TỔNG QUÁT NHỮNG ÁN LÝ VỀ VÔ HIỆU CỦA HÔN NHÂN - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ hai - 12/06/2017 18:47
Theo tinh thần của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông thư Chúa Giêsu Thẩm Nhân từ (Mitis Iudex Dominus Iesus), về cải tổ thủ tục tòa án hôn phối, bài viết trình bày những điểm căn bản về án lý vô hiệu hôn nhân minh họa bằng những ví dụ cụ thể, giúp mục tử và giáo dân tiếp cận dễ dàng hơn với vấn đề tòa án hôn phối.
Hon phoi
Hon phoi
 
TỔNG QUÁT NHỮNG ÁN LÝ VÔ HIỆU CỦA HÔN NHÂN
 
Lm. JB Lê Ngọc Dũng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông thư Chúa Giêsu Thẩm Nhân từ (Mitis Iudex Dominus Iesus), về cải tổ thủ tục tòa án hôn phối, đã muốn xúc tiến mạnh mẽ hơn việc đưa những người ly dị tái hôn về hiệp thông bình thường đối với giáo hội qua việc tòa án hôn phối giáo phận công bố hôn nhân của họ là vô hiệu. 
Việc công bố hôn nhân vô hiệu hệ tại ở việc tìm thấy hành vi kết ước hôn nhân bị khiếm khuyết nghiêm trọng khiến nó không hữu hiệu (invalid). Tòa án khi tuyên bố vô hiệu như vậy phải căn cứ trên những lý do mà luật ấn định rõ ràng là làm cho sự kết ước hôn nhân vô hiệu. Những lý do này không đơn giản và dễ hiểu. Ở đây chỉ xin trình bày một cách tổng quát những nét chính yếu có kèm theo các ví dụ cụ thể.
Theo giáo thuyết Công Giáo, yếu tố pháp lý chính yếu nhất để trở thành vợ chồng chính là sự kết ước hôn nhân (đ. 1055). Sự kết ước này được thành lập bởi sự “ưng thuận” tự do kết hôn của hai người nam nữ, mà không ai có thể thay thế được. Giáo luật quy định về sự thành lập hôn nhân và sự ưng thuận kết ước như sau:
Chính sự ưng thuận của đôi bên được biểu lộ cách hợp thức giữa những người có năng cách về mặt pháp lý làm nên hôn nhân và không một quyền lực nào của loài người có thể thay thế được sự ưng thuận ấy (đ.  1057§1).
Ba yếu tố chính yếu làm nên kết ước hôn nhân:
- được thực hiện bởi người có năng cách pháp lý; 
-
sự ưng thuận của đôi bên;
-
sự ưng thuận phải được biểu lộ hợp thức.
Thiếu hoặc khiếm khuyết một trong ba yếu tố này, kết ước hôn nhân có thể sẽ vô hiệu (invalid), còn gọi là “không hữu hiệu” hay “bất thành”.
 
a- Người có năng cách pháp lý, tức là những người được Giáo luật công nhận là có đủ khả năng và tư cách để kết hôn. Không có năng cách pháp lý kết hôn được Giáo luật quy định qua 12 ngăn trở tiêu hôn. Người đang vướng ngăn trở tiêu hôn này thì hôn nhân bị hủy tiêu, nghĩa là vô hiệu.
b- Sự ưng thuận phải được thực hiện trong sự sáng suốt của lý trí và ước muốn tự do. Nếu không, sự ưng thuận có thể bị hà tỳ và sự kết hôn sẽ vô hiệu.
c- Sự ưng thuận phải được biểu lộ hợp thức, nghĩa là sự ưng thuân phải được biểu lộ theo những hình thức mà luật hay lệ quy định. Trong hôn nhân Công Giáo, nó phải cử hành theo thể thức được Giáo luật quy định (forma canonica), tức là cử hành nghi thức kết hôn, trong thánh lễ hay ngoài thánh lễ. Không cử hành hoặc cử hành không đúng theo thể thức luật quy định thì kết hôn vô hiệu.
Sự vô hiệu hôn nhân vì vậy được chia thành ba nhóm:
- do mắc ngăn trở tiêu hôn;
- sự ưng thuận bị hà tỳ;
- thiếu thể thức giáo luật.

1. NGĂN TRỞ TIÊU HÔN

Giáo Luật quy định 12 ngăn trở tiêu hôn, bao gồm (đ.1083-1094):
  1. Tuổi (đ.1083§1): chưa đủ 16-14 tuổi trọn kết hôn bất thành.
  2. Bất lực giao hợp (đ. 1094§1): Bất lực có trước kết hôn và vĩnh viễn, về phía người nam hay người nữ, tuyệt đối hay tương đối thì làm hôn nhân bất thành. Tương đối là chỉ đối với một số người nào đó chứ không với hết mọi người. Người nữ có thể bị bất lực tương đối với một người chồng nào đó, thường do bị sốc tâm lý.
  3. Dây hôn phối (đ. 1085§1): Đang bị ràng buộc bởi dây hôn phối trước, dù chưa hoàn hợp, dù là dây hôn phối của hai người lương, kết hôn bất thành.
  4. Khác đạo (đ. 1086): Kết hôn giữa người Công Giáo và một người không được rửa tội thì bất thành.
  5. Chức Thánh (đ. 1087): Phó tế, linh mục… kết hôn bất thành.
  6. Khấn dòng (đ. 1088): Tu sĩ trong một hội dòng đang bị ràng buộc bởi lời khấn công vĩnh viễn giữ đức khiết tịnh kết hôn bất thành.
  7. Bắt cóc (đ. 1089): Người nữ bị bắt cóc hay bị giam giữ để bị buộc kết hôn thì kết hôn bất thành.
  8. Tội ác (đ. 1090): Người có chủ ý kết hôn và gây ra cái chết của phối ngẫu người ấy hay của mình thì kết hôn bất thành.
  9. Họ máu (đ. 1091): Hai người có liên hệ họ máu hàng dọc kết hôn bất thành. Trong họ máu hàng ngang, hôn nhân bất thành đến hết bậc thứ bốn. Ví dụ, anh em họ con chú con bác hay cậu dì, có liên hệ họ máu hàng ngang 4 bậc, kết hôn bất thành.
  10.  Họ kết bạn (hôn thuộc) (đ. 1092): Họ kết bạn được hình thành do cuộc kết hôn thành sự; kết hôn bất thành bất cứ có liên hệ hôn thuộc hàng dọc nào. Ví dụ, sau khi vợ chết, người chồng kết hôn với mẹ vợ hay con gái riêng của vợ đều bất thành.
  11.  Công hạnh (liêm sĩ) (đ. 1093): Phát sinh do kết hôn bất thành hay sống chung công khai hay hiển nhiên. Ngăn trở này tiêu hôn ở bậc thứ nhất hàng dọc. Ví dụ, người đàn ông kết hôn với mẹ hay con riêng của người đàn bà mà mình đã từng sống chung, thì bất thành.
  12.  Pháp tộc: do việc nhận con nuôi được pháp lý công nhận, kết hôn bất thành ở hành dọc hoặc ở bậc thứ hai thuộc hàng ngang. Có họ thiêng liêng, qua việc đở đầu Rửa tội không gây ngăn trở tiêu hôn.
Ít khi xảy ra kết hôn bất thành do ngăn trở. Ở tòa án hôn phối, đôi khi chỉ xảy ra trường hợp bất lực hoặc dây hôn phối.
 

2. HÀ TỲ ƯNG THUẬN

Yếu tố quan trọng nhất để kết ước hôn nhân thành sự chính là sự ưng thuận nhận nhau làm vợ chồng. Khi sự ưng thuận này bị khiếm khuyết hay hà tỳ, kết ước hôn nhân bất thành.
Sự ưng thuận là một hành vi của con người với hai yếu tố cơ bản: lý trí và ý chí, nghĩa là, để thực hiện sự ưng thuận hữu hiệu, người đó phải có đủ hiểu biết và có ý muốn tự do.
Sau đây là những lý do hay những cơ sở gây tiêu hôn được Giáo Luật quy định một cách minh nhiên.

 

2.1. Thiếu khả năng kết hôn (đ. 1095)

a. Do thiếu phân định thích đáng về nghĩa vụ hôn nhân

Người thiếu nghiêm trọng sự phân định thích đáng (defectu discretionis iudicii) về những quyền lợi và bổn phận trao ban cho nhau trong hôn nhân thì kết hôn vô hiệu (đ. 1095,20).
Được xem là thiếu phân định thích đáng khi:  1- không làm chủ được hành vi suy biết của mình, hoặc 2- nhận định sai lạc về nghĩa vụ trao ban cho nhau. Ví dụ, chồng coi mình có quyền độc đoán, coi vợ như tỳ thiếp, như nô lệ, như một nơi thỏa mãn nhục dục.
Những nguyên nhân của thiếu phân định có thể là:
- Không có khả năng kiềm chế hay kiểm soát các bốc đồng và các đam mê, được thấy ở một số trường hợp: có bệnh tâm trí, hoang tưởng; nghiện hút; nghiện rượu, đam mê cờ bạc, hung bạo.
- Nhạy cảm thái quá về nhục dục hay đam mê tính, được thấy trong một số trường hợp: sống bê tha vô trách nhiệm.
- Không chắc chắn trong các quyết định (thiếu quả quyết) về tình cảm và xu hướng.
- Rất khó để khôi phục mối tương giao với người khác và với xã hội, thích sống cuộc sống tầm thường vô vị, thiếu ý nghĩa nhất là trong công việc hay là nặng trĩu với những kinh nghiệm nguy hiểm về tình dục.
Những trường hợp cụ thể có thể được Tòa án hôn phối cứu xét là:
- Bị bệnh tâm trí
- Rối loạn nhân cách
- Sống bê tha, rượu chè, cờ bạc…
- Thường xuyên đánh đập vợ con
- Lệ thuộc cha mẹ mà không làm chủ được đời sống vợ chồng
- Sống lập dị hoặc có tư tưởng và phong tục tập quán khác xa xã hội hiện đại.

b. Do bản chất tâm lý không thể chu toàn nghĩa vụ hôn nhân (đ.1095,30)

Những sự kiện có thể xảy ra tương tự như do thiếu phân định thích đáng nhưng lại có nguồn gốc từ tâm lý. Có thể kể các trường hợp:
- Rối loạn nhân cách (personality disorder); loạn thần kinh chức năng (neuroses); loạn thần kinh (psychoses); rối loạn do lo âu (anxiety disorder); rối loạn do tâm thần phân liệt (schizophrenia), rối loạn cảm xúc nặng hay trầm cảm (dysthymic disorde);
- Nghiện rượu (alcohol dependence) và các chất kích thích khác như ma túy…
- Rối loạn tình dục hay rối loạn tâm sinh dục (psychosexual);
- Đồng tính luyến ái (homosexuality).
- Bản chất hung hãn bạo động, thường xuyên đánh đập vợ.
- Có bệnh nguy hiểm như AIDS (Acquired Immune Deficiency Syndrome).
Một số luật gia còn xét theo một ý niệm là sự thiếu “trưởng thành tâm lý tình cảm cho cả hai khoảng số 2 và 3 của điều 1095.

 

2.2 Không biết (đ. 1096)

Không biết hôn nhân là một sự hiệp thông vĩnh viễn giữa một người nam và một người nữ, nhắm đến việc sinh sản con cái do một sự cộng tác nào đó thuộc phái tính, thì kết hôn bất thành (đ. 1096). Ví dụ: Một cô gái tưởng rằng chỉ hôn nhau cũng đã có thể sinh con hoặc tưởng rằng kết hôn là để sống chung với nhau như anh em.
 

2.3. Lầm lẫn:

a. Lầm lẫn nhân thân (đ. 1097§1)

Lầm lẫn nhân thân là lầm người này với người khác; hoặc lầm nhiều đặc tính về một người khiến tưởng người này nhưng hóa ra người khác. Ví dụ, tưởng là anh hùng chiến sĩ nhưng thực tế chỉ là tên tướng cướp hay tên trộm vặt; tưởng là một người có ăn học đàng hoàng nhưng thực ra là một kẻ thất học lêu lổng; tưởng là cô gái nết na nhưng thực ra là gái điếm.

b. Lầm lẫn một phẩm cách được nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu (đ. 1097§2)

Được coi là nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu khi phẩm cách đó được chú trọng hơn là chính con người. Ví dụ, cô nàng kết hôn chỉ vì anh ấy là bác sĩ nhưng thực tế anh ấy chỉ là y tá; anh nhắm đến cô gái còn trinh thì mới kết hôn nhưng thực tế anh bị sai lầm; anh tin rằng cô gái này đã hoàn lương nên anh mới kết hôn nhưng thực tế thì anh bị lầm. Những lầm lẫn khác dù nhiều nhưng đó không phải là điều trực tiếp và chính yếu được nhắm đến thì không làm tiêu hôn.

c. Lầm lẫn do lừa gạt (đ. 1098)

Lầm lẫn do lừa gạt về một điều tự bản chất có thể gây xáo trộn nghiêm trọng trong đời sống vợ chồng thì làm hôn nhân vô hiệu. Ví dụ như che dấu: sự vô sinh, có con riêng, bệnh truyền nhiễm nặng, nợ nần nghiêm trọng; hoặc đóng kịch: giàu có, địa vị cao, quyền lực…. Tuy nhiên, lừa gạt về một điều tự nó không gây xáo trộn đời sống vợ chồng thì không gây tiêu hôn, ví dụ như che dấu việc hay hút thuốc, tính xấu…
 

2.4. Kết hôn giả hình, simulatio (đ. 1101§2)

 Kết hôn giả hình là khi kết hôn đã có ý chí tích cực hay ý muốn loại trừ chính hôn nhân hay một điều chính yếu nào của hôn nhân, như sự thiện ích hôn nhân, tính bất khả phân ly, sự chung thủy đơn nhất, thiện ích con cái.
Ý muốn loại trừ này cũng có thể được hiểu là sự không tôn trọng, coi thường, ví dụ như khi kết ước hôn nhân suốt đời mà trong lòng lại không tôn trọng tính bất khả phân ly, hoặc như khi kết ước hôn nhân mà một người vẫn giữ quan niệm rằng: nếu hôn nhân không hạnh phúc thì sẽ chia tay.

a. Loại trừ (exclude) chính hôn nhân

Kết hôn cốt chỉ lấy hình thức để được lợi điều gì khác chứ không phải vì chính hôn nhân. Ví dụ như kết hôn chỉ để được sang định cư ở Mỹ và sau đó ly dị; hoặc kết hôn chỉ để lấy danh dự sau đó thì chia tay.

b. Loại trừ thiện ích của hôn nhân (bonum coniugum)

Loại trừ thiện ích hôn nhân như loại bỏ bổn phận xây dựng hạnh phúc gia đình. Ví dụ kết hôn với quan niệm người vợ chỉ như người đầy tớ, hay như người phục vụ; hoặc như kết hôn chỉ để lợi dụng tiền bạc, danh tiếng chứ không phải vì những thiện ích vợ chồng; hoặc kết hôn chỉ để trả thù.

c. Loại trừ tính bất khả phân ly (bonum sacramentum), sự chung thủy đơn nhất (bonum fidei)

Sự loại trừ này là có ý định không tôn trọng luật bất khả phân ly hay đơn nhất của hôn nhân.
 Án lệ thường đòi ý nghĩ loại trừ phải minh nhiên, nghĩa là đòi phải có chứng cứ về sự biểu lộ bằng lời nói hay hành vi về sự loại trừ, nhưng án lệ cũng chấp nhận nó có thể là mặc nhiên miễn là có cơ sở để suy đoán ra được.
Sự thiếu đức tin hoặc đã quen sống trong nếp văn hóa, tôn giáo đa thê hay chấp nhận cho lý dị tái hôn có thể góp phần rất lớn trong suy đoán rằng một người đã kết hôn giả hình.
Ngoại trừ những thú nhận minh nhiên của đương sự, những sự kiện sau cũng giúp xác định cho kết hôn giả hình:
  • Thường xuyên ngoan cố trong mối liên hệ ngoài hôn nhân vào thời gian kết hôn hay một thời gian ngay sau khi kết hôn.
  • Dành cho mình quyền quan hệ tình dục với những người khác.
  • Kết hôn nhiều lần: lần hai rồi lần ba...
  • Thời gian chung sống quá ngắn ngũi, do sự rút lui đơn phương và cương quyết dù người kia không muốn và còn đang tìm cách cứu vãn.
  • Người nữ lỡ có thai đành phải kết hôn nhưng trong lòng không muốn kết hôn vĩnh viễn, sau đó có cơ hội thì tự ý chia tay.

d. Loại bỏ thiện ích con cái (bonum prolis):  

Loại bỏ thiện ích con cái (bonum prolis) có thể là loại bỏ sự sinh sản hay loại bỏ sự nuôi dưỡng giáo dục con cái. Ví dụ: phá thai, ngừa thai liên tục với ý không sinh con, có theo đạo mà không cho con được rửa tội; hoặc sinh con ra mà không lo giáo dục mà chỉ bắt chúng lao động kiếm tiền.
 

2.5. Kết hôn với điều kiện (đ.1102)

2.5.1. Điều kiện tương lai (đ. 1102§1)     

Được coi là điều kiện kết hôn khi một điều được đặt ra như một điều tiên quyết để kết hôn, nghĩa là, nếu không đồng ý với điều kiện đó thì bên kia sẽ không chịu kết hôn. Nói một cách khác, người kết hôn ra điều kiện thì người này coi điều kiện là quan trọng hơn là chính người mình sẽ kết hôn.
Ví dụ:
“Anh theo đạo để kết hôn với tôi nhưng nếu anh không giữ đạo tôi sẽ không kết hôn”;
“Nếu sau kết hôn mà anh không định cư ở Úc thì tôi không kết hôn”;
“Nếu sau kết hôn 2 năm mà anh không đậu bằng đại học thì tôi không kết hôn”...
Lý do sự vô hiệu hôn nhân do có điều kiện tương lai là chính ý nghĩa của hôn nhân. Kết hôn là kết ước để yêu và sống với người yêu suốt đời chứ không phải vì một điều khác. Nếu vì điều khác thì coi hôn ước như là phương tiện để đạt được điều khác đó. Vì vậy, ngay cả sau khi kết hôn mà điều kiện đã được hay chưa hoàn thành, hôn nhân đều được xét là vô hiệu.

2.5.2. Điều kiện quá khứ hay hiện tại (đ.1102§2)

Điều kiện về quá khứ, Vd: “Tôi lấy anh, với điều kiện là mẹ anh đã chết”; hoặc hiện tại, Vd. “Tôi lấy em, với điều kiện em còn là trinh nữ”.
Điều kiện về quá khứ hay hiện tại chỉ vô hiệu hôn nhân khi điều kiện không được thỏa mãn.

 

2.6. Kết hôn do sợ hãi nghiêm trọng (đ. 1103)

Sự sợ khiến khiếm khuyết tự do ưng thuận, làm kết hôn vô hiệu. Có nhiều mức độ sợ hãi nhưng Giáo Luật đòi sợ phải là nghiêm trọng để xét là vô hiệu hôn nhân. Một số ví dụ có thể kể như:
  • Bị cha mẹ đe dọa nặng nề (đánh đập, từ bỏ, cắt giảm quyền thừa kế…) nên đành kết hôn,
  • Sợ bị mất danh dự, mất nghề nghiệp, tổn hại… Ví dụ, nếu không kết hôn thì bị chủ sa thải; phụ nữ lỡ có thai nên sợ hãi, đành kết hôn…
  • Do kính sợ cha mẹ, không muốn cha mẹ tức giận hay làm buồn lòng cha mẹ, hay không muốn làm cho cha mẹ đau bệnh thêm nên miễn cưỡng kết hôn. Đây là một khái niệm mới, gọi là “kính sợ” (timor reverentialis) được án lệ hiện nay chấp nhận xét là vô hiệu hóa hôn nhân.
  •  

3. THIẾU THỂ THỨC GIÁO LUẬT (forma canonica)

Nếu không cử hành theo thể thức giáo luật hay cử hành mà không thực hiện đầy đủ những yếu tố cần thiết mà luật đòi để được hữu hiệu thì sự kết ước vô hiệu.
Sự vô hiệu hôn nhân do thiếu thể thức ít khi xảy ra. Tuy nhiên cũng có thể kể một số trường hợp cử hành hôn nhân theo đặc ân thánh Phaolô (đ. 1143) nhưng không tra vấn (interpellatio) mà không xin Đấng Bản Quyền miễn chuẩn tra vấn (đ. 1144).

Phụ chú
Các thẩm phán cũng không được tự do nhận bất cứ vụ án nào, chỉ nhận xử khi “chắc chắn rằng hôn nhân đã đổ vỡ không còn sửa chữa được, đến nỗi không thể tái lập đời sống chung vợ chồng” (đ. 1675).
Vì hôn nhân đã đỗ vỡ, nếu có sự thiệt hại cho con cái thì đã xảy ra. Tòa án hôn phối khi tuyên bố hôn nhân vô hiệu hầu như không làm tổn hại đến con cái.

Lm. JB Lê Ngọc Dũng
Cập nhật ngày 13-6-2017

Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 6 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập103
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm101
  • Hôm nay830
  • Tháng hiện tại29,341
  • Tổng lượt truy cập11,182,674
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi