KẾT HÔN VÔ HIỆU DO ĐẶT ĐIỀU KIỆN (đ. 1102) -  JB Lê Ngọc Dũng

Thứ bảy - 30/01/2016 08:25

images (9)

images (9)
Một cô gái ra điều kiện trước khi kết hôn “Tôi lấy anh với điều kiện là anh sẽ được thừa hưởng gia tài nội trong năm thứ nhất của hôn nhân”. Điều 1102#1 quy định một kết hôn với điều kiện về tương lai thì kết hôn vô hiệu, bất kể điều kiện đó có được thỏa mãn hay không.

JB Lê Ngọc Dũng
 
Can. 1102
 § 1. Matrimonium sub condicione de futuro valide contrahi nequit.
§ 2. Matrimonium sub condicione de praeterito vel de praesenti initum est validum vel non, prout id quod condicioni subest, exsistit vel non.
§ 3. Condicio autem, de qua in § 2, licite apponi nequit, nisi cum licentia Ordinarii loci scripto data.
 
Điều 1102
#1. Kết hôn với điều kiện về tương lai thì bất thành.
#2 Kết hôn với điều kiện về quá khứ hay hiện tại có thành sự hay không là tùy theo nội dung của điều kiện có hay không.
#3. Tuy nhiên, điều kiện nói đến ở #2 không thể được đặt ra cách hợp pháp, trừ khi Đấng Bản Quyền địa phương cho phép bằng văn bản.

1- Ý nghĩa

Một điều kiện, ở đây, là một hoàn cảnh hay tình trạng được gắn kết với hôn nhân mà sự hữu hiệu của hôn nhân tùy thuộc vào. Trong nghĩa hẹp nó chỉ một hoàn cảnh tương lai mà nó làm đình chỉ sự hữu hiệu của hôn nhân. Trong nghĩa rộng nó chỉ bất cứ hoàn cảnh nào, quá khứ, hiện tại hay tương lai, mà lập tức làm cho hôn nhân hữu hiệu hay vô hiệu.
Bộ luật 1917 (đ. 1092#3) coi điều kiện tương lai như là điều kiện theo nghĩa hẹp, nghĩa là, làm đình chỉ hữu hiệu. Bộ luật 1983 (đ, 1102#1) coi điều kiện tương lai như là điều kiện theo nghĩa rộng, nghĩa là lập tức làm vô hiệu hôn nhân.
Bởi vậy trước ngày 27-10-1983, một điều kiện tương lai chỉ vô hiệu hôn nhân nếu điều kiện không được thực hiện. Sau ngày đó, một điều kiện tương lai vô hiệu ngay hôn nhân, cho dù sau này nó vẫn được hoàn thành.[1]
Ví dụ: Một cô gái ra điều kiện “Tôi lấy anh với điều kiện là anh sẽ được thừa hưởng gia tài nội trong năm thứ nhất của hôn nhân”. Trong năm thứ nhất của hôn nhân, người chồng đã được cha để lại gia tài, thỏa mãn điều kiện về tương lai mà cô gái đã đưa ra. Tuy nhiên, sau đó vì không hợp với nhau hai người chia tay. Tòa án hôn phối tuyên bố hôn nhân vô hiệu dựa trên nền tảng kết hôn với điều kiện tương lai, ngay cả khi điều kiện được hoàn thành.
Điều kiện về quá khứ, (ví dụ: “Tôi lấy anh, với điều kiện là mẹ anh đã chết”); hoặc hiện tại (ví dụ: “Tôi lấy em, với điều kiện em còn là trinh nữ”), chỉ vô hiệu hôn nhân khi điều kiện không được thỏa mãn (đ, 1102#2).
  1. Đặt điều kiện cho một hôn nhân
Người ta thường nghĩ điều kiện như một điều gì đó được đặt ra cách rõ ràng, được nói thành câu, ví dụ như: “Tôi lấy anh với điều kiện là anh sẽ được thừa hưởng gia tài nội trong năm thứ nhất của hôn nhân”. Thực ra, điều kiện trong hôn nhân còn tế nhị hơn nhiều. Khi thẩm cứu và xét xử vụ án nên chú ý những điểm sau:
  1. Một điều kiện có thể được đặt ra cách hàm ẩn. Trong thực tế, nó thường có hai kiểu: 1- Ý định được diễn tả bằng lời nhưng chỉ gián tiếp, ví dụ, như một chàng trai, nói rõ ra rằng chàng chẳng bao giờ sống chung với một phụ nữ. Anh ta kết hôn gian ý một cách hàm ẩn. 2- Ý định không được diễn tả bằng lời nhưng bằng hành động, ví dụ chú rễ chẳng nói lời nào nhưng lại biến mất luôn sau lễ thành hôn. Anh ta đã loại bỏ sự sống chung một cách hàm ẩn. 
Một điều kiện có thể được đặt ra cách hàm ẩn cũng đủ để kết luận hôn nhân vô hiệu. Trong phán quyết Rota ngày 24 tháng tư năm 1975, thẩm phán Parisella nói: “ Nó là cần thiết và cũng đủ khi người kết hôn không chú trọng nhiều vào đơn thuần là kết hôn, mà chú trọng nhiều hơn đến việc kết hôn với người mà có tư cách riêng biệt nào đó. Vì lý do này, việc gắn kết một điều kiện có thể được suy luận là có, ngay cả khi từ ngữ “điều kiện” đã không bao giờdùng đến."
  1. Không cần đòi có những nghi ngờ của người đặt điều kiện. Cũng không đòi có nghi ngờ để chứng tỏ là có đặt điều kiện.
Thông thường bên này đặt điều kiện kết hôn khi có nghi ngờ rằng bên kia thiếu vắng một tư cách nào đó. Ví dụ người nữ đặt điều kiện: “Tôi kết hôn với anh, với điều kiện anh không phải là đồng tính”. Sở dĩ như vậy là vì có nghi ngờ người nam đồng tính.
Tuy nhiên, khi người kết hôn coi là vô cùng quan trọng về tư cách của bên kia, thì người ấy chỉ muốn sự hữu hiệu hôn nhân lệ thuộc vào tư cách ấy, ngay cả khi không có nghi ngờ về tư cách đó. Tòa Rota, ví dụ, xử một vụ án của một người nữ Công Giáo, đã kết hôn với một người Tin lành, với điều kiện anh ấy phải trở đạo Công Giáo sau kết hôn. Chàng trai đã hứa và người nữ đã không nghi ngờ gì về lời hứa đó. Thực tế, sau đó anh chẳng trở lại Công Giáo gì cả. Hôn nhân được kết luận vô hiệu do kết hôn với điều kiện. Thẩm phán Felice cho rằng, đối với cô gái đạo đức, việc chồng mình trở lại đạo là rất quan trọng, cho nên xác nhận cô kết hôn với điều kiện, ngay cả khi cô ấy không có nghi ngờ về tư cách của chàng trai.[2]
 
  1. Không biết vô hiệu: Một người có thể đặt điều kiện kết hôn nhưng không biết rằng đặt điều kiện như vậy lại làm vô hiệu hôn nhân (x. Coram Pinto, 26-6-1971, 63, 560).
Chung chung, người đặt điều kiện cho hôn nhân, coi điều kiện là điều quan trọng cho việc kết hôn chứ không ý thức rằng làm như vậy là làm vô hiệu hôn phối. Vì vậy, không cần phải đòi phải có ý thức vô hiệu thì mới xác định là kết hôn có điều kiện.
  1. Sự quan trọng khách quan và chủ quan của điều kiện
Đối với một số tư cách hoặc hoàn cảnh, một cách khách quan, xã hội hay cá nhân đều coi là quan trọng cho đời sống hôn nhân như: bệnh kinh niên hay truyền nhiễm, rối loạn tình dục… Đặt điều kiện về những phẩm chất này, là điều dễ xảy ra.
Đối với một số khác, khách quan mà nói lại không quan trọng như: công việc, tôn giáo, địa vị xã hội… Đặt điều kiện về những điều này thường ít xảy ra, vì thế, không suy đoán hôn nhân là có điều kiện.
Tuy nhiên, đôi khi tầm quan trọng của một phẩm cách hay tình trạng lại trở nên cực kỳ quan trọng đối với một người nào đó. Ví dụ tôn giáo thường thì không quan trọng nhưng đối với một số người lại là vô cùng quan trọng. Ví dụ, một phụ nữ, đặt điều kiện người nam phải trở lại đạo Công Giáo sau kết hôn, vì cô ta đạo đức và luôn mong muốn chồng phải là người Công Giáo một cách rất mạnh mẽ.
  1. Điểm nồng cốt của hôn nhân với điều kiện
Người đặt điều kiện coi phẩm cách hay hoàn cảnh được đặt ra là quan trọng hơn cả người kết hôn. Nếu, coi điều kiện đặt ra là phụ thuộc và ưng thuận kết hôn là chính yếu thì không phải là hôn nhân với điều kiện.
Thẩm phán K. Boccafola, trong phán quyết Rota ngày 27-5- 1987 nói: “ Như vậy một mối quan hệ được thành lập giữa tư cách hoặc hoàn cảnh và chính cuộc hôn nhân, mà theo đó, trong tâm trí của người kết ước có ý nghĩa lớn hơn chính cuộc hôn nhân. Trong trường hợp này, hôn nhân gắn liền với một điều kiện ‘sine qua non’, một điều kiện mà thực sự ảnh hưởng và chạm đến bản chất của chính hành vi ưng thuận”.
  1. Không phải điều kiện, chỉ giống như là điều kiện
Có 4 trường hợp trông giống như là đặt điều kiện nhưng lại không vô hiệu hóa hôn nhân:
  1. Đòi buộc: một bắt buộc gắn liền với kết ước. Ví dụ: “Tôi cưới anh nhưng sau đó anh phải ngưng uống rượu”.
  2. Bày tỏ: diễn tả một vài phẩm chất nào đó cho người kia. Ví dụ: “Tôi kết hôn với em, một trinh nữ”.
  3. Nguyên nhân: lý do hoặc động lực của kết hôn. Ví dụ: “Tôi cưới anh vì tương lai anh sẽ theo đạo”.
  4. Yêu cầu, đòi hỏi tiền hôn nhân: Có thể có những yêu cầu hay đòi hỏi và ngay cả là điều kiện được đặt ra vào thời gian mới tìm hiểu hay khi đính hôn nhưng lại không được đặt ra như điều kiện để kết hôn. Ví dụ cô gái nói: “Tôi chỉ đính hôn với anh với điều kiện anh phải giữ đạo”. Sau thời gian đính hôn,  cô gái không đặt quan trọng điều kiện đó nữa, nó không còn tác dụng đối với việc kết hôn hữu hiệu.
Tuy nhiên, nếu có những chứng cứ rõ ràng cô ấy vẫn coi việc giữ đạo của chàng trai là vô cùng quan trọng thì có thể suy đoán cô ta vẫn tiếp tục đặt điều kiện ấy cho việc kết hôn. Kết hôn, vì vậy, vô hiệu.

5- Hoàn thiện cá nhân như một điều kiện

Khi kết hôn với một người có nhiều tính xấu như rượu chè, cờ bạc … hoặc đã làm nghề mại dâm, trụy lạc … người ta chắc rằng người này đã từ bỏ những thói hư tật xấu hoặc sẽ từ bỏ chúng như một điều kiện.
L.G. Wrenn trong cuốn  The Invalid Marriage đã viết: “Mọi người đều nhận ra rằng rất nhiều người ngày nay kết hôn trước tiên là vì sự hoàn thiện cá nhân. Sự hoàn thiện cá nhân, có vẻ như là, có được một mức độ đủ đặc biệt  để phẩm định như một hoàn cảnh mà có thể điều kiện cho một hôn nhân …Vì vậy, nếu có thể chứng tỏ được trong một trường hợp riêng biệt mà một bên được gắn với một sự quan trọng tiên quyết với hoàn thiện cá nhân và hôn nhân phụ thuộc vào nó, và giả như nếu sự hoàn thiện không đạt được sau vài năm kết hôn người ta không còn muốn kết hôn, một hôn nhân như thế: 1) Nếu xảy ra trước ngày 27-11-1983 và điều kiện đã không được hoàn thành, có thể được tuyên bố vô hiệu với lý do của điều 1092,3, 2) Nếu nó xảy ra sau ngày 27-11-1983, ngay cả điều kiện được hoàn thành, có thể tuyên bố hôn nhân vô hiệu theo lý do của điều 1102#1”.[1]
 
[1] L.G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 159.
Nói một cách cụ thể hơn, nếu có thể chứng tỏ được trong một trường hợp chị A lấy anh B. Khi kết hôn chị A đã đặt một sự quan trọng tiên quyết là anh B phải từ bỏ rượu chè say sưa (hoặc bài bạc, hoặc nghiện hút, hoặc đĩ điếm… ) và giả sử như anh B không hoàn thiện cá nhân sau một vài năm chung sống thì chị A không muốn kết hôn. Trong trường hợp này, điều kiện hoàn thiện cá nhân có thể đã không được minh nhiên đặt ra, nhưng được hiểu là có đặt ra một cách hàm ẩn, do việc chị A đã đặt sự hoàn thiện cá nhân của anh B là điều quan trọng tiên quyết và hôn nhân chỉ là phụ thuộc vào đó và vì vậy chị không muốn kết hôn nếu sau kết hôn anh B đã không hoàn thiện cá nhân.  Tòa án vì thế, có thể công bố hôn nhân vô hiệu dựa theo điều 1102#1, nghĩa là dựa theo lý do hôn nhân với điều kiện ở tương lai, ngay cả khi anh B sau hôn nhân đã hoàn thiện cá  nhân, từ bỏ rượu chè.
  1. Chứng cớ của một điều kiện[4]
Trong việc chứng minh một điều kiện các yếu tố quan trọng cần được xem xét là: 1) Lời khai của các bên, 2) Chứng thư và lời khai của nhân chứng, 3) Sự rõ ràng của hòan cảnh 4) Động lực.
  1. Lời khai của các bên: Những từ ngữ chính xác được sử dụng bởi các bên là quan trọng. Tuy nhiên, vì "điều kiện" nói ra rất là tế nhị, nên nói chung, những hành động mạnh hơn lời nói, và chúng được hiểu trong bối cảnh và đặt biệt là trong tâm trí các bên kết ước.
  2. Chứng thư và lời khai của nhân chứng cũng rất quan trọng để thẩm định, tuy nhiên nếu nhân chứng kể lại những lời nói của người ra điều kiện lại mạnh mẽ hơn người đó thì nên hồ nghi về sự thành thật của nhân chứng.
  3. Sự kiện và hoàn cảnh: Hoàn cảnh đóng góp rất lớn vào việc chứng tỏ một điều kiện. Cần đặt vấn đề là phẩm cách khách quan hay chủ quan nghiêm trọng đối với người ra điều kiện; điều kiện được đặt ra như thế nào, có rõ ràng không, một lần hay nhiều lần, có cố gắng để gán điều kiện cho  bên kia không. Một kết hôn và chia tay nhanh chóng là dấu chứng cho hôn nhân có điều kiện và đã không hoàn thành điều kiện, nhưng cũng có những trường hợp sự hoàn thành điều kiện xảy ra từ từ và không rõ ràng và  đôi khi có thể làm tổn thương đến danh dự bên kia.
  4. Động lực: Động lực cho hôn nhân với điều kiện thường do người đặt điều kiện đặt tầm quan trọng rất lớn vào tình trạng của bên kia.
  1. Liên hệ giữa điều kiện và lầm lẫn tư cách (đ. 1097#2)[5]
Điều 1097#2 nói rằng khi lầm về một tư cách một người mà tư cách ấy “được nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu” thì hôn nhân vô hiệu. Điều này cũng giống như trong vấn đề hôn nhân với điều kiện, vì điểm mấu chốt của điều kiện cũng là coi tư cách là chính yếu và hôn nhân là phụ thuộc vào tư cách đó. Ví dụ, một phụ nữ nghĩ một cách sai lầm rằng anh ấy là người Công Giáo. Nếu cô ấy nhắm đến chính yếu là kết hôn với người Công Giáo (đối với cô ấy, hôn nhân là ít quan trọng hơn người Công Giáo), hôn nhân vô hiệu. Nền tảng đúng đắn để xử vụ án này là điều kiện chứ không là lầm lẫn. Tuy nhiên, nếu xét trong toàn bộ cấu trúc có hệ thống của bộ Giáo Luật, sự lầm lẫn được xếp trong những hà tỳ về lý trí (đ. 1095-1100: không có khả năng, thiếu trưởng thành, lầm lẫn …) hơn là những hà tỳ về ý muốn (đ. 1101-1103: điều kiện, sợ hãi) thì có thể xử vụ án trên nền tảng lầm lẫn.[6]
  1. Liên hệ giữa điều kiện và lầm lẫn do lừa gạt (đ. 1097#2)[7]
Có sự liên hệ rất gần giữa kết hôn với điều kiện và lầm lẫn do lừa gạt. Ví dụ như một người nam kết hôn với một người nữ nghiện rượu, anh ta có thể khiếu nại rằng anh ta đã bị lầm lẫn hoặc đã kết hôn có điều kiện.
Tùy theo hoàn cảnh, có thể chọn nền tảng tiêu hôn nào thích hợp hơn. Chẳng hạn, khi sự lừa gạt biểu hiện rõ hơn (người nữ che dấu hoàn toàn việc mình nghiện rượu) và sự biết về nó thì ít (người nam không biết gì về vấn đề ấy của cô ta), thì lầm lẫn nên là nền tảng tiêu hôn. Nhưng khi sự biết thì nhiều (người nam nghi ngờ mạnh mẽ rằng cô ấy nghiện rượu) và lừa gạt thì ít (cô ta có nói rằng cô ta uống nhiều) thì điều kiện nên là nền tảng tiêu hôn.
  1. Kết hôn với điều kiện hoặc lầm lẫn tại Việt Nam
Trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, có thể có những trường hợp kết hôn có điều kiện hoặc bị lầm lẫn. Điều kiện thường không được nói rõ ràng nhưng được hàm ẩn. Nếu chứng tỏ được một hoàn cảnh hay tư cách được nhắm đến là chính yếu và hôn nhân chỉ là lệ thuộc, thì hôn nhân vô hiệu, trong các trường hợp:
  1. Kết hôn với Việt kiều với điều kiện được đi nước ngoài hoặc mục đích khác như được trợ cấp nuôi gia đình …
  2. Kết hôn với người lương (chuẩn khác đạo) với điều kiện người lương sẽ phải theo đạo Công Giáo, hoặc cho con được rửa tội.
  3. Kết hôn với người lương trở lại đạo, với điều kiện người lương phải giữ đạo.
  4. Kết hôn với người đã làm nghề mại dâm, với điều kiện bỏ nghề xấu đó.
  5. Kết hôn với người có những tật xấu như: bạo lực, rượu chè, cờ bạc, nghiện hút… Trong những trường hợp này có thể áp dụng vấn đề hoàn thiện cá nhân khi sự hoàn thiện được nhắm đến hơn cả hôn nhân.
  6. Kết hôn với điều kiện giàu có.
  7. Kết hôn với điều kiện có con dõi hoặc để cho cha mẹ có cháu bồng.
  8. Kết hôn với điều kiện là để chăm sóc cha mẹ già hoặc nhà cửa.
  1.  Vụ án điển hình về điều kiện kết hôn
Đây là một vụ án được xử bởi tòa Thương thẩm Roma, Coram  Kenneth E. Boccafola, 27-5-1987[8]. Đôi bạn đã đặt điều kiện về nơi ở trước khi kết hôn.
Agatha sinh năm 1956, đang học ở Âu Châu có cha là người Irag và mẹ là người Anh. Có dự định là gia đình sang sống ở Ý. Nàng gặp Benedic và hai người yêu nhau. Tháng 10-1975 hai anh chị đính hôn nhân dịp mẹ Agatha sang thăm, mặc dù cha vì bận việc ở quê nhà nên không đi được.
Phần lớn thời gian đính hôn là êm ả nhưng bắt đầu có vấn đề khi cha Agatha đến Âu Châu và cô phải giúp cha trong công việc kinh doanh. Anh Benedic có vấn đề với não trạng gia chủ và Đông phương của cha Agatha. Sau khi cha Agatha cho cô một căn hộ trong chung cư mà ông đang ở, thì vấn đề nẩy sinh: hai anh chị không đồng ý với nhau về ngày cưới và nơi ở cho cuộc hôn nhân. Sau tranh cải trầm trọng, họ dời ngày cưới từ tháng 8 năm 1980 sang tháng 4 năm 1981.
Sau ngày cưới tại nhà thờ, họ sống tại căn hộ, trong chung cư mà cha Agatha làm việc. Không may là, bất đồng và tranh cải bùng nổ sau đó không lâu, chỉ sau 4 tháng kết hôn là họ chia tay. Cha Agatha đã cố thuyết phục và họ lại chung sống với nhau  trong căn hộ đó nhưng không hạnh phúc. Vào tháng 12 năm 1981, họ chia tay vĩnh viễn, 8 tháng sau kết hôn.
Người vợ đã đệ đơn xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu lên tòa cấp I với hai lý do: hà tỳ ưng thuận do chồng đã đặt một điều kiện kết hôn không được hoàn thành, nếu tòa không chấp thuận vô hiệu hôn nhân thì, 2) loại trừ bonum sacramenti bởi cả hai bên. Tòa cấp một đã ra phán quyết affirmative dựa  trên nền tảng kết hôn với điều kiện. Tuy nhiên, Bảo hệ viên đã kháng án lên tòa Thượng thẩm Roma và đã được nhận xử vụ này (theo điều 1682#2).
Tòa Rota đã thỏa thuận nghi vấn tiêu hôn như nguyên đơn đề nghị. 
Trong phần lập luận của bản án, có những lý lẽ đáng chú ý như sau:
  1. Có tự thú tư pháp của bị đơn được thấy trong hồ sơ vụ án: “Tôi đã nhất định là không sống trong thị trấn của cô ấy đến nỗi nếu yêu cầu của tôi không được tôn trọng, hôn nhân sẽ không xảy ra. Thật sự, thì tôi cũng nói với Agatha rằng, nếu cô ấy không đồng ý sống ở thành phố của tôi, tôi không lấy cô ấy”.
  2. Nguyên đơn là Agatha, xác nhận rằng có những tranh cải về chuyện này.
  3. Có 7 nhân chứng xác nhận về việc ra điều kiện nơi ở.
  4. Thẩm phán thấy có động lực của điều kiện: Chồng không muốn sống trong tầm kiểm soát của cha vợ.
  5. Đối tượng của điều kiện được chứng tỏ bằng những yêu cầu nhiều lần của chồng. Hai bên đã bàn luận việc này từ mùa hè năm 1980, trước kết hôn.
  6. Phản ứng mạnh mẽ: Tháng 8 năm 1981 Benedic đã chia tay sau khi cải nhau vì vợ đã không giữ lời hứa. Bốn tháng sau, khi vợ nói là không chuyển đến ở thành phố của chồng, anh đã dứt khoát ra khỏi nhà.
Tòa Rota đã xác nhận hôn nhân vô hiệu trên nền tảng hôn nhân với điều kiện.

 
 
[1] Cf. L.G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 155.
[2] Cf. L.G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 156.
[3] L.G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 159.
[4] Cf. L.G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 160.
[5] Cf. Ibidem, 160-161.
[6] Cf. Ibidem, 161.
[7] Cf. Ibidem.
[8] Cf. V. VONDENBERGER (Ed.), Rotal Jurisprudence. Selescted translations, CLSA, Washington. DC, 2011, 1-18.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay908
  • Tháng hiện tại20,847
  • Tổng lượt truy cập11,104,697
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi