được gợi ra trong tài liệu nghiên cứu của UBTHQT này.
Chỉ có tính "hiệp thông" (koinonia, comunione), vốn được Công đồng Vatican II nhấn mạnh trong Giáo hội học, được nhắc đến nhiều lần. Nhưng rõ ràng là "hiệp thông" thì khác nghĩa với "hiệp hành". [Để tránh sự dài dòng của bài viết, xin tạm gác lại việc giải thích sự khác biệt.]
b- Giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Đức Giáo Hoàng, trong bài diễn văn ngày 17-10-2015, đã nói:
Tính đồng hành (sinodalità), như là một chiều kích cấu thành của Giáo hội, cung cấp cho chúng ta một khuôn khổ giải thích đầy đủ nhất để hiểu chính thừa tác vụ phẩm trật. Nếu chúng ta hiểu rằng, như Thánh Gioan Kim khẩu nói, "Giáo hội và Sinodo là đồng nghĩa" [19] - bởi vì Giáo hội không gì khác hơn là sự "bước đi cùng nhau" của Đàn Chiên Chúa trên những nẻo đường lịch sử để gặp gỡ Chúa Kitô - chúng ta cũng hiểu trong lòng rằng không ai có thể “nâng” lên trên những người khác. Ngược lại, trong Hội Thánh, cần có người “hạ mình” xuống để phục vụ anh em trên đường đi.
Quả là sai lạc, nếu như chúng ta dịch đoạn Diễn văn của Đức Giáo Hoàng nói trên với từ "hiệp hành". Nếu vậy, xin viết gọn lại, để liên ý như sau:
Tính hiệp hành (sinodalità)... không gì khác hơn là sự "bước đi cùng nhau".
Quả là vô lý, vì "bước đi cùng nhau" thì khác nghĩa với "hiệp hành".
Trong cùng bài Diễn văn ngày 17-10-2015, Đức Phanxicô cũng đã nói:
Điều mà Chúa kêu gọi chúng ta, theo một nghĩa nào đó, đã được chứa đựng tất cả trong từ "Sinodo". Camminare insieme (đi cùng nhau, đồng hành) - Giáo dân, Mục tử, Giám mục Roma - là một khái niệm dễ diễn đạt thành lời, nhưng không dễ đem ra thực hành.
Một lần nữa, Đức Phanxicô giải thích: Điều được chứa đựng tất cả trong từ "Sinodo" mà Chúa kêu gọi chúng ta, là "Camminare insieme", nghĩa là "Walking together", là "Đi cùng nhau", là "Đồng hành".
c- "Đồng hành", biểu tượng tốt đẹp 
Ở vấn đề đang bàn, ta không hỏi "đồng hành" là gì, nhưng hỏi nó ám chỉ điều gì. UBTH nói: Tính đồng hành "chỉ cung cách sống và hoạt động...". Như vậy, "Đồng hành" đã được dùng như một từ ngữ biểu tượng.
Nếu tìm chữ "đồng hành" trên Google ta sẽ thấy những cụm từ, những câu như sau:
- "Vì tương lai - Bước cùng thế hệ trẻ Việt Nam - quỹ học bổng đồng hành". "Hãy cùng đồng hành sát cánh cùng với bạn học sinh nghèo".
- "Cách nào để trở thành bạn đồng hành thân thiết của con?"
- "Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương'”.
- "Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp"
- "Với mục đích 'Đồng hành và chia sẻ yêu thương'..."
Ngôn ngữ Việt Nam dùng chữ "đồng hành" như một biểu tượng. Như trong "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", chữ "đồng hành" mang nghĩa biểu tượng. Nhưng trong câu "Tôi đi cùng anh đến Huế" thì chữ "đi cùng" mang nghĩa riêng hay thực của nó.
Trong văn hóa Tây Phương, vì không có từ riêng của văn hóa của họ để làm biểu tượng, nên họ đành phải Ý hóa, hay Anh hóa... bằng chuyển âm sinodus thành chữ sinodo, sinodalità, sinodale, hay synod, synodality, synodal... Để hiểu thì họ phải giải nghĩa bằng những từ ngữ thực dụng, thường dùng: "Camminare insieme", "Walking together", nghĩa là "Đi cùng nhau".
Trong văn hóa Việt Nam, rất may mắn, đã có sẵn từ "đồng hành" thường dùng làm biểu tượng, để chỉ ý nghĩa điều này điều kia. Quả là quá hay! lại có ý nghĩa tốt đẹp! Tại sao lại không dùng?
"Đồng hành" của văn hóa Việt Nam sẽ được Giáo hội Việt Nam du nhập, sống cụ thể và làm phong phú hóa trong chiều kích hiệp thông và tham gia sứ vụ Phúc Âm hóa, dưới ánh sáng của Lời Chúa.
d- Lẫn lộn giữa từ mới và từ thông thường 
Khi nói Giáo hội "hiệp hành" thì chữ "hiệp hành" sẽ được hiểu theo nghĩa thông thường của nó:
Hiệp hành = hành hiệp, trừ gian diệt bạo.
Tại sao vậy? Vì "hiệp hành" là từ Hán Việt, có tính từ đi trước, nên hiệp hành được hiểu là hành hiệp và có nghĩa là hành động nghĩa hiệp, trừ gian diệt bạo, vì đã thường được hiểu như vậy trong dân gian. Ví dụ được dùng trong tựa đề các phim truyện: Thiếu Hiệp Hành, Hiệp hành thiên hạ...
Vì nó đã được hiểu rộng rãi trong dân gian, một "Giáo hội hiệp hành" sẽ được người lương hay ngoài Công giáo hiểu là một Giáo hội có chủ nghĩa trừ gian diệt bạo như các hiệp khách thường làm.
Nó lại càng gây hiểu lầm hơn khi nói riêng từ sinodalità (tính đồng hành) trong bối cảnh Giáo hội học. Với tiếng Việt, "tính hiệp hành" được hiểu ngay là tính chất hành hiệp: nghĩa hiệp, trừ gian diệt bạo.
Còn người Công giáo thì rối trí, khó hiểu, vì không thể nạp vào trí óc mình một khái niệm về một Giáo hội trừ gian diệt bạo như vậy.
Điểm sai lầm chính trong tạo từ "hiệp hành" đó là dùng từ đã thường được hiểu "một đàng" trong văn hóa Việt Nam, ta lại dùng nó để hiểu "một nẻo", rồi tìm cách giải thích cái nẻo khác đó. Nhưng có giải thích rồi cũng chẳng hiểu bao nhiêu.
e- Thay đổi biểu tượng
Mặt khác, xét về quy tắc của từ biểu tượng thì ta không được phép thay đổi các thành tố của từ.
Nó tương tự như lá quốc kỳ có biểu tượng là một ngôi sao vàng, ta không được phép thay bằng một ngôi sao xanh hay thêm thành  hai hay ba sao.
Hay như trong câu "Giáo hội là Thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô", ta không được phép thay bằng thân thể Phục Sinh để cho hay hơn: "Giáo hội là Thân thể Phục sinh mầu nhiệm của Chúa Kitô".
Tiền tố σύν có nghĩa là "với/cùng" (with, sin-) không cho phép ta đổi thành "hiệp", mặc dù thấy "hiệp" có ý nghĩa hay hơn là "cùng / đồng".
f- Giai đoạn hình thành từ mới
Có thể nói trong Giáo hội Việt Nam đang hình thành một từ mới, chứ chưa được quyết định bởi HĐGM Việt Nam. Từ "hiệp hành" đã được sử dụng trong bản dịch quyển Cẩm Nang và được coi là do HĐGM, và đã được sủ dụng bởi một số các Giám mục trong các bài giảng. Và vì với những sự sử dụng có uy tín như vậy, nó được sử dụng rộng rãi. Nhưng vì chưa có một ấn định chính thức của HĐGM cho nên chúng ta có quyền sử dụng khác đi, tất nhiên là sau khi đã nghiên cứu cẩn thận.
Cũng nên biết là, từ "hiệp hành" xuất hiện đầu tiên bởi những vị có nhiệm vụ dịch và đưa tin. Nhưng vị này lại không phải là những người chuyên môn.
Sau đó, đã có một nhóm linh mục hay tu sĩ được một Đức Cha phụ trao cho nhiệm vụ dịch quyển Cẩm Nang. Có lẽ, theo tôi suy đoán, họ đã dịch tiếng từ bản tiếng Anh chứ không từ bản gốc tiếng Ý (Vd, ở phụ lục C, chữ completa (= làm đầy đủ, trọn vẹn) đã được dịch là culminate = đi đến cao điểm, cũng tương tự ở Phụ lục D, khiến có thể hiểu sai trong công việc tổ chức các cuộc hội họp). Và tất nhiên, họ cũng tham khảo và chịu ảnh hưởng bởi những bản dịch của những người đưa tin đầu tiên, vì bản văn rất khó hiểu!

Sau khi quyển Cẩm Nang dùng từ "hiệp hành" thì tất nhiên từ này được dùng rộng rãi.
Nếu không cẩn thận suy xét, một từ ngữ sai lầm có thể đi vào văn bản chính thức hoặc vào phụng vụ. Ví dụ, chúng ta thử nghe lời kinh cầu: "Xin cho chúng con được hiệp hành với những anh chị em". Người đọc kinh không hiểu mình xin gì, người lương lại hiểu rằng các người theo đạo đang xin Chúa cho họ hành hiệp với nhau để làm việc nghĩa hiệp, trừ gian diệt bạo (làm thánh chiến!).
Bởi vậy, xin các nhà nghiên cứu, những tác giả, những người chuyển dịch nên cẩn thận suy xét mà chọn từ ngữ.
Vì đang có hiểu lầm rằng HĐGMVN đã chính thức dùng từ ngữ "tiến trình hiệp hành", "Một Giáo hội hiệp hành", đề nghị Đức Cha có trách nhiệm trong HĐGM VN trong vấn đề này có một tuyên bố rằng, từ ngữ được tạm sử dụng mà thôi, trong khi chờ đợi có được một từ ngữ chính thức được công nhận.


4. Những nét ý  nghĩa của phong cách sống đồng hành
Ba chiều kích của một Giáo hội đồng hành được kể là: hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Trong cung cách sống và hoạt động (modus vivendi et operandi) của "đồng hành", theo lý trí thông thường chúng ta có thể kể đến những tính cách như:
Yêu thương, liên đới,  hiệp đoàn, hiệp nhất, ý thức trách nhiệm, biết lắng nghe, tôn trọng phẩm trật, tôn trọng sự đa dạng phong phú, đón nhận, quan tâm, phục vụ...
Và ngược lại là:
Tách biệt, cô lập, phân cách, kỳ thị, chia rẻ, loại trừ, khinh khi, mặc kệ, vô tâm, cậy quyền...
Tuy nhiên, đó chỉ là những cái suy nghĩ của chúng ta. Để có cái nhìn đầy đủ hơn về tính đồng hành của Giáo hội nên lấy theo Tài liệu chuẩn bị và bản Cẩm nang (xem số 30 của Tài liệu chuẩn bị, mục 3.5 trong quyển Cẩm nang), với 10 tiểu đề, như 10 khía cạnh thực tiễn của Một Giáo hội đồng hành, hàm ẩn ba chiều kích hiệp thông, tham gia, sứ vụ, nói lên các cách sống cần có của tín hữu hay của Giáo hội, mà có thể viết lại như sau:
1) Đối tượng đồng hành: Ai là người bạn, người bạn đồng hành, làm thế nào để gia tăng bạn, gia tăng bạn đồng hành?... (=> sứ vụ Phúc Âm hóa).
2) Biết lắng nghe:  Lắng nghe đòi hỏi gì? Điều gì giúp dễ dàng hay cản trở lắng nghe? Cần lắng nghe những ai?... (=> hiệp thông).
3) Phát biểu: Tại sao cần phát biểu? Thái độ phát biểu như thế nào?... (=> tham gia, sứ vụ)
4) Phụng vụ: Lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể phải như thế nào?... (=> tham gia, hiệp thông, sứ vụ).
5) Trách nhiệm tham gia : Mọi người có trách nhiệm tham gia vào sứ vụ Phúc Âm hóa như thế nào?... (=> tham gia, sứ vụ).
6) Đối thoại: Đối thoại là gì? Nơi nào và cách thức nào để đối thoại? Đối thoại với ai?... (=> sứ vụ, hiệp thông).
7) Đại Kết: Nền tảng của đại kết là gì? Cần có những thái độ nào để đi tới đại kết?... (=> sứ vụ, hiệp thông).
8) Quyền bính và sự tham gia: Quyền bính phải được thực hiện như thế nào để có được tham gia cộng tác của gíao dân?... (=> tham gia, hiệp thông, sứ vụ).
9) Biện phân và quyết định: Các vị lãnh đạo, giáo dân, cần có thái độ và biện phân thế nào để có thể đưa ra những quyết định trong một Giáo hội đồng hành?... (=> tham gia, hiệp thông, sứ vụ).
 10) Tự đào tạo: Làm thế nào để tự học hỏi, đào tạo và hoán cải cuộc sống?... (=> tham gia, hiệp thông, sứ vụ).  
5- Gợi ý thực hiện tiến trình công nghị
a- Nội dung bàn thảo, góp ý kiến
Hiện nay trong các giáo phận, nhóm được trao phụ trách, lo soạn thảo các câu hỏi và chương trình tham khảo ý kiến. Tốt nhất, nên dựa theo 10 tiểu đề mà Tài liệu chuẩn bị và bản Cẩm nang đã gợi ý (xem số 30 của Tài liệu Chuẩn bị, mục 3.5 trong quyển Cẩm nang), đã được nêu ở phần trên: người bạn, lắng nghe, phát biểu, cử hành phụng vụ, tham gia, đối thoại, đại kết, quyền bính và tham gia, biện phân, tự đào tạo. Mỗi tiểu đề, tùy theo hoàn cảnh địa phương mà chuyển biến, thêm bớt các câu hỏi cho phù hợp.
Mỗi nhóm, lớn hay nhỏ, nên được trao cho một hay hai tiểu đề để tham luận góp ý kiến thì cũng đủ. Không cần phải thảo luận tất cả 10 tiểu đề, miễn là mỗi tiểu đề đã đưa ra nhiều khía cạnh để bàn hỏi.
b- Câu hỏi - trả lời căn bản
Cấu trúc hay cách thức mẫu của câu hỏicâu trả lời đã được giới thiệu ở "Câu hỏi căn bản" (xem số 26 trong Tài liệu chuẩn bị THĐGM; mục 3.5. trong quyển Cẩm nang). Chúng ta nên thực hiện theo mẫu này.
Thượng hội đồng này đặt ra câu hỏi căn bản sau đây: "Một Giáo hội đồng hành" (Una Chiesa sinodale), khi loan báo Tin Mừng, “đi cùng nhau” (cammina insieme). Việc “đồng hành” này đang diễn ra như thế nào tại Giáo hội địa phương của bạn? Đâu là các bước mà Chúa Thánh Linh mời gọi chúng ta thực hiện để tăng tiến trong việc “đồng hành”? (PD, 26).
Trong phần trả lời cho câu hỏi này, chúng ta được mời gọi:
-   Nhớ lại kinh nghiệm của mình: Câu hỏi này gợi nhớ đến những kinh nghiệm nào về Giáo hội địa phương của chúng ta?
-   Đọc lại những kinh nghiệm này một cách sâu xa hơn: chúng đã mang lại những niềm vui nào, chúng đã gây những khó khăn và trở ngại nào? Chúng đã để lộ những vết  thương nào, chúng đã khơi dậy những hiểu biết nào?
-   Thu thập thành quả để chia sẻ: Tiếng Chúa Thánh Thần vang dội nơi đâu trong những kinh nghiệm này? Thánh Linh đang đòi hỏi chúng ta điều gì? Những điểm cần khẳng định, viễn cảnh cần thay đổi, các bước cần thực hiện là gì? Chúng ta có được sự đồng thuận ở đâu? Những con đường nào được mở ra cho Giáo hội địa phương của chúng ta?
Ví dụ:  
Trong tiểu mục về người bạn đồng hành, có thể đặt một câu hỏi ở chiều kích trái ngược:
Trong Giáo hội địa phương của bạn (giáo xứ, cộng đoàn) ai là người thường bị coi là bỏ ở lại bên lề (= bị không coi là bạn đồng hành). Chúng ta cần làm những gì đối với người đó?
Câu trả lời nên theo 3 phần, tương tự như câu trả lời căn bản:
- Nhớ và kể lại một kinh nghiệm (hay kể lại một hiện tượng).
- Suy tư về kinh nghiệm đó cách sâu xa hơn.
- Khẳng định một số điều, đề nghị giải pháp và bàn luận để có sự đồng thuận chung về giải pháp đó.
Xin đưa một ví dụ, trả lời cho câu hỏi trên:
a- Nhớ lại kinh nghiệm
- "Tôi thấy bà A, bị chồng bỏ lúc còn trẻ, tiến đến kết hôn với một người khác. Bà sống rối hôn phối, không được rước lễ. Bà đi xưng tội thì bị cha đuổi ra. Hiện nay bà không còn đi nhà thờ nữa và con bà cũng không được cha sở cho rửa tội".
b- Suy tư về kinh nghiệm đó cách sâu xa hơn
- "Bà A bị chồng bỏ lúc còn trẻ, không thể sống đơn thân mãi được. Bà không thể sống như một nữ tu. Vì cuộc sống bà đành buộc phải kết hôn. Phải chăng luật Hội Thánh quá khắc khe, khiến cho bà bỏ đạo và con cái cũng không được biết Chúa?"
c- Đề nghị và bàn luận về giải pháp:
- Ý kiến 1: "Đề nghị Hội Thánh bỏ luật cấm xưng tội rước lễ cho người rối hôn phối. Nếu có tội thì người đó chịu trước mặt Chúa. Hội Thánh đâu có biết người ta phạm tội nặng hay nhẹ, trong tình trạng có bị áp lực hay không. Bà ta đâu có lỗi bỏ chồng đi lấy người khác đâu! Bà ta đã bị chồng bỏ cơ mà!".
- Ý kiến 2: "Đề nghị Hội Thánh vẫn giữ luật cấm xưng tội rước lễ. Vì nếu không, sẽ loạn lên hết! Ngày nay người ta dễ dàng ly dị tái hôn quá nhiều. Nếu mà cứ thả lỏng thì không còn gì là kỷ luật, trật tự nữa!" Bỏ là mở đường cho hưu chạy!
- Ý kiến 3: "Đề nghị Hội Thánh không bỏ, nhưng nới lỏng luật cấm xưng tội rước lễ cho người rối hôn phối".
- Ý kiến 4: "Hội Thánh đã nới lỏng rồi đó. Tông huấn Amoris Laetitia nói họ có thể được xưng tội rước lễ sau khi đã được biện phân và nói các mục tử hãy đồng hành, hiệp thông, hội nhập sự yếu đuối với họ. Nhưng mà, ở Việt Nam hầu như ít có mục tử nào thực hiện được việc này. Vậy đề nghị các mục tử phải quan tâm học hỏi, nhất là các Giám mục phải quan tâm lo liệu để cho các cha sở được học hỏi và thực hiện được lời dạy của Tông huấn Amoris Laetitia".

Kết luận
Gần đây, Giáo hội khám ra ra một ý nghĩa mới, "tính đồng hành" (sinodalità), mang chiều kích cấu thành của Giáo hội. Từ ngữ và khái niệm của nó không được tìm thấy một cách rõ ràng trong Kinh Thánh hay trong giáo huấn của Công đồng Vaticanô II. Tuy nhiên, những yêu cầu về tính đồng hành lại là trọng tâm  của công cuộc canh tân hiện nay, bắt nguồn và thúc đẩy bởi Giáo hội học của Công đồng Vatican II (UBTH, Sinodalità..., 6), dựa trên "phẩm giá" và "sứ vụ chung" của tất cả những người đã được Rửa tội.
Nhờ Bí Tích Rửa tội, mỗi người trở nên con cái Chúa và đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. "Phẩm giá" này khiến họ phải được tôn trọng, lắng nghe, không bị bỏ rơi. Mặt khác, họ buộc phải tham gia vào "sứ vụ chung" của Giáo hội mà họ thuộc về. Mầu nhiệm và sứ vụ của Giáo hội lại có một cốt lõi sâu xa đó là sự "hiệp thông" (koinonia), có nguồn gốc và đỉnh cao trong Bí Tích Thánh Thể, đã được nêu bật trong các văn bản của Công đồng Vatican II, khiến họ phải sống hiệp thông trong tham gia vào sứ vụ chung.
Với chủ đề "Cho một Giáo hội đồng hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ" Giáo hội kể ra những chiều kích quan trọng cần tiếp tục khơi dậy từ giáo thuyết của Công đồng Vatican II về Giáo hội học. Giáo hội kêu gọi chúng ta suy tư và góp ý để Giáo hội cũng cố những chiều kích quan trọng đó trong cuộc sống.
Chúa Thánh Thần không chỉ ban ơn soi sáng, mạc khải cho Đức Giáo Hoàng cho các chủ chăn, nhưng còn soi sáng cho cộng đoàn Dân Chúa. Đức Giáo Hoàng cũng như các vị chủ chăn, tìm ra nơi Dân Chúa những chân lý, những áp dụng Lời Chúa phù hợp với hoàn cảnh, những phương cách để chăn dắt đoàn chiên...
Một cách cụ thể, sau THĐGM kỳ này, thường thì  Đức Giáo hoàng sẽ ra một Tông huấn về "Một Giáo hội đồng hành", đưa ra những giáo thuyết, những giải thích, phương thức thánh hóa, rao giảng và cai quản cho phù hợp, đồng thời đề ra những nét phong phú cho "cung cách sống và hành động" của "Một Giáo hội đồng hành", giúp đoàn Dân Thiên Chúa có thể dễ dàng vượt qua những rào cản hay những khủng hoảng, khó khăn, thử thách, thực hiện cuộc hành trình tiến tới Nước Trời một cách tốt đẹp.

Ghi chú:
Xin xem thêm trên cùng trang giaoluatconggiao.com, bài: GỢI Ý CÂU HỎI VỀ CHỦ ĐỀ "MỘT GIÁO HỘI ĐỒNG HÀNH" (http://giaoluatconggiao.com/co-cau-gh/cho-mot-giao-hoi-dong-hanh-xin-gop-y-j-b-le-ngoc-dung-255.html).
Bài đề nghị một bảng câu hỏi phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và nêu một số đề nghị thực hiện trong việc thảo luận cùng nhau.


==========================================

Phản hồi:

Nữ tu Anna Lê ... (MTGQN):
Chào Cha, 
Cám ơn Cha về bài viết rất hữu ích, 
Con cũng băn khoăn về điểm này.
 Bài nghiên cứu và chia sẻ của Cha rất kịp thời nếu không con thấy nhiều người, nhiều cộng đoàn đang hiểu và thực hiện việc học hỏi chia sẻ về ""Giáo hội đồng hành"" sai sai làm sao ấy". 


 

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1,412
  • Tháng hiện tại20,361
  • Tổng lượt truy cập10,722,184
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi