GIÁO TRIỀU ROMA
Giáo triều Rôma (
Latinh:
La Curia Romana) là cơ quan điều hành trung ương, được
Giáo hoàng trao quyền quản lí
Thành quốc Vatican và phục vụ
Giáo hội Công giáo hoàn vũ cùng với Giáo hoàng. Giáo triều Rôma hiện nay gồm: 3
Phủ Quốc vụ, 9
Thánh bộ, 3
Tòa án, 11 Hội đồng và 3 Văn phòng. Cơ cấu này có vẻ giống cơ chế
tam quyền phân lập của các nhà nước thế tục: Các Thánh bộ được coi là cơ quan lập pháp, các Tòa án là cơ quan tư pháp, các Hội đồng là cơ quan hành pháp.
Mục lục
Các Phủ quốc vụ
1.Quốc vụ khanh
Quốc vụ khanh là cơ chế lâu đời nhất của Giáo triều Rôma, có nhiệm vụ hỗ trợ Giáo hoàng thực hiện các chức năng chính trị, ngoại giao của Vatican và các sinh hoạt liên hệ tới Giáo hội Công giáo toàn cầu. Đứng đầu Phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh là chức vị
Hồng y Quốc vụ khanh, hiện nay là Hồng y
Pietro Parolin. Phủ Quốc vụ khanh còn có 2 phân bộ:
- Phân bộ Thường vụ: đảm trách điều phối các công việc hàng ngày của Tòa Thánh, liên kết các hoạt động của giáo triều, chuẩn bị các văn kiện của Giáo hoàng, điều hành các cơ quan truyền thông báo chí của Tòa Thánh và Văn phòng Thống kê Trung ương. Chức vị đứng đầu hiện nay là Tổng Giám mục Giovanni Angelo Becciu.
- Phân bộ Ngoại giao: lo về các quan hệ với các chính quyền dân sự. Chức vị đứng đầu hiện nay là Tổng Giám mục Dominique Mamberti.
2.Quốc vụ viện Kinh tế
Quốc vụ viện Kinh tế là cơ quan mới thành lập, có thẩm quyền giám sát hoạt động kinh tế của Tòa Thánh và Thành Vatican. Đứng đầu Quốc vụ viện Kinh tế là một Hồng y Tổng trưởng.
3.Quốc vụ viện Truyền thông
Quốc vụ viện Truyền thông là cơ quan do Giáo hoàng Phanxicô thành lập dựa trên việc hợp nhất: Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông Xã hội, Phòng Báo chí Tòa Thánh, Phòng Internet Tòa Thánh,
Đài phát thanh Vatican, Trung tâm Truyền hình Vatican, báo Osservatore Romano, Nhà in Vatican, Phòng Nhiếp ảnh, và nhà xuất bản Vatican. Cơ quan này giám sát các hoạt động truyền thông của Vatican.
[1]
Các Bộ
1.Bộ Giáo lý Đức tin
Bộ Giáo lý Đức tin (CDF - Congregatio pro Doctrina Fidei) có trách nhiệm bảo vệ giáo lý đức tin và luân lý Công giáo, xem xét các vấn đề về giáo lý, thúc đẩy việc học giáo lý, cổ vũ những nghiên cứu và các hội nghị về vấn đề này. Bộ cũng đánh giá ý kiến của các nhà thần học, lên án hay phản bác những lý thuyết được Giáo hội Công giáo coi là sai lạc, sau khi tham khảo ý kiến các Giám mục liên hệ; các tác giả có quyền tự biện hộ. Bộ này liên hệ có trách nhiệm điều hành Ủy ban Giáo hoàng về Thánh kinh và Uỷ ban Thần học và được coi là Bộ quan trọng nhất của giáo triều.
2.Bộ Giáo hội Đông phương
Bộ Giáo hội Đông phương (Congregatio pro Ecclesiis Orientalibus) có thẩm quyền về mọi vấn đề liên quan đến kỷ cương của các Giáo hội
Công giáo Đông phương, giúp thúc đấy và bảo vệ quyền lợi của các giáo hội này cũng như duy trì di sản đa dạng của các truyền thống Đông phương. Thẩm quyền của Bộ áp dụng lên các khu vực:
Ai Cập và
bán đảo Sinai,
Eritrea và Bắc
Ethiopia, Nam
Albania và
Bulgaria,
Síp,
Hy Lạp,
Israel,
Iran,
Iraq,
Liban,
vùng lãnh thổ Palestine,
Syria,
Jordan,
Thổ Nhĩ Kỳ và
Ukraina, cũng như cả các cộng đồng thiểu số là thành viên của các giáo hội này tại những nơi khác.
3.Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích
Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích (Congregatio de Cultu Divino et Disciplina Sacramentorum) điều hành và giám sát các vấn đề liên quan đến sự thăng tiến phụng vụ trong Giáo hội Latinh, nhất là các bí tích. Bộ có thẩm quyền cứu xét các đơn về hôn phối, ví dụ như xin hóa giải Bí tích hôn phối đã thành sự nhưng chưa giao hợp trước khi trình lên Giáo hoàng. Bộ còn đảm nhận thêm những gì không thuộc quyền hạn của Bộ Giáo lý Đức tin và Bộ các Giáo hội Đông phương.
4.Bộ Tuyên Thánh
Bộ Tuyên Thánh (Congregatio de Causis Sanctorum) giám sát các quá trình hết sức phức tạp và kĩ lưỡng cho việc
tuyên thánh (phong thánh) một người nào đó. Sau khi chuẩn bị án phong thánh, nếu có sự minh xác về các phép lạ, án phong thánh được Bộ trình đến Giáo hoàng - người có thẩm quyền duy nhất quyết định phong thánh. Bộ cũng đảm trách lưu giữ các hài cốt và thánh tích.
5.Bộ Giám mục
Bộ Giám mục (Congregatio pro Episcopis) giám sát sự lựa chọn các ứng viên mới cho chức
Giám mục để trình Giáo hoàng. Các ứng viên do bộ này đề xuất thường không đảm trách trong vùng lãnh thổ hoặc những khu vực đã thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo hội Đông phương. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất đến Giáo hoàng việc thành lập các
giáo phận mới, việc thuyên chuyển Giám mục và tổ chức các Cuộc viếng thăm Ad limina.
6.Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc
Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc gọi tắt là Bộ Truyền Giáo
(Congregatio pro Gentium Evangelisatione) hướng dẫn và phối hợp các công cuộc truyền giáo của Công giáo trên khắp thế giới, vận động sự hỗ trợ về tinh thần và tài chính cho hoạt động truyền giáo.
7.Bộ Giáo sĩ
Bộ Giáo sĩ đảm trách việc liên quan đến đời sống, kỷ luật, quyền lợi và bổn phận của giáo sĩ Công giáo. Bộ này chia làm ba văn phòng:
- Văn phòng 1: phụ trách việc đào tạo và thánh hoá các linh mục.
- Văn phòng 2: phụ trách việc giảng Phúc Âm và dạy giáo lý.
- Văn phòng 3: phụ trách việc gìn giữ và quản trị tài sản của giáo hội, đời sống vật chất của giáo sĩ, chăm sóc các giáo sĩ già yếu bệnh tật hoặc nghỉ hưu.
8.Bộ Tu sĩ
Bộ Tu sĩ hay tên đầy đủ là Bộ lo về Đời sống Tận Hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ
(Congregatio pro Institutis Vitae Consecratae et Societatibus Vitae Apostolicae) chịu trách nhiệm về tất cả những việc liên quan đến đời sống tận hiến, ơn gọi tu trì cho cả nam giới và nữ giới, các tu hội đời sống tông đồ. Bộ còn có thẩm quyền liên quan đến việc thành lập, bãi bỏ, chuyển đổi các tổ chức tu trì; phê chuẩn hiến chương, nội quy của các hội dòng; canh tân và thích nghi các hội dòng; khích lệ các tu nghị và cổ vũ việc giao hảo, hiệp thông giữa các bề trên thượng cấp của các tổ chức tu trì đó.
9.Bộ Giáo dục Công giáo
Bộ Giáo dục Công giáo (Congregatio de Institutione Catholica) điều hành các
chủng viện và các tổ chức giáo dục thuộc Công giáo như đại học, các khoa, viện nghiên cứu...
Các Tòa án
Giáo triều Rôma có ba tòa án:
1.Tòa Ân giải Tối cao
Tòa Ân giải Tối cao (
Sacra Paenitentiaria) được mệnh danh là "tòa án của lòng thương xót", có quyền hạn trong phạm vi tòa trong (bí tích hay ngoài bí tích). Tòa ra phán quyết về những vấn đề lương tâm, tha thứ của tội lỗi, án phạt; tháo gỡ lời khấn tu và ban các ân xá.
2.Tòa Thượng thẩm Rota
Tòa Thượng thẩm Rota (
Tribunal Apostolicum Rotae Romanae) là tòa phúc thẩm cho mọi vụ việc kháng án lên Tòa Thánh. Toà có quyền quyết định các vụ việc liên can đến giá trị pháp lý hôn nhân Công giáo.
3.Tối cao Pháp viện
Tối cao Pháp viện Tông tòa (
Supremum Tribunal Signaturae Apostolicae) là tòa án tối cao của Giáo hội để giải quyết những vụ việc liên quan đến thủ tục tố tụng dân sự, kiểm tra việc tuân thủ luật lệ và quyền lợi ở mức độ cao nhất. Đây cũng là tòa án tối cao của quốc gia Vatican.
Các Hội đồng Giáo hoàng
1.Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân
Hội đồng này có thẩm quyền trên các hoạt động tông đồ của giáo dân và việc họ tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội Công giáo. Hầu hết thành viên trong hội đồng là giáo dân từ nhiều quốc gia trên thế giới và dấn thân vào các việc tông đồ khác nhau.
2.Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hợp nhất Kitô hữu
Hội đồng này lo thiết lập mối quan hệ với các cộng đoàn, giáo phái
Kitô giáo khác, giải thích đúng và thực hiện tốt các nguyên tắc đại kết, tổ chức và thúc đẩy các nhóm đại kết Công giáo và phối hợp trên bình diện quốc gia và quốc tế, để cổ vũ hợp nhất Kitô hữu. Tổ chức đối thoại, đại kết với các cộng đoàn tách rời khỏi Tòa Thánh; gửi các quan sát viên của Công giáo đến dự họp với các anh em Kitô giáo hay mời đại diện của các giáo hội khác đến dự họp.
Có một ủy ban đặc trách về các quan hệ tôn giáo với
Do Thái giáo liên hệ chặt chẽ với Văn phòng Thư ký của Hội đồng này.
3.Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình
Hội đồng này chịu trách nhiệm cổ vũ việc chăm lo mục vụ cho các gia đình để họ có thể chu toàn sứ mệnh dạy dỗ, rao giảng Phúc Âm và truyền giáo, đồng thời giúp cho ảnh hưởng của gia đình tác động vào môi trường họ sống, bảo vệ sự sống con người, sinh sản có trách nhiệm theo lời dạy của Giáo hội. Hầu hết thành viên là những người có gia đình từ nhiều quốc gia trên thế giới và đại diện cho nhiều nền văn hóa khác nhau.
4.Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình
Nhiệm vụ của Hội đồng này là cổ vũ công lý và hòa bình trên thế giới theo lời dạy của Phúc Âm và giáo huấn của Giáo hội.
5.Hội đồng Giáo hoàng Đồng Tâm
Hội đồng cung cấp các dịch vụ, thông tin cho các tổ chức cũng như phối hợp các cơ quan bác ái Công giáo, các dự án giúp đỡ và phát triển về phương diện nhân bản của Công giáo ở mức độ toàn cầu.
6.Hội đồng Giáo hoàng về mục vụ cho người Di dân và Du mục
Hội đồng lo việc trợ giúp mục vụ cho tất cả những người phải rời khỏi xứ sở của mình như dân di cư, du mục, du lịch và hành khách di chuyển bằng máy bay, tàu thủy.
7.Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ cho nhân viên Y tế
Hội đồng chịu trách nhiệm cổ vũ và xúc tiến công tác đào tạo, nghiên cứu, hành động do các tổ chức Công giáo quốc tế khác nhau trong lĩnh vực y tế.
8.Hội đồng Giáo hoàng về Giải thích Văn bản Giáo luật
Nhiệm vụ hàng đầu của Hội đồng là giải thích xác thực các luật phổ quát của Giáo hội.
9.Hội đồng Giáo hoàng về đối thoại Liên tôn
Hội đồng có nhiệm vụ cổ vũ việc nghiên cứu và đối thoại, nhằm gia tăng sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các tín hữu Kitô giáo và ngoài Kitô giáo. Hội đồng này cũng có liên hệ với Ủy ban đặc trách về quan hệ các tín hữu Hồi giáo.
10.Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá
Hội đồng có nhiệm vụ thúc đẩy mối quan hệ giữa Giáo hội, Toà Thánh và các nền văn hoá thế giới, xây dựng cuộc đối thoại giữa những ai không tin vào Thiên Chúa hay tuyên bố vô thần, miễn là họ có thiện chí cộng tác. Hội đồng nhằm 2 lĩnh vực:
- Đức tin và văn hoá
- Đối thoại với các nền văn hoá.
11.Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội
Hội đồng dấn thân vào các vấn đề liên quan đến các phương tiện truyền thông xã hội, để nhờ đó sứ điệp cứu độ và sự thăng tiến con người được nuôi dưỡng và hội nhập vào nền văn hoá quần chúng cũng như vào các tập quán xã hội.
12.Hội đồng Giáo hoàng về Tái Truyền giảng Phúc Âm
Hội đồng đặc trách Tái Phúc Âm Hóa nhằm mục đích tái Phúc Âm Hóa hay là Tái rao giảng Tin Mừng trở lại cho các xã hội Tây Phương đã đánh mất căn tính Thiên Chúa Giáo hay đang xa rời cội rễ KiTô hữu của họ.
Các Thượng Hội đồng Giám mục
Các
Thượng Hội đồng Giám mục được thiết lập vào
Công đồng Vatican II. Đây là một cơ quan làm cố vấn cho Giáo hoàng, các thành viên được bầu bởi các Giám mục từ khắp nơi trên thế giới. Giáo hoàng làm chủ tịch hoặc chỉ định vị chủ tịch cho hội đồng, xác định chương trình nghị sự, công bố lệnh triệu tập, đình chỉ và giải tán các thượng hội đồng; ngoài ra cũng có thể bổ nhiệm thành viên bổ sung cho hội đồng. Các thành viên của thượng hội đồng có thể cho ý kiến của mình về những vấn đề được nhóm họp (tức là hội đồng không có nghị định, nghị quyết chung). Thượng Hội đồng Giám mục bị đình chỉ khi Tòa Thánh
trống tòa.
Các Văn phòng
1.Văn phòng Quản lý Tông Tòa
Văn phòng chịu trách nhiệm quản lý tài chính và quyền lợi của Toà Thánh, từ lúc vị Giáo hoàng qua đời cho đến khi có vị Giáo hoàng mới kế vị, theo một số luật đặc biệt của Giáo hội.
2.Văn phòng Quản trị Tài sản Tông Tòa
Văn phòng này quản lý các bất động sản của Tòa Thánh dưới sự chỉ đạo của các đại diện Giáo hoàng.
3.Văn phòng Kinh tế Tòa Thánh
Văn phòng lo việc tài chính, phối hợp và giám sát quản lý các động sản của Tòa Thánh.
Các Ủy ban giáo hoàng
Ngoài ra, Giáo triều Rôma còn một số cơ quan thấp hơn để phục vụ, nghiên cứu cho sinh hoạt phong phú của Giáo hội trong thời đại văn minh hiện nay.
1.Ủy ban Tòa Thánh về Di sản Văn hóa của Giáo hội
2.Ủy ban Giáo Hội Thiên Chúa
3.Ủy ban Tòa Thánh về Hội nghị Thánh Thể Quốc tế
4.Ủy ban Tòa Thánh về Khoa học Lịch sử
5.Ủy ban Tòa Thánh về Biện hộ
6.Ủy ban Kỷ luật Giáo triều Rôma
7.Ủy ban Thần học Quốc tế
Đội cận vệ Thụy Sĩ
Vệ binh Thụy Sĩ đang canh gác.
Đội cận vệ Thụy Sĩ là một lực lượng chịu trách nhiệm bảo vệ tính mạng cho Giáo hoàng kể từ năm 1506, bao gồm cả việc đảm bảo an ninh khi ra vào
Điện Tông Tòavà thành Vatican. Tuy Vatican dùng tiếng Latinh làm ngôn ngữ chính thức nhưng Đội cận vệ Thụy Sĩ lại nói
tiếng Đức. Thực tế, họ còn phục vụ như là lực lượng quân đội của thành Vatican, dù không chính thức, họ được coi là quân đội kế thừa lâu đời nhất trên thế giới. Đến năm 2003, đội cận vệ này gồm 134 chiến sĩ.
Các Viện hàn lâm giáo hoàng
Viện hàn lâm giáo hoàng là một hiệp hội học thuật được Tòa Thánh thành lập hoặc điều hành.
Các phòng phụ trợ
Ngoài ra, Giáo triều Rôma còn một số cơ quan thấp hơn để phục vụ, nghiên cứu cho sinh hoạt phong phú của Giáo hội trong thời đại văn minh hiện nay. Chúng ta có thể kể tóm tắt theo tên các cơ quan sau đây:
1.Phòng Quản gia Giáo hoàng
Phòng này quản lý nhà nguyện riêng của Giáo hoàng và các giám chức thuộc quản gia. Sắp xếp đón tiếp khách của Giáo hoàng; lập kế hoạch cho các cuộc thăm viếng của Giáo hoàng ra ngoài Vatican; các nghi thức tiếp khách, tổ chức các buổi tiếp kiến hàng tuần vào ngày
Thứ Tưcủa Giáo hoàng với giáo dân; lo tổ chức và trật tự các
Thánh lễ và các buổi cử hành phụng vụ do Giáo hoàng chủ sự.
2.Phòng các buổi Cử hành Phụng vụ của Giáo hoàng
Phòng này lo các nghi lễ phụng vụ và các nghi lễ khác của Giáo hoàng hay nhân danh Giáo hoàng.
3.Phòng Báo chí Toà Thánh
Phòng này có nhiệm vụ tiếp xúc với báo chí và công bố các tin chính thức của Tòa Thánh. Các bài diễn tập, các thông điệp và các loại văn kiện khác nhau, cũng như các bài phát biểu thể hiện quan điểm chính của vị giám đốc phòng này đều phải được xuất bản trong trạng thái nguyên vẹn từng câu chữ.
4. Dịch vụ Thông tin Vatican
Khác với Phòng Báo chí, phòng này thu nhận và phát tin qua
thư điện tử và
fax để phục vụ hoạt động mục vụ và giáo huấn của Giáo hoàng.
5. Phòng Thống kê Trung ương
Phòng này thu thập dữ liệu, hệ thống hoá và phân tích thông tin để biết về tình trạng và điều kiện của Giáo hội.
-------------------
Wikipedia
Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 06:41 ngày 31 tháng 10 năm 2015.