KẾT HÔN VÔ HIỆU DO “GIAN Ý” (SIMULATIO) - Dom. Nguyễn Văn Mạnh

Thứ sáu - 15/04/2016 08:37
Kết hôn với gian ý (simulatio), còn gọi là trá hình hoặc giả hình, khiến cho hôn nhân vô hiệu. Những trường hợp kết hôn gian ý có thể xảy ra nơi những người thiếu đức tin, người quen với văn hóa đa thê ... hoặc người dùng hôn nhân như là một phương tiện để mưu lợi, để tránh một điều xấu hay tai hại nào đó.

KẾT HÔN “GIAN Ý” (Simulatio)

(SỰ LOẠI TRỪ TỪNG PHẦN VÀ TOÀN PHẦN)

 
Điều 1101

§ 1. Sự ưng thuận trong lòng được suy đoán là phù hợp với những lời nói hay những dấu chỉ được sử dụng trong khi cử hành hôn nhân.
§ 2. Nhưng nếu một bên hay cả hai bên, bằng một hành vi tích cực của ý chí, loại trừ chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân, thì họ kết hôn với nhau bất thành.

 

I. SỤ ƯNG THUẬN LÀM THÀNH HÔN NHÂN

  1. Để hiểu hiện tượng kết hôn mà lại loại trừ chính hôn nhân (hoặc các yếu tố hay các đặc tính chính yếu của hôn nhân), chúng ta nhớ lại nguyên tắc đã được nêu ở đ. 1057, theo đó chính sự ưng thuận của đôi bên làm thành hôn nhân, nghĩa là hành vi của ý chí qua đó một người nam và một người nữ hiến thân cho nhau và chấp nhận nhau để tạo thành hôn nhân. Từ định nghĩa này ta có hệ luận : để ký kết hôn nhân, phải có một hành vi nhân linh, bao hàm lý trí (sử dụng đủ trí khôn đ. 1095,1o) và ý chí,
  • một sự hiểu biết tối thiểu về bản chất hôn nhân (đ. 1096),
  • một khả năng phán đoán cách cụ thể về những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân (đ. 1095,2o) ;
  • một sự tự do căn bản bên trong (đ. 1095,3o) cũng như bên ngoài (đ. 1103).
  1. Xác định sự ưng thuận là một hành vi của ý chí rồi, ta có thể nêu câu hỏi đâu là đối tượng của sự ưng thuận và đâu là những mục đích nhắm tới khi đôi bạn bày tỏ sự ưng thuận kết hôn. Thực ra, xác định đối tượng của sự ưng thuận hôn nhân dễ hơn xác định mục đích của hôn nhân. Đối tượng riêng biệt của hôn nhân hệ tại ở việc đôi bạn hiến thân cho nhau và chấp nhận nhau, với tất cả những yếu tố làm thành hôn nhân (đ. 1057 § 2):
  • sự thông hiệp trọn cả cuộc sống,
  • hướng đến thiện ích của đôi bạn,
  • cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái,
  • tính đơn nhất và bất khả phân ly,
  • với phẩm giá bí tích của hôn nhân (x. đđ. 1055-1056).
  1. Cụ thể, khi một người quyết định kết hôn theo giáo luật, thì phải giả thiết là người ấy muốn kết hôn thực sự theo nghĩa chuyên môn như được quy định ở đ. 1101 § 1, nghĩa là ít nhất cách mặc nhiên, người ấy chấp nhận chứ không loại trừ những yếu tố hay những đặc tính chính yếu của hôn nhân bằng một hành vi tích cực của ý chí.
Điều 1101 suy đoán là sự ưng thuận trong lòng phù hợp với những lời nói hay những dấu chỉ được sử dụng trong khi cử hành hôn nhân. Tuy nhiên, suy đoán này chấp nhận bằng chứng ngược lại (đ. 1101 § 2), nghĩa là vào lúc bày tỏ sự ưng thuận kết hôn, có thể một bên hay cả hai bên, bằng một hành vi tích cực của ý chí, loại trừ chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân. Trong trường hợp này, hôn nhân bất thành, và ta gọi hành vi ý chí đi ngược lại như vậy là “gian ý[1].

II. SỰ GIAN Ý, HÀNH VI TÍCH CỰC CỦA Ý CHÍ

  1. Dựa trên định nghĩa về hôn nhân ở đ. 1055 § 1, hôn nhân tự bản chất là một sự thông hiệp trọn cả cuộc sống, tạo nên giữa người nam và người nữ một giao ước bất khả thu hồi (đ. 1057 § 2), “không do ý muốn tùy tiện của con người, mà do ý định của chính Đấng Tạo Hóa” (GS 48) ; do đó, giao ước hôn nhân đòi hỏi sự ưng thuận (đ. 1057 § 1) mà đôi bên bày tỏ phải tự thâm tâm, nghĩa là chân thật và không “gian ý”.
Cũng thế, quy chế hôn nhân và tình yêu vợ chồng “tự bản chất” hướng đến việc sinh sản và giáo dục con cái, và tìm thấy nơi con cái sự thành đạt của mình ; và với tính cách là sự trao hiến hỗ tương hướng đến thiện ích của chính đôi bạn cũng như của con cái, nên đòi hỏi đôi bạn một sự chung thủy trọn vẹn, một sự đơn nhất, bất khả phân ly (GS 48, đ.1056).
Do đó, một sự bày tỏ ưng thuận kết hôn mà lại “gian ý”, nghĩa là bên ngoài bày tỏ một đàng mà ý chí bên trong lại muốn ngược lại, thì đương nhiên chỉ có thể là vô hiệu, như được quy định ở đ. 1101 § 2.
  1. Học lý và án lệ dùng từ “gian ý”, trong khi Bộ Giáo luật hiện hành dùng từ “loại trừ” (x. đ. 1101 § 2). Hiện tượng gian ý hay loại trừ này có thể liên quan đến toàn thể hôn nhân, mà cũng có thể chỉ liên quan đến một yếu tố hay một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân mà thôi. Từ đó, ta có :
  • gian ý toàn phần nếu là loại trử chính hôn nhân,
  • gian ý từng phần nếu chỉ loại trừ một yếu tố hay một đặc tính chính yếu của hôn nhân.


III. GIAN Ý TOÀN PHẦN, GIAN Ý TỪNG PHẦN

Như vừa nêu trên, ngoài việc loại trừ chính hôn nhân (đ. 1101 § 2 ; GL 1917, đ. 1086 § 2), người ta còn có thể loại trừ một hay nhiều yếu tố hoặc đặc tính chính yếu của hôn nhân (đ. 1101 § 2).
  1. Loại trừ chính hôn nhân (matrimonium ipsum), khi không thực sự muốn kết hôn, vì không hoàn toàn nhìn nhận người kia như là phối ngẫu của mình, và không giữ những nghĩa vụ hôn nhân cả về mặt luân lý lẫn pháp lý.
  2. Liên quan đến các yếu tố chính yếu, người ta có thể loại trừ hoặc thiện ích của đôi bạn hoặc thiện ích của con cái, mà đ. 1055 § 1 định nghĩa như là những mục đích chính yếu của “sự thông hiệp trọn cả cuộc sống”.
  3. Liên quan đến các đặc tính chính yếu, thì cụ thể người ta có thể loại trừ tính đơn nhất-chung thủytính bất khả phân ly (x. đ. 1056). Việc loại trừ những đặc tính chính yếu này luôn bao hàm một hành vi tích cực của ý chí muốn loại trừ, và do đó  không được lẫn lộn với sự không biết hay lầm lẫn thuần túy trong lý trí mà không chi phối ý chí (x. đ. 1099), cũng  không chỉ là một ý hướng chung chung, một suy đoán, hay chỉ là một tiên liệu hôn nhân không bền, mà  không thực sự tác động trên ý chí.


IV. CHỨNG MINH GIAN Ý TOÀN PHẦN, TỪNG PHẦN

  1. Vì “gian ý” là một hành vi tích cực của ý chí, đồng thời vì luật đã suy đoán sự ưng thuận trong lòng là tương hợp với những lời nói hay những dấu chỉ bên ngoài (thuyết phục hơn lời nói verbis eloquentiora) khi cử hành hôn nhân (x. đ. 1101 § 1), nên hành vi gian ý đi ngược với sự suy đoán ấy của luật phải được chứng minh.
  2. Để chứng minh, có chứng cớ trực tiếp và gián tiếp.
  • Chứng cớ trực tiếp qua đó dựng lại ý muốn của đương sự vào lúc kết hôn : chủ yếu là lời “tự thú tư pháp” của chính đương sự và lời “tự thú ngoài tư pháp” được các nhân chứng đáng tin cậy thuật lại (không thể nghi ngờ xét về thời điểm, về nội dung lời chứng, cũng như tính cách đáng tin cậy của nhân chứng[2]).
  • Chứng cớ gián tiếp : dựng lại ý muốn của đương sự qua con đường suy luận từ những sự kiệntình huống có giá trị chứng minh, như : lý do kết hôn[3] (causa contrahendi), lý do gian ý[4] (causa simulandi), và những tình huống (circumstantiae) trước khi, trong khi và sau khi kết hôn[5].
  1. Án lệ Rota từ xưa đến nay vẫn luôn nhấn mạnh rằng lời tự thú tư pháp của đương sự, dù quan trọng đến mấy, cũng chỉ là bước đầu giúp xác minh sự thật chứ chưa phải đã là sự thật. Trái lại, chứng cớ thuyết phục chứng minh cho sự gian ý, và do đó cần thiết hơn, là lời tự thú ngoài tư pháp được các nhân chứng cung khai trước tòa, mà cần chú trọng về giá trị và phẩm chất đáng tin cậy của lời chứng hơn là con số nhiều các nhân chứng.
  2. Cần đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của lý do gian ý[6] (causa simulandi), qua việc cứu xét cẩn thận lý do đã được các nhân chứng trưng dẫn, làm sao để lý do này nghiêm trọng và mạnh mẽ hơn lý do kết hôn (causa contrahendi). Muốn vậy, phải so sánh đối chiếu với lý do kết hôn, cũng như với tất cả mọi tình huống về thời gian, nơi chốn, con người ; cũng phải cẩn thận cứu xét những động thái trước khi kết hôn, sau khi kết hôn, cũng như sự đáng tin cậy của người giả thiết có gian ý.


A. LOẠI TRỪ VIỆC SINH CON

  1. Để làm chứng gian ý loại trừ việc sinh con, trước hết phải khởi đi từ sự kiện nền tảng là hôn nhân tự bản chất hướng đến việc sinh sản và giáo dục con cái (đ. 1055 § 1). Việc tự nhiên hướng đến sinh con như vậy thuộc cơ cấu nền tảng của hôn nhân ; vì thế, có sự gian ý mỗi khi cơ cấu sinh dưỡng này bị loại trừ : thí dụ khước từ không cho người phối ngẫu được quyền có những hành vi vợ chồng[7] ; hay chấp nhận cho thực hiện hành vi vợ chồng nhưng lại ngăn cản thụ thai (dùng biện pháp ngừa thai) ; hoặc tìm cách phá thai nếu mang thai hay vứt bỏ nếu đã sinh ra.
Ý chí loại trừ như thế phải “tự nguyên tắc” : nghĩa là loại trừ trên nguyên tắc việc sinh con cũng như quyền của người phối ngẫu được có những hành vi đưa đến việc sinh con ; và phải “ngay từ ban đầu”, nghĩa là đã có ý như vậy ngay từ lúc ưng thuận kết hôn. Bất cứ gian ý loại trừ nào đến sau khi đã kết hôn[8], đều không làm cho hôn phối bất thành, bởi vì đã không ảnh hưởng đến sự ưng thuận, đã được bày tỏ rõ ràng và trọn vẹn vào lúc cử hành hôn nhân.
  1. Cần phân định rõ ràng đương sự thực sự loại trừ việc sinh con hay chỉ trì hoãn việc có con. Ai trì hoãn, thì trên nguyên tắc vẫn chấp nhận có con và chỉ tạm hoãn việc có con ấy trong một thời gian nào đó, trong khi người loại trừ, thì dù chỉ tạm thời, cũng khước từ quyền có con, bằng cách sử dụng các biện pháp ngừa thai hay nếu có thai thì sẽ phá.
Một yếu tố nữa giúp thẩm định, đó là phân biệt rõ ràng việc trì hoãn có con với việc loại trừ việc sinh con có điều kiện. Trong khi người trì hoãn có con quyết định : “Tôi muốn có con, nhưng tôi thấy lúc này chưa thuận tiện”, và thường người ấy sử dụng những phương pháp ngừa thai hợp luân lý, trái lại người loại trừ việc sinh con có điều kiện quyết định : “Hiện tại tôi không muốn có con, nhưng tôi có thể thay đổi quyết định để chấp nhận có con nếu hội đủ những điều kiện nào đó”, thí dụ nếu tình trạng kinh tế khá hơn, nếu thấy hôn nhân suông sẻ, hoặc nếu người phối ngẫu bỏ một thói quen nguy hại nào đó. Cũng ghi nhận rằng việc loại trừ có điều kiện như thế, tuy bên ngoài có vẻ tạm thời, nhưng có thể trở thành vĩnh viễn nếu những điều kiện mong muốn ấy không đến.
Sau hết, cũng cần phân biệt việc loại trừ sinh con với việc làm cha mẹ có trách nhiệm. Người loại trừ tạm thời, loại trừ vĩnh viễn, hay loại trừ có điều kiện không tôn trọng cơ cấu hướng đến việc sinh con của hôn nhân. Trong khi đó, người “làm cha mẹ có trách nhiệm” giả thiết chấp nhận việc sinh con và những hành vi vợ chồng hướng đến việc sinh sản, và áp dụng những phương pháp điều hòa sinh sản mà Huấn quyền, dưới ánh sáng của khoa học hiện đại, tuyên bố là có tôn trọng những giá trị nhân học cũng như luân lý.
  1. Để kiểm chứng có gian ý loại trừ việc sinh con bằng một hành vi tích cực của ý chí hay không, cần lưu ý một vài yếu tố giúp thẩm định sau đây :
  • Tâm lý và văn hóa của người được coi là gian ý ;
  • Lập trường rõ ràng của người ấy về vấn đề con cái trong chính hôn nhân của họ ;
  • Người ấy có sẵn sàng thú nhận ý định của mình trong Tòa án hay không, đối chiếu với lời khai của các nhân chứng ;
  • Những lý do khiến người ấy loại trừ việc sinh con, xét song song với lý do người ấy kết hôn trong Giáo Hội[9].
  • Cũng xét hoàn cảnh thực tế xem người ấy có con cái không, vì nếu nói có gian ý loại trừ việc sinh con nhưng thực tế lại có con, thì là một dấu chỉ “phản chứng” ; có dùng biện pháp tránh thai không (lời khai của các bác sĩ đã giúp thực hiện, chứng từ y khoa) ; đã có những lần chủ động phá thai không. Cũng lưu ý xem có con cái từ những cuộc chung sống sau khi đã chia tay không, nhất là nếu lý do gian ý thuộc loại chung chung, như do tính ích kỷ, muốn được tự do, sự sợ hãi một chứng bệnh mà người gian ý đã nhiễm phải.


B. LOẠI TRỪ TÍNH BẤT KHẢ PHÂN LY

  1. Hôn nhân bất khả phân ly không thuần túy chỉ vì do luật lệ áp đặt từ bên ngoài, nhưng là đòi hỏi tự nhiên của tình yêu đích thực : hôn nhân đòi phải vĩnh viễn. Đây là đặc tính của mọi hôn nhân thành sự, kể cả hôn nhân tự nhiên. Là một đặc tính chính yếu (đ. 1056), do đó nếu bị loại trừ, và bằng một hành vi tích cực của ý chí, thì sự ưng thuận bị hà tì, vì nhắm đến một đối tượng không phải là hôn nhân đúng nghĩa theo cách hiểu của Giáo luật.
  2. Người gian ý có thể có ý định trong lòng loại trừ tính bất khả phân ly. Trong việc tìm chứng cớ, cần phân biệt những loại ý muốn khác nhau :
  • Ý muốn minh nhiên, khi đương sự trực tiếp nhắm đến đối tượng là khước từ dây hôn phối bất khả phân ly : “Tôi loại trừ dây hôn phối vĩnh viễn với người này”.
Ý muốn mặc nhiên, khi đương sự muốn kết hôn nhưng với điều kiện có thể giải gỡ được : “Nếu hôn nhân với người này mà kết cục bi đát, thì tôi nhất quyết sẽ bỏ”.
  • Ý muốn tuyệt đối, khi đương sự sống trong một văn hóa-ý thức hệ “dị ứng” với hôn nhân bất khả phân ly tự trên nguyên tắc : “Tôi không bao giờ chấp nhận một dây hôn phối vĩnh viễn ; với tôi, đó là một điều không thể tưởng tượng và cũng không thể chấp nhận được”.
Ý muốn có điều kiện, khi đương sự không loại trừ hôn nhân bất khả phân ly trên nguyên tắc, nhưng e ngại hôn nhân có thể không xuôi xắn nên có ý đề phòng trước nếu không xuôi xắn thì sẽ ly dị.
  1. Những yếu tố giúp thẩm định cụ thể :
  • Những xác tín tôn giáo của đương sự, thí dụ một tín hữu công giáo sùng đạo sẽ khó có thể loại trừ tính bất khả phân ly của dây hôn phối ;
  • Những xác tín về hôn nhân, thí dụ xem đương sự, vào lúc kết hôn, có tâm lý chủ trương ly dị không ; 
  • Quan hệ của hai người trong thời gian đính hôn, vì những mâu thuẫn, cãi cọ hay tạm thời chia tay có thể là lý do khiến dè dặt khi nghĩ đến tương lai ; có nghi ngờ, e ngại, phân vân hay lo sợ hôn nhân sẽ không hạnh phúc không ;
  • Không chấp nhận bất khả phân ly, vậy tại sao đương sự vẫn cử hành hôn nhân theo giáo luật ; hoặc ngược lại, đương sự đã chỉ muốn kết hôn dân sự hay chỉ muốn chung sống chứ không muốn kết hôn giáo luật để không bị ràng buộc ;
  • Có con cái hay không, vì nếu có con cái thì cách nào đó là dấu chứng tỏ đương sự không khước từ dấn thân vĩnh viễn.
  • Một sự rút lui nhanh chóng, ly thân rồi ly dị tòa đời, là dấu chứng tỏ sự gian ý, nhất là nếu sự rút lui là đơn phương và cương quyết dù người kia không muốn và còn đang tìm cách cứu vãn.


C. LOẠI TRỪ TÍNH ĐƠN NHẤT/CHUNG THỦY

  1. Theo truyền thống học lý, bonum fidei[10] đồng nghĩa với đơn nhất[11], nghĩa là đối với cùng một người, không thể tồn tại cùng một lúc hai dây hôn phối khác nhau. Vì thế, người kết hôn mà loại trừ tính đơn nhất, qua ý định thiết lập một tương quan vợ chồng với người thứ ba, hứa cho người ấy quyền được có những hành vi tự nó thích hợp cho việc sinh sản, thì kết hôn không thành. Trong khi đó, người có ý định không chung thủy lại không làm cho hôn nhân vô hiệu, vì không có ý định dành cho người thứ ba quyền ấy, mà chỉ là một sự lạm dụng quyền ấy, một yếu đuối, sai lỗi.
  2. Tuy nhiên, từ thập niên 60, đã bắt đầu có nhận xét rằng người loại trừ bonum fidei thì không loại trừ để gánh lấy nghĩa vụ khác, mà là để giải thoát mình khỏi một nghĩa vụ, nghĩa vụ chung thủy với người phối ngẫu hợp pháp của mình.
Ngày nay, nhờ các án lệ soi sáng, đa số cho rằng người loại trừ bonum fidei không chỉ là người có ý định dành cho người khác quyền riêng của người phối ngẫu được có những hành vi tự nó thích hợp cho việc sinh sản, mà cả người không nhìn nhận sự độc chiếm của quyền này, qua việc cho mình được quyền quan hệ tính dục với những người khác.
Do đó, người ta phân biệt trong loại trừ bonum fidei hai sự loại trừ khác nhau : loại trừ quyền độc chiếm của người phối ngẫu được có những hành vi vợ chồng (chung thủy), và loại trừ sự đơn nhất, nghĩa là trao quyền đó cho nhiều người[12].
  1. Giáo luật hiện hành : Sự trao hiến chính mình cho nhau trong hôn nhân (x. đ. 1057 § 2) được biểu lộ qua sự sẵn sàng dành cho người phối ngẫu – và chỉ một mình người ấy mà thôi – được quyền có những hành vi tự nó thích hợp cho việc sinh sản. Vì thế, người dành quyền độc chiếm và vĩnh viễn ấy cho cả những người khác nữa – loại trừ tính đơn nhất – và người trên nguyên tắc cho mình được quyền không tôn trọng quyền độc chiếm ấy – loại trừ sự chung thủy – thì kết hôn không thành, vì sự ưng thuận của người đó tự bản chất đã bị hà tì.
  2. Để hiểu rốt ráo ý nghĩa toàn diện của sự đơn nhất/chung thủy hôn nhân, cần khởi đi từ đối tượng của sự ưng thuận : đối tượng của sự ưng thuận hôn nhân là hiến thân cho nhau và chấp nhận nhau một cách trọn vẹn để tạo thành hôn nhân (đ. 1057 § 2). Do đó, đối tượng của sự ưng thuận hôn nhân không chỉ là quyền độc chiếm và vĩnh viễn được có những hành vi tự nó thích hợp cho việc sinh sản (GL 1917, đ. 1081 § 2), mà còn cả quyền độc chiếm và vĩnh viễn được thông hiệp trọn cả cuộc sống (đ. 1055 § 1).
Do đó, phải coi là vi phạm sự đơn nhất/chung thủy hôn nhân và do đó kết hôn không thành không chỉ người cho mình quyền có những tương quan khác giới tự nó thích hợp cho việc sinh sản, mà cả những quan hệ khác giới không mở ngỏ cho sự sinh sản.
  1. Những yếu tố giúp thẩm định cụ thể :
  • Lối sống của đương sự trái ngược với tính đơn nhất, có khuynh hướng “phóng đãng”, quan niệm và xác tín của người ấy trong vấn đề hôn nhân ;
  • Xem đương sự có trung thành trong thời gian tìm hiểu hay đính hôn không. Nếu không trung thành, thì quan hệ “bất trung” ấy thuộc loại bền vững hay qua đường ;
  • Đến gần ngày cưới, đương sự có ý định thế nào đối với những quan hệ đó ; có  cam kết gì với tình nhân không ; có cắt đứt quan hệ khi quyết định hôn nhân không hay trái lại vẫn tiếp tục quan hệ dù cử hành hôn lễ.
  • Tại sao đương sự đã cử hành hôn nhân phép đạo, và đặc biệt lý do tại sao người ấy kết hôn (causa contrahendi). Theo án lệ, lý do này càng yếu (thí dụ vì lợi lộc, vì bị áp lực của người khác) thì càng dễ gian ý, và ngược lại.
  • Đương sự đã tuân giữ nghĩa vụ chung thủy trong hôn nhân thế nào và đã biện minh cho những lần bất trung ra sao, cho là mình có quyền bất trung hay trái lại ý thức mình có lỗi và do đó hứa sửa lỗi. Đương sự vi phạm với chính người đã quen biết từ trước kết hôn và có sắp xếp từ trước không, hay với người khác do cơ hội sau này.
  • Đương sự, nói chung, đã trung thành với những nghĩa vụ khác của hôn nhân như thế nào, thí dụ thái độ đối với người phối ngẫu, với con cái, có chia sẻ trách nhiệm gia đình về kinh tế cũng như bằng sự hiện diện không.


D. LOẠI TRỪ CHÍNH HÔN NHÂN

  1. Án lệ đã giúp làm sáng tỏ một vài “diện mạo” cụ thể của việc loại trừ chính hôn nhân. Việc loại trừ chính hôn nhân  hay gian ý toàn phần có thể xảy ra :
  • Khi khước từ không coi người kia như là vợ/chồng của mình, vì hôn nhân đã bị đặt định trước.
  • Khi cương quyết chống lại hôn nhân vì bị cưỡng ép kết hôn hay chống lại hôn nhân định chế, đạo cũng như đời, vì không muốn bị ràng buộc bởi luật lệ.
  • Khi cương quyết khước từ những yếu tố tối thiểu của sự đồng phận trọn cả cuộc sống, tức là một cuộc chung sống vĩnh viễn vì thiện ích của đôi bạn và của con cái (x. đđ. 1055 § 1 ; 1096).
  • Khi đương sự chỉ lợi dụng việc kết hôn như một phương tiện để nhằm một mục đích hoàn toàn ngoại tại, chứ không thực sự có ý kết lập hôn nhân hay tôn trọng những nghĩa vụ-quyền lợi của hôn nhân, thí dụ chỉ cốt để hưởng gia tài, để được đi định cư nước ngoài.
  • Khi chỉ cử hành lễ cưới cho có hình thức, thí dụ chỉ để làm vừa lòng người phối ngẫu hay gia đình hoặc chỉ vì tục lệ xã hội, đặc biệt trường hợp người dù đã rửa tội nhưng hầu như không sống đạo. Nhưng cũng cần thận trọng phân định, vì không phải cứ có ý định chỉ kết hôn “cho có hình thức” là đương nhiên hàm ý tích cực loại trừ những nghĩa vụ tương ứng, thí dụ một người có thể cho việc kết hôn ở nhà thờ chẳng có giá trị gì, nhưng đồng thời vẫn muốn thực sự trở nên vợ/chồng của người phối ngẫu, với những nghĩa vụ và quyền lợi của đời sống hôn nhân.
  1. Những yếu tố giúp thẩm định cụ thể :
  • Những xác tín của đương sự về tôn giáo, xã hội, chính trị và tâm lý chống Giáo Hội, nếu có.
  • Đương sự có nhắm mục đích nào khác khi kết hôn không.
  • Lý do chính yếu thúc đẩy đương sự kết hôn là lý do nào, và đương sự có sẵn sàng cho biết ý muốn thật sự của mình khi kết hôn không.
  • Đương sự có tôn trọng những nghĩa vụ hôn nhân trong cuộc sống vợ chồng không.
 

PHẦN THỰC HÀNH, NHỮNG NỐ CỤ THỂ 


A- LOẠI TRỪ VIỆC SINH CON

(Thảo – Bảo)
I. SỰ KIỆN
Năm lên 14 tuổi, chỉ trong vòng vài tháng Thảo cùng với hai người em đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Để tránh cho ba chị em không phải vào cô nhi viện, cũng như không phải xé lẻ ở ba cô nhi viện khác nhau, Thảo đã thuyết phục được một ông chú cùng làng nhận cô và hai người em làm con nuôi, và như thế cô và hai người em có thể ở lại trong ngôi nhà cũ của cha mẹ, dưới trách nhiệm chăm sóc của ông chú bà dì. Chính Thảo chịu trách nhiệm trông coi các em. Thực ra không chỉ trông coi, mà cô còn đi làm để góp phần nuôi dưỡng chúng.
Năm 18 tuổi Thảo quen biết Bảo, một thanh niên cùng làng rất mê cô và tỏ ra quan tâm săn sóc đối với các em nhỏ của cô. Bảo ngỏ lời cầu hôn và – dù không yêu chàng lắm và dù vốn bị mặc cảm rất sợ hãi việc vợ chồng cũng như việc sinh con – Thảo đã chấp nhận, vì Bảo sẵn sàng đón nhận cả hai người em của cô vào trong gia đình mới.
Tuy nhiên, sau nhiều năm Thảo vẫn không thể trao hiến cho chồng vì mặc cảm sợ hãi nói trên, và hôn nhân của họ vẫn không hoàn hợp. Sau đó, Thảo bị một người đàn ông dụ dỗ và đã vài lần giao du thân mật. Vì hối hận, Thảo đã tự thú ngay với Bảo, và Bảo tha thứ cho cô. Muốn chuộc lại lỗi lầm bất trung ấy, Thảo đã hết sức cố gắng và cuối cùng cũng đã có thể giao hợp được với chồng, nhưng rất đau đớn cả về sinh lý lẫn tâm lý. Thấy mình có thai, nhưng một đàng vì mặc cảm sợ hãi sinh con, đàng khác vì không chắc chắn ai là cha đứa bé (việc nàng ăn ở với người đàn ông kia cũng như với chồng quá gần nhau), Thảo đã phá thai. Cuối cùng, hai người ly thân, rồi ly dị.
Vài năm sau, Thảo tái hôn với một người khác. Cô không còn phải lo cho hai người em vì chúng đã lớn, nhưng vẫn còn đó nỗi ám ảnh sợ hãi về việc sinh con. Một lần nữa cô lại có thai. Lần này cô đã có thể mang thai đến cùng, nhưng các bác sĩ và chuyên viên đã phải nhiều lần can thiệp chữa trị cho nàng cả về tâm lý lẫn tâm thần.
II. CHỨNG CỚ
Chứng cớ trực tiếp ít ỏi đã được bổ sung nhờ chứng cớ gián tiếp được xác nhận chắc chắn về việc Thảo loại trừ việc sinh con qua những sự kiện nêu trên :
  • tiền sử về gia đình bất hạnh của Thảo,
  • sự kiện Thảo lo lắng cho các em còn nhỏ của mình,
  • nỗi ám ảnh sợ hãi trong việc sinh con,
  • sự kiện nàng phải hết sức khó khăn mới có thể giao hợp được với chồng,
  • việc nàng phá thai,
  • làm thế nào để nàng có thể mang thai đến cùng trong hôn nhân sau đó.
Toàn bộ những dữ kiện ấy bảo đảm cho sự khả tín của các đương sự trong vụ án, cũng như cho những chứng cớ trực tiếp ít oi.
III. NHẬN ĐỊNH
Nố hôn phối này cho thấy tầm quan trọng của lý do khiến loại trừ việc sinh con (ở đây là nỗi ảm ảnh sợ hãi sinh con đến nỗi trở thành tâm bệnh), và chứng tỏ rằng các “chứng cớ” khác nhau có thể “cộng hưởng” để giúp thẩm phán đạt được sự chắc chắn luân lý (x. đđ. 1536 § 2 ; 1679) và đi đến phán quyết hôn nhân vô hiệu.
  1. LOẠI TRỪ TÍNH BẤT KHẢ PHÂN LY

(Lâm – Tâm)
I. SỰ KIỆN
  • Anh Lâm và cô Tâm, cả hai công giáo, đã kết hôn dân sự 1989 và được thành sự hóa ngày 22 tháng 3 năm 1990. Cả hai lúc đó đều ở tuổi 22.
  • Sau khi thành sự hóa, hai người chung sống với nhau được khoảng 7 năm thì ly thân vào tháng  05/1997, vì Lâm say xỉn quá độ và gặp rắc rối nặng trong công việc. Hai người không có con, và đã được Tòa án dân sự quyết định cho ly hôn vào ngày 10/3/1998.
  • Ngày 07/7/2000 Lâm đệ đơn lên Tòa án Giáo Hội xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Tòa ấn định công thức nghi vấn như sau : “Có thực sự hôn nhân giữa Lâm và Tâm bất thành vì thụ đơn đã loại trừ tính bất khả phân ly của hôn nhân không ?”.
II. CHỨNG CỚ
Qua thẩm vấn và xét xử, Tòa xác nhận có chứng cớ hiển nhiên chứng tỏ Tâm đã loại trừ tính bất khả phân ly của hôn nhân. Có thể tóm tắt các chứng cớ như sau :
1. Những lý do khác nhau của việc Tâm kết hôn
  • Trước hết, lý do Tâm đã kết hôn dân sự, ít nhất ở mức độ nào đó, là để có thể thoát ra khỏi nhà cha mẹ cô. Cả ông Tính, bố của Tâm, cũng như mẹ là bà Toán đều rất nghiêm khắc với con cái và hầu như luôn luôn tỏ ra khó chịu mỗi khi nghe bất cứ người con nào bày tỏ muốn được độc lập khỏi ông bà, ngay cả khi chúng đã đến tuổi trưởng thành. Thí dụ ông bà nhấn mạnh là Tâm phải học ở trường làng, và cô phải ở nhà rồi đến trường học, chứ không được ở trọ tại lưu xá ; ông bà còn nhiều lần đe dọa là sẽ không cung cấp tiền cho cô đi học nữa nếu cô có ý định đi học ở trường khác.
Nhưng điều tệ hại nhất là bố của Tâm là tay nghiện rượu nặng, ông đã khiến mọi người sống bên ông phải khốn khổ.
Quả thật, Tâm đã học tại trường làng, nhưng khi tốt nghiệp ra trường vào tháng 5/1989, cô đã quyết định sẽ tìm cách thoát ra khỏi môi trường nghiệt ngã của gia đình. Và việc cô kết hôn với Lâm, người bạn cùng lớp mà cô đã chơi thân từ gần hai năm trước, là để thực hiện ý đồ này. Lý do vì sao cô đã chọn chỉ kết hôn dân sự chứ không kết hôn tôn giáo sẽ được đề cập sau.
  • Lý do tại sao về sau cô đã chấp nhận thành sự hóa hôn phối, đơn giản và đơn thuần chỉ vì cô bị bố mẹ bắt buộc. Ông bà đã tỏ ra giận dữ hết sức khi hay tin con gái mình chỉ kết hôn dân sự. Đối với ông bà, chỉ kết hôn dân sự có nghĩa là chung sống bất hợp pháp và như thế là liều mình sống trong tội lỗi, và mỗi khi có dịp ông bà lại thẳng thắn và nặng lời cho cô biết lập trường của mình. Ngoài ra, Tâm có một người chú làm linh mục, lời lẽ khéo léo hơn, nhưng ông cũng thúc giục Tâm và Lâm lo liệu việc hợp thức hóa. Và Tâm, trước đây vì kháng cự nên đã quyết định chỉ kết hôn dân sự, thì sau đó vì áp lực cũng đã phải chấp nhận hợp thức hóa hôn phối.
  • Lý do Tâm “gian ý”, nghĩa là cô có ý định sẽ ly dị Lâm “nếu cuộc sống hôn nhân không suông sẻ”, có hai mặt : trước hết là cô không thực sự yêu Lâm và phần nào cô còn ý thức rằng mình chỉ lợi dụng Lâm cho mục đích của mình ; thứ hai là vì Lâm trong suốt thời gian cùng học chung với Tâm và cả sau khi đã kết hôn dân sự, anh thường xuyên uống rượu say xỉn, và Tâm đã cương quyết chỉ muốn kết hôn với một người không say xỉn giống bố cô. Chính vì thế cô đã tự thề với bản thân nếu gặp một người như vậy, thì đến mức độ nào đó, cô sẽ ly dị và đường ai nấy đi.
  • Tóm lại, lý do khiến Tâm kết hôn dân sự cũng như hợp thức hóa hôn phối đều rõ ràng “không cao đẹp”, và do đó là cơ sở mạnh mẽ để cô kết hôn “gian ý”.
2. Ý định của Tâm vào thời điểm kết hôn dân sự
  • Nếu quả đúng là Tâm kết hôn năm 1989 chỉ ít lâu sau khi tốt nghiệp trung học để thoát khỏi bầu khí gia đình nghiệt ngã, thì điều cũng hết sức quan trọng cần lưu ý đó là cô đã chọn kết hôn trước mặt một viên chức chính quyền hơn là trước mặt một linh mục chính là vì cô ý thức rằng hôn nhân công giáo có tính cách bất khả phân ly, và cô thực sự muốn tránh một hôn nhân như vậy.
  • Theo Huber, nếu một bên muốn kết hôn dân sự chính vì biết có thể giải gỡ được,
  • thì phải giả thiết là người ấy vẫn duy trì lập trường như vậy ngay cả khi cuối cùng người ấy đã quyết định kết hôn ở nhà thờ chứ không kết hôn dân sự. Trường hợp chúng ta đang đề cập tới khác với trường hợp của Huber, ở chỗ Lâm và Tâm thực sự đã kết hôn dân sự trước rồi sau đó mới thành sự hóa, nhưng nguyên tắc của Huber vẫn có thể áp dụng trong trường hợp này. Tâm, vào thời điểm kết hôn dân sự, đã có ý định loại trừ sự bất khả phân ly, vậy có thể giả thiết là cô vẫn tiếp tục duy trì ý định đó ở thời điểm thành sự hóa sau này.
3. Tuyên bố của các đương sự
  • Tất cả những gì mô tả ở trên liên quan đến những lý do và ý định của Tâm vào thời điểm kết hôn dân sự đều đã được cả nguyên đơn lẫn thụ đơn xác nhận.
Nguyên đơn Lâm, tất nhiên, không thể biết được tất cả những  gì Tâm suy nghĩ trong đầu, nhưng anh biết và xác nhận sự kiện Tâm có ý muốn được độc lập, thoát khỏi sự khắc nghiệt của bố mẹ cô, rằng cô bất mãn về việc bố cô say xỉn, và lý do chính khiến cô muốn kết hôn trước viên chức chính quyền hơn là trước một linh mục là vì cô không muốn hôn nhân bất khả phân ly. Như thế, cho dù những nhận xét của nguyên đơn tại Tòa Án không chính xác và chi tiết như của thụ đơn, nhưng dù sao lời chứng của cả đôi bên đều hoàn toàn ăn nhập với nhau.
  • Tóm lại : 1) Thụ đơn, trong một cuộc trao đổi vắn gọn với nguyên đơn trước khi cử hành nghi thức kết hôn dân sự, đã cho anh biết là cô chọn kết hôn dân sự chính vì hôn nhân dân sự không ràng buộc bất khả phân ly. Như vậy, ta có được lời tự thú ngoài tư pháp ; 2) Thụ đơn cũng đã thực sự khai với Tòa như vậy ; do đó, ta cũng có được lời tự thú tư pháp ; và 3) Nguyên đơn cũng đã làm chứng về ý định của thụ đơn là loại trừ tính bất khả phân ly.
  • Ngoài ra, Tòa nhận xét cả Lâm lẫn Tâm đều là những người rất đáng tin cậy.
4. Chứng cớ của các nhân chứng
  • hai nhân chứng làm chứng cho nố này : Hoàng, anh của nguyên đơn, và Toàn, bố của thụ đơn.
Anh Hoàng làm chứng như sau : “Trước khi cử hành hôn nhân công giáo, Lâm đã cho tôi biết Tâm đã nói với anh là cô có do dự và điều làm cô do dự đó là Lâm say xỉn quá mức. Cô hy vọng hôn nhân sẽ tốt đẹp, nhưng nếu không suông sẻ, thì cô bắt buộc phải ly dị và đường ai nấy đi”.
Ông Toàn làm chứng theo hướng khác. Trước hết cần ghi nhận ông Toàn đã từng là một tay nghiện rượu nặng, cho đến năm 1999, ở tuổi 56, ông gia nhập Hiệp Hội giúp cai nghiện. Từ đó ông cai rượu, trở thành một “người hoàn toàn khác” và làm hòa với con gái. Tuy nhiên, chỉ sau Noel 2000 khi nố này đã bắt đầu rồi, ông và Tâm mới nói chuyện với nhau hơn hai tiếng đồng hồ về nố hôn phối này (trong số nhiều vấn đề khác) và đặc biệt về ý định của Tâm vào thời điểm cô kết hôn. Rõ ràng đây là “thời điểm không nghi ngờ”, và trao đổi giữa cha/con là chân thành, cũng như lời chứng của ông Toàn có rất nhiều chi tiết tương hợp với lời khai của các bên và của những nhân chứng khác, do đó đáng tin.
  • Như thế, ngoài lời cô Tâm nói với anh Lâm trước khi kết hôn dân sự, ở đây chúng ta còn hai lời tự thú ngoài tư pháp của cô nữa.
5. Chứng cớ từ hoàn cảnh 
  • Án lệ coi trọng những hoàn cảnh thực tế trước khi, trong khi và sau khi kết hôn nếu chúng soi sáng và giúp nhận ra sự thật. Đặc biệt, cả Giáo luật cũng như Rota đều nói đến những dấu hiệu (indicia), những yếu tố (adminicula, đ. 1679), cũng như những dữ kiện (adiuncta, đ. 1536 § 2) có tính thuyết phục.
  • Trong trường hợp ở đây, những dữ kiện quan trọng đó là Tâm đã được mô tả như là người ích kỷ, quy hướng mọi sự về mình và chỉ quan tâm đến những lợi ích riêng tư của mình, rằng cô không sùng đạo, không gắn bó với Giáo Hội, không tin tưởng vào giáo huấn của Giáo Hội, cũng như không tin vào tính bất khả phân ly của hôn nhân.
KẾT LUẬN
Với tất cả chứng cớ hiển nhiên như vậy, đặc biệt lời tự thú của thụ đơn cũng như những chứng cớ do các nhân chứng đem lại, Tòa kết luận là đã đủ bằng chứng chứng tỏ Tâm loại trử tính bất khả phân ly khi kết hôn với Lâm.
 
  1. LOẠI TRỪ SỰ ĐƠN NHẤT/CHUNG THỦY

(Ti– Vi)
I. SỰ KIỆN
  • Bà Vi công giáo và ông Ti ngoại giáo đã kết hôn tại nhà thờ ngày 14 tháng 3 năm 1998. Vi lúc đó 23 tuổi và Ti 29.
  • Hai người chung sống với nhau chỉ được 10 tháng, và đã ly thân vào tháng 01 năm 1999. Ông Ti, như được làm chứng, có lối sống vô luân với đòi hỏi tình dục không bao giờ thỏa mãn, đi chơi điếm thường xuyên cả trước cưới lẫn sau cưới – một điều đối với bà Vi là không thể chấp nhận được. Hai người đã ly hôn ở Tòa đời ngày 19/11/1999.
  • Ngày 05/5/2000 bà Vi đệ đơn lên Tòa án xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu vì lý do thụ đơn (ông Ti) đã loại trừ sự chung thủy.
II. CHỨNG CỚ
  • Một cách khái quát, trường hợp hôn nhân này rất giống với một trường hợp đã được xử ở Tòa cấp 2 ngày 26/6/1993 và ở cấp 3 ngày 18/4/1996.
Trong cả hai trường hợp (trường hợp vừa nhắc ở trên và trường hợp này), thụ đơn là một người nam đã quan hệ xác thịt với những phụ nữ khác trong nhiều dịp ngay trước và sau ngày cưới. Và trong khi Funghini nói một cách chí lý : “Chỉ nguyên sự kiện ngoại tình thì không đủ để kết luận là loại trừ sự chung thủy (bonum fidei)”, thì nhận xét sau đây của Turnaturi cũng rất đáng quan tâm : “Một người trác táng kết hôn không thành nếu, khi kết hôn, người ấy coi người phối ngẫu và coi hôn nhân chỉ như một phương tiện để thỏa mãn khuynh hướng dâm dục của mình bằng bất cứ cách nào mình muốn, và kiên định trong khuynh hướng như vậy, dù không ý thức, và nếu, vào lúc bày tỏ ưng thuận kết hôn qua những lời nói bên ngoài, người ấy không hề nghĩ đến việc dành cho người phối ngẫu quyền trên thân xác mình hợp với luật, vì là một điều vừa xa lạ với tâm lý vừa xa lạ với toàn bộ cách sống của người ấy” (88,342).
  • Như Turnaturi nói, một người như vậy kết hôn không thành, và đây chính là trường hợp của ông Ti, thụ đơn trong nố hôn phối này. Ông Ti đã đến Tòa trễ hẹn nửa tiếng đồng hồ và cho thẩm phán biết là ông sẽ phải đi sau 15 phút, và đấy là lần duy nhất ông có ý định cộng tác với Tòa án. Tuy nhiên, trong buổi gặp ngắn ngủi này, ông nói với Tòa Án rằng bàVi đã vu khống ông khi nói ông đã đi chơi điếm trong những tháng ngay trước và sau đám cưới, và khi nói ông loại trừ sự chung thủy trong hôn nhân.
Như bảo hệ viên lưu ý, lời phủ nhận của thụ đơn liên quan đến luận chứng trọng tâm là một điều nghiêm trọng, vì lời phủ nhận của chính đương sự thường khiến không thể đạt được sự xác tín luân lý. Tuy nhiên, trong trường hợp riêng biệt này, có hai yếu tố quan trọng vượt trên lệ thường ấy : một là thụ đơn từ chối không cung cấp tên những người làm chứng cho lập trường của ông, hai là chính ông là người không đáng tin cậy.
Thực vậy, cả ba nhân chứng do Vi đưa ra (Lâm, cha của Vi ; Lan, chị của Vi, và Long, một đồng nghiệp của Ti) đều làm chứng rằng Ti là một người xấu nết, bài bạc, không trung thực, từng lừa đảo trong thể thao và các công việc giao dịch, là người có “tâm bệnh” chuyên nói dối, và theo lời một nhân chứng, “là người có tâm thức luân lý suy đồi”.
  • Lan và Long làm chứng họ biết Ti đã bất trung và quan hệ xác thịt với một số phụ nữ trong suốt thời gian kết hôn với Vi, hầu hết đều là đĩ điếm. Lan khai với Tòa là vài tháng trước khi cưới Vi, chính bà cũng đã được Ti công khai đề nghị quan hệ xác thịt. Long thì làm chứng là trong một bữa tiệc mà chính Long cũng có mặt, Ti đã quan hệ tình dục với hai phụ nữ và trong đêm đó Ti còn hẹn hai phụ nữ đó cùng với hai phụ nữ khác sẽ gặp nhau vào những tuần lễ sau khi cưới Vi. Long hối tiếc vì đã không đủ mạnh mẽ cảnh giác Vi về tính lang chạ của Ti. Tuy nhiên, Lan cho biết đã nói nhiều với Vi về “vấn đề” của Ti, và dường như Vi cũng đã ý thức vấn đề và đã trao đổi với Ti, nhưng Ti bảo đảm với bà đó chỉ là chơi bời trác táng của tuổi trẻ, chứ cưới rồi ông sẽ thay đổi và tốt thôi.
  • Thực sự, sau khi cưới rồi, Vi nhận ra Ti quá quan tâm đến tình dục và đòi hỏi tình dục liên miên, không bao giờ thỏa mãn. Ông xem phim con heo, đọc sách báo tình dục, đòi hỏi tình dục ngày vài lần, gồm cả tình dục miệng và hậu môn, lại còn muốn đem về nhà những hảo hớn tình dục khác. Trong khi đó, như đã lưu ý ở trên, Ti còn bị bắt gặp ăn nằm với những phụ nữ mà ông đã gặp trong một bữa tiệc.
Sau sáu bảy tháng như vậy, Vi đã hoàn toàn chán nản và cuối cùng ngay trong năm đầu tiên chung sống, bà đã bỏ Ti để trở về sống với cha mẹ.
  • Lâm, cha của Vi, hầu như chỉ có thể làm chứng về những gì Vi đã nói với ông trong thời gian bà đã ly thân với Ti (dù sao vẫn là thời điểm không thể nghi ngờ), nhưng các nhân chứng khác, cũng như chính Vi, đã chứng tỏ trước Tòa là họ rất đáng tin cậy.
KẾT LUẬN
Bởi vậy, ghi nhận lời thẩm phán Funghini “người ta không chỉ gian ý và loại trừ sự chung thủy (bonum fidei) khi dành cho người thứ ba được quyền quan hệ xác thịt với mình, mà cả khi người ấy có ý định dành cho người phối ngẫu được quyền nhưng không phải là quyền độc chiếm, hay khi có ý định không dành cho ai quyền trên thân xác, không cho bạn đời, không cho người thứ ba mà cũng chẳng dành cho người nào khác”, và mặc dầu thụ đơn đã phủ nhận các chứng cớ, Tòa thấy đã đầy đủ chứng cớ rõ ràng để có sự xác tín luân lý rằng Ti một cách tích cực, dù mặc nhiên, đã thực sự loại trừ sự chung thủy hôn nhân.
 
  1. LOẠI TRỪ CHÍNH HÔN NHÂN (Loại trừ toàn phần)

(Quyến – Luyến)
I. SỰ KIỆN
  • Anh Quyến, cô Luyến, cả hai công giáo, đã kết hôn với nhau tại nhà thờ ngày 10/10/1997. Lúc đó anh Quyến 28 tuổi và cô Luyến 25.
  • Quyến và Luyến chỉ chung sống với nhau được 7 tuần. Chỉ vài ngày trước lễ thành hôn, Quyến phát hiện Luyến đã ăn ở với một đồng nghiệp. Quyến quyết định vẫn tiếp tục cử hành hôn lễ như đã trù định, nhưng chẳng qua chỉ để tránh cho đôi bên gia đình không phải bối rối nếu đột ngột hủy bỏ hôn lễ. Ngày 31/11/1997, anh ly thân và đệ đơn xin ly dị, và đã được Tòa án dân sự quyết định cho ly hôn ngày 06/6/1998.
  • Ngày 7/7/1998, Quyến đệ đơn xin Tòa Án Giáo Hội tuyên bố hôn nhân bất thành vì lý do anh đã loại trừ chính hôn nhân.
II. CHỨNG CỚ
Có thể tóm tắt những chứng cớ chứng tỏ Quyến đã loại trừ chính hôn nhân như sau :
  1. Sự cố “quả tang” trước ngày cưới
  • Khoảng sau hai giờ trưa thứ tư trước hôm cưới, Quyến lái xe đến ngôi nhà nơi Quyến và Luyến sẽ chung sống với nhau sau tuần trăng mật. Anh đến đó chỉ để cất một vài bộ quần áo và anh nghĩ Luyến có lẽ đang giờ làm việc. Thế nhưng lúc đến nơi, vừa định bước ra khỏi xe thì anh thấy cửa nhà mở. Luyến đang tiễn một thanh niên đi ra, và trước khi chia tay, hai người ôm hôn nhau say đắm một hồi lâu. Quyến thật sự sốc và sững sờ. Anh đợi cho người thanh niên đi khỏi, rồi đến thẳng trước mặt Luyến. Sau một thoáng bối rối, ấp úng, Luyến thú nhận mình đã quan hệ xác thịt với người thanh niên đó 4 tháng rồi.
  • Sự kiện này do nguyên đơn khai trước Tòa, nhưng đã được thụ đơn công nhận và được củng cố thêm qua lời khai của hai nhân chứng là Tuyến, anh của Quyến, và Truyền, bạn của Quyến ; tuy nhiên cả hai chỉ nghe kể lại sau tuần trăng mật của hai người.
  1. Lý do tại sao Quyến vẫn xúc tiến kết hôn
Trước buổi chiều hôm 1/10 đó (tức thứ tư trước ngày cưới), chắc chắn Quyến đã có ý định thực sự muốn cử hành hôn nhân bí tích với Luyến. Nhưng sau khi phát hiện Luyến phản bội, và sau khi lời qua tiếng lại với Luyến ngay chiều hôm ấy, Quyến đồng ý tiến hành hôn lễ như đã định, nhưng chỉ để cứu cho Luyến khỏi bị ê mặt và để tránh gây rắc rối cho cả hai gia đình nếu quyết định hủy bỏ hôn lễ vào lúc ấy. Quyến nói với Luyến là bên ngoài anh sẽ làm mọi sự như thể kết hôn, nhưng anh cũng nói rõ là đối với anh, chỉ còn là “nghi lễ rỗng tuếch”.
  1. Lý do tại sao Quyến loại trừ hôn nhân
Quyến chán nản, cảm thấy bị phản bội không chỉ vì Luyến bất trung mà còn vì cô lừa gạt anh. Anh khai với Tòa là ngay khi phát hiện Luyến phản bội, anh đã biết ngay mình không thể lấy cô ấy làm vợ. Anh tức giận, và mất hết niềm tin vào Luyến vì hành vi đáng kinh tởm ấy. Anh cho biết phải tiếp tục tiến hành hôn lễ, nhưng đối với anh đó chỉ còn là một “trò hề”. Bên ngoài hôn nhân như thành sự, nhưng anh thực sự không hề có ý nghĩ mình là chồng của Luyến.
  1. Chứng cớ hiển nhiên sau hôn lễ
  • Sau tiệc cưới, Quyến và Luyến đáp máy bay đi hưởng tuần trăng mật và ở trong một căn phòng được trang trải do anh em ruột của Luyến tặng như quà cưới (ngày cưới đã được thu xếp trước cho phù hợp với ngày thuê phòng). Trong “tuần trăng mật” đôi tân hôn vẫn ăn chung với nhau, nhưng chỉ còn là xã giao lịch sự, vì tối đến Quyến ngủ ở giường bên cạnh chứ không chung chăn gối. Đôi uyên ương chưa bao giờ hoàn hợp.
  • Trong thời gian đó đôi bạn đã trao đổi với nhau về việc sẽ chung sống với nhau bao lâu, và đã thỏa thuận là sẽ duy trì “hiện trạng” cho đến sau ngày lễ Tạ Ơn. Cả hai đều cảm thấy đây là những ngày hết sức căng thẳng, nhưng dù sao họ đã giữ đúng chương trình dự định, và Quyến duy trì được cho đến ngày 29/11.
  • …Quyến đã dùng những từ ngữ như “làm cho có lệ”, “giả tạo”, “nghi thức trống rỗng” và “bề mặt”. Luyến dùng từ ngữ nhẹ nhàng hơn, nhưng chủ yếu cũng thuật lại sự thể tương tự. Cô kể : “Buổi chiều khủng khiếp ấy, Quyến nói với tôi là anh sẽ tiến hành hôn nhân, nhưng sẽ không bao giờ coi mình như là chồng tôi”.
  1. Lời khai của các nhân chứng
Như Tòa được biết, chỉ có ba người biết rõ sự thật về nố hôn phối này (ngoại trừ chính Quyến và Luyến) : đó là tình nhân của Luyến, và hai người khác đã được Quyến hết sức tin tưởng thổ lộ cho biết, đó là anh ruột của Quyến và một người bạn thân thiết nhất của anh. Trong những ngày trăng mật trở về (thời điểm còn “nóng sốt”), Quyến đã thuật lại cho hai người ấy biết những gì đã xảy ra, và yêu cầu họ hứa không được tiết lộ cho ai biết. Hai nhân chứng này không những thuật lại cho Tòa Án những gì Quyến và Luyến kể với họ, mà còn làm chứng cả về ý định của Quyến sẵn sàng tiến hành hôn lễ nhưng không có ý thiết lập dây hôn phối và không có quan hệ vợ chồng gì với cô.
KẾT LUẬN
Như thế, ta có lời tuyên bố rõ ràng của hai đương sự, lời khai của các nhân chứng, những tình huống hiển nhiên cũng như lý do vững chắc khiến nguyên đơn “gian ý”. Tòa cho rằng đã có chứng cớ đầy đủ chứng tỏ Quyến loại trừ chính hôn nhân, và do đó Tòa tuyên bố hôn nhân vô hiệu.
 
  1. LOẠI TRỪ PHẨM GIÁ BÍ TÍCH CỦA HÔN NHÂN

(Long – Nhung)
 
I. SỰ KIỆN
  • Nhung và anh Long, cả hai công giáo, đã kết hôn tại nhà thờ ngày 19 tháng 6 năm 1976. Nhung lúc đó 23 tuổi và Long 27.
  • Hai người đã chung sống với nhau được 14 năm, và kết cục đã ly thân vào năm 1990, khi anh Long bỏ cô Nhung để kết hôn với một phụ nữ khác mà anh cùng làm việc chung từ 9 tháng trước. Hai người đã có chung với nhau 2 người con, và đã được Tòa án dân sự quyết định cho ly hôn vào ngày 10/7/1991.
  • Ngày 17/7/1999 cô Nhung đệ đơn lên Tòa án xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu vì cô đã loại trừ tính bí tích của hôn nhân.
II. CHỨNG CỚ
  • Án lệ trước đây cho rằng một hôn nhân chỉ bất thành vì lý do loại trừ phẩm giá bí tích khi một người kết hôn với điều kiện như sau : “Tôi kết hôn với anh, nhưng tôi không muốn kết hôn bí tích, và nếu phải kết hôn bí tích thì tôi không muốn kết hôn nữa”.
Pompedda đã lưu ý[13] là phẩm giá bí tích hôn nhân cũng có thể bị loại trừ theo cùng một cách thức như loại trừ việc sinh con, tính đơn nhất hay tính bất khả phân ly, vì như đ. 1101 § 2 nói : “Nếu một bên hay cả hai bên, bằng một hành vi tích cực của ý chí, loại trừ chính hôn nhân hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân, thì họ kết hôn với nhau bất thành”. Mặc dù đ. 1101 § 2 không nói một cách minh nhiên đến loại trừ phẩm giá bí tích, nhưng chắc chắn có nói đến một cách mặc nhiên, vì tất cả đều đồng ý rằng phẩm giá bí tích cũng là “chính hôn nhân, một yếu tố chính yếu của hôn nhân, hay một đặc tính chính yếu của hôn nhân”, và đ. 1101 § 2 nói rằng nếu bất cứ điều nào trong những điều ấy bị loại trừ bằng một hành vi tích cực của ý chí thì hôn nhân bất thành.
  • Trong trường hợp Long-Nhung, Tòa án đã đi đến kết luận là có đủ bằng chứng chứng tỏ cô Nhung đã thực sự loại trừ phẩm giá bí tích của hôn nhân bằng một hành vi tích cực của ý chí, và do đó hôn nhân của cô bất thành.
  • Có thể tóm tắt các chứng cớ như sau :
  1. Ba nhân chứng
  • ba nhân chứng, cả ba đều là bạn của cô Nhung thời trung học, và cũng như cô, cả ba hiện nay cùng độ tuổi 40. Thời còn đi học, cả bốn người kết nghĩa “chị em tinh thần” và đến giờ vẫn còn thân thiết với nhau, dù thực tế người này người kia ở cách xa nhau đến hàng trăm cây số. Cả ba nhân chứng đều thề trước Tòa Án sẽ trả lời những câu hỏi của Tòa Án và khai sự thật. Một người là công giáo, hai người kia là Tin Lành ; và cả ba đều được các linh mục hay mục sư chứng thực trong các bản khai của họ là những người đáng tin.
Trong những năm đầu đi học trung học với nhau, cả bốn thiếu nữ này đều chia sẻ cho nhau đến từng chi tiết những vấn đề riêng tư, những vui buồn, sợ hãi, những phiêu lưu tình cảm, cũng như những mơ ước của họ.
Vì thế, cả ba nhân chứng đều biết rất rõ về ý định của Nhung khi cô kết hôn với Long, và cả ba đều đã cung cấp cho Tòa nhiều chi tiết liên quan đến vụ việc.
  • Cả ba đều cho biết cô Nhung, dù là công giáo, nhưng trong thời gian trung học, đã hoàn toàn cắt đứt mọi quan hệ với Giáo Hội, và mặc dù cô đã miễn cưỡng chấp nhận kết hôn theo phép đạo, nhưng cô không hề coi kết ước hôn nhân của mình với Long là có tính tôn giáo, và lại càng không coi là một bí tích. Ba nhân chứng còn cho biết cô Nhung, dù biết Giáo Hội công giáo coi hôn nhân như một bí tích, nhưng chính cô lại coi toàn bộ khái niệm hôn nhân như là một “bịa đặt của Công giáo” và là “vô nghĩa”.
Tuy nhiên, các nhân chứng ghi nhận rằng cô không nói quan điểm của cô cho vị linh mục biết, vì sợ rằng ngài sẽ không cử hành phép cưới cho cô nếu cô nói ra, và cô đã hứa với cha mẹ cô là sẽ cử hành lễ cưới tại nhà thờ giáo xứ vì cô “cảm thấy mình mắc nợ họ rất nhiều”. Tuy nhiên, cô Nhung lại cho bạn bè của mình biết rất rõ là dù cô sẽ tiến tới hôn nhân với anh Long, nhưng cô không hề có ý định lãnh nhận bí tích hôn phối.
  • Nói cách khác, điều mà giáo luật gọi là “lời tự thú ngoài tư pháp” thì khó có thể có được lời tự thú nào khác rõ ràng minh bạch hơn.
  1. Tâm lý của cô Nhung vào những năm 1976
  • Năm 1985 cô Nhung thân thiết với một người hàng xóm tên là Loan, cô này cũng có hai đứa con như Nhung. Hai người cùng chơi tennis và thường xuyên nói chuyện qua điện thoại, và theo lời cô Loan hối thúc, Nhung bắt đầu đi lễ tại nhà thờ giáo xứ mình. Nhung ngỡ ngàng không thể ngờ mình lại được cộng đoàn giáo xứ, kể cả vị linh mục tiếp đón hết sức nồng hậu, và từ đó Nhung trở nên một thành viên tích cực và nhiệt thành của giáo xứ. Cô cũng đã truyền sang cho con cái cô một lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu mến Phúc Âm. Chính cô cũng tìm lại được sự bình an mới cho cuộc sống mình.
  • Tuy nhiên, vào thời gian năm 1976 Nhung là một phụ nữ nóng nảy và cay đắng, và cô hướng một phần căm giận của mình về phía Giáo Hội. Nhung không hoàn toàn ý thức được nguyên nhân tại sao mình căm giận, nhưng cô cũng cảm nhận được đôi điều. Cô là đứa con thứ hai, trong một gia đình có ba người con, và cô luôn luôn cảm thấy mình bị bỏ rơi cách nào đó. Mẹ cô có vẻ quý hóa người chị cả và đứa em trai của cô hơn, nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn của Nhung là cô muốn được cha cô quan tâm, cô luôn tìm cách tranh thủ tình cảm của ông nhưng không bao giờ cô đạt ước nguyện. Cô khao khát được cha quan tâm yêu thương, nhưng vô vọng, hầu như cha cô không bao giờ để ý đến cô.
Cha cô đi lễ Chúa nhật đều đặn, hầu như không bao giờ bỏ, nhưng cô lại biết, lúc đó cô đang học trung học, rằng cha cô có một cô bồ nhí, và thế là cô tin chắc rằng tất cả mọi người công giáo đi lễ đều đặn đều là những kẻ giả hình. Trong nỗi cay đắng cuộc đời, Nhung đi đến xác tín rằng chính Giáo Hội công giáo chẳng qua chỉ là một trò hề giả dối, khoa trương.
  1. Những năm trung học của Nhung
Trong hai năm đầu cấp ba trung học, Nhung có đôi lần say xỉn, hút cần sa và  quan hệ tình dục với ba bốn thanh niên. Trước đó, lúc học cấp hai Nhung đã gặp Long, và hai người thường đi chung với nhau. Long có vẻ rầu rĩ và như trầm cảm, nhưng anh lại lịch lãm với Nhung, quan tâm đến cô và trung thành với cô. Anh hơn cô 4 tuổi, làm kế toán viên. Quan hệ giữa hai người là quan hệ tình dục. Long không thể đem lại cho cuộc đời Nhung niềm vui thực sự, nhưng may mắn cô có được ba người bạn gái cùng cô “kết nghĩa tinh thần”. Và chính ba người chị em tinh thần này đã là động lực nâng đỡ cô về mặt tình cảm rất nhiều trong những năm trung học.
  1. Lời tự thú tư pháp
  • Nhung khai trước Tòa là vào mùa thu năm cuối trung học, cô và Long đính hôn và quyết định kết hôn. Vì Long, cũng giống như Nhung, không có liên lạc gì với Giáo Hội công giáo, nên cả hai dự định sẽ tổ chức kết hôn đời. Nhưng khi Nhung báo tin cho cha mẹ cô biết cô sẽ kết hôn, thì cha mẹ cô nài nỉ cô hãy kết hôn trong nhà thờ. Cha mẹ cô cho biết đối với Giáo Hội công giáo hôn nhân dân sự không có giá trị, và do đó đối với họ là cha mẹ cô, cũng thế. Ý tưởng đầu tiên của Nhung khi nghe nói vậy là : dù sao cha mẹ cô đã trả tiền cho cô đi học, và cho dù cô có thể bị tổn thương khi phải chịu đựng những nghi lễ vô nghĩa của Giáo Hội, nhưng có lẽ cô nên trả nợ cho cha mẹ mình. Và ý tưởng thứ hai đến với cô là, có lẽ khi làm thế, cha cô sẽ dành cho cô một chút quan tâm.
  • Nhung không bao giờ tỏ lộ cho cha mẹ cô biết cô vô cùng ác cảm với Giáo Hội công giáo, nhưng trong riêng tư cô căm phẫn cho biết cô đành phải chấp nhận kết hôn tại nhà thờ, và cô nói với ba người bạn của mình : “Các bạn hãy tin chắc là tôi sẽ không lãnh nhận bất cứ bí tích nào. Tôi không tin vào đồ cứt ấy”. Nhung rõ ràng đã tỏ ra bối rối khi phải khai điều này trước Tòa và đã xin lỗi vì đã dùng lời lẽ khiếm nhã. Cô cũng cho biết là ngay cả ba người bạn của cô trước đấy nhiều năm cũng đã từng bị sốc trước phản ứng dữ dội của cô như vậy, nhưng như thường lệ họ luôn luôn thông cảm với cô.
KẾT LUẬN
Như vậy, mọi sự đã rõ ràng. Chúng ta đã có được lời tự thú tư pháp hết sức rõ ràng và minh bạch của đương sự, những lời tự thú ngoài tư pháp được khẳng định nhiều lần trước mặt ba nhân chứng là những người bạn thân thiết của đương sự, một lý do đầy đủ tại sao cô kết hôn, và một lý do thuyết phục cho thấy tại sao cô “gian ý”, loại trừ. Tất cả những chứng cớ ấy chứng tỏ rõ ràng cô Nhung kết hôn, nhưng lại loại trừ phẩm giá bí tích của hôn nhân bằng một hành vi tích cực của ý chí.

Dom. Nguyễn Văn Mạnh
Đại Diện Tư Pháp Gp Đà Lạt
[1] “Gian ý” không nhất thiết đồng nghĩa với “ý gian”, thí dụ trường hợp đương sự có thể hành động do bị thúc đẩy bởi một sự lầm lẫn bất khả kháng, và như vậy không có lỗi về mặt luân lý. “Gian ý” ở đây chủ yếu để chỉ sự khác biệt giữa điều được tuyên bố bên ngoài (chấp nhận hôn nhân giáo luật) với ý muốn thực sự của đương sự mà ở đây giả thiết là loại trừ nó, hoặc cách toàn diện hoặc liên quan đến một trong những khía cạnh chính yếu của nó.
[2] Về thời điểm : càng sát gần hay chung quanh ngày cưới, càng quan trọng. Về nội dung : là những câu bâng quơ, nói đùa, hay những lời nghiêm chỉnh. Về tính đáng tin cậy của nhân chứng : thí dụ các linh mục tu sĩ, ít là cách khách quan, thường được công luận coi là đáng tin cậy.
[3] Lý do kết hôn càng yếu (dưới khía cạnh luân lý và Kitô giáo), thí dụ vì lợi lộc, vì lầm lỡ, vì áp lực của người khác, thì khả thể gian ý càng mạnh. Trái lại, lý do kết hôn càng thanh cao mạnh mẽ, thí dụ vì yêu thương nhau (nhưng không theo nghĩa chỉ là những quyến rũ tình cảm xác thịt), thì sự gian ý càng ít khả thể.
[4] Thí dụ một người biết mình bị một chứng bệnh di truyền nghiêm trọng sẽ có lý do mạnh hơn để loại trừ không muốn có con.
[5] Thí dụ nếu trong thời kỳ đính hôn hay xảy ra cãi cọ, đổ vỡ, thì có nhiều nguy cơ họ sẽ loại trừ tính bất khả phân ly ; nếu trong ngày cưới mà một người phối ngẫu tỏ ra buồn bã hay khó chịu, thì rất có thể đó là dấu người ấy đã vướng mắc tình cảm yêu đương với một người khác, dấu chứng của một sự loại trừ sự chung thủy ; hoặc nữa, nếu trong đời sống vợ chồng mà thực hiện kế hoạch ngừa thai đều đặn kỹ lưỡng với những phương pháp đạt hiệu quả cao, thậm chí cả cố tình phá thai, thì đó là dấu chứng tỏ họ loại trừ việc sinh con.
[6] Án lệ thường gọi lý do gian ý này là “bằng chứng đệ nhất” (regina probationum).
[7] x. Giáo luật 1917, đ. 1086 § 2.
[8] Thí dụ gian ý loại trừ đến sau khi đã kết hôn : “vì vợ chồng cứ lục đục, lại có chuyện chồng ăn chả vợ ăn nem, nên tôi không sinh con, để chúng không phải gánh chịu những hậu quả thê thảm của một hôn nhân thất bại” ; hay “vì chồng tôi mắc bệnh nan y, nên tôi không muốn sinh con với anh ấy, kẻo chúng mới ra đời đã vội mồ côi cha”.
[9] Người không sống đạo, xa lạ với những nguyên tắc Kitô giáo và kết hôn với một lý do ít thấm nhiễm tinh thần Kitô, thí dụ vì say mê nhau theo nghĩa cảm xúc và bề ngoài ; để thoát khỏi sự ràng buộc của bố mẹ ; để cùng người phối ngẫu trải nghiệm những giây phút thoải mái, thì dễ có gian ý hơn.
[10] Từ ngữ có nguồn gốc từ suy tư của thánh Augustinô về hôn nhân (x. De bono coniugali, III, 3, in PL 40, 375).
[11] x. BGL 1917, đ. 1013 § 1 ; BGL 1983, đ. 1056.
[12] Coram Colagiovanni, 2/2/1988, trong ARRT 12, LXXX, 61.
[13] M.F. POMPEDDA, Fede e sacramento del matrimonio, Mancanza di fede e consenso matrimoniale : aspetti giuridici, trong Quaderni Studio Rotale, II, tr. 58tt.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay1,145
  • Tháng hiện tại35,787
  • Tổng lượt truy cập11,236,159
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi