CHÚA GIÊSU, HỘI THÁNH KHÔNG "HIỆP HÀNH"

Thứ năm - 29/12/2022 09:30
Để thấy rõ Hội Thánh Công giáo có "hiệp hành" hay không, hãy thử suy nghĩ xem, Chúa Giêsu Kitô có "hiệp hành" hay không. Nếu Chúa Giêsu Kitô, là Đầu của Hội Thánh và là mẫu gương cho mọi tín hữu, mà không "hiệp hành" thì hiển nhiên Hội Thánh, Thân Thể của Ngài, cũng sẽ không "hiệp hành".Xin đặt câu hỏi:- Chúa Giêsu có hiệp hành với các luật sĩ, biệt phái, với vua Hêrođê hay không? Có thể có rất nhiều người Công giáo Việt Nam hiện nay trả lời xác định: - Có "hiệp hành".Tuy nhiên, sự suy xét cẩn thận sẽ trả lời một cách xác quyết là: - Không "hiệp hành".


CHÚA GIÊSU, HỘI THÁNH, KHÔNG "HIỆP HÀNH"


Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng

Để thấy rõ Hội Thánh Công giáo có "hiệp hành" hay không, hãy thử suy nghĩ xem, Chúa Giêsu  Kitô có "hiệp hành" hay không. Nếu Chúa Giêsu  Kitô, là Đầu của Hội Thánh và là mẫu gương cho mọi tín hữu, mà không "hiệp hành" thì hiển nhiên Hội Thánh, Thân Thể của Ngài, cũng sẽ không "hiệp hành".
Xin đặt câu hỏi:
- Chúa Giêsu có hiệp hành với các luật sĩ, biệt phái, với vua Hêrođê hay không?
Có thể có rất nhiều người Công giáo Việt Nam hiện nay trả lời xác định: - Có "hiệp hành".
Tuy nhiên, sự suy xét cẩn thận sẽ trả lời một cách xác quyết là: - Không "hiệp hành".


1. Chúa Giêsu không "hiệp hành"
Xin hãy xét xem ý nghĩa của chữ "hiệp" trước, rồi sau đó mới xem thử "hiệp hành" có thể áp dụng được hay không, để chỉ cách thức sống và hành động (modus vivendi et operandi) của Chúa Giêsu.

1.1. Ý nghĩa chữ "hiệp": hiệp lòng, hiệp ý
Chữ "hiệp" tuy có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng từ ngữ "hiệp hành", trong bối cảnh Giáo hội Việt Nam hiện nay, mang ý nghĩa thông thường là: hiệp lòng (cùng tâm hay đồng tâm), hiệp ý (cùng ý kiến, hay đồng ý, nhất trí). Nghĩa này bao hàm một sự đồng ý với nhau về một chân lý, một ý tưởng, một ý kiến... và sự đồng tâm hay đồng lòng để thực hiện hay theo đuổi một mục đích.
Đó là ý nghĩa thường dùng nhất của chữ "hiệp" trong từ ngữ "hiệp hành" mà mọi người chúng ta không hề phủ nhận. Những ý nghĩa này đã được các tác giả viết và được giảng dạy trong Giáo hội Việt Nam.
Xin đưa ra một số minh chứng tiêu biểu cho ý nghĩa chữ "hiệp": hiệp lòng, hiệp ý, đã được diễn giải phổ biến trên các trang mạng.

- Trong bài "Hiệp hành hay Đồng hành?"
Minh chứng điển hình nhất được thấy trong bài “Hiệp hành hay Đồng hành?" (x. https://www.tonggiaophanhanoi.org/hiep-hanh-hay-dong-hanh/) của cha Thomas Nguyễn Văn Hiệp, giáo phận Phan Thiết. Cha đã phân tích từ ngữ Hán Việt và đề nghị chọn chữ "hiệp hành". Cha cho nó có ý nghĩa hay hơn là chữ "đồng hành", do có yếu tố "hòa hợp"; vì có một kiểu "viết khác của chữ “hiệp”  bộ thập được thay thế bằng bộ tâm()".
Ta có thể giải thích rõ hơn là: Bộ tâm忄diễn tả sự "đồng tâm" và  sự "đồng trí" vì thông thường tâm trí đi đôi với nhau, như kiểu nói  một lòng một ý, hoặc hiệp lòng, hiệp ý.

- Trong bài "Thất đạo hiệp hành"
Một minh chứng khác phải kể đến là bài "Thất đạo hiệp hành" (Bảy “con đường hiệp hành” trong áp dụng mục vụ), (x. https://gpcantho.com/that-dao-hiep-hanh/) của cha Trương Đình Hiền, Giáo phận Quy Nhơn, một linh mục rất tích cực viết về chủ đề Thượng Hội đồng kỳ này. Ngài đã kể ra 7 con đường kiểu mẫu cho hoạt động mục vụ hiệp hành.
Ngay ở "hiệp hành" kiểu thứ nhất, cha Hiền lấy mẫu gương của bảy sư phụ giới võ lâm "Giang Nam thất quái" (Trong Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung), đề cao sự "đồng tâm hiệp lực" chống lại sự chia rẽ, thiếu hiệp nhất.
Tiếp đến là mẫu hiệp hành thứ hai: “Bóng đá tổng lực”. Mẫu hiệp hành này đề cao sự tham gia ăn ý với nhau của từng cầu thủ, tức là các tín hữu, tránh sự phân rẽ, để tạo nên một "sức mạnh tổng hợp".

- Giáo huấn 
Ví dụ, một vị giảng tuần tĩnh tâm hàng năm của hàng linh mục giáo phận, ủng hộ chữ "hiệp hành". Ngài nói: "đồng hành" chỉ là đi bên nhau, ý tưởng, ý hướng có thể khác nhau, còn "hiệp hành" còn có sự hiệp ý, đồng lòng. Ngài dường như chuẩn nhận ý kiến của cha Hiệp với phân tích Hán Việt, cho rằng "hiệp hành" thì hay hơn "đồng hành". Ngài còn trích sách Công Vụ Tông đồ để nói lên tính một lòng một ý của hiệp hành: "Các tín hữu bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý" (Cv 4, 32).


1.2. Chúa Giêsu không hiệp hành với mọi người
Sau khi xác định ý nghĩa của chữ "hiệp" là hiệp lòng hiệp ý, hay một lòng một ý, chúng ta  hãy trả lời nghi vấn được đặt ra:
Chúa Giêsu có "hiệp hành" với các Luật sĩ, Biệt phái, với vua Hêrođê hay không?
Chúa Giêsu không hề hiệp lòng hiệp ý với các luật sĩ, biệt phái, với vua Hêrođê... Lý do là Ngài thường chống đối lại ý tưởng và tâm lòng của họ. Chúa Giêsu đã quở trách họ là đồ giả hình: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình!” (Mt 23, 13). Đối với Hêrôđê, Chúa Giêsu gọi là "con cáo": "Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: 'Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất'" (Lc 13, 32). Gioan tiền hô cũng đã chửi thẳng mặt họ là "nòi rắn độc" (x. Mt 3, 7-12).
Rõ ràng là Chúa Giêsu không hiệp lòng, hiệp ý với họ. Nói một cách chung hơn, Ngài không hề hiệp lòng hiệp ý, hay hòa hợp nhất trí với những người xấu xa tội lỗi hay với kẻ lừa thầy phản bạn, như với Giuđa, kẻ đã bán Ngài với ba mươi đồng bạc (Mt 26, 14-16).
Chữ "hiệp" mang những nghĩa: hiệp lòng, hiệp ý, hòa hợp, nhất trí... đem áp dụng để diễn tả cách sống và hoạt động của Chúa Giêsu đối với các môn đệ hay nhân loại quả là không đúng. Vì vậy, đem áp dụng khái niệm "hiệp hành" vào bản chất Giáo hội là không đúng.
Ngược lại, nếu bạn cho rằng Chúa Giêsu thực sự có hiệp ý, hiệp lòng hay hòa hợp, nhất trí... với các luật sĩ, biệt phái, vua Hêrôđê... thì bạn hãy chỉ ra là Ngài đã hiệp ý, hiệp lòng hay hòa hợp, nhất trí... với họ cái gì hay điều gì?
Chắc chắn bạn sẽ không tìm thấy điều gì!
Nếu Đức Giáo hoàng Phanxicô vừa hiệp lòng hiệp ý với tổng thống Zelensky, cũng vừa hiệp lòng hiệp ý với cả tổng thống Putin thì ngài quả là người ba phải.
Không lẽ bạn nói là, ngài chỉ hiệp lòng hiệp ý với ông Zelensky này về phương diện này, điều này, nhưng lại không hiệp lòng hiệp ý về phương diện kia, điều kia; và cũng vậy, ngài đối với ông Putin!
Nếu như vậy, chữ "hiệp hành" chẳng nói lên được điều gì đặc thù của Giáo hội, vì mọi người, ai cũng có thể đồng ý với người khác về điều này, nhưng lại không đồng ý về điều kia. Đó là chuyện bình thường trong cuộc sống.
Và thêm nữa, bạn cũng sẽ không tìm thấy Chúa Giêsu đã hiệp ý, hiệp lòng hay hòa hợp với Thánh Phêrô, các Thánh Tông đồ, hay cả với cộng đoàn nhân loại điều gì.
Cụ thể hơn, trong trường hợp hai môn đệ đi làng Emause (x. Lc 24,13-24), Ngài cùng đi với họ, nhưng rõ ràng là Ngài đã không "hiệp lòng, hiệp ý" với họ một điều gì. Ngài chỉ giảng giải Kinh Thánh cho họ hiểu về cuộc khổ nạn vừa mới xảy ra và Ngài ban ân sủng Bánh hằng sống (Bẻ bánh) cho họ để họ được khai sáng, lấy lại niềm tin và hy vọng.
Chúa Giêsu cũng chẳng có hiệp lòng hay hiệp ý với bạn, với ngay cả bản thân tôi. Chúng ta chỉ biết vâng theo Thánh ý Ngài, được Ngài soi sáng để biết việc phải làm, cố gắng sống theo lời Ngài chỉ dạy, cầu nguyện và đón nhận ân sủng.


1.3. Lý do Chúa Giêsu không "hiệp hành" với con người
Chúa Giêsu, và nói chung, Thiên Chúa Ba Ngôi không hiệp lòng, hiệp ý với con người chúng ta.
Vì sao vậy?
- Vì Thiên Chúa là Đấng cao cả, tuyệt đối; Ngôi Lời là Sự sống là Ánh Sáng, con người là bóng tối (x. Ga 1,4-5). Chúng ta chỉ là "bóng tối" được tiếp nhận phần nào "ánh sáng". Con người chỉ là bụi tro (x. St 18, 27). Cái tâm, cái trí của con người đâu có là gì mà Thiên Chúa lại đi hòa hợp, đi nhất trí với con người.
Cho dù khi nhập thể, Ngôi Hai đã trút bỏ vinh quang của một vị Thiên Chúa "mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Phil 2, 6-8), Ngài vẫn được đầy ơn Chúa Thánh Thần, là bậc Tôn sư chỉ dạy. Thư Do Thái dạy: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này,Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1-2).
Chúa Giêsu cũng mạc khải: "Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự sống (Ga 14, 6). Ngài cùng với Thánh Thần ban ơn Thánh, ơn thông hiểu, ban sức mạnh... để thay đổi cái tâm, cái trí của nhân loại. Thiên Chúa đâu có hiệp tâm hiệp trí hoặc một lòng một ý với nhân loại!
Vì vậy, làm gì có chuyện một Đức Kitô  lại "hòa hợp", lại "đồng tâm hiệp lực, đồng chí tận cùng" (x. Thất đạo Hiệp hành) với con người trần thế ngu muội, yếu đuối, tội lỗi bất trung bất tín như chúng ta.


1.4. Chúa Giêsu không "kết hiệp" hay "hiệp nhất" với người mắc tội nặng
Có thể bạn sẽ phản biện rằng: chữ "Hiệp" có ý nghĩa là "kết hiệp" hay "hiệp nhất" với Thiên Chúa. Các tín hữu thông hiệp sự sống thần linh hay ơn Thánh của Ngài, như kết hiệp với Bí Tích Thánh Thể, mà không cần kể đến sự hiệp lòng, hiệp ý, hòa hợp...
Điều đó có phần đúng. Tuy nhiên, ý nghĩa "kết hiệp" này ít được nói đến và sự "kết hiệp" là có giới hạn, ít hay nhiều, tùy vào lòng đạo đức của chúng ta và thánh ý Chúa.
Chúa Giêsu không kết hiệp với người nào đang cố tình sống trong tội nặng (grave sin). Nếu nói ngược lại, Thiên Chúa kết hiệp với người đang mắc tội nặng thì bạn đã nói nghịch lại với Giáo Lý Công Giáo:
Khi phạm tội nặng, con người đánh mất đức mến, tự tước bỏ ơn thánh hóa, tức là tình trạng ân sủng. Nếu tội nặng không được chuộc lại bằng việc hối cải của tội nhân và bằng ơn tha thứ của Thiên Chúa, người mắc tội nặng sẽ bị loại khỏi vương quốc của Đức Kitô và bị án phạt đời đời trong hỏa ngục (GLCG 1861).
Trong Tông Huấn về Hòa Giải và Sám Hối, số 17 (Reconciliatio et Paenitentia), ban hành năm 1984, Thánh Giáo hoàng Gioan Phalo II đã đồng hóa "tội nặng" (grave sin) với "tội chết" (mortal sin), với giáo huấn như sau:
Vậy nếu nhìn vào chất thể của tội, vào ý tưởng của sự chết, của sự đoạn tuyệt với Thiên Chúa, Đấng thiện hảo tối cao, của sự gián đoạn hành trình hướng về Ngài (tất cả những cách thức định nghĩa tội chết), được nối liền với ý tưởng về sự trầm trọng của nội dung khách thể của tội:  Do đó, trong giáo thuyết và hoạt động mục vụ của Giáo Hội, tội nặng được đồng hóa một cách thực tiễn với tội chết.
Chữ “tội nặng” (grave sin) được Giáo hội dùng đồng nghĩa với “tội chết” (mortal sin), đúng như ngài nói. Giáo Luật quy định người mắc tội nặng không được lãnh nhận Bí tíchThánh Thể (đ. 915; 916). Hai chữ “tội nặng” và “tội chết” lại được dùng cách đồng nghĩa ngay trong sách GLHTCG (x. số 1385, 1395, 1854-1864).
Vì vậy, làm sao có thể dạy rằng: Chúa Giêsu kết hiệp với hết mọi người, không trừ người tội lỗi, với ý nghĩa chữ "hiệp" là "kết hiệp" hay "hiệp nhất"?
Do đó, phải xác định rằng Chúa Giêsu chẳng có "hiệp hành" với nhân loại trong ý nghĩa mà chữ "hiệp" muốn diễn tả: hiệp lòng, hiệp ý, hòa hợp, nhất trí hoặc ngay cả với ý nghĩa kết hiệp hay hiệp nhất.
Vì vậy, Hội Thánh cũng chẳng có yếu tính hay bản chất là "hiệp hành".


2. Sai lạc của  từ ngữ "Một Giáo hội hiệp hành"
Hơn nữa, khi dùng chữ "hiệp hành" để dịch chữ sinodalità, sinodale ta mắc phải có những điều sai lạc và bất cập khác.

2.1. "Hiệp hành"được dùng một cách trái nguyên tắc ngữ học

a- Tạo từ ngữ mới từ khái niệm cũ đã rõ nghĩa
Khi tạo từ "hiệp hành" ta tưởng là làm ra một "từ mới", nhưng rõ ràng là trong văn hóa Việt Nam, chữ "hiệp hành" là từ "rất cũ", đã được sử dụng và đã rõ nghĩa:
- Hiệp hành = đi đây đó để thi hành việc trượng nghĩa, nghĩa hiệp, trừ gian diệt bạo;
- Hiệp hành = Hành hiệp = thi hành việc trượng nghĩa, nghĩa hiệp, trừ gian diệt bạo.
Ví dụ: Truyện "Hiệp hành thiên hạ" (x. https://truyenyy.vip/truyen/hiep-hanh-thien-ha/); truyện "Thiếu Hiệp Hành" (x. https://dtruyen.com/thieu-hiep-hanh/); bài hát "Du Hiệp Hành" (https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/du-hiep-hanh-am-khuyet-thi-thinh.HrGAsamb7VPu.html).
Quả là trái nguyên tắc khi ta tạo ra một từ  ngữ hay một khái niệm mới có tính học thuật mà lại giống y một từ ngữ hay khái niệm cũ được dùng rõ nghĩa.
Khi tạo "từ mới" với ý nghĩa mới nhưng lại trùng lắp với "từ cũ" đã rõ nghĩa, ta gây ra một sự hàm hồ trong lãnh vực Giáo hội học tại Việt Nam. Quả là lẫn lộn ý nghĩa khi có những từ ngữ "Hiệp hành thiên hạ", "Thiếu Hiệp Hành", "Du Hiệp Hành", đồng thời cũng có "Giáo hội hiệp hành".
Sự kiện này, tất nhiên, sẽ làm thiệt hại cho tiến trình hội nhập văn hóa. Nơi người lương, người ta sẽ hiểu Giáo hội Công giáo là Giáo hội chuyên làm việc nghĩa hiệp, trừ gian diệt bạo. Hoặc họ có thể hiểu Giáo hội công giáo đơn giản chỉ là một giáo hội hiệp nhất, đoàn kết...

b- Gán cho từ mới một nội hàm, quan trọng là sống?
Phải chăng là đúng khi ta cứ tạo ra từ mới như vậy, rồi gán cho chúng một nội hàm, một ý nghĩa riêng; dùng nhiều rồi cũng quen?
Có thể là đúng như vậy, nhưng điều này chỉ xuất hiện ở phạm vi truyền thông trên mạng, trong một giới nào đó..., với nhiều kiểu nói lóng, bóng bẩy...
Vấn đề ở đây là tạo từ ngữ mang tính học thuật, quy phạm, chủ chốt trong Giáo hội học.
Ngoài ra, nếu cho rằng quan trọng là sống như thế nào mà không cần lưu ý đến sự đúng đắn của từ ngữ để diễn ý Giáo hội học, chúng ta sẽ sống lạc đường. Những suy nghĩ, phán đoán, tư duy đạo đức đều phải dựa trên những "khái niệm". Nếu một khái niệm nền tảng của  Giáo hội học bị hiểu sai thì đương nhiên những phán đoán và tư duy đạo đức dựa trên khái niệm đó sẽ sai.


2.2. Bất tương xứng về ngữ nghĩa giữa chữ "sinodalità" và "hiệp hành"
Hãy xem xét những từ ngữ Sinodalità, hiệp hành, đồng hành về phương diện thể loại ngữ nghĩa.

a- Sinodalità mang nghĩa ẩn dụ
Trong tôn giáo, để diễn tả những thực tại cao siêu, người ta vẫn thường dùng những hình ảnh biểu tượng, những từ ngữ ẩn dụ, những dụ ngôn, vì những từ ngữ với ý nghĩa hẹp của nó không thể diễn tả hết thực tại siêu hình đó.
Giáo hội là Thân Thể Đức Kitô (x. Ep 2,11-18) mà Đức Kitô là đầu (x. Ep 1,22) là một ví dụ cho việc dùng từ đơn giản "thân thể" với nghĩa ẩn dụ cao siêu.
Chữ sinodalità được dùng với nghĩa ẩn dụ. Ủy Ban Thần học quốc tế của Tòa Thánh định nghĩa:  
La sinodalità, trong bối cảnh Giáo hội học này, chỉ (indica) cung cách sống và hoạt động (modus vivendi et operandi)  riêng biệt của Giáo hội Dân Chúa biểu lộ và thực hiện cụ thể bản tính hiệp thông của mình.
(UBTHQT, La sinodalità nella vita e nella missione della Chiesa, n.6).
La sinodalità được dùng để chỉ (indica) cung cách sống và hoạt động..., nghĩa là, không dùng để chỉ hành vi thực tiễn "đi" hay "đi cùng đường" hoặc "đi cùng nhau, nhưng dùng để chỉ hay ám chỉ những điều khác.

b- "Hiệp hành" mang nghĩa riêng, nghĩa đen
Trong khi đó, chữ "hiệp" hay "hiệp hành" mang ý nghĩa riêng của nó: hiệp lòng, hiệp ý hay đồng lòng, đồng ý...chứ không mang nghĩa ẩn dụ nào hết. Do đó, khi dùng nó để dịch chữ sinodalità  mang nghĩa ẩn dụ quan trọng, ta đã chuyển dịch sai nguyên tắc.
Hệ quả của sự chuyển dịch sai nguyên tắc này gây sự hiểu sai thần học Giáo hội và khiến cho chúng ta giảng giải, áp dụng vào đời sống đạo đức một cách lầm lạc.

c- "Đồng hành" mang nghĩa ẩn dụ
Chữ "đồng hành" trong ngôn ngữ thường dùng của văn hóa Việt Nam lại mang nghĩa ẩn dụ, rất tương ứng với từ sinodalità. Ví dụ:
- Nghĩa ẩn dụ: "Thầy giáo đồng hành với học sinh"; "Hãy đồng hành với phụ nữ biên cương".
Trong những câu này, "đồng hành" mang nghĩa ẩn dụ, không hề có thực hiện hành vi "đi".
- Nghĩa riêng, thực tiễn: "Thầy giáo cùng đi với học sinh ra biển", "Chúng ta cùng đi thăm các bệnh nhân".
Trong những câu này, "cùng đi" mang nghĩa riêng, nghĩa đen của nó, có thực hiện hành vi "đi". Trong Việt ngữ, không ai diễn tả hành vi thực tiễn "cùng đi" với chữ "đồng hành". Ví dụ, không ai nói theo kiểu này:
- "Thầy giáo đồng hành với học sinh ra biển".
- "Chúng ta đồng hành thăm các bệnh nhân".
-"Hãy đồng hành du lịch".
Do đó, trong văn hóa Việt Nam, nếu đem phân tích theo Hán tự từng chữ "đồng" và "hành" rồi gán ý nghĩa cho chữ "đồng hành" và suy diễn rằng  đồng hành chỉ là đi bên nhau, thì quả là khiếm khuyết, vì không phân biệt nghĩa ẩn dụ và nghĩa riêng của nó. "Đồng hành" trong văn hóa Việt Nam mang nghĩa khác với "đồng hành" ở Đài Loan hay Trung Quốc.


2.3. "Hiệp hành" làm giản lược thực tại thánh thiêng của Hội Thánh
Bản chất của Giáo hội, một thực tại thần linh, là Nhiệm Thể Chúa Kitô, mà lại được mô tả bằng chữ "hiệp hành", thì quả là đánh mất nhiều ý nghĩa phong phú thánh thiêng của nó.
Trong bài Diễn văn ngày 17-10-2015, Đức Phanxicô đã nói:
"bởi vì Giáo hội không gì khác hơn là sự 'bước đi cùng nhau' của Đàn Chiên Chúa trên những nẻo đường lịch sử để gặp gỡ Chúa Kitô".
Làm sao chúng ta có thể chuyển lời Đức Giáo hoàng thành:  Giáo hội, Thân Thể Đức Kitô, lại  không gì khác hơn là sự đồng lòng, hiệp lòng, đồng ý, hiệp ý, hay hiệp nhất?
Các nhà thần học nhận ra Mầu nhiệm của Giáo hội là mầu nhiệm "hiệp thông".[1] Công đồng Vatican II xác nhận đặc tính thông hiệp sự sống và sự chuyển thông sự sống của Thiên Chúa cho Giáo hội, được diễn tả bởi từ ngữ Koinonia, La ngữ là communio, được dịch ra Việt ngữ là "hiệp thông".
Ngày nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô với những nhà thần học triển khai bản tính "hiệp thông" của Giáo hội trong đời sống và hoạt động của Giáo Hội với từ ngữ mới: "La sinodalità, sinodale".
La sinodalità, trong bối cảnh Giáo hội học này, chỉ cung cách sống và hoạt động (modus vivendi et operandi)  riêng biệt của Giáo hội Dân Chúa biểu lộ và thực hiện cụ thể bản tính hiệp thông của mình (il suo essere comunione) trong việc bước đi cùng nhau (nel camminare insieme), trong việc tụ họp nhau và trong sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong sứ vụ Phúc âm hóa.
(Ủy Ban Thần học Quốc tế, La sinodalità nella vita e nella missione della Chiesa, n.6).
Cũng nên lưu ý rằng "hiệp thông" (koinonia, communio) khác xa với "hiệp hành". Không phải vì có chữ "hiệp" mà cho "hiệp hành" cũng là "hiệp thông". Cha Phêrô Trần Văn Hội, Đà Lạt, cho thấy ý chính của hiệp thông là thông dự vào ân sủng Thiên Chúa. Ngài viết:
Do đó, ý nghĩa nền tảng của hiệp thông không phải là sự hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau hay sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương, hoặc giữa các Giáo hội địa phương với Giáo hội phổ quát. Ý nghĩa đầu tiên là việc thông dự vào các ân sủng cứu độ mà Thiên Chúa đã ban. Hiệp thông là việc được Chúa cho dự phần vào ân sủng Thánh Thần, vào sự sống mới, vào đức ái, vào Tin mừng và nhất là vào Bí tích Thánh Thể. Đó là ý nghĩa nguyên thủy của từ ngữ “communio sanctorum” được nói đến trong kinh Tin kính các Tông đồ. Việc Thông hiệp vào các mầu nhiệm thánh làm phát sinh sự hiệp thông giữa các thánh. Ý niệm hiệp thông đặt nền tảng trên Kinh Thánh và có một ý nghĩa thần học, Kitô học, Cứu độ học và Giáo hội học rất rõ ràng. Và do đó, tự thân nó chứa đựng chiều kích bí tích mà Thánh Phaolô nói tới trong bản văn nỗi tiếng của Ngài: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần[12] vào máu Chúa Kitô sao ? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần[13] vào Thân thể Người sao ? (1Cr 10,16). Và không phải ngẫu nhiên mà việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể lại được gọi là “communio” (SC 55). Thành ngữ communio eucharistica (UR 22) vừa chỉ việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, vừa chỉ sự hiệp thông giữa các Kitô hữu vừa tham dự và lãnh nhận Thánh Thể. [W.Kasper, op cit, tr.18-20]
(Xem: https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2009/02GiaoHoiMauNhiemHiepThong.htm)
Khi dùng chữ  "hiệp hành", chúng ta đã giản lược bản chất Giáo hội vào một khía cạnh hiệp lòng, hiệp ý hay hiệp nhất, làm đánh mất ý nghĩa nền tảng của Giáo hội là "hiệp thông". Đó là sự "thông dự vào các ân sủng cứu độ mà Thiên Chúa đã ban"; "dự phần vào ân sủng Thánh Thần, vào sự sống mới, vào đức ái, vào Tin mừng và nhất là vào Bí tích Thánh Thể".
Rõ ràng là khi gán cho Giáo hội bản tính "hiệp hành", chúng ta đã giảm trừ ý nghĩa của sự sống, ơn cứu độ từ Thiên Chúa thông ban cho các tín hữu, để chỉ vận động cho sự hiệp lòng, hiệp ý, đoàn kết như các xã hội, các quốc gia trần thế khác. Các quốc gia hay xã hội trần thế cũng luôn kêu gọi sự hiệp lòng, hiệp ý, đoàn kết yêu thương nhau.


Kết luận
Một thuật ngữ nói lên bản tính của Giáo hội luôn luôn phải nói lên được sự sống là lưu chuyển sự sống của Đức Kitô. Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh "thân thể" và "đầu" để nói lên mầu nhiệm sự sống này, rồi suy ra mỗi chi thể có một nhiệm vụ khác nhau, liên kết với nhau...
Công Đồng Vatican suy tư về mầu nhiệm Giáo hội và đã dùng từ ngữ của Kinh Thánh, "Koinonia" (communio), được dịch Việt ngữ là "hiệp thông" để diễn tả. Ý nghĩa đầu tiên của "hiệp thông" "là việc thông dự vào các ân sủng cứu độ mà Thiên Chúa đã ban" (Lm. Phêrô Trần Văn Hội).
Ngày nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Synodus Episcoporum (Thượng Hội đồng Giám mục, Công nghị các Giám mục), Đức Giáo hoàng muốn suy tư về chính Giáo hội, liên quan đến danh xưng Synodus Episcoporum. Đồng thời, một phát sinh mới đáng chú ý trong những năm gần đây là "Con đường Công nghị" (Synodal Way, Synodal Path) của Đức, đòi canh tân Giáo Hội, là cho mọi thành phần dân  Chúa được tham gia hội họp và có quyền bỏ phiếu quyết định.
Una Chiesa sinodale, A Synodal Church được đưa ra làm chủ đề cho Thượng Hội đồng Giám mục kỳ này, liên hệ đến chính danh xưng của Thượng Hội đồng Giám mục - Synodus Episcoporum, đến chính bản chất Giáo hội và đến sự đòi canh tân của Công nghị Đức.
Tính hội họp, lấy ý kiến chung, không phải là bản chất của Giáo Hội, nhưng chỉ là một hoạt động cần thiết trong Giáo hội. Vì vậy, Synodal Way của Đức được dịch là "Con đường Công nghị", và chúng ta đã không dịch Una Chiesa sinodale là "Một Giáo hội Công nghị" hay "Một Giáo hội đồng nghị", nghĩa là, Synodal trong Synodal Way của Công nghị Đức thì khác với Synodal trong Synodal Church.
Nền tảng chính yếu của Synodal Church, Chiesa sinodale, chính là sự Hiệp thông: thông dự vào đời sống Thiên Chúa và thông truyền, thông công, chia sẻ sự sống ấy giữa các chi thể của Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội. Bản chất Giáo hội không gì khác hơn là sự "hiệp thông" đó, tương tự như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, Giáo hội không gì khác hơn là sinodalità (bước đi cùng nhau).
Tại Việt Nam, khi chúng ta dịch Una Chiesa sinodale thành "Một Giáo hội hiệp hành", chúng ta chỉ nhấn mạnh đến sự hiệp lòng hiệp ý, thì chúng ta đã bỏ rơi bản chất chuyển thông sự sống của Chúa Kitô trong Giáo hội, chỉ để nhấn mạnh đến một thực hành đạo đức như bao tôn giáo khác hay xã hội khác.
Từ "hiệp hành" không nói lên được bản chất của Giáo hội. Nó gởi đến các tín hữu một thông điệp có vẻ như dễ nghe, tốt đẹp, nhưng thật sự là sai lệch về Giáo hội học. Không lẽ, nói như kiểu của Đức Giáo Hoàng Phanxi cô, Giáo hội không gì khác hơn là hiệp lòng hiệp ý hiệp sức hay sao?
Chữ "hiệp hành" chẳng đáng phải loại bỏ đi ra khỏi một từ ngữ biểu trưng cho Giáo hội Công giáo tại Việt Nam hay sao?


Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng

=============================================


Phụ chú
1- Dịch cho đúng Tông huấn hậu THĐGM 
THĐGM thường chỉ có vai trò góp ý, tư vấn cho Đức Giáo hoàng. Sau THĐGM, dựa vào những góp ý đó, ĐGH sẽ ra một Tông huấn, và kỳ này là về chủ đề Una Chiesa sinodale = Một Giáo hội đồng hành. Vì vậy, xin lưu ý chuyển dịch cho đúng từ ngữ, để có thể hiểu và phổ biến Tông huấn cách đúng đắn.

2- Dấu hiệu tích cực: "Tiến trình Thượng Hội Đồng"
Chữ Processo sinodale, Synodal process = Tiến trình hội nghị, hội họp, hoặc Tiến trình THĐGM.  Trong văn bản trước đây, được dịch là "Tiến trình hiệp hành".
Nay đã được dịch bằng "Tiến trình Thượng Hội Đồng", được thấy trong văn bản mới "Tài liệu làm việc cho giai đoạn châu lục". Đây là một dấu hiệu tích cực, nhận ra đúng ý nghĩa từ ngữ của ban dịch thuật.
Do dịch sai lệch là "Tiến trình hiệp hành", khiến chúng ta đã khai triển chủ đề THĐGM kỳ này theo bản dịch kiểu lạc đường.

Tính đồng hành (Sinodalità) thuộc bản chất Giáo hội, luôn tồn tại ngay từ khi Giáo hội được khai sinh, không giới hạn trong một giai đoạn lịch sử. Vì vậy, không nên nói một cách lạc nghĩa với những cụm từ mang tính thời gian như: Tiến trình hiệp hành, giờ hiệp hành, ngày hiệp hành, tháng hiệp hành, thời hiệp hành, linh mục thời hiệp hành.


 
 
[1]x.   https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2009/02GiaoHoiMauNhiemHiepThong.htm)

 

Tác giả: JB Dũng Lm

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Kim Anh
    Con cám ơn bài viết của cha đã làm cho con hiểu rõ hơn, Hội Thánh thân thể nhiệm mầu của Chúa Ki Tô luôn đồng hành với những người đau khổ trong chiến tranh để nâng đỡ họ, nhưng Hội Thánh không thể cùng Hiệp Hành được với những tội ác của chiến tranh gây ra, bấy lâu nay con nghe từ Hiệp Hành con không hiểu gì hết từ đó mới quá. Con cầu nguyện xin Chúa gìn giữ Hội Thánh luôn đi trên con đường của Chúa.
      Kim Anh   04/01/2023 01:39
GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay739
  • Tháng hiện tại20,685
  • Tổng lượt truy cập10,722,508
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi